Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 5

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 5 :  HAI NỀN CHUYÊN CHẾ

1 ‘Một Chế Độ Khủng Bố’

Miền Bắc và Miền Nam đã luôn khác nhau như tình trạng xảy ra ở Anh, Mỹ, Ý và nhiều quốc gia khác,  thậm chí cũng văng tục khác nhau. Trong những năm theo sau Hiệp định Geneva,  cả hai miền rơi vào tay những chế độ độc đoán áp bức. Tuy nhiên,  chế độ của Hồ Chí Minh hưởng lợi từ một số lợi thế chính trị đáng kể. Trong khi Miền Bắc bị tan hoang vì chiến tranh,  lâm vào cảnh cơ cực ngày càng nhanh chóng  tồi tệ vì các chính sách kinh tế cộng sản, nó ngày càng bị khép vào kỷ luật một cách hiệu quả. Hồ đã trải thời gian sống ở Việt Nam ít hơn Ngô Đình Diệm.  Là người chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tuy nhiên, ông giành được uy tín to lớn,  và triển khai sức thu hút và lôi cuốn của mình đến một hiệu ứng khủng khiếp trên sân khấu thế giới. Hơn nữa, bằng cách vận dụng kiểm soát sắt thép về thông tin và truy cập,  Miền Bắc che đậy các vụ nổi dậy, thanh trừng, và sát hại khỏi sự dòm ngó của các nước ngoài. Ở Miền Nam, trái lại,  những điên rồ và bạo ngược của chế độ Diệm xảy ra nhan nhản trước mắt mọi người: nhiều nông dân nhận thấy chế độ điền chủ Miền Nam không thể chấp nhận không kém thời thuộc địa Pháp, và không biết gì về cảnh khốn cùng tồi tệ hơn của anh em Miền Bắc của mình.  Chỉ rất lâu sau này người Miền Nam khi nhìn trở lại ‘sáu năm’ – thời kỳ từ 1954 đến 1960 – mới biết đó là thời kỳ nông thôn thanh bình hạnh phúc đã mất.

Theo sau lệnh đình chiến ngày 25 tháng 7 1954,  một chuyến xuất hành rầm rộ từ Bắc vào Nam xảy ra, khi một triệu người khiếp sợ hệ thống cai trị mới – các doanh nhân, công chức làm cho Pháp, điền chủ, người chống cộng và trên hết là giáo dân Thiên Chúa – bỏ quê hương ra đi bằng đường bộ,  đường biển,  và đường hàng không. Đó là thời gian của náo loạn, chia cắt, sợ hãi và ly tán. Các cán bộ Việt Minh ngăn cấm các chuyến xe đò chở người trốn chạy cộng sản đến cảng Hải Phòng theo Quốc lộ 1, xúi giục và đôi khi cưỡng ép hành khách ở lại. Gia đình tương đối khá giả của Nguyễn Dương, những người buôn bán nhỏ, chịu đựng một tai họa: trong đám đông người chen chân tại sân bay bên ngoài Hà Nội, mẹ ông đặt tạm xuống đất túi hành lí chứa tất cả của cải mang đi được của gia đình gồm vàng bạc và nữ trang. Chỉ trong vài giây nó biến mất, không bao giờ tìm lại được: họ bắt đầu cuộc sống mới tại Sài Gòn không một xu dính túi.

Những cảnh tượng thương tâm xảy ra ở Hà Nội  khi những người khá giả hơn chất đống đồ đạc ngoài đường để bán tháo. Một số gia đình bị chia cắt. Cha của Nguyễn Thị Chinh tên Cửu, người từng đứng đầu trong một gia đình địa chủ giàu có,  bảo với cô con gái 16 tuổi và anh trai cô 19 tuổi tên Lân rằng họ phải di cư về miền nam  – một cô con gái đã bỏ đi, sau khi cưới một bác sĩ Pháp. Vào đêm trước khi họ bay, ông trao mỗi đứa con một thắt lưng đựng it tiền, thức ăn và đồ thiết yếu. Tuy nhiên,  vào sáng sớm hôm sau,  Chinh bị anh trai Lân đánh thức,  và thì thầm vào tai em gái, ‘Ra ngoài mau.’ Ngoài đường họ bắt gặp một người bạn của Lân đang giữ hai chiếc xe đạp. Anh trai cô nói,  ‘Tụi anh đi theo cách mạng. Nếu cha biết, cha sẽ không cho đâu.’ Chinh khiếp đảm.  Cô van nài, năn nỉ, la hét, kéo  xe đạp lại, nhưng vô ích. Lân và cậu bạn đạp xe đi. Lo lắng,  cô vào đánh thức cha dậy. Cha quyết định dù sao cô cũng phải ra đi như đã dự tính, trong khi cha ở lại tìm Lân. Một vài giờ sau cô thấy mình ở giữa đám người tuyệt vọng xô đẩy, la hét ở sân bay, chen nhau lên máy bay vận tải. Cha cô tiễn cô và trao cho cô một vòng tay vàng. Khi đến Sài Gòn cô được gửi vào trại tị nạn, ở đó suốt nhiều tuần lễ cô khóc không dứt. Cuối cũng cô gặp một người bạn gia đình tử tế,  mời cô đến và sống với họ; hai năm sau cô lấy con trai họ. Cô không biết tin gì về anh trai cô trong gần 40 năm.

Trần Hội, phục vụ trong Không Lực Pháp với vai trò tập sự, không do dự gì chuyển vào Sài Gòn với phi đội của mình.  Tuy nhiên,  mẹ anh quyết định ở lại lo việc bán nhà và công ty xe khách của gia đình. Hội bay vào Nam trên chiếc C-47: ‘Tôi khóc suốt – người Việt không bao giờ rời bỏ thân nhân.’ Anh chắc sẽ khóc to hơn nếu biết rằng mãi đến năm 1998 mình mới tiếp xúc trở lại với họ hàng. Anh lao vào cuộc sống mới ở Miền Nam lúc nào cũng đượm vẻ u sầu,  vì vào những ngày lễ và ngày tết anh không có nhà cha mẹ để về đoàn tụ.

Bằng xe đò, ô tô và đi bộ, các gia đình dắt díu đi về Hải Phòng để lên tàu, phần nhiều là tàu Mỹ. Sau này có tin cho rằng các đặc vụ Mỹ tiến hành một chiến dịch tuyên truyền làm người Bắc sợ để đi vào nam.  Việc có tuyên truyền là điều vượt quá sự tranh cãi,  kể cả những câu chuyện tàn bạo cộng sản dựng lên bởi ‘người hùng’ bảo thủ Mỹ Bs Tom Dooley, tác giả cuốn hồi ký dối trá bán chạy nhất Deliver Us From Evil (Giải Thoát Chúng Tôi Khỏi Tai Ương). Tuy nhiên, cũng có các thảm kịch với đầy đủ chứng cứ rơi xuống nhiều người ở lại,  chấp nhận các bảo đảm của Hồ Chí Minh về số phận mình rằng họ không có gì phải sợ.

Con trai điền chủ Nguyễn Hải Định được 18 tuổi khi em gái duy nhất của anh di cư vào nam. Chính anh ở lại. ‘Tại sao? Vì tôi quá ngu … Chúng tôi đã nghĩ người Pháp là những tên thực dân áp bức cho đến khi cộng sản nắm quyền, lúc đó chúng tôi mới bắt đầu nghĩ ,người Pháp là bạn bè của chúng tôi.’ Tất cả ai có sở hữu tài sản hoặc học vấn đều bị đánh đấu để loại trừ, thậm chí bị giết,  dưới trật tự mới.  Định thấy rằng lý lịch giai cấp của mình khiến anh không đủ điều kiện vào đại học, hoặc kiếm được một công việc nào có trách nhiệm. Giáo viên về ý thức hệ mới của anh nói, ‘Trong quá khứ đất nước này là phong kiến, giờ nó thuộc về nông dân và công nhân. Còn em không có xứ sở.’ Cha anh bị tước mọi quyền công dân vì có 5 năm là một ‘phần tử chống xã hội’, và buộc phải tìm kế sinh nhai làm đầu bếp cho các cán bộ của Đảng.  Định hóa ra căm ghét mọi thứ về xã hội mình, và trên hết là không thể nói ra những gì mình nghĩ. Anh hẹn hò với một sinh viên tên Phương,  nhưng suốt 5 năm ve vãn anh chưa lần nào dám bàn luận về đề tài chính trị. ‘Mọi người đều theo dõi người khác. Ai cũng có thể làm người chỉ điểm.’ Anh được coi là chỉ thích hợp làm nghề lao động tay chân.

Trong một số vùng cao tình trạng đối kháng vũ trang vẫn còn dai dẳng,  sử dụng vũ khí do các lực lượng đặc biệt của Pháp cung cấp trước khi đình chiến. Bernard Fall cho rằng một vài sĩ quan Pháp làm việc với các bộ tộc không thể liên lạc được vì ở các vùng hẻo lánh, và bị bỏ lại cho đến khi họ bị hốt từ từ hoặc bị giết. Ông mô tả một người Pháp gọi điện một cách tuyệt vọng tận mùa hè 1956: ‘Đồ chó chết tụi bây, hãy cứu giúp chúng tao! Cứu giúp chúng tao! Thả dù ít ra cũng đồ tiếp tế để chúng tao có thể chiến đấu đến chết thay vì bị làm thịt như thú vật.’ Fall xác nhận rằng không ai làm gì cả. ‘Pháp không thừa nhận họ và người cộng sản mặc tình giải quyết vấn đề theo ý mình.’

Tuần báo Quân đội Nhân dân Hà Nội báo cáo trong tháng 9 1957 rằng trong hai năm sau đình chiến,  lực lượng của họ trong vùng núi phía đông sông Hồng đã giết 193 và bắt sống 300 ‘quân địch’, trong khi cưỡng bách đầu hàng 4,336 người dân tộc. Chắc chắn trong số này chỉ có một nhúm người Pháp , nhưng báo cáo khẳng định sự kháng cự dai dẳng. 

Trong khi đó chính quyền mới chuẩn bị cơ cấu việc cải cách ruộng đất.  Nhật báo Nhân Dân của Đảng kêu gọi cán bộ hãy loại bỏ học thuyết vị kỷ và chủ hòa mà hãy quyết tâm lãnh đạo giai cấp nông dân đập tan toàn bộ giai cấp địa chủ. Truyền thông Miền Bắc ra rả đầy tai tuyên truyền chống Mỹ. Pierre Asselin, người lưu ý rằng mọi chính quyền chuyên chế đều cần những kẻ thù, đã viết: ‘Quỷ hóa Hoa Kỳ… tạo ra một “đối thủ hữu dụng ” khiến dễ dàng nắm được và duy trì được sự hậu thuẫn của công chúng… cho cách mạng tiến lên’.

Chương trình cải cách ruộng đất hà khắc được áp dụng giữa 1954 và 1956 làm vui lòng một số nông dân, khi chứng kiến các địa chủ cũ của họ bị tịch thu hết tài sản,  nhưng áp đặt quá nhiều nỗi gian nan đến nỗi cho dù chiến tranh đã qua đi,  nhiều người còn tiếp tục đối mặt với đói kém triền miên. Dương Vân Mai, con gái của một viên chức thuộc địa trước đây, nhận xét: ‘Nhà nước đã loại bỏ động lực làm việc hăng say là trả công nông dân theo lao động của họ’. Khi sau này áp dụng chế độ tập thể hóa nông nghiệp, ‘sự thiếu thốn trở thành một phong cách sống.’

