Trận Cajamarca — Cuộc chinh phục của Tây Ban Nha chấm dứt đế chế Inca

1280px-los_13_de_la_isla_del_gallo

Jason Ho

Trận Đánh Cajamarca là một trận chiến giữa người Tây Ban Nha và người Inca vào năm 1532. Trận chiến, thường được cho là một cuộc phục kích hay là một cuộc giao tranh chánh diện, chứng kiến một đơn vị nhỏ lính Tây Ban Nha dưới sự lãnh đạo của kẻ chinh phục Francisco Pizarro tiến hành bắt sống Atahualpa, một “Sapa Inca”, nghĩa là người cai trị của Đế chế Inca.

Chiến thắng của Pizarro trong Trận Cajamarca, một chiến thắng nhờ đến chút may mắn, đem lại hậu quả khốc liệt cho lịch sử Tây Ban Nha cũng như lịch sử Châu Mỹ. Kết quả là, Đế chế Inca, một trong những nền văn minh tiên tiến nhất Châu Mỹ vào thời điểm đó, bị tiêu diệt.

Mặt khác, đối với người Tây Ban Nha, trận đánh này dẫn đến việc chinh phục Peru, đem lại sự thạnh vượng cho đế quốc. Điều này góp phần đem lại vị thế siêu cường cho Tây Ban Nha trên bàn cờ Châu Âu.

NGƯỜI INCA VÀ QUÁ TRÌNH DẪN ĐẾN TRẬN CAJAMARCA

Mặc dù Trận Cajamarca bắt đầu từ năm 1532, các sự kiện xảy ra trước đó đều có ảnh hưởng sự thất bại của người Inca và chiến thắng của người Tây Ban Nha. Không lâu trước khi Pizarro và người của ông cập bến, Đế chế Inca đã đạt đến đỉnh cao của sự thạnh vượng. Trong suốt thế kỷ 15, các “Sapa Inca” kế thừa thúc đẩy mở rộng đường biên giới của đế chế đến tận phía Bắc và phía Nam bằng quân sự.

Trong khoảng thời gian đó, Huayna Capac (cha của Atahualpa) qua đời, cụ thể là vào năm 1527, Đế chế Inca đã mở rộng lãnh thổ từ vị trí là nước Ecuador ngày nay ở phía Bắc doc xuôi xuống vùng lãnh thổ miền Trung Chile ngày nay. Việc chinh phục một vùng đất rộng lớn như vậy có nghĩa là Đế chế Inca đang nắm trong tay một đội quân đáng gờm. Hơn nữa, người Inca không phải là một quốc gia quân phiệt thuần túy, mà họ sở hữu một trong những nền văn minh tiên tiến nhất ở Châu Mỹ vào thời điểm đó.

Để liên kết những vùng lãnh thổ khác, người Inca cho xây dựng một hệ thống đường sá dọc theo đế chế với khoảng cách gần 25.000 dặm (40.200 km), gấp 3 lần đường kính Trái Đất. Người Inca còn rất giỏi trong ngành nghề thủ công. Mặc dù họ chế tác ra nhiều món trang sức bằng vàng và bạc, mà sau này bị những nhà chinh phục người Tây Ban Nha cướp đoạt, nhưng chính ngành dệt kim của họ được coi là đỉnh cao nghệ thuật Châu Mỹ.

Loại vải dệt tốt nhất được gọi là “cumpi” và được sử dụng độc quyền bởi giới tinh hoa Inca. Người Inca còn là những người thợ xây dựng lành nghề trong việc dựng nên nhiều kiến trúc bằng đá mà không cần sử dụng hồ trét. Người ta cho rằng các công trình kiến trúc này vừa khớp hoàn hảo đến nỗi “một con dao bén mỏng cũng không thể nhét vừa các mối khớp giữa những hòn đá”.

Nói ngắn gọn thì Đế chế Inca là một nền văn minh phát triển cao. Thực tế là, ngay cả người Tây Ban Nha khi tiến hành hành xâm lược Inca cũng bất ngờ và ngạc nhiên trước những gì họ chứng kiến.

