CHƯƠNG 3: SỰ KHAI SINH KỶ NGUYÊN KHA-LIP 10-22 SH (631-644 CN)
Tamim Ansary
Trần Quang Nghĩa dịch
Tín đồ Hồi giáo xem toàn bộ cuộc đời Mohammed như một ẩn dụ tôn giáo soi sáng ý nghĩa của sự tồn tại, nhưng sự kiện tôn giáo không kết thúc với cái chết của Nhà Tiên Tri. Nó tiếp tục trong suốt 4 nhiệm kỳ của bốn vị kế nghiệp liên tiếp đầu tiên, được nhớ đến như những Rashidun, “người được khải đạo đúng đắn”, Abu Bakr, Omar, Othman, và Ali. Toàn bộ bi kịch, từ mặc khải trong hang động qua sự kiện Hijra đến cái chết của người kế vị thứ 4 gần 40 năm sau, cấu thành biểu tượng tôn giáo cốt lõi của đạo Hồi, tương tự với bữa ăn tối cuối cùng, sự kiện đóng đinh, và sự phục sinh của Jesus Christ trong đạo Cơ đốc.
Hồi giáo trỗi dậy trong thời buổi có học vấn. Người ta viết tập san, nhật ký, thư từ, tài liệu hành chính, và những công việc khác. Thời kỳ này được nhiều văn kiện ghi lại. Thế thì có vẻ như nguồn gốc của đạo Hồi lẽ ra phải nằm hoàn toàn trong lĩnh vực báo chí nhiều hơn là truyền thuyết. Vậy mà, những gì chúng ta biết về cuộc sống và thời đại bốn vị kế vị đầu tiên này rút ra phần lớn từ một lịch sử được viết sau đó hàng thập niên bởi tác giả Ibn Ishaq, mất vào năm 151 SH (768 CN).
Ibn Ishaq xuất thân từ dòng dõi dài nhằng các nhà truyền thống, các chuyên viên lưu giữ văn hóa truyền khẩu: các ông và các bà với công việc sưu tầm, ghi nhớ, và kể lại các sự kiện có ý nghĩa. Ông là người đầu tiên của dòng dõi đã ghi lại toàn bộ câu chuyện, nhưng hầu hết sách ông đều bị thất lạc. Tuy nhiên, trước khi chúng biến mất, các tác giả khác đã trích dẫn, tham khảo, chèn những đoạn văn của chúng cho vào tác phẩm của mình, viết các bản toát yếu về chúng, hoặc nhại lại các câu chuyện của ông. (Gần đây thật ra một số viện sĩ đã ra sức dựng lại công trình của Ibn Ishaq từ những mảnh vụn của nó được lượm lặt trong các tác phẩm khác.)
Một sử gia sử dụng Ibn Ishaq làm nguồn tham khảo chính là Ibn Jarir al-Tabari, mất khoảng 300 năm sau Hijra. Ông viết Sử Ký 39 quyển về Nhà Tiên Tri và các nhà vua bắt đầu từ Adam và kết thúc vào năm 292 SH (915 CN). Công trình còn sống sót đến ngày nay, và hầu hết các giai thoại và chi tiết chúng ta đọc về Mohammed và các người kế vị ngài đến với chúng ta đều qua ông. Chính ông là người cho chúng ta biết màu tóc của các nhân vật này, món ăn ưa thích của họ, số lạc đà họ sở hữu. Ông còn bao gồm những bài diễn văn chủ yếu và các đối thoại với các trích dẫn trực tiếp. Tuy nhiên, sử ký của ông làm đầu óc mụ mẫm mẫm vì mỗi câu chuyện được lồng vào danh sách những tên người, gọi là isnad, tức “chuỗi truyền dẫn”: “X báo cáo là Y đã bảo với ông rằng ông ấy nghe từ Z rằng … và cuối cùng là giai thoại.” Sau mỗi giai thoại đến một phiên bản khác của cùng một giai thoại và lại được lồng trong một isnad khác: “A báo cáo là mình nghe từ B rằng C đã nói rằng D kể lại rằng … (giai thoại). Tabari không nói phiên bản nào là đúng; ông chỉ đưa ra cho bạn là độc giả để tự quyết định. Qua nhiều thế kỷ, các tác giả đã soạn ra các phiên bản của riêng mình về các giai thoại hấp dẫn nhất, một số giai thoại tìm đường vào truyện kể quần chúng và truyền khẩu và cuối cùng tạo thành phiên bản Hồi của “câu chuyện Kinh Thánh”, được người lớn kể cho trẻ em như tôi nghe ở nhà và thầy tôn giáo giảng ở trường.
Trên tất cả, những câu chuyện này là biên niên của một bi kịch nhân loại đầy hỗn loạn diễn ra trong 29 năm đầu tiên sau khi Nhà Tiên Tri qua đời, một câu chuyện về những nhân vật lớn hơn cuộc sống vật lộn với những vấn đề hào hùng, một câu chuyện chứa đầy các chương hồi khơi dậy tò mò và làm tan nát cõi lòng. Bạn hoàn toàn có thể chọn phe khi kể lại các câu chuyện này, bởi vì có hai phe để chọn, và hoàn toàn có thể suy ngẫm về các động lực và đưa ra các phán xử về quyết định của những người trong cuộc.
Mặt khác, các giai thoại này đã đạt đến mức độ ngụ ngôn: những phán xét và lý giải khác nhau hậu thuẫn các học thuyết khác nhau và thể hiện những quan điểm thần học khác nhau. Chúng ta không thể hiểu được sự kiện chính xác của các câu chuyện này theo kiểu đọc báo bởi vì không có lời kể mắt thấy tai nghe nào còn sống sót. Chúng ta chỉ có câu chuyện về câu chuyện về câu chuyện, một quá trình sàng lọc đã kéo lên bề mặt ý nghĩa thần thoại của các sự kiện thô. Thế đó, đây là câu chuyện về thời kế vị.
Vị Kha-lip đầu tiên (12 – 14 SH)
Lúc Mohammed mất, cộng đồng đối mặt một vấn đề bao trùm. Đó không chỉ là “Ai sẽ là người lãnh đạo tiếp nối của chúng ta?” mà còn “Người lãnh đạo tiếp nối của chúng ta là người thế nào?” Khi một vị thánh mất, người ta không chỉ đơn giản chỉ định một vị thánh nào đó vào vị trí của ngài, bởi vì các nhân vật như thế không tạo ra bởi bầu chọn hoặc bổ nhiệm, họ chỉ xuất hiện, và nếu họ không xuất hiện, ồ vâng; dân chúng có thể bất mãn, nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục. Khi một vì vua chết, ngược lại, không ai nói, “Bộ không tốt hơn sao nếu chúng ta khoan có một vị vua khác?” Khoảng trống phải được bịt kín ngay lập tức.
Khi Tiên Tri Mohammed qua đời, tình huống như một vị thánh đã mất mà cũng như một vị vua đã mất. Ông không thể thay thế được, nhưng phải có người thể chỗ ông. Không có lãnh đạo, Umma không thể giữ vững.
Người lãnh đạo mới phải cao hơn một vị vua, tuy nhiên, vì đây không phải một cộng đồng giống như bất cứ công đồng nào khác. Nó là, theo niềm tin của các thành viên, hiện thân của những mặc khải, tồn tại để thể hiện ý chí của Allah và do đó làm biến đổi thế giới. Nhà lãnh đạo cộng đồng này không thể thành tựu chỉ bằng bộ óc, lòng dũng cảm, sức mạnh, và các đặc điểm loại như thế. Ông ta phải có một thiên ân hoặc quyền năng nào đó. Nhưng mà người kế vị ông không phải là một sứ giả được Thượng Đế khải đạo, vì chính Mohammed đã tuyên bố rằng sẽ không có sứ giả nào nữa. Vì thế nếu nhà lãnh đạo không phải là vua hoặc một sứ giả do Thượng Đế khải đạo, thì ông ta là người như thế nào?
Kỳ lạ thay, cộng đồng Hồi giáo mới ra đời không nghĩ đến vấn đề này trước khi Mohammed mất; và họ cũng không xem xét đến việc đó trong những giờ phút ngay sau khi ông qua đời, bởi vì đây không phải là lúc cho các tranh luận triết lý lớn lao. Khi thi thể của Nhà Tiên Tri còn chưa lạnh hẳn, Abu Bakr đã nghe một báo cáo choáng váng: những người Hồi gốc Medina đang họp để bầu chọn ra một lãnh tụ của riêng mình, như thể họ và các dân nhập cư từ Mecca là hai nhóm riêng biệt: việc này hoàn toàn có thể là khởi đầu cho sự kết thúc Umma!
