Truyền thuyết Thánh Gióng và bí mật của con sông Hữu Ninh

Hình 1: Hình tượng Thánh Gióng trong tranh Đông Hồ

Lê Đắc Chỉnh

Bài viết nhân kỷ niệm 1015 năm (1005 -2020) ngày mất của Hoàng đế Lê Đại Hành và cũng là 1015 năm hậu duệ Hoàng đế Lê Trung Tông (Tiền Lê) chạy về vùng cửa sông Cà Lồ (nay ở thôn Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)

Thánh Gióng (còn có tên là Sóc Thiên Vương và Phù Đổng Thiên Vương) được xem là một trong Tứ Bất Tử (bốn vị thánh không bao giờ chết), được người Việt rất tôn kính và thờ phụng. Trong 4 vị Tứ Bất Tử (Thánh Gióng, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Công chúa Liễu Hạnh) thì chỉ có Thánh Gióng là biểu tượng của truyền thống chống giặc ngoại xâm.

Truyện Thánh Gióng là một truyền thuyết, được nhân dân lưu truyền từ đời này sang đời khác, có hư cấu, thêm, bớt nhưng luôn chứa trong nó một cái lõi, đó là lịch sử. Để tìm ra cái lõi lịch sử này phải dựa vào những sử liệu cổ nhất, cụ thể trong trường hợp này là những tài liệu sau:

Một là “Bài ký sự tích Sóc Thiên Vương” trong Việt Điện U Linh Tập (VĐULT) [1]. Sách này xuất hiện sớm nhất vào năm 1329. Hai là “Truyện Đổng Thiên Vương” trong sách Lĩnh Nam Chích Quái (LNCQ) [2], sách này xuất hiện vào khoảng năm 1493 (năm Kiều Phú chỉnh biên cuối cùng). Ba là  Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) [3], bản in năm 1679 (xem mục Hùng Vương, Kỷ Hồng Bàng Thị).

Xét 3 tài liệu trên thì thấy chúng xuất hiện cách nhau rất xa, đều trên 100 năm. Và nếu căn cứ vào nội dung thì có thể khảng định hai tài liệu sau đã chép từ tài liệu thứ nhất rồi thêm và bớt mà thành. Riêng tài liệu đầu tiên, Bài ký sự tích Sóc Thiên Vương, có khá nhiều chi tiết gắn với lịch của nước ta. Ngay câu đầu của bài này đã ghi: “Xét sách Thiền Uyển Tập Anh (TUTA) [4], đời Lê Đại Hành Hoàng đế, Đại Sư Khuông Việt họ Ngô thường đi chơi núi Vệ Linh ở quận Bình Lỗ, ngắm xem phong thuỷ, thấy cảnh trí rất đẹp nên muốn dựng từ am ở đó. …”. Nếu đọc tiếp bài Đại sư Khuông Việt trong TUTA thì thấy có đoạn: “Năm Thiên Phúc thứ 1 (981), binh Tống đến quấy nước ta. Vua (Lê Đại Hành) biết rõ việc đó, liền sai Sư (Đại sư Khuông Việt) đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”. Như vậy truyền thuyết Thánh Gióng có mối quan hệ đặc biệt với trận đánh Tống trên sông Hữu Ninh. Vấn đề đặt ra là phải làm rõ sông Hữu Ninh ở đâu và có vai trò gì trong trận đánh ấy.

TUTA là tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán ghi lại các tông phái Thiền học và sự tích về các vị Thiền sư nổi tiếng, trong đó có Đại sư Khuông Việt. Tài liệu này được xem là cổ nhất của Phật giáo Việt Nam [5]. Qua đó cho thấy truyền thuyết Thánh Gióng được xây dựng từ một câu truyện lịch sử có thật, cụ thể là trận đánh Tống trên một con sông thời Lê Đại Hành. Trong đó có nêu tên 3 địa danh là núi Vệ Linh , quận Bình Lỗsông Hữu Ninh. Núi Vệ Linh đã được các tài liệu về Thánh Gióng ghi rõ, nay thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Còn quận Bình Lỗ, theo [6] cũng đã giải thích rõ, nay là khu vực huyện Sóc Sơn, tại đây có thành Bình Lỗ. Riêng sông Hữu Ninh có nhiều bí ẩn bởi vì đã có ít nhất 7 quyển sách sử nổi tiếng chép về trận đánh nêu ở trên, nhưng lại đưa ra 5 cái tên sông khác nhau. Cụ thể như sau:

  1.  Sách TUTA xuất bản vào khoảng năm 1228 [5] ghi là sông Hữu Ninh,
  2.  Sách VĐULT xuất bản năm 1329 ghi là sông Chi Giang,
  3. Việt Sử Lược (VSL, bản do GS Trần Quốc Vượng dịch), xuất bản năm 1377 ghi là Ninh Giang (tức sông Ninh). Sách này ở phần chép về Long Đĩnh có nhắc đến cái tên Chi Ninh Giang, đó là tên con sông mà vua đến chơi.
  4. Đại Việt Sử Lược (ĐVSL) gồm nhiều tập xuất bản từ năm 1377 đến 1388 ghi là Ninh Giang. Sách này cũng ghi thêm sông Chi Ninh, là nơi vua Long Đĩnh đến chơi.
  5.  ĐVSKTT xuất bản năm 1697 ghi là sông Chi Lăng. Nơi Long Đĩnh đến chơi thì ĐVSKTT ghi là sông Ninh. và sau này có người chú thích rằng: “sông Ninh nằm ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây”.
  6.  Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) xuất bản năm 1884 thời vua Tự Đức (nhà Nguyễn) cũng ghi là sông Chi Lăng.
  7.  Việt Nam Sử Lược (VNSL) của Trần Trọng Kim, xuất bản năm 1919 ( là bản cổ sử duy nhất bằng tiếng Việt, các sử liệu trước nó đều bằng chữ Hán). Sách này thì chép như sau: “Hầu Nhân Bảo (tên chủ tướng của quân Tống) tiến sang đến Chi Lăng (thuộc Ôn Châu, Lạng Sơn), vua Đại Hành sai người sang trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo đến chỗ hiểm bắt chém đi”.

`Theo [7] thì cho rằng các nhà chép sử không chỉ chép nhầm, chép sai mà còn thay đổi có chủ ý nên hai chữ Hữu Ninh (tên con sông trong TUTA) đã biến thành Chi Lăng trong ĐVSKTT. Theo cách giải thích của Lê Mạnh Thát [4] cũng vậy, sở dĩ có cái tên Chi Lăng là do các nhà chép sử lúc bấy giờ kiêng húy vua đầu của triều đại Lê Trung Hưng (1533-1789) tên là Lê Duy Ninh. Người chép sử đã đổi chữ Ninh (寧) thành chữ Lăng (稜). Riêng chữ hữu (友) và chữ chi (支) do tự dạng 2 chữ này rất giống nhau nên các nhà chép sử đã nhầm chữ Hữu thành chữ Chi. Nghĩa là sông Hữu Ninh (友寧) ở TUTA đã chép thành sông Chi Lăng (支稜) trong ĐVSKTT. Còn KĐVSTGCM xuất bản sau cũng dùng 2 chữ Chi Lăng, đó là do chép theo ĐVSKTT. Riêng VNSL của Trần Trọng Kim thì hiểu sai hoàn toàn, từ cái tên sông Chi Lăng trong ĐVSKTT và KĐVSTGCM ông này gán luôn thành địa danh Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn. Cũng bởi VNSL viết bằng tiếng Việt nên các sách phổ thông sau này đều chép theo, từ đó cho rằng trận đánh Tống năm 981 đã xảy ra ở Chi Lăng (Lạng Sơn) và quân Đại Cồ Việt đã chém được đầu Hầu Nhân Bảo ở ngay ải Chi Lăng giống như Lê Lợi chém Liễu Thăng cũng ở nơi này.

Những cái tên còn lại như Chi Giang (VĐULT), Ninh Giang (VSL) hay sông Chi Ninh (ĐVSL), nếu kết hợp đối chiếu với bản đồ khu vực của trận Bình Lỗ (Hình 2) [8] có thể giải thích như sau: Chi Giang trong VĐULT cũng là do chép nhầm chữ hữu (友) thành chữ chi (支), đúng ra phải là Hữu Giang, có nghĩa là nhánh sông bên phải. Cái tên sông Hữu Ninh trong TUTA cũng có nghĩa là nhánh sông bên phải, tức bên phải của sông Ninh. Còn Ninh Giang trong VSL và ĐVSL, theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc [9], thì nó chính là một cái tên cũ của sông Cầu ngày nay. Như vậy Chi Giang (VĐULT) trên thực tế vẫn là con sông Hữu Ninh trong TUTA.

Hình 2: Những dấu tích của trận Bình Lỗ năm 981
ở vùng cửa sông Cà Lồ, áp trên bản đồ năm 1927

Từ đó có thể khảng định ĐVSL chép sự kiện quân Tống “rút về giữ mặt Ninh Giang” vẫn rất đúng, bởi vì khi đó quân Tống thua đã chạy vào sông Hữu Ninh, để giữ lối thoát ra sông Cầu (tức sông Ninh). Cho nên nghĩa của đoạn này cũng là “rút về giữ sông Hữu Ninh” như trong TUTA mà thôi. Tóm lại trận đánh Tống ghi trong 7 quyển sách cổ sử đều xảy ra trên một con sông duy nhất, đó là sông Hữu Ninh (Hình 2). Vậy sông Hữu Ninh là con sông nào ?

