Diễn tiến về cuộc chiến đấu gian lao cho nền độc lập của dân Việt

Bản đồ trận chiến Tụy Động ( Tốt Động – Chúc Động) phỏng định theo sử liệu (Địa hình sông núi được vẽ lại từ Google Earth)
Trần Việt Bắc
Ghi chú:
Những chữ viết tắt và các tài liệu tham khảo:
ĐVSKTT: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Ngô Sĩ Liên
KĐVSTGCM hay (CM): Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (viết tắt là Cương Mục) LSTL: Lam Sơn Thực Lục – Nguyễn Trãi
ĐVTS: Đại Việt Thông Sử – Lê Quý Đôn
Việt Sử Tiêu Án – Ngô Thời Sĩ
ĐNNTC: Đại Nam Nhất Thống Chí – Quốc Sử Quán triều Nguyễn
ĐKĐDC: Đồng Khánh Địa Dư Chí
ĐNVNQCĐ: Đất Nước Việt Nam qua các đời – Đào Duy Anh
VNSL: Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim
Việt Sử Toàn Thư – Phạm Văn Sơn
Việt Sử Tân Biên – Phạm Văn Sơn
Việt Sử Khảo Luận – Hoàng Cơ Thụy
Việt Sử Đại Cương – Trần Gia Phụng
Minh Sử quyển 9 (trong Internet – dùng HanoConv1.0 software để dịch ra Hán Nôm), cùng những bản dịch về Minh sử liệt truyện của dịch giả Tích Dã trong diễn đàn Việt Sử của Viện Việt Học
Minh Thực Lục- các đoạn dịch trong bài viết “Về cuộc kháng chiến chống quân Minh” của tác giả Hồ Bạch Thảo
Bản đồ các tỉnh, huyện của Việt Nam từ Internet.Âm lịch được chuyển sang dương lịch: “Lunar Calender” trong “Ho Ngoc Duc’s Homepage”
Nhà Trần suy nhược, Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần. Nhà Minh mượn lý do “khôi phục nhà Trần” để xâm chiếm nước Việt. Cuộc chiến của nhà Hồ chống quân xâm lăng bắc phương đã thất bại. Nhà Minh đặt nước Việt dưới ách bắc thuộc một cách rất tàn bạo. Chịu cảnh bị trị dã man, dân Việt mong chờ một vị anh hùng đứng lên lãnh đạo, để cởi bỏ ách thống trị của ngoại bang, lấy lại nền tự chủ cho dân Việt.
Lê Lợi, người anh hùng áo vải đất Lam Sơn, thường nói ” Bậc trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, lưu lại tiếng thơm ngàn năm sau, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?” (ĐVSKTT), với quyết tâm này, ông đã không chịu khuất phục, đứng lên dựng cờ khởi nghĩa. Lê Lợi với những người cùng chí hướng đã chiến đấu gian khổ trong mười năm chống lại ngoại bang. Cuối cùng đã thành công vẻ vang, đã dành lại nền độc lập cho nước Việt.
Cuộc chiến đấu cam go đã xảy ra như thế nào? Chúng ta – hậu thế – cùng tìm hiểu để ghi lại những trang sử bất khuất của tiền nhân, những người đã làm nên lịch sử.
Kẻ lãnh đạo một cuộc quật khởi lớn lao cần ba yếu tố chính để đưa đến thành công là “thiên thời, địa lợi và nhân hoà”. Ông Lê Lợi và những nghĩa sĩ khác đã nổi lên đúng thời để nắm lấy cơ hội, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã có yếu tố “thiên thời”. Áp dụng chiến thuật (tatic) du kích và phục kích, lấy yếu chống mạnh, nghĩa quân đã có những chiến thắng nhỏ, tuy nhiên chiến bại cũng nhiều. Đây là những bước đầu cực kỳ gian nan của cuộc khởi nghĩa ở Thanh Hóa; với những thắng cùng bại không lối thoát; vì thiếu chiến lược (strategy) qui mô.
Yếu tố “địa lợi” đã bị vây hãm bởi áp lực từ ba hướng, đó là chủ lực của quân Minh ở Đông Quan (Hà Nội ngày nay) từ phía bắc, đại quân ở Tây Đô (kinh đô của nhà Hồ) từ phía đông kế bên, rồi từ phía tây Ai Lao đã bị quân Minh mua chuộc, những lực lượng này có thể trấn áp vùng Lam Sơn bất cứ lúc nào. Nghĩa quân Lam Sơn đã bị bao vây từ ba hướng, gần như không lối thoát ngoại trừ hướng nam. Nguyễn Chích đưa ra một chiến lược mới để có thể đạt được yếu tố “địa lợi” là tiến về phía nam, vùng Nghệ An, nơi không có áp lực mạnh của quân Minh. Nguyễn Trãi đưa ra chiến lược “công tâm”để chiếm lấy lòng dân cho yếu tố “nhân hòa”. Tuy nhiên phải có dân để “nhân hoà”, vùng núi non chập chùng Thanh Hóa không có đủ dân để chiến lược “công tâm ” có thể áp dụng. Hai yếu tố “địa lợi” và “nhân hòa” hỗ trợ lẫn nhau. Sự khôn khéo của một người lãnh đạo tài ba là biết dùng người, người thủ lĩnh Lam Sơn đã nghe theo và thi hành, để cuối cùng đã đạt được thắng lợi, lấy lại nền tự chủ cho dân Việt từ tay ngoại bang.
Khởi nghĩa Lam Sơn có thể chia làm bốn giai đoạn:
A-Gian nan lúc khởi đầu tại Lam Sơn, Thanh Hóa
B-Tiến chiếm và làm chủ phía nam
C-Chiến dịch bắc tiến và những trận chiến quyết định
D-Thành công và thiết lập nền tự chủ.

Bản đồ Đông Quan (Hà Nội), Tây Đô (Thanh Hóa) thời Minh thuộc
A- Gian nan lúc khởi đầu tại Lam Sơn, Thanh Hóa
Ông Lê Lợi dù đã biết là “trước đó, bọn Đặng Tất, Nguyễn Súy ở Châu Hóa cùng lập con cháu nhà Trần là Trần Ngỗi, Trần Khoáng làm vua. Nhưng vua thấy họ yếu hèn, lại say đắm tửu sắc, biết là chẳng làm nên chuyện, mới ẩn náu chốn núi rừng, dụng tâm nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân chúng lưu ly, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn” (ĐVSKTT).
Ngưòi Minh đã mang quan chức để dụ dỗ, nhưng ông không chịu khuất phục, khảng khái không nhận. Ông “đã từng bảo mọi người: Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược” (ĐVSKTT).
Sau hội thề ở Lũng Nhai 1, người anh hùng áo vải đất Lam Sơn cùng với 18 nghĩa sĩ khác đã chính thức dương cờ khởi nghĩa ngày 14 tháng 2 năm 1418 2 “( ĐVSKTT: Mậu Tuất, [1418], …. Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Thân )” .
1- Sơ lược về địa lý vùng Thanh Hóa
Tỉnh Thanh Hóa ngày nay phía bắc giáp ba tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Ninh Bình, phía nam giáp tỉnh Nghệ An, phía tây giáp Ai Lao, phía đông gíap biển Nam Hải. Hầu hết đất đai của Thanh Hóa là vùng đồi núi chập chùng, chiếm khoảng 3/4 diện tích của tỉnh về phía tây.Diện tích của Thanh Hóa khá lớn (11000 Km2) so với các tỉnh khác của Việt Nam, vì thế 1/4 diện tích còn lại cũng là miền đồng bằng khá rộng. Tỉnh Thanh Hóa có hai sông chính là sông Mã (cũng gọi là Lỗi Giang thời xưa) và sông Chu. Hai sông này phát nguồn từ Ai Lao, phía đông bắc của rặng Trường Sơn. Tỉnh Thanh Hóa dân số khá đông, ngày nay dân số khoảng 3.5 triệu người gồm các dân tộc Việt, Mường, Thái, Thổ, Dao, H’Mmong, Khơ Mú.
Cuối thời Trần, Thanh Hóa là trấn Thanh Đô, thời nhà Hồ, Hồ Hán Thương đổi thành phủ Thiên Xương. Thời Minh thuộc đổi lại là phủ Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa có thành Tây Đô (“thành nhà Hồ”) do nhà Hồ xây dựng. Đây là một cứ điểm đóng quân quan trọng của quân Minh, nay vẫn còn di tích.

Bản đồ Lam Sơn, Chí Linh và những địa danh kế cận phủ Thanh Hóa thời Minh thuộc Lam Sơn
Lam Sơn
Lam Sơn3 là một làng (động) tọa lạc tại bờ phía bắc sông Chu, kế phía đông núi Lam (cũng gọi là núi Khả Lam, đỉnh cao nhất ở phía tây của núi Lam chỉ vào khoảng 300m), thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, hiện có khu di tích lịch sử Lam Kinh và giếng Lê Lợi tại đây. Lam Sơn là điểm tiếp giáp với đồng bằng Thanh Hóa về hướng đông và rặng Trường Sơn trùng điệp về hướng tây. Nghĩa quân chọn nơi này để dựng cờ khởi nghĩa; nơi đây là trang trại của người lãnh đạo với lương thực và tiếp liệu cần thiết trong giai đoạn khởi đầu, cũng như có thể rút lui vào vùng rừng núi dày đặc phía tây nếu bị truy lùng khi lực lượng còn yếu. Nhược điểm là Lam Sơn cách Tây Đô (phía đông đông bắc) khoảng 30 km, chỗ đóng quân chủ lực của nhà Minh (sau Đông Quan), nên có thể bị quân Minh tấn công một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên Lam Sơn lại kế bên vùng đồng bằng đông dân cư, nơi có thể đón nhận tiếp liệu, lương thực cũng như gia tăng quân số để phát triển lực lượng. Vì thế, mặc dù phải rút lui khỏi nơi đây vì bắt buộc, nhưng nghĩa quân đã vài lần trở lại nơi này để đóng quân và phát triển cuộc khởi nghĩa.

Thành Tây Đô (“thành nhà Hồ”) (Hình từ Google Earth với địa danh ghi thêm bởi ngưòi viết

