Lược sử các Giáo Hoàng- Bài 9

Christopher Lascelles

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 8

Người Frank cứu thành La Mã

Mối quan hệ của Giáo hoàng với người Frank bắt đầu từ năm 496, khi Clovis, vua của người Frank Merovingian, trở thành nhà lãnh đạo man rợ ngoại giáo đầu tiên chấp nhận đức tin Nicaea. Tất cả các bộ lạc người Đức lớn khác vào thời điểm đó đều là người theo phái Arian. Mang âm hưởng của việc cải đạo của Constantine Đại đế, Clovis đã kêu gọi vị thần Cơ đốc giáo giúp đỡ khi gặp khó khăn trong một trận chiến. Với chiến thắng được ban cho, Clovis được cho là đã chấp nhận sức mạnh vượt trội của vị thần này và được rửa tội theo đức tin Thiên chúa giáo. Các cuộc chiến tranh bành trướng hung hãn của ông nhanh chóng trở thành các cuộc Thánh chiến, và các bộ lạc bị đánh bại buộc phải chuyển sang đạo Thiên chúa. Lần đầu tiên ‘việc truyền bá niềm tin vào bản chất của Thượng Đế đã trở thành cái cớ được thừa nhận cho việc xâm lược lãnh thổ lân cận.  La Mã rất vui mừng trước những cuộc chiến tranh chinh phục này, dù tàn khốc đến đâu. Giáo thuyết Arian cần phải bị tiêu diệt.

Nhưng phải đến khi Clovis giành được chiến thắng trong trận chiến lớn trước người Arian Visigoth vào năm 507, Hoàng đế Anastasius I mới nhận ra tiềm năng của người Frank Thiên chúa giáo dưới thời Clovis như một đối trọng với những người Ostrogoth Arian dưới thời Theodoric, những người mà ông có mối quan hệ ngày càng căng thẳng. Ngôi sao Clovis đang lên cao. Với hy vọng thu phục được vị vua người Frank, Anastasius I đã đề nghị cho ông ta chức chấp chính danh dự. Về phần mình, La Mã rất ấn tượng với chiến thắng của Clovis trước các đối thủ Arian của ông, và rất vui mừng trước lễ rửa tội của ông, đến nỗi đã phong cho ông danh hiệu ‘Con cả của Giáo hội’, một danh hiệu được các vị vua Pháp tiếp theo áp dụng.. Việc Clovis đã giành được đế chế của mình thông qua việc kết hợp giữa sự tàn nhẫn, man rợ và phản bội, giết chết một cách có hệ thống tất cả các đối thủ tranh giành ngai vàng với mình, bao gồm cả các thành viên trong gia đình ông, đã bị lặng lẽ phớt lờ. Kể từ thời điểm này, giáo hoàng đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người Frank.

Vào cuối thế kỷ thứ bảy và đầu thế kỷ thứ tám, các vị vua Frank ở Merovingian đã tỏ ra cai trị kém hiệu quả, và quyền lực đã chuyển sang một cách hiệu quả cho các thị trưởng của hoàng triều. Trong số này, Charles Martel, là vua về mọi mặt trừ danh hiệu vào năm 719.

Chính từ phiên bản tiếng Latinh thời trung cổ của tên thánh  mình, Carolus, mà con cháu của ông được biết đến với cái tên Carolingian. Chính ông là người đã lãnh đạo các lực lượng tổng hợp để đánh bại một nhóm đột kích Hồi giáo đã vượt dãy Pyrenees vào Gaul từ Bán đảo Iberia vào năm 732, và chính ông, với tư cách là nhà lãnh đạo cường quốc thống trị phương Tây, mà Gregory III đã quay sang vào cuối thập kỷ đó với yêu cầu giúp đỡ chống lại người Lombard.

