Nho Giáo và Chữ Lễ có “trói buộc con người” không?

quy-tacungxu_lpqy

Nguyễn Văn Nghệ

    Vào năm 2016 GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm khẳng định: “Giáo dục hỏng chính là do triết lý giáo dục sai lầm”, ông phân tích: “… chính là do ảnh hưởng của triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” mà chúng ta đã khôi phục khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở khắp nơi, cứ tưởng rằng xã hội lộn xộn thì chỉ cần gò trẻ em vào lễ là xong. Nề nếp do lễ mang lại ở đâu chưa thấy, trong khi ai cũng biết rằng, Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con người, không cho sáng tạo thì rất rõ. Không sáng tạo làm sao có phát triển?”[1]

  Ngày 21/11/2021 tại Hội thảo giáo dục chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới Giáo dục – Đào tạo” do Ủy Ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức, ông Trần Ngọc Thêm đã đề nghị “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ. hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”

 Nho giáo và chữ Lễ có trói buộc con người, không cho sáng tạo như nhận định của ông Trần Ngọc Thêm không?

   Tác dụng của Lễ trong cuộc sống

   Ý nghĩa của chữ “Lễ” rất là rộng, không chỉ gói gọn trong lễ nghi, lễ giáo[2].Nếu ai đã đọc qua phần khái quát chữ Lễ trong tác phẩm Nho giáo của cụ Trần Trọng Kim thì mới thấy chữ Lễ rất là thâm thúy. Lễ đã làm cho tất cả sinh hoạt trong xã hội đều có quy củ: “Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ không thành; dạy bảo, sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới,cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân; xếp đặt thứ vị trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh không có lễ không uy nghiêm; cầu khấn tế tự, cung cấp quỷ thần, không có lễ không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng, để làm sáng rõ lễ” (Lễ ký: Khúc lễ thượng)

  Lễ khiến cho sự hành vi của con người có chừng mực, để lúc nào cũng hợp với đạo trung: “Cung kính mà không có lễ thì phiền, cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi, dũng mà không lễ thì loạn, trực mà không có lễ thành ra vội vã” (Luận ngữ: Thái Bá, XIII).

   Nếu không có lễ, lấy gì mà phân biệt nghĩa vua tôi, trên dưới cho có đạo lý?: “Trong những cái của dân cậy mà sinh hoạt thì lễ là to hơn cả. Không có lễ thì không phân biệt ngôi vua tôi, trên dưới , lớn bé; không có lễ thì không có thể phân biệt cái lòng thân của trai gái, cha con, anh em, sự giao tiếp về hôn nhân về người thân hay người sơ” (Lễ ký: Ai công vấn, XXVII)

  Những cái tình của con người thì ẩn khuất ở trong lòng không sao biết được, chỉ có Lễ mới ngăn giữ mà thôi:  “Cái đại dục của người ta là ở việc ăn uống, trai gái, bao giờ cũng có, cái đại ố của người ta là ở sự chết mất, nghèo khổ , bao giờ cũng có. Cho nên dục, ố là cái mối lớn của tâm vậy, người ta giấu kín cái tâm không thể dò xét được; cái hay cái dở đều ở trong tâm, không hiển hiện ra ngoài. Nếu muốn tóm lại làm một để biết cho cùng mà bỏ Lễ (xả lễ) thì lấy gì mà biết được” (Lễ ký: Lễ vận, IX).

  Lễ giống như con đê ngăn lũ: “Phù lễ cấm loạn chi sở do sinh, do phường chỉ thủy chi tự lai dã” (Lễ là sự cấm loạn sinh ra, như đường đê giữ nước không đến vậy – Lễ ký: Kinh giải, XXVI).

   Tác dụng của lễ thật là quảng đại, thật là tinh vi, đủ chứng là tâm lý học của Nho giáo sâu xa vô cùng. Tác phẩm “Trung Quốc triết học sử” ghi lời nhận xét của Hồ Thích: “Trong cái nghĩa rộng chữ Lễ có hàm cái tính chất pháp luật, nhưng lễ thì thiên trọng về cái quy củ tích cực, mà pháp luật thì thiên trọng về cái cấm chế tiêu cực. Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì và không nên làm điều gì; pháp luật thì cấm không cho làm những việc gì, hễ làm thì phải tội. Người làm điều trái Lễ thì chỉ bị người quân tử chỉ nghị chê cười, chứ người làm trái pháp luật thì có hình pháp xét xử”

