Địa danh “Thọ Xương” ở đâu?

 

chua_linh_mu

 Tôn Thất Thọ 

           Từ trước đến nay đã có rất nhiều bài viết thảo luận về địa danh Thọ Xương, cũng như nguồn gốc của hai câu ca dao liên quan đến địa danh này, bởi lẽ nó đã xuất hiện trong cả hai câu, một ở Huế và một ở Hà Nội. 

          Câu ca dao ở Huế có nội dung:

                                              Gió đưa cành trúc la đà,

                                   Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

                                            (Thuyền về xuôi mái sông Hương

                                  Có nghe tâm sự đôi  đường đắng cay!) 

         Còn câu ở Hà Nội là :

                                              Gió đưa cành trúc la đà

                                 Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.

                                            Mịt mù khói toả ngàn sương,

                                Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ. 

         Tựu trung hai khuynh hướng tranh luận, đó là:

   1- Câu ca có nguồn gốc từ Hà Nội, bởi địa danh Thọ Xương từ thời nhà Nguyễn đã là một huyện, và hiện vẫn tồn tại; hơn nữa lại phù hợp với di tích đền Trấn Vũ hiện nay. Còn Huế thì không có địa danh Thọ Xương.

      2Khuynh hướng hai dựa vào một số tài liệu lịch sử như Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang …đã chứng minh rằng : từ xa xưa, Thọ Xương ở Huế là tên vùng đất đối diện chùa Thiên Mụ, nguyên tên của nó là Thọ Khương (hay Thọ Khang); đến đời vua Gia Long (1802-1820), do kỵ húy đế hiệu thân sinh của nhà vua ( Hiếu Khương Hoàng Đế) nên ông đã đổi thành Thọ Xương. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), nhà vua đã đổi thành Long Thọ Cương và hiện nay, người địa phương chỉ gọi là Long Thọ, tại đây hiện có nhà máy chế biến xi măng Long Thọ đã có từ lâu.\

Untitled.png                                    

    Trong cuốn Sổ tay địa danh Việt Nam, tác gỉa Đinh Xuân Vịnh ghi như sau:

         “Thọ Xương : Làng, trước gọi là Thọ Khang, Gia Long đổi là Thọ Xương. Năm 1824 đổi là Long Thọ, thuộc huyện Phú Vang, Phủ Thừa Thiên trên sông Hương, nay thuộc thành phố Huế” (Sổ tay địa danh …, sđd, trang 515). 

       Trong các kho lúa ở xứThuận Hóa (Huế) dưới thời các chúa Nguyễn, sách Việt Sử xứ Đàng Trong ghi rõ: “Ở Thuận Hóa ban đầu có 7 kho là : Kho Thọ Khương (huyện Phú Vang), kho Nguyệt Biều (huyện Hương Trà), kho Thạch Hãn (huyện Hải Lăng), kho Lai Cách (huyện Minh Linh), kho An Trạch (huyện Lệ Thủy), kho Trung Trinh và kho Trường Dục (huyện Khương Lộc).(Việt sử xứ Đàng Trong, sđd, tr 213). 

       Ngoài ra, những nhà nghiên cứu theo khuynh hướng này đã dựa vào gia phả họ Dương để xác định rằng : câu ca được lưu truyền ở Hà Nội chính là một trong những bài thơ của tác giả Dương Khuê (1839-1902) mà hai câu đầu nguyên văn là: 

                                         “Phất phơ ngọn trúc trăng tà

                              Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương”.      

         Bài thơ có tựa là Hà Nội tức cảnh và được tác giả sáng tác sau khi từ giã quan trường ở Huế để ra lại quê nhà. Tiến sĩ Dương Thiệu Tống (1925-2008) đã chép bài thơ này in trong cuốn Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm của mình (Nxb Văn Học,1995), đồng thời đã có nhân xét là:

       “Có người đã sửa đổi câu đầu bài thơ này là “Gió đưa cành trúc la đà”, nhưng có lẽ là sai, vì làm mất đi ý nghĩa ngầm của toàn câu, mà chỉ còn ý nghĩa tả cảnh (nổi) mà thôi.” 

         Khách quan mà nói, ta thấy về ngôn từ, cũng như về ý nghĩa thì hai bài hoàn toàn khác nhau. Câu ca dao ở Huế không có tác giả, nó diễn tả phong cảnh hữu tình, thơ mộng của miền sông Hương núi Ngự vào một buổi sớm tinh mơ khi gà vừa gáy sáng chuyển canh; trong khi bài thơ Hà Nội tức cảnh do Dương  Khuê sáng tác để gửi gắm nỗi lòng của mình đối với hoàn cảnh đất nước. Trong bài này, có lẽ tác giả đã biến đổi địa danh Thiên Mụ (ở Huế) của câu ca dao thành ra địa danh Trấn Vũ  cho hợp với phong cảnh Hà Nội.

