Săn lùng Eichmann, truy nã tên quốc xã khét tiếng nhất thế giới (Bài 4)

Neal Bascomb

Trần Quang Nghĩa dịch

4

“ANH CÓ NGHE TÊN ADOLF Eichmann chưa?” Đại úy Choter-Ischai của Lữ đoàn Do Thái hỏi người đàn ông đối diện, mà vóc dáng, bờ vai mới bắt đầu có da có thịt sau nhiều năm ở trại tập trung.

“Tôi đã nghe cái tên này từ một số người Do Thái Hungary ở Mauthausen,” Simon Wiesenthal đáp. “Nó chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả.”

“Tốt hơn hết hãy tra cứu nó,” Choter-Ischai nói, giải thích rằng mình có thông tin cho biết Eichmann dính líu sâu vào các vấn đề Do Thái ở Berlin và lẽ ra đã phải bị bắt. “Thật không may, y đến từ đất nước chúng tôi. Y sinh ra ở Palestine.”

Sau khi viên đại úy rời đi, Wiesenthal xem xét kỹ hồ sơ tại trụ sở  OSS (tiền thân của CIA) ở Linz, nơi ông làm việc. Thông tin về tên Eichmann này rất ít. Không có tên, chỉ có cấp bậc: trung tá. Mục này nêu chi tiết rằng Eichmann đã tham gia vào các hoạt động ở Áo, Tiệp Khắc, Pháp, Hy Lạp và Hungary, nhưng không có gì cụ thể. Wiesenthal ghi lại cái tên này để có thể dò hỏi sau này và quay trở lại với công việc bận rộn của mình vào giữa tháng 6 năm 1945. Chỉ bốn tuần trước đó, nặng 97 cân, anh đã loạng choạng bước ra khỏi doanh trại tối tăm ở Mauthausen dưới ánh nắng và nhìn thấy một chiếc xe tăng Mỹ màu xám đang tiến đến lối vào. Anh đã gục ngã khi nhìn thấy cảnh tượng đó.

Trước khi Đức Quốc xã tràn vào Ba Lan, Wiesenthal từng là một kiến ​​trúc sư đang nổi tiếng và là một người chồng nuôi hy vọng xây dựng gia đình cho riêng mình. Đức quốc xã đã giết mẹ anh, cướp đi vợ anh, và anh đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng về thể xác và tinh thần đến mức đã hai lần định tự sát. Khi chiến tranh kết thúc, anh sợ rằng nếu không truy lùng những kẻ chịu trách nhiệm, anh sẽ không còn gì để sống. Trong khi hồi phục sức khỏe ở Mauthausen, người đàn ông 36 tuổi này đã cầu xin Đơn vị Tội phạm Chiến tranh của Quân đội Mỹ đang hoạt động tại trại thu nạp mình. Trong một lá đơn gửi cho chỉ huy, anh đã ghi lại 12 trại tập trung mà anh đã sống sót qua và đưa ra những cái tên cũng như đáng chú ý là cấp bậc của 91 cá nhân, cùng với mô tả về tội ác của chúng: “Thiếu tướng SS Katzmann – Chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 1 triệu người; Chính ủy Gestapo Shöls – Kẻ chấm công và lên kế hoạch giết người hàng loạt trên khắp Galicia; Chỉ huy trại Janowska Friedrich Warzok – Một con quái vật đã thanh lý ít nhất 60.000 người  Do Thái và thường thiêu sống tù nhân trong doanh trại của họ; sĩ quan SS trại Hujar- tên thắng nhiều cuộc cá cược bằng cách bắn một viên đạn mà xuyên qua hai đầu người.”

Trưởng ban Điều tra  đã thuê Wiesenthal, trao cho anh quyền bắt giữ và anh đã bắt giữ hơn chục thành viên SS với sự trợ giúp của đơn vị Mỹ trước khi được chuyển sang OSS.

Cơ quan tình báo Mỹ cũng quan tâm đến việc bắt giữ các quan chức SS, mặc dù vì mục đích phản gián hơn là vì tội ác chiến tranh.

