Nhìn lại nhân vật Nguyễn Huệ

vuaquangtrung_190113.jpg

Nguyễn Gia Kiểng

Di sản tinh thần của một dân tộc thể hiện rõ nhất qua các anh hùng. Các anh hùng dân tộc là thuốc thử màu bộc lộ tâm lý của một dân tộc. Qua cách chọn lựa và tôn vinh các anh hùng, các dân tộc tiết lộ những giá trị mà mình ôm ấp. Nếu chúng ta thay đổi cách nhận định anh hùng dân tộc thì đồng thời chúng ta cũng thay đổi các giá trị nền tảng của xã hội ta, chúng ta sẽ thay đổi cách suy nghĩ và hành động và do đó thay đổi số phận của chúng ta.

Đối với đại đa số người Việt, Nguyễn Huệ không phải chỉ là một anh hùng mà còn là một thần tượng. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, mà tôi rất ái mộ, đã ca tụng Nguyễn Huệ và chiến thắng Đống Đa bằng những vần thơ nồng nàn trong một bài thơ rất dài mà tôi xin trích hầu độc giả hai câu:

Muôn chiến công một chiến công dồn lại
Một tấm lòng muôn vạn tấm lòng mang.

Chúng ta đã được huấn luyện ngay từ buổi đầu đời, từ ghế trường tiểu học để sùng bái Nguyễn Huệ. Như vậy Nguyễn Huệ vừa là thần tượng vừa là mối tình đầu của trí tuệ Việt nam, đụng tới ông là đụng tới cả một tín ngưỡng và một đam mê.

Ở đây xin mở một dấu ngoặc đơn ngắn. Có một cái gì rất không ổn trong cách mà thanh thiếu niên Việt nam được giáo dục để đánh giá các anh hùng dân lộc. Nước ta có nhiều anh hùng nhưng có ba vị có công lớn nhất: Lý Công Uẩn mở ra đất nước có kỷ cương, văn hiến; Trần Hưng Đạo đánh đuổi quân Nguyên giúp chúng ta giữ được bờ cõi tránh được sự dầy đạp của quân Mông Cỗ hung bạo; Nguyễn Hoàng mở ra miền Nam trù phú. Cả ba đều là nhưng con người đức độ, đem phồn vinh cho dân chúng. Thế mà chỉ có Trần Hưng Đạo được nhắc tới thường xuyên, nhưng cũng rất xa sau Nguyễn Huệ; Lý Công Uẩn thì họa hiếm; còn Nguyễn Hoàng thì không bao giờ.

Cần phải trở lại trường hợp Nguyễn Huệ bởi vì đó là một sai lầm đã kéo dài quá lâu và đã gây quá nhiều tác hại. Tôi không phải là sử gia, cũng không phải là một nhà nghiên cứu mà là một người hoạt động chính trị. Người hoạt động chính trị nói những điều cần nói, có bổn phận phải nói trung thực, dựa vào những sự kiện nghiêm túc và lý luận một cách lương thiện. Nhưng người hoạt động chính trị nếu không có thì giờ như trường hợp của tôi, không có bổn phận phải ghi chú dữ kiện lấy từ sách nào, chương nào, trang nào, v.v… Đó là công việc của nhà nghiên cứuNhững dữ kiện mà tôi dựa vào để bàn về Nguyễn Huệ là có thực, các sử gia đều có. Trước hết là một vài nhận định về chiến thắng Đống Đa. 

Nguyễn Huệ được tôn sùng nhờ trận Đống Đa mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. Những công đức và thành tích khác của ông chỉ là phụ họa, đôi khi thêm thắt và thêu dệt. Theo ký ức tập thể của chúng ta trong trận này Nguyễn Huệ đã chỉ trong một đêm phá tan hai mươi vạn (hai trăm ngàn) quân Thanh, tránh cho chúng ta ách Bắc thuộc. Thực ra các tài liệu của nhà Thanh cho thấy một cách rất rõ rệt là vua Càn Long không có ý định đánh chiếm nước ta. Không những thế vua Càn Long còn cấm Tôn Sĩ Nghị giao chiến. Nhà Thanh can thiệp vì có sự cầu cứu của mẹ vua Lê Chiêu Thống và đám quần thần nhà Lê, nhưng ý đồ của họ chỉ là dọa để Nguyễn Huệ thần phục Lê Chiêu Thống, và ngay cả nếu Nguyễn Huệ cứng đầu không chịu cũng chỉ giúp Lê Chiêu Thống có thanh thế mà chiêu tập lực lượng để chia đất với Nguyễn Huệ mà thôi. Dĩ nhiên nếu Việt nam tự nguyện sát nhập vào Trung Quốc thì nhà Thanh sẽ rất hài lòng nhưng họ không chấp nhận trả một giá nào cả.

Con số hai chục vạn quân Thanh cũng rất sai sự thực. Tôn Sĩ Nghị sang bằng đường bộ, mà đường bộ thì bị vách núi dầy đặc ngăn cách không thể di chuyển một số quân khổng lồ như vậy. Trong những lần xâm chiếm qui mô Việt nam, quân Trung Quốc đều chủ yếu xâm lăng bằng đường thủy qua cửa Bạch Đằng hay Nghệ An. Thành phố Hà Nội hồi đó có bao nhiêu dân cư? Mười ngàn, mười lăm ngàn, hay hai chục ngàn là cùng. Không cần hai trăm ngàn, chỉ cần năm chục ngàn thôi thì cũng đã là cả một sự tràn ngập không còn chỗ đứng, chưa nói tới việc quân Thanh kéo nhau đi chợ mua bán như sử chép. Các tài liệu còn giữ lại chỉ nói quân Thanh đóng đồn ở vài làng nhỏ cạnh Hà Nội.

Niềm tự hào dân tộc của tôi bị thương tổn lần đầu tiên vào khoảng năm 1958. Tôi đọc báo về cuộc thuyết trình của giáo sư Tưởng Quân Chương, một chuyên gia người Đài Loan về Việt nam, tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sự hiểu biết rất non nớt của tôi lúc đó cũng đủ để tôi ý thức rằng ông hơn hẳn nhiều trí thức Việt nam ngay về chính lịch sử và văn hóa Việt nam. Ông lập luận chắc chắn, dẫn chứng tài liệu đầy đủ về văn học Việt nam, từng tác phẩm, từng tác giả. Đề cập đến trận Đống Đa, Tưởng Quân Chương dẫn tài liệu của Thanh triều, nói rằng Tôn Sĩ Nghị tổng đốc Lưỡng Quảng đã đem sáu ngàn kỵ binh sang Việt nam để phô trương thanh thế và làm lễ thụ phong cho Lê Chiêu Thống nhưng đã bị Nguyễn Huệ đánh bất ngờ, thua chạy về và bị cách chức. Con số này theo tôi là hợp lý. Tôn Sĩ Nghị từ Trung Quốc sang Việt nam trong một hai tuần lễ thì chắc chắn là sang bằng ky binh rồi, mà ky binh thì sáu ngàn đã là nhiều lắm đối với hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, muốn hơn cũng không có. Nên nhớ là nhà Thanh lúc đó yên bình đã mấy trăm năm nên không còn giữ quân đội hùng hậu nữa. Tôi chưa thấy sử gia Việt nam nào bác bỏ sự kiện của ông Tưởng Quân Chương.

Một tài liệu do người Việt nam viết về trận Đống Đa là cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, một cuốn sách khá thuận cho Tây Sơn. Theo cuốn sách này thì khi quân Thanh đến, Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm bàn với nhau rằng đánh quân Thanh không được vì dân chúng Bắc Hà ủng hộ quân Thanh và ghét quân Tây Sơn, họ sẽ chỉ chỗ, dẫn đường, tiếp sức quân Thanh. (Đây cũng là một sự kiện rất quan trọng chứng tỏ dân chúng không ngưỡng mộ Nguyễn Huệ như một số tác giả viết). Ngô Văn Sở quyết định bỏ Thăng Long lui về giữ đèo Tam Diệp, nhưng đô đốc Phan Văn Lân không chịu, đòi Ngô Văn Sở cấp cho một ngàn quân (xin nhắc lại là một ngàn quân) ra giáp chiến. Phan Văn Lân đến bờ sông Như Nguyệt thì gặp quân Thanh đóng ở bên kia sông. Lúc đó tiết trời lạnh giá nhưng Phan Văn Lân nhất định bắt quân lội qua sông đánh quân Thanh. Quân Tây Sơn chết đuối khá nhiều, số còn lại qua bên kia sông lạnh cóng nên bị quân Thanh tiêu diệt, Phan Văn Lân một mình một ngựa chạy về. Thử hỏi nếu quân Thanh đông tới mười ngàn người thôi liệu Phan Văn Lân có dám liều lĩnh như vậy không?

Còn một nguồn tài liệu khác về trận Đống Đa. Đó là những lá thư mà các giáo sĩ có mặt tại đó gởi về cho bạn bè tại Pháp. Những lá thư này được tập trung trong một tài liệu có tên là Những lá thư kỳ lạ và xúc tích của Sứ Bộ Truyền Giáo Viễn Đông (Lettres curieuses ét édifiantes de la Mission apostolique en Extrême Orient) còn lưu giữ tại Pháp. Đây là những lá thư riêng, không phổ biến, do đó chúng không có mục đích tuyên truyền. Các giáo sĩ nói thẳng là họ bênh vực nhà Tây Sơn vì lý do cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyền đều cấm đạo trong khi Tây Sơn không để ý đến tôn giáo. Một giáo sĩ mô tả trận Ngọc Hồi (Đống Đa), trận đánh gay go nhất và có thể nói là duy nhất trong đêm hôm đó. Theo ông, quân Tây Sơn tiến vào bị quân Thanh đánh bật ra, hàng ngũ rối loạn. Lúc đó đích thân Nguyễn Huệ từ dưới xông lên, múa gươm chém chết mấy chục quân Thanh, làm chúng hoảng sợ bỏ chạy. Theo cách mô tả đó thì trận Đống Đa không thể là lớn được. Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng nói quân Tây Sơn tiến sau hai mươi tấm mộc, đằng sau mỗi tám là ba mươi người. Như vậy tổng số quân Tây Sơn tham chiến ở Ngọc Hồi là sáu trăm người. Hoàng Lê Nhất Thống Chí còn nói thêm là khi nghe tin Ngọc Hồi có biến, Tôn Sĩ Nghị sai một bộ tướng đem hai chục ky binh đi giải cứu cùng với một đám nghĩa quân của vua Lê. Những dữ kiện này chứng tỏ trận Đống Đa chỉ là một trận nhỏ.

Mặt khác, cũng không nên quên là quân Thanh bị bất ngờ hoàn toàn nên rối loạn, lo chạy hơn là đánh lại. Vả lại cũng chỉ có một nửa quân Thanh sang sông vào Thăng Long, nửa kia vẫn ở bên tả ngạn và bỏ chạy khi đám quân sang sông bị đánh tan. Cần minh định một điều để tránh tranh cãi. Số quân Thanh chết (chủ yếu là chết đuối khi xô lấn nhau sang sông làm sập cầu nổi) có thể nhiều hơn hẳn số quân từ Trung Quốc sang vì rất nhiều người Hoa sinh sống tại Việt nam lúc đó cũng ỷ thế quân Thanh lộng hành tự coi như lính của nhà Thanh, rồi hoảng sợ bỏ chạy khi ky binh của Tôn Sĩ Nghị bị đánh tan. Ký ức dân gian và các tài liệu đều nói đến việc người ngựa chen nhau trên cầu. Cảnh này phù hợp với những gì vừa nói: quân cưỡi ngựa là quân Tôn Sĩ Nghị, đám chạy bộ là bọn a dua. Chúng ta đều biết trước khi ra Thăng Long đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ dừng lại ở Tam Diệp để mộ quân. Các giáo sĩ thuật cách mộ quân của Nguyễn Huệ: các tướng của Quang Trung, tất cả đều mang chức đô đốc, tới gần các làng, cưỡi ngựa lên một gò cao nhìn vào làng theo số nóc nhà mà ước lượng số quân mỗi làng phải nộp ra lệ hễ thiếu một người là họ tàn sát cả làng. Dân chúng hãi hùng đến nỗi làng nào không đủ con trai phải bắt con gái giả làm trai đem nộp cho Nguyễn Huệ. Những nông dân tuyền chọn như vậy thực ra là những tù binh chỉ có vai trò khuân vác, làm mộc đỡ tên và lấy số đông áp đảo tinh thần quân Thanh mà thôi, chủ lực của Quang Trung chỉ là số quân Tây Sơn mà ông đem từ Phú Xuân ra. Đánh xong trận Đống Đa, ông bỏ mặc số quân tân tuyển này, họ phải xin ăn dọc đường tìm về quê quán.

Nguyễn Huệ là con người như thế nào?

Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Nguyễn Huệ là con ông Hồ Phi Phúc, người gốc Nghệ An, nhưng từ ba đời trước bị chúa Nguyễn bắt vào lập nghiệp tại làng Tây Sơn, thuộc tỉnh Bình Định. Đến đời các con thì đổi ra họ Nguyễn để dễ tiến thân. Họ Hồ dần dần trở nên khá giả, đến đời Hồ Phi Phúc thì lại mở sòng bạc nên càng giàu có.

Nguyễn Huệ như vậy không phải xuất thân là một nông dân áo vải như Việt nam Sử lưọc viết. Về anh em Tây Sơn, cũng như về trận Đống Đa, Trần Trọng Kim dựa vào Hoàng Lê Nhất Thống Chí, nhưng lại thêm bớt theo chiều hướng có lợi cho Nguyễn Huệ. Tại sao? Chúng ta sẽ trả lời sau. Ba anh em Nhạc, Lữ và Huệ lớn lên đi ăn cướp. Khởi đầu Nguyễn Nhạc kết nạp được một đám thủ hạ đi cướp bóc trong vùng, sau khi thế lực đã mạnh mới về lập đồn ở ngay làng mình công khai chống chúa Nguyễn. Có lẽ vì họ hoành hành khá lâu tại vùng Tây Sơn nên sau này, khi họ làm vua, người ta vẫn gọi họ là nhà Tây Sơn. Ba anh em liên kết với hai đám cướp biển người Trung Hoa là Tập Đình và Lý Tài và cũng chiêu mộ nhiều người Thượng. Trong các thư từ gởi cho nhau, các giáo sĩ thắc mắc không hiểu tại sao các tướng của Tây Sơn, dù là tướng đánh bộ đi nữa, đều xưng là đô dốc: đô đốc Sở, đô đốc Long, đô đốc Tuyết, đô đốc Lộc, đô đốc Lân, v.v. Đó là vì quân Tây Sơn do đám cướp biển huấn luyện, và đối với bọn cướp biển chức đô đốc là một ước mơ.

Một sự kiện nổi bật mà các sử gia cố tình làm ngơ là quân Tây Sơn chỉ thuần túy là giặc cướp. Từ lúc dấy lên cho đến lúc tiêu diệt cả họ Trịnh và họ Nguyễn trong hai mươi năm trời, họ không đưa ra bất cứ một chủ trương dựng nước nào; không hề có một tờ hịch nào để hiệu triệu quốc dân, hay ngay cả một tờ kể tội họ Trịnh và họ Nguyễn. Họ chỉ đánh phá và cướp bóc mà thôi, không nhân danh một chính nghĩa nào. (ở miền Bắc, Nguyễn Hữu Cằu khi nỗi loạn chống nhà Trịnh ít nhất còn xưng là Bảo Dân Đại Tướng Quân).

Từ năm 1771, anh em Tây Sơn lập đồn trại, bành trướng thêm lực lượng, đánh chiếm Qui Nhơn rồi tiến lên mạn Bắc đánh chúa Nguyễn. Lúc đó, dù mới mười tám tuổi, Nguyễn Huệ đã bắt đồng đảng và dân chúng gọi mình là Đức ông Tám. Cái lối tự xưng xấc xược này cũng là một đặc tính của đám thảo khấu. Cơ nghiệp chúa Nguyễn đã tan tác vì Trương Phúc Loan chuyên quyền nên quân Tây Sơn đánh đâu được đấy, hầu như không có kháng cự. Họ Trịnh ở ngoài Bắc lại nhân cơ hội vào chiếm Thuận Hóa. Quân Nguyễn phía Nam bị Tây Sơn đánh lên, phía Bắc bị quân Trịnh đánh xuống nên tan rã nhanh chóng. Chúa Định Vương nhà Nguyễn phải bỏ chạy vào Gia Định để Đông Cung Thế Tử ở lại. Nguyễn Nhạc bắt được Đông Cung, gả con gái cho, giả hòa với chúa Nguyễn ở Gia Định, nhưng lại ngấm ngầm liên kết với họ Trịnh xin làm tiên phong đánh chúa Nguyễn. Năm 1778 anh em Tây Sơn chiếm nốt Gia Đình, tiêu diệt chúa Nguyễn. Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Đình Vương ở Gia Đình và Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương giữ mặt Bắc. Nguyễn Huệ là một tướng giỏi, nhiều công trận lại giữ mặt Bắc phòng họ Trịnh nên nắm phần lớn quân Tây Sơn trong tay.

