Nguyễn Đỗ Thuyên
Nói về nguyên nhân hình thành cục diện Tam quốc, bên cạnh việc liệt kê các sự kiện theo mốc thời gian, cũng không nên bỏ qua sự vận động và biến đổi của toàn thể xã hội Đông Hán, từ công cuộc trung hưng của Hán Quang Vũ đế, đến vấn nạn giới hào tộc thôn tính ruộng đất của nông dân; từ sự trỗi dậy của thế lực ngoại thích, lực lượng hoạn quan xuất hiện cho đến khi tập đoàn sĩ đại phu tham chiến, các quân phiệt địa phương nổi dậy cát cứ… Tất cả đều góp phần hình thành nên thế cục Tam quốc vậy.
Bài viết sau đây trích từ Lời nói đầu của cuốn sử “Tư Trị Thông Giám” tập 4
I NAN ĐỀ MUÔN THUỞ
Từ Hán Ai đế đến Hán An đế, bắt đầu từ năm 05 TCN cho đến năm 124 SCN, tổng cộng là 129 năm trị vì của tám vị Hoàng đế nhà Hán.
Quãng thời gian đó chứng kiến nhiều bước thăng trầm của vương triều Hán, từ sự đi xuống của nhà Tây Hán thời Ai đế, Bình đế đến giai đoạn Vương Mãng soán ngôi lập ra nhà Tân; từ việc Hán Quang Vũ đế mở ra thời kỳ Đông Hán đến giai đoạn ngoại thích chuyên quyền, hoạn quan lũng đoạn triều chính thời Hòa đế, Thương đế, An đế.
Nhà Hán nhờ có Hán Quang Vũ đế Lưu Tú mà kéo dài thêm được 200 năm nữa, nhưng công cuộc Quang Vũ trung hưng không giải quyết được hết những vấn đề tồn tại từ cuối thời Tây Hán trong kết cấu xã hội. Vấn nạn lớn nhất – chuyện giới tôn thất, hào tộc thôn tính ruộng đất của nông dân – thì vẫn còn đó. Việc thực thi chiếu lệnh kiểm hạch số hộ khẩu và số ruộng đất trên toàn quốc ở năm Kiến Vũ thứ mười lăm (năm 39 SCN) về cơ bản là thất bại.
Về chuyện này, Tư Trị Thông Giám chép rằng “Thứ sử, Thái thú đa phần làm việc xảo trá, cẩu thả lấy danh nghĩa đo ruộng đất, tụ dân trong ruộng, đo gộp luôn cả phòng ốc, chòm xóm, làng mạc, dân co kéo gào khóc trên đường; có kẻ ưu đãi cường hào, xâm hại ngược đãi người yếu nhược”.
Có thể thấy, sức mạnh ghê gớm của giới huân quý đã thao túng hành động của tầng lớp quan viên địa phương, khiến họ làm ngơ cho tập đoàn cường hào địa chủ mà tập trung vào đàn áp dân đen. Quang Vũ đế, ngay cả khi phát hiện ra “chỉ thị ngầm” của giới quan lại “Dĩnh Xuyên và Hoằng Nông có thể hỏi, Hà Nam và Nam Dương không được hỏi đến” cũng đành nhắm mắt bỏ qua không xử phạt ai, vì ông ta chính là nhờ sự hỗ trợ của thế lực hào tộc Nam Dương, Hà Nam này mà giành được thiên hạ. Như vậy, “lợi ích nhóm” và những vấn đề chiếm hữu tư liệu sản xuất đã luôn là điểm cốt lõi ảnh hưởng đến sự an nguy của mọi hình thức tổ chức nhà nước, kể từ xa xưa đến hiện tại.
Quyết định nhượng bộ giới quyền quý của Hán Quang Vũ đế đã gián tiếp thúc đẩy nông dân nghèo mất đất nổi dậy phản kháng ở nhiều nơi. Triều đình phải dùng biện pháp trấn áp kết hợp với vỗ về, bố trí ruộng đất ở những vùng chưa khai khẩn để bọn họ yên nghiệp mưu sinh. Hán Minh đế và Hán Chương đế cũng kế thừa phương thức này khi nhiều lần chiêu mộ nông dân mất đất, di chuyển họ đến khai hoang các vùng đất mới, lại hỗ trợ hạt giống và nông cụ.
