Tình bạn lớn giữa đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Huy Cận

Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân ngày 2/9/1945 (Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thứ nhất hàng đầu, từ trái sang; Bộ trưởng không bộ Cù Huy Cận thứ nhất hàng trên cùng, từ phải sang).

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Mọi người đều biết đến tình bạn lớn giữa Cha tôi, nhà thơ Huy Cận và Nhà thơ Xuân Diệu, bác ruột và cha nuôi tôi. Thế nhưng cha tôi còn có một tình bạn lớn khác, đó là tình bạn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lần đầu tiên Cha tôi và Võ Nguyên Giáp gặp mặt nhau là tại Quốc Dân Đại hội họp ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào ở Tuyên Quang. Đại hội này có trọng trách bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Cả hai ông đều là thành viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam gôm 16 người với Hồ Chí Minh làm Chủ tịch do Đại hội bầu ra. Thực ra trước đó Võ Nguyên Giáp, cũng như Tổng bí thư Trường Chinh và nhiều nhà lãnh đạo khác của Đảng cộng sản Đông Dương đã biết đến cha tôi với tư cách một kiện tướng của Thơ Mới.

Tiếp đó, Cha tôi và Võ Nguyên Giáp trở thành hai trong số 13 bộ trưởng đầu tiên của Chính phủ Khai Quốc – Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Công hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 2/9/1945, với tư cách Bộ trưởng không bộ, Cha tôi cùng Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký Tuyên ngôn Độc lập cùng Hồ Chí Minh và các vị bộ trưởng khác. Khi đó Võ Nguyên Giáp 34 tuổi còn cha tôi 26.

Cha tôi kể: “Sau khi tuyên bố Độc lập và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ đóng tại Bắc Bộ Phủ. Lúc đó Chính phủ phải đối phó với sự lật đổ cả từ phía các đảng phái thân Tàu là “Việt Quốc” và “Việt Cách” lẫn thực dân Pháp đang trở lại hòng biến Việt Nam thành thuộc địa của chúng một lần nữa. Tình hình vô cũng căng thẳng nên Bác (Chủ tịch Hồ Chí Minh) cử ra một tổ “trực chiến” của Chính phủ gồm ba người: Võ Nguyên Giáp, Cù Huy Cận và Hoàng Hữu Nam. Tầng trên Bắc Bộ Phủ là nơi Bác làm việc. Bố cũng làm việc trên đó. Công việc căng thẳng, cả ngày lẫn đêm. Nhiều lần Bác bảo bố ở lại, ngủ cùng giường với Bác để sáng hôm sau kịp “trực chiến”. Tầng dưới là nơi Võ Nguyên Giáp làm việc, cũng là trụ sở của Bộ Nội Vụ.”

Tiếp đó, Cha tôi và Võ Nguyên Giáp tham dự Hội nghị trù bị họp từ ngày 19/4 đến ngày 11/5/1946 tại Đà Lạt, hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau tại Pháp nhằm cụ thể hóa Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 6/3/1946.

Trong bài “Tham gia hội nghị trù bị Đà Lạt”, Huy Cận viết: “Mở đầu, hai trưởng đoàn, ông Nguyễn Tường Tam và Max André nói lời khai mạc. Vào cuộc là vấn đề Nam Bộ đầy sôi nổi, căng thẳng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp phát biểu mạnh mẽ, khẳng định Nam kỳ là bộ phận không thể chia tách của Việt Nam.

“Máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”; có lúc quá xúc động, anh ràn rụa nước mắt, cả hội nghị im lặng, tôn trọng tình cảm của anh. Trong lúc giải lao, Mesmer (chính trị gia người Pháp – PV) đến bắt tay anh Giáp tỏ vẻ khâm phục và nói: “Lúc nãy tôi muốn đứng về phía anh”. Anh Hoàng Xuân Hãn và các anh khác trong đoàn ta nói bồi thêm về lập trường “Nam bộ là đất Việt Nam”.