Năm 1786, nhân lúc nhà Trịnh tan tác vì lính Tam Phủ làm loạn Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ ra đánh chiếm Thuận Hóa, trước đây của chúa Nguyễn nhưng mới bị họ Trịnh chiếm. Nguyễn Huệ chiến thắng dễ dàng rồi theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, một tướng của họ Trịnh vì bất mãn mà bỏ vào theo Tây Sơn, tiến ra Thăng Long diệt họ Trịnh, dù không có lệnh của Nguyễn Nhạc. Lúc đó họ Trịnh đã suy sụp toàn bộ nên Nguyễn Huệ chiếm Tháng Long như vào chỗ không người. Nguyễn Huệ được vua Lê Hiển Tông gả con gái là công chúa Ngọc Hân và ở lại Thăng Long gần hai tháng cho đến lúc Nguyễn Nhạc từ trong Nam ra gọi về. Khi vua Lê Hiển Tông chết, Nguyễn Huệ định không cho Lê Chiêu Thống lên kế vị, thân thích nhà Lê phải nhờ Ngọc Hân xin Nguyễn Huệ mới cho. Sau đó hai anh em Nhạc và Huệ đột ngột về Nam giữa đêm, bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại với dụng ý để dân Bắc Hà giết Chỉnh vì tội đã đem quân Tây Sơn ra Bắc. Nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh chạy thoát vào Nghệ An ra mắt Nguyễn Huệ. Tuy thất vọng vì Nguyễn Hữu Chỉnh không chết nhưng Nguyễn Huệ vẫn cấp cho Chỉnh một số vàng và vũ khí lấy được ở Thăng Long để Chỉnh lập nghiệp lại Nghệ An. Nguyễn Hữu Chỉnh tự tuyển quân chiếm giữ Nghệ An.

Vua Lê Chiêu Thống lúc đó chỉ có vài quan văn và khoảng mười lính hầu. Phe đảng họ Trịnh lại trở về Thăng Long tái lập nghiệp chúa. Lê Chiêu Thống không chịu cho họ Trịnh áp bức nữa nên vời Nguyễn Hữu Chỉnh ra. Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp được dư đảng họ Trịnh và được Lê Chiêu Thống phong tước Bằng Trung Công nắm giữ binh quyền. Trong khi Nguyền Hữu Chỉnh ra Bắc đánh dư đảng họ Trịnh thì Nguyễn Huệ lại đem quân vào Nam đánh Nguyễn Nhạc. Nhạc phải khóc lóc năn nỉ Huệ mới tha. Sau khi về Phú Xuân, Nguyễn Huệ ra lệnh cho Vũ Văn Nhậm là phó tướng của mình và cũng là rể của Nguyễn Nhạc, đem quân ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Vũ Văn Nhậm bắt được Chỉnh đem giết đi. Vua Lê Chiêu Thống bỏ chạy lưu lạc khắp nơi, chiêu tập lực lượng chống Tây Sơn. Nguyễn Huệ ra Thăng Long bất ngờ, Vũ Văn Nhậm đang ngủ trưa bị lôi ra chém. Nguyễn Huệ đặt Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Ngô Thời Nhiệm ở lại trấn giữ rồi rút quân về Nam. Quần thần và tôn thất nhà Lê sang Trung Hoa cầu cứu. Tôn Sĩ Nghị sang, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, tiến ra Thăng Long đánh bại Tôn Sĩ Nghị. Nguyễn Huệ chỉ mới làm vua được bốn năm, đang chuẩn bị đánh Trung Hoa chiếm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây thì mất năm 1792. Mười năm sau nhà Tây Sơn bị Nguyễn ánh tiêu diệt.

Nguyền Huệ là một con người hung bạo đánh tất cả mọi người, đó là một sự thực. Nguyễn Huệ liên kết với hai tướng cướp Tập Đình và Lý Tài đánh chúa Nguyễn rồi lại đánh Tập Đình và Lý Tài, liên kết với chúa Trịnh rồi đánh chúa Trịnh, dùng Nguyễn Hữu Chỉnh rồi bỏ Chỉnh cho dân Bắc Hà giết. Nguyền Hữu Chỉnh không chết mà lại phất lên được thì sai Vũ Văn Nhậm đem quân đánh giết Nguyễn Hữu Chỉnh, tiện thể lấy luôn Bắc Hà. Rồi lại giết Vũ Văn Nhậm. Đến cả Nguyền Nhạc đối vơi Huệ vừa có nghĩa vua tôi vừa có nghĩa anh em, Huệ cũng đánh. Sau này hòa với nhà Thanh, rồi lại kết nạp bọn cướp biển đi đánh phá nhà Thanh và còn định đem quân đánh nhà Thanh. Nguyễn Huệ dùng bạo lực và sự tráo trở trong mọi trường hợp đối với bất cứ ai có khả năng trở thành một đối thủ. Việc Huệ đánh Nhạc chỉ vì hai anh em xích mích với nhau chuyện phân chia kho tàng lấy được ở Thăng Long là một hành động phản trắc và vô đạo. Nguyễn Huệ cũng rất tàn ác, các giáo sĩ thời đó dù bênh Tây Sơn cũng ghê sợ về sự tàn ác của Nguyễn Huệ và gọi ông là một thứ Attila mới trong những thư họ viết cho nhau. Họ kể lại khá chi tiết những việc làm dữ tợn của Nguyễn Huệ, mà khuôn khổ cuốn sách không cho phép tôi nhắc lại hết. Sau khi diệt nhà Trịnh và nói là một tấc đất của nhà Lê cũng không lấy, Huệ vẫn chiếm Nghệ An, vua Lê Chiêu Thống sai danh sĩ Trần Công Sán, mà Nguyễn Huệ biết tiếng và phục tài, cùng với hoàng thân Lê án, vừa là chú vừa là thày của công chúa Ngọc Hân, mang quốc thư vào xin lại Nghệ An và cam kết hàng năm nộp toàn bộ thuế của tỉnh cho Nguyễn Huệ, nhưng Nguyễn Huệ đã không cho còn hạ ngục và gông cổ cả phái đoàn rồi đem ra biển nhận thuyền cho chết. Nhiều người trách Nguyễn ánh nhỏ mọn quật mồ Nguyễn Huệ sau khi đã giết con cháu, mà quên rằng hành động thô bạo này chỉ là để báo thù một hành động thô bạo trước đó: Nguyễn Huệ đã tàn sát cả họ Nguyễn và đã đào mả tổ tiên Nguyễn ánh đem vất đi. Một lần trong một chuyến đánh phá Gia Định, một tướng Tây Sơn bị phục binh giết chết. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ nỗi giận ra lệnh tàn sát tất cả dân chúng trong vùng, bất luận già trẻ, lớn bé, trai gái. Cuộc tàn sát đã kinh hoàng đến độ dân chúng các vùng phụ cận sau đó không dám ăn tôm cá vì sợ tôm cá ăn thịt những xác chết trôi đầy sông.

Một thí dụ khác là trận Đống Đa. Sau khi đã đánh tan quân Thanh và sợ quân Thanh quay lại phản ứng, Nguyễn Huệ ra lệnh cho dân chúng Thăng Long phải đắp xong trong vòng ba ngày một chiến lũy chung quanh để phòng thủ. Các giáo sĩ có mặt tại đó không thể nào tưởng tượng dân chúng Thăng Long có thể làm được điều đó. Nhưng họ đã làm được, họ đã làm tới kiệt sức, vì sợ bị Nguyền Huệ tàn sát, họ biết Nguyền Huệ không hề do dự trước sự chém giết. Tường xây lên xong các giáo sĩ kinh hoàng, họ đặt tên cho Nguyễn Huệ là Attila mới từ đó. Các tài liệu của các giáo sĩ, và nhiều nhân chứng phương Tây có mặt tại Việt nam lúc đó, về anh em Tây Sơn hiện vẫn còn lưu giữ trong nhiều thư viện tại Pháp. Một sử gia Việt nam, ông Tạ Chí Đại Trường, đã sưu tập một số đáng kể trong cuốn sách Lịch Sử Nội Chiến 1771-1802 của ông. Đây là một cuốn sách nên đọc cho những ai muốn tìm hiểu về nhà Tây Sơn.

Khả năng nhìn xa trông rộng của Nguyễn Huệ cũng rất giới hạn. Nguyễn Huệ đem binh đánh làm suy yếu Nguyễn Nhạc, rồi làm ngơ để Nguyễn ánh tiêu diệt dần lực lượng của Nhạc và Lữ ở trong Nam. Cứ bỏ qua sự tàn nhẫn với hai người anh đi thì đây cũng là một tính toán chiến lược rất chủ quan và phiêu lưu. Nguyễn ánh còn đang bành trướng thế lực ở trong Nam thì Nguyễn Huệ đã nghĩ đến việc đánh Trung Hoa. Thật là một ý đồ điên đại, chứng tỏ Nguyễn Huệ không có một hiểu biết chiến lược nào cả. Nếu Nguyễn Huệ còn sống để mà gây chiến với nước Tàu thì quả là đại hoạ cho nước ta. Cứ giả thử vua Càn Long cho không Nguyễn Huệ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tày thì ngày nay nước ta cũng đã bị xóa bỏ rồi.Cũng nên tương đối hóa tài dùng binh của Nguyễn Huệ. Nhà Nguyễn và nhà Trịnh đánh nhau cả thảy bảy lần trong gần nửa thế kỷ, từ 1627 đến 1674, làm cho đất nước, nhất là miền Bắc suy kiệt và dân chúng chán ghét chiến tranh. Đây cũng là giai đoạn mà đạo Công Giáo và tư tưởng Thiên Chúa Giáo, sau một thế kỷ du nhập, đã phát triển mạnh, làm lung lay tư tưởng Khổng Giáo, nền tảng chính đáng của chế độ. Quần chúng Việt nam không còn nhìn các vua chúa như những đại diện của Trời mà họ phải phục tùng vô điều kiện nữa. Cả hai họ Trịnh Nguyễn đều suy thoái, việc binh bị bị bỏ rơi, người dân vừa không phục, vừa bớt sợ.

Chúa Nguyễn còn lo đánh dẹp, mở mang bờ coi nên người dân bỏ vào miền đất hoang phía Nam lập nghiệp tránh bị bắt lính rất nhiều. Lực lượng của chúa Nguyễn vừa suy yếu vừa bị trải rộng, dần dần mất thực chất. Các băng đảng cướp lộng hành khắp nơi. Đã thế, từ thời Võ Vương (1765) trở đi, Trương Phúc Loan lại chuyên quyền làm cho triều đình tan nát. Anh em Tây Sơn, nhờ tập hợp được một sổ băng đảng, nổi lên tiêu diệt chúa Nguyễn mà không cần đánh một trận đáng kể nào.

Quân Tây Sơn đã thắng dễ dàng vì thế lực của chúa Nguyễn đã hoàn toàn tan rã chứ không phải vì lực lượng của họ mạnh. Năm 1778, lúc Tây Sơn đã diệt chúa Nguyễn và chiếm Gia Định, thế lực lên đến cao điểm làm kinh động cả nước, toàn quyền Anh tại ấn Độ cử một chuyên viên là Chapman sang quan sát tình hình Việt nam. Chapman làm quen được với anh em Tây Sơn và được đi thăm viếng quan sát tỉ mỉ khắp nơi. Chapman báo cáo rằng thế lực của quân Tây Sơn chẳng có gì đáng kể, chỉ cần một đạo quân một trăm người mà có kỷ luật cũng đủ để đánh tan toàn bộ quân Tây Sơn một cách nhanh chóng. Xin nhấn mạnh con số một trăm và cũng xin nhấn mạnh rằng Chapman chỉ nói tới kỷ luật chứ không hề nói tới nhu cầu vũ khí tối tân. ở ngoài Bắc, hồi đó gọi là đàng ngoài, tình thế còn bi đát hơn.

Đời sống cơ cực và cương thường đảo lộn (họ Trịnh phế lập và giết vua Lê một cách rất tùy tiện) nên cả uy quyền chính trị lẫn uy quyền đạo đức đều tan. Giặc giã nỗi lên khắp nơi. Trịnh Sâm vừa tạm dẹp xong giặc thì lại say mê tửu sắc, bỏ trưởng lập thứ gây loạn ngay tại triều đình. Điều cần đặc biệt lưu ý là họ Trịnh lúc đó không còn quân đội. Chỉ một đám lính Tam Phủ, vài ngần tên không người chỉ huy, mà muốn phá nhà ai, giết quan nào cũng được. Khi chúng nổi loạn, Quận Huy Hoàng Tế Lý trên nguyên tắc cầm mọi binh quyền, phải một mình cưỡi voi ra đánh nhau với chúng rồi bị giết. Các tướng mỗi người trấn giữ một phương, mỗi người chỉ có vai chục gia nhân, rồi dựa vào đám gia nhân này mà đi bắt lính. Có khi họ bắt được cả ngần quân nhưng những quân đội ấy chỉ là những nông dân tội nghiệp không biết chiến đấu và cũng không muốn chiến đấu, hễ gặp quân địch là rã hàng bỏ chạy có khi còn đâm chết tướng để dễ chạy. Sách Hoàng Lê Nhất Thong Chí mô tả khá rõ xã hội miền Bắc lúc đó. Các sứ quân đã không có thực lực mà còn hiềm khích với nhau và chẳng tuân lệnh ai. Dân gian thì hễ ai khỏe mạnh ăn cướp được là đi ăn cướp, rất ghét quân Tây Sơn nhưng gặp quan nhà Lê là bắt nộp cho Tây Sơn để lãnh thưởng. (Sau này cũng chính dân chúng bát vua Cảnh Thịnh và các tướng Tây Sơn nộp cho Nguyễn ánh). Nguyễn Hữu Chỉnh bị anh em Tây Sơn bỏ rơi lên thuyền chạy về Nghệ An với mấy chục gia nhân, đến nơi không dám lên bộ. Vậy mà rời cũng đi bắt lính và thành lập được một đạo quân. Với cái quân đội ô hợp đó mà Nguyễn Hữu Chỉnh vào được Thăng Long như chỗ không người vì các quân đội khác còn ô hợp hơn nữa. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh hoành hành ở miền Bắc, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra đánh, quân Nguyễn Hữu Chỉnh chưa đánh đã tan. Trong một bối cảnh như vậy, Nguyễn Huệ trấn áp được thiên hạ nhờ có được một đạo quân tinh nhuệ là điều dễ hiểu. Lý do thành công của Nguyễn Huệ là ông có một đạo quân thực sự trong khi các đối thủ của ông không có. Những chiến thắng như vậy không đòi hỏi một tài dùng binh nào.

ở trong Nam có trận thủy chiến tại Cần Giờ là đáng kề. Nguyễn Huệ chỉ huy gần một trăm chiến thuyền, như vậy cũng là vài ngần thủy quân, còn quân Nguyễn ánh không biết bao nhiêu. Nguyễn Huệ cũng phá được quân Xiêm. Trần Trọng Kim trong Việt nam Sử lược nói rằng quân Xiêm đông tới hai vạn người. Nếu đúng như vậy thì quả là một đạo quân rất lớn vào thời đó, nhưng quân Xiêm vừa tới nước ta thì đã rã hàng, đi cướp bóc khắp nơi chàng còn đội ngũ gì cả. Nếu có một đạo quân đàng hoàng thì đánh tan chúng không khó.

Cả ba trận Cần Giờ, Mân Thít và Đống Đa đều ở rất dưới tầm cỡ của những trận đánh thời Trần Hưng Đạo chống quân Nguyễn, Lê Lợi đánh đuổi quân Minh. Tài dùng binh của Nguyễn Huệ là có thực nhưng chưa được chứng minh ở tầm cỡ của các danh tướng thời Trần Hưng Đạo hay Lê Lợi.

Cần nhấn mạnh để đánh tan một hiểu lầm đã kéo dài quá lâu và đã là nguyên nhân cho nhiều giải thích lịch sử gượng ép: đó là quân Tây Sơn không mạnh mà cũng không tổ chức giỏi; họ đã thắng được các chính quyền Trịnh và Nguyễn bởi vì các chính quyền này đã đi tới cuối tiến trình phân rã. Nguyên nhân sâu xa của tiến trình phân rã này là cả hai chế độ Trịnh Nguyễn đã không ý thức được rằng nền tảng của xã hội Việt nam đã thay đổi sau hơn hai thế kỷ tiếp xúc với người phương Tây, và cứ cố tiếp tục duy trì lối cai trị cũ trên một xã hội đã đổi mới.

Nguyễn Huệ chỉ mới làm vua được gần bốn năm thì mất nên tài trị nước của ông không thể bàn đến. Một việc triều đình của ông làm thường được ca tụng là hay dùng chữ Nôm. Nhưng chữ Nôm thời đó đá phát triển lắm rồi. Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán đã ra đời trước đó và đã có Nguyễn Du. Chính Nguyễn ánh cũng đã dùng chữ Nôm trong một số văn thư. Cũng có người nhắc đến dụ Khuyến Nông của Nguyễn Huệ, nhưng đó chỉ là một dụ bình thường lặp lại những gì các vị vua trước đó đã nói. Một biện pháp làm khổ dân chúng rất nhiều là dùng Tín Bài, một thứ thẻ căn cước, để kiềm soát dân chúng, trong mục đích bắt lính chuẩn bị đánh Trung Hoa. Biện pháp này làm dân chúng bị tham quan ô lại sách nhiễu đến nói nhiều người phải trốn vào rừng sinh sống để tị nạn Tây Sơn. Vả lại làm vua một nước đã kiệt quệ vì chiến tranh, vừa mới được một hai năm yên bình đã lo chuyện đánh nhau với một nước lớn gấp bội mình là điều mà một vị vua sáng suốt không thể làm.

