Bánh Giầy

banh day

Trần Vy

Nhiều nơi trên thế giới làm bánh giầy. Bánh có công dụng, ý nghĩa thay đổi ít nhiều tùy theo văn hóa đặc thù của từng tộc người.

Bánh giầy phiên bản Nhật có tên mochi. Theo người Nhật, giống gạo đặc biệt (nếp) dùng làm nguyên liệu bánh mochi thâm nhập Nhật Bản từ Đông Nam Á ngay khi nghề trồng trọt xuất hiện trên quần đảo cách đây 2.000 năm. Đến thời Heian (794 – 1185), bánh giầy đã trở thành lễ phẩm phổ biến trong hai truyền thống Phật giáo và Thần đạo. Về mặt thế tục, việc gia công-phân chia bánh giầy nhân những dịp lễ tiết là cách dân Nhật gây dựng liên kết cộng đồng suốt nhiều thế kỷ.

Các gia đình Nhật thường trưng bày một loại bánh giầy kép gọi là bánh giầy gương (kagami mochi) để chào đón năm mới. Tổ hợp bánh gồm hai cái, cái lớn bên dưới, cái nhỏ bên trên, chóp đỉnh trang trí thêm quả cam mứt.

1
Bánh giầy gương (Kagami mochi)(1)

Bánh giầy còn được sử dụng kết hợp nhiều nguyên phụ liệu khác để làm ra những món bánh mới dành cho các sự kiện như lễ hội búp bê, lễ hội con trai, ngày hội tựu trường, đám cưới, lễ khởi dựng nhà….hoặc đơn thuần chỉ là món uống trà.

Người Mông vùng Tây Bắc Việt Nam làm bánh giầy (gọi là dúa pả, pé, hoặc dúa tùy địa phương) để cúng tổ tiên và đãi khách nhân dịp năm mới. Khi ăn, họ thường cắt bánh thành miếng nhỏ và nướng trên lò than. Theo truyền thuyết, bánh giầy là sáng tạo của một chàng trai đi tìm người yêu do hổ bắt mất. Chàng cần loại thực phẩm bảo quản được lâu để đi dài ngày trong rừng. Vì thế với người Mông, ngoài việc tượng trưng cho mặt trời mặt trăng là nguồn gốc sự sống, bánh giầy còn tượng trưng cho tình yêu chung thủy.

2Bánh giầy của người Mông huyện Mù Cang Chải(2)

Bánh gạo Hàn quốc (tteok) rất đa dạng với gần 200 loại. Gần gũi nhất với bánh giầy Việt Nam là bánh injeolmi. Bánh cũng được làm bằng nếp hấp chín và phải qua công đoạn giã bằng chày cối sau đó mới tạo hình. Lớp phủ bên ngoài bằng bột đậu nành tạo nên sự khác biệt. Do tính chất dai và dính nên injeolmi thường được làm quà tặng cho các cặp vợ chồng mới cưới. Mẹ cô dâu cũng thường làm injeolmi để tặng gia đình chú rể với ước muốn con gái mình hòa hợp lâu dài với gia đình nhà chồng.

3
Bánh injeolmi(3)

Người Thổ Gia ở Hồ Bắc gọi bánh giầy là ciba. Nếu Mông giã bánh trong cối gỗ thì Thổ Gia lại giã bánh trong cối đá. Ciba có thể được nướng, chiên hoặc luộc trước khi ăn. Với người Thổ Gia, dáng tròn của bánh tượng trưng cho cuộc đoàn viên, tính chất dẻo và dính của bột thể hiện mối liên hệ bền chặt trong gia tộc hay giữa bằng hữu. 

4
Bánh ciba(4)

Người Việt hiện nay hiểu ý nghĩa bánh giầy theo giải thích ghi trong “Chưng bính truyện 蒸餅”, sách Lĩnh Nam chích quái. Bánh giầy tròn tượng trời đối xứng với bánh chưng vuông tượng đất. Nhiều cây bút về sau dựa vào đó để đưa ra luận giải xoay quanh âm dương ngũ hành và kinh Dịch. Đa số bỏ qua chi tiết quan trọng là hai thứ bánh được vua Hùng dùng để cung phụng tiên vương trong lễ tết cuối năm. Thực ra, bánh chưng bánh giầy chỉ là chất liệu để dựng nên câu chuyện nói về đạo hiếu của nho gia. Chưng bính truyện từ bản chất là diễn ngôn Nho giáo. Ngược lại, bánh giầy Việt Nam, như hình bên dưới, là diễn ngôn của lẽ sinh tồn.

