Đi tìm xuất xứ câu nói : “Dù cho sông cạn núi mòn”

IMG_4588

Bia đá dựng trước lăng Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào ở Đà Lạt, có dòng chữ “đái lệ hà sơn”

               Nguyễn Văn Nghệ

   Trong bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có câu: “Dù cho sông cạn đá mòn/ Còn non còn nước, hãy còn thề xưa”. Ông Hồ Chí Minh có nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ  thay đổi”.

   Khi nói “Dù cho sông cạn đá mòn” hoặc nói “Dù cho sông cạn núi mòn” tất cả mọi người đều hiểu đó chính là lời thề. Vậy tại sao không chỉ trời,  chỉ đất mà thề, mà lại chỉ sông, chỉ núi mà thề? Chắc hẳn phải có nguyên nhân xuất xứ của nó.

   Ngày xưa, Lưu Bang sau khi dẹp xong nhà Tần, lên ngôi vua, ông đã phong tước cho các công thần: “Phong thệ chi viết: sử Hoàng Hà như đái, Thái Sơn như lệ, quốc dĩ vĩnh ninh, viên cập miêu duệ” (Khi được phong tước thề rằng: khiến sông Hoàng Hà cạn còn như dây đai áo, núi Thái Sơn mòn còn như viên đá mài, đất nước an định mãi mãi đến con cháu đời sau – sách Sử ký, thiên Hán Cao tổ công thần hầu giả niên biểu).

   Về sau người ta đã rút gọn câu nói “Hoàng Hà như đái, Thái Sơn như lệ” thành “hà như đái, sơn như lệ”  ngắn gọn hơn: “sơn hà đái lệ” hoặc “đái lệ hà sơn”, “đái lệ sơn hà” hoặc ngắn gọn hơn nữa: “đái lệ”. Cụm từ “đái lệ sơn hà “ được Đào Duy Anh giải thích: Đái là đai áo, lệ là đá mài= Ngb Ví dầu sông nhỏ như đai, núi nhỏ như đá mài, mà ơn nước cũng không bao giờ mất [1].

   Người Trung Quốc nói “đái lệ hà sơn”, còn người Việt Nam thì nói “dù cho sông cạn, núi mòn” thì ý nghĩa cũng như nhau, đều là lời thề.

  Bài thơ Thân chinh Thái Nguyên châu của vua Lê Thái Tổ có câu: “Đái lệ bất di thần tử tiết” (Lời thề năm xưa không quên khí tiết của kẻ bề tôi). Dịch giả Bùi Vĩ đã dịch thơ: “Núi mòn, sông cạn không thấy tiết”

   Trong sắc phong năm Gia Long nguyên niên, ngũ nguyệt, sơ nhất nhật (mồng 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất [1802])nơi dòng thứ 9 tính từ phải sang và từ chữ thứ 5 tính từ trên xuống ban cho Khâm sai chưởng Hữu quân Bình Tây tướng quân Nguyễn Huỳnh Đức có câu: “Hà như đái, Sơn như lệ, dữ quốc đồng hưu, vạn thế hữu từ” (Sông Hoàng Hà còn như đai áo, núi Thái Sơn còn như viên đá mài, giúp nước an lành, muôn đời khen ngợi).

   Bài thơ Cảm phú của Cao Bá Quát có câu: “Văn thuyết đương niên tam Tấn địa/Phong cương biểu lý cứ sơn hà/ Như hà đái lệ tư hùng hiểm” (Tam Tấn đất nay nghe chuyện cũ/ Cõi bờ phân định vững sơn hà/Đã thề phân đất chia như vậy”(Trương Việt Linh dịch thơ).

  Tác phẩm Hà Trì thi tập của cử nhân Trần Đình Tân (1893-1979) quê huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định có bài thơ Cảm hoài bài 3 nơi câu 5 và 6: “Đái lệ vĩnh tồn dân chủ quốc/ Chu xa cộng tiến tự do đoàn” (Đái lệ mãi còn Dân chủ quốc/Thuyền xe cùng tới tự do đoàn).

   Khi nói “Đái lệ sơn hà” thì phải gắn với “Đan thư thiết khoán”. Nhà vua khi phong tước dùng tay chỉ núi sông mà thề, nhưng “lời nói gió bay” cho nên phải có vật làm tin. Khởi thủy  thời Hán Cao tổ khi phong tước cho các công thần có kèm theo một “đan thư” (tờ giấy viết bằng mực son) trong đó có ghi chức tước của người được phong. Về sau không ban “đan thư” mà lại khắc vào tấm kim loại mỏng gọi là “thiết khoán” (Phàm văn tự để làm tin đều gọi là “khoán”). Đan thư thiết khoán có giá trị như kim bài miễn tử.