Mâu thuẫn trong phân phối tư liệu sản xuất – một trong những vấn đề mang tính chất cốt lõi nhất của xã hội đương thời – đã được “tạm xếp lại” nhờ phương thức xử lý mang tính hòa hoãn, nhưng những mầm mống họa hại của nó thì vẫn còn nguyên và sẽ bùng nổ trở lại vào cuối thời Đông Hán, khi mà dân số thì ngày một đông lên và số đất đai bị cường hào quý tộc chiếm đoạt đã đến mức giới hạn.
II. MỘT KHOẢNG LỊCH SỬ VỚI NHỮNG VÒNG LẶP

Ảnh: Thống kê mô tả về tuổi thọ, số năm tại vị, tuổi khi lên ngôi, số con cái trung bình của mười hai vị hoàng đế Đông Hán (không tính Hán Hiến đế). Có thể dễ dàng nhận ra “vòng lặp”:
[vua còn nhỏ => thái hậu lâm triều => ngoại thích hoành hành => vua tin dùng lực lượng hoạn quan để chống lại ngoại thích => (vua có thể chết ở bất cứ đâu trong quá trình này) => vua lại còn nhỏ => thái hậu lại lâm triều…]
Đầu tiên phải kể đến thời Hán Hòa đế: lên ngôi năm 11 tuổi, Đậu Thái hậu lâm triều, Đậu Hiến giữ chức Đại tướng quân, lại được ban địa vị trên cả Tam công, là kẻ hung bạo tàn nhẫn, giết hại triều thần; anh em Đậu gia lại hung hăng càn quấy, cưỡng đoạt tài vật, cướp bắt phụ nữ, không điều ác nào không làm.
Sau lại đến Hán An đế: lên ngôi năm 13 tuổi, Đặng Thái hậu lâm triều, mặc dù trị lý hiệu quả, lại cố gắng ước thúc Đặng gia, nhưng rốt cuộc vẫn có chuyện Tư không Viên Sưởng vì cương trực không bè phái với họ mà bị bức tự sát, Hộ Khương hiệu úy Nhâm Thượng tranh công với Đặng Tuân mà bị chém đầu.
Thế lực ngoại thích lớn mạnh, đe dọa hoàng quyền, khiến cho nhà vua khi trưởng thành không biết dựa vào ai, chỉ có thể tin dùng lực lượng hoạn quan – vốn là những người thân cận nhất với mình. Cuối thời Đông Hán lại liên tục xuất hiện tình trạng vua trước chết yểu, vua sau nối ngôi khi còn rất nhỏ, cho nên xung đột ngoại thích – hoạn quan cứ thế cũng lặp đi lặp lại. Hán Hòa đế dùng thái giám Trịnh Chúng để diệt ngoại thích Đậu Hiến, lại lần đầu tiên phong hầu cho một hoạn quan, đã mở ra tiền lệ rất xấu. Về sau, bọn hoạn quan Tôn Trình diệt Diêm Hiển được phong hầu tổng cộng mười chín người, vinh sủng hết mực. Tư Trị Thông Giám gọi đấy là “thập cửu hầu”.
Mặc dù vậy, “thập cửu hầu” ít ra còn biết can gián Thuận đế không giết trung thần Ngu Hủ, lúc này trong đám hoạn quan vẫn còn người tốt. Cũng như ngoại thích Đặng Chất thời An đế vốn không phải quá tệ, sau khi chết còn được dân chúng kêu oan giúp cho.
Điều đáng buồn là càng về sau này, cả hai thế lực hoạn quan – ngoại thích lại ngày càng ác hóa, xung đột giữa bọn họ cũng ngày càng gay gắt hơn. Một phần là bởi vì hoàng quyền đã quá mức suy sụp, quyền lực của cả ngoại thích lẫn hoạn quan đều dần dần bành trướng đến mất kiểm soát. Tư Trị Thông Giám ghi nhận quyền lực khủng khiếp của gia tộc ngoại thích Lương Ký: “Trước sau bảy người được phong hầu, ba người làm Hoàng hậu, hai người làm Đại tướng quân, số Khanh, Tướng, Doãn, Hiệu là năm mươi bảy người”.