Vùng Lam Sơn và Chí Linh (Hình từ Google Earth với địa danh ghi thêm bởi ngưòi viết).
Núi Chí Linh
Đây là vùng núi rừng dày đặc phía tây bắc của Lam Sơn. Núi Chí Linh nằm giữa hai chi lưu ở phía tả ngạn của sông Chu là sông Âm và sông Cao, khoảng ranh giới hai huyện Lang Chánh và Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Núi Chí Linh là một địa bàn rất thuận tiện cho chiến thuật sở trường của nghĩa quân là phục kích, lấy yếu chống mạnh. Núi Chí Linh có tên trên bản đồ là núi Pù Rinh (Google Earth ghi là Bù Rinh, chỗ cao nhất khoảng gần 4200ft ), từ Lam Sơn đến đỉnh theo đường thẳng khoảng 30 Km. Núi Chí Linh là nơi mà nghĩa quân rút lui ba lần khi bị lực lượng quân Minh tấn công, đây là một vùng dân cư rất thưa thớt nên tiếp liệu và lương thực rất giới hạn.
2- Diễn tiến cuộc khởi nghĩa tại Thanh Hóa
Trận phục kích Lạc Thủy – chiến thắng trong trận chiến khởi đầu (Tháng Giêng, Mậu Tuất – tháng 2/18/1418)
Sau khi đã chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, ông Lê Lợi (xưng là “Lam Sơn động chủ”)- ta thường gọi ông là Bình Định vương (dù rằng ông không tự xưng danh hiệu này, tên viết theo KĐVSTGCM) – cùng các nghĩa sĩ chính thức tuyên bố việc khởi binh chống lại quân Minh “ngày Canh Thân”, tháng Giêng, năm Mậu Tuất (2/1418). ” Vương chia đặt các quan chức và liêu thuộc, truyền hịch đi các nơi xa gần: hẹn ngày trừ diệt giặc Minh.” (KĐVSTGCM). Lương Nhữ Hốt – người Việt hợp tác với quân Minh, làm tri phủ Thanh Hoa, đóng tại đồn Đa Căng – thông báo về Tây Đô việc khởi nghĩa.
Biết là quân Minh sẽ mang quân đến để đàn áp, nên nghĩa quân đã chuẩn bị trước nơi phục kích trong vùng rừng núi phía tây không xa Lam Sơn, tìm cách dẫn dụ quân Minh lọt vào nơi phục kích. Đúng như dự định : “ngày mồng 9 tháng ấy, bọn nội quan nhà Minh là Mã Kỳ đem đại binh tới uy hiếp vua ở Lam Sơn. Vua bèn lui quân đến đóng ở Lạc Thủy 4 , đặt quân mai phục để chờ giặc.” (ĐVSKTT). Đến Lam Sơn, quân Minh không thấy nghĩa quân bèn truy kích theo đường rút lui (nghĩa quân cố ý để lại dấu vết?). Bốn ngày sau (18/2/1418), đoàn quân do Mã Kỳ cầm đầu đã lọt vào địa điểm phục kích đã chờ sẵn. “Ngày 13, bọn Kỳ quả nhiên đến. Vua tung hết quân mai phục xông ra đánh giặc. Cháu vua là Lê Thạch cùng các tướng Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý… dẫn đầu xông vào trận giặc, chém được hơn 3.000 5 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới, rồi dời quân đến núi Chí Linh” (ĐVSKTT). Thua trận này, Mã Kỳ hèn hạ về Lam Sơn quật mả của tổ tiên Bình Định Vương và định dùng hài cốt để ép ông phải ra hàng, tuy nhiên ông đã sai người lén lấy được hài cốt đem chôn lại chỗ cũ (LSTL) và tiếp tục cuộc kháng chiến
Bị quân Minh đánh úp, rút về Chí Linh lần thứ nhất (Tháng Giêng, Mậu Tuất – tháng 2/1418)
Nghĩa quân thu dọn chiến trường và mang toàn lực lượng lên đường đến Chí Linh. Ba ngày sau trận mai phục này, một người “tên Ái (không rõ họ 6) phụ đạo ở sách Nguyệt Ấn, dắt quân Minh đi đường tắt đến đánh úp” (KĐVSTGCM). Trên đường đến Chí Linh , nghĩa quân bị tấn công bất ngờ với một lực lượng mạnh gấp bội, nên bị thua nặng và tan rã, thân quyến của Bình Định Vương cũng như của nghĩa quân đã bị quân Minh bắt. Nhiều kẻ nản lòng và đã bỏ đi. Bình Định Vương “thu thập số quân tan vỡ còn sót lại, rồi cùng với các tướng Đinh Lễ, Đỗ Bí và Lê Xí lặng lẽ rút vào ẩn náu ở núi Chí Linh”. (KĐVSTGCM). Đây là lần thứ nhất nghĩa quân rút về Chí Linh.
Ẩn trú tại Chí Linh được khoảng hơn một tháng- đến tháng 2 (âm lịch) – nghĩa quân hết lương thực. Lúc bắt đầu khởi nghĩa thì có được vài ngàn người, đến nay phần thì chết, phần bỏ đi, vợ con thì bị giặc bắt, đói khát khốn khổ, còn lại “chỉ chừng hơn trăm người” (LSTL). Thật là một cảnh cực kỳ thê thảm. Phải có quyết tâm vững chí hết sức mới có can đảm theo đuổi cuộc kháng chiến cao cả này. Dò la được là quân Minh đã rút, nghĩa quân trở lại Lam Sơn đắp thành đất để phòng thủ, đồng thời tìm cách gia tăng lực lượng. Tuy nhiên lại phải trở về Chí Linh ngay vì áp lực quân Minh quanh vùng Lam Sơn rất hùng hậu. Tháng sau, nghĩa quân thu phục được một trăm người tại Mường Yên
Phục Kích ở Mường Một 8 (Tháng 9, Mậu Tuất – tháng 10/1418)
Biết là Bình Định Vương đang lo gầy dựng lực lượng kháng chiến, chính tổng binh Lý Bân của nhà Minh (người coi toàn bộ quân lực chiếm đóng tại Đại Việt) mang quân đến vùng núi Chí Linh để truy lùng và tiêu diệt nghĩa quân vào khoảng tháng 10, 1418 (“tháng 9, năm Mậu Tuất”). Quân Lý Bân khi đến Mường Một thì bị phục kích, nghĩa quân “dùng tên thuốc độc bắn giặc chết và bị thương quá nửa. Bân thua rút quân về.” (ĐVSKTT). Không rõ số quân Minh là bao nhiêu, tuy nhiên do chính Lý Bân cầm quân thì con số không phải là ít, có thể nhiều ngàn quân. Lý Bân đã ngưng truy lùng nghĩa quân vài tháng sau khi bị thua trận phục kích này.
Tấn công đồn Nga Lạc (Tháng 4, Kỷ Hợi – tháng 5/1419)
Khi áp lực từ phía quân Minh giảm, nghĩa quân đã có thời gian khôi phục lại lực lượng (khoảng hơn nửa năm), sau đó mang quân từ Chí Linh về tấn công đồn Nga Lạc (gần Bái Thượng ngày nay) hồi tháng tư năm Kỷ Hợi (5/1419). Nghĩa quân về lại Lam Sơn? (không thấy tài liệu nào viết về việc trở lại Lam Sơn của nghĩa quân, dù cách nơi này không xa). Tấn công đồn Nga Lạc, nghĩa quân đã bắt được “viên thổ quan chỉ huy Nguyễn Sao, chém được 300 thủ cấp” (ĐVSKTT). Nghĩa quân đã có một hoạt động về quân sự đáng kể; sau vụ phục kích tại Mường Một.
Rút về Chí Linh lần thứ hai, Lê Lai hy sinh! (Tháng 5 , Kỷ Hợi – tháng 6/1419)
Tuy nhiên dù “bắt được chỉ huy Minh, Nguyễn Sao, đem chém. Nhưng bấy giờ thế lực của giặc còn đang mạnh; về phía Vương, tướng còn hiếm, quân còn ít, lại đánh nữa, không thắng được địch. Vương chạy vào Trịnh Cao 9, rồi lui giữ núi Chí Linh”. (KĐVSTGCM). Phương Chính theo lệnh của tổng binh Lý Bân mang đại quân từ Tây Đô đến truy lùng và bao vây Chí Linh
“Quân Minh thường đến đánh úp: tình hình phía Vương khốn quẫn quá! Vương phải nhóm họp các tướng, dụ bảo họ rằng: “Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau?”. Trong các tướng chẳng ai dám đáp ứng cả. Riêng có Lê Lai khảng khái xin vâng, tình nguyện trao đổi đồ mặc với Vương để đi chết thay. Lê Lai liền cho sắp xếp nghi trượng chỉnh tề, chính mình đem quân và voi, hướng ra phía địch, chỉ huy các tướng chia đường khiêu chiến. Tướng Minh lấy thêm quân bao vây Lê Lai. Lai chiến đấu kiệt sức, bị người Minh bắt và giết chết. Địch bèn rút quân về Tây Đô.” (KĐVSTGCM)
Sau sự hy sinh của ông Lê Lai cùng những nghĩa sĩ liều mình cho đại cuộc, quân Minh tưởng là đã bắt được thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nên rút quân. Đây là sự hy sinh quá lớn lao của anh hùng Lê Lai và những dũng sĩ cho đại cuộc – cho dân cho nước! Vì nếu linh hồn của kháng chiến là ông Lê Lợi bị bắt và bị giết, nghĩa quân sẽ tan rã, vận nước sẽ đi về đâu?!
Phục kích ở Mường Chánh 10 (Tháng 6, Kỷ Hợi – tháng 7/1419)
Nơi đóng quân đã bị lộ, nghĩa quân di chuyển đến Mường Chánh (quận lị Lang Chánh ngày nay), một “bản” hẻo lánh ở thượng nguồn sông Âm, phía đông bắc núi Chí Linh. Quân Minh sau khi bắt được Lê Lai, chúng biết là đã bị lừa, Bình Định Vương vẫn sống và vẫn lãnh đạo nghĩa quân, nên chúng truy lùng và mang quân đến tấn công nơi kháng chiến quân đang đóng, tuy nhiên chúng đã bị phục kích (thiệt hại hai bên không được sử liệu ghi lại!), nên phải rút lui.
Di chuyển đến Mường Thôi và gầy dựng lực lượng (Từ tháng 7, Kỷ Hợi – tháng 8/1419 đến tháng 10, Canh Tí – tháng 11/1420 )
Biết là quân Minh sau đó sẽ mang đại quân đến để càn quét sau trận phục kích ở Mường Chánh, nghĩa quân di chuyển đến Lư (Lô) Sơn, vùng rừng núi phía tây bắc Lam Sơn (khoảng 70 km theo đường thẳng). Tuy nhiên sau đó nghĩa quân lại di chuyển xa hơn nữa về phía tây bắc là Mường Thôi (cách Lam Sơn khoảng 100 km theo đường thẳng, vùng quận lị Mường Lát ngày nay?). Đây là vùng thượng lưu của Lỗi Giang (sông Mã) kế Ai Lao, một vùng rừng núi trùng điệp cực kỳ hẻo lánh, phía bắc rặng Trường Sơn.
Tại Mường Thôi, nghĩa quân đã khá xa những doanh trại của quân Minh, rất khó khăn và nguy hiểm cho quân Minh trong việc truy lùng; nên họ đã có một khoảng thời gian để chuẩn bị cho những diễn biến sau này. Tuy nhiên, nguyên nhân xa là quân Minh phải mang quân đi đánh dẹp những cuộc nổi dậy khác, như cuộc nổi dậy của “Phan Liêu , tri phủ Nghệ An, phản lại người Minh, … Bấy giờ quân chủ lực của Minh đóng ở thành Nghĩa Liệt thuộc Nghệ An, bị Phan Liêu đánh úp: thành suýt bị phá vỡ. Lý Bân từ Đông Quan kéo đến: Phan Liêu phải chạy sang Ai Lao. Bân đuổi đến Ngọc Ma, không kịp, quay về. …. Các vùng Hạ Hồng, Tân Minh, Khoái Châu và Hoàng Giang dấy quân khởi nghĩa, bị Lý Bân nhà Minh đánh bại.” (KĐVSTGCM). Rồi cuộc dấy loạn của Lê Ngạ và Trần Thiên Lại, quân Minh phải mang quân tiễu trừ. Vì những sự đánh dẹp bận rộn của quân Minh, nghĩa quân đã có một thời gian khoảng hơn một năm để gầy dựng và gia tăng lực lượng.
Phục kích tại bến Bổng11 (Tháng 10, Canh Tí – tháng 11/1420)
Sau khi đã dẹp được vài cuộc nổi dậy, quân Minh mang quân đi đàn áp nhóm nghĩa quân của Bình Định Vương. ” Vua nghe tin quân Minh sắp đến, đặt mai phục ở bến Bổng chờ giặc, chém giết quân giặc nhiều vô kể, bắt được hơn trăm con ngựa. Vua cho nghỉ quân ở Mường Nanh12, rồi lại dời đến đóng quân ở Mường Thôi.” (ĐVSKTT).
Mai phục ở Bồ Mộng13 và Bồ Thi Lang14 (Tháng 10, Canh Tí – tháng 11/1420)
Thua trận tại Bến Bổng, quân Minh càng quyết tâm tiêu diệt nghĩa quân Lam Sơn. Chính tổng binh Lý Bân và tham tướng Phương Chính mang chủ lực quân đến Mường Thôi là căn cứ của nghĩa quân để tấn công. Biết đại quân của Lý Bân đang kéo đến, Bình Định Vương cho quân mai phục tại Bồ Mộng (trên đường từ Tây Đô đến Mường Thôi theo đường sông Mã), lọt vào vùng mai phục, quân Minh tổn thất khá nặng. Tuy nhiên ỷ số đông, quân Minh vẫn tiến về hướng Mường Thôi và rơi vào trận phục kích thứ hai ở Bồ Thi Lang, trận này quân Minh thiệt hại khá nặng, hàng ngàn quân bị chết, Lý Bân và Phương Chính bỏ chạy về Tây Đô. Nghĩa quân truy kích theo (6 ngày đêm), quân Minh càng bị tổn hại thêm nữa. Sau chiến thắng này nghĩa quân đã chuyển doanh trại đến sách Ba Lẫm15, một cứ điểm về phía đông của Mường Thôi, kế bên sông Mã (Lỗi Giang).
Tấn công đồn Quan Du16 (Tháng 12, Canh Tí – tháng 1/1421)
Sau những thất bại trận vừa qua, quân Minh lo phòng thủ Tây Đô. Lý Bân ra lệnh tăng cường quân lực tại đồn Quan Du, đây là vị trí để ngăn chặn quân khởi nghĩa có thể theo Lỗi Giang để tiến đánh Tây Đô. Để có thể tiến xa hơn về phía đông đến đồng bằng Thanh Hóa, nghĩa quân phải vượt qua đồn này. Sau nhiều lần khiêu chiến, quân Minh cố thủ, nghĩa quân tấn công một cách mãnh liệt, Quan Du thất thủ, hàng ngàn quân Minh bị chết, số còn lại bỏ chạy về Tây Đô. Sau ba trận quyết chiến, dù thắng thế nhưng lực lượng nghĩa quân cũng đã bị sút giảm, quân Minh rút lui, nghĩa quân cũng rút về lại Ba Lẫm để khôi phục và gia tăng lực lượng. Quân Minh đã không có những cuộc tấn công mạnh nào sau những chiến thắng này của nghĩa quân Lam Sơn, vì phải chia quân ra để lo đánh dẹp những cuộc nổi dậy khác cùng thời.
Những diễn biến quân sự tại Bến Bổng, Bồ Mộng, Bồ Thi Lang, Ba Lẫm nằm trong vùng huyện Lỗi Giang thời Minh thuộc, một địa bàn tương đối nhỏ, tuy nhiên đã gây tiếng vang rất lớn đến toàn dân với chính nghĩa rõ ràng: cởi ách thống trị tàn bạo của ngoại bang và dành lại nền tự chủ cho Đại Việt. Dân chúng trong nước; những kẻ có lòng với đất nước và dân tộc đã tìm đến Lỗi Giang để theo nghĩa quân Lam Sơn.
Quân Minh và Lào tấn công Ba Lẫm (Ngày 20 tháng 11, Tân Sửu – ngày 14, tháng 12/1421)
Tổng binh Lý Bân sau mấy lần bị Bình Định Vương cùng nghĩa quân đánh bại đã ngầm liên lạc với Ai Lao (Lão Qua), làm áp lực với vua nước này, hẹn cùng tấn công nghĩa quân Lam Sơn từ hai phía. Lý Bân sai Trần Trí mang đại quân đánh Ba Lẫm. ” Mùa đông, tháng 11, ngày 20, tham tướng nhà Minh là Trần Trí đem quân các vệ Giao Châu cùng ngụy binh, gồm hơn 10 vạn 17 tên đánh sát đến ải Kính (có sách chép là Kình) Lộng18, sách Ba Lẫm“. (ĐVSKTT). Bình Định Vương biết được bèn mang quân tấn công trước, ông “chia quân đánh úp doanh trại giặc. Quân ta đánh trống reo hò xông tới, phá được bốn doanh trại giặc, chém được hơn ngàn thủ cấp. Sau Trí khinh vua ít quân, lại phá núi mở đường để tiến đánh. Vua ngầm phục kích ở đèo Ống 19 để đợi giặc. Đến trưa, Trí quả nhiên đem quân đi theo đường núi đến. Quân phục hai bên xông ra, đánh bại giặc. Quân Trí phải rút. Nhưng đúng lúc ấy. Ai Lao đem 3 vạn quân và 100 thớt voi thình lình tới doanh trại của vua phao tin là cùng hợp sức với vua để đánh giặc. Vua tin lời họ, không phòng bị. Đến nửa đêm, bị họ đánh úp. Vua phải đích thân đốc chiến, suốt từ giờ Tý đến giờ Mão, đánh tan bọn Ai Lao, chém hơn 1 vạn thủ cấp, bắt được 14 con voi, thừa thắng truy kích liền 4 ngày đêm, đuổi đến tận sào huyệt của bọn chúng rồi về. “ (ĐVSKTT).
Đây là một chiến thắng đáng kể, dù không có sử liệu nào viết về sự thiệt hại của quân khởi nghĩa (ngoại trừ sự việc là Lê Thạch, cháu Bình Định Vương bị tử trận!), nhưng phỏng đoán là quân số đã bị suy giảm khá nhiều!
Di chuyển đến đồn Quan Du (tháng 2 năm Nhâm Dần – 3/1423)
Sau trận Ba Lẫm, nghĩa quân di chuyển đến đồn Quan Du để đóng quân. Tháng 2 năm Nhâm Dần (3/1422) ” Tổng binh nhà Minh là Phong Thành hầu Lý Bân bị bệnh nhọt chết.” (ĐVSKTT). Vì Lý Bân chết, quân chiếm đóng phải đợi chờ Minh triều bổ nhiệm người làm tổng binh thay Lý Bân, nghĩa quân đã không bị quân Minh tấn công trong một năm. Trần Trí được vua nhà Minh cử làm tổng binh.
Quân Minh và quân Lào tấn công Quan Du (Ngày 24 tháng chạp năm Nhâm Dần – ngày 5, tháng 2/1423)
Vừa được nhận chức, Trần Trí lo lập công và lập tức liên minh cùng quân Lào tấn công Quan Du. “Năm Nhâm-dần (1422) ngày hai-mươi-bốn tháng chạp, giặc Ngô lại cùng Ai-lao hẹn nhau, bên trước mặt, bên sau lưng, chẹt đánh Nhà-vua ở trại Da-quan .” (LSTL). Cuộc tấn công nghĩa quân Lam Sơn của quân Minh phối hợp với quân Ai Lao (Lão Qua) cùng lúc đánh Quan Du ngày 5 tháng 2 năm 1423. Nghĩa quân Lam Sơn bị thiệt hại nặng nề và rút về sách Khôi 20.
Quân Minh và quân Lào tấn công sách Khôi (Ngày 1 tháng giêng năm Quí Mão – ngày 12, tháng 2/1423)
Sau khi rút về sách Khôi, ” Mới được 7 ngày, giặc Minh lại đem đại binh đến vây.” (ĐVSKTT).
Đây là vùng thung lũng nằm bên sông Bưởi, hai bên vách núi, nghĩa quân bị bao vây không lối thoát. Để tìm đường sống trong cái chết, Bình Định Vương bảo các tướng sĩ: “Giặc vây ta bốn mặt, có muốn chạy cũng không có lối nào. Đây chính là “tử địa” mà binh pháp đã nói, đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết. Vua nói xong chảy nước mắt. Các tướng sĩ đều xúc động, tranh nhau liều chết quyết chiến”. Liều chết, nghĩa quân quyết chiến, “Bọn Lê Lĩnh, Lê Vấn, Lê Hào, Lê Triện xông lên trước phá trận, chém được tham tướng Minh là Phùng Quý và hơn nghìn thủ cấp giặc, bắt được trăm con ngựa. Mã Kỳ và Trần Trí chỉ thoát được thân mình chạy về Đông Quan, quân Ai Lao cũng bỏ trốn.”( ĐVSKTT). Sự liều chết để tìm sống của nghĩa quân đã làm liên quân Minh – Lào hoảng sợ và thất bại trong cuộc bao vây. Quân Minh và quân Lào rút lui, tuy nhiên nghĩa quân cũng bị thiệt hại rất nặng, quân số chẳng còn bao nhiêu!
Rút về Chí Linh lần thứ ba, giảng hòa với quân Minh và trở lại Lam Sơn (Tháng giêng đến ngày 14 tháng 4 năm Quí Mão – giữa tháng 3 đến 23/5/1423)
Sau trận tử chiến tại sách Khôi, Bình Định Vương và nghĩa quân rút về lại Chí Linh, vùng mà nghĩa quân đã rời khỏi đây hơn ba năm trước (từ Kỷ Hợi -1419). “Vua đem quân về đóng ở núi Chi Linh. Quân lính hết lương, hơn hai tháng, chỉ ăn rau củ và măng tre mà thôi. Vua giết 4 con voi và cả ngựa của mình cưỡi để nuôi quân sĩ.” (ĐVSKTT). Nghĩa quân không có đủ lương thực, chung quanh vùng Chí Linh thì quân Minh trấn đóng, việc tiếp tế không thể thực hiện vì thế các tướng khuyên Bình Định Vương nên giảng hòa, bất đắc dĩ ông phải sai Lê Vận, Lê Trăn đi giảng hòa. Trần Trí bằng lòng và để nghĩa quân trở lại Lam Sơn.
Tái thiết lực lượng tại Lam Sơn (Tháng 4 năm Quí Mão đến tháng 9 năm Giáp Thìn – tháng 4/1423 đến tháng 10/1424)
Trong thời gian một năm rưỡi tại Lam Sơn, Bình Định Vương đã có mối giao hảo ngoài mặt tương đối tốt với quân Minh, vua nhà Minh phong ông làm tri phủ Thanh Hóa, nhưng ông cố tình trì trệ nhậm chức. Cởi ách đô hộ, cứu dân cứu nước mới là mục đích ông theo đuổi. Bình Định Vương vẫn ngấm ngầm gia tăng lực lượng, dự trữ vũ khí lương thực, thu phục nhân tâm, chuẩn bị cho những diễn biến kế tiếp trong cuộc chiến đánh đuổi ngoại bang.
3- Nguyễn Trãi và chiền lược “công tâm” (Chi tiết về tiểu sử của Nguyễn Trãi trong chương 9: “Danh Tướng Lam sơn)
Một cuộc quật khởi để mang đất nước và dân tộc thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang phải có chính nghĩa. Dưới sự cai trị hà khắc của quân Minh, bất cứ cuộc nổi dậy nào vì dân tộc để chống lại quân xâm lược đều có chính nghĩa. Tuy nhiên muốn thành công thì phải có chiến lược qui mô và lâu dài,”Bình Ngô sách”(đã thất truyền) 21 của Nguyễn Trãi là một chiến lược, nội dung trình bày về sách lược để chống lại quân Minh, nêu chính nghĩa dân tộc mà sức mạnh là người dân, chiến lược chính là “công tâm” – đánh vào lòng người. Sách được Nguyễn Trãi trình cho Bình Định Vương xem khi nghĩa quân Lam Sơn ở Lỗi Giang, sau khi xem xong ông đã trọng dụng Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi là một danh nhân của nước Việt về nhiều phương diện (chiến lược, chính trị, ngoại giao, nhà văn, nhà thơ, sử học, địa lý, luật pháp, âm nhạc. UNESCO – tổ chức Giáo Dục Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc- cũng đã công nhận). Ông theo nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Bình Định Vương Lê Lợi từ khi nào? Đã có nhiều thuyết khác nhau, như tên của ông đã có trong danh sách của hội thề Lũng Nhai22 (1416?), nhưng sự việc đầu tiên chỉ được ghi lại khi ông Nguyễn Trãi dâng “Bình Ngô Sách” cho Bình Định Vương xem. Đây là “tâm lý chiến” mà ngày nay các chiến lược gia vẫn năng áp dụng. Tuy nhiên, một yếu tố bắt buộc phải có là nhân sự, phải có người – nhiều người – để áp dụng chiến lược “công tâm”, đây là điều nan giải, vùng Lam Sơn không có đủ yếu tố này!
4- Nguyễn Chích và chiến lược”nam tiến bắc bình” (Chi tiết về tiểu sử của Nguyễn Chích trong chương 9: “Danh Tướng Lam sơn”)
Nguyễn Chích23 đã có một chiến lược tuyệt hảo để bổ túc cho yếu tố nhân sự trong chiến lược “công tâm” của Nguyễn Trãi. Hai chiến lược này hổ trợ lẫn nhau đã giúp cho kẻ lãnh đạo “biết dùng người” là Bình Định Vương Lê Lợi đi đến thành công để đất nước thoát khỏi cảnh lầm than vì áp bức của quân xâm lăng.
Bình Định Vương Lê Lợi ” nhóm họp các tướng hỏi về sách lược tiến thủ, nên đánh thành nào trước. Thiếu úy 24 Lê Chích thưa: “Nghệ An là nơi hiểm yếu: đất rộng, người đông, tôi đã từng qua lại Nghệ An, nên rất thông thuộc đường đất. Nay ta nên trước hãy nên đánh lấy Trà Long, chiếm giữ bình định cho được Nghệ An để làm chổ đất đứng chân, rồi dựa vào đấy mà lấy tiền tài sức lực, sau sẽ quay cờ trẩy ra Đông Đô thì có thể tính xong được việc dẹp yên thiên hạ”. Vương khen là phải. Liền đó kéo quân ra phía nam, đánh úp đồn Đa Căng …” (KĐVSTGCM).25
Đây là toàn bộ chiến lược “nam tiến bắc bình” của Nguyễn Chích.
Chỉ là một người nhà nông, ông nổi dậy trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở phía nam tỉnh Thanh Hóa. Được Bình Định Vương mời, sau đó ông mang toàn bộ quân kháng chiến của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn tại Mường Nanh, sau khi nghĩa quân Lam Sơn chiến thắng trận phục kích tại Bến Bổng (11/1420).
B-Tiến chiếm và làm chủ phía nam (từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa)
Bình Định Vương Lê Lợi sau khi nghe được chiến lược của Nguyễn Chích, ông chấp thuận “khen là phải” và chuẩn bị cuộc nam tiến.
1- Nam tiến vào Nghệ An