NGƯỜI TÂY BAN NHA VÀ QUÁ TRÌNH DẪN ĐẾN TRẬN CAJAMARCA

Còn về phía bên kia, người Tây Ban Nha vừa mới hoàn thành xong công cuộc tái chiếm lại quê nhà khỏi tay người Hồi. Năm 1492, một năm trước khi Huayna Capac lên ngôi, Tiểu vương quốc Granada, thành trì cuối cùng của người Hồi trên Bán đảo Iberia, rơi vào tay của Ferdinand II xứ Aragon và Isabella I xứ Castile, chấm dứt nhiệm vụ “Reconquista”.

Cùng năm đó, Christopher Columbus tiến hành chuyến du hành tìm kiếm tuyến đường biển khả thi đi Châu Á về hướng Tây. Tình cờ, Columbus phát hiện ra Tân Thế Giới và đặt vùng lãnh thổ này vào vành đai Vương Miện Tây Ban Nha. Nhiều thập niên tiếp theo, người Tây Ban Nha tiến hành khai phá và xác lập thuộc địa lên các hòn đảo ở Caribbe.

Năm 1510, Santa María la Antigua del Darién (thuộc Panama ngày nay) được phát hiện bởi Vasco Núñez de Balboa. Đây là thuộc địa trên đất liền đầu tiên của Tây Ban Nha (và cả Châu Âu).

3 năm tiếp theo, Balboa tổ chức cuộc thám hiểm mở rộng lãnh thổ để tìm kiếm các vương quốc dọc theo bờ “biển khác”, hiện nay được biết đến như là Biển Nam hay Nam Thái Bình Dương. Balboa nghe đến nơi đây lần đầu tiên khi ông đang ở vùng đất của Comagre, một thủ lãnh bộ tộc bản xứ.

Câu chuyện bắt đầu khi Balboa và người của ông được người của Comagre tiếp đón trong hòa bình và được mời tham gia một lễ hội. Sau đó, người Tây Ban Nha được trao tặng một số lượng vàng, nhưng cả đoàn người tranh cãi khi phân chia số vàng này do không đủ. Lòng tham của người Tây Ban Nha đã chọc giận người con trai của Comagre, là Panquiaco và vị này đã đá đổ cái cân để cân vàng và la lớn, “Nếu các ngươi thèm muốn vàng bạc đến nỗi bỏ cả quê hương xứ sở đi gây chiến với người khác, thì ta sẽ chỉ cho các ngươi một vùng mà sẽ thỏa mãn lòng tham của các ngươi.”

Panquiaco đã kể cho Balboa về một vương quốc về phía Nam giàu có đến nỗi người dân ở đó ăn trong dĩa vàng và uống trong ly bạc. Con trai vị tù trưởng còn cảnh báo người Tây Ban Nha rằng họ sẽ phải cần đến hàng ngàn người nếu muốn đánh bại các vương quốc sâu trong lục địa và dọc theo các bờ “biển khác”.

Cuộc thám hiểm của Balboa hóa ra là một thành công lớn. Dọc theo Eo đất Panama, Balboa phát hiện ra Biển Nam từ bờ Tây của Tân Thế Giới và đã tuyên bố chủ quyền, cùng với tất cả các vùng đất liền kề với nó, cho Tây Ban Nha.

CUỘC THÁM HIỂM VÀ CÁC SỰ KIỆN DẪN ĐẾN TRẬN CAJAMARCA

Một người trong đoàn tùy tùng theo Balboa khai phá đến Biển Nam là Francisco Pizarro, người đóng vai trò chỉ huy của đoàn. Pizarro ra đời vào khoảng năm 1475 ở Trujillo, một thị trấn nằm miền Tây. Năm 1502, Pizarro rời Cựu Lục Địa đến đảo Hispaniola (ngày nay là Haiti và Cộng Hòa Dominic) với Nicolás de Ovando, Thống đốc mới của vùng thuộc địa Tây Ban Nha.

Vài năm tiếp theo, Pizarro tham gia vào các cuộc thám hiểm vùng đất mới. Năm 1508, Pizarro tham gia đoàn thám hiểm của Alonso de Ojeda đi sâu vào lục địa. Đoàn thám hiểm, bao gồm 300 người, đến định cư tại vùng thuộc địa gọi là San Sebastián de Urabá, là vùng thuộc Columbia ngày nay. Tuy nhiên, vùng này không tồn tại lâu, và Pizarro dẫn đầu những người còn sống sót (vào khoảng 100 người năm 1510) quay trở lại Hispaniola.