Người lớn được phân bổ khẩu phần là 28 cân gạo một tháng , 10 ao-xơ thịt và cũng ngần ấy đường, khoảng nửa lít nước mắm. Họ nhận được bốn thước vải mỗi năm, và hai bộ áo lót. Vậy mà trong những ngày đen tối nhất, giới lãnh đạo Đảng và gia đình họ sống thoải mái hơn nhiều.  Thành phần cao cấp trong xã hội Miền Bắc không thể hưởng được sự giàu có mà đẳng cấp Miền Nam sớm tích lũy được, nhưng họ không hề đói. Vào năm 1955, chỉ nhờ gạo do Miến Điện chở đến mới tránh được một nạn đói nghiêm trọng như hồi một thập niên trước. Nguồn tiền mặt chủ yếu của Hà Nội là 200 triệu đô la do Trung Quốc cung cấp,  và 100 triệu khác từ Nga. Tuy nhiên, số tiền này không phải là quà tặng mà chỉ là tiền mua các hàng hoá xuất khẩu, trong khi ở trong nước không đủ dùng.

Các thống kê có thể tin được chưa hề được công bố về tình trạng bạo ngược và bức hại do các nhà cai trị Miền Bắc vì phạm trong những năm đầu cách mạng. Sự thú nhận có ý nghĩa được Giáp đưa ra trong một diễn văn đọc vào ngày 29/10/1956, khi đó ông là phó thủ tướng: ‘Chúng ta nhìn thấy điền chủ nào cũng là kẻ thù, dẫn đến nhận định là kẻ thù ở khắp mọi nơi. Trong việc đàn áp kẻ thù chúng ta thông qua các biện pháp mạnh và sử dụng các phương pháp không được phép (một mỹ từ công sản chỉ việc tra tấn) để buộc cung khai … Kết quả là nhiều người dân vô tội bị tố cáo là phản động, bị bắt bớ, trừng phạt, tống giam.’ Ước tính có đến 15,000 bị hành hình. Trong khi Hồ Chí Minh được cho là đã bày tỏ sự lo lắng và khổ sở về các hành động quá trớn, ông không hề sử dụng uy tín to lớn của mình để ngăn việc ấy lại. Không chỉ một phần lớn các đất đai của  điền chủ bị xung công, mà trong nhiều trường hợp chế độ mới yêu cầu họ phải trả lại cho tá điền số tiền họ bóc lột trong những năm đã qua. Đồ đạc và trâu bò cày cũng bị tịch thu tùy tiện, thành ra bác của Dương Vân Mai thấy mình phải gắng sức cày mảnh ruộng còn lại của mình với một chiếc cày máng vào vai ông. Không gian trong ngôi nhà lớn khác của người cậu được ‘tái phân phối’: khi trở về thăm cậu 40 năm sau, cô thấy căn nhà có đến 40 người cư ngụ . Bà nội của Đoàn Phương Hải miền bắc già sọp hẳn đi trong mắt anh khi bà bị kết án là địa chủ, rồi sau đó bị thấm vấn, bị đấu tố, và tài sản bị xung công. Bà không cho con trai đưa mình ra Hà Nội chữa trị , chỉ ho sù sụ và sống lay lắt rồi qua đời.

Toàn bộ giai cấp địa chủ phải hứng chịu sự sỉ nhục theo cơ chế, nhằm mục đích gia tăng lòng tự tôn của giới nông dân đồng thời hạ thấp giai cấp tư sản. Thậm chí một người cộng sản nhiệt thành như Bs Nguyễn Thị Ngọc Toàn sau này nhìn nhận: ‘Nhiều việc đã xảy ra mà tôi cho là vô lý.’ Nhiều năm liền bà không được xét tăng bậc, cho dù bà một lòng với Đảng: ‘mọi thứ đều phải yêu cầu có lý lịch tốt’. Theo đó bà có ý nói ai thuộc nguồn gốc nông dân được chiếu cố hơn những người như bà, xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản hay được cho là có đặc quyền trong chế độ cũ. Bất đồng chính kiến, đa nguyên, tự do thông tin cũng bị bãi bỏ. Miền Bắc theo cách tiếp cận đến chân lý kiểu Stalin, tức chân lý là bất cứ điều gì mà bộ chính trị ra sắc lệnh là như vậy.

Trương Như Tảng, sau này là một cán bộ nằm vùng, nhìn nhận rằng nhiều ‘kẻ thù của nhân dân’ bị xử bắn …  cái gọi là địa chủ … đơn giản chỉ là những nông dân nghèo trước đây rối tình cờ có được những mảnh ruộng hơi lớn hơn người hàng xóm, nhưng thực ra cũng là nhỏ nói cho ngay.’ Ông cũng lưu ý rằng Đảng chưa bao giờ bày tỏ sự hối tiếc đối với chiến dịch 1956 nhắm đàn áp ‘giới trí thức’ (có lẽ là vụ án Nhân Văn Giai Phẩm: ND): thậm chí những người đã trốn thoát khỏi cảnh ngục tù của bọn thực dân cũng bị quản thúc tại gia không được tiếp xúc với ai. Vào tháng 11 1956 xảy ra các vụ khởi nghĩa dữ dội,  phải đến hai sư đoàn được triển khai để đánh dẹp. Một vụ xảy ra ở tỉnh Nghệ An, mà lịch sử cộng sản sau này gán ghép cho ba ‘giáo sĩ Thiên Chúa phản động’, có tên là Cha Cần, Đôn và Cát, đã xúi giục giáo dân phong tỏa làng, cướp vũ khí, bắt giữ cán bộ và tổ chức biểu tình chống cải cách ruộng đất.

Tường thuật của cộng sản nhìn nhận: ‘Chúng ta buộc phải sử dụng biện pháp quân sự… Tất cả bọn cầm đầu và tay sai đều bị bắt.’ Thêm vào số 100 người chết lúc giao tranh,  hơn 2,000 vụ hành quyết xảy ra sau đó, và nhiều bản án tù. Giữa năm 1956 và 1959 còn xảy ra rối loạn ở  tỉnh Lai Châu. Hà Nội tuyên bố là do bọn đặc vụ Quốc Dân Đảng  Trung Quốc xúi giục, nhưng các vụ nổi dậy tạo ra ‘nhiều tình hình chính trị nan giải… gây sợ hãi và lo âu trong dân chúng về chủ nghĩa xã hội và làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng cầm quyền. 

Lân, anh trai của Nguyễn Thị Chinh, người đã vô nam từ năm 1954, bực bội tìm cách tham gia Việt Minh,  không biết thế nào mà bị tống vào tù trong 6 năm.

Sau đó, bị truất sổ nhu yếu phẩm, anh buộc phải lao động khuân vác để sống qua ngày; có lần anh buộc phải bán máu cho bệnh viện để kiếm ít tiền lúc ngặt nghèo.  Số phần của cha anh càng bi thảm hơn: thậm chí khi được phong thích ra tù ông không thể xin được sổ nhu yếu phẩm hoặc việc làm, và cuối cùng phải đi ăn xin. Một đêm, lạnh và đói, ông gõ cửa nhà một người bạn cũ là nhà văn Ngọc Giao. Vợ của Giao ra mở cửa,  nhìn vào vị khách liền van xin ông hãy đi cho: chồng bà cũng thuộc dạng không ưa gì chế độ. Nhưng vừa lúc ấy Giao đã chui  xuống từ mái nhà đã ẩn núp  lúc nãy vì nghe có khách Giao ngỡ là công an. Ông khẩn khoản giữ bạn ở lại, đãi một bữa cơm và cho tắm rửa. Họ hàn huyên suốt đêm. Đến sáng nhà văn nói một cách rầu rĩ, ‘Mình sợ là ông không thể nán lại đây.’ Trước khi Cửu đi, ông nói với Giao , ‘Nếu có khi nào ông nghe tin gì về con gái tôi, làm ơn nói với nó là mình thương nhớ nó lắm.’ Rồi ông biến mất vào đường phố. Giao và bà xã từ đó chỉ dám giúp đỡ lén lút,  thỉnh thoảng cứ hai tuần đặt một túi gạo ở con hẻm sau nhà vào ban đêm. Rồi một đêm không ai đến lấy. Cửu đã biến mất khỏi cuộc đời họ , chết ở một xó xỉnh nào đó và một thời khắc nào đó không ai biết. Chinh tìm lại được một chớp thoáng về những ngày cuối cùng của cha già rất muộn sau khi chiến tranh kết thúc.

Miền Bắc được tình báo Tây phương biết dưới tên  ‘vùng đất bị từ chối’. Vậy mà nhờ uy tín của vị lãnh đạo, một nhân vật có lý lịch chống đế quốc bất khả truy tố,  một hiện thân của cuộc đấu tranh cách mạng khải hoàn, nên xứ sở của ông ngẫng cao đầu trước thế giới. Vị thế của nó như một xã hội khép kín mời gọi những cái nhún vai từ phần đông người Tây phương,  rằng đây chỉ là chuẩn mực của người cộng sản. Một nhà tri thức Miền Bắc sau này đề nghị sự nghiệp  của Hồ nên được nhìn theo ba giai đoạn  – thứ nhất như là một nhà yêu nước giản dị; rồi như một người cộng sản; cuối cùng một người theo chủ nghĩa dân tộc rõ ràng, trong thực tế đang theo đuổi Quốc tế Cộng sản. Theo quan điểm của một đồng bào, ông lợi dụng phần lớn nhờ vào trải nghiệm quốc tế  và những ràng buộc với Trung Quốc và Liên bang Xô viết,  trong khi các đối thủ quốc gia của ông biết rất ít về thế giới bên ngoài Đông Dương. Ông điều hành sự cân bằng tinh tế một cách phi thường giữa hai siêu cường, nhất là sau khi mối quan hệ của họ đã trở nên lạnh giá vào cuối thập niên 1950.

Bộ Chính trị Hà Nội choáng váng trước bài diễn văn của Nikita Khrushchev vào tháng hai 1956 trong Hội nghị lần thứ 20 của Đảng Cộng Sản Xô Viết, trong đó Khrushchev tố cáo sự sùng bái cá nhân cho dù khi đó nhà lãnh tụ  Việt Nam được tôn sùng như một ông thánh. Phần đồng các đồng chí cao cấp của Hồ đều là người theo Stalin, họ than khóc khi người hùng của mình qua đời ‘với nước mắt tuôn tràn trên má’, theo lời một viên chức của Đảng. Giờ họ ghê tởm trước quyết định của Moscow từ bỏ đối đầu quân sự, thay vào đó cạnh tranh kinh tế và ý thức hệ. Cuộc nổi dậy ở Hungari 1956 khẳng định với giới lãnh đạo Miền Bắc về quan điểm rằng bất kì hành động nuông chiều nào dành cho người bất đồng chính kiến đều có nguy cơ tháo xiềng xích cho các thách thức đối với chính quyền. 

Một nhà ngoại giao Canada báo cáo từ Hà Nội: ‘Có ít căn cứ khi nói về những khả năng sụp đổ của nền kinh tế Miền Bắc, vì làm gì có cấu trúc kinh tế mà sụp đổ.’ Vào thời điểm độc lập,  trong dân số 13 triệu người, chỉ có 30 kỹ sư đủ chất lượng và một nhúm hãng xưởng: các nhà cai trị đất nước quá bận bịu với tình trạng khó khăn trong nước nên không còn lòng dạ nào mà gây hấn Miền Nam. 80,000 bộ đội được giải ngũ và được phái về tham gia lực lượng lao động nông thôn. Cả Trung Quốc và Liên bang Xô viết đều nêu rõ là họ chống đối mọi khiêu khích vũ trang có thể đánh động người Mỹ.

Chứng cứ về các cuộc đấu đá quyền lực trong Đảng trong giai đoạn 1954-57 vẫn còn nghèo nàn. Dù sao dường như khá rõ ràng Hồ và Giáp không muốn chiến tranh mới: họ tin tưởng mình có thể đạt được một nước Việt Nam cộng sản thống nhất mà không cần đánh nhau.