Abu Bakr tập họp một số bạn đồng hành thân cận nhất của Mohammed, xồng xộc vào cuộc họp, và cầu xin người Medina nghĩ lại. Người Hồi sẽ bầu ra một lãnh đạo mới duy nhất cho toàn cộng đồng. Ông nài nĩ, không phải một nhà tiên tri, không phải một vị vua, chỉ là ai đó kêu gọi hội họp, điều hòa thảo luận, và đoàn kết cộng đồng với nhau. “Hãy chọn một trong hai người này,” ông đề nghị, chỉ tay về phía Omar và một người bạn đồng hành thân cận nhất của Nhà Tiên Tri
Omar hoảng kinh. Là ưu tiên trước cả Abu Bakr à? Không thể nghĩ bàn! Ông nắm lấy bàn tay ông bạn già và bảo với hội đồng chỉ có Abu Bakr có tư cách nắm quyền lãnh đạo, giờ Nhà Tiên Tri đã ra đi. Qua làn nước mát, ông thề là mình sẽ trung thành với người bạn thân thiết nhất của Mohammed, một cử chỉ đầy xúc động làm hội đồng sững sờ. Thình lình hội đồng nhận ra Abu Bakr dường như là sự lựa chọn hiển nhiên và duy nhất, con người đa cảm và đáng yêu này suốt đời đã nổi bật vì sự minh triết, can đảm, và lòng trắc ẩn. Và rồi trong cơn sôi nổi bùng lên, mọi người nhất trí đồng thuận chọn Abu Bakr nắm lấy tước hiệu khiêm tốn kha-lip, có nghĩa là “đại biểu.”
Danh hiệu này chỉ tồn tại khi Abu Bakr đảm nhận nó. Không bộ tộc nào hoặc quốc gia nào từng có một kha-lip đứng đầu. Không ai biết danh hiệu này nghĩa là gì và quyền hạn của nó ra sao. Người đầu tiên nắm giữ tước hiệu đó sẽ phải kê ra các chi tiết này.
Lúc này, Abu Bakr đi đến thánh đường, tại đó một đám đông đang tụ họp. Việc ông nhậm chức được thông báo. Trong bài diễn văn nhậm chức nhã nhặn ông bảo với hộiđồng, “Tôi không phải là người tài giỏi nhất trong số các bạn. Nếu tôi làm tốt, hãy ủng hộ tôi. Nếu tôi phạm sai lầm, hãy khuyến cáo tôi mà không do dự. Nếu tôi sao lãng các điều luật của Thượng Đế và Nhà Tiên Tri, tôi sẽ tuân phục các bạn mà từ nhiệm.” Mọi người trong thánh đường cùng hoan hô như ở buổi họp.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có mặt ở buổi họp hoặc thánh đường. Một ứng viên hàng đầu cho vai trò kế vị thậm chí không nghe vấn đề đang bàn cãi. Em họ Ali của Nhà Tiên Tri đang tắm gội thi hài Nhà Tiên Tri khi các bậc trưởng lão họp hành. Đến khi anh nghe tin thì sự việc đã kết thúc.
Bạn có thể thấy tình cảnh này có thể dày vò ray rứt anh như thế nào. Trong những tháng cuối cùng của Mohammed, ắt hẳn Ali đã cảm thấy mình chắc chắn sẽ là người kế vị Nhà Tiên Tri, không cần phải bàn cãi gì nữa, vì anh luôn là người sát cánh với Nhà Tiên Tri nhất trong mọi tình huống. Mohammed có vài em họ, nhưng Ali đặc biệt hơn hết vì cha ông Abu Talib đã nhận Mohammed làm con nuôi và nuôi dạy ông như con ruột của mình, điều khiến Ali và Mohammed như anh em.
Nhưng Ali kém Mohammed gần 30 tuổi, và theo văn hóa bộ tộc Ả Rập quyền huynh thế phụ. Đúng ra, khi còn là đứa trẻ, Ali đã chuyển về sống với Mohammed và Khadija gần như đến tuổi trưởng thành, vì thế chẳng những như em trai, Ali còn như con trai của Mohammed. Còn gì hơn nữa, Ali là người thứ hai sau Khadija chấp nhận đạo Hồi: nam tín đồ đầu tiên của Hồi giáo.
Khi bọn sát thủ chuẩn bị ra tay sát hại Mohammed trên giường ngủ, chính Ali đã trùm chăn nằm lên giường Mohammed và liều mình thế mạng cho Mohammed. Ở Medina, khi người Hồi gặp hiểm họa bị hủy diệt, chính Ali thể hiện nhiều lần mình đích thực là dũng sĩ Achilles của đạo Hồi – bởi vì trong những ngày đó, trận đánh thường khởi đầu bằng thách thức đánh nhau tay đôi, và tại mỗi cuộc giao tranh, khi phe Quraysh kêu gọi quân Hồi cứ ra tay kiếm cừ khôi nhất, thì Mohammed lại chỉ đinh Ali.
Tại trận Uhud, khi tất cả đều như sụp đổ và một số người Hồi thoát chạy về nhà, Ali là trong số những người tập kết chung quanh Nhà Tiên Tri, và mang ông đang bị thương an toàn về nhà.
Khi cộng đồng phát triển và Nhà Tiên Tri trở thành nguyên thủ nhà nước, ông luôn giữ Ali bên cạnh mình như cánh tay phải của ông. Thật ra, trên đường về nhà sau bài thuyết giảng cuối cùng, Mohammed bảo với người của mình, “Ai trong các anh là người coi ta là chủ nhân, hãy coi Ali là chủ nhân của mình.” Giờ, điều đó không phải có nghĩa là sau khi ông mất, Umma phải xem Ali là người lãnh đạo của mình hay sao?
Trong khi mọi bạn đồng hành thân cận với Mohammed đều có sức thu hút, sự nhiệt huyết của Ali, theo nhóm trung thành với ông, dường như mang tính tâm linh một cách độc nhất, nhiều người trong nhóm là thanh niên trẻ trung, họ đều cảm thấy có gì đó mang tính quyền uy toả ra từ Ali giống như từ Mohammed.
Tất cả những điểm đề cập trên đây cho thấy Ali là đặc biệt, nhưng một nhân tố lớn hơn nâng cao tầm vóc của anh hơn hẳn những người khác, và nó có thể là nhân tố quan trọng hơn tất cả đối với những người Hồi về sau này nghĩ lại: Mohammed không có con trai. Chỉ có một cô con gái của ông sinh được con trai sống qua tuổi thiếu niên và người con gái đó là Fatima, lại là vợ của Ali. Các con trai của Ali do đó là cháu ngoại của Mohammed, và hậu duệ của Ali cũng chính là hậu duệ của nhà tiên tri. Ali và Fatima là gia đình của Mohammed.
Tuy nhiên, gác tất cả điều này qua một bên, và hình dung Ali đang ở trong nhà cùng với bọn phụ nữ, vừa tắm gội thi thể của Nhà Tiên Tri vừa chìm đắm trong nỗi phiền muộn. Rồi, tưởng tượng ông cuối cùng xuất hiện vào ngày đầu tiên khủng khiếp trong chuỗi ngày còn lại của đời mình, vẫn còn bàng hoàng trước sự kiện trọng đại vừa xảy ra, chỉ để tìm thấy rằng trong khi mình đang chuẩn bị thi hài Mohammed để an táng, thì nhóm bạn đồng hành của Mohammed đã chọn lựa người kế vị ông, không chỉ qua mặt anh mà thậm chí không thèm hỏi ý kiến anh, không thèm thông báo là buổi họp đang xảy ra. Chắc chắn, Ali cảm thấy mình xứng đáng được đối xử cao hơn thế!
Mặt khác, đứng từ một quan điểm khác, mỗi lợi thế của Ali đều chống lại ông. Ali thân cận với Nhà Tiên Tri thì sao? Là người trong gia đình ông thì sao? Điều đó tốt cho anh, nhưng có khi nào Allah nói Ngài ban phát đặc quyền cho một gia đình đặc biệt nào chưa? Việc kế vị theo kiểu triều đại đã xưa rồi, một tập quán mà người Hồi đang tính lật đổ!