Người Tây Ban Nha tiến vào Đế chế Aztec năm 1519 và khuất phục được nơi này 2 năm sau đó. Đất của người Aztec được sát nhập vào Tây Ban Nha, sau này họ gọi vùng thuộc địa này là Tân Tây Ban Nha. Ngoài ra, sự giàu có của người Aztec đã kích thích trí tưởng tượng của những người Tây Ban Nha còn lại ở Tân Thế Giới, những người mơ mộng rằng còn có những nền văn minh khác tương tự vậy trong khu vực để họ chinh phục.

Trong khi Cortés tổ chức chiến dịch chinh phục người Aztec, thì Pizarro đang là Thị trưởng của Panama. Pizarro giữ vị trí này từ khi thành lập khu định cư vào năm 1519 đến 1523 và đã tích lũy được một khối tài sản nhỏ.

Năm 1524, Pizarro hợp tác với Diego de Almagro, một người lính và Hernando de Luque, một linh mục. Một năm sau đó, Pizarro tổ chức cuộc thám hiểm đầu tiên của ông dọc theo bờ biển Thái Bình Dương ở Nam Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc thám hiểm là một thất bại tồi tệ, vì thời tiết xấu, thiếu thốn lương thực và cuộc tấn công của các bộ tộc bản địa. Vì thế, những nhà thám hiểm bắt buộc phải quay trở lại Panama không lâu sau khi đến được bờ biển Colombia.

Năm 1526, cuộc thám hiểm thứ hai được tiến hành. Mặc dù cũng gặp thất bại, Pizarro phải quay về Peru. Hơn nữa, ông nghe được những câu chuyện về người Inca và lấy được một số hiện vật của họ, điều này thuyết phục ông rằng còn có một đế chế vĩ đại khác ở Tân Thế Giới đang chờ bị chinh phục.

Khi Pizarro quay trở lại Panama vào năm 1528, ông nhận ra rằng viên thị trưởng mới không có ý định thám hiểm hay chinh phục gì hết. Nên ông quay trở lại Tây Ban Nha và thuyết phục Nhà vua, Charles V. Nhà vua đồng ý yêu cầu của Pizarro, và vào năm 1530, nhà thám hiểm quay trở lại Panama, cùng với 4 người anh em đồng hành.

Trong khoảng thời gian cuộc thám hiểm thứ hai của Pizarro, vị “Sapa Inca” già cả, Huayna Capac qua đời, có thể là do bệnh đậu mùa, một loại dịch bệnh được người Tây Ban Nha đem tới Tân Thế Giới. Cái chết của Huayna Capac nhấn chìm Đế chế Inca vào cuộc nội chiến dành ngai vàng giữa hai người con của ông là Atahualpa và Huascar.

Năm 1532, Atahualpa chiến thắng trước Huascar, người đã bị bắt sau trận đánh ở Quipaipan. Atahualpa tiến về phía Nam, tới Cusco, thủ đô của Đế chế Inca, nơi ông sẽ lên ngai vàng. Trên đường đi, ông dừng chân gần thành Cajamarca trên dãy Andes để nghỉ ngơi và tổ chức ăn mừng chiến thắng trước Huascar.

Tháng 1 năm 1531, Pizarro tổ chức cuộc thám hiểm thứ ba, và vào năm tiếp theo, ông hành quân tiến vào trung tâm của Đế chế Inca. Atahualpa nghe tin về người Tây Ban Nha nhưng quyết định để họ qua mà không gây khó dễ gì, vì ông cho là họ không đáng kể gì. Vào thời điểm đó, quân số người Tây Ban Nha khi vào Inca chỉ có 200 người.

Còn Atahualpa thì tự tin vào đội quân 8 vạn chiến binh của mình. Hơn nữa, lòng tự tin của ông tăng cao là do mới chiến thắng trong cuộc nội chiến. Việc Atahualpa đánh giá thấp người Tây Ban Nha sẽ khiến ông phải trả giá bằng cả đế chế của mình.

TRẬN CAJAMARCA

Ngày 15 tháng 11, Pizarro và Atahualpa đồng ý gặp mặt tại Cajamarca. Theo nhiều tài liệu, cuộc gặp mặt diễn ra vào ngày 15 hay 16 tháng 11. Và tất nhiên, đây là cái bẫy mà Pizarro giăng ra cho vị tân “Sapa Inca”.

