Henri Rieunier thúc đẩy xâm chiếm Nam Kỳ

1

Nguyễn Hoạt

          Người Âu châu sang buôn bán ở Á châu từ lâu đời, và được biết khi Marco Polo tả lại trong cuộc hành trình của ông trên con đường tơ lụa.Sau khi Magellan đi thám hiểm vòng quanh thế giới năm 1592, người Bồ-đào-nha,người Tây-ban-nha  người Hòa-lan mới sang Á đông lấy đất thuộc-địa và mở cửa hàng buôn-bán.

Người Âu châu sang buôn-bán ở nước ta, thì có người Bồ-đào-nha đến ở xứ Nam trước hết cả, mở cửa hàng ở phố Hội-an .Sách của  Maybon và Russier có chép rằng năm giáp-dần (1614) đời chúa Sãi đã có người Bồ-đào-nha tên là Jean de la Croix đến lập lò đúc súng ở đất Thuận-hóa, mà bây giờ ở Huế người ta còn gọi chỗ ấy là Phường-đúc. Người Pháp thì từ năm canh-thân (1680) đã có tàu vào xin mở cửa hàng ở Phố-hiến.Ở nước Nam ta từ khi đã có người Âu sang buôn bán, thì tất là có giáo-sĩ sang truyền đạo.

Theo Khâm-định Việt-sử, thì từ năm Nguyên-hòa nguyên-niên  đời vua Trang-tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I-nê-khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên-chúa ở làng Ninh-cường, làng Quần-anh, thuộc huyện Nam-chân ( tức là Nam-trực ) và ở làng Trà-lũ, thuộc huyện Giao-thủy. Nam-sử của Trương vĩnh Ký chép rằng năm bính-thân (1596) đời Nguyễn Hoàng có người giáo-sĩ Tây-ban-nha tên là Diego Adverte vào giảng đạo ở trong Nam trước hết cả. Nhưng lúc bấy giờ lại có mấy chiếc tàu Tây-ban-nha cùng đến, chúa Nguyễn sợ có ý quấy-nhiễu gì chăng, bèn đuổi đi.

Nước ta tự xưa đến nay vẫn theo Nho-giáo, lấy sự thờ cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế-tự thần-thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng-tế làm một việc rất quan-trọng. Đột-nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên-chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tả đạo, làm hủy-hoại cả cái phong-hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không tuân theo chỉ-dụ ấy. [1]

Đến đời vua Thiệu trị và Tự Đức thì việc cấm đạo tử nên gắt gao, các giáo sĩ và giáo dân phải bị hành hình.

Sau cuộc cách mạng kỹ thuật, các cường quốc Âu Châu tranh nhau đi tìm thuộc địa có thị trường tiêu thụ và nguyên liệu.Trước tiên  là Tây ban  nha, Bồ đào Nha, Hoà Lan, rồi đến Anh,Pháp.Về châu Á, hai nước này nhắm thị trường béo bở Trung hoa, đất rộng, dân đông nhưng triều đình hèn yếu, hủ lậu, tự mãn cho là trung tâm văn minh và không am hiểu tình hình của thế giới.

Đã từ lâu, người Pháp biết việc giết hại giáo sĩ ở Đại nam, xong chưa có vua nào nghĩ đến việc can thiệp.Năm 1831,vua Louis Philippe cho đặt lãnh sự quán ở Manille bên Phi luật Tân thuộc Tây ban Nha. Năm 1839, tổng lãnh sự là Adolphe Barrot cai quản tất cả các biển Trung quốc nhiều lần dâng tờ trình về chính phủ xin lưu ý đến việc thương mãi ở vùng Á châu này và đòi nước Pháp phải có một vị trí ở đó để lợi dụng sự tranh chấp lúc đó giữa Anh quốc và Hòa Lan.Từ năm 1840, Pháp gứi nhiều chiến hạm túc trực ở  biển Trung quốc, Macao, Hồng kông,Manille, Batavia, Singapour.[2]

Kể từ khoảng 1840 trở đi, dân chúng đòi hỏi chính-phủ Pháp phải can thiệp về mặt quân-sự tại Việt-Nam để giúp cho sự truyền bá đạo Thiên-Chúa; Hội Ngoại-quốc truyền-giáo  cho phổ biến các tin tức về sự ngược đải do các cố đạo từ Việt-Nam gửi về Pháp.Thái độ khiêu khích của các giáo-sĩ và các sĩ-quan hải quân Pháp đã làm mất tất cả mọi cơ hội hòa giải giữa Việt-Nam và Pháp: vua Thiệu-Trị ra lệnh xử tử ngay tại chỗ những người Âu bắt được trên lãnh-thổ Việt-Nam.