Một tháng sau khi Choter-Ischai thông báo cho anh về tên của Eichmann, Wiesenthal biết thêm rất ít về trung tá ngoài tin đồn từ các cựu tù nhân Mauthausen rằng y nói tiếng Yiddish (Do Thái cổ) và tiếng Do Thái trôi chảy.

Vào cuối tháng 7, anh tới Vienna để thu thập thông tin cho điều tra các cựu sĩ quan SS. Anh gặp Gideon Raphael, một đặc vụ cấp cao của Brichah, tổ chức ngầm dẫn đầu cuộc di cư của người Do Thái từ châu Âu đến Palestine bất chấp sự phong tỏa của Anh. Raphael đưa cho Wiesenthal danh sách tội phạm chiến tranh mà Cơ quan Do Thái tại Palestine (tiền thân của chính phủ Israel) đã nghiêm túc biên soạn từ năm 1944.

Cái họ Eichmann đứng đầu danh sách. Raphael có nhiều thông tin về Eichmann hơn quân Đồng minh, mặc dù vẫn chưa có tên của Eichmann. Biệt danh của y rõ ràng là Eichie. Người ta cho rằng y đã kết hôn và có một đứa con và được cho là sinh ra ở Sarona (một vùng lân cận của Tel Aviv, Israel, nơi khởi đầu là Thuộc địa Templer của Đức ở Palestine vào năm 1871.) Một lần nữa, báo cáo nói rằng y nói được tiếng Do Thái và tiếng Yiddish. Quan trọng nhất, người ta nói rằng y là “quan chức cấp cao của cơ quan Gestapo, Phòng Các vấn đề Do Thái.” Wiesenthal biết rằng điều này có nghĩa là Eichmann là người có công trong việc điều hành các trại tử thần.

Sau khi trở về Linz, Wiesenthal đi thẳng đến gặp sếp của mình, Đại úy O’Meara của OSS, để thảo luận về Eichmann. “Ông ta là người đứng đầu văn phòng Do Thái của Gestapo,” O’Meara nói. Viên Đại úy khuyến khích Wiesenthal truy tìm Eichmann.

Wiesenthal không hề hay biết, quân Đồng minh đã thu thập ngày càng nhiều thông tin về Eichmann từ các cuộc thẩm vấn các sĩ quan SS bị bắt, bao gồm cả một số người từng hợp tác chặt chẽ với y. Họ biết đến vị trí đứng đầu văn phòng Do Thái của Gestapo của y cũng như những hoạt động sâu rộng của y.

Vài buổi tối sau đó, tại căn hộ của mình ở Landstrasse 40, chỉ cách văn phòng OSS hai cánh cửa, Wiesenthal ngồi ở bàn làm việc, nhìn vào danh sách các mục tiêu của mình. “Eichmann” bây giờ được gạch dưới để nhấn mạnh. Bà chủ nhà của anh bước vào dọn dẹp phòng và nhìn qua vai anh vào danh sách. “Eichmann!” Bà kêu lên. “Đó hẳn là tướng SS Eichmann, chỉ huy người Do Thái. Ông có biết bố mẹ hắn  ta sống ở con phố này không? Chỉ cách đây vài ngôi nhà, ở số 32!”

Simon Wiesenthal, người săn lùng bọn Quốc xã

Wiesenthal ngạc nhiên ngay lập tức thông báo cho OSS, nhưng anh từ chối, khi được yêu cầu, tự mình đích thân đi vào ngôi nhà ấy. Anh không chịu nổi ý nghĩ chạm bàn tay mình vào nắm cửa mà một tên giết người hàng loạt đã từng chạm vào.

Vào ngày 28 tháng 7, hai đặc vụ OSS tới Landstrasse 32. Họ thẩm vấn cha của Eichmann, và ông ta miễn cưỡng thừa nhận rằng con trai ông Adolf từng là thành viên của SS, nhưng đó là tất cả những gì ông biết về các hoạt động thời chiến của y. Adolf đã đến thăm ông gần cuối cuộc chiến, nhưng cha y không nhận được tin tức gì từ y kể từ đó. Các đặc vụ biết được y sinh ra ở Solingen, Đức, không phải Palestine; rằng y có ba đứa con chứ không phải một; và rằng y đã kết hôn với một phụ nữ tên là Vera Liebl. Khi lục soát ngôi nhà, họ không tìm thấy một bức ảnh nào của Adolf. “Có hình ảnh không?” một đặc vụ OSS hỏi, nghi ngờ rằng người đàn ông này đang che giấu điều gì đó.

