Phần IV: Khi Người La Mã Cai Trị Thế Giới
Guy de la Bedoyere
Trần Quang Nghĩa dịch
Trong phần này . . .
Vào cuối thế kỷ thứ hai BC, La Mã là nhà nước thành công nhất trong thế giới cổ đại. Nó có quyền lực và uy tín nhiều hơn bất kỳ xứ nào khác. Vậy mà, trong một trăm năm tiếp theo, Cộng Hòa La Mã tự phân tán ra từng mảnh. Mọi của cải và quyền lực mà La Mã gầy dựng được đã rơi vào tay một số kẻ cầm đầu quá tham vọng. Nội chiến hầu như tàn phá kỳ công vĩ đại nht của thế giới cổ đại.
Nó có thể đã cáo chung nếu không có tài trí siêu việt của một người: Augustus Caesar. Augustus tái lập lại nền Cộng Hòa bằng cách đưa nó quay về thể chế quân chủ kế thừa. Thiên tài của ông là làm ra vẻ mình đã phục hồi nền Cộng Hòa. Ông làm việc đó như thế nào, và kết quả là tạo nên một Đế chế La Mã hùng mạnh chưa từng có trước đây, là điều bạn sẽ đọc thấy trong phần này. Tại đỉnh cao quyền lực La Mã trải rộng từ những ngọn đồi ở Scotland vươn thẳng ra khắp châu Âu và vùng Địa Trung Hải cho đến tận những sa mạc xa xôi phía nam Ai Cập.
Chương 14
Cải Tổ và Nội Chiến
Trong Chương Này
- Sự xung đột gay gắt của các giai cấp La Mã
- Các nhà cải cách và những con người mới
- Các nhà độc tài chiếm lấy quyền lực ra sao
- Tại sao Tam đầu chế ra đời
- Cộng Hòa tan rã thành nội chiến ra sao
Bất cứ khi nào một quốc gia trở nên giàu có và hùng mạnh, thường xảy ra trường hợp người giàu sẽ càng giàu hơn và người nghèo sẽ nghèo hơn. Khi quyền lực và của cải của La Mã tăng trưởng trong thế kỷ thứ hai BC, mọi loại vấn đề thuộc nội chính bắt đầu nổi lên. Vì La Mã không chuẩn bị trước kế hoach cho một Đế chế đang lớn mạnh, không ai thực sự có thời gian để tự hỏi liệu các định chế xưa của nền Cộng Hòa có thể giải quyết trật tự mới hay không.
Khủng Hoảng ở La Mã
Có một sự thay đổi lớn lao trong chính sách La Mã trong thế kỷ thứ hai BC. Hệ thống Cộng Hòa La Mã trước đây được xây dựng quanh một tầng lớp quan lại, như chức vụ chấp chính (xem Chương 3). Người ta nghĩ là hệ thống sẽ hoat động trơn tru, năm này sang năm khác, không có cá nhân nào chiếm ưu thế vượt trội. Nhưng sự tham nhũng và lợi ích riêng dẫn đến nhu cầu phải cải cách, ý kiến này do anh em nhà Gracchi đề xuất.
Chiến dịch cải tổ của họ vấp phải sự thù ghét của kẻ thù, cho thấy hoạt động chính trị ở La Mã cay đắng làm sao. Trong lúc đó, sự xuất hiện của những vị tướng đầy quyền hành, như Marius, thích sử dụng quân đội để thao túng chính trường La Mã cho thấy một khía cạnh khác của hoạt động chính trị thiên về cá nhân và đưa đến những cuộc nội chiến ở thế kỷ đầu tiên BC. Những cuộc chiến giữa các tướng đã kết liễu nền Cộng Hòa.
Cuộc Xung đột Thứ Bậc, chiến tranh giai cấp giữa giới quý tộc và thứ dân, cũng bắt đầu có vẻ như sẽ kéo dài (Chương 10 giải thích cuộc Xung đột Giai cấp khởi phát như thế nào). Giới quý tộc, cuối cùng bao gồm cả những gia đình thứ dân thành đạt, đã thôi không còn độc quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống chính trị, nắm giữ mọi chức vụ cao cấp, không để lại cho thứ dân một thực quyền nào cả. Việc này gây ra căng thẳng gay gắt, khi thứ dân và các đại diện của họ, như anh em nhà Gracchi, đòi hỏi cải tổ từ giới quý tộc nhất mực làm mọi việc để ngăn cản họ.
Quyền hành về tay nhân dân! – Không
Tình trạng náo loạn tăng lên vì nhân dân muốn biết ai sẽ được lợi từ của cải và quyền lực mà La Mã đã chiếm được. Khi lãnh thổ của La Mã lớn rộng, nhiều bộ tộc mới được bổ sung vào thành phần những người được quyền bầu cử mới. Từ 241 BC, dân số được quyền bỏ phiếu của La Mã đã được chia thành 35 bộ tộc. Các công dân còn phải bỏ phiếu thông qua Comitia Centuriata, hội đồng gồm các nam công dân có đủ điều kiện làm nghĩa vụ quân sự, nhưng giờ thì việc đó trở nên vô phương vì có quá nhiều công dân La Mã mới phải đi đến La Mã để bỏ phiếu chỉ vì họ sống quá xa La Mã. Chỉ có những công dân nào sinh sống trong hay kế cận thành phố La Mã mới có thể sử dụng quyền bầu cử của mình.
Mua phiếu bầu
Thêm nữa, chính trị La Mã càng trở nên quá phức tạp đối với hầu hết người La Mã. Chỉ những người có tham vọng chính trị mới có thể sử dụng hệ thống để mưu cầu quyền lực. Xã hội La Mã được dựa trên những cá nhân quyền thế, giàu có được gọi là patrons (ông chủ), bao quanh y là những kẻ bợ đỡ, những nô lệ được giải phóng, các mối làm ăn, gọi là clients (khách hàng) của y. Ông chủ chăm sóc khách hàng của mình bù lại khách hàng phải trung thành với chủ. Điều này khiến cho giới quý tộc dễ dàng thuyết phục các khách hàng bỏ phiếu cho mình, và việc mua phiếu đã trở thành thông lệ. Các quý tộc chỉ việc trả tiền mua phiếu cho khách hàng hoặc, tế nhị hơn, khoản đãi tiệc tùng, giải trí.
Quần chúng La Mã càng ngày càng đông đúc hơn vì dòng người gồm nông dân và tiểu chủ đổ xô đến La Mã. Chiến tranh liên miên cùng đám đông nô lệ bắt được cáng đáng công việc thay họ khiến họ không có việc làm. Tạo công ăn việc làm cho họ và giúp họ an cư lạc nghiệp là một bài toán càng lúc càng cấp bách cho giới quý tộc nếu họ không muốn đám dân đen quẫn bách sẽ làm loạn và gây mất trật tự ở La Mã.
Giới quý tộc trên chóp bu
Kết cục là mọi quyền lực mà giới bình dân đã giành được trong cuộc Xung đột Thứ Bậc dần dần bị giới quý tộc làm xói mòn. Quyền lực của Comitia Centueiata cũng suy yếu. Dù hầu hết các nghị sĩ xuất thân từ các gia đình thứ dân, họ đã trở thành những quý tộc mới. Về lý thuyết, thứ dân nào cũng có thể bước vào Viện Nguyên lão và nắm giữ chức vụ, nhưng trong thực tế, những quý tộc mới đã đóng cánh cửa vào mặt các thứ dân muốn lăm le làm nghị sĩ.
La Mã giờ đây được cai trị bởi các quý tộc cũ và mới. Không ai khác có thể ghé mắt vào. Vào năm 134 BC, 25 gia đình đã khống chế quyền chấp chính trong suốt 75 năm. Mặc dù không cá nhân nào có thể nắm giữ quyền hành chính trị thường trực, tình hình bắt đầu cho thấy vai trò của gia đình lấn lướt cá nhân. Các gia đình quý tộc cố bám víu vào quyền lợi của mình bằng cách gắn kết những ràng buộc chính trị thông qua hôn nhân, và làm mọi thứ có thể để tranh thủ tối đa sự ủng hộ và quyền lực chính trị. Đồng thời, họ tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào tiết lộ đối thủ chính trị của mình đã vi phạm pháp luật để sẵn sàng truy tố.
Kỵ sĩ lên hương
Kết cấu của xã hội La Mã đang thay đổi. Của cải thay thế cho dòng dõi. Vào thế kỷ mười tám, mười chín, các xứ như Hoa Kỳ và Anh, chứng kiến sự lên hương của các gia đình giàu lên nhờ mậu dịch, hơn là nhờ kế thừa những điền trang rộng lớn như các gia đình quý tộc. Những nhà giàu mới này tạo ra một hệ quả đầy kịch tính cho xã hội, và điều đó gần như là những gì đang xảy ra ở La Mã.
Người hưởng lợi chủ yếu là giới kỵ sĩ, nguyên là những công dân La Mã đủ giàu để sắm được một chiến mã ra trận. Vào cuối thời Cộng Hòa, chuyện này đã qua lâu rồi, và các kỵ sĩ đã biến thành một loại quý tộc hạng hai thấp hơn giới nghị sĩ. Giờ thì thật sự có hai hạng: hạng ‘kỵ sĩ tài phiệt’ ở La Mã, đã giàu lên nhờ buôn bán và làm ăn, và hạng kỵ sĩ thuộc về giới quý tộc tỉnh lẻ trong các thành phố ở Ý có vị thế công dân La Mã.
Lấn cấn với đồng minh
Những căng thẳng khác đang âm ỉ. Các đồng minh của La Mã muốn hưởng nhiều quyền lợi hơn như các công dân La Mã được hưởng, như quyền bỏ phiếu và cơ hội được dự phần vào việc thuộc địa hóa những vùng đất bị chinh phục. Suy cho cùng, các đồng minh đã đóng góp nhiều cho thắng lợi của La Mã, đã cung ứng khoảng nửa số quân mà La Mã đã sử dụng trong cuộc chiến ở Tây Ban Nha và Chiến tranh Punic lần ba. Rất thất vọng, vào năm 177 BC, các đồng minh được cho biết họ chỉ được chia số chiến lợi phẩm bằng phân nửa mức mà công dân La Mã được hưởng. Bất mãn trước đối xử xúc phạm của La Mã, các đồng minh càng tỏ ra cáu kỉnh hơn. Vào 173 BC, thành phố Cales kêu gọi người dân thành phố tẩy chay các nhà tắm công cộng khi có một quan chức La Mã đang vào đó.
Câu chuyện người lính
Càng ngày càng có ít người, nhất là người La Mã, muốn đi đánh trận cho La Mã. Thậm chí những nghị sĩ còn chống đối và đi đầu bằng cách tổ chức việc trốn lính cho con trai mình và mua chuộc cho anh ta vào làm việc văn phòng ở phòng tham mưu hành quân để khỏi ra mặt trận. Công tác lãnh đạo quân sự thường là nghèo nàn, thiếu sáng tạo. Cho dù là những vị tướng dạn dày kinh nghiệm như Scipio Africanus và đứa cháu nội nuôi của ông là Scipio Aemilianus đã chiến thắng trong Chiến Punic lần hai và ba theo thứ tự, La Mã vẫn tiếp tục trông cậy vào thể thức cử một quan chấp chính mới làm tướng cầm quân. Chính việc này đã góp phần làm nên thảm họa của Trasimene và Cannae trong Chiến tranh Punic lần hai bởi vì không có hệ thống cử người dựa vào khả năng hay kinh nghiệm.
Theo truyền thống, La Mã trông cậy vào binh lính bán phần. Tuyển ra từ thành phần công dân dựa vào điều kiện tài sản tối thiểu, đã được kiểm tra dân số, những thanh niên này không xuất thân từ những thành phần đã qua huấn luyện quân sự và kỹ luật cam go. Họ chỉ tuyển khi có nhu cầu, và vào thời điểm này, không ai phải phục vụ quân ngũ quá 16 năm. Thường thì vào cuối chiến dịch quân đội sẽ giải tán, không có lý gì phải tạo lập một quân đội kinh nghiệm và duy trì nó khi không sử dụng. Chỉ đến thời kỳ cuối của nền Cộng Hòa và thời Đế chế La Mã mới phát triển một đạo quân chuyên nghiệp (giải thích ở Chương 5).
Hệ thống binh lính bán phần này hoạt động hiệu quả trong quá khứ, nhưng nó không thuận lợi cho những chiến dịch dài hạn ở nước ngoài vì có thể huy động đến 100,000 người mỗi năm. Hầu hết các binh lính La Mã là nông dân. Đem họ khỏi đồng ruộng và gia đình của họ nhiều năm liền có khi hủy hoại, không chỉ y và gia quyến y, mà còn cho nền kinh tế La Mã, vì thế không có gì ngạc nhiên khi có một số người đào ngũ.
Trong nỗ lực làm gia tăng quân số, điều kiện tài sản tối thiểu được hạ thấp thê thảm. Nhưng trong thực tế, việc làm đó hình như có ít tác dụng trong việc cải thiện tình hình. La Mã không làm gì cả để xây dựng một quân đội được huấn luyện tốt, nhiều kinh nghiệm, và luôn ứng chiến. Thay vào đó, La Mã tiếp tục huy động những đội quân mới non nớt khi cần thiết và trông cậy vào các đồng minh của mình hổ trợ quân số và cũng vào tài nguyên khổng lồ để ra đòn tới tấp cho đến khi kẻ thù kiệt sức. Nhưng khi quyền lực và ảnh hưởng của La Mã lớn mạnh, dễ thấy là việc này không thể tiếp tục. Nhưng chỉ cho đến khi Gaius Marius bước vào sân khấu thì một quân đội La Mã chính quy mới được tổ chức, thiết lập nền móng cho quân đội của Đế chế, nhưng rồi chính việc này cũng đem lại hiểm họa cho nó, như các bạn sẽ thấy.
Thân phận nô lệ
Nô lệ là thành phần thấp nhất trong xã hội La Mã, và các cuộc chiến đã mang về cho La Mã thêm hàng ngàn nô lệ nữa. Những nô lệ này làm việc quần quật trên các cơ ngơi của giới quý tộc và trong thành phố.
Xét về mặt tích cực, sử dụng nô lệ trên đồng ruộng sẽ bù lại số thiếu hụt nông dân do phải ra trận. Về mặt tiêu cực, điều này có nghĩa các nông dân về nhà sau chiến tranh bổng thấy mình không có việc làm trên đồng ruộng. Tình cảnh này đặc biệt bi thảm nếu những nông dân này vốn lâm vào cảnh nở nần khi xa nhà. Thêm vào đó, sự đầu cơ đất đai của giới quý tộc để mở rộng cơ ngơi của mình, càng khiến nhu cầu nô lệ gia tăng, và càng đẩy những người tự do ra khỏi đất đai.
Trong xã hội La Mã, có sự khác biệt giữa một ‘người tự do’ và một ‘người được trả tự do’. Người tự do là người như anh và tôi. Người được trả tự do, trái lại, là người trước đây là nô lệ.
Nô lệ trở nên thiết yếu đối với nền kinh tế La Mã, nhưng khi số nô lệ gia tăng, người La Mã lại đâm ra sợ viễn cảnh người nô lệ nổi dậy. Đồng thời, những người tự do bị bắt buộc rời khỏi ruộng đồng để nhường cho những cơ ngơi hoành tráng này càng ngày càng trở nên bất mãn.
Nhà Gracchus bước vào
Anh em nhà Gracchus, Tiberius và Gaius, ra đời với một phả hệ hoàn hảo. Mẹ họ Cornelia là con gái của Scipio Africanus, anh hùng của Chiến tranh Punic lần hai. Cha họ, Titus Sempronius Gracchus, đã từng là một trong những tư lệnh thành công hơn ở Tây Ban Nha. Tiberius Gracchus đã chiến đấu xuất sắc trong Chiến tranh Punic lần ba và leo lên nấc thang xã hội khi cưới Claudia, con gái của Appius Claudius Pulcher, người đã từng là Nghị sĩ trong năm 143 BC. Lạ lùng thay, Tiberius và Gaius Graccus đã tìm cách cải tổ chính cái hệ thống đã làm nên quyền lực của chính mình và gia đình mình.
Tiberius và Gaius Gracchus ra sức thông qua đạo luật làm gia tăng quyền lợi của công dân La Mã và đem đến nhiều công bằng hơn trong việc phân phối đất đai, nhưng cả hai đều bổng thấy mình đang chống lại tính tư lợi của Viện Nguyên lão và giới quý tộc, sử dụng những thủ đoạn lén lút để phá hỏng chúng. Cho dù những cải cách của anh em Gracchi thất bại, họ đã tạo nên tiếng tăm cho mình, và cái chết đột ngột của họ đã biến họ thành thánh tử đạo được yêu quí.
Tiberius Sempronius Gracchus
Không ai biết điều gì đã biến Tiberius Gracchus, một người sinh ra trong đặc quyền và giàu sang, thành một nhà cải cách xã hội. Nhưng trong thời gian ở Tây Ban Nha, ông đã nhận thấy quân đội La Mã không gan góc như đã từng và cũng chứng kiến tình cảnh người nông dân và thợ làm vườn bị lực lượng lao động nô lệ thay thế. Tiberius cũng đã từng lo lắng khi biết tin cuộc nổi dậy của quần chúng nô lệ đã bùng nổ ở Sicily vào 135 BC, do bị chủ đối xử quá tàn tệ. Cuộc nổi dậy khởi phát từ một nông trại, chẳng bao lâu hơn 70,000 nô lệ đã đứng lên, tàn sát các người chủ và dẫn đến cuộc nổi dậy nhỏ khác ở Ý. Phải cần đến một quân đoàn La Mã cho đến 132 BC mới đè bẹp cuộc nổi dậy của nô lệ ở Sicily.
Tiberius Gracchus chắc hẳn rút ra kết luận là lực lượng làm nông của Ý, vốn là xương sống của quân đội, cần được hổ trợ thêm những đặc quyền để La Mã có nguồn quân lực lớn hơn và tốt hơn cho chiến tranh, không phải lệ thuộc quá nhiều vào nô lệ làm nông nghiệp, với mối hiểm họa nổi loạn tiềm tàng. Ông cũng nhận ra rằng một hệ thống trong đó giới quý tộc kiểm soát qua nhiều của cải sẽ dễ đưa đến sự bất ổn dân sự nếu có điều gì đó không được thực thi.
Đề nghị những cải cách ruộng đất
Năm 133 BC, Tiberius Gracchus được bầu làm Hộ Dân Quan Thứ Dân (xem lại Chương 3 về chức vụ quan trọng này). Là một hộ dân quan, ông cố đưa vào một đạo luật phân phối đất công chiếm được từ Chiến tranh Punic lần hai một cách công bằng hơn nhằm khuyến khích các công dân tự do canh tác ruộng đất hơn là để cho bọn nô lệ (điều này không hoàn toàn là một ý tưởng mới mẻ; cha vợ ông Appius Claudius Pulcher cũng đã đề nghị việc này). Tiberius Gracchus đề nghị những chủ đất lớn nên được bồi thường khi phần đất của họ được chia thành những mảnh ruộng nhỏ cho nông dân.
Vì đây chẳng khác nào là một cái tát đánh vào mặt các nghị sĩ đang trục lợi từ đất đai hàng thập niên qua, nên không có gì ngạc nhiên nhiều khi Viện Nguyên lão từ chối tài trợ cho ủy ban thực hiện việc cải cách. Nhưng may nhờ Attalus III xứ Pergamon vào năm 133 BC đã để lại vương quốc của mình cho người La Mã (xem lại Chương 13), Tiberius đưa vào dự luật chiếm hữu các quỹ này cho ủy ban bắt tay vào việc.
Một đạo luật xưa của La Mã qui định rằng không có người La Mã nào có thể sở hữu hơn 500 mẫu đất. Trong nhiều thế hệ không ai chú ý đến điều này, nhưng Tiberius Gracchus muốn phục hồi lại đạo luật đó để dân chúng có thể hưởng lợi. Các nghị sĩ có điền trang cò bay thẳng cánh hoảng sợ.
Cuộc chiến phủ quyết, luật đất mới, và quan tâm gia tăng
Các quý tộc, bực tức vì các đề nghị cải cách của Tiberius Gracchus, chuẩn bị hạ ông ta. Họ có Hộ dân quan khác, Marcus Octavius, đứng về phía mình, và ông này phủ quyết dự luật của Tiberius Gracchus. Một cuộc chiến về quyền phủ quyết bùng nổ. Tiberius Gracchus phủ quyết tất cả dự luật khác đang chờ thông qua lúc đó. Cả Tiberius Gracchus và Marcus Octavius đều quyết không chịu thua.
Cuối cùng Tiberius Gracchus bảo Marcus Octavius nếu ông ta không ngưng phủ quyết thứ dân sẽ ném ông ra khỏi cửa quan. Marcus Octavius từ chối, vì thế ông ta bị cách chức sau phiếu bầu của hội đồng thứ dân. Luật đất mới được thông qua, nhưng có mối quan tâm sâu sắc đến sự kiện Tiberius Gracchus đã vi phạm luật khi tống cổ Octavius ra ngoài.
Năm 132 BC, Tiberius Gracchus ứng cử chức Hộ dân quan lần nữa, để bảo vệ cho mình và luật mới của mình. Ông hi vọng vì công việc của hộ dân quan là bất khả xâm phạm. Chiến thuật này vừa thiếu tế nhị vừa trên lằn ranh vi phạm pháp luật (một đạo luật năm 180 BC không cho phép nắm giữ cùng một chức quan hai năm liên tiếp, mặc dù người ta không rõ luật có áp dụng cho chức hộ dân quan hay không) __ chắc chắn đó là một cách hành xử tồi, và Tiberius Gracchus mất nhiều người ủng hộ. Một cuộc cãi vã nổi lên trong các buổi họp bầu cử. Một đám nghị sĩ mất bình tĩnh và, trong cơn thịnh nộ, đã đập chết Tiberius Gracchus và 300 nghị sĩ ủng hộ ông. Một sự kiện quá đáng cho nền pháp trị ở La Mã. Viện Nguyên lão tiếp tục sử dụng luật để truy tố những người ủng hộ còn lại của Tiberius Gracchus, mặc dù trong thực tế việc đó còn hơn việc đi săn bắt phù thủy.
Tiếp tục chương trình cải cách của Gracchus: Scipio Aemilianus và Marcus Fulvius Flaccus
Với tư cách một nghị sĩ, Publius Cornelius Scipio Aemillianus tố cáo Tiberius Gracchus vì những hành động đáng ngờ của ông. Nhưng Scipio Aemilianus, tư lệnh vĩ đại trong Chiến tranh Punic lần ba, người đã tàn phá Carthage và Numantia ở Tây Ban Nha (xem Chương 13), biết là La Mã mang nợ đối với các binh lính Ý và Latinh nhiều lắm. Scipio Aemilianus quyết định nâng cao phúc lợi của các binh sĩ, điều làm dân chúng La Mã nổi cáu. Một cách bí ẩn, Scipio Aemilianus được phát giát đã chết. Chắc chắn đó là một cái chết tự nhiên, nhưng tình hình đang nóng lên khiến người ta rầm rì về một vụ ám toán. Và kẻ tình nghi nhất là Sempronia, vợ của Scipio Aemillianus và là em gái của Tiberius Gracchus.
Marcus Fulvius Flaccus, quan chấp chính năm 134 BC, tiếp tục đề nghị của Scipio Aemilianus cho phép các đồng minh làm công dân La Mã, nếu họ muốn. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với các nghị sĩ chỉ muốn người bỏ phiếu sống ở La Mã để họ có thể mua chuộc và thao túng. Đề nghị tạm thời gác lại vô hạn định là một cơ hội bị bỏ lỡ và bắt đầu đếm giờ cho một quả bom nổ chậm sẽ phát nổ vào 90 BC.
Gaius Gracchus
Gaius Gracchus, người vào năm 123 BC trở thành Hộ dân quan Thứ dân, tiếp nối cải cách của anh mình và trở thành một trong những nhân vật chính trị trọng yếu nhất trong lịch sử La Mã. Ông có tài ăn nói. Không giống như anh mình Tiberius, Gaius Gracchus là người nhiêt thành, nhưng ông biết rõ những gì mình đang làm, biết giữ bình tĩnh, và tránh hành động nông nổi. Nếu Gaius Gracchus quá căng thẳng, một người nô lệ sẽ làm ông hạ nhiệt bằng cách thổi sáo cho ông nghe.
Cải cách được giám sát
Là một Hộ dân quan của thứ dân, Gaius Gracchus đem lại những cải cách kinh tế và xã hội, bao gồm:
- Cải cách ruộng đất: Gaius Gracchus xúc tiến những cải cách ruộng đất do Tiberius đề xướng và bố trí những cung đường mới cần xây dựng để sản phẩm có thể chuyển vận và bán đi dễ dàng hơn.
- Các thuộc địa mới: Gaius Gracchus lập ra những thuộc địa mới để thúc đẩy nền kỹ nghệ ở Ý.
- Cải cách nông nghiệp: Gaius Gracchus tái tổ chức nguồn cung cấp bắp cho La Mã để ngăn cản sự khan hiếm hoặc dư thừa bằng cách sắp xếp lại các kho dự trữ, định ra tiêu chuẩn lương thực cho mỗi người, và điều chỉnh giá cả.
- Cải cách pháp luật: Gaius Gracchus qui định rằng các công dân La Mã không thể bị hành quyết trước dân chúng La Mã mà không được xét xử.
Gaius Gracchus cũng thách thức sự lạm dụng pháp luật, như các nghị sĩ từng làm đối với các bồi thẩm đoàn để họ tha bổng những nghị sĩ quen biết với họ vốn bị truy tố tội tống tiền khi làm thống đốc các tỉnh lị. Luật mới của Gaius Gracchus chuyển quyền kiểm soát các bồi thẩm đoàn vào tay các kỵ sĩ, việc mọi người lý giải như là một sỉ nhục cho Viện Nguyên lão. Các nghị sĩ không còn có thể kiểm soát và bóc lột các thống đốc tỉnh lỵ. Gaius Gracchus cũng nâng cao phúc lợi cho giới kỵ sĩ bằng cách giao cho các viên chức thu thuế thuộc giới kỵ sĩ trách nhiệm thu ngân sách các tỉnh lỵ mới chiếm được của châu Á. Bằng cách giao quá nhiều quyền hành cho giới kỵ sĩ, Gaius Gracchus cũng nhận được sự ủng hộ của họ.
Gaius Gracchus rớt đài
Vào 122 BC, Gaius Gracchus được bầu lại làm hộ dân quan nhưng không gặp lộn xộn như anh mình. Rất khôn khéo, Gaius Gracchus không thực sự ứng cử, nhưng dân chúng vẫn bầu cho ông. Gaius Gracchus đề nghị xây dựng thuộc địa La Mã đầu tiên phía bên kia biển gần địa điểm thành Carthage xưa kia. Ông cũng đưa ra trở lại yêu cầu cho các đồng minh Latinh được hưởng quyền công dân đầy đủ và các đồng minh còn lại được hưởng tư cách Latinh. Nhưng một hộ dân quan đối thủ có tên Marcus Livius Drusus, được sự chống lưng của Viện Nguyên lão, phủ quyết đề nghị của Gaius Gracchus và đưa ra một gói cải cách còn hấp dẫn hơn nữa. Nó bao gồm 12 khu định cư mới ở Ý, mở cửa ngay cả đối với những người nghèo nhất, và cũng miễn cho người Latinh tội hành quyết hay đánh roi do các chỉ huy quân sự La Mã thi hành.
Dự luật của Livius Drusus được thông qua, mặc dù không có điều khoản nào được thực hiện; mục đích duy nhất của chúng chỉ là để làm mất uy tín của Gaius Gracchus, vốn đang trên đà suy giảm; một phần do tin đồn nhảm đang lan truyền là khu thuộc địa mới của ông ở gần thành Carthage đã được dựng lên trên một địa điểm bị ‘nguyền rủa’ của thành phố cũ Carthage vừa bị tàn phá vào cuối Chiến tranh Punic lần ba vào 146 BC. Vào 121 BC, Gaius Gracchus cố vào hộ dân quan nhiệm kỳ ba, nhưng thất bại.
Viện Nguyên lão bảo một trong các hộ dân quan mới, Marcus Minucius Rufus, đề nghị hủy bỏ dự luật xây thuộc địa mới ở Phi châu. Một trong những lý do là Viện Nguyên lão sợ là có ngày một thuộc địa của La Mã có thể trở nên hùng mạnh hơn cả La Mã. Suy cho cùng, thành Carthage xưa kia bây giờ chỉ được xem như là một thuộc địa của thành phố Tyre ở Phoenicia (gần Lebanom hiện giờ) và đã hoàn toàn không còn che mờ thành phố mẹ của nó như xưa nữa.
Các đối thủ của Gaius Gracchus trong Viện Nguyên lão có một thủ lĩnh mới là Lucius Opimius, một người căm ghét mọi thứ mà Gaius Gracchus xiển dương, và họ tìm cách cho y được bầu làm Quan Chấp Chính. Lucius Opimius và đồng bọn ngay lập tức liền bắt đầu thu hồi các đạo luật Gaius Gracchus đưa ra. Vì thế Gaius Gracchus huy động đám bạn bè cố gắng ngăn cản Opimius phong tỏa thuộc địa mới của ông bằng cách tụ tập trước điện Capitol để phản đối bằng vũ lực, nhưng một cuộc chiến bùng nổ giữa các phe, và một người thuộc cánh Gaius Gracchus đã giết một tùy tùng của Opimius. Sự kiện này tạo cơ hội cho Opimius tố cáo Gaius Gracchus là kẻ thù của nhà nước, treo giải thưởng cho ai bắt được ông ta và thuyết phục Viện Nguyên lão thông qua nghị quyết có tên Senatus Consultum Ultimum (‘Sắc lệnh tối khẩn của Viện Nguyên lão’).
Sắc lệnh qui định rằng, khi gặp một tình thế khẩn cấp, Viện Nguyên lão phải ủng hộ quan chức đưa ra hành động chống lại kẻ thù nhà nước. Điều này có nghĩa các quan chấp chính có thể loại trừ Gaius Gracchus với cái cớ họ đang bảo vệ nhà nước, và, tất nhiên, các quan chấp chính sẽ tự động được sự ủng hộ của Viện Nguyên lão.
Trong những cuộc nổi loạn xảy ra sau đó, hàng trăm người ủng hộ Gaius Gracchus bị giết chết. Chính Gaius Gracchus phải ra lệnh cho một nô lệ của ông tên Philocrates giết mình, mặc dù một kịch bản khác cho rằng cả hai đều bị quân nổi loạn bắt và giết chết.
Mỉa mai thay, 121 BC, năm Gaius Gracchus mất, cũng được tưởng nhớ như là năm ra đời một loại vang tuyệt hảo. Mùa hè năm 121 BC đặc biệt nóng và nhiều nắng, đem lại một mùa vàng cho cây nho. Hai thế kỷ sau người ta còn uống thứ rượu được sản xuất vào năm đó và không tiếc lời ca ngợi.
Hậu Gaius Gracchus
Giờ không có Gaius Gracchus cản đường, Viện Nguyên lão có thể làm nhiều ít gì tùy thích. Viện Nguyên lão có thể yêu cầu giải quyết theo sắc lệnh Senatus Consultum Ultimum mới bất kỳ khi nào cần đến. Rất khôn khéo, Viện Nguyên lão cho phép hầu hết các cải cách của anh em nhà Gracchus được tiến hành, biết rằng sự chống đối nào cũng sẽ làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của nhân dân.
Sau khi anh em nhà Gracchus đi rồi, những ngày tháng mà nhân dân có thể cải cách La Mã thông qua hộ dân quan của mình đã qua rồi. Các chính trị gia giờ chia làm hai phe, không phải là những đảng chính trị như chúng ta vẫn hiểu, mà đúng hơn là những lề lối suy nghĩ khác nhau:
- Phe Optimates (‘Những Người Tốt Nhất’): Họ là những thủ lĩnh chính trị theo đuổi tham vọng của mình qua Viện Nguyên lão và tự đề cao mình ưu việt về mặt đạo đức và xã hội dựa vào dòng dõi.