Nhà Tây Sơn tuy chỉ kéo dài một thời gian ngắn nhưng đã anh hưởng rất lớn lên lịch sử nước ta và dịa lý chính trị trong vùng.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chặn đứng hẳn sự bành trướng của lãnh thổ Việt nam vào đất Cam-bốt. Năm 1771, khi anh em Tây Sơn bắt đầu tấn công chúa Nguyễn cũng là năm cuối cùng mà một phần đất Cam-bốt được sát nhập vào Việt nam. Lúc đó đất Cam-bốt gần như vô chủ, các chúa Nguyễn dồn dập mở rộng lãnh thổ, nhưng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã làm họ sụp đổ và cuộc Tây tiến của Việt nam chấm dứt. Nếu không có anh em Tây Sơn chắc chắn nước Cam-bốt không còn.

Việc thôi bành trướng về phía Tây Nam, tùy cách nhìn, không nhất thiết là một sự thiệt thòi cho chúng ta. Nhưng anh em Tây Sơn đã làm một việc khác rất lớn, rất tai hại cho chúng ta và đã khiến chúng ta là chúng ta ngày nay: đó là phá tan và chấm dứt hơn hai thế kỷ tiếp xúc và giao thương đầy hứa hẹn với thế giới bên ngoài, nhất là phương Tây.

Chúng ta bắt đầu tiếp xúc với phương Tây từ đầu thế kỷ 16, các giao thương tăng dần với thời gian. Đầu thế kỷ 18 đã có những trung tâm thương mại lớn. Ngoài Bắc có Hà Nội và Phố Hiến (thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phổ Hiến). Trong Nam có Hội An. Hội An có địa vị đặc biệt quan trọng, đó là trái tim của mọi hoạt động kinh tế của Đàng Trong. Quân Tây Sơn đi đến đâu cướp phá và đem chết chóc đến đó. Tệ hại nhất là việc cướp phá Hội An. Các thương nhân bỏ chạy trong kinh hoàng và mọi hoạt động kinh tế sụp đổ. Miền Trung rơi vào nạn đói chưa từng thấy, người chết vô kể, có nơi mẹ ăn xác con. Khi quân Tây Sơn ra ngoài Bắc thì Kinh Kỳ và Phố Hiến cũng tiêu tan. Cũng như tại Hội An, doanh nhân nước ngoài bỏ chạy trong kinh hoàng và không bao giờ trở lại Việt nam nữa. Cánh cửa của chúng ta khép lại với thế giới bên ngoài. Xã hội ta trở lại với bóng tối của sự lạc hậu. Kinh nghiệm Việt nam đã đen tối đến độ các thương nhân không trở lại nữa ngay cả sau khi nhà Tây Sơn đã đổ. Phần đông những người phương Tây đến sau này chỉ là các giáo sĩ.

Trần Trọng Kim là một học giả có công soạn ra bộ sử công phu đầu tiên cho nước ta. Đây là một đóng góp rất lớn cần được ghi nhận một cách xứng đáng. Trước ông lịch sử nước ta chỉ được chép một cách sơ sài và không trung thực. Điều khó tưởng tượng đối với thế hệ trẻ ngày nay là cho tới thế chiến II người Việt nam không học sử nước mình. Người học trường Pháp thì học sử Pháp, người học trường Nam thì không học sử nào cả. Tập Việt nam Sử lược ra đời đầu thập niên 1930, thường được sử dụng như một cuốn sách để học quốc văn, đã có tác dụng rất lớn. Nó đã giúp người Việt nam hiểu quá khứ của mình và tạo ra một ý thức quốc gia dân tộc. Việt nam Sử lược sau này được lấy làm cơ bản cho các sách giáo khoa sử ở cấp trung và tiểu học. ý thức về lịch sử của người Việt nam nói chung vấn chưa vượt quá Việt nam Sử lược.

Tuy nhiên, vì không viết sách với mục đích giảng dạy, ông Trần Trọng Kim đã không cảm thấy có bổn phận phải tuyệt đối khách quan và, đặc biệt là đối với nhân vật Nguyễn Huệ, ông đã để nhiều tâm tình và thiên kiến vào đó. Ông dựng đứng ra chuyện Nguyễn Huệ ra Bắc phù Lê diệt Trịnh để ca tụng Nguyễn Huệ dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, đem lại cương thường cho rõ ràng. ấy là có sức mạnh mà biết làm việc nghĩa vậy (sic). Thật là đổi trắng thay đen! Trong khi khởi chiến thì người ta thường hay mượn một danh nghĩa, điều nay chẳng có gì là lạ. Điều lạ là Nguyễn Huệ đã ngang ngược không thèm mượn một danh nghĩa nào cả. Nguyễn Huệ vâng lệnh Nguyễn Nhạc tiến ra Bắc với mục đích chiếm Thuận Hóa, rồi thấy dễ tiến luôn ra chiếm Thăng Long, không nhân danh gì cả. Nguyễn Huệ vào Thăng Long cướp kho tàng rồi rút về chỉ vì chưa nắm vững tình hình, mặc dầu cũng chiếm đất Nghệ An. Việc phù Lê chỉ là câu nói ngoài miệng sau khi diệt xong họ Trịnh và thấy tình thế chưa chín muồi để chiếm miền Bắc mà thôi. Nếu thực sự phù Lê thì Nguyễn Huệ đã không hống hách đòi quyết định việc kể lập vua Lê và đã không cướp kho, lấy đất như vậy.

Ông Trần Trọng Kim cũng dựng đứng ra con số hai chục vạn quân Thanh, không có trong một sử liệu nào, để thổi phòng tầm vóc của trận Đống Đa và ca tụng Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. (Trong hịch của Tôn Sĩ Nghị có nói lới năm chục vạn, nhưng đó, theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí chỉ là tờ truyền đơn mà mục đích là hù dọa làm mất tinh thần quân Tây Sơn. Chính Nguyễn Huệ cũng biết đây chỉ là chuyện hù dọa). ở một điểm Trần Trọng Kim giấu cả sự kiện. Toàn bộ việc thuật lại trận Đống Đa của ông dựa theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Nhưng trong khi Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép rằng quân Nguyễn Huệ đi sau các bức mộc bia, cứ ba mươi người đàng sau một bức, tất cả là hai mươi bức, thì Trần Trọng Kim bỏ đi câu tất cả là hai mươi bức , vì như thế chứng tỏ quân Tây Sơn chỉ có sáu trăm người, mâu thuẫn với tầm vóc hai chục vạn quân Thanh mà ông gán cho trận Đống Đa.

Ông Trần Trọng Kim cũng kể công Nguyễn Huệ cứu nước khỏi tay quân Thanh. Thực ra chính Nguyễn Huệ đã là nguyên nhân đưa tới việc quân Thanh can thiệp. Vả lại ở đoạn trên chúng ta đã thấy vào giai đoạn đó nhà Thanh hoàn toàn không có ý định đánh chiếm nước ta, chính vì thế mà sau trận Đống Đa họ đã bỏ nhà Lê mà hòa với Nguyễn Huệ. Ngược lại nếu Nguyễn Huệ còn sống để mà gây chiến với nhà Thanh thì rất có thể nước ta đã tan hoang và mất về tay quân Tàu.

Nhờ Việt nam Sử lược mà Nguyễn Huệ được ca tụng như một đại anh hùng làm vẻ vang cho dân tộc, nhưng thực ra Nguyễn Huệ chẳng quan tâm gì đến thề diện quốc gia. Đó là một ý niệm phức tạp của giới văn học mà một người sinh ra và lớn lên trong một môi trường đặc biệt như Nguyễn Huệ không quan tâm. Ông chấp nhận sang chầu vua Thanh, lạy phục xuống đất và hôn chân vua Càn Long. Sợ nhà Thanh phản trắc hãm hại, ông cho một người giả làm mình đi thay. Nhưng dù Nguyễn Huệ thật hay Nguyễn Huệ giả thì trên danh nghĩa vẫn là vua Việt nam lạy và hôn chân vua Trung Hoa. Nguyễn Huệ cũng thường làm những tờ bẩm gởi cho Phúc An Khang (người thay Tôn Sĩ Nghị làm tổng đốc Lưỡng Quảng) trong đó ông tự xưng là tiểu phiên. Trừ trường hợp Mạc Đăng Dung, chưa có vua Việt nam nào hạ mình đến thế.

Thái độ bênh Nguyễn Huệ của ông Trần Trọng Kim có nguyên nhân sâu xa. Gần hai thế kỷ phân tranh đã tạo ra theo tị hiềm giữa miền Nam và miền Bắc. Người miền Bắc vốn không ưa chúa Nguyễn, vua Gia Long sau khi đắc thắng lại trả thù báo oán, giết hại công thần khiến sĩ phu Bắc Hà càng ghét hơn. Các vua nhà Nguyễn không nể nang mà cũng chẳng đoái hoài gì đến miền Bắc, họ chỉ dùng bạo lực để thống trị mà thôi. Việc thi cử làm sĩ phu Bắc Hà rất phân nộ. Bắc Hà tự hào là đất văn học nhưng nhà Nguyễn chỉ cho Bắc Hà một số cử nhân, tiến sĩ thấp hơn miền Trung. Kể từ khi Pháp chiếm Việt nam thì không cứ gì sĩ phu Bắc Hà mà sĩ phu cả nước trách nhà Nguyễn bất lực làm mất nước, nhưng sĩ phu Bắc Hà thì mạt sát nhà Nguyễn ra mặt. Ông Trần Trọng Kim là một sĩ phu Bắc Hà và sách của ông chủ yếu viết cho sĩ phu Bắc Hà, trong đó tâm lý thù ghét nhà Nguyễn rất mạnh. Nguyễn Huệ là kẻ thù của nhà Nguyễn, vừa là hung thủ vừa là nạn nhân của nhà Nguyễn. Kẻ thù của kẻ thù là bạn. Ca tụng Nguyễn Huệ chỉ là một cách để chống nhà Nguyễn. Sự thù ghét nhà Nguyễn của ông Trần Trọng Kim rất rõ rệt.

Trong Việt nam Sử lược, ông mở đầu chương nói về Tây Sơn bằng một cuộc tranh luận công khai với nhà Nguyễn về nhà Tây Sơn, ông thẳng thắn nói lý của nhà Nguyễn không phải là lý của dân tộc. Ông Hoàng Xuân Hãn còn kể rằng khi ông vâng mệnh vua Bảo Đại mời ông Trần Trọng Kim vào gặp vua Bảo Đại để lập chính phủ, ông Kim mới đầu gạt phắt đi: Cái thằng Bảo Đại gặp nó làm gì. Lúc đó vua Bảo Đại chưa thoái vị. Trần Trọng Kim là một nhà nho, thường thường đối xử rất khiêm cũng, phải thù ghét lắm ông mới gọi vua bằng thằng.

Từ 1945 trở đi khi cuộc tương tranh quốc-cộng nổ ra, Nguyễn Huệ lại được thêm một đồng minh mới, mạnh hơn nhiều lần ông Trần Trọng Kim: Đảng cộng Sản Việt nam. Đảng cộng sản ca tụng Nguyễn Huệ đủ điều (một cuốn sách do chính quyền cộng sản xuất bản để ca tụng Nguyễn Huệ có tựa đề là Dòng Gươm Nhân ái ) và đã dồn nỗ lực đưa hình ảnh Nguyễn Huệ anh hùng áo vải vào quần chúng vì mục đích tuyên truyền. Tôn vinh Nguyễn Huệ là phủ nhận nhà Nguyễn, mà vua Bảo Đại của nhà Nguyễn lại đứng đầu phe quốc gia cho nên tôn vinh Nguyễn Huệ cũng là hạ nhục phe quốc gia. Hình ảnh áo vải cờ đào (cờ đào thì có nhưng áo vải thì không) cũng rất thuận lợi cho cuộc cách mạng vô sản. Nguyễn Huệ cũng tiêu biểu cho những giá trị nền tảng của đảng cộng sản: bạo lực và chiến tranh. Cả Nguyễn Huệ lẫn đảng cộng sản đều đã làm khổ dân chúng và làm đất nước suy kiệt, sự chính đáng của cả hai chỉ dựa trên nhưng chiến thắng quân sự. Các đô đốc của Nguyễn Huệ cũng thuộc thành phần cơ bản, nghĩa là cũng không thuộc giới văn học như các cán bộ nòng cốt của đảng cộng sản. Nguyễn Huệ cũng hành động như đảng cộng sản. Cũng dựa vào một thiểu số có đội ngũ để khống chế cả nước, cũng thẳng tay tiêu diệt mọi phần tử có thể trở thành đối thủ, cũng bất chấp mọi đau khổ của dân chúng và những đổ vở cho đất nước, cũng tráo trở và lật lọng với cả đồng minh và đối thủ. Chừng nào Nguyễn Huệ còn là thần tượng của người Việt nam chừng đó đảng cộng sản vẫn không thể bị phủ nhận dứt khoát, dù có bị thù ghét đến đâu đi nữa. Hình ảnh Nguyễn Huệ đã đóng góp rất nhiều cho thắng lợi của đảng cộng sản và vẫn còn giúp đảng cộng sản duy trì một chỗ đứng nào đó trong lòng người Việt nam. Sau 1975, các lãnh tụ lớn của đảng cộng sản đều đến làng Tây Sơn trồng một cây để tỏ lòng tôn kính với Nguyễn Huệ mà họ coi gần như một thánh tổ của đảng.

Tôn thất và triều thần nhà Nguyễn đã không thể tranh cãi về Nguyễn Huệ vì nếu tranh cãi về Nguyễn Huệ thì cũng phải bàn đến vua Gia Long và những hành động không đẹp của ông. Sau Bảo Đại ông Ngô Đình Diệm cũng tránh đề cập đến các vấn đề lịch sử vì thân thế của chính ông. Ông là bày tôi nhà Nguyễn và thuộc dòng dõi bày tôi nhà Nguyễn, và hơn nữa ông làm quan dưới chế độ Pháp thuộc chứ không tham gia đấu tranh giành độc lập. Ông không có thế đứng mạnh để tranh cãi về lịch sử và có lẽ cũng chẳng hiểu biết gì về lịch sử. Các tướng tá cầm quyền sau ông Diệm đều là những người không có chỗ đứng lịch sử vẻ vang vì trong đại bộ phận họ đã từng ở trong quân đội Pháp. Vả lại họ hoàn toàn không quan tâm đến văn hóa và lịch sử. Nói chung phe quốc gia không nhìn thấy cả một chiến dịch tâm lý chiến của phe cộng sản đằng sau việc thổi phồng và tôn sùng Nguyễn Huệ.

Còn các sử gia? Phải tiếc rằng họ đã có đủ tài liệu, mà đôi khi họ cũng đưa ra một cách lẻ tẻ, nhưng họ đã không có can đảm đính chính một sai lầm lịch sử, mặc dầu sai lầm này đã có tác dụng rất độc hại trên số phận của dân tộc.

Người Việt chúng ta có một đặc tính là bất cứ điều gì dù sai đến đâu mà được chấp nhận trong một thời gian cũng trở thành một chân lý khó lay chuyển. Không những chấp nhận mà chúng ta còn khó chịu khi có người đặt lại vấn đề. Chúng ta cũng có tâm lý dĩ hòa vi quí, hễ điều gì bất luận đúng hay sai mà mọi người đã cho là đúng thì đừng nên cãi nữa, chỉ gây bất hòa vô ích. Đôi khi sự gắn bó với thành kiến còn đi đôi với thái độ bất dung, hằn học đối với những người đề nghị xét lại một thành kiến. Và như thế sự sai lầm cứ tồn tại.

Tôi đặt lại vấn đề Nguyễn Huệ bởi vì sự tôn sùng ông đã có ảnh hưởng lớn trên số phận dân tộc và vẫn còn đang ngăn cản một chuyển biến tư tưởng cần thiết. Nguyễn Huệ tiêu biểu cho nhưng giá trị mà chúng ta cần đánh đổ: võ biền, độc đoán, hung bạo, lật lọng và trái ngược với những giá trị mà ta cần phát huy: hòa bình, bao dung, hòa giải, lương thiện. Tôn sùng Nguyễn Huệ là một tâm lý rất tai hại mà ta cần chấm dứt. Hơn thế nửa, nhân vật Nguyễn Huệ thực sự lại không phải như vậy. Nguyễn Huệ, Nguyễn ánh, Lê Chiêu Thống, v.v… Đều là tổ tiên chúng ta cả. Chúng ta phải chấp nhận họ như là quá khứ và cội nguồn của chính chúng ta. Không ai lựa chọn tổ tiên, phủ nhận tổ tiên là phủ nhận chính mình, nhưng bóp méo lịch sử là một chuyện khác. Lịch sử vừa là tấm gương soi chân dung của một dân tộc vừa là một kho kinh nghiệm để học hỏi và quyết định những chọn lựa cho tương lai. Bóp méo lịch sử chúng ta sẽ không còn biết mình là ai và sẽ phải làm việc với những tài liệu sai. Không, tôi không có ý định làm ngược lại điều mà ông Trần Trọng Kim và đảng cộng sản đã làm, nghĩa là đả phá Nguyễn Huệ vì một dị ứng hay một mục đích chính trị. Nguyễn Huệ như thế nào chúng ta cứ chấp nhận ông như thế Chúng ta có một nhân vật Nguyễn Huệ đã nổi loạn, gây nhiều máu lửa và tang tóc, đã chiến thắng các đối thủ, đã lên làm vua, rồi chết sớm và con cháu bị tiêu diệt. Đó là sự kiện. Nhưng thần tượng Nguyễn Huệ thiên tài quân sự, anh minh sáng suốt và nhân nghĩa chỉ là một sự xuyên tạc lịch sử có dụng ý.

