Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong quan hệ quốc tế của Việt Nam nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ XX (1980 – 1985)

Thoi_bao_cap

Trần Hoàng 

Trong nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Việt Nam rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng, một phần là do chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước đề ra, phần kia là do tình hình cấm vận, cô lập của Mỹ và các nước trên thế giới do sự xuất hiện “vấn đề Campuchia”. Trong khoảng thời gian này, Việt Nam đã tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô để vượt qua tình trạng đó. Quan hệ toàn diện giữa Liên Xô và Việt Nam từ sau hiệp định hai nước được kí kết vào năm 1978 đã có tác động to lớn đối quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn này.

  1. Quan hệ giữa Việt Nam – Liên Xô nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ XX

Việt Nam và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950. Trong những năm 1954 – 1975, do mâu thuẫn Trung – Xô mà Liên Xô có khi ủng hộ Việt Nam có khi là trở cản của Việt Nam. Sau năm 1975, quan hệ giữa hai nước đầy tiến chuyển và là “cái cớ” cho Trung Quốc tấn công Việt Nam vào năm 1979. “Trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, tháng 6-1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV), tháng 11 ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô, có giá trị trong 25 năm. Tháng 5-1979, chính phủ hai nước thỏa thuận cho phép tàu hải quân Liên Xô được ra vào, ghé đậu và máy bay Liên Xô được hạ cánh ở Cam Ranh (thuộc tỉnh Khánh Hòa)”[1].

Bước sang thập niên 80 của thế kỷ XX, quan hệ giữa Liên Xô và Việt Nam còn khá tốt đẹp. Tuy nhiên, do sự khủng hoảng về kinh tế – xã hội cũng như sự điều chỉnh chính sách đối ngoại ở cả hai nước, mà trước hết là Liên Xô, từ giữa thập niên 80 trở đi, mối quan hệ hữu nghị này bắt đầu gặp phải những khó khăn, thử thách.

Sau khi Hiệp ước Việt – Xô có hiệu lực, Liên Xô đẩy mạnh hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, uân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, đào tạo hàng vạn cán bộ, công nhân lành nghề và nhận hơn 10 vạn người lao động Việt Nam sang làm việc ở Liên Xô. Viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam trong các năm 1981 – 1985 tăng gấp đôi so với năm năm trước, giá trị tương đương hơn 4,5 tỷ đôla Mỹ.

Trong báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Đảng ta đã khẳng định “Đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn luôn là hòn đá tảng của chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Vì lợi ích của nhân dân hai nước, từ nay về sau, chung ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên Xô. Chúng ta coi đó là một bảo đảm cho thắng lợi của công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, cũng như cho việc củng cố độc lập dân tộc và vị trí của chủ nghĩa xã hội trên bán đảo Đông Dương; đồng thời đó là một đóng góp tích cực vào việc củng cố và tăng cường hệ thống xã hội chủ nghĩa, tăng cường cuộc đấu tranh vì hòa bình và chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Gắn bó chặt chẽ và hợp tác toàn diện với Liên Xô là nguyên tắc, là chiến lược, đồng thời là tình cảm cách mạng”[2].

Trên lĩnh vực kinh tế, quan hệ Việt – Xô giai đoạn này có quy mô lớn hơn so với giai đoạn trước. Trao đổi hàng hóa tăng nhanh về số lượng. Tính đến năm 1982, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 60 lần so với năm 1958. Từ năm 1981 đến 1985, trao đổi hàng hóa theo hiệp định thương mại đạt 5400 triệu rúp. Liên Xô cung cấp cho Việt Nam những mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống của nhân dânnhư: kim loại, sản phẩm, dầu mỏ, phân bón, máy móc thiết bị và nhiều mặt hàng tiêu dùng. Đổi lại, Việt Nam xuất sang Liên Xô một số khoáng sản, các sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gia công…