 Lời cam kết thống nhất trong hoà bình thường được nhắc lại của họ – tại thời điểm này- là thành thật.  Tuy nhiên,  những nhân vật đang lên khác không nghĩ như vậy. Khi quan sát sự diễn tiến của chính quyền Diệm ở Sài Gòn,  họ tìm thấy ít hy vọng mình được quyền kế thừa chính đáng một nước Việt Nam thống nhất, nếu không qua đấu tranh vũ trang.

2 ‘Chàng Trai Độc Nhất Chúng Ta Kiếm Được’

Cuộc xuất hành 1954 vào Miền Nam song hành với một cuộc tập kết ra Bắc ít quy mô hơn của binh lính cộng sản.  Họ ra đi, thường sau những cuộc chia tay bịn rịn với cộng đồng nơi họ đóng quân. Trong năm 1954-55, tổng số 173,900 chiến sĩ Việt Minh và 86,000 người phụ thuộc họ ‘tập kế’ đến Miền Bắc. Trước khi ra đi, ai cũng nhắn nhủ với thân nhân ở lại hai năm sau sẽ tái ngộ, khi đó đất nước sẽ thống nhất sau cuộc tổng tuyển cử mà họ tin chắc cộng sản sẽ đắc thắng.  Các cựu chiến sĩ Việt Minh vì vậy có cử chỉ quen thuộc là giơ hai ngón tay lên, ý nói hai năm nữa ước mơ của họ sẽ nhất định thành hiện thực.

Bà vợ tên Nga của vị bí thư Trung ương Cục Miền Nam Lê Duẩn đang có mang đứa con thứ hai của họ khi chồng bà gửi bà ra bắc trên một con tàu Ba Lan, cùng với gia đình của người đồng chí thân cận Lê Đức Thọ. Còn ông thì ở lại. Vào cuối đời mình,  Lê Duẩn lập luận rằng Hồ Chí Minh phạm hai sai lầm lịch sử là thứ nhất nhìn nhận sự trở lại của Pháp  năm 1945, rồi  thứ hai là chấp nhận sự chia cắt năm 1954. Ông và phe cực đoan của mình tin rằng một Việt Nam cộng sản và thống nhất chỉ có thể thành tựu qua chiến đấu giành lấy. Lời ông nói trước khi chia tay với Nga là, ‘Bảo với Bác Hồ là 20 năm nữa chúng ta mới gặp lại nhau.”

Vi phạm Hiệp định Geneva,  Hà Nội ra lệnh cho 10,000 Việt Minh bí mật ở lại Miền Nam, nhằm bảo đảm cho việc tái hoạt động cuộc đấu tranh  vũ trang. Hầu hết các du kích quân tập kết ra Bắc đều hoang mang và đúng ra phẫn nộ vì việc chia cắt,  và càng hoang mang và phẫn nộ hơn sau khi vượt qua Vùng Phi Quân Sự (DMZ). Họ trải nghiệm nỗi cơ cực lớn hơn mình đã nếm mùi ở Miền Nam nơi cuộc sống tương đối no đủ hơn. Nhiều người gậm nhấm nỗi nhớ nhà và người thân, chỉ mong 2 năm trôi nhanh để được sum họp. Bà vợ Lê Duẩn bỗng thấy mình sống với hai con nhỏ trong một căn phòng nằm trên một gara ở Hà Nội, phụ trách chuyên mục có tựa đề ‘Phụ Nữ Việt Nam’ cho nhật báo Đảng, và không biết gì về số phận của chồng mình tại Trung ương Cục Miền Nam. Một số người miền Nam tập kết bày tỏ bất mãn với chính quyền Miền Bắc và gần như tất cả đều ôm ấp một khát khao duy nhất: trở về nơi đã ra đi. Trong khi đó con cái một số cán bộ được gửi đi học cao hơn ở Liên Xô và Trung Quốc. 

Miền Nam và chính quyền của nó hưởng được những thuận lợi đáng kể: đồng bằng Cửu Long là vựa lúa của vùng Đông Nam Á; vùng quê tương đối không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh; dù Việt Minh tranh thủ được hậu thuẫn rộng khắp dưới lá cờ chiến đấu giành độc lập, nhưng dân chúng không mặn mà lắm với chủ nghĩa cộng sản; còn người Mỹ hồ hởi muốn xứ này trở thành hình mẫu cho điều họ gọi là ‘tiền đồn của thế giới tự do’. Một sĩ quan quân đội Miền Nam sau này nhớ về những ngày tháng đó: ‘Chúng tôi sống vô tư. Chúng tôi không giàu, nhưng thoải mái và được ít nhiều tự do. Chúng tôi xuề xòa,  vì người Miền Nam lúc nào cũng xuề xòa,  vì họ sống trên vùng đất màu mỡ.  Không như người Bắc thường kín kẻ vì họ xuất thân từ vùng đất  cam go và nghèo nàn.’ Một người miền bắc di cư có chức vị cao trong chính quyền Sài Gòn viết: ‘Đối với phần đông bọn tôi, những năm 1956-60 là ngày tháng tốt đẹp nhất trong cuộc đời  – Chúng tôi dạt dào kỳ vọng ở tương lai.’ Cô gái gốc nông dân Phùng Thị Lý, sinh năm 1949, nhớ lại thời thơ ấu ở vùng quê như là ‘chốn thiên đường, đầy chim chóc nhiệt đới và trâu bò; chó  gà và heo  mà chúng tôi coi là thú cưng; những dòng sông trôi đi để bơi lội; và ruộng đồng bát ngát nơi chúng tôi chạy giỡn và reo cười ‘.

Hồ Chí Minh nắm quyền làm chủ Miền Bắc sau một thử thách đạn lửa. Ngô Đình Diệm,  ngược lại, chỉ là người được quốc trưởng dân chơi Bảo Đại bổ nhiệm tùy hứng, nhận được cái gật đầu miễn cưỡng trước tiên của người Pháp, rồi người Mỹ. Ông ta sở hữu một số phẩm chất của một lãnh đạo lớn: can đảm,  lương thiện, ăn nói lưu loát, một lòng với đất nước. Khổ thay ông cũng là một con chiên Thiên Chúa giáo thuần thành; tận hiến mù quáng cho một gia đình tham lam và vô liêm sỉ; thấm nhuần niềm tin cứu rỗi vào trọng trách của ông; hoài niệm về một quá khứ phi hiện hữu; vô cảm trước nhu cầu và khát vọng của nhân dân mình. Cuộc sống dưới thời Diệm đối với phần đông người Việt chỉ là tiếp nối của chế độ thực dân. Các ông lớn Mỹ thâm nhập cuộc sống  – và cả cái chết của ông – nhấn mạnh sự yếu đuối thể chất của ông.  Sinh năm 1901, có thời gian ông muốn theo đuổi sự nghiệp giáo sĩ như ông anh Ngô Đình Thục, mà ông thuyết phục Vatican phong làm tổng giám mục Huế. Tuy nhiên,  thay vào đó, ông bước vào ngành công vụ và năm 25 tuổi đã là một tri phủ.  Năm 1933 người Pháp bảo Bảo Đại phong ông làm Thượng thư Bộ Lại (tương đương Bộ trưởng Nội vụ), một chức vụ chỉ kéo dài ba tháng, vì chính quyền thuộc địa không muốn trao cho người Việt nào một quyền hành thực sự như ông đòi hỏi.  Chính trong lúc đó ông đưa ra một nhận xét sau này được ca tụng như một lời tiên tri: ‘Người cộng sản sẽ đánh bại chúng ta, không phải vì họ có sức mạnh,  mà vì chúng ta yếu đuối.’

Một thời gian trong thời Thế Chiến II ông bị Việt Minh bắt giam. Chính Việt Minh cũng đã sát hại người anh  và người cháu của ông. Diệm gặp Hồ Chí Minh, người muốn hợp tác với ông, nhưng ông khước từ.  ‘Ông là tên tội phạm đã thiêu rụi và phá hủy đất nước, ‘ Diệm cho là mình đã bảo Hồ. ‘Anh trai tôi và con trai chỉ là hai trong số hàng trăm người mà ông đã sát hại.’ Người cộng sản sau này hối tiếc là Hồ đã phóng thích ông.

Tiếp theo việc Việt Minh âm mưu ám hại ông, năm 1950 Diệm rời khỏi Việt Nam.  Ông sống hai năm lưu vong nội trú trong trường dòng Maryknoll ở Lakewood, New Jersey, thường làm các công việc nhà hèn mọn nhất, nhưng cũng được giới thiệu với những bạn bè Thiên Chúa có ảnh hưởng như Hồng y Spellman, thẩm phán Tối cao Pháp viện William Douglas, cùng với các Thượng nghị sĩ

Mike Mansfield và John F. Kennedy, mà ông gây ấn tượng vì mối căm phẫn đối với chủ nghĩa thực dân lẫn cộng sản. Năm 1953 ông chuyển về tu viện dòng Bê-nê-đích ở Bỉ, nơi ông vụn đắp mối quen biết quan trọng với người Pháp, và phần nào lấy được lòng tin của Bảo Đại, trong chốn lưu vong bên ngoài Cannes. Ông em sắc sảo của Diệm  là Nhu, sau này gây ra  nhiều tai tiếng, đóng một vai trò quan trọng trong việc lèo lái ông về phía quyền lực.

Việc Diệm được bổ nhiệm làm thủ tướng, tiếp theo là chuyến trở về Sài Gòn không ồn ào vào ngày 26 tháng 6 1954, không làm biến chất tính khổ hạnh cũng không làm sút giảm tính tự tin quá đáng của ông. Niềm tin tôn giáo và tính tự phụ về đức độ khiến ông tin rằng quyền lực cai trị của mình được Chúa Trời ban cho.  Diệm xem an ninh của Miền Nam là vấn đề hoàn toàn có tính quân sự: đáp ứng của ông cho điều đó là ban hành luật động viên vào năm 1955. Ông không mấy quan tâm đến việc thẻm bạn bớt thù.  Ông đưa ra các quyết định và yêu cầu hoàn thành chúng, chính ông làm việc một ngày 16 tiếng đồng hồ. Bị ám ảnh bởi chi tiết, ông có thể thuyết trình với một vị đại sứ ghé thăm hoặc một nhà báo ngoại quốc suốt bốn giờ không nghỉ giải lao; ông đôi khi đích thân ký tên vào giấy xuất cảnh. Trong khi Hồ Chí Minh là một người có tài ăn nói đặc biệt dí dỏm, thì Diệm không biết khôi hài, nhất là khôi hài về mình. Về phần tiền bạc -thu nhập quốc gia cho xứ sở mới của ông  – vào ngày 12 tháng 8 1954 Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ quyết rằng thuyết domino là có giá trị, do đó cần thiết phải phục hồi uy tín của phương Tây ở Đông Dương,  đẵ bị hủy hoại bởi việc Pháp bại trận. Một tuần sau

Eisenhower chấp thuận NSC5429/2, biến nước Mỹ thành người phát lương cho Miền Nam.