- Phe Populares (‘Những Người của Nhân Dân’): Họ là những thủ lĩnh chính trị hoạt động qua nhân dân và các hộ dân quan và tự nhận mình là người bảo vệ quyền tự do của nhân dân khỏi các hành động của phe Optimates.
Nhân diện của phe Optimates và Populares dễ dàng bị làm lu mờ. Chẳng hạn, một nhà quý tộc khởi đầu sự nghiệp chính trị như một hộ dân quan của thứ dân và sử dụng các kỹ thuật của phe Populares như hứa hẹn đất đai và bầu thuận cho việc cải cách. Cuối cùng, việc này giúp giới quý tộc, trong đó có hoàng đế, giữ được quyền kiểm soát.
Marius Con Người Mới __ và Tình Hình Càng Bất An
Gaius Marius (157-86 BC) đã tham chiến tại Numantia ở Tây Ban Nha. Với sự ủng hộ của gia đình Metelli, một trong những gia đình nghị sĩ chóp bu ở La Mã, Gaius Marius đến La Mã để thử thời vận trong hoạt động chính trị như một novus homo (‘con người mới’). Con người mới là người có thể tạo được quyền lực, không bằng tài sản hoặc dòng dõi, mà bằng năng lực. Là một ‘con người mới’, Gaius Marius sẽ trở thành tư lệnh quân sự quan trọng nhất của thế kỷ thứ hai BC.
Marius leo lên đỉnh cao quyền lực chỉ bằng tài năng cự phách của mình. Marius đến từ một thị trấn có tên Arpinum, đông nam La Mã, như một con người mới kiệt xuất khác, nhà hùng biện Cicero, sinh năm 106 BC. Cả hai cuối cùng trở thành quan chấp chính và tạo được dấu ấn vĩnh viễn trong lịch sử La Mã. Mặc dù cả hai đều xuất thân từ gia thế giàu có, họ không thể trông cậy vào mạng lưới những thành viên ủng hộ của các gia đình quý tộc xưa và phải cố gắng nhiều hơn để tiến thân. Những con người tự lập tận tụy và nhiều tham vọng này sẽ tạo nên dáng vẻ của sự kiện sắp đến.
Tham gia vào cuộc chiến Jugurthine
Numidia của Masinissa trở về để ám ảnh La Mã. Chính là do sự vận dụng khéo léo tâm lý hoảng sợ Carthage quá đáng của La Mã đã dẫn đến Chiến tranh Punic lần ba (xem Chương 13). Vào 118 BC, Masinissa đã mất từ lâu, và con trai ông Micipsa cũng vậy. Micipsa để lại Numidia cho hai con trai ruột và một con trai nuôi thứ ba tên là Jugurtha. Jugurtha giết một trong hai anh mình và thách đố tất cả những nổ lực của La Mã nhằm hòa giải giữa ông và anh trai còn sống.
Vì thế vào 111 BC, La Mã bắt đầu cuộc chiến chống Jugurtha. Cuộc chiến không được trơn tru, đó là một tin xấu cho giới quý tộc, nhất là trong mắt của quần chúng La Mã __bởi vì một số nghị sĩ cũng bị kết án tội tham nhũng và nhận hối lộ. Trong 109 BC, Quintus Caecilius Metelus, một thành viên của gia đình Caecilii Metelli rất có thế lực mà những thành viên của họ giữ nhiều chức vụ chấp chính và chỉ huy quân đội, nắm quyền chỉ huy cuộc chiến chống Jugurtha. Ông ta xiết chặc tính kỷ luật trong quân đoàn, nhưng quần chúng La Mã không mấy ấn tượng vì tiến độ chậm chạp của trận chiến.
Gaius Marius, đang ở Phi châu với Quintus Caecilius Metellus, nắm ngay cơ hội của mình. Ông vội vã về La Mã, tuyên bố là Metellus cố tình kéo dài cuộc chiến vì vinh quang của riêng mình.
Marius, lợi dụng sự thất vọng của dân chúng La Mã về cách thức tiến hành chiến tranh đến giờ vẫn còn dây dưa, công kích Caecilius Metellus gay gắt. Bằng cách tự tiến cử mình là người thay thế thích hợp, Marius xoay sở để được bầu làm Quan Chấp Chính vào 107 BC, do đó đủ điều kiện làm Tư lệnh ở Phi châu, thay thế Caecilius Metellus.
Để cải tổ quân đội, Marius mang theo quân tình nguyện, thay vì những binh sĩ bị cưỡng bách nghĩa vụ. Ông huấn luyện những đạo quân mới và tiến hành một chuỗi chiến dịch thành công xuất sắc chống Jugurtha, bắt Jugurtha đem về La Mã vào 104 BC để hành hình. Marius trở nên cực kỳ nổi tiếng __ điều không có gì ngạc nhiên __ và thắng lợi quân sự của ông dẫn đến những kết quả quan trọng cho chính tình La Mã.
‘Người Phương Bắc’ tiến công
Ngay khi Marius trở về La Mã, ông lập tức được chỉ định huấn luyện và chỉ huy một đạo quân khác để ngăn chận một cuộc xâm chiếm từ các bộ tộc ở phương bắc. Các bộ tộc Cimbri và Teutones, được biết chung dưới tên ‘bọn Bắc’, gieo khiếp đảm dân chúng La Mã. Để trấn an lòng dân, Marius được bầu là Quan Chấp chính năm lần một cách bất hợp lệ giữa những năm 104-100 BC (luật qui định hai lần giữ chức chấp chính phải cách nhau mười năm). Marius cuối cùng là người đầu tiên được làm chấp chính bảy lần. Vào năm 102 và 101, ông đánh tan mối đe dọa phương bắc và càng thêm lừng lẫy tiếng tăm.
Đè bẹp một cuộc nổi dậy của nô lệ ở Sicily
Sau đó Marius còn đè bẹp một cuộc nổi dậy của nô lệ ở Sicily. Nhiều người nô lệ ở đó đã là người tự do, bị hải tặc bắt cóc và bán làm nô lệ La Mã. Vào năm 104 BC, Viện Nguyên lão ban lệnh giải phóng tự do cho những người bị bắt cóc, nhưng những ông chủ cương quyết không chịu mất lực lượng lao động vốn mình đã mua rất đắt tiền. Các chủ nô lệ, được thống đốc Sicily cầm đầu, ngăn cản lệnh của Viện Nguyên lão được thi hành, vì thế vào năm 103 BC, người bị bắt cóc tìm cách tẩu thoát và bắt đầu nổi dậy, khuyến khích các nô lệ khác vùng lên nhập bọn. Chỉ đến khi đoàn quân của Marius được đưa đến vào 101 BC cuộc nổi dậy mới bị đè bẹp.
Marius lúc suy thời
Dù giành được nhiều chiến công, Marius hoàn toàn thất bại khi muốn dựa vào vị thế chấp chính của mình để cải cách nhà nước La Mã. Quan tâm hơn đến quyền lợi của binh lính mình, ông giao mọi việc cải cách đất đai cho một hộ dân quan tên Lucius Appulelus Saturninus. Hai người dàn xếp để Caecilius Metellus là nghị sĩ duy nhất chống đối cải cách rồi cưỡng chế y vào chốn lưu đày.
Saturninus đã được cử chức quản lý nguồn cung cấp lúa gạo cho La Mã vào năm 105 BC. Đây là chức vụ thuận lợi cho ai có tham vọng vì nếu làm tốt nhiệm vụ này y sẽ kiếm được nhiều phiếu hơn. Nhưng Saturninus bị cách chức khi giá gạo tăng lên do khan hiếm mà cuộc nổi dậy nô lệ ở Sicily gây ra. Saturnninus coi việc này là một sỉ nhục cá nhân và thêm căm thù bọn quý tộc. Ông xoay sở để được bầu làm hộ dân quan vào 103 BC và sử dụng chức vị để khuấy lên yêu sách cải cách.
Trước tiên, Saturninus trở thành bạn thân với Marius. Saturninus lôi kéo được sự ủng hộ của dân chúng bằng cách đưa vào hệ thống bán gạo trợ cấp giá và sắp xếp việc giao đất cho các cựu quân nhân của Marius. Saturninus thuê bọn côn đồ hành hung bất kỳ ai chỉ trích mình và tìm mọi cách để được bầu lại làm hộ dân quan bằng cách cho giết đối thủ của mình.
Rủi cho Marius, kế sách của Saturninus dành cho các cựu quân nhân Marius, các đồng minh Latinh và Ý đã từng đánh giặc cho Marius, khiến quần chúng La Mã quay ra chống Saturninus. Một cuộc náo loạn bùng nổ ở Quảng trường La Mã giữa phe ủng hộ Saturninus và quần chúng La Mã. Saturninus thắng, nhưng ông lại tổ chức âm mưu ám sát một đối thủ chính trị khác tên Memmius.
Marius quyết định thế là đủ. Viện Nguyên lão yêu cầu Marius sử dụng quyền lực Chấp chính của mình để bảo vệ nhà nước chống lại Saturninus. Saturninus bị bao vây trên Đồi Capitoline, và một đám đông xông vào và giết ông. Marius giờ lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông đã mất đi sự ủng hộ của phe Populares của Saturninus, nhưng vì Marius cũng không thể để Caecilius Metellus từ chốn lưu đày trở về, Marius mất chỗ đứng với phe Optimates.
Viện Nguyên lão lật đổ tất cả những dự luật của Saturninus mang đến phúc lợi cho cựu quân nhân của Marius. Hành động của Viện Nguyên lão tạo ra một hố ngăn cách giữa quân đội và Viện Nguyên lão. Từ giờ trở đi, binh lính sẽ nhìn vào các tướng lãnh của họ chứ không hướng về nhà nước La Mã cho sự ổn định cuộc sống về sau của mình.
Metellus được phép trở về nhà từ chốn lưu đày, còn Marius phải bỏ đi châu Á. Marius là một thiên tài quân sự và một tư lệnh xuất sắc, nhưng ông không có đầu óc chính trị. Nhưng Marius vẫn còn lâu mới gác kiếm, dù ông đã làm điêu đứng cho biết bao nhiêu người.
Đánh nhau với bạn bè:
Cuộc Chiến Đồng Minh (90-88 BC)
Từ chỉ một đồng minh trong tiếng Latinh là socius (các đồng minh: socii); tên này được gán cho cuộc xung đột giờ đây đang bùng phát: Cuộc Chiến Đồng Minh. Cuộc xung đột đe dọa đến sự tồn vong của La Mã __ và là khủng hoảng trầm trọng nhất mà La Mã phải đương đầu kể từ trận chiến với Hannibal hơn một thế kỷ trước đây.
Làm đồng minh sững sờ
Khi Viện Nguyên lão hủy bỏ các đạo luật cải cách của Saturninus, các đồng minh Ý của La Mã bất mãn một cách cay đắng. Các đồng minh đã đóng nhiều cho những cuộc chiến gần đây, và họ cảm thấy bị ngược đãi sâu xa khi bị loại ra không được hưởng đầy đủ quyền công dân La Mã. Các người Ý trước đây đã tụ tập về La Mã để ủng hộ Saturninus giờ có vẻ như đang là mối họa lớn. Sự bất mãn tăng cao trong đám người Ý, và chẳng bao lâu nó sẽ nổ tung.
Marcus Livius Drusus, Hộ dân quan Thứ dân năm 91 BC, bắt đầu đá quả bóng cải cách lăn đi lần nữa. Ông được sự ủng hộ của Viện Nguyên lão, đang kỳ vọng ông ta sẽ kềm hãm quyền lực chính trị của giới kỵ sĩ. Chương trình hành động như sau:
- Drusus sẽ khôi phục quyền kiểm soát tòa án cho Viện Nguyên lão và, bù lại, 300 kỵ sĩ chóp bu sẽ được phong làm nghị sĩ.
- Trong biện pháp mạnh dạn nhất, Drusus cho các đồng minh Ý quyền bỏ phiếu đầy đủ như công dân La Mã. Ông làm việc này vì biết rằng đó là điều không thể tránh khỏi, và Drusus muốn chắc chắn là nó được thi hành theo đúng điều kiện của Viện Nguyên lão.
Viện Nguyên lão, giới kỵ sĩ, và quần chúng La Mã cùng hợp tác chống đối cải cách của Drusus một cách toàn diện. Drusus hoảng sợ hơn khi các thành phố của đồng minh bắt đầu tổ chức ‘các ủy ban hành động’, và càng hoảng sợ hơn khi biết tin có một âm mưu ám sát Quan Chấp chính Lucius Marcius Philippus, một đối thủ chính của ông. Drusus liền cảnh báo Philippus, nhưng thái độ quân tử của ông chỉ đem lại vận xấu cho ông. Philippus vất bỏ mọi cải cách trước đây của Drusus và cho người ám sát Drusus.
Các đồng minh liên can đến Cuộc chiến Đồng minh xảy ra sau đó chủ yếu từ những sắc tộc miền núi và chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số đồng minh của La Mã __ nhưng họ là những chiến binh cừ khôi. Những đồng minh này tổ chức một liên hiệp. Vì các đồng minh này đã được huấn luyện tác chiến và rèn luyện tính kỷ luật theo cách La Mã, nên liên hiệp này sẽ là một hiểm họa chết người.
Mở rộng quyền bầu cử và kết thúc chiến tranh
Bị bất ngờ không kịp phòng thủ, quân La Mã gặp bất lợi khi Cuộc Chiến Đồng Minh bắt đầu. Dù tung một đội quân đông đảo ra chiến trường, vào cuối 90 BC, người La Mã quyết định phải dẹp tắt cuộc nổi loạm đang lan tràn. Do đó, họ ban quyền bầu cử đầy đủ __ tức là, quyền công dân La Mã __ cho các đồng minh trung thành và đến các đồng minh nào không tham gia gây chiến. Động thái này có kết quả được mong mỏi. (Một trong những tư lệnh của La Mã, Lucius Cornelius Sulla, cũng góp phần lớn trong việc kết thúc chiến tranh vào năm 88 BC bằng cuộc quyết đấu không khoan nhượng, xem mục tiếp theo). Cuối cùng, chiến tranh được cho biết là đã làm tổn hao hơn 300,000 thanh niên Ý.
Kết cục là La Mã vẫn còn sống sót sau Cuộc Chiến Đồng Minh, có điều mỉa mai là phải cần có xung đột mới đem lại quyền dân cử mở rộng vốn đã là nguồn gốc của bất mãn và bạo lực ở La Mã trong nhiều thập niên. Nếu những gì Gaius Gracchus và Drusus yêu cầu trước đây được toại nguyện, chiến tranh đã có thể tránh khỏi.
Kết quả của Cuộc Chiến Đồng Minh là các đồng minh được hưởng quyền bầu cử, La Mã giờ đây lại càng hùng mạnh thêm. Nhưng chó dữ của chiến tranh đã bị thả rong. Cũng các quân đoàn trước đây được tạo ra để chiến đấu và đem lại hòa bình thì chẳng bao lâu nữa sẽ xé nát nền Cộng Hoà.
Những điều không thể nghĩ bàn: Một người La Mã lại đánh chiếm La Mã __ Sulla (88 BC)
Lucius Cornelius Sulla (138-78 BC) có biệt danh: Felix (‘May Mắn’), vì y quả là may mắn. Nhưng y cũng ô danh trong lịch sử như một con người đê tiện nhất của La Mã (xem Chương 24). Vì ông có chiến tích lẫy lừng trong Cuộc Chiến Đồng Minh, Sulla ở trong một tư thế hoàn hảo để lợi dụng sự thiếu xót kỹ năng chính trị của Marius.
Chiếm La Mã và hòa giải với Mithridates
Mithridates VI, Vua xứ Pontus, với không mấy khó khăn, đã chiếm một phần lớn Tiểu Á và Hy lạp, các dân bản địa nhất trí rằng sự cai trị của Mithridates dễ chịu hơn của La Mã vốn có tính tham lam và hay bắt nạt. Sulla được trao quyền chỉ huy quân đội chinh phạt Mithridates, nhưng Marius muốn lãnh công việc này. Hộ dân quan Sulpicius chuyển quyền chỉ huy cho Marius, nghĩ rằng mình có thể lợi dụng sự ủng hộ của Marius đối với công cuộc cải cách của mình. Sulla nhượng bộ, nhưng khi nhận ra rằng quân đoàn vẫn muốn có ông, Sulla quyết định chơi một canh bạc lớn và hành quân đến La Mã.
Vào 88 BC, Sulla tiến quân vào La Mã, chiếm lấy thành phố __ một hành động bất hợp pháp và vô cùng đáng tiếc, vì nó mà ông mãi mãi được nhớ đến như một tên tội phạm. Thậm chí các sĩ quan thân cận cũng bỏ ngũ vì chán ghét. Sulla cho người giết chết Sulpicius, và Marius sau đó phải trốn tránh với các cựu chiến binh của mình. Sulla cưỡng chế ra những sắc luật mới, sử dụng vũ lực của quân đội để trấn áp mọi sự chống đối. Hột xúc xắc đã được gieo cho hậu vận La Mã: Những con người tham vọng và quân đội của y sẽ kiểm soát chính sự La Mã cho nhiều thập kỷ sắp tới.
Sulla rời La Mã, phớt lờ lệnh triệu tập xét xử, và lên đường chinh phạt Mithridates. Vào 87 BC, Quan Chấp chính Lucius Cornelius Cinna cố gắng bắt tay lật ngược bộ luật mới ban hành của Sulla. Ông bị trục xuất khỏi La Mã bởi một bạn đồng liêu, Quan Chấp chính Gnaeus Octavius, và ông này tự dựng cho mình làm người cai trị duy nhất. Vì thế Cinna tập hợp một quân đoàn gồm binh lính La Mã cùng các đồng minh, và Marius, người vừa trở lại Ý cũng gia nhập. Họ hành quân đến La Mã __ tin tức xấu cho Sulla, người hiển nhiên cũng muốn trở lại một cách vô vọng. Sulla bắt Mithridates làm hòa với La Mã, phớt lờ việc Mithridates đã từng tàn sát hàng ngàn người La Mã khi chinh phục Tiểu Á. Mithridates trở thành đồng minh của La Mã với điều kiện trả lại tất cả những vùng lãnh thổ chiếm được ở châu Á và Hy lạp.
Marius và Cinna đánh trả
Marius và Cinna tiến quân vào La Mã tại đó họ gieo rắc nổi khiếp sợ và giết nhiều nhà quý tộc, trong đó có những người ủng hộ Sulla.
Trong chiến dịch vào năm 86 BC này, Marius mất (vì nguyên do tự nhiên, tin hay không tùy bạn __ do kiệt sức, ông suy sụp tinh thần, và bắt đầu uống nhiều, và bị viêm màng phổi). Còn lại Cinna một mình cai trị La Mã. Rất muốn lập lại trật tự và kết thúc bạo lực, Cinna nhanh chóng ban tư cách công dân La Mã cho những công dân Ý mới trong 35 bộ tộc của La Mã và xóa nợ cho họ. Việc này khiến Cinna rất được lòng dân chúng, và ông được bầu lại chức chấp chính vào 86 BC mà không gặp sự chống đối nào. Mặc dù sử dụng sự khủng bố để leo lên vị trí cao nhất, Cinna vẫn thiết lập hòa bình và ổn định trong một vài năm, nhưng Sulla vẫn còn là một hiểm họa. Cinna đang sẵn sàng lâm chiến chống lại Sulla, nhưng một số tùy tùng của ông đã mưu sát ông vào 84 BC.
Ta sẽ trở lại: Sulla về nhà
Sulla không mấy khó khăn khi thu gom hết sự ủng hộ từ giới quý tộc, sau sự kiện Cinna và Marius mở chiến dịch chống lại họ. Trong số các quý tộc hợp tác với Sulla có hai nhân vật lừng danh trong tương lai:
- Marcus Licinius Crassus
- Gnaeus Pompeius (mà lịch sử gọi là Pompey)
Sulla cần đúng một năm để thanh toán phe chống đối cuộc trở về của mình. Chỉ còn một lực lượng 70,000 quân Samnite đứng án ngữ ông. Tiến sát La Mã, vào 82 BC, quân của Sulla quét sạch quân Samnite, giết sạch và tra tấn những người sống sót. Pompey quét tan những lực lượng ủng hộ Marius ở Sicily và Phi châu, và được Sulla đùa bỡn phong tặng danh hiệu Magnus (‘Vĩ Đại’). Vào 80 BC, mọi cuộc kháng cự Sulla đều bị kết liễu.
Nhà độc tài La Mã
Sulla được bầu làm Độc tài La Mã vào 81 BC. Ông tổ chức các cuộc ám sát những đối thủ bằng cách tuyên bố họ đứng ngoài vòng pháp luật, treo giá cho các thủ cấp của họ, và công bố danh sách tên của họ __ tất cả 500 người!
Đối tương chính yếu của Sulla là giới kỵ sĩ tài phiệt, những người làm giàu bằng mậu dịch và kinh doanh, vì họ đã ủng hộ Marius. Sulla tịch thu tiền bạc của những kỵ sĩ này và phân phát cho những cựu quân nhân hoặc bạn bè ông. Sulla trả tự do cho những nô lệ của những kỵ sĩ bị kết tội và thuê họ làm vệ sĩ cho mình. Ông cũng tịch thu đất đai từ những thành phố đã về phe Marius và chia cho binh lính của mình. Đây là động thái khôn ngoan của Sulla, vì nhờ đó mà binh lính không quay ra cướp bóc, đe dọa đến việc trị an của Sulla.
Mặc dù ra tay tàn độc, Sulla biết rằng La Mã cần trở lại với việc pháp trị và thực hiện những điều sau:
- Gia tăng số nghị sĩ trong Viện Nguyên lão bằng cách lên chức cho các thành viên kỵ sĩ trong giới quý tộc tỉnh lẻ Ý (không giống như kỵ sĩ tài phiệt ở La Mã mà ông không ưa) để thay thế số người mất trong chiến tranh. Viện Nguyên lão bây giờ lên đến 600 người và về cơ bản những thành viên mới khiến tư cách đại diện xứ Ý của Viện Nguyên lão thêm thực chất hơn.
- Khôi phục lại quyền phủ quyết dự luật của Viện Nguyên lão đã được Concilium Plebis Tributum (Hội đồng Thứ dân) thông qua, quét sạch hầu hết quyền hành của hộ dân quan một cái một. Điều này có nghĩa những người như Marius không còn có thể dùng các hộ dân quan để thông qua dự luật mà Viện Nguyên lão không chấp nhận.
- Qui định khung tuổi của các chức quan do giới nghị sĩ nắm giữ nhằm ngăn cản những thanh niên trẻ quá nhiều tham vọng đạt đến các chức quan cao cấp quá sớm, nhưng số quan chức thì tăng thêm để có thể điều hành số tỉnh lỵ La Mã đang tăng nhiều (các chức quan như quan nội chính, pháp quan sẽ phục vụ một năm ở
La Mã và sau đó chuyển đến tỉnh xa).
- Cho Viện Nguyên lão quyền được tuyển chọn quan chức làm việc tại chính quyền tỉnh lỵ và, đồng thời, ngăn cấm họ gây chiến bên ngoài biên giới tỉnh lỵ để chiếm thêm quyền lực và làm mất an ninh La Mã.
- Gia tăng số tỉnh lỵ La Mã đến mười tỉnh (ở Tây Ban Nha, bắc Ý, Phi châu, Sardinia và Corsica, và Sicily). Tất nhiên, việc này làm tăng thêm của cải và tài nguyên của La Mã.
- Giữ nguyên đặc điểm chính trị và dân sự cho xứ Ý như họ vốn có và hứa sẽ không thu hồi quyền công dân La Mã của các thành phố Ý, trừ một hay hai trường hợp. Thực tế, nhiều thành phố ở Ý đã bắt đầu cải tổ các định chế của họ theo mô hình của chính quyền La Mã một cách tự nguyện. Điều đó cho thấy hệ thống La Mã có ảnh hưởng ra sao.
Về hưu an toàn và chết bình yên
Sulla là nhà độc tài trong ba năm, vi phạm trắng trợn đến nguyên tắc truyền thống của Cộng Hòa La Mã: cho rằng không ai được quyền nắm giữ quyền lực chính trị thường kỳ. Năm 79, Sulla từ chức, về quê vui thú điền viên và, sống hết đời với biệt danh ‘May Mắn’ và chết bình yên vào năm sau. Đó quả là một thành tựu đáng kể sau những gì ông đã làm và trong thời đại ông đang sống.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, Sulla để lại một La Mã bất ổn vì:
- Dù Sulla thăng tiến các kỵ sĩ Ý lên Viện Nguyên lão, ông chỉ làm việc này đột xuất. Ông không tiến cử một hệ thống chuẩn mực về việc cơ cấu người Ý vào chính quyền, một động thái sẽ tiếp thêm sinh lực cho Viện Nguyên lão và nâng tầm vị trí của La Mã tại Ý và trên thế giới.
- Ông ta bỏ qua cơ hội đưa vào những cải cách dài hạn cho nền Cộng Hòa, chẳng hạn, tạo ra tính đại biểu thường xuyên của các thành phố Ý trong Viện Nguyên lão hoặc tổ chức việc bầu cử trong những địa điểm trên khắp Ý cho các quan chức La Mã.
- Ông để lại nhiều kẻ thù như Sertorius, người cầm đầu cuộc nổi dậy ở Tây Ban Nha (sẽ trình bày trong mục ‘Gnaeus Pompeius (Pompey)’).
- Ở phía Đông, Mithridates VI đã lật ngược thỏa thuận đã dàn xếp với Sulla và trở lại gây chiến, có nghĩa là một quân đoàn La Mã phải được phái đi để tái lập một nền hòa bình mới. Nhưng phải đến 62 BC mới đạt được điều này.
- Sulla đã chứng tỏ một cách mạnh mẽ bằng cách nào chỉ một vị tướng có thể leo đến đỉnh cao quyền lực cầm đầu một quân đoàn. Các binh lính mang ơn tướng lãnh vì đã đem lại phúc lợi cho cuộc sống họ và lúc họ về hưu, và một khi vị tướng của họ đi rồi, họ sẵn sàng đi theo những nhà lãnh đạo quân sự khác. Đây là một dấu hiệu đáng sợ cho tương lai, và nó vang dội hàng thập kỷ sau. Ai có để mắt đến quyền lực có thể tìm hiểu cách thức Sulla đã làm và cố gắng bắt chước y như ông.
Vâng, Họ Bắt Đầu là Bạn Bè: Thời Đại của các Vị Tướng
Thay vì Cộng Hòa La Mã có cơ hội hồi phục sau thời gian cai trị của Sulla, nó lại lún sâu vào chiến tranh. Giới quý tộc truyền thống tiếp tục khống chế tất cả vị trí cao cấp trong Viện Nguyên lão và các chức quan khác nhau, nhưng lại mất quá nhiều công sức cãi cọ trong nội bộ và bám lấy những đặc quyền của mình, hơn là nổ lực thực thi những cải cách. Những gì xảy ra sau đó là Thời đại của các Vị Tướng, đã đẩy nền Cộng Hòa vào hồi kết cục choáng váng.
Ba tướng lãnh giúp định hình nên lịch sử La Mã đến những năm 40 BC là Gnaeus Pompeius, Marcus Licinius Crassus, và Gaius Julius Caesar. Tất cả ba người đều chỉ huy quân đội, mưu tính thu tóm quyền lực, hợp tác cùng nhau và kình chống lẫn nhau tùy theo trường hợp. Và tất cả họ đều chết bất đắc kỳ tử.
Gnaeus Pompeius (Pompey) (106-48 BC)
Pompey là con trai một vị tướng tên Pompeius Strabo. Ông ta từng chiến đấu dũng cảm dưới quyền chỉ huy của cha mình và gặt hái nhiều thắng lợi, và với vẻ đẹp trai và kiểu cách lịch sự ông được dân chúng ngưỡng mộ, dù ông thuộc dòng dõi kỵ sĩ. Ông sử dụng ba quân đoàn cựu quân nhân của cha mình để hợp sức cùng Sulla chống lại Marius.
Pompey đạt được danh hiệu Magnus (‘Vĩ Đại’) trong chiến dịch để quét sạch lực lượng ủng hộ của Marius ra khỏi Phi châu. Pompey leo lên nấc thang quyền lực quân sự và chính trị cũng nhờ vào thắng lợi trong những chiến dịch khác:
- Cuộc nổi dậy ở Tây Ban Nha: Ở Tây Ban Nha, người Marian Sertorius cầm đầu một cuộc nổi dậy thắng lợi ở miền nam xứ Gaul theo một hiệp ước ký với Mithridates VI, Vua xứ Pontus. Y còn thâm chí hoạch định một cuộc xâm chiếm Ý, như Hannibal đã từng làm vào 218 BC. Vào 77 BC, Viện Nguyên lão phái Pompey đến Tây Ban Nha để tiêu diệt Sertorius. Sertorius phát động chiến tranh du kích với khoảng 2600 người, và phần còn lại của một quân đoàn La Mã đã trốn khỏi Ý, do Perpenna cầm đầu. Hai người, Sertorius và Perpenna đã cầm chân bốn quân đoàn La Mã tổng cộng lên đến 140,000.
Cuộc chiến ở Tây Ban Nha kết thúc mau chóng vào 73 BC khi Sertorius bị Perpenna mưu sát. Pompey tái lập ổn định tại Tây Ban Nha với tinh thần bao dung và công bằng. Thậm chí ông phá hủy sổ sách thư từ của Sertorius để ngăn trở sự trả thù hàng loạt các đồng lõa của y tại La Mã. Nhờ vậy mà uy tín và tiếng tăm của ông tăng lên.
- Chiến tranh nô lệ: Khoảng 73 BC một cuộc nổi dậy quy mô lớn bùng phát ở Capua và lan khắp Ý, kéo dài cho mãi đến 71 BC. Cuộc nổi dậy do một võ sĩ giác đấu trốn thoát có tên Spartacus cầm đầu. Marcus Licinius Crassus đã đánh bại nhóm nô lệ, nhưng Pompey từ Tây Ban Nha với quân đội của mình đến để săn lùng những người còn sống sót và nhận hết cả chiến công về mình. Hành động cướp công này làm Crassus nổi cơn thịnh nộ, và cho Pompey cái cớ để đưa quân mình vào Ý. Spartacus và cuộc nổi dậy của nô lệ đã trở thành bất tử trong cuốn phim nổi tiếng thực hiện vào năm 1960, do Kirk Douglas đóng vai chính. Xem Chương 2 để biết thêm về cuộc nổi dậy, và Chương 25 để biết thêm về Spartacus.
- Kết đồng minh với Crassus: Vì hai bên đã có hiềm khích trong cuộc chiến nô lệ, Marcus Licinius Crassus và Pompey có thể đã cắt cổ nhau, nhưng họ đủ khôn khéo để biết rằng họ sẽ trở nên mạnh hơn nếu hợp tác cùng nhau. Vào 70 BC, Crassus và Pompey được bầu làm đồng chấp chính và nhanh chóng trả lại cho hộ dân quan tất cả quyền hành mà họ từng có trước khi Sulla nắm quyền. Crassus và Pompey phải dựa vào quân đội mới có quyền lực, nhưng họ biết Viện Nguyên lão không ưa việc này và sẽ ra sức ép buộc họ từ bỏ quân đội. Giờ các hộ dân quan đã khôi phục lại quyền hành, Crassus và Pompey có thể yêu cầu hộ dân quan tán thành việc giữ lại quân đội của họ.
- Pompey và bọn cướp biển: Vào 67 BC, Pompey được phong chức tư lệnh tối cao để tiểu trừ bọn cướp biển vùng Cilicia ở vùng đông Địa Trung Hải (Cilicia là nam Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay). Pompey hoàn thành nhiêm vụ trong ba tháng, bắt được 20,000 người và 90 tàu, cùng một số lượng lớn châu báu. Thắng lợi của Pompey khiến ông lừng lẫy tiếng tăm vì nó làm giá gạo giảm xuống ngay lập tức, và các tàu vận chuyển gạo không còn bị nạn cướp biển quấy rối nữa.