   Bài văn bia lăng Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào ở Đà Lạt, nơi dòng thứ 6 tính từ phải sang có câu: “Thiên tử suy ân tấn tích công tước, đái lệ hà sơn, khoán thư thân ước” (Thiên tử [vua Bảo Đại- T/g] nhớ ơn, ban cho tước công, vững bền sông núi, sổ sách còn ghi)[2]

IMG_4594

Dòng thứ 6 tính từ phải sang ghi: “Thiên tử suy ân tấn tích công tước, đái lệ hà sơn, khoán thư thân ước” (Thiên tử nhớ ơn, ban cho tước công, vững bền sông núi, sổ sách còn ghi)

   Trụ biểu thứ nhất (tính từ phải sang) ở lăng Long Mỹ Quận công có vế đối: “Dữ quốc đồng hưu, thiên cổ hà sơn thư khoán vĩnh” (Giúp nước an định, ngàn năm sông núi còn ghi trong thư son khoán sắt.

   Tại nhà thờ Khoái Châu Quận công Nguyễn Đức Xuyên ở Kim long, Huế có cặp câu đối: “Thư khoán truyền gia vinh tích thụ/ Can thành vương quốc mậu kim hoa” (Thư khoán lưu truyền đời đời, làm vẻ vang bậc tổ tiên/Công lao che chở đất nước, khiến rạng danh bậc công thần).

   Bài thơ Vịnh Hàn Tín của Cao bá Quát có câu: “Những ngờ rằng khoán sắt thư son/ Thái Sơn như lệ, Hoàng Hà như đái”. Tác giả muốn nói Hàn Tín tuy được vua Hán Cao tổ thề khi phong tước và ban cho “đan thư, thiết khoán” nhưng vẫn không thoát cảnh “điểu tận, cung tàng”[3].

  Trước đó Đặng Trần Thường có sáng tác bài Hàn vương tôn phú, trong đó có câu: “Nhà thạch thất dẫu nhạt son, mòn sắt, danh tướng quân đành muôn kiếp còn thơm”. Ý tác giả là dẫu cho “đan thư thiết khoán”(thư son khoán sắt) cất trong thạch thất (nhà đá) có “nhạt son mòn sắt” nhưng danh của Hàn Tín “muôn kiếp còn thơm”.

   Đan thư thiết khoán được dịch nghĩa là “thư son, khoán sắt” và được rút gọn thành “son sắt” hoặc “sắt son”. Khi nói đến từ “son sắt” hoặc “sắt son” thì người Việt Nam hiểu là bền chặt, thủy chung, trung thành, không sai lời thề.

   Khi nói: “Dù cho sông cạn núi mòn – một lòng son sắt” là lấy từ điển tích “Đái lệ sơn hà- đan thư thiết khoán”

                             


Chú thích:

[1] –  Đào Duy Anh, Giản yếu Hán Việt từ điển (thượng), Nxb Minh Tân, tr 233

[2] – Bài “Giới thiệu bài văn bia trên lăng mộ Nguyễn Hữu Hào” của tác giả Thích Hoằng Trí

         hannom.org.vn/detail.asp?param=1644&Catid=750

[3] – Điểu tận cung tàng:  được rút từ câu:“ Giảo thố tử cẩu tẩu phanh; Cao điểu tận lương cung tàng; Địch quốc phá mưu thần vong” (Thỏ bị giết hết thì chó săn sẽ bị mổ thịt; Chim trên cao bị giết hết thì cung tốt đem cất; Nước địch bị tiêu diệt thì mưu thần sẽ bị hãm hại). Câu nói này có sách cho là lời của Ngô Phù Sai, có người bảo là của Hàn Tín.

4 thoughts on “Đi tìm xuất xứ câu nói : “Dù cho sông cạn núi mòn”

  1. Sử ký – Cao Tổ công thần hầu giả niên biểu [Hán – Tư Mã Thiên soạn, Lưu Tống – Bùi Nhân tập giải]

    封爵之誓曰:「使河如帶,泰山若厲。國以永寧,爰及苗裔。」【集解】應劭曰:「封爵之誓,國家欲使功臣傳祚無窮。帶,衣帶也;厲,砥石也。河當何時如衣帶,山當何時如厲石,言如帶厲,國乃絕耳。」
    Lời thề khi phong tước rằng “Dù sông Hà (河) chỉ còn như cái đai áo, núi Thái Sơn (泰山) chỉ còn như viên đá mài thì nước phong vẫn được lưu truyền mãi mãi cho đến đời dòng dõi.” [Tập giải: Ứng Thiệu (應劭) nói “Lời thề khi phong tước là nhà nước muốn cho công thần được truyền tước vị đến vô cùng. Đái (帶) là cái đai áo, lệ (厲) là viên đá mài. Sông Hà thì biết lúc nào chỉ còn như cái đai áo? Núi thì biết lúc nào chỉ còn như viên đá mài? Ý nói rằng nếu khi nào sông Hà chỉ còn như cái đai áo, núi Thái Sơn chỉ còn như viên đá mài thì nước phong mới mất vậy.”]

