Trận Zama — Khi Hannibal gặp kỳ phùng địch thủ

1111

Trận Zama là trận chiến quyết định của Chiến Tranh Punic lần thứ 2 (còn gọi là Chiến Tranh Hannibal, hay Cuộc Chiến Chống Lại Hannibal), diễn ra giữa La Mã và Vương quốc Carthage. Phần thắng nghiêng về người La Mã, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến diễn ra trong 16 năm.

Bên cạnh đó, việc thất bại tại Trận Zama khiến người Carthage mất đi vị thế cường quốc phía Tây Địa Trung Hải, và không còn là mối đe dọa đối với người La Mã nữa. Mặc dù Vương quốc Carthage vẫn tiếp tục tồn tại nhưng lại bị người La Mã chinh phục ở Chiến Tranh Punic lần thứ 3, diễn ra nửa thế kỷ sau Trận Zama.

CÓ PHẢI TRẬN ĐÁNH DIỄN RA Ở ZAMA?

Trận Zama diễn ra vào năm 202 trước Công Nguyên giữa Vương quốc Carthage dưới sự lãnh đạo của Hannibal và người La Mã dưới sự lãnh đạo của Scipio Africanus tại vùng thuộc Tunisia ngày nay. Mặc dù lấy tên như vậy nhưng trận chiến không thực sự diễn ra ở Zama. Địa điểm chính xác của Zama vẫn đang được các học giả tìm hiểu.

Theo sử gia Hy Lạp Polybius, Hannibal đóng quân ở Zama, “một thị trấn cách 5 ngày đường về phía Tây Carthage”. Tuy nhiên, trước khi diễn ra trận đánh, Hannibal và Scipio đồng ý gặp mặt, và họ dời trại tới thị trấn Naragarra (ngày nay là thị trấn Sakiet Sidi Youssef). Vì thế nên trận đánh diễn ra gần khu vực này.

Một sử gia có viết về trận đánh là Livy, đồng ý với Polybius về địa điểm diễn ra trận đánh. Và cũng cần cám ơn nhà viết tiểu sử người La Mã, Corneilius Nepos, mà trận đánh cuối cùng của Chiến Tranh Punic lần thứ 2 được ghi nhớ là Trận Zama chứ không phải là Trận Naragarra. Trong tiểu sử của Hannibal, Nepos viết rằng người Carthage chiến đấu với người La Mã gần Zama.

CHIẾN TRANH PUNIC LẦN THỨ NHỨT VÀ HIỆP ĐỊNH ĐƯỢC KÝ KẾT

2

Như đã nói ở trên, Trận Zama là trận đánh cuối cùng của Chiến Tranh Punic lần thứ 2. Cuộc chiến này bắt đầu từ năm 218 trước Công Nguyên giữa Cộng Hòa La Mã và Vương quốc Carthage, hai thế lực lớn ở Tây Địa Trung Hải. Cả hai phe đã đối đầu với nhau ở Chiến Tranh Punic lần thứ nhứt, diễn ra từ năm 364 tới năm 241 trước Công Nguyên. Cuộc chiến này là kết quả xung đột giữa La Mã và Carthage trên đảo Sicily.

Kết thúc Chiến Tranh Punic lần thứ nhứt, La Mã lúc này chưa có nhiều kinh nghiệm trong hải chiến trước cuộc xung đột này, đang chỉ huy một lực lượng hải quân đáng gờm đã biến họ trở thành một cường quốc hàng hải lớn ở Địa Trung Hải. Ngoài ra, người Carthage bị đánh bại, và buộc phải đàm phán một hiệp ước hòa bình. Theo Polybius, nội dung của hòa ước, gọi là Hiệp Định Lutatius, có nội dung như sau: “Tình hữu nghị giữa người Carthage và người La Mã sẽ được thiết lập theo các điều khoản sau. Người Carthage phải rút dần ra khỏi Sicily, và không gây chiến trên đảo Hiero hoặc gây chiến với người Syracuse hay đồng minh của người Syracuse. Người Carthage đầu hàng người La Mã và trao trả tù binh vô điều kiện. Người Carthage phải bồi thường trong vòng 20 năm khoản phí 2200 đồng talent”.