Khiếm khuyết trầm trọng nhất đè nặng chế độ Sài Gòn là hiếm có người cầm cờ hoặc viên chức nào của nó đã tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập: nhiều người thậm chí trước đây còn là công bộc của Pháp. Diệm bẻ gãy lời hứa sẽ khoan hồng những người hoạt động cho Việt Minh, và ông bắt đầu tống họ vào tù. Ở Paris, thủ tướng Edgar Faure quả quyết rằng tên cuồng tín nhỏ con ấy ‘không chỉ thiếu năng lực mà còn điên dại’, và chính quyền Mỹ ngày càng đồng ý về nhận định đó. Nhưng có ai khác nữa đâu? Mãi cho đến 1961  Phó Tổng thống  Lyndon Johnson còn đưa ra lời biện hộ đáng nhớ cho Diệm: ‘Ôi trời, hắn là chàng trai độc nhất ta kiếm ra được ở đó.’ Nhưng từ năm 1954 trở đi, dù người Mỹ nghi ngờ ngài thủ tướng có thể trụ được lâu, nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp của những người ưu tú có học vấn cao của Sài Gòn họ không tìm được một ứng viên phi-cộng sản nào có triển vọng hơn để cai trị.

Trong số những tay chơi Mỹ ban đầu ở Miền Nam là đại tá không lực Edward Lansdale, người cầm đầu 48 tuổi của Sứ mạng Quân sự, một nhóm các chiến dịch bí mật tiến hành những đợt xuất kích phá hoại không hiệu quả vào Miền Bắc, phải trả giá bằng tự do và sinh mạng của gần như mọi dân địa phương vì thiếu ăn nên được họ chiêu mộ. Trong quá trình hai thập niên sau đó, các ông bầu ở Washington sẽ giới thiệu vào vũ đài Việt Nam một loạt các vai diễn để thử vai của ‘Lawrence của Đông Dương’, trong đó Lansdale có thể coi là người đầu tiên. Một người điều hành quảng cáo trước đây với sức thuyết phục duyên dáng đáng kể, ông thiết lập mối quan hệ với Diệm dường như chắc chắn tạo cho Washington một sức ảnh hưởng.  Vị đại tá đã từng đạt được tiếng tăm với việc cố vấn Tổng thống Philippin 

Ramon Magsaysay trong việc đàn áp bọn du kích Huk, và giờ đây được Dulles ra lệnh lặp lại thành tựu này. Ông chịu một sức ép hỗn hợp từ các đồng bào của mình ở Sài Gòn. Một số xem ông như một tên lửa không được dẫn đường, nhưng sau này một đồng nghiệp nói: ‘Điều tôi kính trọng là việc với cả người Mỹ lẫn người Việt ông chịu khó lắng nghe và tính toán rất sắc sảo. Ông thể hiện một óc hiểu biết điều gì là có thể, và điều gì là không thể. Lansdale nhiều lần cảnh giác với Diệm rằng ông phải tranh thủ trái tim và khối óc.

Các mánh khóe của đại tá gây tranh cãi nhiều hơn. Ông được cho là chịu trách nhiệm việc ngăn cản một cú đảo chính của tướng lĩnh vào tháng 10. Ông trả cho lãnh đạo các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo vài triệu đô la tiền của  CIA để về phe Diệm.  Ông cũng tìm cách thỏa thuận với Bảy Viễn , ông trùm lực lượng vũ trang mafia Bình Xuyên. Đế chế các động mãi dâm, ổ thuốc phiện và sòng bạc tập trung tại Đại Thế giới, tọa lạc phía sau các vòng tường cao ở Chợ Lớn, và gồm 50 tòa nhà gỗ lợp tôn, chứa đến 200 bàn. Viễn được người Pháp và một đạo quân mũ nồi xanh lá cây riêng của mình với quân số 40,000 người bảo vệ.

Vào những ngày đó các nhà cai trị thuộc địa bị tước quyền sở hữu đang tranh giành ảnh hưởng với người Mỹ, các chàng trai mới xuất hiện,  sinh ra một số xung đột khôi hài đen. Tuy nhiên, khi Lansdale thất bại trong việc mua chuộc Bảy Viễn, người Mỹ sợ rằng sự hậu thuẫn của người Pháp  có thế khiến tên găng tơ áp đảo ngài thủ tướng.

Các quan sát viên Anh cũng tỏ vẻ bi quan: một bản đúc kết của Văn phòng Đối ngoại kết luận: ‘Ông Diệm có nhiều phẩm chất đòi hỏi của một nhà lãnh đạo cách mạng quốc gia toàn tâm cho việc cứu nước  – lòng can đảm, tính thanh liêm, đức kiên trì,  lòng tin và một nỗi căm thù không nguôi đối với chủ nghĩa cộng sản.’ Rủi thay, nhà ngoại giao Anh nói thêm, ông ‘không có khả năng hòa giải ‘ và có ‘ít năng lực điều hành ‘. Khi Tướng Joseph ‘Joe Sấm Sét’ Collins, một tư lệnh quân đoàn năng nổ,  dễ nóng giận thời kỳ 1944-45

dưới quyền của Eisenhower,  đến thăm Việt Nam với tư cách đặc phái viên của tổng thống, ông trở về Mỹ và báo cáo rằng người Mỹ đang chống lưng cho một người thua cuộc.  Collins nói sau đó: ‘Tôi thích Diệm, nhưng tôi tin rằng ông không có sức mạnh cá tính để quản lý tổ hợp kỳ cục các cá tính.’ Lúc 6.10 p.m. ngày  27/4/1955, Dulles gửi một bức điện từ Washington đến Sài Gòn ra lệnh loại bỏ vị thủ tướng, chẳng khác nào đuổi việc một cô hầu bàn.

Vậy mà Diệm gây bối rối cho những kẻ hồ nghi.  Ngay buổi chiều tối đó, ắt hẳn là do trùng hợp,  mà cũng có thể Lansdale có một vai trong đó, một trận đánh nổ ra trên đường phố Sài Gòn giữa quân đội Miền Nam và Bình Xuyên. Sáu giờ sau khi Dulles yêu cầu hạ bệ Diệm,  ông vội vã hủy bỏ bức điện của mình: vấn đề bị hoãn lại vì có một cuộc nội chiến nhỏ trong đó có 500 người Việt chết. Đến cuối tháng 5 lực lượng chính quyền chiến thắng: Bảy Viễn buộc phải đào thoát qua Pháp sống lưu vong. Người Mỹ đinh ninh rằng Diệm có nhiều phẩm chất hơn họ nghĩ trước đây, và đón nhận ông nồng ấm trở lại. Thượng Nghị sĩ Hubert, Humphrey, một người vận động chủ yếu trong nhóm lốp bi có ảnh hưởng của Bạn Việt Nam của  Mỹ, tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Miền Nam ‘lương thiện, lành mạnh và trọng danh dự’.

Vào tháng 10 1956 Diệm, không muốn tổ chức bầu cử mà người cộng sản gần như chắc chắn thắng, thay vào đó ông tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để hạ bệ Bảo Đại và cơ cấu ông vào chức tổng thống và quốc trưởng của Miền Nam. Lansdale có công trong một chiêu trò đặc trưng – in phiếu bầu Diệm màu đỏ, màu may mắn theo phong tục Việt Nam,  còn phiếu bầu Bảo Đại thì màu xanh lá cây,  một màu xui xẻo. Diệm thắng cử với số phiếu áp đảo 98.2 phần trăm, một đa số mà ngay cả một ứng cử viên Xô viết có thể cho là quá lố. Ở Washington,  Dulles nói: ‘Việt Nam giờ là một quốc gia tự do.  Nó không phải là bù nhìn.’ Tuy vậy  nhà nước của Diệm sống còn nhờ vào hàng xe tải chở đô la. Nếu ở Miền Bắc không có một nền kinh tế khả thi, thì ở Miền Nam cũng không – thay vào đó, một sự thâm hụt mậu dịch khổng lồ và một lượng ào ạt hàng nhập khẩu do Mỹ tài trợ. Người Việt bắt đầu trích dẫn một câu nói cũ của người Pháp có tính chế giễu: ‘Cải sang Thiên Chúa giáo, mới có gạo mà ăn.’ Nguyễn Văn Thiệu,  vị tổng thống sau này, cũng ở trong số những người nghe theo lời khuyên này, bỏ đạo Phật cải sang Thiên Chúa vào năm 1958.

Viện trợ tăng vọt từ chỉ $US1 triệu năm 1954 lên đến $322 triệu  một năm sau, và tiếp tục tăng sau đó – bình quân đầu người nhiều hơn Washington cung cấp cho bất cứ nước nào khác trên thế giới trừ Hàn quốc và Lào. Paul Kattenberg của Bộ Ngoại giao đưa ra một đề nghị không tưởng là Hoa Kỳ nên trao cho Miền Bắc số tiền hối lộ 500 triệu đô la  để ‘đền bù thiệt hại chiến tranh’ – thật ra,  là để Miền Nam được yên. Cách chi trả như thế,  Kattenberg thúc giục, là một giải pháp rẻ hơn so với việc tài trợ Diệm. 

Tuy nhiên, không ai ở Washington quan tâm. Tiền mặt đổ vào két sắt Sài Gòn, được các tướng lĩnh và viên chức của tổng thống tiêu tốn gần như tùy tiện,  một công thức cho sự hoang phí và tham nhũng. Xin được một giấy phép nhập cảng của chính quyền là có cửa vào của cải. Một số người trung lưu đô thị phất lên rất nhanh nhờ tiền và hàng tiện nghi vô như nước: nhiều nhà giàu mới là người bắc di cư trước đây. Dưới hệ thống tư bản,  dường như chỉ có nông dân là người lao động lương thiện: Sài Gòn trải qua một đợt phồn vinh bong bóng.

3 Thời Thịnh Vượng

Vào cuối thập niên 1950, thủ đô Miền Nam vẫn còn sở hữu một nét thanh lịch nhuộm màu trác táng Đông phương làm vui thích người Tây phương. Những khách mới đến say đắm trước vẻ đẹp của thiếu nữ Việt trong bộ áo dài truyền thống. Người nước ngoài sính văn chương nhớ một đoạn văn của Graham Greene: ‘Đem một phụ nữ An Nam lên giường với bạn giống như đem một con chim: họ líu lo và hát trên gối bạn.’ Phần đông các cặp nhân tính Tây phương tự do luyến ái,  thì người Việt trung lưu vẫn duy trì cuộc sống xã hội đặc biệt thuần khiết, trong đó ít người vượt qua lằn ranh của  cái nắm tay trước ngày cưới đã sắp đặt trước. Nguyễn Cao Kỳ, người mà sau này nổi tiếng đào hoa với nhiều vợ lắm đào, xác nhận rằng khi ông đến Pháp học lái phi cơ, lúc  ấy đã 21 tuổi, và như hầu hết những người đồng trang lứa thời đó, vẫn còn là trai tân.

Các gia đình xây dựng nền nếp gia đình rất nghiêm ngặt cho con trai lẫn con gái. Cha của Trương Như Tảng định hướng sự nghiệp cho 6 con trai làm bác sĩ, dược sĩ, ngân hàng, kỹ sư, kỹ sư, kỹ sư. Tảng theo đuổi ngành dược cho đến khi ông quyết định trở thành một người cách mạng: ‘Mỗi chủ nhật chúng tôi tụ họp tại nhà ông nội để nghe ông dạy đạo lý Khổng Mạnh. Ông nhắc nhở chúng tôi sống hợp với đạo nghĩa,  trung thực và hiếu đạo. Và ông sẽ đề cập đến các nguyên tắc đạo lý căn bản: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đặc biệt đối với bọn con trai, có hai điều không thể lay chuyển: bảo vệ danh dự gia đình và tận trung với đất nước. Chúng tôi sẽ ngâm nga với nhau các câu thơ mà ai cũng thuộc lòng: ‘Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.’