    Để nói về các sự việc vững chắc, mãi mãi không thay đổi thì người ta dùng từ ngữ trong câu ấy. Người Việt Nam dùng để so sánh cũng tương tự với câu “sông cạn núi mòn”. Sông thì biết khi nào cạn, núi thì biết khi nào mòn?

    _________

    Hán thư – Cao Đế kỷ [Hán – Ban Cố soạn]

    與功臣剖符作誓,丹書、鐵契、金匱、石室,藏於宗廟
    (Cao Đế) chẻ phù đặt lời thề với công thần, làm tấm thẻ sắt khắc chữ son, đặt ở nhà đá rương vàng, cất giấu ở tông miếu.

    Thẻ sắt chữ son là tín vật thề ước mà nhà vua tặng cho công thần như là một huy chương. Nhưng nói về lòng sắt son thủy chung, trung thành thì có các từ đan tâm (丹心) hoặc thiết tâm (鐵心).

    Thích

  2. Sông TRƯỜNG GIANG nhiều lần cạn trơ cả đáy đấy nhé ! Lần gần đây nhất là vào năm 1939 từ đoạn trên của TP Vũ Hán . Cho đến ngày hôm nay các nhà khoa học không thế nào giải thích được! ! !
    Có lē vào năm 203 TCN trở về trước cũng từng xảy ra như vậy nên tên Lưu Bang mới hủy lời thề mà giết hại các bậc công thần khai quốc. . Những người hay thề nguyền đa phần là kẻ dối trá, bíp bợm cả ! ! !
    Phú Tiên TN : 34/6/2021

    Thích

    • Quốc ngữ (國語) – Châu ngữ (周語) [Chiến quốc – Nho gia soạn]

      幽王二年,西周三川皆震。伯陽父曰:「周將亡矣!夫天地之氣,不失其序;若過其序,民亂之也。陽伏而不能出,陰迫而不能烝,于是有地震。今三川實震,是陽失其所而鎮陰也。陽失而在陰,川源必塞;源塞,國必亡。夫水土演而民用也。水土無所演,民乏財用,不亡何待?昔伊、洛竭而夏亡,河竭而商亡。今周德若二代之季矣,其川源又塞,塞必竭。夫國必依山川,山崩川竭,亡之徵也。川竭,山必崩。若國亡不過十年,數之紀也。夫天之所棄,不過其紀。」是歲也,三川竭,岐山崩。十一年,幽王乃滅,周乃東遷。

      Năm thứ hai thời vua U Vương (幽王), vùng ba dòng sông của nhà Tây Châu (西周) đều xảy ra động đất. Bá Dương Phủ (伯陽父) nói:

      – “Nhà Châu sắp mất rồi! Khí của trời đất phải không được mất trật tự, nếu mất trật tự thì dân sẽ loạn vậy. Khí Dương (陽) bị ép mà không nổi lên được, bị khí Âm (陰) bức mà không bốc lên được, cho nên có động đất. Nay vùng ba dòng sông bị động đất, là khí Dương mất chỗ mà bị khí Âm ép giữ vậy. Khí Dương bị ép là do ở khí Âm ép, nguồn sông tất bị tắc, nguồn sông bị tắc thì quốc gia sẽ nguy vong. Thủy thổ thông suốt thì người dân mới có chỗ dùng. Thủy thổ không thông suốt thì người dân không có đủ dùng, không nguy vong sao được? Ngày xưa sông Y (伊)-Lạc (洛) cạn thì nhà Hạ (夏) mất, sông Hà (河) cạn thì nhà Thương (商) mất. Nay đức của nhà Châu (周) như buổi cuối của hai nhà ấy, nguồn sông lại tắc, tắc sẽ cạn nước. Quốc gia phải dựa vào sông núi, mà núi lở sông cạn là điềm báo của nguy vong vậy. Sông cạn thì núi sẽ lở. Quốc gia nguy vong trong khoảng không quá chục năm nữa, đúng một kỷ vậy. Cái mà trời đã bỏ thì trong khoảng không quá một kỷ.”