Không nên nghĩ rằng các vấn đề văn hóa và lịch sử không gắn bó mật thiết với vận mệnh của một dân tộc. Qua Nguyễn Huệ chúng ta đã dung túng một số giá trị độc hại góp phần quan trọng tạo ra số phận bi đát hiện nay của đất nước. Cách đây năm nghìn năm, sắc dân Phénicien đã là những người tiến bộ nhất. Họ đã là người đầu tiên chinh phục biển cả, chế ngự cả vùng Địa Trung Hải và lập ra cả một nền văn minh thương nghiệp. Nhưng họ thờ thần Ham mon, thần chiến tranh và bạo lực. Sự hung bạo đã khiến họ tự hủy diệt và bị tiêu diệt sau đó. Tôi đã thăm di tích Carthage. Chỉ còn lại những bức tường đổ nát và những dấu vết của những tập quán ghê rợn. Thay đổi biểu tượng là thay đổi các giá trị nền tảng của xã hội, là thay đổi cách ứng xử, và cuối cùng thay đổi số phận của một dân tộc. Đối với những quốc gia đang bế tắc vì đã là nạn nhân của những giá trị độc hại đó cũng là một bắt buộc.
 
Trích tác phẩm Tổ quốc ăn năn)
 

 

 

77 thoughts on “Nhìn lại nhân vật Nguyễn Huệ

  1. Nếu muốn biết ý của nhà Thanh có thực sự muốn xâm chiếm nước ta hay không mà lại xem tài liệu của nhà Thanh thì tôi nghĩ cách tham khảo nguồn tư liệu của tác giả đã có vấn đề!

    Thích

  2. Nếu đây là sự thực thì chúng ta đã có 1 cái nhìn mới về Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, liệu có ai dám đủ can đảm để chứng minh không như tác giả nói sai lầm mà lặp lại trong thời gian dài thì nó sẽ thành sự thật.
    Nếu ai có nguồn nào nữa có thể cho tôi xin không ạ. Cảm ơn!

    Thích

  3. Kể từ khi quân Thanh tràn sang nước ta trở về trước thời kì nhà Thanh chính thức xâm chiếm thành công Trung Quốc mà tác giả nói rằng đã mấy trăm năm thì rất có vấn đề.
    Ở đâu tôi không muốn bắt bẻ những ý nhỏ nhặt, vì tác giả đã nói mình không phải sử gia mà là nhà chính trị. Nhưng, không hề có 1 trận chiến nào ở nước ta kể từ ngoại xâm hay nội chiến mà quân số chỉ là mấy ngàn người. Trong khi đó tác giả lại soi mói từng chi tiếc nhỏ về quân số của Tây Sơn, cần suy xét lại.
    Nếu nói về việc dùng Tây Sơn để tuyên truyền chính trị thì cũng đúng mà cũng sai. Bởi, không 1 ai đơn giản trong lịch sử nước ta, dù cho thời kì đất nước hỗn loạn mà từ 1 nhóm người, đã đánh Nam dẹp Bắc, đánh cả ngoại xâm, suy tính phương lược cao tới như vậy. Và nếu tác giả đã là 1 nhà chính trị thì tất nhiên phải hiểu mưu đồ chính trị rất cao thâm, và dĩ nhiên người muốn làm vua, ước vọng cao như Quang Trung mà không mưu lược thì rất khó tin, không hề có ai hiền mà làm nổi Vua của 1 nước.
    Xin tác giả xem sét lại.

    Thích

  4. Tác giả bài viết nói mình là một “nhà chính trị” mà chê trách :độc đoán ,hung bạo ,lật lọng,…tôi bỏ qua võ biền vì dùng từ này mà đánh giá Nguyễn Huệ thì chắc ko cần nói thêm nữa rồi .Còn về chính trị mà nói: hòa bình,bao dung,…Thì tôi xin cam đoan với tác giả là hiện tại nước Việt Nam sẽ chỉ bao gồm bắc bộ (ko bao gồm bắc trung bộ) và có lẽ tên là tỉnh Giao Chỉ thuộc Trung Quốc ?Ko biết tác giả ngay thơ hay ngu ngốc mà đưa ra “những đức tính cần và đủ của các chính trị gia” nực cười !Hoặc tác giả đang có ý đồ khác như ngu dân ?16 năm đèn sách thuộc sử Tây sử Tàu hơn cả sử Việt thì tác giả bài viết chắc khinh khi những Julius Caesar ,Thành Cát Tư Hãn(Genghis Khan) ,Napoleon ,Winston Churchill ,Abraham Lincoln…lắm .Ha ha ha !Thật ra thì bản thân tôi chỉ đọc phần đầu bài viết của tác giả,chắc có lẽ vì quá kinh thường hoặc ko thể nhịn cười đc với lập luận đó .Ha ha ha !!

    Thích

  5. Bài này chứng tỏ tác giả ấu trĩ quá sức tưởng tượng của tôi. Thí dụ lấy 20 tấm mộc, sau mỗi tấm là 30 người, kết luận tấn công chỉ có 600 người mà không biết đây là quân che đỡ để đột kích. Phía sau lực lượng đột kích mới là lực lượng chính. Tôi đọc tới đoạn đó ngán ngẫm tác giả quá, tấn công quân sự mà tác giả làm như là học toán, thấy 20 rồi nhân 30. Xin tác giả cố gắng nghiên cứu về lịch sử và hiểu biết về quân sự nhiều hơn. Gợi ý tác giả đọc cuốn Thanh thực lục do dịch giả Hồ Bạch Thảo dịch.

    Thích

      • đúng luôn,nếu quân sự mà như học toán,thì trận đánh nào cũng có sẵn đáp số rồi,tác giả nên học qua quân sự đi đã,triều đình đất nước mà quân đội có 1-2000 người,quá vô lý

        Thích

    • Tác giả là một thằng chánh trị gia giảo biện, cố lập lờ rằng vai trò của Tây Sơn/Nguyễn Huệ bị cộng sản tuyên truyền lên và Nhà Nguyễn/Gia Long bị cộng sản bôi nhọ. Thì rõ ràng là đánh tráo khái niệm, dù tác giả là chánh trị gia, nói lấp liếm nhưng tôi chê, ông ta chỉ là kẻ dốt hay nói chữ. Chưa kể để dìm Nguyễn Huệ, ông ta sẵn sàng nói quân Thanh không có ý định xâm chiếm và dẫn nguồn sử…nhà Thanh (nói như người miền bắc thì địt mẹ nó ngu) đây là cái tội rất lớn với tổ tiên khi bợ đít giặc, kể cả sử nhà Nguyễn có nói vậy thì cũng sai vì nhà Nguyễn đã thần phục Thanh và không phải người đánh Thanh. Rồi nói 6000 quân Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị thống suất sang chỉ có nhiêu đó thế Hứa Thế Thanh, Sầm Nghi Đống qua bán bún bò Huế à ?

      Thích

      • Phạm Minh Nhân@
        Khá đồng ý với quan điểm của bạn !
        Những gì mà Nguyễn Huệ đóng góp cho dân tộc thì nó sẽ còn mãi , tên tuổi ông rồi sẽ còn mãi , còn những cái mảng tối có giấu mãi cũng không được , lịch sử sẻ xử ông. Cộng Sản là cái quái gì mà tuyên truyền ? Chưa cần đến CS tuyên truyền , ngày xưa lúc Gia Long lên ngôi đã từng quật mồ , phá nát và triệt hạ tất cả những gì của Tây Sơn nhưng hơn 200 năm nay có ai quên được tên tuồi của vị anh hùng này ? đơn giản là vì đã là người có công với dân tộc , đã là anh hùng dân tộc thì tên tuổi họ sẽ sống mãi trong lòng dân tộc , trong dòng chảy lịch sử chứ họ đâu có trong mộ ! Cả ngàn năm qua tên tuổi của Hai Bà , Triệu Nữ Vương , Lý Thường Kiệt , Trần Hưng Đạo , Lê Lợi vẫn sáng chói , có vị nào biết mộ của các vị này ở đâu

        Thích

  6. Cách lập luận cũng như mục đích viết bài từ góc nhìn của sử gia khác, mà của chính trị gia cũng khác. Tác giả bài viết này cố gắng dùng góc nhìn của một chính trị gia để bác bỏ lại những gì đã được viết trong chính sử (và thậm chí là cả dã sử) và đưa ra thách thức là không có sử gia nào phản bác các luận điểm đó. Xin lỗi tác giả, họ không buồn phản bác, vì tác giả không đặt mình ở vị thế là tranh luận về lịch sử với tư cách là sử gia. Thêm vào đó, những luận điểm mà tác giả đưa ra đã sử dụng thủ pháp câu chữ để làm thay đổi bản chất vấn đề, và thậm chí là thay đổi sự thực. Tóm lại, bài viết này không có giá trị, cho dù là trên phương diện phân tích lịch sử hay đưa ra một góc nhìn mới về một vấn đề lịch sử.

    Thích

  7. Đây là bài viết của Nguyễn Gia Kiểng ,một ngườiThiên chúa giáo toàn tòng trước ở Hô Nai ,ông ta thù oán vua Quang Trung do vì đã giết nhiều người Thiên chuá giáo.Bài viết của ông trích tài liệu của nhà Thanh,của các giáo sĩ Tây phương và của sử quán triều Nguyễn thì làm sao mà có công tâm với triều Tây sơn.bài viết này không đáng để tranh luận,phản bác !

    Thích

    • Như vậy là đã có chứng minh vua Quang Trung đã giết người Thiên Chúa giáo thì chứng tỏ vua Quang Trung là kẻ hung bạo rồi còn gì. Khi tìm hiểu thì phải đọc nhiều nguồn để đi đến kết luận như vậy tác giả cũng đâu có sai. Nhà tây sơn cũng ko tồn tại lâu thì việc dùng tài liệu của triều Tây sơn cũng ko dể.

      Thích

    • Dưới thời Tây sơn mặc dù có Cấm truyền đạo Công giáo nhưng chỉ có giết 2 người (theo Lịch sử đạo công giáo VIệt Nam), nên không lấy lý do này để nói được, bản thân tôi thấy bài viết thực sự có vấn đề, trang nghiên cúu lịch sử mà không kiểm tra để lên bài thì thật buồn.

      Thích

  8. Tác giả có ít nhiều kiến thức lịch sử, tuy không phải là sử gia. Tuy nhiên, hướng trình bày không thực khách quan. Người đọc không có kiến giải chu đáo dễ bị mơ hồ về nhân vật Quang Trung Hoàng đế thông qua bài viết này.

    Thích

  9. Nguyễn Gia Kiểng hoàn toàn có một cái nhìn ngu tối và thiển cận về lịch sử Việt Nam. Các anh hùng dân tộc Việt Nam từ trước đến giờ có được tôn vinh hay không cũng đều từ nhân dân mà ra cả. Ai có công lao giúp dân giúp nước thì được nhân dân tưởng nhớ. Không phải muốn là được. Kiến thức ông hẹp hòi như thế thì không nên phát ngôn bừa bãi, Nếu ông muốn trao dồi thêm kiến thức về sử nhà thì hãy gặp tôi. quynhonnguyenquocbinh@gmail.com

    Thích

    • chỉ biết chửi người viết ngu dốt nhưng ko chịu hiểu người dân ca tụng anh hùng vì theo xu hướng của người viết sử và ko thể có phương tiển đa chiểu để kiểm nghiệm nguồn tin , với lại ngưởi Việt Nam chỉ biết a dua là chính thiếu chính kiến nên việc tác giả viết bài này ko có gì sai tôi ko phải là sử gia và ít học chỉ nói lên tiếng nói của con người giữa cái đúng và sai. với cái nhìn eo hẹp như vậy mà đòi dạy kẻ khác nên tôi ko để lại email nhưng sẽ trả lới nếu có phản bác

      Thích

      • Nè bạn, bạn nói bạn ít học là tôi hiểu rồi, không phải cứ đưa ra phản bác, góc nhìn trái chiều là tiến bộ, mà còn có thể là cái ngu không chịu sửa đó bạn, tôi hỏi bạn 3 vấn đề về bài viết của ông Kiểng nhé:
        1. Dựa vào tài liệu nhà Thanh và bảo quân Thanh không xâm lược thì đó là lập luận kiểu gì ? Nó khác gì việc dùng tài liệu Nga sô để nói Sô Viết ko xâm lược Ba-Lan ? Nói vậy không thấy có tội với tổ tiên chăng ?
        2. Dựa vào đâu để nói quân Thanh chỉ có 6000 quân của Tôn Sĩ Nghị khi ngoài Tôn còn quân của Hứa Thế Thanh, Sầm Nghi Đống, những đạo quân này là văn công theo hát hò chăng ?
        3. Tác giả Kiểng chỉ nêu mỗi trận Đống Đa để vặn vẹo thế trận Rạch Gầm-Xoài Mút chắc là đại hội giao lưu quân đội hai nước Việt-Xiêm chăng ?

        Thích

    • Dạ chào bác! Xin cho hỏi bác có tài liệu về ngày tháng năm sinh của tất cả các vị Minh Quân, Danh Tướng, Nho sĩ, Trí thức,… từ thời dựng nước của dân tộc ta không vậy ạ?! Cảm ơn bác rất nhiều ạ!

      Thích

  10. Xin hỏi tác giả
    1. Tại sao chỉ nói đến trận Đống Đa mà ko thấy nhắc đến trận Rạch Gầm-Xoài Mút?
    2. Tác giả có biết nhà sử học Trần Trọng Kim sống vào thời vua Bảo Đại ko? Vào thời nhà Nguyễn trị vì, nếu ca ngợi Tây Sơn và ca ngợi Nguyễn Huệ thì sẽ có hậu quả thế nào?
    3. Căn cứ vào đâu mà tác giả lại tin một nhà sử học người Đài Loan hơn là các nhà sử học của Việt Nam? Tác giả có mục đích gì khi viết bài này.
    4. Tại sao ko thấy tác giả nhắc đến việc Nguyễn Ánh bị đánh cho phải trốn chui trốn nhủi, phải cầu viện hết Xiêm đến Pháp.

    Thích

  11. Tôi chưa tan thành hay phản bác bài viết của Nguyễn Gia Kiểng, vấn đề là bài viết nêu ra một loạt luận điểm khác hơn, mới hơn. Để phản bác thì phải chăng nên nêu ra những luận điểm, luận chứng, luận cứ khách quan, dẫn nguồn rõ ràng, còn nói là không thèm phản bác thì e là hơi kém thuyết phục. Rất xin lỗi quý vị

    Thích

  12. Đúng như tác giả nói chúng ta đang thổi phồng công lao của Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ có tài về quân sự thì không ai bàn cãi nhưng còn về chính trị thì rõ ràng ông thua xa Nguyễn Ánh. Nếu Nguyễn Huệ sống thêm vài chục năm nữa thì cục diện phân chia đất nước chỉ kéo dài thêm chứ Nguyễn Huệ không đủ sức đánh bại Nguyễn Ánh. Những cải cách về hành chính, nông nghiệp,…của Nguyễn Ánh rất hợp lòng dân nên được nhân dân ủng hộ, còn Nguyễn Huệ thì không. Cái mạnh của Nguyễn Huệ là cái mạnh nhất thời, đúng như lời Hoàng Ngũ Phúc đã nói. Tuy nhiên phải nói công tâm rằng tác giả đã công kích Nguyễn Huệ quá nhiều.

    Thích

    • Sao bạn biết Nguyễn Huệ không thể có những cải cách mang tính đột phá về hành chính, về nông nghiệp,… (ví dụ như dẫn chứng của bạn về Nguyễn Phúc Ánh). 1. Nguyễn Huệ điều hành triều đình của mình trong thời chiến, không phải thời bình để có thể làm việc đó. 2. Bên cạnh ông có những người có thể nói là hiền sĩ như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp. 3. Bạn dựa vào đâu nói Nguyễn Ánh hợp lòng dân hơn Nguyễn Huệ?. Chuyện đã qua, nói nếu thì thì dễ lắm nhưng bạn sẽ lấy gì chứng minh.

