Max Hastings
Trần Quang Nghĩa dịch
CHƯƠNG 27 : HÀNH ĐỘNG CUỐI CÙNG
1 Xâm Lược
Trong vùng đồi phía bắc ở Miền Nam vào đầu tháng 3 1975, cựu binh Việt Minh Thiếu tướng Nguyễn Hữu An bỗng thấy mình ngắm nhìn các cảnh tượng gợi cho ông nhớ lại những trải nghiệm thời trai trẻ tại Điện Biên Phủ: ‘Bùn, bùn và nhiều bùn hơn nữa.’ Bộ đội và các kỹ sư của ông ra sức hì hục kéo các khẩu bích kích pháo 105mm, chiếm được vào năm 1972, qua cơn mưa nặng hạt, lên dốc cao đến các vị trí từ đó họ có thể bắn phá các căn cứ hỏa lực của Miền Nam. An đã được bổ nhiệm làm tư lệnh quân đoàn cho cú đánh thúc của Lê Duẩn, tung toàn bộ lực lượng áp đảo để hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước: nửa triệu người – 15 sư đoàn bộ binh cùng với 17 tiểu đoàn đặc công, 10 tiểu đoàn xe bọc thép và 50 tiểu đoàn pháo. Giai đoạn đầu tiên, mật danh K-175, được ấn định vào tháng 3-5, tiếp sau là giai đoạn 2 trận công kích tháng 7-8, và nếu điều kiện có vẻ thuận lợi. Quân đoàn An được giao nhiệm vụ đánh chiếm Huế và Đà Nẵng, trong chiến dịch được cổ vũ tiến công với khẩu hiệu ‘Tốc độ là Sức mạnh’ và ‘Nhanh Như Chớp’. Nhưng An nhìn nhận rằng các đồng chí đã kinh qua hai trận gây bất mãn nặng nề vào năm 1968 và 1972 bản thân vẫn còn hoài nghi liệu K-175 có gặt hái được thắng lợi vẻ vang hơn không. Miền Bắc có được lợi thế lớn là được chọn chiến trường để tập trung sức mạnh, nhưng Miền Nam duy trì được sự vượt trội đáng kể về tính cơ động, hỏa lực, và yểm trợ không lực.
Kế hoạch đã đi qua 8 lần sửa đổi. Điều cốt lõi không thể lường trước được không phải là ‘Sài Gòn sẽ làm gì?’ mà là ‘Washington sẽ phản ứng thế nào?’ Người cộng sản hiểu rằng cả Nga lẫn Tàu không bên nào sẽ nhấc ngón tay để kiểm tra bất kì việc can thiệp nào của Mỹ; mọi việc chỉ xoay quanh cách thức chính quyền Cộng Hòa sẽ đo lường ý chí của nhân dân Mỹ. Kissinger vẫn là ngoại trưởng, và một con người ngạo mạn: ông giảng cho vị tổng tư lệnh mới non nớt về chính sách đối ngoại, ra lệnh đặt máy nghe lén các nhân viên được cho là thiếu thận trọng và các kênh liên lạc của họ với giới truyền thông, khống chế các buổi họp bằng các độc thoại. Điều gì tầm nhìn hoành tráng của ông về lịch sử có thể khiến ông giờ đây thúc giục lên Tổng thống Gerald Ford? Tin tốt lành, theo quan điểm Hà Nội, là kể từ tháng 10 1973 cuộc chiến Yom Yippur và khủng hoảng dầu khí diễn ra sau đó, Kissinger bận bịu với Trung Đông; Việt Nam tạm gác lại.
Giữa 13 tháng 12 1974 và 6 tháng giêng 1975, bộ đội Miền Bắc tiến hành một cuộc tấn công gồm hai sư đoàn vào tỉnh Phước Long, cách Sài Gòn 100 dặm về hướng đông bắc. Hà Nội theo dõi sát sao xem phản ứng của Mỹ đối với một vụ xâm lấn lãnh thổ không có tranh chấp và không bị khiêu khích. Washington chần chừ việc tung phi cơ từ nhóm tàu sân bay Enterprise – rồi thối lui, cũng thụ động như khi các lực lượng Khmer Đỏ siết chặt vòng vây quanh thủ đô Phnom Penh. Trong buổi hội nghị tin tức truyền hình ngày 21 tháng giêng Tổng thống Ford xác nhận rằng ông không dự kiến có tình huống nào trong đó lực lượng Mỹ sẽ được tung vào Đông Dương một lần nữa. Hai tuần sau, Quốc Hội bác bỏ yêu cầu viện trợ mới. Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Miền Bắc xác nhận đầy tin tưởng với các đồng chí bộ chính trị rằng ‘người Mỹ sẽ không trở lại dù bạn có cho họ kẹo’. Nhưng không ai biết chắc chắn được. Khi Thiếu tướng An và đồng đội nhìn các nhân công mồ hôi dầm dề khuân vác quân nhu cung cấp cho các dàn pháo trên Đường 14, họ vẫn còn ý thức sâu sắc các B-52 trên đảo Guam. Giáp còn dự kiến thắng lợi sẽ đòi hỏi một chiến dịch kết liễu vào năm sau.
Kế hoạch chiến lược 1975 là kế hoạch mang tính sáng tạo nhất của Miền Bắc. Mục tiêu cốt lõi cho giai đoạn đầu tiên của nó là Ban Mê Thuột, một thành phố với 100,000 dân, thủ phủ Cao nguyên Trung phần. Bao quanh bởi các đồn điền cà phê rất tốt để ẩn nấp, nó bắc một cầu nối trên phía bắc nam Đường 14 giữa Kontum với Sài Gòn, cách biên giới Cao Miên 30 dăm. Thượng tướng Trần Văn Trà, chỉ huy quân sự đầy tham vọng và hữu danh vô thực của Trung ương Cục Miền Nam, mang một nỗi ô nhục trong vai trò của mình trong các thảm bại chiến thuật của trận Tết 1968: giờ đây, ông khao khát vinh quang để chuộc lại thất bại đó. Trà sau đó tuyên bố chính mình đề xuất mũi thọc 1975 qua Cao nguyên Trung phần, mặc dù Trung tướng Hoàng Minh Thảo cũng cổ vũ một lộ trình như vậy – và được giao chỉ đạo tại chỗ mũi tiến công đó.
Thay vì tung quân tấn công trực diện vào Ban Mê Thuột, cộng quân trước tiên cô lập thành phố, phong tỏa các con đường quanh Pleiku, 100 dặm xa hơn về phía bắc, trong một loạt các trận tấn công phối hợp khởi đầu vào sáng sớm ngày 4 tháng 3. Tham mưu trưởng Quân Miền Bắc Tướng Văn Tiến Dũng nắm quyền chỉ huy tổng quát các chiến dịch Cao nguyên Trung phần, trong đó 4 sư đoàn được tung vào nơi lực lượng Miền Nam tương đối yếu. Thành công sẽ cho Hà Nội cơ may cắt đôi Miền Nam, cắt đứt các đội hình hùng mạnh của Sài Gòn ở xa hơn về phía bắc.
Chế độ Thiệu nhận được nhiều tin tình báo cảnh báo mối đe dọa nhắm Ban Mê Thuột, đặc biệt từ các tù binh Miền Bắc. Như thường lệ, tuy nhiên, cũng có nhiều ‘tin rác’ – vì các sĩ quan tình báo luôn đưa ra các chỉ dấu đa chiều xung đột nhau – để che giấu ‘tín hiệu’, mục tiêu thực sự của Hà Nội. Các đội hình tấn công của Miền Bắc im hơi lặng tiếng trên tần số sóng, trong khi phát ra các sóng truyền tin đánh lừa quanh Pleiku.
Vào ngày 8 tháng 3 họ cắt đứt Đường 14 phía bắc Ban Mê Thuột, rồi Đường 21 ra bờ biển. Cộng quân hoàn thành việc tung hỏa mù cho Thiệu bất hạnh bằng cách phát động các cuộc tấn công mới phía đông và bắc Sài Gòn, vùng châu thổ, và tại các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, nơi đội hình Thiếu tướng An dàn quân.
Lúc 05:45 giờ ngày 8 tháng 3, các khẩu pháo của An bắt đầu khai hỏa xuống các căn cứ hỏa lực Miền Nam gần đó; tiếp theo là cuộc tấn công bộ binh. Từng hàng hàng bộ đội tràn trề hi vọng của Sư đoàn 324 tiến lên băng qua một khung cảnh chìm ngập trong làn sương mù buổi tinh mơ. Những động thái đầu tiên đó của cộng quân không gặt hái thắng lợi dễ dàng. Bộ phận chỉ huy và kiểm soát Miền Bắc, luôn là một điểm yếu, cho thấy rối rắm như bao giờ: một số đơn vị tấn công lạc đường, số khác bị dập bởi pháo và súng cối của QĐVNCH. Ngày hôm sau, ngày 9, quân Miền Nam phát động các cuộc phản công thắng lợi. Việc tranh chấp một cứ điểm chủ chốt, Đồi 224, dây dưa một tuần lễ, không bên nào chịu nhường bên nào. Pháo Miền Nam nả 4,600 viên đạn mỗi ngày. An viết với tình trung thực không ngờ về bộ đội của ông: ‘Hiệu quả tác chiến của quân đoàn trong giai đoạn này còn thấp.’ Sau 8 ngày giao tranh, cộng quân chưa thể đột phá được vào phía bắc – cần nhấn mạnh sự kiện này, vì nhiều người tin rằng toàn bộ quân đội Miền Nam sụp đổ ngay từ đầu.
Nhưng ngay cả khi các trận đánh này đang diễn ra – và làm gia tăng cơn bối rối của Sài Gòn không biết chủ định của Hà Nội ra sao – tại Cao nguyên Trung phần một sử thi nghiệt ngã đang mở ra, lúc đầu ăn khớp với kịch bản của Sân Rồng, rồi sau đó vượt quá những mong đợi của họ một cách ấn tượng. Vào ngày 9 tháng 3 bộ đội Miền Bắc, chỉ được 2 pháo 105mm yểm trợ với 50 quả đạn, đã đánh chiếm Đức Lập, cách Ban Mê Thuột 50 dặm về hướng tây nam. Sụp đổ thảm hại đầu tiên xảy ra với 3 tiểu đoàn Sài Gòn. Quân tấn công chiếm được 14 pháo và 20 xe bọc thép trước khi tiến ra phía bắc về hướng Ban Mê Thuột, tại đó các đặc công và những bộ phận nhỏ đã xâm nhập thành phố. Những mũi nhọn này tiến về các sân bay và bộ chỉ huy QĐVNCH khi cuộc tấn công toàn diện nổ ra sớm ngày 10 tháng 3, bao gồm 12 trung đoàn dẫn đầu là 64 xe tăng và xe bọc thép chở quân. Bộ đội Bảo Ninh nhìn với vẻ choáng váng và đúng ra là kinh sợ trước sự tập trung sức mạnh hùng hậu này, trên một quy mô ít có người lính cộng sản nào có dịp chứng kiến trước đây: ‘Hầu như trước đây chúng tôi chỉ đánh như du kích quân, với cấp độ đại đội.’ Khí thế dâng cao, vì mặc dù họ không có khái niệm thắng lợi sẽ đến nhanh cỡ nào, nhưng không ai nghi ngờ về thắng lợi chắc chắn: ‘Chúng tôi biết rằng không có người Mỹ, quân Miền Nam chỉ bằng phân nửa sức lực trước đây của mình.’
Tư lệnh quân đoàn khu vực của QĐVNCH là Phạm Văn Phú, một cựu binh 47 tuổi của Điện Biên Phủ, người tỏ ra không thích hợp để chỉ đạo một cuộc phòng thủ chống lại cuộc tấn công phức tạp của cộng quân. Phú đã tưởng rằng Pleiku mới chính là mục tiêu chính của quân địch, nên tập trung sức mạnh tại đó. Lực lượng phòng không đánh đuổi ác liệt các cuộc không kích của Không lực Sài Gòn, và sau 32 giờ giao tranh Tướng Dũng có thể báo cáo với Hà Nội đã chiếm được bộ chỉ huy Sư đoàn 23 và kho quân nhu đồ sộ, với tổn thất nhẹ nhàng. Nhưng binh sĩ Miền Nam tiếp tục phòng thủ kiên cường căn cứ củng cố có hàng rào kẽm gai của Trung đoàn 53, tại sân bay cách thành phố 3 dặm về hướng đông. Quân Miền Bắc, tự mãn sau các thắng lợi ban đầu, vào ngày 14 tháng 3 liều lĩnh tung xe bọc thép vào trận tấn công đêm, biến thành trò hề. Một xe tăng làm hỏng súng vì va vào thân cây; một chiếc khác lủi xuống mương. Bộ binh Miền Bắc bị đẩy lùi với số thương vong nặng nề, một số bị bắn rớt ra khỏi thân tăng: chỉ huy căn cứ Trung tá Nguyễn Võ An tỏ ra là một sĩ quan hiệu quả và quyết tâm, luôn ở vị thế đứng đầu hiên ngang trước 500 binh sĩ xứng đáng được ghi nhớ.
Cộng quân lặp lại mũi tiến công vào chiều tối ngày 16 tháng 3, khi đặc công chấp nhận tổn thất nghiêm trọng để đặt ống thuốc nổ nhắm phá hủy vành đai hàng rào kẽm gai. Chín giờ giao tranh tiếp theo, quân tấn công không tiến được bao nhiêu. Tuy nhiên, lúc 05:00 giờ vào ngày 17 bốn xe tăng chọc thủng vành đai; và ba giờ sau căn cứ bị đánh chiếm. Trung tá Võ An cùng một số binh sĩ thoát được – ông đến bờ biển vào ngày 24, đi đầu 30 người lính. Miền Bắc nhìn nhận một số đơn vị của mình, và nhất là các chỉ huy xe tăng thể hiện sự yếu kém như hồi 1972. Nhưng một thực tế then chốt vẫn duy trì: cộng quân chiến thắng. 400 thương binh Miền Nam bị bỏ lại trong bệnh viện Ban Mê Thuột.