        Bài thơ này được Dương Khuê được sáng tác vào khoảng thập niên 1870, sau nhiều năm sống tại Huế. Do đó có thể nghĩ rằng, câu ca dao ở Huế đã ảnh hưởng đến tứ thơ của ông.Vì thế, khi trở ra miền Bắc, gặp lúc thời thế nhiễu nhương, ông sáng tác bài này để biểu lộ nỗi lòng của mình. Hai câu đầu của bài thơ là mượn câu ca dao ở Huế, nhưng thay đổi địa danh cho phù hợp với phong cảnh của Hà Nội: chùa Thiên Mụ đổi thành chùa  Trấn Vũ, vả lại, do sự trùng hợp: Hà Nội cũng có địa danh Thọ Xương nên đã không cần phải đổi địa danh này ? 

        Gần đây, trong tập Di sản Hán Nôm Huế (Huế-2003) có công bố một văn bản bằng chữ Hán thuộc loại thư tịch cổ ở làng Xuân Hòa (nay là xã Hương Long, thành phố Huế). Đây là một văn bản tranh tụng về đất đai, lạc khoản đề năm Gia Long thứ 10 (1811) và có đủ đặc điểm về tự dạng chữ viết thời bấy giờ. Có thể coi đây là tư liệu sớm nhất liên quan đến địa danh Thọ Xương vào đầu thế kỷ XIX. Xin được trích lại phần dịch nghĩa do nhóm tác giả Lê Văn Thuyên, Lê Nguyễn Lưu và Huỳnh Đình Kết thực hiện:   

Untitled 2.png

Văn bản thời Gia Long và địa danh “Thọ Xương sơn” (được vòng lại)

         “Chúng tôi là xã trưởng Hạ- Hoàng Ngọc Hạ, hương mục lão Dụng- Hoàng Văn Dụng, lão Tiệp- Hồ Hữu Tiệp ở xã Nguyệt Biều phụ giới tổng Kim Long, huyện Hương Trà, xin chứng nhận như sau:

        Nguyên năm trước, xã Dương Xuân kiện giành với xã chúng tôi về ranh giới thuộc khu vực núi Thọ Xương cũ. Phía trước nhà của cha Cứ ở vườn xứ Đỉnh Động núi ấy thuộc xã  chúng tôi có một ngôi mộ tro cổ, hiện tấm bia đá khắc mấy chữ “Chôn tại núi Thọ Xương”, từng được người do Bộ phái đến khám xét thấy là thật, ghi chép làm bằng, so với giấy tờ đơn trương, sổ sách của xã chúng tôi cùng các lời khai báo đều phù hợp, đã nêu thành án chờ xử lý. Nay vâng lệnh truyền các xã, thôn, phường trong huyện phải cùng nhau thừa nhận mốc giới, làm mới sổ ruộng đất, xã Dương Xuân bèn hẹn với xã chúng tôi làm việc vào ngày mồng 8 tháng Trọng xuân (2-3-1811). Đúng ngày ấy, tập trung tại chỗ, xem thấy tấm bia vẫn còn đó.

         Lần kế tiếp, ngày 11 cùng tháng, hai xã lại đến, đối mặt nhau nhận ranh giới. Xã chúng tôi chịu nhận mốc dưới từ Đò Lạc, trên đến ruộng tư xứ Cửa Sĩ, còn người xã ấy cứ  theo sổ cũ, không chịu mà bỏ đi. Nay tấm bia nói trên đã bị mất, nhưng vết tro ở chân bia vẫn còn dấu mới. Vì vậy xã chúng tôi bèn mời lão Kiểm, lão Tứ ở xã Cư Chánh giáp ranh; lão Thái ở xã Xuân Hòa gần cạnh, cả hai xã cùng tập trung tại chỗ bia đá ngôi mộ cổ ở dải núi Thọ Xương thuộc xứ Động xã chúng tôi để xem xét thực tế. Hỏi mệ Cứ : “Ai lấy trộm bia đá?”. Mệ Cứ khai  miệng rằng: “Người xã Dương Xuân lấy trộm bia đá ấy đi rồi!”. Xã chúng tôi cùng hai xã đều có nghe cả, cho nên lập giấy này để làm bằng. Trên đây là giấy chứng nhận.