Quyền lực của Lương Ký lớn đến mức y dám hạ độc giết chết Hán Chất đế mà không ai làm gì được. Và cũng với cùng một công thức, Hán Hoàn đế sau đó đã dùng năm viên hoạn quan bọn Thiện Siêu, Từ Hoàng để tiêu diệt Lương gia rồi phong hầu ban thưởng, Tư Trị Thông Giám gọi đấy là “ngũ hầu”.
Quyền lực của “ngũ hầu” thời Hoàn đế và sau đó là bọn hoạn quan Tào Tiết, Vương Phủ thời Linh đế vượt quá “thập cửu hầu” thời Thuận đế, khuynh loát cả triều đình, khiến thế lực ngoại thích phải bắt tay cùng lực lượng sĩ nhân trong triều đình để phản kháng, mở ra một chương bi tráng của sĩ nhân Đông Hán: “đảng nhân”.
Ngoại thích Lương Ký dám hạ độc giết chết Hán Chất đế mà không ai làm gì được. Phải đến thời Hán Hoàn đế thì năm viên hoạn quan bọn Thiện Siêu, Từ Hoàng (nhóm “ngũ hầu”) mới giúp ông vua này tiêu diệt được Lương gia. Quyền lực của “ngũ hầu” thời Hoàn đế và sau đó là bọn hoạn quan Tào Tiết, Vương Phủ thời Linh đế vượt quá “thập cửu hầu” thời Thuận đế, khuynh loát cả triều đình, khiến thế lực ngoại thích phải bắt tay cùng lực lượng sĩ nhân trong triều đình để phản kháng, mở ra một chương bi tráng của sĩ nhân Đông Hán: “đảng nhân”.
III. CÙNG TẮC BIẾN, HAY LÀ SỰ PHẢN KHÁNG CỦA GIỚI SĨ PHU
“Đảng nhân” là một hiện tượng thú vị cuối thời Đông Hán.
Khởi đầu từ phong trào phê phán nền chính trị hủ bại đương thời của lực lượng Thái học sinh, lực lượng sĩ nhân đã đạt được những thành quả nhất định. Chẳng hạn, mấy ngàn học trò nhà Thái học dâng sớ lên Hán Hoàn đế kêu oan cho trung thần Chu Mục; hay là sự kiện bọn Thái học sinh Trương Phượng giúp minh oan cho công thần diệt Khương là Hoàng Phủ Quy.
Dần dần từng bước, phong trào này đã định hình nên một quần thể chính trị với hạt nhân là những sĩ đại phu cứng cỏi, không ngại đấu tranh tới cùng với tập đoàn hoạn quan, được dân chúng ngưỡng mộ về tài năng và nhân cách, họ được gọi là “đảng nhân”.
Những đảng nhân điển hình này được sĩ nhân trong thiên hạ suy tôn thành các hình tượng mẫu mực như “Tam quân” (những bậc tông sư), “Bát tuấn” (những người tài tuấn), “Bát cố” (người có đức hạnh để dẫn dắt người khác), “Bát cập” (bậc đại sư được người đời kính ngưỡng), “Bát trù” (dùng tiền tài để cứu giúp người đời). Ảnh hưởng của nhiều người trong số họ có tác động lâu dài đến cả giai đoạn Tam quốc về sau này, chẳng hạn như Lưu Biểu, Trương Mạc.
Tập đoàn đảng nhân phê phán trực diện và đấu tranh quyết liệt với sự đồi bại tham tàn của thế lực hoạn quan, ngay lập tức phải hứng chịu làn sóng phản kích, mà với sự u tối của Hán Hoàn đế, đã dẫn đến kết quả đau đớn là hàng trăm đảng nhân bị cấm cố chung thân.
Thất bại trong đấu tranh chính trị khiến giới sĩ đại phu quyết định lựa chọn con đường đấu tranh bằng vũ lực thông qua việc liên kết với thế lực ngoại thích. Ngay năm đầu tiên Hán Linh đế chấp chính, Thái phó Trần Phồn hợp sức cùng ngoại thích Đại tướng quân Đậu Vũ cùng lập mưu trừ diệt hoạn quan. Sự việc thất bại, lực lượng sĩ đại phu gánh chịu những tổn thất to lớn vì bị thế lực hoạn quan trả thù thảm khốc, gần như tất cả các đảng nhân nòng cốt đều bị bức hại.