Bản đồ nghĩa quân Lam Sơn nam tiến vào Nghệ An, chiếm Diễn Châu và bao vây Tây Đô
Nghĩa quân Lam Sơn và quân Minh tuyệt giao
Mặc dù có mối giao hảo tạm thời với quân Minh, nhưng Bình Định Vương vẫn ngầm tăng cường lực lượng võ trang . Việc này không qua mắt thám tử của quân Minh, Lê Trăn là sứ giả của nghĩa quân Lam Sơn bị tổng binh Trần Trí bắt giam, vì biết là ông ” bề ngoài giả-vờ hòa-thân mà bên trong có bụng muốn đánh-úp; từ đó tuyệt đường đi lại, hai bên không có tin-tức, sai sứ sang nhau nữa.” (LSTL). Tình hình trở nên căng thẳng, nghĩa quân chuẩn bị hành động.
Tấn công đồn Đa Căng26 (Tháng 9, ngày 20 năm Giáp Thìn – ngày 20 tháng 10/ 1424)
“Vua chỉ huy quân và voi đánh úp đồn Đa Căng, phá được đồn này. Tham chính nhà Minh là Lương Nhữ Hốt chỉ chạy thoát được thân mình, ta thu hết khí giới, đốt phá đồn giặc.” (ĐVSKTT). Nguyễn Suất Anh mang quân tới cứu, nhưng cũng bại trận và chạy về Tây Đô, “Vợ con của Anh bị ta bắt được, vua đều tha cho về cả.” (ĐVSKTT). Chiến lược “công tâm – lấy chí nhân thay cường bạo” được áp dụng.
Trận Bồ Đằng hay trận chiến tại núi Bồ Lạp27 (Tháng 9, năm Giáp Thìn – tháng 10/ 1424)
Bình Ngô Đại Cáo:
“… Bồ Đằng chi đình khu điện xiết!…”. Trong VNSL bản dịch “…Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy…”
Hạ được đồn Đa Căng, nghĩa quân theo đường núi (thượng đạo) tiến về phía hướng thành Trà Lân (Trà Long)28, nơi đóng quân của Cầm Bành. Nếu hạ được đồn Trà Long, nghĩa quân sẽ tiến đánh thành Nghệ An29. Tuy nhiên, sau khi đồn Đa Căng thất thủ, quân Minh đã tìm cách truy kích và ngăn chặn. Đến núi Bồ Lạp, khoảng 1/3 đường đến Trà Long “thì gặp tên chỉ huy đồng tri nhà Minh là Sư Hựu cùng viên thổ quan là Tri phủ châu Trà Lân Cầm Bành đem 5.000 quân đón ở phía trước, lại có các tướng Minh Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Thái Phúc đem quân tiếp đến uy hiếp mặt sau.” ( ĐVSKTT). Nghĩa quân cũng biết là mình tiến quân khá chậm vì phải di chuyển toàn bộ lực lượng, cũng như tiếp liệu nên đã đề phòng. Thám báo của nghĩa quân cho biết phía trước và phía sau đều bị quân Minh chuẩn bị tấn công. Chiến thuật sở trường là phục kích của Bình Định Vương được áp dụng: ” Trời sắp tối, vua bèn phục sẵn binh tướng trong rừng. Bọn Phương Chính đến, vua tung quân ra đánh. Quân Minh tan vỡ lớn. Ta chém được Đô ty Trần Trung và hơn hai nghìn thủ cấp quân giặc, bắt được hơn một trăm cổ ngựa. Quân Minh tháo chạy.” (ĐVSKTT).
Toán quân truy kích của tổng binh Trần Trí từ Tây Đô đã bị bại trận và rút lui về thành Nghệ An. “Ngày mai30 Nhà-vua lại đem voi và quân-lính xông thẳng vào trại của bọn Sư Hựu. Quân giặc lại thua to. Ta chém hơn nghìn đầu. Quân-lương, khí-giới, đốt cháy không còn sót.” (LSTL). Sư Hựu và Cầm Bành bỏ chạy về hướng thành Trà Lân. Đến trang Trịnh Sơn 31. Sư Hựu dàn quân ngăn chặn nhưng lại bị thua trận và bỏ chạy về thành Nghệ An.
Bao vây thành Trà Lân (Trà Long) (Tháng 11 đến 12, năm Giáp Thìn – tháng 12/1424 đến 1/1425)
Nghĩa quân Lam Sơn tiến gần đến thành Trà Lân, trên bờ phía bắc sông Lam (sông Cả). Bình Định Vương “sai người chiêu dụ Cầm Bành. Bành cự tuyệt không theo, mình hắn cùng với hơn ngàn quân lên dựng rào lũy trên đỉnh núi để đón quân cứu viện. Vua đem quân tới bao vây.” Trà Lân bị bao vây, lương thực hết, quân cứu viện không tới, Cầm Bành mở cửa thành đầu hàng. Bình Định Vương ra lệnh: “Cầm Bành đã đầu hàng, chớ có mảy may xâm phạm, tha tội cho tất cả, không được giết một người nào” (áp dụng chiến lược “Công tâm” của Nguyễn Trãi). Châu Trà Lân hoàn toàn dưới sự kiểm soát của nghĩa quân. Bình Định Vương phủ dụ dân chúng quanh vùng, tích trữ lương thực, tuyển thêm được 5000 quân.
Đại chiến tại ải Khả Lưu32 (Tháng 12, năm Giáp Thìn – tháng 1/1425)
Theo chiến lược của Nguyễn Chích: sau khi chiếm được Trà Lân, việc kế tiếp là chiếm Nghệ An. Bình Định Vương chuẩn bị quân lực để tiến chiếm Nghệ An. Tuy nhiên khi thượng thư Hoàng Phúc được gọi về Tàu (sau khi ở Đại Việt 18 năm), thì binh bộ thượng thư Trần Hiệp sang thay. Trần Hiệp qua, thấy tổng binh Trần Trí liên tiếp bị thua trận, nên báo cáo về triều đình. Vua nhà Minh (Minh Nhân Tông) gởi chiếu chỉ khiển trách Trần Trí và Phương Chính 33, bắt phải dẹp cho xong nghĩa quân Lam Sơn ngay. Tổng binh Trần Trí lập tức thi hành và mang đại quân với quân số hàng vạn người từ Tây Đô và thành Nghệ An đi tấn công thành Trà Lân
Biết được quân Minh sắp sửa mang quân đến đánh, Bình Định Vương đã chuẩn bị kỹ lưỡng. “Được ba bốn hôm, quân Minh quả nhiên đến quán Lậu và cửa Khả Lưu, bày doanh trại ở hạ lưu.”( ĐVSKTT). Kế hoạch phục binh đang chờ sẵn để quân Minh bị lọt bẫy.: “Vua chia hơn 1.000 quân, cho bọn Lê Liệt đi đường tắt đóng giữ huyện Đỗ Gia 34. Vua đích thân chỉ huy đại quân giữ chổ hiểm yếu để đợi chúng. … . Vua ở thượng lưu, ban ngày dựng cờ đánh trống, ban đêm thì đốt lửa sáng trưng. Nhưng ngầm sai binh tượng vượt sông, phục sẵn ở chổ hiểm yếu” (ĐVSKTT). Mờ sáng, Trần Trí mang quân đến tấn công, Chính quân do Bình Định Vương chỉ huy rút lui để dụ quân Minh vào địa điểm phục kích. “Giặc không để ý, đem quân tiến vào sâu, quân mai phục bốn mặt nổi dậy, xông ra đánh phá. Quân giặc bị chém đầu và chết đuối tới hàng vạn tên.” (ĐVSKTT)
Đại chiến tại Bồ ải 35 (Tháng 12, năm Giáp Thìn – tháng 1/1425)
Dù bị thất bại trận tại ải Khả Lưu với cả chục ngàn quân bị chết, Trần Trí vẫn không lui quân vì nghĩ là mình có quân số đông hơn nghĩa quân gấp bội, nên đóng trại tại ải Khả Lưu để chắn đường tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Trần Trí đã đoán đúng điều này: “Bấy giờ lương thực của giặc có rất nhiều mà quân của vua thì không đủ lương ăn cho 10 ngày. Vua nói với tướng sĩ: “Giặc cậy có nhiều lương, cố thủ để làm kế lâu dài, ta lương ít không thể cầm cự dài ngày với giặc”. (ĐVSKTT). Nhưng Bình Định Vương và tham mưu có cách để thi hành: “Vua đốt cháy doanh trại, ngược dòng sông giả cách trốn đi, nhưng lại ngầm đi đường tắt trở về, đợi giặc đến thì đánh. Quân Minh cho là vua đã chạy, mừng lắm, bèn tiến quân vào đóng ở doanh trại cũ của vua, lên núi đắp lũy. Ngày hôm sau, vua cho quân tinh nhuệ ra khiêu chiến. Giặc đem quân ra ngoài lũy để đánh. Vua phục sẵn ở Bồ Ải , giữa nơi hiểm yếu”.(ĐVSKTT)
Thế là Trần Trí lại mắc mưu của nghĩa quân (dù đã nhiều lần!).Trí mang toàn bộ lực lượng ra đánh, lọt vào bẫy mai phục và thảm bại: “Thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối nghẹn tắc khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi. Ta bắt sống Đô ty Chu Kiệt, chém tướng tiền phong là Đô ty Hoành Thành, bắt sống hàng nghìn tên giặc. Trần Trí, Sơn Thọ thu nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An. Vua thừa thắng đuồi dài suốt 3 ngày, đến tận dưới chân thành. Bọn Trí vào thành cố thủ.” Bình Định Vương mang toàn lực lượng đuổi theo, “quân đến hương Đa Lôi36, huyện Thổ Du, trấn Nghệ An. Già trẻ tranh nhau đem trầu rượu đến đón và khao quân. Mọi người đều nói: “Không ngờ ngày nay lại được trông thấy uy nghi của nước cũ” (ĐVSKTT).
Bao vây thành Nghệ An và bình định phủ Nghệ An (Từ Tháng Giêng, năm Ất Tỵ (2/1425) đến tháng Giêng, năm Đinh Mùi (2/1427))
Quân Minh thua trận đại chiến tại Bồ ải chạy về thành Nghệ An (diện tích khoảng dưới một cây số vuông) đóng cửa thành phòng thủ, nghĩa quân bao vây thành.Vùng đất châu Trà Lân và phủ Nghệ An nằm dưới sự kiểm soát của nghĩa quân, “Nhà-vua vây thành Nghệ-an. Giặc giữ bền trong trại, không dám ra nữa. Thế là đất toàn hạt Nghệ-an là của ta có hết!” (LSTL)
Cuộc bao vây thành Nghệ An kéo dài 2 năm, tuy nhiên nghĩa quân không đánh thành; nhưng chờ quân Minh đầu hàng (chiến thuật này đã áp dụng cho thành Trà Lân, lúc này cho thành Nghệ An, rồi sau đó là Diễn Châu, Tây Đô, Tân Bình, Thuận Hóa). Bình Định Vương áp dụng chiến lược “công tâm”, không đánh thành, nhưng đánh vào lòng người, nếu đánh thành nhân mạng hai phía sẽ tổn thất rất nhiều, hơn nữa quân số của nghĩa quân Lam Sơn lúc này chưa đủ để có thể bắc tiến sau này. Đây chính là điều “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân mà thay cường bạo” (Bình Ngô Đại Cáo). Những cuộc bao vây chỉ có tính cách ngăn chặn, không cho quân Minh hành quân ra ngoài thành, vẫn để cho quân Minh và dân trong thành có sinh lộ. Đây là thời gian nghĩa quân xây dựng căn cứ Tiên Hoa37 và thành Lục Niên 38, phát triển lực lượng, để có một hậu cần vững chắc, vùng kiểm soát sẽ mở rộng để gia tăng quân số, dự trữ tiếp liệu, chuẩn bị cho việc tiến xa hơn về phía nam và sau đó bắc tiến, để đi đến việc dành lại nền tự chủ.
Trận Đỗ Gia (Ngày 17 tháng 4 năm Ất Tỵ – Ngày 4 tháng 5/1425)
Bị vây thành, tổng binh Trần Trí gọi quân Minh từ Đông Quan vào cứu. “Mùa hạ, tháng 4, Tham tướng nhà Minh là An Bình bá Lý An đem thủy quân từ thành Đông Quan đến cứu.” (ĐVSKTT). Đoán biết là khi có quân cứu viện và Trần Trí sẽ kéo quân ra khỏi thành hợp với quân cứu viện, theo sông La về hướng tây, để tấn công nghĩa quân tại Đỗ Gia. Bình Định Vương cho quân đến cửa sông (chỗ hợp lưu của sông Ngàn Phố và sông Ngàn Sâu) mai phục sẵn hai bên bờ. “Ngày 17, bọn Trí đem hết quân ra đánh trại Lê Thiệt. Đợi quân của Trí sang một nửa, quân mai phục liền nổi dậy đánh tan, chém hơn ngàn thủ cấp giặc, bọn chết đuối cũng rất nhiều.” (ĐVSKTT). Trần Trí thua trận, rút quân về lại thành Nghệ An cố thủ.
Tấn công, bao vây thành Diễn Châu39 và bình định châu Diễn (Từ tháng 5, năm Ất Tỵ (6/1425)
đến tháng Giêng, năm Đinh Mùi (2/1427))) Bình Định Vương Lê Lợi biết quân Minh dồn lực lượng để cứu Nghệ An, vì thế (phủ Diễn Châu nằm kế phía bắc phủ Nghệ An) lực lượng phòng thủ không mạnh. “Tháng 5, vua sai Tư không Lê Lễ (Lễ là cháu gọi vua bằng cậu, vốn họ Đinh, được ban họ Lê) đi tuần ở Diễn Châu. Lễ đặt phục binh trước. Quân Minh không biết. Gặp khi Đô ty Trương Hùng của nhà Minh đem hơn 300 chiếc thuyền chở lương từ Đông Quan đến. Trong thành mừng lắm, tranh nhau mở cửa thành ra đón. Quân phục thình lình nổi dậy, chém viên Thiên hộ họ Tưởng và hơn 300 quân giặc. Hùng tháo chạy, Lễ cướp lấy thuyền lương rồi đuổi theo, vừa đi vừa đánh, đến tận thành Tây Đô.” (ĐVSKTT). Sau thất bại này của quân Minh, nghĩa quân bao vây thành Diễn Châu, quân Minh đóng cửa thành phòng thủ. Nghĩa quân không đánh thành, chờ quân Minh đầu hàng. Quân Minh đầu hàng sau 20 tháng bị vây.
Tấn công, bao vây thành Tây Đô và bình định Thanh Hóa (Từ tháng 6, năm Ất Tỵ (7/1425) đến tháng 11, năm Đinh Mùi (12/1427))
Được tin Đinh Lễ thắng và đang đuổi theo đô ty Trương Hùng đến Tây Đô, Bình Định Vương “tuyển 2.000 tinh binh sai các Tướng Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Triện và Bùi Bị dẫn tiếp theo làm hậu viên cho Đinh Lễ, đánh úp thành Tây Đô, chém hơn năm trăm đầu quân địch, thu rất nhiều chiến lợi phẩm. Tướng nhà Minh đóng chặt cửa thành cố thủ, Đinh lễ và Lê Triện chiếu tập nhân dân, hợp binh vây thành. ” (ĐVTS-LQĐôn) – Nghĩa quân bao vây thành Tây Đô, quân Minh ra hàng sau 2 năm rưỡi bị bao vây.
2- Nam tiến vào Tân Bình 40, Thuận Hóa 41 (Vùng Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) (Tháng 7, năm Ất Tỵ – tháng 8/1425)

Bản đồ vùng Tân Bình thời Minh thuộc

Bản đồ vùng Thuận Hóa thời Minh thuộc
Sau khi kiểm soát và làm chủ được Nghệ An và Thanh Hóa, chiến lược của Nguyễn Chích đưa ra là “nam tiến bắc bình”đã được Bình Định Vương áp dụng để đưa đến thành công về việc “nam tiến”. Tuy nhiên, Bình Định Vương muốn tiến xa hơn là chiếm vùng Tân Bình (Quảng Bình ngày nay) và vùng Thuận Hóa (Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay), nơi quân Minh phòng thủ yếu ớt, vì bị ngăn cách thông tin và tiếp liệu từ Đông Quan. Nếu chiếm được những vùng này, từ Thanh Hóa đến biên giới Việt-Chiêm sẽ hoàn toàn dưới sự kiểm soát của nghĩa quân, từ quân số đến tiếp liệu sẽ được đầy đủ hơn để cung cấp cho chiến trường miền bắc khi bắc tiến.
“Mùa thu, tháng 7, …sai Tư đồ Trần Hãn và Thượng tướng Lê Nỗ … đem hơn 1000 quân và 1 thới voi ra đánh các thành Tân Bình, Thuận Hoá và chiêu dụ nhân dân.” (ĐVSKTT). Trần Nguyên Hãn mang quân đến sông Bố Chính (sông Gianh), ” Tướng Minh là Nhậm Năng đem hết quân tiến vào. Bọn Hãn hợp binh tượng còn lại để đánh rồi giả cách thua chạy. Năng đuổi theo, quân mai phục đánh kẹp hai bên, giặc Minh tan vỡ, bị chém đầu và chết đuối rất nhiều” (ĐVSKTT). Quân Minh dù bị thua trận nhưng số còn lại gấp bội nghĩa quân, vì đã dự phòng nên hai ông xin thêm viện quân.” Vua sai tiếp bọn Lê Ngân, Lê Bôi, Lê Văn An đem 70 chiếc thuyền chiến vượt biển đến thẳng chổ đó. Đến khi được tin thắng trận của Nỗ, liền thừa thắng đánh vào các xứ ở Tân Bình, Thuận Hóa. Quân và dân các nơi bị giặc chiếm đều quy thuận. Quân Minh vào thành cố thủ” (ĐVSKTT).
Đất Tân Bình và Thuận Hóa được bình định, quân Minh rút vào trong các thành để cố thủ. Tại hai phủ Tân Bình và Thuận Hoá, tướng Trần Nguyên Hãn “lựa lấy vài vạn người tinh nhuệ để bổ sung quân đội, rồi đặt quan trấn thủ, còn mình thì kéo quân về” (KĐVSTGCM)
Một năm củng cố và phát triển lực lượng (Từ tháng 8, năm Ất Tỵ (9/1425) đến tháng 8, năm Bính Ngọ (9/1426))
Tới lúc này, một nửa chiến lược của Nguyễn Chích là “nam tiến” đã thành công quá sự mong mỏi, không những nghĩa quân đã tiến tới Nghệ An, mà còn tới biên giới cực nam kế Chiêm Thành. Một nửa phía nam Đại Việt từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa đã gần như hoàn toàn đặt dưới quyền kiểm soát của nghĩa quân Lam Sơn, ngoại trừ một số thành trì quân Minh cố thủ không dám ra và chờ ngày đầu hàng. “Các tướng suy tôn vua là “Đại thiên hành hóa” ( “thay Trời làm mọi việc” – VNSL). Từ đó, các mệnh lệnh, dụ văn, phần nhiều lấy bốn chữ ấy để xưng”( ĐVSKTT). Bình Định Vương và bộ chỉ huy nghĩa quân đóng tại thành Lục Niên, tại đây một hệ thống hành chánh và trị an bắt đầu thành hình. Thời gian này, nghĩa quân gia tăng sản xuất, chuẩn bị lương thực và tiếp liệu, chế tạo vũ khí, tuyển mộ và huấn luyện quân ngũ để chuẩn bị bắc tiến.