Cuộc sống của cô gái Hà Nội di cư Nguyễn Thị Chinh qua một bước ngoặt khi vào một ngày năm 1956, cô gái xinh đẹp này gặp Joseph Mankiewicz, đang ở Sài Gòn để quay bộ phim The Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng). Ông hỏi cô thử vai nhân vật Phương, cô gái Việt là người yêu đầu tiên của Fowler, một nhà báo Anh,  rồi sau đó  của một nhân viên CIA Alden Pyle. Chinh rất phấn khích: người chồng mới cưới của cô, một sĩ quan quân đội,  đang học tại Mỹ. Vì anh vắng mặt, khuôn phép gia đình buộc cô phải xin phép mẹ chồng. Bà khiếp đảm trước tình huống có một cô đào trong gia đình có quan niệm xướng ca vô loại. Chỉ đến năm sau sự nghiệp điện ảnh của Chinh mới bắt đầu, khi cô được phép gia đình chồng đóng trong một bộ phim Việt Nam  – vai một ni cô.

Sau đó, cô được dịp đóng liên tiếp nhiều phim khác, 22 phim tất cả, với các tít như

A Yank in VietnamOperation CIA. Cô đi khắp Đông Nam Á đóng phim và trở thành một minh tinh nổi tiếng được nhiều người trong xứ ái mộ. Tuy nhiên, dù với tất cả danh vọng,  thảm kịch gia đình bị chia cắt, mù tịt hoàn toàn về số phận của người thân kẹt lại ở Miền Bắc,  không bao giờ phai nhạt trong tâm thức bà: ‘Chiến tranh là kẻ thù của tôi. Không có nó, đời sống của tôi sẽ  tuyệt vời biết bao.’

Mặc dù phần lớn tiền bạc của Mỹ bị lấy cắp hoặc tiêu xài hoang phí, một số tiền viên trợ khổng lồ cùng với việc chiến tranh kết thúc, đem lại khoảng thời gian hạnh phúc cho vùng đồng bằng Cửu Long vào những năm cuối thập niên 1950. Một nông dân nói,  ‘Tôi xem thời kỳ này như chỉ có trong cổ tích; tôi sống vô tư lự và tận hưởng trọn thời tuổi trẻ.’ Trong ruộng lúa chín vàng, vườn cây hoa quả trĩu cành, heo ủi khắp sân, cá lội trong ao làng. Nhà gỗ dần dần thay thế túp lều tranh. Một số nông dân có tiền sắm một ít đồ đạc, mua được xe đạp và ra-dô; trẻ em được đi học. Thuyền tam bản được gắn máy đuôi tôm đầu tiên và máy bơm nước bắt đầu cơ khí hóa nông thôn.’

Tuy vậy những người ở tận đáy xã hội không nhận được phúc lợi.  Hệ thống chính trị Miền Nam vắng mặt tính độ lượng, giống như ở Miền Bắc,  tuy lúc đầu ít đẩm máu hơn.

Điền chủ trở về đòi lại quyền sở hữu đất đai tại những vùng trước đây họ bị Việt Minh trục xuất, và có khi còn đòi thu lại số tô thời gian qua. Diệm bắt đầu độc đoán hơn: Trần Kim Tuyến, xếp cơ quan mật vụ của ông, cao không đến 5 bộ và nặng chỉ 100 cân (khoảng 46 kí), nhưng đã mang tai tiếng là sát thủ tàn độc nhất châu Á. Vị tổng thống không hề chần chừ bác bỏ trách nhiệm pháp lý trong việc tiến hành bầu cử cho việc thống nhất. Về điều này, ông có lý do chính đáng: chính quyền ông không phải thành viên của Hiệp định Geneva,  và việc bầu cử tổ chức ở Miền Bắc chắc chắn là không tự do hoặc công bình.

Hơn nữa, người Mỹ và một số người Âu xem Việt Nam trong ngữ cảnh của những quốc gia thân chủ khác của Mỹ. Có những chế độ còn tại vị và thậm chí thịnh vượng, dù hà khắc hơn cả chế độ của Diệm.  Tính nhẫn tâm và tham nhũng của nhà độc tài Nam Hàn Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) cho thấy không cản trở cho việc ông tiếp tục trị vì. Tổng thống Ramon Magsaysay của Philippin sử dụng những biện pháp tàn nhẫn để khống chế bọn Huk. Mối đe dọa của cộng sản Hy Lạp cuối cùng đã bị đập tan, với những hành động man rợ gây sốc từ cả hai phía.  Ít nhà cai trị Mỹ Latinh nào điều hành xứ sở mình với  sự liêm khiết,  công chính hoặc nhân đạo mà vẫn phây phây thụ hưởng đặc ân của Washington.

Vì vậy, vào những năm cuối thập niên 1950, người Mỹ không thấy có lý do để cho rằng sự bất tài, tham nhũng và các chính sách áp bức của chế độ Diệm phải cần đến việc loại bỏ ông ta, miễn là họ tiếp tục chi tiền. Ông ta đã thoát chết trong một cuộc mưu sát của cộng sản vào tháng 2 1957. Đại tá Lansdale bơm vị tổng thống nhỏ con với các xếp của mình, và một số rất ấn tượng về ông: có ít thông tín viên ở Sài Gòn để sửa lưng các tuyên bố của Washington về sư tiến bộ của chế độ. Khi Diệm đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 5 1957 ông nhận được sự tiếp đón cá nhân của Tổng thống Eisenhower, và một phần tư triệu dân New York ló mặt ra trong cuộc diễu hành có ném hoa giấy. Tờ New York Times mô tả ông với mỹ từ là ‘một người Á châu giải phóng, một người bền gan theo đuổi mục đích’; tờ Boston Globe dặt ông danh hiệu ‘Người Việt Nam Sắt Thép’. Tạp chí Life in một tiết mục có tựa đề ‘Con Người Thần Kỳ Cứng Rắn của Việt Nam: Diệm, Vị Khách Mới Đến Mỹ, đã Đánh Thức Đất Nước Mình và Đánh Đuổi Bọn Đỏ’. Ắt là khó để chèn thêm điều tưởng tượng nào khác trong câu viết đó.

Trở về Sài Gòn,  các cố vấn Mỹ thuyết phục Diệm rằng ông nên xuất hiện trước công chúng thường hơn: khi ông làm thế, họ đạo diễn các đám đông kèn trống hoan hô ông. Tính độc tưởng của Diệm càng nặng thêm sau những cuộc kinh lý này, mà ông tưởng là bày tỏ sự ca tụng chân thực. Ông ra sức tỏ vẻ ương ngạnh,  có lần trầm ngâm nói với nhà báo Marguerite Higgins nếu Hoa Kỳ kiểm soát chính quyền Sài Gòn ‘như một con rối trên sợi dây … như thế có khác gì người Pháp đâu?’ Ev Bumgardner của USIA (Sở Thông Tin Hoa Kỳ) cho rằng Diệm xem người Mỹ như là ‘bọn con trẻ to xác vĩ đại – có thiện  ý, hùng mạnh, trình độ kỹ thuật cao, nhưng xử sự không tế nhị với ông hoặc chủng tộc ông ‘.

Diệm đúng ra là một con người độc lập, trong khi các lãnh đạo Miền Nam kế tục ông sau này không được như thế. Tuy nhiên, rủi thay, lời khuyên mà ông bỏ ngoài tai là lời khuyên có thể đã cứu sống ông và thậm chí giúp ông thành công: kiểm soát những hành động quá trớn của gia đình mình; bãi bỏ tính thiên vị đối với đạo Thiên Chúa; chọn người phụ tá theo tài năng hơn là lòng trung thành; dẹp trừ tham nhũng; bãi bỏ bức hại người phê phán; áp đặt cải cách ruộng đất. 

Người Sài Gòn thích nghĩ mình mới là người Việt trong khi họ khi dễ người Bắc di cư, mà họ gọi là Bắc kỳ. Nhưng người Bắc di cư Công giáo chiếm đa số trong ‘quần thần’ của Diệm,  và của Đảng Cần Lao Nhân Vị. Dương  Vân  Mai, người đã ra đi khỏi Hà Nội,  sau này viết,  ‘chế độ Diệm  ngày càng có bộ mặt của một chính quyền xôi thịt. Người gây ảnh hưởng thảm khốc nhất cho tổng thống là người em ông Ngô Đình Nhu, lãnh tụ an ninh tối cao mưu trí,  lươn lẹo, tàn độc, mà bà vợ dữ dằn của ông Bà Nhu có thể đã được Trung Tâm Phân vai chọn lựa để đóng vai chính trong phim Phù Thủy Hắc Ám Phương Đông. 

Bộ Chính trị Miền Bắc sử dụng nhiều người hành hình và tra tấn nhưng tên tuổi và mặt mày của họ không ai biết bên ngoài trại giam. Người của Nhu, ngược lại, trở thành tai tiếng toàn cầu,  gây tác hại không sao kể xiết đến hình ảnh của chính quyền Sài Gòn. 

Cũng vậy, các tướng lĩnh của Diệm sính đội mũ lưỡi trai  viền đồng,  mang kính mát, một phong cách mà các tôi tớ các tên độc tài trên thế giới thường theo. Một số quan chóp bu còn đi xa hơn, ăn vận áo xmoking – loại y phục chính thức Tây phương  – tại các buổi tiệc tùng.  Bất kỳ nông dân Miền Nam nào thấy hình chụp các lãnh đạo của mình ăn mặc như thế này sẽ giữ một hố ngăn cách giữa ‘họ’ với ‘ta’. Một phóng viên UPI Việt Nam nhìn Diệm đến Quốc Hội tại Sài Gòn nhận xét với một đồng nghiệp, ‘Tụi Hà Nội có thể là lũ khốn, nhưng họ không bao giờ quá ngu ngốc để xuất hiện trước công chúng trong một chiếc Mercedes- Benz.’ Hình ảnh này hoàn toàn tương phản gay gắt với Hồ Chí Minh, người từng khước từ cư ngụ trong dinh toàn quyền cũ mà về ở trên nhà sàn trong khuôn viên của mình (nguyên tác: trong ngôi nhà tranh của người làm vườn).  Một phóng viên Mỹ nói: ‘Người mà chúng ta trông cậy để xây dựng một quốc gia không có quan hệ gì với nhân dân mình.’

Tận đến năm 1960, 75 phần trăm đất nông nghiệp Miền Nam do 15 phần trăm dân số sở hữu, hầu hết đều không có mặt trên sở đất của mình vì sợ khủng bố.  Cộng sản cổ vũ nông dân không nộp tô, và thách thức biến họ thành những người ủng hộ cách mạng: nếu điền chủ và lực lượng bảo vệ của chính quyền nắm lại quyền kiểm soát một ngôi làng, các món nợ đều phải trả đủ. Dân chúng bất mãn rộng khắp khi luật cưỡng bách lao động công ích từ thời thuộc địa được Sài Gòn ban hành, theo đó dân chúng mỗi năm phải đi lao động nghĩa vụ 5 ngày cho các dự án công. Khi

William Colby của  CIA thúc ép Diệm tái phân phối ruộng đất, vị tổng thống trả lời: ‘Ông không hiểu. Tôi không thể loại bỏ tầng lớp trung lưu của tôi.’

Các viên chức làng được chính quyền bổ nhiệm trở thành ông vua con, có quyền hạn tuyệt đối phán xét tội của dân đen – và, thực ra, cả tội chết. Y tá điều hành cơ sở y tế địa phương nhận hối lộ; các nhân viên thuế cũng vậy; hội đồng xã làm trọng tài trong các vụ tranh chấp.  Dân làng khiếp sợ buộc phải mời mọc bọn áp bức mình dự tiệc cưới và lễ giỗ; cắt cho họ những bộ phận chọn lọc thịt chó và mèo có trong thực đơn. Không hẳn mọi viên chức đều xấu, nhưng phần lớn đều kém năng lực, nhẫn tâm  hoặc bại hoại, hoặc đôi khi cả ba.