      Thích

      • Ông đưa ra dẫn chứng những cải cách của Nguyễn Huệ về kinh tế, chính trị làm cho dân ấm no sung túc đi. Dựa vào vài ba sĩ phu Bắc Hà theo Huệ mà bảo Huệ được lòng dân Bắc Hà à ? Đọc Đại Nam liệt truyện để biết có bao nhiêu sĩ phu Bắc Hà trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh nhé.
        Nguyễn Huệ được lòng dân mà khi quân Thanh kéo sang thì dân chúng theo Lê, theo Trịnh nổi lên như ong, như kiến. Quân Huệ lúc đó chỉ co cụm trong các thành, ai đi ra ngoài tuần tiễu đều bị nhân dân bắt giết sạch. Biết lòng dân không thuận nên Ngô Thị Nhậm đã hiến kế bỏ Bắc Hà, kéo quân về giữ Tam Điệp đấy thôi.

        Thích

  13. Tác giả cũng nên suy nghĩ lại vì một người bình thường không thể làm nổi Hoàng Đế. Việc đánh trận dù gặp quân ô hợp đến đâu thì vẫn cần dùng cái đầu.

    Thích

  14. Muốn nghiên cứu lịch sử thì phải có sử liệu. Lịch sử là lịch sử .. Chính trị là chính trị .. Không được chơi kiểu “hai trong một” nghĩa là bóp méo lịch sử để biện minh cho khuynh hướng chính trị. Bài viết trên của ông NGK có khá nhiều sử liệu mà cho đến nay vẫn chưa hề đươc công bó rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trong các trường học. HS hay kể cả SV khoa Lịch sử của các trường Đại học vẫn chưa được cung cấp các sử liệu này để được tự do phân tích và tự do kết luận.. Các GV dạy bộ môn Lịch sử ở các trường Trung học dạy HS dựa vào sách GK .. Các Giảng viên ĐH cũng không khá gì hơn.. Giáo trình giảng dạy của họ cũng phải được cấp trên thông qua .. Và, lẻ đương nhiên, SGK các trường Trung học hay Giáo trình của các trường ĐH phải phục vụ cho thiên hướng chính trị của nhà cầm quyền …

    Chả trách vì sao giới trẻ hiện nay chán ghét bộ môn Lịch sử .. Trước đây khi chưa có internet, HSSV chỉ biết nghe theo lời thầy cô giảng dạy .. Dạy gì biết nấy .. Nhưng nay thì khác … Học LS ở trường nhưng khi vào internet tra cứu thì có khá nhiều chuyện không phải thế .. Ví dụ như chuyện Lê văn Tám .. Thế là hoang mang .. Không biết chuyện nào là thực, chuyện nào là .. dựng lên để tuyên truyền !!!

    Theo tôi, bài viết của ông NGK là một bài viết rất hay và đáng đọc, ít ra cũng về mặt .. sử liệu !! Vậy thì, khoan quy kết thế này thế nọ về ông NGK mà nên tiếp tục tìm hiểu và phân tích thêm để rồi kết luận cho riêng mình ..

    Có sử liệu , ta cứ tiếp tục tìm hiểu xen như thế nào !!!!

    Thích

  15. Ông này tự cho mình là nhà chính trị mà có suy nghĩ hết sức ngây thơ khi cho rằng người Mãn Thanh không hề muốn xâm lược nước ta .Ông còn nhiều lập luận quá kém về mặt quân sự :một ngàn kỵ binh do Phan văn Lân kéo đi đánh quân Thanh mà ông cho là quá ít ,thực sự trên chiến trường một ngàn kỵ binh là khá đông rồi ,với lại đánh nhau với quân tiên phong nhà Thanh chứ đâu thể nào đánh nhau với cả mấy chục ngàn quân 1 lượt.
    Ông còn lập luận quân Tôn Sĩ Nghị khi bỏ chạy qua cầu phao chỉ có quân kỵ còn chạy bộ theo là đám a dua ,qua đó Ông cho là Sĩ Nghị đem theo chừng vài ngàn người ,sự thật là không đạo binh nào hành quân chỉ có kỵ binh ,còn phải có bộ binh đi kèm rồi quân tạp dịch nữa ,vài chục ngàn là đúng .
    Ông lập luận chính nhà Tây Sơn đã làm cản bước tiến thôn tính Chân Lạp của nhà Nguyễn thì thật buồn cười vì nhà Nguyễn thời Nguyễn Phúc Loan đó đã quá suy yếu như Ông đã thừa nhận ,thì làm sao thôn tính nỗi Chân Lạp .Sau này thời Minh Mạng lúc nhà Nguyễn hưng thịnh nhất mà còn để Trương Minh Gĩang thoái quân khỏi Chân Lạp ,không dễ nuốt nước khác đâu Ông ơi .
    Ông lầm lẫn khi cho là trận Đống Đa ,Nguyễn Huệ cho binh sĩ dùng các tấm mộc che chắn ,đó là trận Ngọc Hồi .Sau khi tiêu diệt quân chủ lực ở Ngọc Hồi ,cánh quân khácdo Đô đốc Long chỉ huy rạng sáng ngày mùng 5 Tết mới tần công bất ngờ Đống Đa ,mở đường cho đại quân vừa thắng ở Ngọc Hồi tiến vào Thăng Long .
    Không chỉ Trần Trọng Kim mới ca ngợi Nguyễn Huệ mà cả sử gia nhà Nguyễn trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí đều không có lời khinh thường Nguyễn Huệ mà còn cho là N.Huệ mắt sáng như sao tiếng nói như chuông đồng không ai dám nhìn thẳng vào mặt ,vào Nam ra Bắc như chốn không người …
    Còn rất nhiều không thể nói hết ,nhưng qua nhận xét của tác giả cho thấy Ông là nhà chính trị như Ông thừa nhận hết sức ngây thơ ,kém nhản quan quân sự …Đành rằng con người ai không có khuyết điểm ,Napoleon cũng vậy mà …cách Ông hạ thấp giá trị của N.Huệ thật không đáng nêu ra .

    Thích

  16. Nói nhà thanh ko có ý định xâm chiếm nc ta thời điểm đó thật ấu trĩ. Tác giả căn cứ theo sử tàu thì càng sai lầm. Nếu nói tàu giúp nhà Lê ngăn ko cho quân Tây Sơn chiếm phía bắc sau đó sát nhập vào lưỡng quảng còn nghe đc. Bài viết này tôi ko nhất trí với quan điểm của tác giả.

    Thích

    • Quang Trung là anh hùng của nước Việt Nam ta, bọn Tàu đang có âm mưu hạ bệ tất cả các anh hùng của nước Việt- đã dám đánh tan lũ bạo ngược xâm lược Tàu chạy trối mạng về nước. Chúng tạo dựng và cung cấp các bản dịch không đúng, thiếu tính cách thực tiễn. Xin đừng dễ tin, mà sa vào mưu chước của giặc.

      Thích

    • Hôm qua là ngày Mồng Năm Tết Ất Dậu, kỷ niệm 226 năm chiến thắng Đống Da của Hoàng Đế Quang Trung, mình tìm lại được hai bức thư viết từ sáu năm trước, hồi âm cho một người bạn và một độc giả, cả hai đều là người hoàng tộc ở Huế, nói quan điểm của mình về cái nhìn của ông Nguyễn Gia Kiểng (tác giả cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn) đối với Hoàng Đế Quang Trung.
      Ông Nguyễn Gia Kiểng chê vua Quang Trung là tướng cướp bất tài, chê quân Tây Sơn là bọn cướp ô hợp và dẫn lời của một ông giáo sư đại học “Tưởng Quân Chương nào đó”, giảng dạy tại Đại học VK Sài Gòn rằng trong trận Đống Đa vua Quang Trung đánh bại Đại quân Tôn Sĩ Nghị năm 1789, về phía quân Tàu, Tôn Sĩ Nghị chỉ đem có sáu ngàn quân Tàu sang làm “thanh viện” (hỗ trợ bằng miệng) chớ không có đến hai mươi vạn quân Thanh như sử chép, vì hồi đó không có đường xá để chuyển quân và lương thực cho một đoàn quân lớn như thế.

      *

      Thư thứ nhất:
      Thứ 4, 4/02/09, Thieu Khanh đã viết:

      Nguyễn Phúc V.B. thân mến,
      Tôi đã đọc Tổ Quốc Ăn Năn của Ông Nguyễn Gia Kiểng cách đây khá lâu, và thú thật với VB là tôi không có kiên nhẫn đọc hết. Tác giả tự nhận mình là nhà hoạt động chính trị chớ không phải sử gia. Ông ấy không cần phải nói điều đó thì người đọc cũng biết, vì cách đọc sử và viết sử của ông ta rất… quái gở. Tôi không nói là ông ta không biết đọc lịch sử, nhưng thú thật là tôi không hiểu tại sao ông ta phải đọc – và phải viết – lịch sử một cách nông cạn và khôi hài như thế. Ông ấy không phải là người đầu tiên gọi Nguyễn Huệ là giặc. Người đầu tiên gọi như thế là Nguyễn Ánh, tức về sau là vua Gia Long, và có thể nói tất cả các sử gia triều Nguyễn đều gọi Nguyễn Huệ như thế. Nguyễn Huệ mà Nguyễn Gia Kiểng gọi là tướng cướp vô tài bất tướng ấy, suốt hơn hai mươi năm làm tướng – từ năm 19 tuổi – chưa hề thất trận lần nào, mà những chiến thắng của ông ta đều “sấm sét.” Mỗi lần Nguyễn Huệ đem quân vào Nam là Nguyễn Ánh chỉ còn nước… chạy ra các hòn đảo xa xôi heo hút ngoài biển để thoát thân và lánh nạn. Các sử thần triều Nguyễn chẳng hề “nể mặt” Nguyễn Gia Kiểng nên đã ghi rõ như thế. Nhưng có những người đương thời với Nguyễn Huệ biết ông ấy là một anh hùng (từ lâu trước khi ông ấy lên ngôi hoàng đế). Một trong những người đó là một cung nữ của vua Lê Chiêu Thống (Hoàng Lê Nhất Thống Chí). Không những vua Lê Chiêu Thống không bằng một người đàn bà, mà vào thế kỷ 21, trí tuệ con người đã có nhiều mặt vượt xa người xưa nhưng quả là cái thấy của ông Nguyễn Gia Kiểng vẫn còn không bằng nhãn quan của một người cung nữ thế kỷ 18, một người mà vào thời đó – và mãi đến gần đây – bị coi thuộc giới… không qua ngọn cỏ!
      Nước ta vào các thế kỷ 13 – 15 thì có bao nhiêu dân? Đời nhà Trần, vào thế kỷ 13, chỉ riêng vùng Nghệ An Thanh Hóa có thể cung cấp hàng chục vạn (trăm ngàn) quân, như trong câu thơ của vua Trần Nhân Tôn (Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan Diễn do tồn thập vạn binh). Thời Hồ thế kỷ 15, Hồ Quí Lý từng ao ước có được một triệu quân để đánh Tàu. Thế thì nước Tàu vào thế kỷ 18 lại không huy động được hai mươi vạn quân, mà chỉ sai “sáu ngàn kỵ binh” sang Việt Nam! Há nhà Thanh lại u mê tăm tối không biết rằng Việt Nam là nước duy nhất “trong thiên hạ” đã từng ba lần đánh bại quân xâm lăng Mông Cổ hùng mạnh hạng nhất vào thế kỷ 13 hay sao mà lại sai sáu ngàn quân qua Việt Nam làm “thanh viện” để “ôm đầu máu” chạy về cho nhục? Chuyện “thanh viện” và “sáu ngàn kỵ binh” chỉ là một cách nói để vớt vát thể diện của Thanh triều sau khi Tôn Sĩ Nghị sống sót chạy về nước qua ngõ… ống đồng! Tôn Sĩ Nghị vốn là Tổng Đốc Lưỡng Quảng đấy. Sai có “sáu ngàn kỵ binh” mà phải đặt một ông tổng đốc Lưỡng Quảng làm đại tướng thống lĩnh hay sao?
      Để làm nhẹ bớt tầm quan trọng của số quân lớn lao này, các tư liệu của Tàu nói rằng đám quân sang “giúp” Lê Chiêu Thống cứ một người lính thì có ba hay bốn người phục dịch cơm nước và cắt cỏ cho ngựa. Nếu tin như vậy, trong số hai mươi vạn quân ấy, chính thức chỉ có khoảng năm chục ngàn tên cầm vũ khí. Nhưng nếu chúng thắng trận thì liệu hơn một trăm năm chục ngàn tên “không chính thức cầm vũ khí” kia sẽ làm gì? Có quân đội của quốc gia nào chỉ đếm đầu lính mang súng và không kể lực lượng hậu cần không?
      Tôi không phải là sử gia. Đương nhiên tôi cũng không phải là… Càn Long, nhưng nếu tôi là Càn Long, tôi cũng thấy rằng “thiên triều” không nên thua và bị tiêu diệt đến hai mươi vạn quân. Cái thua đó là quá đau, quá nhục, là bôi tro trát trấu vào mặt thiên triều. Vua Càn Long chỉ nên thua và mất vài chục thằng lính thôi. Như thế cái mặt “thiên triều” còn nguyên, không ai có thể nói đó là… mặt mo được.
      Thế nhưng nếu Nguyễn Huệ chỉ “lỡ tay” đánh bại vài chục, thôi cho là vài trăm, thậm chí vài ngàn lính của “thiên triều,” thì tội vạ gì phải “đích thân” (thực ra là sai người cháu đóng giả vai mình) sang Tàu để cầu hòa? Nguyễn Huệ phải “lỡ tay” đánh tan hơn hai chục vạn quân của Càn Long(1) nên mới phải làm vậy để thiên triều đỡ mất mặt gây chiến tranh phục thù lôi thôi. Và Nguyễn Huệ cũng phải “lỡ tay” giết hai chục vạn quân của chúng chỉ trong vòng năm ngày đến nổi dân Tàu ở vùng biên giới sợ ông ta thúc quân đánh tràn qua nên bỏ nhà cửa chạy hết đi lánh nạn “khiến cho hàng trăm dậm đất từ Ải Nam Quan vào sâu trong nội địa của Tàu tịnh không có tiếng gà gáy cho sủa!” (Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử Lược, dẫn theo trí nhớ), thì ông ta mới có đủ hào khí để tới giữa triều đình nhà Thanh đòi đất Lưỡng Quảng chớ! (Sử gia Trần Trọng Kim là người có tinh thần kính trọng hoàng triểu “truyền thống”, và ra “làm quan” cho triều Nguyễn mà phải nói thế đấy.)
      Sử sách nói Nguyễn Huệ chỉ muốn lấy chuyện đòi đất để thăm dò xem mức độ… tè ra quần của bọn Tàu ra sao mà thôi, chớ có phải ông ta dốt nát gì mà không biết cái “khối thịt” Lưỡng Quảng thừa sức… đè mình chết tươi. Phúc Khang An, tổng đốc Lưỡng Quảng (thay Tôn Sĩ nghị), sợ Nguyễn Huệ đến… suýt vải ra quần, đến nổi ông ta biết vua Quang Trung đến “chầu thiên triều” chỉ là một ông vua giả, một người cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu, còn vua Quang Trung thật thì đang ở Nghệ An chuẩn bị lực lượng để đánh Nguyễn Ánh trong Nam, mà cũng câm như hến, không dám hé miệng tâu với Càn Long. Có khi chính bản thân Càn Long cũng biết đó là vua Quang Trung giả mà ông ta vờ tin là thật cho yên chuyện (và để cho an toàn ra về). Trong lịch sử Trung Quốc đâu có thiếu chuyện vua chư hầu về triều chầu thiên tử rồi bị cầm giữ luôn không cho về nước. Liệu vua Càn Long có “nai” đến nỗi tin vua Quang Trung ngu dại đích thân vào hang cọp nộp mình?
      Theo chỗ tôi biết, những sử liệu của Tàu liên quan đến chuyện này được các sử gia ta trích dẫn nhiều lắm, và dĩ nhiên là các nhà viết sử Tàu (hoặc các báo cáo của những tướng lãnh thất trận) cũng cố dối quanh (cho đỡ nhục), nhưng trong khi ông A dấu khúc đầu để lòi khúc đuôi và khúc giữa, thì ông B dấu khúc giữa để lòi khúc đầu và khúc đuôi, còn ông C thì dấu kỹ khúc đuôi, chỉ chừa khúc đầu và khúc giữa. Càn Long có lẽ là một trong những ông đó. Nhưng viết sử mà trích dẫn kiểu như thế thì … lạ lắm. Ông Nguyễn Gia Kiểng phải phân bua: “tôi không phải là sử gia.” Không phải thì thôi, cứ im miệng đi… như tôi, thì có ai nói gì đâu! Sao lại bôi bẩn ra như thế bắt các thế hệ sau phải chùi rửa?
      Tôi không nhớ hết thư tịch Việt Nam liên quan đến trận đánh năm Kỷ Dậu 1789, nhưng tôi biết những tư liệu đó (phần lớn trích dẫn thư tịch Tàu) không phải khó kiếm. Kể cả các thư tịch Tàu được các sử gia của ta khai thác “tận nguồn cơn”. Nhiều tư liệu lý thú lắm, nó làm cho các “kiến giải” của Nguyễn Gia Kiểng thành ra… không giống ai, Vĩnh Ba ạ.
      Ông Nguyễn Gia Kiểng nói “Tôi chưa thấy sử gia Việt nam nào bác bỏ sự kiện của ông Tưởng Quân Chương”, vị “chuyên gia người Đài Loan về Việt Nam” cho rằng “Tôn Sĩ Nghị tổng đốc Lưỡng Quảng đã đem sáu ngàn kỵ binh sang Việt Nam để phô trương thanh thế.” Còn tôi thì nói: “tôi chưa thấy ai bác bỏ cách viết sử với đầu óc nô lệ Tàu một cách tối tăm tội nghiệp như nhà hoạt động chính trị Nguyễn Gia Kiểng này”. Lý do của cả hai sự kiện trên là: người ta không đếm xỉa đến, Vĩnh Ba bạ. Nhưng việc sổ toẹt cuốn Tổ Quốc Ăn Năn thì có. Ít nhất, gõ vào Google cái tên Trần Thị Bông Giấy, Vĩnh Ba có thể gặp được một trong những người làm cái việc sổ toẹt đó. Và bà ấy làm khá “thuyết phục”.

