Ngô Thị Xuân Như trong hồi ức của một thầy tu

Từ trái sang: Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu), Ngô Thị Xuân Như, Huy Cận (Cù Huy Cận). 1947, Chiến khu Việt Bắc

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Tôi đã có lỗi rất lớn với mẹ tôi, Ngô Thị Xuân Như. Ấy là tôi chả biết gì nhiều về bản thân bà cho đến khi tôi đã có con lớn tướng.

Nói cho đúng, trước đó tôi chỉ biết người đã mang nặng đẻ đau tôi rất đại khái. Bà là bác sĩ ở Viện Đông Y ở Hà Nội, là vì khi còn nhỏ tôi hay đến đó chơi. Cùng làm với mẹ tôi ở Phòng khám cán bộ cao cấp và chuyên gia nước ngoài là cụ Đặng Văn Cáp, cùng quê Can Lộc, lương y riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1927. Trước khi học tây y từ Giáo sư Tôn Thất Tùng trong kháng chiến chống Pháp, mẹ tôi đã được ông ngoại tôi, Ngô Xuân Thọ, còn gọi là cụ Tú Kép hay cụ Hàn Thọ, truyền nghề bốc thuốc và chữa bệnh theo y học cổ truyền hay Đông y. Thế nên mẹ tôi và cụ Cáp làm việc với nhau rất hợp.

Đôi khi nhớ lại chuyện cũ, bà kể: “Mẹ lấy bố ở chiến khu Việt Bắc, khi đó bố là Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ. Lễ cưới được tổ chức tại căn cứ của Ban kiểm tra 12 (bí danh của Thủ tướng phủ) do Bác Phạm Văn Đồng làm chủ hôn. Bác Hồ tới dự, nói vui: “Chú Cận lấy cô Như. Thế là từ hôm nay chú Cận có cái “nhà” biết đi!” (thời đó mọi người gọi người phối ngẫu của mình là “nhà tôi”). Sau lễ cưới, bố mẹ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhường nhà của Đại tướng để ở. Gọi là “nhà”, kỳ thực là một nếp nhà phên tre mái lá nhưng được cái khang trang.” Khách đến nhà thường gọi mẹ tôi là “Chị Cận”. Tóm lại, tôi chỉ biết bà là một thầy thuốc, phu nhân của một chính khách. Thế thôi!

Lớn lên, tôi biết tới Cách mạng tháng 8 năm 1945 là từ ghế nhà trường. Thầy cô giáo luôn đồng nhất cuộc cách mạng vĩ đại ấy của dân tộc Việt Nam với sự nghiệp của Bác Hồ Chí Minh, của Đảng cộng sản Đông dương (Đảng cộng sản Việt Nam sau này), hay “Đảng ta”. Thi thoảng cũng có nghe “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Thế nhưng, cái “quần chúng” ấy thì nó lờ mờ lắm. Đại để, đó là khối người bị lũ thực dân, phong kiến rồi phát xít bóc lột, đàn áp, đày đọa. Rồi một ngày kia theo Đảng vùng dậy phá bỏ xiềng xích nô lệ. Tóm lại, tự hào về Bác, về “Đảng ta”, thế là đủ. Mọi đóng góp vào cuộc cách mạng của khối quần chúng hàng triệu người kia đã nằm hết trong hai khái niệm ấy. Mẹ tôi, bố tôi và cả bác ruột và là cha nuôi tôi, nhà thơ Xuân Diệu, chả ai nói bản thân đã đóng góp như thế nào vào Cách mạng tháng 8. Bởi nói về mình là một sự kiêu căng, hay nhẹ nhàng hơn, là không khiêm tốn, không đúng với đạo đức của người cách mạng. Nhà nước in ảnh Bác Hồ và các lãnh tụ Đảng để bán cho người dân treo trong nhà. Nhiều gia đình thậm chí còn treo các ảnh này cao hơn ảnh thờ của ông bà tổ tiên.