Vì vậy,  khi các vụ ám sát xảy ra khắp nơi vào những năm 1960-61, nhiều dân làng vỗ tay hoan hô, vì bọn khủng bố khéo nhắm đến mục tiêu nạn nhân là các viên chức bị dân chúng oán ghét. Diệm cũng hình thành ‘ấp chiến lược’, các ấp được củng cố trong đó  nông dân bị buộc phải tái định cư.  Mục tiêu là tách họ khỏi những người cộng sản, nhưng kết quả chỉ làm dân chúng bất mãn và xa lánh. Diệm tàn ác cỡ nào? Người cộng sản đưa ra con số và đến nay vẫn còn dựa vào,  là trong khoảng 1954 và 1959 ông đã giết đến 68,000 kẻ thù thực sự hay oan ức  và thi hành 466,000 vụ bắt bớ. Các con số này dường như phóng đại quá đáng, cũng giống như người Miền Nam thổi phồng số điền chủ bị giết trong vụ cải cách ruộng đất ở Miền Bắc.  Điều có thể phát biểu

một cách đáng tin cậy là chính quyền Sài Gòn vun đắp sống sượng các lợi ích của người Công giáo và bức hại những phần tử Việt Minh trước đây. Trong khi cộng sản Miền Bắc thành lập một nhà nước cảnh sát hiệu quả, các hành tung của họ được che đậy khỏi tai mắt của thế giới,  còn Diệm và gia đình ông xây dựng một nhà nước xiêu vẹo,  sự bạo ngược của nó sờ sờ trước mắt. Điều này làm người ta sợ nhưng không được người ta kính yêu. 

Thất bại của chế độ không phải là không thể tránh được. Nếu tổng thống trị vì theo một phong cách khai sáng ôn hòa,  quá trình hồi sinh của cộng sản có thể tránh được. Fredrik Logevall đã viết rằng, giả sử cả Trung Quốc và Liên bang Xô viết không xét nét đến sự thực hiện đầy đủ Hiệp định Geneva,  ‘không phải là không thể hình dung một kịch bản trong đó Miền Nam của Diệm tồn tại được,  theo kiểu Nam Hàn … Diệm là chính khách phi-cộng sản chủ yếu duy nhất xuất hiện ở Việt Nam từ 1945 đến 1975.’ Nhưng ông đã trở thành kiến trúc sư của vô số trò điên rồ: trong ba năm từ 1957 chế độ Sài Gòn chủ trì xây dựng nửa triệu mét vuông cao ốc và biệt thự cho thuê, 56 ngàn mét vuông phòng nhảy; và đúng 100 ngàn mét vuông phòng học, 5,300 mét vuông bệnh viện.

Những thừa thãi và thiếu thốn trong nước của chế độ, chứ không phải là việc không chịu  tổ chức các cuộc bầu cử thống nhất, mới tạo cho người cộng sản chất bùi nhùi để đốt lại ngọn lửa chiến tranh ở Miền Nam.  Đối với nhân dân trong nước cũng như trên vũ đài thế giới Hồ Chí Minh là người chiến thắng sừng sững trong cuộc đấu tranh để trở thành tiếng nói hợp pháp của nhân dân Việt Nam.  Người thầy cộng sản của Trương Mealy 10 tuổi  trong vùng đồng bằng Cửu Long nói: ‘Các em có biết tại sao Ngô Đình Diệm về Việt Nam không? Ông ta được người Mỹ gửi về. Giờ thì toàn bộ gia đình ông ta nắm quyền và toàn thể dân nghèo phải làm lụng để nuôi bọn họ. Ai nên điều hành Việt Nam  – Diệm hay Hồ Chí Minh?’ Năm năm sau Trương Mealy là giao liên của Việt Cộng, đó là tên của phong trào du kích cộng sản nổi dậy ở Miền Nam. 

4 Kêu Gọi Tái Vũ Trang

Những người lính Pháp cuối cùng rời Sài Gòn vào ngày 28/4/1956. Hà Nội mất tinh thần sau khi người Tây phương ký tên chính trong Hiệp định Geneva từ đây phủi tay khỏi Đông Dương,  và rủ bỏ mọi trách nhiệm để xúc tiến bầu cử. Việc làm chiến tranh sống lại tại Miền Nam sau đó, lúc khởi thủy, không được thúc đẩy bởi một quyết sách của Hà Nội,  mà thay vào đó là kết quả của lòng căm thù tự phát của các đối thủ địa phương của chế độ Diệm.  Một nông dân bảo với nhà nghiên cứu Mỹ James Trullinger rằng y và dân làng y cho rằng sở dĩ phong trào cộng sản tạm thời lắng xuống là vì Hà Nội tính toán khôn khéo là cứ đợi người Miền Nam sống dưới chế độ Diệm vài năm, lúc ấy họ sẽ chín muồi cho cách mạng. Các chiến binh Miền Nam bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công chống quân đội chính quyền và các thiết chế mà không có lệnh trên.

Lời kêu gọi vũ trang đầu tiên của người cộng sản là công văn sôi nổi tháng 12 năm 1956 gửi đến bộ chính trị Miền Bắc từ Lê Duẩn,  lúc ấy còn chủ trì Trung ương Cục Miền Nam trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.  Ông mô tả các vụ hành quyết đồng chí mình, các chi bộ Đảng bị dập tắt, quân đội Sài Gòn xiết chặt gọng kềm, nhất là ở Cao nguyên Trung phần.  Đáp lại, Hà Nội miễn cưỡng đồng ý chiến sĩ Miền Nam được phép phản pháo tự vệ.  Hà Nội cũng ủng hộ chủ trương ám sát ‘các phần tử phản động’, và đánh bom khủng bố ‘các cơ sở Diệm ‘. Một nhóm nhỏ các sĩ quan tình báo và đặc công tinh nhuệ – mà phương Tây gọi là commando (biệt kích) – được phái về nam.

Sau đó, trong năm 1957 cộng sản Miền Nam xác nhận 452 viên chức chính quyền Sài Gòn,  phần lớn là trưởng làng, bị giết chết, bắt cóc  hoặc mua chuộc. Hành động khủng bố tái diễn: 17 người thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào một quán bar tại Châu Đốc vào ngày 17/7; 13 người bị thương trong một quán cà phê tại Sài Gòn vào ngày 10/10; 13 người làm việc cho Mỹ bị thương bởi ba vụ đánh bom khác trong thủ đô.

Bước phát triển quan trọng tiếp theo là việc triệu hồi Lê Duẩn về Bắc. Vào mùa hè 1957, khi ông về tới Hà Nội với một đồng chí,  hai người bị giữ trong nhà khách có lính gác trong một thời gian.  Đây là một sự đề phòng được cho là bắt rễ trong cuộc đấu tranh quyền lực lúc đó đang xảy ra, được đẩy nhanh hơn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Hai người mới đến tìm cách lẻn ra ngoài vào những buổi chiều tối để giải trí, đi xem hát …, cho đến khi bảo vệ phải xì bánh xe đạp của họ để họ không đi được. Lê Duẩn được cho là phàn nàn gay gắt rằng bộ chính trị chỉ muốn sống an nhàn: ‘Họ đã bỏ rơi chúng ta.’

Ông dừng càng lâu ở Hà Nội,  ông càng thấm thía việc Moscow và Bắc Kinh ủng hộ kém mặn mà biết bao một cuộc chiến mới. Vậy mà nguồn năng lượng dữ dội trong con người ông khiến ông có thể, trong vài tháng ở Hà Nội, hích vai đẩy văng các đối thủ Miền Bắc và trở thành nhân vật có ảnh hưởng chủ yếu, được đồng minh thân cận Lê Đức Thọ hậu thuẫn, người được một cán bộ cao cấp mô tả là ‘lầm lỳ và lạnh lùng’, và sau này trở thành người đối thoại với Henry Kissinger tại hội nghị hoà bình Paris 1972-73.

Thành tích của Lê Duẩn, một cựu binh đã chịu kham khổ cho cách mạng nhiều hơn bất cứ đồng chí nào khác, ban cho ông uy tín lớn lao. Câu nói nổi tiếng của ông: ‘Các đồng chí không đi đến đâu nếu lý luận với bọn đế quốc, các đồng chí phải lấy búa và đập vào đầu chúng.’ Tổng bí thư Đảng đã bị ngưng chức vì vai trò của ông trong tình trạng rối ren của tập thể hóa ruộng đất. Giáp dường như là ứng viên đương nhiên kế vị ông ta. Tuy nhiên,  thay vào đó, vào tháng 12 1957 chính Lê Duẩn là người được chọn lãnh trách vụ đó.

Ông tên Lê Văn Nhuận ra đời 50 năm trước tại một tỉnh miền trung, con trai một người thợ mộc, sớm giác ngộ cách mạng rất lâu trước khi Hồ từ hải ngoại về nước. Sức mạnh cá tính ông thì miễn bàn, nhưng tính thô lỗ trong giọng điệu và ngôn ngữ của ông làm chối tai các đồng chí khó tính hơn. Thiếu lịch lãm giao tiếp, ông khinh bỉ sự yếu đuối, hoặc là về ý thức hệ hoặc về nhân tính, mà ông sớm nhận ra trong con người Giáp  và cũng có thể cả – dù ông không bao giờ dám nói ra – trong con người Hồ Chí Minh đang già nua. Đời tư của ông luôn là điều bí ẩn cả rất lâu sau khi ông qua đời. Chỉ đến thế kỷ 21 bà vợ thứ hai của ông, Nguyễn Thúy Nga, một cô giao liên Việt Minh trước đây, mới tiết lộ bi kịch của mình.

Vào dịp Tết 1956, trong khi Lê Duẩn còn ở Miền Nam,  Nga ra khỏi Hà Nội để đến thăm ông thân sinh của ông,  mang theo quà gồm mật ong, sâm và một vài thước lụa Hà Đông. Tại nhà cha chồng, bà sững sờ gặp mặt người vợ đầu của chồng. Đối mặt trước sự thật,  bà này sụp xuống khóc nức nở. Vài tháng sau đó, các viên chức Đảng đột ngột đến gặp Nga: một cán bộ cao cấp chỉ có thể có một vợ, và trong trường hợp Lê Duẩn người đó không thể là bà. Là mẹ của hai đứa con, bà choáng váng,  và bảo mình phải chờ chồng trở về Hà Nội mới quyết định được – và chẳng bao lâu ông về tới.  Ông chả bày tỏ sự thương cảm nào, ngoài làm bà mang bầu thêm đứa con thứ ba trước khi giao bà cho Trung ương Hội Phụ Nữ, và dưới sự đỡ đầu của hội bà được cử đến Trung Quốc để  ‘học tập’.

Trong thời gian này Lê Duẩn bắt đầu viết thư cho bà, đôi khi rất nồng nàn,  trong đó có đoạn, ‘Anh yêu em, anh yêu em nhiều lắm. Đừng để một ít sự cố không không may khiến đưa đến sự hiểu lầm. Em yêu, tình yêu chiến thắng mọi trở ngại.  Nếu em yêu anh thì em có thể giải quyết mọi vấn đề và khó khăn của mình.’

Thỉnh thoảng họ gặp nhau khi ông đến Bắc Kinh lo việc nước,  và có lần bà được gặp Hồ Chí Minh. Lê Duẩn trông nom ba đứa con, và Nga khóc trong tuyệt vọng khi biết rằng sau đó chúng được bà vợ lớn của ông nuôi dưỡng. Sau vài năm bà được phép về Việt Nam ngắn hạn để thăm con. Bà ở bên Lê Duẩn ba ngày, và ông dường như ‘không thoải mái và khổ sở’, cũng phải thôi. Vào năm 1964 bà được phái về vùng đồng bằng Cửu Long để làm cán bộ tuyên giáo, và không được gặp lại con cho đến năm 1975.