      Năm đó, ba dòng sông [Y (伊)-Lạc (洛)-Hà (河)] cạn nước, núi Kỳ Sơn (岐山) lở. Năm thứ mười một, U Vương (幽王) bèn bị diệt, nhà Châu (周) phải dời đô về phía đông.

      ____________________

      Hán thư (漢書) – Ngũ hành chí (五行志) [Hán – Ban Cố soạn]

      成帝河平三年二月丙戌,犍為柏江山崩,捐江山崩,皆廱江水,江水逆流壞城,殺十三人,地震積二十一日,百二十四動。元延三年正月丙寅,蜀郡岷山崩,廱江,江水逆流,三日乃通。劉向以為周時岐山崩,三川竭,而幽王亡。岐山者,周所興也。漢家本起於蜀漢,今所起之地山崩川竭,星孛又及攝提、大角,從參至辰,殆必亡矣。其後三世亡嗣,王莽篡位。

      Ngày bính tuất tháng hai năm Hà Bình (河平) thứ ba thời vua Thành Đế (成帝), các ngọn núi ở bên sông Bách Giang (柏江)-sông Quyên Giang (捐江) ở quận Kiền Vi (犍為) bị lở, đều chặn nước chảy vào sông Giang (江), nước sông Giang chảy ngược, tràn vào phá vỡ tường thành, giết chết mười ba người dân, trong khoảng hai mươi mốt ngày mà xảy ra động đất một trăm hai mươi tư lần liên tiếp. Ngày bính dần tháng giêng năm Nguyên Diên (元延) thứ ba, núi Mân Sơn (岷山) ở Thục Quận (蜀郡) bị lở, tắc sông Giang (江), nước sông Giang chảy ngược ba ngày sau mới thông. Lưu Hướng (劉向) cho rằng thời nhà Châu (周) có chuyện núi Kỳ Sơn lở, ba dòng sông cạn nước thì vua U Vương bị mất. Núi Kỳ Sơn là chỗ nhà Châu (周) nổi lên vậy. Mà nhà Hán (漢) vốn nổi lên ở miền Thục (蜀)-Hán (漢), nay chỗ nổi lên ấy cũng xảy ra chuyện núi lở sông cạn, dải sao Chổi lại bay qua sao Nhiếp Đề (攝提)- (大角), từ chòm Sâm (參) đến chòm sao Thần (辰), là điềm báo diệt vong vậy. Ba đời sau nhà Hán bèn không còn vua nối dõi, bị Vương Mãng (王莽) soán ngôi.

      ___________

      Ngày xưa chuyện “sông cạn núi lở” hay “sông cạn núi mòn” rất hiếm khi xảy ra, mấy trăm năm hoặc mấy nghìn năm mới xảy ra một lần. Một đời người trăm năm chắc gì đã được chứng kiến? Cho nên chuyện ấy được xem là không thể xảy ra, mà xảy ra thì được xem là điềm báo của diệt vong. Cho nên câu “sông cạn núi mòn” hay như sự bền vững của sông và núi cùng với các hiện tượng như mưa tuyết mùa hè, trời sập xuống đất, được ví như sự việc tồn tại mãi mãi không thay đổi, đã xuất hiện trong văn chương, ca dao thời xưa.

      Thượng da (上邪) [Hán – Dân ca]

      上邪!我欲與君相知,長命無絕衰。山無陵,江水為竭,冬雷震震,夏雨雪,天地合,乃敢與君絕。

      Trời hỡi! Tôi muốn quen biết nhau với em, suốt đời không chấm dứt. Nếu núi lở không còn đỉnh, nước sông bị khô cạn, mùa đông mà sấm chớp đùng đùng, mùa hè mà có mưa tuyết rơi, trời sập xuống đất thì mới dám chấm dứt với em!

      Thích

  3. Đó là những lời đường mật của những kẻ bēm mép chuyên dùng những chuyện hy hữu mới xảy ra để mà lừa gạt những cô gái ngây thơ thơ mà thôi ! ! ! Cô nào nhẹ dạ cả tin thì đa phần mắc bẫy của chàng họ SỞ mà thôi ! !
    NÓI TÓM LẠI Những kẻ luôn miệng thề thốt v v Điều là những kẻ dối trá, không nên tin dù cho hắn là vua chúa .!!
    ==》 NHƯ VẬY CHO THẤY SÔNG CŨNG ĐÃ TỪNG CĄN , NÚI CŨNG ĐÃ TỪNG TAN MẤT VV rồi đấy nhé ! ! !
    Phú Tiên, TN : 7/7/2021

    Thích

Nhận xét về Tích Dã Hủy trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s