Bọn hải tặc vùng Cilicia cũng có mặt trong phim Spartacus (1960). Bọn hải tặc giúp nhóm nô lệ nổi loạn bằng cách cung cấp phương tiện vận chuyển các nô lệ ra khỏi Ý. Không có phim nào về Pompey và bọn cướp biển, nhưng phim Ben Hur (1957), đặt khung cảnh trong những ngày đầu đạo Cơ đốc ra đời, do Charlton Heston đóng vai chính, quay cảnh đánh nhau ác liệt trên biển giữa các tàu chiến La Mã do các nô lệ bị gông cùm chèo tay, và các tàu cướp biển.
- Đánh thắng Mithridates và chinh phục những vùng đất khác: Vào 66 BC, Pompey được lệnh tiểu trừ Mithridates VI, Vua xứ Pontus. Pompey đánh thắng Mithridates và thừa cơ chinh phạt Armenia, Syria, và Judae. Việc ổn định tình hình của Pompey vào năm 62 BC rất xuất sắc. Ông dựng lên những thuộc địa, giao đất cho cướp biển để họ sinh sống lương thiện, và dựng lên một nhà vua vâng lời và trung thành ở Judaea.
Vào 62 BC, Pompey về nhà và giải tán quân đội, trước sự nhẹ nhỏm (lẫn ngạc nhiên) của mọi người. Để đáp lại, Pompey muốn giao đất cho các cựu quân nhân của mình và muốn Viện Nguyên lão chấp thuận cho khu định cư ở miền Đông. Pompey rất thất vọng với Viện Nguyên lão. Để đạt điều mình muốn, Pompey gia nhập lực lượng với hai chính trị gia đầy tham vọng khác __ Marcus Licinius Crassus và Julius Caesar __ trong một liên minh mà lịch sử đặt tên là Tam Đầu Chế Lần Nhất.
Tượng bán thân của Pompey
Marcus Licinius Crassus (khoảng 115 đến 53 BC)
Cha của Marcus Licinius Crassus đã thất bại trong việc bảo vệ La Mã chống lại Marius vào 87 BC, và Crassus trốn thoát đến Tây Ban Nha, sau đó đến Phi châu trước khi quay trở về Ý tại đó ông theo Sulla vào 83 BC. Phần thưởng của ông là kiếm được tiền từ những kẻ thù mà Sulla đặt ra ngoài vòng pháp luật, thậm chí ông còn ghi thêm tên một người vô tội vào danh sách để trục lợi từ việc tịch biên tài sản của hắn. Sau vụ này, Sulla không còn tin tưởng ông nữa, nhưng Crassus có thể vận động quần chúng và rất được dân chúng La Mã yêu quí.
Sau khi giữ chức vụ pháp quan, Crassus được phong làm tướng lãnh quân đoàn được điều đi dẹp cuộc nổi dậy của Spartacus vào 73-71 BC, thay vì phái đi những quan chấp chính thiếu kinh nghiệm. Ông là người chiến thắng, nhưng cách thức Pompey xuất hiện vào phút cuối và giành hết công lao làm ông nổi giận. Sự nghiệp của Crassus là một cuộc tranh chấp liên tục với Pompey, mặc dù họ liên minh với nhau trong Tam Đầu Chế Lần Nhất vì ông có nhiều quyền lực không ai có thể gạt ra ngoài.
Đọc thêm: Các chiến tích của Pompey
Pompey bách thắng là một huyền thoại trong thời đại của mình và mãi mãi về sau. Pompey đã lên đến đỉnh cao quyền lực bằng tài năng chính mình; ông chỉ là một kỵ sĩ khi khởi nghiệp. Pliny Lớn (xem Chương 23) cho rằng Pompey sánh ngang với Alexander Đại Đế, nhưng rồi sau đó ông hơi đại ngôn khi ví Pompey thành công không kém Hercules bất tử. Sau cuộc chiến ở Phi châu, Pompey là kỵ sĩ cởi chiến mã xa đi đầu trong cuộc diễu hành chiến thắng. Phải gọi là chiến tượng xa mới đúng vì xe do voi kéo, một cảnh tượng mà dân chúng La Mã chưa từng chứng kiến. Để tưởng niệm thắng lợi cuộc chiến chống bọn hải tặc và cuộc chinh phạt miền Đông Pompey cũng phô trương một chân dung đắt giá của mình cẩn bằng ngọc trai. Sau đó ông bị mang tiếng khi nhiều người bắt chước sử dụng đá quý và ngọc trai, coi đó là mốt. Cũng vào lúc đó Pompey giới thiệu các bình trang trí trong mờ làm bằng khoáng chất fluorit với La Mã, cũng như trao tặng những món tiền lớn cho quốc khố, các sĩ quan, và mỗi binh lính của ông.
Người La Mã tiếng tăm hơn tất cả: Julius Caesar
Gaius Julius Caesar (100-44 BC) là người La Mã tiếng tăm nhất đã từng sống. Gia tộc Caesar đã nhận mình là hậu duệ của Anchises, con trai của Aenea, cũng được biết dưới tên Iulus. Mẹ của Aenea là nữ thần Venus; bạn có thể thấy Caesar có thể huênh hoang về phả hệ thần thánh của mình ra sao. Caesar chống lưng cho Marius nắm quyền lãnh đạo quân sự và cho Pompey khôi phục hộ dân quan.
Caesar là người vô cùng tham vọng và cực kỳ thông minh. Ông cũng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất và biết cách làm cho mình được nhiều người ngưỡng mộ. Vào 65 BC, Caesar trở thành quan thị chính (người phụ tá cho hộ dân quan, xem Chương 3) và bỏ ra một số tiền lớn (chắc hẳn là tiền của Crassus) cho các công trình công cộng và các trò giải trí, như đấu với thú dữ và kịch sân khấu. Caesar cũng khôi phục các chiến tích tưởng niệm thắng lợi của Marius trong Cuộc Chiến Jugurtha và bọn phương Bắc.
Caesar không từ việc dùng thủ đoạn thấp hèn. Vào 63 BC, ông hối lộ để được bầu làm Pontifex Maximus (Đại Giáo chủ). Năm 62 BC, người ta tìm cách buộc tội ông âm mưu chống nhà nước (vụ án Âm Mưu Catiline), nhưng Cicero đã chứng minh việc ấy là không thể. Việc kết tội chống Caesar không gây thiệt hại gì cho ông, và Caesar được bầu làm thống đốc vùng Viễn Tây Ban Nha (ngày nay là Bồ đào nha) vào 61 BC.
Tượng Caesar
Đọc thêm: Vì sao Crassus giàu có
Crassus là người giàu siêu khủng, và không chỉ nhờ vào việc ông thừa hành công việc kết tội những người chống đối Sulla. Một trong những cách ông làm giàu nhanh chóng là dạy nghề xây dựng và kiến trúc cho các nô lệ. Khi Crassus biết tin có một ngôi nhà đang cháy, ông vội vã chạy đến và bằng lòng mua ngôi nhà đang cháy với giá ‘dưới đất’. Chủ nhà đang bấn loạn thường đồng ý bán tháo, vì giá hời còn tốt hơn là không còn gì. Sau đó Crassus cho người chữa lửa và tái thiết làm nhà cho thuê. Kết quả là chỉ sau một vài năm. Crassus sở hữu một bất động sản siêu khổng lồ ở La Mã.
Nhóm Ba Người:
Tam Đầu Chế Lần Nhất (60 BC)
Tam Đầu Chế (Triumvirate là tiếng Latinh hợp bởi hai từ: tres (‘ba’) và vir (‘người’) có nghĩa ‘do ba người cai trị’. Vào thời điểm xuất hiện Tam Đầu Chế Lần Hai, thể chế này đã trở thành định chế hợp pháp của La Mã. Nhưng Tam Đầu Chế đầu tiên không có sự hậu thuẫn của luật pháp; nó chỉ là một thỏa thuận riêng tư giữa ba cá nhân có quyền lực ngang nhau __ Pompey, Crassus, và Caesar __ cả ba đều biết rằng họ sẽ hùng mạnh hơn nếu hợp tác với nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng sốt sắng với quan điểm tam đầu chế, và người bất mãn rõ nhất là Cicero.
Cidero (106-43 BC), như bậc tiền bối tiếng tăm của mình là Marius, là một novus homo (‘con người mới’). Không như Marius, Cicero là một người chữ nghĩa và một nhà hùng biện xuất chúng. Vào cuối thập niên 60 BC, Cicero đã đạt được tiếng tăm lừng lẫy sau thắng lợi trong vụ xét xử Gaius Verres, bị kết tội tống tiền khi đang làm thống đốc Sicily (Chương 24). Cicero bảo vệ cho Pompey và cũng vạch trần Vụ Âm Mưu Catiline năm 62. Cương quyết giữ vững sự độc lập về chính trị, Cicero từ chối sự giúp đỡ của Pompey và trốn khỏi La Mã, vài năm sau trở về. Ước nguyện lớn nhất của Cicero là tất cả những phe phái chính kiến khác nhau, trong đó có giới quý tộc và kỵ sĩ, nên hợp tác với nhau trong điều mà ông gọi là Sự Hòa Hợp các Thứ Bậc. Cicero không có lựa chọn nào khác hơn là công nhận sự hợp nhất của Tam Đầu Chế Lần Nhất.
Đọc thêm: Cicero và Âm Mưu Catiline
Lucius Sergius Catilinus là một trong những bạn tri kỷ của Sulla trong thời độc tài của ông. Catilinus ứng cử chức Quan Chấp Chính vào 63 BC, nhưng bị Cicero đánh bại. Năm sau Catilinus ứng cử trong danh sách những người tình nguyện bảo vệ cho người nghèo và bất mãn. Catilinus lại thua, và Grassus loại trừ ông. Catilinus huy động một nhóm người bất mãn và âm mưu cướp chính quyền, và lẫn trốn với một số cựu quân nhân không đất cắm dùi. Cicero nắm được bằng chứng dẫn đến bọn âm mưu, và cả bọn bị tóm gọn và bị hành hình. Catilinus trốn chạy khỏi La Mã và bị đánh bại trong một trận đánh do quan chấp chính đồng liêu của Cicero là Gaius Antonius chỉ huy. Cicero cho các thành phần âm mưu còn lại vừa bị bắt đem ra hành quyết mà không xét xử, một hành động tùy tiện khiến tiếng tăm của Cicero bị sứt mẻ. Để biết thêm chi tiết về Catilinus, xem Chương 24.
Vào 60 BC, Pompey, Caesar và Crassus bực bội vì tham vọng của họ bị cản trở, chủ yếu do nhóm Optimates. Như thường lệ trong chính tình La Mã, mối thù oán nội bộ trong giới quý tộc bắt đầu tác động:
- Pompey: Gia đình Metelli thuộc thành phần Optomates có thế lực chặn đứng yêu cầu cấp đất cho các cựu quân nhân mà Pompet đề xướng. Pompey đành phải tìm kiếm sự ủng hộ ở nơi khác.
Sự bác bỏ yêu cầu của Pompey do Viện Nguyên lão đưa ra cho thấy quyền hành chính trị của La Mã giờ đây đã mang tính cá nhân. Gia đình Metellis trả thù Pompey vì ông này đã ly dị vợ mình Mucia Tertia, vốn là thân nhân của dòng họ Metelli.
- Crassus: Mặc dù Crassus nổi tiếng như cồn trong kỳ công đè bẹp cuộc nổi dậy của người nô lệ vào 71 BC, các thắng lợi của Pompey ở miền Đông và việc hành quân đến sau để dứt điểm hết bọn nô lệ chống đối đã hoàn làm lu mờ vinh quang của Crassus. Tham vọng của Crassus được nuôi dưỡng bằng cách sử dụng tiền bạc, mối liên hệ, và tài trợ cho những nam thanh niêm tháo vát. Bằng cách này ông ‘sở hữu’ nhiều chính trị gia, tạo thêm nhiều kẻ thù trong giới Optimate. Crassus cũng đứng lên chống lại người âm mưu Catilinus.
- Caesar: Caesar là thống đốc vùng Viễn Tây Ban Nha vào 61-60 BC, ở đó ông đánh bại một số bộ tộc và giải quyết ổn thỏa những tranh tụng giữa chủ nợ và con nợ. Tràn trề thắng lợi, ông bắt đầu khởi hành về La Mã mong đợi một cuộc đón tiếp khải hoàn và được bầu làm quan chấp chính. Ai mong đợi một cuộc diễu hành khải hoàn trong La Mã phải đợi ở ngoài cổng thành La Mã, nhưng theo luật, một ứng viên cho chức chấp chính phải sống ở La Mã. Vì thế Caesar yêu cầu xét vào chức quan chấp chính khiếm diện. Viện Nguyên lão khước từ ông, bực tức vì hành động bẻ cong luật pháp này và bảo rằng ông chỉ có thể ứng cứ vào chức chấp chính nếu ông đích thân đến La Mã. Vì thế sau đó Caesar trở về La Mã.
Caesar trở lại La Mã và lập Tam Đầu Chế Lần Nhất với Crassus và Pompey. Vào 59 BC, Caesar được bầu vào chức chấp chính. Về thực tế, giờ đây Caesar cũng là thủ lĩnh của Tam Đầu Chế Lần Nhất.
Caesar, Crassus, và Pompey tới tấp gởi đến Viện Nguyên lão những yêu cầu của mình và, sau một vài chống đối, cuối cùng cũng đạt được những gì mình muốn. Nhờ Caesar, Pompey đã nhận được đất đai để cấp cho các cựu quân nhân của mình và vùng định cư của ông vào cuối cuộc chiến với Mithridates VI được phê chuẩn. Pompey cưới con gái của Caesar là Julia vào 59 BC để thắt chặt tình đồng minh. Caesar được trao chức Thống đốc xứ Gaul (Pháp ngày nay) cùng với một quân đội, dù sự thật là Caesar đã tự tưởng thưởng mình quyền chỉ huy này. Crassus đứng bên ngoài chờ một thời gian và phải đợi đến 55 BC ông mới có cơ hội thụ đắc được tiếng tăm quân sự để cạnh tranh với Caesar và Pompey.
Xây dựng nền tảng quyền lực: Caesar và Cuộc Chiến xứ Gaul
Quyền thống đốc xứ Gaul trao cho ông điều tốt nhất của cả hai thế giới. Ông đủ kế cận La Mã để có thể duy trì vị trí trung tâm phát triển quyền lực, và ông có quyền chỉ huy một quân đội tỉnh lẻ chủ yếu, cho phép ông tiềm năng chinh phục.
Trong một chiến dịch chín năm mà lịch sử gọi tên là Cuộc Chiến xứ Gaul, Caesar đã chinh phục Gaul. Cuộc chiến đã thu phục một vùng lãnh thổ rộng lớn của xứ Gaul vào Đế chế La Mã, cho La Mã cửa biển vào Đại Tây Dương và Biển Bắc. Caesar cũng thống lĩnh hai cuộc chinh phạt đến Anh đảo (55 và 54 BC). Với những kỳ công này, Caesar đã đưa thanh thế của mình đến một mức độ hiện tượng và tiếng tăm lan đến hang cùng ngõ hẽm. Nội việc đặt chân được đến Anh đảo đã là một huyền thoại vì Anh được mọi người coi là nơi tận cùng của trái đất.
húng ta biết nhiều về chiến dịch của Caesar ở Gaul vì ông có viết một bản báo cáo chi tiết, còn lưu lại đầy đủ. Dù có thể thiên vị không sao tránh khỏi, nó vẫn còn là một báo cáo phi thường về một chiến dịch thành công hoàn toàn. Tính kỷ luật, hậu cần, sự cãi nhau giữa nội bộ kẻ thù, và cuộc đàn áp tàn bạo những cuộc nổi loạn chống đối sự cai trị của La Mã, tất cả đều được mô tả đầy đủ. Không có nghi ngờ gì về sự khốc liệt, đẫm máu của chiến dịch, đã gây cho người xứ Gaul nỗi đau khổ thấu trời __ bấy nhiêu cũng đủ cho Caesar xứng danh bậc anh hùng cái thế La Mã. Trận giao tranh cuối cùng chống thủ lĩnh người Gaul là Vercingetorix là cuộc vây hãm huyền thoại vùng Alesia (ngày nay là Alise).
Đọc thêm: Thích chịu đấm ăn xôi
Ngày nọ, vào 62 BC, Clodius Pulcher tìm cách quyến rũ vợ của Caesar. Caesar đi khỏi còn vợ ông là Pompeia đang tham dự lễ tôn vinh Ceres, Nữ Thần Nhân Từ. Lễ này chỉ dành cho giới phụ nữ. Clodius xuất hiện dưới lớp hóa trang một nữ nhạc công thổi sáo, nhưng khi một cô hầu hỏi y là ai, thì giọng nói của y đã tố cáo y. Y bèn bỏ trốn, nhưng cuối cùng bị tóm được và đưa ra tòa xét xử. Clodius khai là mình đang ở ngoài thành La Mã vào ngày đó, nhưng người bạn trước đây của y là Cicero bảo y khai gian. Chứng cứ khác cho thấy y từng phạm tội loạn luân với các em gái của mình. Những người kết tội y đã bị mua chuộc và Clodius được thoát tội. Kết quả của vụ án là Caesar ly hôn Pompeia, nhưng ông từ chối đưa ra chứng cứ chống lại Clodius. Caesar phát biểu một câu nổi tiếng là ông ly hôn Pompeia không phải vì viện cớ ngoại tình mà vì ‘đã là vợ của Caesar thì không những phải vô tội mà còn không bị nghi là có tội’.
Trong lúc đó ở La Mã . . .
Trong khi Caesar đang ở Gaul và Anh, bận rộn đánh bóng tên tuổi của mình, ở La Mã những căng thẳng đang leo thang, tại đó hộ dân quan Clodius Putcher đã được cho quyền kiểm soát. Những hành động của Clodius khích động những tranh chấp cá nhân bẩn thỉu, đặc trưng của chính tình La Mã thời buổi đó và cho thấy những sự kiện càng lúc càng vượt khỏi tầm kiểm soát ra sao. Quan trọng hơn, tư cách của Clodius Putcher đã cho Pompey cái cớ
để gia tăng quyền lực ở La Mã làm mất uy tín của Caesar. Clodius Pulcher đã:
- Ve vãn không xấu hổ quần chúng La Mã bằng tiền bạc và điền tên các bọn du đảng vào danh sách trợ cấp của Caesar.
- Sử dụng tính chất pháp lý đáng ngờ của cuộc hành hình trong vụ Âm mưu Catiline để trục xuất Cicero ra khỏi La Mã, nhằm trả thù cá nhân.
- Truất phế vua xứ Cyprus để vơ vét kho báu của ông này nhằm chi trả cho số tiền mua chuộc đám dân đen.
- Nhốt Pompey không cho ra khỏi nhà. Pompey phản pháo y chang, tổ chức một đám du thủ du thực của mình và thông qua một dự luật mà Clodius Pulcher không thể cản trở, cho phép Cicero trở về.
- Tìm cách ve vãn vợ của Caesar. Y bị phát hiện, ra tòa, và, bằng mua chuộc và những thủ đoạn bẩn thỉu khác, được trắng án.
Cải tổ Tam Đầu Chế
Vào 56 BC, Tam Đầu Chế Lần Nhất giữa Pompey, Caesar, và Crassus có vẻ lung lay thấy rõ. Pompey đang khẳng định mình khi chống lại Clodius Pulcher mà hành vi của y đã mất kiểm soát, và Crassus lợi dụng cơ hội để báo cho Caesar, đang còn trong chiến dịch nơi xứ Gaul, theo kịp tình hình đang diễn tiến nhanh chóng ở La Mã. Một cuộc gặp mặt giữa ba người được sắp xếp tại Luca (Lucca) ở miền bắc Ý để sàng lọc những khác biệt và bảo đảm sự liên đới hổ trợ. Quyền thống lĩnh xứ Gaul của Caesar được mở rộng, trong khi Crassus lấy Syria và Pompey lấy Tây Ban Nha, cả ba vị trí đều có quyền lực tuyệt đỉnh.
Cái chết của Crassus và sự sụp đổ của Tam Đầu Chế
Crassus được nắm quyền tư lệnh đầy uy lực ở miền Đông để đánh Đế chế Parthia (gần như Iran và Iraq ngày nay).
Ông xuất phát vào 55 BC và khởi đầu khá thuận lợi. Nhưng vào 53 BC, Crassus bị đánh bại tại Carrhae (Harran ngày nay trên biên giới đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria) và bị giết chết khi đang bôn tẩu. Nỗi ô nhục cuối cùng đến khi quân Parthia đoạt được quân kỳ của Crassus, cho mãi đến 20 BC Hoàng đế Augustus điều đình để lấy về.
Cái chết của Crassus làm mất cán cân quyền lực và đưa Pompey và Caesar đối đầu nhau. Không may, cái chết của con gái của Caesar là Julia (vợ của Pompey) vào 54 BC đã làm đứt đoạn mối dây thâm tình duy nhất giữa hai người.
Vì các vấn đề ở La Mã, Viện Nguyên lão tìm cách triệu hồi Caesar từ Gaul trở về. Cuối cùng, họ thỏa thuận cho Caesar thêm thời gian để kết thúc cuộc chiến ở Gaul, và Caesar giao cho Pompey toàn quyền ở La Mã. Vấn đề La Mã đang đối đầu là hổn loạn lan tràn. Các phe nhóm ủng hộ Caesar và Pompey đánh nhau trên đường phố, mà đỉnh cao là tòa nhà của Viện Nguyên lão bị đốt rụi vào năm 52 BC và Clodius bị giết chết. Cách giải quyết của Viện Nguyên lão là giao cho Pompey toàn bộ quyền hành của nhà độc tài để tái lập trật tự.
Một khúc quanh lịch sử xảy đến vào 52 BC khi Pompey được tưởng thưởng danh hiệu imperium (xem Chương 3) đầy quyền lực thêm năm năm nữa. Mọi việc đều chờ đợi xem Pompey có ủng hộ lời yêu cầu triệu hồi Caesar từ Gaul về hay không. Việc này có nghĩa là Caesar rời bỏ quân đội của mình và do đó mất hết cả quyền lực. Vì Julia đã mất vào 54 BC, nên Pompey sẵn sàng tái hôn. Nhưng thay vì lấy một người trong gia đình Caesar, ông chọn một người thuộc gia đình Metelli, giúp củng cố sự gắn bó mới mẻ của mình với nhóm Optimate. Chịu tác động của nhóm Optimate, ông ủng hộ lời yêu cầu triệu hồi Caesar, và vào 50 BC nhận quyền chỉ huy các quân đoàn La Mã ở Ý. Cán cân quyền lực đã bị phá vỡ, và thế giới La Mã chìm dần vào nội chiến, đó là câu chuyện của chương sau.
Chương 15
Gươm Đã Tuốt Ra Khỏi Vỏ: Sự Sụp Đổ của nền Cộng Hòa
Trong Chương Này
- Cạnh tranh giữa Caesar và Pompey
- Caesar đã trở thành chủ nhân ông của La Mã
- Những gì xảy ra vào ngày Tides tháng ba
- Tại sao Octavian và Mark Antony bất hòa
- Bằng cách nào một nữ hoàng Ai Cập gần như phá tan thế giới La Mã
Cộng Hòa La Mã __ dựa trên lý tưởng dân trị __ đã rơi rụng từng phần nhiều năm qua, và cuối cùng cáo chung vào 43 BC. Trong 15 năm Đế chế La Mã, do một hoàng đế cai trị, đã hình thành. Lúc đó, nhiều người cứ giả vờ là Đế chế La Mã chỉ là Cộng Hòa xưa được tái chế. Điều không thể được phớt lờ là, chỉ một người, một ‘vị tướng’, nắm nhiều quyền hành hơn bất kỳ ai khác.
Lúc đầu, tin hay không tùy bạn, không thể có chuyện một hoàng đế La Mã chính thức tồn tại. Một hoàng đế La Mã trên thực tế nhận mình là imperator, có nghĩa là ‘tướng lãnh’. Chỉ về sau này danh hiệu ‘tướng lãnh’, tư lệnh của quân đội La Mã, mới mang ý nghĩa của từ ‘hoàng đế’ như ta biết __ đó là người cai trị tối cao như một ông vua.
Trong thời Cộng Hòa, những người có cấp bậc khác nhau đảm nhận những trách vụ khác nhau: chấp chính, pháp quan, quan thị chính, hộ dân quan, giám quan. . . Cũng hệ thống đó vẫn giữ lại trong Đế chế La Mã __ nhưng có sự khác biệt, vị ‘tướng lãnh’ giờ đây nắm giữ ngày càng nhiều chức vụ.
Chương này giải thích cách thức mà nền Cộng Hòa sụp đổ và một người, Octavian (tức Augustus), cơ cấu lại hệ thống cai trị của Cộng Hòa sao cho ông nắm quyền lực tuyệt đối.
Nội Chiến
Mầm mống của nội chiến được gieo bằng sự thành lập Tam Đầu Chế Lần Nhất. Ba người đàn ông __ Crassus, Pompey, và Caesar __ được quân đội của mình chống lưng, cưỡng chế Viện Nguyên lão làm những gì họ muốn. Cuộc tranh giành quyền lực cá nhân trở thành lực lượng quan yếu nhất trong thế giới La Mã.
Crassus, thành viên thứ ba của Tam Đầu Chế, mất năm 53 BC, để lại Caesar và Pompey kình chống nhau. Caesar và Pompey chưa phải là kẻ thù của nhau, chỉ mới là đối thủ. Vào cuối thập niên 50 BC, cả hai đều có danh hiệu imperium: có quyền chỉ huy một quân đội. Biện pháp căn cơ lúc đó là thuyết phục Caesar hoặc Pompey hoặc cả hai từ bỏ quyền chỉ huy của họ. Không ai, không Caesar hoặc Pompey hoặc nhóm người ủng hộ của họ sẵn sàng chịu lùi bước.
Những thỏa thuận chết người
Cao điểm xảy ra vào 50 BC khi quan chấp chính Gaius Marcellus yêu cầu triệu hồi Caesar từ Gaul về. Một hộ dân quan bị phá sản tên Scribonius Curio, mà Caesar đã mua chuộc sự ủng hộ của ông với số tiền lớn, phủ quyết việc triệu hồi Caesar. Marcellus khẩn cầu Pompey cứu vãn nền Cộng Hòa bằng cách sử dụng quân đội của mình làm áp lực bắt Caesar từ bỏ quyền chỉ huy của mình. Caesar đưa ra một đề nghị: cả hai ông và Pompey đều phải từ bỏ quyền chỉ huy của mình. Viện Nguyên lão bác bỏ đề nghị của Caesar vì họ nghĩ rằng Pompey cần nắm quân đội mới có thể bắt Caesar vâng lời. Viện Nguyên lão chỉ định những thống đốc mới cho các tỉnh lỵ ở xứ Gaul. Hộ dân quan Mark Antony cố gắng phủ quyết những chỉ định mới nhưng bị đe dọa mạng sống và phải bôn tẩu.
Ngay cả Cicero, người chống đối Tam Đầu Chế và là kẻ thù của Caesar, cũng cố điều đình một thỏa hiệp, theo đó Caesar sẽ đến trấn nhậm tại Illyricum còn Pompey trấn nhậm tại Tây Ban Nha. Nhưng thỏa hiệp tan vỡ khi Viện Nguyên lão phong Pompey danh hiệu Senatus Consultum Ultimatum, tức trao cho phép Pompey quyền tuyên bố Caesar là kẻ thù nhà nước và loại trừ ông.
Vượt qua Rubicon (50 BC)
Rubicon là một con sông (bây giờ là Rigone) trên biên giới giữa các tỉnh xứ Gaul và Umbria ở bắc Ý. Caesar đã được Viện Nguyên lão đưa ra lựa chọn hoặc tự nộp mình như một kẻ thù nhà nước hoặc bị kẻ thù của mình ở Gaul bắt giữ. Caesar bỏ ra hàng giờ suy nghĩ và quyết định là mình không còn gì để mất. Nếu ông nộp mình cho Viện Nguyên lão, ông sẽ bị đem ra xét xử ở La Mã và bị kết án bởi một chế độ đã trở nên thối nát.
Caesar đã làm điều không thể ngờ tới: Năm 49 BC, ông dẫn quân từ Gaul vượt sông Rubicon và xâm chiếm Ý, một hành động được coi như là tuyên chiến với nền Cộng Hòa. Đây là sự kiện mà Caesar đã thốt lên cụm từ nổi tiếng của mình: Iacta alea est, ‘Hột xúc sắc đã gieo xuống’ (có ý nghĩa như ‘Đã cỡi lên lưng cọp’).
Ngày nay, cụm từ ‘vượt qua Rubicon’ được sử dụng để chỉ một tình thế không thể quay lại, dù kết quả thế nào.
Cắt đứt Pompey ngay từ đầu (48 BC)
Nếu cho Caesar chọn lựa, ông có thể đã thích điều đình để chia sẻ quyền lực với Pompey hơn. Pompey, là người thiếu quyết đoán, nghe lời các cố vấn của mình từ chối thỏa hiệp với Caesar. Pompey đã quyết định quá sớm đối với một hành động tuyên chiến vì quân đội của ông chưa sẵn sàng ở đâu cả. Còn Caesar thì đã chuẩn bị trước, ào ạt tiến quân qua Ý chỉ trong vòng hai tháng. Pompey cho quân mình lùi lại, đi đến tận cảng Brundisium (Brindisi), và chở quân qua biển Adriatic đến Hy lạp để được an toàn.
Caesar chiếm La Mã
Caesar có thời gian đứng về phe mình. Đã lên kế hoạch trận tấn công, ông liền chiếm lấy La Mã. Hầu hết nghị sĩ đã cuống cuồng chạy trốn, nhưng nhờ tính kỷ cương nghiêm ngặt mà Caesar đã ra lệnh cho quân lính, nên không hề xảy ra cướp bóc, đập phá, hoặc sát hại những đối thủ. Caesat đã giữ nguyên vẹn tiếng tăm chơi đẹp của mình. Những cử chỉ thiện chí khác của Caesar là xóa nợ, đưa người Ý vào Viện Nguyên lão, và cho phép những người trước đây bị Sulla và Pompey lưu đày được trở về La Mã. Thậm chí Caesar còn thu nhận binh lính của Pompey bị bỏ lại ở La Mã.
Bước lùi ở Phi châu
Bước lùi đầu tiên của Caesar xuất phát ở Phi châu. Tổng trấn Attius Varus, người theo phe của Pompey, cầm đầu cuộc nổi dậy. Một đội quân do Caesar phái đi, dưới quyền chỉ huy của cựu hộ dân quan Scribonius Curio, đến dẹp. Nhưng vì không có nhiều kinh nghiệm trận mạc, lại thêm phần lớn binh lính dưới tay ông trước đây là binh sĩ của Pompey, nên Curio bị đánh bại hoàn toàn. Còn Caesar đích thân tiến quân đến các tỉnh lỵ Tây Ban Nha thuộc quyền Pompey, và đánh tan hai tướng chỉ huy của Pompey chỉ hơn một tháng.
Kế hoạch của Pompey
Trong lúc này Pompey bận thành lập một quân đội hùng hậu ở Hy lạp. Ông lấy binh lính La Mã từ các tiền đồn biên giới và cuối cùng tập họp được một quân số áp đảo quân số của Caesar. Kế hoạch của Pompey là chiếm lại Ý, nhưng không đến đâu. Caesar đem quân qua biển Adriatic vào Hy lạp năm 48 BC. Chiến dịch khởi đầu không thuận lơi cho Caesar khi ông phải bỏ dở cuộc vây hãm căn cứ Adriatic của Pompey ở Dyrrachium.
Trận đánh Pharsalus 48 BC
Pompey có thể đã xâm chiếm được Ý mà không gặp trở ngại gì nhưng rồi quyết định chọn mục tiêu chính của mình là Caesar nên đuổi theo ông vào Hy lạp. Bị nhóm Optimate hối thúc phải kết thúc cuộc xung đột nhanh như có thể, Pompey ấnđịnh chiến tuyến là ở Pharsalus ở trung tâm bắc Hy lạp. Caesar có 22,000 quân, còn Pompey có đến gần 40,000 người.
