Lược sử các Giáo Hoàng- Bài 3

Christopher Lascelles

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 3

Những cuộc bách hại và những giáo hoàng đối lập

 

Khi chúng tôi làm lễ cúng thần Poseidon,

Anh ta lùi lại khỏi nhóm chúng tôi và liếc nhìn đi chỗ khác.

Khi một người trong chúng tôi nhiệt tình nói:

“Cầu mong nhóm bạn chúng ta được sự giúp đỡ và bảo hộ

Bởi Apollo vĩ đại, siêu phàm”

Myris thì thầm (những người khác không nghe thấy): “ngoại trừ tôi.”

Konstantinos Cavafys

Từ đầu các Kitô hữu đã  bị bách hại, dù dưới bàn tay của người Do Thái, chính quyền đế quốc La Mã hay dân chúng La Mã, và chắc chắn một số Kitô hữu đã bỏ đạo khi bị thách thức, sách nhiễu hoặc đe dọa bị trừng phạt. Phải có ý chí rất lớn mới duy trì được tính mạnh mẽ trong đức tin.

Tuy nhiên, có sự bất đồng về cách đối xử với những người từ bỏ đức tin trước sự đàn áp, nhưng sau đó đã ăn năn và mong muốn quay trở lại cộng đồng Kitô giáo. Họ nên được tha thứ hay bị từ chối vì là kẻ bội giáo? Giáo hoàng đầu thế kỷ 3, Callistus I (217-22), một cựu nô lệ, tin rằng bất kỳ Cơ đốc nhân nào đã phạm tội sau lễ rửa tội sẽ được tha thứ miễn là việc đền tội thích đáng được thực hiện. Suy cho cùng, một trong những thông điệp chính của Jesus là về sự tha thứ, và chính Peter đã chối Christ ba lần nhưng vẫn được tha thứ. Đó là một điểm khó để bác bỏ.

Tuy nhiên, những người khác, kể cả một quan chức Giáo hội tên là Hippolytus, không đồng ý. Tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa sự tha thứ và sự trừng phạt hiện đã bắt đầu là một vấn đề mà Giáo hội Cơ đốc giáo đã liên tục thương thảo trong suốt lịch sử của nó. Quan điểm của Hippolytus rằng những tội nhân cần phải bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Giáo hội – đã thu hút các nhà tư tưởng, những người sau đó tiến hành bầu ông làm Giám mục La Mã thay cho Callistus I. Điều này khiến ông có được vinh dự đáng ngờ là ‘giáo hoàng đối lập’ đầu tiên của Giáo hội Cơ đốc giáo. Lịch sử của chế độ giáo hoàng đầy rẫy những giáo hoàng cạnh tranh hoặc ‘giáo hoàng đối lập’, người được phong làm giáo hoàng hoặc tuyên bố giữ chức vụ Giám mục La Mã đối lập với các giáo hoàng được Giáo hội công nhận. Đôi khi điều này xảy ra do sự bất đồng thực sự nhưng thường xuyên hơn là nó xuất phát từ sự cạnh tranh chính trị và ham muốn quyền lực. Không phải tất cả các trường hợp đều được giải quyết nhanh chóng, và trong khi một số giáo hoàng đối lập gây ít tác động, một số giáo hoàng khác lại giành được sự ủng hộ ở La Mã và được nhiều người theo hơn so với những giáo hoàng được bầu chính thức.

Hippolytus có thể đã được thúc đẩy bởi những mối quan tâm thực sự, hơn là tham vọng thế tục, nhưng bất kể lý do là gì, giờ đây đã có sự chia rẽ hay ly giáo cơ bản trong cộng đồng Cơ đốc giáo. Sự chia rẽ này kéo dài suốt hai triều đại giáo hoàng kế tiếp Callistus I, Urban I (222-30) và Pontian (230-35), và chỉ kết thúc khi Pontian bị bắt và bị trục xuất đến đảo Sardinia để làm việc trong hầm mỏ. Biết được số phận cuối cùng sẽ xảy đến với mình – việc trục xuất giống như một bản án tử hình do điều kiện ở khu mỏ. Pontian đã thoái vị trước khi ra đi để đảm bảo sự kế vị có trật tự, khiến ông trở thành giáo hoàng đầu tiên làm như vậy. Truyền thuyết kể rằng Hippolytus đã bị trục xuất cùng với ông ta và họ đã hòa giải trước khi chết. Dù thế nào đi nữa, xác của cả hai đều được mang về La Mã để an táng và cả hai người sau đó đều được phong thánh. Cuộc ly giáo đầu tiên đã kéo dài 19 năm và nhiều cuộc ly giáo khác sẽ xảy ra sau đó.

