Triệu Phong
Angkor Wat
Trong khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 13, một loạt các vị vua Khmer thuộc triều đại Angkor nhờ vào của cải sung túc và nhân lực dồi dào đã cho xây dựng hàng loạt những kiến trúc đồ sộ để vinh danh chính mình lẫn cho cả kinh đô, trong đó đa số được xây ở quanh vùng Siem Reap, gần Biển Hồ ở phía bắc đất nước Kampuchia ngày nay.
Ba ngôi đền rực rỡ nhất ở Angkor là Bayon, Ta Prohm, và Angkor Wat.
Angkor Wat là một siêu tuyệt tác của nền nghệ thuật Khmer. Được xây dựng vào tiền bán thế thứ mười hai bởi vua Suryavarman II để vinh danh thần Vishnu (cũng được xem như là chính ông ta, một vua thần. Có thuyết cho là để làm lăng tẩm cho chính ông), cùng thời với Notre Dame de Paris và thánh đường Chartres của Pháp, cũng như các giáo đường Ely và Lincoln ở Anh. Nhưng so với chúng, Angkor Wat bề thế và hoành tráng hơn nhiều. Thật vậy nó được xem như là kiến trúc tôn giáo vĩ đại nhất của nhân loại từ xưa đến giờ.
Muốn cảm nhận được sự đồ sộ của nó không gì bằng nhìn xuống từ trên không. Lượn vòng quanh trên nó bằng máy bay, người ta nhìn thấy giữa khu rừng già rậm rạp một khoảng mênh mông với những đền đài chồng chất lên nhau và tỏa ra các hướng, một hào nước rộng lớn bao bọc chung quanh. Dẫn vào cổng chính là một lối đi rộng rải bằng đá chạy xuyên qua hào, dọc hai bên là tượng của các thần linh và tượng các quỉ vương đang ôm kéo thần rắn Naga 9 đầu. Trước kia có đến 54 tượng mỗi bên, nhưng nay đã mất đi gần hết. Con số 108 từ tổng số tượng hai bên là số thiêng của Ấn giáo. Một hành lang có mái che chạy dọc theo bốn phía hào, vây lấy khu đền, với lối vào là một tháp đền nằm vươn cao trên dãy hành lang, nhìn ra lối đi bằng đá. Phía trong là khu sân ngoài rộng lớn rồi tiếp nối bằng dãy hành lang nhỏ hơn bao bọc khu đền chính bên trong.
Tàm cỡ của khu đền Angkor Wat thật kinh hồn. Các hào nước rộng 190 mét bao quanh bên ngoài tạo nên một hình vuông vức mà mỗi cạnh dài một cây số rưởi.
Những sân trống bên trong các dãy hành lang rộng đến nỗi có thể chứa được hằng ngàn người. Ngay đến lớp tường tạo nên dãy hành lang phía trong có chu vi dài hơn nửa dặm và khối đá xây tường có kích cỡ đồ sộ không những theo chiều dài và rộng mà còn cả theo chiều cao nữa.
Khu đền chính được xây theo hình kim tự tháp, tượng trưng cho núi Meru: trung tâm vũ trụ, gồm ba nền đá xây chồng lên nhau tượng trưng cho đất, núi và gió, ở nền trên cùng là khu đền trung tâm gồm năm khối tháp mà tháp đền cao nhất nằm chính giữa cao đến 65 m, có bảy vòng tượng trưng cho bảy rặng của núi thiêng Meru, vươn lên nỗi bật giữa khu rừng già bát ngàn chung quanh. Mỗi tháp có hình dáng như một búp sen đang nở rộ. Hình ảnh này làm Henri Mouhot, người Pháp đầu tiên phát kiến đền Angkor vào năm 1858, phải nín thở trầm trồ khi bất chợt nhìn thấy ngôi đền qua kẻ lá của khu rừng già.

Du khách đến viếng quần thể Angkor lên đến hằng triệu mỗi năm khiến Cam Bốt phải chọn giữa bảo tồn di tích hay thu lợi nhuận từ khách du lịch. (Prim Sanji)
May mắn thay, Angkor Wat không những là khu đền đẹp nhất trong quần thể đền Angkor mà còn là khu đền còn trong tình trạng tốt hơn cả. Được xây dựng với sức chịu bền bỉ và lâu dài, trái với khu đền Banteai Srei nhỏ nhắn với đường nét thanh tú đầy nữ tính, Angkor Wat to lớn, rực rỡ, với kiến trúc đầy nam tính. Angkor Wat là một công trình được xây dựng ở thời kỳ cực thịnh của nền kiến trúc Khmer do bàn tay của một dân tộc được trời ban cho cái thiên tài về ngành này.
Kho tàng vĩ đại nhất của ngôi đền còn là những điêu khắc tạc trên tường của dãy hành lang ở tầng thấp nhất. Với bề cao hơn hai mét rưỡi và chạy dài liên tục hơn 800 mét trông như một tấm thảm dệt trên đá, chủ đề vây quanh những tích trong kinh điển Bà La Môn, những chiến công của vua Suryavarman đệ nhị, người tạo lập ngôi đền này. Nhờ được che chở bởi mái hành lang còn nguyên vẹn, những đường nét điêu khắc đầy nghệ thuật vẫn còn giữ được tươi mới. Rải rác khắp nơi còn những bức phù điêu, bức hoành, tượng hình những quỉ vương, những chú khỉ đu đưa trên các cành cây đầy hoa, trận chiến của thần Sita… Nỗi bật hơn cả là hằng trăm hình tượng của các quỉ thần devatas và các nàng thiên thần apsaras được chạm khắc ở các hốc tường.
Angkor Wat được xây dựng bởi Suryavarman II (1130-1150), một trong hai vị vua có quyền uy vĩ đại nhất trong lịch sử Khmer. Vị vua kia là Jayavarman VII, người đã xây dựng đền Bayon thuộc khu Angkor Thom.
Suryavarman II từ Java trở về mang lại thanh bình và thống nhất cho đất nước Kampuchia, ông nhiều lần đem quân đi đánh chiếm Chiêm Thành và biến một phần xứ này thành một tỉnh của Kampuchia. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, quân của vua này cùng quân Chiêm đã từng kéo sang đánh phá Đại Việt ở vùng Nghệ An thời Lý Thần Tông nhưng không thành công. Nước Kampuchia thời đó được mở rộng từ phía bắc nước Lào cho đến bán đảo Mã Lai Á, từ Vijaya (Bình Định ngày nay) đến Miến Điện. Thời của vua Suryavarman Đệ Nhị đánh dấu một thời kỳ rực rỡ hùng mạnh và nhiều ảnh hưởng so với các triều Angkor khác. Khi ông này mất, loạn lạc dấy lên ở các tỉnh. Bất đồng giữa các ông hoàng có khuynh hướng liên minh hoặc chống lại Chiêm Thành. Năm 1165 ngai vàng bị kẻ tiếm ngôi tên Tribhuvanadityavarman đoạt mất nhưng 12 năm sau ông này bị giết đi khi quân Khmer phối hợp với quân Chiêm tấn công bất ngờ qua ngã Biển Hồ và chiếm lấy Angkor. Biến cố này đúng ra đánh dấu ngày tàn của đô thị Angkor nếu không có sự trở về của một vị thái tử, kẻ mà sau này lên ngôi lấy danh hiệu là Jayavarman VII. Sau 4 năm chiến đấu, ông đẩy được quân Chiêm Thành ra khỏi đất nước mình và lên trị vì vào năm 1181 như là một vị vua vĩ đại cuối cùng của triều Angkor. Cần nhắc lại rằng ông là người xây dựng khu đền Angkor Thom với đền trung tâm Bayon nỗi tiếng, ngoài ra còn có các đền Ta Prohm (Hollywood lấy ngoại cảnh cho phim Tomb Raider do nữ tài tử Angelina Jolie đóng), Bateay Kdei và Preah Khan.
Angkor ngày nay còn lại với trên dưới 100 khu đền nằm rải trên một diện tích chừng 300 cây số vuông, vốn chỉ là một phần của những gì vĩ đại hơn như cung điện, lâu các, đền đài của hoàng gia cũng như của dân chúng. Vì được xây dựng bằng gỗ (chỉ thần linh mới được cư ngụ trong những kiến trúc bằng gạch hoặc bằng đá) nên đã bị cây rừng và mưa gió hủy hoại sau hằng thế kỷ kể từ khi kinh đô Angkor bị bỏ phế. Đời sống sinh hoạt của cư dân thời ấy không được biết đến nhiều ngoài 1200 hình chạm khắc được tìm thấy trong vùng miêu tả nếp sinh hoạt của họ, cũng như hệ thống dẫn thủy nhập điền vĩ đại còn tồn tại ngày nay cho thấy một nền văn minh cao tuyệt chừng nào thời bấy giờ.
Để cảm nhận được sức huyền bí quyến rũ của Angkor Wat, du khách được khuyên đừng bỏ sót thời gian lúc hoàng hôn. Lúc ấy khu đền với các tháp đá có màu vàng đỏ. Du khách cũng có thể thấy được từng đàn dơi từ trong đền bay ra như những làn khói tuôn ra trong ánh sáng mờ nhạt của buổi xế chiều. Sau khi viếng thăm ai lại không bùi ngùi trước vẻ diễm lệ của Angkor Wat, một nền văn minh bị lãng quên từ hằng bao thế kỷ.
Angkor Thom và Đền Bayon
Vào một thời kỳ khi mà hầu hết toàn thể lục địa Âu Châu đang ngụp lặn trong kỷ nguyên u tối của thời Trung Cổ thì nơi miền Đông Nam Á xa xôi, các tay thợ kiến trúc, xây dựng và điêu khắc đang xây cất những đền đài mà tầm vóc của chúng có thể sánh với những công trình của nhân loại ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đáng kể nhất là những đền Borobudur, Prambanan ở Java, khu thánh địa vùng Pagan, Miến Điện, và quần thể những đền thiêng ở Cambodia. Tiếp theo bài kỳ trước, chúng ta hãy cùng viếng kinh đô cổ xưa Angkor Thom với khu đền trung tâm Bayon huyền bí.
Angkor Thom có nghĩa là Thành Phố Lớn là thành phố kinh đô lâu dài nhất và cũng là cuối cùng của vương quốc Khmer được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 12.
Sau khi vua Suryavarman II là người xây dựng Angkor Wat băng hà vào khoảng năm 1150, Kampuchia rơi vào tình trạng rối ren vô chính phủ. Quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công và cuối cùng cưỡng chiếm Angkor Wat. Jayavarman VII lúc sinh thời vốn là một người thích sống ẩn dật, chọn lối sống thanh bần, ông thờ ơ với mọi biến động trong đời sống. Đến 50 tuổi, thấy đất nước quá tang thương vì loạn lạc và bị ngoại xâm dày xéo, ông thấy không còn con đường nào khác hơn là theo con đường kiếm cung mới mong cứu được đất nước qua cơn nguy khốn. Năm 1181, ông dấy binh khởi nghĩa, sau ròng rã bốn năm chiến đấu, ông đánh đuổi được Chiêm Thành ra khỏi đất nước mình, khôi phục lại thanh bình và xây dựng nên một đất nước hùng mạnh.