Pharsalus là một thảm họa đối với Pompey. Bộ binh của Caesar dàn thế trận vững chắc đối đầu với kỵ binh Pompey và chận đứng mũi tiến công của nó. Sau đó, Caesar tung vào trận lực lượng trừ bị và tràn ngập quân của Pompey. Pompey chạy đến Ai cập, và Caesar bắt được gần hết quân lính của ông, ra lệnh cho quân mình ‘hãy tha cho công dân anh em mình’. Đúng với tiếng tăm trọng danh dự của mình, Caesar cho đốt hết mọi giấy tờ của Pompey mà không cần đọc chúng.
Cái chết của Pompey
Cuộc đời của Pompey kết thúc thật nhục nhã. Ông có thể đã chọn giải pháp danh dự là tự tử. Nhưng ông bị Pothinus và Achillas mưu sát ở Ai Cập. Hai người này là thành viên trong triều đình Ai Cập của ông vua Ptolemy XIII nhỏ tuổi ủng hộ Caesar. Caesar xuất hiện ở Ai Cập để săn đuổi Pompey và nhận được thủ cấp của Pompey. Ptolemy hi vọng là Caesar sẽ ủng hộ ông trong cuộc tranh chấp với chị gái Cleopatra VII. Nhưng ông đã lầm.
Caesar có bạn gái
Caesar ghê tởm trước hành động hèn hạ làm ô nhục cái chết của Pompey nên cho hành hình Pothinus. Caesar đặt Cleopatra VII lên ngai vàng Ai Cập bằng cách phong vua cho Ptolemy XIV, một người em trai khác của bà và là chồng bà (hôn nhân giữa anh chị em là việc bình thường trong hoàng gia Ai cập). Cleopatra được người đời ca ngợi là thông minh, sắc sảo về mặt chính trị, và có sắc đẹp lôi cuốn. Nhưng quyết định của Caesar đã khiến ông dính líu vào cuộc nội chiến Ai Cập. May cho Caesar, Ptolemy bị giết chết trong một lần ra sức tấn công một lực lượng La Mã nhỏ mà Caesar mang theo đến Ai Cập. Để giữ vững ngôi vị của mình Cleopatra trở thành nhân tình của Caesar và có một con trai với ông.
Quét sạch lực lượng chống đối còn lại
Trên đường trở lại La Mã vào 47 BC, Caesar ổn định tình hình ở Tiểu Á. Pharnaces II, con trai của Mithridates và giờ là Vua xứ Pontus, trước đây đã giúp Pompey. Caesar đập tan lực lượng chống đối của Pharnaces trong một trận chiến chớp nhoáng kéo dài chỉ năm ngày. Caesar đúc kết thắng lợi của ông trước Pharnaces bằng những lời bất hủ: Veni, vidi, vici, ‘Ta đã đến, ta đã thấy, ta đã chính phục’.
Vào 46 BC Caesar đánh tan một đạo quân trung thành với Pompey tại Phi châu, chiến dịch kết thúc bằng một trận đánh đẫm máu, Trận Thapsus. Sau trận đánh này, một trong những kẻ thù ngoan cường nhất của Caesar, Marcus Porcius Cato, người đã từng chỉ huy quân đồn trú tại Utica ở Phi châu, phải tự tử.
Đọc thêm: Marcus Porcius Cato
Marcus Porcius Cato (95-46 BC) là hậu duệ trực tiếp của Cato, cựu quân nhân lừng danh trong Chiến tranh Punic lần hai và là biểu hiện cao nhất của phẩm chất La Mã truyền thống, mà một thế kỷ trước đây đã khăng khăng Carthage phải bị tiêu diệt. Như tổ tiên lừng lẫy của mình, Marcus Porcius Cato là người theo phái Khắc Kỷ nghiêm nhặt, một lòng tận tụy và liêm chính, không tha thứ cho thói hèn yếu của binh lính mình. Ông cũng là người hết lòng ủng hộ nhóm Optimate và quan điểm của họ và do đó hoàn toàn đối nghịch với Caesar.
Caesar: Thủ Lĩnh của Thế Giới La Mã
Thắng lợi của Caesar trong cuộc nội chiến ở Trận Pharsalus năm 48 BC và cái chết của Pompey mang lại cho ông quyền lực tối cao độc nhất trong thế giới La Mã. Viện Nguyên lão tạo nên Nhà Độc Tài Caesar trong mười năm. Trách nhiệm tu bổ những hư hại, phục hồi nền Cộng Hòa, an cư các cựu quân nhân, và đặt ra các đạo luật mới và ổn định trật tự đều nằm trong tay ông. Caesar quyết tâm tránh những vụ trả thù đổ máu mà Sulla đã từng làm trong thời kỳ độc tài của ông. Tác động của Caesar lên nhà nước La Mã thật là to lớn và những cải cách của ông vượt xa những cải cách của thế kỷ trước đó.
Trật tự mới của Caesar
Công trình tái thiết nền Cộng Hòa của Caesar là một hình mẫu của sự chừng mực và tầm nhìn xa. Ông đưa ra những cách giải quyết thực tiễn để ổn định tình thế trong thế giới La Mã, như mở rộng việc La Mã hóa những tỉnh lỵ bằng cách đem những dân tỉnh lẻ tham giá vào bộ máy điều hành nhà nước La Mã. Những cải cách của Caesar bao gồm:
- Tha thứ cho những người theo phe Pompey, ngay cả kẻ thù tinh quái Cicero, nếu họ chịu về phe ông.
- Giảm hơn phân nửa số người La Mã phụ thuộc vào trợ cấp lương thực để giảm bớt những tên gây rối biếng nhác. Những người không đủ điều kiện được chuyển đến những thuộc địa ở nước ngoài.
- Định cư những cựu quân nhân của Caesar đến sống ở những khu định cư nước ngoài.
- Thành lập những thuộc địa mới, như Arles ở Pháp và Seville ở Tây Ban Nha, và cho họ quyền công dân La Mã hay Latinh.
- Ban thưởng tư cách công dân La Mã cho những người tỉnh lẻ xứng đáng, và những thành phố và binh lính mà Caesar đã tuyển mộ ở nước ngoài.
- Nhận người Ý, và thậm chí một số người Gaul, vào Viện Nguyên lão, nhờ đó đã giúp Viện Nguyên lão mở rộng tầm hiểu biết về những quyết sách bên ngoài La Mã.
- Tu bổ những cung đường đến cảng ở Ostia.
- Ban tư cách Latinh cho vùng Transpadane Gaul.
- Giảm thuế và cải tổ việc thu thuế trong một số tỉnh.
Caesar tịch thu một số tiền lớn bằng cách tịch biên đất đai của những người ủng hộ Pompey mà chần chừ trong việc đầu hàng, phạt các thành phố tỉnh lẻ đã ủng hộ Pompey, và bán các đặc quyền cho các thành phố và vương quốc miền đông. Tiền thu được cho phép Caesar phân phát cho binh lính có công, xây dựng những công trình công cộng, và tài trợ những hoạt động giải trí công cộng.
Này, chúng tôi không muốn có vua! (44 BC)
Caesar được nhiều người tán dương __ không có gì ngạc nhiên __ vì những cải cách của mình. Caesar đã làm nhiều hơn ai khác để mang lại ổn định cho thế giới La Mã. Viện Nguyên lão tin rằng Caesar vẫn còn muốn thọc tay vào hệ thống chính quyền Cộng Hòa.
Nhưng Caesar có ý nghĩ khác, và với quân đội đứng sau lưng, ông có thể làm gì tùy thích. Ông đảm nhiệm chức năng của Quan Chấp Chính và hộ dân quan vài lần. Những hành động của Caesar đi ngược lại với những người truyền thống cực đoan, cho rằng ông đang dẫm đạp lên hệ thống Cộng Hòa. Lỗi lầm lớn nhất của Caesar là nhắc cho người La Mã nhớ về quá khứ cổ xưa của thành phố. Ông chèn kín người của ông vào Viện Nguyên lão, vì thế ông làm thêm bớt bất cứ thứ gì mình muốn, tuyên bố rằng lời mình nói chính là luật.
Đọc thêm: Lịch Julia
Một trong những cải cách có giá trị lâu dài nhất của Caesar là bộ lịch, được đặt theo tên ông. Lịch Julia vẫn còn là cơ sở của bộ lịch ta dùng hiện nay. Năm La Mã có 355 ngày với một tháng lẻ được xen vào sau tháng hai để phù hợp với năm mặt trời. Tuy nhiên, vì những ngày bổ sung do các tu sĩ đưa vào, toàn bộ sự việc trở nên rối rắm không hiệu quả. Caesar quyết định cho một năm có 365 ngày và thêm một ngày mỗi bốn năm. Bộ lịch mới này của ông, có một tháng mang tên ông là July (tháng bảy), được sử dụng hàng thế kỷ, cho đến khi người ta thấy rằng bộ lịch không hoàn toàn khớp với quỹ đạo của trái đất quanh mặt trời. Vào năm 1582, bộ lịch Julia sai lệch mười ngày. Lịch mới được Giáo hoàng Gregory XIII điều chỉnh để tránh sai sót và chỉ được sử dụng ở Anh vào năm 1752. Đó là lịch chúng ta dùng ngày nay.
Đọc thêm: Tài năng và điểm yếu của Caesar
Caesar tiếng tăm lừng lẫy về nghị lực, sinh lực và đa năng. Ông có thể đọc và viết, hoặc lắng nghe và đọc cho viết, cùng một lúc. Người ta truyền tụng Caesar có thể đọc cho thư ký chép một lần đến bốn bức thư nếu chúng quan trọng, và bảy thư nếu chúng không quan trọng. Ông được cho là đã tham dự 50 trận đánh, một kỷ lục, nhưng lại là một vị tướng quân rộng lượng nhất __ mặc dù có thể không chắc người Gaul đồng ý về đánh giá này. Không kể tính tự phụ và yếu mềm trước phụ nữ, Caesar cũng mắc chứng động kinh. Ông lên cơn động kinh trong Trận Thapsus vào 46 BC. Một vài sử gia La Mã đã nêu ra sự kiện này, và chắc chắn bệnh sẽ trở nên nặng hơn về cuối đời.
Caesar đã để những thành tựu của bản thân làm mình mê muội. Ông cho phép dân chúng mang bức tượng ông cùng với tượng các vị thần khi làm lễ khai mạc các vận hội và một bức tượng khác của ông được đặt chung với tượng các vị vua, và ông cho phát hành những đồng tiền có in chân dung mình. Ngay cả việc ông cải cách bộ lịch chỉ làm một số người thêm bất mãn quyền hành của ông. Vào 44 BC, Caesar được phong Dictator Perpetuus (Nhà Độc Tài Suốt Đời), và để bảo đảm ai cũng hiểu việc này, ông chấp nhận một món quà là một ngai mạ vàng đặt trong tòa nhà Viện Nguyên lão, một áo choàng chiến thắng, và một vương miện hình nhánh nguyệt quế. Khi có lần được hoan hô như Vua ông đáp, ‘Ta là Caesar chứ không phải là Vua’.
Cú đấm của số mệnh (44 BC)
Phần đông dân chúng La Mã chỉ muốn được cuộc sống ổn định và người lãnh đạo tốt; họ chắc chắn không cần biết Caesar ra sao. Các cải cách của Caesar là những giải pháp thực tiễn cho những năm hổn loạn. Nhưng nhiều nghị sĩ giận dữ và không muốn thay đổi __ họ muốn phục hồi nền Cộng Hòa trở lại hoạt động như xưa. Cicero gọi Caesar là tên bạo chúa, và ý kiến đó lan đi nhanh chóng. Caesar lúc này quá tin vào sự vô địch của mình đến nổi ông cảm thấy không cần vệ sĩ. Ông đang soạn kế hoạch đánh Parthia, và các người ủng hộ ông thậm chí còn rỉ tai là có lời tiên tri cho rằng chỉ có nhà vua La Mã mới có thể đánh bại Parthia.
Kẻ thù của Caesar biết là ông sẽ xuất phát vào ngày 18 tháng ba năm 44 BC và như vậy sẽ thoát khỏi tay họ __ họ phải đập trong khi sắt còn nóng. Một nhóm các nhà ái quốc bày mưu ám sát Caesar vào tháng ba năm 44 BC. Một số người, như Cassius và Brutus, vốn là những người theo phe Pompey nhưng được Caesar khoan hồng. Những người khác thì mang những hiềm thù cá nhân với Caesar, nhưng có nhiều người vẫn còn một lòng trung thành với Caesar. Cassius muốn Mark Antony tham gia, nhưng Brutus không đồng ý.
Đọc thêm: Điềm xấu về cái chết của Caesar
Người La Mã yêu thích về điềm triệu tốt hay xấu và nhất là thích trông chừng những manh mối cho thấy những tai họa đang đến. Người ta nói Caesar đã hiến tế một con thú hóa ra nó không có trái tim, nhưng đáng ngại nhiều hơn một thầy bói cảnh báo ông sẽ gặp một tai họa lớn trước ngày Tides tháng ba (tức ngày 15/3 theo lịch La Mã). Vào đêm trước ngày Tides tháng ba, Caesar nằm mộng thấy mình đang ở thiên đường, và vào buổi sáng ngày 15 tháng ba, ông chần chừ không muốn ra ngoài. Nhưng rồi ông cũng đi mặc dù có người nhắn tin cảnh báo về một tai ương đang đến gần. Caesar không thèm đọc tin nhắn và bị ám sát một cách tàn nhẫn. Ngay sau Caesar mất, cháu của Caesar, hoàng đế Augustus, trông thấy một sao chổi trong khi tham dự một vận hội để vinh danh thần Vệ nữ. Augustus sau đó dựng một đền thờ vinh danh sao chổi,
Marcus Junius Brutus là hậu duệ của Lucius Junius Brutus, thủ lĩnh của nhóm âm mưu ném Tarquinius Superbus khỏi ngai vàng La Mã (xem Chương 10) và có công trong cuộc thành lập nền Cộng Hòa La Mã khởi thủy. Điều này lý giải tại sao chàng Brutus trẻ hiến dâng mình cho những lý tưởng của Cộng Hòa La Mã. Chẳng hạn, mặc dù Brutus thù ghét Pompey vì đã giết hại cha mình, nhưng Brutis vẫn về phe Pompey, vì tin rằng Pompey là một người yêu quý nền Cộng Hòa hơn Caesar, và ông đã chiến đấu bên cạnh Pompey trong trận Pharsalus. Brutus cũng có những lý do khác để căm ghét Caesar: Trong số nhiều phụ nữ mà Caesar chinh phục có mẹ Brutus là Servilia Caepionis và em gái ông là Junia Tertia, mà mẹ ông dâng cho Caesar để ông giải khuây. Những người khác bao gồm vợ của Crassus là Tertulla và vợ của Pompey là Mucia.
Ở La Mã, vào ngày Ides tháng ba năm 44 BC (15 tháng ba), Caesar đến dự họp với Viện Nguyên lão tại một sảnh ngay sát nhà hát lớn bằng đá do Pompey xây dựng. Bọn âm mưu chồm lên người ông và đâm tổng cộng 23 nhát dao.
Mội lỗi lầm ghê tởm và thời phất lên của Mark Antony
Bọn ám toán Caesar nghĩ rằng mình đã giải phóng nhân dân khỏi tên bạo chúa và sẽ được tung hô như những kẻ cứu tinh nền Cộng Hòa. Bọn sát nhân đã sai lầm khi tưởng rằng kim đồng hồ có thể quay trở lại và nền Cộng Hòa một lần nữa có thể vận hành theo cách nó đã được thiết kế vào 509 BC. Họ đã lầm. Brutus dự định đọc một diễn văn để biện minh cho hành động mưu sát, nhưng toàn thể nghị sĩ đã bỏ đi hết. Thay vì một đám đông tung hê, bọn mưu sát chỉ thấy Quảng trường vắng ngắt. Bọn âm mưu tiến bước qua đường phố tay vung vũ khí, và được một băng võ sĩ giác đấu bảo vệ, họ lẻn ra trốn trên đồi Capitol.
Đồng liêu của Caesar trong ban chấp chính, Mark Antony, tiếp nhận trách vụ, trong sự hối tiếc của Cicero (Cicero cho rằng Antony cũng đáng chết như Caesar). Cicero căm ghét cái cách mà Caesar xử sự và hoàn toàn vui mừng khi nghe tin mưu sát, nhưng cũng cho rằng cơ hội này thật lãng phí vì Antony đã thay thế.
Tranh sơn dầu: Cuộc mưu sát Caesar
Antony và Caesar đã đồng hành cùng nhau một thời gian dài: Antony nằm trong ban tham mưu của Caesar trong cuộc chiến xứ Gaul, đã từng bảo vệ quyền lợi của Caesar khi Antony trở thành hộ dân quan vào 49 BC, và chỉ huy một đạo quân của Caesar ở Pharsalus.
Để làm vui lòng những người ủng hộ Caesar, Antony thuyết phục Viện Nguyên lão thông qua bất kỳ luật nào còn tồn tại của Caesar và tán thành việc khoan hồng cho bọn âm mưu, do Cicero đề nghị. Antony cũng yêu cầu Viện Nguyên lão bỏ phiếu tán thành một lễ an táng trọng thể cho Caesar.
Tang lễ Caesar biến thành một cơn cuồng nộ của dân chúng. Đám đông phẫn nộ khi trông thấy thi thể của Caesar và lục soát cả Quảng trường để phóng hỏa bất cứ thứ gì cháy được. Đám đông sau đó treo cổ một người mà họ cho là một thành viên của nhóm âm mưu, và một số người kéo đến nhà của Brutus và Cassius để rắp tâm giết họ. Brutus và Cassius phải trốn thoát khỏi La Mã.
Chọn người thừa kế Caesar: Mark Antony hoặc Octavian?
Mark Antony xoay sở để ổn định lại tình hình hỗn loạn sau cái chết của Caesar. Ông cân nhắc trước khi cho phép bọn âm mưu trốn thoát, tìm kiếm đất đai cho các cựu quân nhân của Caesar để giữ họ ở xa La Mã, và sắp xếp để hủy bỏ thể chế độc tài. Antony phong Brutus và Cassius làm thống đốc các tỉnh lỵ. Brutus và Cassius không quan tâm đến cách đối xử biệt lệ này, nhưng Antony đe dọa họ khiến họ phải bỏ chạy về miền Đông. Tuy nhiên, Brutus và Cassius được Viện Nguyên lão ban thưởng danh hiệu maius imperium (một hình thức cấp cao của quyền chỉ huy quân đội, imperium), cho họ quyền hành đối với các thống đốc tỉnh lỵ. Brutus và Cassius tự tiện lấy tất cả khí tài mà Caesar đã dự trữ để chuẩn bị cho chiến dịch ở Parthia, đặt ra những sắc thuế tàn tệ, và chuẩn bị xây dựng một quân đội cho riêng mình.
Không phải mọi chuyện đều theo ý của Antony. Ở La Mã, Viện Nguyên lão chống đối cách thức Antony sử dụng tài chính và bán các đặc quyền và các trường hợp miễn thuế bằng cách sử dụng những tài liệu giả mạo, mà ông nhận là của Caesar. Và người cháu của Caesar, Gaius Octavius __ chứ không phải là Antony __ là người thừa kế của Caesar.
Mối liên hệ của Octavian với Julius Caesar là phức tạp nhưng quan trọng. Em gái Caesar là Julia lấy Marcus Atius Balbus, một người bà con với Pompey. Con gái của Julia là Marcus Atia lấy Gaius Octavius, người đã mất vào 58 BC. Atia và Octavius có một con trai sinh năm 63 BC, người này gọi Caesar là ông cậu, cũng tên Gaius Octavius thêm Thurinus để tưởng nhớ Thurii là nơi gia đình xuất thân. Gaius Octavius Thurinus được biết dưới tên Octavianus, và chúng ta gọi ông là Octavian.
Caesar cho tên Octavian là người thừa kế của mình trong di chúc và Octavian được nhận là con trai của Caesar. (Caesar cũng có một con trai với Cleopatra, tên là Caesarion. Khi Caesar chết, Caesarion, mà sau này Octavian sẽ thanh toán, vẫn còn sống ở Ai Cập với Cleopatra.) Octavian lúc này chỉ 18 tuổi đang ở Epirus (Tây bắc Hy lạp) trong đợt huấn luyện quân sự thì nghe tin mình là người kế vị của Caesar, liền lập tức quay về La Mã để nhận quyền thừa kế.
Lịch sử 70 năm lẻ vừa qua của nền Cộng Hòa toàn bộ chỉ là sự nghiệp của một số ít người chủ chốt: Marius, Sulla, Crassus, Pompey, và Caesar. Họ hoàn toàn khống chế chính tình và chiến tranh La Mã. Tất cả họ đã thách thức nguyên tắc nền tảng của Cộng Hòa La Mã: Rằng không ai được sở hữu quyền lực chính trị lâu dài. Caesar đã lật đổ nguyên tắc đó, và nền Cộng Hòa loạng choạng trên bờ vực của việc bị cai trị bởi một nhà vua và một bạo chúa. Sức mạnh của Caesar là nguyên nhân làm ông ngả xuống. Nền Cộng Hòa chỉ kéo dài thêm một ít năm nữa cho đến 43 BC và dòng lịch sử đã thay đổi.
Octavian và Sự Kết Thúc của nền Cộng Hòa (44-43 BC)
Octavian đến La Mã và đổi tên là Gaius Julius Caesar Octavianus, biết rằng đây là cách tốt nhất để được lòng quân sĩ của Caesar. Octavian bực dọc khi khám phá ra rằng chính Mark Antony đã thoải mái chi tiêu tài sản riêng của Caesar, cũng như những quỹ công mà ông có thể đặt tay lên. Octavian giờ phải kiếm lại tiền mà Caesar đã để lại cho binh lính mình trong chúc thư. Octavian và Antony ngay lập tức bị kẹt vào trong một mối cừu hận chết chóc.
Tình hình căng thẳng lại càng tệ hơn khi Cicero can thiệp bằng cách viết hai bài công kích. Cicero mạt sát Antony là tên cơ hội có tất cả tham vọng bất hợp pháp, nhưng lại không có khả năng cũng như biết tự kềm chế như Caesar. Cicero ca ngợi Antony đã loại bỏ chế độ độc tài, nhưng nguyền rủa Antony vì đã biến chính quyền thành một ‘nơi buôn bán quái đản’, và vì cho một băng du đảng bảo vệ mình chống lại những con người lương thiện.
Trong lúc đó, Antony tự phong là thống đốc xứ Gaul và ra kế hoạch chuyển quân từ Macedonia vào Gaul. Antony kết tội Octavian đã âm mưu sát hại mình, điều này khiến Octavian cho triệu tập các binh lính cũ của Caesar đến với mình.
Trở lại chuyện La Mã, vào 43 BC, Cicero tiếp tục làm rối tung lên bằng cách tiết lộ các kế hoạch xóa bỏ các sắc luật của Antony, ngay vào lúc Antony đang lên kế hoạch tấn công Brutus và Mutina ở miền bắc Ý. Antony đề nghị sẽ không ra trận nếu các sắc luật của ông được để yên, nhưng đề nghị của Antony bị khước từ, và Viện Nguyên lão tuyên bố ông là kẻ thù của nhân dân.
Lúc này Octavian đang tiến đánh, vì thế Antony lui quân và hợp đồng các lực lượng của mình với các thống đốc của xứ Gaul và Tây Ban Nha.
Octavian bất hòa với Viện Nguyên lão khi họ muốn ông là đồng minh của Brutus. Điều cuối cùng mà Octavian muốn làm là hợp tác với những kẻ giết hại Caesar. Viện Nguyên lão trừng phạt Octavian vì đã giữ lại tiền để ban phát cho binh sĩ. Octavian đáp lại bằng cách tiến quân vào La Mã, ép người bầu mình làm Chấp Chính, và hủy bỏ lệnh khoan hồng cho những kẻ chủ mưu sát hại Caesar.
Brutus và Cassius đã có quân đội riêng của mình vì thế nội chiến không thể nào tránh khỏi. Luôn là người thực tế, Octavian có thể thấy rằng gây thù hận với Antony không có lợi ích gì. Octavian thấy rằng đã đến lúc giàn xếp với Antony.
Nhóm Ba Người Lần Hai: Tam Đầu Chế Lần Hai (43 BC)
Octavian gặp Antony, cùng với Marcus Aemilius Lepidus, Tổng trấn Tây Ban Nha. Lepidus đã về phe của Antony, nhưng cũng đã thương thảo để trở về với Octavian. Ba người lập một hiệp ước hợp pháp trong năm năm được biết đến trong lịch sử như là Tam Đầu Chế Lần Hai, vì thế không giống như Tam Đầu Chế Lần Nhất lần này là chính thức. Quyền lực của Tam Đầu Chế Lần Hai khiến Viện Nguyên lão trông chẳng khác một thằng bù nhìn. Octavian, Antony, và Lepidus có thể chỉ định các quan chức, và quan trọng hơn, họ có quyền tự do tuyệt đối trong việc tuyên chiến bất cứ khi nào họ muốn. Sắc luật thiết lập Tam Đầu Chế được thông qua vào ngày 27/11/43 BC và đánh dấu sự kết thúc của Cộng Hòa La Mã, mặc dù không ai nhận ra vào thời điểm đó.
Máu, thịt, và thần linh
Tam Đầu Chế Lần Hai ngay từ đầu đã tắm máu. Octavian, Antony, và Lepidus lập danh sách 300 nghị sĩ và 2,000 kỵ sĩ đã từng ủng hộ việc ám sát Caesar và, chỉ trừ một số ít người may mắn, tàn sát họ. Hành động của Tam Đầu Chế không phải vì sợ những đối thủ của mình. Octavian, Antony, và Lepidus có trong tay 43 quân đoàn, và nhờ tịch thu được tài sản các nghị sĩ và kỵ sĩ bị tàn sát mà họ có tiền trả lương cho binh lính. Nhưng số tiền vẫn không đủ, và Tam Đầu Chế phải áp đặt thêm các sắc thuế thật nặng.
Bài đã kích Antony lần thứ hai của Cicero là bản án tử của ông. Octavian bỏ ra hai ngày cố thuyết phục Antony tha mạng sống Cicero, nhưng Antony không chịu nghe. Cicero đùa nghịch với ý định trốn thoát đến Hy lạp, nhưng quyết tâm chấp nhận số mệnh của mình. Cicero bị bắt tại điền trang của mình và bi sát hại. Đầu và tay ông được mang về La Mã và Antony trưng bày chúng ở Quảng trường, tuyên cáo sự trừng phạt phe ủng hộ của Caesar đến đây là chấm dứt.
Octavian chơi trội hơn Antony và Lepidus bằng cách công bố mình có liên hệ mật thiết với thần Caesar. Vào năm 42 BC Julius Caesar đã được phong thần và một đền thờ đã được dựng lên thờ cúng ông. Là một con trai nuôi của Caesar, Octavian có thể tắm mình trong danh tiếng của Caesar __ mà không sợ bị kết tội là tự cho mình là thần thánh.
Trận Philippi
Octavian, Antony, và Lepidus chia cắt Đế chế La Mã giữa họ. Octavian lấy Sicily, Sardinia, và Phi châu; Lepidus lấy Tây Ban Nha và một phần xứ Gaul; còn Antony lấy phần còn lại của xứ Gaul. Cả ba người chia sẻ xứ Ý, và Octavian, Antony, và Lepidus đoàn kết cùng nhau trong mục đích chung là chiếm lại miền Đông từ tay Brutus và Cassius.
Vào 42 BC Antony và Octavian để Lepidus điều hành công việc ở Ý cùng dẫn quân đến Hy lạp, quyết tâm dẹp tan Brutus và Cassius. Tại Trận Philippi, Antony lãnh quyền chỉ huy vì Octavian không có nhiều kinh nghiệm trận mạc. Trong lần giao tranh đầu tiên Antony đè bẹp quân của Cassius và Cassius phải tự tử. Trong lần giao tranh thứ hai ba tuần sau đó, Brutus cũng tự kết liễu đời mình sau khi bị Antony đánh bại.
Octavian chưa hề có sức khỏa tốt. Sau Trận Philippi người ta nói Octavian bị phù phải nằm liệt trên đầm lầy ba ngày liền.
Sự đổ vỡ bắt đầu
Tam Đầu Chế Lần Hai gồm ba người đầy tham vọng do đó tất nhiên sẽ dẫn đến rạn nứt. Antony là người chủ chốt trong Tam Đầu Chế vì lập được chiến công tại Philippi. Antony và Octavian tống khứ Lepidus đi Phi châu (trước đây họ đã để ông ở lại trông coi Ý), kết ông ta tội bất trung, và tự tiện chia nhau các tỉnh lỵ của ông ta. Octavian ở lại để trông coi Ý trong khi Antony dẫn quân về đông xây dựng đế chế riêng cho mình. Octavian dự tính định cư những người cựu quân nhân của mình trên những vùng đất đã tịch thu được ở Ý. Nhưng chương trình của Octavian gây bực mình cho gia đình Antony. Họ hứa hẹn với người dân có đất bị Octavian lấy đi là Antony sẽ sớm quay về để phục hồi nền Cộng Hòa.
Antony trở về Ý vào 40 BC. Bị lực lượng của Octavian cản trở, để đáp trả ông liền phong tỏa hải cảng Brundisium. Chiến tranh gần như bùng phát, nhưng rồi nhận ra việc này không có ích cho ai, ba tam đầu chế quyết định kết hợp lực lượng một lần nữa. Octavian dẹp tan những cuộc nổi dậy ở Gaul và còn cho binh sĩ trú đóng ở đó. Vào năm 38 BC Antony hổ trợ Octavian đánh bại con trai Sextus của Pompey, cầm đầu cuộc nổi dậy ở Sicily. Tam Đầu Chế Lần Hai lại được gia hạn thêm năm năm nữa, và rồi Octavian phơi bày chân tướng của mình và gạt Lepidus ra khỏi Tam Đầu Chế. Octavian tiếp tục theo đuổi kế sách của mình vào miền Đông rồi xuống Illyricum.
Như bạn có thể tưởng tượng, khi chỉ còn lại Octavian và Antony tranh chấp quyền lực với nhau tình hình sẽ càng lúc càng khốc liệt.
Antony và Cleopatra
Vấn đề lớn nhất của Antony là giành lại quyền sở hữu phía đông của La Mã. Người Parthia đã xâm chiếm Syria và hầu hết vùng Tiểu Á. Mặc dù họ bị đánh bật trở lại, Antony cũng muốn xâm chiếm Parthia mà Caesar đã từng tính tới trước khi bị mưu sát.
Antony gặp Cleopatra, nữ hoàng Ai cập, trong khi chuẩn bị xâm chiếm Parthia. Antony yêu cầu Cleopatra trình diện để giải thích tại sao bà ủng hộ Cassius. Cleopatra đi đến trên con thuyền lộng lẫy, ăn mặc như nữ thần Vệ nữ (Venus), và Antony hoàn toàn bị hút hồn. Cleopatra duyên dáng, thông minh, có thể nói nhiều thứ tiếng, và, tất nhiên, vô cùng khiêu gợi.
Tình hình càng thêm phức tạp vì Antony đã kết hôn với Octavia, chị gái của Octavian, vào năm 40 BC, như một cách làm dịu đi những khác biệt giữa mình và Octavian. Ý kiến kết hôn là do chính Octavia bày ra. Nhưng Antony bỏ lại Octavia và những đứa con của họ ở lại sau khi ông xua quân về miền Đông. Antony gặp Cleopatra tại Syria năm 37 BC __ Antony không thể cưỡng lại được sức quyến rủ của Cleopatra, họ yêu nhau say đắm và có con với nhau.
Antony tiếp tục thu hồi gần hết những lãnh thổ phía đông của La Mã. Nhưng khi Antony muốn xâm chiếm Parthia vào 36 BC ông bị mắc bẫy và phải vội vã rút quân, tổn thất 22,000 người, nhưng quân số còn lại vẫn còn bên ông. Với quân số bị tiêu hao và tiền bạc không còn, Antony hoàn toàn phụ thuộc vào tài lực của Clepatra. Vào 35 BC, Antony ly hôn Octavia, cắt đứt hoàn toàn khỏi liên hệ với Octavian.