Ngoài ra, Nhà Tiên Tri đã nói không, sẽ không có thêm Sứ giả nào đến sau ông. Nếu điều này là thực, sự thu hút của Ali không mang ý nghĩa tôn giáo nào, như vậy bộ người Hồi không nên chia tách dòng dõi của Nhà Tiên Tri ra khỏi vai trò lãnh đạo trong cộng đồng để ngăn cản sự tập trung quyền lực không thích đáng có thể bóp méo tính phổ quát bình đẳng của thông điệp Hồi giáo? Nhìn dưới ánh sáng đó, đúng ra, sức thu hút của Ali bộ không phải chính là phẩm chất đáng ngờ của anh? Bộ nó không thể cổ vũ cho các đồng bọn nóng nảy hơn tuyên bố anh là đấng tiên tri mới hay sao?
Không, phe cánh Abu Bakr nói, điều mà cộng đồng cần lúc này là óc xét đoán tỉnh táo, chứ không phải nhiệt tình tuổi trẻ. Ali lúc đó chỉ vừa qua tuổi 30; còn Abu Bakr đã gần 60. Ở Ả Rập vào thời đó, chọn một người 30 tuổi lãnh đạo một ông già 60 tuổi ắt hẳn là việc mà người Ả Rập không thể nghĩ bàn. Chẳng thế mà từ sheikh, tước hiệu thủ lĩnh bộ tộc, nghĩa đen là “ông lão.”
Một số cho rằng phải mất 6 tháng trời Ali mới nuốt trôi sự kiện bầu cử, trong khi đó một số người thô lỗ theo phe Abu Bakr đe dọa anh và sử dụng vũ lực với gia đình anh. Trong một tình huống xô đẩy giằng co như thế, họ nói, một cánh cửa đóng sầm vào bụng của Fatima vợ của anh, lúc đó đang mang bầu, và hành động này có thể đã làm chị trụy thai, mất đi đứa cháu ngoại trai của Nhà Tiên Tri Mohammed.
Nguồn tin khác cho rằng Ali thề trung thành với Abu Bakr chỉ một ít ngày sau khi ông nhậm chức; họ giảm bớt hành vi lạm dụng mà Fatima phải chịu đựng và gán sự trụy thai của chị cho tai nạn. Một sự bất hòa như thế này giờ đây có thể không hề được giải quyết bằng một lời kêu gọi đến chứng cứ. Nó chỉ có thể phản ánh vị trí người ta chọn vào lúc chia rẽ tôn giáo xuất phát từ việc kế vị, bởi vì sự bất hòa giữa phe Abu Bakr và Ali cuối cùng biến thành hai giáo phái Hồi riêng biệt, Sunnis và Shi’i, mỗi giáo phái đều có riêng phiên bản về các sự kiện này. Phe của Ali phát triển thành giáo phái Shi’i, một từ chỉ đơn giản có nghĩa “người đồng phe” trong tiếng Ả Rập, và đến ngày nay họ vẫn tin rằng Ali là người kế vị hợp pháp duy nhất của Nhà Tiên Tri.
Trong bất cứ trường hợp nào, trong vòng 6 tháng sự nứt rạn đã khép lại, và vừa đúng lúc, vì một khủng hoảng mới đang đe doạ đến sự sống còn của đạo Hồi. Trên khắp Ả Rập, các bộ tộc đang thoát ly khỏi liên minh mà Mohammed đã rèn đúc. Hầu hết đều tuyên bố họ chưa hề thề trung thành với Abu Bakr hoặc Umma mà chỉ với chính Mohammed, và lời thề đã bị vô hiệu vì Mohammed đã mất. Trên danh nghĩa mọi người trong các bộ tộc này đều cải sang đạo Hồi, và nhiều người trong số họ đều nhận mình vẫn còn là tín đồ Hồi giáo. Họ còn nhìn nhận chỉ có một thượng đế và quyền lực của Mohammed. Họ vẫn còn cầu nguyện, còn nhịn ăn, còn cố giữ không say sưa và giữ mức trác táng trong tầm kiểm soát – nhưng còn zakat? Thuế từ thiện phải nộp cho ngân khố ở Medina? Không, chuyện đó họ không còn có thể chịu đựng thêm được: không nộp tiền cho Medina nữa!
Một ít thủ lĩnh đi xa hon. Họ tuyên bố họ bây giờ là Sứ giả đang sống của Allah. Họ tuyên bố mình đang nhận được các mặc khải và được phép ban hành các điều luật được thần thánh ủy quyền. Những người mới phất lên này tính sử dụng khuôn mẫu do Mohamed đi tiên phong để thành lập các cộng đồng nguyên thủ “thần thánh” cạnh tranh với Umma.
Nếu Abu Bakr cho phép nhóm ly khai này, đạo Hồi ắt hẳn đã đi theo một chiều hướng rất khác. Nó có thể đã tiến hóa thành một bộ thực hành và tín ngưỡng mang tính cách cá nhân và lâm vào tình trạng tạp nham, vô tổ chức. Nhưng Abu Bakr đáp trả cuộc khủng hoảng bằng tuyên bố ai ly khai là phản giáo. Nhà Tiên Tri đã nói, “Không có sự cưỡng bách trong tôn giáo,” và Abu Bakr không chối bỏ nguyên tắc đó. Người ta được tự do nhìn nhận hoặc chối từ đạo Hồi tuỳ ý muốn; nhưng một khi vào đạo rồi, ông xác nhận, họ phải ở lại mãi mãi. Đáp lại sự khủng hoảng chính trị, Abu Bakr thiết lập một nguyên tắc tôn giáo ám ảnh đạo Hồi đến tận ngày nay – đồng nhất sự bội giáo với sự phản bội. Gắn liền trong chính sách này là khái niệm thần học cho rằng tính đơn lẻ của Thượng Đế không thể chia tách được phải được phản ánh trong tính đơn lẻ không thể chia tách được của Umma. Với quyết định này Abu Bakr khẳng định rõ ràng hơn đạo Hồi không chỉ là một hệ thống tín ngưỡng mà còn là một dự án xã hội. Cộng đồng Hồi giáo không chỉ là một dạng cộng đồng có thể có nhiều cá thể, mà là một cộng đồng đặc biệt, chỉ có một cá thể độc nhất.
Vị kha-lip mới chứng tỏ là một chiến lược gia khủng. Ông chỉ mất hơn một năm một chút để kết liễu vụ nổi loạn được biết dưới tên Cuộc Chiến Bội Giáo và tái thống nhất Ả Rập. Tuy nhiên, trong nội bộ, khi giải quyết vấn đề với cộng đồng Hồi giáo, ông chỉ biểu lộ tình cảm, tính khiêm tốn, và lòng tốt khiến mọi người thấu hiểu và yêu kính ông. Một người lưng khòm với cặp mắt sâu hoắm, Abu Bakr ăn vận giản dị, sống thanh đạm, và không vun vén tài sản. Tính ưa màu mè duy nhất của ông là nhuộm tóc và râu đỏ bằng cây lá móng. Khi có tranh chấp nổi lên, ông ban bố công lý một cách vô tư, có sự tham gia của một hội đồng trưởng lão trong mọi quyết định của mình, cai trị như người đứng đầu giữa những người bình đẳng và xác nhận không cao hơn ai về mặt tôn giáo. Lời nói của ông không có trọng lượng lớn hơn người Hồi nào, và quyền uy của ông chỉ xuất phát từ sự thông thái và lòng tận tụy đối với mặc khải. Không ai bắt buộc phải nghe theo lệnh ông trừ khi ông đúng, nhưng xin báo trước, ông gần như lúc nào cũng đúng.
Trở lại Mecca, trước vụ Hijra, Abu Bakr đã từng là thương nhân giàu có. Lúc mà người Hồi di dân đến Medina, tuy nhiên, ông đã cống hiến gần hết sản nghiệp cho những hoạt động từ thiện, nhất là mua tự do cho bọn nô lệ để cải sang đạo Hồi, và ông bỏ lại tài sản còn lại trong quá trình di dời. Là kha-lip, ông chỉ lãnh một đồng lương nhỏ để khải đạo Umma và tiếp tục miệt mài nghề cũ để kiếm sống, tằn tiện như có thể với hoa lợi ít ỏi của nghề nghiệp teo tóp. Đôi khí, ông thậm chí đi vắt sữa bò người láng giềng để kiếm thêm thu nhập. Như được mô tả trong các câu chuyện tôn giáo về truyền thống Hồi giáo, trẻ con gặp ông thường chạy ùa đến, reo lên, “Bố! Bố!” khi ông đi qua phố ở Medina, và ông sẽ vỗ đầu chúng và cho kẹo – ông là hạng người đại loại như thế.