Lối vào cổng Nam thành Angkor Thom, cầu đá dẫn vào cổng phía trước với tượng các thần và quỉ vương đang lôi kéo thần rắn Naga. (Wikipedia)
Kinh thành Angkor Thom chiếm một diện tích xấp xỉ 10 cây số vuông mà thời cao điểm của nó dân số lên đến một triệu người trong khi ở Luân Đôn thời ấy chỉ có năm mươi ngàn dân. Bên trong Angkor Thom là những kiến trúc có từ thời các vua trước cùng với những khu đền xây dưới thời vua Jayavarman VII, cộng với những gì được xây dựng tiếp vào các đời sau. Chính ngay ở Angkor Thom vua Jayavarman cho xây dựng các công trình ồ ạt đên nỗi về sau người ta tìm thấy một phiến đá ghi khắc lại Jayavarman như là chú rể mà thành phố chính là cô dâu. Ba thế kỷ trước, đây là kinh đô dưới thời vua Yasodharapura, trung tâm nằm hơi chệch về hướng tây bắc, kinh đô Angkor Thom nằm chồng lên một phần của kinh đô cũ đó. Những khu đền đáng chú ý có từ trước gồm các đền Baphuon, khu cung điện Phimeanakas của vua Suryavarman I, Sân voi, và Sân tượng vua “cùi” được sát nhập vào khu vực hoàng cung. Ngôi đền sau cùng được biết đã xây thêm trong khu vực Angkor Thom là Mangalartha vào năm 1295. Về sau các công trình sẳn có được thêm thắt ít nhiều nhưng không tồn tại lâu vì được dùng những vật liệu không có độ bền cao. Angkor Thom vẫn tiếp tục được chọn làm kinh đô nhưng tàn lụi dần mãi đến khi bị bỏ hoang phế.
Thành Angkor Thom cao 8 mét, vuông vức bốn cạnh mà mỗi cạnh dài 3 cây số, che chở một kinh đô rộng gần 10 cây số vuông. Bên ngoài bao bọc bằng một hệ thống hào rộng chừng 100 mét mà theo truyền khẩu thời ấy chứa đầy loài sấu hung dữ. Hào vừa được dùng đề bảo vệ thành vừa làm hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho dân chúng. Thành làm bằng đá ong ở hai mặt, giữa phủ đầy đất. Ở giữa bốn mặt thành nhìn ra các hướng đông, tây, nam, bắc có cổng thành với tháp đền cao 23 mét nằm bên trên, được tạc hình bốn khuôn mặt trông ra bốn hướng. Ngoài ra, 500 mét về phía bắc cổng phía đông một cổng khác được xây thêm và có tên là Cổng Chiến Thắng, con đường đi vào cổng này chạy song song với đường vào cổng phía đông, đi vào công trường Chiến Thắng và hoàng cung, lệch về phía bắc của khu đền Bayon. Lối vào các cổng thành là một cầu đá chạy qua hào nước, hai bên có hình tượng các quỉ thần đang ôm kéo rằn thần Naga mà bên trái là 54 thần devas và bên phải là 54 quỉ asuras như thường thấy ở Angkor Wat và một số đền khác. Đây có lẽ là hình ảnh tiêu biểu cho truyền thuyết Khuấy Động Biển Sữa để tìm thuốc trường sinh, một truyền tích thấy đầy dẫy trên những tranh chạm khắc trong các đền ở Angkor. Đây được xem như là nơi chuyển tiếp giữa thế giới người với thế giới quỉ thần. Cổng phía nam tấp nập nhiều du khách nhất vì nơi đây đã được phục chế gần hoàn toàn và các tượng tương đối ít mất đầu. Hơn nữa đây là đường chính gần nhất nối thẳng từ Angkor Wat đến Angkor Thom.
Henri Mouhot khi mới đến đây vào khoảng năm 1858, từ tường thành vào trong là rừng già rậm rạp, dây leo, cây cao khắp nơi không thể nào biết được có sự hiện diện của thành phố và đền thiêng. Khó khăn lắm ông mới khám phá được khu đền Bayon mãi xa tít tận bên trong, ở đó lần đầu tiên ông nhìn thấy những tháp với những khuôn mặt với nụ cười bí hiểm.
*******************
Khu đền Bayon nằm ở trung tâm Angkor Thom, cách cổng thành khoảng 1 cây sô rưỡi. Bayon là khu đền súc tích với những trang trí chạm khắc bằng đá đẹp đẽ. Được xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ thứ 12 và đầu thế kỷ thứ 13 như là đền chính thức của vua Jayavarman VII, tin theo Phật giáo đại thừa khác với tín ngưỡng Ân Giáo như các vua trước nhưng vẫn theo truyền thống vua thần (devaraja). Vua Jayavarman VII cải giáo sang đại thừa vì các vua đời trước nối nghiệp vua Suryavarman II theo Ấn Giáo, người xây dựng Angkor Wat đã để quân Chiêm đánh bại. Sau khi Jayavarman VII chết, những vua nối tiếp với tín ngưỡng khác nhau như Ấn Giáo, Phật Giáo Nguyên Thủy, đã xây thêm cho ngôi đền dựa theo tín ngưỡng của mình.

Đền Bayon nằm trong thành Angkor Thom thời hoàng kim, vào thế kỷ 12, qua nét vẽ của một họa sĩ vào năm 1899. (Wikipedia)
Cấu trúc của Bayon gồm ba tầng mà cả ba tầng đều đổ nát nhiều, gạch đá nằm ngổn ngang khắp nơi. Hai tầng dưới bố trí theo hình vuông, tô điểm bằng những phù điêu trên tường. Tầng ba được sắp xếp theo hình tròn với nhiều tháp mà các mặt đá có hình khuôn mặt. Dãy hành lang ở tầng dưới là một kho tàng nghệ thuật với 11 ngàn bức phù điêu chạm khắc trên tường đá chạy dài 1200 mét, một tổng hợp liên quan đến lịch sử lẫn các truyền thuyết, miêu tả cảnh diễn hành của vua và hoàng gia, những trận đánh của vua Jayavarman với Chiêm Thành bằng cả thủy lẫn bộ chiến, ngoài ra còn miêu tả đời sống văn hóa, xã hội của một nền văn minh đã bị lãng quên từ bao thế kỷ. Nhiều khoảng tường công trình vẫn còn dở dang, chỉ còn để lại nét phát họa. Có lẽ bị bỏ dở khi vua Jayavarman qua đời.

Một trong mười một ngàn bức phù điêu chạm khắc trên tường đá chạy dài 1200 mét, miêu tả cảnh một sản phụ đang được giúp đỡ khi lâm bồn. (Hình: Colnav Nguyen)
Hình ảnh nổi bật nhất của Bayon vẫn là những ngọn tháp cao vút ở trung tâm bằng đá tảng, chạm khắc thành 2, 3 và chung chung là 4 khuôn mặt nhìn bốn hướng. Những khuôn mặt có nụ cười bí ẩn như nụ cười của nàng Mona Lisa trong bức danh họa La Joconde của Leonardo Da Vinci. Kiến trúc của Bayon được xem như có phong cách của trường phái baroque, trong khi Angkor thuộc phái cổ điển.
Sự tương đồng của vô số khuôn mặt khổng lồ ở trên các tháp của đền Bayon với các bức tượng khác của vua Jayavarman VII khiến nhiều học giả đi đến kết luận đây chính là khuôn mặt của nhà vua. Người khác thì cho là của Quán Âm Bồ Tát (Avalokitesvara hay Lokesvara). Nhà học giả chuyên về Angkor học Mr. Coedes thì lý luận rằng vua Jayavarman theo truyền thống của các vua Khmer tự cho mình là vua thần (devaraja), khác với các vua trước theo Ấn Giáo tự cho mình là hình ảnh của thần Shiva, trong khi Jayavarman là một phật tử nên cho hình ảnh Phật, và Bồ Tát là chính mình. Có tất cả 37 tháp đền đá tạc hình nhiều khuôn mặt nhìn xuống và nhìn đi bốn hướng như thể quan sát chúng sanh và che chở cho đất nước.
Bên trong đền có hai dãy hành lang đồng tâm ở tầng dưới, và một dãy ở tầng trên. Tất cả nằm dồn lại với nhau trong một không gian hạn hẹp bề 140 m và bề 160 m, trong khi phần chính của ngôi đền nằm ở tầng trên lại còn hẹp hơn với kích thước 70 m x 80 m; khác với Angkor Wat, người ta phải trầm trồ với qui mô to lớn và thoáng rộng của nó. Ta có thể ví von sự xây dựng Bayon trong một không gian chật hẹp như xây một giáo đường lớn trên vị trí của một nhà thờ làng. Từ xa nhìn vào Bayon rải dài theo chiều ngang như một đống đá lổn chổn muốn vươn lên trời cao. Kết cấu của nó là một mớ bòng bong lộn xộn nhưng khi đã đặt chân lên tầng trên người ta bỗng thấy trầm lắng lại. Cảm thấy nhỏ bé trước vẻ uy nghi của những khuôn mặt khổng lồ tạc trên đá, người ta không còn quan tâm đến cái tổng thể hay cái mớ hỗn mang của đồ án nữa. Bâng khuâng giữa hàng chục tháp đền với vô số khuôn mặt với nụ cười bí hiểm được hình thành vượt khỏi tỷ lệ thông thường, xa vời với mọi qui ước của kiến trúc, người ta chỉ chú ý đến vẻ mặt của từng khuôn mặt. Dần dần cái mớ bòng bong vô trật tự ấy lại trở thành rất trật tự, người ta thấy nơi cái vô số tháp đền đó như tổng hợp của nhiều phân tử gom lại ở trung tâm dưới hình thức một bó. Cái cấu trúc của khu đền không còn là vấn đề nữa mà chính biểu tượng của nó mới đáng kể.