  Dùng Lễ có lợi hơn là có thể ngăn cấm được việc chưa xảy ra, mà dùng pháp luật thì chỉ để trị cái việc đã có rồi, bởi vậy thánh nhân chỉ trọng Lễ, chứ không trọng hình: “Phàm cái biết của người ta chỉ biết được cái đã có rồi, không biết được cái sắp có. Lễ là để cấm trước cái sắp có, pháp luật là để cấm sau cái đã có rồi… Lễ vậy, lễ vậy, lễ quý là dứt được điều ác từ lúc chưa nảy mầm ra, dấy lòng kính ở chỗ người ta không trông thấy, để cho dân ngày ngày đến gần điều thiện, xa điều tội, mà tự mình không biết”(Đại đái Lễ ký: Lễ tế)[2].

   Người xưa dùng đức trị, Lễ trị chứ không muốn dùng pháp chế: “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách” (Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân chúng, chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng dám phạm phép thôi, chớ họ chẳng biết hổ ngươi. Vậy muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh, muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng Lễ tiết, thì chẳng những dân biết hổ ngươi, họ lại còn cảm hóa và trở nên tốt lành – Luận ngữ: Vi chính, II)

  Nho giáo và chữ Lễ không hề trói buộc con người

  Ông Trần Ngọc Thêm bảo: “trong khi ai cũng biết rằng, Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con người…”có vẻ như võ đoán. Theo tôi không phải “ai cũng biết rằng…”, chỉ có những người nghiên cứu Nho giáo một cách hời hợt và bị ảnh hưởng cách giáo dục theo đường lối cộng sản mới có kết luận về Nho giáo như vậy.

  Nhiều người nghiên cứu về Nho giáo một cách hời hợt bảo rằng: Người Âu Mỹ nào có “tiên học lễ” mà vẫn văn minh! Xin thưa là quốc gia, dân tộc nào cũng đều có hấp thụ chữ Lễ cả, nhưng cách thể hiện Lễ thì mỗi nơi mỗi khác. Nếu không có Lễ thì làm sao trong quốc gia của họ lại có tôn ti trật tự được?

  Có những học thuyết mới ra đời chỉ mươi năm mà đã bộc lộ những sai lầm một cách rõ rệt, huống chi học thuyết Nho giáo xuất hiện đã hơn hai ngàn năm thì làm sao tránh khỏi những khiếm khuyết! Khi tiếp thu văn hóa ta đón nhận những cái tinh hoa, còn những gì lạc hậu, lỗi thời thì ta loại bỏ. Nhà nghiên cứu Will Durant đã nhận xét về Nho giáo: “Không nên trách Khổng tử về tất cả những nhược điểm ấy. Không ai lại đòi một triết gia phải suy tư cho hai chục thế kỷ. Trong một đời người làm sao có thể tìm được con đường đưa tới tri thức cho hết thảy các đời sau. Mà rất ít người làm nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ như Khổng tử. Càng hiểu rõ ông, chúng ta càng ngạc nhiên rằng chỉ có một phần nhỏ trong đạo của ông là không hợp với khoa học, với những sự biến đổi do thời gian. Khi ta nhận thấy rằng ngay ở thời đại chúng ta, ông vẫn còn là người chỉ đường chắc chắn cho chúng ta, thì chúng ta quên những lời đôi khi hơi nhàm của ông và đức độ quá hoàn toàn của ông làm cho ta có lúc chịu không nổi”[3]

  Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã luyến tiếc cho truyền thống Nho giáo đã “bị đứt gãy” ở Việt Nam: “ …với đội ngũ hành chính- công vụ ở các nước Đông Bắc Á, tôi thấy truyền thống Nho giáo sâu xa đã giữ gìn được sự liêm sỉ đích thực.

   Ở các nước ấy truyền thống Nho giáo liền mạch, chứ không bị đứt gãy như ở Việt Nam. Thời phong kiến xưa, ở Việt nam ta từng có những ông quan sẳn sàng xây dựng kênh rạch tưới tiêu xuyên qua đất của mình. Có liêm chính, có tinh thần phụng sự quốc gia, những người này sẳn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia, chứ tuyệt đối không nắn chỉnh kênh rạch thành một “đường cong mềm mại”.