Bên cạnh hoạt động trao đổi hàng hóa, hai bên còn mở rộng và phát triển hình thức hợp tác khác. Ngày 19/6/1981, Việt Nam và Liên Xô kí kết hiệp định thành lập xí nghiệp liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam. Tháng 1/1985, hai bên kí hiệp định hợp tác sản xuất rau quả. Trong năm 1985, những xí nghiệp được xây dựng với sự giúp đỡ kĩ thuật của Liên Xô đã sản xuất được 47% tổng số điện năng của cả nước, khai thác 85% sản lượng than đá, 52% sản lượng thiết, 100% axit sunfuaric, 50% xi măng, 37% sản lượng chè và các sản phẩm khác.[3]

Trên lĩnh vực xuất bản, hai nước đã phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm dịch và phổ biến các loại sách thuộc nhiều loại: kinh tế, chính trị, văn học, tự nhiên, xã hội, sách giáo khoa, … Năm 1981, nhà xuất bản Sự thật (Việt Nam) và nhà xuất bản Tiến bộ (Liên Xô) đã hoàn thành việc xuất bản bộ V.I. Lênin toàn tập bằng tiếng việt (gồm 55 tập). Cũng trong thời gian này, Liên Xô và Việt Nam đã cộng tác xuất bản tủ sách văn học Việt Nam gồm 15 tập bằng tiếng Nga, Từ đầu thập niên 80, một hình thức mới đã xuất hiện trong sự giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Năm 1982, nhân kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Mười và 60 năm thành lập Liêng bang Xô-Viết, lần đầu tiên, “Những ngày văn hóa Liên Xô” được tổ chức tại Hà Nội. Trong dịp này, năm đoàn nghệ thuật nổi tiếng của Liên Xô với nhiều loại hình khác nhau đã sang Việt Nam biểu diễn, nghành điện ảnh Việt Nam tổ chức trong cả nước tháng phim Liên Xô. Ngoài ra, còn có năm bộ triển lãm lớn giới thiệu về đất nước, con người và văn hóa Xô-Viết. Tháng 5/1985, “Những ngày văn hóa Việt Nam” được tổ chức tại Moscow. Các đoàn ca múa nhạc Việt Nam, với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như Đặng Thái Sơn, Đinh Thìn, Lê Dung… đã biểu diễn tại Liên Xô. Những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt như tuồng, chèo cũng được trình diễn trên sân khấu Xô-Viết, nhà bảo tàng Moscow tổ chức triển lãm về văn hóa Việt Nam. Có thể nói, sự kiện “những ngày văn hóa” nói trên đã làm cho nhân dân hai nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Đồng thời, nó góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị Việt –Xô và đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.[4]

Trên lĩnh vực khoa học, từ năm 1975 trở đi, hai nước có điều kiện thuận lợi hơn để đẩy mạnh sự hợp tác. Sự kiện Việt Nam tham gia chương trình “Intekosmos”, chuyến bay chung của hai phi công vũ trụ Gorbatco và Phạm Tuân (/1980) đã phản ánh rõ rệt sự tăng cường hợp tác khoa học giữa hai nước Việt-Xô.

Như vậy, với chủ trương ““Đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn luôn là hòn đá tảng của chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”, với sự hợp tác toàn giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, tình hình Việt Nam dần dần thoát khỏi khủng hoảng, “tránh được sự đe dọa từ bên ngoài”. Ngày 27/6/1985, Tổng bí thư Lê Duẩn thăm Liên Xô, Liên Xô quyết định tăng viện trợ kinh tế cho Việt Nam hơn hai lần so với giai đoạn 1981 – 1985, trị giá 8,7 tỷ rúp chuyển đổi. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ đường lối đối nội, đối ngoại của Liên Xô, đồng thời cùng với Liên Xô phối hợp hành động và tích cực đóng góp vào việc củng cố và tăng cường hệ thống xã hội chủ nghĩa.[5]

  1. Quan hệ giữa Việt Nam – Liên Xô trong quan hệ đối ngoại quốc tế của Việt Nam nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ XX

Quan hệ quốc tế của Việt Nam nửa đầu thập niên của thế kỷ XX bị tác động mạnh mẽ bởi “vấn đề Campuchia”. Khi quân tình nguyện Việt Nam vào Campuchia giúp đỡ lực lượng cách mạng nước này, nhất là khi áp sát biên giới Thái Lan (đầu năm 1980), quan hệ quốc tế của Việt Nam bị chi phối sâu sắc “Chỉ có Liên Xô, Lào, Cuba và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ra tuyên bố ủng hộ sự chi viện của Việt Nam nhằm giải phóng Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Trung Quốc, Mỹ và các nước khác lên tiếng về vấn đề “Việt Nam xâm lược Campuchia” và đòi Việt Nam phải rút quân khỏi đất nước này”[6].