Một trong bốn khuôn mặt nhìn bốn hướng với nụ cười thần bí tạc trên tháp trung tâm. Đây là tượng được nhiều du khách đứng cạnh để chụp hình nhất vì người ta tin sẽ được mang lại nhiều may mắn. (Hình : Colnav Nguyen)
Các tháp có kích cỡ cao thấp khác nhau, có tháp thật thấp khiến khuôn mặt như nhìn thắng vào mắt của du khách. Đi theo những lối đi quanh co, người ta có cảm giác như đi lạc vào một mê trận. Bất cứ rẽ vào lối nào du khách cũng trực diện với những đôi mắt đang chăm chú nhìn mình. Người ta hẳn đều phải tán đồng với Pierre Lôti qua lời nhận xét của ông: “Máu tôi như đông lại…Tôi thấy như mình bị quan sát từ mọi phía.”
Henri Parmentier, người đã dành hầu hết cuộc đời trưởng thành của mình cho việc tái xây dựng một Angkor điêu tàn, đã gọi đền Bayon là “hết sức ấn tượng và lãng mạn. Du khách thường bị ám ảnh bởi những cảm xúc ghê rợn.”
Henri Marshall, người quản thủ khu Angkor, đã viết trong cuốn Cẩm Nang Khảo Cổ Về Các Đền ở Angkor của mình như sau: “Đặc biệt vào những đêm trăng, người ta có cảm tưởng như đang viếng một ngôi đền thuộc một thế giới khác…Người ta có cảm giác như mình đang sống trở lại với một thời đại của những chuyện thần tiên, lúc mà thần Indra xây dựng một đền thờ dành cho đám cưới của con trai mình lấy con gái của vua rắn Nagas nhiều đầu.”
Trong số hằng trăm ngôi đền nơi quần thể Angkor, Bayon khiến cho các nhà khảo cổ thắc mắc nhiều nhât. Bayon hiện vẫn bao trùm nhiều bí ẩn mà lời giải đáp vẫn đang còn được tranh cãi: nó được xây với biểu tượng gì, để thờ ai? Có lẽ thích hợp với lời giải thích nhất vẫn là khuôn mặt với nụ cười hết sức bí ẩn nằm ở tháp trung tâm. Một số dân Khmer cho rằng Bayon được xây dựng vào thời vương quốc này được chia thành 54 tỉnh, những đôi mắt của những bức tượng này nhìn về phía muôn dân trong các tỉnh đó để cứu độ (dưới hình ảnh bồ tát Quán Âm), để che chở (dưới hình ảnh bồ tát Quán Âm), để che chở (dưới hình ảnh của vua Jayavarman).
Thoạt đầu vào năm 1929, Robert J. Casey trong cuốn sách về Angkor nhan đề In Fact cho rằng những khuôn mặt đá là những khuôn mặt của thần Siva thuộc Ấn giáo. Thế rồi trong thập niên 1930, các nhà khảo cổ thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ khám phá ra rằng cái mô-típ ấy thuộc bên Phật giáo đại thừa mà những hình ảnh bốn mặt đó là của Bồ Tát Quán Thế Âm (Bodhisattva Avalokitesvara). Họ lý luận rằng theo tông phái đại thừa, bồ tát là người đã hoàn toàn giác ngộ để thành Phật. Thay vì nhập niết bàn (nirvana), họ chọn ở lại trần gian để cứu độ những kẻ đang bị trầm luân trong khổ ải. Qua nụ cười bí ẩn của các khuôn mặt, vị bồ tát mà dân Kampuchia gọi là Lokesvara đang tỏ lòng thương cảm trước nỗi đau của chúng sinh. Đồng thời có thuyết cho rằng vua Jayavarman VII tự cho mình hiển thị qua hình ảnh của Lokesvara, một vị Phật sống qua vai trò của một vị vua thần.
Nhìn ngược về lịch sử, chiến thắng bất ngờ của vua Jayavarman VII dành lại độc lập cho xứ sở từ quân Chiêm đã chiếm được trái tim của mọi con dân Khmer. Sau khi đánh bại quân Chiêm, ông thừa thắng thôn tính luôn nước Chiêm Thành và mở rộng lãnh thổ trải dài khắp vùng Đông Nam Á. Những tháp với bốn khuôn mặt nhìn ra bốn hướng có lẽ để làm e dè những kẻ đến chiêm bái ở đền Bayon. Nhìn đâu họ cũng thấy những đôi mắt của vị vua thần đang chằm chằm nhìn họ. Đồng thời những kẻ sùng bái thần phục lòng thương yêu của vị vua dành cho họ qua những hình ảnh trên những bức phù điêu mô tả đời sống thường nhật của dân chúng. Ngoài ra còn những bức miêu tả công lao đánh đuổi ngoại xâm Chiêm Thành nhắc nhở với thần dân rằng họ mang ơn vô vàn đối với vị vua thần đầy nhân ái, kẻ đã xả thân lưu lại trần gian vì lợi ích của muôn dân. Jayavarman còn có công xây dựng vô số bệnh viện khắp đất nước Kampuchia. Một bản bia đá tìm được có trích dẫn rằng “ngài cảm nhận được nỗi khổ của tha nhân hơn của chính mình bởi nỗi khổ của kẻ khác tức là nỗi khổ của ngài, sự đau khổ của thần dân còn lớn hơn nỗi khổ của chính ngài nữa.”
Angkor Bị Lãng Quên Như Thế Nào?
Qua hai bài kỳ trước của loạt bài Quần Thể Khu Đền Angkor, chúng ta có dịp đi thăm và làm quen với một số đền của quần thể Angkor này như Angkor Wat và Angkor Thom với ngôi đền kỳ bí Bayon. Chúng ta tưởng cũng nên dừng bước nghỉ ngơi một tí vì đã đi bộ và leo trèo quá nhiều rồi. Kỳ này chúng ta cùng ngồi lại nhâm nhi bên ly cà phê, hoặc bên tách trà để tìm hiểu xem Angkor rực rỡ ấy đã bị suy tàn và bị nhân loại lãng quên như thế nào.
Người Thái tấn công Kampuchia và cướp phá Angkor năm 1431, qua năm sau Angkor bị bỏ phế và từ đó nhân loại quên lãng nó đi đến vài thế kỷ.
Khi con người rút đi khỏi những phố phường, dinh thự, đền đài của Angkor, thực vật đủ các loại bắt đầu xâm thực theo mức độ của vết dầu loang.
Khi còn là một đô thị sinh động, rừng bị tách rời ra khỏi cuộc sống văn minh ở một khoảng cách đáng kể; bây giờ đang tiến đến dần như một đạo quân đang kéo đến vây hãm thành Angkor. Hằng trung đoàn cây rừng lặng lẽ và theo một nhịp điệu đều đặn bò sát lại gần hơn và gần hơn, tràn ngập các cánh đồng lúa nay không còn người canh tác, rồi xâm chiếm thành Angkor Thom – hạ lần lượt hết tiền đồn này đến tiền đồn khác, vây khu dinh thự nọ, phủ đền đài kia. Rừng đánh bại hết cứ điểm này đến trọng điểm khác không gặp chút kháng cự cho đến khi toàn thể hoàng cung gác tía, đền thiêng, nhà cửa, phố chợ, đường xá đều đầu hàng.
Cây cổ thụ sinh sôi nhanh nơi vùng nhiệt đới nhờ có nắng vàng rực rỡ, nhiều mưa và ẩm thấp trước khi các cây con, bụi rậm, cỏ dại, hoa rừng điền chỗ vào mọi ngỏ ngách trống không của đô thị. Phố phường, dinh thự, cung điện với hằng loạt khu nhà bằng gỗ bị mục nát và đổ sụm qua vài mùa mưa nắng, mặt đường bị xóa mất dần dưới lớp đất bùn của thời gian, những dấu tích của văn minh nhân loại tồn tại trong suốt sáu thế kỷ bị thời gian với gió và mưa xóa nhòa khỏi bề mặt trái đất. Sau vài thập niên, còn chăng chỉ là những kiến trúc bề thế bằng gạch đá là trơ gan cùng tuế nguyệt nhưng rồi cũng bị phủ lấp dưới những tàng lá rậm rạp của rừng già thâm u.
Chúng bị tràn ngập như cơn hồng thủy làm chìm đắm những thôn làng nơi thôn dã. Sự xâm thực của rừng nơi Dunsinane trong bi ca Mặc Biệt (Macbeth) của Shakespeare không thô bạo bằng rừng ở Kampuchea xâm lấn Angkor. Hạt giống được gởi đi theo gió, hoặc do chim muông tha đến rơi vào những khe đá của các miếu đền, len lỏi tìm đường đâm rễ xuống đất, chúng tăng trưởng nhanh chóng rồi hoặc hất đổ các khối đá làm đổ sụm ngôi đền như thấy ở Bayon, hoặc ôm phủ lấy tòa kiến trúc như giam hảm tù nhân như ở Ta Prohm.
Cùng với đạo quân cây rừng, có sự xuất hiện đạo quân thú hoang. Ở những nơi mà con người thường hay quần tụ thì nay là chốn vãng lai của các bầy cầm thú. Hổ dữ nay bước trên những lối đi của các vương tôn công tử thường dạo qua, báo rừng nằm duỗi mình nơi mà các giáo sĩ thường quì cầu nguyện, những con vẹt đuôi dài đang kêu gào nơi những sương phụ chờ chồng thường ngồi than thở mong ngóng chồng đi chinh chiến từ xa trở về, những bầy khỉ náo nhiệt chuyền cành trên các khu phố thị nơi trước đây dân chúng thường tụ tập mua bán.
Mặc dù người Khmer không bao giờ trở lại Angkor Thom hoặc lập làng gần đó trong suốt 400 năm, nhưng kinh đô ấy vẫn còn lưu giữ trong ký ức họ. Thỉnh thoảng khi được hỏi đến thành phố bị lãng quên này họ kể lại cho những người Âu nghe, và những người này không bao giờ tin.
Nhiều thế hệ về sau, một số ít dân làng tìm về sinh sống gần nơi vùng phụ cận để đánh bắt cá bên bờ biển hồ Tonle Sap, hoặc trồng hoa màu dọc theo con sông Siem Reap. Đôi khi trong khi đi săn bắn hoặc tìm củi, họ kinh sợ khi gặp phải những đền đài kỳ lạ nằm ẩn mình dưới tàng lá âm u của những cây cổ thụ. Lại có một số tu sĩ phật giáo do nhận thức được tính chất linh thiêng của khu đền Angkor Wat bèn lập nên một số am miếu nhỏ gần bên để rồi hằng ngày lại tiếp tục lặng lẽ trong nếp sống tụng niệm. Nhưng họ chỉ là một thiểu số dân dã mộc mạc, những kẻ tu hành xa lánh thế tục, không biết chi đến văn hóa lịch sử và khảo cổ. Phát sinh từ họ là những huyền thoại thêu dệt về những khu thánh địa kỳ bí, vĩ đại mà theo họ đã được dựng lên nơi chốn hoang vu bởi các thần linh.
Một số người Bồ hoặc một số người lãng du có biết đến chốn này và truyền miệng về một đô thị bị chôn vùi trong chốn rừng sâu nhưng ai nghe qua cũng tỏ vẻ hoài nghi, cho đó chỉ là những nơi tưởng tượng như khi người ta nhắc đến các kho tàng của vua Solomon, hoặc lục địa Atlantis bị chìm đắm dưới đáy Đại Tây Dương.
Khi người Pháp đi tìm lập thuộc địa trên ba nước Đông Dương, họ bắt đầu chú ý đến những lời truyền miệng ấy ít nhiều. Thế rồi một buổi sáng của năm 1860, một nhà thiên nhiên học người Pháp tên Henri Mouhot rẽ vào một góc rừng từ một đường mòn của dân tiều phu để thăm dò và không lâu sau đó qua kẻ lá lùm cây ông nhìn thấy những ngọn tháp xám xịt của Angkor Wat. Mouhot sững sờ, không tin những gì mình thấy là thật. Sau đó ông viết lại rằng giữa chốn thâm u cô tịch bỗng khám phá ra Angkor. Ông thấy như giữa nước Kampuchia lạc hậu của thế kỷ 19 tìm thấy lại nền văn minh rực rỡ của dân tộc này có từ hằng bao thế kỷ trước, như sự chuyển đổi giữa u tối sang ánh sáng.
Các sử gia vẫn chưa chắc chắn vì sao Angkor bỗng nhiên tàn rụi trong khoảng thời gian giữa hai thế kỷ 13 và 14 nhưng nhiều yếu tố khác nhau có thể đóng góp phần nào cho lời giải thích:
- Chương trình xây dựng ồ ạt của vua Jayavarman VII đã làm kiệt quệ tài nguyên của đất nước Kampuchia, đồng thời các nước chư hầu trước đây, nay đã trở thành quốc gia độc lập không chịu triều cống hằng năm để làm giàu thêm cho kho tàng của vương quốc Angkor.
- Vào cuối thế kỷ thứ 13, một tông phái mới của Phật Giáo là Phật Giáo Nguyên Thủy tức Tiểu Thừa (Hirayana hay Theravada) được du nhập từ Tích Lan. Tông phái này coi Phật như là một kẻ mẫu mực để noi theo nhưng vẫn xem ngài như một người phàm như tất cả mọi người. Một tính ngưỡng giản dị đến nổi không tin có một đấng thần linh nào và đặt trọng tâm vào tín điều giải thoát là do nỗ lực của mỗi cá nhân, do chính mình. Không có giáo sĩ để sùng bái ngoài một tăng đoàn gồm những người cùng đi tìm một con đường giải thoát. Tính chất bình đẳng của giáo thuyết này làm suy yếu hẳn hệ thống đẳng cấp của đời sống xã hội và chính trị Khmer xây dựng theo Bà La Môn giáo (Hinduism). Louis Finot, nhà khảo cổ học người Pháp, phản ảnh quan điểm này như sau: “Đây là một tôn giáo tiết kiệm, các nhà sư tự hiến dâng đời mình cho cuộc sống thanh bần, họ sống trong những túp lều tranh mộc mạc và tài sản chỉ là bộ y bát. Đây là một tôn giáo đầy đạo đức mà nguyên tắc của nó là tìm một sự thanh thản của tâm hồn và cuộc sống an bình.” Finot tin rằng dân Khmer vốn đã suy kiệt vì chiến tranh và chịu cảnh nghèo đói do tài nguyên quốc gia đổ vào việc xây dựng đền đài quá mức cho các hư thần, họ nay hoan hỉ tiếp nhận một tín ngưỡng mới, cái tín ngưỡng mà tín đồ không cần phải màng chi đến sự đời.
- Vì phải lo phòng thủ chống những cuộc tấn công cướp phá liên tục của quân Thái khiến vương quốc phải chịu hao tổn nhân lực trầm trọng, kết quả không đủ người để bảo quản hệ thống dẫn thủy nhập điền cần thiết cho sản xuất nông nghiệp đủ để nuôi một dân số xấp sỉ một triệu người.
Theo khảo sát mới nhất từ các hình ảnh thu thập được từ vệ tinh, máy bay thăm dò, và khảo sát địa chất, một nhóm khoa học gia quốc tế đã đưa tới kết luận rằng diện tích đất quần cư của Angkor thời cổ đại lớn gấp ba lần diện tích người ta vẫn nghĩ trước đây. Bản đồ mới cho thấy Angkor bấy giờ rộng đến 3000 km vuông, xấp sỉ diện tích của Los Angeles ngày nay. Chi tiết của cuộc thăm dò giúp người ta khám phá thêm được 74 di tích miếu đên cùng gần một ngàn hồ nước nhân tạo khác chưa được biết đến trước đây. Họ còn khám phá được thêm rằng việc cung cấp nước thời ấy lệ thuộc vào một hệ thống kênh đào duy nhất chạy từ trung tâm kinh đô Angkor ra xa đến 20 hoặc 25 km. Cái hệ thống mà mãi đến gần đây người ta vẫn tưởng để làm mỹ quan đô thị và dùng trong các cuộc tế lễ, nhưng nay mới hay là dùng để cung cấp nước cho các ruộng nương đặc biệt dành để sản xuất lúa gạo hằng loạt. Để nuôi dưỡng một dân số quá đông có nước để dùng và tưới ruộng trong mùa hè, một hệ thống dẫn và thoát nước tinh vi đã được thực hiện, trong đó gồm việc chuyển hướng chảy của dòng sông Siem Reap cho đi qua trung tâm đô thị. Ở dọc các hồ chứa nước cũng như các kênh, hai bên bờ được củng cố bằng đất nện, nhưng ở các chổ giao nhau, hoặc những nơi trọng yếu, đá tảng được thay vào. Công trình cực kỳ tinh vi đến nổi dân Khmer có thể trồng và thu hoạch nhiều vụ lúa mỗi năm chứ không phải một lần vì phải trông vào mùa mưa để có nước cho ruộng. Ông Saturno phát biểu, “Việc di dời đất để hoàn tất một hệ thống dẫn thủy quả là một việc quá động trời,” ông tiếp. “Thật là một dấn bước quá táo bạo!” Việc này đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên viên kỳ cựu về quản trị, phải có đầu óc của những kỹ sư, chuyên gia thâm hiểu thấu đáo vấn đề, và dĩ nhiên phải có một nguồn nhân lực lao động vô tận.