   Tất nhiên vào những thời suy, quan lại phong kiến tha hóa, xấu xa không phải là không có, nhưng vào những thời thịnh, số lượng quan thanh liêm là rất nhiều. Sự thịnh trị có được chính là nhờ vào đội ngũ quan lại thanh liêm như vậy.

  Bây giờ chúng ta phải tìm cách khơi gợi, nuôi dưỡng trở lại cái tinh thần bị đứt gãy ấy. Lương bổng là cần, nhưng lương bổng chỉ là một nửa của vấn đề. Một nửa còn lại chính là tinh thần, đạo đức, cốt cách và sự liêm sỉ”[4]

  Cách nhận định về Nho giáo của ông Trần Ngọc Thêm rất là hời hợt. Trong tác phẩm “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của ông có 13 trang viết về Nho giáo và Văn hóa Việt Nam, ông đã đưa ra nhiều dẫn chứng sai lạc về Nho giáo. Ông đã cố ca ngợi ông Hồ Chí Minh: Chính vì đặt nước lên trên mà một người xuất thân từ dòng dõi Nho gia như Hồ Chí Minh dám đi ngược lại giáo huấn của Nho giáo: Dám bỏ lại cha già để đi tìm đường cứu nước tại trười Tây xa xôi( theo Nho giáo thì “phụ mẫu tại bất viễn du” – cha mẹ còn, con không được đi xa)[5].

  Cách giải thích như vậy chúng tôi gọi là giải thích theo kiểu “tắc tử”, “nửa vời”. Nho giáo nào cấm khi cha mẹ còn, con không được đi xa. Sách Luận ngữ, ở thiên Lý nhân ghi rõ ràng: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương” (Trong khi cha mẹ còn sanh tiền, phận làm con chớ có đi chơi xa, như có đi chơi xa thì thưa trước cho cha mẹ biết để cha mẹ an tâm).

  Trong câu ấy gồm hai vế, nhưng ông Trần Ngọc Thêm chỉ lấy vế đầu giải thích để đạt được mục đích là cố ca ngợi ông Hồ Chí Minh, để rồi quy kết “Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con người”!

  Ông Trần Ngọc Thêm nghiên cứu về Nho giáo một cách hời hợt “…khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ “lễ” với người trên là yêu cầu số 1”[6]. Có phải “Tiên học lễ đòi hỏi quan hệ một chiều” không? Vua Định công nước Lỗ hỏi Khổng tử: “Vua khiến bề tôi, bề tôi thờ vua phải như thế nào?” Khổng tử đáp: “Vua lấy Lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua – Luận ngữ: Bát dật, 19). Hoặc Mạnh tử bảo với Tề Tuyên vương: “Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ, thì bề tôi xem vua như giặc như thù – Mạnh tử: Ly lâu, Chương cú hạ 3). Như vậy quan hệ về Lễ trong Nho giáo là quan hệ hai chiều chứ không phải như nhận định của ông Trần Ngọc Thêm!

  Do nghiên cứu hời hợt nên ông Trần Ngọc Thêm khẳng định: “Chừng nào còn đề cao chữ “Lễ” thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều. chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ sẽ là điều kiện cần để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo” [7]. Tác giả Lê Học Lãnh Vân không quan niệm như ông Trần Ngọc Thêm: “Tư duy phản biện không bị trói buộc bởi quan niệm ‘Tiên học lễ’. Nó bị trói buộc bởi cả một cách tổ chức xã hội, trong đó ngôn luận không được tự do. Khi không có tự do báo chí, thì rõ ràng không có tự do ngôn luận. Khi luật pháp có thể bỏ tù người dân vì ý nghĩ trong đầu của họ thì rõ ràng không có tự do tư tưởng rồi” [8]. Tự do sẽ là chìa khóa cho sự Khai phóng!