Vào năm 739/40, Gregory III đã viết một số lá thư, kèm theo những món quà lớn, khẩn cầu Charles đến giúp đỡ ‘dân tộc đặc biệt’ của mình, đồng thời không quên khêu gợi lòng tự phụ của ông ấy. Bằng cách cứu giúp La Mã, Charles sẽ đạt được ‘danh tiếng lâu dài trên trái đất và cuộc sống vĩnh cửu trên thiên đường,’ ông viết. Rõ ràng giáo hoàng là người duy nhất biết ai sẽ được lên thiên đàng và ai sẽ không. Tuy nhiên, Charles đã thấy trước rằng các lực lượng Hồi giáo có khả năng sẽ tấn công lần nữa và không muốn gây thù với người hàng xóm ở phía đông nam của mình, những người mà ông mới liên minh gần đây, bằng cách tiến hành chiến tranh với họ. Kết quả là giáo hoàng qua đời mà không có giải pháp rõ ràng trước mắt.

FRANKS, LOMBARDS VÀ CÁC BANG GIÁO HỘI, c. 732

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Charles, người kế vị Gregory III, Giáo hoàng Zachary (741-52) – người Hy Lạp cuối cùng được bầu vào chức giáo hoàng – đã cố gắng đàm phán một hiệp định đình chiến với vua Lombard, Liutprand, kết quả là La Mã không bị cướp phá. Bây giờ có đến ba vị giáo hoàng đã cứu thành La Mã khỏi bọn man rợ, và sau mỗi lần như vậy uy thế giáo hoàng càng tăng lên

Con trai của Charles Martel, Pepin, người kế thừa vai trò thị trưởng vào thời điểm cha ông chết vào năm 741, đã nhân cơ hội này để đưa gia đình của mình lên ngai vàng người Frank. Pepin hiểu tầm quan trọng của việc làm cho giới quý tộc Frank chấp nhận một cuộc đảo chính như vậy. Là những con chiên Thiên chúa giáo tốt, có một người mà quyền hành của ông ta họ chắc chắn sẽ không dám thách thức:  người đại diện của Chúa trên trái đất, Giám mục La Mã. Do đó, Pepin vội viết thư cho Zachary, hỏi xem tước vị hay quyền lực thực sự quyết định tính hợp pháp của một vị vua. Tất nhiên, đối với một người lo lắng cho sự an nguy của mình, chỉ có thể có một câu trả lời: vị vua hợp pháp, Zachary đã trả lời một cách xác đảng theo kiểu chính trị thực dụng, tất nhiên là người nắm giữ quyền lực thực sự.

Với sự chấp thuận công khai này của Giáo hoàng, Pepin đã chính thức được giới quý tộc Frank bầu làm vua và được đại diện của Giáo hoàng xức dầu. ‘Thiếu dòng máu hoàng gia, Pepin được phong làm vị vua người Frank đầu tiên bằng dầu thánh để thay thế. Ân sủng thiêng liêng đã thay thế nguồn gốc được cho từ thần linh ngoại giáo và quan hệ huyết thống, và vương quyền được ban tặng bởi ân sủng của Thiên Chúa, người đại diện cho Ngài trên trái đất, theo quan điểm của La Mã, không ai khác chính là giáo hoàng.’ Động thái này có những hậu quả lớn vì nó đặt ra tiền lệ cho việc bổ nhiệm những người cai trị thế tục theo thẩm quyền của Giáo hội.

Vào năm 751, người Lombard dưới sự chỉ huy của người kế vị Liutprand, Aistulf, một lần nữa thực hiện nỗ lực thống trị bán đảo Ý, trục xuất quan trấn thủ đế quốc khỏi Ravenna, đe dọa La Mã. và một lần nữa, vào thời điểm quan trọng như vậy, giáo hoàng lại qua đời. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự căng thẳng là một yếu tố góp phần! Người kế vị Zachary, Stephen I (751), chỉ sống được bốn ngày trước khi được kế vị bởi Stephen II (752-57). Chính Stephen II là người nhận ra rằng một chuyến thăm cá nhân của giáo hoàng đến triều đình Frank có thể nhắc nhở Frank bắt tay vào hành động thay mặt mình. Bằng cách nào đó đã hối lộ người Lombard để không tấn công La Mã, vào tháng 10 năm 753 Stephen II cuối cùng đã đảm nhận cuộc hành trình gian khổ đi qua dãy Alps để gặp Pepin. Ý nghĩa không bị mất cho bất cứ ai: ‘mới hơn 40 năm thôi kể từ khi một giáo hoàng thực hiện chuyến hành trình cuối cùng đến Constantinople – cuộc hành trình này đến với người Frank là vị giáo hoàng đầu tiên ở phía tây. Hai cuộc hành trình này đánh dấu sự kết thúc và sự khởi đầu của một kỷ nguyên.’