Tham mưu trưởng Sài Gòn Cao Văn Viên nói về sự thất thủ của thành phố: ‘Đây là điểm ngoặt có tính quyết định nhất của toàn bộ cuộc chiến … Lực lượng của chúng ta giờ đối mặt với một ván bài cuối cùng với một địch thủ tiếp tục gia tăng tiền tố cược.’ Tổng thống Thiệu lâm vào cơn hoàng loạn, khiến ông liên tiếp đưa ra những quyết định thảm hại. Đầu tiên, ông bỏ chốt chặn từ tuyến phòng thủ phía bắc bằng cách ra lệnh cho Sư đoàn Dù thiện chiến bỏ rơi các vị trí và hiệp đồng với lực lượng đồn trú Saigon. Rồi ông ra lệnh phản công ở phía đông Ban Mê Thuột, kết cục là hứng lấy thảm bại. Tiếp theo sự đột phá của cộng quân, Kontum và Pleiku coi như không thể giữ được: binh sĩ ở đó được lệnh rút lui về phía bờ biển dọc theo Đường 7b thời Pháp đã cũ và hư hỏng. Viên cảnh báo với Thiệu các hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra, nhắc lại thảm họa 1954 Việt Minh đã giáng cho Nhóm Cơ động 100 của Pháp, cũng trong vùng ấy và trong hoàn cảnh tương tự.
Tổng thống không tham vấn với các sĩ quan Mỹ về quyết định bỏ rơi Cao nguyên Trung phần – thông báo với các tư lệnh của ông tại một buổi họp khẩn cấp ở Vịnh Cam Ranh ngày 14 tháng 3 – cũng không thông tin cho họ về quyết định của mình. Frank Snepp cho rằng điều này bởi vì ‘ông đơn giản sợ người Mỹ sẽ nổi điên và rút hết viện trợ cho ông ‘. Lệnh của Thiệu, không phải là bốc đồng, mà phản ánh quá trình suy nghĩ từ năm trước. Ông ôm ấp một niềm tin rằng, nếu ông có thể làm ngắn vành đai phòng thủ dài đến quá sức do hình thể Miền Nam, lực lượng ông còn có thể gìn giữ thành công vùng phồng ra ở phía nam. Trong khi điều này là không thể tin được, thì tệ hơn là ông cứ khăng khăng trong vòng vài ngày 25,000 binh sĩ sẽ rút lui 150 dặm, qua địa hình đồi núi, để ra biển. Ông phớt lờ vấn đề to tát là gia đình binh sĩ cư ngụ ở Cao nguyên, không nói đến dân chúng, viên chức của ông ở đó. Người ta nói rằng Tướng Phú đã bật khóc trên chuyến bay từ Vịnh Cam Ranh trở lại Pleiku, nói rằng mình và Miền Nam không còn có tương lai gì nữa. Chính ông rút đi về phia đông bằng trực thăng, để lại một chuẩn tướng giám sát việc chuyển quân nặng nhọc của cả quân đoàn với một khối lượng đồ sộ người, xe cộ, quân nhu và trang thiết bị dọc theo con đường gồ ghề, hun hút qua các đèo núi liên tiếp.
Phi cơ Air America Fred Anderson nói sau này: ‘Tôi không bao giờ quên được cảnh tượng xa lộ khi ra khỏi Pleiku. Đó là một khối đông đúc người lội bộ và mang vác những gì họ có. Và bạn biết là sẽ có hàng ngàn người chết.’ Các chuyến bay Hàng không Hoa kỳ di tản các nhân viên Mỹ thỉnh thoảng bị bắn bởi các binh sĩ Miền Nam vì cay cú. Một phi công khác nói: ‘Nhiều chuyện xảy ra vì bực tức. Người ta bị kích động; họ muốn thoát khỏi chỗ đó và không nghĩ ngợi gì. Hoàn toàn là cảnh tượng vô chính phủ, con người chỉ còn là một động vật. ‘
Hai ngày đầu của cuộc rút quân, 16-17 tháng 3, trôi qua không có sự cố gì nhiều, chỉ trừ một đám dân tị nạn tiến sát phía sau đoàn quân. Rắc rối bắt đầu tại thị trấn nhỏ Cheo Reo, sau khi đi được 50 dặm theo con đường, nơi 900 xe cộ dồn nghẽn trên một lối quá hẹp. Tình trạng hỗn loạn giáng xuống khi các binh sĩ làm loạn lục lọi, cướp bóc và bắn giết. Rồi cộng quân xông ập tới phong tỏa con đèo phía trước. Sau một trận tấn công đêm lúng túng không thể đột phá qua chốt chặn, vào ngày 18 tháng 3 Biệt động quân thành công, nhưng chỉ để rơi vào một trận không kích nhầm của phe ta, giết chết một đại tá và quét sạch một vạt quân trong hàng ngũ. Khi quân Miền Bắc bắt đầu pháo kích vào đám người và xe cộ bị kẹt cứng ở Cheo Reo, một số xe tăng và quân xa tìm đường khác tháo chạy băng qua đồng ruộng. Một tiểu đoàn Biệt động là một trong số ít lực lượng còn duy trì sự gắn bó, tan tác dần qua những lần đột kích các chốt chặn liên tiếp của địch. Cuối cùng họ đến được Tuy Hòa lúc 21:00 giờ ngày 27 tháng 3, đã mất phân nửa quân số. Một phần tư trong số 25,000 binh lính ở Cao nguyên Trung phần cuối cùng lết được đến bờ biển, cùng với khoảng 5,000 người thân và nhân viên, dân chúng. Tướng Viên ước tính rằng ba phần tư năng lực tác chiến của Quân đoàn II – trung tâm Miền Nam – đã bị tiêu diệt chỉ trong 10 ngày. Người công sản sau đó nhìn nhận có đến 900 bộ đội thiệt mạng trong chiến dịch Cao nguyên Trung phần, phần đông các tổn thất này chắc chắn xảy ra trong những ngày đầu mở màn.
Các sự kiện diễn ra tiếp theo vụ thất thủ Ban Mê Thuột tạo ra phần đầu của điều trở thành các thảm kịch nhân loại tiếp nối, giáng xuống cho hàng triệu người. Tướng Viên mô tả việc rút lui như là một ‘điều ô nhục’, phản ánh sự thất bại của giới lãnh đạo trên mọi cấp bậc. Trên con đường đi về phía đông, nhà báo Nguyễn Tư viết về dân chạy nạn ‘giờ đây không còn lại gì ngoài bộ quần áo lưng đẫm mồ hôi và bụi đường trên người. Bàn chân họ sưng vù và cặp mắt không còn sức sống và khô kiệt hi vọng. Trẻ nhỏ . . . lủi thủi theo sau cha mẹ.’ Việc binh sĩ Miẻn Nam bỏ ngũ hàng loạt tuyệt vọng lo bảo vệ người thân của mình trở thành một đặc điểm của chiến dịch; cũng như đám đông dân chúng và xe cộ làm tắt nghẽn các con đường khiến binh lính chính quyền không qua được, thậm chí trước khí quân địch can thiệp. Lò luyện địa ngục đầy hoảng loạn và khổ não lầm than này lại sôi lên ùng ục khi hỏa lực pháo và súng cối của cộng quân rơi xuống từng chập.
Vào ngày 18 tháng 3 Giáp ở Hà Nội báo tin cho bộ chính trị rằng thời cơ quyết định đã đến: họ phải tranh thủ những thắng lợi địa phương đáng kinh ngạc bằng cách phát động một cuộc tổng công kích. Đã quá rõ ràng là người Mỹ sẽ không tung không lực, nhiều binh sĩ Thiệu đã quá kiệt quệ ý chí chiến đấu. Dù sau này nhiều người viết về sự thiếu hụt quân nhu của quân đội Miền Nam, không có lý do để tin rằng các sự kiện vào đầu mùa xuân sẽ diễn biến khác đi, cho dù có nhiều quân nhu hơn nhu cầu. Nhà sử học lưu vong Miền Nam Nguyễn Kỳ Phong cho rằng chế độ còn sở hữu một số lượng khí tài quân sự dùng được thêm một năm, và bằng chứng là số lượng khổng lồ sau này rơi vào tay quân Miền Bắc – chỉ tính riêng ở Cao nguyên Trung phần là 18,000 tấn. Sự kiện là nhiều trang thiết bị và quân nhu được cất giữ không đúng chỗ là bởi vì hệ thống hậu cần Miền Nam bị tê liệt do hoạt động kém hiệu quả và tham nhũng, nên không thể chỉ biết đổ lỗi cho người Mỹ.
Đại sứ Graham Martin, đến thăm Washington vào tháng 3, trực tiếp kêu gọi các nghị sĩ lãnh đạo hậu thuẫn một gói viện trợ mới – nhưng ông đụng đầu một bức tường đá lạnh lùng.
Martin không có trình độ thuyết phục, nhưng tại thời điểm này cho dù có Cicero (nhà hùng biện La Mã nổi tiếng) cũng không thể khiến lập pháp mềm lòng giải cứu chính quyền Sài Gòn. Phần đông dân biểu và thượng nghị sĩ nhận thức rằng cử tri của họ muốn đoạn tuyệt với bộ máy cứu sinh Miền Nam. Nhưng điều này không ngăn cản vị đại sứ chấp bút viết một bức thư dối trá đáng trách gửi Tổng thống Thiệu, giao tại Sài Gòn ngày 15 tháng 3, xác nhận: ‘Tôi có thể bảo đảm với ngài một cách xác định nhất là Tổng thống và Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng quyết tâm khi cuộc chiến Washington đã qua ngài sẽ nhận được viện trợ ngài cần.’
Martin sau đó lui về nghỉ tại nông trại North Carolina 10 ngày, để lấy lại sức sau cuộc giải phẫu nha khoa. Không chắc cho dù ông ta có nói hay làm gì có thể thay đổi được tình hình, nhưng hành vi của ông thật là ô nhục, cũng như của Quốc Hội. Việc từ chối chỉ gửi tiền cho một đồng minh lâu đời của quốc gia, có thể nói cũng là một nạn nhân của nó, gửi đi một tín hiệu không lầm lẫn được đến cả hai bên trong chiến tranh: nhân dân Mỹ, khao khát khép lại cuộc chiến, đã biến trái tim mình hóa đá – theo lời của Frank Snepp, ‘tự thể hiện mình không đếm xỉa một cách phũ phàng vào số phận của Miền Nam’. Tác động tinh thần của việc cúp viện trợ quan trọng hơn tác động phần vật chất. Hiếm có binh sĩ Miền Nam nào từ tướng lĩnh đến binh nhì không hiểu ra rằng chế độ Sài Gòn đã bị người bảo trợ mình ruồng bỏ; vì vậy thật khó tin khi một chính nghĩa bị nguyền rủa xứng đáng được họ hi sinh thêm nữa. Trong tâm thức người dân Miền Nam, một huyền thoại lâu đời được khai sinh, huyền thoại ‘người Mỹ đâm sau lưng đồng mình của mình’. Sự sụp đổ của Cao nguyên Trung phần chỉ tác động một thảm họa tức thì lên một cảm nhận sâu xa hơn về định mệnh vốn đã lan tràn khắp các đội hình Thiệu. Chỉ không lực Mỹ mới có thể chuyển đổi cục diện, và ở Washington một tổng thống yếu đuối chùn bước trước thách thức chống đối của quốc hội cho một hành động như thế.
Một chỉ thị ấn tượng giờ được bộ chính trị Hà Nội ban hành, ra lệnh cho các lực lượng trong tháng 5 phải hoàn thành việc chinh phục Miền Nam. ‘Tình hình thay đổi đến chóng mặt, ‘ Thiếu tướng An nói. Tại phía bắc vào ngày 20 tháng 3, pháo của ông triển khai trở lại về phía Quốc lộ 1 bắc-nam huyết mạch: trong vòng vài giờ thi triển hỏa lực, pháo bắn sát vào đoàn xe cộ lưu thông giữa Huế và Đà Nẵng: số lượng lớn xe cộ tìm cách thoát về phía nam bị buộc phải quay đầu trở lại. Một cán bộ phụ nữ VC tại địa phương cắt ngang một buổi hội nghị quân đoàn để báo cáo có hàng ngàn quân địch đào ngũ đang trốn chạy qua làng cô. Cô đến để xin một số bộ đội giúp cô quét sạch chúng, và tịch thu vũ khí. Nhưng cô được lệnh cứ để họ đi tự do; bắt nhốt chúng chỉ thêm gánh nặng. An nói: ‘Tôi nhận ra các đội hình địch đang sụp đổ.’ Các đơn vị Miền Nam đã ngừng mã khóa các thông điệp trên sóng truyền tin, đôi khi sử dụng ngôn ngữ tục tĩu thóa mạ nhau trên máy.
Trong suốt các tháng cuối cùng này, các lực lượng Sài Gòn hoạt động trong đám sương mù vì thiếu tin tình báo về các vụ chuyển quân và dự tính của quân địch. Ngược lại, Hà Nội được thông tin đầy đủ bởi mạng lưới các tên phản bội ở Sài Gòn – nhất là một trung sĩ thư ký trong văn phòng Tham mưu trưởng QĐVNCH – về gần hết mọi chi tiết về hành động địch , kể cả việc Thiệu có quyết định chiến lược là bỏ rơi các vùng lãnh thổ. Nỗi sợ lớn nhất của Giáp là các lực lượng Miền Nam sẽ rút về các khu vực được bao quanh bởi các vùng đất khác quanh các thành phố như Huế và Đà Nẵng, từ đó có thể khó đẩy bật họ ra; vì thế ông nỗ lực khẩn trương cắt đứt các cuộc tái triển khai của quân Miền Nam đang được tổ chức. Chiến lược của ông ở phía bắc là đánh nhanh về hướng đông vào vài trục, cắt đứt các đường huyết mạch trong đó Quốc lộ 1 là quan trọng nhất.
Trong tuần lễ đầu chiến đấu, tư lệnh Quân đoàn I Miền Nam Ngô Quang Trưởng nhận xét rằng lực lượng của mình giữ vững thế trận khá tốt – giống như An, đối thủ của ông, cũng đồng ý. Một số Địa phương quân tỏ ra gan dạ và quyết tâm, và TQLC phát động các cuộc phản công hiệu quả. Tuy nhiên, giờ đây việc phòng thủ tan rã với tốc độ khủng khiếp, một chuỗi các sự kiện ập tới do phản ứng của Thiệu trước sự sụp đổ của Cao nguyên Trung phần. Lệnh Thiệu rút lui lực lượng Dù giáng cho Trưởng một cú đấm chiến thuật và tinh thần – vị tướng ắt hẳn sẽ kinh hoàng hơn nếu biết rằng Tổng thống cũng dự tính lấy đi Sư đoàn TQLC của mình. Trong năm 1972 cũng các TQLC này đã tốn biết bao xương máu để chiếm lại Quảng Trị; giờ khi họ rút lui về phía nam thành phố mất trong một ngày, đẩy nhanh một cơn xuất hành khổng lồ khác.