Thách đấu tay đôi
Vào 34 BC, Antony diễu hành chiến thắng tại Alexandria tại đó ông tuyên bố Caesarion, con trai của Cleopatra và Caesar, là người thừa kế đích thực của Julius Caesar. Đâu đó vào khoảng 33 BC Antony bằng lòng lấy Cleopatra. Hành động của Antony là một điều sỉ nhục trắng trợn đối với Octavia, mà năm sau ông mới ly hôn. Antony bắt đầu mở rộng vương quốc của Cleopatra bằng cách đơn phương chia cắt La Mã và lãnh thổ khác ở miền Đông cho các con của Clepatra, đe dọa sức mạnh của Đế chế La Mã.
Vào 32 BC, Antony và Cleopatra phát hành đồng tiền một mặt chạm hình Antony, mặt kia hình Cleopatra, với lời chú ‘Nữ hoàng của các vì Vua, của các con trai là Vua’, một tuyên ngôn rõ ràng về tham vọng của Antony và Cleopatra, và một thách thức trực tiếp vào Octavian.
Trận Actium (31 BC)
Tam Đầu Chế Lần Hai gãy đổ vào 33 BC. Octavian ngay lập tức bỏ đi các danh hiệu và quyền hành của mình, và tống cổ các quan chấp chính và 300 nghị sĩ dự tính kết tội mình. Các quan chấp chính và nghị sĩ liền bỏ ông mà chạy đến với Antony, nhưng một tin đồn lan đi nói rằng Antony đang mưu tính phong Cleopatra làm hoàng hậu La Mã, và cai trị Đế chế La Mã từ Ai Cập.
Bước tiếp theo của Octavian là xuất bản di chúc của Antony (không có chứng cứ di chúc này là thật), trong đó tái khẳng định con trai Caesarion của Cleopatra là người thừa kế thực sự của Caesar. Các thành phố La Mã khắp miền Tây nhanh chóng tuyên thệ trung thành với Octavian, coi như tán thành việc ông có thể tiến đánh Antony. Vào 31 BC Octavian được phong làm Chấp Chính, và ông được Viện Nguyên lão cho phéo tuyên chiến với Antony và Cleopatra, giờ đang ở Hy Lạp.
Antony và Cleopatra thất trận
Antony và Cleopatra đang ở Actium trên bờ biển tây bắc của Hy Lạp với hạm đội của mình. Đô đốc và bạn thân của Octavian, Marcus Vipsanius Agrippa, sử dụng hạm đội cắt đứt nguồn tiếp tế của Antony. Quân của Octavian quần binh lính của Antony đến suy kiệt. Vào ngày 2 tháng 9 năm 31 BC Antony dự tính lui binh với lực lượng 200 chiến thuyền. Cleopatra trốn thoát với 60 chiến thuyền, và Antony chạy theo với số chiến thuyền chỉ trội hơn một ít. Phần còn lại của hạm đội và quân đội của Antony nhanh chóng đầu hàng Octavian.
Antony và Cleopatra tìm đường về Ai Cập. Nhưng họ biết rằng cuộc chơi đã kết thúc và cùng tự tử.
Hậu quả
Octavian tha mạng cho các con của Antony có với Cleopatra nhưng cho giết chết người em họ của mình là Caesarion. Ai Cập giờ đây trở thành một tỉnh lỵ của La Mã sau khi là một xứ độc lập vào thời cổ đại trong 3,000 năm, nhưng là một tỉnh đặc biệt bởi nó thuộc sở hữu riêng của Octavian và được truyền lại cho những người thừa kế ông. Vì Octavian giờ đây nghiểm nhiên là chủ nhân ông của Đế chế La Mã, không có ai dám tranh cãi về điều này.
Chương 16
Augustus và các Caesar __Âm Mưu, Biến Thái, và Hoang Tưởng
Trong Chương Này
- Augustus tạo ra phiên bản độc đáo về nền Cộng Hòa của mình ra sao
- Tại sao Tiberius, Caligula, Claudius, và Nero gần như phá hủy Đế chế
- Bằng cách nào Đế chế lại có đến bốn nhà cai trị trong một năm
- Việc phục hồi Đế chế của Vespasian
- Nhà Flavian làm Đế chế thêm hùng mạnh ra sao
Sau Trận Actium vào 31 BC, chính quyền của nền Cộng Hòa đã tơi tả. Những con người như Marius, Sulla, và Caesar đã phá hỏng uy thế và quyền lực của Viện Nguyên lão và giới quý tộc La Mã. La Mã đã quá hưng thịnh, quá giàu có, và cần một sự lãnh đạo đầy quyền lực, vậy mà những nhà cai trị của thế kỷ trước chỉ theo đuổi tham vọng của riêng mình và, không những không ổn định tình hình, còn phá vỡ sự ổn định của thế giới La Mã. Một điều chắc chắn, không ai muốn trở lại thể chế quân chủ.
Một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất do sử gia La Mã Gaius Suetonius Tranquillus viết có tên Mười Hai Caesar. Cuốn sách bắt đầu với cuộc sống của Julius Caesar và tiếp tục với tiểu sử của 11 hoàng đế đầu tiên cho đến AD 96. Năm hoàng đế đầu tiên (Augustus, Tiberius, Caligula, Claudius, và Nero) là những thành viên của triều đại Julio__Claudius, nghĩa là họ đều có mối quan hệ gia đình với Julius Caesar và cha của Tiberius là Tiberius Claudius Nero. Ba hoàng đế tiếp theo (Galba, Otho, và Vitellius) là các hoàng đế chết yểu của cuộc nội chiến AD 68-69, và tiếp theo là ba hoàng đế của triều đại Flavian: Vespasian và các con trai ông, Titus và Domitian. Việc cai trị của 11 hoàng đế là một trong những thời kỳ ấn tượng và có tính quyết định nhất trong lịch sử La Mã.
Augustus (tức Octavian) và Quyền Lực của mình
Octavian từ Ai Cậpvề đến La Mã vào 29 BC là người vô đối. Kẻ thù của ông đều chết cả. Ông kiểm soát toàn quân đội La Mã. Ông đã chiếm toàn bộ của cải của Ai Cập. Hơn nữa, nhiều thời gian đã trôi qua đến nổi không ai còn nhớ đến nền Cộng Hòa đã từng hoạt động thích đáng ra sao. Octavian có thể đã trở thành một bạo chúa hoang tưởng tự đại, mê đắm quyền lực, nhưng ông không thế __ và đó là một trong những sự kiện khác thường về ông.
Phục hồi nền Cộng Hòa
Octavian đứng trước một bài toán nan giải. Nếu ông chịu bỏ quyền tư lệnh quân đội hoặc chia sẻ nó với người khác, ông bỏ liều sự trở lại của nội chiến. Còn nếu ông ôm lấy quyền kiểm soát, thế thì ông đang giỡn mặt với truyền thống Cộng Hòa cho rằng việc nắm quyền lực chính trị lâu dài trong tay một người là bất hợp pháp. Và ông cũng nhớ những gì đã xảy đến cho Caesar.
Octavian phải tìm ra giải pháp. Ông trở về La Mã, được bầu làm Chấp chính, và lao vào hành dộng. Ông:
- Phục hồi các định chế của nền Cộng Hòa, nhưng dưới sự chỉ đạo của mình, cho phép ông nắm quyền kiểm soát hoàn toàn quân đội và chính sách đối ngoại
- Giải ngũ một số binh lính, cung cấp đất cho họ, và hủy bỏ những gì trái luật mà ông đã làm trong những năm trước chiến tranh
- Đặt việc điều hành những vấn đề nội chính dân sự vào tay các nghị sĩ và giới kỵ sĩ
- Loại bỏ những nghị sĩ không thích hợp và thảo ra bảng tiêu chuẩn được vào Viện Nguyên lão: đã từng phục vụ trong quân đội, phẩm chất cá nhân, và khả năng tài chính
Trong vài năm đầu tiên này, Octavian cai trị bằng một đường lối hoàn toàn không chính thống, chờ đợi thời cơ và tìm kiếm những điều tốt nhất để thực hiện. Ông thoát khỏi sự bế tắc nhờ vào uy tín của mình và vì ai cũng mệt mỏi vì tình hình bất an. Ông cũng có hai người bạn cực kỳ quan trọng nhiệt tình giúp đỡ ông:
- Maecenas: Gaius Maecenas (mất 8 BC) thuộc giới kỵ sĩ và đã từng dự Trận Philippi với Octavian. Vào 40 BC, Maecenas thương thuyết sự dàn xếp với Antony tại Brundisium. Maecenas thường được giao quyền kiểm soát La Mã trong thập niên 30 BC. Mối liên hệ của ông với Octavian nguội dần vào những năm về sau, vì vợ của Maecenas trở thành nhân tình của Octavian; tuy vậy ông vẫn giao lại cho người bạn cũ Octavian tất cả tài sản trong di chúc của mình. Maecenas là mạnh thường quân lớn của các thi nhân và nhà văn và nhờ có ông mà những bài thơ tuyên truyền nhằm ca ngợi tài cai trị của Octavian của Virgil và Horace rất có tác dụng.
- Agrippa: Marcus Vipsanius Agrippa (64-13 BC) đồng hành với Octavian đến La Mã khi Octavian đòi quyền thừa kế của mình sau khi Caesar mất. Agrippa là một chiến binh xuất chúng và nhà chiến thuật hải quân có công cho hầu hết những thắng lợi quân sự của Octavian. Agrippa không chỉ trị an La Mã cùng với Maecenas, mà còn được giao nắm quyền kiểm soát miền Đông và sau đó giải quyết những vấn đề ở Gaul (Pháp) nữa. Từ đó huyết thống của Agrippa và Octavian xuống đến Hoàng đế Caligula (AD 37-41) và Nero (AD 54-68). Phẩm chất nổi bật của Agrippa là, mặc dù có thừa năng lực, ông luôn đặt sự nghiệp của Octavian lên trên hết.
Vợ của Octavian là Livia (58 BC-AD 29) là một nhân vật quan trọng khác trong cuộc đời Octavian. Người vợ đầu tiên của ông, Scribonia, là mẹ của Julia, nhưng Octavian ly hôn Scribonia vào 39 BC, tuyên bố là ông không hợp với bà. Vào 38 BC, Octavian cưới Livia, vợ của một người ủng hộ Pompey tên Tiberius Claudius Nero, để mong thắt chặt mối liên hệ chính trị với các đối thủ tiềm năng. Thậm chí Octavian bắt Livia ly hôn với chồng mình để lấy ông. Octavian nhận con riêng của Livia là Tiberius làm người thừa kế, còn ông và Livia không có con riêng.
Một Hoàng đế không như một Hoàng đế
Vào 27 BC, Octavian giao lại mọi quyền bính và tỉnh lỵ của mình cho Viện Nguyên lão và nhân dân La Mã. Nhưng Viện Nguyên lão và nhân dân La Mã nhanh chóng (và một cách tế nhị) trao trả lại cho ông hầu hết quyền lực và lãnh thổ cho Octavian. Octavian giờ đây nắm giữ quyền bính như một quà tặng từ Viện Nguyên lão và nhân dân La Mã. Đây là một nước đi xuất sắc: Chiến thuật của Octavian đã biến ông thành một Hoàng đế được bầu cử hợp pháp và, hơn quan trọng hơn, người nắm giữ hợp pháp quyền bính tuyệt đối.
Octavian được bầu lại làm Chấp chính mỗi năm liền cho đến 23 BC. Ông được trao quyền kiểm soát các tỉnh Tây Ban Nha, Pháp, và Syria với quyền hành imperium (xem lại Chương 3 về ý nghĩa của danh hiệu này) và được phép gán danh hiệu imperium cho người đại diện của ông trong những tỉnh lỵ đó. Octavian cũng có Ai Cập là tài sản riêng của mình. Các thống đốc của những tỉnh lỵ La Mã khác được Viện Nguyên lão chỉ định. Viện Nguyên lão trở thành một pháp đình.
Trở thành Augustus
Vào 27 BC, tên Octavian được đổi thành Augustus (nghĩa là ‘đáng tôn kính’). Đó là một hành động biểu tượng cho vị thế của ông. Trong thời cai trị của mình, Octavian đã được ban vài danh hiệu, cho thấy quyền lực và vị thế của ông. Các danh hiệu bao gồm princept (thủ lĩnh), imperator (thống soái), và pater patriae (quốc phụ, từ 2 BC).
Để mọi việc ổn định, Augustus rời La Mã trong gần ba năm để đến trông coi Gaul (Pháp), và mở chiến dịch ở Tây Ban Nha. Ngay sau khi trở về La Mã vào 23 BC, Augustus lâm bệnh nặng, và mỗi năm mỗi tệ hơn. Cháu của Augustus và là người kế vị được chỉ định Marcellus chết, để lại người vợ Julia (con gái của Augustus) góa bụa. Không lâu sau đó Augustus chọn Agrippa làm người kế vị thay cho Marcellus. Agrippa ly dị người vợ thứ hai của mình để cưới con gái Julia của Augustus nhằm bảo đảm tính kế thừa từ Augustus. Nhưng rồi cái chết sớm của Agrippa vào 13 BC, và những cái chết của các con trai của Agrippa và Julia, phá hỏng kế hoạch của Augustus.
Người bảo vệ nhân dân
Augustus đi một vài nước cờ khôn khéo. Ông từ chức Chấp chính sau 23 BC trong một thời gian (ông giữ lại chức đó hai lần nữa, vào 5 BC và 2 BC). Bù lại, Viện Nguyên lão mỗi năm phong cho Augustus chức Hộ dân quan của Thứ dân đến suốt đời. Giờ đây ông nghiểm nhiên trở thành người đại diện của nhân dân, có quyền triệu tập Viện Nguyên lão, đưa ra những dự luật, và phủ quyết bất kỳ dự luật nào mà ông nghĩ đi ngược với quyền lợi của nhân dân. Augustus cũng có quyền chỉ định những ứng viên vào quan trường, và quyền imperium đối với các tỉnh lỵ của ông cũng được tái lập. Là một nhà quý tộc, Augustus thuộc nhóm Optimate, nhưng bằng những hoạt động như một nhà bảo vệ nhân dân ông đã đi theo đường lối hoạt động của nhóm Populare (xem Chương 14 về sự khác nhau giữa hai nhóm này). Vị thế của Augustus khiến ông được nhân dân ngưỡng mộ, mặc dù trong thực tế thứ dân thậm chí có ít quyền lực hơn từng có.
Thiên tài chính trị của Augustus
Bằng tính kiên nhẫn, tinh tế, và tài ngoại giao, Augustus đã khiến mình là một viên chức được bầu chọn của nhà nước, tuân theo luật pháp, với các quyền hành được Viện Nguyên lão và nhân dân ban cho. Điều đáng kể là các nguyên tắc của Cộng Hòa La Mã vẫn được gìn giữ, trong khi đồng thời, Augustus, được sự tán thành của Viện Nguyên lão và nhân dân, nắm giữ tất cả bộ máy điều hành của nhà nước trong tay mình.
Tưởng tượng nếu Tổng thống Hoa Kỳ cũng đồng thời là Chánh Thẩm phán của Tối cao Pháp viện và lãnh đạo của đảng đa số trong cả Thượng và Hạ viện __ và lại được mọi người công nhận là Hiến pháp Hoa Kỳ vẫn còn được tôn trọng. Bạn hình dung được toàn cảnh rồi đó. Việc cai trị của Augustus có hiệu quả vì ông không lạm dụng quyền lực vô địch của mình. Rủi thay, không phải tất cả những hoàng đế kế vị ông đáng tin cậy như vậy.
Một pho tượng Augustus
Augustus: Nhà bảo thủ cực đoan
Augustus là một người bảo thủ thực sự. Ông thực hiện những thay đổi, nhưng đồng thời Augustus muốn dân chúng tin tưởng là mình đang đi theo những lề lối cũ.
Augustus sử dụng quyền lực của mình để cổ vũ mọi giá trị truyền thống, chẳng hạn khuyến khích các ông mặc áo choàng toga (một loại áo choàng La Mã). Ông thông qua những sắc luật chống tội ngoại tình và hối lộ, và các chàng trai và cô gái không lập gia đình sẽ bị truất quyền thừa kế, cho dù việc này là không phổ biến. Tính bảo thủ của Augustus thậm chí đi quá xa như là miễn cưỡng trao quyền công dân cho những dân không có gốc La tinh, và ông đặt giới hạn cho việc giải phóng nô lệ.
Augustus thăng hoa tôn giáo La Mã bằng cách gia tăng số giáo sĩ và làm sống lại những nghi thức cổ xưa. Augustus cũng:
- Xây dựng và phục hồi đền thờ
- Làm sống lại Vận hội Secular, cho các nam thanh niên.
- Tự phong là Pontifex Maximus (‘Giáo chủ’) vào 12 BC
- Làm sống lại vào 11 BC chức danh flamen dialis, ‘thầy tế thần Jupiter’.
Augustus bắt đầu làm sống lại những tập quán tôn giáo La Mã, không vì ông đặc biệt muốn phục hồi lòng tin tôn giáo La Mã, nhưng bởi vì đó là một cách củng cố hình ảnh và vị thế chính trị của La Mã. Với sự trợ giúp từ người bạn Maecenas, Augustus khuyến khích các nhà văn viết về các thần thoại và huyền thoại có nguồn gốc La Mã. Tác phẩm Aeneid của Virgil không chỉ kể một câu chuyện về cuộc phiêu lưu của Aenea, mà còn trình bày thiên mệnh của La Mã, củng cố dòng dõi Venus của Aenea, một huyết thống mà Julius Caesar và chính Augustus đã tuyên bố.
Đọc thêm: Aeneid sống sót thế nào
Khi thi sĩ Virgil mất, ông để lại lời căn dặn là tác phẩm Aeneid, tập thơ vĩ đại của ông nói về sự thành lập La Mã, báo trước sự xuất hiện của Augustus, sẽ phải đốt bỏ. Augustus, biết được giá trị tuyên truyền của tác phẩm Aeneid, phớt lờ di chúc của Virgil. Về sau này, biết bao thế hệ các học sinh La Mã thuộc lòng nhiều đoạn trong Aeneid xem như một phần trong việc tập đọc và tập viết, và những trích dẫn từ thiên anh hùng ca của Virgil đi vào lời nói mỗi ngày, tương tự như tác phẩm của Shakespeare đã ảnh hưởng đến Anh ngữ hiện đại. Các bản thảo của Aeneid còn lưu lại và được các thầy tu Cơ đốc giáo sao chép vào thế kỷ thứ tư và thứ năm AD. Được gìn giữ trong tu viện, những bản sao này tạo thành phần cơ bản cho một số ấn bản được in đầu tiên vào thế kỷ thứ mười lăm. Ngày nay, Aeneid được phát hành rộng rãi theo La tinh ngữ nguyên gốc và nhiều ngôn ngữ khác trên khắp thế giới.
Đọc thêm: Việc đúc tiền
Augustus hiểu được tầm quan trọng của việc đúc tiền như là một cách quảng bá thể chế của mình. Trước thời Caesar, sự đúc tiền đồng hầu hết chỉ khắc chân dung các vị thần. Augustus phát hành hàng trăm loại tiền đồng khác nhau,, nhiều mẫu in chân dung ông và thể hiện các phẩm chất và chủ đề thích hợp. Có mẫu thể hiện đầu của Augustus một mặt và mặt kia là hình sao chổi đã xuất hiện sau cuộc ám sát Caesar vào 44 BC. Một mẫu đồng tiền khác một mặt là đầu trần của Augustus mặt kia khắc dòng chữ Ob Cives Servator (‘Vị Cứu Tinh của Công Dân’, xem hình dưới). Các đồng tiền Augustus lưu hành khắp Đế chế La Mã và xa hơn nữa. Đó là chiến dịch quảng bá chính yếu đầu tiên trong lịch sử.
Tìm thấy gạch và để lại cẩm thạch
Augustus hoàn toàn hiểu được tầm quan trọng của hình ảnh trước công chúng. Mặc dù là một thanh niên đẹp trai, nhưng ông không được cao lắm. Người ta nói ông có nhiều tàn nhang, các vết bớt bẩm sinh, tướng đi khập khiễng, bọng đái có sạn và một số bệnh nghiêm trọng khác. La Mã cũng đã vật vã, và cần được tái chỉnh trang.
Augustus luôn trẻ trung
Các bức tượng Augustus cho thấy ông là một chiến binh cường tráng, đường bệ, đẹp trai. Như tất cả những vị anh hùng vĩ đại nhất, Augustus không bao giờ già. Vào cuối thời trị vì, khi ông đã ngoài 70, không có bức tượng hay đồng tiền nào thể hiện một Augustus già nua. Đó là một mánh lới mà các nhà cai trị ưa sử dụng. Nữ hoàng Victoria (1837-1901) phát hành những đồng tiền kỷ niệm 50 năm trị vì đầu tiên của mình, với cùng một chân dung trẻ trung, cho tới khi tuổi già và nhiếp ảnh không thể giúp bà tránh né chuyện đó. Augustus may mắn hơn. Hầu hết dân chúng ở La Mã chưa hề nhìn tận mặt ông, vì thế ông vẫn mãi mãi trẻ trung trong tưởng tượng của họ.
Tái thiết La Mã
Như Augustus, La Mã cần đổi mới. Augustus bỏ ra một số tiền lớn cải tạo thành phố. Ông gia tăng số viên chức coi sóc công trình và dịch vụ công cộng. Điều này có nghĩa phải thuê mướn một số lượng lớn các kỵ sĩ để đảm nhận nhiều sự vụ khác nhau trong lãnh vực tài chính và trị an, cũng như sử dụng những người được giải phóng và nô lệ làm những công việc hành chính hoặc văn phòng hàng ngày. Augustus tạo ra điều có thể được gọi là dịch vụ dân sự. La Mã là Washington DC hoặc Whitehall vào thời kỳ đó.
Augustus thường khoe khoang rằng mình đã nhận một La Mã xây bằng gạch và trao lại một La Mã bằng cẩm thạch. Cũng có hơi cường điệu, nhưng quả thật cùng với Agrippa, Augustus có công kiến tạo một số tòa nhà công hoành tráng đến hôm nay còn tồn tại. Augustus và Agrippa cũng đưa ra một hình thức kết hợp giữa lực lượng cứu hỏa và lực lượng cảnh sát, và tổ chức nhiều trò giải trí công cộng hơn bao giờ hết. Bạn có thể tìm thấy những chi tiết về các thành tựu của Augustus và Agrippa trong Chương 6.
Giải quyết việc biên giới
Sự giàu có và uy tín của La Mã phụ thuộc vào sự tồn tại của Đế chế, nguồn tiền bạc và tài nguyên biến La Mã thành một thành phố huyền thoại bằng cẩm thạch và minh chứng cho việc La Mã vượt trội về mặt quân sự, chính trị, tôn giáo, và đạo đức. Vì thế giữ gìn nó là một phần sống còn trong sự nghiệp của Augustus.
Việc thuế má
Augustus phải chi ra một số tiền lớn để cấp dưỡng cho các cựu quân nhân lấy từ tài sản dự trữ qua những lần tịch biên tài sản trong những tỉnh lỵ, nhất là Ai Cập. Tiền thuế là một nguồn lợi tức khác, nhưng về lãnh vực này Augustus phải tiến hành thật thận trọng. Antony, Brutus, và Cassius sưu cao thuế nạng để lấy tiền chi tiêu cho các cuộc chiến của mình, và hãy xem họ đã kết thúc ra sao.
Các cải cách hành chính là việc thiết yếu. Để làm việc này, Augustus đã ra lệnh tiến hành một cuộc kiểm tra dân số (đó là cuộc kiểm tra đã được ghi lại trong Kinh Tân ước vào thời điểm ra đời của Christ ở Judaea). Augustus đưa ra thuế đất và thuế tài sản; tuy nhiên, các công dân Ý và La Mã được miễn. Thuế cũng đánh lên hàng hóa qua biên giới, dựa vào phần trăm trị giá của hàng hóa. Augustus tạo ra một quỹ cho các binh lính hồi hưu, cấp cho họ một số tiền lớn nhờ vào tiền mà Augustus thu được từ thuế thương nghiệp và thuế tài sản.
Các thuộc địa
Ở Ý, một mình Augustus dựng lên 28 thuộc địa La Mã, như Turin, và ở mỗi thuộc địa ông đều cho dựng lên các tòa nhà công, ban phát các quyền lợi, và các định chế, thực sự biến chúng thành những La Mã thu nhỏ. Những thành phố như thế này giờ đây có thể gởi những thành viên mới vào giới nghị sĩ hoặc kỵ sĩ La Mã. Các đường xá được tái thiết và sửa chữa để việc liên lạc đến La Mã được duy trì. Một lực lượng cảnh sát được thành lập để giải quyết các vụ trộm cướp quấy nhiễu miền quê. Kết quả rõ nét là La Mã và Ý đã thực sự trở thành hai nửa của cùng một thực thể.
Biên giới
Augustus quyết tâm giữ vững an ninh biên giới của Đế chế. Ông không có kế hoạch chinh phục thêm lãnh thổ, vì La Mã đã có đủ đất đai giàu có dưới quyền kiểm soát của mình. Không những thế, ông biết rằng nếu ông giao quân đội cho một tướng đi chinh phục đâu đó, biết đâu y sẽ có đủ quyền lực và trở lại thách thức với ông.
Các vùng biên giới nam Ai Cập được an định vào 22 BC sau chiến tranh với người Ethiopia. Đánh nhau ở Ả rập mở cho người La Mã con đường thương mại đến Biển Đỏ và Đại Tây Dương, và như một phần thưởng cho việc can thiệp của ông vào vùng này, Augustus được các đặc sứ Ấn độ đến viếng thăm. Ở Tiểu Á, các thổ phỉ ở vùng núi phía đông bị dẹp tan và các thuộc địa được thành lập.
Augustus và các người kế vị ông sử dụng hình thức vua thần phục trong những vùng chiến lược quanh Đế chế, xem những lãnh thổ của họ như những vùng đệm giữa kẻ thù tiềm năng của lãnh thổ La Mã. Các vị vua thần phục có thể trông cậy vào sự hỗ trợ quân sự La Mã để đổi lấy sự trung thành; ở phương Đông, chẳng hạn, các vị vua này giúp La Mã bảo vệ biên cương với Parthia. Nhưng tất nhiên các ông vua thần phục không phải lúc nào cũng tin cậy được, họ có thể đổi theo phe khác mà không báo trước.
Tây-Bắc châu Âu
Vùng Tây-Bắc châu Âu là một vấn đề khác. Vào 19 BC ở Tây Ban Nha, Agrippa cuối cùng đã đánh tan các bộ tộc miền núi, thành lập các thuộc địa, và đặt các đạo quân đồn trú thường trực ở Tây Ban Nha. Gaul vẫn ổn định, và không giống Hy lạp và châu Á, Gaul cần được trang bị với tất cả tiện ích của một tỉnh lỵ La Mã, như khu vực hành chính, xây dựng đường xá, và các toà nhà công. Gaul đã trở nên rất ổn định đến nổi Augustus cho lập một xưởng đúc tiền đồng tại Lugdunum (Lyons) vào 15 BC, và sau đó trở nên nguồn cung cấp chủ yếu các đồng tiền bạc và vàng trong nửa thế kỷ sau.
Anh vẫn còn nằm bên kia đường biên giới của thế giới La Mã, nhưng Augustus can thiệp vào chính sách của bộ tộc ở đó, áp dụng đối sách chia để trị, bảo đảm các thủ lĩnh bộ tộc thân La Mã chỉ quản những vùng lãnh thổ được chia nhỏ. Hai thủ lĩnh Anh thậm chí còn vào tận La Mã để nhờ giải quyết những thù oán nội bộ.
Augustus gặp rắc rối nhiều hơn với Đức và sông Rhine. Các bộ tộc Đức liên tục quấy nhiễu biên giới sông Rhine. Augustus cho phép một cuộc xâm lăng vượt quá sông Rhine để đẩy lùi biên giới xa hơn. Một chuỗi các trận đánh bắt đầu, chống lại các bộ tộc Đức vào 12 BC, do con trai ghẻ của Augustus là Drusus Lớn chỉ huy. Drusus mất vào 9 BC và em trai ông Tiberius tiếp tục cuộc chiến. Vào AD 5, Đức phần lớn nằm dưới quyền kiểm soát của La Mã, nhưng còn cả một đoạn đường dài phải đi trước khi vùng này có thể gọi là một tỉnh lỵ La Mã.
Thảm họa AD 9
Tưởng như thể Augustus là một vị thần bách chiến bách thắng, nhưng không phải vậy. Việc kiểm soát biên giới gặp thảm họa vào năm AD 9. Augustus phái một thống đốc tên Publius Quinctilius Varus đến Đức. Varus là người cao ngạo và hống hách. Y áp đặt thuế cao và luật pháp La Mã. Hành động của Varus dấy lên một cuộc nổi dậy do một thủ lĩnh tên Arminius, người đã từng chiến đấu trong quân ngũ La Mã và thậm chí được phong tước kỵ sĩ, cầm đầu.
Arminius tháo chạy vô rừng, và như một thằng điên, Varus đuổi theo và mắc bẫy. Sâu trong cánh rừng Teutoburg, quân Arminius bốn mặt tràn vào quân Varus và giết sạch ba quân đoàn (XVII, XVIII, và XIX) chỉ trong một cuộc đột kích.
Ở La Mã, khi nghe tin báo từ Đức đưa về, Augustus sụp đổ, và rống lên, ‘Quinctili Vare, legiones redde, ‘Quinctilius Varus, trả lại các quân đoàn cho ta!’.
Vào AD 14, một đoàn quân báo thù được phái đi dưới quyền chỉ huy của Tiberius. Quân tiên phong do cháu ông là Germanicus cầm đầu tìm được những thi thể của binh lính Varus nằm ngổn ngang khắp cánh rừng, các binh sĩ đã bị tàn sát, và một số bị nhục hình đến chết. Germanicus vỗ yên vùng này, cũng như thu nhặt các quân kỳ của các quân đoàn đã mất. Nhưng đây là phần kết thúc của bất kỳ mưu tính nào muốn đẩy lùi biên giới quá sông Rhine.
Một con trai, một con trai! Vương quốc cho con trai!
Augustus điên đầu với bài toán chọn người kế vị. Đứa con duy nhất của Augustus với người vợ đầu tiên Scribonia là Julia. Người chồng đầu tiên của Julia là Marcellus đã mất năm 23 BC, không để lại đứa con nào. Augustus chỉ có ba cháu ngoại, là con của Julia với người chồng thứ hai, Agrippa: Gaius, Lucius, và Agrippa Postumus __ nhưng họ còn quá nhỏ để được đứng tên là người kế vị Augustus.
Tiberius, con ghẻ của Augustus với Livia, là ứng viên phái nam duy nhất còn lại. Augustus công nhận Tiberius nhưng bắt buộc Tiberius phải ly hôn với vợ mình là Vipsania để cưới Julia. Tiberius nổi giận vì ông yêu vợ mình và bỏ đi Rhodes trong bảy năm; Tiberius tuyệt đối không có ý muốn kế vị Augustus.
Gaius và Lucius mất năm AD 2 và AD 4, và Agrippa Postumus bị Augustus loại vì tư cách xấu. Augustus cũng loại Julia và con gái bà, cũng tên Julia, vì lối sống buông thả. Chỉ còn lại Tiberius là người thừa kế duy nhất tiềm năng của Augustus.
Vào AD 4, Tiberius nhận cháu mình Germanicus làm con nuôi, và năm sau Germanicus cưới cháu ngoại của Augustus Agrippina, chị gái của Gaius, Lucius, và Agrippa Posttumus, và Julia Trẻ bị loại ra. Tiberius thừa kế Đế chế La Mã, nhưng phần còn lại của kế hoạch không hoàn toàn thành công.
Cái chết của Augustus
Augustus chết bình yên ở tuổi 75 vào ngày 19/8/14. Không có nhiều hoàng đế tiếp sau Augustus được sống thọ đến thế hoặc đủ may mắn để chết bình yên.