VƯƠNG QUỐC CARTHAGE NHỮNG NĂM TIẾP THEO — ĐƯỢC VÀ MẤT

Không lâu sau kết thúc Chiến Tranh Punic lần thứ nhứt, người Carthage đối mặt với cuộc nổi loạn của lính đánh thuê người Numidia và người Libya. Sử gia Polybius gọi cuộc nổi loạn này là Chiến Tranh Libya.

Theo Polybius, cuộc chiến kéo dài 3 năm 4 tháng, và rằng người Carthage “có nguy cơ mất không chỉ lãnh thổ, mà còn cả quyền tự do và đất đai quê hương của họ.” Vào cuối cuộc nổi dậy, người La Mã, “theo lời mời của những người lính đánh thuê đã đào ngũ khỏi Sardinia”, đã chuẩn bị một cuộc xâm lược lên hòn đảo.

Người Carthage coi đây là hành vi vi phạm hòa ước, và họ chuẩn bị để trừng phạt những kẻ gây ra cuộc nổi dậy trên đảo. Tuy nhiên, người La Mã “lấy cớ này để tuyên chiến với họ, cáo buộc rằng việc chuẩn bị không phải chống lại Sardinia, mà chống lại chính họ”. Nhận thấy rằng họ không có khả năng để bắt đầu một cuộc chiến tranh khác với La Mã, người Carthage đã từ bỏ Sardinia và đồng ý trả khoản phí 1200 đồng talent khác cho La Mã, do đó tránh được chiến tranh trong thời gian này.

Mặc dù Vương quốc Carthage để mất đảo Sardinia và Corsica vào tay La Mã vào năm 238 trước Công Nguyên, họ vẫn mở rộng lãnh thổ tới Bán đảo Iberia vào năm tiếp theo. Người Carthage từng thiết lập thuộc địa dọc theo bờ biển phía Đông và phía Nam của Bán đảo với mục đích thương mại. Nhưng sau khi để mất Sicily, Sardinia, và Corsica vào tay người La Mã, người Carthage quyết định bù đắp mất mát này bằng cách mở rộng Bán đảo Iberia.

Nhiệm vụ này được giao cho Hamilcar Barca, người từng giữ chúc tư lệnh lực lượng Carthage tại Sicily vào những năm cuối cùng của Chiến Tranh Punic lần thứ nhứt. Hamilcar tự cho mình là nhà lãnh đạo quân sự tài ba và là chính khách xuất sắc nhất Vương quốc Carthage thời kỳ tiền Hannibal, con trai ông. Đổ bộ lên Gadir (Cádiz), người Carthage nhanh chóng tổ chức các chiến dịch chống lại các bộ tộc Iberia, khuất phục họ bằng vũ lực và ngoại giao.

HANNIBAL TRỖI DẬY VÀ XÂM LƯỢC ITALY

3

Hamilcar qua đời vào năm 228 trước Công Nguyên và người kế vị là Hasdrubal. Người này bị ám sát năm 221 trước Công Nguyên và Hannibal chánh thức kế vị. Năm 219 trước Công Nguyên, Hannibal bao vây và chiếm đóng thành Saguntum thuộc về một đồng minh của La Mã. Người La Mã lúc này đang vướng vào Chiến Tranh Illyria lần thứ 2 nên không thể hỗ trợ. Tuy nhiên, La Mã đã cử một đại sứ tới Vương quốc Carthage.

Không giống như năm 238 trước Công Nguyên, người Carthage lúc này đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh, một phần là nhờ các mỏ bạc họ khai thác ở Iberia giúp họ bổ sung quân phí. Hơn nữa, người Carthage bên phía Hannibal từ chối yêu cầu của người La Mã. Hậu quả là, chiến tranh giữa hai thế lực không thể tránh khỏi và Chiến Tranh Punic lần thứ 2 nổ ra vào năm 219 trước Công Nguyên.

Trong suốt mùa đông cuối năm 219 đầu năm 228 trước Công Nguyên, Hannibal đang ở Cartagena chuẩn bị gây chiến ở Ý. Khi mùa xuân tới, Hannibal hành quân băng qua sông Ebro, và tiến tới Pyrenees. Người La Mã tuyên chiến với Carthage khi nghe tin Hannibal tiến tới Pyrenees. Vượt qua Pyrenees, người Carthage hành quân vượt qua phía Nam xứ Gaul (Pháp ngày nay).