5
Bánh giầy kẹp giò(5)

Dân Nhật cho rằng dáng mochi giống dáng gương đồng thời cổ, bảo vật của quý tộc xưa. Việc chồng hai chiếc bánh lên nhau biểu thị sự nhân đôi tài sản. Trái cam mứt được gọi là “dai-dai”, tức “đời này sang đời khác”, thể hiện ước vọng lưu truyền sự thịnh vượng dài lâu. Cũng có cách hiểu rằng linh hồn của cây lúa nằm trong bánh mang lại sức mạnh cho con người, hoặc cặp bánh tượng trưng cho năm cũ và năm mới, âm và dương, hoặc hình ảnh của trái tim. Riêng chúng tôi lại cảm thấy chất phồn thực tràn ra ngoài hình ảnh minh họa bên trên. Cặp bánh dầy-quả cam như phụ nữ-trẻ em quấn quýt nhau. Đôi thanh trúc vót nhọn dựng đứng dáng nghênh xuân vĩnh cửu. Nên hiểu thanh trúc như người Việt hay Khmer hiểu cái bánh tét. Mô hình Nhật phơi bày trọn vẹn ý xuân náo động.

Chuyện kể của người Mông thật bình dị nhưng trầm hùng. Chàng trai lận lưng mớ bánh giầy đi tìm người đẹp trong tay quái vật. Chẳng vì mục đích cứu nhân độ thế gì cả, anh chỉ muốn dành lại cái của mình. Người đẹp ở đây không phải là phần thưởng dành cho hành động cao thượng, cô gái đã thuộc về người đang mạo hiểm trong cuộc kiếm tìm, người đó luôn chất chứa tính keo sơn của tình yêu. Khi hiểu mối liên hệ giữa hai người, ông cọp Mông thật xứng danh chúa rừng trao trả ngay cô gái. Đó là ứng xử của kẻ mạnh, hết sức quý phái và tao nhã. Tất cả nói lên điều chi? Có lẽ là không gì ngăn được sự sinh sôi ẩn sau tình cảm đôi lứa.

Quan niệm của người Hàn về injeolmi chính là quan niệm của người Mông về dúa pả nhưng được đặt trong xã hội đã định chế hóa ở mức cao. Có vẻ ảnh hưởng Nho giáo lên văn hóa Hàn khiến những hành động mãnh liệt hướng về sự sinh sản hóa ra trịnh trọng và tinh tế. Người Thổ Gia nằm trong lòng Trung Hoa nên dấu vết phồn thực mất hẳn trong hoạt động quanh chiếc bánh ciba. Gắn kết nam nữ chuyển hóa thành gắn kết gia tộc đi kèm hài hòa xã hội như chủ trương của chính quyền. Cái bóng Trung Hoa cũng đè nặng lên văn hóa hồn hậu của dân bản thổ Đại Việt. Các nhà nho đã lèo lái tích bánh chưng bánh giầy sang hướng khác, họ muốn sáp nhập một truyền thống cổ xưa vào truyền thống Nho giáo non trẻ và đã thành công suốt thời gian dài. Thủ thuật chính trị tương tự như thế tồn tại trong nhiều nền văn minh khác nhau.

Nhưng liệu chúng ta có thực sự hiểu rõ hai chữ “bánh giầy”? Xin được đi sâu hơn vào nghĩa của hai từ “bánh” và “giầy” dưới đây.

GIẦY

Bánh “giầy” có nghĩa là bánh đã được cán cho dẹt đi, không ở dạng tròn vo nữa.

Hiểu hơi kịch tính tí thì bánh giầy là bánh mỏng, hoặc bánh gầy.

Tiền nhân đã dùng ba chữ “bạc trì bính 薄持餅” để chỉ “bánh giầy”. Tên Hán Việt sang trọng và hoàn hảo. Bính chỉ vật dạng tròn dẹt, bạc hay trì đều hàm ý dính bám. Vậy bạc trì bính có nghĩa bánh dai và dính.  Hiểu cách khác, trì là phiên âm của giầy, bạc diễn tả nội dung danh xưng gốc. Người đặt tên chữ cho bánh để lộ tài hoa qua từ “bạc” với nghĩa tính từ là “mỏng”, ông sợ thế hệ sau hiểu sai tên khai sinh của bánh.