Bản đồ Châu thổ sông Hồng thời Minh thuộc
C- Chiến dịch bắc tiến những trận chiến quyết định Trận Tụy Động (Tốt Động – Chúc Động)
Bắc tiến là giai đoạn thứ hai trong chiến lược “Nam tiến Bắc bình” của Nguyễn Chích. Để chuẩn bị cho công cuộc này, Bình Định Vương Lê Lợi đã cử người ra bắc để liên lạc với các nhóm khởi nghĩa, dò thám và tìm hiểu tình hình lực lượng quân Minh tại đây. “Mùa thu, tháng 8, vua cho là quân tinh nhuệ của giặc đều ở Nghệ An cả, các xứ Đông Đô của chúng nhất định suy yếu,”( ĐVSKTT). Bình Định Vương quyết định bắt đầu bắc tiến để hoàn thành việc lấy lại nửa phần đất nước còn lại trong tay ngoại bang.
Ba đạo quân tiền phong tiến ra bắc (Tháng 8, năm Bính Ngọ – tháng 9/1426)
Sau khi đã biết về tình hình miền bắc và những chỗ tập trung lực lượng quân Minh. Bình Định Vương cho 3 đội quân tiền phong ra bắc.
Đạo quân thứ nhất: “Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo, Thái úy Lê Triện (CM: Lý Triện), Thái giám (?) Lê Khả (CM: Trịnh Khả), Á hầu Lê Như Huân, Lê Bí (CM: Đỗ Bí) đem hơn 3.000 quân 1 thớt voi đi tuần các xứ Thiên Quan 42, Quảng Oai, Quốc Oai, Gia Hưng , Quy Hóa 43 , Đà Giang, Tam Đới 44 , Tuyên Quang để cắt đứt đường viện binh của giặc từ Vân Nam sang” (ĐVSKTT). Nhiệm vụ của đạo quân này là ngăn chặn phía tây thành Đông Quan.
Đạo quân thứ nhì: “Thái úy Lê Bị (CM: Bùi Bị), Thái giám (?) Lê Khuyển đem 2.000 quân và 1 thớt voi đánh ra các xứ Khoái Châu, Bắc Giang, Lạng Giang để chặn viện binh từ Lưỡng Quảng tới;” (ĐVSKTT). Đây là đạo quân ngăn chặn phía đông thành Đông Quan.
Đạo quân thứ ba: “Tư không Lê Lễ (CM: Đinh Lễ) và Lê Xí thì đem tinh binh tiến sau để phô trương thanh thế.” (ĐVSKTT) Đạo quân của Đinh Lễ sau đó đóng quân ở huyện Thanh Đàm (huyện Thanh Trì ngày nay), phía nam không xa thành Đông Quan
Trận phục kích ở Ninh Kiều 45 (Ngày 12, tháng 8 năm Bính Ngọ – ngày 13 tháng 9/1426)
” Ngày 12, bọn Triện đem 3.000 quân tiến sát đến thành Đông Quan. Quân Minh thấy Triện mang quân trơ trọi từ xa tới, dốc hết quân ra đánh. Đến các xứ Ninh Kiều thuộc Ứng Thiên (nay là Chương Đức) thì bọn Lê Triện, Lê Khả, Lê Bí dốc sức quyết chiến, phá tan quân giặc, chém được hơn 2.000 thủ cấp, rồi tiến quân đóng ở phía tây sông Ninh Giang 46 .” Tổng binh Trần Trí bị thua trận, rút quân vào thành Đông Đô cố thủ, đồng thời gởi thư cho Lý An và Phương Chính (cũng hiện đang bị bao vây) bỏ thành Nghệ An, mang quân ra cứu Đông Đô.
Tấn công viện binh của Vương An Lão. (Ngày 20, tháng 9, năm Bính Ngọ – ngày 20 tháng 10/1426)

Bản đồ vùng Tam Đới ngày nay (nguồn: Internet)
Biết được viện binh từ Vân Nam sang cứu Đông Đô, một nửa đạo quân thứ nhất từ Ninh Kiều tiến quân lên vùng Tam Đới ( chỗ hợp lưu của ba con sông: Hồng, Đà, Lô) để ngăn chặn. “Ngày 20, viên Đô ty Vương An Lão ở Vân Nam của nhà Minh đem hơn 1 vạn viện binh đến cầu Xa Lộc47, lộ Tam Giang. Bọn Phạm Văn Xảo, Lê Khả đón đánh phá tan giặc, chém hơn 1.000 thủ cấp, giặc chết đuối rất nhiều. Quân giặc còn sót lại chạy vào thành Tam Giang 48.”

Bản đồ đạo quân thứ nhất tấn công viện binh từ Vân Nam và trận chiến cầu Nhân Mục
Trận chiến cầu Nhân Mục49 (Ngày 20, tháng 9, năm Bính Ngọ – ngày 20 tháng 10/1426)
Biết được viện binh từ Vân Nam đang tiến sang để cứu Đông Đô, đạo quân thứ nhất phải chia quân ra để ngăn chặn, Trần Trí sai Vi Lượng mang quân ra khỏi thành để tấn công nửa đạo quân còn lại tại Ninh Kiều. Lê Triện biết được nên mang quân mai phục. Quân Minh ra khỏi thành, tiến đến cầu Nhân Mục, sông Tô Lịch thì bị tấn công. Nghĩa quân “…, chém hơn một nghìn thủ cấp giặc, bắt được tên Đô ty nhà Minh là Vi Lượng” (ĐVSKTT)
Bình Định Vương và đại quân tiến ra Thanh Hóa (Ngày 17, tháng 9, năm Bính Ngọ – ngày 17 tháng 10/1426)
Nhận được thư của tổng binh Trần Trí ra lệnh mang quân về cứu Đông Đô, “bọn Lý An, Phương Chính bỏ thành Nghệ An, vượt biển chạy về Đông Quan, chỉ để Thái Phúc ở lại giữ thành Nghệ An” (ĐVSKTT). Bình Định Vương thấy từ Thanh Hóa về phía Nam, quân Minh gần như không có lực lượng nào đáng kể, ông và bộ tham mưu biết là “thời cơ đã đến mà không hành động ngay sợ lỡ mất cơ hội, liền để bọn Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi, Lê Điền, Lê Lĩnh, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng ở lại đóng dinh vây thành Nghệ An. Vua đích thân chỉ huy đại quân, ngày đêm đi theo đường thủy, đường bộ tiến gấp đuổi theo bọn An, Chính” (ĐVSKTT). Tuy nhiên, Phương Chính và Lý An đã đi khỏi và đã đến Đông Quan, đại quân không đuổi theo kịp,”khi đến thành Tây Đô, vua đóng dinh ở Lỗi giang” (ĐVSKTT)
Viện binh của Vương Thông sang cứu Đông Quan (Ngày 6, tháng 10, năm Bính Ngọ – ngày 5 tháng 11/1426)
Vua nhà Minh được thông báo (do thượng thư Trần Hiệp) nên biết nghĩa quân Lam Sơn thắng trận liên tiếp và Trần Trí thua liên miên nên gởi viện quân sang. “Mùa đông, tháng 10, nhà Minh sai bọn Tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông và Tham tướng Mã Anh đem 5 vạn quân, 5 nghìn ngựa chia đường sang cứu viện các thành Đông Đô” (ĐVSKTT). “bóc hết chức tước của bọn Trần Trí và Phương Chính, cho sung làm sự quan 50, lệ thuộc trong quân để lập công chuộc tội; còn Trần Hiệp thì vẫn cho làm tham tán quân vụ. Tất cả đều ở dưới quyền chỉ huy của Thông. ” (KĐVSTGCM). Viện Binh của Vương Thông theo đường ải Nam Quan, từ Quảng Tây tiến về Đông Đô. Mặc dù nhiệm vụ của đạo quân thứ nhì của Lê Bị (CM: Bùi Bị) là “chặn viện binh từ Lưỡng Quảng tới” . Tuy nhiên , Lê Bị với quân số 2000 và một thớt voi đã không có hành động nào vì quân số của viện quân quá đông. Sau đó Lê Bị kéo quân về hợp với toàn lực lượng nghĩa quân của Bình Định Vương vây thành Đông Quan sau trận chiến thắng Tụy Động.
Trận Tụy Động (Tốt Động – Chúc Động) trận chiến quyết định cho nền độc lập của Đại Việt
Trân chiến sơ khởi (Ngày 6, 7 tháng 10, năm Bính Ngọ – ngày 5, 6 tháng 11/1426)
Viện quân của “Vương Thông từ Khâu Ôn 51 tới, qua cầu Tây Dương 52 , đóng quân ở bến Cổ Sở 53, làm cầu phao cho quân qua sông. Phương Chính tiến từ cầu Yên Quyết 54 , đóng quân ở cầu Sa Đôi 55 . Sơn Thọ và Mã Kỳ tiến từ cầu Nhân Mục, đóng quân ở cầu Thanh Oai 56 . Quân giặc dàn doanh trại liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, giáo mác rực trời, tự cho là đánh một trận là bắt hết được quân ta”.(ĐVSKTT)

Bản đồ những địa danh liên quan đến chiến trường Tụy Động (Một phần bản đồ được sao lại từ Internet, những hình bầu dục và chữ xanh đậm do người viết ghi thêm)

Bản đồ Lý Triện- Đỗ Bí phục kích Mã Kỳ- Sơn Thọ và tấn công Phương Chính
Vậy là trên 100 ngàn quân do Vương Thông tổng chỉ huy đã đóng quân theo hình cung phía hữu ngạn Ninh Giang (sông Đáy) mà Ninh Kiều, nơi Lê Triện đóng quân đang là mục tiêu chính. Đây là đoàn quân thứ nhất do Lê Triện và Phạm Văn Xảo chỉ huy, quân số là 3000 với một voi trận, tuy nhiên khi chận đánh quân của Vương An Lão từ Vân Nam kéo sang, dù thắng trận nhưng quân số chắc cũng đã bị giảm.
Biết là quân mình ít và chắc chắn bị tấn công, nên đoàn quân này ra tay trước bằng chiến thuật sở trường của nghĩa quân Lam Sơn là phục kích: “Bọn Lê Triện, Lê Bí mai phục binh tượng ở đồng Cổ Lãm 57 , cho du binh nhử đánh vào doanh quân Thọ, Kỳ rồi giả vờ thua chạy. Quân Minh đuổi theo, khi qua bờ cầu Tam La 58 , chổ ấy ruộng nước, bùn lầy, quân mai phục của ta nổi dậy đánh tạt ngang vào bọn giặc. Quân giặc bị sa lầy. Ta chém hơn một nghìn thủ cấp, đuổi tận đến cầu Nhân Mục. Xác giặc phơi ngổn ngang đến vài mươi dặm, ta bắt sống hơn 500 tên. Bọn Triện định đánh chặn hậu doanh của Phương Chính, nhưng Chính đã rút đi rồi. Trời tối, bèn thu quân về.” (ĐVSKTT)
Quân số ít, nhưng trận này Lê Triện đại thắng, tuy nhiên vì say men chiến thắng nên ông đã quá liều lĩnh. Ngày hôm sau (ngày 7, tháng 10, năm Bính Ngọ – ngày 6 tháng 11/1426), từ Ninh Kiều, Lê Triện mang quân đến tấn công vòng ngoài chủ lực quân của quân Minh. Vương Thông đã biết hai đạo quân của Mã Kỳ – Sơn Thọ và của Phương Chính đã rút về Đông Quan, vì thế nên đề phòng. Lê Triện bị lọt bẫy và bị tổn thất: “Ngày mồng 7, bọn Lê Triện đánh Vương Thông ở các trại ngoài Cổ Sở. Bấy giờ, giặc đã phục binh sẵn, đan tra làm lá chắn, bên trong gài chông sắt, giả cách vứt lá chắn bỏ chạy. Voi của ta giẫm lên, trúng phải chông sắt, quân ta thất lợi, phải tạm lui. Bọn Triện tự liệu không thể chặn được mới phá hủy doanh trại cũ, thu quân giữ nơi hiểm yếu, cáo cấp trước với bọn Lê Lễ, Lê Chiến, Lê Xí.” (ĐVSKTT).
Nghĩa quân thua trận này và biết là Vương Thông sẽ truy kích, nên phá hủy căn cứ tại Ninh Kiều và rút quân về làng Cao Bộ 59, cách Ninh Kiều khoảng 9 Km về hướng tây – tây- nam.
Trận Tụy Động ( Tốt Động – Chúc Động) (Ngày 8, tháng 10, năm Bính Ngọ – ngày 7 tháng 11/1426)
Biết là bị cô thế và “Nghe nói các tướng Đinh Lễ và Lê Xí đang đóng quân ở Thanh Đàm 60, Triện liền sai báo gấp cho họ đến tiếp ứng. Bọn Lễ và Xí lựa lấy ba nghìn quân tinh nhuệ và hai thớt voi, tức tốc ngay ban đêm, đến hội quân ở Cao Bộ. Họ chia quân đặt phục ở Tốt Động và Chúc Động. Bắt được gián điệp của địch, ta biết rằng Thông đã tiến đóng ở Ninh Kiều, ngầm cho kỳ binh đi rảo đến phía sau quân Triện, còn chính binh của Thông thì sẽ qua sông tiến lên phía trước. Chúng hẹn nhau rằng hễ nghe nổ pháo thì các đạo quân địch đồng thời đánh khép lại. Hồi trống canh năm 61 đêm ấy, bọn Lễ sai quân nổ pháo ở nơi yếu hại để đánh lừa địch. Địch nghe tiếng pháo, mọi đứa đều đổ xô đi chiếm lấy thuận lợi. Chúng lùa quân đi tắt vào. Bấy giờ trời mưa, đường lầy lội. Chúng kéo đến Tốt Động, bị quân phục của ta bốn bề nổi dậy. Quân ta hợp sức lại, hăng hái chiến đấu, cả phá được địch: chém thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lượng. Ta lại đuổi kẻ chạy, dượt kẻ thua, hoặc giết chết, hoặc bắt sống. Quân Minh cùng giày đạp chồng chất lên nhau, chết đến hơn năm vạn. Số quân địch chết đuối cũng rất nhiều, làm nghẽn cả khúc sông Ninh Giang. Ta bắt sống được hơn một vạn địch, tước được quân nhu và khí giới vô kể. Bọn Chính và Kỳ chạy trốn. Thông bị thương, chạy về Đông Quan, đóng chặt cửa thành, cố giữ.” (KĐVSTGCM).
Đó là diễn tiến được viết lại bởi các sử quan của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, tương tự như ĐVSKTT, Lam Sơn Thực Lục hay Đại Việt Thông sử.
Kết quả trận chiến Tụy Động
Trận Tốt Động – Chúc Động là một trận chiến quyết định cho vận mạng của Đại Việt, để có thể cởi bỏ ách thống trị của ngoại bang. Đây là một trận chiến rất lớn, với hơn trăm ngàn (10 vạn) quân Minh tham chiến. Trận này, nghĩa quân Lam Sơn đã chiến thắng cực kỳ vẻ vang, một kỳ tích về chiến sử. Những diễn tiến đã được trình bày trong chương trước: kết quả của trận chiến là quân Minh bị chết 5 vạn người, 1 vạn bị bắt sống theo Việt sử. Trong khi đó nghĩa quân Lam Sơn chỉ có khoảng 5 ngàn quân và hai thớt voi chiến thì làm sao có thể lập được một chiến tích như vậy trong khi vũ khí hai bên chỉ là cung tên và giáo mác, hơn nữa quân Minh còn có hỏa khí là súng ? Việt Nam Sử Lược đã nêu lên những nghi ngờ:
“Nhưng cứ trong Việt Sử thì quân của Lý Triện và Ðinh Lễ chẳng qua chỉ có mấy nghìn người mà thôi, làm thế nào mà phá được hơn 10 vạn quân tinh binh của Vương Thông ? Vả lại sử chép rằng đánh trận Tụy Ðộng quân An Nam giết được hơn 5 vạn quân Minh, lại bắt được hơn 1 vạn người, như thế chẳng hóa ra quân Minh hèn lắm ru! E rằng nhà làm sử có ý thiên vị, cho nên sự thực không được rõ lắm. Nhưng dẫu thực hư thế nào mặc lòng, đại khái trận Tụy Ðộng là một trận đánh nhau to, mà Vương Thông thì thua, phải rút quân về giữ thành Ðông Quan rồi bị vây, còn Bình Ðịnh Vương thì ra bắc thu phục các châu huyện. Việc ấy chắc là thật có.” (VNSL)
Việt Sử Toàn Thư cũng đã đưa ra những nghi ngờ như thế Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần phải tìm hiểu thêm, đặc biệt là sử sách của Trung Quốc viết về trận chiến này.
Minh Thực Lục (Đoạn dịch trong bài viết “Về cuộc kháng chiến chống quân Minh” của tác giả Hồ Bạch Thảo)
Lúc này Thông điều quân chia đường mà tiến. Tham tướng Đô đốc Mã Ánh mang quân đến Thanh Oai gặp giặc, đánh bại chúng. Rồi đến huyện Thạch Thất họp quân với Thông, cả hai mang quân đến huyện Ứng Bình, trú quân tại Ninh Kiều. Các tướng nói đất này hiểm trở nên lập trại để xem tình hình, không nên coi thường mà tiến. Thông không nghe, cho điều quân qua cầu, đường sá lầy trơn, người ngựa lặn lội, phục binh nổi lên, quan quân bị bại ; Thượng thư Trần Hiệp 62 chết, Đô Chỉ huy Lý Đằng 63 bị chết vào tay giặc, Thông trúng thương nên quay về. Lê Lợi tại Nghệ An nghe tin bèn mang đại quân tới Thanh Đàm, đánh các xứ tại Bắc Giang, rồi vây thành Đông Quan. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 0593-0594 ; Tuyên Tông q. 22, tr. 12a-12b)
Minh sử, liệt truyện về Vương Thông, (bản dịch của dịch giả Tích Dã, Viện Việt Học, Forum, Việt Sử):
“Vương Thông, người Hàm Ninh, là con của Kim Hương Hầu Chân vậy.
… Thông dẫn quân hội với Anh, đến cầu Ninh Kiều của huyện Ứng Bình trúng phải mai phục, quân tan vỡ lớn, chết đến hai, ba vạn người, Thượng thư Trần Hiệp cũng chết ở đó. Thông bị thương trở về Giao Châu, Lợi ở Nghệ An nghe tin, tự đem quân tinh nhuệ vây Đông Quan. Thông chán nản, ngầm sai người cho phép Lê Lợi xin phong tước, lại truyền hịch từ đất Thanh Hóa về phía nam theo về Lợi. Án sát sứ Dương Thì Tập giữ ý không theo, Thông cất lời quát ông ta. Tướng giữ Thanh Hóa là La Thông cũng không bỏ thành, cùng Chỉ huy Đinh Trung ra sức giữ. Triều đình sai bọn Liễu Thang giúp Thông, không đến nơi.”
Vậy Minh Thực Lục cũng như Minh sử đã viết ra sự thất bại của quân Minh, “tư lệnh” Vương Thông thì bị thương, “bộ trưởng quốc phòng” Trần Hiệp và một đại tướng tử thương, quân chết hai ba vạn .Với sự thú nhận này thì thực sự có lẽ quân Minh phải thiệt hại cao hơn nhiều. Thí dụ như khi Việt Sử viết là Mã Kỳ ở Thanh Oai thất trận bỏ chạy bị chết cả ngàn người thì Minh Thực Lục viết là “Mã Ánh mang quân đến Thanh Oai gặp giặc, đánh bại chúng…”. Vậy sự thiệt hại này của quân Minh có thể gấp đôi là 5 vạn bị chết và một vạn bị bắt sống như Việt sử đã viết
Tuy nhiên có sự nghi ngờ là một đội quân với khoảng 5 ngàn người cùng với hai thớt voi trận mà có thể thắng được một đoàn quân cả trăm ngàn với 5 ngàn kỵ binh, một địch với 20 với vũ khí tương đương. Nếu đây là sự thật thì chiến thắng này quả là một điều khó có thể tưởng tượng nổi, và đáng được ghi vào kỷ lục hạng nhất của những chiến công trên toàn thế giới.
Sự việc có thể xảy ra với một chiến tích vẻ vang như thế này hay không? Chúng ta – hậu thế – thử tìm hiểu thêm về chi tiết trận đánh quyết định này.
Ngày 7, tháng 10, năm Bính Ngọ – ngày 6 tháng 11/1426
Sau đây là phỏng đoán về chi tiết trận Tụy Động dựa theo sử liệu đã viết:
Ninh Kiều là nơi đại quân của Vương Thông vừa kéo đến, quân số một trăm ngàn hay hơn với 5 ngàn ngựa tìm cách càn quét đội quân Lam Sơn thứ nhất của Lê Triện và Phạm Văn Xảo ở Cao Bộ. Nguy hiểm gần kề, Lê Triện biết là đạo quân Lam Sơn thứ 3 do Đinh Lễ và Lê Xí chỉ huy (3 ngàn quân với hai thớt voi trận) đang bí mật đóng tại Thanh Đàm để do thám tình hình Đông Quan về nhân sự cũng như địa hình địa vật, nên cho người đến thông báo xin cứu viện.- Thanh Đàm cách Cao Bộ khoảng 18 Km về phía đông – Đinh Lễ và Lê Xí lập tức kéo quân về Cao Bộ dù trời bắt đầu tối.