Cùng lúc đó, người La Mã cử một đội quân tiến tới Marsillia (vùng Marseille ngày nay), nhằm chặn đứng bước tiến của người Carthage tới tuyến đường ven biển nước Ý. Tuy nhiên, Hannibal, để tránh đối đầu với người La Mã, đã vượt sông Rhine, và hành quân lên phía Bắc dọc theo bờ sông. Trong khi một phần quân La Mã tiến tới Tây Ban Nha, phần còn lại quay về Ý, ngay khi người La Mã nhận ra ý đồ của Hannibal là vượt Dãy Alps để xâm lược phía Bắc nước Ý.

Vượt qua Dãy Alps, người Carthage đánh bại quân La Mã trong một loạt trận chiến, gây chấn động khắp bán đảo. Mặc dù Hannibal có cơ hội chiếm đóng thành Rome, ông quyết định không làm như vậy. Thay vào đó, sau khi đánh bại quân đội La Mã tại Trận Hồ Trasimene vào năm 217 trước Công Nguyên, Hannibal không hành quân tới thành Rome, một phần vì quân của ông đã quá mệt, hoặc vì ông cảm thấy rằng thành phố quá kiên cố. Hơn nữa, ông hy vọng rằng các đồng minh của thành Rome sẽ đào tẩu, do đó gây ra một cuộc nội chiến.

Khi cuộc chiến đang diễn ra, Hannibal nhận ra rằng đánh bại đội quân được gởi tới bởi thành Rome là chưa đủ, và cần phải nhận viện binh từ Bắc Phi và Tây Ban Nha nếu muốn chinh phục Ý. Vì thế nên Hannibal thay đổi chiến lược, di chuyển quân đội từ miền Trung Ý tới miền Nam, nơi có nhiều cảng biển, bao gồm cảng Tarentum đã bị chiếm đóng. Ngoài ra, Hannibal còn lập liên minh với người Macedonia và người Syracuse.

Tình hình của Hannibal ở Ý ngày càng trở nên bấp bênh khi chiến tranh kéo dài. Theo thời gian, người La Mã đã chiếm lại các thành phố phía Nam của họ, trong khi Syracuse rơi vào tay người La Mã, và Macedonia tham gia vào một cuộc chiến với Liên Minh Aetolia, đồng minh của La Mã. Trong khi đó, người La Mã mở chiến dịch ở Iberia, và cuối cùng giành quyền kiểm soát lãnh thổ từ tay người Carthage vào năm 206 trước Công Nguyên.

Chiến dịch đã diễn ra kể từ khi bắt đầu chiến tranh, và chỉ kết thúc khi người La Mã mở một cuộc tấn công bất ngờ, và chiếm được Carthago Nova (Cartagena), thủ phủ của người Carthage ở Iberia. Vị tướng có công, Publius Cornelius Scipio (sau này được gọi là Scipio Africanus), sau đó được gửi tới Sicily, và từ đó tới Bắc Phi. Người La Mã đã sớm tiến tới Carthage, và những người Carthage tuyệt vọng triệu hồi Hannibal từ Ý quay về để bảo vệ thành phố vào năm 203 trước Công Nguyên.

TRẬN ZAMA — NƠI HAI CHIẾN LƯỢC GIA THI TÀI

Cuối tháng 10 năm 202 trước Công Nguyên, Trận Zama diễn ra giữa quân La Mã, do Scipio chỉ huy và quân Carthage, do Hannibal chỉ huy. Người Carthage lúc này đang gặp bất lợi. Hannibal đã tới trễ, không ngăn được Scipio hội họp với đồng minh người Numidia là Masinissa, điều này còn giúp quân đội La Mã chọn vị trí chiến đấu.

Trước trận đấu, hai tướng quân đồng ý gặp nhau. Có khả năng là Hannibal, nhận thức được điều kiện bất lợi của trận chiến, đã cố gắng thương lượng một hiệp ước, để tránh chiến tranh. Mặt khác, Scipio có thể tò mò muốn gặp Hannibal. Trong mọi trường hợp, Scipio đã từ chối các điều khoản do Hannibal đề xuất, và Trận Zama diễn ra vào ngày hôm sau.