      Thiếu Khanh.
      Chú thích:
      1. Có chỗ nói đến 29 vạn, nghĩa là gần ba trăm ngàn quân.

      *

      Thư thứ hai:

      Wed, Feb 4, 2009 at 9:40 PM
      Kính anh Tôn Thất Th.,
      Cám ơn anh đã thông báo một số tư liệu về triều Tây Sơn theo cái nhìn của các thừa sai Gia Tô Tây phương. Những tư liệu đó tôi đã có đọc rồi. Và tôi ngờ rằng không phải các sử gia viết về triều đại này hoàn toàn không biết đến nguồn tư liệu đó.
      Trong khi các vị thừa sai này (chưa nói họ đứng ở đâu để nhìn và nhìn bằng loại kính màu nào) thấy phong trào Tây Sơn là một bọn cướp không có luật pháp, không biết cai trị, thì hoàng đế Càn Long của nhà Thanh đã dành cho “vua Quang Trung”(1) những nghi thức có thể nói chưa từng có trong lịch sử bang giao giữa Việt Nam (“chịu phong”) và Tàu (“thiên triều”) nói riêng, và giữa Tàu với các nước nhỏ khác trong vùng, nói chung, khi “vua Quang Trung” vào “triều kiến”. Đáng kể trong các nghi thức đó là “Lễ Bảo Tất” (Càn Long bày tỏ tình cảm trìu mến với “vua Quang Trung” như cha với con – lúc đó vua Càn Long đã ngoại thất tuần và Quang Trung mới bốn mươi tuổi.), và đặc cách cho họa sĩ vẽ truyền thần vua Quang Trung ngồi trên mình ngựa. Ngày nay chân dung vua Quang Trung mà chúng ta đang có chính là bức vẽ này đây, và đó thực ra là chân dung của Phạm Công Trị, cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu, đóng giả vua vào “triều kiến” vua Càn Long. Không có một quốc vương nào trong suốt lịch sử bang giao của quốc gia họ với Tàu được cư xử như thế. Nghi thức “bảo tất” (ôm đầu gối nhà vua), ngoài ý nghĩa ngoại giao nhún nhường về phía ta, không hề hạ thấp nhân cách của vua Quang Trung. Ông Nguyễn Gia Kiểng là “chính khách” mà không hiểu được sách lược ngoại giao của triều Tây Sơn, được Ngô Thì Nhậm thực hiện, trong tình thế tế nhị này. Đó là hai anh hùng (trong con mắt Càn Long) kết nghĩa cha con theo tuổi tác. “Hoàng đế thiên triều” không thể kết nghĩa cha con với giặc cỏ hay tướng cướp. Một người giết chết vài chục người thì kẻ đó là tội phạm. Khi ông ta đánh tan hơn hai mươi vạn quân của thiên triều, giết chết vài chục ngàn người thì đó là một thiên tài.
      Thế thì cùng một đối tượng đó, có hai cái nhìn khác nhau. Vị “thiên tử”, hoàng đế của một nước lớn mà suốt dòng lịch sử chưa bao giờ nguôi mộng thôn tính nước ta, vừa bị Quang Trung đánh cho te tua cái đạo binh hơn hai mươi vạn quân chỉ trong năm ngày, đã phải nhìn thấy Quang Trung là một bậc anh hùng lỗi lạc. (Người ta phải bại trận dưới tay một anh hùng lỗi lạc chớ, sao lại thua thê thảm dưới tay một tướng cướp được!). Vị “thiên tử’ đó dành cho Quang Trung những nghi thức như thế để cho thiên hạ thấy ông ta cũng là một bậc minh quân anh hùng, biết thương yêu người có tài. Nên biết là Càn Long (nhất định) phải biết đây chỉ là vua Quang Trung giả. Và ông ta phải ngậm đắng nuốt cay để ra vẻ minh quân như thế.
      Giữa hai nguồn tư liệu này – từ các thừa sai Gia Tô và từ các thư tịch Tàu – cái nào có giá trị hơn? Đâu cần phải viện đến tình tự và lòng tự hào dân tộc để chọn nguồn tư liệu Tàu trong trường hợp này! Ông Nguyễn Gia Kiểng không cần phải lo chuyện đi đứng ăn uống cho hơn hai mươi vạn quân Thanh để “suy ra” còn có sáu ngàn tên kỵ binh. Ông Nguyễn Gia Kiểng đặt câu hỏi hai mươi vạn quân là con số quá lớn trong khi đường sá không có, vậy chúng đi bằng cách nào để băng qua rừng núi. Tôi cho đó là một câu hỏi hoàn toàn không thông minh. Hoặc ít ra ông hoàn toàn mù lòa về lịch sử. Chắc là ông ta tưởng Napoleon đã… dùng máy bay không vận quân đội của mình sang nước Nga và sang Ai Cập chăng? Có lẽ ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng Việt Nam và Tàu thời đó tuy giáp biên giới với nhau, “núi liền núi sông liền sông,” nhưng chưa có máy bay và đường xe lửa thì làm sao Tôn Sĩ Nghị có thể chuyển được hai mươi vạn quân xâm lăng sang VN! Đây không phải là lần đầu tiên bọn giặc phương Bắc ấy sang xâm lăng nước ta, và cũng là lần cuối cùng trong thời phong kiến. Trận đánh của vua Quang Trung đã làm chúng nguội hẳn mộng xâm lăng Việt Nam trong suốt 190 năm (tính đến năm 1979).
      Thời Lý, không lẽ Lý Thường Kiệt chỉ dẫn vài ngàn quân sang đánh và vây hãm hai Châu Ung và Liêm của Tàu thời Tống sao? Lý Thường Kiệt dẫn vài vạn quân sang đánh chúng được thì chúng cũng làm được như thế, và nhiều hơn thế, để đánh ta. Vả lại trong các triều đại Nguyên và Minh trước đó chúng cũng từng mang đại quân sang xâm lăng nước ta mà chúng không hề thấy có khó khăn gì để phải hỏi ý Nguyễn Gia Kiểng. Nguyễn Gia Kiểng thực tình ngây thơ hay giả nai không biết các đạo quân nào tham chiến do những tướng lãnh nào chỉ huy thì các tư liệu lịch sử của Tàu đã có ghi.
      Còn chuyện số quân lính đông đảo đó đi đứng thế nào, ăn uống ra sao thì đã có các tướng lãnh của chúng lo, và trong báo cáo “tổng kết chiến dịch” chúng có ghi rõ đã dựng những trạm tiếp tế lương thực ở đâu trên con đường tiến quân từ Tàu qua đến Việt Nam, chỉ có điều các sử gia của ta phát hiện chúng nói phét: khi tháo chạy về nước, chúng toàn chui rúc theo đường núi thâm u hẻo lánh rất gian nan vất vả để tránh bị truy kích (trong báo cáo của chúng nói thế), nhưng cứ xưng xưng là đến đâu chúng đều đốt bỏ các trạm lương thực đã xây dựng trước đó trong lúc tiến quân để khỏi rơi vào tay quân Tây Sơn. Sao chúng lại xây dựng các trạm tiếp tế lương thực trong rừng núi hẻo lánh thâm u? Không lẽ chúng biết trước sẽ thảm bại và chạy bán sống bán chết về nước bằng những con đường đó?
      Cách đây nửa thế kỷ, ông Nguyễn Gia Kiểng còn là một thanh niên nhẹ dạ non nớt, bị một anh Tàu vô danh “hù”. (Nói vô danh vì dù lúc bấy giờ tuy ông Tưởng Quân Chương nào đó là giáo sư đại học, nhưng giới nghiên cứu lịch sử cho đến nay vẫn cứ không thèm biết đến ông ta). Thay vì cảm thấy lòng tự hào dân tộc bị xúc phạm, Nguyễn Gia Kiểng phải dốc lòng học cho thuộc lịch sử và nghiên cứu thật sâu lịch sử của dân tộc mình để củng cố lòng tin vào đất nước và kính trọng tiền nhân, và dũng cảm đính chính và cho anh Tàu Đài Loan đó một bài học về sự xấc xược của anh ta mới đúng, đàng này Nguyễn Gia Kiểng bị “khớp” và bạc nhược đầu hàng môi mép một anh Tàu để quay ra tìm cách minh chứng một cách bịa đặt ấu trỉ cái xấu cái dở của tiền nhân, những anh hùng dân tộc, với những bài viết nhục nhã rất đáng xấu hổ. Tư liệu lịch sử đâu phải là không có hoặc quá khó tìm đối với anh thanh niên Nguyễn Gia Kiểng ngày xưa và với ông già chính khách Nguyễn Gia Kiểng ngày nay đang làm chính trị ở nước ngoài!
      Ông ta cho rằng các cấp chỉ huy trong quân đội Tây Sơn toàn các đô đốc vì họ quá tôn sùng bọn cướp biển và chức đô đốc của bọn cướp biển là một ước mơ của họ, chớ họ không có Hải quân làm sao lại có đô đốc! Một lý lẽ liều lĩnh và thiển cận rất trẻ con! Ông ta không biết Đề đốc Hứa Thế Hanh của Tàu có phải là Hải quân hay cướp biển gì đâu! Năm Đinh Dậu (1537) vua nhà Minh sai Cửu Loan làm Đô Đốc, Mao Bá Ôn làm Tán Lý quân vụ, đem quân đi đánh Mạc Đăng Dung thì bọn quân Tàu đó cũng chẳng phải là Hải quân hay cướp biển! Con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn (Phúc Chu ?) phong làm đô đốc trấn giữ Hà Tiên đấy, có phải là Hải quân hay cướp biển gì đâu? Trước đó, năm 1693, chúa Nguyễn đánh lấy nước Chiêm Thanh đổi thành Thuận Phủ và phong cho ba người con của một hoàng thân Chiêm Thành làm chức Đề đốc, và một người khác làm chức tả đô đốc trấn giữ Thuận Phủ (về sau là vùng đất Bình Thuận), đâu phải là Chúa Nguyễn lập Hải Quân cho họ, hay phong cho họ làm cướp biển! Thật ra thì từ thời Lê Trịnh ngành quân sự được chia thành năm phủ, gồm bốn phủ Đông Tây Nam Bắc và Trung quân phủ, mỗi phủ có quan tả hữu đô đốc đứng đầu. Năm 1655, tướng Trịnh là Trịnh Trượng giữ chức Thống lĩnh Kinh lược xứ Nghệ An bị tướng của Chúa Nguyễn là Nguyễn Hữu Tiến đánh bại. Chúa Trịnh Tráng liền giáng Trịnh Trượng xuống làm đô đốc, rồi sai con là Trịnh Tạc vào làm Thống Lĩnh Nghê An.
      Các chức đô đốc, đề đốc vốn đã có trong quân đội của cả Việt Nam và Trung quốc từ thời xa xưa(2) . Chỉ đến khi tiếp xúc với quân sự của Tây Phương người ta mới dùng những từ đề đốc, đô đốc có sẵn để dịch các chức quan Hải Quân ở cấp tướng lãnh của họ(3), nên ông Nguyễn Gia Kiểng tưởng chức đề đốc và đô đốc trong quân đội các triều đại ngày xưa của ta cũng phải là của lực lượng Hải quân! Nếu ông ta biết Nguyễn Tri Phương từng được phong làm Tổng Thống quân vụ, có lẽ ông ta suy ra vua Tự Đức có đầu óc… Cộng hòa!(4).
      Thật tội nghiệp và thật đáng ái ngại cho ông chính khách. Ông ta làm chính trị đấu tranh cho cái gì đây? Đấu tranh cho ta thua Tàu chăng? Trong cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn và nhất là trong bài viết nhục nhã về vua Quang Trung này ông Nguyễn Gia Kiểng đã nói rõ.
      Ông Nguyễn Văn Lục (Có hai ông Nguyễn Văn Lục, ông Nguyễn Văn Lục với bài viết về Tây Sơn trên DCV có lẽ là em trai của giáo sư Nguyễn Văn Trung, người Thiên Chúa giáo) có thể tin vào các vị thừa sai Gia Tô của ông, nhưng dường như ông chưa dám mạnh miệng khẳng định bậy bạ và hỗn láo về triều Tây Sơn và vua Quang Trung như ông Nguyễn Gia Kiểng đã làm (và gần đây có vài “nhà văn” bắt chước, tưởng như thế là “có hiểu biết.”). Còn chuyện quân lính cướp bóc thì đâu có riêng gì quân khởi nghĩa Tây Sơn? Sử chép, dưới thời chúa Trịnh Khải, quân lính triều đình (kiêu binh) “kéo nhau hàng trăm hàng ngàn đi cướp bóc làng mạc nhân dân. Dân bắt được tên lính nào đi lẻ loi thì giết ngay. Quân với dân coi nhau như kẻ thù” (Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử Lược, dẫn theo trí nhớ) Đó là quân chánh quy của triều đình, chớ không phải quân “nổi loạn” như Tây Sơn.
      Vào đầu thế kỷ 19, khi Napoleon đem quân đi đánh Nga, quân đội dưới quyền vị hoàng đế “bách chiến” này tiến vào Moscow liển… rã ngủ để đổ xô đi ăn cướp, đến nỗi Napoleon không còn quân đội nữa, phải vội vã mang đội quân cận vệ tháo chạy khỏi nước Nga và bị Tướng Kutuzov truy đánh tan tành, hút chết. Một số quân lính Tây Sơn ô hợp vốn là nông dân đói khát dẫu có đi ăn cướp thì cũng có thể hiểu được thôi.
      Ông Nguyễn Gia Kiểng tưởng những cuộc Thập Tự Chinh của Tây phương vào những thế kỷ trước đánh phá tan nát vùng Trung Đông chỉ là những cuộc du ngoạn giao hảo, văn minh lắm chắc?
      Chỉ tiếc vị hoàng đế lẫm lệt Quang Trung chết sớm quá, chưa làm được gì nhiều, nên Nguyễn Gia Kiểng chê ông bất tài, không làm được chuyện gì cả. Nguyễn Gia Kiểng không hiểu được tầm quan trọng của việc vua Quang Trung cổ vũ việc dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán với lập luận: Vua Quang Trung không phải là người sáng tạo ra chữ Nôm, mà chữ Nôm vốn đã có từ trước. Không ngờ kiến thức của ông ta lại non nớt thê thảm như thế. Một ông chính khách với kiến thức nông cạn như thế thì liệu ông ta có thể đảm nhận được công việc gì nếu có ai đó muốn mời ông”tham chính” nhỉ? Tôi có cảm giác ông Nguyễn Gia Kiểng có mối thù gia tộc rất thâm sâu riêng với Nguyễn Huệ nên ông ta dùng mọi lời lẽ ti tiểu để “hạ bệ” vị anh hùng dân tộc này. Mối thù đó là của Gia Long Nguyễn Ánh chớ! Nhưng ngay cả các hậu duệ của hoàng tộc nhà Nguyễn ngày nay cũng đã hiểu lẽ phải lịch sử. Họ cũng tự hào với vị hoàng đế vĩ đại vốn là kẻ thù không đội trời chung với vị Thế Tổ Cao Hoàng Đế của họ.
      Thật là tức cười, tuy chê bai mạt sát Quang Trung Nguyễn Huệ một cách tàn mạt, Nguyễn Gia Kiểng lại viết: “Nhà Tây Sơn tuy chỉ kéo dài một thời gian ngắn nhưng đã ảnh hưởng rất lớn lên lịch sử nước ta và địa lý chính trị trong vùng.” Chỉ cần ông ta biết được một điều như thế là đủ quí hóa rồi. Nhưng khi ông ta viết những câu dưới đây, tôi cho ông ta hoàn toàn giống một tên Việt gian tiếp tay biện hộ cho Tàu:
      “Thực ra chính Nguyễn Huệ đã là nguyên nhân đưa tới việc quân Thanh can thiệp. Vả lại ở đoạn trên chúng ta đã thấy vào giai đoạn đó nhà Thanh hoàn toàn không có ý định đánh chiếm nước ta, chính vì thế mà sau trận Đống Đa họ đã bỏ nhà Lê mà hòa với Nguyễn Huệ. Ngược lại nếu Nguyễn Huệ còn sống để mà gây chiến với nhà Thanh thì rất có thể nước ta đã tan hoang và mất về tay quân Tàu. ”
      Tôi hoàn toàn không muốn nói ông Nguyễn Gia Kiểng là một kẻ cực kỳ “XXX”. Chỉ riêng những câu trên đây của ông ta đã đủ chúng tỏ như thế. Từ khi bắt đầu viết tôi đã cố tránh dùng những lời đó, tuy tính chất ấy rất “khớp” với tất cả những gì ông ta đã viết ra trong vấn đề này. Nhưng nói như thế bất nhã và bất nhẫn quá.
      Thiếu Khanh.