Cuối cùng, khi hai người gặp nhau vào tháng 1 năm 754 tại thị trấn Ponthion, cách Paris khoảng 170km về phía đông, một thỏa thuận đã được thực hiện nhằm định hình lịch sử châu Âu thời trung cổ. Pepin đồng ý bảo vệ Nhà thờ La Mã và khôi phục cho Thánh Peter những vùng đất mà Nhà thờ đã mất vào tay người Lombard. Đổi lại, ông muốn có sự xác nhận về sự trừng phạt của thần thánh đối với việc chiếm đoạt vương miện Frank này – qua đó khuyến khích đám đồng bào mê tín phục tùng mình –  và biết rằng con cháu của ông sẽ tiếp tục cai trị vương quốc Frank. ‘Nếu bằng một chiến dịch tương đối ngắn, ông có thể tái lập nền độc lập của Giám mục La Mã, thì đây không phải là một cái giá quá cao trả cho những phước lành đáp lại dành cho gia đình mình. Do đó, sự kế vị của các con trai ông và sự ủng hộ của Giáo hội đã đảm bảo hai yếu tố có sức nặng đáng kể đối với một triều đại mới, mà một số người có thể tuyên bố là bất hợp pháp.’

Giáo hoàng đã sẵn sàng đồng ý với một thỏa thuận hấp dẫn như vậy và tiến hành xức dầu lại cho Pepin làm vua của người Frank vào năm 754, qua đó hợp pháp hóa tuyên bố lên ngôi của Pepin.

Hơn nữa, để củng cố mối quan hệ của Pepin với La Mã và quan tâm đến số phận của nó, ông đã phong cho Pepin và các con trai của ông, Charles và Carloman, danh hiệu Patricius Romanorum ‘Nhà quý tộc La Mã’, một danh hiệu mà theo truyền thống chỉ có hoàng đế mới có thể ban cho những thần dân trung thành. La Mã bây giờ đã có một đồng minh. Lịch sử của chế độ giáo hoàng sắp sang số.

Năm 755, Pepin vượt qua dãy Alps, bao vây thủ đô Pavia của người Lombard ở miền bắc nước Ý và yêu sách Aistulf phải hứa bảo vệ La Mã khỏi bị xâm lược và khôi phục các lãnh thổ của Giáo hoàng đã được đánh chiếm. Đây là lần đầu tiên – nhưng không phải là lần cuối cùng một thế lực nước ngoài xâm chiếm bán đảo Ý để hỗ trợ  triều đại giáo hoàng.

Tuy nhiên, Aistulf không chấp nhận sự ép buộc và tiếp tục phớt lờ thỏa thuận ngay khi Pepin quay trở lại dãy Alps. Trước khi hết năm, ông ta lại chuẩn bị tấn công thành La Mã. Những lá thư yêu cầu viện trợ đã bay qua dãy Alps, một số gửi tới Pepin, một số khác gửi tới tất cả người Frank. Giáo hoàng ra lệnh cho Pepin, lần này chấp bút nhân danh Thánh Peter, để giải cứu thành phố La Mã, hứa hẹn cho ông ta những lâu đài và những niềm vui vĩnh cửu trên thiên đường.Trong trường hợp củ cà rốt không có tác dụng, ông ta cũng dùng cây gậy. Nếu Pepin ‘để lăng mộ, đền thờ và người dân của Peter rơi vào tay bọn Lombard xảo quyệt, thì hình phạt vĩnh viễn cho sự bỏ bê này sẽ là sự đọa đày vĩnh viễn ở địa ngục.’