Mặc dù thất bại, nhưng những giá trị mà tập đoàn sĩ đại phu để lại vẫn có ý nghĩa hết sức to lớn. Tư Mã Quang coi đó là một trong những nguyên nhân khiến cho nhà Đông Hán được kéo dài:
“Từ đời Hiếu Hòa trở xuống, quý thích độc nắm đại quyền, kẻ được sủng hạnh đắc thế, thưởng phạt vô chương, hối lộ tràn lan, hiền ngu hỗn tạp, phải trái điên đảo, có thể nói là loạn rồi. Nhưng vẫn kéo dài không đến nỗi diệt vong, là vì trên có công khanh, đại phu như bọn Viên An, Dương Chấn, Lý Cố, Đỗ Kiều, Trần Phồn, Lý Ưng đối mặt tranh biện ở triều đình, dùng công nghĩa để nâng đỡ cứu cái nguy; dưới có kẻ sĩ áo vải như lũ Phù Dung, Quách Thái, Phạm Bàng, Hứa Thiệu lập tư luận nắn sửa để cứu vớt tục bại, vì thế chính trị tuy ô trọc mà phong tục chẳng suy, thậm chí có kẻ cam chịu búa rìu, gục ngã trước mặt người khác, nhưng trung nghĩa càng trỗi dậy, người kế tiếp nối sau, theo gót chịu chém giết, xem cái chết như về nhà. Há chỉ có một vài người là trung chính hiền đức sao? Đấy cũng là giáo hóa còn sót lại của Quang Vũ đế, Minh đế và Chương đế vậy”.
Hoạn quan thống trị triều cương. Hán Linh đế u mê còn gọi bọn thái giám Trương Nhượng, Triệu Trung là cha mẹ, mặc cho bọn “thập Thường thị” gồm mười hai thái giám này làm mưa làm gió. Tiếp đó, “thập Thường thị” lại thành công triệt hạ ngoại thích Đại tướng quân Hà Tiến. Nhưng thời kỳ thái giám lũng đoạn rồi cũng chấm dứt khi quân phiệt Tây Lương là Đổng Trác tiến vào Lạc Dương, mở ra giai đoạn đấu tranh chiến trường đầy gió tanh mưa máu. Thời đại Tam quốc rốt cuộc đã khai màn…
IV. KẾT
Có ý kiến cho rằng sự hỗn loạn cuối thời Đông Hán và sự xuất hiện cục diện Tam Quốc xuất phát từ việc một trong số các gia tộc trong xã hội khi đó bắt đầu bành trướng thế lực, uy tín tăng trưởng vượt cả gia tộc nhà vua (thế tộc này sản sinh ra nhiều người tài, dần nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, thu hẹp dần quyền lực hoàng tộc), cuối cùng soán ngôi lãnh đạo khỏi tay vua Hán (chẳng hạn các gia tộc của Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền và sau này là Tư Mã Ý).
Nguyên nhân này có thể đúng trong tiến trình sụp đổ của một số triều đại phong kiến Trung Hoa khác, nhưng sẽ không phải là nguyên nhân chính khiến nhà Đông Hán suy sụp.
Lí do khá dễ thấy: trước thời Hán Linh đế vốn đã tồn tại sự lũng đoạn của thế tộc rồi (lũng đoạn ruộng đất và quan trường), nhưng quyền lực trung ương vẫn tồn tại. Phải đến khi cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân nổ ra, các diễn biến kế tiếp sau đó mới thật sự tước đi quyền lực của trung ương, các lực lượng khác nhau trong xã hội bắt đầu vươn lên, tranh đoạt, diệt trừ nhau, quy tụ lại, thống nhất từng phần cho đến khi hình thái Tam quốc xuất hiện.
1 – SỰ LŨNG ĐOẠN RUỘNG ĐẤT
Nếu như những mâu thuẫn trong cách thức phân bổ ruộng đất tiềm tàng từ thời Hán Quang Vũ đế là mầm bệnh âm ỉ trong vương triều Đông Hán, thì có thể nói khởi nghĩa Hoàng Cân chính là lúc cơn đau phát tác. Số đông nông dân sống đời cơ cực mà không thấy hy vọng, vương tôn quý tộc và cường hào địa chủ vẫn tiếp tục thôn tính ruộng đất, lưu dân mất đất ngày càng nhiều, chỉ cần một mồi lửa là bùng lên.