Biết rằng sông Hữu Ninh chảy qua quận Bình Lỗ, tức địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay. Ở khu vực này ngoài sông Cà Lồ ra không còn con sông nào khác lớn như thế, cho nên sông Hữu Ninh chính là một cái tên khác của sông Cà Lồ. Xưa kia khi chảy đến đoạn hạ lưu, con sông này tách ra thành nhiều nhánh để đổ vào sông Cầu, trong đó có 2 nhánh chính thì một nhánh đến thời Hậu Lê đã bị vùi lấp do quá trình đắp đê và làm kênh mương thủy lợi, nay chỉ còn một nhánh. Dọc theo nhánh bị vùi lấp còn để lại nhiều dấu tích của một trận đánh lớn với những cái tên như Ngòi Ác, cầu Cửa Ma, đầm Lâu, bờ Xác, Đình Mừng [6].

Tại khu vực này (thôn Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có một dòng họ là hậu duệ của hoàng đế Lê Trung Tông [10] (con thứ ba của vua Lê Đại Hành) còn lưu giữ được tộc phả [11]. Trong đó có 3 câu chữ Hán và dịch sang tiếng Việt như sau: “Tránh cái hiểm họa Long Đĩnh, Di chuyển gia quyến đến cửa sông Cà Lồ, Náu tung tích giấu họ tên mà lập nghiệp”.

Đối chiếu với VSL, ĐVSL và ĐVSKTT, đoạn chép về Lê Long Đĩnh đều ghi: “Vua đi chơi Chi Ninh Giang (tức sông Hữu Ninh), sông đó nhiều thuồng luồng, vua bèn buộc người ở cạnh thuyền chèo đi chèo lại giữa dòng sông khiến thuồng luồng hại người đó”. Biết rằng Long Đĩnh mang tội giết anh cướp ngôi, nên khi lên làm vua ông rất sợ các tướng tâm phúc của Lê Trung Tông trả thủ. Việc ông đến sông Hữu Ninh để truy sát họ và dò xét các Hoàng tử Nhà Tiền Lê khác là điều dễ hiểu.

Qua phân tích ở trên cho thấy trận đánh Tống năm 981 đã xảy ra ở trên sông Hữu Ninh (tức sông Cà Lồ) là có thật, phù hợp với nội dung đã mô tả trong các sách sử nổi tiếng ở nước ta.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bài ký sự tích Sóc Thiên Vương, sách Việt Điện U Linh Tập. Lý Tế Xuyên, 1329. https://www.tuvienquangduc.com.au/lichsu/lichsuvietnam/VietDienULinhtap.pdf

[2] Truyện Đổng Thiên Vương, sách Lĩnh Nam Chích Quái, Trần Thế Pháp, 1554.

https://dotchuoinon.files.wordpress.com/2010/11/linhnamchichquai_march18_2015.pdf

[3] Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư , Quyển I, Kỷ Hồng Bàng Thị, Hùng Vương.

Ngô Sĩ Liên, 1697.

https://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt01.html

[4] Đại sư Khuông Việt, sách Thiền Uyển Tập Anh.

http://www.thuvienhaiphu.com.vn/datafile1/BE015404.pdf

[5] Thiền Uyển Tập Anh. Bách khoa toàn thư mở  Wikipedia.

  https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%E1%BB%81n_uy%E1%BB%83n_t%E1%BA%ADp_anh.

[6] Bình Lỗ. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%ACnh_L%E1%BB%97

[7] Vì sao không tìm thấy thành Bình Lỗ.

https://nghiencuulichsu.com/2019/01/03/vi-sao-khong-tim-thay-thanh-binh-lo/

[8] Trận Bình Lỗ đã diễn ra như thế nào ?

https://nghiencuulichsu.com/2019/03/04/tran-binh-lo-da-dien-ra-nhu-the-nao/

[9]  Nguyễn Vinh Phúc: Có một trận Bình lỗ năm 981. Tạp chí Xưa nay. 86/2001

[10] Lê Trung Tông (Tiền Lê). Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Trung_T%C3%B4ng_(Ti%E1%BB%81n_L%C3%AA)

[11] Gia phả họ Lê Đắc và nhà trưởng họ. Bắc Ninh 1990.

2 thoughts on “Truyền thuyết Thánh Gióng và bí mật của con sông Hữu Ninh

  1. Pingback: Chiến dịch Bình Lỗ & Trận đại phá quân Tống trên sông Hữu Ninh | Nghiên Cứu Lịch Sử

  2. Pingback: Bí mật của một con sông trong chiến tranh Tống – Việt lần thứ nhất  980/981 | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s