Cha tôi cũng nhớ lại: “Phái đoàn ta ở Khách sạn Lang Biang nằm trên một đồi nhỏ, ngoảnh mặt xuống một cái hồ rộng yên tĩnh, có những hàng cây bao quanh. Bố cùng bác Văn (bí danh của Võ Nguyên Giáp) được bố trí ở cùng một buồng để tiện bàn công việc. Đêm cuối của Hội nghị (ngày 10/5/1946), thấy bác Văn thao thức mãi. Cũng đúng thôi, vì Hội nghị đã không cho thấy triển vọng hòa bình, nghĩa là công tác chuẩn bị kháng chiến chống Pháp tái xâm lược sẽ phải ráo riết hơn bao giờ hết.”

Ban chỉ đạo Binh dân học vụ 1945 với sự tham gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố vấn Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại). Bộ trưởng Canh Nông Cù Huy Cận (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang), Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp, hàng đầu, thứ tư từ phải sang).

 

Trước khi đi Pháp với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao quyền Chủ tịch Chính phủ cho Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đồng thời giao Cha tôi lúc đó là Thường trực Bộ Nội vụ giúp Cụ Huỳnh thực hiện trọng trách này. Chính với cương vị đó, Cha tôi đã phối hợp với Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp để dẹp tan âm mưu đảo chính của Việt Nam Quốc Dân Đảng vào tháng 7/1946. Cũng chính trong vụ trấn áp phản cách mạng này, Cha tôi đã bàn với Võ Nguyên Giáp chừa đường sống cho nhà văn Khái Hưng, một lãnh đạo đồng thời phụ trách tuyên truyền của Quốc Dân Đảng nhưng cũng là bạn của cả hai ông. Khái Hưng và Võ Nguyên Giáp từng cùng dạy tại Trường tư thục Thăng Long do Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng. Tác giả của “Hồn bướm mơ tiên” cũng là bạn văn chương chí thiết của đôi bạn Xuân Diệu – Huy Cận trong khuôn khổ Tự Lực Văn Đoàn.

Tại Lục Rã, chân đèo Re (De), Sơn Dương, Tuyên Quang, ngày 28/5/1947, Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao quân hàm Đại tướng cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hàng đầu, thứ ba từ trái sang. Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ Cù Huy Cận hàng sau, giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

 

Mẹ tôi, Bác sĩ Ngô Thị Xuân Như, em ruột nhà thơ Xuân Diệu, luôn giữ kỷ niệm đẹp đẽ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kể rằng chính Đại tướng đã nhường căn nhà của Đại tướng ở Chiến khu Việt Bắc cho Cha tôi, khi đó là Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ, và bà để ở khi hai người mới thành hôn vào giữa năm 1950.

Vẫn theo lời Cha tôi kể, ở Chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch và các thành viên Chính phủ đều đi công tác bằng ngựa. Một lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến một con suối thì thấy Huy Cận đang dừng chân ở bờ bên kia. Một số anh em trong đoàn đề nghị Đại tướng cứ cưỡi ngựa mà qua. Thế nhưng Võ Nguyên Giáp đã không làm vậy. Ông xuống ngựa, xắn quần lội suối sang gặp Huy Cận.

Ngoài một thiên tài quân sự, Võ Nguyên Giáp còn là một trí thức lớn, có một tình yêu lớn đối với văn học – nghệ thuật. Ông thuộc nhiều thơ của Cha tôi, biết chơi đàn piano, thưởng thức hội họa (mà tôi là một chứng nhân)… Do đó, sự trân quý nhau giữa Huy Cận và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hình thành không chỉ trong quá trình làm việc chung với tư cách thành viên Chính phủ, đặc biệt trong giai đoạn chính quyền còn trứng nước, mà còn qua chia sẻ cảm thụ văn hóa. Thỉnh thoảng làm được bài thơ tâm đắc, Cha tôi lại đọc cho Đại tướng nghe, nhiều lúc vào buổi đêm và qua điện thoại.

Rồi tại lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I tại Phủ Chủ tịch ngày 30/11/1996, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến chúc mừng Cha tôi với tư cách là một trong những người được nhận giải thưởng cao quý đó.

Huy Cận luôn dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp một sự kính trọng đặc biệt. Không dưới một lần Cha tôi nói với tôi và người thân trong gia đình: “Võ Nguyên Giáp là Đại Tướng – Đại Tài, rất xứng đáng được phong Nguyên soái, rất xứng đáng làm Chủ tịch nước.” Trong một lần đến thăm Đại tướng cùng vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tôi đã thuật lại với ông những nhận định này của Cha tôi. Võ Nguyên Giáp liền nói: “Huy Cận với mình là bạn thân mà!”