Bản đồ trận chiến Tụy Động ( Tốt Động – Chúc Động) phỏng định theo sử liệu (Địa hình sông núi được vẽ lại từ Google Earth)
Trên đường khởi hành đến Cao Bộ, Đinh Lễ “bắt được gián điệp của địch, ta biết rằng Thông đã tiến đóng ở Ninh Kiều, ngầm cho kỳ binh đi rảo đến phía sau quân Triện, còn chính binh của Thông thì sẽ qua sông tiến lên phía trước. Chúng hẹn nhau rằng hễ nghe nổ pháo thì các đạo quân địch đồng thời đánh khép lại. (KĐVSTGCM)
Biết được đường lối hành quân của Vương Thông và có lẽ đã biết khá rõ địa hình nên Đinh Lễ lập tức hành động, chia một số nghĩa quân phục kích ở Chúc Động với lệnh không hành động gì, để quân Minh đi qua, chỉ tấn công khi quân Minh rút lui, số quân còn lại họp với quân của Lê Triện và Phạm Văn Xảo. Một chương trình hành quân được đưa ra cấp tốc, mai phục là sở trường lấy yếu chống mạnh, là khắc tinh của một đoàn quân có lối tấn công ồ ạt bằng số đông với kỵ binh trợ lực.
Để vô hiệu hóa đoàn kỵ binh với 5 ngàn ngựa, một vùng lầy lội mà quân Minh sẽ bị nhử vào vùng mai phục, để chính người ngựa của chúng sẽ dẵm đạp chúng khi hoảng loạn và sẽ làm bia cho cung nỏ của nghĩa quân. Tốt Động là vùng đất thấp 64 gần sông Yên Duyệt 65 và Cao Bộ, nơi này được chọn làm địa điểm mai phục lý tưởng. Nếu nghe thấy tiếng pháo báo hiệu ở phía Cao Bộ là quân Minh sẽ tiến thẳng vào vùng phục kích của nghĩa quân.
Phía quân Minh, khi vừa kéo đến Ninh Kiều, “Các tướng nói đất này hiểm trở nên lập trại để xem tình hình, không nên coi thường mà tiến” (Minh Thực Lục). Vương Thông không nghe và quyết tấn công để tiêu diệt nghĩa quân tại Cao Bộ lập tức ngay trong đêm.
Chính binh của quân Minh do Vương Thông lãnh đạo, với cả trăm ngàn người kéo dài nhiều cây số tiến về hướng Cao Bộ trong đêm tối. Trời đổ mưa, đường đất trở nên lầy lội. Khi tiền quân của Vương Thông đến gần Tốt Động, thì nghĩa quân cho pháo nổ, để giả làm hiệu lệnh là đạo kỳ binh của quân Minh đang tấn công sau lưng Cao Bộ.
Thời điểm lúc này khoảng 5 giờ sáng, trời còn rất tối. Nghe tiếng pháo, Vương Thông thúc quân tiến gấp rút và lọt vào nơi mai phục tại Tốt Động. Nghĩa quân và voi trận xuất hiện, đồng loạt tấn công vào tiền quân của quân Minh. Bất ngờ bị phục kích trong đêm tối, không biết lực lượng của địch thủ mình ra sao, quân Minh hoảng loạn, mất hết khả năng chiến đấu, bỏ chạy ra tứ phía, trong cánh đồng lầy lội người ngựa dẵm đạp lên nhau và làm bia cho cung nỏ của nghĩa quân. Nghĩa quân mặc sức mà chém giết.
Trời mờ sáng, toán tiền quân một số chạy lùi lại, trung quân và hậu quân bị ứ đọng. Tình trạng rối loạn hàng ngũ đã không còn kiểm soát được, gấp rút kéo nhau trở lại hướng Ninh Kiều. Thấy hàng ngũ quân Minh đang tan rã tháo chạy, toán quân mai phục tại Chúc Động đồng loạt xuất hiện và tấn công. Phía sau, đoàn nghĩa quân mai phục tại Tốt Động đang truy kích. Thấy tổng binh Vương Thông bị trọng thương, thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lượng bị tử thương.
Quân Minh không còn lòng dạ nào để chiến đấu, chúng tranh nhau qua Ninh Kiều, cầu sập, rồi tìm cách bơi qua sông và chết đuối hàng loạt củng như làm bia cho cung nỏ. Những kẻ nào qua được sông thì kéo nhau chạy về Đông Quan, kẻ nào không qua được sông thì vất vũ khí đầu hàng. Đạo kỳ binh với 10 ngàn quân biết là chính binh đã bị thất bại nặng nề, rút lui về Ninh Kiều, sau đó kỳ binh hội với chính binh của Vương Thông, Mã Kỳ, Phương Chính thu thập tàn quân rút về Đông Quan phòng thủ.
Sau chiến thắng vẻ vang này, Lê Triện và Đinh Lễ lập tức thông báo cho Bình Định Vương.
“Tin thắng trận báo về hành dinh ở Lỗi Giang. Bấy giờ, vua đương đóng quân ở Thanh Hóa, hội các quân ở Hải Tây, nhận được thư báo thắng trận của bọn Lê Lễ, bèn đích thân dẫn đại quan và 20 thớt voi chia hai đường thủy, lục ngày đêm đi gấp. Ngày 11, tới sông Lũng Giang 66 đóng dinh, các tướng tới đón mừng.” (ĐVSKTT)
Kể từ trận chiến quyết định lịch sử này, nghĩa quân Lam Sơn đã hoàn toàn làm chủ tình thế. Quân Minh ở thế thụ động, sau đó là sự thảm bại của viện quân nhà Minh tại Chi Lăng – Xương Giang đã kết thúc cuộc đô hộ tàn bạo của ngoại xâm, sau 20 năm dân Việt quằn quoại của dưới ách thống trị.
Trận Tụy Động đã là trận chiến làm nên lịch sử, tiếc thay Lê Triện đã tử trận trong trận đánh sau này và đến ngày nay những anh hùng trong trận Tụy Động này đã không được hậu thế nhắc nhở và vinh danh đủ. Đặc biệt là Đinh Lễ, một Trần Bình Trọng thứ hai, “Lễ và Xí cưỡi voi cố sức đánh, voi sa lầy, bị quân Minh bắt sống đem vào thành Đông Quan. Lễ không chịu khuất phục, bị giết” (ĐVSKTT)
D- Thành công và thiết lập nền tự chủ.
1- Chiến sự vùng Bắc Việt
Sau chiến thắng Tụy Động; cục diện đã thay đổi, quân Minh ở vào thế bị động. Vương Thông rút vào thành Đông Quan phòng thủ. Ngày 22 tháng 10 năm Bính Ngọ (hai tuần sau trận Tụy Động), Bình Định Vương mang đại quân từ Lũng Giang “đến Tây Phù Liệt 67” (ĐVSKTT) để chuẩn bị tấn công Đông Quan.
a-Tấn công vùng ngoại ô thành Đông Quan (Ngày 23, tháng 10, năm Bính Ngọ – ngày 22 tháng 11/1426)
“Ngày 23, vua sai bọn Trần Hãn, Lê Bị (Bùi Bị) đem hơn trăm chiếc thuyền thủy quân, ngược dòng sông Đại Lũng ra cửa sông Hát, rồi thuận dòng xuôi đến bến Đông Bộ Đầu sông Lô 68 , bọn Lê Lễ đem hơn 1 vạn quân bộ bí mật tiến đến cầu Tây Dương. Vua đích thân dẫn binh tượng đến cửa Nam ngoài thành Đại La để đánh thành Đông Quan. Đến đêm, hồi canh ba, quân bốn mặt đánh ập vào, phóng lửa đốt các nhà ở ngoài thành, khói lửa mù mịt đầy trời. Các doanh quân đóng ngoài thành của Phương Chính tranh nhau chạy vào cửa thành xác chết gối lên nhau. Ta bắt hết những người trong nước buộc phải theo giặc và hơn trăm chiến thuyền cùng rất nhiều khí giới, nghi trượng. Giặc biết là quân dân các vùng gần đó đều theo về ta cả, thế là mỗi ngày một cùng quẫn, lại đắp thêm tường lũy, liều chết cố thủ, để đợi viện binh. Vua dời ra đóng dinh ở Đông Phù Liệt 69 “. (ĐVSKTT) Nghĩa quân vây thành Đông Quan, quân Minh cố thủ và tìm cách để cầu cứu viện binh.
Tới lúc này thì sự kiểm soát về hành chính của quân Minh trên lãnh thổ Đại Việc coi như ngừng hẳn, ngoại trừ một số thành trì chúng đang cố thủ .
Để trị an, Bình Định Vương thiết lập hệ thống hành chánh, thu chọn hiền tài. “Từ kẻ sĩ tới dân chúng, hễ ai đến quân doanh, vua đều dùng lời lẽ khiêm tốn, dùng nghi lễ trang trọng để tiếp đãi, rồi tùy theo tài năng hơn hay kém của từng người để bố trí các chức vụ khác nhau. Lấy ban thưởng để khích lệ khiến người người đều hăng hái, dùng hình phạt mà răn đe, nên ai ai cũng giữ gìn.” (ĐVSKTT)
Vua chia các lộ trấn ở Đông Đô thành bốn đạo (theo ghi chú trong ĐVSKTT):
1-Tây Đạo gồm các trấn Tam Giang, Hưng Hóa, Tuyên Quang và Gia Hưng;
2-Đông Đạo gồm các lộ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách Thượng, Nam Sách Hạ và trấn An Bang;
3-Bắc Đạo gồm các lộ trấn Bắc Giang, Thái Nguyên;
4-Nam Đạo gồm các lộ Khoái Châu, Lý Nhân, Tân Hưng, Kiến Xương và Thiên Trường.
b- Vương Thông xin hòa (Tháng 12 năm Bính Ngọ)
“Bọn Vương Thông, Sơn Thọ nhà Minh hễ đánh là thua, chán nản lo sợ, mưu kế đã cùng, viện binh không có, tình thế ngày một khốn quẫn, bèn sai người đưa thư xin hòa, mong được toàn quân trở về nước. Vua nói: “Câu đó đúng hợp ý ta. Vả lại, binh pháp không đánh mà khuất phục được quân của người là kế hay hơn cả”. Bèn bằng lòng cho giảng hòa, hẹn ngày kíp gọi quân sĩ ở các thành cùng một lúc về tập hợp ở thành Đông Quan để cho về nước cả. Sai cận thần trao đổi với quân Minh, cho phép họ được đi lại, mua bán không khác gì dân thường”. (ĐVSKTT).
Tuy nhiên bọn thổ quan (người Việt ra làm quan cho quân Minh) như Lương Nhữ Hốt, Trần Phong, Trần An, sợ rằng sau khi giặc rút về, chúng sẽ hết đường sống, nên chúng nói với Vương Thông về trường hợp Ô Mã Nhi bị quân nhà Trần đục thuyền chết trên đường về nước. Vương Thông đổi ý, tìm cách phòng thủ Đông Quan để cầm cự và sai người lén về Tàu xin viện binh. Bắt được những người “mang thư bọc sáp của Thông” (ĐVSKTT). Nghĩa quân biết được âm mưu, nên Bình Định Vương tiếp tục chiến dịch bình định đất Bắc.
c- Nghĩa quân bao vây và tấn công các thành trì của quân Minh tại đất Bắc
“Vua sai các tướng chia quân đi đánh các thành: Quốc Hưng đánh hai thành Điêu Diêu, và Thị Cầu; Lê Khả và Lê Khuyển đánh thành Tam Giang; Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý, Lê Lãnh và Lê Triện đánh thành Xương Giang; Lê Lựu và Lê Bôi đánh thành Khâu Ôn” (ĐVSKTT) .
– Thành Điêu Diêu (thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay) và Thị Cầu (thị xã Bắc Ninh ngày nay), bị tướng Lê Quốc Hưng (tên viết theo CM) mang quân bao vây.
Tháng giêng năm Đinh Mùi (2/ 1427) “Bọn Chỉ huy Trương Lân và Tri phủ Trần Vân ở thành Điêu Diêu ra hàng.” (ĐVSKTT).
Ngày 19, tháng hai năm Đinh Mùi (ngày 16 tháng 3, 1427) “Người Minh giữ thành Thị Cầu là Đường Bảo Trinh ra hàng. Sai viên chỉ huy họ Tăng đã đầu hàng, theo Nguyễn Trãi đi chiêu dụ thành Tam Giang. ” (ĐVSKTT).
– Thành Tam Giang (huyện Lâm thao, Phú Thọ ngày nay) do hai t ướng Lê Khả (Trịnh Khả – tên viết theo CM) và Lê Khuyến bao vây.Tháng 6 năm Đinh Mùi (7/1427), thành này đầu hàng: “Tháng 6 (7/1427), bọn Chỉ huy sứ Lưu Thanh ở thành Tam Giang ra hàng” (ĐVSKTT).
– Thành Khâu Ôn (tỉnh lỵ Lạng Sơn ngày nay) do hai tướng Lê Lựu (CM: Trần Lựu) và Lê Bôi mang quân đến tấn công. Ngày 13 tháng Giêng, Bính Ngọ (17/2/1427). ” Ngày 13, bọn Lê Lựu, Lê Bôi ngày đêm đánh gấp thành Khâu Ôn. Quân Minh tự lượng chống đỡ không nổi, đang đêm bỏ thành chạy trốn.” (ĐVSKTT)
– Thành Xương Giang (nay là thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). thành này do Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý, Lê Lãnh và Lê Triện nhận trách nhiệm bao vây và tấn công. Đây là một cứ điểm cam go của nghĩa quân, vì “chỉ huy nhà Minh là Kim Dận cho là thành này nằm ngay trên đường về của quân Minh, nên cùng với tên quan mới bổ đến là Lý Nhậm liều chết cố thủ. Trải qua hơn 6 tháng trời cầm cự với các quân Khoái Châu, Lạng Giang, chúng vừa đánh vừa giữ, khiến quan quân không thể lên được thành. Vua sai bọn Hãn đắp đất, mở đường đánh nhau với giặc, dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, súng lửa, bốn mặt đánh vào, thành cuối cùng bị hạ. Bọn Dân, Nhậm đều tự sát.” “. (ĐVSKTT).
Vì biết được viện binh của quân Minh đang kéo sang, nên Bình Định Vương sai Trần Nguyên Hãn bằng mọi giá phải hạ thành Xương Giang. “Tháng 9, ngày mồng 8 (28 tháng 10, 1427), bọn Thái úy Trần Hãn, Tư mã Lê Sát, thiếu úy Lê Triện 70, Lê Lý đánh lấy được thành Xương Giang.” (ĐVSKTT)
Trận đánh thành Xương Giang là một trận vô cùng cam go, sử Việt không viết về thiệt hại của nghĩa quân, nhưng Minh Thực Lục đã viết về sự khốc liệt của việc đánh và hạ thành Xương Giang : “Ngày hôm nay giặc Giao Chỉ Lê Lợi công hãm thành Xương Giang. Lợi cho rằng Xương Giang là nơi quan trọng, [trên đường] đại quân ra vô ; bèn dùng hơn 8 vạn quân đánh. …. Giặc nghe tin đại binh của Chinh di Tướng quân sắp tới, sợ sẽ dùng thành này làm chổ dựa, bèn tăng cường thêm quân và voi tấn công. Tên đá bắn vào như mưa. Nhiệm dùng trăm cách để chống cự, trải qua 9 tháng trời, giao tranh hơn 30 trận ; … Bọn Nhiệm kiệt sức, đánh không xuể, Nhiệm và Phúc đều tự tử ; quan trong thành là Phùng Trí khóc ròng, hướng về phía bắc bái tạ, rồi cùng Chỉ huy Lưu Thuận, Tri phủ Lưu Tử Phụ thắt cổ chết….”. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 0701-702; Tuyên Tông q. 27, tr.2b)71