Bố Eichmann lắc đầu. “Nó không bao giờ thích được chụp ảnh,” ông nói.

____

Đứng trong hàng quân SS, Thiếu úy Otto Eckmann hồi hộp chờ đợi những người Do Thái sống sót trong trại nhìn chằm chằm vào mặt y để xem họ có nhận ra y không. Lính canh Mỹ vũ trang và các điều tra viên tội phạm chiến tranh của quân Đồng minh chăm chú theo dõi đầy hy vọng.

Eichmann đã trải qua mùa hè an toàn trong danh tính mới của mình, vượt qua một số cuộc thẩm vấn tiêu chuẩn của CIC về các hoạt động thời chiến mà không gặp trở ngại nào. Không có câu trả lời nào của y khơi dậy được sự điều tra sâu hơn, và y dành cả ngày để chất đống đạn dược hạng nặng trong một nhà kho của lực lượng không quân. Vào cuối tháng 8, người Mỹ chuyển y đến một trại khác ở Ober-Dachstetten, phía tây Nuremberg. Người phụ tá của y là Jänisch được chuyển đến một trại khác. Eichmann bị cô lập giữa 300 cựu sĩ quan SS và được giao công việc lao động. Không ai ở đó biết y là ai.

Đến cuối tháng 9, ngày càng nhiều cựu sĩ quan Quốc xã bị bắt đứng xếp hàng để bị nhận diện. Nhưng không ai trong số những người sống sót nhận ra Eichmann khi họ di chuyển qua mặt y đến cuối hàng. Trái ngược với thái độ khệnh khạng lộ liễu của hầu hết lính SS, dù ở trong trại hay giám sát các cuộc trục xuất, Eichmann lại thích ở trong bóng tối hơn. Ngoài thời gian ở Vienna và Hungary, y đã cho giao việc gặp gỡ các đại diện Do Thái và việc thực hiện kế hoạch của mình cho nhân viên cấp dưới.  Y cũng nhất định tránh cho chụp ảnh mình. Đối với chứng minh thư, y luôn sử dụng ảnh chính thức của Gestapo và tiêu hủy các phim âm bản. Sự thận trọng trước đó giờ đây đã được đền đáp. Tuy nhiên, y chắc chắn rằng một ngày nào đó y sẽ bị lật tẩy trong một lượt nhận dạng nào đó.

Vào tháng 10, Eichmann bị gọi đến thẩm vấn tại trung tâm thẩm vấn CIC ở Ansbach gần đó. Y chắc chắn rằng mình sẽ gặp rắc rối khi đối mặt với một điều tra viên giàu kinh nghiệm, người nói tiếng Đức hoàn hảo và biết những điều phức tạp của SS đủ tốt để bắt tại trận Eichmann nói dối.

Eichmann đã khai với điều tra viên về thời gian phục vụ của mình, rằng y từng là thành viên của sư đoàn Waffen-SS chiến đấu với quân Nga bên ngoài Budapest, sau đó phục vụ dưới quyền của Tướng Sepp Dietrich nổi tiếng trong cuộc phòng thủ Vienna vào cuối cuộc chiến. Về lý do tại sao y vào trại mà không có giấy tờ gì, Eichmann giải thích rằng mình đã tiêu hủy chúng sau khi rút lui khỏi Vienna, theo thủ tục tiêu chuẩn của quân đội. Điều tra viên đã ngăn y nhiều lần, thăm dò các chi tiết quân sự mà bất kỳ trung úy Waffen-SS nào cũng đều biết còn Eichmann thì không.

Hơn nữa, khi điều tra viên gây áp lực cho y, Eichmann không thể không bộc lộ sự kiêu ngạo đã phản bội y,  cho thấy y có tư cách là một sĩ quan cấp trên hơn.