Sự hiến tặng  của Pepin

Một lần nữa, Pepin lại đến giải cứu, vượt qua dãy Alps vào năm 756 với một đội quân đông đảo hơn và một lần nữa đánh bại Aistulf. Tuy nhiên, lần này ông đã chính thức sở hữu rất nhiều các thành phố ở miền trung nước Ý, bao gồm cả tỉnh trấn thủ Ravenna và các vùng đất xung quanh, Venice, Pentapolis (năm thành phố gần Ravenna trên bờ biển Adriatic),  phần phía nam của vương quốc Lombard và Công quốc La Mã trong tổng số hơn một nửa dân số bán đảo Ý. Sau đó, ông đặt chìa khóa của những thành phố này lên bàn thờ Thánh Peter, qua đó trao chúng cho giáo hoàng để quản lý vĩnh viễn. Việc hiến đất này được gọi là Sự hiến tặng của Pepin.

Không sở hữu đất đai cho đến thế kỷ thứ tư, khi Hoàng đế Constantine cuối cùng cho phép Giáo hội nắm giữ tài sản, Giáo hội, thông qua việc tích lũy tài sản thừa kế, đã trở thành một trong những chủ đất lớn nhất trong đế chế. Thu nhập từ những tài sản này được dùng để điều hành nhà thờ, bệnh viện, tu viện và thậm chí mua tự do cho nô lệ. Mặc dù Giáo hội sở hữu những tài sản này, nhưng người ta luôn hiểu rằng, giống như bất kỳ tài sản tư nhân nào, quyền lực tối cao ở những vùng đất này thuộc về hoàng đế. Sự hiến tặng của Pepin đã thay đổi mọi thứ. Nơi trước đây được gọi là Di sản của Thánh Peter chính thức trở thành Cộng hòa Thánh Peter, hay còn được gọi là Lãnh địa Giáo hoàng. Đây không còn là một phần của Đế quốc Byzantine mà là một lãnh thổ chính trị theo đúng nghĩa của nó, trong đó giáo hoàng thay mặt Thánh Peter cai trị. Giáo hoàng bây giờ chính thức là người có chủ quyền trên phần lớn nước Ý, và chính từ thời điểm này trở đi, người ta có thể truy tìm sự khởi đầu của quyền lực thế tục của giáo hoàng trên trái đất. Người đại diện của Đấng Christ vốn từng nói ‘Vương quốc của tôi không thuộc về thế gian này’ giờ đã có được vương quốc trần tục của riêng mình. Đó là một bước ngoặt đối với triều đại giáo hoàng và một thời điểm quan trọng của lịch sử Tây Âu.

*

Mặc dù đây có vẻ là điều tốt nhất có thể xảy ra với giáo hoàng vào thời điểm đó, nhưng xét về nhiều mặt thì nó lại là điều tồi tệ nhất. Đã trải qua một mức độ thế tục hóa vào thế kỷ thứ tư khi trở thành một cánh tay của nhà nước, Giáo hội giờ đây đã trở thành một quyền lực thế tục theo đúng nghĩa của nó. Trong khi việc trở thành quốc giáo hợp pháp duy nhất đã khiến Giáo hội rơi vào tình trạng tham nhũng, thì việc trở thành một quyền lực thế tục có nghĩa là giờ đây Giáo hội đã tham gia đầy đủ vào các lợi ích chính trị, những âm mưu và chiến tranh của châu Âu. ‘Trong 1100 năm tiếp theo, các giáo hoàng đã đấu tranh bằng ngoại giao và chiến tranh để giữ hoặc giành lại các lãnh thổ của Giáo hoàng. Tên và quốc tịch của các tay chơi liên tục thay đổi nhưng địa chính trị thì không đổi. Vì Lãnh thổ Giáo hoàng nằm ở giữa nước Ý nên các giáo hoàng không muốn có một quyền lực duy nhất kiểm soát miền bắc lẫn miền nam nước Ý. Khi một gã khổng lồ trở nên toàn năng ở Ý, vị giáo hoàng tất phải chịu đựng.’