  Hậu quả của việc bỏ cũ theo mới ở Việt Nam hiện nay

  Trong thời gian trước đây, những ai sinh ra và lớn lên được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều bị nhồi nhét tư tưởng cho rằng “Nho giáo là bảo thủ lỗi thời và kiềm hãm sự phát triển của xã hội”. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là “tàn dư tệ hại của Khổng giáo” cho nên “ chúng ta không thể dung hòa được với Khổng giáo và hệ tư tưởng phản động và bảo thủ của nó” và “chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lãnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy!”[9]

  Dân tộc Việt Nam đã trải qua một thời gian dài chịu ảnh hưởng Nho giáo. Khi những người cộng sản Việt Nam nắm chính quyền ở Miền Bắc thì quyết tâm phá bỏ nền văn hóa cũ để xây dựng một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Về đạo đức chỉ dạy “đạo đức cách mạng”. Riêng ở Miền Nam, vào năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh thành lập Hội Khổng học trên tất cả các tỉnh thành để tiếp tục duy trì quảng bá đạo đức cương thường của tổ tiên. Về triết lý giáo dục dựa trên nền tảng: Nhân bản- Dân tộc- Khai phóng.

    Việc bỏ cũ theo mới được cụ Trần Trọng Kim nhận xét trong “lời phát đoan” của tác phẩm Nho giáo: “Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cần cấp, nhưng vì người mình nông nổi, không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại cả đi, thành thử cái xấu, cái dở của mình thì vị tất đã bỏ đi được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh túy đã giữ cho xã hội của ta được vững bền hàng mấy nghìn năm nay. Phàm người ta muốn bỏ cái cũ đã hẩm nát, tất là phải có cái mới tốt hơn, đẹp hơn để thay vào. Nay ta chưa có cái mới mà đã vội vàng bỏ cái cũ đi, thành ra đổ nát cả, mà không có cái gì thay vào được. Ấy là cái tình trạng nước ta ngày nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra giữa biển, đánh mất địa bàn chỉ nam, không biết phương hướng nào mà đi cho phải đường, cứ lênh đênh mãi, không khéo lại bị sóng gió va vào đá vỡ tan mất cả. Đó là điều ta nên biết để tìm cách mà chữa lại được chút nào chăng”[10].

  Chính do những người cộng sản chủ trương đoạn tuyệt với nền luân lý đạo đức duy lý nhã nhặn mà tổ tiên ta đã hấp thụ qua biết bao nhiêu thế hệ, để chạy theo học thuyết duy lý hung hăng của Đức, Nga mà hậu quả theo kết quả điều tra ở Việt Nam vào năm 2006 cho thấy: Tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp Tiểu học là 22%, cấp Trung học Cơ sở là 50%, cấp Trung học Phổ thông là 64%, Sinh viên là 80% [11]

  Chữ Lễ không hề trói buộc con người như lập luận của ông Trần Ngọc Thêm. Người Việt Nam ai cũng sợ mang tiếng là “đồ vô lễ”.Con người mà “vô lễ” thì sẽ không từ bỏ bất cứ hành động gian ác nào.

   Để ngày càng hoàn thiện trên con đường đạo đức, mỗi người phải luôn tu thân tức là “khắc kỷ phục lễ” (chế thắng lòng tư dục của mình và theo về lễ tiết- Luận ngữ: Nhan Uyên, XII), phải “ước ngã dĩ lễ” (dùng lễ tiết mà ước thúc thân tâm ta – Luận ngữ: Tử Hãn, IX). Tu thân không miễn trừ một ai (Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản). Sau khi đã “khắc kỷ phục lễ” thì mọi người sẽ: “ Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không phải lễ thì chớ trông, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì chớ làm – Luận ngữ: Nhan Uyên , XII).

  Người giàu sang biết Lễ thì không dâm tàn, không kiêu căng; người bần tiện biết Lễ thì không nản chí, không làm bậy; cán bộ, viên chức mà biết Lễ thì biết cách lo cho dân, cho nước.

  Nếu như cán bộ quan chức trong bộ máy đảng và chính quyền nước ta hiện nay biết “khắc kỷ phục lễ”, biết “ước ngã dĩ lễ” thì đâu đến nỗi bà cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan phải thốt lên trước bàn dân thiên hạ: “…Cái liều vacxin tiêm cho một cháu lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội. Tôi càng đi càng thấy buồn, “ăn” của dân không từ một cái gì”. Nói theo ngôn ngữ dân gian thì quan tham “ăn tận đáy quần chúng”.

  Những gì là tinh hoa văn hóa của nhân loại (không cần phân biệt là “sản phẩm của Nho giáo” hoặc Phật giáo hoặc Ki tô giáo…) thì chúng ta sẳn sàng tiếp nhận để làm cho nền văn hóa của dân tộc ta ngày càng thêm phong phú!