Bản đồ các thành gần Đông Quan
d- Tình hình các thành ở phía nam Đông Quan năm 1427
Sau trận Tụy Động tháng 11 và việc Vương Thông xin hòa tháng 12 năm 1426, các thành phía nam như Nghệ An, Diễn Châu đầu hàng (tháng 2, 1427). Thành Cổ Lộng 72 do tư mã Cao Ngự bao vây từ tháng 2 năm 1427 và thành Tây Đô (bị bao vây từ tháng 5/ 1425) vẫn chưa chịu đầu hàng. Tuy nhiên hai thành này không có tính cách quan trọng về chiến lược – không nằm trên đường tiến quân của viện binh – nên đã không bị nghĩa quân tấn công gắt gao. Hai thành này chỉ đầu hàng khi toàn bộ quân Minh tại Đại Việt chính thức qui hàng.
e- Tình hình chiến sự quanh Đông Quan, nghĩa quân mất hai đại tướng:Lý Triện và Đinh Lễ
Để bao vây toàn diện thành Đông Quan, Bình Định Vương chia các tướng ra trấn đóng bốn phía: “Đinh Mùi, [1427], (Minh Tuyên Đức năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, vua tiến quân sang bờ Bắc sông Lô, đối lũy với thành Đông Quan. Bọn Thiếu úy Lê Khả giữ cửa Đông, Tư đồ Lê Lễ (CM: Đinh Lễ) giữ cửa Nam, Thái giám Lê Chửng đem hai vệ thiết đột là bọn Nghi Phúc giữ cửa Tây, Thiếu úy Lê Triện (CM: Lý Triện) đem quân hai vệ giữ cửa Bắc, vây đánh thành Đông Quan …. dựng lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề trên bờ sông Lô 73 . (Khi ấy, có hai cây bồ đề ở trong dinh, nên gọi là dinh Bồ Đề), cao bằng tháp Báo Thiên, hằng ngày vua ngự trên lầu nhìn vào thành để quan sát mọi hành vi của giặc, cho Trãi ngồi hầu ở tầng hai, nhận lệnh soạn thảo thư từ qua lại. (ĐVSKTT)
Tuy nhiên để phù hợp với tình hình, Bình Định Vương lại điều động các tướng như sau: “Hạ lệnh cho thiếu úy Lê Vân đóng ở cửa Đông thành Đông Quan; Tư không Lê Lễ, Thiếu úy Lê Sát, Lê Lý, Lê Lỗi, Lê Chích đóng ở cửa Nam; Thiếu úy Lê Bị, Thái giám Lê Nguyễn, Chấp lệnh Lê Chửng đem ba vệ Thiết đột đóng ở cửa Tây; thiếu úy Lê Triện, Lê Văn An đem 14 vệ quân đóng ở cửa Bắc” (ĐVSKTT).
Quân Minh đột kích Cảo Động, Lý Triện Tử trận: “Tháng 2, ngày mồng 7 (ngày 4, tháng 3, 1427), Phương Chính ngầm đem quân đánh úp Cảo Động74 , huyện Từ Liêm, Triện cố sức đánh lại, bị tử trận, Bí bị giặc bắt sống. (Sau giặc về nước, lấy lễ trả Bí về).” (ĐVSKTT)
Cũng trong tháng này (tháng 2) , quân Minh đột kích Bài Sa Đôi, huyện Từ Liêm , nghĩa quân dù không thua trận, đã đẩy lui quân Minh, nhưng cũng đã bị thiệt hại khá nặng vì bị quân Minh đánh hỏa công, “quân ta tránh lửa vượt sang sông, có nhiều người bị chết đuối” (ĐVSKTT). . Quân Minh đột kích Tây Phù Liệt, Đinh Lễ bị bắt và bị giết vì không đầu hàng:
“Ngày mồng 9 (ngày 6, tháng 3, 1427), Tư không Lê Lễ (CM: Đinh Lễ), thượng tướng quân Lê Xí đánh nhau với quân Minh ở My Động (nay là Hoàng Mai 75) . Lễ tử trận. Hôm ấy, Vương Thông đem quân tinh nhuệ trong thành ra đánh Thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt.
Nguyễn giữ vững thành lũy chống lại. Vua vội sai Lê Lễ, Lê Xí đem hơn 500 quân Thiết đột đến đánh , đuổi giặc tới My Động. Vương Thông thấy Lễ ít quân, mới đánh kẹp vào. Lễ và Xí cưỡi voi cố sức đánh, voi sa lầy, bị quân Minh bắt sống đem vào thành Đông Quan. Lễ không chịu khuất phục, bị giết chết. Xí về sau nhân đêm mưa gió, dùng mẹo đánh lừa tên canh giữ, chạy thoát về, ra mắt vua ở dinh Bồ Đề…” (ĐVSKTT).
Nghĩa quân đã bị mất hai tướng tài trong những tháng đầu năm 1427. Tiếc là hai ông Lý Triện và Đinh Lễ không còn sống để nhìn thấy nền độc lập của Đại Việt, thấy toàn dân Việt thoát khỏi ách cai trị tàn bạo của ngoại bang.
Linh hồn của Lam Sơn khởi nghĩa là Bình Định Vương Lê Lợi, chiến lược đưa đến chiến thắng là Nguyễn Trãi (“Công Tâm”) và Nguyễn Chích (“Nam tiến, Bắc bình”), bôn ba trận mạc với nhiều chiến công – đặc biệt là trận Tụy Động, trận đánh quyết định vận mạng của dân tộc – phần lớn là công lao của hai ông Lý Triện và Đinh Lễ.
Tác giả chính thức của ĐVSKTT đã có nhận xét về hai đại tướng Lý Triện (quốc tính là Lê Triện) và Đinh Lễ (quốc tính là Lê Lễ) như sau:
” Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Khuất Hà quen mùi thắng trận ở Bồ Tao đến nỗi bị bại vong , đó là quân tàn bạo, bị cô lập, đi xâm chiếm nước nhỏ. Lê Lễ quen thói đánh được ở Tốt Động, cũng vì thế mà bại vong, nhưng là quân khảng khái phục thù. Tuy hai người đều thất bại như nhau, nhưng ý nghĩ lại rất khác. Cho nên tướng giỏi thời ấy, thì Lễ và Triện xứng đáng đứng đầu.”
Để ghi công ơn hai ông đã hy sinh vì nước, Bình Định Vương đã gia phong quan tước cho thân nhân của hai ông để họ được hưởng bổng lộc.
f- Viện quân nhà Minh của Cố Hưng Tổ và trận chiến tại ải Pha Lũy (ải Nam Quan) (Ngày 10, tháng 6, năm Đinh Mùi – ngày 4, tháng 7/1427)
Nhận được thư xin cầu cứu viện binh của Vương Thông, nên ngày mồng 4 tháng 7 năm 1427, vua nhà Minh sai quân sang tiếp cứu. “Mùa hạ, tháng 6, ngày mồng 10, trấn thủ Quảng Tây Chinh man tướng quân Trấn Viễn hầu Cố Hưng Tổ của Nhà Minh đem 5 vạn quân, 5 nghìn cỗ ngựa 76, từ Quảng Tây sang cứu viện các thành. Đến cửa ải Pha Lũy bị tướng giữ ải Lê Lựu, Lê Bôi đón đánh ngay tại cửa ải, phá tan quân giặc, chém hơn 3.000 thủ cấp, bắt được 500 ngựa. Hưng Tổ thua to chạy về”. (ĐVSKTT)
Đây là đạo quân tiếp viện đầu tiên, có tính cách gấp rút, tuy nhiên chúng đã bị Lê Lựu, Lê Bôi đánh bại (CM: Trần Lựu, Lê Bôi -các chiến tướng đã chiếm Khâu Ôn ngày 13 tháng Giêng, Bính Ngọ -17/2/1427). Một chiến tích lẫy lừng, tuy nhiên sử liệu không ghi lại chi tiết, phỏng đoán là quân số của Lê Lựu ít hơn quân của Cố Hưng Tổ rất nhiều (quân Minh với 50 ngàn quân). Đây là một trận đánh lớn, quân số tham chiến của quân Minh bằng nửa trận chiến Tụy Động (100 ngàn quân). Tiếc thay công lao của Trần Lựu và Lê Bôi đã không được ghi lại rõ ràng trong sử liệu để hậu thế tri ân (sách Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim không viết về trận đánh này77).
2- Tiêu diệt 2 toán viện quân nhà Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy
Tổng binh Vương Thông cùng các tướng là Phương Chính, Mã Kỳ mặc dù sau khi xin hòa với Bình Định Vương; nhưng đã lén lút sai người về triều đình nhà Minh để xin viện binh giải cứu. Đám quân tiếp viện đầu tiên của Cố Hưng Tổ đã thất bại, hai cánh quân khác theo hai hướng khác nhau đã kéo sang Bắc Việt để tiếp cứu Đông Quan. Một đạo với 100 ngàn quân do Liễu Thăng chỉ huy, theo đường từ Quảng Tây vượt ải Pha Lũy tiến về Đông Quan. Một đạo với 50 ngàn quân do Mộc Thạnh lãnh đạo theo đường từ Vân Nam qua ải Lê Hoa tiến vào Bắc Việt.
” Ngày 18 (tháng 9, Đinh Mùi – ngày 8, tháng 10, 1427), nhà Minh sai Tổng binh Chinh lỗ tướng quân Thái tử thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng, Tham tướng Bảo Định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Binh bộ thượng thư Lý Khánh, Công bộ thượng thư Hoàng Phúc, thổ quan Hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân đem hơn 10 vạn quân và 2 vạn ngựa đánh vào cửa Pha Lũy.
Chinh Nam tướng quân thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh, Tham tướng Hưng An bá Từ Hanh, Tân Ninh bá Đàm Trung đem 5 vạn quân và 1 vạn ngựa 78 đánh vào cửa Lê Hoa 79. Cả hai đều đã tới đầu địa giới nước ta.” (ĐVSKTT) a- Trận Chi Lăng – Liễu Thăng tử trận (Ngày 20, tháng 9, năm Đinh Mùi – ngày 10, tháng 10/1427)
Biết quân của Liễu Thăng và Mộc Thạnh từ hai hướng kéo sang; nên Bình Định Vương đã có những phản ứng thích hợp. “Các tướng sĩ ta được tin quân cứu viện của Minh sắp kéo sang, phần đông đều khuyên Vương nên đánh gấp Đông Đô để diệt địch ở trong làm nội ứng. Vương bảo rằng: “Đánh thành, là mưu thấp; chi bằng nuôi sức quân, tích lũy lấy tinh thần sắc bén, đợi giặc đến, ta đánh phá ngay. Một khi viện binh đã bị tuyệt diệt thì thành Đông Đô tất phải đầu hàng. Đó là mưu chước vạn toàn: làm một việc mà được lợi cả hai” (KĐVSTGCM).
Đây là một chiến lược vẹn toàn. Quân tiếp viện sang tấn công, sự đối kháng là việc bắt buộc. Đánh thành sẽ làm hao binh tổn tướng rất nhiều. Quyết định của Bình Định Vương là không hạ thành Đông Quan đã đưa đến sự chấm dứt chiến tranh mau chóng. Ngoại trừ thành Xương Giang, thành duy nhất mà nghĩa quân cố sức triệt hạ. Đây là một vị trí chiến lược quan trọng, vì nếu số đông viện quân vào được thành này, biến nơi đây làm cứ điểm tấn công nghĩa quân; thì cuộc chiến sẽ triền miên. Việc cố gắng chiếm thành Xương Giang sẽ thay đổi chiến sự rất nhiều và sẽ được minh chứng trong trận Xương Giang sắp xảy ra.
Để chuẩn bị cho việc phòng thủ, Bình Định Vương “hạ lệnh cho các xứ Lạng Giang – Bắc Giang – Tam Đái, Tuyên Quang, Quy Hóa dời vợ con của quân dân đi xa để tránh viện binh của giặc tới…. sai bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt, Lê Thụ đem 1 vạn quân tinh nhuệ, 5 thớt voi, bí mật mai phục trước ở ải Chi Lăng 80 để đợi giặc. ” (ĐVSKTT)
Ải Chi Lăng là một vùng rất hiểm trở, nơi đây đã xảy ra nhiều trận chiến trong lịch sử, với địa danh Quỷ Môn quan (Phương Đình Địa Dư chí), nơi đã làm cho những chinh nhân của Trung Quốc kinh hoàng với câu truyền tụng: “Quỷ Môn quan, Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (Quỷ Môn quan, mười kẻ đến, một người về).
Chi Lăng, một lần nữa đã có diễn biến về chiến sự phù hợp với câu truyền tụng này. Liễu Thăng và 100 ngàn quân hành binh như thế nào và kết cục ra sao?
“Ngày 20 (10/10/1427), Liễu Thăng đốc suất đại quân đuổi theo. Đến chỗ có mai phục, bọn Sát và Nhân Chú tung hết quân mai phục, bốn mặt đều nổi dậy xung vào đánh giặc. Quân giặc thua to. Chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn 1 vạn thủ cấp quân giặc.” (ĐVSKTT)
KĐVSTGCM đã viết về diễn biến khá chi tiết với những mưu kế và cách thức để lừa quân địch vào tròng của nghĩa quân như sau: “Bấy giờ Trần Lựu phòng thủ cửa Pha Lũy, thấy giặc đến, lui giữ cửa Ải Lưu 81. Giặc tràn đến, giành lấy Ải Lưu, Trần Lựu lại lui giữ cửa ải Chi Lăng. Phía trước cửa ải này cứ cách từng quãng lại có rào lũy để chống giữ. Liễu Thăng thừa thắng đánh gấp, phá luôn được: tiến đến đâu cũng không còn ai dám chống cự nữa. Thăng rất đắc ý.
Vương sai người đem thư đến cửa quân của Thăng, cầu xin nhà Minh làm theo cái ý “tiếp nối cho dòng vua một họ đã bị tuyệt diệt” do Minh Thành Tổ (1403-1424) đề xướng trước và cho lập Trần Cao làm chủ trong nước, bãi việc binh đao, khiến dân được yên nghỉ. Thăng nhận thư, không mở xem, liền cho chạy trạm đem về tâu với vua Minh, còn mình thì cứ kéo quân ruổi dài thẳng tiến. Khi Thăng đến chỗ còn cách Chi Lăng vài dặm, các tướng Lê Sát sai Trần Lựu ra đánh, giả cách thua chạy. Thăng hí hửng mừng, chính hắn cầm đầu hơn trăm quân kỵ xông xáo lên trước, xa lìa toán quân hậu đội, rồi hắn, vì lầm lỡ, sa xuống lầy. Phục binh của ta thình lình nổi dậy: đánh cho quân địch phải thua xiểng liểng, chém Thăng ở sườn núi Đảo Mã 82 và hơn vạn thủ cấp quân Minh.” (KĐVSTGCM)
Tổng binh Liễu Thăng người chỉ huy toán viện quân từ Quảng Tây vào đất Việt đã tử trận, phó Tổng binh là Bảo Định bá Lương Minh thay Liễu Thăng nắm binh quyền.
a- Trận Cần Trạm 83 hay trận đánh ở vùng Kép (Ngày 25, tháng 9, năm Đinh Mùi – ngày 15, tháng 10/1427)
Sau khi Liễu Thăng và hơn một vạn viện quân bị tiêu diệt, ông Nguyễn Trãi đã viết thư chiêu hàng, nhưng Lương Minh vẫn tiến quân về Đông Quan. “Ngày 25, vua lại sai Lê Lý và Lê Văn An đem 3 vạn quân tiếp đến ải núi Mã Yên. Bọn Sát và Nhân Chú chỉ huy các quân tung hết binh sĩ ra đánh giặc, chém Bảo Định bá Lương Minh tại trận” (ĐVSKTT). Vậy là số viện quân còn lại khoảng 90 ngàn do Lương Minh chỉ huy tiếp tục tiến quân về phía Đông Quan.
Quân của hai tướng Lê Lý và Lê Văn An tiến về Chi Lăng. Biết được viện quân Minh đang kéo về Đông Quan , hai tướng cho quân mai phục ở Cần Trạm là vùng thị trấn Kép ngày nay. Lê Sát và Trần Lựu ( toán nghĩa quân đã giết Liễu Thăng) để quân Minh vượt qua Chi Lăng, không chận đánh. Khi viện quân Minh đã lọt vào điểm phục kích tại Cần Trạm, thì cả hai đoàn nghĩa quân từ hai phía trước và sau cùng tấn công. Chiến sự tiếp diễn. Không thấy sử liệu viết về số quân Minh bị thiệt hại (phỏng đoán là hàng vạn quân, đặt căn bản trên những quân số còn lại được ghi trong sử liệu).