Cộng hòa Thánh Peter đã tồn tại được vài thập kỷ một cách không chính thức. Ách Byzantine chắc chắn đã gây phẫn nộ vào cuối thế kỷ thứ bảy, nếu không phải là trước đó, và việc Gregory II và III sẵn sàng thách thức hoàng đế đã làm tăng thêm sức nặng cho quan niệm về sự độc lập của Giáo hoàng. Người ta lập luận rằng  Hiến tặng Pepin không tạo ra các Lãnh địa Giáo hoàng, vì giáo hoàng đã có quyền lực chính trị sâu rộng trong khu vực, nhưng nó đã nói rõ rằng giáo hoàng hiện là một nhà cai trị thế tục. Giáo hội đã là quyền lực trên thực tế ở Ý kể từ thời Gregory I – người mà nhiều sử gia khẳng định là đã sáng lập thực sự quyền lực thế tục của giáo hoàng – nhờ thiếu sự quản lý hiệu quả của đế quốc và thực tế là Giáo hội là chủ đất lớn nhất trong nước. Tác giả Thomas Noble lập luận một cách thuyết phục rằng giáo hoàng đã thu thập những tàn tích của Byzantine ở miền trung nước Ý vào những năm 730 và 740 và rèn đúc chúng thành một nước Cộng hòa nhiều năm trước khi Pepin đặt chân đến Ý.

Hơn nữa, như chúng ta đã thấy, vào thế kỷ thứ tám có rất ít điều cổ vũ dân chúng trung thành với hoàng đế hơn giáo hoàng. Các hoàng đế ở Constantinople đã nhiều lần cố gắng áp đặt ý chí tôn giáo của họ lên người Ý và đã thất bại hết lần này đến lần khác trong việc bảo vệ người Lombard. Mặt khác, giáo hoàng đã giành được sự tôn trọng của người dân thông qua việc chăm sóc người nghèo, cho người dân thuê đất và nhiều lần bảo vệ lợi ích của họ. Nói tóm lại, quyền cai trị của đế quốc chỉ tồn tại trên danh nghĩa trước khi sự đóng góp của Pepin biến những điều đã tồn tại trên danh nghĩa thành hiện thực.

Ngay khi hoàng đế ở  Constantinople, Constantine V (741-75), nghe tin Pepin hiến tặng đất đai thì lập tức yêu cầu trả lại. Rốt cuộc, ông coi nó là của mình. Nhưng Pepin từ chối. Ông tuyên bố rằng ông không ra trận vì lợi ích của bất kỳ ai mà chỉ vì Thánh Peter mà thôi. Hơn nữa, ông nói, ông chỉ đơn giản là khôi phục lại cho Giáo hội những vùng đất mà Hoàng đế Constantine I đã trao cho Giáo hội vào đầu thế kỷ thứ tư. Truyền thuyết về sự hiến tặng này – Truyền thuyết về Thánh Sylvester – đã được lưu truyền từ thế kỷ thứ năm. Nó nói rằng Constantine đã trao quyền lực tinh thần cho giáo hoàng đối với tất cả các nhà thờ trên vùng đất và quyền lực thế tục đối với tất cả các vùng đất ở phía tây.

Dù thế nào thì Pepin sau đó cũng quay trở về qua dãy Alps, không bao giờ  trở lại, và Giáo hoàng bây giờ tự mình điều hành một vương quốc. Nhưng người kế vị của Aistulf, Desiderius xứ Tuscany (757-74), không có thiện ý đối với La Mã hơn người tiền nhiệm của ông, và chẳng bao láu người kế vị của Stephen II – em trai ông là Paul (757-67) – một lần nữa viết thư cho Pepin để cầu viện. Pepin, tuy nhiên, sau khi đã xâm lược Ý hai lần theo yêu cầu của giáo hoàng, giờ đây từ chối. Suy cho cùng, ông ta còn phải cai trị vương quốc mình. Tuy nhiên, ông ta có thể gây áp lực cho cả hai bên để đàm phán, và tránh được chiến tranh thấy rõ.