Augustus là nhân vật cực kỳ quan trọng trong lịch sử La Mã vì, hầu như một mình, ông đã tạo ra một hệ thống chính trị lâu bền. Augustus vẫn được tôn thờ rộng rãi sau khi ông mất, nơi công cộng cũng như chốn riêng tư. Những người kế vị sau ông cố sống theo gương ông. Từ giờ trở đi, hoàng đế trị vì sẽ được biết dưới danh hiệu Imperator Augustus; về sau trở đi, một người kế vị hoàng đế sẽ được biết dưới danh hiệu Caesar. Việc khó khăn nhất mà Augustus cố sức làm là thiết lập một đường dây kế vị __ nhưng việc này đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ông!
Đọc thêm: Chiến công của cả một đời người: Res Gestae
Cũng như di chúc của ông, lời căn dặn về lễ tang của ông, và một phát biểu về hiện trạng của Đế chế, Augustus để lại bản tóm tắt về các thành tựu trọn đời của mình, được gọi là Res Gestae.
Trong Res Gestae, Augustus kiêu hãnh liệt kê tất cả những điều ông đã làm, bao gồm:
- Các cuộc chiến ông đã tham dự để ‘phục hồi tự do cho nền Cộng Hòa’
- Việc cải cách Viện Nguyên lão
- Các danh dự và những vinh quang được trao tặng cho ông
- Những quà tặng ông đã làm cho nhân dân
- Những đền thờ và những công trình ông đã xây dựng
- Việc tài trợ những trò giải trí công cộng
- Công cuộc an định các tỉnh lỵ
Augustus có chút khoe khoang, nhưng cũng nói đúng sự thật. Không có tư liệu nào khác tương tự Res Gestae tồn tại, nhưng nó phải như thế, vì không có hoàng đế La Mã thứ hai nào như Augustus.
Triều Đại Augustus: Tiberius, Caligula, Claudius, và Nero (AD 14-68)
Tiếp theo Augustus là bốn Hoàng đế tất cả đều thuộc về triều đại Julio-Claudian: Tiberius, Caligula, Claudius, và Nero. Ba người cuối cùng, như Augustus, tất cả đều là dòng dõi của em gái Julia của Caesar, trong khi Tiberius được đưa vào nhờ được Augustus công nhận con ghẻ khi Augustus cưới Livia, mẹ của Tiberius. Tiberius, Caligula, Claudius, và Nero cũng là dòng dõi của cha Tiberius là Tiberius Claudius Nero.
Dù huyết thống họ ra sao, nếu bạn tin các sử gia La Mã Tacitus và Suetonius, thì bốn vị hoàng đế này chả ra gì, chỉ là bọn hoang tưởng tự đại và biến thái. Tại điểm này, Tacitus và Suetonius đều đúng, mặc dù họ không công bình lắm. Tiberius và Claudius có hơi thái quá nhưng thực sự là những vị minh quân. Ngay cả Caligula và Nero cũng có những lúc làm tốt. Nhưng những điều tồi tệ mà bốn hoàng đế gây ra làm dân chúng nổi giận, và nhiều người muốn nhìn thấy nền Cộng Hòa kiểu xưa cũ được phục hồi __ không phải là phiên bản của Augustus.
Tiberius __ có phần tốt, có phần xấu, có phần biến thái (AD 14-37)
Tiberius không hề muốn làm Hoàng đế. Ông bất mãn vì phải ly dị vợ mình Vipsania vào 12 BC và cưới con gái khủng khiếp Julia của Augustus (về sau bị lưu đày vì tư cách vô luân). Tiberius hiểu rất rõ là bản thân Augustus thích cháu ngoại mình, Gaius và Lucius, kế vị hơn, nhưng họ đã mất sớm.
Augustus đã chuẩn bị cho Tiberius kế thừa bằng cách cho phép ông chia sẻ một phần công việc của mình. Trong khi còn sống, Augustus giúp Tiberius chức hộ dân quan và cũng ban ông danh hiệu imperium. Tiberius cũng có được tiếng tăm quân sự, nhờ vào việc thu hồi vào 19 BC các quân kỳ mà Crassus đánh mất vào tay người Parthia tận năm 53 BC và nhờ vào tài lãnh đạo của ông trong chiến dịch ở Đức sau thảm họa AD 9. Vì những chiến công này, không ai chống đối việc Tiberius kế vị.
Tiberius ra nước ngoài
Tiberius, đã 56 tuổi khi trở thành Hoàng đế, luôn luôn có ý thức nghiêm cẩn về nhiệm vụ. Ông quyết tâm tiếp tục chương trình tái thiết Đế chế La Mã của Augustus và đi theo kế hoạch của Augustus trong việc giữ gìn Đế chế bên trong đường biên giới đang tồn tại. Điều này có nghĩa kềm chế người cháu nổi tiếng của ông (và là người kế thừa) Germanicus, không cho anh ta tìm cách chinh phục thêm xứ Đức, mặc dù Tiberius vinh danh chiến công hoành tráng của anh vào năm AD 17.
Tiberius khôn khéo. Ông chỉ định Commagene và Cappadocia ở miền Đông là các tỉnh lỵ mới khi các vị vua thần phục mất, và tiếp tục chính sách La Mã hóa của Augustus ở những tỉnh này bằng cách xây dựng công sở và đường xá mới. Khi một trận động đất khủng khiếp có tâm chấn sát Sardis làm thiệt hại nhiều thành phố ở châu Á, Tiberius gởi đồ cứu trợ và phát hành những đồng tiền kỷ niệm lòng hào hiệp của mình.
Luật nhà
Tiberius thực sự khiêm tốn khi xuất hiện trước công chúng. Ông từ chối việc xưng mình là Imperator, làm chấp chính chỉ ba lần trong thời trị vì của mình, và gia tăng quyền hạn cho Viện Nguyên lão. Tiberius tiết kiệm ngân sách bằng cách không tổ chức các trò giải trí công cộng. Ông cũng không cho tư nhân xen vào công việc khai thác quặng mỏ và khuyến khích binh sĩ chậm xin về hưu. Những lối tiết kiệm này khiến Tiberius có thể cắt giảm thuế. Khi ông qua đời, Tiberius để lại một số tiền thặng dư khá lớn, cho dù ông thường tham gia việc cứu trợ và miễn nợ cho dân chúng.
Con sâu làm rầu nồi canh
Mặc dù Tiberius có tiến hành một số nước đi chính trị đúng đắn, ông thiếu tế nhị và hay nghi ngờ. Điều này khiến mối quan hệ giữa ông với Viện Nguyên lão không mấy mặn nồng. Tệ hơn nữa, Tiberius trở nên quá lệ thuộc vào Lucius Aelius Sejanus, Chỉ huy lực lượng Vệ binh La Mã. Sejanus là một tên trác táng, cứ tưởng tượng mình sẽ là hoàng đế tiếp theo. Tiberius đã thành một ẩn sĩ, thích về sống nơi điền trang của mình ở Capri hơn là ở La Mã, chỉ muốn lánh khỏi nơi phồn hoa đô hội.
Sự thăng trầm của Sejanus
Vào AD 19, Germanicus mất ở Syria nơi ông đang mở chiến dịch. Kế hoạch mà Augustus vạch ra cho Germanicus trở thành hoàng đế tiếp sau Tiberius đã thất bại. Người tiếp theo trong đường dây kế vị là con trai của Tiberius, Drusus Trẻ. Vào AD 23, Drusus lại mất do Sejanus ám sát. Tiberius, vốn đặt trọn lòng tin vào Sejanus, hoàn toàn không biết về sự phản bội của y. Sejanus động viên Tiberius nên ở lại Capri để y có thể cài người của y vào quân đội và chính quyền. Vào AD 31, em dâu của Tiberius, Antonia, đưa tin tức về sự phản trắc của Sejanus và việc y mưu sát Drusus.
Tiberius bày mưu khử Sejanus để trả thù bằng một thủ đoạn tuyệt xảo. Tiberius chỉ định một chiến sĩ tên là Macro, lúc đó là chỉ huy đội Cứu hỏa La Mã, lên làm chỉ huy lực lượng Vệ binh, và nhờ đó lôi kéo được Vệ binh về phe mình với một số tiền lót tay. Sau đó Tiberius gởi một bức thư dài từ Capri đến Viện Nguyên lão và yêu cầu được đọc trước cử tọa. Sejanus ngồi lắng nghe chăm chú, trong bụng nghĩ là mình sắp được phong làm Hộ dân quan. Lá thư khởi đầu rất thuận lợi cho Sejanus, ca tụng phẩm chất và những công lao của y, nhưng rồi kết thúc bằng những lời tố giác y là một tên phản trắc. Trong vòng vài giờ sau đó, Sejanus, gia đình y, và những người ủng hộ y, đều bị đám đông giết chết một cách thê thảm.
Hoang tưởng gia đình
Bản chất đa nghi của Tiberius làm xấu đi những mối quan hệ gia đình. Sau cái chết của Drusus, Tiberius đã công nhận các con trai lớn nhất của cháu ông Germanicus, Nero và Drusus, với vợ Agrippina (cháu ngoại của Augustus), làm người thừa kế. Sau đó Tiberius bổng nghe được tin Nero và Drusus đồng lõa với Sejanus, và tin đó là sự thật. Tiberius bèn trục xuất Agrippa và các con trai bà phải xử tội chết.
Hoang tưởng là một trong điểm yếu của Tiberius và khiến ông trở thành mồi ngon cho các kẻ đầu cơ chính trị.
Tiberius thường tin những lời người ta nói với ông và sử dụng những người chỉ điểm để ngụy tạo chứng cứ chống lại ai đã nói xấu hay chống lại ông. Người chỉ điểm được hưởng 25 % số tài sản của những người họ tố giác và bị xử là có tội. Tất nhiên, đó là một động lực to lớn khiến người ta chỉ điểm bất kỳ ai, càng giàu càng tốt.
Tiberius qua đời
Tiberius mất vào 16/3 AD 37 trên đường trở lại Capri sau khi đến thăm La Mã giữa chừng thì lâm bệnh. Người ta đồn rằng Tiberius bị mưu sát. Chính người cháu Caliguta đã đầu độc ông và viên chỉ huy lực lượng Vệ binh Macro (mà Tiberius đã sử dụng để khử Sejanus) đã xiết cổ Tiberius đến chết để tỏ lòng trung thành của mình với Caligula.
Caligula được phong làm hoàng đế, mặc dù theo kế hoạch của Tiberius, các cháu nội của ông, Tiberius Gemellus, mới là người kế vị.
Phong ngựa làm quan chấp chính là một ý tồi: Caligula (AD 37-41)
Caligula, người kế vị Tiberius, là con trai thứ ba của Germanicus và Agrippa. Có người cha được nhiều người yêu mến cũng giúp ông rất nhiều. Nhưng Caligula là một người không giống ai.
Tên thật của Caligula là Gaius. Ngay từ thời còn là một đứa trẻ, ông được các binh sĩ dưới quyền cha mình yêu mến trên chiến dịch biên giới sông Rhine, và một dịp được cha tặng một đôi xăng đan nhà binh để mang. Tên Caligula có nghĩa ‘đôi giày ủng nhà binh nhỏ’. Ông chết tên Caligula từ đó đến tận bây giờ.
Caligula được tung hô trên đường về La Mã như thể là một siêu sao. Là con của Germanicus, Caligula được chào đón với cánh tay mở rộng như một hoàng đế ở La Mã, nhất là bởi vì dân chúng hi vọng chính sách dè sẻn tiền bạc và những hoang tưởng trong thời trị vì của Tiberius sẽ được xóa bỏ. Chúng quả được xóa bỏ nhưng được thay thế bằng một thứ còn tệ hơn nhiều: tính ngông cuồng tự đại chết người. Không giống Augustus hoặc Tiberius, Caligula tuyệt đối không có phẩm chất thích hợp để làm hoàng đế. Ông không có chút trải nghiệm về các định chế của nền Cộng Hòa, không có tiếng tăm quân sự, không có ý thức về sự tế nhị và tài ngoại giao, và không có ý thức về cách ứng xử với Viện Nguyên lão.
Dù thiếu kinh nghiệm, Caligula khởi sự khá tốt và gây được cảm tình của dân chúng, bằng cách
- Cắt giảm thuế
- Trả về những người bị Tiberius lưu đày
- Bãi nại những vụ án hợp pháp đáng chú ý
- Lưu đày những người biến thái về tình dục
- Cho phép tự do ngôn luận
- Làm sống lại các cuộc tuyển cử
- Hoàn thành các di sản của Tiberius
- Hoàn tất các công trình công cộng
- Trị an một cách liêm chính và tận tâm
Caligula không ngừng tổ chức những trò giải trí công cộng đắt tiền và trả lương hậu hĩnh cho lực lượng Vệ binh. Rồi Caligula lâm bịnh. Khi ông hồi phục, ông là một con người khác. Caligula trở thành một bạo chúa và một người tâm thần. Ông chi tiêu càng lúc càng hoang phí, và mặc dù áp đặt thêm nhiều sắc thuế mới, ông tiêu hết số tiền dự trữ khổng lồ của Tiberius chỉ trong một năm. Caligula nhanh chóng trở nên điên loạn và hành xử những việc sau đây:
- Tự cho mình là thần linh: Caligula tự cho mình là một vì vua chuyên chế, một hôm tuyên bố ‘Trên trời có một Thượng đế, dưới đất có một vì Vua!’ Sau khi qua đời, Julius Caesar và Augustus đều được phong thần (không có gì ngạc nhiên khi Tiberius không nhận được vinh dự đó). Thực ra, việc được xưng thần chỉ là một thái độ chính trị, và đối với Caesar và Augustus, đó là một cử chỉ trân trọng những thành tựu xuất sắc của họ khi tại vị. Caligula, tuy nhiên, quyết rằng mình đã là một vị thần. Ông dự tính thay các pho tượng các thần linh bằng tượng của chính ông, lập nên một giáo phái ‘Caligula’ để thờ cúng mình, và có khi bỏ ra ngày trời để ‘đàm đạo’ với thần Jupiter.
- Thanh tẩy Viện Nguyên lão: Caligula mạt sát Viện Nguyên lão vì đã ủng hộ Sejanus. Ông cho hành hình mà không cần xét xử, trong đó có Macro, và sử dụng lại hệ thống chỉ điểm như Tiberius trước đây.
- Hành động giả đạo đức: Ông nguyền rủa giới kỵ sĩ quá ham mê kịch nghệ và đấu trường trong khi chính mình là người ủng hộ điên cuồng trò đua chiến mã xa kiểu Hy Lạp tại đấu trường. Ông thường bắt người chung quanh im lặng để con ngựa cưng của mình, Incitatus, không bị phân tâm trước cuộc đua. Ông còn nửa đùa nửa thật nói mình có ý phong cho Incitatus chức chấp chính.
- Tàn bạo một cách điên cuồng: Thói tàn bạo của Caligula không bao giờ ngừng lại. Ông ném người vào các quặng mỏ hoặc đấu trường, và cho thiêu sống một tác giả vì dám kể một chuyện đùa thiếu tinh tế trong một vở kịch của mình. Một trong những phát ngôn nổi tiếng nhất của ông là ‘Ta muốn dân La Mã chỉ có một cái cổ duy nhất’ __ ý là để Caligula có thể hành hình toàn dân La Mã một lần là xong.
- Thất bại hoàn toàn trong chính sách đối ngoại: Caligula cho giết vì vua thần phục tên Ptolemy (cháu nội của Antony và Cleopatra) của xứ Mauretania ở Bắc Phi chỉ vì ông này xuất hiện ở La Mã với áo choàng tím có vẻ hợm hĩnh. Caligula đã kích động dân Mauretania và Judea đến bờ vực của cuộc nổi dậy.
Adminius, một ông hoàng chiến binh xứ Anh, chạy đến cầu cứu Caligula. Chỉ vậy mà ông kiêu căng tuyên bố mình đã chinh phục xứ Anh. Sau đó, Caligula phái binh lính đến các bờ biển North Sea và bảo họ thu nhặt vỏ sò coi như chiến lợi phẩm.
- Âm mưu ám hại toàn gia: Caligula tuyên bố mẹ mình Agrippa là con của mối quan hệ loạn luân giữa Augustus và con gái của Augustus là Julia. Caligula cho người đầu độc bà nội mình Antonia và cho người giết em chú bác với mình là Tiberius Gemellus (cháu nội của Tiberius).
- Phạm tội loạn luân: Caligula quan hệ loạn luân với em gái mình là Drusilla, Julia, và Agrippina (Trẻ), mặc dù y đã có vợ và một cô con gái. Thậm chí ông còn phát hành đồng tiền một mặt in chân dung mình và các em gái mình ở mặt kia.
Với những việc tày trời như thế, không cách nào Caligula có thể chết một cách bình yên trên giường. Y đã ký án tử cho mình vài chục lần. Một âm mưu ám toán y do hai em gái chủ mưu được phát giác, nhưng một âm mưu khác do các nghị sĩ, và Đội Vệ binh tổ chức. Vào ngày 24/1/41, trên đường đến dự buổi lễ công cộng, Caligula bị tấn công và chém chết. Đội cận vệ người Đức của y chỉ giết được một số kẻ hành thích mà không bảo vệ được chủ mình.
Claudis (AD 41-54): Hoàng đế bất đắc dĩ
Caligula, tất nhiên, không có kế hoạch gì cho việc kế vị. Phe ám sát y cũng vậy, họ chỉ muốn loại trừ một tên hoàng đế điên. (Họ cũng hạ sát luôn vợ và con gái của Caligula.)
Viện Nguyên lão thấy được cơ hội tẩy chai thời kỳ Nguyên Thủ (Principate) của Augustus và phục hồi ‘ngày xưa tốt đẹp’ của nền Cộng Hòa La Mã. Tuy nhiên, họ đã quên rằng trong 150 năm qua, Viện Nguyên lão đã phải làm theo bất cứ điều gì các tướng lãnh và quân đội bảo họ phải làm. Và đó là những gì cũng xảy ra bây giờ.
Trong những âm mưu bách hại gia quyến mình, Caligula đã chừa lại chú mình Claudius, cháu của Tiberius. Claudius mang tiếng là một gã đần trong gia đình mình vì ông hay nhỏ dãi, nói lắp, và đi khập khiễng. Caligula nghĩ ông là một trò cười, nhưng thật ra ông rất thông minh. Augustus biết rằng ông khôn ngoan nên tạo điều kiện cho ông học tập. Nhưng Claudius chưa hề được phép trải nghiệm đời lính hoặc làm quan, vì khiếm khuyết về thể chất của ông có thể làm xấu đi hình ảnh của Augustus.
Đội Vệ binh bắt gặp Claudius nấp sau một bức màn khi Caligula bị ám toán. Đoàn Vệ binh đi trước Viện Nguyên lão một bước khi tuyên bố Claudius ở tuổi 50 là Hoàng đế và thủ lĩnh của họ. Claudius, vốn là một sử gia, khá khôn ngoan để hiểu rằng quyền lực thực sự là quyền lực quân sự. Nếu Claudius nói không với việc làm hoàng đế, ông sẽ bị giết. Claudius nhận chức danh được giao và hứa tặng Đội Vệ binh một số tiền kếch sù đền đáp sự ủng hộ của họ.
Sự hoàn thiện một con người: Chinh phục xứ Anh
Bí ẩn thành công của La Mã là thích ứng với những tình huống mới trong khi vẫn bám vào truyền thống, và Claudius hiểu rõ điều này. Ông cũng biết rằng mình là người khuyết tật, nên càng cần phải chứng tỏ mình có năng lực lãnh đạo và chinh phục. Ông bắt đầu bằng việc giải quyết cuộc chiến ở Mauretania, biến Mauretania thành hai tỉnh mới, và tạo ra một vương quốc thần phục để ổn định Judaea. Claudius cũng nhập thêm Lycia và Thrace vào Đế chế.
Cơ hội lớn nhất của Claudius đến vào năm AD 43 khi một thủ lĩnh bộ tộc Anh tên là Verica chạy đến cầu cứu ông. Anh, như hầu hết các vùng trên thế giới do bộ tộc cai trị, phải chịu những tranh chấp nhỏ nhen không dứt về lãnh thổ và ngai vàng. Các tranh chấp này đối với La Mã không có gì quan trọng, nhưng Anh là vùng đất quan trọng, vì các tài nguyên khoáng sản quý giá của nó.
Claudius tiến hành một cuộc chinh phạt quân sự qui mô đến xứ Anh, do tướng Aulus Plautius chỉ huy. Caligula vài năm trước đây đã chuẩn bị tài lực cho cuộc xâm chiếm xứ Anh nhưng rồi hủy bỏ. Claudius có thể sử dụng những sắp xếp của Caligula. Julius Caesar trước đây đã thất bại khi muốn chiếm giữ xứ Anh, nay Claudius có cơ hội qua mặt người La Mã vĩ đại nhất.
Bước đầu cuộc xâm chiếm xứ Anh có vẻ vô cùng tốt đẹp. Plautius tiến vào nội địa và mời Hoàng đế ở La Mã đến biểu dương binh sĩ. Claudius dẫn đầu quân đoàn đến thủ đô bộ tộc Camulodunum (Colchester), rồi trở về La Mã sau 16 ngày. Claudius diễu hành chiến thắng, cho dựng các cổng vòm khải hoàn và phát hành các đồng tiền để kỷ niệm thắng lợi lớn lao của mình. Cuộc chiến ở Anh tiếp tục khi lên khi xuống trong hơn một thế kỷ, nhưng Claudius đã đạt được mục đích của mình. Giờ đây ông thực sự là hoàng đế La Mã đúng nghĩa đã chứng tỏ được mình là một tư lệnh lỗi lạc. Để ăn mừng, ông đặt tên con trai mình là Britannicus (Britain là Anh).
Điều hành Đế chế La Mã
Vào AD 48, Claudius giục các nghị sĩ nhận các người Gaul tài giỏi được vào Viện Nguyên lão, một cử chỉ cấp tiến về phía Claudius, nhằm cho các tỉnh nhiều quyền hành hơn. Một phần bài diễn văn gốc này của Claudius còn lưu lại trên bản đồng ở Lyons. Claudius cũng sốt sắng kêu gọi Viện Nguyên lão cứ tự do phát biểu quan điểm của mình thay vì chỉ khư khư đồng ý các quyết định của hoàng đế.
Claudius xây dựng một cảng mới rộng lớn ở Ostia để tăng cường việc cung cấp ngũ cốc cho La Mã, và cải thiện việc điều hành công việc cung ứng ngũ cốc. Ông cũng xây một đường ống dẫn nước sinh hoạt mới và phát quà cho dân chúng.
Claudius làm sống lại các tập tục tôn giáo La Mã, đả kích việc thờ phượng vua chúa, và nói chung khoan hồng với các đạo giáo nước ngoài, với điều kiện không được thách thức trực tiếp quyền lực La Mã. Người Do thái được phép thờ cúng tự do, nhưng Claudius ra lệnh quét sạch bọn ngoại giáo Druid ở Pháp vì ông ghê tởm việc họ coi trọng việc hiến tế người sống.
Khiếm khuyết của Claudius
Ngoài khuyết tật, Claudius còn có tính khí nông nổi. Thỉnh thoảng ông thận trọng và cân nhắc, lúc khác thì nóng vội và khinh suất, dẫn đến nhiều phán xét hấp tấp trước Viện Nguyên lão. Claudius trông cậy vào sự cố vấn của các bà vợ và nhóm các tùy tùng là người được giải phóng. Việc này khiến các nghị sĩ và kỵ sĩ nghi ngại và bất mãn.
Trưởng thư ký Narcissus, Trưởng Phụ tá Pallas, và Trưởng ban tiếp dân Callistus của Claudius toàn là những người được giải phóng và là những người chủ chốt trong chính quyền Claudius. Họ nắm giữ những quyền hành chưa từng có trước đây, buôn quan bán chức, và làm giàu trên và hơn những bổng lộc mà Claudius ban cho.
Chính các nghị sĩ và kỵ sĩ thời xưa cũng chưa có những quyền lực cao hơn thế. Việc sử dụng các người được giải phóng và nô lệ đơn giản chỉ là hiệu quả hơn, và sự lệ thuộc của Claudius vào nhóm quan lại của riêng mình chắc hẳn đã mang lại điều tốt đẹp hơn cho Đế chế.
Các bà vợ của Claudius
Claudius có bốn bà vợ (không phải cùng một lúc), nhưng chỉ có bà vợ thứ ba và tư mới gây bực mình cho Viện Nguyên lão, thậm chí nhiều hơn cả cánh cố vấn phái nam của Claudius. Bà vợ thứ ba và tư, Valeria Messalina và em gái Agrippa của Caligula (cháu của Claudius), cả hai lợi dụng nổi ám ảnh của Claudius về các âm mưu rình rập, sử gia Suetonius thì cho rằng nhờ Messalina và Arippa vạch mặt mà 35 nghị sĩ và 300 kỵ sĩ đã bị hành hình.
- Messalina, mẹ của Britannicus, con trai của Claudius, là một bà vợ dâm loạn. Claudius đã cho hành hình bà vào AD 48 khi khám phá bà đã lén lút lấy một gã đàn ông khác, Gaius Silius. Ghê tởm và thất vọng, ông quyết tâm không lấy vợ lần nữa, nhưng rồi trâu già vẫn khoái gặm cỏ non, ông phải lòng cháu gái mình Agrippa (em gái của Caligula).
- Agrippa xỏ mũi Claudius dễ dàng, khiến ông phải thay đổi đổi luật để có thể cưới cháu mình một cách hợp pháp. Agrippa thuyết phục Claudius nhận con trai mình Lucius với đời chồng trước làm con nuôi, và nhờ thế y đứng hàng thứ hai sau Britannicus, trong danh sách thừa kế ngai vàng. Lucius được đổi tên là Nero Claudiud Caesar Drusus Germanicus.
Đoạn kết của Claudius
Nero, vẫn còn quá trẻ để có thể kế vị làm hoàng đế, cảm thấy áp lực khi ở dưới sự kiểm soát của Agrippa. Năm AD 54, khi Nero gần 17 tuổi (lớn hơn Britannicus năm tuổi), may cho y là Claudius qua đời. Thời điểm đó có tin đồn là Claudius bị mưu sát và kẻ chủ mưu là Agrippa, người đã cho ông dùng một đĩa nấm độc. Nhưng không có chứng cứ xác thực.
Cái chết của Claudius được giữ bí mật cho đến khi Agrippa có thể sắp xếp việc kế vị cho Nero được xuôn xẻ. Cuộc trị vì của Nero, chắc chắn là mang tai tiếng nhiều nhất trong lịch sử La Mã, bắt đầu.
Nero (AD 54-68): Hậu quả của lỗi lầm người mẹ
Nero là người kịch cỡm, lố lăng, và coi mình là rốn của vũ trụ, cứ hoang tưởng mình là bậc sáng tạo, có năng khiếu nghệ thuật, có kỹ năng thể thao. Theo lời sử gia Suetonius, Nero bị ám ảnh về ‘nỗi khao khát điên cuồng được nổi tiếng’. Chưa đầy hai mươi, Nero đã được giao trọn toàn bộ thế giới La Mã với của cải ngất trời để vung vải. Tại thời điểm này, theo hầu hết tiêu chuẩn, y còn tương đối bình thường. Y đã bỏ hết thời niên thiếu để thỏa lòng đam mệ ngựa, thể thao, nghệ thuật, âm nhạc, và hội họa.
Đúc kết cuộc trị vì của Nero
Trong những năm đầu tiên mới lên ngôi, Đế chế La Mã vẫn chạy đều như dưới thời Claudius. Hệ thống quan lại mới hiệu quả tiếp tục phát huy. Ở miền Đông, tướng Cnaeus Domitius Corbulo chinh phục Armenia và thiết lập một vị vua thần phục. Ở Anh, cuộc chiến chinh phạt vẫn đều đặn tiến lên phía bắc và tây với mục đích tối hậu là tiêu diệt căn cứ giáo phái Druid ở Anglesey, phía bên kia bờ biển tây bắc xứ Wales. Nhưng khi thời gian trôi qua, sự thiếu kém năng lực của Nero dẫn đến sự mất ổn định ở La Mã và các tỉnh lỵ.
Như nhà thơ La Mã Juvenal có lần phát biểu, ‘không ai rơi xuống tận chiều sâu của sa đọa ngay lập tức’. Nero phải mất vài năm mới đạt đến tận cùng của thối nát. Gần đến cuối thời y, sự việc thực sự rối tung. Các cố vấn trước đây kềm chế Nero __ chỉ huy Đội Vệ binh Burrus và thầy học y là Lucius Annaeus Seneca __ không còn ở bên y. (Burrus đã mất năm AD 62 và Seneca nghĩ hưu.) Nero rơi vào lối sống thác loạn và tiêu xài hoang phí và bỏ phế việc triều chính.
Thời kỳ trị vì của Nero có những điểm mốc đáng nhớ. Đây là một số điểm đen tối:
- Dọn đường: Vào AD 55, Agrippa đầu độc con trai Britannicus của Claudius, để quét sạch mầm mống tranh giành.
- Nero giết mẹ mình là Agrippina: Đó là hậu quả bị mẹ mình không ngừng quấy rầy. Nero không phải là người duy nhất căm thù Agrippina; cả Seneca lẫn Burrus đều bất mãn trước quyền hành và uy thế của bà. Dù yêu bà rất nhiều, Nero trước tiên đuổi bà ra khỏi cung điện. Nhưng rồi y không chịu được nữa khi bà cản trở việc y tằng tịu với cô nhân tình Poppaea. Y quyết định cho người giết bà. Nhưng âm mưu đó không dễ gì trót lọt:
- Nero thử đầu độc Agrippina, nhưng thất bại vì bà có cả một lô chất giải độc cần thiết.
- Nero mưu tính cho giàn gỗ ốp trần rơi xuống người bà trong khi bà ngon giấc, nhưng kế hoạch thâm độc bị bại lộ trước khi y có thể sắp xếp ‘tai nạn’.
- Anicetus đề nghị Nero đóng một chiếc thuyền dễ chìm cho Agrippina để bà chết chìm. Khi Agrippina đến thăm Nero rồi ra về trên chiếc thuyền đó, dù thuyền có rơi ra từng mảnh Agrippina vẫn sống sót được sau khi bơi vào bờ.
- Điên tiết, Nero phái Anicetus và bọn côn đồ bủa vây và đánh đập bà đến chết. Và lần này thành công.
- Các cuộc nổi dậy ở các tỉnh lỵ: AD 60 và AD 61 là những năm đáng sợ đối với La Mã. Ở xứ Anh, một cuộc nổi dậy do Boudica, thủ lĩnh bộ tộc Iceni, cầm đầu, tàn phá tỉnh lỵ La Mã mới thành lập và bị đánh dẹp một cách rất vất vả. Ở Armenia, vào AD 62, một đoàn quân La Mã bị đánh bại và phải bắt buộc đầu hàng. Armenia chỉ đứng vững được khi tướng Corbulo được phái đến với một quân đội hùng hậu tăng viện.
Nero phái lực lượng Vệ binh chinh phạt dưới quyền chỉ huy của hộ dân quan đến Phi châu vào AD 61, vì ông trù tính tấn công vào Ethiopia. Binh lính phải vượt qua biên giới La Mã ở Ai Cập khoảng 1,000 dặm __ chắc chắn là đoạn đường xa nhất mà quân đội La Mã từng đặt chân đến __ nhưng vì họ chỉ gặp toàn là sa mạc, ý định xâm chiếm bị hủy bỏ.
- Nero giết vợ mình là Octavia và rù quyến Poppaea: Nero ly dị và giết vợ mình là Octavia và sau đó lấy cô nhân tình Poppaea (mất năm AD 65). Poppaea là vợ một người bạn của Nero, Marcus Salvius Otho, người từng giúp Nero giết Agrippina. Không có gì ngạc nhiên, Nero và Otho chia tay, và Nero phái Otho đi trấn nhậm Lusitania tận Tậy Ban Nha. Otho trả thù bằng cách trở thành hoàng đế sau khi Nero mất, (được giải thích trong mục ‘Một người có nhiều kẻ thù: Otho’, ở phía sau chương này).