Nhà thơ Huy Cận và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt I tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, ngày 30/11/1996

 

Vào những năm 1980 khi tôi học bên Pháp với tư cách cán bộ Bộ Ngoại giao, Cha tôi đã mua và tặng tôi sách “Giap” của nhà sử học Pháp Georges Boudarel với bìa in ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp giơ nắm đấm. Ông nói: “Pháp là một đất nước vĩ đại về nhiều mặt, nhất là về văn học và pháp luật. Cho nên con phải cố gắng mà học ở nước Pháp đặc biệt trong hai lĩnh vực này  Nhưng Pháp cũng là một đế quốc thực dân đã đô hộ nước ta. Cùng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh sập đế quốc thực dân này trong trận Điện Biên Phủ. Con hãy đọc cuốn sách này để nắm chắc hơn nữa lịch sử đấu tranh vì nền Độc lập của nước nhà.”

Huy Cận và Võ Nguyên Giáp còn chia sẻ với nhau những buồn vui của gia đình mình. Tôi còn nhớ một tối Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho Cha tôi báo Nhà văn Đặng Thái Mai, thân phụ bà Đặng Bích Hà vợ ông, đang hấp hối. Ngay sau đó, Đại tướng cùng Trung tướng Hồng Cư, người anh em cọc chèo của ông, đi xe đến nhà tôi để đón Cha tôi cùng vào bệnh viện để chào nhạc phụ của ông lần cuối.

Khi Cha tôi mất vào ngày 19 tháng 2 năm 2005, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất xúc động. Do tuổi cao, sức yếu nên ông đã không thể trực tiếp đến viếng Cha tôi. Ông đã viết một bức thư và nhờ bà Hà và con gái là Võ Hồng Anh trao tận tay gia đình tôi tại lễ tang của Cha tôi. Nội dung thư như sau:

“Anh Cận ơi. Sao anh ra đi đột ngột thế? Anh còn nhớ lần đầu chúng ta quen nhau là ở Tân Trào, vào những ngày Đại hội Toàn quốc.

Lúc bấy giờ, anh đã là nhà thơ lớn, anh là người rất sớm đã tác động phong trào Thơ mới, và cũng rất sớm hướng phong trào về con đường cách mạng. Từ đó, những bài thơ của Huy Cận nở rộ liên tục, kết hợp lãng mạn với hào hùng. Và cứ thế nở rộ liên tục, nhất là từ những lúc đất nước ngày càng đổi mới. Huy Cận là nhà thơ của những mối tình lớn và của những chiến công lớn.

Mặc dù tôi không phụ trách lĩnh vực văn hóa, nhưng quan hệ giữa anh với tôi vẫn luôn gần gũi, thân mật. Tôi còn nhớ, hôm ấy cùng nhau trở lại Tân Trào, làm cùng nhau hai câu thơ, mỗi người làm một câu:

Xuất phát về Nam mới độ nào

Hôm nay cùng trở lại Tân Trào

Tôi muốn nói: Huy Cận không những là một nhà thơ lớn, Huy Cận là một đảng viên trung kiên. Do vậy, tình bạn giữa tôi và Huy Cận thật là sâu đậm.

Anh Cận ơi. Anh ra đi, nhưng khối lượng “Thơ Huy Cận” vẫn còn đó. Với đồng chí, với bạn bè, với nhân dân. Trong giờ phút đau thương vô hạn, tôi xin có lời chia buồn với gia đình anh, những người thân thuộc của anh, và đồng thời chia buồn với các bạn thơ của anh.

Chúc anh an giấc ngàn thu.

Nhớ anh mãi”.

Xuân Ất Dậu 2005

Người bạn thân tình của anh.

Ký tên Võ Nguyên Giáp

Chắc chắn rằng Cha tôi, Huy Cận, là một trong những người hạnh phúc nhất thế gian bởi trong đời ông đã có được Hai Tình Bạn Lớn của hai nhân vật hàng đầu của Lịch sử Việt Nam hiện đại: “Ông Hoàng Thơ Tình” Xuân Diệu và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

C.H.H.V

18/4/2024

Garden Grove, California, Hoa Kỳ

 

Bình luận về bài viết này