                                                            

   Chú thích:

[1]-https://laodong.vn/archived/gstskh-tran-ngoc-them-giao-duc-hong-chinh-la-do-triet-ly-giao-duc-sai-lam-712932.ldo

[2]-Lệ Thần Trần Trọng Kim, Nho giáo quyển thượng (in lần thứ tư) Nxb Tân Việt, Saigon- Việt Nam, tr. 147- 156

[3]-Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa (Nguyễn Hiến Lê dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 92-93

[4]-antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/Nguyen-pho-chu-nhiem-van-phong-Quoc-hoi-Tien-si-Nguyen-Si-Dung-Phai-khoi-goi-nhung-gia-tri-dut-gay-kien…

[5]-https://nghiencuulichsu.com/2017/05/22/noi-co-sach-mach-co-chung/

[6][7]- mangxahoi.net/kien-nghi-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-giao-su-tran-ngoc-them-noi-gi/

[8]- https://baotiengdan.com/…/truyen-thong-tien-hoc-le-va-tư-d…/

[9]-nhavantphcm.com.vn/…duong-van-hoc/ve-khau-hieu-“tien-hoc-le-hau-hoc-van”.htm…

[10]-Lệ Thần Trần Trọng Kim, Nho giáo quyển thượng (in lần thứ tư), Nxb Tân Việt, Saigon- Việt Nam, tr. XV ( Lời phát đoan)

[11]-www.nguoiduatin.vn/ti-le-hoc-sinh-noi-doi-tang-dan-theo-tuoi-a106618.html

11 thoughts on “Nho Giáo và Chữ Lễ có “trói buộc con người” không?

  1. Thưa ông Nguyễn Văn Nghệ: Bản nhân rất ưu tư về chữ LỄ, nên, bản nhân mong ông chỉ bảo cho bản nhân một số việc sau:
    * Tôn giáo rất đại kỵ với khoa học, nên, một số nhà khoa học (tự nhận) suốt đời thời không chịu chạy theo quy trình GIẢ KIM THUẬT, họ có bị coi là VÔ LỄ hay không!?
    * BRUNO, NEWTON, KOPERNICUS, GALI LEO đều là bọn MUỐN CAO HƠN CẢ CHÚA (vì bọn này bác bỏ ý CHÚA là MẶT TRỜI PHẢI QUAY XUNG QUANH MẶT ĐẤT), vậy, họ có bị coi là CỰC KỲ VÔ LỄ hay không!?

    Thích

    • Lễ ở đây là quy tắc làm người ngay cả phương Tây cũng có lễ của riêng mình, giới khoa học phương Tây cũng có giới hạn sáng tạo không được vượt qua cái gọi là đạo đức khoa học chứ không phải muốn sáng tạo gì cũng được, thí dụ nhân bản vô tính con người là phi đạo đức bị cấm một số nước cũng ghi thành luật cấm rồi, thế chăng người phương Tây đang cản trở sáng tạo à?? Ta học lễ để trở thành một nhà khoa học có nhân tính chứ không phải trở thành nhà khoa học điên phi nhân tính nhé.

      Thích

    • Lễ (禮), bộ thị (示) kèm bộ phong (豐), bản nghĩa là mang tấm lòng nồng hậu mà tôn kính thần linh, như vậy mới có hậu quả tốt đẹp. Nếu không thì lãnh hậu quả do mình gây ra hết sức nặng nề. Những hành vi hợp với lễ là tôn kính thần linh. Không hợp với lễ là bất kính với thần linh.

      Lễ (禮) là quy tắc ứng xử được đặt ra bởi thánh nhân để thúc ước con người, sớm nhất ghi nhận thời nhà Châu (周), được Khổng Tử san định và Nho gia biên tập. Nhiều nghi lễ đã được ứng dụng ở các nước Á Đông từ đó đến nay.

      Lễ (禮) là quy tắc về hành vi lời nói thể hiện sự tôn kính thần linh.