Bản đồ trận Chi Lăng – Xương Giang
b- Trận đánh tại Phố Cát 84 (Ngày 28, tháng 9, năm Đinh Mùi – ngày 18, tháng 10/1427)
“Ngày 28, Thượng thư Lý Khánh kế cùng phải thắt cổ”. (“Bình Ngô Đại Cáo” – Nguyễn Trãi)
Lương Minh chết, Lý Khánh lên thay và tiếp tục tiến quân về Đông Quan. Tiến đến gần thành Xương Giang ( với khoảng 70 ngàn viện quân) lại bị phục kích một lần nữa, “Lý Khánh phải tự vẫn chết.” (KĐVSTGCM).
Sử liệu của Việt Nam đã không ghi chi tiết về trận chiến này, cái chết của Lý Khánh cũng có sự khác biệt trong sử liệu:
“Ngày 28, viên Tham tán quân vụ nhà Minh, chức binh bộ Thượng thư Là Lý Khánh chết bệnh tại trong quân,” (ĐVTS của Lê Quý Đôn).
Minh Thực Lục viết: “Khi An viễn hầu Liễu Thăng chinh Giao Chỉ, mệnh Khánh tham tán quân sự, đến Quảng Tây phát bệnh, vào đất Giao Chỉ thì mất…” (Minh Thực Lục q. 31, tr. 0797-0801; Tuyên Tông q. 31, tr. 2a-4a) 85 . Lý Khánh chết, Thôi Tụ lên nắm quyền và Hoàng Phúc phụ tá (Công bộ thượng thư, đã từng sang Việt Nam cai trị). Ỷ là quân số còn đông nên Thôi Tụ nên tiếp tục tiến quân, và lọt vào vùng mai phục của tướng Lê Nhân Chú “Thôi tụ và Hoàng Phúc dẫn quân miễn cưỡng tiến lên. Nhân Chú lại đánh bại bọn chúng, chém được hơn 2 vạn thủ cấp, bắt được lừa ngựa, trâu bò, quân tư khí giới nhiều không kể xiết ” (ĐVSKTT).
c- Trận Xương Giang (Từ ngày 28 tháng 9, đến ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mùi – ngày 18/10/1427 đến ngày 3/11/1427)
Dù bị thiệt hại nặng nề, Thôi Tụ vẫn tiến quân về hướng Đông Quan với hy vọng vào được thành Xương Giang, nhưng thành này đã bị tướng Trần Nguyên Hãn và nghĩa quân triệt hạ và chiếm đóng sau những nỗ lực đáng kể.
Tuy nhiên, “Tụ ngỡ là thành Xương Giang chưa bị phá, dẫn quân định đến đó. Khi tới nơi thì thành Xương Giang đã bị mất, chúng hết cả hy vọng, lại càng kinh hoàng sợ hãi. Gặp lúc trời báo tai biến, mưa to gió lớn, núi rừng gầm thét, người ngựa nhìn nhau không nhích lên được bước nào. Giặc chỉ còn cách đợi đến đêm vắng, bắn súng làm tín hiệu báo cho hai thành Đông Quan và Chí Linh để họ nghe thấy tiếng súng thì ra cứu viện. Nhưng Đông Quan và các thành khác tự cứu còn chưa xong, biết đâu đến chỗ khác!”(ĐVSKTT)
Nghĩa quân biết là Thôi Tụ và Hoàng Phúc đang trong cảnh đường cùng, cố tìm lối thoát, nên
“vua sai Lê Lý và Lê Văn An đem 3 vạn quân bao vây bốn mặt, lại dựng rào lũy ở tả ngạn sông Xương Giang 86 để ngăn chặn. Bọn Tụ không còn mưu kế gì khác, đành phải đắp lũy giữa cánh đồng để tự vệ 87 . Thôi Tụ và Hoàng Phúc muốn tiến cũng không được, muốn lui cũng không xong, bèn giả hòa, nhưng âm mưu định chạy vào thành Chí Linh. Vua biết được quỷ kế của chúng, kiên quyết khước từ không cho hòa. Kế đó, Trần Hãn chặn đứng đường vận chuyển lương thực của giặc, sai bọn Lê Vấn, Lê Khôi, đem 3 nghìn quân Thiết đột, 4 thớt voi, cùng với bọn Sát, Lý, Nhân Chú, Văn An tấn công bọn giặc. Ngày 15, quân Minh đại bại, ta chém hơn 5 vạn thủ cấp giặc, bắt sống bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 3 vạn tên, thu được vũ khí, ngựa chiến, vàng bạc, vải lụa nhiều không kể xiết . Còn những kẻ chạy trốn thì trong khoảng không đến 5 ngày đều bị bọn chăn trâu kiếm củi bắt gần hết, không sót tên nào” (ĐVSKTT).
Mặc dù Bình Định Vương sai ông Nguyễn Trãi viết thư dụ hàng nhưng Thôi Tụ đã không khuất phục, tìm cách để mang quân chạy về thành Chí Linh. Biết được âm mưu, nghĩa quân tiếp tục trận chiến để đi đến thắng lợi cuối cùng. Đoàn viện binh của nhà Minh từ Quảng Tây kéo sang hoàn toàn bị tiêu diệt, Thôi Tụ và Hoàng Phúc bị bắt sống và không sót một người nào trong đám viện binh của quân Minh trốn thoát.