- Trận Đại Hỏa Hoạn ở La Mã: Vào AD 64, một trận hỏa hoạn khủng khiếp đã thiêu rụi một phần lớn La Mã, và, được kể trong câu chuyện nổi tiếng như sau, ‘Nero vẫn chơi đàn viô-lông trong khi La Mã đang bốc cháy’. Tai họa là một cơ hội trời cho để Nero lấy lại sự ủng hộ và tin yêu của dân chúng khi y tài trợ việc tái thiết La Mã và cứu trợ những kẻ không nhà. Đúng là Nero có cứu trợ một phần trong công cuộc tổ chức tu bổ nhưng y quan tâm hơn đến việc hưởng lợi một khoảng đất khổng lồ (rộng 120 mẫu) để dùng xây dựng cung điện, có tên Domus Aurea (‘Nhà vàng’). Dân chúng sôi sục vì bất mãn, tin rằng chính Nero đã cố tình gây vụ hỏa hoạn để ăn theo việc tài trợ cung điện mới của y. Với sự trợ giúp của viên chỉ huy mới Đội Vệ binh Othonius Tigellinus, Nero đáp trả bằng cách tung tin đồn chính các tín đồ Cơ đốc giáo là chủ mưu gây ra đám cháy, và y vội vã bố ráp và bắt bớ và hành hình để minh chứng tin đồn là có thật.
- Nero xử tội mưu phản dựa vào những chứng cứ nhỏ nhất: Vào AD 66, một triết gia tên là Publius Paetus Thrasea bị xét xử và hành hình vì tội phản quốc chỉ vì dám chỉ trích Nero một cách ôn hòa. Những người khác, như Seneca thầy học cũ của Nero, người bị cho là dính líu vào âm mưu chống lại Nero, cũng bị ra lệnh phải tự tử. Càng về sau, Nero càng đâm ra nghi kỵ tất cả mọi người. Y hành hình Tướng Corbulo của mình, cùng những chỉ huy quân sự khác. Việc hành hình là bước đi tệ hại đối với Nero. Y đã tàn sát nhiều người có quyền hành và uy thế thực sự. Giờ đây những người có quyền lực phải chọn giữa việc bị hành hình hoặc nổi dậy; và họ đã chọn việc nổi dậy.
- Nero chọn sai thời điểm khi đi nghỉ ở Hy Lạp: Nero, phớt lờ mọi dấu hiệu của một âm mưu chống lại mình, đem theo một đoàn tùy tùng đình đám đến Hy Lạp, sau khi tuyên bố toàn thể vùng này được tự do. Từ AD 67 đến 68, Nero vui chơi thỏa chí ở Hy Lạp, tham gia những trận đấu mà y luôn luôn được nhường thắng và trình diễn âm nhạc cho khán giả bị bắt buộc phải nghe, đúng ra là bị nhốt khóa trái cửa trong nhà hát. Trong khi Nero đang vui chơi, một trận đói kém bùng nổ ở La Mã vì thuyền chở lương thực cho La Mã đột nhiên lại chuyển hướng về Hy Lạp.
Vào những năm cuối cùng của thập niên 60 việc trị an của Nero đang vụn vỡ. Để trả tiền cho chiến phí ở nước ngoài, Nero buộc phải hạ số lượng bạc trong tiền đồng. Sau đó y phái Titus Flavius Vespasianus đến Judea cùng một quân đội hùng hậu hòng dẹp tan một cuộc nổi dậy. Khôn ba năm dại một giờ, bằng cách giao binh quyền cho Vespasian, Nero đã giao cho ông ta quyền lực đánh đổ mình và trở thành Hoàng đế.
Cuộc nổi dậy bắt đầu
Ở nơi xa tận biên giới sông Rhine, quân đội La Mã có tiếng là hay nổi loạn: Các binh sĩ phát ốm vì phải đợi nhận lương hoặc giấy tờ giãi ngũ. Nero chậm trễ trong việc trả lương binh lính, và vì họ chả có gì phải trung thành với y, nên chỉ cần một tia lửa là cuộc nổi dậy bùng phát. Vào AD 68, thống đốc xứ Gallia Lugdunensis, Gaius Julius Vindex, dẫn đầu cuộc nổi dậy chống lại Nero. Vindex là hậu duệ của các thủ lĩnh bộ tộc người Gaul, và mặc dù y đã được ‘La Mã hóa’, các quân đoàn trên sông Rhine cho Vindex là thủ lĩnh cuộc nổi dậy xứ Gaul nên ra sức đánh dẹp cuộc nổi dậy.
Sau khi dẹp yên Vindex, các đoàn quân chiến thắng diễn hành rầm rộ trực chỉ La Mã và chọn chỉ huy của mình, Lucius Verginius Rufus, làm hoàng đế. Rufus nói không với binh lính, nhưng tin tức về kế hoạch của binh sĩ đã bay đến La Mã, và viên chỉ huy mới của Đội Vệ binh là Nympphidius Sabinus bảo với Vệ binh là thống đốc xứ Hispania Tarraconensi ở Tây Ban Nha là Servius Sulpicius Galba, đã sẵn sàng thưởng cho Vệ binh một số tiền lớn nếu giúp y làm hoàng đế. Lực lượng Vệ binh nhanh chóng đứng về phe với Galba.
Nero kinh hoàng, cố gắng trốn chạy với một hạm đội đã được chuẩn bị, nhưng không ai giúp y. Sau đó, y xem xét việc đầu hàng Galba, rồi dự tính đọc một bài phát biểu trong Quảng trường để xin thần dân tha thứ và xin được làm thống đốc Ai Cập thay vì hoàng đế. Nhưng Nero dư biết y sẽ bị treo cổ trước khi đến được Quảng trường. Nero chỉ còn một vài người hầu trung thành theo phò tá; và một người trong bọn, tên Epaphroditus, vào mùa hè năm AD 68, giúp Nero tự tử. Trước khi chết, Nero còn không biết được tại sao mình chết, y rống lên: Qualis arttfex pereo, ‘Một nghệ sỹ mà phải chết như vầy ư!’
Năm Có Đến Bốn Hoàng Đế (68-69)
Đúng là không có người của dòng Julio-Claudian nào còn lại để kế vị Nero. Cơ chế chọn ra người kế vị dựa vào huyết thống liên hệ với Julio-Claudian đã bị đứt đoạn. Sử gia Tacitus phát biểu đây là thời điểm bí ẩn khủng khiếp của Đế chế La Mã được phơi bày: Một vị hoàng đế có thể được tạo ra tại một nơi khác hơn là ở La Mã. Có vẻ như là La Mã đang quay ngược thời gian trở lại thời kỳ các tướng lãnh thời Cộng Hòa trong thế kỷ thứ nhất BC. Những gì xảy ra tiếp theo đôi khi được gọi là Năm của Bốn Hoàng đế.
Quá già và quá keo kiệt: Galba (AD 68-69)
Galba được Viện Nguyên lão chọn lựa để thay thế Nero. Galba xuất thân từ một gia đình Cộng Hòa xưa, đã 71 tuổi, và bị bệnh gút hành hạ. Ông hình như hội đủ phẩm chất nhưng khởi đầu hoàn toàn tệ hại:
- Ông tự tạo một hình ảnh của một bạo chúa khi hành hình các người đã ủng hộ Nero.
- Các chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng của ông làm quần chúng bực dọc, nhất là quân đội, đang kỳ vọng được trả lương thỏa đáng vì lòng trung thành của mình.
- Ông tước bỏ quyền chỉ huy quân sông Rhine của Lucius Verginius Rufinus, làm binh sĩ nổi giận, và cử hai tư lệnh mới (Flaccus và Vitellius __ và còn thêm nữa không lâu sau đó) đến, nhưng không thể kiểm soát binh đoàn.
- Ông gây bực dọc cho Thống đốc trước đây của xứ Lusitiania, Marcus Salvius Otho, người đã từng ủng hộ ông, bằng cách cử một tay trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm tên Lucius Piso Licinianus làm tư lệnh mới của binh đoàn sông Rhine.
Binh đoàn sông Rhine thề trung thành với Vitellius, nhưng Otho, người kỳ vọng Galba sẽ công nhận mình là người kế vị đã bị choáng trước sự sự thăng chức của Piso, quyết nắm lấy thời cơ để trở thành hoàng đế.
Một người có nhiều kẻ thù: Otho (AD 69)
Otho tự tuyên bố mình là hoàng đế vào ngày 15/01/ AD 69 chỉ đơn giản bằng cách mua chuộc Đội Vệ binh một số tiền lớn. Galba và Piso nhanh chóng bị ám sát.
Otho, như Galba, có một khởi đầu không tốt. Vì từng là bạn thân nhất của Nero, nên ông không được tin cậy, và với lực lượng binh đoàn sông Rhine hùng mạnh ủng hộ Vitellius, nội chiến có vẻ không thể tránh khỏi. Lực lượng Vitellius chia làm hai cánh quân, hành quân băng dãy núi Alps vào Ý. Binh đoàn Vitellius đụng độ với quân của Otho tại Cremona, và nhờ sự hỗ trợ của quân hậu bị xứ Batavia, quân Otho bị đánh bại. Binh lính Otho đầu hàng Vitellius, và Otho, chỉ sau ba tháng trị vì, phải tự tử. Viện Nguyên lão lập tức tuyên bố Vitellius là hoàng đế.
Vị hoàng đế tham lam: Vitellius (AD 69)
Ta không biết nhiều về gia thế của Vitellius. Chú của Vitellius, Quintus, có dính líu vào âm mưu của Sejanus chống lại Tiberius. Cha của Vitellius là Lucius vốn cận kề với Caligula, thậm chí thờ y như một vị thần. Lucius cũng từng chăm sóc Hoàng đế trong lúc Claudius thân chinh ở Anh vào AD 43.
Vitellius đã từng là một thống đốc tỉnh lẻ có năng lực, nhưng không có kinh nghiệm chiến trường và phải hoàn toàn nhờ cậy vào binh đoàn của mình trong chiến dịch chống lại Otho tại Cremona. Sau khi đánh bại Otho, Vitellius tống khứ hầu hết Vệ binh như một trừng phạt vì đã giết Galba. Dẫn đầu đội quân chiến thắng về La Mã, Vitellius dừng chân tại chiến trường tại Betriacum gần Cremona và, nốc nhiều rượu vang để lấn át mùi tử thi bao trùm, đưa ra một nhận xét sống sượng là mùi của đồng đội chết ngọt ngào hơn mùi của xác kẻ thù.
Vitellius bổ nhiệm những cố vấn không thích hợp, trong đó có một tên trộm cướp xấc láo tên là Asiaticus. Y cho người tra tấn và hành hình dựa trên chứng cứ mỏng manh nhất. Vitellius chuẩn bị ra ngoài ngay sau khi bước vào.
Thời cơ của Vespasian
Ở miền Đông xa xôi, Vespasian, với con trai Titus, đã đánh nhau dữ dội với quân Do thái ở Judae. Không như Nero, Galba, Otho, và Vitellius, Vespasian là một chiến binh dạn dày và nhiều chiến tích và đủ khôn khéo chờ đợi thời cơ lên làm hoàng đế.
Khi Vitellius đã làm hoàng đế được tám tháng, binh lính của Vespasian ở miền Đông tuyên bố Vespasian là hoàng đế, hoàng đế thứ tư trong ‘Năm có Bốn Hoàng Đế’. Vespasian cũng nhận được sự ủng hộ của các quân đoàn ở vùng Danube. Binh đoàn của Vespasian, do Antonius Primus chỉ huy, lên đường về Ý và đánh tan lực lượng của Vitellius ở Cremona, gần như tại cùng một địa điểm mà lực lượng này đã đánh bại Otho hồi đầu năm. Cremona bị cướp phá sạch và các thống đốc khắp các tỉnh miền tây đều quay về với Vespasian.
Vitellius thương thảo với em của Vespasian là Sabinus, đang chỉ huy đám Vệ binh còn lại, là ông sẽ chịu thoái vị. Tuy nhiên các binh đoàn của Vitellius không cho ông đầu hàng. Vitellius đánh đuổi nhóm Sabinus vào tận Capitol, treo cổ họ và đốt rụi Đền thần Jupiter. Khi binh đoàn sông Danube theo phe của Vespasian về đến La Mã, Vitellius cố ngụy trang để trốn thoát, nhưng bị phát hiện, tra tấn, và quẳng xuống sông Tiber.
Khởi Đầu Tốt và Kết Thúc Tệ__
Triều Đại Flavian (AD 69-96)
Năm có Bốn Hoàng Đế đã làm thay đổi mọi thứ trong Đế chế La Mã. Giờ đây không những một hoàng đế có thể được tuyên cáo bên ngoài La Mã, mà người không xuất thân từ dòng dõi quý tộc đều có thể trở thành hoàng đế. Vespasian (tên đầy đủ là Titus Flavius Vespasianus) và các con trai Titus và Domitian sẽ trị vì trong triều đại Flavian.
Từ Augustus đến Nero, tên ‘Caesar’ là họ __ người có họ này là một thành viên của triều đại Julio-Claudian. Từ thời của Galba trở về sau ‘Caesar’ trở thành danh hiệu của một thứ bậc: danh hiệu này được phong cho những người sẽ được kế vị hoàng đế, và khi trở thành hoàng đế sẽ mang danh hiệu Augustus. Các con trai Titus và Domitian của Vespasian được mang danh hiệu Caesar. Khi Titus trở thành hoàng đế vào AD 79, ông trở thành Augustus, và Domitian vẫn còn là Caesar cho đến AD 81, khi ông cũng lên chức danh Augustus.
Con người chân đạp đất: Vespasian (AD 69-79)
Gia đình của Vespasian thuộc giới kỵ sĩ từ thị trấn Sabine miền Reate (Rieti ngày nay), nhưng Vespasian và em trai mình được thăng lên vị thứ nghị sĩ. Cha ông là một người thu thuế và chủ ngân hàng, có tiếng là liêm khiết. Vespasian được tiếng tăm vì là một chiến binh xuất sắc trong cuộc xâm chiếm xứ Anh vào AD 43 và sau đó ở Phi châu, và rồi ở Judaea dưới thời Nero. Nero trục xuất Vespasian vì tội bỏ đi (hay ngủ gục) trong khi ông ta đang đọc thơ. Nhưng may cho Vespasian, Nero triệu hồi ông vì năng lực quân sự của ông, và được cử đi Judaea với Titus cùng một binh đoàn đế dẹp tắt cuộc nổi dậy của dân Do thái.
Vespasian là một người thực tiễn. Ông không có tầm nhìn lớn như Augustus, nhưng ông không biết mệt mỏi, trực tính, và không có ảo tưởng về sự vĩ đại của mình.
Khi ở La Mã
Vào AD 70, Vespasian đưa ra một cải cách chính quyền quan trọng khi phục hồi ban điều tra dân số. Nhiệm vụ chủ yếu của ban điều tra là tổ chức cuộc điều tra dân số, nhưng quan trọng hơn, điều tra viên có thể chỉ định người vào Viện Nguyên lão. Vespasian có thể đưa người có năng lực và kinh nghiệm vào Viện Nguyên lão để phục vụ cho Đế chế. Vespasian loại bỏ những nghị sĩ bất xứng, và nếu người nào xứng đáng mà không hội đủ điều kiện về tài sản (xem lại Chương 2), thì Vespasian sẵn sàng ứng số tiền mặt còn thiếu hụt. Những người mới của Vespasian không chỉ bao gồm những người Ý mà còn những người từ những vùng xa xôi. Vespasian tiến hành bước đi quan trọng nhằm mở rộng thành phần của Viện Nguyên lão bằng những thành viên không thuộc giới quý tộc La Mã.
Vespasian không còn lệ thuộc vào những người được giải phóng để làm những công việc hành chính như dưới thời Claudius và Nero. Ông vẫn giữ lại một số ít người này, và giao việc hành chính cho giới kỵ sĩ. Quốc khố trống rỗng do Nero hoang phí, Vespasian phải tăng định mức thuế và đặt ra những sắc thuế mới, và thu hồi những bất động sản mà các hoàng đế trước ban tặng cho bạn bè của họ. Tuy vậy, Vespasian cũng không phải không có những hành động đáng ngờ; để có tiền mặt, ông bán các chức vụ và, với một giá thích hợp, người vi phạm có thể nộp tiền để khỏi bị truy tố.
Vespasian được lòng của quân đội và khỏi phải trả thêm tiền cho binh lính để được sự ủng hộ của họ. Ông xoay sở để loại trừ sự chống đối công cuộc trị an của mình bằng cách tổ chức một chương trình xây dựng các công trình công cộng, trong đó có Colosseum, đấu trường lừng danh của La Mã, và cũng cho phép bất kỳ ai được phép xây cất trên những địa điểm ở La Mã trước đây bị bỏ trống do hỏa hoạn hoặc đổ nát.
Ở các tỉnh lỵ
Việc điều hành các tỉnh lỵ trở nên dễ dàng hơn khi Vespasian đặt ra chức vụ legatus iuridicus (đại diện pháp luật). Đại diện pháp luật được đặt ở một vài tỉnh lỵ để xử lý những vụ án nhằm giảm bớt công việc cho các thống đốc có nhiều việc khác phải cáng đáng, chẳng hạn ở Anh, thống đốc còn bận lo chinh phục các vùng phía tây và bắc. Vùng đã được ổn định của xứ Anh đang hồi phục sau cuộc nổi dậy Boudican. Các công sở được xây cất, và người Anh được khuyến khích chấp nhận lối sống La Mã.
Ở nơi khác, Vespasian đưa vào các tỉnh lỵ mới bằng cách tước đi quyền tự do của họ; chẳng hạn, thu hồi tư cách tự do của Hy Lạp mà Nero ban phát, nghĩa là Hy lạp bắt buộc phải nộp thuế cho La Mã.
Các người kế vị Vespasian
Vespasian tin vào điềm triệu với những dấu hiệu chính xác là mình được giao phó thiết lập một triều đại Flavian. Vespasian bảo Viện Nguyên lão rằng chỉ có con trai ông là Titus và Domitian được kế vị mình làm hoàng đế. Khi Vespasian mất vào ngày 23/6/AD 79, việc kế vị đã rõ ràng, một điều chưa hề xảy ra từ ngày Augustus mất vào AD 14, cách đó 65 năm.
Vespasian là vị hoàng đế đầu tiên sử dụng Imperator như một danh hiệu, hơn là một phần của tên mình. Những từ khắc trên đồng tiền Vespasian bắt đầu bằng ‘Imperator . . . ‘. Điều tưởng tượng cho rằng Augustus đã ‘phục hồi’ nền Cộng Hòa đang nhường chỗ cho một sự thật chắc nịch là quyền lực thật sự giờ đây thuộc về hoàng đế.
Titus rất được yêu quý (AD 79-81)
Titus, con trai của Vespasian, là một thanh niên được yêu quý; ông từng là bạn thuở nhỏ của con trai Britannicus của Claudius. Titus hầu như giỏi giang về mọi mặt, từ đánh trận đến âm nhạc, và ông có một trí nhớ phi thường.
Ông đã từng chiến đấu bên cạnh cha mình trong cuộc nổi dậy Do thái và sau đó đến La Mã, tại đó ông phục vụ như tùy viên của cha, khi đó là chấp chính và hộ dân quan. Nhưng Titus không hoàn hảo, có khi xấc xược. Ông mang tai tiếng là hay giết người mà ông nghi ngờ mưu phản và khoái tiệc tùng thâu đêm. Titus say mê Nữ hoàng xứ Judaea tên Berenice và mang bà về La Mã; ông có thể đã cưới bà nếu Vespasian không băng hà.
Vì Titus đã được cha mình chỉ định rõ ràng là người kế vị, việc lên ngôi diễn ra suông sẻ. Titus cắt đứt liên hệ với những thằng bạn tai tiếng, bỏ đi những tật xấu cố hữu, và cho người tiển Berenice về Judaea. Titus chẳng mấy chốc nổi tiếng vì hành xử công minh, xác nhận lại bất kỳ đặc ân nào mà các hoàng đế trước đã ban phát hơn là tự động thu hồi như các hoàng đế trước thường làm, và tránh việc chiếm tùy tiện tài sản của dân chúng. Titus tố giác công khai các bọn chỉ điểm và đuổi chúng ra khỏi La Mã. Ông cũng tiếp tục những dự án xây dựng của Vespasian và hoàn thành Colosseum, cho tổ chức luân lưu những buổi thi đấu và trò giải trí công cộng ngoạn mục.
Giải quyết những thảm họa
Chưa đầy hai tháng kể từ khi làm hoàng đế, Titus đương đầu với thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Đế chế La Mã. Vào ngày 24/8/AD 79, Núi Vesuvius phun trào và tàn phá Vịnh Naples. Các trang viên của giới giàu có bị dung nham tàn phá, hàng ngàn người chết vì khói độc. Hai thành phố chính, Pompeii và Herculaneum hoàn toàn bị xóa sạch. Năm sau một trận hỏa hoạn khủng khiếp và một trận dịch tấn công La Mã. Titus chi ra một số tiền cứu trợ lớn cho cả hai thảm họa và nỗ lực tìm cách chữa trị bệnh dịch nhưng không thành công.
Qua đời đột ngột
Titus đã chiếm được lòng yêu quí của dân chúng trong hành động cứu giúp hào phóng những nạn nhân của hai thảm họa, và cái chết bất ngờ của ông để lại lòng tiếc thương rộng khắp. Trong một chuyến đi vào lãnh thổ Sabine, vào cuối hè AD 81, Titus lên cơn sốt và qua đời vào ngày 13/9, để lại một cô con gái tên Julia Titi.
Đọc thêm: Judaea và Masada
Judaea là một tỉnh lỵ đầy ác mộng, âm ỉ nỗi bất mãn đối với ách cai trị của La Mã. Titus đã giải quyết cuộc chiến đã bùng nổ vào AD 66 dưới thời Nero. Trận đánh này giành từng thước đất cho đến khi đền thờ và thành lũy trong Jerusalem đều bị tàn phá. Nhưng các cuộc nổi dậy vẫn cầm cự mãi đến AD 73, trong pháo đài Masada trên đỉnh đồi Judean. Một binh đoàn 7,000 người bao vây pháo đài trong sáu tháng cho đến khi dân chúng bên trong pháo đài phóng hỏa đốt pháo đài để tự tử. Ngày nay công cụ mà quân La Mã sử dụng để bao vây pháo đài vẫn thấy được ở Masada, trong đó có một đoạn dốc lớn được xây lên một tường thành để binh lính tấn công vào. Người Judaea thua trận bị bắt làm nô lệ và dân Do thái trên Đế chế bị đánh thuế để trang trải chi phí xây Đền thờ Jupiter mới ở La Mã.
Kẻ giết ruồi hoang tưởng: Domitian (AD 81-96)
Domitian, con trai thứ của Vespasian, trái ngược hoàn toàn với Titus. Trong thời gian anh mình là hoàng đế, Domitian đã từng bày mưu truất phế ông. Có lần Titus bị bệnh, Domitian ra lệnh cứ để mặc ông chết, không chữa trị. Titus không để lại con trai nào, và vì Domitian đã được Vespasian ghi tên mình là người kế vị thứ hai, nên việc Domitian lên ngôi hoàng đế không gặp sự chống đối nào.
Vespasian và Titus đã kềm chế Domitian bằng cách cho ông làm chấp chính, nhưng không cho phép ông chỉ huy quân đội. Nay Vespasian và Titus không còn, Domitian được thỏa chí. Domitian biểu lộ mọi dấu hiệu của một nhà cai trị độc tài và tàn bạo. Ông huênh hoang là mình chính là người đã đặt Vespasian và Titus lên ngôi. Ông cho hành hình hoặc lưu đày dựa trên chứng cứ nhỏ nhất; Sallustius Lucullus, thống đốc xứ Anh, chẳng hạn, thiết kế một kiểu giáo mới, nhưng Lucullus lấy tên mình đặt tên cho loại giáo mới mà không lấy tên Domitian. Domitian trừng phạt bằng cách hành hình Lucullus. Khi Domitian lên ngôi, người ta nói rằng ông giết thời gian rãnh rỗi bằng cách đâm ruồi.
Domitian, nhà cai trị
Domitian, với mọi khiếm khuyết của mình, vẫn là một hoàng đế có năng lực một cách đáng ngạc nhiên. Ông duy trì một chương trình phổ biến các trò giải trí và trợ cấp, đề cao sự ăn mặc tề chỉnh khi xem trình diễn, và khuyến khích sự tôn thờ nữ thần Minerva yêu thích của ông. Ông cho sửa chữa các công trình công cộng và xây dựng các công trình mới, nhưng hơi tiếc khi ông đặt tên mình cho những công trình được phục hồi thay vì tên của những hoàng đế đã khởi công xây dựng chúng.
Trong lúc đó, trên vùng biên giới
Domitian gặp những vấn đề về tiền bạc vì chi tiêu công cộng quá mức, và giải pháp của ông là cắt giảm quân đội và những cuộc viễn chinh. Vào AD 87, ông bãi bỏ chiến dịch kéo dài để chinh phục bắc xứ Anh, bao gồm Scotland. Thực tế là dẹp yên miền bắc xa xôi của xứ Anh chưa chắc làm La Mã an toàn hơn, nhưng giữ vững biên giới Đức thì được. Biên giới sông Rhine-Danube chưa bao giờ an toàn trong khu vực hai con sông dâng cao, vì cả hai sông đều quay về hướng nam để đi đến cội nguồn của chúng, để lại một khoảng trống lớn ở giữa, tạo thành hình chữ V trong biên giới La Mã. Bộ tộc Chatti lợi dụng đặc điểm địa thế này để quấy nhiễu. Câu trả lời của Domitian là đẩy lùi đường biên giới về phía bắc và tạo ra một mạng lưới thành lũy, khiến biên giới ở Đức an toàn hơn trong nhiều thế hệ.
Sau khi củng cố biên giới ở Đức. Binh đoàn của Domitian sẵn sàng đánh nhau với quân Dacia. Thủ lĩnh Decebalus của Dacia quyết tâm tạo một đế chế cho riêng mình trong phần lãnh thổ của La Mã. Nhưng vừa lúc ấy, một vị tướng La Mã nổi loạn, khiến Domitian phải bận tâm, không thể giải quyết vấn đề Dacia. Thế là Domitian bắt đầu một tiền lệ khi trả cho Decebalus một số tiền lớn để giữ hòa bình. (Xem Chương 17 để biết thêm về người xứ Dacia.)
Damnatio Memoriae
Domitian tin là mình bị những kẻ thù bao vây. Mặc dù có những thành tựu nhất định, ông vẫn bị nhiều người căm ghét. Domitian hành xử như một kẻ độc đoán và quá chú trọng hình thức rườm rà. Ông khoan khoái khi được các thi sĩ ca tụng mình là ‘Minh chủ và Thần linh’. Domitian có quan hệ bất chính với cháu gái, Julia Titi, và ưa thích gái làng chơi, đó có thể là lý do khiến vợ ông Domitia (con gái của tướng Corbulo) hình như là một trong số người chủ mưu ám sát ông. Ông nằm mộng thấy nữ thần Minerva bảo là bà không còn có thể bảo hộ ông được nữa. Vào ngày 18/9/AD 96, Domitian bị mưu sát.
Cái chết của Domitian gây những phản ứng lẫn lộn. Hầu hết dân chúng không quan tâm. Binh lính thì nổi giận; vì Domitian đã tăng lương cho họ đến một phần ba, và bây giờ thì chắc chắn họ sẽ mất số tiền ấy. Viện Nguyên lão thì vui mừng khi nghe tin Domitian bị ám sát, đúng ra là quá đổi vui mừng đến nỗi họ ra lệnh kéo tất cả tượng của Domitian xuống và tên ông bị đục bỏ khỏi mọi bia khắc trong Đế chế. Đây là đòn trừng phạt kiểu La Mã gọi là damnatio memoriae, ‘sự kết án của ký ức’.
Chương 17
Năm Vị Minh Quân
Trong Chương Này
- Bằng cách nào một hoàng đế tạm thời cứu Đế chế khỏi một cuộc nội chiến (AD 96-98)
- Trajan tạo một Đế chế La Mã lớn như chưa bao giờ (98-117)
- Tại sao Hadrian ngừng chinh phục và cố định đường biên giới (117-138)
- Bằng cách nào Antoninus Pius hành xử quá đẹp (138-161)
- Thời trị vì của đô đốc Marcus Aurelius __ và sự lựa chọn xui xẻo người kế vị (161-180)
Sau khi Nero mất năm 68, cuộc nội chiến và ba hoàng đế tai hại (Galba, Otho, và Vitellius), người này kế tiếp người kia, đem thế giới của Augustus đến bờ vực. May thay, Vespasian xuất hiện. Óc phán đoán, tính nhẫn nại, và lòng tận tụy của ông đã cứu được La Mã. Con trai Titus của ông, với năng lực lãnh đạo, tiếp tục đem đến sự trị an và ổn định. Khi Titus mất, người em Domitian tiếp nhận nhiệm vụ. Trên một vài khía cạnh nào đó, Domitian có thể là một hoàng đế tồi, nhưng như anh và cha mình, ông thực sự là một nhà cai trị có năng lực. Không những thế, mà vào cuối thế kỷ thứ nhất AD, không ai có thể thực sự tưởng tượng một thế giới La Mã không có hoàng đế, trên hết là các nghị sĩ tỉnh lẻ mà hiện giờ đang ngồi kín Viện Nguyên lão.
Sau cái chết của Domitian Viện Nguyên lão có hai lựa chọn: phục hồi nền Cộng Hòa hoặc chọn ra một hoàng đế khác. Viện Nguyên lão quyết định chọn hoàng đế, và sự kiện tiếp theo là một loạt nhà cai trị được gọi Năm Vị Minh Quân. Đây là thời cực thịnh của quyền lực La Mã, khi Đế chế ở đỉnh hưng thịnh nhất và ổn định nhất.
Edward Gibbon, sử gia lừng danh, trong cuốn Thời Suy Thoái và Sụp Đổ của Đế Chế La Mã, xuất bản năm 1776, cho rằng thời kỳ Năm Vị Minh Quân là ‘thời kỳ hạnh phúc và thịnh vượng nhất’ trong suốt lịch sử nhân loại. Gibbon có thể đúng, nhưng điều chắc chắn là khi Marcus Aurelius, vị minh quân cuối cùng, băng hà vào AD 180, Đế chế La Mã đang trên con đường dài đi đến sự suy thoái.
Chúng ta giờ đi qua thời đại của các sử gia La Mã cuối cùng vĩ đại nhất, Tacitus và Suetonius. Khi thế kỷ thứ hai mở ra, họ đang bận bịu với cuốn lịch sử đang viết của mình, và nhiều phần trong đó còn được lưu lại. Nhưng không ai viết được chi tiết như họ sau thời gian đó __ ít nhất, không có gì còn sót lại. Vì thế thay vào đó, chúng tôi phải dựa vào những gì còn lưu lại trong bộ sử của Dio Cassius, và thỉnh thoảng những đoạn sử khác, những tiểu sử các hoàng đế được viết hàng trăm năm sau đó, những bia khắc, và những đoạn rải rác đây đó. May mắn thì được các tư liệu gốc dù chắp vá, còn xui nhất là chúng không tồn tại hoặc niên đại thì không tin cậy được.
Nerva: Người Lấp Chỗ Trống Tốt (AD 96-98)
Vào AD 96, các nghị sĩ ngồi lại và tìm kiếm một hoàng đế mới, thay vì mơ tưởng việc phục hồi nền Cộng Hòa. Họ lần ra được một cựu Nghị sĩ tên là Marcus Cocceius Nerva. Ông ta sẽ là vị minh quân đầu tiên, cai trị trong thời cực thịnh và ổn định nhất của La Mã.
Khi còn trẻ, Nerva từng là bạn thân của Nero, nhưng ông được Vespasian và Domitian tin dùng, giữ chức chấp chính. Nerva có thể là người đồng mưu trong kế hoạch ám sát Domitian. Không ai biết, nhưng khi ông được chọn làm hoàng đế cùng trong ngày đó, chắc hẳn ông đã biết về việc đó. Chắc hẳn ông phải là người sắc sảo về mặt chính trị __ người hoàn hảo để dẹp yên cuộc khủng hoảng.