      *
      Chú thích:
      (1). Chỗ này tôi để chữ “Vua Quang Trung” trong dấu ngoặc kép, vì đây là ông vua giả, một người cháu của vua Quang Trung đóng giả vai nhà vua sang “chầu” vua Càn Long nhà Thanh.
      (2). Đọc lại Việt Nam Sử Lược của Trần Trong Kim tôi bắt gặp nhiều chỗ khác nữa các triều đại ta và Tàu đều có phong chức đề đốc hay đô đốc cho các tướng lãnh quân đội mà không ai là sĩ quan Hải Quân cả. Ví dụ:
      -Năm Đinh Dậu (1537) vua nhà Minh bèn sai Cừu Loan làm đô đốc (…) đem quân sang đóng gần cửa Nam Quan… (Trần Trọng Kim, VNSL, Tân Việt, SG 1968, trang 273.);
      -Trịnh Tạc sai (…) Lê Sĩ Triệt làm đô đốc đóng ở Hà Trung… (Trần Trọng Kim, sđd. Trang 304);
      -… quân ta đánh thua ở Lạng Sơn… quan phó đề đốc Nguyễn Viết Thành tử trận (…) quan đề đốc tỉnh Quảng Tây… (sđd, – 507)
      (3). Có lẽ Trần Trọng Kim là người đầu tiên, khi soạn Việt Nam Sử Lược, đã dùng các từ đề đốc và đô đốc để dịch các các cấp bậc tướng lãnh trong Hải quân Tây phương, và từ đó các cấp bậc quân sự này được mặc nhiên dành riêng cho Hải Quân chăng?
      (4). Chức Tổng Thống còn được thấy ở một chỗ khác trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim: “Triều đình thấy thế giặc ngày càng to, bèn sai (…) ông Lê Bá Thận làm tổng thống, đem quân ra đánh dẹp từ tháng hai đến tháng sáu mới xong.” (sđd trang 521.)

      Thích

    • “Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan Diễn do tồn thập vạn binh”. Từ câu này mà ông suy ra là vùng Thanh Hoá – Nghệ An có thể cung cấp chục vạn quân thì … Tui lạy ông luôn.
      Lúc bấy giờ quân nhà Trần thất bại ở vùng đồng bằng bắc bộ. Khi quân Ô Mã Nhi – Toa Đô kéo quân ra bắc hội quân cùng Thoát Hoan định đánh kẹp quân nhà Trần. Biết được ý định của giặc, 2 vua Trần đã đưa quân đội vượt biển vào Thanh Hoá, Nghệ An. Số quân này cùng quân của Trần Quang Khải đang trấn thủ ở đây hợp lại được chừng 10 vạn.
      Câu thơ trên chỉ quân ta ở Hoan Diễn có chừng 10 vạn chứ không phải là đất Hoan Diễn có thể cung cấp 10 vạn lính.

      Thích

  17. Theo tôi chưa nên kết luận vội cho ông NGK . Có nhiều sự việc hiện nay đã lật ngược 180 độ đó thội ! Chúng ta có tâm lý mỗi khi nghe người khác phản biện thì khó chấp nhận . Các Mác đã trả lời con gái : ” câu châm ngôn mà cha thích nhất là : hoài nghi và hoài nghi tất cả ! ” . Cách dẫn chứng và lập luận của ông NGK tôi thấy rất thú vị , thuyết phục…chúng ta nên tìm hiểu nghiên cứu thêm .

    Thích

  18. Bài viết rất thuyết phục. Nhiều tư liệu làm ta phải suy nghỉ và cần xem xét lại . Đừng vội quy kết NGK . Tâm lý nghe phản biện là khó chấp nhận đã thâm căn cố đế trong ta cần được giãi tỏa… có bao vấn đề đã được đưa ra ánh sáng làm ta phải ngỡ ngàng, có bao v/ đề đã quay 180 độ đó thôi !

    Thích

  19. Nguyễn Gia Kiểng này cũng chỉ là một tên “mọi bút” nên viết tào lao ba vớ vẩn chứ hiểu mẹ gì lịch sử. Đéo cắn nổi CS nên sủa tào lao. Viết cungtx phải làm sao thuyết phục được người ta chứ. Chỉ được mấy anh chàng ăn theo nịnh nọt như mấy kẻ xu nịnh tên Đặng Chí Hùng cả vậy thôi. Chung quy mấy hạng “mọi bút” này mong chuyện làm chính trị để hòng trả thù CS 41 năm về trước vậy thôi. Bản phu chả ưa gì CS, thậm chí rất ghét nhưng xin nhắc nhở mấy “anh hùng núp lùm ngoại quôc” này chả thấy gì đáng phải nể phục hay theo họ. Quá tầm thường!

    Thích

  20. Muốn làm một chính trị gia để cho mấy chục triệu đồng bào Việt bọn ta theo thì không phải là tên Nguyễn Gia Kiểng hay tên Đặng Chí Hùng “mọi bút” mà làm được đâu. Có giởi thì các người hãy về VN này mà đập chết hết CS đi xem nào! Chứ đừng có mãi làm “Anh hùng núp lùm” ở ngoại quốc mà sủa vu vơ vậy! hèn lắm. Hèn hơn cả CS nhiều đó các ngươi. Ta khinh những hạng tầm thường đó.
    Nguyễn Gia Kiểng này cũng chỉ là một tên “mọi bút” nên viết tào lao ba vớ vẩn chứ hiểu mẹ gì lịch sử. Đéo cắn nổi CS nên sủa tào lao. Viết cungtx phải làm sao thuyết phục được người ta chứ. Chỉ được mấy anh chàng ăn theo nịnh nọt như mấy kẻ xu nịnh tên Đặng Chí Hùng cả vậy thôi. Chung quy mấy hạng “mọi bút” này mong chuyện làm chính trị để hòng trả thù CS 41 năm về trước vậy thôi. Bản phu chả ưa gì CS, thậm chí rất ghét nhưng xin nhắc nhở mấy “anh hùng núp lùm ngoại quôc” này chả thấy gì đáng phải nể phục hay theo họ. Quá tầm thường

    Thích

  21. Ko cần phải sử gia cũng thấy sự dã tâm của người Tàu lúc nào cũng có ý định xâm lăng và từng đô hộ Việt Nam qua nhiều thời gian dài trong lịch sử,vậy mà tác giả cho là vua Càn Long nhà Thanh ko có ý định đánh Nguyễn Huệ mà chỉ đem quân để dọa Nguyễn Huệ thần phục Lê Chiêu Thống và đám quần thần nhà Lê(sic), đúng là ngớ ngẫn. Trần Trọng Kim VNSL là một nhà sử uy tín,trung thực mà hầu như người Việt ưa thích,vậy mà tác giả chê trách đủ điều trong khi lại tin vào nhà sử Đài Loan cũng là Trung Quốc. Nói rằng Tây Sơn chặn đứng sự bành trướng lãnh thổ CamBot của chúa Nguyễn đã chấm dứt sự tiếp xúc và giao thương với thế giới bên ngoài nhất là phương Tây. Lại sai nữa,phải nói nước Cao Miên lúc bấy giờ thường bị giặc Xiêm uy hiếp, thời nào của VN cũng được Cao Miên yêu cầu giúp đỡ cho đến khi đời Minh Mạng làm nhiều điều càn dỡ bắt công chúa Miên và nhiều quan thần của Miên về Thăng Long… khiến cho Xiêm với Miên phải hợp sức đánh quân Minh Mạng,chống ko lại ,Trương Minh Giãng quan bảo hộ Miên cùng quân lính phải rút khỏi Miên vào năm 1940 mà nguyên nhân cũng do Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà,chỉ biết bế quan tỏa cảng thì trách chi ai không tiếp xúc với thế giới bên ngoài,di hại đó bảo sao ko bị giặc Pháp đô hộ gần 100 năm. Chưa kể những điều sai khác của tác giả .

    Thích

  22. Bài quá nhảm nhí, sai lệch trầm trọng . từ hơn 3000 năm nay có khi nào thằng Tàu ko âm mưu thốn tính VN? Tác giả quá ngu si khi nói đọc sử Tàu để nói Tàu ko có ý định chiếm VN!

    Thích

  23. Thằng mọi bút Nguyễn Gia Kiểng này chắc là con cháu rơi rớt lại của Gia Long đây, cay cú vì cụ tổ mình nhiều lần bị Nguyễn Huệ đánh cho chạy té cứt té đái nên sủa bậy để bôi xấu Nguyễn Huệ thôi! (fun tí)
    Phân tích lịch sử thì phải dựa vào nguồn dữ liệu từ nhiều phía khác nhau, chứ toàn dựa vào tài liệu của phía đối lập và là kẻ thù của Tây Sơn như: TQ, nhà Nguyễn, các giáo sỹ Pháp… thì làm sao mà có được sự khách quan và tin cậy?

    Thích

    • Mọi bút/đĩ bút Kiểng là thành phần mọi đạo Hố Nai, bị các cha dòng nhồi sọ, tẩy não từ tấm bé, tiếp thu “hồng ân” của Pháp quốc từ nhỏ, nhờ Pháp quốc giúp đỡ Nguyễn Thái Tổ Gia Long phục quốc, nên tâm hướng ngoại quốc, dù tây hay tàu đều theo, dẫn nguồn sử giặc để nói giặc không chiếm nước ta thì đúng là quân bất lương. Tôi là giáo dân (không phải Hố Nai, giáo xứ Phú Táo cũng gần nơi ông Kiểng) nên cũng rõ phần nào kiểu giáo dục truyền thống của các xứ khác, ở xứ tôi còn lâu nhé, con Thiên Chúa vẫn biết lẽ phải, giữ điều răn nhưng vẫn tôn trọng truyền thống và lịch sử chứ không phải thích nói gì thì nói nhé.

      Thích

      • Đỗ Tĩnh Nhiên@
        Bạn đúng là một người Thiên Chúa Giáo có lý trí , khác hẳn những người Thiên Chúa Giáo mà tôi đã từng gặp ! khâm phục bạn ! tôi đã từng đọc mấy bài của ông này nhưng không bao giờ tiêu hóa nổi !

        Thích

  24. 1 bài viết thể hiện sự thiển cận, thiếu tư liệu của tác giả, tôi đang soạn bài bài dài vê nguyễn huệ, và chắc chắn tác giả bài này nên đọc để biết thêm về nguyễn huệ và sự nguy hiểm của càn long

    Thích

  25. Đọc xong bài này, em có một số ngu kiến, xin các thầy thấy đúng không đúng bỏ quá cho:
    1/ Đầu luận thầy cũng đã nói làm chính trị ko quan trọng sử, và sử phải khách quan và minh bạch. Em cũng xin phép nói, toàn bộ bài luận rất hay, nhưng chung quy cũng chỉ là thuyết âm mưu của thầy, chưa ai công nhận,bằng chứng là những lá thư của các giáo sĩ trao đổi với nhau, thầy nói úp mở làm em cũng hơi nghi ngờ….
    2/ Em thực sự cũng không thích Quang Trung lắm, và ông Nguyễn Ánh em cũng không để tâm mấy, mà em thấy có vẻ thầy đả kích Quang Trung hơi nặng. Mà đả kích sao cũng được, miễn phải có chứng cứ, dẫn chứng, ít ra cũng là một hai tấm mình để mọi người còn thấy thầy đả kích đúng chứ ko phải nói bừa….
    3/ Em thực sự không thích cách liên tưởng thái quá của thầy ở sau bài viết về sự không minh bạch của lịch sử để móc nối với chính trị hiện tại và quá khứ. Như thầy cũng nói : Hoà bình, bao dung, hoà giải, lương thiện…… nhưng cuối bài em lại thấy sự ngược lại……
    -Em cũng chỉ là thằng con nít ranh thôi, chưa qua được nửa đời người, nói sai hay nói bậy, xin các thầy cô bỏ quá…..

    Thích

  26. Chưa thấy cha nào viết bài về nhân vật lịch sử mà ngu như cha này, nếu NH Ko có tài thì sao lên ngôi hoàng đế, nói quân Tây sơn ô hợp vậy tại sao họ 4 lần vào nam đánh nhà Nguyễn với quân Xiêm la, rồi 3 lần ra bắc đánh trịnh với quân Thanh, nói nhà Thanh Ko có ý đồ cướp nước ta qua mật chỉ của Càn Long cho TSN là thiển cận từ ngàn năm nay TQ ko bao giờ từ bỏ việc cướp nước ta nếu như có cơ hội, rồi cha nói cứ 30người khiêng một tấm ván rồi cha suy ra quân TS đánh trận đó chỉ có 600 người đó chỉ là mũi đột kích che chắn cho quân chủ lực phía sau mà đó là trận Ngọc Hồi cha ơi chứ ko phải trận Đống Đa (cha dốt lịch sử mà cứ khoái nói) thòi chiến tranh vũ khí lạnh mà nói nhà Thanh đem có 6000 kỵ binh là vô lý cha lấy chứng cứ đâu ra mà nói vậy hiện nay các nhà sử học đang tranh luận chưa ngã ngũ về quân số của quân Thanh sang xâm lược nước ta nhưng chưa ai dám nói quân số là 6000 kỵ binh như cha đâu Ko lẽ dẫn quân qua rồi cho quân sĩ ăn cỏ chung với ngựa hả rồi còn các binh chủng hỗ trợ sao cha ko tính, mình là người VN noi chuyện lịch sử thì phải khách quan phải dựa vào sử mình chứ đừng lấy sử Đài loan đừng vì ghét bỏ mà lên án coi anh hùng dân tộc của mình là ăn cướp là này là nọ cha nói tiếng Việt, chưa ko phải nói tiếng tàu

    Thích

  27. Bài viết vớ vẩn ! Nhận mình là chính trị gia ( …Tôi không phải là sử gia, cũng không phải là một nhà nghiên cứu mà là một người hoạt động chính trị …) mà suy xét thiển cận , kiến thức thì hạn chế (…Con số hai chục vạn quân Thanh cũng rất sai sự thực……..dẫn tài liệu của Thanh triều, nói rằng Tôn Sĩ Nghị tổng đốc Lưỡng Quảng đã đem sáu ngàn kỵ binh sang Việt nam……..Con số này theo tôi là hợp lý…) Ông NGK chẳng lẽ không biết rằng 6 ngàn quân kỵ thì phải cần bao nhiêu ngựa không lẽ nhất kỵ nhất mã ? rồi lương thực cho kỵ cho mã ai mang ? Thời vũ khí lạnh thì quân kỵ là “trời” Một kỵ có ít nhất 2 quân phục dịch chăm sóc ngựa , quân trang quân dụng cho kỵ chưa kể các binh chủng khác cần phối hợp nữa . Thế mà cũng đòi viết bài nhận định đòi xét lại tiền nhân ! Nguyễn Gia Kiểng là thứ hâm nặng

    Thích

  28. Đúng sai của bài viết tôi xin miễn bàn vì đọc vài đoạn đầu đã thấy nhiều bất cập. Theo nhận xét cá nhân tôi thì bài viết trên cũng giống với đại đa số các bài viết về lịch sử Việt Nam trước đây. Hết thẩy hay đại đa số đều ẩn chứa mục đích chính trị. Các a muốn beo Cộng Sản thì có nhiều cách nhưng xin đừng giâm vết xe đỗ của họ…xin đừng lấy lịch sử làm công cụ…lịch sử chỉ cần tả đúng thôi được rồi, còn suy xét cứ để người đọc,họ đủ trình làm chuyện đó

    Thích

  29. 1/Người viết là người đang bất mãng chế độ Việt Nam.
    2/ Người viết là người muốn thay đổi chế độ
    3/ Người viết nội dung này cũng có vài phần đúng nhưng vì thù địch chế độ hiện thời mà viết quá phiến diện nên cảm thấy bị phản cảm.
    4/ Người này chưa đủ tầm.

    Thích

    • Người viết hay đúng hơn Nguyễn Gia Kiểng, tôi chê, thậm chí tôi thấy ông ta chỉ là một thằng ngu sử, thích áp đặt và suy diễn, bị chánh trị và thù hận Tây Sơn-Nguyễn che mắt. Nói nhà Thanh không có ý định chiếm Đại Việt thì tôi thấy đây là cái ngu lớn nhất và có tội với tiên tổ nước Việt, nhà Nguyễn thần phục nhà Thanh, tất nhiên phải bợ đít nịnh đầm họ nên phải viết thế, còn suy diễn hồ đồ rằng nhà Thanh yên bình mấy trăm năm nên không giữ nhiều quân thế mấy cha con Mạc Cửu, rồi Dương Ngạn Địch chống ai mà chạy qua VN, các làng Minh Hương đầy miền nam sao ko có làng Thanh Hương ? Rồi thì ngoài Tôn Sĩ Nghị cho là 6000 quân đi thì cái đám Hứa Thế Thanh và Tôn Sĩ Nghị là dân quân trung cộng à ?
      Thứ ngu hằn học tối ngày chỉ nghĩ cộng sản tuyên truyền, xin thưa thời VNCH thế hệ chúng tôi rất thần tượng Nguyễn Huệ, mặc dù tôi thì không nhưng hồi đấy tôi đọc rất nhiều bài viết viết về ông ta, không có mùi thù hận như vầy. Sang Canada tôi được gặp nhiều bậc niên trưởng có chuyên môn về lịch sử, ngày trước đều là giáo sư các viện đại học lớn ở Saigon, ai nấy cũng đều đồng tình vấn đề nhìn nhận vai trò lịch sử của Nguyễn Huệ, triều Tây Sơn đều không liên quan gì chánh trị, cộng sản hay VNCH.