Cuộc bức hại thời Decius

Nếu Đế chế La Mã ở thế kỷ thứ hai đã có được sự ổn định ở mức độ nào đó dưới sự kế vị của các hoàng đế tương đối tốt, thì thế kỷ thứ ba đã mang đến sự thay đổi nhanh chóng khi đế chế này bị tấn công bởi nhiều bộ lạc người Đức từ phía Bắc và bởi người Ba Tư từ phía Đông. Đột nhiên chi phí bảo vệ biên giới của đế chế tăng vọt: chi phí tăng dẫn đến thuế cao hơn và, sau đó, giá thực phẩm cao hơn. Sự bất ổn kéo theo sau đó đã đe dọa an ninh của nhiều vị hoàng đế.

Hoàng đế Decius (249-251) cho rằng các vấn đề của đế quốc là do các vị thần không hài lòng và tin rằng việc giành lại được sự sủng ái của họ sẽ giải quyết được khủng hoảng và vực dậy nền kinh tế. Vào tháng 1 năm 250, ông ra lệnh cho tất cả công dân La Mã hiến tế các vị thần trước sự chứng kiến ​​​​của một quan chức La Mã có nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận có chữ ký –  một libellus – xác minh việc tuân thủ sắc lệnh của hoàng đế. Những ai từ chối sẽ bị nhà nước trừng phạt.

Đại đa số công dân La Mã sẵn sàng tuân thủ, vì dù sao thì điều này cũng rất phù hợp với thông lệ truyền thống. Trong số họ có một số lượng lớn những tín đồ Cơ đốc mới, có lẽ hầu hết đều không muốn chết vì một tôn giáo mà họ có thể chỉ hiểu được một phần. Nhưng một số tín đồ Cơ đốc giáo từ chối hiến tế các vị thần, một hành động mà La Mã coi là phạm thượng và điều này đã gây ra cuộc đàn áp đầu tiên trên toàn đế quốc đối với những tín đồ Cơ đốc. Các linh mục và giám mục – vào lúc này ngày càng nổi tiếng – đã bị vây bắt, tra tấn và hành quyết cùng với những người đồng đạo của họ. Giáo hoàng Fabian (236-50) và các giám mục của cả Jerusalem và Antioch đều nằm trong số đông đảo các giáo sĩ tử đạo trong thời gian này. Chừng nào các vấn đề của đế quốc còn tồn tại thì những tín đồ Cơ đốc vẫn là những vật tế thần hữu ích.

Sau cái chết của Fabian, một Giám mục mới của La Mã đã không được bầu trong hơn một năm, rất có thể là do nhiều ứng cử viên phù hợp nhất cho vai trò này đang mòn mỏi trong tù.

Chính trong triều đại giáo hoàng Cornelius (251-53) đã xuất hiện câu hỏi làm thế nào để giải quyết những lapsi đó, tức những tín đồ Cơ đốc đã làm lễ hiến tế. Giải pháp yêu cầu những người bạn ngoại giáo hiến tế thay mặt họ, hoặc hối lộ các quan chức La Mã để cấp cho họ libellus một lần nữa được đưa ra bàn luận. Những người muốn trở lại Giáo hội có nên được yêu cầu sám hối rồi mới nhận được sự tha thứ hay bị trục xuất vĩnh viễn? Phép rửa tội của họ vẫn có giá trị hay họ cần được rửa tội lại? Đối với những tín đồ Cơ đốc bảo thủ hoặc nghiêm khắc, bọn lapsi là những kẻ bội giáo, yếu đuối về đức tin và không thể tha thứ được. Tuy nhiên, số lượng đông đảo của họ, bao gồm cả các giáo sĩ cấp cao, khiến đây trở thành một vấn đề rất hóc búa.