Ấy là chưa kể, trong gần 100 năm cuối thời Đông Hán, số lượng thiên tai nhiều một cách khác thường: có đến ba mươi tư lần động đất, chín lần có nạn hoàng trùng, mười một lần hạn hán, mười một lần lũ lụt. Đến nỗi, năm Vĩnh Hưng nguyên niên đời Hán Hoàn đế (năm 153), “bách tính đói khổ cùng khốn lưu tán tới mấy chục vạn hộ”. Trăm vạn lưu dân bị bần cùng hóa, không còn gì để mất này chính là thành phần nòng cốt của quân Hoàng Cân.
Hoàng Cân khởi nghĩa là một nút chuyển, nó khiến thời kỳ trị vì của Hán Linh đế có điểm khác biệt so với Hán Hòa đế hay Hán Thuận đế. Nó đánh dấu thời kỳ người nông dân đã bị dồn đến ngưỡng cuối cùng của sự bóc lột ruộng đất và thuế má nặng nề – vốn là hệ quả của việc quý tộc, thế tộc lũng đoạn ruộng đất, chiếm nhiều ruộng công, sử dụng đặc quyền giai cấp để không chịu thuế ruộng. Sự lũng đoạn ruộng đất sẽ dẫn đến hai hệ quả cốt tử:
(1) Quốc khố suy giảm, và (2) Nông dân mất ruộng đất hoặc bị bần cùng hóa, từ người tự do trở thành tá điền riêng cho quý tộc hoặc thậm chí là lang thang không nhà cửa, trở thành lưu dân, bị bức phải đi vào con đường khởi nghĩa.
Có thể thấy, LŨNG ĐOẠN RUỘNG ĐẤT chính là NGUYÊN NHÂN ĐẦU TIÊN của loạn lạc Đông Hán cục diện tam phân.
2 – SỰ LŨNG ĐOẠN QUAN TRƯỜNG
Trùng hợp ngay lúc này, tình trạng lũng đoạn quan chức đã lên đến đỉnh điểm, triều đình không còn đủ người tài để xử lý các vấn đề quân sự lẫn nội chính. Nhân tài Hán mạt vẫn còn, nhưng những Hoàng Phủ Tung, Chu Tuấn, Lư Thực… là không đủ. Họ có thể đàn áp khởi nghĩa Hoàng Cân bằng các chiến thắng quân sự, nhưng họ không cứu vãn nổi một nền chính trị đã bị lũng đoạn quá mức. Ngay chính bản thân họ cũng không yên ổn nổi với tập đoàn hoạn quan:
Bắc trung lang tướng Lô Thực vì không hối lộ hoạn quan Tả Phong nên dù liên tục phá quân Khăn vàng vẫn bị tống giam;
Xa kỵ tướng quân Hoàng Phủ Tung đang trên đà thắng lợi cũng bị cách chức chỉ vì không chịu đút lót tiền bạc cho hoạn quan Trương Nhượng.
Tự phế đi hai cánh tay đắc lực để thay thế bằng kẻ cơ hội, biết hối lộ như Đổng Trác; Hán Linh đế đã không thể dập tắt nổi tàn dư Khăn vàng, càng không thể đối phó với vô số cuộc nổi dậy khác ở tây bắc (Hàn Toại và người Khương), Hà Đông (giặc Bạch Ba), Ký châu (giặc Hắc Sơn)…
Đó là những ví dụ sinh động cho việc quan trường bị lũng đoạn, người tài không thể tận sức. Đây chính là hệ quả của NGUYÊN NHÂN THỨ HAI: Sự LŨNG ĐOẠN CHÍNH TRƯỜNG của THÂN TỘC (bao gồm cả quý tộc, hoạn quan, ngoại thích, thế tộc… nói chung là các tập đoàn leo cao dựa vào thân thích).
3 – TRUNG ƯƠNG SUY SỤP, ĐỊA PHƯƠNG CÁT CỨ
Thân tộc duy trì địa vị lãnh đạo xã hội bằng cách đưa người thân, môn đệ, cố lại…vào các vị trí quan trọng trong xã hội, từ đó hỗ trợ cho các quá trình lũng đoạn khác. Vì “tài không bằng thân”, người tài không được sử dụng, bộ máy cai trị ngày càng giảm sút chất lượng. Và dù Hoàng Cân bị đánh dẹp, thì lúc này thế lực trung ương đã yếu đến mức không thể nào quản được các thế lực địa phương nữa.