Angkor Wat với cây rừng lấp đầy chung quanh, nơi mà trước đây dân cư quần tụ trên một vùng có diện tích rộng bằng Los Angeles ngày nay. – Courtesy of wilkipedia.org
Đời Sống Thời Angkor
Qua hằng trăm di tích đền đài rải rác trên khắp đất nước Căm Bốt ngày nay, ta có thể biết được nhân loại trong thế kỷ vừa qua đã có một nền văn minh Khmer rực rỡ hiện hữu cách đây non một ngàn năm vốn đã chìm sâu trong quá khứ từ hằng mấy thế kỷ. Những kiến trúc huy hoàng ấy khiến người ta bâng khuâng tự hỏi cuộc sống con người thuở ấy sinh hoạt ra sao.
Mặc dầu hiện nay chỉ có một số lượng thông tin vừa phải còn tồn tại cho ta biết danh xưng của các vị vua Kampuchea thời Angkor, những liên quan hệ phả giữa họ, các trận đánh diễn ra qua các triều đại, những đền đài do họ dựng nên; ngoài ra thì không có một tài liệu nào để lại nhắc đến nền nghệ thuật, khoa học thời đó. Không cả văn kiện viết tay, tranh ảnh, đồ dùng, tác phẩm nghệ thuật khác hơn những những tượng hoặc hình chạm khắc trên đá còn lưu lại ở các đền.
Do khí hậu ẩm ướt của miền nhiệt đới, bất cứ vật gì làm từ gỗ, da, vải sợi đều bị tiêu hủy theo thời gian. Trong khi ở Ai Cập, nhờ khí hậu khô, ngay đến giấy làm từ cây cói, tranh vẽ trên tường, và di vật của mọi thứ vẫn còn tồn tại qua suốt mấy nghìn năm.
Ở Căm Bốt với hằng thế kỷ mưa dầm, cây cỏ miền nhiệt đới trùm phủ, mối mọt, và nấm đục khoét, thì ngay đến những loại gỗ cứng nhất cũng bị phân rã.

Theo mô tả của Châu Đạt Quan vị đặc sứ Trung Hoa tại kinh đô của Kampuchea vào thời Angkor, thì các tháp của Angkor Wat và đền Bayon ở Angkor Thom thuở ấy đều được dát vàng. Khu vực chung quanh có dân cư quần tụ đông đúc trên một diện tích rộng gần bằng Los Angeles ngày nay.
Ngày nay, du khách khi bước qua các cổng dẫn vào thành Angkor Thom và từ đó đi đến Bayon, trung tâm của kinh đô cổ xưa dài khoảng một cây số rưỡi, họ thấy hai bên dày đặc cả cây rừng. Những khu rừng đó ngày xưa là phố thị là nơi sinh sống của dân Angkor với nào là lầu son gác tía, dinh thự, công ốc, quán trọ, trại binh, rạp hát, và cả nhà cửa của hằng trăm ngàn cư dân lẫn người nô lệ. Vậy mà nay một dấu vết nhỏ nhất của chúng cũng không còn tồn tại; ngay như khu hoàng cung vì xây bằng gỗ cũng bị xóa mất, còn chăng chỉ là những nền đá kiến trúc rực rỡ. Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thời ấy chỉ các đền thờ mới được xây theo kiến trúc bằng đá mà thôi.
Chúng ta không thể biết với phương tiện gì mà người Khmer cổ có thể di chuyển các khối đá từ núi Phnom Koulen xa trên dưới 50 km đến nơi xây dựng đền đài. Hơn nữa, trong tiến trình xây, những khối đá nặng trung bình là 4 tấn được đưa lên cao bằng phương pháp nào. Nhờ hệ thống dẫn thủy qui mô còn tồn tại, người ta chỉ suy đoán các khối đá có thể đã được vận chuyển bằng đường thủy. Không một tài liệu để lại về ngành thiên văn cổ xưa mà nay người ta biết được các đền hồi đó đều được xây nằm đúng ngay trên trục đông-tây. Chúng ta cũng không biết cả đến ngành y dược của họ ngoại trừ những câu khắc trên đá lưu lại ở đền Ta Prohm cho thấy dưới thời vua Jayavarman VII, Kampuchea có đến 102 bệnh viện trong khi ngày nay chỉ trên dưới hai mươi.
Duy chỉ hệ thống dẫn thủy là còn lưu vết tích, trong đó gồm luôn hai hồ chứa nước nhân tạo khổng lồ mà một trong hai có kích thước, bề một và bề hai cây số, mà bây giờ vẫn còn được sử dụng làm hệ thống dẫn thủy nhập điền mới do Mỹ trợ giúp.
May thay, một tài liệu viết tay miêu tả khá tỉ mỉ về kinh đô Khmer cổ xưa được Châu Đạt Quan (Chou Ta-Kuan) để lại. Năm 1295, ông ta đến Angkor với tư cách đặc sứ cho Timur Khan, một hoàng đế Mông Cổ thống trị nước Trung Hoa. Cha của Timur là Hốt Tất Liệt (Khublai Khan), người đã đánh bại Miến và giúp Thái giành lại độc lập từ Kampuchea. Ông ta từng khuyến khích Đại Việt gây chiến với Kampuchea và Chiêm Thành, và năm 1283 ông cho gởi một đội quân đến Căm Bốt buộc vua ở Angkor phải thần phục. Nhưng theo lời của Châu Đạt Quan thì đội quân ấy đã không hề đến; do vậy, tòa sứ của Trung Quốc lãnh nhiệm vụ thuyết phục Kampuchea chịu làm chư hầu của mình thay vì phải dùng vũ lực. Nhờ thời gian thương thảo kéo dài, Châu Đạt Quan mới có cơ hội lâu đến một năm để quan sát đời sống của kinh đô Angkor.
Vào thời ấy, Jayavarman VII, vị vua hùng mạnh cuối cùng của dân Khmer đã chết từ trăm năm trước. Thời cực thịnh của Angkor không còn nữa và vương quốc này đang độ tiệm tiến suy tàn. Dầu nhiều nước chư hầu đã tách khỏi ách thống trị nhưng lãnh thổ mênh mông của đất nước Kampuchea vẫn còn nguyên vẹn; và mặc dầu không còn xây dựng thêm đền đài mới nhưng dân Khmer vẫn vui hưởng những gì của nền văn minh Angkor để lại. Với khuynh hướng bảo thủ, cách sống của họ vẫn hệt như của cha ông họ thuở trước. Do vậy, bài thuật của Châu Đạt Quan tuy viết vào thời này nhưng vẫn có thể xem như miêu tả đời sống của Angkor thời Jayavarman VII hay vài thế hệ sau.
Châu Đạt Quan miêu tả các tháp bốn mặt trên cổng vào thành Angkor Thom cũng tựa như ta thấy ngày nay, chỉ khác là tháp trung tâm của mỗi cổng được dát vàng. Ở trung tâm của kinh đô có một tháp vàng với hai mươi tháp đá vây chung quanh (có thể ông ta muốn nói đây là đền Bayon). Bên phía đông của đền này có một cây cầu dát vàng, hai bên có hai tượng sư tử bằng vàng, và tám pho tượng phật cũng bằng vàng mỗi tượng ngồi trong một ngôi miếu nhỏ bằng đá. Cung điện cũng như nhà của các vương tôn hoặc các quan lại đều quay mặt về hướng đông, tất cả đều làm bằng gỗ và mái nhà bằng ngói có màu vàng của đất nung. Ở điện nơi vua thường đến thiết triều các cửa sổ đều có khung cửa bằng vàng. Châu Đạt Quan nghe nói bên trong cung vua rất huy hoàng, tráng lệ nhưng canh gác rất nghiêm ngặt, không ai được phép vào.