Như ở Cao nguyên, các con đường kẹt cứng dân chúng lội bộ và đi xe đủ mọi loại. Càng lúc càng có nhiều vùng phía bắc, cả quân sự lẫn dân sự, thấy mình bị bỏ lại, chính quyền của mình không còn coi phòng tuyến cực bắc này của Miền Nam có thể phòng thủ được. Mặc dù có một số cứ điểm đứng vững một cách kiên cường, tại một chục cứ điểm chủ chốt khác từ phía bắc Huế đến nam Đà Nẵng các lực lượng cộng quân tiếp tục dấn về hướng biển: Trưởng và quân đoàn ông mất quyền kiểm soát khi khu vực bị cắt xén trên đầu họ. Thiệu lưỡng lự – lúc thì yêu cầu phải giữ Huế đến phút cuối cùng, lúc khác lại đề xuất buông bỏ nó.
Sau hai tuần giao tranh trong đó Quân đoàn I tổn thất 2,000 thương vong và tuyên bố đã bắn 200,000 viên đạn pháo, vào ngày 21 tháng 3 quân Miền Bắc đánh tan Biệt động quân phòng thủ các ngọn đồi trọng yếu phía trên Quốc lộ 1.
Từ đó về sau cộng quân bắt đầu tấn công hướng bắc về phía Huế. Lúc 13:00 giờ ngày 25 tháng 3, một bộ đội tên Nguyễn Văn Phương kéo cờ Miền Bắc lên cố đô. An tìm kiếm tài xế cho 50 xe tăng và xe bọc thép bị bỏ lại, tham gia cùng với ông tiến xuống nam. Đám đông binh sĩ Miền Nam hoang mang và bị tước vũ khí lang thang khắp đường phố; hàng trăm sĩ quan trở thành tù binh.
Trong các cuộc di tản từ đường bờ biển phía bắc, kỷ luật của sư đoàn TQLC vốn chịu nhiều thử thách đã sụp đổ. Một tùy viên quốc phòng Mỹ năm trước đã cảnh báo về mối hiểm họa mà một cuộc tấn công của địch vào phía bắc sẽ đẩy nhanh một vụ ‘Dunkirk mà không có tàu’, (Dunkirk là trận chiến phía tây nước Pháp 1940 giữa đồng minh và Đức. Trước sức ép tấn công tới tấp của Đức, các lực lượng Đồng Minh đã phải vừa đánh đỡ vừa rút lui ra bãi biển và mở cuộc tháo chạy khổng lồ theo đường biển về Anh Quốc). Chính điều đó đang xảy ra: một đám bát nháo các tàu thuyền thiếu thốn một cách thảm hại ra sức di tản một số lượng quá đông các binh sĩ và dân chúng tuyệt vọng. Việc kháng cự lác đác ở địa phương gây cho Tướng An của Miền Bắc ít khó khăn hơn là việc tiếp gạo cho các đơn vị ở rải râc nhiều nơi, với bùn lầy ngập mọi lối đi từ tuyến cung cấp xa hơn về phía tây.
Hàng vạn binh lính và dân chúng chạy thoát khỏi Huế bằng tàu chiến hoặc tàu nhỏ đi về nam một vài giờ rồi đổ xuống Đà Nẵng. Họ ào ạt lên bờ, tràn vào các đường phố, lan truyền vi khuẩn bệnh dịch hoảng loạn. Có thể nghe thấy tiếng pháo từ xa vọng về, khi lực lượng kháng cự tại Phú Giá, phía bắc thành phố, đang bắn chặn ngắn ngủi các tiểu đoàn của An. Vào những ngày cuối cùng của tháng 3, ước tính có đến 1 triệu người tị nạn tràn ngập trên đường phố Đà Nẵng. Khói đen cuồn cuộn bốc lên từ sân tòa lãnh sự Mỹ khi nhân viên và lính TQLC thiêu hủy hồ sơ. Các cột quân Miền Bắc hớn hở xông đến thành phố, được dân chúng hoan hô khi họ cảm nhận được sự chuyển giao lịch sử của quyền làm chủ.
Chỉ huy Nguyễn Trí, người có trách nhiệm trông coi các con tàu nhỏ của hải quân Miền Nam, lặp lại nhiều lần điện xin lệnh trên, nhưng đề đốc của ông vẫn câm như hến. Vào ngày 28 tháng 3 Trí chạy đến bộ chỉ huy quân đội, vốn đã chuyển vào căn cứ hải quân, và thấy nhộn nhịp các sĩ quan xách nặng hành lí chứa đầy đồ dùng cá nhân. Trực thăng chở nhóm người lánh nạn có đặc quyền này đến nơi an toàn, để lại phía sau họ sự hỗn loạn. Trí cũng xuống đội tàu của mình cùng với gia đình các thủy thủ và của mình, rồi tách bến, chạy nhanh ra biển. Đến Qui Nhơn, họ kính ngạc khi thấy cùng các cảnh tượng; một sự sụp đổ tương tự của quyền lực.
Tướng Trưởng viết sau này về những ngày cuối cùng ông nắm quyền tư lệnh Quân đoàn I rằng binh sĩ ra sức triển khai phòng thủ thì bị nuốt chửng trong đám dân chúng làm tắc nghẽn Quốc lộ I và các vùng đất kế cận. Hỗn loạn, xô xát và cuối cùng hoảng loạn bắt đầu lan đến các đơn vị tác chiến.’ Một nhân chứng Mỹ, phi công Hàng không Hoa Kỳ
Wayne Lennin, nói về Đà Nẵng: ‘Nó không thất thủ; nó chỉ tan rã … Binh sĩ hóa ra cáu tiết. Họ chạy xuống đường phố ria súng máy vào dân thường … giật nữ trang đeo trên người và hãm hiếp phụ nữ.’ Những cảnh tượng đáng sợ xảy ra tại sân bay, nơi các đám đông điên cuồng bu đen vào một ít các máy bay khởi hành, tin rằng đó là chuyến bay cuối cùng; những người rúc vào các buồng càng bị nghiền nát khi phi công bay lên thu càng đáp lại. Những nỗ lực chở đi các băng ca thương binh bị các đám đông binh sĩ và dân tị nạn tràn ngập: 5,000 bệnh binh và nhân viên y tế bị bỏ lại tại Bệnh viện Đa khoa Duy Tân. Trên bờ biển, các binh sĩ lái xe tăng và quân xa xuống nước, tấn công các tàu thuyền. ‘Có Biệt động quân, TQLC, xe tăng,’ một nhân chứng Việt nói. ‘Một tàu vào trước và TQLC bắn hết mọi người khác họ muốn lên tàu, rồi bọn Biệt động nổi điên bắn vào bọn TQLC và rồi cuối cùng tàu chìm.’

Victorious North Vietnamese troops on tanks take up positions outside Independence Palace in Saigon, April 30, 1975, the day the South Vietnamese government surrendered, ending the Vietnam War. Communist flags fly from the palace and the tank. (AP Photo/Yves Billy)
Ngày 29 tháng 3 lực lượng Bắc Việt tiến vào Đà Nẵng sau khi đánh chiếm những vùng lãnh thổ rộng lớn với tổn thất ước tính không đến 3,000 thương vong. Các trung đoàn của An tái tổ chức với phương tiện vận chuyển được nâng cấp, trong đó có 487 quân xa GMC lấy được của địch. Họ cũng tịch thu các máy truyền tin PRC-25, tỏ ra vô giá đối với một quân đội thiếu hụt phương tiện liên lạc, giờ lần đầu tiên được phân phát đến cấp đại đội. Mỗi tiểu đội khoe có đến hai khẩu M-79 súng phóng lựu. Một phần ba số vũ khí của An là vũ khí chiếm được.
Thách thức tiếp theo là di chuyển lực lượng kinh khủng này 600 dặm về phía nam, được củng cố thêm 2 sư đoàn từ Miền Bắc vội vã xuống tham gia vào mũi tiến về Sài Gòn. ‘Đạo quân Duyên Hải’, như nó được biết, đặt dưới sự chỉ huy toàn bộ của Tướng Lê Trọng Tấn, gồm 2,276 xe cơ giới. Tướng An cảm thấy phần nào choáng ngợp khi nó lên đường vào ngày 7 tháng 4: ‘Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp tôi đã chỉ huy một đạo quân dài, dài như thế với quá nhiều binh chủng đặc biệt.’ Đám đông đứng hai bên đường hoan hô, trong số đó có binh sĩ Miền Nam đã đầu hàng xin được cấp lương thực. Đoàn quân luôn phải tạm dừng để công binh sửa chữa tạm các cây cầu gãy hoặc bị pháo sập – giữa Đà Nẵng và Xuân Lộc họ phải vượt qua 569 cầu. An phái các đội tiên phong để bảo đảm chiếm được các kho xăng dầu ở Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh. Trong gần hai tuần lễ tiến quân, quân đoàn di chuyển trung bình 60 dặm trên quân xa lái 24 giờ suốt ngày đêm.
Cảnh ngộ tuyệt vọng của Miền Nam gây chú ý cho 10 triệu người Mỹ xem truyền hình. Nhưng không có hình ảnh nào về nỗi lầm than khổ não của đông đảo con người có thể khiến quốc gia này thay đổi thái độ, vẫn toàn tâm chống đối việc tái can thiệp. Tình trạng suy thoái kinh tế trong nước cung cấp lời biện minh cho việc chống đối can thiệp của quốc hội. Một lời biện minh nữa được một dân biểu Dân chủ của California Henry Waxman nêu ra: ‘Chúng ta không thể xiển dương hoà bình bằng cách cung cấp phương tiện chiến tranh … Cung cấp nhiều khí tài quân sự cho Sài Gòn chỉ làm gia tăng việc chống đối các thỏa thuận đã có.’ Các lãnh đạo Mỹ tồi tệ nhất là những người đưa ra lời hứa hẹn giúp đỡ Miền Nam, trong khi dư biết điều này không xảy đến được: Thượng nghị sĩ Hubert Humphrey ồn ào kêu gọi hậu thuẫn, rồi lại bỏ phiếu chống một gói viện trợ. Thiệu thẳng thắn bảo với Ford rằng không có sự can thiệp của Mỹ – nói trắng ra là các B-52 – xứ sở của ông sẽ chắc chắn tiêu vong. Vào ngày 22 tháng 3 tổng thống Hoa Kỳ trả lời, cam kết hậu thuẫn trong khi vẫn tỏ ra mơ hồ có tính toán về hình thức hậu thuẫn nào có thể đưa ra. Thiệu nhắc ông các lời hứa hẹn rõ ràng mà Nixon và Kissinger đã đưa ra sau Hiệp định Paris. Dù sao thì Ford vẫn không dám liều lĩnh đương đầu với phản ứng của quốc hội nếu ra lệnh không kích. Vào ngày 25 tháng 3, ông nói: ‘Tôi rất tiếc tôi không có quyền thực thi một số việc mà Tổng thống Nixon có thể làm.’
Trong suốt những ngày đó, ngoại trưởng của Ford vẫn duy trì óc sáng suốt một cách đặc trưng, nêu ra sự vô ích khi sử dụng ngoại giao để chặn đứng cuộc tiến công của cộng quân. ‘Tôi tin rằng,’ Henry Kissinger nói, ‘Miền Bắc tuyệt đối sẽ không làm gì nếu không có sức ép quân sự.’ Có đề xuất đưa Hải quân Hoa Kỳ đến hỗ trợ các cuộc di tản từ Huế và Đà Nẵng, nhưng Nhà Trắng rút lại khi các chỉ huy cho rằng binh sĩ cần phải đổ bộ.
Thay vào đó, Bộ chỉ huy Hải vận Quân sự được lệnh thuê mướn các thương nhân, giải cứu hàng ngàn dân lánh nạn trong các tình huống đau lòng và đôi khi dữ dội. Vào ngày 28 tháng 3 Kissinger báo cáo với Ford: ‘Tôi không nghĩ Miền Nam có thể giữ vững … Đó là sự sụp đổ tinh thần của Hoa Kỳ.’ Ngày hôm sau ông nói trong một buổi họp các nhân viên của mình, ‘Nỗi ô nhục là của chúng ta.’ Khi một nhân viên đề nghị nhờ Moscow can thiệp, Kissinger trả lời: ‘Chúng ta không thể nhờ người Xô viết trong tinh thần hoà hoãn để cứu chúng ta khỏi chính mình.’
Tại Hà Nội, Giáp sẵn sàng cho giai đoạn cuối cùng của điều ông quyết tâm sẽ được công nhận là chiến công vẻ vang của bản thân: ông dời chỗ ngủ vào Sân Rồng, và vẫn ở đó suốt ngày cho đến khi Sài Gòn thất thủ, trừ một lần ra nhanh Miền Nam để trao đổi với các tư lệnh chiến trường. Mỗi giờ sau đó ‘Văn’, mật danh của ông, thúc giục các tướng lĩnh của mình thần tốc, thần tốc, thần tốc – để đánh chiếm Sài Gòn trước khí mùa mưa đến, hoặc trước khi người Mỹ đổi ý và bắt đầu dội bom. Mỗi buổi chiều lúc 7 giờ, Lê Duẩn được báo cáo tình hình: các tường thuật cộng sản hậu chiến đều nhấn mạnh đến vai trò ‘Tư lệnh tối cao mặc định’ của ông, xóa đi huyền thoại của Giáp, mặc dù không mấy nghi ngờ chính chiến dịch đã phản ánh việc phục sinh ngắn ngủi của vị tướng lĩnh già lên địa vị vượt trội của nhà chiến lược.