      Thích

    • Tôi có một anh bạn dạy môn Lịch sử ở một Trung tâm Giáo dục Thường xuyên nọ. Học viên đa số là cán bộ viên chức. Khi dạy bài Trung Quốc cổ đại, trong đó có nhắc đến Nho giáo và theo giáo án biên soạn cho rằng Nho giáo lạc hậu, lỗi thời, trói buộc con người. Anh bạn tôi mới đem “tam tòng tứ đức” trong Nho giáo để hỏi học viên: Tam tòng (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) đối với người phụ nữ có còn hợp với thời nay không? Tất cả học viên đáp là: Không! Anh bạn tôi mới hỏi : Tứ đức (Công, dung, ngôn, hạnh) đối với người phụ nữ có còn hợp với thời nay không? Các học viên ấp a, ấp úng nhưng sau trả lời là : Còn!
      Anh bạn tôi kết luận: Vậy thì những gì còn hợp thời, chúng ta tiếp thu, còn những gì lạc hậu, lỗi thời chúng ta đào thải, loại bỏ. Như vậy mới là tiếp thu văn hóa có chọn lọc ! (Nguyễn Văn Nghệ)

      Thích

  2. “Tiên học Lễ” tức là lời khuyên, lời dạy bảo, lời thuyết phục… của các nhà nho học thời xa xưa dành cho người học (cũng sống ở) thuở xa xưa. Tất nhiên các cụ thời xưa nói rõ, nói đi nói lại, để kiên nhẫn thuyết phục học trò thời đó “cần phải học Lễ”, nếu không học Lễ, sẽ đưa lại hậu quả rất xấu cho bản thân và cho xã hội.
    Đó là chuyện từ cổ lai hy.

    Vậy, học “Lễ” là học cái gì?
    Đó là học nội dung của kinh Lễ mà ngày nay ai cũng có thể nhờ google tra cứu giúp: để biết “có thể học nổi nó hay không”.

    Té ra, toàn những điều mà ngày nay không thể học được, không những phiền toái mà còn không thích hợp, tới mức… phản động.
    Ví dụ, Lễ quy định rằng đàn bà phải tuyệt đối phục tùng đàn ông: Nếu chưa xuất giá (chưa lấy chồng) thì tuyệt đối vâng lời cha. Khi có chồng, tuyệt đối nghe chồng. Khi chồng chết thì nghe… con (con trai). Câu nguyên văn là: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.
    Ngày nay, nếu “học cái thứ Lễ này” thì quả là ngu. Ai xui các bà học điều này, có lẽ các bà sẽ chụp váy lên đầu cho nghẹt thở và sặc.

    Tác giả Nguyễn Văn Nghệ ngụy biện rành rành. Ông “tiên sinh” này thuyết phục người thời nay bằng cách trích dẫn những lời dạy của người… thuở xưa – tức là người sống ở cái thuở Nho học vẫn còn thịnh hành, chưa lạc hậu. Nó chỉ có tác dụng với học trò thời xa xưa mà thôi. Các CỤ học trò loại này đã xuống mồ từ lâu rồi. Cụ tiên sinh Nguyễn Văn Nghệ nên theo họ xuống mồ mà thuyết phục họ tiếp tục “học Lễ”

    Thích

    • Thế là ông chưa biết Lễ là gì. “Vị giá tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, là nói chưa lấy chồng thì theo cha, lấy chồng rồi thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Là nói cái việc nên làm của người phụ nữ.

      Ngày nay thì loạn rồi.

      – Con gái chưa lấy chồng thì theo bạn trai sống thử này, đi nhà nghỉ này. Hậu quả xấu là hư hỏng.
      – Lấy chồng rồi thì cặp bồ cặp bịch này. Hậu quả xấu là tan vỡ gia đình.
      – Chồng chết chưa tròn tang ba năm đã bỏ con cho nhà nội để lấy chồng khác này. Hậu quả xấu là con cái không được dạy dỗ đầy đủ.

      Thích

    • Tôi có một anh bạn dạy môn Lịch sử ở một Trung tâm Giáo dục Thường xuyên nọ. Học viên đa số là cán bộ viên chức. Khi dạy bài Trung Quốc cổ đại, trong đó có nhắc đến Nho giáo và theo giáo án biên soạn cho rằng Nho giáo lạc hậu, lỗi thời, trói buộc con người. Anh bạn tôi mới đem “tam tòng tứ đức” trong Nho giáo để hỏi học viên: Tam tòng (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) đối với người phụ nữ có còn hợp với thời nay không? Tất cả học viên đáp là: Không! Anh bạn tôi mới hỏi : Tứ đức (Công, dung, ngôn, hạnh) đối với người phụ nữ có còn hợp với thời nay không? Các học viên ấp a, ấp úng nhưng sau trả lời là : Còn!
      Anh bạn tôi kết luận: Vậy thì những gì còn hợp thời, chúng ta tiếp thu, còn những gì lạc hậu, lỗi thời chúng ta đào thải, loại bỏ. Như vậy mới là tiếp thu văn hóa có chọn lọc ! (Nguyễn Văn Nghệ)