Quân Khmer khi lâm trận với voi và quân lính chạy theo hai bên tựa như ngày nay có thiết giáp và đơn vị bộ binh tùng thiết.
Trong thời gian lưu lại Angkor, bốn đến năm lần ông Châu Đạt Quan được chứng kiến cảnh vua ra khỏi cung nên ông cho ta thấy một số hình ảnh khá lý thú về những dịp quan trọng đó.
Vì sợ bị ám sát nên không lần nào rời cung mà vua không mang giáp, đầu đội vương miện bằng vàng hoặc một vành kết hoa có mùi thơm như mùi hoa nhài. Quanh cổ là những dây ngọc trai nặng chừng hơn một kí. Cổ tay, cổ chân mang dây chuyền vàng, và các ngón tay có những nhẫn vàng. Ông ta đi chân trần không mang giày, ở gót và lòng bàn tay nhuộm đỏ. Tay cầm cây kiếm vàng Preah Khan (ngày nay vẫn còn dùng như biểu trưng quyền uy của vương quốc Căm Bốt). Đi dẫn đầu là một đoàn thiếu nữ tay cầm các đồ dùng bằng vàng hoặc bằng bạc, tiếp đến là đoàn xe dê hoặc ngựa kéo mà tất cả đồ trang trí đều bằng vàng. Khoảng hơn một trăm cây lọng cũng được điểm tô bằng vàng, và ngay cán cầm cũng bằng vàng. Tiếp theo là vua tay cầm kiếm vàng đứng trên một con voi lớn mà hai ngà đều bọc toàn vàng. Bảo vệ quanh vua là vệ quân gồm các nữ binh tay cầm giáo và khiêng, cùng những kỵ binh cỡi ngựa hoặc voi. Các vương tôn công tử, các đại thần, các nhà chiêm tinh được rước kiệu có điểm vàng theo sau, mỗi kiệu có bốn lọng với cán bằng vàng che hai bên, trong khi quan nhỏ chỉ được che với lọng có cán bạc. Các nhà sư đầu cạo nhẵn, mặc cà sa vàng để hở trần bên vai phải. Họ cũng được che lọng với cán vàng hoặc bạc tùy theo chức sắc.

Đội quân nhạc gồm kèn, trống, phèn la để khích động tinh thần chiến đấu vừa uy hiếp tinh thần đối phương.
Các nhà sư mỗi ngày chỉ dùng bữa một lần. Họ tụng nhiều kinh khác nhau, kinh được viết trên lá kè bằng chữ đen nhưng vì người Khmer không dùng viết hoặc mực nên Châu Đạt Quan không đoán được họ viết chữ bằng gì. Các vua quan thường thỉnh ý họ mỗi có việc quốc gia đại sự.
Vấn đề hình phạt đối với kẻ có tội tựa như Châu Âu thời trung cổ gồm phạt tiền, đánh roi hoặc đòn, chặt tay chân, và chôn sống.
Triều đại Angkor có một tập tục kỳ lạ là hằng năm có lệ thu mật từ gan người để dâng vua. Mật sẽ được hòa uống với rượu với niềm tin rằng uống vào sẽ làm con người bạo dạn hơn. Điều ghê rợn là mật phải lấy từ gan của người sống cho nên vào đêm của ngày thu gom mật, xui cho kẻ nào ra đường vào ban đêm.
Về ngành thiên văn thì Châu Đạt Quan cung cấp rất ít thông tin ngoại trừ cho biết rằng các nhà chiêm tinh có thể tính được khi nào có nguyệt hay nhật thực.
Châu Đạt Quan mô tả Kampuchea như là một miền đất vừa núi vừa bình nguyên mà hầu hết đều bị rừng hoang phủ lấp, ở đó đầy dẫy cọp, voi, hưu, gấu, khỉ, tê giác. Có điều là ở đây cũng như các nước khác ở Đông Nam Á không có sự hiện diện của sư tử mặc dù ta thấy nhiều trên các huy hiệu, đồ trang trí hoặc được tạc thành những tượng đá ở các đền mặc dù không một người Khmer nào đã từng được thấy sư tử bằng xương bằng thịt. Chim muông gồm công, két đuôi dài, ưng, trĩ, gà rừng, và nhiều loại khác nữa. Vịt trời, chim cốc, thiên nga thường xuyên lui tới các hồ lớn cạnh bên Angkor; trong khi ở Biển Hồ có nhiều loại cá, tôm khổng lồ, rùa, cá sấu; riêng cá sấu, theo Châu Đạt Quan thì rất lớn.
Trên các vùng đồi núi có trâu bò rừng, ngựa hoang, và người rừng. Về các người rừng này Châu Đạt Quan tả như sau: ‘Họ không sống trong nhà nhưng cùng gia đình di chuyển qua các vùng núi non, đầu đội chậu đất sét. Khi gặp thú hoang, họ dùng cung hoặc giáo để giết rồi dùng đá để đánh lửa nấu nướng… Lối sống man rợ, và họ có thứ chất độc rất nguy hiểm.’ Những người rừng này bị săn bắt đem về phố bán làm nô lệ với giá rẻ, họ được xem tựa súc vật. Vào thời vua Jayavarman VII, nô lệ bị bắt đem về từ các nước chư hầu nhưng đến lúc này nguồn ấy đã cạn kiệt. Văn hóa xã hội Khmer dựa vào lao động nô lệ, Châu Đạt Quan viết: ‘Một số người làm chủ đến hơn một trăm nô lệ, chỉ ai quá nghèo mới không nuôi nổi tôi tớ.’
Dân miền núi săn bắt sản vật rừng như mật ong, nhựa cây, mây, tre, nứa, ngà voi, sừng tê giác, lông chim, trái rừng về phố đổi chát lấy những thứ cần thiết cho nhu cầu đơn giản của họ. Tập tục này ngày nay vẫn còn thấy ở các quốc gia như Lào, Căm Bốt, Việt Nam, Miến, Borneo.
Khu vực bình nguyên rộng lớn quanh Angkor được dùng để khai khẩn nông nghiệp. Những trận lụt hằng năm làm dâng nước Đại Hồ, và hệ thống dẫn thủy tuyệt vời cùng những hồ chứa nước nhân tạo mang phù sa màu mỡ cho đất canh tác. Giữa những cánh đồng là các làng mạc của nông dân, họ dùng lưỡi cày, cuốc, liềm để làm việc đồng áng. Họ thu hoạch ba bốn vụ mùa mỗi năm, ngoài ra họ còn gieo trồng thêm hoa màu, mía, và cây ăn trái. Có lẽ họ dùng trâu để cày bừa, nuôi heo, cừu, dê, gia súc, ngựa, ngổng, và gà vịt để lấy thịt. Muối lấy từ các ruộng lúa ven biển. Họ tuy chưa biết kỹ thuật gây men từ ngủ cốc nhưng cũng biết làm rượu từ mía, mật, gạo và lá cây rừng.
Châu Đạt Quan, lẽ tự nhiên coi các dân không phải người Hoa đều là man di, miêu tả người Khmer thô kệch, có màu da rất sậm, nhưng nhấn mạnh rằng ‘ở các lâu đài, cung đìện nơi không bị ánh nắng thiêu đốt, nhiều phụ nữ có màu da trắng như ngọc.’ Nắng nhiệt đới quả tình rất gay gắt, đàn ông, đàn bà chỉ vấn che phần dưới rốn một tấm vải hoặc lụa (tùy theo đẳng cấp hay giàu nghèo), ngoài ra thì để trần phía trên và đi chân đất. Đầu búi, không đồ trang sức nhưng chỉ mang vòng và dây chuyền vàng. Ngay đàn bà lao động cũng mang đồ nữ trang rẻ tiền. Đàn ông, đàn bà như nhau, họ đều xức xạ hương hoặc các thứ dầu thơm khác.