Cuộc Tổng Công Kích cuối cùng vào Sài Gòn
Giữa 10 và 31 tháng 3, bốn sư đoàn quân Miền Bắc, được du kích VC yểm trợ, tiến hành các cuộc tấn công về phía bắc và đông Sài Gòn, tuy bị chặn lại nhưng cho phép phe xâm lược áng quân cách thủ đô trong vòng 40 dặm. Trong những ngày cuối cùng của tháng Lê Duẩn thúc giục Dũng, đang ở Cao nguyên Trung phần, phát động một mũi tiến công chớp nhoáng cho thắng lợi cuối cùng. Vị tướng đủ táo bạo và bướng bỉnh để chần chừ, nhấn mạnh rằng trước hết phải hoàn thành việc đập tan Quân đoàn II. Ngày 31 tháng 3 lực lượng của ông xuyên thủng Đèo M’Drak then chốt do lữ đoàn Dù trấn giữ. Thành phố cảng Quy Nhơn bị đánh chiếm, và ngày hôm sau thiết giáp Miền Bắc càn vào Tuy Hòa, xa hơn về phía Nam. Lãnh sự Mỹ ở Nhà Trang di tản giữa khung cảnh hỗn loạn khủng khiếp. Vì toàn bộ các đơn vị Miền Nam tan rã, Vịnh Cam Ranh thất thủ. Ngày 2 tháng 4 Tướng Phú, Quân đoàn của ông tan vỡ, thoát về Sài Gòn.
Tướng Văn Tiến Dũng, Tham mưu trưởng Quân đội Miền Bắc, người chỉ huy trận công kích cuối cùng vào Sài Gòn
Tất cả chốt quan trong trên Quốc lộ 1 giờ nằm trong tay quân Miền Bắc. Frank Snepp đề cập đến một số người xét lại trong thế kỷ 21 tìm cách cho rằng Miền Nam đã triển khai một công cuộc phòng thủ quốc gia cố kết: ‘Họ không có mặt ở đó để chứng kiến cảnh hỗn loạn rối ren. Mọi nỗ lực để áp đặt sự trong suốt cho câu chuyện QĐVNCH đều phi lý.’ Điều này ắt hẳn đúng về chiến lược của Thiệu, đúng là như thế, nhưng nó thất bại thảm hại. Nhưng cũng có một số ít binh sĩ Miền Nam chiến đấu với lòng quả cảm xứng đáng có được một lãnh tụ quốc gia tài giỏi hơn.
Lê Duẩn xác nhận trong một thông điệp dài ngày 1 tháng 4 gửi đến các tư lệnh của mình rằng trong các chiến dịch phía Bắc từ đầu đến nay ‘đã chịu ít thương vong về quân sự’ – họ giành được nhiều vùng lãnh thổ mà chịu ít tổn thất hơn nhiều như hồi năm 1972. Lần đầu tiên trong cuộc chiến, Hà Nội cử đoàn quay phim và phóng viên tháp tùng bộ đội trên con đường chiến thắng. Trong số này có Phùng Bá Thọ, mới vừa trở về tổ quốc sau 20 năm sống ở châu Âu, nơi ông đã trở nên một nhà làm phim thành công. Quân đội phát cho Thọ một bộ quân phục và một máy quay phim, rồi cử ông vào nam để chứng kiến thắng lợi của cách mạng. ‘Thật là phấn khích,’ ông xúc động nói. Lúc đầu ông và ê kíp quay phim của truyền thông cộng sản vô cùng sợ hãi giữa cơn hỗn loạn trong các thành phố Miền Nam vừa mới được chinh phục, ‘nhưng rồi chúng tôi thấy mọi sự đều tốt đẹp’. Từng đoàn đông người mà họ đi qua, cả quân nhân lẫn dân chúng, không ai nghĩ đến việc làm hại họ – thật ra một trong những cảnh tượng kỳ cục nhất dần trở nên quen thuộc là cảnh các binh lính Miền Nam lột bỏ quân phục chỉ mặc quần đùi.
Hai Thông Điệp Quan Trọng
Trên: Trích xuất từ một Bức Điện Thông tin Tỉnh báo của CIA, đề ngày 8 tháng 4 1975, cảnh báo về độ tin cậy của ‘nguồn tin Tây Ninh’ cho biết Hà Nội không quan tâm đến việc thương lượng chính trị.
Dưới: Bức điện Miền Bắc ngày 7 tháng 4 1975, từ ‘Văn’ (Giáp), thúc giục ‘Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.
Một người Mỹ xem các sự kiện trong những ngày đó đặc biệt đau thương là Jim Livingston, người được thưởng Huy chương Danh Dự tại Đại Đô bảy năm trước, và hiện giờ là sĩ quan hành quân của lữ đoàn đổ bộ TQLC đang ở trên tàu chỉ huy Blue Ridge ngoài khơi. Ông đi lên bờ tại Đà Nẵng một lúc và ‘cảm thấy ghê tởm’ ở những gì mình chứng kiến. Một đại tá từ Sư đoàn Mèo Đen Miền Nam tìm cách leo lên tàu chiến ngoài khơi Cam Ranh, nhưng bị Livingston đẩy xuống, khinh bỉ vì y đã bỏ rơi binh sĩ của mình: ‘Tao sẽ trở lại với mày và chiến đấu, mầy là tên khốn nạn!’ Người TQLC chỉ đề nghị bóc đồng và viên sĩ quan đương nhiên từ khước. Những người khác chọn lấy con đường khác: một vụ tự tử đầu tiên trong số các vụ tiếp theo xảy ra. Tại Quy Nhơn chỉ huy Trung đoàn 42 vẫy tay chào tạm biệt binh sĩ mình lên tàu, rồi biến mất trong một ngôi nhà tại đó ông tự bắn vào mình quyên sinh.
Giáp thoạt đầu hi vọng các đội hình Miền Bắc tiên phong có thể đánh chiếm Sài Gòn ‘đang tháo chạy’, duy trì sức xung kích của các tuần lễ trước, mà không cần đợi ‘Đạo quân Duyên Hải’ tiến vào từ phía bắc. Ông ra lệnh binh đoàn của Tướng Trà cô lập thủ đô từ vùng đồng bằng Cửu Long, nhưng cuộc tấn công của họ gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ hơn quân Miền Bắc đã trải nghiệm ở mặt trận Cao nguyên Trung phần. Giao tranh ác liệt xảy ra giữa cộng quân và lực lượng pháo thuyền ven sông Miền Nam; một cuộc tấn công giữa tháng 4 vào Cần Thơ bị đẩy lui; Địa phương quân và Nghĩa quân Long An cầm cự vói Sư đoàn 5 Miền Bắc được 4 ngày.
Trận đánh quan trọng nhất cộng quân buộc phải chiến đấu xảy ra cách Sài Gòn 37 dặm về hướng đông bắc. Thị xã Xuân Lộc, thủ phủ của tỉnh Long Khánh, chiếm giữ đoạn giao lộ chủ chốt nối với Quốc lộ 1, bao quanh là các đồn điền chuối và cao su. Hành động diễn ra ở đó bắt đầu vào ngày 9 tháng 4 là cơ hội cho quân đội Miền Nam, lần cuối cùng trong lịch sử của mình, phô diễn quyết tâm và lòng quả cảm đương đầu với nghịch cảnh, cho dù nó không thể thay đổi cục diện bất khả kháng của cuộc chiến.
Tư lệnh Sư đoàn 18 Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, gương mặt ông hiếm khi thấy được dưới cặp kính râm to khổ và trông khá hung hãn, có tiếng đào hoa hơn là thành tích quân sự – ông được ca ngợi như một tay vừa đàn guitar vừa hát theo. Ông và binh lính dù sao cũng đang chuẩn bị kỹ lưỡng đương đầu với cộng quân đang lù lù tiến tới. Họ di dời hầu hết các gia đình binh sĩ về Long Bình, và đặt pháo trên con đường tiến quân mà cộng quân đã sử dụng trong cuộc công kích Tết 1968, dự kiến chính xác họ sẽ sử dụng lộ trình cũ. Đảo cử quân chiếm giữ các thế đất cao mà quân địch có thể sử dụng để quan sát pháo, đặt 36 súng trong các boongke, tích trữ quân nhu, giám sát các kênh vô tuyến của cộng quân.
Gần như phát đạn đầu tiên của trận pháo kịch bắt đầu lúc 05:40 ngày 9 tháng 4 làm hư hại khu cư ngụ của Đảo gần nhà thờ. Trong những ngày sau đó, pháo của cộng quân biến phần lớn Xuân Lộc thành đống gạch vụn nhưng không gây hư hại nhiều cho quân phòng thủ, có đào hầm hố ngoại vi thị xã. Lúc 06:40 hai pháo sáng màu đỏ báo hiệu bộ binh và xe bọc thép tiến lên. Ở sườn phía đông, Sư đoàn 7 của phe xâm lăng nhanh chóng bị chặn lại bởi rào kẽm gai, mìn và các cuộc không kich của Không lực Miền Nam. Sư đoàn 341 tấn công từ phía đông bắc, xâm nhập thị xã, nhưng hỏa lực Miền Nam đẩy lùi bộ binh thiếu niên non nớt của nó. Sư đoàn 6 đạt dược thành công quan trọng duy nhất cho cộng quân, khi tiến lên từ hướng nam để cắt Quốc lộ 1 giữa Xuân Lộc và Sài Gòn. Từ đó về sau, thị xã bị cô lập.
Trong hai ngày sau, binh lính Đảo tiến hành một số cuộc phản công thắng lợi, và đẩy lùi các cuộc tấn công mới của địch. Trong hoạt động trực thăng quy mô cuối cùng trong cuộc chiến, 100 chiếc Huey bốc một lữ đoàn Dù đến tiếp viện cho quân đồn trú.
Pháo kích của cộng quân gây bất hạnh cho cuộc sống dân cư, nhưng các chỉ huy cộng sản nhận biết rằng mình đã gây ra một loạt lỗi lầm. Trước tiên, Tướng Trà thất bại không hoàn thành được mệnh lệnh là ngăn cấm máy bay cất cánh từ Biên Hòa, để không yểm trợ được cho Xuân Lộc; chỉ đến ngày 15 tháng 4 hỏa lực pháo và rốc két của Miền Bắc mới bắt đầu làm được điều này. Trong khi đó, sau các tuần lễ chiến đấu, Sư đoàn 7 tấn công đã thấm mệt. Quân đội Miền Nam dường như đã làm đúng gần như mọi việc, và cộng quân bị trừng phạt vì sự xấc xược của mình khi vội vàng tấn công trực diện vào những vị trí đã được củng cố vững chãi. Họ cũng chịu tổn thất đáng kể từ hiệu quả của các bom BLU-82 15,000 cân, được Không lực Miền Nam sử dụng ở đây lần đầu tiên, cùng với bom nhiệt áp dạng chùm CBU-55 hay còn gọi là bom chân không chết người.
Xuân Lộc lay lất như một pháo đài giữa một mặt tiền đổ nát. Sức kháng cự của Chuẩn tướng Đảo khiến Hà Nội phải hoãn lại trận tấn công vào Sài Gòn, lúc đầu ấn định vào 15 tháng 4, và đợi lực lượng còn lại đến đông đủ. Truyền thông phương Tây được trực thăng chở đến Xuân Lộc để ca tụng công cuộc phòng thủ , mặc dù hiệu quả bị tì vết do một số dân chúng ùa đến trực thăng mong thoát khỏi nơi khói lửa, khi bốc các phóng viên ra về. Binh sĩ phòng thủ mệt mỏi rơi vào tình trạng thụ động, và không thế làm gì để ngăn chặn sự tập trung quân địch ở phía sau họ, phía tây thị xã. Ngày 20 tháng 4, Xuân Lộc được lệnh di tản: quân đồn trú lội bộ rút lui về phía nam qua các đồn điền cao su, vơi Lữ đoàn Dù có nhiệm vụ đi tập hậu. Đảo, ‘mang bộ mặt hốc hác của một người không được ngủ nhiều’, theo lời một người lính, vẫn hiên ngang bước đi giữa ba quân, không cần leo lên trực thăng trốn thoát. Xuân Lộc là trận xung đột đa bình chủng cuối cùng của cuộc chiến. Hà Nội không bao giờ phổ biến con số đáng tin cậy về số thương vong của họ, nhưng 3 đến 4 ngàn dường như là ước lượng đúng. Thật là điên rồ khi quân Miền Bắc cứ phải đánh Xuân Lộc: các chỉ huy của họ có thể dễ dàng giữ nghi binh bao vây thị xã, và tiếp tục tiến đại quân về Sài Gòn mặc kệ Đảo và binh sĩ Miền Nam nằm nhừ ở đó. Dù sao cũng trân trọng Xuân Lộc như một ký ức chói ngời giữa một câu chuyện dài của nối ô nhục.
Thậm chí khi trận đánh đó đang diễn tiến, xảy ra các cuộc chạm trán ở Phan Rang, một thành phố duyên hải trên Quốc lộ 1 phía nam Vịnh Cam Ranh và cách Sài Gòn hơn 200 dặm về phía đông bắc, tại đó binh sĩ Miền Nam bám chặt sân bay được một ít ngày. Vào ngày 3 tháng 4 các tàu Mỹ ngoài khơi bắt đầu hỗ trợ nhân đạo cho dân tị nạn, nhưng các chỉ huy bác bỏ mọi cầu xin hậu thuẫn hỏa lực pháo. Phi cơ của Không lực Miền Nam đánh phá cộng quân đang tiến tới, và trong một chiến dịch trực thăng đầy xúc động đã tìm lại được 800 binh sĩ sống sót của lữ đoàn Dù đã phòng thủ đèo M’Drak: họ được trực thăng vận đến tiếp viện cho lực lượng phòng thủ Sài Gòn.
Ngày 16 tháng 4, các bộ phận của Đạo quân Duyên Hải Miền Bắc lãnh nhiệm vụ tấn công vào Phan Rang. Cảng và thành phố nhanh chong thất thủ, mặc dù sân bay cầm cự lâu hơn một chút. Các pháo bình của Tướng An thấy mình trao đổi hỏa lực với các tàu chiến Miền Nam. Quá nhiều phương tiện vận chuyển bị cộng quân bắt giữ thúc đẩy những việc không may, thường do các VC gây ra vì hàng thập niên họ mặc nhiên cho rằng ai có một phương tiện giao thông đều là kẻ địch. Sư trưởng phòng không Miền Bắc bị trúng đạn tử thương bởi một rốc két B-40 bắn vào xe chở ông; các xe tăng cộng sản hứng hỏa lực của chính phe mình. Tướng An phấn khích với chiếc jeep cáu cạnh tịch thu được từ sở chỉ huy một quân đoàn Miền Nam bị bỏ lại sau, nhưng vào đêm 16 tháng 4 ông bớt vui khi ông bị du kích bắn vì ngỡ ông là địch, may mắn chạy thoát được dù bánh đã nổ lốp.