Với Kha-lip Thứ Hai: 14 – 24 SH
Vào một ngày tháng 8, hai năm sau khi nhậm chức kha-lip, Abu Bakr từ bồn nước tắm nóng bước ra ngoài gặp luồng gió buốt, và đến tối ông lên cơn sốt cao. Biết mình sắp chết, ông gọi một ít nhân sĩ cao cấp của cộng đồng và dặn dò họ là ông muốn bổ nhiệm Omar làm người kế vị mình để sau này không ai bàn cãi gì về việc đó.
Các nhân sĩ khựng lại, vì Omar hoàn toàn khác biệt tâm tính với Abu Bakr dịu dàng, khiêm tốn. Omar to con, cao tồng ngồng hơn nửa đầu so với bất kỳ người nào khác – trong đám đông người ta nói ông như ngồi trên mình ngựa. Đầu ông hoàn toàn hói, mặt đỏ lừng, hàm râu quá khổ. Ông khéo léo và mạnh như một con bò mộng, và ông tính khí nóng nảy.
Trước khi cải đạo, Omar được biết là con sâu rượu hay gây rối. Khi đó, ông rất căm tức người Hồi và Mohammed. Một hôm, truyền thuyết kể rằng, ông oang oang là mình sẽ đi hạ thủ Sứ giả của Thượng Đế cho xong chuyện. Ông chụp lấy thanh gươm và sải bước băng qua thị trấn để hoàn thành lời hăm he. Nhưng trên đường ông bắt gặp đứa em gái yêu của mình đang ngồi dưới một gốc cây, xem xét một mảnh da có viết chữ trên đó. “Em đang làm gì đó.”
“Em đọc,” cô ta nói.
“Đọc gì?”
Cô nhìn lên một cách rụt rè. “Kính Qur’an. Em đã trở thành tín đồ đạo Hồi.”
“Cái gì? Đưa cái đó cho anh xem!” Ông giật phắt mảnh da cô đang đọc. Đó là một đoạn văn gọi là Ta Ha, và trước sự kinh ngạc của Omar những lời đó dường như trực tiếp nói với ông. Ngay lúc đó Omar hoàn toàn biến đổi. Ông bỏ rơi thành gươm, chạy vụt qua đường phố Mecca, và đâm sầm vào cảnh cửa nhà tiên tri, la lên, “Tôi tin ngài! Ngài là Sứ giả của Thượng Đế! Tôi tin!”
Sau ngày đó, ông trở thành một trong những bạn đồng hành thân cận nhất của Mohammed, nhưng ông vẫn luôn thô lỗ, dễ bốc hỏa nổi cơn, và mặc dù bên trong ông có tấm lòng nhân hậu, nhiều người thắc mắc có nên giao chức vị kha-lip cho một người mà ngay bộ dạng cũng làm bọn trẻ hoảng kinh. Ngay lúc cấp bách đó Ali bước ra hậu thuẫn Omar, và lời lẽ của ông làm nghiêng cán cân: Umma chấp nhận vị lãnh đạo thứ hai hậu-Mohammed.
Tại buổi nhậm chức, Omar bảo với hội đồng rằng ông biết mình đáng sợ hơn đáng yêu, nhưng ông đoan chắc với mọi người là từ trước đến giờ họ chỉ nhìn một mặt của mình. Cả Nhà Tiên Tri lẫn Abu Bakr đều là những con người nhân hậu, ông giải thích, nhưng lãnh đạo đôi khi cũng phải hành động cứng rắn, và khi tình huống cần đến, Omar chính là công cụ của họ. Ông phải là thành gươm có sẵn bất cứ lúc nào Nhà Tiên Tri và sau này Abu Bakr cần đến. Tuy nhiên, giờ đây Omar là vị kha-lip, ông không thể lúc nào cũng là thanh gươm sống, vì ông hiểu rằng một nhà lãnh đạo đôi khi cũng phải dịu dàng. Do đó, từ giờ trở đi, cộng đồng sẽ có dịp thấy được cả hai mặt của ông. Những kẻ làm xằng và độc đoán giẫm đạp lên những người yếu thế sẽ thấy một Omar cũ. Còn người nghèo khó, yếu đuối, mẹ góa và con côi, tất cả những ai tốt đẹp và cần được che chở, sẽ nhìn thấy một Omar khả ái.
Chẳng bao lâu Umma nhận ra rằng vị kha-lip của họ là một tượng đài sừng sững, thậm chí bệ vệ hơn cả Abu Bakr, có lẽ. Omar chỉ đạo Umma trong 10 năm, và trong thời gian đó ông đặt ra lộ trình cho đạo Hồi, ông định hình đạo Hồi như một ý thức hệ chính trị, ông mang lại dấu ấn đặc trưng cho nền văn minh Hồi giáo, và ông gầy dựng một đế chế đến mức rộng lớn hơn cả La Mã. Chỉ cần một trong các thành tựu này cũng đủ kiếm cho ông một chỗ đứng trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử; còn nếu gom tất cả thành tựu ông sẽ là một điều gì đó giống như một tổ hợp Saint Paul, Karl Marx, Lorenzo di Medici, và Napoleon. Vậy mà những người bên ngoài đạo Hồi chỉ biết ông dưới một cái tên và có lẽ một hai dòng mô tả: ông là vị kha-lip thứ hai, một người kế vị Mohammed – tất cả chỉ có vậy.
Có lẽ lý do là vì Omar xem tính khiêm cung là nguyên tắc cốt lõi của mình. Đây là một phần trong truyền thuyết khiến Omar trở thành hiện thân của một nguyên tắc trong truyền thống đạo Hồi. Lời ông không phải là luật lệ; ý muốn của ông không cai trị; ông giao mọi quyền hành cho Thượng Đế – đó là tuyên bố được cho là của ông. Ông hình dung đạo Hồi như là một cộng đồng tuyệt đối công chính và bình đẳng và ra sức biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Trong cộng đồng Hồi giáo, ông nói, không ai cần phải sợ tính khí thất thường hoặc ý muốn của bất kỳ quyền lực phàm trần nào bởi vì cộng đồng này đã có kinh Qur’an là luật pháp, và tấm gương cuộc sống của Nhà Tiên Tri là kim chỉ nam, ngoài ra không còn thứ gì khác. Omar tuyên bố vai trò của mình chỉ là giữ cho cộng đồng Umma đoàn kết và tiến lên trên con đường mà các mặc khải đã vạch ra.
Omar chưa từng là người giàu có, nhưng Ali và những người khác thúc giục ông nhận một đồng lương thích hợp từ công khố, lập luận rằng vì giờ đây đạo Hồi đã bao trùm toàn bộ Ả Rập, Umma không thể điều hành bởi một vị kha-lip làm việc bán phần, phải vắt sữa bò để thêm thu nhập. Omar đồng ý nhưng chỉ định một ủy ban tính toán chi phí ông cần để sinh hoạt như một người Ả Rập trung bình, không nhiều hơn hay ít hơn, và ấn định số tiền ấy là mức lương của mình. (Tưởng tượng một CEO của một tập đoàn đa quốc gia ngày nay hành động như thế.)
Bắt chước Nhà Tiên Tri, Omar cũng có thói quen vá quần áo của mình, đôi khi ngay trong lúc điều hành việc quốc gia đại sự. Ban đêm, sau khi hoàn tất mọi nhiệm vụ, chuyện kể rằng ông vác lên vai một bao thóc và lang thang qua thành phố, đích thân mang thực phẩm đến các gia đình túng thiếu. Có lần, một người bắt gặp, liền xin vác bao thóc hộ ông, nhưng ông bảo, “Chú có thể mang vác dùm ta ở đây trên Mặt đất, nhưng ai sẽ mang vác nó vào Ngày Phán Xét?”
Thật dễ dàng khi cho rằng những câu chuyện như thế đều thuần túy hư cấu, hoặc cho rằng, nếu quả có thật, cũng chỉ chứng tỏ Omar là một chính trị gia đang thể hiện một chiêu trò xúc động để khoa trương. Cá nhân tôi thì nghĩ rằng ông ắt hẳn là một con người sùng đạo vô hạn, không tự phụ, tận tụy, và cảm thông, đúng như các câu chuyện đề nghị: các giai thoại quá nhất quán để có thể bác bỏ, và điều gì đó phải tính đến cho sức tác động bao trùm của con người này đổi với người đương thời. Dù sự thật như thế nào, truyền thuyết ông vun trồng trong óc tưởng tượng của người Hồi thể hiện lý tưởng về cách thức những nhà cai trị nên xử sự ra sao.