Các đơn vị làng xã luôn luôn có một hồ lớn để dân trong làng có thể ra đó tắm giặt chung, ngoài ra còn có một đền nhỏ xây bằng đá tiện cho việc cầu tự.
Chợ ở phố cũng nhỏ và tồi tàn như chợ làng, chỉ toàn đàn bà buôn bán nhỏ. Họ không có hàng quán cố định, ngày ngày trải chiếu trên đất bên vệ đường bày hàng hóa ra bán. Họ ngồi chồm hỗm, miệng nhai trầu và tán gẫu với người cạnh bên. Một hình ảnh quen thuộc vẫn còn thấy ở các nước Đông Nam Á. Mua bán nhỏ họ trả bằng gạo, ngủ cốc, hoặc đại loại tương tự, nhưng đồ giá trị hơn thì được trao đổi bằng vàng hay bạc.
Hoa thương thì khắp nơi, họ thích đến đây làm ăn sinh sống vỉ theo họ đây là nơi dễ buôn dễ bán, gạo cơm dư thừa, đàn bà dễ kiếm, nhà cửa, đồ đạc gia dụng rẻ rúng. Vào thời này, hàng hóa các thứ từ Trung Hoa thường xuyên được mang đến bằng thuyền biển hoặc lạc đà. Họ mang đến những thứ mà dân Khmer ưa chuộng như lụa màu, khay cẩn, đồ men sứ trắng xanh, dù, lược, thức ăn, kim loại quí và những vật liệu tiện ích khác. Trong nhà của giới thượng lưu, đồ sứ của Tàu được thay cho bát tô bằng đất sét, ngay đến bàn thấp từ Trung Hoa cũng trở nên món trang trí nội thất thời thượng. Giường kiểu Tàu cũng được nhà giàu ưa chuộng, trong khi các giới khác vẫn ngủ giường tre.
Giới quan quyền, học thức sống tập trung ở những trung tâm lớn. Nhà cửa họ ở, lớn nhỏ, xây bằng vật liệu gì, được cho phép tùy theo đẳng cấp. Chỉ người có chức quyền cao mới được ở nhà lợp ngói, ngoài ra thì toàn mái tranh. Nhưng dù giàu hay nghèo, ngày nay không nhà nào còn tồn tại.
Mỗi nhà không có hệ thống nước cũng như cống rảnh. Người ta ra tắm nơi công cộng mà hồ và kênh đào có khắp mọi nơi. Về vấn đề vệ sinh, họ đào nhiều lỗ trong sân nhà rồi tạm lấy cỏ lấp lại sau mỗi lần dùng đến, sau khi đại tiện xong họ xuống rửa ráy ở ao bằng tay trái, tay phải được chừa lại để bốc đồ ăn. Khi họ thấy người Tàu dùng giấy để làm vệ sinh họ làm điệu chọc quê và khép cửa lại. Châu Đạt Quan còn thêm: ‘Nhiều đàn bà đái đứng trông thật kỳ cục.’
Một tập quán lạ lùng khác là tục khai hoa (chen-t’an: deflowering) con gái mới lớn ở độ tuổi từ 7 đến 9 cho con nhà khá giả, hoặc trước 11 cho con nhà nghèo; mà người làm việc này là một ông sư hoặc một tu sĩ bà la môn. Mỗi năm quan chức chọn một ngày vào khoảng tháng tư âm lịch và thông báo cho cả nước rõ. Nhà nào có bé gái trong độ tuổi cần được khai hoa thì phải khai báo với quan, quan gởi cho nhà ấy một cây đèn cầy trên có khắc một vạch. Vào đêm được chỉ định, đèn cầy ấy được đốt lên, khi đèn cháy tới vạch khắc thì coi như thời điểm đã đến. Đồ biếu cho sư tùy theo khả năng gồm rượu, gạo, vải vóc, lụa là, cau trầu, các đồ dùng bằng bạc… Mỗi vị sư chỉ khai hoa một bé gái một lần mỗi năm.
Người Thái xâm lăng Căm Bốt năm 1350, mặc dù chưa lấy được Angkor nhưng cũng bắt mang theo về nhiều tù binh. Đến năm 1431 Angkor mới thật sự rơi vào tay Thái và họ mang về nước vô số tượng và đồ quí. Vua Xiêm đặt con trai của mình lên ngôi ở Angkor nhưng chỉ được một thời gian thì bị ám sát chết. Ponha Yat, kẻ kế vị của vương triều Kampuchea lên thay. Có lẽ chính vào trong thời kỳ rối ren này mà vị vua đã quyết định dời đô khỏi Angkor.
Sau những bài miêu tả của Châu Đạt Quan về Angkor, không còn chứng tích gì để lại nhắc nhở đến đời sống của kinh đô ấy. Một màn u minh đã dần dần phủ xuống xóa mờ đi Angkor và cả nền văn minh Khmer.
Công Trình Bảo Tồn Angkor và Nạn Mất Cổ Vật
Như chúng ta đã rõ, những tài liệu đầu tiên về kinh đô cổ xưa Angkor là do Châu Đạt Quan một đặc sứ Mông Cổ để lại, miêu tả Angkor vào thời kỳ cuối thế kỷ thứ 13, thời kỳ trước khi bị bỏ phế. Sau đó từ thế kỷ thứ 16 trở đi, Angkor thường được các nhà truyền giáo và thương nhân tây phương để tâm đến nhưng mãi đến hậu bán thế kỷ thứ 19 mới lôi kéo được sự chú ý của các nhà khảo cổ và học giả. Sự tường thuật về chuyến du hành của P. Bouillevaux năm 1856 và bài viết mô tả tỉ mỉ của nhà thiên nhiên học Henri Mouhot sau khi khám phá Angkor Wat năm 1860 đã mở đường cho nhiều nhà thám hiểm khác như Bastian, người Đức; Thomson và Kennedy người Anh, rồi đến cuộc viếng thăm chính thức của Doudart de Lagrée, Francis Garnier và Delaporte, kẻ đã mang về Pháp một số tượng để triển lãm cho công chúng xem tại cuộc hội chợ đấu xảo ở Paris năm 1878. Đồng thời, nhờ công giải mã các chữ khắc trên đá của Kern, người Hòa Lan, cùng với Barth và Bergaigne; trong khi Moura, Aymonier, Pavie, Fournereau và tướng de Beylié đã góp công nhiều trong việc mang lại nhiều kiến thức quí báu về Angkor.
Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho thành lập ÉFEO (École Francais d’Extrême Orient), tức Trường Viễn Đông Bác Cổ, dưới sự chỉ đạo của Académie des Inscriptions et Belles-Lettres, với sứ mệnh khảo cứu về các nước Đông Dương theo tầm nhìn có tính cách lịch sử, công trình xây dựng và ngôn ngữ, hầu để bảo tồn các di tích khảo cổ ở Đông Dương và chuẫn bị cho một cuộc kiểm kê các đền đài. Chính do sự dìu dắt của Louis Finot và Alfred Foucher mà Lunet de Lajonquière, Henri Parmentier, Dufour và Carpeaux mới khởi sự thăm dò các công trình của Kampuchea một cách có phương pháp.

Jean Commaille, giám đốc đầu tiên của Conservation of Angkor, bị kẻ gian giết chết để cướp tiền lương của dân phu. Ông được chôn ở khu rừng gần đền Bayon. (Courtesy of Asia Explorers and Angkor.wat.online.fr)
Tại Angkor, thoạt đầu Jean Commaille, giám đốc đầu tiên của cơ quan Bảo Tồn Angkor (Conservation of Angkor) thuộc ÉFEO, đã huy động dân phu dọn hằng ngàn mét khối đất đá, khởi đầu ở Angkor Wat và Bayon, kể cả khu Sân Voi. Năm 1919, ông bị kẻ gian giết chỉ để đoạt một số tiền vừa đủ tuần lương cho vài dân phu. Mộ ông hiện vẫn còn nằm dưới những tàng cây gần đền Bayon.
Henri Marchal kế nhiệm và trong suốt 20 năm ông bỏ công lo củng cố các đền để tránh khỏi bị đổ thêm bằng các trụ xi măng, tuy thiếu mỹ quan nhưng tạm thời cũng khá hữu ích. Ông còn viết nhiều bài khảo cứu tuy một số giả thuyết của ông không được nghe theo nhưng kết quả những nghiên cứu của ông đóng góp một nguồn tài liệu vô giá cho các nhà khảo cổ sau này. Chính vì quá đam mê Angkor mà ông đã dọn đến ở luôn nơi đây vào cuối năm 1927, lúc ông đã được 71 tuổi, và mất ở đó vào tháng tư năm 1930. George Trouvé thay thế ông năm 1932, ông này bị chết thảm vào năm 1935. Sau đó thì đến Jacques Lagisquet chỉ vỏn vẹn từ 1935 đến 1936. Nhiệm kỳ của Maurice Glaize lâu hơn (1936-1946), vị kiến trúc sư tỉ mỉ này đã thành tựu được nhiều công trình khôi phục đáng kể, đặc biệt như tháp trung tâm của đền Bakong, tháp đền Neak Pean và Banteay Samre. Cần phải lưu ý là ông đã hoàn tất trong điều kiện ngân quỉ quá ít oi của thời gian thế chiến thứ hai. Hai người Pháp cuối cùng là Jean Laur và đáng ghi nhớ hơn cả là Bernard Philippe Groslier đã biến tổ chức Conservancy thành một tổ chức bề thế như ngày nay, và tiến hành những công trình quan trọng. Chính tổ chức này đã khởi sự công việc trùng tu đền Baphuon, một công trình to tát vốn đã bị ÉFEO bỏ dỡ suốt 20 năm vì chiến tranh và rối ren chính trị ở Kampuchea. Đồng thời mang lại công ích cho nhân loại còn có Maitre, Aurousseau và Georges Coedès, Finot, Fouchet, ….
Nhờ hiệp ước 1907 theo đó Thái Lan chịu trả lại cho Kampuchea các tỉnh bị họ chiếm giữ, trong đó có Battambang, vùng Angkor, Siem Reap mà công tác khảo cứu và bảo vệ Angkor mới đạt kết quả tốt đẹp.
Việc khảo cổ khu quần thể Angkor mang lại cho ÉFEO nhiều lãnh vực để nghiên cứu. Từ khi mới thành lập, ÉFEO phải nỗ lực dọn dẹp các khu di tích sạch hết cây rừng, các nền đài không còn đất đá ngổn ngang, dựng lại những phiến đá bị đổ hoặc sắp xếp, phân loại, đánh số theo danh mục. Sự đổ nát của khu di tích, ngoại trừ một vài trường hợp, không do bàn tay của ngoại xâm hay bọn cướp cổ vật mà do thời gian bị bỏ hoang phế hằng thế kỷ; qua đó cây rừng, độ ẩm cao của vùng nhiệt đới và mối mọt đã tàn phá không ngừng.