Nerva 64 tuổi khi lên làm hoàng đế, và ông đúng là một người lấp chổ trống tốt. Ông không có những tham vọng điên rồ, cũng không có con cái, nhưng ông có kinh nghiệm điều hành và chính trị cần thiết cho vai trò hoàng đế.
Và cũng là điều may mắn cho La Mã, khi Nerva và ba vị hoàng đế tiếp theo đều không có con (hoặc sống thọ hơn các con trai họ), khiến họ tha hồ mà lựa ra người kế vị xứng đáng của mình, hơn là giao Đế chế vào tay một thằng con không ra gì.
Những bước đi khôn khéo và thành tích tốt đẹp
Sau thời cai trị bẩn thỉu và cái kết cục bi thảm của Domitian, Nerva phải lập lại lòng tin của dân chúng vào địa vị hoàng đế. Ông muốn chứng tỏ một hoàng đế sáng suốt có thể làm những điều tốt đẹp cho nhân dân La Mã và Ý và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ. Chính sách của ông nhắm đến những việc sau:
- Quỹ công: Nerva tiết kiệm việc chi tiêu công bằng cách cắt giảm những trò giác đấu và lễ hội tôn giáo. Ông bán bớt kho tàng của hoàng đế và bổ nhiệm một ủy ban tìm ra những sách lược giảm chi tiêu ngân sách. Nhờ tiết kiệm, ông có thể cắt giảm thuế.
- Chính sách công: Nerva đưa ra alimenta, một chương trình tài trợ việc giáo dục và phúc lợi cho các trẻ em Ý nghèo khó, mà sau này Trajan, người kế vị của Nerva, tiếp tục đẩy mạnh. Nerva cũng bỏ ra một số tiền lớn mua lại đất đai để phân phát cho dân nghèo La Mã. Và, trên hết, Nerva phục hồi quyền tự do phát biểu.
Pliny Trẻ, viết một bức thư cho người bạn, đúc kết tâm trạng của thời đó: ‘Tự do đã được phục hồi,’ ông nói. Còn Tacitus, vui mừng phát biểu, ‘Đó thực sự là báu vật của thời đại này khi con người có thể nghĩ những gì mình muốn và nói ra những gì mình nghĩ.’
- Công trình công cộng: Nerva bổ nhiệm Sextus Jukius Frontinus sắp xếp lại hệ thống cung cấp nước sạch cho La Mã (đã được mô tả trong Chương 7).
Phá vỡ những âm mưu và chọn người kế vị
Nerva không hoàn toàn gặp thuận lợi trong nhiệm vụ. Một đồng tiền được phát hành có khắc dòng chữ tế nhị Concordia Exercituum (Sự hòa hợp của quân đội) và in hình hai bàn tay xiết chặt không thể che dấu sự thật là ông không có thành tích quân sự để tạo ấn tượng đối với quân đội, và với tuổi đã già, ông chắc chắn không ở lại cương vị hoàng đế lâu. Vì thế có nguy cơ binh lính sẽ săn tìm người khác hợp ý họ để lên kế vị ông. Được báo có một âm mưu lấy mạng mình do một nghị sĩ có tên Calpurnius Crassus ấp ủ, Nerva mời bọn âm mưu đến một nơi công cộng và thậm chí đưa kiếm cho họ. Choáng vì sự điềm tĩnh của ông, Calpurnius Crassus liền hủy bỏ kế hoạch.
Nerva giải bài toán quân đội và người kế vị một năm sau khi cai trị bằng cách công nhận Marcus Ulpius Trajanus, lúc đó 41 tuổi, làm người kế vị của mình vào tháng mười năm 97, khi đó đang chỉ huy binh đoàn ở vùng Thượng Đức và vừa thắng một trận đánh. Đây là một nước đi xuất sắc. Được sự bảo hộ của Trajan, Nerva có thể an tâm cai trị trong bốn tháng cuối cùng của đời mình. Ông mất vào 25 tháng 1 năm 98.
Trajan: Người Thích Hợp cho Nhiệm Vụ (AD 98-117)
Việc Nerva chọn ra Trajan làm người kế vị làm vui lòng Viện Nguyên lão và quân đội, nhưng đó là một sự thỏa thuận cực đoan hơn là thoạt nhìn. Nếu năm 68 (Năm có Bốn Hoàng đế) cho thấy rằng một hoàng đế có thể được tuyên bố tại một nơi khác hơn là La Mã, thì năm 98 cho thấy hoàng đế không cần phải là người La Mã hay thậm chí người Ý. Thật ra, nguồn gốc gia đình xa xưa của Trajan là tại Umbria ở Ý, nhưng tổ tiên của ông đã định cư tại Italica ở Tây Ban Nha, và mẹ ông là người Tây Ban Nha. Không tưởng tượng được chỉ một thế hệ trước đó, sự kế vị của Trajan là một sự cách tân quan trọng.
Trajan ở La Mã
Trjan không vội vã về La Mã. Ông để cho mọi người biết rằng mình đang làm nhiệm vụ với quân đội. Ông muốn bảo đảm trước tiên các biên giới sông Rhine và sông Danube được bình yên và an toàn, giảm số tiền thưởng cho binh sĩ trước khi bắt các pháp quan ưa gây rối phải về hưu hoặc chịu hành hình, và xác nhận mọi đặc quyền của Viện Nguyên lão.
Khi đã vào La Mã, Trajan coi sóc việc phát chẩn cho quần chúng La Mã. Chương trình alimenta, trước đây do Nerva khởi xướng, giờ đây có lẽ đã đi vào hoạt động và cải thiện số phận của những gia đình nghèo Ý. Thuế được giảm và một chương trình xây dựng công cộng rộng lớn được bắt đầu, trong đó có nhà tắm công cộng trên địa điểm trước đây là Nhà Vàng của Nero, một hệ thống dẫn nước sinh hoạt mới, và một quảng trường. Phần lớn Quảng trường Trajan đến nay vẫn còn thấy được ở La Mã.
Cuộc chiến với Dacia và Parthia
Trajan bù lại tiền giảm thế và chương trình kiến thiết tốn tiền từ các chiến lợi phẩm trong cuộc chiến với Dacia và Parthia. Dacia và Parthia là vùng biên giới xa nhất của Đế chế La Mã (xem Hình 17-1).
Hình 17-1: Đế chế La Mã vào AD 116, tại thời điểm lớn rộng nhất
Đánh nhau với người Dacia
Trajan bất mãn vì số tiền lớn phải trả cho Decebalus, thủ lĩnh dân Dacia, để mua lấy hòa bình cho La Mã (xem lại Chương 16). Vào AD 101, Trajan vuợt sông Danube để thanh toán Decebalus, cũng đang diệu võ dương oai.
Vào AD 104, Trajan đánh bại Decebalus và thiết lập lực lượng đồn trú ở Dacia. Một chiếc cầu hoành tráng bắc qua sông Danube do kiến trúc sự Apollodorus thiết kế mở đường cho Trajan tiến vào vùng đất mới chinh phục của La Mã, nhưng vào năm AD 105, Decebalus lại tái chiến với La Mã. Trajan hành quân trở lại Dacia và tiêu diệt quân đội của Decebalus (Decebalus phải tự tử vì nhục nhã). Trajan biến Dacia thành một tỉnh lỵ của La Mã và trưng thu các quặng khoáng sản giàu có của Dacia.
Vấn đề Parthia
Parthia ở miền Đông luôn là điểm nhức nhối của La Mã. Vua xứ Parthia tên Osroes lật đổ vị vua thần phục ở Armenia, và Trajan hành quân đến Parthia vào AD 113 để hỏi tội Osroes. Trong một năm, Trajan đã chiếm lại Armenia và sát nhập nó vào La Mã thành tỉnh Cappadocia. Vào AD 115, Trajan chiếm thủ đô xứ Parthia tại Ctesiphon; và năm sau, ông dẹp tan một cuộc nổi dậy.
Tượng Hoàng đế Trajan
Trụ cột Trajan
Di sản của Trajan
Trên đường về La Mã sau khi đánh thắng quân Parthia, ông bị nhồi máu cơ tim và mất vào ngày 8/8/AD 117.
Trajan chưa hề lạm dụng quyền lực của mình mà xem cương vị của mình là một đặc quyền và một trách nhiệm. Mặc dù ông thường đi khỏi La Mã, uy quyền ông được nể trọng đến nỗi bộ máy công quyền trên khắp Đế chế vẫn vận hành hiệu quả dù không có mặt ông ở La Mã.
Trajan tạo một hình ảnh hoàng đế nguyên mẫu: quyền uy, có năng lực, hiệu quả, và yêu dân. Viện Nguyên lão ban thưởng Trajn danh hiệu Optimus Principorum, ‘Ông hoàng cự phách nhất’. Tuy nhiên, tham vọng lãnh thổ của Trajan khiến miền Đông khó lòng ổn định, vì Đế chế đã quá bành trướng. Đế chế La Mã giờ đây đã đến điểm giới hạn lãnh thổ.
Trụ đá Trajan, một trong những đài tưởng niệm nổi tiếng nhất, tôn vinh sự vĩ đại. Tro cốt hỏa táng của Trajan được chôn bên dưới đế trụ. Trụ đá được trang trí bằng những hình chạm nổi chạy xoắn ốc quanh trụ từ đỉnh xuống đáy, minh họa chiến dịch của Trajan trong cuộc chiến Dacia, bao gồm hành trình của Trajan, các tàu chiến, lễ tế thần, thành lũy, các trận đánh, và tù binh (xem hình trên phải). Trụ đá là một trong những nguồn tư liệu giá trị về quân đội La Mã. Trên đỉnh trụ là tượng của Trajan, nhưng đến thế kỷ thứ mười sáu, đã được thay bằng tượng Thánh Peter.
Hadrian, Nghệ sĩ và Nhà Thẩm Mỹ (AD 117-138)
Publius Aelius Hadrianus là một trong những hoàng đế lừng danh nhất của La Mã. Ông là một người rất thông minh quan tâm nhiều đến kỷ luật và tổ chức quân sự, kiến trúc, và văn hóa Hy lạp. Ông kinh lý khắp thế giới La Mã, thăm nhiều tỉnh lỵ, và ra quyết định cốt yếu là chấm dứt việc chinh phục các tỉnh lỵ mới. Cuộc trị vì của ông đánh dấu một điểm mốc trong lịch sử La Mã.
Sự kế thừa mưu mẹo
Như Trajan, Hadrian là người Tây Ban Nha và xuất thân từ Italica. Cha của Hadrian mất khi ông còn trẻ, ông được vợ chồng Trajan không có con cái nhận về nuôi. Hadrian đảm nhận nhiều chức vụ, hành chính lẫn quân sự một cách xuất sắc. Vào AD 114, ông là thống đốc Syria và đang đảm trách sự vụ miền Đông khi Trajan lên đường về La Mã. Nhưng Trajan chưa hề công khai tên Hadrian là người kế vị ông.
Việc kế vị của Hadrian không được suôn sẻ. Sau khi Trajan qua đời, vợ Plotina của ông và người tình của bà (cũng là bạn đồng chí trước đây của Trajan) thông báo rằng Trajan đã nhận Hadrian làm con nuôi trong khi hấp hối. Thời đó nhiều người, trong đó có các sử gia La Mã, tin rằng đó chỉ là câu chuyện được dàn dựng; nhưng dù sao thì Viện Nguyên lão đồng ý công nhận Hadrian là Hoàng đế.
Hadrian được Plotina yêu quí nhất, mặc dù có những ứng viên lớn tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn tranh nhau để được làm người kế vị Trajan. Rủi thay, Trajan đã không biểu lộ ý định cụ thể nào cho việc kế vị. Việc cuối cùng mà Đế chế muốn là một sự tranh chấp lôi thôi về việc kế vị __ cứ nhìn lại việc gì xảy ra trong năm 68-69 thì đủ rõ (xem lại Chương 16). Hadrian hành động mau lẹ để nắm chắc sự tán thành của Viện Nguyên lão. Nhưng việc trị vì của ông khởi đầu không thuận lợi vì Viện Nguyên lão có trong tay bốn người được cho là đồng mưu đã bị hành hình theo lệnh ông, mặc dù ông đổ lỗi cho phía pháp quan. May thay, cuộc nội chiến đã tránh được vì Hadrian đã xử trí nhanh chóng. Hadrian hứa với Viện Nguyên lão sẽ không bao giờ cho hành hình ai nếu không có sự tán thành của Viện Nguyên lão.
Hadrian ở La Mã
Hadrian trị vì rất thành công, nhưng cũng đối mặt một vấn đề nghiêm trọng: giải quyết những công việc mà Trajan để lại. Hadrian phải đánh dẹp một cuộc nổi dậy khác ở biên giới sông Danube trước khi đến La Mã nhậm chức hoàng đế. Đến La Mã, Hadrian tổ chức những trò giải trí công cộng, phát chẩn cho quần chúng, và xóa nợ cho các con nợ, biểu dương sự khoan hồng của mình bằng cách gom hết tài liệu liên quan cho vào đống lửa ở ngay Quảng trường.
Hadrian, như Trajan, rất ít khi có mặt ở La Mã, nhưng việc trị an của ông vẫn trổi chảy và hiệu quả. Nói chung ông thường tiếp nối chương trình các hoàng đế tiền nhiệm, chẳng hạn, chương trình alimenta của Trajan, và giữ tình trạng hối lộ ở các tỉnh lỵ xuống mức thấp nhất. Ông cũng khuyến khích sử dụng giới kỵ sĩ trong công tác hành chính thay cho những người được trả tự do.
Đủ là đủ: Kinh lý các tỉnh lỵ
Hadrian dừng lại mọi sự bành trướng của Đế chế La Mã. Augustus, hơn một thế kỷ trước đây, đã có quan điểm là Đế chế nên dừng lại bên trong biên giới của mình. Những cuộc chinh phục của Claudius, Vespasian, Domitian, và nhất là Trajan, đã phá vỡ qui tắc đó và để Đế chế lún sâu vào công việc duy trì biên cương.
Hadrian quyết định đủ là đủ: Đế chế sẽ không mở rộng thêm nữa. Ông lên đường trên một chuyến kinh lý lừng danh qua nhiều tỉnh lỵ, việc duy nhất chưa hoàng đế nào khác từng làm, để ủy lạo binh sĩ và nắm tình hình biên giới. Dưới thời Trajan, đã từng có một loạt các thống đốc bị truy tố vì nhận hối lộ, vì thế đây là lúc mà hoàng đế cần bám sát tình hình địa phương hơn. Cuộc vi hành kết hợp việc thị sát, thưởng ngoạn, và nắm quân tình. Để kỷ niệm chuyến đi, một số tiền đồng được phát hành, có in hình Hadrian được đón tiếp trọng thị tại các tỉnh lỵ ông đến thăm.
Tái lập kỷ luật quân đội trên vùng biên giới
Hadrian là một người tuyệt đối khắt khe về kỷ luật quân sự. Ông cấm tiệt kiểu sống thoải mái, tiện nghi trong binh đoàn đồn trú nơi biên giới, nhất là ở Anh và Đức trong AD 120-122, tại đó ông xiết chặc kỷ luật và bố trí lại lực lượng biên giới, xây dựng Bức Tường nổi tiếng ngang qua xứ Anh (xem lại Chương 5). Ông rất bực mình khi thấy binh sĩ có phòng ăn đẹp và vườn hoa trang trí. Bản thân ông không có thời gian ăn vận đúng lễ phục hoàng đế và xuất hiện trước công chúng thường trong y phục giản dị nhất mà ông thuận tay vớ lấy.
Trả lại tỉnh lỵ và con tin
Vào 123 Hadrian vi hành về miền Đông. Các tỉnh lỵ mà ông xét thấy quá xa, như Armenia và Mesopotamia, ông chỉ đơn giản bỏ qua. Con gái của vua xứ Parthia, mà Trajan bắt làm con tin, đã được trả về.
Khi đó tại Hy lạp . . .
Hadrian đến Hy lạp vào 125 và trở lại thăm lần nữa vào 128. Ông yêu Hy Lạp và những gì liên quan đến nghệ thuật, cũng như toán học và kiến trúc. Việc này ảnh hưởng đến y phục và vẻ ngoài của ông __ ông để râu theo kiểu Hy lạp, và sau đó những người kế vị và nhiều quan chức cao trên khắp Đế chế đều bắt chước theo. Ông cũng là tác giả của những dự án xây dựng lớn như Đền thần Zeus và một thư viện ở Athens.
Cuộc nổi dậy của Bar Cochba
Trong những năm AD 132-135, Hadrian phải giải quyết cuộc nổi dậy lớn ở Judaea do Bar Cochba cầm đầu. Rắc rối bắt đầu dưới thời Trajan khi binh đoàn La Mã chuyển hướng vào cuộc chiến ở Parthia. Tình hình rối ren được dẹp yên, và nói chung Hadrian được khai sáng và tỏ ra độ lượng đối với dân Do thái. Nhưng ông bổng dưng nảy ra một ý tưởng điên rồ là bắt ép dân Do thái ở Palestine phải bị đồng hóa __ vào năm 131 AD, chẳng hạn, ông tuyên bố việc cắt bao da qui đầu là bất hợp pháp. Việc này khích động tinh thần dân tộc của dân Do thái, đe dọa làm mất ổn định miền Đông La Mã (xem thêm Chương 25 về Bar Cochba). Sau khi Hadrian dẹp yên cuộc nổi dậy, dân Do thái mất hết đất đai của họ và trở thành một dân tộc vô tổ quốc. Sử gia Dio nói ‘Judaea đã biến thành vùng đất hoang vu’.
Đọc thêm: Hadrian và Antinous
Hadrian, trên chuyến kinh lý quan trọng các tỉnh lỵ, đã đến Ai Cập vào AD 130. Ai Cập là nơi ông gặp gỡ một chàng trai trẻ tên Antinous mà ông lấy làm yêu thích. Nhưng không may Antinous chết chìm trong một tai nạn, khiến Hadrian vô cùng đau buồn. Người ta nói ông đã ‘khóc than như một người đàn bà’. Hadrian có thể đã có mối quan hệ đồng tính với Antinous, ai biết. Hadrian thành lập một thành phố mới lấy tên Antinoopolis để tưởng nhớ anh.
Hadrian có vợ gọi Trajan là ông chú, tên là Sabina. Không ai biết Sabina nghĩ gì về Antinous. Người ta đồn là cuộc hôn nhân của Hadrian với Sabina không hạnh phúc, nhưng không có chứng cứ, và Hadrian ban tặng cho Sabina tất cả vinh dự thường lệ, cũng như phát hành đồng tiền có in chân dung bà
Bệnh tâm trí và thể xác
Khi tuổi Hadrian đã cao, sức khỏe ông bắt đầu giảm sút. Những chuyến đi kéo dài và vất vả đã lấy đi sức khỏe của ông. Ông hình như đã mất hết lý trí vì có nhiều câu chuyện nói ông ra lệnh giết người bừa bãi, trong đó có một ứng viên kế vị tên là Servianus (mặc dù điều này vô lý không thể hiểu vì Servianus đã trên 90 tuổi) và có thể cả bà vợ Sabina của ông. Nhiều năm liền ông đã sốt sắng sử dụng các tình báo hoàng gia để theo dõi những hoạt động riêng tư của quan lại, bạn bè, hay đúng ra bất cứ người nào.
Ông cũng mắc bệnh phù và đau đớn đến nổi ra lệnh cho một tên nô lệ đâm chết ông. Antoninus, nghị sĩ mà Hadrian chỉ định làm người kế vị ông, đã ngăn cản kịp thời, nhưng Hadrian cũng không còn sống bao lâu nữa.
Chọn một người kế vị
Hadrian, quẫn trị vì bệnh tật hành hạ, phải chọn một người kế vị mình. Như Trajan trước đây, Hadrian không có con cái. Lựa chọn đầu tiên của ông là Lucius Celonius Commodus (đặt tên lại là Lucius Aelius Verus Caesar), mà Hadrian nhận làm con nuôi vào AD 136. Aelius được phong chức chấp chính và thống đốc. Rủi thay, Aelius lâm bệnh và mất vào ngày 1/1/AD 138, sau khi uống quá nhiều thuốc.
Trong một vài tuần sau cái chết của Aelius, Hadrian nhận người kế vị là một nghị sĩ và thống đốc tài năng của châu Á, có cái tên dài quá mức Titus Aurelius Fulvus Boionius Arrius Antoninus. Vào AD 138, không lâu sau khi chỉ định Antoninus, Hadrian qua đời.
Antoninus Pius: Người Không Có Tật Xấu Nào (AD 138-161)
Antoninus kế vị dưới đế hiệu Antoninus Pius, một cái tên ông có được hoặc vì ông đã phong cho Hadrian quá nhiều danh hiệu sau khi ông này băng hà hoặc bởi vì ông chăm sóc người cha vợ già yếu rất mực (Pius tiếng La tinh có nghĩa là ‘hiếu hạnh’). Ông phải thuyết phục Viện Nguyên lão phong thần cho Hadrian, và họ miễn cưỡng chấp thuận sau những việc nông nổi vào cuối đời của Hadrian.
Antoninus ở La Mã
Đặc điểm nổi bật nhất về Antoninus Pius là ông thực sự không có bất kỳ tật xấu nào. Ông là người tử tế và trung thực bậc nhất, và tôn trọng Viện Nguyên lão rất mực. Thậm chí một nghị sĩ đầu thú tội giết cha mình cũng không bị hành hình, mà chỉ đày ra một hòn đảo. Khi La Mã thiếu hụt rượu vang, dầu, và lúa mì, Antoninus mua vào dự trữ một số lượng lớn bằng tiền của mình rồi phân phát miễn phí. Ông từ chối việc đi kinh lý vì sợ tiêu tốn ngân sách của tỉnh lỵ do phải tiếp đón và chăm lo cho hoàng đế và đoàn tùy tùng. Ông đặt ra giới hạn chi tiêu cho các trò giác đấu để dành tiền tài trợ xây dựng các công sở mới và sửa chữa những công sở cũ.
Antoninus trân trọng vợ mình Faustina và đặt ra một bộ quy tắc ứng xử cho các phụ nữ vô gia cư có tên là Faustinianae để vinh danh bà. Khi Faustina mất vào AD 141, Antoninus phát hành một loạt các loại tiền đồng rất đẹp để tưởng niệm cuộc đời bà. Bạn có thể làm gì tốt hơn thế?
Và với một hoàng đế như thế, thực sự là không có gì nghiêm trọng xảy ra trong thời cai trị của Antoninus Pius, nhất là ở La Mã, chỉ trừ một tai nạn thảm khốc xảy ra khi một trường đua sụp đổ (chắc chắn là Trường Đua Maximus) gây ra cái chết cho 1,000 khán giả. Không có đày ải, không có hành hình, không có tai tiếng tình ái, không có thói xấu. Cũng không có cải tổ nào có ý nghĩa về mặt chính quyền, mặc dù ông cũng có thiết lập một số nguyên tắc pháp lý quan trọng liên quan đến quyền thừa kế, nhận con nuôi, và đối đãi người nô lệ.
Antoninus Pius tránh gây chiến bất cứ khi nào có thể. Câu châm ngôn ưa thích của ông là ông thà ‘cứu chỉ một công dân còn hơn một ngàn kẻ thù’, một câu châm ngôn rõ ràng ông đã bắt gặp trong số các câu nói của Scipio Africanus.
Trên miền biên giới
Ở các tỉnh lỵ cuộc sống không hoàn toàn ổn định. Ở xứ Anh, một cuộc chiến phía bắc xảy ra dẫn đến sự tạm thời bỏ qua Bức Tường Hadrian, thay vào đấy một đường biên giới mới bằng bùn đệm với cỏ gọi là Bức Tường Antonine được xây thử nghiệm lùi xa hơn về phía bắc. Nhưng sau hơn một thế hệ, bức tường này bị bỏ lại và lực lượng đồn trú trở lại với Bức Tường Hadrian. Những cuộc nổi dậy khác nhau bùng lên ở Numidia, Mauretania, và Ai Cập tất cả đều bị dập tắt, và Dacia bị chia thành ba tỉnh lỵ để ổn định tình hình. Không có cuộc nổi dậy nào nghiêm trọng, nhưng chúng cho thấy manh mún một trận bùng phát lớn lao sẽ xảy đến, khiến Đế chế phải vất vả đương đầu.
Bão Tố Đang Kéo Đến:
Marcus Aurelius (AD 161-180)
Marcus Aurelius là con trai của em vợ của Antoninus Pius và xuất thân từ một gia đình có nguồn gốc Tây Ban Nha. Ông đã được dạy dỗ dưới sự giám sát của Hadrian và cưới con gái của Antoninus Pius là Faustina Trẻ vào 145.
Chỉ định một thành phần
Marcus Aurelius kế tục suôn sẻ, nhưng không giống những người tiền nhiệm, ông nhanh chóng tổ chức bài toán ‘ai là người tiếp theo’. Ông chỉ định Lucius Verus, con trai của Aelius (người đã được Hadrian chỉ định kế vị nhưng đã chết vào 138 trước khi có thể kế vị), làm người đồng-Augustus của ông ngay lập tức. Đây là bước căn cơ, đặt Đế chế dưới sự kiểm soát của hai hoàng đế cùng đẳng cấp lần đầu tiên.
Vị thứ của Lucius Verus được thăng hoa khi ông cưới con gái của Aurelius vào 164. Một kế hoạch xuất sắc, nhưng như mọi kế hoạch xuất sắc khác, cũng có khi bị đổ vỡ. Verus là một viên chỉ huy quân đội có tài thao lược nhưng không có phẩm chất nào của người đồng nhiệm với mình. Một số người cho rằng ông giống như một Nero khác nhưng không có tính tàn bạo.
Marcus chiến binh
Maruc Aurelius chắc hắn là yêu thích suốt đời nghiền ngẫm sách vở và suy tư hơn là điều hành một Đế chế. Vậy mà trớ trêu thay hầu hết thời trị vì của ông đều trải qua chinh chiến. Aurelius cử Lucius Verus thanh toán dân Parthia đã xâm chiếm Armenia và Syria, và vào AD 166 quân Parthia bị đánh bại. Một lễ mừng công được tổ chức ở La Mã, nhưng chiến tranh để lại một hậu quả khủng khiếp. Binh lính về nhà mang theo bệnh dịch hoành hành La mã và một số lớn người đã chết, gây ra nạn đói kém.
Các bộ tộc ở Anh và Chatti ở Đức lợi dụng các binh đoàn La Mã rút đi xa đánh dẹp quân Parthia để nổi loạn, gây rắc rối cho Aurelius. Giờ rõ ràng là La Mã không thể đương đầu một lượt với nhiều vấn đề ở biên giới; Đế chế đơn giản là thiết hụt nguồn nhân lực để bao trùm hết một vùng lãnh thổ bao la, mà ngay cả một quân đội cơ giới hóa hiện đại cũng khó lòng đương đầu.
Mặc dù các cuộc nổi dậy ở Anh và Đức đều bị dẹp yên, một cuộc xâm lăng lớn do các bộ tộc Đức tiến hành vào AD 166 đe dọa xứ Ý. Quân xâm lăng thỏa thuận ngưng chiến vào AD 168, nhưng sau đó Aurelius lại đối mặt với một rắc rối lớn do quân Sarmatia gây ra dọc biên giới sông Danube. Tệ hơn, Aurelius phải một mình giải quyết rắc rối này vì Lucius Verus mất vào AD 169 sau một trận động kinh.
Rồi đến cuộc nổi dậy vào 175 do Avidius Cassius, chỉ huy miền Đông, khởi xướng vì những tưởng Aurelius đã chết. Aurelius phải lên đường đi Syria trước khi tin tức đến cho biết Avidius đã bị mưu sát. Tiếp theo là một cuộc xâm chiếm khác của Đức, do Quadi và Marcomanni cầm đầu, và Aurelius lại lên đường đi chiến dịch một lần nữa vào 178.
Hoàng đế Marcus Aurelius
Tiếp theo là ai? Chọn lựa một người kế vị
Đến AD 177 Marcus Aurelius mới chỉ định một người kế vị thay thế. Aurelius chỉ định con trai mình là Commodus là người đồng-Augustus. Commodus đang tham chiến cùng với cha ở Vindobona (Vienna), và đang khi cuộc chiến sắp sửa thắng lợi thì Aurelius qua đời vào ngày 17/3/AD 180, sau khi đối diện với tử thần như một triết gia phái Khắc Kỷ thứ thiệt (ông lâm bệnh hơn một tuần).
Rủi thay, Commodus không có phẩm chất nào của cha mình, hoặc của bất kỳ một trong bốn hoàng đế nào trước Aurelius. Với cái chết của Marcus Aurelius những ngày tốt đẹp đã qua. Sử gia Dio Cassius nói, ‘lịch sử của chúng ta giờ đi xuống từ một vương quốc vàng đến một vương quốc sắt và rỉ sét’. Dio Cassius đang nhìn Đế chế La Mã bắt đầu suy tàn bằng đôi mắt tinh tường của mình.
Kết Thúc những Ngày Xưa Tốt Đẹp
Antoninus Pius và Marcus Aurelius là những bậc nam nhi trọng danh dự và đạo đức với phẩm chất vượt trội, và thời trị vì của họ là mùa hè tươi đẹp của Đế chế La Mã. Antoninus và Aurelius đã trị vì một Đế chế vươn dài từ bắc Anh đến Ai cập. Nhưng đến thịnh rồi phải suy, đó là qui luật.
Khoảng thời gian Marcus Aurelius mất, La Mã đã được các hoàng đế trị vì trong gần 200 năm. Hệ thống đã sống còn qua những tay bảo thủ cực đoan muốn đi trở lại những ngày cũ của thời Cộng Hòa, các thời trị vì của Caligula và Nero, và cuộc nội chiến AD 68-69. Trong thời gian đó đã có những cải tổ giàu óc tưởng tượng, theo đó giờ đây các hoàng đế gốc Pháp và Tây Ban Nha có thể trị vì thế giới La Mã, trong khi Viện Nguyên lão đầy ắp các nghị sĩ từ khắp nơi trên Đế chế.
Đế chế La Mã còn xa mới hoàn hảo nhưng thật là một kỳ công nổi bật, dù còn những vấn đề về biên giới, một vùng đất bao la sống trong không khí thanh bình trong hai thế kỷ. Bạn chỉ cần nghĩ về tất cả cuộc chiến đã làm què quặt châu Âu và phần còn lại của thế giới trong hơn 1,500 năm qua mới đánh giá hết được đây không phải là một kỳ tích trung bình. Tất nhiên, nó không thể kéo dài, và đúng là không.
Cám ơn dịch giả Trần Quang Nghĩa và trang mạng Nghiên cứu lịch sử về việc chuyển tải sang tiếng Việt thật lưu loát và dễ hiểu những kiến thức phổ biến rất có giá trị trong thời gian vừa qua. Đối với nhiều đọc giả không có điều kiện cũng như hạn chế khả năng đọc thẳng từ tiếng Anh, đây là món quà tinh thần hết sức quý giá.
Là một độc giả nhiệt thành đã theo dõi đầy đủ các bài dịch về lịch sử mỹ thuật, cũng như lịch sử các quốc gia thời cổ đại hình thành nền văn minh ngày nay của nhân loại, mong rằng trong tương lại sẽ còn tiếp tục thưởng thức nhiều kiến thức thú vị khác.
Chúng tôi xin phép có gợi ý nhỏ về đề tài liên quan đến mỹ thuật: cuốn Notebook của danh họa Leonrado da Vinci. Đây là tác phẩm tổng hợp những suy gẫm quan trọng của Leonardo và là sách gối đầu giường của nghệ sĩ lẫn người yêu mỹ thuật trên thế giới suốt mấy trăm năm nay. Bản gốc tiếng Ý từ lâu được dịch sang tiếng Anh và thấy phổ biến nhiều trên mạng, free download. Buồn thay tôi vẫn chưa thấy được dịch sang tiếng Việt, kể cả trên các tạp chí mỹ thuật.
Vì vậy nếu dịch giả Trần Quang Nghĩa cảm thấy hứng thú và sẵn lòng, chúng tôi chờ đợi đến ngày sẽ được đọc bản dịch quý giá nầy (có thể cả cuốn sách hay một phần).
Trân trọng.
ThíchThích