“Giầy” thuộc dạng rất cổ, âm proto Mon-Khmer được phục dựng là /*ɟraaj/ (jraay), nó có nghĩa mỏng, gầy (tương đương thin trong tiếng Anh). Âm phục dựng của proto Khasic là /*raj/ (ray), của proto Palaungic là /*gjeʔ/ (gyêh). Theo biểu đồ phát sinh các loại ngôn ngữ của Paul Sidwell, có thể giả định các âm trên xuất hiện cách đây từ 4.000 đến 7.000 năm.

Chúng ta thấy ngay các âm cổ có thể biến chuyển sang âm hiện đại là giầy hoặc gầy.

Âm “giầy” hiện nay của một số ngôn ngữ cùng nhánh với ta như sau:

Sedang (Bahnaric): /hrɛ̰j/ (hrey)
Sre [Koho] (Bahnaric): /nsɛ/ (nse)
Jeh [Yeh] (Bahnaric): /sjeʔ/ (syêh)
Tarieng (Bahnaric): /ɟeʔ/ (jêh)
Mon (Monic): /krɑɛ/ (krae)
Lawa [L’up] (Palaungic): /hrei/(hrêi)
Wa (Palaungic): /re/ (rê)

Như thế, bánh giầy là bánh đã được ép mỏng.

BÁNH 

“Bánh” nguyên thủy không đồng nghĩa với “bính 餅”. Ban đầu, chúng tôi hiểu “bánh” theo nghĩa phổ thông trong tiếng Việt hiện đại, khá gần với “bính 餅” Hán ngữ. Tuy nhiên, khi đi tìm nguồn gốc của từ, điều khác hẳn đã được phát hiện: “bánh” tiếng Việt cổ có nghĩa là “cơm” tức “gạo nấu chín”. “Bánh” chuyển hóa nội dung khi tiếp xúc với “bính 餅” vì người Vietic vốn đã có từ “cơm” nhưng chưa có từ tương đương với “bính”, họ hi sinh “bính” để giữ “cơm”. Các sắc dân từ chối hoặc không ma sát nhiều với văn hóa Trung Hoa đều giữ được nguyên nghĩa “cơm” cho từ “bánh”. Nghĩa này hợp lý vì cư dân Nam Trường Giang phải ăn nếp từ lâu trước khi Chu Thành vương (cai trị 1042 – 1021 TCN) phong Hùng Dịch làm Sở tử, từ rất rất lâu trước khi Tần Doanh Chính rầm rộ đưa quân vượt Ngũ Lĩnh (218 TCN). Khi làm ra chiếc bánh tét đầu tiên, dân nói tiếng Vietic chưa biết “bính 餅” là gì.

Âm cổ phục dựng “cơm” hay “gạo nấu chín” (cooked rice) trong một số ngôn ngữ Mon-Khmer như sau:

Proto Mon-Khmer: /*[s]piəŋ/ ([s]piơng)
Proto South-Bahnaric: /*piəŋ/ (piơng)

Hai âm này có tuổi không kém âm “giầy” phục dựng.

Âm hiện đại như sau:

Semnam (Aslian): /bijə:n/ (biyơng với ơ kéo dài)
Sre [Koho] (Bahnaric): /piaŋ/ (piang)
Chrau (Bahnaric): /pieŋ/ (piêng)
Mnong [Central] (Bahnaric): /pjiaŋ/ (pyiang)
Cua (Bahnaric): /pʌŋ/ (păng)
Khmer Surin (Khmeric): /ba:j/ (bay với a kéo dài)
Mon (Monic): /pɜŋ/ (pơng)

Như vậy bánh tét nghĩa là “cơm nếp”, bánh giầy có nghĩa “cơm cán dẹt”.

Bánh tét nhiều khả năng là một trong những nông phẩm sơ khai mà người cổ dâng lên thánh thần trời đất. Thời điểm đó nếp chỉ được thu lượm từ những đồng lúa hoang dại trong tự nhiên. Con người vì chưa kiểm soát hoàn toàn việc trồng cấy nên phải nhờ đến thần linh với ước vọng có được thức ăn tương tự trong mùa sau. Họ chưa biết làm kiểu bánh như ngày nay ta hiểu mà chỉ xới nếp chín từ ống tre hay nồi đất ra tấm lá lớn rồi cuốn lại để dâng cúng và gọi đó là bánh tét. Bánh giầy ban đầu hẳn chỉ là nắm xôi được lăn tròn rồi ấn dẹp.(6) Giầy đúng chuẩn chỉ xuất hiện lúc con người biết dùng những công cụ sẽ phát triển thành cặp chầy cối sau này.