Khi biết chắc sự thống nhất  trong hoà bình sẽ không xảy ra chủ nghĩa cực đoan ở Hà Nội được thúc đẩy mạnh lên. Điều này nhanh chóng đưa đến Nghị quyết 11/1958, đẩy cách mạng Miền Bắc lên một bước tiến kịch tính mới với việc tập thể hóa nông nghiệp.  Tháng sau, trong một trại giam của Diệm, một số lớn tù nhân, trong đó có những người cộng sản, chết vì bị đầu độc thức ăn.  Đầu năm sau bộ chính trị nhận được thư ta thán và thỉnh cầu từ những ngôi làng Miền Nam, như thư dưới đây, rõ ràng là được các cán bộ địa phương soạn ra: ‘Bác Hồ  ơi! Bọn Mỹ Diệm tàn ác quá mức – chúng con xin phép Bác được cắt đầu chúng nó.’ Nhiều tuần lễ tranh cãi tiếp theo, cuối cùng Uỷ ban Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 15, một bước quan trọng tiến đến việc leo thang chiến tranh.  Nghị quyết cho quyền hành động gây hấn mạnh mẽ hơn, theo ngôn ngữ quen thuộc trong những lời hô hào của Đảng: ‘Chỉ có chiến thắng của cách mạng mới có thể xoa dịu cảnh lầm than của nhân dân nghèo khốn khổ ở Miền Nam, làm thất bại các chính sách tàn bạo của đế quốc Mỹ và tay sai nhằm chia cắt quốc gia và khiêu khích chiến tranh.’

Nghị quyết 15 mở đường cho ‘những chí nguyện quân ‘ – theo cách Trung Cộng đã đặt tên cho đạo quân của họ qua Triều Tiên chiến đấu với Mỹ – lên đường vào vùng chiến sự. Trong những tháng sau đó,  khoảng 4,600 cán bộ chính trị, kỹ thuật viên và kỹ sư tiến vào lãnh thổ Diệm,  hầu hết là người gốc Miền Nam, những người tập kết trước đây. Được phép mở ra ‘Đường Chiến Lược 559’, một con đường bí mật chạy đến trận địa qua  nước Lào trung lập và tiến hóa thành Đường Mòn Hồ Chí Minh; lệnh động viên quân sự 3 năm đã được tái lập.  Một trong những người tán thành Nghị quyết 15 sau này nói, ‘Chỉ khi (đến năm 1959) chúng tôi mới cuối cùng biết được sẽ không có tổng tuyển cử; rằng Diệm đang tàn sát nhân dân chúng tôi. Có dấu hiệu là Mỹ sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện của họ (và do đó) con đường duy nhất đi tới thống nhất đất nước phải qua bạo lực.’

Việc Hà Nội chậm báo tin cho người Nga về Nghị quyết 15 là điều có ý nghĩa, bởi vì Lê Duẩn và đồng chí ông biết rằng điều đó sẽ không được Nga chào đón. Hơn nữa, chỉ đến ngày 7 tháng 5 chỉ thị mới mới chuyển đến Trung ương Cục Miền Nam.  Các lãnh đạo Miền Bắc vẫn còn sợ phải khiêu khích người Mỹ, khiến họ thậm chí có thể giáng trả vào lãnh thổ của mình. Sự chia rẽ ý thức hệ giữa Nga và Trung Quốc càng sâu sắc thêm, và tác động đến các phe phái đấu đá ở Hà Nội. Hồ Chí Minh và Giáp nghiêng về phía Moscow; Lê Duẩn cầm đầu những người nghiêng về Bắc Kinh.

.

Vâng thời điểm mà chương trinh kỹ nghệ hóa Đại Nhảy Vọt thảm họa của Mao Trạch Đông, vốn tiêu tốn ít nhất 55 triệu sinh mạng, Lê Duẩn có thể đã chịu trách nhiệm cho lời phát biểu không hợp thời nói về tham vọng quốc gia của Hà Nội : ‘Trung Hoa hôm nay là Việt Nam ngày mai.’ Trong khi đó  ông và các đồng chí mình vẫn còn phải tranh đấu để  dẹp tan sự bất đồng trong nước: Giáo dân Thiên Chúa phát động biểu tình đòi hỏi quyền di cư vào năm. Những tiếng hô ‘Đả đảo cộng sản’ thúc đẩy binh sĩ nổ súng, gieo rắc thương vong. Các quẫn bách kinh tế khiến Hà Nội phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng, từ 27 phần trăm ngân sách quốc gia trong năm 1955 xuống còn 19.2 phần trăm năm 1958, 16 phần trăm năm 1960. Các hãng xưởng thoi thóp,  sản lượng nông nghiệp sụt giảm khiến phải cắt giảm khẩu phần. Đại sứ Tiệp  Khắc báo cáo về nước là nhiều viện trợ của khối Xô viết bị tiêu xài hoang phí. Vào tháng 6 năm 1959 lãnh sự Anh ở Hà Nội  báo cáo: ‘Mức sống đang xuống thấp thê thảm hơn và tồi tệ hơn, thậm chí người nghèo còn nghèo hơn … Không thành viên nào của cộng đồng Tây phương từng gặp một người Việt nào ưa thích chế độ, trừ những thành viên của chính chế độ.’

Tương ứng với sự đề bạt của Diệm dành cho người trung thành với mình trên mồ hôi người lương thiện, Hà Nội xiển dương các cựu quân nhân và những kẻ thuần khiết về ý thức hệ hơn là những người xuất sắc nhất và tốt đẹp nhất. Một nhà quan sát ngoại giao Pháp báo cáo rằng 9 phần 10 dân số Miền Bắc ‘sẵn sàng nổi dậy nếu có điều kiện.’ Vậy mà Lê Đức Thọ, người đứng đầu tổ chức Đảng,  chọn lúc này để yêu cầu các cuộc thanh trừng mới ‘bọn không mong muốn’, có nghĩa là địa chủ  và nông dân ‘giàu có’ trước đây. Trong việc chỉnh lý ý thức hệ trong Đảng, bộ chính trị Miền Bắc xử sự giống người Bôn-sê-vich 40 năm trước hơn là những người xã hội chủ nghĩa cuối thế kỷ 20. Một điều lệ mới của Đảng, lên án người bất đồng chính kiến,  được cưỡng chế bởi Bộ Công An mà ông xếp là Trần Quốc Hoàn bị phe phê phán gọi là ‘Beria Việt Nam’, người cưỡng chế tai tiếng nhất của Stalin.

Trong khi đó ở Miền Nam, trong những tháng theo sau ngày ban hành Nghị quyết 15, người cách mạng tiếp tục ám sát các viên chức chính quyền và phát động một đợt công kích mới vào quân đội Miền Nam,  từ đây được các cố vấn Mỹ biết dưới tên viết tắt : ARVN (Quân đội Việt Nam Cộng Hoà: QĐVNCH). Một thanh niên Việt Nam bảo với một phỏng vấn viên Mỹ: ‘Tôi ghét binh lính  … vì họ rất hống hách. Dân làng đã nghèo khổ rồi,  vậy mà binh lính còn bắt họ xây dựng đường xá, cầu cống… Binh lính mang vũ khí để bảo vệ (Diệm) và chế độ của hắn.’ Những biểu tượng của công cuộc xây dựng quốc gia của Mỹ trở thành đích nhắm được ưa chuộng: chẳng hạn,  vào mùa xuân 1959 gần biên giới Cao Miên, bọn du kích áo đen cho nổ tung hai chiếc máy cày John Deere.

Nhiều dân quê trẻ, mắc kẹt trong cái vòng quay chân lấm tay bùn triền miên không dứt dưới cai trị khắt khe của các viên chức địa phương,  phát hiện ra tính cách lãng mạn của cách mạng. Một cậu trai 18 tuổi kể lại bằng cách nào một người lớn tuổi đã chiến đấu chống lại người Pháp hô hào cậu trai mới lớn đến lượt mình hãy cầm lấy vũ khí. ‘Tôi phấn khích khi ông ấy kể cho tôi nghe về các anh hùng dân tộc. Ông bảo Diệm đã nhờ người Mỹ … giúp đỡ trong âm mưu đặt Miền Nam dưới ách cai trị của họ. Ông cổ vũ tôi … thi hành nghĩa vụ của một thanh niên yêu nước chiến đấu vì độc lập của đất nước nhằm mang lại hạnh phúc và phồn vinh.’ Trong những tuần huấn luyện quân sự sau đó, 15 nông dân trong nhóm của ông đào ngũ, mất tinh thần và nhớ nhà. Tuy nhiên, anh vẫn quyết theo đến cùng: ‘Tôi chỉ nhìn thấy vinh quang và không ngại gian khổ.’

Trong năm 1959, Việt Cộng tấn công càng nhặt hơn và mạnh hơn.  Vào chiều tối ngày 8/7, các cố vấn Mỹ của Sư đoàn Bộ binh 7 đóng gần Biên Hòa đang xem phim

The Tattered Dress, do Jeanne Crain đóng, thì 6 VC nổ súng và ném lựu đạn, giết chết một thiếu tá và một thượng sĩ. Đó là những người Mỹ đầu tiên chết dưới tay cộng sản trong cái được gọi là Chiến tranh Đông Dương Lần Hai. Nhịp độ du kích tấn công tăng lên khắp nước: lúc đêm gần sáng một ngày tháng 12, một tiểu đội VC chặn một xe đò trên Quốc lộ 4 vùng đồng bằng Cửu Long.  Họ đuổi hành khách xuống xe, rồi leo vào xe và buộc tài xế chở họ đi đến một đồn lính gần đó. Khi đến nơi bình minh đã đến,  cổng ấp đã mở cho nông dân ra đồng làm ruộng. Bọn du kích tràn vào, bắn hạ một cảnh sát và vài lính bảo vệ; binh sĩ còn lại đầu hàng. Du kích tịch thu vũ khí và bắn phá đồn trước khi rút đi vào rừng, dẫn theo trưởng làng, và hành quyết sau đó. 

Mục tiêu của VC là phô diễn khả năng mình có thể giáng trả bất cứ lúc nào. Một cán bộ hớn hở tuyên bố,  ‘Hổ đã về rừng!’ Dân làng  cảm thấy mình buộc phải làm những phép tính hiểm nghèo hơn về thế cân bằng quyền lực tại địa phương, trong đó một phán xét sai lầm tốt nhất là mất hết tài sản; còn tệ nhất là mất mạng. Gần như mọi người đều nộp thuế bí mật cho cộng sản; họ lúc nào cũng tuyên truyền quá đáng về phạm vi quyền lực vươn tới của mình. Các cán bộ đọc các cách ngôn yêu thích của người Việt: ‘Thà làm đầu chuột hơn đuôi voi’; ‘Dù anh cố gắng thế nào để làm rụng sừng, thì anh vẫn luôn là một con trâu.’ Họ dàn dựng các các cuộc biểu tình đôi khi lên đến 1,000 nông dân,  bằng các mức độ cưỡng bách khác nhau, kết hợp với đánh trống khua chiêng ầm ĩ. Cờ quốc gia bị hạ xuống, thân cây dán đầy bích chương và biểu ngữ. Các báo cáo được lan truyền về những năng lực được cho là thần bí của VC: nồi nấu cơm thần kỳ, thuyền bơm hơi có thể mang theo trong túi xách, ‘ngựa trời’ và súng có thể giết 50 người trong một phát: các nông dân dễ tin ôm lấy những chuyện hoang đường như thế.  Các du kích thỉnh thoảng diễu hành qua làng giữa ban ngày để thị uy.