Giáo hoàng Cornelius muốn tha thứ và chào đón trở lại Giáo hội những người đã ăn năn, và cho rằng lapsi không cần phải rửa tội lại. Như trước đây, chính sách nhân từ và phổ biến này ngay lập tức bị thách thức, lần này là bởi một nhóm chức sắc lập vây cánh để bầu ra một linh mục tên là Novatian làm Giám mục La Mã thay cho Cornelius. Một lần nữa La Mã lại có hai giám mục đối địch nhau và một cuộc ly giáo kéo dài chỉ có thể tránh được bằng cái chết của họ: Cornelius bị bắt vào năm 253 và chết trong cảnh lưu vong, trong khi Novatian chết vài năm sau đó.

Tuyên bố có thẩm quyền

Người kế vị Cornelius chỉ có một, Stephen I (254–57), chia sẻ quan điểm của Cornelius, và khi nghe tin các giám mục ở Bắc Phi và Tiểu Á đang làm phép rửa tội lại cho lapsi, ông ta đã đe dọa sẽ rút phép thông công họ trừ khi họ ngưng lai. Nhưng họ bác bỏ sự can thiệp này – suy cho cùng, họ từ xưa đã hưởng quyền tự trị trong giáo phận của mình và chưa bao giờ dự định thừa nhận quyền lực của Giám mục La Mã qua Peter –  Stephen I liền trích dẫn đến Matthew 16:18, trong đó Đấng Christ đặt tên cho Peter là tảng đá mà trên đó ngài sẽ xây dựng Giáo hội của mình, và khẳng định rằng họ phải lắng nghe mình vì Jesus đã trao quyền tối thượng cho các giám mục La Mã thông qua Peter. Chính Stephen I là người đầu tiên sử dụng cụm từ ‘Ngai của Peter’, áp dụng nó cho Giám mục La Mã như một cách nói rằng chỉ có người La Mã mới thực sự đại diện cho Peter. Giáo hội Đông phương phớt lờ ông và Cyprian, Giám mục của Carthage, trả lời một cách dứt khoát: ông lên án Stephen vì đã tự phong mình làm Giám mục của các giám mục.

Rõ ràng ngay cả vào giữa thế kỷ thứ ba, khái niệm về quyền tối thượng của La Mã vẫn chưa được phát huy. Có lẽ vì lý do này, cũng như vì sự thật là Giáo hội La Mã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi các cuộc đàn áp, mà chúng ta không nghe thấy nhiều tuyên bố của Giáo hoàng về quyền tối thượng cho đến tận thế kỷ thứ tư. Dù sao đi nữa, Barraclough nói, ‘đây không phải là lúc để tranh cãi về học thuyết hay đưa ra những tuyên bố mang tính lý thuyết về một vị trí có thẩm quyền đặc biệt, mà là để đoàn kết trước mối đe dọa từ bên ngoài.’ Cuối cùng, lập luận vẫn tiếp tục hụt hơi khi hai nhân vật chính, Stephen và Cyprian, chết cách nhau một năm trong một đợt đàn áp khác. Người kế vị của Stephen, Sixtus II (257-58), cũng không may mắn hơn: ông ta bị chặt đầu cùng với 4 phó tế của mình khi bị bắt quả tang đang cử hành một thánh lễ riêng tư.

Hoàng đế Gallienus, người lên nắm quyền vào năm 260, đã bãi bỏ các chính sách chống Kitô giáo và mở ra một thời kỳ khoan dung. Trong số hai người tiền nhiệm của ông, một người đã thiệt mạng trong trận chiến (Decius) và một người đã bị quân Ba Tư bắt giữ (cha của Gallienus, Valerian). Không còn nghi ngờ gì nữa Gallienus có quá nhiều việc phải làm nên không thể tập trung vào một chính sách không tạo ra bất kỳ lợi lộc tích cực nào.