Thế rồi do tình cờ mà tôi biết được đóng góp của mẹ tôi cho Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Đó là vào giữa những năm 1990, khi tôi đang làm luận án Tiến sĩ Luật tại Đại học Paris 1 Panthéon -Sorbonne, đối diện với Điện Panthéon là nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật đã làm rạng danh nước Pháp. Tôi hay đến hiệu sách Đông Nam Á (SUDESTASIE) ở 17 phố Carddinal Lemoine để tìm sách báo về Việt Nam không do trong nước xuất bản để có thông tin đa chiều. Một hôm, tôi hỏi cô bán sách làm sao tìm một số tạp chí Đông Nam Á nhưng không có trong hiệu sách thì cô nói: “Sáng thứ sáu tới anh đến thì sẽ gặp Cha Nguyễn ĐìnhThi, là chủ hiệu sách. Cha có thể giúp anh.”

Đúng hẹn, tôi đến hiệu sách. Vừa thấy tôi, cô bán sách giới thiệu với tôi một người đàn ông trạc ngũ niên, thấp nhỏ, có nét mặt hiền hòa và trí thức: “Thưa đây là Cha Nguyễn ĐìnhThi”. Bằng một giọng xứ Nghệ, ông hỏi tôi cần gì để ông có thể giúp. Nghe tôi trình bày xong, vị linh mục bảo tôi để lại thông tin cá nhân và ông sẽ liên hệ lại. Khi đọc tên tôi, ông hỏi tôi có quan hệ thế nào với nhà thơ Huy Cận. Tôi nói tôi là con nhà thơ thì ông nói: “Thế mẹ anh là Xuân Như à?” Tôi đáp; “Thưa Cha, vâng.” Mắt ánh lên, vị linh mục nói: “Thế thì tôi có chuyện muốn nói với anh. Mời anh qua văn phòng của tôi, ngay bên kia đường.” Đó là trụ sở của Fraternité Europe Asie – FEA (Hội huynh đệ Âu – Á) ở 18 Cardinal Lemoine, do ông làm Chủ tịch.

Mời tôi một chén trà nóng do ông tự tay pha, Cha Thi nói: “Tôi là người Hà Tĩnh, sinh tai huyện Hương Khê.” Rồi ông giới thiệu sơ bộ về tổ chức phi lợi nhuận của ông. Lúc đầu có tên là “Association socio-culturelle Europe Asie” (Hội văn hoá xã hội Âu Á) với mục tiêu là vận động cứu trợ nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam, sau mới đổi sang tên gọi hiện nay. Nhưng ở Việt Nam thì gọi là “Huynh đệ Việt Nam”. Hoạt động của Hội nhằm phục vụ lợi ích của đất nước Việt Nam cũng như thúc đẩy và phát huy hiểu biết giữa các dân tộc Âu Á. Cha Thi còn là chủ bút của nhiều tờ báo tiếng Việt và tiếng Pháp như Trao đổi, Nhịp cầu, Tin sáng hải ngoại, Miền Nam đi tới, Công giáo và dân tộc, Việt Nam và chủ nghĩa xã hội, Đông Nam Á, Sứ mệnh Á châu.

Sau này, qua tìm hiểu tôi được biết là trong Chiến tranh Việt Nam, Hội Huynh đệ của Cha Thi đã vận động quốc tế ủng hộ lập trường Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 9/9/1969, Cha Thi đã tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho một nền hoà bình thực sự của Việt Nam tại nhà thờ Saint Lambert de Vaugirard ở Paris với hơn 300 người tham dự. Ông còn phối hợp tổ chức ba hội nghị quốc tế vận động cho hoà bình ở Việt Nam: 1971 tại Paris, 1972 tại Québec (Canada), 1973 tại Turin (Ý). Năm 1972, biết tin Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu chuẩn bị sang thăm Giáo hoàng, Cha Thi lập tức sang Roma, vận động Giáo hoàng không tiếp Nguyễn Văn Thiệu, một con người hiếu chiến, vì như vậy sẽ không có lợi cho hoà bình theo tinh thần của Chúa. Sau đó, Giáo hoàng đã không tiếp ông Thiệu…

Linh mục Nguyễn Đình Thi

Cha Thi chợt dừng lại, chăm chú nhìn tôi qua cặp kính cận như thể tìm kiếm một cái gì. Giây lát sau, ông nói: “Tôi đã gặp mẹ anh, bà Xuân Như, nhưng lâu lắm rồi. Bà ấy đẹp lắm nên tôi còn nhớ mãi.” Rồi kể:

– Ấy là khoảng tháng 8 năm 1945, tôi mới 11 tuổi. Hôm đó tôi đi đò ngang qua sông Nghèn ở Can Lộc. Có khoảng chục người trên chuyến đò. Khi đến giữa sông, bất ngờ con thuyền dừng lại. Một thiếu nữ chừng 15 tuổi rất xinh đẹp ở mũi thuyền đứng phắt lên, vung tay hô hào: “Hỡi bà con, hãy tham gia và ủng hộ Việt Minh đánh đuổi phát xít Nhật, giành Độc lập cho Việt Nam!” Rồi thiếu nữ ấy nói về chính sách của Việt Minh…Tôi nghe mọi người trên đò xì xào: “Xuân Như, em gái của Thi sĩ Xuân Diệu đấy!” Tôi lúc đó không biết gì nhiều về chính trị, lại là người công giáo nữa. Thế nhưng sắc đẹp của cô gái ấy đã làm tôi mê hồn. Có lẽ vì thế mà từ đó tôi có cảm tình với Việt Minh. Sau này thì tôi được biết Xuân Như lấy Thi sĩ – Bộ trưởng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Cù Huy Cận.”

Vị linh mục gỡ kính, dụi dụi mắt. Tôi hiểu giờ đây cả một thời xa vắng đã ùa về bên ông.

– Thưa Cha, từ đó Cha đã có lần nào gặp lại mẹ cháu không? Tôi sẽ sàng hỏi.

– Không lần nào nữa. Nhưng tôi vẫn luôn mong được gặp lại bà ấy. Vậy lần tới anh về lại Việt Nam, cho tôi gửi lời thăm bà Xuân Như và chuyển lời của tôi mời bà ấy sang thăm Pháp. Tôi sẽ thu xếp chuyện đi lại cũng như lưu trú của bà ấy ở đây, ông nói thêm.

Tôi nói:

– Xin cảm ơn Cha. Cháu sẽ chuyển lời mời của Cha tới mẹ cháu. Bà ấy hẳn sẽ rất vui.

Mắt vị linh mục ánh lên. Rồi ông nói ông sẽ cố gắng tìm giúp tôi những số tạp chí mà tôi quan tâm.

Khi tôi về lại Việt Nam, tôi đã kể cho mẹ tôi câu chuyện và lời mời của linh mục Nguyễn Đình Thi. Nét mặt bà rạng rỡ hẳn lên. Bà nói: “Đúng rồi! Hồi đó mẹ là làm công tác tuyên truyền cho Việt Minh để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Chính ông Diệu và ông Cận đã giác ngộ mẹ làm cách mạng đấy!”

Bà kể:

– Vào quãng năm 1943, khi mẹ mới 13 tuổi, ông Diệu dẫn một thanh niên về nhà ở làng Trảo Nha, Can Lộc, giới thiệu với mẹ: “Đây là bạn của anh, Thi sĩ Huy Cận.” Mẹ thích lắm vì đã đọc nhiều thơ của Huy Cận. Rồi bên cạnh chuyện thơ văn, ông Cận nói về tranh đấu cho Độc lập của nước nhà, về phong trào Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật…Ông Diệu cũng nói thêm vào. Mẹ rất hào hứng vì thực ra nhà mình có một truyền thống yêu nước rất sâu sắc và mạnh mẽ.

Ông ngoại, Cụ Tú Kép Ngô Xuân Thọ, còn gọi là Cụ Hàn Thọ, đã liên hệ với Cụ Phan Bội Châu để mưu tính cứu nước. Sau này Cụ Phan bị thực dân Pháp bắt và đưa đi an trí ở Huế, trên một con thuyền, nên Cụ được gọi là “Ông Già Bến Ngự”. Khi đó ông ngoại đang dạy Collège Quy Nhơn ở Bình Định. Ông ngoại hay lấy cớ đưa học trò ra Huế tham quan để xuống thuyền đàm đạo với Cụ Phan. Cũng chính ông ngoại đã bố trí giải thoát ông Ngô Đức Đệ, một trong những tiền bối của Đảng cộng sản Việt Nam khi ông Đệ bị Pháp giam tại Quy Nhơn. Ông Đệ là con cụ Nghè Ngô Đức Kế, họ hàng chi dưới của ông ngoại, người cùng làng Trảo Nha. Buổi tối ông Đệ đến nhà mình thì sáng hôm sau ông ấy đi mất lúc nào không hay với chiếc xe đạp Peugeot ông ngoại mua cho mẹ. Mẹ hỏi thì ông ngoại nói sẽ mua cho chiếc xe đạp khác. Bon Pháp nghi ông ngoại che dấu ông Đệ liền tới nhà khám xét nhưng dĩ nhiên không tìm thấy ông Đệ. Khi bọn Pháp đã rút đi, ông ngoại nói mẹ lấy một số sách báo dắt trên mái nhà xuống. Xem ra thì toàn sách báo của Cụ Phan Bội Châu và cộng sản. Sau đó thì ông ngoại đưa mẹ trở về quê Trảo Nha.