Omar chấp nhận một tước vị trở thành phần bổ sung lâu dài cho chức kha-lip: Amir al-Mu’mineen, có nghĩa “tư lệnh của tín đồ,” một tước vị pha trộn vai trò tâm linh và quân sự của mình. Là một chiến lược gia quân sự có tầm vóc, Omar xếp ngang hàng với Alexander và Julius Caesar, nhưng làm thế nào ông đạt được kỳ tài như thế là điều thật khó dò. Trước khi đạo Hồi ra đời, ông chỉ là một nhà buôn trong một thị trấn nhỏ. Ông tham gia trong các trận đánh sớm sủa mang tính biểu tượng trong lịch sử Hồi giáo, nhưng theo chuẩn mực quân sự đó chỉ hơn các trận đột kích một chút. Giờ, thình lình, ông phải nghiên cứu các bản đồ “thế giới” (đúng ra là Trung Thế Giới), tính toán dòng chảy các con sông ở Byzantine hoặc Sassanid, đo lường địa thế để bày binh bố trận, quyết định khi nào tiến công khi nào phải tháo lui – ông đang điều hành một chiến dịch có quy mô toàn cầu.
May thay, tại thời điểm lịch sử này, Umma sản sinh một loạt các chỉ huy chiến trường xuất chúng như Khaled bin al-Walid, người hùng Trận Bội Giáo, Amr ibn al-A’as, người chinh phục Ai Cập, và Sa’d ibn Abi Waqqas, người đánh tan quân Ba Tư.
Ngay sau khi nhậm chức, Omar hoàn tất một phần nhiệm vụ quân sự mà Abu Bakr đã bắt đầu. Vào cuối Trận Chiến Bội Giáo, nhìn thấy Ả Rập đang hỗn loạn, Byzantine đã chuyển quân đến biên giới, dự tính xáp nhập phần lãnh thổ rối loạn. Abu Bakr liền đem quân đến ngăn chặn, nhưng thậm chí trước khi ông mất, người Hồi đã đẩy.lùi quân Byzantine về lại lãnh thổ mình. Không lâu sau khi Omar nhậm chức, họ bao vây thành phố Damascus. Từ ngày đó trở đi, người Hồi đánh đuổi Byzantine tơi bời, và vào năm 636 CN, tại một nơi gọi là Yarmuk, họ tiêu diệt đạo quân chủ lực hùng mạnh của Byzantine. Trong khi đó, người Ba Tư đang làm hết sức mình để làm tan rã cộng đồng Hồi giáo đang phất dậy bằng bọn do thám và xúi giục. Thay vì đập từng đặc vụ Ba Tư, Omar quyết định bóp nghẹt mối đe doạ từ ngay gốc rễ. Ông kêu gọi người Hồi lật đổ đế chế Sassanid, một đề xuất táo bạo đến nghẹt thở: trứng chọi đá.
Quyết định của Omar kêu gọi một cuộc chiến chinh phục là “jihad” có những nhánh rẽ hiển nhiên cho thời buổi hiện nay và được bàn luận nhiều. Trong thời Mohammed, từ jihad không lù lù như bây giờ. Về ngữ nguyên, như tôi đã nói, nó không có nghĩa là “đánh nhau” mà là “phấn đấu”, và mặc dù nó có thể sử dụng để chỉ chiến đấu với kẻ thù, nó cũng có thể dùng để chỉ sự phấn đấu chống lại cám dỗ, tranh đấu vì công lý, hoặc nỗ lực phát huy lòng trắc ẩn. Từ jihad với nghĩa “chiến đấu” cũng xuất hiện trong kinh Qur’an, để chỉ rõ ràng cuộc chiến đấu tự vệ. Những vần thơ đó được phát hiện vào thời điểm khi người
Quraysh đang ra sức xóa sổ đạo Hồi và người Hồi khỏi mặt đất. Trong ngữ cảnh đó, nó không phải là sự kéo giãn để lập luận rằng chiến đấu có một chiều kích đạo đức: nếu cộng đồng những tín hữu là những người có thể khiến công lý tồn tại trên mặt đất, thì những ai để yên cho các lực lượng thù địch dập tắt mình chính là đang giúp đỡ quỷ sa-tăng, nhưng những ai cống hiến sinh mạng và tài sản để bảo vệ nó chính là đang phục vụ Allah.
Nhưng kêu gọi người Hồi bỏ nhà, đi đến miền đất xa, và đánh những người mà trước đây mình chưa từng giao lưu – những cuộc chiến như thế sao gọi là tự vệ được? Và nếu chúng không phải vì mục đích tự vệ, làm sao chúng có thể đáng gọi là jihad?
Chúng được kết nối qua một ý tưởng xuất phát trong thời Mohammed và các nhà tư tưởng Hồi giáo bắt đầu đắp thịt thêm da trong thời các kha-lip Abu Bakr và Omar: ý tưởng là thế giới phân chia thành hai cảnh giới loại trừ nhau Dar al-Islam và Dar al-Harb, “cảnh giới hòa bình” và “cảnh giới chiến tranh”. Sơ đồ này mô tả Hồi quốc là một ốc đảo huynh đệ và hòa bình bao quanh bởi một vũ trụ hỗn độn và thù địch. Bất cứ điều gì ta làm nhằm mở rộng Dar al-Islam tạo thành hành động vì chính nghĩa hoà bình, cho dù phải chiến đấu và đổ máu, vì nó thu nhỏ cảnh giới chiến tranh.
Cá nhân tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong thế kỷ 7 nghĩ rằng các trận chiến chinh phục phải cần được biện minh. Trong bất kỳ trường hợp nào, gọi một chiến dịch chinh phục là một jihad đều không gặp bất kỳ tranh cãi nào trong cộng đồng Umma. Đã bị sốc trước sự ra đi của Nhà Tiên Tri, họ đã đoàn kết lại, và Omar ắt hẳn hiểu rằng tạo cơ hội cho họ truy tìm tính anh hùng tại thời khắc quan trọng này sẽ củng cố và làm sâu sắc thêm tình đoàn kết.
Vào năm 15 SH (hoặc khoảng đó), gần một thị trấn có tên Qadisiya, một lực lượng Ả Rập có quân số lên đến 30,000 người bỗng thấy mình đương đầu với một quân đoàn Sassanid gồm 60,000 chiến binh cừ khôi. Giữa họ chỉ có một con sông ngăn cách. Vài phen, chỉ huy Ả Rập Waqqas gửi các phái đoàn đến đàm phán với Rustum, chỉ huy của lực lượng Sassanid. Chuyện kể rằng, Tướng Rustum hỏi một thành viên được phái đến có phải y là người cầm đầu trong quân đội Ả Rập. Người đó đáp rằng, “Không, chúng tôi là người Hồi. Trong chúng tôi không có ai cao nhất hoặc thấp nhất.”
Rustum nói, “Nhìn kìa, ta biết bọn Ả Rập chúng bây đều đói nghèo, và ta tin chắc chúng bây hay gây rối là vì tình thế tuyệt vọng. Vì vậy ta bảo điều này, ta sẽ cấp cho mỗi người các ngươi hai bộ đồ và một túi chà là. Các người có chịu trở về nơi mình đã xuất phát không?”
Phái viên Hồi đáp, “Chúng tôi đến đây không phải để nhận tặng vật của ngài, Tướng quân ạ. Chúng tôi đến đây để dâng tặng ngài đạo Hồi! Ngài đang hướng về địa ngục; chúng tôi cho ngài một cơ hội đến được thiên đường.”
Rustum cười lớn. “Ngươi làm ta nhớ đến chuyện con chuột bò vào kho thóc qua một lỗ trong tường và ăn cho đến khi không thể ăn thêm được nữa. Rồi nó cố lết về ổ, nhưng bụng nó đã quá to nên không thể chui qua lỗ. Sự tham lam của nó làm nó mắc kẹt trong kho và con mèo giết được nó. Giờ đây, bọn Ả Rập tham lam các ngươi đã chui vào nhà kho của ta và bọn bây đã bị mắc kẹt. Tất cả bọn ngươi sẽ bỏ mạng tại đây, như con chuột đó.”
Cuối cùng, sau tất cả đôi co này, người Hồi bảo Rustum, “Nếu các ông không muốn cải đạo, thì chỉ cần đóng thuế, và các ông sẽ không bị làm hại.”