Liên quan đến vấn đề này, Việt Nam – Lào – Campuchia đã hình thành cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nghị cấp giữa ba nước nhằm thỏa thuận những biện pháp tăng cường tình đoàn kết, hợp tác với nhau và phói hợp lập trường giải quyết vấn đề Campuchia. Liên Xô ủng hộ việc Việt Nam mang quân vào Campuchia, một phần là do tác động của hiệp ước toàn diện giữa hai nước, một phần do quan hệ giữa Liên Xô vứi các nước trên thế giới. Và quan hệ này đã góp phần làm giảm căng thẳng quan hệ quốc tế của Việt Nam. Nói cách khác, quan hệ Việt Nam – Liên Xô tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế của Việt Nam trong nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ XX.

Đối với ASEAN, Việt Nam và Đông Dương mong muốn giải quyết “vấn đề Campuchia” với các nước này. Khi quân tình nguyện Việt Nam cùng với Mặt trận Đoàn Kết Dân tộc Cứu nước Campuchia giải phóng Phnôm Pênh, các nước ASEAN lo ngại chiến tranh có thể lan rộng sang Thái Lan và có thể kéo họ vào cuộc xung đột khu vực. Từ năm 1979, ASEAN ra tuyên bố lên án Việt Nam xâm lược Campuchia. Và những năm sau đó, ASEAN đã ra Liên Quốc các dự thảo Nghị quyết về vấn đề Campuchia, kêu gọi giữ ghế Campuchia Dân chủ tại Liên Hợp quốc. Và dưới sự vận động này, hàng năm Liên Hợp Quốc dã ra nghị quyết đòi rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi Campuchia và khôi phục quyefn tự quyết của nhân dân Campuchia. Tức các nước này mong muốn có sự ảnh hưởng của các nước lớn vào khu vực. Còn phía Việt Nam mong muốn giải quyết với ASEAN nhằm xây dựng một khu vực hòa bình và phát triển.

Đối với Liên Xô, khu vực Đông Nam Á mang nhiều lợi ích. Song do chịu ảnh hưởng sâu sắc của chiến tranh lạnh, Liên Xô phát triển quan hê đồng minh chiến lược toàn diện với Việt Nam và các nước Đông Dương. Do vậy, mặc dù Liên Xô đã lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Myanma, Indonesia, nhưng quan hệ kinh tế giữa hai bên tiến triển rất chậm chạp. “Sau sự ra đời của ASEAN (1967), và đặc biệt sau thắng lợi của các nước Đông Dương trong chiến tranh chống Mỹ, Liên Xô điều chỉnh chính sách đối vứi các nước ASEAN”. “Trong thập niên 80, quan hệ chính trị – ngoại giao giữa Liên Xô với các nước ASEAN được cải thiện đáng kể, nhưng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên lại không đạt được những bước phát triển tương xứng”[7].

Liên Xô tuy ủng hộ hành động của Việt Nam mang quân vào giúp đỡ Campuchia lật đổ chính quyền diệt chủng Pon Pot, song ngại va chạm với Trung Quốc và ASEAN. “Liên Xô đang tính hòa hoãn với Trung Quốc và điều kiện quan trọng mà Trung Quốc đòi Liên Xô nhượng bộ là chấm dứt sự ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Campuchia”[8]. Năm 1982, tại các cuộc đàm phán giữa Liên Xô và Trung Quốc, ở cấp thứ trưởng ngoại giao nhằm bình thường hóa quan hệ Xô – Trung. Trung Quốc nêu vấn đề quân đội Việt Nam ở Campuchia.  Và cũng tại diễn đàn này, trong các năm 1983 – 1984, Trung Quốc luôn nêu ba trở ngại: quân Liên Xô ở biên giới Xô – Trung, quân Liên Xô ở Ápganixtan và việc Liên Xô tiếp tục ủng hộ quân đội Việt Nam tại Campuchia, và nhấn mạnh trở ngại thứ ba là quan trọng nhất. Việt Nam cũng đã thông báo cho Liên Xô về lập trường của Việt Nam và luôn đề nghị đàm phán trực tiếp với Trung Quốc.[9]