Sau cái chết của Paul vào năm 767, một công tước địa phương đã chiếm giữ Cung điện Lateran với ý định tôn em trai mình, Constantine, làm giáo hoàng. Khi người ta chỉ ra rằng Constantine thậm chí còn chưa được thụ phong, ông ta phải đẩy nhanh tiến độ qua mọi phẩm cấp khác nhau trong vòng một tuần. Tuy nhiên, chưa đầy một năm, ông đã bị tống khứ trong một vụ lật đổ, bị cầm tù và bị móc mắt trước khi bị trục xuất và phải sống những ngày còn lại trong tu viện. (Ông được Giáo hội công nhận là giáo hoàng đối lập). Sau một nỗ lực thất bại của người Lombard nhằm đưa ứng cử viên của họ lên ngai giáo hoàng, Stephen III (768-72) được bầu làm Giám mục La Mã.

Bất chấp kết cục khủng khiếp của Constantine, Stephen III lo ngại rằng có ai đó cho rằng việc bổ nhiệm một người thế tục làm giáo hoàng là phù hợp, nên đã triệu tập một hội nghị tôn giáo để xem xét thủ tục bầu cử. Kết quả của những cuộc thảo luận này là hội nghị tôn giáo đã ban hành sắc lệnh cấm người thế tục tham gia vào các cuộc bầu cử giáo hoàng. Hơn nữa, giờ đây chỉ có các linh mục của La Mã và các phó tế khu vực của Giáo hội La Mã mới được bầu chọn. Tuy nhiên, sắc luật này chỉ khuyến khích các thành viên của các gia đình quý tộc gia nhập giới tăng lữ vì quyền lực thực sự ở Cộng hòa Thánh Peter hiện nằm trong tay người đứng đầu Giáo hội.

Trong năm 772/773, quân đội của Desiderius một lần nữa lại lên đường tấn công. Người kế vị của Stephen III, Adrian I (772–95), buộc phải kêu gọi Charles – Nhà Quý tộc La Mã giống như cha mình, và là người cai trị duy nhất của Frank sau cái chết của anh trai ông, Carlomann – giúp bảo vệ thành phố khỏi Desiderius và quân đội của y. Charles đồng ý và vào năm 773 dẫn quân vượt dãy Alps, giống như cha mình từng làm, và bao vây Pavia, thủ đô của người Lombard ở miền bắc nước Ý. Cuộc bao vây kéo dài nhưng Charles đủ tin tưởng vào kết quả cuối cùng nên ông đã đi về phía nam để ăn mừng lễ Phục sinh ở La Mã. Đây là lần đầu tiên ông đến thành phố mà ông được kêu gọi để bảo vệ. Về phần mình, Adrian I đã tận dụng cơ hội để ép Charles gia hạn lời hứa của cha mình bảo vệ Giáo hội. Adrian I rất vui khi Charles cũng xác nhận sự hiến tặng của Pepin.

Với chiến thắng trước người Lombard vào năm 774, Charles đã đặt dấu chấm hết cho vương quốc Lombard, được sáp nhập vào đế chế Carolingian. Với danh hiệu ‘Vua của người Frank’, giờ đây ông đã thêm danh hiệu ‘Vua của người Lombard’. Ngược lại, lãnh thổ của người Byzantine bị thu hẹp xuống còn một số vùng đất ở cực nam và đảo Sicily. Năm 781, nhân dịp xức dầu cho đứa con trai bốn tuổi của Charles làm Vua nước Ý, Charles cũng mở rộng phần hiến tặng của Pepin để bao gồm cả Corsica và một số lãnh thổ nhỏ khác.