Khi cuộc thẩm vấn kết thúc, điều tra viên nói với Eichmann rằng câu trả lời của y sẽ được xác minh và chắc chắn sẽ có nhiều cuộc thẩm vấn hơn nữa.

Mặc dù Eichmann đã cung cấp thông tin vốn cần có thời gian và đi lại để điều tra, nhưng y vẫn lo ngại rằng mình đã vô ý tiết lộ thân phận. Y trở về Ober-Dachstetten bằng xe buýt quân sự, rùng mình khi nghĩ những lính gác Ba Lan của trại sẽ đối xử với y như thế nào nếu họ biết được danh tính của y. Ý nghĩ tự tử len lỏi vào tâm trí y,  thậm chí y còn hỏi một sĩ quan SS khác, từng là dược sĩ trước chiến tranh, rằng y phải cần bao nhiêu morphine để tự sát. Nỗi tuyệt vọng của y tăng vọt khi nghe tin quân Đồng minh sắp trình diễn các lãnh đạo vĩ đại của Đệ tam Đế chế vào phòng xử án ở Nuremberg.

____

Hai giờ trước bình minh ngày 21 tháng 11, lính canh đánh thức các tù nhân ở Nuremberg để chuẩn bị cho ngày đầu tiên của họ tại Tòa án Quân sự Quốc tế. Sau nhiều tháng tranh cãi về chính trị và pháp lý giữa quân Đồng minh, họ đã thống nhất được một bản cáo trạng và danh sách 24 bị cáo cho phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh trọng đại. Các bị cáo đã bị thẩm vấn rất lâu. Các công tố viên đã thu thập hàng đống tài liệu buộc tội Đức Quốc xã, nhiều tài liệu được tìm thấy giấu trong các mỏ muối, được cất giữ trong các lâu đài ở nông thôn hoặc được giấu sau những bức tường giả trong các tòa nhà chính phủ. Bây giờ phiên tòa sẽ bắt đầu khẩn trương và quyết liệt.

Lính canh phục vụ các tù nhân bữa sáng gồm cà phê và bột yến mạch, cạo mặt và cho quân nhân mặc quân phục thường ngày và thường dân mặc vest và đeo cà vạt. Như đã xảy ra kể từ khi bị bắt, mọi động thái của họ đều được theo dõi để ngăn chặn mọi nỗ lực tự sát. Vung cây dùi cui, viên chỉ huy trại giam cảnh báo họ rằng nếu họ cư xử không đúng mực trong quá trình xét xử, họ sẽ bị mất đặc quyền. Sau đó, họ được dẫn đi từng nhóm bốn người qua nhà tù, dọc theo lối đi có mái che và vào Tòa nhà Công lý. Một cánh cửa sắt trượt mở, lộ ra một thang máy lồng thép đủ lớn cho tù nhân và lính canh của họ.

Ở tầng hai, lính canh dẫn họ vào phòng xử án và ngồi trên hai chiếc ghế dài bằng gỗ, theo thứ tự tên của họ trong bản cáo trạng. Hàng đầu tiên: Hermann Göring, Rudolf Hess, Joaquim von Ribbentrop, Wilhelm Keitel, Alfred Rosenberg, Hans Frank, Wilhelm Frick, Julius Streicher, Walter Funk và Hjalmar Schacht. Hàng thứ hai: Karl Dönitz, Erich Raeder, Baldur von Schirach, Fritz Sauckel, Alfred Jodl, Franz von Papen, Arthur Seyss-Inquart, Albert Speer, Konstantin von Neurath và Hans Fritzsche. Trong số bốn bị cáo còn lại, Ernst Kaltenbrunner đã bị xuất huyết não ba ngày trước đó, Robert Ley đã treo cổ tự tử bằng khăn tắm trong phòng giam, Gustav Krupp được cho là quá yếu để hầu tòa, và Martin Bormann vẫn chưa bị bắt.

Mười lính canh cầm dùi cui trắng, thắt lưng trắng, đội mũ sắt trắng đứng hai bên và phía sau các bị cáo.