“Làm hại ư?” Rustum nhướng mắt. “Đóng thuế ư?” Ông ta bảo các tôi tớ đem đưa cho người Hồi một bao đất, ý ông muốn tượng trưng cho nấm mồ.
Nhưng người Hồi giáo nhận lấy một cách vui vẻ. “Các ông giao cho chúng tôi đất của mình à? Chúng tôi chấp nhận!”
Thế là hai bên chuẩn bị giao tranh. Dù chính mình đã kể ngụ ngôn con chuột, Rustum lại mắc lỗi khi vượt qua sông tấn công người Hồi, vì giờ đây lực lượng ông sau lưng là con sông không còn đường nào rút chạy (trong binh pháp, đây là thế bối thủy, “sau lưng có nước”, vừa có ưu vừa có khuyết. Khuyết là quân không có đường lui, ưu là quân ở trong thế chỉ có tiến chứ không lùi, nên buộc phải liều chết mà chiến đấu: ND.) Trận đánh Qadisiya kéo dài 4 ngày, quân Ba Tư cưỡi voi, người Ả Rập cưỡi lạc đà. Vào ngày thứ ba, trận đánh kéo dài suốt đêm và bước qua ngày hôm sau. Cuối cùng quân Sassanid chịu thua, hàng ngàn chiến binh tháo chạy tán loạn cố vượt sông nhưng áo giáp nặng khiến họ chết đuối.
Đi cùng với chiến binh, nhiều nhà thơ (trong đó có vài phụ nữ) có mặt tại chiến trường và sáng tác nhiều câu chuyện phong phú, nâng Qadisiya lên một tầm vóc thần thoại, như Cuộc Chiến Thành Troy.
Chẳng hạn, ngay khi biết chắc thắng lợi đã trong tầm tay, một người đưa tin nhảy phóc lên lưng ngựa và hướng về Ả Rập báo tin tốt lành. Đến gần Medina, ông băng qua một ông lão bên vệ đường, một người giản dị trong áo khoác vá đứng bắt dậy và hỏi gã đưa tin có phải từ mặt trận Qadisiya về không.
“Vâng,” gã đáp.
“Có tin gì thế?”
“Có tin gì thế?” ông lão hỏi dồn vập.
Nhưng gã đưa tin nói mình không thể dừng lại tán gẫu và gã phi ngựa tiếp. Ông lão lững thững chạy theo, vừa chạy vừa hỏi gấp. Khi họ chạy qua cổng thành, một đám đông tụ tập. “Tránh đường!” gã đưa tin hétt lên khẩn cấp. “Tôi phải gặp Kha-lip Omar ngay lập tức. Ngài ở đâu?”
Đám đông bật cười. “Ngài ngay phía sau anh kìa.”
Không phô trương – đó là phong cách của Omar, theo truyền thuyết.
Sau trận Qadisiya, người Ả Rập chiếm kinh đô Ctesiphon của Sassanid và tiếp tục hành quân, nuốt dần đế chế Sassanid có tuổi hàng thế kỷ, cho đến khi toàn bộ lãnh thổ đều thuộc về người Hồi và Đế chế Sassanid không còn nữa: trong ba năm họ đã đặt dấu chấm hết cho một đế chế đã đấu tay đôi với La Mã trong nhiều thế kỷ.
Trong khi đó, những đạo quân khác đang đánh đuổi người Byzantine dọc bờ biển Địa Trung Hải, tràn xuống qua Ai Cập, và vào tận Bắc Phi. Viên ngọc của các cuộc chinh phục này là Jerusalem, chỉ xếp hạng sau Mecca và Medina như là chốn thiêng liêng nhất đối với người Hồi, một phần bởi vì Mohammed đã cho biết mình đã thấu thị cảnh được nâng lên đến thiên đường từ thành phố này trong một khoảng thời gian ngắn ngủi khi người còn sống. Một câu chuyện nổi tiếng của Omar xảy ra sau khi thành phố này thất thủ. Vị kha-lip lên đường đến Jerusalem để đích thân công nhận sự đầu hàng của nó. Ông đi cùng một tôi tớ, và vì họ chỉ có một con lừa nên họ phải thay phiên nhau người này cưỡi thì người kia đi bộ phía sau. Khi họ đến Jerusalem, thì lúc ấy là vào lượt người tớ cưỡi. Dân chúng Jerusalem ngỡ y là vị kha-lip bèn vội vã chạy đến để đảnh lễ. Nhưng người tớ đã kêu lên, “Không, không, không phải tôi; người kia mới là người các anh phải thi lễ.”
Người Cơ đốc tưởng rằng vị kha-lip Hồi giáo muốn thực hành lễ cầu nguyện trong nhà thờ thiêng liêng của họ như một biểu hiệu của khải hoàn, nhưng Omar từ khước bước chân vào đó. “Nếu ta làm thế,” ông giải thích, “trong tương lai người Hồi sẽ vịn vào đó lấy cớ chiếm dinh thự và biến nó thành thánh đường, nhưng đó không phải là điều chúng tôi muốn khi đến đây. Đó không phải việc người Hồi chúng tôi làm. Hãy tiếp tục sống và cầu nguyện như bạn muốn; chỉ cần biết là từ giờ trở đi người Hồi chúng tôi sẽ sống với các bạn, thờ phụng theo cách của chúng tôi, và nêu tấm gương tốt đẹp hơn. Nếu các bạn thích những điều mình thấy, hãy gia nhập với chúng tôi. Nếu không, cũng chẳng sao. Allah đã dạy chúng tôi: không được cưỡng bách trong tôn giáo.”
Cách xử sự của Omar đối với Jerusalem đặt ra một kiểu dạng cho các quan hệ giữa người Hồi và những dân mà họ chinh phục. Người Cơ đốc thấy rằng dưới thời cai trị của Hồi giáo họ phải chịu một sắc thuế đặc biệt gọi là jizya. Đó là tin xấu. Tin tốt: thuế jizya thường thấp hơn các thuế mà họ đóng cho các nhà cai trị Byzantine — những người luôn can thiệp vào việc thực hành tín ngưỡng của họ (bởi vì các sắc thái nghi thức và tín ngưỡng trong số các giáo phái Cơ đốc khác nhau là vấn đề đối với họ, trong khi đối với người Hồi tất cả họ đều là Cơ đốc.) Ý tưởng đánh thuế thấp hơn và tự do tôn giáo nhiều hơn được người Cơ đốc cho là cách giải quyết khá tốt, và vì thế không xảy ra chống đối trong các lãnh thổ trước đây của Byzantine. Đúng ra thỉnh thoảng Do Thái và Cơ đốc liên kết nhau chống lại chính quyền Byzantine.
Khi Omar qua đời, Hồi giáo cai trị một lãnh thổ hơn 2 triệu dặm vuông. Làm sao điều này lại có thể? Các tín đồ Hồi đưa ra lời giải thích đơn giản là có được sự trợ giúp siêu phàm bất khả kháng của Allah. Các sử gia học viện lý giải rằng các đế chế Byzantine và Sassamid đã vừa trải qua một trận chiến hủy diệt với nhau và mặc dù bên ngoài có vẻ hùng mạnh, nhưng bên trong cốt lõi đã thối rữa và sẵn sàng sụp đổ. Một lý giải khác thường được trưng ra cho rằng người Hồi chiến đấu ác liệt hơn người khác bởi vì họ tin rằng nếu họ chết họ sẽ được lên thẳng thiên đường và được thưởng 72 trinh nữ. Tôi không dám luận bàn về việc đó, nhưng tôi sẽ đưa ra các nhân tố khác.
Những người Hồi buổi đầu này nhận thức rằng họ đang chiến đấu cho điều gì đó lớn lao mang tính khải huyền. Họ cảm thấy rằng chiến đấu cho chính nghĩa khiến cuộc đời họ cũng có ý nghĩa hơn. Hết lần này đến lần khác con người đã chứng tỏ rằng mình sẽ vượt qua được các trở ngại phi thường và chịu đựng được các thử thách khốc liệt, nếu họ nghĩ nỗ lực đó mang đến ý nghĩa cho cuộc đời mình. Đói khát ý nghĩa là một khát khao cũng nền tảng như ăn và uống. Cuộc sống thường nhật tạo cho con người ít cơ hội để kiếm được loại lương thực này, đó là lý do tại sao con người dễ bị thúc đẩy bởi các câu truyện gán cho họ là vai chính trong các bị kịch khải huyền. Các chiến binh Hồi trong thời đại Kha-lip Omar có nhận thức đó về cuộc đời mình.