Trong số các tù binh bị bắt trong trận đánh duyên hải là tư lệnh quân đoàn Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và James Lewis thuộc CIA, cả hai được chở bằng máy bay về Hà Nội. Một sĩ quan tuyên truyền Miền Bắc hỏi vị tướng bị bắt: ‘Chúng tôi phải làm sao để kêu gọi binh sĩ tay sai buông súng đầu hàng?’ Nghi tuyệt vọng đáp: ‘Cần gì phải kêu gọi. Quân đội đã tan rã.’ Người Miền Nam ở Washington tìm cách lợi dụng chứng cứ Xuân Lộc để thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ rằng quân đội của mình vẫn còn ý chí chiến đấu, chỉ cần được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Nhưng các Thượng nghị sĩ vẫn trơ trơ. Một ý thức về sự sụp đổ đè nặng lên Miền Nam, càng tăng lên cường độ trước sự sụp đổ của Cao Miên láng giềng, khi Tổng thống Lon Nol đã bôn tẩu vào ngày 1 tháng 4. Phe Khmer Đỏ chiến thắng, một tác phẩm của người Miền Bắc cho dù sau này bị họ cự tuyệt, tiến vào Phnom Penh ngày 17, và chẳng bao lâu sau đó bắt đầu tiến trình diệt chủng chống lại nhân dân Cao Miên.
2 ‘Ôi, đất nước tôi, đất nước đáng thương của tôi’
Trên khắp xứ trong gần hết tháng 4, các trận đụng độ vũ khí và từng đoàn dân chúng hoảng sợ chạy nạn tán loạn vẫn tiếp diễn, khuất mắt giới truyền thông thế giới và vì vậy ít được hậu thế biết đến.
Hàng ngàn cán bộ từ Miền Bắc được phái vào năm để nắm quyền kiểm soát các ‘vùng lãnh thổ giải phóng’. Vào ngày 2 tháng 4 Lê Đức Thọ đồng hành cùng Tướng Dũng – giờ được giao nhiệm vụ tấn công vào Sài Gòn – lập bộ chỉ huy cạnh căn cứ Trung ương Cục Miền Nam ở Lộc Ninh. Việc Dũng cứ khăng khăng hoàn tất việc tiêu diệt Quân đoàn II trước khi điều hướng trực chỉ lực lượng về phía nam từ Cao nguyên Trung phần cho thấy là đúng đắn. Các tình huống hoảng loạn trên bờ biển và sự sụp đổ của quân đội Miền Nam khẳng định trước thế giới, và nhất là trước nhân dân Mỹ và Miền Nam, tình cảnh bế tắc tận cùng của chế độ Sài Gòn và lực lượng vũ trang của họ. Điều đáng kể không phải nhiều đội hình QĐVNCH tan rã, mà là một số người còn xây lên cứ điểm tuyệt lộ để đối đầu với làn sóng vũ bão của kẻ thù.
Tại thủ đô một tình trạng phi thực tại vẫn tồn tại. Dù cái lôgic của thắng lợi cộng sản đang hiện ra lờ mờ, nhiều người, cả Việt Nam và Mỹ, đều không sao nhìn nhận mọi việc mới đây vốn quá thân thiết với cuộc sống của họ, tốt hay xấu, sắp sửa bị tiêu tan. Tiên phong trong số người phủ định đó là Graham Martin. Vào tháng 2 một phái đoàn quốc hội đến thăm được Frank Scotton tháp tùng. Ông này nổi giận khi phát hiện Frank Snepp – người chắc chắn sẽ nói ra sự thật về tình hình tồi tệ ra sao – đã bị đại sứ ngăn không cho làm thành viên của đội phúc trình. Scotton bảo đảm nhân viên phân tích CIA này được trao đổi riêng với nhóm quốc hội.
Ngày 8 tháng 4 CIA chuyển tiếp đến Washington một bức điện mô tả thông tin chi tiết từ ‘nguồn tin Tây Ninh’ đã kiểm tra và đáng tin cậy về quyết định xông thẳng tới thắng lợi hoàn toàn: ‘bất chấp điều gì xảy ra … Sẽ không có vấn đề thương lượng hoặc một chính quyền ba bên. Các lực lượng cộng sản sẽ tấn công Sài Gòn.’ Nhưng cho đến phút cuối cùng, với một sự bướng bỉnh gần như điên rồ Martin thách thức các cố vấn của mình khăng khăng một thỏa thuận nào đó có thể được sắp xếp với Hà Nội để giữ lại phần dưới của Miền Nam. Hậu quả quan trọng nhất là ông phản đối các yêu cầu một cuộc di tản hàng vạn người Việt dễ tổn thương với sự trả thù của người cộng sản, vì vậy khi ông đổi ý thì bắt đầu quá ít và quá muộn. Thái độ của vị đại sứ, thể hiện trong các báo cáo lạc quan trước đây gửi đến Washington, làm các nhân viên tham mưu quan tâm tuyệt vọng đến bạn bè và đồng nghiệp Miền Nam căm giận. Chỉ trong tuần lễ 21 tháng 4 phi cơ vận tải của Không lực Hoa Kỳ bắt đầu các chuyến xuất hành một cách muộn màng ra khỏi Tân Sơn Nhất, 304 lượt tất cả, di tản được gần 43 ngàn người Mỹ và Việt. Trong các tuần lễ cuối cùng của Sài Gòn như là thủ đô của Thiệu, nhiều người Việt thiếu mối móc nối với tấm thảm bay phấn đấu tìm đường ra khỏi xứ sở, dù phải trả cái giá tình cảm mà cuộc sống lưu vong tác động đến những con người thấm nhuần truyền thống tình cảm gia đình gắn bó. Trong khi đó các thành viên của cộng đồng Pháp, nổi bật hơn cả là đại sứ của họ, chế giễu những người Mỹ khổ sở với một sự ác ý bắt rễ trong niềm tin tưởng -:sau này sẽ cho thấy là vô căn cứ- rằng một mối quan hệ đặc biệt với Hà Nội sẽ chiếm được cho người Pháp một vị trí trong một nước Việt Nam cộng sản.
Giá trị tiền đồng Miền Nam lao dốc, thành ra những người ngoại quốc có đô la thấy mình đi ăn chơi gần như miễn phí: một phi công Hàng không Mỹ tính rằng giá của một gái bán ba xinh nhất ở Sài Gòn là 66 xu một lượt, $1.11 trọn đêm.
Người Mỹ hối thúc vô ích chính quyền Thiệu thú nhận với dân chúng ít nhất một số phần thực tế. Thay vào đó, giữa sự trống rỗng và lừa dối của các phát ngôn viên chính quyền, tin đồn vẫn ngự trị và còn có nhiều kẻ mộng du: trường chỉ huy và tham mưu Miền Nam ở Long Binh vẫn tiếp tục khóa giảng cho đến ngày 28 tháng 4. Các học viên sĩ quan cao cấp bỏ ra hàng giờ tranh luận các kịch bản trận đánh, và nhất trí rằng người Mỹ sẽ ít khi bỏ rơi quốc gia mà họ đã hy sinh 58 ngàn mạng người.
Trong khi nhiều người Việt nổi tiếng đang bán tháo tài sản để tìm đường trốn thoát, một số lại quay về nhà. Nguyễn Thị Chinh, di cư 1954 từ Hà Nội vào nam và sau đó trở thành ngôi sao màn bạc và truyền hình nổi tiếng nhất, đang quay phim tại Singapore, nhưng cảm thấy mình phải trở về Sài Gòn: ‘Quyết định không hợp lý nhưng hợp tình.’ Vào ngày 1 tháng 4 Thiếu tá Nguyễn Công Luận, một cựu binh Miền Nam đã 20 năm vừa hoàn tất khóa học ở căn cứ lục quân Fort Benning, đáp máy bay ở San Francisco về nước cùng với ba đồng đội. Tại Tân Sơn Nhất, một cô tiếp viên kiểm tra giấy tờ khách nhập cảnh tò mò hỏi họ, ‘Tại sao các ông lại trở về? Tối qua Đà Lạt đã thất thủ.’
Dù người Úc từng đóng một vai trò tích cực trong công cuộc phòng thủ Miền Nam, giờ chính quyền đảng Lao động của đất nước họ ra lệnh phi cơ Không lực Hoàng gia Úc di tản hết những người Úc còn lại nhưng không được chở người Việt tị nạn. Thủ tướng Gough Whitlam khăng khăng công nhận lời bảo đảm công khai của Hà Nội rằng người Miền Nam không có gì phải sợ chính quyền mới của người cộng sản. Trong số 3,667 người nạp đơn xin visa nhập cảnh Úc vào những ngày đó, chỉ có 342 được chấp nhận, và đúng 76 người cuối cùng ra đi: nhân viên người Việt của sứ quán bị bỏ lại. Trong khi đó có những chuyến bay do các nhà hảo tâm ngoại quốc có lòng nhân từ dại dột khi tổ chức di tản các trẻ mồ côi Sài Gòn. Không có người tỉnh táo nào lại có thể cho rằng cộng quân chiến thắng lại sát hại những trẻ em xinh xắn. Thay vào đó, các sĩ quan QĐVNCH bụng bự, các cảnh sát và quan chức khó ưa đối mặt với hiểm họa chết người; tuy nhiên họ đã mất đi bạn bè nước ngoài. Trung uý Nguyễn Khiêm nói: ‘Chúng tôi biết mình thua trận, nhưng chúng tôi không biết làm gì. Chúng tôi thậm chí không dám nói nhiều với nhau, sợ sẽ gây ra hoảng loạn. Chúng tôi nói dối với người thân để trấn an họ.’ Là con một doanh nhân thành đạt, Khiêm có mối quen biết ở châu Âu cứ không ngừng thúc giục họ, ‘Xuất ngoại, xuất ngoại đi!’ Anh nói: ‘Họ biết nhiều hơn chúng tôi. Nhưng thoát ra bằng cách nào đây?’ Ngô Thị Bông, một người chủ gia đình đã sống sót quá thời kỳ Tết 1968 khủng khiếp tại Huế, từ Sài Gòn viết cho người bạn ngoại quốc Gavin Young: ‘Giờ đây mọi thứ đã mất. Con trai yêu dấu duy nhất của tôi, Minh, đang ở Đà Nẵng … Không biết nó còn sống hay đã mất. Thật quá đau buồn, không sao tưởng tượng được cho một người phụ nữ đáng thương. Tôi không thế nào diễn tả được cảm nghĩ của mình vì chúng tôi chỉ biết sống từng phút một … Tôi không còn nước mắt để khóc cho con trai Minh của tôi và cùng lúc cho các cháu nội của tôi. Ôi, đất nước tôi, đất nước đáng thương của tôi.’
Gần ba triệu cựu binh Mỹ xem TV với vẻ chăm chú đặc biệt bi kịch đang diễn ra bên kia Thái Bình Dương. Đại uý TQLC Mỹ trước đây Hays Parks buồn rầu cho biết: ‘Nếu người Miền Nam đã biết trước được tương lai sẽ như thế này, hẳn họ sẽ chiến đấu kiên cường hơn.’ Trung tướng Bruce Palmer nổi dóa: ‘Sự thật phũ phàng cứ lẽo đẽo, rằng khi Miền Nam trong giờ phút hấp hối của mình quay sang chúng ta trong tuyệt vọng, thì Hoa Kỳ lại quay mặt đi … Những bạn bè Miền Nam của chúng ta không thể nào quên cơn ác mộng bi thảm của những cảnh tượng cuối cùng đó.’ Quân y tá Phyllis Breen đồng ý: ‘Tôi chỉ cảm thấy quá tệ cho người Việt Nam nào đã trót tin cậy chúng tôi.’
Nhà báo Anh Richard West, người hiểu rõ Đông Dương và đã từng có lần chống Mỹ một cách hăng say, giờ viết một cách hối tiếc từ Sài Gòn: ‘Thật không đúng khi thể hiện Miền Nam là một chế độ phát xít bị một phong trào cách mạng lật đổ. Thậm chí ở giờ thứ 11 này các phong trào chống đối cũng vẫn có quyền chống đối nào đó, trong khi báo chí Sài Gòn lại tỏ ra ít rụt rè hơn báo chí London trong việc phanh phui bọn bất lương trong chính quyền. Việt cộng, tức người cộng sản Miền Nam, giờ chỉ đóng một vai trò nhỏ xíu trong cuộc chiến; giai cấp vô sản Sài Gòn, vốn đã phớt lờ hai lần kêu gọi nổi dậy vào năm 1968, dường như vẫn lãnh đạm … Những gì bắt đầu như một cuộc chiến tranh cách mạng đã biến thành một cuộc xâm lược quy ước lỗi thời của Miền Bắc vào Miền Nam … Thật ghê tởm, ở đây tại Sài Gòn, khi đọc thấy cái giọng điệu hả hê của một số tờ báo nước ngoài về số phận của những người chống cộng.’ Nhận xét cuối cùng này phản ánh sự thành công của bộ máy tuyên truyền cộng sản: hàng trăm triệu người trên khắp thế giới, kể cả không ít người Mỹ, tin rằng thắng lợi đang đến gần của Miền Bắc biểu thị một quả báu công chính. Bên ngoài trong khu vực phân loại của Mỹ tại Tân Sơn Nhất, hàng ngàn người Việt khiếp đảm xếp hàng bên ngoài sảnh bowling của căn cứ, hoặc tụ tập trên các sân quần vợt của sứ quán, khi họ đợi lên máy bay tị nạn. Vào chiều ngày 23 tháng 4, Lê Thị Thu Vân 45 tuổi, quả phụ của nhà chính trị Nguyễn Văn Bông bị ám sát, gặp một người bạn văn Pháp lớn tuổi bất ngờ kêu lên một cách hốt hoảng. Một xách tay đựng $2,000, toàn bộ tài sản mang đi được của ông, đặt bên cạnh không cánh mà bay, rõ ràng là bị đánh cắp. Ông già lên tiếng mình sẽ không đi vào Mỹ như một tên hành khất – ông sẽ trở về ngôi nhà trong thành phố. Em họ của ông, thứ trưởng bộ giáo dục trong chính quyền, tháp tùng ông, một quyết định nông nỗi khiến cả hai phải trải quá những năm trong các trại cải tạo của cộng sản.