Phần còn lại của phòng xử án giống như rạp hát trống rỗng. Vào lúc 9h30 sáng, cánh cửa bật mở rộng. Các luật sư bào chữa kéo đến và xếp hàng trước khu biện hộ. Các công tố viên đứng ở phía đối diện. Các thông dịch viên và người viết tốc ký của tòa án đã lục tục vào vị trí của họ, và hơn 250 nhà báo đã chiếm lấy  khu vực dành riêng. Đúng 10:00 giờ sáng, cảnh sát trưởng kêu gọi trật tự, và bốn thẩm phán, mỗi người đến từ Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp, bước vào trong im lặng.

Sau phần giới thiệu ngắn gọn của chủ tọa phiên tòa, bên công tố đã liệt kê bốn phần cáo trạng chống lại các bị cáo về các tội: tội ác chống hòa bình, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và âm mưu thực hiện những tội ác này. Hàng giờ, bản cáo trạng được đọc lên, một bức chân dung đáng nguyền rủa về những hành vi vi phạm hiệp ước quốc tế, sự khống chế toàn trị, chiến tranh xâm lược, lao động nô lệ, tàn sát tù binh, cướp bóc, tàn phá bừa bãi hàng nghìn ngôi làng và thành phố, cũng như tra tấn, bắn giết, xả khí độc, thắt cổ, bỏ đói và tiêu diệt những người vô tội một cách có hệ thống để dọn đường cho “chủng tộc bậc thầy”. Một số bị cáo nhăn nhó, lau mồ hôi lông mày, và cựa mình khó chịu trên ghế ngồi. Những kẻ khác vẫn như đá. Göring cau mặt trước máy ảnh. Hess rên rỉ thảm hại vì đau bụng và được tiêm một mũi để giúp y thư giãn. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt Ribbentrop, và cuối cùng y khóc nức nở một mình ở hành lang liền kề. Trong giờ nghỉ ăn trưa, Schirach, cựu lãnh đạo 38 tuổi bảnh bao của Thanh niên Hitler, quay sang nhà tâm lý học lâm sàng đang giám sát các tù nhân và nói khô khốc, “Tôi cho rằng chúng tôi sẽ có bít tết vào ngày các ông đến treo cổ chúng tôi.”

Ngày hôm sau, các bị cáo có người nhận tội người không nhận tội. Đầu tiên, Göring trả lời với ánh mắt thách thức, “Tôi tuyên bố, theo bản cáo trạng, không có tội.” Những người còn lại tiếp theo cũng không nhận tội. Sau đó, Robert Jackson, công tố viên chính của Mỹ, đứng ra mở lời.  Trong bộ vest ba mảnh có sọc nhỏ với dây đồng hồ lủng lẳng trên áo vest, ông nói với cường độ vừa phải.

Đặc quyền mở phiên tòa đầu tiên trong lịch sử vì những tội ác chống lại hòa bình thế giới đặt ra một trách nhiệm nặng nề. Những sai trái mà chúng ta tìm cách lên án và trừng phạt đã được tính toán rất kỹ, ác độc và tàn khốc đến mức nền văn minh không thể chấp nhận việc chúng bị phớt lờ, bởi vì nó không thể tồn tại nếu chúng lặp đi lặp lại. Việc bốn quốc gia vĩ đại, hân hoan trong chiến thắng và đau đớn vì thương tích, chịu dừng tay báo thù và tự nguyện đưa những kẻ thù bị giam cầm của mình ra trước sự phán xét của pháp luật là một trong những những cống hiến quan trọng nhất mà quyền lực từng mang lại cho lý trí.

Trong những tuần tiếp theo, bên công tố đã đưa ra từng trường hợp trên mỗi cáo trạng, xem xét những tài liệu tịch thu được của Đức Quốc xã và lời chứng thực về cách thức các kế hoạch cho những tội ác này được phát triển bởi các bị cáo, những phương pháp họ đã tiến hành để hoàn thành chúng và mệnh lệnh họ đã đưa ra cho việc thực hiện. Tội lỗi của họ đã rõ ràng, nhưng phiên tòa cũng làm rõ rằng còn nhiều tên phát xít khác đã trực tiếp nhúng tay vào những tội ác này. Một trong những cái tên đã trở nên nổi bật nhất là Adolf Eichmann.