      Thích

  3. Rất đồng tình với tác giả bài viết Nguyễn Văn Nghệ, “Tiên học lễ, hậu học văn” là phương châm cho việc giáo dục; vẫn đúng, vẫn giá trị xuyên suốt từ xưa đến nay. Nay mạn phép góp thêm ý nhỏ để hiểu nghĩa chữ Lễ.
    Chiết tự chữ禮lễ: bên trái bộ thị示 (礻) là chỉ thị, trời đất. Bên phải trên chữ khúc曲 : cong, không thẳng, là âm điệu lên xuống. Bên phải dưới là chữ đậu豆 : ý nói lễ vật. Vậy lễ là nghi thức mà người xưa dùng để cầu xin, tạ ơn các đấng thần linh, tổ tiên. Từ nghi thức chuyển hóa dần thành cách cư xử, mối quan hệ giữa người với người; giữa người với thiên nhiên…
    Lễ không chỉ gói gọn trong lễ nghi, lễ nghĩa mà còn là tôn ti trật tự… và cả luật pháp nữa. Lễ là cốt để giữ chừng mực cho hành vi của con người (khác với loài vật). Lễ khiến cho hành vi của con người hợp với Đạo (đạo đức, luật lệ, tôn giáo…). Để cho con người tự hạn chế bớt các dục vọng, khỏi làm điều bậy bạ, xâm hại đến người khác… thì phải có Lễ.
    Cần phân biệt rõ: Tư tưởng Nho Học của Khổng Mạnh thời Tiên Tần (trước năm 221 TCN), là đỉnh cao tư tưởng, tự do học thuật, là kim chỉ nam, phương châm của Nho gia. Nhưng đến đời Hán, từ Đổng Trọng Thư (Hán Nho), Chu Hy (Tống Nho), Vương Dương Minh (Minh Nho) đã sửa đổi, thiên lệch, phiến diện với mục đích là phục vụ, cũng cố cho tầng lớp vương quyền chuyên chế; tầng lớp cai trị đã lợi dụng (Hán, Tống, Minh Nho) để mị dân, đầu độc tư tưởng; duy trì hầu tiếp tục được hưởng những đặc quyền, đặc lợi…
    Tuy rằng nền giáo dục Âu Mỹ, ít đặt trọng tâm vào việc dạy Lễ, nhưng (đừng quên rằng) đã được nhà thờ, và tôn giáo làm thay chức năng (việc dạy Lễ) hằng ngày; (dù không trực tiếp nhưng lại có hiệu quả cao: đã kết hợp tốt giữa giáo dục và tôn giáo, đạo đức và tín ngưỡng, …)
    Với thiển ý, luôn lấy lời dạy “ôn cố tri tân温故知新”(hiểu rõ đời xưa, thông tỏ đời nay) làm phương châm cho việc học, là kim chỉ nam cho cuộc sống. Vận dụng các bài học giáo huấn và những kinh nghiệm của các bậc tiền bối để tự tu dưỡng.
    Kỳ Thanh. 03/12/2021.

    Thích

  4. Bản nhân nghĩ rằng: chọn học kiểu gì thì sẽ quyết định học lễ theo kiểu đó:
    * QUÝ ÔNG BÀ sau này hành nghề BẰNG MỒM (ca sĩ, dạy học, tuyên giáo….) thì xin đừng bao giờ tự biến MỒM thành LỖ MỒM nhé!?
    * Học để THÀNH NGƯỜI chứ đừng học để trở thành thứ CHÓ LỢN HÌNH NGƯỜI (CHÓ LỢN không có dấu “phảy” ở giữa nhé)
    * Lễ chính là học để THÀNH NGƯỜI đấy!!

    Thích

  5. Bổ sung: Bởi thế, với tất cả BỌN HÀNH NGHỀ BẰNG LỖ MỒM (LỖ TRÔN) thì NHỮNG NGƯỜI CÓ LƯƠNG TÂM phải vùng dậy để THIẾN hết chúng đi (cả mồm và háng) thì LỄ mới đi theo con đường đúng nghĩa được!!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s