O kiến – nhân vật “em” trong “Ngậm Ngùi” của Huy Cận

Huy Cận và tập thơ Lửa Thiêng, Hà Nội 1940.

Kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh Huy Cận (31/5/1919 – 31/5/2024)

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Ngậm Ngùi là một trong những thi phẩm của Huy Cận được người đọc yêu mến nhất. Bài thơ đứng số 82 trong tập Lửa Thiêng – tập thơ đầu của Huy Cận – xuất bản tháng 11 năm 1940.

NGẬM NGÙI

Nắng chia nửa bãi; chiều rồi…

Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.

Sợi buồn con nhện giăng mau;

Em ơi! Hãy ngủ… anh hầu quạt đây.

Lòng anh mở với quạt này;

Trăm con chim mộng về bay đầu giường.

Ngủ đi em, mộng bình thường!

Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ…

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…

– Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?

Tay anh em hãy tựa đầu,

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…

Bản thân Huy Cận gọi bài thơ này là bài “toàn bích”. Đã không biết bao lần tôi được nghe cha tôi đọc bài thơ này khi người hâm mộ yêu cầu. Vừa đọc, ông vừa vung tay nhịp nhấn lời thơ…

Không nghi ngờ gì nữa, bên cạnh nghệ thuật, chủ đề của bài thơ – Anh và Em – đã là một lực hút mãnh liệt đối với độc giả. Ai cũng nghĩ rằng Ngậm Ngùi là một khúc ru mà Huy Cận dành cho người tình hay người vợ của mình. Đã có không ít lời bình “có cánh” theo hướng này mà một trong số đó là bài “Ngậm Ngùi” bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới” của Anh Ngọc, đăng trên Công an nhân dân ngày 13/01/2023. Tác giả viết:

“Có thể gọi “Ngậm ngùi” là “khúc ca ru của những cặp tình nhân”. Bởi, trong bài thơ, ngoài vẻ đẹp lộng lẫy của ngôn từ, thì cái cảnh người con trai ru người tình của mình ở đây tuy cũng có dấu vết của thời khắc, cảnh trí đấy, nhưng tuyệt nhiên không thể xác định là diễn ra ở đâu, bao giờ. Người con gái nằm trên giường, ở trong nhà, hẳn thế, mà ta cũng có cảm giác như nàng nằm giữa trời đất, cỏ cây có thể có ở bất cứ nơi nào trên trái đất: một buổi chiều tà, bóng cây xế dài, ánh nắng đã chia nửa bãi, trong khu vườn hoang những cây trinh nữ đã xếp lá và những con nhện vẫn mải miết giăng tơ… Quả thật, cảnh trí tĩnh lặng, quạnh hiu, hoang vắng… đến nhoà nhạt ấy rất hợp với giấc ngủ: Chàng thi sĩ – tình nhân không chỉ cất tiếng ru và ngồi hầu quạt, chàng còn huy động đến cả thiên nhiên, tạo vật về đưa nôi cho người yêu ngủ. Trong hành vi của chàng không chỉ có sự âu yếm của tình yêu mà còn hơn thế – đó là cả sự trân trọng nâng niu của những tâm hồn đồng điệu khi đến với nhau, sự cảm thông chia sẻ giữa hai linh hồn cùng nặng trĩu đau thương, cùng cô đơn giữa cõi thế. Người con gái ở đây là cả một khối u buồn: “Hồn em đã chín mấy mùa thương đau”. Hình như không phải nàng tìm đến một giấc ngủ thông thường, một phút nghỉ ngơi sinh học, mà nàng đang tìm kiếm một phút lãng quên, một giờ thư thái yên tĩnh, nó còn cao hơn cả một giấc ngủ. Có phải vì thế mà chàng trai cầu xin cho nàng một giấc mộng bình thường…”

Ngậm Ngùi càng đặc biệt cuốn hút kể từ khi bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc vào khoảng 1961 Trong Hồi ký của mình (1), ông tâm sự:

“Qua những buổi nhạc hội, tôi đã nổi tiếng là hát hay tại nơi tỉnh lỵ bé bỏng này. Đây là lúc tôi đã bị Thần Âm Nhạc ám ảnh và tôi đang được ru hồn bằng những bài thơ mới của Huy Cận. Đúng như Hoài Thanh viết về thơ Huy Cận : ”… có người sẽ bảo thơ Huy Cận già. Già vì buồn, già vì hay kể lể những chuyện xa, những chuyện xưa. Nhưng trong đời người ta, còn có tuổi nào hay buồn hơn tuổi hai mươi ? Còn có tuổi nào vẩn vơ hơn ?” Lúc đó, trong giới thi ca, chưa có lối ngâm thơ theo kiểu Tao Đàn và nếu yêu bài thơ nào người ta thường ngâm lên theo giọng bồng mạc, sa mạc hay theo điệu ả đào… Riêng về phần tôi, với tuổi hai mươi, vì thích những bài thơ buồn vẩn vơ của Huy Cận vừa được in ra trong tập Lửa Thiêng rất phù hợp với sự thất tình vớ vẩn của mình nên tôi đã tập toẹ ”hát” những bài thơ đó lên theo lối của tôi. Tức là tôi phổ nhạc đấy ! Tôi chọn 2 bài :

Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung

Có ai đàn lẻ để tơ chùng

Có ai tiễn biệt nơi xa ấy

Xui bước chân đây cũng ngại ngùng…

(Nhớ Hờ)

Bỗng dưng buồn bã không gian

Mây bay lũng thấp giăng màn âm u

Nai cao gót lẫn trong mù

Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về…

(Thu Rừng)

Hát 2 bài thơ trên đây, đối với tôi, là sự tập tành phổ nhạc. Tôi chỉ thành công 20 năm sau với thơ Huy Cận khi tôi phổ nhạc bài Ngậm Ngùi.”

Quả vậy, cả miền Nam Việt Nam trước năm 1975 không ai là không biết đến ca khúc phổ thơ Huy Cận này của nhạc sĩ họ Phạm.

Nhà thơ Huy Cận và nhạc sĩ Phạm Duy, Hà Nội, 2000

Bản thân tôi đã đến thăm Phạm Duy tại Sài Gòn, quãng năm 2007, 2 năm sau khi nhạc sĩ từ Mỹ về Việt Nam ở hẳn. Phạm Duy nồng nhiệt đón tiếp tôi, rồi kể: “Năm 2000, tôi đã đến thăm nhà thơ Huy Cận tại trụ sở Ủy ban trung ương Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam ở Hà Nội. Tôi tặng ông ấy một CD gồm 16 giọng hát khác nhau của ba, bốn thế hệ ca sĩ, kể từ Thái Thanh, Lệ Thu, Anh Ngọc, Khánh Ly…Huy Cận rất cảm động. Ông cũng tặng lại tôi cuốn “Huy Cận – Đời và Thơ” trong đó có bài “Ngậm Ngùi.”

Ca khúc “Ngậm Ngùi” phổ thơ Huy Cận của Phạm Duy, in tại Sài Gòn trước 1975

Sau khi cùng vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, sang Mỹ vào tháng 4/2014, tôi đã hơn một lần nghe ca khúc Ngậm Ngùi của Phạm Duy, được trình diễn không chỉ bởi các ca sĩ chuyên nghiệp mà cả những con người bình thường với tâm hồn thơ – nhạc. Anh Lương Dzụ, một du học sinh ở Nhật thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, đã hát tặng tôi bài này khi vợ chồng tôi đến chơi nhà anh tại Virginia. Giọng anh réo rắt. Đôi lúc vừa hát, anh vừa khóc, khiến mọi người có mặt thổn thức trong mê say….

Thế nhưng, ngược lại với cảm nhận của người đọc, Huy Cận sáng tác Ngậm Ngùi không như một khúc ru người tình, mà là để khóc người em gái yểu mệnh của ông tên Cù Thị Kiến. Tôi biết được điều này trong một lần cùng cha tôi về thăm quê Ân Phú, một vùng sơn cước thuộc huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Mục đích của chuyến thăm quê lần đó là để Huy Cận chính thức giới thiệu tôi là người kế tục ông làm Trưởng Tộc Cù Huy cánh Tiểu tôn với người trong Họ.

Giữa cái nắng chang chang của trưa hè, cha tôi dắt tôi đi thăm mộ của ông nội tôi, Cù Huy Trương, và của các tiền nhân khác ở trên núi Mồng Gà, cách nhà ông bà nội tôi chừng 1km rưỡi. Khi đi qua một bãi hoang cỏ mọc um tùm, một mặt giáp sông Ngàn Sâu (một nhánh của sông La), mặt kia giáp núi Mồng Gà, cha tôi dừng lại, ngậm ngùi nói: “Mộ O Kiến (2) ở bãi này, giờ không còn vết tích. O là thứ bảy trong tám người con của ông bà nội, trên chú Chử (3). Bố thương O lắm vì O chết khi còn nhỏ. Kiếp người sao quá ngắn! Lúc O chết, bố đang học Cao đẳng Nông Lâm (Đại học Đông Dương) ở Hà Nội. Trong nhà không ai báo cho bố cả.”