Các cuộc đàn áp có thể đã tiêu diệt những chức sắc Cơ đốc cấp cao và để lại một cộng đồng Cơ đốc bị chia rẽ, nhưng phần lớn dân chúng nói chung kinh hoàng trước sự bức hại – những nạn nhân hầu như không giống bọn tội phạm – và ấn tượng trước lòng dạ kiên định của các Kitô hữu tử đạo khi đối mặt với cái chết. Hơn nữa, sự bức xúc của công chúng xung quanh các vụ  bách hại chắc chắn đã nâng cao nhận thức của Kitô giáo về niềm tin và thậm chí có thể dẫn đến có thêm những tín đồ mới.

Cuộc tấn công cuối cùng vào Kitô giáo

Các sự kiện diễn ra một bước ngoặt thú vị với cuộc tuyển cử vị Hoàng đế tài năng Diocletian vào năm 284. Ông cho rằng đế chế đơn giản là quá lớn để có thể được cai trị bởi một người và câu trả lời cho giải pháp của ông trước tình trạng hỗn loạn tiếp diễn trong đế chế là chia đôi nó, với hai hoàng đế ngang quyền nhau cai trị lãnh thổ tương ứng của họ. Năm 286, Diocletian yêu cầu vị tướng thân tín của mình, Maximian, cai trị phương Tây với tư cách là đồng Hoàng đế (chịu trách nhiệm về nước Ý, các tỉnh châu Phi và Tây Ban Nha), trong khi Diocletian tiếp tục cai trị ở phương Đông. Maximian thiết lập triều đình của mình ở Mediolanum (nay là Milan), trong khi Diocletian đặt triều đình tại Nicomedia, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, khu vực giàu có hơn của đế chế. Thật hợp lý khi quy định rằng họ phải đóng quân gần biên giới hơn, nơi họ có thể phản ứng nhanh hơn trước các cuộc xâm lược hoặc tiến hành các cuộc tấn công của riêng mình.

Nhận thức đầy đủ về tình trạng hỗn loạn xảy ra khi một hoàng đế qua đời mà không có người kế vị rõ ràng, vào năm 293 Diocletian đã ra sắc lệnh rằng mỗi hoàng đế từ đây trở đi sẽ bổ nhiệm một trợ lý – hai Caesar để bổ sung cho hai Augusti –  người sẽ hỗ trợ ông ta, học hỏi từ ông ta và kế vị ông ta sau khi ông ta qua đời. Diocletianus bổ nhiệm một người tên là Galerius làm Caesar ở phương Đông và Maximianus bổ nhiệm Constantius làm Caesar ở phương Tây. Kể từ thời điểm này, La Mã không còn là kinh đô hoạt động của đế chế, mặc dù trên danh nghĩa nó vẫn là kinh đô. Các hoàng đế phương Tây trong tương lai sẽ đóng quân ở các thành phố khác, bao gồm Arles, Ravenna và Thessalonica, nhưng rất hiếm khi ở La Mã.

Khi Diocletian trở thành hoàng đế, ban đầu ông đã dung túng những tín đồ Cơ đốc, thậm chí còn cho phép họ xây dựng nhà thờ. Có ý kiến ​​​​cho rằng vợ và con gái của ông là tín đồ Cơ đốc, hoặc ít nhất là có thiện cảm với tôn giáo này, điều này có thể đã ảnh hưởng đến quan điểm riêng của Diocletian về tôn giáo. Nhưng bất kỳ ảnh hưởng nào mà họ có thể có đều bị lấn át bởi Galerius chống Cơ đốc giáo một cách cuồng nhiệt, người được Diocletian bổ nhiệm làm Caesar ở phương Đông. Cùng với các cận thần cùng chí hướng khác, Galerius liên tục thúc đẩy Diocletian tiến hành một cuộc bách hại khác.