 Ngày mồng 2 tháng Hai nhuận năm Gia Long thứ 10.

 Người lập tờ bằng: Xã trưởng Hạ – Hoàng Ngọc Hạ (điểm chỉ).

 Những người chứng nhận:

Người xã Cư Chánh:      Lão Kiểm – Nguyễn Ngọc Kiểm (điểm chỉ)

                                        Lão Tứ – Nguyễn Văn Tứ (điểm chỉ)

Người xã Dương Xuân : Lão Thái – Phan Văn Thái (điểm chỉ)

Người xã láng giềng:      Thầy Cường (ký)

                                        Lão Dụng  – Hoàng Văn Dụng (điểm chỉ)

                                        Lão Tiệp – Hồ Hữu Tiệp (điểm chỉ)

Người viết giấy:               Thầy đồ Đặc – Hồ Hữu Đặc (ký)”

 

 (Trích Di sản Hán Nôm…, sđd, tr 253 và 259). 

        Văn bản này đã chứng tỏ rằng, dưới thời vua Gia Long (1802 – 1820) ở Huế đã từng tồn tại một địa danh có tên Thọ Xương, đó là một vùng đất gò và núi, điều này đúng với thực tế, vì địa điểm này đối diện với chùa Thiên Mụ bên kia sông Hương. Và như thế một lần nữa có thể xác định: câu ca dao “ Gió đưa cành trúc la đà…” có nguồn gốc từ Huế chứ không phải là ở Hà Nội !

——————————-

                                                                

  * Tài liệu tham khảo:

-Di sản Hán Nôm Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế, Đại Học KHXHNV HN, 2003.

– Phủ Biên tạp lục, Lê Qúi Đôn, Nxb KHXH, 1977

 -Việt sử xứ Đàng Trong, Phan Khoang, Nxb Khai Trí  (Sài Gòn) 1967.

– Đại Nam nhất thống chí T1,QSQTN, Nxb Thuận Hóa,1992.

– Sổ tay địa danh Việt Nam, Đinh Xuân Vịnh, Nxb Lao Động,1996.

-Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm, Dương Thiệu Tống, Nxb Văn Học, 1995                                 

 

    

.

21 thoughts on “Địa danh “Thọ Xương” ở đâu?

  1. cuối cùng thì tác giả kết luận gì? Địa danh Thọ xương trong bài “Hà nội tức cảnh” là ở đâu? Thật chán khi đọc các bài viết nhiều chữ mà ý thì lấp lửng không rõ ràng.

    Thích

    • Trong bài viết ở phần đầu đã nói rồi ,Thọ Xương là một huyện ở Hà Nội thời nhà Nguyễn .Còn bài viết tìm hiểu địa danh Thọ Xương ở Huế có thật không qua đó kết luận câu ca dao kia bắt nguồn từ Huế .

      Thích

  2. Đây là những giả thuyết được đưa ra dựa trên các văn bản đã có. Kết luận khẳng định nó như thế nào là từ người đọc. Sử học là môn khoa học không có điểm cuối, nó chỉ có thể kết thúc bằng một dấu chấm hỏi (?)

    …”Bài thơ này được Dương Khuê được sáng tác vào khoảng thập niên 1870, sau nhiều năm sống tại Huế. Do đó có thể nghĩ rằng, câu ca dao ở Huế đã ảnh hưởng đến tứ thơ của ông.Vì thế, khi trở ra miền Bắc, gặp lúc thời thế nhiễu nhương, ông sáng tác bài này để biểu lộ nỗi lòng của mình. Hai câu đầu của bài thơ là mượn câu ca dao ở Huế, nhưng thay đổi địa danh cho phù hợp với phong cảnh của Hà Nội: chùa Thiên Mụ đổi thành chùa Trấn Vũ, vả lại, do sự trùng hợp: Hà Nội cũng có địa danh Thọ Xương nên đã không cần phải đổi địa danh này ? ”

    “Văn bản này đã chứng tỏ rằng, dưới thời vua Gia Long (1802 – 1820) ở Huế đã từng tồn tại một địa danh có tên Thọ Xương, đó là một vùng đất gò và núi, điều này đúng với thực tế, vì địa điểm này đối diện với chùa Thiên Mụ bên kia sông Hương. Và như thế một lần nữa có thể xác định: câu ca dao mở đầu bằng câu:
    “Gió đưa cành trúc la đà…” có nguồn gốc từ Huế chứ không phải là ở Hà Nội !