Eichmann lần đầu tiên được nhắc đến vào ngày thứ 20 của phiên tòa. Cơ quan công tố trích lời một nhà lãnh đạo Do Thái ở Hungary viết về sự xuất hiện của quân Đức vào tháng 3 năm 1944: “Cùng với sự chiếm đóng của quân đội Đức, một ‘Đội đặc nhiệm’ của mật vụ Đức đã đến Budapest với mục tiêu duy nhất là tiêu diệt người Do Thái Hungary.  Cầm đầu lực lượng này là Adolf Eichmann … Chỉ huy các trại tử thần chỉ bơm  khí độc theo chỉ thị trực tiếp hoặc gián tiếp của Eichmann.”

Ngày hôm sau, Eichmann được ghi nhận là “Trưởng bộ phận Do Thái của Gestapo”, người đã từng tuyên bố một cách có thẩm quyền rằng 4 triệu người Do Thái đã bị trục xuất và sau đó bị giết trong các trại hành quyết. Ngay sau khi bắt đầu lại quá trình tố tụng, vào ngày 3 tháng 1 năm 1946, đội trưởng SS Dieter Wisliceny đã đứng ra làm nhân chứng. Wisliceny đã làm việc với Eichmann được 11 năm và hắn cũng là bạn thân của gia đình. Lời khai của hắn sẽ vạch trần vai trò của Eichmann trong vụ diệt chủng.

Trả lời câu hỏi của Thiếu tá Smith Brookhart của bên công tố về việc liệu Eichmann có cho Wisliceny xem lệnh của Himmler để bắt đầu tiến hành Giải pháp Cuối cùng hay không, nhân chứng nói, “Đúng, Eichmann đưa cho tôi tài liệu và chính tôi đã xem lệnh.”

“Anh có câu hỏi nào về ý nghĩa của từ ‘Giải pháp cuối cùng’ được sử dụng trong mệnh lệnh không?” Trung tá Brookhart hỏi.

“Eichmann lập tức giải thích cho tôi ý nghĩa của việc này. Ông ấy nói rằng kế hoạch hủy diệt về mặt sinh học chủng tộc Do Thái ở các vùng Lãnh thổ phương Đông được ngụy trang bằng khái niệm và thuật ngữ ‘Giải pháp Cuối cùng’.”

“Anh có nói gì với Eichmann liên quan đến quyền lực được trao cho y theo lệnh này không?”

“Eichmann nói với tôi rằng trong RSHA, cá nhân ông ấy được giao nhiệm vụ thực hiện mệnh lệnh này,” Wisliceny trả lời. “Vì mục đích này, ông ta đã nhận được mọi quyền hạn từ Chỉ huy Mật vụ,  bản thân ông ta chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện mệnh lệnh này.”

“Anh có bình luận gì với Eichmann về quyền hạn của ông ta?”

“Đúng. Tôi hoàn toàn rõ ràng rằng mệnh lệnh này đã gây ra cái chết cho hàng triệu người. Tôi đã nói với Eichmann, ‘Xin Chúa khiến cho kẻ thù của chúng ta không bao giờ có cơ hội làm điều tương tự với người dân Đức’, Eichmann đã đáp lại là tôi không được uỷ mị.”

Với lời chứng rõ ràng này, tầm quan trọng và tính cách của Adolf Eichmann lần đầu tiên được tiết lộ trước công chúng. Vì vậy, kể từ mùa hè, các nhà điều tra của Đồng minh ngày càng nóng lòng đến việc bắt giữ y. CIC đã hạch hỏi vợ y ở Altaussee vào tháng Tám. Cô ta đã khai với các nhà điều tra rằng cô không liên lạc với chồng mình kể từ khi họ ly thân vào tháng 3 năm 1945. Cô cũng không giữ bức ảnh nào của anh ta để đưa cho họ.