Nhân tài điêu linh vì chính trị bị lũng đoạn, quân đội trung ương kiệt quệ, Hán Linh đế buộc phải nghe theo tông thất Lưu Yên, gia tăng quyền hạn của các Thứ sử lên thành Châu mục (nắm cả hai quyền quân sự và hành chính thay vì chỉ có quyền giám sát như trước kia). Lúc này, các Châu mục có quyền tự tuyển quân để đánh dẹp phản loạn. Sự thay đổi thể chế này chính là điểm mấu chốt, là cơ sở cho giai đoạn quân phiệt cát cứ tiếp theo.
Các quân phiệt lúc này đã có đủ danh nghĩa để chiêu mộ quân đội riêng của mình, bất chấp chính quyền trung ương mà bắt đầu mở rộng thế lực. Sau sự kiện Đổng Trác phế Lưu Biện, lập Lưu Hiệp lên làm Hán Hiến đế khiến tôn nghiêm của Hán triều mất sạch; lại đến chuyện các quân phiệt Quan Đông liên minh lại hòng lật đổ họ Đổng. Nhưng đa phần trong số họ là những người tìm kiếm lợi ích cá nhân hơn là lo cho xã tắc, hầu hết đều án binh bất động mặc cho Đổng Trác dẫn theo Hán Hiến đế rút về Trường An, kể cả minh chủ Viên Thiệu.
Giai đoạn kế tiếp, với binh quyền sẵn có trong tay, các quân phiệt này bắt đầu thôn tính lẫn nhau. Thứ sử Duyện châu Lưu Đại giết Thái thú Đông Quận Kiều Mạo. Thái thú Bột Hải Viên Thiệu diệt Ký châu mục Hàn Phức. Duyện châu mục Tào Tháo đánh Từ châu mục Đào Khiêm. Lữ Bố sau khi phản lại Đổng Trác và bại trận dưới tay bộ hạ cũ của họ Đổng là Lý Thôi, Quách Dĩ cũng bắt đầu tham gia vào quá trình tranh đoạt ở Trung Nguyên. Tấm màn phân liệt đã được vén lên.
Hai quân phiệt tích cực nhất trong công cuộc chống Đổng Trác là Tào Tháo và Tôn Kiên, mặc dù không đạt được nhiều lợi ích vật chất, nhưng đã xây dựng được hình ảnh về những năng thần biết lo nghĩ cho cái chung của thiên hạ. Danh tiếng chính là phần vốn liếng lớn nhất mà hai người này thu được sau chiến dịch phạt Đổng, khiến nhiều nhân tài theo về dưới trướng. Dần dần, hai cỗ thế lực này lớn mạnh và bắt đầu thôn tính các thế lực khác trước khi trở thành hai trong ba chân vạc của Tam quốc về sau.
Thế lực thứ ba của thời kỳ Tam quốc là Lưu Bị có xuất phát điểm thấp hơn, sau hơn hai mươi năm lận đận mới bắt đầu có bước phát triển đáng kể bằng việc hợp tác với Tôn Quyền cùng đánh bại Tào Tháo ở trận Xích Bích, sau lại đoạt Ích châu của Lưu Chương, chiếm Hán Trung từ tay Tào Tháo, thực thi quy hoạch “Long Trung đối sách” do quân sư Gia Cát Lượng vạch ra. Cục diện thiên hạ tam phân chính thức thành hình.
Ba gia tộc Lưu-Tào-Tôn hình thành, nối đời và dĩ nhiên sẽ phát triển thành cành nhánh, nhưng đó là KẾT QUẢ của việc Lưu Bị – Tào Tháo – Tôn Quyền hình thành và phát triển thế lực, chứ không phải đó là NGUYÊN NHÂN của cục diện Tam quốc. Lưu – Tào – Tôn sẽ không thể có được vị thế đó nếu không có ít nhất 2 điều kiện đồng thời xảy ra:
– Một cuộc khởi nghĩa nông dân mà thành phần là nông dân đã mất hết ruộng đất và không còn đường lui;
– Triều đình trung ương kiệt quệ, buộc phải để các thế lực địa phương nắm quân quyền.