Cơ hội lớn của ông nảy sinh không phải sau một thất bại mà là một chiến thắng. Khi Diocletian và Galerius tiến vào Antioch vào năm 299 để hiến tế các vị thần nhằm tạ ơn chiến thắng quan trọng trước quân Ba Tư, Galerius được thông báo rằng những tín đồ Cơ đốc tại triều đình đã làm dấu thánh giá trong khi hiến tế. Khi được lý giải rằng việc này có thể làm suy yếu hiệu quả của lễ hiến tế, Diocletian đã ra lệnh ngay lập tức tất cả các thành viên trong triều đình phải hiến tế cho các vị thần, nếu không sẽ bị sa thải. Sau đó ông được khuyến khích thanh trừng binh sĩ theo đạo Cơ đốc. Suy cho cùng, đức tin theo chủ nghĩa hòa bình của họ đã tạo ra một xung đột rõ ràng với lợi ích quân sự đế chế.

Những người ngoại đạo rõ ràng vẫn tiếp tục rỉ tai ông vì vào năm 303 Diocletian, theo sau những cuộc thanh trừng nà, ban bố một sắc lệnh phá hủy tất cả các tòa nhà của Giáo hội và tất cả các văn bản thiêng liêng phải giao nộp cho chính quyền. Trong năm tiếp theo, ba sắc lệnh nữa được ban hành, mỗi sắc lệnh ngày càng nghiêm khắc; Các nhà lãnh đạo Giáo hội sẽ bị bắt và bỏ tù, kinh thánh của Cơ đốc giáo sẽ bị đốt cháy, những tín đồ Cơ đốc bị cấm đảm nhiệm chức vụ công, và tất cả những tín đồ Cơ đốc phải hiến tế theo yêu cầu nếu không bị xử tội chết. Đó là sự tái hiện lại những cuộc bức hại đã xảy ra dưới thời Decius nhưng ở quy mô lớn hơn nhiều, ‘cuộc đấu tranh tuyệt vọng cuối cùng của ngoại giáo La Mã để tồn tại.’ Không phải vô cớ mà thời kỳ này được gọi là Cuộc Bức Hại Lớn.

Sau khi Diocletian từ chức vì sức khỏe kém vào năm 305 – hoàng đế La Mã đầu tiên làm như vậy – Galerius trở thành Augustus của phương Đông và cuộc đàn áp ngày càng trở nên tàn khốc. Các Kitô hữu bị tra tấn, thiêu cháy, đầu độc, đóng đinh, bỏ đói và ném cho thú dữ. Chỉ đến khi Galerius lâm bệnh vào năm 311 thì các cuộc đàn áp mới chấm dứt. Galerius tin chắc rằng căn bệnh của ông là một hình phạt cho hành vi trong quá khứ của ông, và lo sợ vị thần Cơ đốc giáo sẽ trả thù, nên đã hủy bỏ các sắc lệnh chống Cơ đốc giáo, ban hành sắc lệnh khoan dung và khá muộn màng, yêu cầu những nạn nhân cũ của ông cầu nguyện cho mình được chữa lành và cho phúc lợi của nhà nước. Đây là một yêu cầu không hề nhỏ, xét đến sự tàn ác trước đây của ông và là một thử thách nghiêm khắc đối với học thuyết về sự tha thứ. Đó cũng là một sự thừa nhận thất bại: bất chấp những nỗ lực hết mình của ông, các cuộc đàn áp vẫn không thể tiêu diệt được các Kitô hữu. Như một nhà sử học đã nói, ‘Những hình phạt mà họ phải chịu vì từ chối thỏa hiệp … đứt quãng không liên tục để có thể tiêu diệt họ, một mặt, và mặt khác quá kiên cường chịu đựng khiến kẻ thù của họ phải ngưỡng mộ.’

Như trong các cuộc đàn áp trước đây, một số lượng lớn các Kitô hữu – cả linh mục và giáo dân- đã chối bỏ đức tin của mình dưới sự cưỡng ép. Những kẻ khác – được gọi là bọn traditor (bọn giao nộp) –  bị coi đã phản bội đồng đạo mình và giao nộp các thánh thư cho chính quyền đốt rụi.