Sự phát triển ở quê nhà giữ cho chủ nghĩa lý tưởng của họ sống mạnh, bởi vì Omar áp đặt những việc chính ông đã thi hành và thi hành những gì ông thuyết giảng. Dưới sự khải đạo của ông, Medina phản ánh những giá trị mà người Hồi nói là mang lại cho thế giới: tình anh em, sự công bình, hòa hợp, tử tế, tham gia dân chủ vào việc ra quyết định, tình bình đẳng, và lòng trắc ẩn. Ít ra thì cộng đồng Hồi trong thời kỳ kha-lip sớm là tấm gương cho các lý tưởng này hơn các đế chế bình thường, nhờ đó sau này người Hồi có thể dễ dàng đánh bóng các câu chuyện thời đó thành ký ức về sự hoàn hảo đã mất.
Ở phía bên kia con đường, người ta nghe hết chuyện này đến chuyện khác về người Hồi ghi được các thắng lợi quân sự trong các cục diện tưởng chừng như thất thế. Sức kháng cự đối với một lực lượng như thế dường như vô vọng; ngoài ra, người ta ít có động lực để kháng cự, vì cuộc chính phục không có ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Những người có quyền thế sẽ mất của cải, nhưng quần chúng vẫn giữ lại được những gì mình có và tiếp tục sinh nhai như cũ. Nếu người Ả Rập đánh nhau với dân chúng bảo vệ nhà cửa của mình, đó sẽ là một cuộc chiến cam go hơn và ắt hẳn sẽ làm xói mòn chủ nghĩa lý tưởng của họ theo thời gian. Nhưng thay vào đấy, cho dù xa nhà họ phần nhiều là đánh nhau với bọn lính đánh thuê hoặc người bị bắt lính.
Cho phép tôi không nói bớt lại một nhân tố cuối cùng đan xen với sự đói khát ý nghĩa cuộc sống. Chiến tranh cho người Hồi cơ hội để cướp bóc. Dưới thời Omar, tuy nhiên, binh sĩ không được phép chiếm đoạt tài sản cố định của các công dân bình thường. Họ đoạt chiến lợi phẩm tại trận địa và kho báu của các quân vương họ chinh phục – mà, tình cờ, rất đầy ắp. Bốn phần năm của cải th được chia đều cho binh sĩ, không phân biệt chỉ huy hay binh lính, tướng lĩnh hay binh nhì – đó là phong cách của đạo Hồi.
Một phần năm còn lại chở về Medina. Trong thời Nhà Tiên Tri phần lớn của cải đó được phân phát ngay lập tức đến người có nhu cầu, và chính sách này tồn tại suốt thời kỳ Omar mặc dù dưới hình thức pha loãng hơn. Cộng tất cả nhân tố này lại với nhau, thì sự bành trướng bất ngờ của Hồi giáo suy cho cùng không đến nỗi khó hiểu.
Việc chinh phục đưa đến số tín đồ Hồi giáo tăng vọt cho dù việc chinh phục tách rời với việc cải đạo. Không có việc “cải đạo bằng lưỡi gươm”. Người Hồi đề cao việc nắm quyền lực chính trị nhưng không đề cao việc bắt thần dân cải sang đạo Hồi. Thay vào đấy, bất cứ nơi nào đạo quân Hồi đi đến, thì việc truyền thụ văn hóa đi sau. Tin tức về dự án xã hội Hồi giáo loan truyền nhanh chóng vì lãnh thổ bành trướng bao phủ gần như chính xác diện tích lịch sử thế giới được kết nối nhau bằng những tuyến đường mậu dịch cổ đại chạy giữa những biển cả chủ yếu và các thủy lộ. Trong 50 năm đầu của mình, đạo Hồi mở rộng đến bờ phía tây của Ấn Độ Dương, đến lưỡi phía đông của Địa Trung Hải, đến sông Nile, đến Biển Caspian, đến Vịnh Ba Tư. Trong diện tích này, vùng liên thông này thấm nhuần một cách phong phú với nhiều kênh tương tác đã có từ lâu. Các câu chuyện và tư tưởng Hồi giáo vo ve từ tai người này đến tai người khác qua ngồi lê đôi mách, chuyện trò, trao đổi ngoài đường phố và tranh luận học thuật, luân chuyển dễ dàng vì các ý tưởng không mới đó. Thế giới Zoroaster (Hỏa giáo) lơ lửng trên bờ của chủ nghĩa độc thần, còn thế giới Byzantine đã đi hẳn vào đó với Cơ đốc giáo. Và tất nhiên, nhiều thời đại trước, đạo Do Thái đã giới thiệu chủ nghĩa độc thần cực đoan vào đất Levant (vùng giữa Mesopotamia và Ai Cập.)
Toàn bộ thời gian Omar nhà chinh phục chỉ đạo việc bành trướng lãnh thổ của đạo Hồi, Omar nhà lãnh đạo tinh thần chỉ đạo việc củng cố học thuyết Hồi giáo và xác định cách sống của Hồi giáo. Abu Bakr đã khẳng định rằng đạo Hồi không chỉ là một lý tưởng trừu tượng của cộng đồng, mà còn là một cộng đồng đặc biệt với một sứ mệnh thay đổi thế giới. Omar hợp thức hóa điều này bằng cách tuyên bố một lịch mới bắt đầu không phải từ ngày sinh của Mohammed, cũng không phải từ sự mặc khải đầu tiên, mà từ sự kiện Hijra, cuộc di dân của người Hồi đến Medina. Lịch Omar lưu giữ sự xác tín rằng đạo Hồi không chỉ là một kế hoạch để cứu rỗi cá nhân, mà còn là kế hoạch điều hành thế giới. Nhiều tôn giáo nói với tín đồ của mình rằng, “Thế giới đang băng hoại, nhưng các ngươi có thể thoát khỏi đó.” Đạo Hồi nói với các tín đồ của mình, “Thế giới đang băng hoại, nhưng các ngươi có thể thay đổi nó.” Có lẽ điều này vốn có từ những lời thuyết giảng sớm sủa nhất của Mohammed, nhưng Omar đã khẳng định lộ trình này cho đạo Hồi và đặt nó trên những lối đi sắt thép.
Abu Bakr đã cai trị với sự nhún nhường có tính truyền thuyết, cố không áp đặt ý muốn của mình mà chỉ áp dụng những chỉ thị do Kinh Qur’an và Nhà Tiên Tri ấn định. Omar biến thái độ này thành viên đá nền móng cho học thuyết Hồi giáo, một quyết định trọng đại bởi vì trong việc tuyên thệ chỉ làm theo những gì các mặc khải chỉ đạo, ông phó thác cho người Hồi xác định điều gì các mặc khải chỉ đạo trong mọi tình huống có thể, lớn hay nhỏ.
Trong thời Abu Bakr, theo đề nghị của Omar, mọi mảnh Kinh Qur’an được biên tập tại một chỗ. Thoạt đầu đó là một tuyển tập linh tinh, vì khi mặc khải đang đến, người ta ghi chép trên bất cứ thứ gì có sẵn – một miếng vãi, một phiến đá, một khúc xương, bất cứ thứ gì. Khi là kha-lip, Omar bắt đầu tiến trình sàng lọc. Dưới sự hiện diện của ông, mỗi tiết mục đều được kiểm tra với phiên bản được những người tường thuật nhà nghề còn ghi nhớ. Họ được xã hội xem là những người gìn giữ thông tin đáng tin cậy nhất. Các thư lại sau đó ghi chép bản sao có thẩm quyền của mỗi tiết mục trước các nhân chứng, và những tiết này được tổ chức thành một tuyển tập toàn bộ.
Bất cứ khi nào nảy sinh một quyết định khó khăn, Omar sẽ nhìn vào đấy để tìm câu trả lời. Nếu Qur’an không đưa ra câu trả lời, ông sẽ tham vấn với cộng đồng để tìm ra điều gì Nhà Tiên Tri đã nói hoặc làm trong tình huống tương tự. Trong trường hợp này, “cộng đồng” có nghĩa là vài trăm ông bà đã từng là người “đồng hành” với Mohammed trong thời sinh tiền của ông. Mỗi khi cộng đồng giải quyết theo cách này, Omar cho thư lại ghi chép và gửi cách giải quyết đến các thống đốc tỉnh lỵ để làm cơ sở ra quyết định sau này.