Kìm cơn xúc động, cha tôi nói tiếp: “Nghỉ hè năm 1940, bố về thăm quê thì mới biết O Kiến đã mất trước đó ít tháng. Bố cùng ông bà nội ra thăm mộ O khi đã xế chiều, chỉ nửa bãi còn nắng. Xung quanh mộ cỏ mọc cao, lẫn trong ấy là những cây trinh nữ, ngoài Bắc gọi là cây xấu hổ, trong Nam gọi là cây mắc cỡ. Ngay lúc đó trong bố bật ra hai câu thơ: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi/Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu”. Bài Ngậm Ngùi xót thương O Kiến được bắt đầu như thế đấy.” Tôi nhìn kỹ theo tay cha tôi chỉ thì quả thật có rất nhiều cây trinh nữ mọc lẫn trong cỏ. Vẫn hướng về bãi hoang, cha tôi đọc cả bài thơ với giọng nằng nặng. Chợt có làn gió lướt qua giữa trời nắng gắt. Phải chăng O Kiến linh thiêng đã chứng giám nỗi nhớ thương O của cha con tôi?

Bãi Bàu Sau (Ân Phú, Vũ Quang, Hà Tĩnh), nơi yên nghỉ của O Cù Thị Kiến, người em gái út của nhà thơ Huy Cận, nguồn cơn của thi phẩm Ngậm Ngùi. Nguồn: Lương Thị Mai Hương

Cây trinh nữ trên bãi Bàu Sau (Ân Phú, Vũ Quang, Hà Tĩnh). Nguồn: Lương Thị Mai Hương

Sau này, trong Hồi Ký Song Đôi (4), cuốn hồi ký mà ông viết thay cho cả người bạn đời Xuân Diệu, Huy Cận viết: “Em Kiến tôi (em gái) đã chết năm em lên bảy tuổi. Nghỉ hè về nhà tôi cứ bế em chạy luôn, dạy cho em học, cho em hát. Em Kiến hay thẹn, ít nói, tôi hơi la thì em khóc liền. Khi sắp khóc thì em nhìn sững vào mặt tôi, em mếu thế là không dỗ được nữa. Anh em sao lưu luyến nhau thế, em hay đến cạnh tôi nhưng khi tôi nhìn thấy em thì em tránh. Mắt em yếu, ờ phải rồi, ánh mắt của em chừng như không nhận được ánh mắt của tôi và  của các em Trà, Chúc, Thước, Điểu, Dục. Trời đã báo trước rằng em sẽ chết phải không? Em Kiến mơ ước được ra Hà Nội với tôi để làm “cô trọ” (cô giáo). Em chết khi tôi đang đi học ở Hà Nội.”

Cù Huy Thước, người em thứ hai của cha tôi, đã cho tôi biết cụ thể hơn về O Kiến cũng như về cái chết của O. Ông kể:

“Bà đẻ rơi O Kiến khi đang gặt lúa. Chú Chúc (Cù Huy Chúc, em trai kế cha tôi, trên ông Thước), phải xé áo mình đang mặc để bọc lấy em. O có tính hay thẹn, trong mình gọi là “trơi”. Một lần cùng anh Xuân Diệu về thăm nhà, anh Cận nói: “O Kiến đâu? Ra đây anh nói chuyện!” thì O Kiến đỏ mặt, chạy xuống bếp đứng. Anh Cận lại phải xuống bếp dỗ dành O. Cũng như các anh chị em khác, O được ông (Cù Huy Trương, ông nội tôi) dạy chữ Hán, rồi chữ Quốc Ngữ, cả tiếng Pháp nữa.” “O Kiến rất thông minh”, chú nhấn mạnh.

Vẫn theo chú Thước tôi, O Kiến mất sau một tai nạn. “Tính hiếu động, O hay chạy nhảy. Một bữa O bị ngã, thái dương đập vào gốc cây chè xanh trong vườn nhà. Tưởng O chỉ bị thương nhẹ, ông nội đem thuốc lá rịt vào vết thương. Nào ngờ vài tháng sau, vết thương vỡ ra, máu chảy cầm không được và O chết. Ông bà đưa O đi chôn ở bãi Bàu Sau.”

Tôi hỏi: “Sao lại gọi là Bàu Sau hả chú?”

Hàng cây trinh nữ trên bãi Bàu Sau (Ân Phú, Vũ Quang, Hà Tĩnh) trong chiều tà.