Khi đã lên một máy bay C-130, Vân và các con tìm được bốn chỗ ngồi vải bố. Một thanh niên Mỹ trẻ cao lớn xô lấn qua khoang máy bay đông nghẹt người dẫn phía sau một phụ nữ Việt ra hiệu cho người quả phụ và các con đứng lên nhường ghế cho anh ta. Khi bà từ chối, y giận dữ buông chiếc túi hành lí nặng chịch xuống bàn chân bà. ‘Này bà kia,’ y vừa nói vừa cùng với người đồng hành ngồi xổm trên sàn máy bay, ‘bà có biết qua bên xứ tôi bà sẽ làm gì không? Bà sẽ làm nghề giặt giũ đó.’ Thu Vân viết: ‘Thế là tôi phải rời bỏ xứ sở với cõi lòng nặng trĩu và ngón chân bị bầm tím.’
Gia quyến của phi công chiến đấu Không lực Miền Nam trước đây Trần Hội trốn lên một chiến bay của World Airways được bạn bè mang ơn sắp xếp cho họ. Khi bà mẹ vợ của ông không chịu đi theo họ, ông trang trọng trao tay bà giấy tờ nhà và hai chiếc ô tô, trấn an bà, ‘Mẹ đừng lo lắng, chuyến ra đi này chỉ là tạm thời. Ngay sau khi tình hình lắng xuống, cháu ngoại mẹ sẽ quay về.’ Rồi Trần Hội bay đến Guam trên một chiếc Starlifter của Không lực Mỹ; những của cải quý giá của ông sẽ trở thành các chiến lợi phẩm của người chiến thắng. Eva Kim, thư ký của Graham Martin, nói với Merle Pribbenow: ‘Anh đã có gia đình Việt Nam – em có thể kiếm cho anh một vài chỗ trên danh sách “đen”.’ Và cô đã làm thế, bằng cách cung cấp địa chỉ một ngôi nhà an toàn từ đó mẹ vợ và cháu ông bay đến nơi bình yên – vợ ông và con trai đã đi trước. Kim, một phụ nữ tốt bụng mẫu mực, cũng ra tay giúp đỡ nhiều người khác ra đi tương tự.
Một số trẻ em, như Bông 9 tuổi, nhìn chuyển di tản như ‘một kiểu phiêu lưu gọn gàng, đi đến những nơi hấp dẫn’. Thằng bé không sao hiểu được tại sao người lớn chung quanh em cứ mãi khóc lóc. Mẹ em, như hầu hết những người tị nạn, không dám tiết lộ với hàng xóm các kế hoạch ra đi của mình, nhưng trong phòng bowling Tân Sơn Nhất họ gặp bạn bè, đồng nghiệp, bạn học, chia sẻ lo âu cũng như nỗi khổ mà họ không dám nói ra. Qua hai ngày đêm dài lân la ở đó, cuối cùng họ đáp một chiếc C-130, trải qua một ít phút khiếp đảm khi họ cất cánh bay lên không e rằng cộng quân, giờ rất gần, sẽ bắn vào máy bay. Khi đã được an toàn trên biển, họ mới nhẹ nhõm cả người đón nhận tình trạng thiếu tiện nghi của chuyến bay buồn đến Philipin. Một khía cạnh đáng buồn của cuộc di tản là có một số người Mỹ và Việt có quyền hành bán chỗ điền tên trên danh sách: hàng trăm gái bán ba trả tiền tươi đô la trở thành người thụ hưởng. Trong khi đó, hơn $50,000 tiền hối lộ người Mỹ phải trả cho nhân viên cảnh sát và quân đội Việt tại Tân Sơn Nhất, để việc di tản đồng bào của họ được phép tiến hành không bị cản trở.
Về phần lãnh tụ, bù nhìn, hay tổng thống của Miền Nam: Nguyễn Văn Thiệu nghĩ gì, khi đang ngồi gần như một mình trong Dinh Độc Lập to lớn, vang vọng khi chính quyền của ông sụp đổ trên đầu mình? ‘Thiệu có thể sẽ là một tay xì phé nhà nghề tại Las Vegas,’ Frank Scotton nói. ‘Ông ta không để lộ ra cảm xúc gì.’ Frank Snepp nói: ‘Ngay khi chúng tôi không còn kiểm soát một lãnh đạo Việt Nam, chúng tôi phó mặc ông ta. Thiệu là một con người thảm thương.’ Một sĩ quan không lực cao cấp cho rằng tổng thống đã luôn bị ám ảnh bởi ký ức về Diệm, sợ rằng nếu mình thách thức ý muốn của Washington, ông ta sẽ chịu cùng một số phận như Diệm. ‘Và thế là, khi người Mỹ nhìn vào Thiệu, họ xem ông như một tên không ra gì.’ Còn bộ trưởng đang xếp hàng chờ của CPCMLT Trương Như Tảng cho rằng Thiệu ngây thơ tưởng rằng người Mỹ sẽ luôn trung thành sát cánh với mình. Ông ta ‘đơn giản không thể tự bắt mình nghĩ rằng trong cảnh ngộ nghiệt ngã này họ sẽ bỏ rơi ông ta’.
Suy đoán này dường như tin được, mặc dù không chứng minh được, vì trong chốn lưu vong Thiệu vẫn không hề hé miệng. Ông biểu lộ qua những tuần lễ cuối cùng của quyền lực – hay, thích đáng hơn, của sự bất lực – tính vô cảm chính trị vốn là đặc thù tám năm cai trị của mình. Vào giữa tháng 3 ông bỏ ngoài tai lời kêu gọi từ chức từ những người chống đối như Cha Trần Hữu Thanh và cựu Phó tổng thống Kỳ – người sau này đã hờn dỗi bỏ về một nông trại kể từ khi rời bỏ cuộc tranh cử tổng thống 1971. Mười người bị tống giam vì bị gán tội âm mưu lật đổ chính quyền. Thiệu bác bỏ một cuộc bầu phiếu của Thượng viện Sài Gòn kêu gọi truất phế ông. Vào ngày 4 tháng 4 ông xáo trộn lại nội các một cách muộn màng, mặc dù việc ở lại chức vụ của ông giờ đây, cũng như bao giờ, lệ thuộc vào lòng trung thành của các tướng lĩnh. ‘Nguồn tin Tây Ninh’ của CIA, đặc vụ ‘Hackle’, báo cáo Hà Nội hoàn toàn không thiết tha thương lượng với một phe phái nào của Miền Nam. Tại sao Miền Bắc cần phải mặc cả khi họ đang đứng bên bờ thắng lợi quân sự? Chỉ có đại sứ Martin và một nhúm kẻ môi giới quyền lực mới bám vào những ảo tưởng rằng một thành quả có thể xoay sở được nhằm làm lệch đi việc cộng sản chiếm chính quyền.
Đối với hậu thế Thiệu dường như là một nhân vật không biết đồng cảm, người không quan tâm đến đông đảo đồng bào mình, và trị vì qua một nhóm tay chân là các chỉ huy quân sự ít nhiều tham nhũng. Không có giai thoại nào tồn tại để gán cho con người lạnh lùng khác thường này một bộ mặt người. Điều tốt nhất có thể nói là ông không có mặt trong số các nhà chuyên chế tàn bạo nhất của thế giới. Ông từ chức tổng thống muộn màng vào ngày 21 tháng 4 và rời xứ sở mình lần sau rốt bốn đêm sau đó, tháp tùng bởi thủ tướng trước đây Trần Thiện Khiêm. Frank Snepp là tài xế của Thiệu trong chuyến đi ngắn qua bóng đêm từ tư gia của ông trong căn cứ Tân Sơn Nhất đến chuyên cơ C-118 của Không lực Mỹ đang đợi sẵn. Vị tổng thống bắt tay với nhân viên CIA này và nói ‘Cám ơn’ cụt ngủn, nhấp nháy đẫm nước mắt. Một tốp ma quỷ, chính khách và bảo vệ người Mỹ, tất cả đều mặc thường phục, bông đùa nhau chút ít để bớt căng thẳng khi tiếng đạn pháo nghe được từ xa vọng về.
Vị đại sứ trao đổi một vài lời với Thiệu tại chân cầu thang lên máy bay. ‘Tôi chỉ chào tạm biệt ông ta,’ Martin nói sau này. ‘Không có gì mang tính lịch sử. Chỉ tạm biệt thôi.’ Khi động cơ máy bay rú lên, xảy ra một khoảnh khắc hơi phi lý khi vị đại sứ, ngực phập phồng, ra sức kéo cầu thang ra. Snepp la lên, ‘Ngài đại sứ! Để việc đó cho tôi!’ Nhiều năm sau đó, có tin đồn kéo dài khá lâu là Thiệu mang đi trong hành lý ông số vàng dự trữ của Miền Nam, nhưng trong chốn lưu vong ông và gia đình ông không thể hiện chứng cứ nào cho thấy mình sở hữu một tài sản khổng lồ đã mang đi: vào năm 2016 tại Quận Cam (Hoa Kỳ) bà quả phụ của ông còn phải nhờ đến lòng hảo tâm của bạn bè để mua một lô đất an táng ông. Văn bia của Thiệu phải ghi là ông đã trở thành một con rối ngã quỵ , khi người Mỹ quyết định buông đây.
Thầy giáo về hưu 71 tuổi Trần Văn Hương nắm quyền tổng thống trong một ít ngày khốn khổ, trong khi Trung tướng Nguyễn Văn Toàn chuẩn bị chu đáo cuộc phòng thủ Sài Gòn. Ông điều động 60,000 quân chính quy, và khoảng số ấy lực lượng Địa phương quân và Nghĩa quân. Nhưng số này không đủ để bao quanh thủ đô, và cửa ngõ phía nam gần như trống trải. Không ai ở bên nào tin rằng Miền Nam có thể cầm cự lâu dài đạo quân hùng hậu của Miền Bắc, nhưng một số sĩ quan và chính trị gia vẫn bám lấy hi vọng họ có thể chiến đấu đủ lâu để tranh thủ các điều khoản thương lượng hơn là chấp nhận một cuộc đầu hàng hèn hạ. Cục An ninh Quốc gia Hoa Kỳ chặn được một tin vô tuyến của địch ra lệnh cho pháo binh khai hỏa nếu người Mỹ không di tản trước khi đạo quân của Dũng đến trung tâm thành phố. Vẫn còn chưa chắc chắn thông điệp này có phải là hù dọa hay không, nhưng viên chức cao cấp Mỹ lên kế hoạch ra đi trước mũi tiến công của cộng quân. Dũng bố trí hơn một phần tư triệu quân trong 5 quân đoàn, 14 sư đoàn, 10 lữ đoàn và trung đoàn độc lập, cùng với một tiểu đoàn phòng không tên lửa SAM-2 chở từ Miền Bắc đến. Một số phi công vội vã được huấn luyện cấp tốc để chuyển từ lái MiG-17 sang lái A-37, để họ có thể lái các phi cơ tịch thu được; Hà Nội không muốn sử dụng các chiến đấu cơ do Nga chế tạo, sợ như thế sẽ khiêu khích sự đáp trả của người Mỹ. Cuộc tấn công đa trục của Dũng tập trung vào các cơ quan chỉ huy đầu não và các biểu tượng quyền lực quân sự và chính trị, trong đó có Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập. 14 cây cầu nằm giữa tuyến đầu cộng quân và trung tâm thủ đô, mà đặc công có nhiệm vụ đánh chiếm trước khi đạo quân bọc thép tiến đánh. Dự định bao trùm là ghim và tiêu diệt các lực lượng Miền Nam tại vành đai, tránh một trận chiến hủy diệt trong trung tâm thành phố.
Vào ngày 25 tháng 4 Lê Đức Thọ gửi đi một bức điện dài cho các đồng chí trong bộ chính trị Hà Nội, tìm cách trấn an họ, không phải sợ trận đấu cuối cùng sẽ bị đình hoãn một cách nguy hiểm; và thậm chí sau khi mất thủ đô, các lực lượng Miền Nam có thể rút về cố thủ đồng bằng Cửu Long. ‘Các anh hãy ăn tâm,’ Thọ cho biết: mọi việc sẽ êm đẹp. Sài Gòn đang trong tư thế thất thủ; chế độ sẽ sụp đổ cùng với nó.
Trong giai đoạn cuối cùng bên ngoài Tân Sơn Nhất, đội an ninh Không lực Miền Nam hỏi vị chỉ huy của mình: ‘Trung uý, giờ sao đây?’ Trung uý Nguyễn Khiêm im bặt trong vài phút, vì không tìm ra câu trả lời có tính xây dựng. Cuối cùng anh nói: ‘Thôi hãy về nhà. Điều tốt nhất các cậu có thể làm là hãy ráng tự chăm sóc mình.’ Trong những ngày đó lời nhắn gửi này được lặp lại 10,000 lần trong số những người Miền Nam cả trong quân phục và khi không có quân phục. Chính Khiêm cũng leo lên một xe máy và đi về nhà. Ngày bên ngoài căn cứ, giữa đường phố anh bắt gặp một cảnh tượng thương tâm: hai con người bé nhỏ, cô đơn, một bé trai khoảng 10 tuổi và một bé gái có lẽ 6 tuổi, ngồi trên một núi hành lí và đồ đạc. Khiêm quành xe lại và đến gần họ, hỏi, ‘Các em đang làm gì đó?’ Thằng bé trả lời: ‘Ba má tụi em dặn phải ở đây chờ họ.’ ‘Đó là khi nào?’ ‘Hồi sáng sớm.’
Giờ đã là giữa trưa. Khiêm chỉ làm được một việc mà anh nghĩ ra: băng qua quày hàng gần đó, anh mua một ít sinh tố và trao cho các đứa trẻ. Anh nói: ‘Các em nên bỏ lại hành lí, trở về nhà ngồi đợi.’ Chúng lưỡng lự gật đầu khi anh tiếp tục lên đường, để lại hai đứa trẻ khốn khổ ở phía sau.