      Thích

  30. Đọc bài viết của ông xong, tôi nhận thấy rằng ông không phải nhà sử học, không nghiên cứu về lịch sử mà ông viết bài còn hơn cả ông Trần Trọng Kim. Như vậy, những tài liệu mà ông viết ra được lấy từ đâu? Tôi không tranh cãi về lịch sử, vì lịch sử theo tôi là do kẻ chiến thắng tạo ra. Tôi thiết nghĩ ông là một người con cháu, hậu duệ của mấy triều đại thời cận đại bị Nguyễn Huệ tiêu diệt. Những bình luận của ông cũng sặc mùi ân oán cá nhân. Tóm lại, theo quan điểm của tôi thì lịch sử là do chế độ mới tạo dựng lên và không ai có thể xét lại hay thay đổi lịch sử được.

    Thích

  31. Tết đến, nói đến chiến dịch Xuân Mậu Thân Kỉ Dậu 1779 là bình thường. Tìm hiểu và ca ngợi Quang Trung cũng là bình thường. Ngay đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã tôn vinh ông. Song đang có một nhận định lại, mang tính hạ thấp và dèm pha Nguyễn Huệ. Đó là ý kiến của Nguyễn Gia Kiểng, một người tự xưng là một chính trị gia.
    Trong bài viết, có nhiều điều không đáng bàn luận. Song cũng có vài điều đáng chú ý. Một là NGK “bị thuyết phục” bởi ý kiến của một học giả Đài Loan, với những dữ liệu ông cho là hợp lí. Hai là NGK cho rằng cho đến khi xâm lược nước ta, Tôn Sĩ Nghị chỉ đem theo khoảng 6.000 kị binh(?!). NGK cũng cho rằng, đến khi đưa quân vào nước ta nhà Thanh đã ổn định đất nước được 200 năm, một điều không hoàn toàn đúng đắn, khi những phong trào phản Thanh phục Minh vẫn đang không ngừng nổ ra đây đó. Một trong những ánh phản của nó là việc rất nhiều người Minh Hương đã và đang tiếp tục chạy về Đàng Trong, cũng như vùng đất giữa nước ta và Cam phu chia, như trường hợp cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích.
    Đem quân ra nước ngoài không thể không thận trọng. Tôn Sĩ Nghĩ còn tính cả đến chuyện chống lại hỏa hổ của Tây Sơn. Thế thì làm gì có chuyện khinh địch đến mức chỉ đem theo có 6 ngàn kị binh. Vậy, ngoài quân Lưỡng Quảng do Tôn Sĩ Nghị đích thân nắm, thế còn cánh quân Điền Quảng của Hứa Thế Hanh và Sầm Nghi Đống thì là loại quân gì? Quân số bao nhiêu? Nên nhớ, địa danh gò Đống Đa sau này mới có. Trước đó đã có tới 12 gò đống chôn xác giặc Thanh, gọi là Kình Nghê quán. Về sau mới gom về thành một gò chung như bây giờ.
    Một điều nữa, mặc dù đã biết rằng rất nhiều tướng lĩnh của Tây Sơn được gọi là đô đốc, một chức danh thủy quân, song NGK lại không hề biết tới việc Tây Sơn có một lực lượng thủy quân mạnh mẽ và khổng lồ, thậm chí là một lực lượng thủy quân bộ chiến viễn chinh, mà nước Mĩ đến thế kỉ XX này mới thành danh và được thế giới biết đến. Đó chính là điều lí giải cho khả năng chuyển quân nhanh như chớp từ bắc vào nam của Tây Sơn. NGK cũng không hiểu được khả năng điều quân đồng thời từ nhiều hướng, nhiều địa bàn, để làm nên các cuộc hội chiến lớn, như các chiến dịch tấn công Gia Định, Rạch Gầm Xoài Mút, và nhất là chiến dịch Thăng Long Xuân Kỉ Dậu 1789. Nên nhớ, ngay từ Rạch Gầm Xoài Mút đánh quân Xiêm, ít nhất Tây Sơn đã điều động các lực lượng pháo binh, tượng binh từ Tây Nguyên xuống, trong khi các cánh quân thủy đi đường biển lại xuất phát từ Quy Nhơn. Và quân thuyền của Tây Sơn lúc đó cũng đủ sức chuyên chở theo voi và lương thảo cho loại quân này. Trong chiến dịch Xuân Kỉ Dậu cũng vậy, ngoài lực lượng trung quân đánh từ phía nam ra, còn có các cánh quân hội về Thăng Long từ vô số hướng. Tượng binh từ thượng đạo đánh vào Đàm Mực giày xéo lên bao quân Thanh chạy từ Ngọc Hồi. Môt cánh quân theo đường thượng đạo khác đánh vào lực lượng Sầm Nghi Đống đóng ở Khương Thượng, và đánh thẳng vào cửa Tây Luông. Đấy là chưa kể cánh vu hồi xa, theo đường thủy lên tận vùng Phượng Nhãn, Bắc Giang.
    Bản thân Ngô Văn Sở cũng đã chỉ huy một đạo quân thủy bộ mạnh mẽ, hàng vạn người và chiến thuyền, đóng ở Tam điệp, đủ sức cắt đôi hẳn sơn hà. Nên nhớ đó cũng đều là lực lượng thủy binh lục chiến viễn chinh tinh nhuệ, không dưới một vạn quân. Nếu Tôn Sĩ Nghị chỉ có 6 ngàn kị binh, thì chỉ riêng đánh với Ngô Văn Sở đã không lại.
    Tuy nhiên, đây cũng là một quan điểm. Cứ thử đọc và suy ngẫm.

    Thích

  32. Tôi rất đồng tình với quan điểm và dẫn chứng của tác giả, đã từ lâu tôi cảm thấy nghi ngờ mức độ vĩ đại của nhân vật Nguyễn Huệ, nhưng không có nhiều dữ liệu để tìm hiểu. Tôi đã từng rất tự hào về người anh ùng không có khuyết điểm như sử sách viết này và tìm hiểu nhiều để củng cố niềm tin của mình, nhưng giờ thì chúng ta đã có cái nhìn rõ hơn về nhân vật Nguyễn Huệ rồi. Có cái chưa đồng tình lắm với tác giả là cho rằng ở miền bắc người ta thổi phồng Nguyễn Huệ mà ở miền nam trước đây không có, tuy nhiên, ở miền nam (VNCH) có trung tâm tâm huấn luyện quân sự mang tên Quang Trung Nguyễn Huệ, việc này cũng cho thấy chúng ta ở khắp nơi đều khá huyễn hoặc về vị Hoàng đé này thưa tác giả.

    Thích

    • Mình đồng tình với cảm giác nghi ngờ về hình tượng hoàn hảo của người anh hùng Nguyễn Huệ, nhưng tại sao bạn lại không nghi ngờ về góc nhìn này của tác giả. Chẳng lẽ cứ góc nhìn khác với góc nhìn bạn đã học thì đều là đúng, còn quan niệm trước đây đều là sai?

      Thích

  33. Nguyên cái đoạn “…các tài liệu của nhà Thanh cho thấy một cách rất rõ rệt là vua Càn Long không có ý định đánh chiếm nước ta. Không những thế vua Càn Long còn cấm Tôn Sĩ Nghị giao chiến…” đã cho thấy tay tác giả bài này “có vấn đề nặng về tư duy”. Hai lẽ là:
    1. Tôn Sỹ Nghị đề xuất xuất binh có nêu rõ “…Nhân dịp này nếu hưng phục cho nhà Lê được rồi ta sẽ đặt thú binh mà giữ lấy nước…”
    2. Khi thời cơ bành trướng lãnh thổ xuất hiện, thì có triều đại nào bỏ qua đâu. Các chúa Nguyễn và các vua mở đất phương nam … là cái chi chi vậy, Kiểng ?
    Nên dùng muối có trộn iốt trớc khi … nói, hén.

    Thích

  34. Một bài viết hay nhưng đầy mùi hằn học với Nguyễn Huệ, tôi chả ưa ông Huệ hay ông Ánh, nhưng đọc bài tôi biết ông tác giả chỉ cố tổ lái qua vấn đề cộng sản tuyên truyền và sự thật về phe “quốc gia”. Buồn nôn là cảm giác sau khi đọc nửa cuối bài viết. Dù sao rất cảm ơn vì những thông tin bổ ích đầu bài viết.

    Thích

  35. Ai cần ăn năn bây giờ ?

    “Cần phải trở lại trường hợp Nguyễn Huệ bởi vì đó là một sai lầm đã kéo dài quá lâu và đã gây quá nhiều tác hại. Tôi không phải là sử gia, cũng không phải là một nhà nghiên cứu mà là một người hoạt động chính trị. Người hoạt động chính trị nói những điều cần nói, có bổn phận phải nói trung thực, dựa vào những sự kiện nghiêm túc và lý luận một cách lương thiện. Nhưng người hoạt động chính trị nếu không có thì giờ như trường hợp của tôi, không có bổn phận phải ghi chú dữ kiện lấy từ sách nào, chương nào, trang nào, v.v… Đó là công việc của nhà nghiên cứu. Những dữ kiện mà tôi dựa vào để bàn về Nguyễn Huệ là có thực, các sử gia đều có. Trước hết là một vài nhận định về chiến thắng Đống Đa. ” ( TQAN-NgGiaKiểng)

    Nói như vậy thì viết sách làm gì? Chưa kể chuyện luận không thông, a form of begging the question by faulty excuse, at least, nếu không muốn nói là “gian biện”
    Phải dẫn chứng, đưa tài liệu rõ ràng.

    “Theo ký ức tập thể của chúng ta trong trận này Nguyễn Huệ đã chỉ trong một đêm phá tan hai mươi vạn (hai trăm ngàn) quân Thanh, tránh cho chúng ta ách Bắc thuộc. Thực ra các tài liệu của nhà Thanh cho thấy một cách rất rõ rệt là vua Càn Long không có ý định đánh chiếm nước ta. Không những thế vua Càn Long còn cấm Tôn Sĩ Nghị giao chiến. Nhà Thanh can thiệp vì có sự cầu cứu của mẹ vua Lê Chiêu Thống và đám quần thần nhà Lê, nhưng ý đồ của họ chỉ là dọa để Nguyễn Huệ thần phục Lê Chiêu Thống, và ngay cả nếu Nguyễn Huệ cứng đầu không chịu cũng chỉ giúp Lê Chiêu Thống có thanh thế mà chiêu tập lực lượng để chia đất với Nguyễn Huệ mà thôi. Dĩ nhiên nếu Việt nam tự nguyện sát nhập vào Trung Quốc thì nhà Thanh sẽ rất hài lòng nhưng họ không chấp nhận trả một giá nào cả.” (TQAN)

    Hàm hồ; sai sự thực. Và sử nhà Thanh nào phải dẫn ra là điều kiện đầu tiên trước khi bàn chuyện gì khác.

    Ngoài ra những lập luận khác của NgGia Kiểng chỉ là suy diễn riêng của Kiểng cho một “historico-political libido”.

    Lý Hoài Nam

    Thích

  36. Đọc các phản biện của đa số các vị thực sự tôi thấy chán ngán vì các vị đa số thay vì phản bác quan điểm lại sỉ nhục cá nhân tác giả, hoặc đưa ra các kết luận mơ hồ không thuyết phục như: ” Nếu Quang Trung không có tài làm sao làm vua được?”, ” Nếu ông ta không phải Vua tốt sao được người đời sau nhớ đến?”.

    Phải khẳng định lại một luận điểm của tác giả NGK là thời kỳ Lê Trịnh đã đi đến cuối thời điểm có thể tồn tại được trong lịch sử, việc cát cứ của các thế gia, các tay anh chị, hào môn trong thời điểm này là có thật, họ không ưa nhau, tranh giành quyền lực lẫn nhau và tha hồ vơ vét nhân dân bất chấp luật pháp khiến cho lòng dân không phục. Một tay anh chị có thể thống lĩnh mấy nghìn người vì quyền lợi để đi đánh chiếm địa bàn ta cũng có thể thấy trong hiện tại, nhưng tư cách để làm vua thì cần thời gian để khẳng định mà Nguyễn Huệ không có thời gian đó, cuộc đời của Nguyễn Huệ chỉ là đánh và cướp, ngay cả khi thống nhất được bắc, trung bộ ông ta cũng không quan tâm gì đến nhân dân, ổn định đời sống nhân dân mà muốn đánh cả Trung Quốc. Một kẻ võ biền, thiếu kiến thức để đưa ra các sách lược đúng đắn cho đất nước chỉ có thể duy trì quyền lực bằng cách luôn áp đặt quân luật, có quyền xử người dưới trướng bất chấp đúng sai, mới khiến người khác sợ hãi mà phục tùng, hướng mục tiêu vào kẻ thù mà giữ đoàn kết nội bộ.

    Một quan điểm nữa mà rất nhiều vị trong group phản bác là ” Tôn Sỹ Nghị xâm lược 6000 kỵ binh là không hợp lý, vì 1 đế quốc như Trung Quốc, một tổng đốc lưỡng quảng không thể chỉ có từng ấy quân cũng là điều có thể giải thích.
    Cuối thời nhà Càn Long (thời điểm diễn ra trận Ngọc Hồi – Đống Đa) do thiếu sáng suốt trọng dụng gian thần, nền chính trị hủ bại, quan lại tham nhũng, dân tình đói khổ nổi loạn khắp nơi, thêm nữa sự lăm le nhòm ngó từ và áp lực ngày càng tăng của các đế quốc phương Tây và miếng bánh béo bở Trung Quốc nhà Thanh không thể có tâm tư để lên một kế hoạch mở rộng lãnh thổ thêm nữa. Đáp lại sự ” cầu cứu” từ triều đình nhà Lê, nhà Thanh chỉ cử một đạo quân ít ỏi xuông để giúp thanh thế cũng là điều hoàn toàn hợp lý. Việc cố tình lờ đi các dẫn chứng khác như nhận định của quyền Anh tại ấn Độ Chamman cũng là một sự thiếu sót rất lớn để nhận định đúng thực lực quân Tây Sơn.

    Những nhận định về con người Nguyễn Huệ của tác giả tôi thấy không có gì phải phản bác: vô đạo, hung bạo, hiếu sát, lật lọng, thiển cận thì dẫn chứng đã đầy đủ không thể bàn cãi, một kẻ không quan tâm đến tình nghĩa mượn thế lực của kẻ thù để làm suy yếu anh em là vô đạo, tàn sát nhân dân Hội An, Bến Nghé là hiếu sát, hung bạo. Nhờ Hữu chỉnh chiếm được Thăng Long lại mượn tay người khác giết Hữu Chỉnh, mượn danh phò Lê mà lại giết vua Lê là lật lọng, đất nước tang tóc vì nội chiến không lo ổn định đời sống nhân dân, không lấy nghĩa thiên tử mà gia ơn cho chăm họ ấm no mà mong mộng đế vương đánh TQ là thiển cận.

    Không hiểu ngoài mục đích thù ghét tấn công cá nhân tác giả ra, đa số các vị trong group này còn mục đích gì nữa thì chúng ta cũng có thể lờ mờ đoán được.

    Thích

  37. Khi thấy bài đăng này thực ra chỉ trích đăng một “chương” trong cuốn “Tổ Quốc Ăn Năn” thì tôi không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy họ đả kích kịch liệt về Đại Đế Quang Trung. Cuốn sách nói trên mà tôi đã mua và đọc nhiều lần khoảng 20 năm về trước. Cả cuốn sách chỉ toàn là “chửi “, “đả kích” và “bôi nhọ” và nhiều nữa. Tôi không dám phê phán về những lời họ viết vì đó quyền tự do ngôn luận, phát biểu tư tưởng của họ. Tôi tự nghĩ những người đọc nên đọc cho kỹ và có nhận xét xét riêng của mình.

    Thích

  38. Để đi sâu, hiểu rõ ngọn nguồn của vấn đề sẽ là việc của các nhà sử học, nhưng tôi thấy rất rõ: ý thức hệ hiện nay của mình (VN) là ko chuẩn nên phát triển chậm chạp, còn các nước cùng ý thức hệ thì đa phần chọn con đường khác để phát triển tốt hơn. Như vậy cách nhìn nhận của ta cũng có vấn đề và nên mở rộng tìm hiểu các quan điểm khác để tìm sự thật và tôn trọng sự thật.

    Thích

Gửi phản hồi cho lộc Hủy trả lời