Khi nhân loại chủ động được phần nào tiến trình sinh sản của thú nuôi, cây trồng thì nhu cầu tồn tại lui về vị trí thứ yếu. Khao khát phồn sinh lùi bước trước những giải thích điêu ngoa mang tính điều chỉnh hành vi trong một xã hội đã phức tạp hơn. Đây chính là các câu chuyện trung đại chủ ý cắt nghĩa tín ngưỡng cổ đại mà chúng ta đang biết và tin.


Chú thích:

(1) http://bit.ly/3cToqbL
(2) Theo https://bit.ly/2YIH4dO
(3) http://bit.ly/2LruXiv
(4) Theo http://bit.ly/2OgOe7r
(5)  http://bit.ly/3jqJg37
(6) Hiện nay người Laven [Jru’] vẫn còn dùng động từ /sraːj/ (sray với a kéo dài) để chỉ động tác ném gạo nấu chín lên đĩa để định hình.

11 thoughts on “Bánh Giầy

  1. Lĩnh Nam chích quái (嶺南摭怪) – Chưng bính truyện (蒸餅傳)

    [Trần (陳) – Trần Thế Pháp (陳世法) soạn, Hậu Lê (後黎) – Vũ Quỳnh (武瓊) hiệu chính, Kiều Phú (喬富) san định ]

    以糯米擇其精白,選用圓完無缺折者,淅之潔靜,以青色葉包裹為方形,置珍甘美味在其中,以象天地包藏萬物焉。煮而熟之,故曰蒸餅。又以糯米炊熟,搗而爛之,捏作圓形以象天,故曰薄持餅。
    Dùng gạo nếp chọn hạt trắng muốt, lựa lấy hạt tròn trĩnh không có chỗ sứt mẻ, rửa cho sạch sẽ, dùng lá cỏ màu xanh gói bọc thành hình vuông, cho các gia vị ngon béo ở giữa bánh để tượng trưng cho trời đất bao bọc muôn vật, luộc cho bánh chín, cho nên gọi là bánh chưng. Lại dùng gạo nếp nấu chín, giã cho nát nhừ, nặn thành hình tròn để tượng trưng cho trời, cho nên gọi là bánh nặn mỏng.

    ________

    Bánh chưng [chưng bính (蒸餅)] là bánh chưng luộc chín.

    Bánh dày là bánh được dày xéo, day nghiến cho nát nhuyễn. Nguyên văn trên là bánh nhào nặn cho dẹt mỏng [bạc trì bính (薄持餅)] cũng chỉ là một cách gọi tên bánh dựa trên quá trình làm bánh vậy. Bạc (薄) là dẹt mỏng, trì (持) là dùng tay nhào nặn, tức là bánh được dùng tay nhào nặn cho hình dẹt mỏng.

    Đều là gọi tên theo quá trình hành động và đặc điểm của bánh và cách làm ra bánh vậy. Cách gọi này rất phổ biến trong tiếng Việt Nam, ví dụ: Bánh cuốn (bánh cuốn hình ống), bánh tráng (bánh tráng lên mặt phẳng).

    Giống như bánh dày của Việt Nam, người các nước Á Đông cũng có cách làm bánh giống như vậy nhưng gọi tên theo cách khác nhau. Người Trung Quốc gọi từ ba (糍粑) để nói chung về các loại bánh làm từ gạo nếp nấu chín giã nhuyễn nặn thành hình tròn hoặc dẹt mỏng, hình dạng biến thể tùy từng địa phương khác nhau. Trong đó có một món bánh gọi là ma thử (麻糬) mà truyền sang Nhật Bản đọc là mochi do truyền thông nhắc đến nhiều như là món cổ truyền của Nhật Bản.