Cộng quân dự trù mở cuộc tấn công cuối cùng 6 gọng kềm vào Sài Gòn vào ngày 27 tháng 4, nhưng Đạo quân Duyên Hải được lệnh di chuyển sớm hơn một ngày, vì phải vượt qua hai sông. Sáng sớm ngày 26, 20 sư đoàn pháo binh khai hỏa từ phía đông: xe tăng và bộ binh sau đó tiến lên. Vào ngày hôm sau Sư đoàn 18 Miền Nam, những người hùng của Xuân Lộc, bị Quân đoàn 4 Miền Bắc xử lý một cách hung bạo, và buộc phải rút lui, trong khi Quân đoàn 2 của An tấn công các lực lượng Miền Nam trấn giữ đường kết nối giữa Sài Gòn và biển. An viết: ‘Trận đánh cùng lúc càng ác liệt với mỗi phút trôi qua, tràn lên lui xuống khi binh lính chiến đấu giành từng bức tường đổ nát, boongke, cây cao su, tăng chống tăng, lựu pháo chống lựu pháo.’ Lực lượng Địa phương quân bám giữ thị trấn Long Thành được một thời gian; lực lượng Dù còn lại giữ vững vị trí cho đến khi bị đánh bật sườn, phải rút lui về hướng cảng Vũng Tàu. Vào chiều tối ngày 28, 5 chiếc A-37 bị tịch thu do các phi công Miền Bắc lái đánh bom Tân Sơn Nhất, phá hủy một vài phi cơ và gây tổn thất cho lực lượng phòng thủ. Mười giờ sau một trận pháo kích và bắn rốc két quét sách căn cứ không quân, giết chết 2 lính bảo vệ TQLC Mỹ. Các đặc công cộng sản đánh chiếm và trong vài giờ giữ được cầu Tân Cảng, ngay sát trung tâm thủ đô, làm nổ ra một trận chạm trán dưới sự chứng kiến sát sườn của đội quân phóng viên và nhà quay phim phương Tây.
TQLC Miền Nam được biết đã tạo một sức kháng cự ấn tượng xa hơn về phía bắc, nhưng điều này không có kết quả gì khi các phòng tuyến của lực lượng phòng thủ sớm bị chọc thủng 20 điểm bởi cộng quân ào ạt xông tới về hướng thủ đô.
Sư đoàn 10 Miền Bắc, vốn đã chiến đấu nhiều hơn bất kì lực lượng nào khác kể từ đầu chiến dịch, tiến lên những dặm đường cuối cùng của Quốc lộ 1 dẫn đầu bởi xe tăng và bộ binh bám trên thân xe. Đạo quân tiến nhanh qua Củ Chi, từng có lần là một căn cứ địa với phức hợp địa đạo chằng chịt của VC bên dưới các bước chân lính Mỹ, được hợp thành bởi một phối hợp các xe tăng T-54 và K-63 của họ, phần lớn đều đến hạn sử dụng, cùng với các xe tăng Mỹ tịch thu được M-41 và M-48. Bị chỉ huy hối thúc ráo riết, các tài xế được lệnh phải đập nát chướng ngại, ào ạt xông tới, vượt qua sức kháng cự, không cần mất thì giờ cho bộ binh triển khai bên đường và tấn công một cách bài bản. Lúc 06:00 giờ ngày 29, các đặc công và bộ đội đã chiếm được cầu Sáng. Nó liền sập xuống dưới trọng tải của hai xe tăng, và phe tấn công thấy mình đương đầu với ‘sức kháng cự ngoan cố’ Tại Đồng Dù. Thêm nhiều xe tăng nữa bị sa lầy trong một con suối phải nhờ các kỹ sư giải cứu, rồi đụng độ với thiết giáp Miền Nam và tìm đường tiến lên – Đường 4 – bị quân xa phong tỏa. Dưới cơn mưa nặng hạt, quân Miền Nam duy trì sức kháng cự qua gần suốt buổi sáng tại nhà máy dệt Vinatexco và cầu Tham Lương. Xảy ra một vụ phát nổ ngoạn mục tại kho bom Tân Sơn Nhất vào chiều tối, trước khi xe tăng Miền Bắc bắt đầu khai hỏa vào các phi cơ đỗ bên trong căn cứ. Đến khi bóng đêm buông xuống họ dừng bắn, đợi bình minh hôm sau sẽ tiếp tục tấn công.
Trong khi đó tại trung tâm Sài Gòn, cư dân thủ đô đành phải chấp nhận muộn màng cơn địa chấn hỏa diệm sơn đang đến gần sẽ chôn vùi xã hội của họ. Tham mưu trưởng Cao Văn Viên đã từ chức và bay lánh nạn trên tàu sân bay Mỹ ngày 28, tiếp theo ngày hôm sau là Tướng Toàn và các sĩ quan khác. Cựu Phó Tổng thống Kỳ đọc một bài diễn văn huênh hoang rỗng tuếch kêu gọi đồng bào mình biến Saigon thành một Stalingrad thứ hai rồi vội vàng leo lên lái chiếc Huey đáp xuống tàu sân bay Midway. Để khỏi bẽ mặt khi thủy thủ Mỹ tước vũ khí, ông và đồng đội ném xuống biển vũ khí cá nhân của mình, kể cả khẩu súng lục được tài tử John Wayne tặng. Hạm trưởng chào đón ông, chỉ vào một dây ruy băng huy chương Việt Nam trên ngực ông và nói: ‘Ông đưa vật này cho tôi.’ Kỳ viết: ”Mắt tôi nhòa lệ. Cơn nức nở vật vã thân thể. Hạm trưởng rút lùi, lặng lẽ khép cánh cửa cabin, để tôi một mình với những dòng nước mắt.’ Dù có tiếng là nhận hối lộ, Kỳ tỏ ra gần như không một xu dính túi khi ông bắt đầu cuộc sống mới tại California.
Các trực thăng phành phạch không ngừng vần vũ trên bầu trời, trước tiên bốc người di tản khỏi Tân Sơn Nhất, rồi vào ngày 29 tháng 4 khỏi sứ quán Mỹ và một nhóm các trụ sở khác. Chiều hôm đó, Trung uý Khiêm đến nhà cha mẹ mình ở Sài Gòn và thấy ông nội và các người thân trong gia đình đầm đìa nước mắt, hòa vào dòng sông lệ của thành phố trong ngày hôm đó. Theo tập quán gia đình Khiêm xin phép cha vợ đồng ý cho mình đưa Liên vợ anh ra sứ quán di tản đến Hạm đội 7 ngoài khơi. Rồi anh chở vợ trên xe máy qua vài khu phố đến sứ quán đang được TQLC Mỹ bảo vệ khỏi đám đông điên cuồng bên ngoài bức tường bao. Cha vợ anh cũng đến, chở theo hai đứa em gái của vợ trên một chiếc Lambretta. Họ có hẹn với em trai của Khiêm trước khi viên trung uý xô vẹt đám đông đến cổng.
Những mối quan hệ đặc quyền chứng nhận trên giấy giúp thuyết phục các TQLC nhận vào toàn bộ nhóm. Tuy nhiên, em trai anh, một sinh viên luật 23 tuổi, bỗng thất lạc. Khiêm phải quay về nhà, nơi chàng trai cũng vừa xuất hiện. Một lần nữa Khiêm phải xô đẩy qua đám đông đến cổng sứ quán, và sau khi dúi tờ $100 vào tay đứa em trai, anh thô bạo đẩy cậu ta qua cổng, rồi chính mình lại quay về nhà.
Trần Tân 25 tuổi, và như Khiêm có mối quan hệ thân thiết với người Mỹ – anh làm nhân viên tổng đài ban đêm của cơ quan USAID (Viện Trợ Mỹ). Các ông chủ của anh yêu cầu anh ở lại làm ‘nhân viên cốt yếu’, và được quyền bay chuyến di tản. Anh điện thoại cho cha mẹ – một điện thoại nhà của Mỹ là một đặc ân khác cho công việc của anh – và dặn đứa em trai 15 tuổi mang thức ăn và quần áo đến văn phòng USAID cho anh. Khi cậu trai đến, Tân bảo em đứng ngoài chờ. Anh hỏi người Mỹ liệu hai em trai khác của mình, mà lý lịch anh đã cung cấp cho họ, có thể vào hay không. Không, họ đáp cộc lốc – cả hai là quân nhân và Tổng thống Thiệu đã chỉ thị không quân nhân nào được rời bỏ đất nước. Tân nói sau này: ‘Mình thật ngu ngốc – lúc chúng tôi đến đảo Guam và thấy tất cả binh lính QĐVNCH ở đó, tôi mới biết rằng chúng tôi chỉ cần tìm một vài đô la dúi vào ai đó, anh em tôi có thể đã đi trót lọt.’ Cha anh không chịu đi, nhún vai, ‘Ba già rồi sống chết nay may không phải lo.’ Khi Tân và Hưng đáp trực thăng ra khỏi sứ quán Mỹ lúc 6 giờ chiều ngày 29 tháng 4, chuyến ra đi của họ mở ra thời gian ly tán trong gia đình, như trong vô số gia đình khác, sẽ kéo dài nhiều năm sau đó. Tân biết mình may mắn khi anh em mình chỉ là lính quân dịch: cấp bậc thấp của họ tránh cho họ khỏi bị hành hạ trong các trại cải tạo của cộng sản đang chờ đợi các cựu sĩ quan Sài Gòn.
Vào ngày cuối cùng của cuộc di tản, nhân viên CIA muối mặt lắng nghe tiếng kêu cứu và huýt sáo của các điện đài không được hồi âm trong các phòng hành quân, tiếng kêu gọi giúp đỡ xen lẫn với âm tĩnh điện trên mọi kênh liên lạc, đến từ khắp Miền Nam: ‘Tôi là Hân, người phiên dịch … ‘ Frank Snepp gọi những lời kêu cứu này là những cơn ‘ác mộng âm thanh’. Không thể nào người Mỹ có thể tiến hành một cuộc di tản có trật tự tất cả người Miền Nam có liên hệ với Hoa Kỳ, cho dù ngài đại sứ đã tiên liệu chu toàn hơn. Thay vào đó, số đông đảo các con người kinh hoàng trốn thoát leo lên các con tàu và thuyền nhỏ đủ kiểu dáng và đủ kích cỡ lấm tấm trên mặt biển ngoài khơi Miền Nam qua suốt các tuần lễ sau đó; một ít người may mắn được bay đi.
Vào đêm cuối cùng tại sứ quán một tùy viên của Martin, Ken Moorefield, tán gẩu với trạm trưởng CIA Tom Polgar, một người Hungary vạm vỡ, hói đầu, ‘rõ ràng là đang khổ sở và tuyệt vọng ‘. Polgar đã chia sẻ đến cùng các mối hy vọng hão huyền về một thương lượng chính trị. Giờ ông than thở một cách tuyệt vọng, ‘Phải chi chúng ta không cắt đứt việc tiếp tế cho họ.’ Moorefield viết về cảnh tượng trong sứ quán trước khi ông bay đi: ‘Một sự yên ắng thê lương buông xuống. Gần như không nghe thấy một tiếng ồn nào. Không có tiếng súng. Không có cảm nhận của chuyện lớn nào sắp sửa xảy ra.’ Trong các chuyến bay lên cuối cùng khỏi Sài Gòn ngày đó, các trực thăng TQLC bay 682 lượt để bốc 1,373 người Mỹ và 5,595 người quốc tịch khác – phần lớn áp đảo là người Việt – đến các tàu chiến của Hạm đội 7. Đại sứ
Martin ra đi lúc 04:58 ngày 30 tháng 4, khi mật mã ấn định
‘Tiger, Tiger, Tiger’ được truyền đến tàu chỉ huy. Vài trăm người Việt bị bỏ lại trong phức hợp sứ quán sau khi Washington ra lệnh đóng cửa sớm cuộc di tản, để các TQLC cuối cùng có thể bay ra lúc 07:53.
Cho dù khi các người Mỹ cuối cùng đã lên máy bay, binh sĩ Miền Nam còn trấn giữ tại Trung Tâm Huấn luyện Quang Trung, bắn hạ 4 xe tăng địch, rồi cầm cự suốt đêm. Các cuộc tấn công của cộng quân tiếp tục lúc 05:30 ngày 30, và còn gặp sức kháng cự: 1 xe tăng bị trúng rốc két M-72 lẫn một quả đạn pháo của xe tăng Miền Nam, liền bị một T-54 đâm vào, khiến binh sĩ Sài Gòn phải thoát khỏi xe tăng và bỏ chạy. Một đơn vị quân Miền Bắc lạc đường nhờ một thanh niên đi đường leo lên xe tăng chỉ đường. Tuy nhiên, khi đạo quân hứng hỏa lực, người chỉ đường phóng xuống và chạy mất, khiến xe tăng lại quẹo nhầm đường.
Các tường thuật của người cộng sản nói về ‘cuộc kháng cự càng lúc càng ngoan cố’. Chiếc tăng Miền Bắc đầu tiên tiến gần cổng chính Tân Sơn Nhất bị bắn cháy: ‘Bộ đội chúng ta bị ghim xuống, bộ phận đi đầu … tỏ ra quá yếu không thế tiếp tục tấn công.’ Các sĩ quan xông đến để nắm tình hình, rồi tung quân tiếp viện.
Một cuộc đánh phá của phi cơ Không lực Miền Nam – một trong các cuộc oanh kích cuối cùng của cuộc chiến – bắn lật thêm 2 xe tăng nữa. Lúc 10:15 khi tổn thất lực lượng bọc thép tăng lên, ‘tình hình trở nên cực kì phức tạp’. Rồi bộ binh đột phá , đánh chiếm các boongke phía tây cổng chính. Một đạo xe tăng và xe thiết giáp chở quân ào ạt xông tới, tỏa ra dấn vào bên trong vành đại, vừa đi vừa khai hỏa. Từng cụm binh lính phòng thủ bắt đầu lộ diện, ra dấu đầu hàng. Vào đầu giờ chiều, cuộc kháng cự cuối cùng tại căn cứ đã bị quét sạch.