Đền Ta Prohm cũng như nhiều đền khác ở Angkor, dấu tích đổ nát vẫn còn khắp nơi mặc dù trường Viễn Đông Bác Cổ đã nỗ lực trùng tu từ suốt thế kỷ qua. (Hình: Colnav Nguyen)
Sau khi đã khai quang hết cây cổ thụ, cỏ dại; những phần cấu trúc yếu, dễ đổ sụm, được tạm chống đỡ để bớt hư hại thêm. Các nền có dấu hiệu bị lún được củng cố bằng bê tông bên dưới trước khi đặt lại phần gạch đá cũ lên trên. Những phần tường bị đổ được xây lại bằng cách tháo gỡ xuống luôn phần còn đứng vững, từng viên gạch, hoặc khối đá được đánh số kỹ lưỡng. Sau đó những vật liệu trên được dùng để xây lại theo kiến trúc và kỹ thuật nguyên thủy.
Trong khi thực hiện những công tác tương tự, người ta gặp phải trường hợp nhiều gạch, đá bị vỡ nát hay không còn nguyên vẹn để có thể tái dụng, người ta tạm đúc lại, nếu là gạch, hay đục đẽo nếu là khối đá lớn, nhưng dùng cùng nguyên liệu gốc, theo đó mỗi vật thay thế còn được cẩn thận khắc chữ CA, viết tắt từ chữ Conservancy (bảo tồn).
Phương pháp trên được gọi là anastylosis, một phương pháp đã được sử dụng trước đó để phục hồi các di tích đền đài ở Hy Lạp và Java. Tuy nhiên, phương pháp này không được áp dụng để làm lại các pho tượng, hình chạm khắc người, thú, các hoa văn trang trí nói chung. Những công trình phục hồi lớn hơn được chuẫn bị trước với vô số phép đo đạc, đồ họa, chụp hình kỹ lưỡng trước khi tái tạo để khi hoàn tất vẫn giữ nguyên đường nét nguyên thủy. Phương pháp anastylosis được đem áp dụng ở Angkor nhờ Henri Marchal, người bấy giờ đứng đầu tổ chức Bảo Tồn Angkor. Trong chuyến khảo cứu ở Java ông nhận thấy anastolysis là phương pháp tuyệt mỹ mà người Hòa Lan đã áp dụng trước để phục hồi các di tich ở đó. Thấy thích hợp với Angkor, ông đem du nhập nó vào việc phục chế đền Banteay Srey trước tiên vào thời gian cuối năm 1931 và được sự tán dương của cả ông Coedès. Nhờ phương pháp này những ngôi gopura của các đền Prah Palilay và Neak Pean, những hồ tắm của đền Banteay Samre, Bakong, cổng Chiến Thắng, cổng nam và bắc của Angkor Thom, nhiều di tích của Prah Khan, cùng những tháp chung quanh và ở trung tâm đền Bayon được phục hồi như nguyên thủy từ tình trạng đổ nát hoàn toàn.
Việc phục hồi khu đền Baphuon thuộc thế kỷ thứ 11 tuy thế lại gặp phải một số khó khăn bất ngờ. Nguyên hơn 40 năm trước, một kiến trúc kiểu kim tự tháp cao hơn 46 mét gồm nhiều tầng xây chồng lên nhau bị đổ sụm khiến các nhà khảo cổ phải gỡ xuống hơn phân nửa ngôi đền để xây lại. Kế hoạch sẽ là tái dựng với sự gia cố bằng bê tông và nguyên liệu ngày nay được khéo léo che giấu bên trong. Nhưng khi Khmer Đỏ lên xâm chiếm năm 1972, các nhà bảo tồn người Pháp buộc phải bỏ chạy, để lại 300 ngàn khối đá xếp trải dài trên một khu đất rộng 25 mẫu. Năm 1995, họ trở lại và trực diện với một thử thách đau lòng là làm sao mà xếp lại ngần ấy đá thành một ngôi đền nguyên thủy một khi tất cả tài liệu ghi chép và bản thiết kế đều đã bị mất sạch. Hơn 200 chuyên viên phải vất vả tìm cách giải đoán bài toán đố khó khăn với những vật liệu có sẵn. Pascal Royère, kiến trúc sư trưởng khu đền Baphuon buồn bã nói: “Không thể làm bừa được, mỗi viên đá có chỗ riêng của nó, mỗi vị trí thích hợp với từng khối đá riêng. Nếu bạn làm sai chỉ 10 mili mét ở chỗ này, mọi thứ 20 mét bên kia cũng bị lệch theo.”
Năm 1992, Angkor trở thành Di Sản Văn Hóa của thế giới. Kết quả là tiếp sau một hội nghị liên chính phủ được tổ chức tại Tokyo vào tháng Mười Hai năm 1993, một Ủy Ban Hợp Tác Quốc Tế giám sát việc trùng tu Angkor được thành hình do Nhật và Pháp đồng chủ tịch, cùng một ban bí thư do UNESCO đề cử. Từ đó hằng năm ủy ban nhóm họp nhiều lần, hoặc phiên khoáng đại hoặc những cuộc họp nhỏ hơn có tính cách kỹ thuật. Nhiều toán chuyên viên từ nhiều quốc gia tham gia công tác dưới sự giám sát của ủy ban. Toán của Đức chuyên nghiên cứu và phục hồi hằng trăm tượng nữ vũ công thiên thần Apsaras ở đền Angkor Wat; Hoa Kỳ trùng tu các đền Preah Khan và Ta Som với quỹ World Monuments Fund của mình; Trung Quốc phụ trách đền Chao Say Tevoda; Pháp phối hợp với Trường Viễn Đông Bác Cổ chịu trách nhiệm ở đền Bapuon, khu Sân Voi và khu Sân Vua ‘Cùi’; Indonesia phục chế những gopuras tại khu hoàng cung ở Angkor Thom; Người Ý với đền Pre Rup và hệ thống hào nước ở Angkor Wat; Nhật lo phục chế đền Bayon, thư viện Prasat Suor Prat ở Angkor Wat và đền Banteay Kdei (sau này giao cho trường Sophia University). Người Khmer phụ trách việc quản lý và bảo vệ khu di tích Angkor.
**********
Những hư hại gây ra trong thời kỳ chiến tranh vừa qua tương đối nhỏ vì phe nào cũng tôn trọng các di tích đền đài. Nhưng vào đầu thập niên 90 việc đánh cắp cổ vật trở thành vấn đề nghiêm trọng. Thường thường chúng được chuyển qua ngã Thái Lan để bán cho các tay săn cổ vật Tây Phương. Mãi tới gần đây việc phối hợp để săn bắt kẻ gian và bọn môi giới vẫn còn ít ỏi, dân mối giới này hoạt động công khai tại River City ở Bangkok. Chúng đặt hàng bằng cách trưng hình ảnh cổ vật nào chúng muốn cho bọn gian ở Kampuchea. Chính quyền Thái và Kampuchea ra tay can thiệp sau khi chúng trở nên quá lộng hành, họ chận bắt được những xe tải lớn chở những mảng tường thuộc bức tường 20 m của hành lang bọc quanh đền Banteay Chhmar, các mảng này ghép thành hình điêu khắc Quán Âm Bồ Tát Lokesvara thiên thủ tuyệt đẹp. Cảnh sát cũng bố ráp vùng River City, tịch thu được nhiều cổ vật của người Khmer. Sau đó, nếu xác định rõ được chúng thuộc khu đền nào thì sẽ được trả về nơi xuất xứ, hoặc được đem trưng bày ở một bảo tàng mới tại tỉnh Nakhon Ratchasima, Thái Lan. Tuy nhiên kẻ gian lắm lúc cũng bị bé cái lầm mà điển hình là bức tượng vua ‘Cùi’ ở gần đền Bayon. Vào thập niên 50, ông Groslier, giám đốc bảo tồn, chú ý thấy tượng có dấu cưa ở cổ, có nghĩa là có kẻ đang muốn lấy đầu tượng, ông cho chuyển tượng về viện bảo tàng ở Nam Vang rồi thay vào đó bằng một tượng khác được rập khuôn y như bản chính. Một thời gian sau đúng như dự đoán, tượng giả này bị cắt mất đầu.
Năm 1968, nhiếp ảnh gia Wilbur E. Garrett thuộc tạp chí National Geographic chụp tấm hình chiếc cầu đá dẫn vào cổng đền Preah Khan, cũng như ở các nơi khác, hai bên cầu có tượng các thần đang ôm kéo rắn thiêng Naga. Trong hình cho thấy thời ấy chỉ một tượng thần bị mất đầu nhưng càng về sau càng nhiều đầu bị lấy đi. Chúng bị tải đi qua ngã biên giới Thái Lan, hay Việt Nam? Được các nhà ngoại giao chuyển lậu ra và đem bán ở Geneva hoặc Dusseldorf? Hay vẫn còn nằm trong nhà kho bọn buôn cổ vật ở Bangkok? Cũng có thể được đem giấu đi đâu đó chờ được giá cao thì đem bán.

Tượng vua ‘Cùi’ ở khu Hoàng Cung mặc dù đã được cẩn thận thay thế bằng tượng giả nhưng vẫn bị cắt mất đầu. (Courtesy of Michael Freeman)
Ngoài nạn bị mất cắp, khu di tích còn chịu những hư hại do sự thiếu ý thức của một số người. Tại đền Prasat Kravanh, đền trung tâm vốn được bọc kín, về sau được trỗ trên nóc để các phù điêu khắc trên đá ở bên trong có thể được nhìn thấy bằng ánh sáng tự nhiên, chỗ trỗ ấy được che bằng một loại kiếng lọc đặc biệt chặn được tia phóng xạ của mặt trời vốn có thể gây hại cho các tượng. Kiếng lọc nay đã bị bắn vỡ, có thể từ thời chiến tranh. Ở đền Banteay Kdei, nhiều khu hành lang bị sụp mái đang chờ được phục hồi theo ưu tiên; ngay gần khoảng giữa, người ta có thể thấy bồ hóng làm đen cả một mảng tường, được hỏi thì người bảo vệ đền cho biết trước đây có kẻ nào đó đã đốt lửa cho dơi đang treo mình ngủ dưới mái rớt xuống để bắt nấu xúp. Cũng gần đó, có những cột chống đền được làm từ hai phiến đá lớn chồng lên nhau, các nhà bảo tồn củng cố cho cột khỏi nhào bằng cách gắn thêm những miếng nẹp đồng vào giữa hai phiến đá. Chúng bị gỡ mất từ lâu! Để làm gì? Dân địa phương tin rằng đồ đồng lấy từ đền ở Angkor về làm dao găm sẽ có phép thuật linh thiêng. Vào đầu thập niên 1920, các nhà bảo tồn từng cho bọc hai phiến đá của mỗi cột bằng một vòng thép lớn; mới thời gian sau này đã bị lấy đi, có lẽ để làm niềng bánh xe bò. Ở một căn phòng khác, có kẻ nào đó đã vẽ lên một tượng phật lớn bằng sơn đen. Ở ngực trên bị vẽ như hình xâm của dân Khmer thường xâm trên ngực họ để được che chở khỏi bệnh tật và thương tích. Kẻ này có lẽ muốn mình cũng được che chở như bức tượng. Nhưng hình cái đồng hồ được vẽ trên cổ tay tượng thì sao? Vào thời Khmer Đỏ đang thống trị Kampuchea, mọi hình thức tôn giáo đều bị ngăn cấm, có thể được sự đồng ý của cấp trên, một tên thuộc hạ nào đó đã có hành động phỉ báng tượng Phật này; nhưng trong thâm tâm y có một sự hy vọng rằng nếu dâng cho Phật một cái đồng hồ thì rồi đây y cũng sẽ có một cái thật, mà ưa chuộng nhất là một cái Omega của Thụy Sĩ, dấu hiệu của kẻ có chức có quyền. Y muốn có quyền uy, …qua phép thuật.
Phải nhớ rằng, nhiều di vật điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao đã bay qua nằm trong các bảo tàng viện lớn trên thế giới từ lâu. Những gì còn lại được di chuyển đến nơi an toàn vào cuối thập niên 50 khi nạn ăn cắp cổ vật bắt đầu thịnh hành rầm rộ và vấn đề bảo vệ một khu di tích quá rộng lớn trở nên ngoài tầm tay. Ngày nay, bộ sưu tập tuyệt đẹp những điêu khắc của Khmer được lưu giữ tại bảo tàng viện Nam Vang nhưng đa số vẫn còn tàng trữ trong kho chứa cổ vật bí mật được canh giữ chặt chẽ, hiếm người được phép vào thăm. Du khách đến viếng Angkor, ngoài những phù điêu trên tường, chỉ thấy những căn phòng trống không và phần lớn tượng đều bị thay thế bằng tượng làm lại sao theo bản chính. Tuy phó bản nhưng tinh xảo đến không dễ gì phân biệt được. Điều này nảy ra một nghi vấn có tính cách đạo đức: Du khách vượt một chặn đường hằng chục ngàn cây số đến tận Angkor để xem những di tích còn lại từ thế kỷ thứ 12, cuối cùng không được xem đồ thật sao? Nhưng vấn nạn vẫn là nếu cứ để chúng nằm chơ vơ, rải rác trên một địa bàn rộng mênh mông của Angkor thì không khác gì mời bọn gian đến lấy đem đi bán. Bất cứ tượng hoặc phù điêu xưa nào cũng là mục tiêu béo bở của bọn con buôn cổ vật, đặc biệt là đầu tượng. Một khi đã lọt qua Thái Lan, chúng lập tức tìm đường đưa qua Singapore, Hồng Kông, và đồng thời qua Nhật, các nước Âu Châu. Cảnh sát quốc tế Interpol cho biết rằng lợi nhuận thu được từ buôn bán cổ vật đứng thứ nhì chỉ sau buôn lậu bạch phiến. Nhiều ngôi đền ở Kampuchea, có đến 90% số cổ vật bị đánh cắp. Riêng đền Banteay Chhmar gần biên giới Thái Lan, năm 1999, toàn bộ tường đền đều bị gỡ mất để rồi tái xuất hiện ở bên kia biên giới. Các chuyên gia khảo cổ đang cố truy tầm dấu vết nhưng chỉ hoài công. Đó là lý do tại sao các chuyên viên bảo tồn khẳng định rằng các di vật nguyên thủy không nên để khơi khơi giữa trời nước bao la.
Ngay cả những đồ thật được đem đi cất giữ vẫn chưa được yên: năm 1993, bọn cướp trang bị súng đại liên bắn gục lính canh khu bảo tồn ở Siem Reap, phía nam Angkor, sau đó chúng dùng súng phóng lựu phá cửa vào kho mang đi 11 pho tượng trị giá chừng nửa triệu Mỹ kim. Olivier de Bernon, cố vấn cho đơn vị bảo tồn thuộc ÉFEO nêu thắc mắc: “Đem di vật đi cất giữ để rồi phải rước lấy nguy hiểm, làm vậy có hợp pháp không? Theo tôi thì có. Nhưng không cho ai xem những bảo vật được bảo quản cẩn thận thì là điều không nên. Nên lập một bảo tàng quốc gia ở Siem Reap để mở cửa cho du khách vào xem.”
Chuyện đem bảo vật đi cất rồi thay vào đó bằng đồ giả, thật ra chẳng mới mẻ gì. De Bernon cho biết tượng Chevaux de Marly ở Champs Elysée là đồ giả, cái thiệt đang nằm trong viện bảo tàng Louvre mà mấy ai hay. Ở Ấn Độ, sợ du khách làm hỏng những bức tranh Phật giáo vẽ trên đá cổ đến 2000 năm trong các hang ở Ajanta, miền trung tiểu bang Maharashtra, các nhà khảo cổ muốn đóng cửa luôn không cho công chúng vào xem. Giám đốc khu bảo tồn là A. C. Grover cho rằng chỉ các nhà học giả mới được thăm viếng, công chúng xem phó bản tại viện bảo tàng được rồi.