Bản đồ vùng ải Lê Hoa
d – Đạo viện binh của Mộc Thạnh và trận chiến vùng ải Lê Hoa. (Khoảng giữa tháng 10 năm Đinh Mùi – đầu tháng 11/1427)
Chinh Nam tướng quân Mộc Thạnh người chỉ huy đạo viện binh nhà Minh với 50 ngàn quân và 10 ngàn ngưạ từ Vân Nam sang. Là một lão tướng nhiều kinh nghiệm, đã từng cùng với Trương Phụ giao chiến nhiều lần ở Việt Nam, Mộc Thạnh mang quân đóng tại vùng ải Lê Hoa và không tiến sâu về phía nam, ông chờ kết quả của đạo binh do Liễu Thăng rồi mới hành động.
Bình Định Vương ” liệu tính rằng Mộc Thạnh tuổi đã già, từng trải việc đời đã nhiều, lại biết tiếng vua từ trước, nhất định còn đợi xem Liễu Thăng thành bại ra sao chứ không nhẹ dạ tiến quân, bèn gởi thư mật, bảo bọn Khả, Khuyển cứ đặt mai phục chờ đợi, chớ giao chiến vội. Đến khi quân Liễu Thăng đã bị thua, vua sai lấy 1 tên chỉ huy và 3 tên thiên hộ của giặc mà ta bắt được, cùng những sắc thư, phù ấn của Liễu Thăng đưa đến chỗ quân Mộc Thạnh.
Bọn Thạnh trông thấy rất hoảng sợ, trong phút chốc quân hắn tan vỡ tháo chạy. Bọn Văn Xảo và Khả thừa thắng tung quân ra đánh, phá tan quân giặc ở Lãnh Câu và Đan Xá 88 , chém hơn 1 vạn thủ cấp, bắt sống hơn 1 nghìn tên và hơn 1 nghìn con ngựa, còn bị chết đuối ở khu vực thì nhiều không kể xiết. Mộc Thạnh thì chỉ còn một mình một ngựa tháo chạy. Ta thu được chiến khí, của cải, xe cộ nhiều hơn hẳn thành Xương Giang” (ĐVSKTT).
3 – Hội thề Đông Quan (Ngày 22, tháng 11, năm Đinh Mùi – ngày 10, tháng 12/1427)
Tới lúc này thì toàn thể viện binh nhà Minh sang để giải cứu Đông Quan đang bị bao đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Để đánh một đòn tâm lý quyết liệt, Bình Định Vương: “sai giải Hoàng Phúc đến thành Đông Quan và kèm theo chiếc song hổ phù của Chinh lỗ phó tướng quân với hai quả ấn bạc của chức Thượng thư. Bọn Thông cả sợ, liền sai người đem thư đến xin hòa. Vương ưng thuận, bèn hội thề ở phía nam thành Đông Quan, hẹn đến tháng chạp thì Thông rút hết quân về nước. Vương sai chạy thư đi các thành Tây Đô, Cổ Lộng và Chí Linh truyền cho các tướng cởi vòng vây, kéo quân về” (KĐVSTGCM)
“Bấy giờ bọn Thông ở trong thành đã quẫn bách lắm rồi, chỉ còn trông cây vào viện binh, thì viện binh lại bị ta đánh bại, cho nên phải giảng hòa, xin rút quân về nước”. (ĐVSKTT)
“Ngày 22, vua cùng với Tổng binh quan nhà Minh Thái tử thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông, … hội thề ở phía nam thành. Họ hẹn đến ngày 12 tháng 12 (29/12/1427) thì đem quân về nước và sai người đem tờ trình xin trả lại đất đai cho ta. … Tháng 12, ngày 12, Vương Thông nhà Minh sai quân bộ qua sông Lô đi trước, quân thủy theo sau. … Ngày 17, Vương Thông nhà Minh dẫn quân bộ đi sau. Thông cùng vua nói chuyện từ biệt suốt đêm rồi đi. Vua sai đưa trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn chân rất hậu. Quân thủy, bộ của ba thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cùng lục tục rút tiếp. Từ đây, việc binh đao dập tắt, khắp thiên hạ thái bình”. (ĐVSKTT)
4- Thiết lập nền tự chủ
Để tránh những chinh chiến triền miên, Bình Định Vương Lê Lợi đã nhún mình dâng biểu với vua nhà Minh để xin lập Trần Cảo làm vua, cũng như để giữ thể diện cho bắc triều ông đã xin giảng hòa. Vua nhà Minh chấp thuận.
Nền độc lập của Đại Việt đã được tái lập với biết bao gian khổ và hy sinh. Ông vua hờ Trần Cảo đã “biết người trong nước không phục mình, bèn ngầm đi thuyền vượt biển trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An) quan quân đuổi bắt được, đem về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết”89 (ĐVSKTT). Bình Định Vương Lê Lợi chính thức lên làm hoàng đế Đại Việt. Ông “Hạ lệnh cho các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã, Thiếu úy, Hành khiển bàn định pháp lệnh cai trị quân dân, để người làm tướng biết phép trị quân, quan các lộ biết phép trị dân, cũng để răn dạy quân dân biết là có pháp luật. ….” (ĐVSKTT)
“Vua dụ các tướng hiệu, quan nhân 6 điều là:
1- Kẻ làm tôi con phải trung thành thờ vua, không được làm điều dối trá.
2- Ở với mọi người phải cho ngay thẳng, không được làm điều gian phi.
3- Khi ra trận đánh giặc có bắt được tù binh, chém được giặc không được cướp công của nhau
4- Có kẻ nào gian ác, phi pháp ở trong quân, trong dân thì phải bắt giữ để trị tội, mà các ngươi cũng phải lấy đó làm gương răn, chớ để tội đến thân mình.
5-Các quan thị vệ chớ cậy mình được yêu quý mà ngược đãi, bắt nạt mọi người.
6- Khi làm việc, lúc lập công, phải tự mình làm gương trước, để mọi người dưới trông vào bắt chước”. (ĐVSKTT)
Lấy đại nghĩa thắng hung tàn,
Lấy chí nhân thay cường bạo.
(Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi)
Người viết xin trích dẫn hai đoạn sử sau đây thay cho lời kết luận:
Bấy giờ các tướng sĩ và người nước ta rất căm thù quân Minh đã giết hại cha con, thân thích họ, liền rủ nhau tới khuyên vua giết bọn chúng đi. Vua dụ rằng:
“Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?” (ĐVSKTT)
“Bấy giờ những người đã đầu hàng ở các thành cả nam lẫn nữ gồm hơn 6000 người. Vương sai các lộ Thiên Trường, Kiến Xương, Lỵ Nhân và Tân Hưng thu lấy mà nuôi dưỡng, đừng để cho họ long đong, không yên chỗ” (KĐVSTGCM)
Để tri ân tiền nhân, những anh hùng đã dành lại nền độc lập cho nước Việt, kẻ hậu sinh, xin ghi lại những diễn tiến đã xảy ra trong một bối cảnh cực kỳ đen tối của dân Việt. Với Ánh Bình Minh Lam Sơn bóng tối nô lệ dưới ách ngoại bang đã được xóa tan.
Chú thích:
1 ĐVSKTT Tập 2, trang 292 với ghi chú số 2 cuối trang : “Lũng Nhai: tức Lũng Mi, tên nôm là làng Mé, thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Tại đây, vào ngày đầu tháng 2 năm Bính Thân 1416 có một cuộc Hội thề lịch sử giữa Lê Lợi và 18 người đồng chí của ông.”
2 Ngày Canh Thân là ngày 9. Tuy nhiên có một số tài liệu và cách tính lịch cho năm Mậu Tuất (1418), tháng Giêng, ngày Canh Thân là ngày 8 tháng Giêng.
3 Lam Sơn thời Minh thuộc không phải là quận lị Lam Sơn ngày nay ở phía nam sông Chư, cách làng (động) Lam Sơn khoảng 5 Km về hướng đông nam.
4 Ghi chú trong ĐVSKTT, tập 2, trang 240 viết về Lạc Thủy nhưng vẫn không nêu ra được vị trí chính xác. Người viết phỏng định là nơi mai phục không xa Lam Sơn. Tra cứu địa hình trên Google Earth, thì có lẽ nghĩa quân đã theo sông Âm, kế bên Lam Sơn, gặp một nhánh sông nhỏ phía hữu ngạn. Phỏng đoán đây là Lạc Thủy. Sông này có đầu nguồn kế bên sông Cao. Trước khi nhánh sông này chảy và sông Âm có một vùng thung lũng, hai bên là núi rừng, phỏng đoán đây là địa điểm phục kích (cách Lam Sơn khoảng 7 Km). Vì sau trận này, nghĩa quân sẽ đi theo sông này vào sông Cao để đến đóng quân tại núi Chí Linh.
5 Sách KĐVSTGCM viết: ” Khi Mã Kỳ đến, quân phục đổ ra đánh. Các tướng Lê Thạch, Lê Ngân và Lê Lý đua nhau xung phong, phá trận địch: chém hơn nghìn thủ cấp, bắt được quân nhu và khí giới kể đến hàng nghìn
6 Theo ĐVTS của Lê Quý Đôn, người này có tên là Thượng Ái
7 Yên Nhân ngày nay, tại chỗ hợp lưu của một con sông nhỏ từ núi Chí Linh chảy vào sông Cao.
8 Xã Bất Một, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa ngày nay, cách Yên Nhân khoảng 12 Km về phía tây, thượng nguồn sông Cao.
9 KĐVSTGCM viết: “Trịnh Cao: Tên châu xưa, lệ thuộc vào phủ Ngọc Ma; nay là đất phủ Trấn Định thuộc tỉnh Nghệ An.” . Trịnh Cao, phủ Ngọc Ma là vị trí quá xa về phía nam của Nghệ An; không phù hợp với diễn biến, có lẽ đã đây là sự nhầm lẫn về địa danh trong ghi chú này.
10 ĐVSKTT, tập 2, trang 242, ghi chú số 7: “Mường Chánh (nguyên văn không có chữ “Mường”): huyện Lang Chánh sau này”.
11 ĐVSKTT, tập 2, trang 244, ghi chú số 7: ” Bến Bổng: có lẽ nằm trên thượng lưu sông Chu
12 ĐVSKTT, tập 2, trang 244, ghi chú số 8: ” Mường Nanh: nay còn địa danh Mường Nang, tức là xã Thịnh Nang, huyện Lang Chánh. Mường Nanh có lẽ là đất ấy”
13 Bồ Mộng: phỏng định là kế Bồ Thi Lang (xem ghi chú 14) về hướng đông theo đường sông Mã (Lỗi Giang). 14 ĐVSKTT, tập 2, trang 244, ghi chú số 8: ” Lang: hay Bồ Thi Lang, là một địa điểm gần căn cứ của nghĩa quân lúc ấy.”
15 ĐVSKTT, tập 2, trang 245, ghi chú số 2: “Ba Lẫm: tên sách, có lẽ là vùng Chiềng Lâm ở xã Điền Lư, thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.”
16 ĐVSKTT, tập 2, trang 245, ghi chú số 3: ” Quan Du: sau đổi là châu Quan Hóa, nay là huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.”. Vị trí phỏng định là quận lị Quan Hóa ngày nay ( hữu ngạn sông Mã).
17 Mang hơn 100 ngàn quân để đánh vài ngàn quân?! Tra cứu trên bản đồ (Google Earth) thì đoạn sông Mã vùng này hai bên là vách núi. Hơn 100 ngàn quân đến đây thì e rằng không hợp lý! Quân Minh tại Tây Đô không có đủ quân số này! (thành Tây Đô khoảng 1 Km2 – Google Earth). Nghi ngờ sử liệu đã viết phóng đại về quân số!
18 ĐVSKTT, tập 2, trang 246, ghi chú số 3: ” Ải Kình Lộng: tức là Ải Cỗ Lũng sau này, thuộc huyện Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa.”. Theo ĐKĐDC, Đồn Cổ Lũng ở xã Cổ Lũng. Bản đồ huyện Cẩm Thủy ghi Cổ Lũng xã phía cực tây của quận này, kế bên sông Mã về phía bắc.
19 ĐVSKTT, tập 2, trang 246, ghi chú số 4: “Nguyên là núi Ứng ải, tức đèo Ống ở xã Thiết Ông, trên tả ngạn sông Mã.”. Ngày nay vẫn còn địa danh Thiết Ông (vĩ độ: 20°19′, kinh độ: 105°12′, Google Earth).
20 ĐVSKTT, tập 2, trang 247, ghi chú số 1: “Sách Khôi: tức là Khôi huyện, thuộc trấn Thiên Quan, ở giữa hai huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.”.
21 Sự việc được ghi lại trong tựa sách “Ức Trai di tập” (tập thơ của Nguyễn Trãi), lời tựa do ông Ngô Thế Vinh (1802 – 1856) viết ” phương châm cơ bản nêu trong “Bình Ngô sách: ” không nói đánh thành mà giỏi bàn về cách đánh lòng”. (Nguồn: Wikipedea tiếng Việt).
22 Hội thề Lũng Nhai, học giả Hoàng Xuân Hãn 1943
23 Không thấy chính sử (ĐVSKTT, KĐVSTGCM) ghi lại tiểu sử của ông, tuy nhiên trong ĐNNTC của Quốc Sử Quán triều Nguyễn (viết về tỉnh Thanh Hóa) thì ông Lê Chích (họ Nguyễn được ban quốc tính họ Lê) là nông dân, khởi nghĩa ở các huyện Đông Sơn, Nông Cống, Ngọc Sơn phía nam tỉnh Thanh Hóa khoảng năm 1417 (trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn). Tra cứu trong “internet”: ông theo nghĩa quân Lam Sơn khoảng năm Canh Tí (1420).
24 Ghi chú trong KĐVSTGCM: “Một chức quan võ cao cấp hồi đầu Lê.”
25 ĐVTS của Lê Quí Đôn: “Thiếu uý Lê Chích đáp: “Hạ thần thường qua lại tỉnh Nghệ An nhiều lần, nên có biết những nơi hiểm yếu trong tỉnh ấy. Nay xin dẫn quân vào trại của Cầm Bành tỉnh Nghệ An, hễ ai hàng thì ta phủ dụ, nếu không hàng thì ta đánh lấy trại ấy làm căn bản, rồi từ từ tính việc lấy lại Đông Đô. Như vậy việc nước có thể sẽ thành”. Hoàng đế cho lời bàn của Lê Chích là phải, bèn chia quân đến đánh úp phá thành Đa Căng,”
26 ĐVSKTT, tập 2, trang 250, ghi chú số 1: “Đồn Đa Căng: có lẽ là Bất Căng, thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Đồn này nằm trên hữu ngạn sông Chu.”
27 ĐVSKTT, tập 2, trang 251, ghi chú số 1: ” Bồ Lạp: là tên núi, cũng gọi là Bồ Cứ, Bồ Đắng, là một ngọn núi ở xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. ..”. KĐ VSTGCM: “Bồ Liệp: Tên núi, cũng gọi là Bồ Cứ hoặc Bồ Đằng, thuộc Quỳ Châu” .Châu Nga (Google Earth) : Vĩ độ: 19°36′, Kinh độ: 105°13′.
28 ĐVSKTT, tập 2, trang 251, ghi chú số 3: “Châu Trà Lân: hay Trà Long, là đất huyện Con Cuông, Tương Dương, tỉnh Nghệ An ngày nay, đời Trần là đất Mật Châu, đời Nguyễn gọi là phủ Tương Dương.” Thành Trà Lân, nằm tại bờ phía bắc sông Lam, xã Bồng Khê , huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
29 ĐVSKTT, tập 2, trang 242, ghi chú số 12:” Thành Nghệ An: tại núi Thành, xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ngày nay.” Thành cổ Nghệ An cũng có tên cổ là Lam thành, thành Hùng Sơn, Rú thành.
30 ĐVSKTT, tập 2, trang 251 viết: “Hôm sau, quân ta tiến đến trang Trịnh Sơn , châuTrà Lân, gặp Sư Hựu ở đó, lại cả phá chúng, chém được thiên hộ Trương Bản và hơn nghìn quân giặc. Hựu chỉ chạy thoát thân mình”. Trang Trịnh Sơn cách núi Bồ Lạp khoảng 60 Km đường thẳng, không thể chỉ một đêm mà nghĩa quân có thể đi khoảng cách này. LSTL viết là “ngày mai” nhưng không nói là đến trang Trịnh Sơn.
31 ĐVSKTT, tập 2, trang 251, ghi chú số 2: ” Trang Trịnh Sơn: là Kẻ Trịnh, nay thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, cách thành Trà Lân (hay Trà Long) hơn 10 km.” Xã Thạch Ngàn (Google Earth) : Vĩ độ: 19°04′, Kinh độ: 104°58′.
32 ĐVSKTT, tập 2, trang 252, ghi chú số 2: ” Khả Lưu: là tên một cửa ải xưa, ở phía bắc sông Lam, thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An”. Xã Vĩnh Sơn (Google Earth) : Vĩ độ: 18°57′, Kinh độ: 105°08′”.
33 “Minh Thực Lục”, trong bài viết của tác giả Hồ Bạch Thảo: ” Về cuộc kháng chiến chống quân Minh”. http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/ve-cuoc-khang-chien-chong-quan-minh
34 ĐVSKTT, tập 2, trang 252, ghi chú số 2: ” Đỗ Gia: nay là đất huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Gần xã Linh Cảm của huyện này có làng Đỗ Xá, có lẽ là nơi đóng quân của Lê Liệt. Ông được Bình Định Vương sai đến huyện Đỗ Gia để chuẩn bị xây dựng căn cứ khi đại quân đến đánh Nghệ An. ĐVTS viết: “…”Những Tướng tài giỏi, thường bắt buộc đối phương phải đến chỗ mình đã chỉ định, chứ không bao giờ đến chỗ đối phương định.” Nói xong, ngài chia hơn nghìn quân cho Đinh Liệt dẫn đi trước, theo con đường tắt chiếm lấy huyện Đỗ Gia, tranh cướp lấy nơi địa lợi,”
35 ĐVSKTT, tập 2, trang 253, ghi chú số 1: ” Bồ Ải: Là một địa điểm ở về phía trên ải Khả Lưu, cách Khả Lưu không xa. Hiện nay, ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn,tỉnh Nghệ An có khe Ải đổ ra sông Lam và ngọn núi thấp ở đây cũng có người gọi là Bù Ải…Có lẽ đó là Bồ Ải xưa kia.”. Xã Đức Sơn (Google Earth) : Vĩ độ: 18°58′, Kinh độ: 105°05′ 36
36 ĐVSKTT, tập 2, trang 253, ghi chú số 2: “Hương Đa Lôi: nay là Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.” Nam Kim (Google Earth) : Vĩ độ: 18°34′, Kinh độ: 105°33′
37 ” Đỗ Gia – Căn cứ của Nghĩa quân Lam Sơn” của tác giả Thái Kim Đỉnh: ” Buổi đầu, Bộ chỉ huy Lam Sơn đóng tại vùng quê Nguyễn Tuấn Thiện, làng Phúc Đậu, mé tây bắc ngọn Mồng Gà, mặt tây và mặt nam tựa lưng vào dãy Đại Hàm, mặt bắc có sông Ngàn Phố bao bọc. Đây là một vùng đồi thấp, trong đó có động Tiên, động Hoa Bảy, thường gọi động Tiên Hoa, là nơi đặt dinh thất chính, mà sách “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch chép là “Đãng phủ”.
38 ĐNNTC, tập 2, trang 176: “Thành Lục Niên: ở phía tây nam huyện Thanh Chương và ở tả ngạn Lạp Phong trong dãy Thiện Nhận, dấu cũ vẫn còn, rộng chừng 5 mẫu, do vua Lê Thái Tổ đắp để chống cự tướng Minh là Phương Chính đóng quân ở đó 6 năm, nên gọi là thành Lục Niên; có một thuyết nói vua Thái Tổ từ lúc dấy nghĩa đến lúc vào Nghệ An là 6 năm, nên gọi tên thành”. Núi Thiên Nhận ngày nay vẫn còn tên này, nằm phía bắc chỗ hợp lưu của sông Ngàn Phố, Ngàn sâu và sông La. Tọa độ (Google Earth): vĩ độ 18°33′, kinh độ:105°33′.
39 ĐVSKTT, tập 2, trang 254, ghi chú số 2: ” Thành Diễn Châu: còn có tên là thành Trài, nay còn dấu vết ở xã Diễn Hồng, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cách quốc lộ số 1 gần 400 mét về phía đông và cách Cửa Vạn 2 km.”- Xã Diễn Hồng (Google Earth) : Vĩ độ: 19°03′, Kinh độ: 105°35′
40 ĐVSKTT, tập 2, trang 255, ghi chú số 3: “Tân Bình: tên phủ thời thuộc Minh, gồm dất các huyện Quảnh Trạch, Bố Trạch, Lệ Ninh, Tuyên Hóa, Bến Hải, tỉnh Quảng Bình ngày nay”.
41ĐVSKTT, tập 2, trang 255, ghi chú số 4: “Thuận Hóa: tên phủ thời thuộc Minh gồm đất các huyện Triệu Hải, Hương Điền, Hương Phú, Hương Hóa, Phú Lộc, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay”.
42 ĐVSKTT, tập 2, trang 256, ghi chú số 1: “Thiên Quan: vùng đất huyện Nho Quan cũ, nay thuộc huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình.”
43 ĐVSKTT, tập 2, trang 256, ghi chú số 3: “Quy Hóa: thuộc Yên Bái, Lào Cai ngày nay.”
44 ĐVSKTT, tập 2, trang 256, ghi chú số 4 : “Tam Đới: thuộc tỉnh Vĩnh Phú ngày nay”
45 ĐVSKTT, tập 2, trang 257, ghi chú số 2: “Ninh Kiều: là vùng Ninh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây ngày nay. Đây là một vị trí trọng yếu và hiểm trở nằm trên đường thượng đạo từ Đông Quan vào Thiên Quan và Thanh Hóa.”
46 ĐVSKTT, tập 2, trang 257, ghi chú số 3: “Ninh Giang: là đoạn sông Đáy chảy qua vùng Hà Tây, Nam Hà rồi theo sông Mỹ Đô chảy vào sông Hồng (đoạn Hoàng Giang).”
47 ĐVSKTT, tập 2, trang 258, ghi chú số 1: “Cầu Xa Lộc: tục gọi là cầu Ròng Rọc ở gần làng Tứ Xã, huyện Lâm Thao, nay thuộc tỉnh Phú Thọ.”
48 ĐVSKTT, tập 2, trang 258, ghi chú số 3: “Thành Tam Giang: là trị sở của phủ Tam Giang, nằm ở phía bắc ngã ba Hạc, có thể là thành cổ Dục Mỹ, ở gần cầu Xa Lộc”.
49 Lam Sơn thực lục viết: ” Bọn Triện, Bí đặt quân phục, đánh riết ở Ninh-kiều, cả phá được quân giặc, thừa thắng đuổi theo đến thôn Nhân-mục (tức làng Mọc thuộc tỉnh Hà-đông ngày nay).” Trận đánh xảy ra ở Ninh Kiều, nghĩa quân truy kích tới Nhân Mục kế bên Đông Quan. ĐVSKTT viết: ” Hôm ấy, Lê Triện đánh nhau với quân Minh ở cầu Nhân Mục”.
50 Theo Minh Thực Lục: “Cách chức Vinh xương bá Trần Trí, Đô đốc Phương Chính quan tước ; giáng xuống sung vào Sự quan, tuân theo sự điều động của quan Tổng binh Vương Thông, làm tiên phong lập công chuộc tội. Những sắc dụ cùng ấn Chinh Di Phó tướng trước kia được lãnh, hãy giao cho Thông để nạp lên.”. Dịch giả Hồ Bạch Thảo (“Về cuộc kháng chiến chống quân Minh”). Vì thế Trần Trí và Phương Chính vẫn cầm quân nhưng dưới quyền c ủa Vương Thông.
51 Khâu Ôn : tỉnh Lạng Sơn ngày nay
52 ĐVSKTT, tập 2, trang 258, ghi chú số 5: “Cầu Tây Dương: tức cầu Giấy, bắc qua sông Tô Lịch, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay.”
53 ĐVSKTT, tập 2, trang 258, ghi chú số 6: “Bến Cổ Sở: tức bến Giá ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Tây ngày nay.”
54 ĐVSKTT, tập 2, trang 258, ghi chú số 7: “Cầu Yên Quyết: tức là cống Cót ở Hạ Yên Quyết, gần Láng, Hà Nội ngày nay.”
55 ĐVSKTT, tập 2, trang 258, ghi chú số 8: “Cầu Sa Đôi: cầu bắc ngang sông Nhuệ còn gọi là cầu Đôi ở phía tây xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm , Hà Nội.”
56 ĐVSKTT, tập 2, trang 258, ghi chú số 9: “Cầu Thanh Oai: bắc qua sông Đỗ Động ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây ngày nay”
57 ĐVSKTT, tập 2, trang 258, ghi chú số 10: “Cổ Lãm: tức tổng Thắng Lãm, tên nôm là Sốm, nay gồm các xã Phú Lâm, Phú Cường, Văn Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.”
58 ĐVSKTT, tập 2, trang 258, ghi chú số 11: “Cầu Tam La: tức Ba La, còn gọi là Ba La Bông Đỏ, sát thị xã Hà Đông, trên đường đi Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.”
59 ĐVSKTT, tập 2, trang 259, ghi chú số 2: “Cao Bộ: tên nôm là làng Bụa, thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây ngày nay.”
60 ĐVSKTT, tập 2, trang 259, ghi chú số 1: ” Thanh Đàm: tức là Thanh Trì, trị sở huyện này xưa ở phía đông nam Văn Điển, Hà Nội ngày nay.”
61 Canh năm : khoảng từ 3:00 đến 5:00 sáng, tức là giờ Dần
62 K ĐVSTGCM: “Vua Minh vì thấy Phúc đã lâu năm khó nhọc ở ngoài, nên triệu Phúc về nước, dùng Binh Bộ thượng thư Trần Hiệp sang thay”. Binh bộ thượng thư của Trung quốc, Việt Nam tương đương với chức bộ trưởng quốc phòng ngày nay. Sang Việt Nam Trần Hiệp làm Án sát Giao Chỉ
63 Sử Việt viết là Lý Lượng
64 Cao độ được tham khảo từ Google Earth: khoảng 21 feet hay 7m trên mặt biển, thấp hơn vùng chung quanh khoảng 10 feet hay 3m
65 ĐVSKTT, tập 2, trang 259, ghi chú số 3: ” Sông Yên Duyệt: ở làng Yên Duyệt, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây ngày nay”.
66 ĐVSKTT, tập 2, trang 260, ghi chú số 1: “Lũng Giang: tức là sông Đáy, còn gọi là sông Đại Lũng.”
67 ĐVSKTT, tập 2, trang 260, ghi chú số 4: ” Tây Phù Liệt: thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay”. (Nv: xã Đông Mỹ, phía đông nam huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội ngày nay)
68 ĐVSKTT, tập 2, trang 260, ghi chú số 5: ” Sông Lô: bây giờ là sông Hồng. Đông Bộ Đầu: nay ở khoảng dốc Hàng Than, phía trên cầu Long Biên, Hà Nội.”
69 ĐVSKTT, tập 2, trang 260, ghi chú số 6: ” Đông Phù Liệt: tên xã, cũng thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay.”
70 ĐVSKTT, tập 2, trang 274, ghi chú số 2: “Lê Triện đã hy sinh trong trận Cảo Động, huyện Từ Liêm, ngày 7 tháng 2 năm ấy, ở đây hẳn có sự lầm lỗi.”
71 Đoạn dịch về Minh Thực Lục trong bài viết “Về cuộc kháng chiến chống quân Minh” của tác giả Hồ Bạch Thảo
72 KĐVSTGCM: “Thành Cổ Lộng: Nhà Minh đắp, nay ở xã Bình Cách, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nền cũ hãy còn, tục gọi là thành Cách”. Ghi chú của người viết: xã Bình Cách có lẽ đã đổi tên thành xã Yên Bằng.
73 ĐVSKTT, tập 2, trang 264, ghi chú số 1: “Theo Bắc Ninh tỉnh chí, thì dinh Bồ Đề ở thôn Phú Hựu, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc ninh, nay thuộc xã Phú Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội?
74 ĐVSKTT, tập 2, trang 265, ghi chú số 1: ” Cảo Động: tên xã, tức là Nhật Tảo, hay Xuân Bảo ở phía tây Hồ Tây, Hà Nội.”
75 ĐVSKTT, tập 2, trang 266, ghi chú số 2: ” Hoàng Mai: nay thuộc Hà Nội.”
76 Lam Sơn Thực Lục của Nguyễn Trãi viết là ” năm vạn quân, một nghìn ngựa”. Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn viết là “50.000 quân và 5.000 con ngựa”. KĐVSTGCM: “năm vạn quân, năm nghìn ngựa”. Minh Thực Lục viết: “Ngày 13 tháng 7 năm Tuyên Đức thứ 13 [ 5/8/1427] Chiếu mệnh bắt Trấn viễn hầu Cố Hưng Tổ. Lúc bấy giờ giặc Giao Chỉ phá Ải Lưu, tấn công Khâu Ôn ; Hưng Tổ đặt quân tại Nam Ninh, Thái Bình không cứu viện, để cho giặc chiếm được thành.” (Đoạn dịch trong bài viết “Về cuộc kháng chiến chống quân Minh” của tác giả Hồ Bạch Thảo)
77 Có lẽ vì Minh Sử quyển 9 viết là: “Lê Lợi hãm ải Lưu quan , Trấn Viễn hầu Cố Hưng Tổ ủng binh bất cứu , đãi trì chi” (Cố Hưng Tổ không mang quân đi cứu nên phải trừng trị), cũng như Minh Thực lục viết (đã ghi chú) nên ông Trần trọng Kim không viết về trận này, dù cổ sử Việt đã ghi lại rõ ràng. Phỏng đoán là sử gia Trung Quốc thời nhà Minh đã nhận được những báo cáo sai lạc qua những tớ “biểu” dối trá của các quan lại trấn nhậm quá xa kinh đô.
78 Lam Sơn Thực Lục của Nguyễn Trãi viết là “đem hơn hai mươi vạn quân, ba vạn con ngựa”. Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn viết là: “Quan tổng quản nhà Minh tước An viễn hầu là Liễu Thăng, dẫn 10 vạn quân tự tỉnh Quảng Tây tới nước ta; tước Kiềm quốc công nhà Minh là Mộc Thạnh, dẫn 5 vạn quân tự tỉnh Vân Nam tới nước ta”.
79 ĐVSKTT, tập 2, trang 268, ghi chú số 1: ” Ải Lê Hoa: là một địa điểm ở ven sông Lô chảy qua vùng biên giới tỉnh Hà Tuyên và tỉnh Vân Nam Trung Quốc bây giờ”.
80 ĐVSKTT, tập 2, trang 276, ghi chú số 1: ” Chi Lăng: là ải hiểm trở nhất trên con đường từ Pha Lũy đến Đông Quan, cách Pha Lũy khoảng 60 km, thuộc xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn ngày nay”.
81 ĐVSKTT, tập 2, trang 276, ghi chú số 2: ” Ải Lưu:… cửa ải trên đường từ Khâu Ôn đến Chi Lăng, nằm ở khoảng Lạng Nắc, hoặc trên đó không xa lắm, vùng giáp giới hai xã Nhân Lý và Sao Mai, huyện Chi Lăng ngày nay”.
82 K ĐVSTGCM: “Sườn núi Đảo Mã: Có tên nữa là núi Mã Yên, ở xã Mai Sao, châu Ôn, tỉnh Lạng Sơn”. ĐVSKTT, tập 2, trang 276, ghi chú số 2: ” Mã Yên: tên nôm là núi Yên ngựa, một hòn núi đá cao khoảng 40m so với mặt đất, chu vi 300m, nằm ở phía nam cánh đồng lầy lội, muốn qua phải bắc cầu mới đi được.” Còn được gọi là Đảo Mã pha
83 Tên trận đánh được ghi lại theo ghi chú trong ĐVSKTT, tập 2, trang 276, ghi chú số 4: ” Đây là trận phục kìch lớn xảy ra ở Cần Trạm, nay là vùng Kép và một số xóm phía tây nam xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc ngày nay”. Nay là thị trấn Kép, tỉnh Bắc Giang.
84 Tên trận đánh được ghi lại theo như ghi chú trong ĐVSKTT, tập 2, trang 276, ghi chú số 5: ” Trận ngày 28 tháng 9 (tức ngày 18 tháng 10) xảyra ở Phố cát là vùng đồi đất giữa Cần Trạm và Xương Giang, khoảng xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, Hà Bắc ngày nay. Trận này, Lý Khánh phải thắt cổ tự tử”. Ngày nay là vùng giữa xã Phi Mô và Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
85 Đoạn dịch về Minh Thực Lục trong bài viết “Về cuộc kháng chiến chống quân Minh” của tác giả Hồ Bạch Thảo
86 ĐVSKTT, tập 2, trang 276, ghi chú số 6: “Đoạn sông Thượng chảy qua vùng Xương Giang. Khi ấy, quân thủy bộ ta lợi dụng đoạn sông Thương này để bố trí bao vây địch ở mặt tây”.
87 ĐVSKTT, tập 2, trang 276, ghi chú số 7: “Khu vực đóng quân của địch ở phía bắc thành Xương Giang, đó là một vùng đồng ruộng và xóm làng rộng lớn gồm xã Tân Dinh (thuộc huyện Lạng Giang, tỉnhHà Bắc ngày nay) và xung quanh, cách Xương Giang 3 km”.
88 ĐVSKTT, tập 2, trang 277, ghi chú số 4: “Lãnh Câu và Đan Xá là hai địa điểm gần của ải Lê Hoa”.
89 Nhiều giả thuyết cho là ông Lê Lợi ra lệnh giết Trần Cảo