Giáo hoàng Adrian I và Charles hay Charlemagne – rút ra từ tiếng Latin, Carolus Magnus có nghĩa Charles Đại đế – có quan hệ tốt với nhau, nhưng họ có cách hiểu biết khác nhau tương ứng về ý nghĩa của việc hiến tặng. Giáo hoàng hiểu rằng ông sẽ có cả quyền lực tinh thần lẫn thế tục ở những vùng đất này giống như những người tiền nhiệm gần đây của ông đã có nhưng Charlemagne thì hiểu là giáo hoàng chỉ có quyền lực tinh thần, bởi vì việc cho phép ai đó khác ngoài ông xây dựng cơ sở quyền lực trên lãnh thổ của mình là điều không thể nghĩ bàn.

Khi Adrian I qua đời vào năm 795, sau một thời trị vì tương đối yên bình kéo dài 24 năm, ông được kế vị bởi Leo III (795-816), một thường dân từng phục vụ trong curia – giáo triều La Mã – từ khi còn nhỏ và đã phần nào leo lên được các nấc thang quyền lực một cách kỳ diệu. Bất chấp truyền thống quy định rằng thông báo bầu chọn giáo hoàng trước tiên phải được gửi cho hoàng đế ở Constantinople, nhưng Leo III    lại gửi tới Charlemagne: một dấu hiệu rõ ràng về việc sắp xếp lại mối quan hệ giữa giáo hoàng, đế quốc và vương quốc Frank.

Cuộc bầu cử của Leo III cũng đã gây ra sự đối đầu với một số phe phái của Adrian I ở La Mã, trong đó có cả quản gia trước đây của Adrian I, cháu trai của ông, Paschalis – người đã mất quyền lực dưới thời giáo hoàng mới, và một số tầng lớp quý tộc La Mã, vì lý do nào đó, đã thất bại không thể đưa ứng cử viên của họ vào ghế giáo hoàng và phẫn nộ vì một thường dân đắc cử. Vào tháng 4 năm 799 Paschalis dẫn đầu một cuộc tấn công vào Leo III khi ông ấy đi qua đường phố La Mã đến cử hành một thánh lễ. Mục tiêu là làm ông ta mù lòa và cắt lưỡi của ông ấy để ông ấy không còn có thể hoàn thành nghĩa vụ của mình nữa, từ đó bắt buộc một cuộc bầu cử mới, nhưng vụ tấn công bất thành ở cả hai lần mưu tính. Leo III đã chạy thoát và bỏ trốn tới triều đình Charlemagne ở Saxony nơi ông ở lại cho đến hết năm. Cuối cùng ông ấy đã được hộ tống trở lại La Mã cùng với một đội hộ tống có vũ trang và một ủy ban từ Charlemagne được giao nhiệm vụ điều tra các cáo buộc khai man và tội ngoại tình nhằm vào Leo III. Mặc dù cuộc điều tra không có kết quả, nhưng tin đồn chắc chắn vẫn tồn tại vì vào tháng 11 năm 800, chính Charlemagne đã đến La Mã và triệu tập một hội đồng Giáo hội, như các hoàng đế trước đây đã làm, với hy vọng giải quyết vấn đề. Cuối cùng, không ai sẵn sàng đưa ra phán quyết đối với giáo hoàng và ông đã được minh oan sau khi công khai tuyên bố mình vô tội. Những kẻ tấn công và buộc tội Leo III đều bị đày đến Gaul, chỉ quay trở lại sau khi ông qua đời vào năm 816.