Tượng nữ thần devata thuộc Ấn Giáo bị kẻ gian đục mất phần mặt một cách vụng về. (Courtesy of Michael Freeman )
Dù không được xem đồ thật, du khách qua số tiền họ đổ vào hằng năm cũng đã đóng góp rất nhiều cho việc bảo tồn và thuê cảnh sát bảo vệ các kho tàng của Kampuchea. Với đà gia tăng sự quan tâm đến nghệ thuật Khmer khiến sản sinh một nền kỹ nghệ làm đồ mỹ nghệ phó bản với giá bán rẻ mạt so với hàng thật. “Muốn phân biệt hàng giả với đồ thật đâu có dễ,” Étienne Clément, trưởng UNESCO ở Căm Bốt phát biểu. Ngày nay tụi ăn cắp và bọn buôn cổ vật đều có đồng quan điểm như vậy. Conservancy báo cáo cho biết có nhiều đồ giả ở các đền đã bị đánh cắp. Giới chuyên gia nghệ thuật ở Nam Vang kháo nhau về chuyện một người Mỹ thấy lương tâm cắn rứt, đã hào hiệp đem gởi trả một tượng thần thuộc thế kỷ thứ 9 mà ông ta đã mua với giá hàng chục ngàn đô-la. Khi nhận được món hàng họ biết ngay đây chỉ là phó bảng nên gởi trả về khổ chủ mà không lấy tiền cước phí. Thật chua chát thay, chính sự thiếu hiểu biết của bọn vô lương là chìa khóa cho sự tồn tại của Angkor.
Năm 1968, có 70.000 người đến viếng Căm Bốt, đặc biệt là Angkor, mà đa số là những người Mỹ đi theo tours ghé nhiều nơi trên thế giới. Sang đến 1970, con số lên đến 100.000. Sau đó con số giảm xuống dần và có khi đến gần mức số không trong thời kỳ chiến tranh và nhất là thời kỳ Pol Pot. Năm 2004 phân nửa số 1,4 triệu người đến Kampuchea ghé đến Angkor. Sang năm sau con số tăng thêm 34,7 phần trăm. Sự gia tăng du khách đều đặn đã đưa Siem Reap, một ngôi làng nhỏ trở nên thành phố sầm uất thứ nhì với khách sạn, nhà hàng và xe cộ sang trọng, đường sá choán ngợp với các biển quảng cáo thương mại. Dân số từ vài ngàn bùng lên đến 120 ngàn, chưa kể số lượng du khách ngày càng quá đông gây nên vấn đề năng lượng, nước, đồ phế thải.
Khi được hỏi với số lượng đông đảo du khách hằng ngày đến viếng Angkor có làm hư hao cho khu di tích, một chuyên gia bảo tồn đáp rẳng khu Angkor lớn gấp đôi diện tích của Paris thì số lượng người chừng đó chưa là vấn đề đáng lo ngại.
Câu Chuyện về Những Nàng Apsara
Vào khoảng thời gian năm năm sau khi Henri Mouhot khám phá ra Angkor, Anna Leonowens một mình cỡi voi đi suốt 200 dặm đường từ Bangkok, đến viếng di tích của kinh đô cổ xưa này. Bà ta là người không xa lạ gì đối với chúng ta vì bà ta chính là nhân vật trong câu chuyện về sau trở thành cuốn phim nổi tiếng Anna and the King of Siam (từng chiếu ở Việt Nam trong khoảng thập niên 50 & 60 dưới tựa đề Vua Xiêm và Thiếp, với nam tài tử Yul Brynner). Ở cái thời kỳ mà tất cả phụ nữ đều phải ở trong nhà làm công việc tề gia nội trợ thì bà không những đến sống ở Bangkok để dạy học cho hoàng tử của hoàng gia Thái, mà sau đó còn trở nên một phóng viên chiến trường.

Vua Thái Mongkut và bà Anna Leonowens, hai người trở thành nhân vật trong truyện ‘The King and I’ và cuốn phim ‘Vua Xiêm và Thiếp’. (Wikipedia)
Sau khi trở về bà viết một bài tường thuật mô tả về cái “công trình tuyệt mỹ từ bàn tay một chủng tộc mà các nước Tây Phương hoàn toàn mù tịt chưa hề nghe nhắc nhở đến; một chủng tộc không có tên trong lịch sử nhân loại nhưng đã làm nên một loạt những kiến trúc vô cùng diệu kỳ, tuyệt mỹ và trường tồn mãi với thời gian, vượt xa mọi công trình hiện đại của cả thế giới.”
Thoạt đầu, các nhà nghiên cứu khoa học không tìm ra được lời giải thích về nguồn gốc của kinh đô bị lãng quên này. Họ cho rằng người Khmer là một chủng tộc đã bị tuyệt diệt vì họ tin chắc dân Căm Bốt sơ khai ngày nay không thể nào là hậu duệ của một giống dân làm nên kỳ công rực rỡ ấy được. Nhưng rồi thời gian cũng chứng tỏ được rằng họ là sai. Nhà khảo cổ học người Pháp George Coedés, từng làm việc lâu năm ở Angkor, đã so sánh các ảnh chụp của người Căm Bốt ngày nay với các khuôn mặt khắc trên tường ở Angkor Thom; ông xác nhận họ đều cùng một chủng tộc.
Malcolm MacDonald, tác giả cuốn Angkor xuất bản năm 1958, hỏi quốc vương Sihanouk về lối phục sức của các nàng apsaras, vua Sihanouk đáp rằng các vũ công cung đình thời Angkor ăn mặc rất giản dị mà nửa phần thân thể phía trên không có y phục, hệt như thấy ở các tượng khắc ở Angkor. Hỏi vì sao ngày nay họ mặc kín từ đầu đến chân thì quốc vương Căm Bốt trả lời rằng, hơn năm thế kỷ trước đây Angkor bị quân Thái xâm chiếm, hoàng gia Khmer trong khi lo hối hả chạy nạn đã lỡ lầm bỏ quên không dẫn theo đoàn vũ công cung đình, để họ ở lại bơ vơ nơi một khu riêng biệt. Tất cả bọn họ đều rơi vào tay quân xâm lược và bị mang về kinh đô Ayuthia cùng với vô số đồ quí giá khác. Ở đây họ du nhập vào đất nước này điệu múa truyền thống Khmer và trở nên vũ công cung đình cho bao triều đại về sau. Apsaras trở thành điệu múa của Thái từ đó.
Anna Leonowens trong thời gian lưu lại ở hoàng gia Thái vào thế kỷ thứ 19 đã từng nhiều lần được xem những điệu vũ apsaras mà bà miêu tả các vũ công với những động tác uốn cong cánh tay, bàn tay mềm như cành liễu, một động tác tưởng chừng như con người bình thường như chúng ta không thể nào làm được. Thân hình họ lắc lư mềm mại như những chiếc lá lay động nhè nhẹ trong cơn gió thoảng. Bà còn thêm rằng “Mắt họ lung linh sáng như tỏa ra từ bên trong…” Anna cho đây là một phép lạ của nghệ thuật.
Trong các đền, những apsaras được tạc ở các hốc tường, bên cửa sổ, với trang trí khung viền tuyệt mỹ bằng các hoa văn hình cánh hoa. Apsaras biểu tượng cho sự tuyệt đỉnh của nền nghệ thuật Khmer về vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ, chúng mang hình ảnh quyến rũ có tính cách tôn giáo cung đình mà phần quan trọng nhất của nét duyên dáng ấy là những đường nét tinh vi nơi y phục, đồ trang sức, lẫn cách bới chải mái tóc. Đường nét thật phong phú nếu không muốn nói là khác biệt nhau nữa. Tuồng như nét lịch lãm cao tuyệt nhất của nghệ thuật Khmer được biểu hiện nơi các đường cong đi xuống, lượn hẳn ra ngoài thân thể. Váy dài, khăn choàng cổ, cho đến những lọn tóc bới dài kiểu dáng tỉ mỉ, thảy đều tuân theo qui ước ấy. Một số apsaras mang đồ trang sức, những vương miện chóp cao mà tóc của các nàng được đánh lên đến cả chục lọn tạo thành một vòng quanh đầu.

Nàng apsara ngày nay y phục trùm kín từ đầu đến chân, không để ngực trần như thời Angkor. (Hình: Colnav Nguyen)
Từ trên những bức tường bằng sa thạch nơi các ngôi đền ở khắp Angkor, các nàng apsaras vẫn đứng đó mĩm cười như mãi mãi mua vui các đấng thần linh. Các nàng bị hư hại nhiều bởi thời gian, bởi chiến tranh và bởi những hành động phá hoại do những kẻ thiếu ý thức. Tại Angkor Wat có đến 1700 phù điêu tạc hình các nàng apsaras, và hằng ngàn bức nữa ở các đền khác ở Angkor. Mong sao nhân loại có được một phương cách hữu hiệu để giữ cho các tượng apsaras ấy khỏi bị thất thoát thêm, và làm sao để bảo tồn vẽ đẹp của các nàng nói riêng cũng như của Angkor, một kỳ quan của nhân loại nói chung được tồn tại dài lâu, không bị ảnh hưởng bởi những xáo động chính trị, thời cuộc của toàn cầu.
Tài liệu tham khảo :
- Ancient Angkor by Michael Freeman & Claude Jacques
- Angkor by Malcolm MacDonald
- The Khmers of Cambodia, the Story of a Mysterious People by I. G. Edmonds
- A Short History of Cambodia by Martin F. Herz
- A Guide to the Angkor Monuments by Maurice Glaize
- Angkor, an Introduction by George Coedès
- The Art of Southeast Asia by Philip Rawson
- National Geographic of May 1982, Aug 2000, Oct 1964.
Ngoài ra trong kỳ này, bài cũng được tham khảo thêm từ mạng lưới internet:
- Was the First Urban Sprawl Medieval City of Angkor? StarTribune.com
- Vastness of Medieval City of Angkor Is Uncovered. SFGate.com
- The Ancient Metropolis of Angkor. Planetizen.com
- Ruins of Giant City Found around Angkor Temples. Spiegel Online
- Angkor Wat Was a City ahead of Its Time. Los Angeles Times
- Angkor Wat as Big as Los Angeles. Harekrsna.com
Nguồn bài đăng
hay đầy đủ toàn diện về một khúc của lịch sử Campuchia!
ThíchThích
Xét về tầm cỡ thì Đại Việt ta không có một công trình nào quy mô như Angkor!
ThíchThích
Bài viết quá giá trị
ThíchThích
Tuyệt vời
ThíchThích