Atahualpa, vẫn còn coi thường người Tây Ban Nha, quyết định để lại gần như toàn bộ 8 vạn lính của mình bên ngoài thành, chỉ mang theo khoảng vài ngàn người tùy tùng không vũ khí đến cuộc gặp. Theo một phiên bản khác của câu chuyện cho rằng, vào lúc bắt đầu cuộc gặp, Vincente de Valverde, một thầy dòng đi theo đoàn thám hiểm, yêu cầu Atahualpa cải đạo sang Công Giáo, và thừa nhận Nhà vua Tây Ban Nha như là đấng tối cao. Nếu Atahualpa từ chối, ông sẽ bị coi là kẻ thù của Nhà Thờ và đất nước Tây Ban Nha.

Vị “Sapa Inca” này hồi đáp bằng cách hét vào mặt thầy dòng rằng, “nếu làm vậy ta không đáng mặt đàn ông”, và ném cuốn Kinh Thánh xuống đất. Đây là thời điểm mà người Tây Ban Nha đã chờ đợi để con mồi sập bẫy.

Người Inca có ưu thế quân số rõ ràng so với người Tây Ban Nha — vài ngàn người Inca so với gần 200 người Tây Ban Nha. Tuy nhiên, người của Atahualpa không có vũ khí. Mặt khác, người Tây Ban Nha được trang bị kiếm, súng hỏa mai và một số khẩu pháo nhỏ. Ngoài ra, họ còn đưa khoảng 40 con ngựa (loài vật mà người Inca chưa từng chạm trán) vào trận chiến.

Vũ khí và ngựa của người Tây Ban Nha đã gây một cú sốc cho người Inca. Theo một ước tính, trong vòng hai giờ, hơn 4.000 người Inca đã bị giết bởi Pizarro và người của ông. Ngược lại, Pizarro không để mất một người lính nào.

Người Tây Ban Nha hoàn thành nhiệm vụ bắt giữ Atahualpa. Pizarro tự mình chiến đấu với vị “Sapa Inca” trên lưng ngựa nhưng việc bắt giữ ông không hề dễ dàng chút nào. Đội quân hộ tống Atahualpa hết lòng bảo vệ ông nên người Tây Ban Nha phải tiêu diệt hết họ mới bắt được vị “Sapa Inca”.

Pizarro nhận ra tầm quan trọng của việc giữ cho Atahualpa sống sót. Do đó, khi một trong những người của ông chuẩn bị giết Atahualpa, Pizarro đã ngăn lại và bị chém vào tay.

Việc bắt giữ Atahualpa là cú sốc lớn nhất đối với người Inca. Vì vị “Sapa Inca” này được thần dân của mình coi là thần thánh, nên người Tây Ban Nha đã làm được một điều không tưởng.

Tinh thần của người Inca bị suy sụp, ngay cả gần 8 vạn quân hùng hậu đóng ngoài thành Cajamarca cũng bị tê liệt, không thể làm được gì sau khi Atahualpa bị bắt. Nếu Atahualpa không bị Pizarro bắt, câu chuyện sẽ có một kết thúc khác hơn nhiều.

Sau chiến thắng trong trận Cajamarca, người Tây Ban Nha giữ Atahualpa làm tù binh. Vì vậy, vào năm 1533, Pizarro tổ chức một phiên tòa giả, xét xử Atahualpa phạm tội chống lại người Tây Ban Nha, thờ ngẫu tượng và giết Huascar, vị “Sapa Inca” đích thực. Atahualpa bị hành quyết vào ngày 29 tháng 8 năm 1533.

Tuy nhiên, cái chết của Atahualpa không phải là dấu chấm hết cho Đế chế Inca. Những người Inca sống sót kháng cự quyết liệt chống lại người Tây Ban Nha. Chỉ đến năm 1572, với sự sụp đổ của thành trì cuối cùng của họ, Vilcabamba, cuộc chinh phục người Inca cuối cùng đã hoàn thành.

Trận chiến Cajamarca chắc chắn là một sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới. Trước trận chiến, tình hình của Pizarro rất bấp bênh, vì đoàn người của ông có thể dễ dàng bị Atahualpa tiêu diệt, nếu vị “Sapa Inca” muốn làm như vậy. Việc Atahualpa đánh giá thấp Pizarro cũng như sự táo bạo của người Tây Ban Nha, đã góp phần khiến vị “Sapa Inca” bị bắt giữ tại Cajamarca, do đó mở đường cho chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha ở phía Tây vùng Nam Mỹ.


 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s