Ngay sau khi có sắc lệnh của Diocletian, Giáo hoàng Marcellinus (296-304) được cho là đã hợp tác với những kẻ bách hại không chỉ bằng cách giao nộp một số văn bản thiêng liêng mà còn bằng cách dâng hương cho các vị thần khiến những tín đồ Cơ đốc của ông phải kinh hãi. Bản thân Giáo hoàng đã trở thành một tên traditor.

Vị trí Giám mục La Mã bị bỏ trống trong ba năm rưỡi sau cái chết của Marcellinus vào năm 304 cho đến khi người kế nhiệm ông, được gọi một cách khó hiểu là Marcellus (306-8), được bổ nhiệm. Marcellus có đường lối cứng rắn chống lại bọn traditor, thậm chí còn ra sức xóa ký ức về Marcellinus khỏi các tài liệu của Giáo hội, nhưng thái độ hung hãn của ông đã gây ra nhiều ác cảm đến mức ông bị hoàng đế tố cáo là kẻ gây rối và bị trục xuất khỏi thành phố, không bao giờ quay trở lại. Ở Bắc Phi, tình hình cũng nóng bỏng không kém và tình trạng xung đột gay gắt giữa phe chịu tha thứ cho các linh mục và giám mục traditor và phe kêu gọi phải trừng phạt kéo dài cho đến khi Bắc Phi bị người Vandal xâm lược vào thế kỷ thứ năm.

Sắc lệnh Khoan dung Milan

Cuối cùng những nỗ lực của Diocletian nhằm đảm bảo sự kế vị hòa bình đã không thành công. Như một tác giả nhận xét, ‘những người kế nhiệm ông đã nhanh chóng biết rằng màu tím (màu hoàng gia) là màu sẽ mất đi phần lớn vinh quang khi được mặc bởi nhiều hơn một người. Đơn giản là có quá nhiều cái tôi tác động. Gần như ngay lập tức, diễn ra một cuộc tranh giành đất đai phức tạp kéo dài giữa nhiều AugustusCaesar cạnh tranh nhau. Điều này chỉ kết thúc khi Flavius ​​Valerius Constantinus, hay Constantine, con trai của một cựu Augustus và là chỉ huy quân đồn trú La Mã ở Anh, người đã được quân đội của mình tôn vinh là hoàng đế ở đó vào năm 306, đánh bại Maxentius, con trai của một Augustus khác, vào tháng 10 năm 312 tại Trận Cầu Milvian, được đặt tên theo cây cầu trên sông Tiber chạy bên ngoài La Mã. Trận chiến này có tầm quan trọng to lớn đối với cả tương lai của Cơ đốc giáo lẫn tương lai của đế chế, vì Constantine cho rằng thắng lợi của ông là nhờ sự can thiệp của thần thánh.

Người viết tiểu sử của ông, Giám mục Eusebius của Caesarea ở Palestine – đã tuyên bố trong cuốn Cuộc đời Constantine rằng hoàng đế sau này đã kể lại việc ông và toàn bộ quân đội của mình đã nhìn thấy một cây thánh giá sáng rực rỡ trên bầu trời giữa trưa vào một ngày trước trận chiến. Trên đó có dòng chữ: Ev Τουτω Νικα (En touta nika), tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Trong dấu hiệu này, hãy chinh phục.’ Eusebius kể lại đêm đó, Constantine giải thích rằng “Đấng Christ của Đức Chúa Trời hiện ra với ông với cùng một dấu lạ mà ông đã thấy ở các tầng trời, và ra lệnh cho ông làm giống dấu hiệu mà mình đã thấy trên trời và sử dụng nó như một phép mầu bảo vệ trong mọi cuộc giao tranh với kẻ thù của mình.’ Constantine ra lệnh vẽ cây thánh giá lên khiên của binh lính, và bên trên nó là vòng hoa có vẽ chữ lồng Chi Rho: các chữ cái Hy Lạp X và P hai chữ cái đầu tiên của tên Christ trong tiếng Hy Lạp (ΧΡΙΣΤΟΣ) chồng lên nhau:

Bốn tháng sau trận chiến này, vào tháng 2, năm 313 Constantine của phương Tây  (nay là Augustus) đã gặp hoàng đế phương Đông Licinius tại Milan, thủ đô của Đế chế phương Tây kể từ năm 286. Họ cùng nhau ban hành một bảo đảm chính thức về sự khoan dung, được gọi là Sắc lệnh Milan. Kể từ thời điểm đó trở đi, mọi thần dân của Đế quốc La Mã đều được đảm bảo quyền tự do tôn giáo, và quốc giáo truyền thống đã bị giảm từ vị trí ưu việt trước đây xuống ngang hàng với tất cả các tín ngưỡng khác. Cơ đốc giáo cuối cùng đã trở thành một tôn giáo hợp pháp theo đúng nghĩa của nó và giờ đây sẽ được hưởng những đặc quyền tương tự như các tôn giáo khác, bao gồm cả quyền tự do thờ phượng mà không bị bức hại.

Đây thực sự là một tin tức lớn. Lần đầu tiên sau ba thế kỷ, những tín đồ Cơ đốc sẽ không còn bị coi là tội phạm vì đức tin của họ và điều này đã dọn đường cho việc công nhận hợp pháp Cơ đốc giáo là tôn giáo của đế chế. Một kỷ nguyên mới của Giáo hội sắp bắt đầu.

Các nhà thờ và tài sản khác bị tịch thu của những tín đồ Cơ đốc đã được khôi phục mà không bồi thường cho chủ sở hữu hiện thời của chúng. Cùng năm đó, Constantine đã tặng tài sản hoàng gia là Cung điện Lateran cho Giám mục La Mã làm nơi ở của giám mục và nó vẫn như vậy trong một nghìn năm tiếp theo. Nhà thờ đầu tiên của thành phố, Vương cung thánh đường Thánh John Lateran, được xây dựng trên khu đất liền kề. Chính nơi này, chứ không phải Nhà thờ Thánh Peter, vẫn là trụ sở chính thức của Giám mục La Mã cho đến ngày nay. Chỉ đến thế kỷ 14 các giáo hoàng mới chuyển đến khu vực La Mã gọi là Đồi Vatican, nơi dần dần trở thành Vatican mà chúng ta biết ngày nay.

Trong những năm tiếp theo, Constantine rõ ràng hậu thuẫn đạo Cơ đốc: ông ban cho các giáo sĩ Cơ đốc những đặc quyền giống như các tu sĩ ngoại giáo, bao gồm miễn thuế và nghĩa vụ quân sự; ông cho phép người dân để lại tài sản cho Giáo hội, để đến cuối thế kỷ 6, Giáo hội trở thành một trong những chủ đất lớn nhất ở Châu Âu; và ông đã cho phép xây dựng Vương cung thánh đường Thánh Peter trên ngôi mộ được đồn đại là của vị thánh trên đồi Vatican.  Constantine đã trở thành một anh hùng đối với cộng đồng Cơ đốc giáo, không chỉ ở La Mã mà còn ở những nơi khác trong đế quốc, nơi ông cũng đã xây dựng các nhà thờ khác, nhận được sự ủng hộ quý giá của giáo dân dành cho mình. Sự đồng tình của ông cũng dẫn đến những thay đổi lớn trong lịch: ông tuyên bố Chủ nhật là ngày nghỉ ngơi công khai của đế chế và chọn tháng 12 khi người La Mã tổ chức lễ Saturnalia, lễ hội đông chí ngoại đạo của thần La Mã Saturn và lễ sinh nhật của Sol Invictus (‘ Mặt trời không thể chinh phục’) để kỷ niệm ngày sinh nhật của Christ.