Omar tài trợ một bộ phận học giả dành mọi thời gian nghiền ngẫm các mặc khải, các câu chuyện về cuộc đời Mohammed, và các dữ liệu liên quan, sao cho khi ông cần một cố vấn chuyên sâu ông có thể tìm được nó từ “ủy ban chuyên gia” này. Đây là một hạt mầm sau này sẽ biến thành một trong các định chế chính yếu của đạo Hồi, ulama, tức “giới học giả”.
Cho dù đang tạo hình cho bộ luật Hồi giáo, Omar bận bịu áp dụng học thuyết cho cuộc sống xã hội ở Medina, mang lại cho chúng ta khía cạnh khắt khe của Omar. Omar không dung thứ cho những kẻ biếng nhác. Chẳng hạn, ông cấm thẳng thừng việc uống rượu, cho dù Kinh Qur’an hơi mơ hồ về vấn đề này, dường như trong một số tiết thuở trước không tán thành sự say sưa hơn là uống rượu chừng mực (mặc dù văn bản sau này cấm rượu triệt để hơn.
Qur’an không đưa ra cách trừng phạt cụ thể nào cho tội uống rượu, nhưng Omar suy diễn bằng phép tương tự. Trong trường hợp này, phép đó tiến hành như sau: Qur’an đưa ra hình phạt đánh roi cho tội vu khống; uống rượu, Omar nói, dễ khiến người ta phun ra lời độc địa. Do đó, hình phạt cho việc uống rượu cũng phải là phạt roi. Phép lập luận tương tự này tạo thành một khuôn mẫu được các nhà làm luật sau này của Hồi giáo sử dụng nhiều.
Lo sợ trước năng lực hủy diệt của tình dục phạm pháp, Omar áp đặt các biện pháp khắt khe nhất chống lại tội ngoại tình. Đúng là ông ra lệnh ném đá đối với người ngoại tình, vốn không được đề cập trong Qur’an nhưng xuất hiện trong điều luật của Moses, có trước kinh Qur’an (Đệ Nhị Luật 22:22). Ông cũng cấm tập quán kết hôn tạm thời của người Ả Rập, cho phép đàn ông lấy đàn bà chỉ một vài ngày: vị kha-lip nhận thức đây là hình thức mại dâm trá hình. (Các nhà làm luật dòng Shi’i sau này hợp thức hóa lại tập tục này trong bộ luật của họ.)
Có người gièm pha Omar là ông khinh ghét phụ nữ, và luật lệ của ông cho thấy ông xem phụ nữ có trách nhiệm về hành vi xấu xa của đàn ông. Để tránh tình trạng lửa gần rơm, Omar đưa ra các biện pháp quy định và tách biệt vai trò của nam và nữ, chẳng hạn ra lệnh cánh phụ nữ và đàn ông phải cầu nguyện riêng biệt, để họ không nghĩ về tình dục khi đang thực hành nghi thức.
Tuy nhiên, điều này khác xa sự phân biệt giới tính và việc truất quyền phụ nữ vốn phát triển trong xã hội Hồi giáo sau này (và kéo dài đến tận ngày nay). Tất nhiên, đúng là mối quan hệ giới tính ở Medina không phù hợp với các lý tưởng nữ quyền hiện đại. Người Ả Rập thời bộ tộc (và hầu hết các nền văn hóa thời đầu) nhìn thấy vai trò tách biệt và không trùng lắp của phụ nữ và nam giới, và đạo Hồi khẳng định điều ấy. Vào thời Omar, tuy nhiên, giáo dục cưỡng bách cho cả trai lẫn gái trong cộng đồng Hồi. Phụ nữ làm việc bên cạnh đàn ông; họ cùng tham gia đời sống công cộng, họ dự các buổi thuyết trình, thuyết giảng giáo lý, làm thơ cho các lễ hội công cộng, ra chiến trường làm hậu cần và cứu tế, và thậm chí đôi khi tham gia chiến đấu. Các quyết định quan trọng đối với cộng đồng được bàn luận tại các buổi họp công cộng, Omar tham gia vào các buổi họp này cũng như các công dân khác, và các bà các ông tham gia tranh luận với ông mà không sợ sệt. Đúng là Omar có cử ra một phụ nữ đứng đầu khu chợ ở Medina, vốn là một vị trí có tầm trách nhiệm dân sự cao, bởi vì nó bao gồm các trách vụ như điều phối xây dựng, cấp phép kinh doanh, kiểm tra hoạt động cân đo đong đếm chính xác. Dù vậy, Omar cũng gieo trồng các hạt mầm mà sau này phát triển thành tình trạng hạn chế nghiêm nhặt đối với quyền tham gia của phụ nữ vào đời sống công cộng.
Trong thế kỷ 7 CN, mọi xã hội trên thế giới đều cho phép sở hữu nô lệ, và Ả Rập cũng không ngoại lệ. . Đạo Hồi không cấm tập quán đó, nhưng nó hạn chế quyền hành của người chủ đối với nô lệ, và Omar áp đặt các điều luật này rất nghiêm nhặt. Không người Hồi nào có thể là nô lệ. Nếu một người làm cho một nữ nô lệ có bầu, y phải cưới cô ta làm vợ, điều đó có nghĩa đứa con sinh ra là người Hồi và do đó tự do. Chế độ nô lệ không làm tan vỡ một gia đình, có nghĩa người chủ chỉ có thể mua hay bán toàn thể gia đình của người nô lệ.
Chủ nhân không thể lạm dụng hoặc đối xử tệ bạc với nô lệ, vốn cũng có nhân quyền như người tự do, một chủ đề được nhấn mạnh trong kinh Qur’an và đặc biệt khẳng định lại trong bài thuyết giáo cuối cùng của Mohammed. Omar phán rằng chủ nhân phải cho các nô lệ của mình ăn cùng thức ăn như mình và thực ra phải ăn cùng với gia đình chủ. Nếu quy định của của Omar được thực hiện đến mức hợp lý, chế độ nô lệ ắt hẳn có thể đã chấm dứt trong thế giới Hồi giáo trong những ngày đầu của các kha-lip. (Thay vào đó, các xã hội Hồi giáo thoái trào về vấn đề này.)
Mỉa mai thay, sự nghiệp của Omar kết thúc khi một nô lệ Ba Tư mất ổn định về mặt tình cảm đâm một nhát dao vào bụng ông tại thánh đường. Trong giờ hấp hối, một số nhân sĩ trong cộng đồng nhờ ông chỉ định người kế vị mình như Abu Bakr đã từng làm, để bảo đảm sự chuyển giao được êm thắm. “Con trai ngài có được không?” họ đề nghị.
Omar nổi cơn điên tiết cuối cùng: “Các ông tưởng ta làm công việc này để trục lợi cho mình và gia đình mình sao?” Ông chết vào cuối ngày hôm đó, nhưng trước khi mất ông thiết lập một tiền lệ quan trọng khác. Ông nêu tên một ủy ban tham vấn 6 người (shura) để chọn ra một vị kha-lip mới và tìm kiếm sự đồng thuận của Umma cho sự chọn lựa của mình. Nhiều nhà tư tưởng Hồi sau này xem shura như nền tảng cho các định chế dân chủ trong Hồi giáo. Shura khám phá hai ứng viên, Ali và Othman, là các lựa chọn thứ nhất và thứ hai của mọi người, một số ủng hộ Ali, một số ái mộ Othman. (Hãy nhớ Ali là con rể của Mohammed và đã hai lần vuột mất chức kha-lip.)
Chủ tịch ủy ban phỏng vấn hai ứng viên trước một hội đồng nhân dân, đưa ra một câu hỏi chủ chốt cho họ: “Nếu bạn trở thành kha-lip, bạn có chịu chỉ đạo bởi Qur’an, sunna, và các tiền lệ do Abu Bakr và Oman đặt ra không?”
Ali đáp đồng ý với Qur’an và với sunna (tấm gương cuộc đời Mohammed), nhưng về các quyết định của người tiền nhiệm – không: Ali bảo mình có định kiến riêng và sẽ tham vấn lương tâm và sự phán xét tốt nhất cho các quyết định của mình. Othman, trái lại, đáp đồng ý với tất cả: “Tôi không phải là người cách tân.” Vì vậy chủ tịch tuyên bố Othman là người thích hợp cầm đầu Umma, dân chúng tán thành, và Ali, không muốn “thua làm giặc”, bèn tuyên thệ trung thành với tân kha-lip.