Một số không ít nạn nhân trong các vụ sát hại trong năm 1960 được xét xử trong cái gọi là tòa án nhân dân và bị xử chém bằng mã tấu ngay trước mắt đám đông dân làng, không khác thời Việt Minh: một người phụ nữ bị chém chết vì có hai con trai đi QĐVNCH. Một người bị chôn sống hét lên thất thanh, ‘Tôi sắp chết! Tôi sắp chết!’ trước khi tiếng la của y tắt dần dưới lớp đất lấp đầy. Một người khác bị giết chỉ vì anh ta uống rượu với cảnh sát địa phương. Với mỗi nông dân hậu thuẫn cộng sản vì lòng tin, thì có hai người theo vì sợ. Sự hậu thuẫn là có thực, một phần vì cách mạng trao cho người nghèo một ý thức mình thuộc về điều gì đó cao cả hơn chính mình: nó đem đến lòng kiêu hãnh cho những con người hèn mọn. Tính thận trọng cũng là một nhân tố – một niềm tin đang lớn mạnh cho rằng cộng sản đại diện cho tương lai, còn Diệm cho quá khứ.

Vào đầu năm 1960, người ta cho rằng các đơn vi tuyên truyền vũ trang VC đã sát hại 1,700 viên chức chính quyền, trưởng làng, thầy giáo, nhân viên bệnh viện, và bắt đi 2,000 người khác.  Các cuộc nổi dậy xảy ra ở Cao nguyên Trung phần. Binh lính Diệm đánh trả và chiếm lại vùng lãnh thổ đã mất

Dưới điều khoản của một sắc luật mới khắt khe, hàng ngàn người bất đồng chính kiến và thành viên nhóm thiểu số bị gom lại, cùng với nghi can cộng sản. Máy chém được sử dụng trở lại như một công cụ được ưa thích của bọn hành hình trong chính quyền. 

Nhiều VC bực bội vì Trung ương Cục Miền Nam – đúng ra Hà Nội – không đồng ý cho phép leo thang đến chiến tranh công khai quy mô lớn.  Các cán bộ địa phương lại ra lời kêu gọi xin vũ khí để kháng cự với ‘sự khủng bố tàn bạo’ của Sài Gòn.  Không có động lực hành động, nhiều người thấy vô cùng buồn chán và thiếu thốn trong một kiếp sinh tồn lén lút. Một VC có đơn vị đóng trong đồng bằng Cửu Long sau này kể về cái im lặng đáng sợ của chốn hoang dã, chỉ bị phá vỡ bởi tiếng động do các động vật gây ra: ‘Giữa chốn rừng thiêng nước độc và bệnh sốt rét hoành hành,  lúc nào cũng buồn thúi ruột!’ Một đại đội trưởng nổi dóa trước các sĩ quan cao cấp, vỗ ngực  và nói, ‘Tôi thà chết còn hơn sống như thế này! Hãy bắt đầu chiến đấu vũ trang!’

Cuối cùng,  vào tháng 9 1960, Trung ương Cục Miền Nam phát đi mệnh lệnh đã được chờ đợi quá lâu giờ: sẽ có những cuộc nổi dậy phối hợp chống lại lực lượng chính quyền.  Sau đó,  các vùng lãnh thổ của cách mạng mở rộng với tốc độ đáng kể. Một phần ba dân số Miền Nam, ước tính 6 triệu người,  chẳng bao lâu sống dưới quyền kiểm soát công khai hay bí mật của cộng sản. Các cán bộ cật lực lao vào việc tái phân phối đất đai. Hoạt động du kích tăng nhanh, nhất là trong vùng châu thổ, nơi họ lợi dụng được sự hiểu biết rành rẽ sông nước của dân địa phương. Các vụ phục kích được bố trí tại những khúc quanh trên sông rạch; đặt mìn ngầm dưới nước trên những bè rác trôi sông, nối dây điện đến kíp nổ trên bờ. 

Trong khi Miền Bắc đã được vào nề nếp kỷ luật sắt, để đáp lại khủng bố, Miền Nam trở thành một xã hội quân sự hóa.  Chín phần mười viện trợ Mỹ không sử dụng cho phát triển kinh tế hoặc canh nông, thay vào đó vào vũ khí để duy trì chế độ. Các nhóm cố vấn Mỹ tập trung vào việc hình thành một quân đội quy ước, có khả năng chống lại một cuộc xâm lăng từ Miền Bắc như Nam Hàn đã đối mặt.  Trong khi đó,  trong một tỉnh có 600,000 dân có 600 cảnh sát, 9 đại đội Nhân dân Tự vệ và 24 tiểu đội dân quân đóng trong 30 đồn kiên cố và bảo vệ 115 làng. Vậy mà làn sóng cộng sản vẫn dâng cao.

Vào năm 1960 căng thẳng Chiến tranh Lạnh tăng lên trên toàn thế giới.  Vào tháng 4 chế độ độc tài ở Nam Hàn của Lý Thừa Vãn sụp đổ,  Hà Nội hớn hở, hy vọng tiếp theo là tới số phận đang đợi Diệm.  Một tuần sau Nga bắn rơi một máy bay thám thính U-2 của Mỹ làm nổ tung tình trạng hòa hoãn Đông-Tây. Mối rạn nứt Trung-Xô càng phản ánh rõ rệt hơn trên chính trường Miền Bắc,  với Hồ Chí Minh tìm cách giảng hòa nhưng vô ích.  Lê Duẩn,  Lê Đức Thọ và phe phái theo Trung Quốc áp đảo trong bộ chính trị. Đối với Hà Nội,  mệnh lệnh chính trị hậu thuẫn cuộc đấu tranh vũ trang của  VC không thể cưỡng lại được. Vấn đề duy nhất là cung cấp viện trợ bao nhiêu và nhanh cỡ nào: Lê Duẩn đối mặt với viễn ảnh hậu thuẫn cuộc chiến ông mong muốn gần như hoàn toàn bằng tài nguyên trong xứ sở mình. 

Trong khi đó ở Sài Gòn, vào ngày 26 tháng 4 1960, 18 người Miền Nam chống cộng tiếng tăm gặp nhau tại nhà hàng Caravelle nổi tiếng,  sau đó họ đưa ra ‘Tuyên ngôn Caravelle’, được ‘một nhóm yêu nước ‘ ký tên, kêu gọi chính quyền thay đổi lộ trình. 

Tiếp theo, cũng trong năm đó Đại sứ Hoa Kỳ Elbridge Durbrow đệ trình một bản ghi nhớ đến Diệm liệt kê các cải cách mà Washington xem là thiết yếu: phổ biến các quyết sách và ngân sách nhà nước; nghiên cứu mọi ngành bởi các đại biểu được bầu ra; luật tự do báo chí; và cải thiện quan hệ với giới truyền thông nước ngoài; những chương trình phát thanh ‘trò chuyện bên bếp lửa’; tín dụng rộng rãi hơn cho nhà nông. Đây đều là các biện pháp hợp lý,  và cần thiết đối với một nền dân chủ đang hoạt động, nhưng hoàn toàn không thế chấp nhận đối với Diệm.  Cũng như đã phớt lờ ‘Tuyên ngôn Caravelle’, ông tiếp nhận bảng danh sách như một biểu lộ trịch thượng của người Mỹ. Có thể ông ta đã trả lời với Durbrow bằng cách hỏi lại có bao nhiêu mục trong danh sách cấp tiến này đã được bộ chính trị Miền Bắc chấp hành. 

Hoa Kỳ vẫn bận bịu ngập đầu với cuộc đấu tranh vũ trang. Washington trả lời các vụ nổi dậy của Việt Cộng bằng cách phái thêm vài trăm cố vấn quân sự, nâng tổng số từ 342 đến 692, vi phạm giới hạn nhân sự ghi trong Hiệp định Geneva. Các chỉ huy của họ, đặc biệt bao gồm Tướng

Sam Williams của MAAG – Viện trợ Quân sự và Nhóm Hỗ trợ – xem các du kích chỉ là vấn đề an ninh, phải được giải quyết bằng súng đạn.

Vào cuối năm 1960 người cộng sản chính thức dán nhãn hiệu lại cho cuộc kháng chiến tại Miền Nam là Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP). Điều quan trọng là, mặc dù tất cả lãnh đạo của họ là người cộng sản, mặt trận nhắm đến việc thể hiện mình là một liên minh dân tộc. Theo lời vị tổng thống sắp bước vào Nhà Trắng John F. Kennedy, đây là một lực lượng chính trị tạo ra một mối đe dọa không thể chấp nhận được cho tự do và dân chủ ở Đông Nam Á. Các mục tiêu mà MTDTGP thừa nhận là mang lại thống nhất xã hội cho Miền Nam; lật đổ Diệm; đánh đuổi người Mỹ; thi hành tái phân phối ruộng đất; thống nhất đất nước qua thương thảo. Tờ cáo bạch này không nhìn nhận gì về quyết tâm không lay chuyển của Lê Duẩn nhằm tạo ra một xã hội theo kiểu Stalin.

Trong những năm tiếp sau Hiệp định Geneva,  thật là bất hạnh cho cả hai miền nam bắc đều rơi vào tay các chính quyền bất tài và bạo ngược. Nếu nông dân Miền Nam hiểu được cảnh lầm than của anh em mình ở Miền Bắc, họ ắt hẳn đã thấy số phận mình dù sao cũng đỡ khổ hơn: ít ra không có nhiều đồng bào của Diệm đói ăn.

Nhà tài trợ Mỹ của Diệm phán xét sai lầm hoàn toàn thái độ của Moscow và Bắc Kinh, cho rằng giới lãnh đạo của họ có tội vì đã xúi giục sự nổi dậy của VC. Thật ra, cho đến năm 1959 sự đối kháng chống chế độ Sài Gòn là tự phát và sinh ra từ địa phương.  Trong một thời gian sau đó, nó chỉ nhận được sự hậu thuẫn của Miền Bắc hơn là của ngoại bang.

Lê Duẩn là cá tính chính đã lèo lái việc làm mới lại cuộc đấu tranh thống nhất: thật là khó để cường điệu vai trò cá nhân của ông trong sự kiện tiếp theo. Về phần các đồng chí trong bộ chính trị của ông, dường như là hợp pháp để ước đoán rằng một số tán thành cuộc chiến ở Miền Nam như là một phương tiện để thoát khỏi việc nhìn nhận thất bại của chính sách trong nước; để truyền một ý thức lý tưởng trong dân chúng đã xơ xác của Hồ Chí Minh. Thật là một cơ hội tốt cho họ khi kẻ thù ‘đế quốc’, rất cần thiết cho một chế độ như của họ, đã đánh cược vận số của mình cho Ngô Đình Diệm,  một con lừa chết nếu từng có một.  Cuộc chiến mà giờ đây đang gia tăng xung lượng là một cuộc chiến không bên nào xứng đáng để chiến thắng. 

Người điều khiển con rối và con rối không chịu nhảy theo nhịp

Nguyễn Thúy Nga và chồng Lê Duẩn trong rừng U Minh 1950

Mao Trạch Đông bắt tay Lê Đức Thọ

Max Taylor và Paul Harkins tại Sài Gòn

Đường Mòn Hồ Chí Minh

Hình ảnh quen thuộc của Huey, trực thăng chở quân

Căn cứ lực lượng đặc biệt tại Pleime dưới sức tấn công của VC 1965

Đoàn Phượng Hải (bên trái)

Bảo Ninh, tác giả Nỗi Buồn Chiến Tranh (trên) và Nguyễn Công Luận (dưới)

Trương Như Tảng

Tướng Taylor (trái) và Tướng Westmoreland (phải)

Tại sao quá nhiều người nước ngoài yêu phụ nữ Việt Nam. Dương Vân Mai trong thời gian làm nghiên cứu cho RAND

Nguyễn Thị Chinh, trở thành ngôi sao điện ảnh Kiều Chinh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s