Cho nên khi nghe ông Cận, ông Diệu nói về chống Pháp, chống Nhật để giành Độc lập thì mẹ hào hứng lắm. Thế rồi ông Cận bày cho mẹ cách vận động những thiếu niên và người trẻ tuổi khác trong làng, trong huyện tham gia Việt Minh. Mẹ ưng ngay và làm theo. Rồi mẹ được chỉ định làm bí thư Thanh niên Việt Minh huyện Can Lộc. Trong Cách mạng tháng 8, Can Lộc đã là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh giành được chính quyền đấy!

Ngừng một lát, mẹ tôi “bật mí”:

– Ông Diệu dẫn ông Cận về giới thiệu với mẹ, không chỉ để nói chuyện văn thơ và cách mạng đâu. Mục đích của ông Diệu còn là “dấm” mẹ cho ông Cận.

À ra “tình sử” của bố mẹ của tôi là thế: Cách mạng và Tình yêu. Không nghi ngờ gì nữa, đó cũng là câu chuyện chung của cả một lớp người trẻ tuổi Việt Nam hừng hực lên đàng vì Việt Nam Độc lập.

Sau này, tôi đi cùng mẹ tôi về thăm quê nhà Trảo Nha. Bà đã gặp lại nhiều thành viên Thanh Niên Việt Minh Can Lộc do bà làm bí thư. Ôm nhau mừng rỡ cùng những giọt nước mắt. Cùng vỗ tay hát vang những bài ca cách mạng của Mùa Thu năm ấy…

Cách mạng tháng 8 năm 1945, Hà Nội

Trong Luận án Tiến sĩ sử học, “Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ” bảo vệ tại Trường Đại học sư phạm Huế năm 2016, nghiên cứu sinh Đỗ Mạnh Hùng viết:

“Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, nhiều thanh niên, trí thức do liên lạc được với cơ sở ở Hà Nội nên đã chủ động thành lập các tổ chức Việt Minh như ở Can Lộc (Hà Tĩnh)…và đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện, một số nhóm thanh niên trí thức đã táo bạo, linh hoạt tổ chức khởi nghĩa, giành chính quyền thắng lợi như ở Can Lộc (Hà Tĩnh).” Can Lộc là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh giành chính quyền thắng lợi vào ngày 15/8/1945 với vai trò nổi bật của tầng lớp thanh niên, trí thức.”

Truyền thống yêu nước của gia đình và quá trình hoạt động cách mạng của bản thân mẹ tôi hẳn là một trong những yếu tố quan trọng để bà được tổ chức “chọn mặt gửi vàng”, trở thành y tá trực tiếp chăm sóc sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, thuộc chiến khu Việt Bắc. 

Trở lại lời mời của Linh mục Nguyễn Đình Thi, dù rất muốn thăm xứ sở của các Nhà Khai sáng và cuộc Cách mạng 1789, mẹ tôi đã không thể nhận lời vì lý do sức khỏe.

Bà mất ngày 11/8/2009 (21-6 Kỷ Sửu) tại Hà Nội. Sau cha tôi 4 năm, sau bác Xuân Diệu tôi 24 năm.

C.H.H.V

Ngày của Mẹ, 12/5/2024

Garden Grove, California, Hoa Kỳ

1 thoughts on “Ngô Thị Xuân Như trong hồi ức của một thầy tu

Bình luận về bài viết này