Nguồn: Lương Thị Mai Hương

“Gọi là Bàu Sau vì bãi đất đó nằm cạnh một bàu (đầm nước nhỏ), ở sau làng, chú tôi giải thích. Bãi này được dành để an táng trẻ em trong khi triền núi Mồng Gà là nơi an táng người lớn. Theo tập tục địa phương thì không để bia trên mộ trẻ em nên mọi người chỉ nhận ra vị trí ngôi mộ khi mộ còn mới. Năm tháng qua đi, mộ lún xuống thì không còn vết tích nữa. Gia đình chỉ biết O Kiến nằm ở đó, trên bãi Bàu Sau, chính xác chỗ nào thì không còn nhớ. Hồi nhỏ chú hay qua bãi này. Có con chim kêu “tù tì, tụt tịt”. Giun thì kêu “rì rì”. Rồi “ma trơi” (lân tinh bốc lên từ những ngôi mộ mới bị gió thổi) lập lòe. Đêm phải đi ba người mới đỡ sợ.”

Trung tuần tháng 8 năm 2019, con trai trưởng của tôi, Cù Huy Xuân Đức, về quê Ân Phú để ra mắt Tộc Cù Huy cánh Tiểu tôn với tư cách Tộc trưởng thay tôi để lo việc Họ vì tôi hiện sống ở Mỹ. Xuân Đức đưa vợ là Lương Thị Mai Hương và con gái Cù Huy Xuân Thi 16 tháng tuổi đi cùng. Nhân dịp này, tôi nói vợ chồng Xuân Đức đến bãi Bàu Sau và thắp hương cho O Kiến, điều các cháu đã làm với sự dẫn đường của Cù Huy Hoàng Nhật (tức Nguyễn Hoàng Nhật), con trai duy nhất của chú Chúc tôi. Ngay sau đó, con dâu tôi đã gửi cho những bức ảnh chụp bãi Bàu Sau với những cây trinh nữ dưới nắng chiều.

Trở lại cuộc đến thăm cha tôi của Phạm Duy vào năm 2000, nhạc sĩ đã rất xúc động khi nghe Huy Cận kể về hoàn cảnh sáng tác Ngậm Ngùi, về O Kiến. Ông cũng nói với cha tôi rằng do linh cảm thi phẩm này không hẳn nói về mộng mơ đôi lứa nên ông đã chọn giọng “oán” (diễn tả nỗi buồn sâu xa, oán than, thuộc điệu “Nam” trong nhạc cung đình Huế) để phổ nhạc.

Đến đây cũng cần lý giải vì sao người thưởng thức Ngậm Ngùi cảm nhận nó như một khúc ca hạnh phúc lứa đôi bất chấp Ngậm Ngùi bản thân nó đưa ra một một thông điệp khác hẳn, nếu không muốn nói là ngược lại.  

Nghệ thuật bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, là nhu cầu bộc lộ hoặc tiềm ẩn của cuộc sống. Thế nhưng một khi nó được sinh ra, nghệ thuật có cuộc sống riêng của nó, đôi khi dường như không còn phản ánh thực tại mà từ đó nó sinh ra. Đó là bởi người thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật cảm thụ hay tiếp nhận, diễn giải tác phẩm theo cách của mình, độc lập với ý đồ sáng tác của tác giả. Nói cách khác, cảm thụ nghệ thuật là nghệ thuật của nghệ thuật và vì vậy trở nên siêu hình, dẫn đến thoát ly hẳn thực tiễn sáng tác trong nhiều trường hợp. Điều này nhấn mạnh rằng người thưởng thức có thể mang đến cho tác phẩm một ý nghĩa mới, độc lập với ý đồ ban đầu của tác giả. Qua đây, nghệ thuật không chỉ cho thấy sự phong phú của nó mà còn khẳng định rằng nghệ thuật là một quá trình liên tục, luôn thay đổi và phát triển.

O Kiến ơi! Với thi phẩm kinh điển Ngậm Ngùi của Huy Cận cùng bản phổ nhạc tài hoa của Phạm Duy, từ Bàu Sau của những cây trinh nữ, O đã bay lên để mãi là người tình trong mộng nhân gian.


Chú thích:

  1. Hồi ký Phạm Duy, Chương 15, PhamDuy.com
  2. Tiếng Nghệ An – Hà Tĩnh, O nghĩa là: 1/Người con gái; 2/Chị gái, em gái của cha.
  3. Cù Huy Chử, em út của Huy Cận. Ông là Tiến sĩ Triết học, nguyên Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
  4. Hồi Ký Song Đôi (Tuổi nhỏ Huy Cận – Xuân Diệu), Huy Cận, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2002.

C.H.H.V

31/5/2024

Garden Grove, California, Hoa Kỳ

Bình luận về bài viết này