Sự đăng quang của Charlemagne

Tại một thời điểm nào đó, trong chuyến thăm của Leo III tới triều đình này hoặc trong hội đồng Nhà thờ do Charlemagne triệu tập, người ta đã quyết định rằng việc xức dầu cho cha của Charlemagne làm vua của người Frank sẽ được thay thế bởi việc xức dầu cho Charlemagne làm hoàng đế La Mã. Động lực chính cho việc này là ngai vàng ở phương Đông đã bị soán ngôi bởi – một cú sốc kinh hoàng –  một phụ nữ của tất cả mọi người! Năm 797, mẹ của Hoàng đế Constantine VI, Irene, đã bắt giữ con trai bà và làm mù mắt ông rồi tự mình lên ngôi hoàng đế. Nhiều người bác bỏ sự cai trị của bà chỉ vì hành động này, nhưng cũng không thể tưởng tượng được rằng một phụ nữ có thể điều hành một đội quân chứ đừng nói đến một đế chế. Các hoàng đế ở phương Đông rõ ràng cũng đã đánh mất quyền cai trị của mình do không bảo vệ được đế quốc phương Tây trước những kẻ man rợ. Vì vậy, xét về mọi ý định và mục đích, ngai vàng bị coi là bỏ trống. Cho rằng Charlemagne đã là vua của người Frank và người Lombard, với quyền thống trị vượt xa đế quốc phương Đông, ông là hoàng đế trên mọi phương diện trừ danh nghĩa. Đối với Leo III, việc xức dầu cho Charlemagne làm hoàng đế sẽ đảm bảo mức độ bảo vệ lớn hơn nhiều so với mức độ mà ông ấy đã từng được hưởng.

Và vì vậy, chuyện đã xảy ra là vào Ngày Giáng sinh năm 800, hai ngày sau khi giáo hoàng được tuyên bố vô tội về mọi tội lỗi khi Charlemagne quỳ gối cầu nguyện trong buổi lễ Giáng sinh ở Vương cung thánh đường Thánh Peter, giáo hoàng đã đội một vương miện lên đầu ông và người dân tuyên bố ông là hoàng đế của người La Mã. Một kẻ man rợ đã trở thành Hoàng đế La Mã. Nếu có điều gì phản ánh thực tế chính trị mới ở phương Tây thì đó chính là điều này.

Một lần nữa, Giáo hội đã tôn vinh một người có bàn tay vấy máu của những người vô tội. Hoàng đế Constantine I đã sát hại chính con trai mình; Hoàng đế Theodosius, dưới triều đại của ông Cơ đốc giáo được tuyên bố là tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã, đã ra lệnh sát hại hàng nghìn người tại Thessalonica vào năm 390; và bây giờ kẻ sát nhân trong vụ thảm sát Verden [Sự kiện trong đó Vua Charlemagne ra lệnh giết 4.500 người Saxon vào tháng 10 năm 792: ND] đang được nâng cao với sự phù hộ của Giáo hoàng.

*

Không thể phóng đại tầm quan trọng của lễ đăng quang này vì nó đánh dấu sự khôi phục quyền lực của đế quốc ở phương Tây. Tuy nhiên, ở phương Đông, việc đăng quang của một hoàng đế mới mà không có thẩm quyền của hoàng đế hiện tại đã gây ra sự phẫn nộ. Suy cho cùng thì chỉ có một đế chế không thể chia cắt và do đó chỉ có một hoàng đế thực sự. Đối với giáo hoàng, điều đó thực sự quan trọng: lần đầu tiên, một hoàng đế được giáo hoàng xức dầu trong khi theo truyền thống thì ngược lại. Như Norwich đã nói,

Trước đây chưa có giáo hoàng nào từng tự nhận cho mình một đặc ân như vậy: không chỉ thiết lập vương miện hoàng gia như một món quà cá nhân của riêng mình, mà đồng thời tự trao cho mình quyền ưu việt hơn vị hoàng đế mà ông đã tạo ra.

Giáo hoàng đã ban tặng quyền lực đế quốc, và những người kế vị Leo III đã lợi dụng điều này để tuyên bố rằng cuộc tiến cử hoàng đế cần có sự phù hộ của giáo hoàng, lý tưởng nhất là ở La Mã, trước khi nó có thể được coi là hợp lệ trong mắt Chúa. Không nghi ngờ gì nữa, lễ đăng quang đã khiến sự liên kết chính trị của La Mã rất rõ ràng: giờ đây được bảo vệ bởi phương Tây chứ không phải bởi phương Đông. giáo triều Cơ đốc Latinh đã ra đời.

Bình luận về bài viết này