Chiến-tranh Nha-phiến mở rộng thị-trường Trung-Hoa cho nền thương-mãi Tây-phương, và người Pháp cũng được quyền buôn bán tại các thương-khẩu Trung-Hoa kể từ 1844 trở đi. Chính phủ Pháp mới thấy cần có một căn cứ trong miền Nam-Hải để làm điểm dựa cho thuyền bè Pháp trên các đường biển miền Thái-bình-dương.      Năm 1844, ngọai trưởng Guizot phái tướng Cécille và đặc-sứ Lagrenée sang Trung-Quốc, các vị này được giao phó sứ-mệnh tối mật là tìm cho Pháp một căn cứ ở Á-Ðông sẽ hiến cho nước Pháp những lợi ích chiến-thuật và thương-mãi giống như căn-cứ Tân-Gia-Ba của Anh hay Macao của Bồ-Ðào-Nha. Nhưng, vì không muốn gây rắc rối với Anh-Quốc, Guizot chỉ thị cho Cécille là không được động tới Việt-Nam.

Napoléon III nhờ thời cơ lên làm tổng thống rồi tiếm ngôi hoàng đế lập ra đệ nhị đế chế, với sự ủng hộ của các đảng phái bảo thủ, nhất là phái công giáo,đòi hỏi Napoléon III phải  đứng ra bảo vệ quyền lợi của đạo Thiên-chúa ở Trung-Hoa cũng như ở Việt-Nam.Để thoả mãn các đòi hỏi này và các tham vọng thực dân của đế-chính, Napoléon III cũng muốn tìm thị trường tiêu thụ cho các kỹ-nghệ Pháp đương phát triển, và tìm những chiến thắng để tăng uy tín với dân chúng Pháp,sự can thiệp bằng vũ-lực ở Việt-Nam sẽ làm hài lòng quân đội.

Năm 1851,có mấy giáo sĩ Pháp và Tây ban Nha bị giết, làm cho dư luận dân chúng Pháp náo động lên.

Năm 1856, chính-phủ nước Pháp sai ông Leheur de Ville-sur-Arc, đem chiến-thuyền Catinat  vào Đà-nẵng rồi cho người đem thư lên trách Triều-đình Huế về việc giết giáo sĩ và giáo dân. Sau thấy quan ta  không trả lời, quân  Pháp bèn bắn phá các đồn-lũy ở Đà-nẵng, rồi bỏ đi.[3]

Đây chỉ là một chuyến đi dọn đường sẵn cho cuộc can thiệp vũ trang khi đánh xong Trung Quốc.

Sau đó Pháp cho ông Montigny sang, để điều-đình mọi việc.Trước khi Montigny đến Đà Nẵng một tháng, Bộ trưởng Hải quân Pháp là Hamelin đã tiếp viện thêm cho hạm đội Pháp ở Thái bình Dương và  Ngoại trưởng Pháp là Walewski cũng đã ra lệnh cho Phó Đô đốc Rigault de Genouilly, lúc đó đang chỉ huy hạm đội Pháp tham gia cuộc tấn công Trung Quốc, sau khi bắn phá và chiếm cứ xong Quảng Châu phải đem quân xuống đánh Đại Nam .

Montigny đến Đà-nẵng, rồi đưa thư xin cho người nước Pháp được tự-do vào thông thương, đặt lãnh sự ở Huế, buôn-bán ở Đà-nẵng, và cho giáo-sĩ được tự-do đi giảng đạo.Triều-đình Huế bác bỏ những điều kiện này. Montigny đưa giáo sĩ Pellerin về Pháp yêu cầu Napoleon III cử binh sang Đại Nam để bênh vực những người theo đạo.Pellerin kêu gọi Napoleon III đưa quân sang xâm lược Việt Nam và ông sẽ làm người dẫn đường cho quân Pháp. Hội truyền giáo ngoại quốc ở Paris ủng hộ cuộc vận động của Pellerin

Năm sau, dưới sự thúc đẩy của nhóm công giáo cùng với hoàng hậu Eugénie và nhân việc có giáo sĩ  Tây ban Nha bị giết, Pháp hoàng mới quyết định liên minh với Tây ban Nha sai  đem binh-thuyền sang đánh nước ta.

Ngày 22 tháng 4 năm 1857, Napoleon III quyết định lập ra Hội đồng Nam Kì để xét lại Hiệp ước Versailles đã được ký kết năm 1787 giữa Bá Đa Lộc, đại diện cho Nguyễn Ánh và Montmorin, đại diện cho vua Louis XVI.Âm mưu của Pháp lúc đó là muốn dựa vào Hiệp ước Versailles để chính thức hoá việc xâm  chiếm Đại Nam.

Năm 1858, Đô đốc Rigault de Genouilly đem 14 chiếc tàu Pháp và Tây Ban Nha, chở hơn 3.000 liên quân  vào cửa Đà-nẵng, bắn phá các đồn lũy, rồi lên hạ thành An-hải và thành Tôn-hải.    Triều đình Huế cử Nguyễn tri Phương đắp lũy chống cự làm quân Pháp tiến sâu không được.