Những người đào thoát tuyệt vọng trong sự sụp đổ tháng 4 1975 của QĐVNCH và cuộc di tản bằng đường biển từ phía bắc
Những binh sĩ phòng thủ Sài Gòn
Bộ đội tiến về Sài Gòn ngồi xe tăng đi trên con đường vinh quang đến thắng lợi
Chỉ huy VC kỳ cựu Huỳnh Công Thân cầm đầu một lực lượng cỡ sư đoàn tiến vào Sài Gòn từ phía nam. Ông nhận xét rằng, trong khi về tổng thể thì Miền Nam sụp đổ, nhưng các đơn vị ông chạm trán một loạt các trận đánh ác liệt gây nhiều tổn thất thương vong. Một cuộc tấn công vào bộ chỉ huy quân sự quận bị đẩy lui; VC cuối cùng bỏ qua cứ điểm, sau đó băng qua Sông Cần Giuộc với những ký ức sống động khi đi theo con đường năm xưa dịp Tết 1968, nhưng với các hậu quả kém thuận lợi hơn nhiều. Trận chiến của Thân kết thúc với việc đánh chiếm Nha Cảnh sát Quốc gia và bộ chỉ huy hải quân ở trung tâm thành phố. ‘Các gương mặt chiến sĩ chúng tôi sáng rực nụ cười chiến thắng,’ ông viết. Đỉnh cao biểu tượng của ngày 30 tháng 4 xảy ra khi một xe tăng dẫn đầu Sư đoàn 304 của Thiếu tướng An húc ngã cổng Dinh Độc Lập mà Thiệu đã bỏ lại.
Cựu chủ tịch Dương Văn Minh, có người em là một sĩ quan cao cấp trong quân đội Miền Bắc, đã trở lại nắm quyền quốc trưởng trên danh nghĩa ba ngày trước. Ông vẫn còn nuôi hi vọng hão huyền sẽ dàn xếp được một cuộc ngừng bắn, nhưng người cộng sản không còn nhìn nhận sự uỷ thác của Mình hay của bất kì người Miền Nam nào khác. Vào buổi sáng ngày 30 tháng 4 đó, vị tướng thi hành kỳ tích hữu ích duy nhất bằng cách phát động đi lời tuyên bố đầu hàng, sau đó được lặp đi lặp lại trên đài, cứu sống nhiều sinh mạng khi khuyên binh sĩ buông súng đầu hàng. Mọi trận đánh vô ích kết thúc khi đêm xuống.
Hàng vạn người Miền Nam tiếp tục chạy khỏi Sài Gòn ngày hôm đó, và đúng ra suốt các tuần lễ sau. Trung uý Khiêm từ sứ quán trở về nhà mệt đừ để gặp cha mẹ và ông nội: ‘Không còn thời gian để than khóc: tôi đang tự hỏi làm sao sống sót được đây.’ Vào buổi sáng ngày 30 gia đình biết được tin – với một giá nào đó – có cơ hội cho họ lên một con tàu tại bờ sông. Khiêm khẩn khoản xin mẹ cùng đi với họ, nhưng bà khăng khăng bà phải ở lại trông nom ông ngoại anh. Cha anh lái xe đưa anh xuống bến tàu Sài Gòn bằng chiếc xe tải làm ăn của gia đình, nói lời tạm biệt ngắn ngủi nhưng đầy xúc động với đứa con trai. Chàng sĩ quan trẻ nhảy xuống một con tàu đã đầy ắp 2,000 người, lên đầu một đám đông thân người cho dù rốc két cộng quân vẫn nổ xuống gần đó. Anh hối thúc các thủy thủ: ‘Cắt dây neo!’ Và họ làm theo. Sáng đó một đoàn tàu hải quân hứng chịu hỏa lực cộng quân trên đường thoát ra Sông Sài Gòn tiến ra biển. Họ đã ra ngoài khơi khi chiếc đài mang theo báo tin Miền Nam đã chính thức đầu hàng, khiến một trận mưa nước mắt mới lại tuôn ra … cùng với lời râm ran cầu nguyện.
Nguyễn Hải Định, bộ đội đào ngũ khỏi Quân đội Miền Bắc, người đã trải quá 4 năm qua trong một tu viện, tự nhận đang được huấn luyện để trở thành giáo sĩ Công giáo, biết rằng tương lai của mình sẽ rất ngắn ngủi nếu anh đợi kẻ chiến thắng. Ngày 30 tháng 4 anh xô đẩy qua đám đông người cuồn cuộn, hoang mang để theo chân 15 lính Dù leo lên một tàu đánh cá nhỏ rời cảng Sài Gòn, từ đó khi ra khơi họ chuyển lên một tàu vận tải kềnh càng mang theo 4,000 dân đào thoát.
Giữa cơn khủng hoảng và gian khổ xảy ra sau đó khi động cơ tàu gặp trục trặc, Định ném bỏ căn cước Miền Nam cùng với giấy chứng nhận chiêu hồi. Cuối cùng họ cặp bến Hồng Kông, tại đó anh trải qua 9 tháng tại trại tị nạn. Tham vọng trọn đời của anh tìm cuộc sống mới tại Hoa Kỳ tiêu tan khi khởi hành khỏi Sài Gòn: như nhiều đồng bào của mình, giờ anh xem người Mỹ như những tên phản bội, và chọn định cư tại Anh.
Ngoài khơi Biển Đông, khi nhà nước Miền Nam đã trở thành lịch sử, một đám đông con người rã rời trố mắt sững sờ nhìn một đoàn khổng lồ ngút mắt các tàu chiến lớn nhỏ, tàu vận tải, tàu chở dầu và thuyền nhỏ chen chúc trên sóng nước, một cảnh tượng phản ánh nỗi ô nhục đắng cay nhất từng rơi xuống nước Mỹ, cho dù nỗi đau thương sâu sắc nhất đè nặng lên nhân dân Miền Nam.
Khi lực lượng cộng sản tiến gần Vũng Tàu, nhiều binh sĩ Sài Gòn bất ngờ đeo băng tay đỏ, nhận mình mới về phe kẻ chiến thắng. Trung uý Nguyễn Quốc Sĩ đã khước từ cơ hội đào thoát, ‘bởi vì tôi yêu Việt Nam và không muốn sống tại Hoa Kỳ chút nào’. Anh chứng kiến các cảnh tượng khủng khiếp trong những giờ phút cuối cùng trước khi cảng bị đánh chiếm: ‘Có những lính Dù cầm cự đến phút cuối cùng. Một số người tự tử cùng với gia đình.’ Một con tàu chở đầy người đào thoát ngoài khơi hứng trực tiếp một quả đạn của pháo binh cộng sản. Rồi Sĩ và những sĩ quan Miền Nam khác nhìn theo bộ đội của Sư đoàn ‘Sao Vàng’ 3 Miền Bắc bước vào quận lỵ. Cảm tưởng đầu tiên của họ là quân địch quá trẻ đến khó hiểu: ‘nhiều người như chỉ 13, 14, 15 tuổi. Chúng tôi nói với nhau, “Làm sao chúng ta có thể thua trận trước những thằng bé như thế này? Lẽ ra chúng ta đã có thể đánh bại những tên lính này.” Chúng tôi vô cùng, vô cùng buồn bã. Người cộng sản không biết làm gì với chúng tôi. Tôi trao cho một cậu trai khẩu Colt .45 của mình. Cậu bắt đầu mó máy nó như thể là món đồ chơi. Tôi phải lấy súng lại và tháo đạn ra trước khi cậu ta tự bắn vào mình. Các sĩ quan đầu hàng trước tiên được các kẻ chiến thắng cắt cử cộng việc chôn các thi thể đã sình thúi nằm rải rác ở vùng quê từ các trận giao tranh cuối cùng, kể cả những mảnh vụn thi thể chung quanh Xuân Lộc.
Đoàn tàu của chỉ huy Trí đã nằm tại cảng Vũng Tàu từ ngày 6 tháng 4, trong khi các sĩ quan và binh sĩ tranh cãi dữ dội liệu đi hay ở. Phân nửa muốn lên bờ. Trí nói một cách cộc lốc: ‘Nếu họ biết quân địch sẽ đối xử với họ ra sao , hẳn mọi người đã ở lại tàu để ra đi.’ Những người chọn cuộc sống lưu vong lên đường đến Vịnh Subic trên một con tàu đổ bộ chở được 1,500 người trên một chuyến hành trình yên ả và gần như tiện nghi so sánh với các thử thách đối diện với hàng trăm ngàn người khác. Ngược lại, hai tàu đổ bộ từ Cần Thơ chen cứng người Việt và một nhóm nhân viên lãnh sự Mỹ, trải qua thử thách giữa mưa gió, đói khát và say sóng trước khi được con tàu hàng cũ kỹ Pioneer Contender cứu vớt. Các hành khách Mỹ rã rời và chua chát cảm thấy mình bị bỏ rơi; tinh thần họ giờ đây vẫn không khá hơn khi nhìn thấy một nhân vật vô duyên từ hàng rào đuôi tàu to lớn trên cao nhìn chằm chằm xuống họ – một sĩ quan CIA đã thoát đi thoải mái trên chiếc trực thăng. ‘Ê,’ y la to, ‘bị ướt át như vậy thì thật tệ quá.’
Tại Tây Ninh, không ai có lý do sợ người có cộng sản đến hơn Trung tá Phan Tấn Ngưu của Ngành Cảnh sát Mật vụ, và vợ ông Nguyệt cũng làm việc trong phòng ban ông. Cố vấn CIA của ông đã dành chỗ cho họ trên chiếc Huey, nhưng họ từ chối vì hai đứa con họ ở xa, sống với ông bà nội. Vào ngày 30 tháng 4 sau khi đốt hết tài liệu Ngưu cùng với vợ lái chiếc Honda cố đến với gia đình, nhưng đường đi đã bị cộng quân phong tỏa. Họ ẩn nấp tạm thời trong một ngôi đền, nhưng chiều hôm đó bị bắt làm tù bình. Thiếu tá Nguyễn Thúy của cảnh sát Sài Gòn, 32 tuổi, biết rõ số phận mình nếu chẳng may lọt vào tay cộng sản, nhưng không đành thoát thân bỏ lại đứa con trai út – ‘đứa con mà tôi yêu quý nhất – đang sống với ông bà ngoại ở Mỹ Tho. Bà trải 13 năm sau đó trong trại cải tạo, trong khi người chồng là sĩ quan QĐVNCH chỉ ở 6 năm. Tất cả tài sản của hai vợ chồng, kể cả nhà cửa họ và của cha mẹ họ, đều bị tịch thu tạm thời.
Ngay trước khi cộng quân chiếm Sài Gòn, Thiếu tá Nguyễn Công Luận nốc nửa chai rượu mạnh bourbon, nhiều hơn bao giờ trước đây, mà không hề say. Ông dí súng vào đầu mình, nhưng người lính tài xế ngăn lại, ‘Đừng làm vậy, em xin Thiếu tá. Nếu Thiếu tá quyết định kết liễu cuộc đời để đi xuống diêm vương, hãy cho em đi theo làm tài xế cho Thiếu tá.’ Câu nói khiến Luận bật cười, và bỏ ý định quyên sinh. Tuy nhiên, những người khác lại quyết định cách khác. Một ít căn phía dưới phố một thiếu tá quân đội khác ăn một bữa trưa thịnh soạn với vợ và 7 đứa con trước khi cho gia đình uống thuốc ngủ, rồi bắn lần lượt từng người trước khi tự kết liễu đời mình. Ông để lại thư tuyệt mệnh: ‘Hàng xóm thân mến, gia đình tôi không thể sống dưới chế độ cộng sản. Làm ơn tha thứ cho chúng tôi và giúp thân nhân tôi an táng chúng tôi. Trong tủ sắt có một số tiền nhỏ. Làm ơn sử dụng nó cho chi phí hậu sự của chúng tôi. Đa tạ và vĩnh biệt!’
Lúc 5 giờ chiều ngày 30 tháng 4, nhân dân Miền Bắc nghe vang vang qua vô số loa phóng thanh trên đường phố giai điệu quen thuộc của bài hát ‘Diệt Phát Xit’, đi trước tin tức từ đài Tiếng Nói Việt Nam. Rồi giọng một phát thanh viên vang lên: ‘Thưa đồng bào, mời đồng bào lắng nghe lời tuyên bố chiến thắng đặc biệt.’ Rồi một bài hát được phát lên: ‘Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng.’
Tại Sài Gòn, bộ đội Miền Bắc hớp hồn trước sự sung túc của hàng hoá trong các cửa hiệu. Một trung uý trẻ bước vội vào hiệu sách Khai Trí, nơi anh sử dụng số tiền dành dụm nhỏ bé của mình để mua hai quyển từ điển Việt-Anh, một cho chính mình và một cho em gái: ‘Tôi muốn trở lại đại học, và chúng tôi không thể mua được những sách này ở Hà Nội.’ Bảo Ninh có cảm tưởng nhiều người Miền Nam đơn giản là vui mừng vì chiến tranh đã qua; ông chắc chắn đúng khi cho rằng phản ứng đầu tiên của hàng triệu người trước đây của Thiệu là một cơn nhẹ nhõm, khi lần đầu tiên vượt qua được nỗi lo sợ cho tương lai.
Các bộ sử cộng sản chỉ cung cấp những thống kê rời rạc cho chiến dịch cuối cùng của cuộc chiến. Chúng cho biết có hơn 12,000 thương vong trong trận đánh tại Xuân Lộc, Phan Rang và mặt trận phía tây Sài Gòn, cùng với trận tấn công cuối cùng vào thủ đô. Một sĩ quan Miền Bắc cao cấp nhận xét mỉa mai: ‘Cuộc hành quân đến thắng lợi không được tiến hành trên thảm đỏ mà địch trải ra cho chúng ta, như nhiều người lầm tưởng.’ Các trận đánh 1975 ắt hẳn lấy đi sinh mạng khoảng 10,000 người – con số còn ít khi chất lên ngọn núi vạn cốt khô của nhân dân mình mà vị công thành nhắt tướng Lê Duẩn đã leo lên để giành được một Việt Nam thống nhất.
Henry Kissinger choáng váng trước thảm kịch nhân loại chất ngất diễn ra trong những ngày đi trước và theo sau cuộc khải hoàn của người cộng sản. Nhưng khi Graham Martin cuối cùng đến trình diện ông tại Washington sau thử thách của mình, vị ngoại trưởng sáng chế cho vị cựu đại sứ một lời bông đùa độc địa đặc trưng: ‘Vâng, anh trở về đây là tốt rồi, vì theo thuyết quỷ quái của lịch sử chúng ta phải có ai đó để đổ tội. ‘