Đưa ra những phán quyết như vậy là một phần vai trò của Pontifex Maximus, người đứng đầu chính thức của quốc giáo ở La Mã – nhưng Constantine cũng tự coi mình là người đứng đầu Giáo hội Cơ đốc. Nhà thờ và nhà nước, những kẻ thù truyền kiếp, đang bắt đầu xích lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, sự bảo trợ hào phóng của Constantine đã phải trả giá, trong trường hợp này là sự can thiệp của đế quốc. Các cuộc đàn áp có thể đã chấm dứt nhưng khả năng ảnh hưởng đến Giáo hội của nhà nước đã vượt quá quyền lực ảnh hưởng đến nhà nước của Giáo hội. Từ đó trở đi, Giáo hội không thể tách mình ra khỏi những thứ ‘thế tục’ mà vẫn giữ được sự thuần khiết, dần dần dẫn đến sự sa đọa và suy thoái đạo đức. Như một tác giả đã nói, ‘lợi ích tạm thời của Kitô giáo trong nhiều khía cạnh đã bị hủy hoại bởi sự mất mát tinh thần’ và Giáo hội ‘đã giành được tự do bên ngoài bằng cái giá phải trả là tự do nội tại’.

Nhờ có vô số di chúc từ những người mong muốn đảm bảo sự cứu rỗi của họ hoặc chỉ đơn giản là lấy lòng hoàng đế, Giáo hội giờ đây đã đạt được khối tài sản vô cùng lớn. Theo thời gian, Giáo hội nhận được nhiều di chúc thừa kế đến mức các quan chức của Giáo hội bắt đầu chi nhiều thời gian để quản lý những tài sản này hơn là phục vụ cộng đồng của họ.

Quyền lực và đặc quyền của các chức sắc cấp cao trong Giáo hội mới được kính trọng đã thu hút nhiều người vào đạo Cơ đốc, họ bị thúc đẩy bởi tham vọng trần tục hơn là mong muốn được cứu rỗi, và những vị trí cao cấp nhất trong Giáo hội từ đó trở đi không chỉ trở thành đối tượng của sự khao khát nhiệt thành mà đôi khi còn là mục tiêu của những xung đột thể xác. Trong vòng 60 năm sau cái chết của Constantine, Giám mục của Constantinople đã viết, ‘những chức vụ giáo sĩ cao nhất đạt được không phải nhờ đức hạnh mà bằng sự gian ác; không còn những ai xứng đáng nhất mà  ai có quyền lực nhất sẽ ngồi vào ghế giám mục.’

Đối với tâm trí con người hiện đại đầy hoài nghi, có thể ngờ vực chuyện Chúa đã nói chuyện với Constantine trong một khải tượng, nhưng vẫn còn câu hỏi tại sao Constantine quyết định ban hành một sắc lệnh khoan dung sau nhiều năm đàn áp. Ông ta có thực sự tin rằng chiến thắng này là do ý muốn thiêng liêng, hay việc cải đạo của ông ta là một lời kêu gọi có tính toán đối với một giáo phái đang phát triển? Có lẽ một chút của cả hai. Niềm tin sẵn có vào siêu nhiên hoàn toàn phù hợp với thời đại và không loại trừ sự tác động của những mối quan tâm khác, thế tục hơn thường thấy ở mọi thời đại: bằng cách chấm dứt các cuộc đàn áp và cho phép Giáo hội tổ chức hợp pháp, Constantine đã giành được lòng trung thành của các thần dân theo đạo Cơ đốc và do đó loại bỏ ít nhất một mối đe dọa đối với quyền lực của mình. Cuộc nội chiến đã gầm thét  trước khi có chiến thắng của Constantine đã gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền lực của hoàng đế và bộ máy chính quyền, và Constantine khó có thể chịu đựng một đạo quân thứ năm gây chia rẽ vì từ chối thừa nhận mệnh lệnh của hoàng gia. Constantine có thể đã tin rằng Kitô giáo thực sự là một lực lượng cho sự ổn định. Tuy nhiên, ‘nếu Constantine bắt đầu hậu thuẫn Cơ đốc giáo với hy vọng sử dụng nó để thúc đẩy sự thống nhất trong đế quốc, thì ông ấy hẳn đã nhanh chóng nhận ra đó là một ý tưởng sai lầm.’ Vì ông đã nhanh chóng phát hiện ra, những tín đồ Cơ đốc còn lâu mới có tinh thần đoàn kết.


Bình luận về bài viết này