    Thích

  2. Quy điền lục (歸田録)

    [Bắc Tống (北宋) – Âu Dương Tu (歐陽修) soạn]

    飲食四方異宜,而名號亦隨時俗言語不同,至或傳者轉失其本。湯餅,唐人謂之「不託」,今俗謂之餺飥矣。晉束皙《餅賦》,有饅頭、薄持、起溲、牢九之號,惟饅頭至今名存,而起溲、牢九皆莫曉爲何物,薄持,荀氏又謂之薄夜,亦莫知何物也。
    Người bốn phương có món ăn uống khác nhau, mà tên gọi cũng tùy vào tiếng nói phong tục từng thời cũng không giống nhau, có khi truyền lại thì đã mất nguồn gốc của nó. Ví như món bánh canh [thang bính (湯餅)] được người thời Đường (唐) gọi là bánh bất thác (不託), nhưng người đời nay [thời Bắc Tống (北宋)] lại gọi là bánh bác thác (餺飥) vậy. Bính phú (餅賦) của người thời Tấn (晉) là Thúc Tích (束皙) có nói đến tên các loại bánh như man đầu (饅頭), bạc trì (薄持), khởi sưu (起溲), lao cửu (牢九), chỉ có man đầu (饅頭) là còn gọi đến nay. Còn khởi sưu (起溲)-lao cửu (牢九) đều chẳng ai biết là bánh gì. Bạc trì (薄持) thì theo họ Tuân [Tuân thị (荀氏)] lại gọi là bạc dạ (薄夜), cũng chẳng ai biết là bánh gì.

    ____________

    Một loại bánh có thể có nhiều tên gọi tùy từng thời và phong tục. Ví như bánh giày theo tiếng Hán còn gọi là bạc trì (薄持), từ ba (糍粑), ma thử (麻糬)…

    Thích

  3. Ở trên thì bạc trì bính = bánh ” giầy ”
    Ở dưới thì bạc trì bính = bánh Giay ,=bánh dầy
    Ở giữa thì bạc trì bính = bạc dạ bính (theo Tuân thị , => rồi không ai biết là bánh gì hết ! 《¿》
    Còn các nhà nghiên cứu, học giả vv thì = Linkga hoặc Phồn thực hay bánh Tàng Thinh vv
    Riêng TRẠNG QUỲNH có truyền lại cho hậu thế rằng : 《 BÁNH TỨ TÂN ( ý nói bạc trì bính mà các học giả, nhà Nghiên cứu v v Nói ) LÀ LOẠI BÁNH THƯỢNG ĐẲNG CHỈ ĐỂ CHO NHỮNG BẬC TRƯỞNG GIẢ – QUYỀN THẾ v v LÀM VÀ DÂNG LÊN CÚNG CHO TỔ TIÊN I CÒN BÁ TÁNH THƯỜNG DÂN THÌ KHÔNG NÊN LÀM BÁNH ẤY MÀ DÂNG LÊN ĐỂ CÚNG TỔ TIÊN NẾU KHÔNG THÌ SẼ PHẠM THƯỢNG. . ● ● ● | 》

    Không biết các vị học ở đâu mà tưởng ý nghĩa của 4 chữ này. 《 DẦY, DÀY, GIẦY, GIÀY 》 là giống nhau vậy ? ? ?

    Thích

    • Giầy giầy dày dầy là do phát âm giống nhau mà dùng qua lại vậy.

      Có thuyết nói bánh giày là theo hành khi làm bánh ấy là giày, xéo cơm nếp mà thành.

      Có thuyết nói là từ bánh chì (theo tiếng Việt cổ).

      __________

      Bính phú (餅賦) của người thời Tấn (晉) là Thúc Tích (束皙) được người thời Bắc Tống (北宋) là Âu Dương Tu (歐陽修) dẫn lại chép có bánh bạc trì (薄持), nhưng họ Tuân [không rõ là ai] lại chép là bạc dạ (薄夜). Bắc đường thư sao (北堂書鈔) của người thời Đường (唐) là Ngu Thế Nam (虞世南) và Thái Bình ngự lãm (太平御覽) của người thời Bắc Tống là Lý Phưởng (李昉) dẫn lại chép là bạc tráng (薄壯). Suy ra loại bánh này gọi là bạc trì, bạc dạ, bạc tráng thì không rõ tên nào đúng vì sao chép qua các thời Tấn-Đường-Tống thành ra khác nhau như vậy.

      Lĩnh Nam chích quái chép là bạc trì (薄持) thì đã có giải thích.