Đến đầu tháng 9, các cuộc thẩm vấn một số người thân cận khác của Eichmann, bao gồm cả Wisliceny, đã cung cấp một biên niên sử đầy đủ về ông trùm  Cục IVB4 và các cộng sự thân cận của y. Rõ ràng là y vẫn còn sống khi chiến tranh kết thúc, và các cộng sự của y ngờ rằng y đã tự sát. Các nhà điều tra đã có một số lời khuyên về nơi ở, trong đó có Altaussee và Salzburg. Cuối tháng đó, quân Đồng minh nhắm mục tiêu vào Eichmann trong một báo cáo đặc biệt vì “bị truy nã khẩn cấp tại trụ sở tối cao của trung tâm Lực lượng Viễn chinh Đồng minh để thẩm vấn và có thể bị Ủy ban Tội phạm Chiến tranh xét xử.” Đến tháng 11, các thông báo được gửi đến nhiều khu vực CIC khác nhau đã gán cho y cái mác “có tầm quan trọng cao nhất trong số các tội phạm chiến tranh” và cung cấp một bức chân dung sống động, chính xác về y:

Tuổi: Khoảng 40

Chiều cao: 1,78 mét

Trọng lượng: 70 kg

Thân hình: Gầy gò, gân guốc

Tóc: Phần trên mỏng, màu vàng sẫm

Mắt: Xanh xám

Khuôn mặt: Đặc điểm nổi bật, mũi khoằm

Tư thế: Thẳng người, tề chỉnh,  dáng đi nhanh nhẹn của người leo núi

Phương ngữ: Nói giọng Áo, giọng the thé, khàn khàn, giọng không luyến láy, luôn to.

Dấu hiệu nhận biết khác: Thường mang theo gậy chống. Di chuyển rất bồn chồn; Trong khi nói chuyện, y hay ho khan, khóe miệng giật giật, nhắm một mắt.

Tuy nhiên vào đầu năm 1946, Eichmann vẫn ở lại không bị phát hiện sau hơn sáu tháng trong tay quân Đồng minh, bộc lộ những kẽ hở và tình trạng quá dàn trải của công cuộc điều tra tội phạm chiến tranh.

Ngoài mục tiêu ban đầu của họ là giới tinh hoa của Đức Quốc xã, những người hiện đang bị xét xử, người Anh thì kéo lê bước chân của mình,  còn người Mỹ vẫn chưa có đủ điều tra viên để xử lý số lượng cá nhân họ đang nhắm tới. Làm tê liệt hơn nữa những nỗ lực của họ, danh sách các nghi phạm của CROWCASS quá cồng kềnh  không được phổ biến rộng rãi cho đến mùa thu năm 1945, và thậm chí sau đó quá ôm đồm để có thể hiệu quả.

Quân Đồng minh đã chứng tỏ có nhiều khả năng trong việc vây bắt hàng chục nghìn nghi phạm trong danh mục bắt giữ tức thì. Chúng đã được chụp ảnh và thẩm vấn, đồng thời các đặc điểm ngoại hình của chúng đã được ghi nhận. Nhưng nếu không có một trung tâm phối hợp sàng lọc và có đầy đủ nhân viên phụ trách xử lý thông tin này, cả Eichmann và những tên khác đã khai man về danh tính của mình đều không thể bị lộ trong một hệ thống tù binh chiến tranh với hơn hai trăm trại tù binh của Mỹ chỉ riêng ở Đức.

Tuy nhiên, các nhà điều tra riêng lẻ của Đồng minh đã đấu tranh mạnh mẽ chống lại những thách thức. Vài ngày sau khai báo của Wisliceny, CIC đã đưa ra một bản tin khác tới các văn phòng khu vực của mình, yêu cầu mọi manh mối về Eichmann, người “ít nhất chịu trách nhiệm một phần về việc tiêu diệt khoảng 6.000.000 người Do Thái”, phải được tuân thủ để đảm bảo việc bắt giữ y. Bản tin cũng cảnh báo rằng Eichmann là “con người tuyệt vọng, nếu bị dồn vào chân tường, sẽ không ngại bắn giải vây. Y là một tay leo núi cừ khôi và có lẽ thường xuyên thay đổi địa điểm của mình.”