Trung Quốc vì những lợi ích của họ nên đã tìm cách lôi kéo các nước chống lại Việt Nam và Liên Xô với cái gọi là mặt trận chống bá quyền. “Báo chí Trung Quốc phát động rất sớm chiến dịch kêu gọi Mĩ, Nhật và các nước phương Tây và ASEAN lập Mặt trận quốc tế chống bá quyề, tức chống Liên Xô và Việt Nam. Trung Quốc ra sức giúp dỡ tàn quân của Khmer Đỏ dưới danh nghĩa “Chính phủ Campuchia dân chủ” chống Việt Nam. Thái Lan cung cấp “đất Thánh” để Khmer đỏ nhận viện trợ vũ khí, đạn dược từ bên ngoài”[10].

Quan hệ Mĩ – Xô trong nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ XX sau khi Liên Xô đưa quân vào Ápganixtan (tháng 12/1979). Mĩ đề ra chính sách cứng rắn chạy đua vũ trang nhằm lấy lại vị trí đứng đầu về quân sự của Mỹ trên trường quốc tế. Trong khoảng năm 1980 – 1986 ngăn sách quân sự tăng đến 50%, tên lửa tầm trung được đặt ở Tây Đức, Bỉ, Hà Lan và một vài nước khác xung quanh Liên Xô. Đồng thời, Mĩ cũng đề ra kế hoạch “sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI) với chi phí 26 tỷ USD trong 5 năm. Cùng thời gian này, Mĩ tiến hành các chiến dịch chống phong trào cách mạng ở Grênađa, Panama, Libi và cung cấp vũ khi cho lực lượng đối lập ở Ápganixtan. Để đói phó lại, Liên Xô cũng tăng ngân sách quốc phòng chiếm tới 25% GDP, đặt tên lửa tầm trung ở các nước Đông Âu và phần Trung Á thuộc Liên Xô. Nhưng tình trạng đối đầu, chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mĩ đã đem lại nhiều bất lợi cho chính hai siêu cường đó.[11]

Trước tình hình căng thẳng ở Đông Nam Á, Mỹ tuyên bố hủy bỏ cuộc đàm phán với Việt Nam dự định vào tháng 2/1978 và đẩy mạnh chính sách bao vây cấm vận đối với Việt Nam. “Hoa Kỳ nêu điều kiện chỉ khi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia và thống kê đầy đủ vấn đề POW (giải quyết vấn đề tù binh), MIA (người Mỹ mất tích trong chiến tranh), Hoa Kỳ mới tiếp tục bàn vấn đề bình thường hóa quan hệ”[12]. Do vậy, quan hệ giữa hai nước căng thẳng trong suốt những năm 1980. Mĩ không ủng hộ bất kì chính quyền nào ở Campuchia được “hậu thuẫn” bởi Việt Nam và Trung Quốc “mà chỉ muốn thông qu vai trò ASEAN để tiến tới đối thoại nhằm gạt ảnh hưởng của Việt Nam và Trung Quốc”[13].

Mỹ và các nước phương tây phản đối hành động của Việt Nam, họ mong muốn mở một hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Campuchia. Ngoại trưởng Mĩ đều nêu lên vấn đề này vào tháng 6/1981. Do vậy, trong thời điểm gay gắt nhất, ASEAN và các nước phương Tây vẫn duy trì đối thoại với Việt Nam đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và họ cũng lên án chế độ Pon Pot. Các nước ASEAN bị lôi cuốn vào cuộc bao vây, cấm vận do Mỹ khởi xướng, được Mỹ viện trợ, nhất là cho Thái Lan, đất nước được coi như “tền tuyến” chống lại sự xâm nhập của “cộng sản Việt Nam”. Trung Quốc còn tuyên bố không ủng hộ các lực lượng cộng sản ở Đông Nam Á để lôi kéo các nước này[14].