Đội hình dàn quân của người La Mã trong Trận Zama có thể tìm được trong tài liệu của cả hai sử gia Polybius và Livy, “Bộ binh hastati ở tuyến đầu, sau họ là giáo binh principes, và trọng giáp binh ở tuyến sau. Ông không lập đội hình co cụm cohort như thường lệ, mà lập đội hình maniple để tạo khoảng trống cho voi chiến của địch bị lùa qua mà không phá vỡ hàng ngũ. …Kỵ binh Ý ở cánh trái, Masinissa và người Numidia đóng ở cánh phải. Bộ binh hạng nhẹ phóng lao velites…được bố trí ở đầu mỗi làn giữa các tuyến với mục đích chờ thời cơ tới khi voi chiến xung trận và trú mình sau các tuyến nếu bị tấn công, hoặc chạy sang cánh trái và cánh phải để lùa voi chiến vào, sau đó cả hai mặt đều phóng lao để hạ gục con quái vật”.

Về phía bên kia, sử gia Livy mô tả đội hình của Hannibal như sau, “Để tạo ra vẻ đe dọa, Hannibal bố trí đội voi chiến ở tuyến đầu. Ông có tổng cộng 80 con, một con số lớn, mà ông đã sử dụng trước đó. Sau dàn voi chiến là đội hỗ trợ, người Liguria và người Gaul, với sự kết hợp của người Balearic và người Moor. Tuyến hai là người Carthage và người Châu Phi với một đội quân lê dương Macedonia. Hỗ trợ cho tuyến hai là đội quân đánh thuê người Ý của ông, những người đã theo ông từ chiến dịch ở Ý trước đó. Giống như Scipio, Hannibal chắn hai bên sườn bằng đội kỵ binh với người Carthage ở bên phải và người Numidia ở bên trái”.

Khi trận chiến bắt đầu, người La Mã tấn công dàn voi chiến trước, theo sử gia Livy, “Khi từng hồi chiến âm vang lên đe dọa dàn voi chiến khiến chúng quay đầu về phía người Moor và Numidia sau lưng”. Trong khi có một vài voi chiến tấn công vào hàng ngũ quân La Mã, sự sắp xếp của Scipio để chống lại đàn voi đã có hiệu quả.

Cùng lúc đó, kỵ binh La Mã đánh bại người Carthage ở cả hai phía, làm bộ binh Carthage hở hai bên sườn. Bộ binh Carthage cũng dễ dàng bị đánh bại, và thời điểm quyết định đến khi kỵ binh La Mã, vốn đang truy đuổi kỵ binh Carthage đang bỏ chạy, quay trở lại và tấn công bộ binh của đối phương ở phía sau. Người Carthage đã bị đánh tan tác, và người La Mã dành chiến thắng. Theo Polybius, “hơn 1500 người La Mã thiệt mạng, trong khi đó tổn thất của người Carthage lên tới 2 vạn.”

LA MÃ — SIÊU CƯỜNG ĐỘC TÔN Ở ĐỊA TRUNG HẢI

Trận Zama được coi như một trong những trận đánh nổi bật nhất thế giới cổ đại, tác động tới lịch sử của vùng Địa Trung Hải. Trận đánh còn đặt dấu chấm hết cho Chiến Tranh Punic lần thứ 2. Mặc dù một cuộc chiến tranh khác với Vương quốc Carthage sẽ nổ ra sau đó khoảng nửa thế kỷ, nhưng các điều khoản hòa bình do La Mã áp đặt đảm bảo rằng quyền lực của Vương quốc Carthage đã bị phá vỡ.

Bên cạnh việc mất phần lớn lãnh thổ, Vương quốc Carthage còn bị ép phải thiêu hủy công khai 100 chiếc thuyền, và đóng một khoản phí 1 vạn đồng talent trong vòng 50 năm. Vì thế nên với sự sụp đổ của Vương quốc Carthage, La Mã trở thành siêu cường độc tôn ở phía Tây Địa Trung Hải.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s