    Thích

  3. Trước thời vua Gia Long, ở Thăng Long đã có huyện Thọ Xương. Đọc Hồi 5 trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lật đổ cơ đồ chúa Trịnh, lính kiêu binh bỏ trang phục lẩn trốn. ” …..Bữa ấy, có một người cởi trần trùng trục cũng ở trong thành chạy ra, khi qua cửa ô bị dân chúng trông thấy, họ liền chỉ mặt mà nói:
    – Thằng bụng phệ kia chẳng phải lính Nhưng, Kiệu (Nhưng và Kiệu là tên của hai cơ lính trong hàng ngũ kiêu binh hồi bấy giờ) là gì, lôi cổ nó lại mà đánh chết đi!
    Người ấy vội đáp:
    – Không phải, ta là huyện uý huyện Thọ Xương đây!……”.
    Như vậy ít nhất trước năm 1786, ở Thăng Long đã có huyện Thọ Xương.
    Theo wikipedia, thời nhà Mạc (1527 – 1677) ở Thăng Long đã có huyện Thọ Xương. Tham khảo https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%8D_X%C6%B0%C6%A1ng
    Ngày nay, ở Hà Nội, gần phố Phủ Doãn có ngõ mang tên Thọ Xương nằm trong địa phận huyện Thọ Xương xưa kia.
    Như vậy bài viết có chỗ chưa thuyết phục.

    Thích

  4. Bài viết chỉ đi phân tích mỗi 2 chữ Thọ Xương rồi đưa ra kết luận Thọ Xương ở Huế. Nhưng lại quên mất bối cảnh của toàn bài làm người đọc bị dẫn đi đến hướng sai.

    Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh già Thọ Xương
    Mịt mù khói tỏa ngàn xương
    Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ

    Vậy cho hỏi tác giả Trấn Vũ ở đâu? Yên Thái & Tây Hồ ở đâu? Nếu phân tích kiểu này có khi Thọ Xương ở bên Tàu cũng nên.

    Thích

  5. Như vậy ở Thăng Long đã có huyện Thọ Xương hàng trăm năm trước khi ở Huế có địa danh Thọ Xương.
    Mặt khác tại sao không thể nghĩ là Dương Khuê đã đưa chất liệu dân gian vào thơ của mình (chứ không phải ngược lại như giả thuyết của tác giả bài viết này)?
    Tóm lại, các lập luận của tác giả có quá nhiều chỗ không ổn.

    Thích

  6. 1-Từ văn học dân gian —–> đến văn học sáng tác :
    Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương—> “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương”. (Thơ Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê)
    2- Từ văn học sáng tác——> văn học dân gian:
    “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương”—->
    Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuống TRấn Vũ canh gà Thọ Xương.
    Hơn nữa : Tiếng gà văng vẳng nghe được chỉ từ 1 ngọn đồi gần chùa, chứ không thể mông lung từ một huyện rộng rãi của ngày xưa được…

    Thích

  7. Bài thơ Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê
    Phất phơ ngọn trúc, trăng tà,
    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
    Mịt mùng khói toả ngàn sương,
    Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
    (Nguồn: Xứ Đoài thơ, Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống biên soạn, NXB Hội nhà văn, 2012)

    Thích

  8. Các vị nên dựa vào khoảng cách địa lý của các địa danh trên mà xác định thì mới chính xác được ! Huyện Thọ Xương nắm ở bờ tây của hồ Gươm ở góc đông nam kính thành THĂNG LONG ( phía bên ngoài thành ) . Còn hồ Tây và đền Trấn Vũ thì ở phía ngoài ở mặt bắc của kinh thành =》 Với khoảng cách xa như thế liệu cái Lão Dương Khuê ấy có nghe được tiếng gà gáy ở bên huyện Thọ Xương không vậy ? Nếu không nghe được tiếng gà gáy thì chắc chắn là Lão ta mượn câu ca dao ở Huế rồi lồng vào bài thơ của mình.
    ĐƠN GIẢN NHƯ VẬY MÀ CŨNG KHÔNG BIẾT ĐƯỢC NỮA. !
    Có điều thú vị là Hồ Tây ở phía ngoài thành TLong thuộc hướng bắc vậy mà gọi là Hồ Tây Nó chẳng có một tí nào thuộc mặt Tây của Kinh thành cả !
    Phú Tiên – TN : 26/3/2021

    Thích

Nhận xét về Trần Quang Ninh Hủy trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s