      Thích

  4. Dù thề nào thì giày – giầy – dày – dầy vẫn dùng qua lại trong dân gian để thứ bánh cổ truyền. Theo quy tắc chính tả thì viết đúng là giày/giầy. Tự tên nó đã nói lên nguồn gốc tên gọi theo dân gian của có là giày (xéo) cơm (xôi) nếp mà thành vậy.

    Thích

  5. Tôi chỉ nói Dày và Giày giống nhau về âm đọc. Vì phụ âm GI và D đọc giống nhau. Bạn đừng đi xa hơn, rườm rà làm cái gì?

    Ví như Tích Dã cũng có thể đọc giống Tích Giã, Tích Zã chứ không Tích Vã thì đã khác nhau.

    Thích

  6. Lão Tử (老子) [vị thầy già] của tôi dạy rằng: Người tốt thì không tranh cãi, kẻ tranh cãi là không tốt [Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện (善者不辯,辯者不善。)]

    Cho nên tôi thường chỉ trích dẫn sách vở chép làm chứng mà không tranh cãi nhiều lời.

    Thích

  7. Tần Thủy Hoàng là một người nổi tiếng là bạo chúa đã giết chết 27 tên đại thần khúm núm cầu xin và can gián về việc ông giết hại 2 người em cùng mẹ khác cha, giết chết cha dựong tù đày mẹ ruôt vv Vậy mà bị Mao Tiêu chưởi mắng thậm tệ v v Vậy mà lại khúm núm hạ mình cầu xin và ngoan ngoan ngoãn làm theo . Là vì y còn biết nhận thức được đâu là đúng đâu là sai. Nếu không có Mao Tiêu GIÁO HUẤN thì liệu Tần Thủy Hoàng có được như vậy không. ? ? ? Con người mà không biết đâu là đúng đâu là sai, thấy cái sai mà không chỉ dẫn góp ý v v Để cho người khác biết sữa đổi thì có xứng làm người không nhỉ ? ? ?
    Khổng Tử từng thọ giáo Lão Tử và Lão Tử cũng từng chỉ giáo cặn kẻ đó mà !. ( Nên nhớ là Khổng Tử đến gặp Lão Tử là để thi hùng biện đấy nhé ! )
    Không những chỉ có một mình Khổng Tử đâu nhé ! Mà còn có vô số người nữa đấy !.
    Hãy cố tham khảo thêm đi nhé. !
    《 NẾU MÀ KHÔNG TRANH BIỆN THÌ KHÔNG HỀ CÓ LÃO TỬ ĐÂU NHÉ. ! 》 Hãy cố tìm hiểu kỹ và tư duy nhiều hơn nữa đi nhé. ! ●|●
    À đừng có xin admin xoá nữa nhé ! !

    Thích

    • Đại đạo thì tự nhiên vốn thế. Lão Tử vốn chẳng tranh cãi với Khổng Tử hay bất kỳ ai, ông ấy chỉ thuật lại đại đạo cho mọi người nghe mà thôi. Vì tự nhiên vô vi thì sao phải tranh cãi hơn thua đúng sai với người? Cho nên chỉ để lại Đạo đức kinh 5000 chữ khi có người cầu xin dạy cho người đời vậy.

      Thích

  8. Đây không phải là sự thắng hay thua mà là làm rõ ràng về một vấn đề nào đó mà ông ta dùng phương pháp đòn bẩy, mượn chuyện khác để chỉ điểm cho đối phương hiểu biết tận tường sự việc mà đối phương đang muốn tranh biện, để tự bản thân đối phương nhận định đúng sai, phải trái v v .. là của vấn đề đó là như thế nào! Phương pháp này tuy khoa học nhưng chỉ có người có tư duy cao mà thôi ! Chứ còn dạng kém hay gàng thì chẳng có tác dụng gì cả! ! ( trường hợp này cũng như một người thầy đến lớp cho học sinh chép bài mà không thèm giãng giải cho đến nơi đến chốn vậy ? ? ?
    Thử hỏi người thầy như vậy có đạt tiêu chuẩn chất lượng cao trong ngành không vậy ? ? ? Và đối với thế hệ mai sau thì sẽ ra sao đây ?? => Tác hại cho xh là như thế nào đây ? ? ?
    Đọc sách thì cũng nên mở rộng tư duy ra một chút chứ. ? ?

    Thích

Nhận xét về Tích Dã Hủy trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s