Tại trại Ober-Dachstetten, Eichmann đang lên kế hoạch trốn thoát. Vào đầu tháng 1 năm 1946, qua tin đồn của tù nhân, y biết được lời khai của Dieter Wisliceny. Y đã đặt tên con trai út của mình theo tên Wisliceny. Nếu một trong những người bạn thân nhất của y chịu mở miệng với quân Đồng minh, Eichmann có thể chắc chắn rằng những tên khác cũng vậy, chẳng hạn phụ tá Jänisch của y,  người đã biết về tên giả của y. Giờ đây Eichmann đã được công khai xác định là tâm điểm của Giải pháp Cuối cùng, cái giá phải trả cho cái đầu của y chắc chắn sẽ rất cao.

Trong nhiều tháng nay, nỗi sợ bị bắt đã giày vò y. Y không bao giờ có thể biết rõ ai đang truy lùng mình, họ cần cù đến mức nào, họ có ảnh của y không, họ có người cung cấp thông tin hay không. Y lại sống sót sau một cuộc thẩm vấn khác của Ansbach, nhưng điều đó càng khiến y bị thuyết phục hơn rằng những thẩm vấn viên đang bắt đầu nghi ngờ y. Cuối cùng họ sẽ xác định y là Eichmann hoặc một số người Do Thái sống sót sẽ nhận ra y. Bằng cách này hay cách khác, việc phát hiện ra y là  chắc chắn nếu y vẫn ở lại trại.

Eichmann đến thẳng gặp Đại tá Opperbeck, sĩ quan SS cấp cao nhất của trại. Tám tháng sau sự sụp đổ của Đệ Tam Reich, Eichmann vẫn cảm thấy cần phải xin phép cấp trên trước khi hành động. Y tiết lộ cho Opperbeck tên và cấp bậc của mình, vị trí của mình trong RSHA và dự tính trốn thoát.

“Tôi đã biết cậu là ai từ lâu rồi,” Opperbeck nói. “Vì cậu chưa bao giờ nói gì với tôi nên tôi đã giữ kín cho riêng mình.”

Họ đồng ý tổ chức một cuộc họp các sĩ quan SS. Đêm đó, họ tập trung bên nhà vệ sinh, và Eichmann nói với các sĩ quan rằng y muốn trốn trại. Y không tiết lộ tên, chỉ nói rằng sợ quân Đồng minh đang truy lùng mình vì các hoạt động chính trị của y. Y nói với cả nhóm rằng mình dự định đi đến Ai Cập, nơi y có thể tìm thấy bến đỗ an toàn.

Các sĩ quan cũng đồng ý bỏ trốn. Một người, Hans Feiersleben, đề nghị Eichmann ở lại Đức một thời gian. Anh ta có một người anh trai làm kiểm lâm ở miền bắc nước Đức và có thể tìm cho y một việc làm tại một khu vực biệt lập mà quân Đồng minh sẽ không bao giờ tìm thấy y. Một người khác, Kurt Bauer, khuyên y nên đi trước tiên đến Prien, phía đông nam Munich, nơi chị gái của Bauer sẽ che giấu y và hỗ trợ y trong chuyến đi.

Lúc buổi họp kết thúc, Eichmann đã có một kế hoạch. Các sĩ quan khác đã giúp y làm giấy tờ giả dưới tên Otto Heninger. Một hộ lý tìm cách đốt hình xăm SS của y.  Và một phụ nữ mà y từng tán tỉnh ở hàng rào trại đã đưa cho y một chiếc áo khoác Tyrolean và một ít thuốc nhuộm để nhuộm màu xanh lá cây cho chiếc quần Luftwaffe (Không quân Đức) của y. Với một đôi tất len ​​kéo qua quần, y sẽ trông giống như bất kỳ thợ săn nào trong rừng.

Vài đêm sau, Eichmann cạo râu và mặc bộ trang phục mới. Y đi đến một đoạn hàng rào thép gai khuất tầm nhìn của lính canh. Trong bóng đêm, y rón rén trèo qua hàng rào, tránh những lưỡi gai bén như  dao cạo. Bên kia hàng rào, y lưỡng lự, cảm thấy bất lực, giờ phơi mình trước bất kỳ cuộc tuần tra ngẫu nhiên nào. Y vội vã đi nhanh vào rừng.


Bình luận về bài viết này