Việc Mỹ thi hành chính sách bao vây, cấm vận Việt Nam buộc hầu hết các nước phương Tây và nhiều nước khác phải tuân theo, tài khoản Việt Nam ở ngân hàng ở nước ngoài bị đóng băng, quan hệ thương mại bị ngưng trệ trên phạm vi rộng lớn khiến cho kinh tế Việt Nam vốn chưa hồi phục sau chiến tranh càng trở nên hết sức khó khăn.

Như vậy, trong tình thế bị bao vây, cấm vận như vậy, quan hệ thân thiện giữa Việt Nam và Liên Xô đã góp phần nào cho tình hình đất nước trở nên ổn định. Trên phương diện quốc tế, thời kì này đang trong thế căng thẳng do quan hẹ giữa các nước lớn, vấn đề Campuchia cho nên quan hệ quốc tế của Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trở ngại. Nhận thức được “vấn đề Campuchia” là chìa khóa để giải quyết mối quan hệ quốc tế, Việt Nam đã từng bước rút quân từ năm 1982. Quan hệ quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn này bị chi phối mạnh mẽ bởi vấn đề Campuchia và tranh thủ sự ủng hộ và trợ giúp của Liên Xô đã giúp cho Việt Nam xây dựng đất nước và làm tròn nghĩa vụ quốc tế trong giai đoạn bị cấm vận, cô lập do chính sách của Mỹ “khởi xướng”, Trung Quốc “kêu gọi”.

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện đảng toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Vũ Dương Ninh (2014), Quan hệ đối ngoại Việt Nam (1940 – 2010), NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Nguyễn Đình Bin (chủ biên, 2015), Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thanh Tiến (2008), “Vài nét về Quan hệ Việt Nam – Liên Xô từ năm 1975 đến năm 1990”, Tạp chí Khoa học ĐHSP Hà Nội, số 13.
  5. Nguyễn Quang Thuần (chủ biên, 1999), Liên Bang Nga quan hệ kinh tế đối ngoại trong những năm cải cách thị trường, NXB. Khọc xã hội, Hà Nội.
  6. Trần Nam Tiến (chủ biên), Lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.350.

 

Chú thích:

[1] GS. Vũ Dương Ninh (2014), Quan hệ đối ngoại Việt Nam (1940 – 2010), NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.272.

[2] Đảng cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện đảng toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.43, tr.142.

[3] Nguyễn Thanh Tiến (2008), “Vài nét về Quan hệ Việt Nam – Liên Xô từ năm 1975 đến năm 1990”, Tạp chí Khoa học ĐHSP Hà Nội, số 13, tr.15-16

[4] Nguyễn Thanh Tiến, sđd, tr.17.

[5] Nguyễn Đình Bin (chủ biên, 2015), Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.297-298.

[6] GS. Vũ Dương Nin, sđd, tr.279.

[7] PTS. Nguyễn Quang Thuần (chủ biên, 1999, Liên Bang Nga quan hệ kinh tế đối ngoại trong những năm cải cách thị trường, NXB. Khọc xã hội, Hà Nội, tr.223.

[8] Trần Nam Tiến (chủ biên, 2008),  Lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại, NXB. Giáo dục, Hà Nội, tr.350.

[9] Nguyễn Đình Bin (chủ biên), sđd, tr.312 – 313.

[10] Trần Nam Tiến (chủ biên), sđd, tr.349.

[11] GS. Vũ Dương Ninh, sđd, tr.262-263.

[12] Vũ Dương Ninh, sđd , tr.254.

[13] Trần Nam Tiến (chủ biên), sđd, tr.349.

[14] GS. Vũ Dương Ninh, sđd, tr.280.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s