Tướng Rigault de Genouilly thấy đánh Huế chưa được, bèn đưa quân vào đánh Gia-định là một nơi dễ lấy, và là đất giàu-có, nhiều thóc-gạo của Việt Nam.Năm 1859   Trung-tướng giao cho đại-tá Toyon ở lại giữ các đồn tại Đà-nẵng, rồi đem binh-thuyền đem vào Nam-kỳ. Thành Gia Định thất thủ, đô đốcVũ duy Ninh tự tận. De Genouilly muốn giảng-hòa, nhưng mà Triều-đình cứ để lôi thôi mãi, người thì bàn hòa, kẻ thì bàn đánh, thành ra không xong việc gì cả. Quân Pháp ở Đà-nẵng không quen thủy thổ bị bệnh-tật dịch hạch, kiết lỵ, phù thủng.., Rigault de Genouilly phải về Pháp nghỉ.

Năm 1859, thiếu-tướng Page sang thay,  cho người đưa thư  xin  như những điều của ông Montigny đã bàn năm trước. Nhưng lúc bấy giờ ở trong Triều không ai hiểu chính-sách ngoại-giao mà chủ-trương việc ấy, làm mất cơ hội hòa giải.

Năm sau, tướng Page quyết định như sau: Xét rằng xứ Nam rất quan trọng cho việc buôn bán của Âu châu, nhưng họ không chịu giao thiệp với người phương tây, người Mã lai và người vùng biển Nam hải chờ mong việc mở cửa của Nam kỳ để mua lúa gạo cần thiết cho  họ, việc mở cửa một cảng ở vùng này của nước Nam có thể  nhanh chóng gây ra  chiến tranh. Sự ngoan cố của triều đình nước Nam từ chối không giao thiệp với người Âu và sự ngược đải công giáo bắt buộc nước Pháp phải tuyên chiến với vua Nam, vì thế tôi quyết định rằng sông Sài gòn từ Cap saint Jacques đến thành phố  Sài gòn mở cửa cho các thương thuyền của các nước liên hệ́ với Pháp, dưới sự che chở của chính quyền Pháp…[4]

Năm 1860,chính-phủ Pháp khi đó muốn rút quân ra khỏi Việt-Nam, nhưng Rigault de Genouilly trở về Paris biện hộ cho sự duy trì của quân Pháp tại Saigon. Bộ trưởng Hải-quân Pháp, Chasseloup-Laubat, cho rằng Saigon có thể trở thành một căn-cứ hữu dụng của Pháp ở Viễn-Ðông. Vì thế, sau khi hòa-ước Bắc-Kinh được ký với chính-phủ Trung-Hoa ngày 25/10/1860,đô-đốc Charner là tư-lệnh hải-quân Pháp,  được lệnh đem  70 chiến hạm và 3.500 binh lính tới miền Nam Việt-Nam để củng cố sự chiếm cứ của Pháp. Năm 1861, quân Pháp chiếm đồn Kỳ-Hòa; Mỹ-Tho.và bắt đầu thiết lập một tổ-chức hành-chánh để cai trị.

Triều đình ở Huế được tin quan quân thất thủ đại đồn Kỳ Hòa, và thành Mỹ Tho cũng thất thủ rồi, sai quan thượng thư Hộ bộ là Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai đại thần vào kinh lý việc Nam kỳ. Nguyễn Bá Nghi biết thế chống không nổi với quân Pháp, dâng sớ về xin giảng hòa. Nhưng ở trong triều lúc bấy giờ có bọn Trương Đăng Quế không chịu, bắt phải tìm kế chống giữ.

Charner đã yêu cầu triều-đình Huế chấp thuận những điều kiện để nghị hòa: tự-do tín-ngưỡng cho giáo-dân Việt-Nam, nhà Nguyễn phải nhường cho Pháp hai tỉnh Gia-Định và Định-Tường, tự do đi lại và tự do buôn bán cho người Âu-châu ở Việt-Nam. Nhưng vua Tự-Đức chỉ chấp nhận có điều kiện đầu mà thôi và truyền hịch kêu gọi toàn dân chống lại quân Pháp trong những địa-hạt đã bị chiếm cứ; triều-đình hứa thưởng phẩm-hàm cho những ai tuyển mộ được dân quân để hưởng ứng lời kêu gọi của nhà vua. Quân kháng-chiến Việt lợi dụng việc quân Pháp không am hiểu địa thế nên đã nhanh chóng tổ chức chiến thuật  du kích do các quan yêu nước lãnh đạo như  Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Đạt, Lê Cao Dũng, Võ Di Nguy..

Để chống lại các du-kích quân này, đô-đốc Charner đã phải ra lệnh giải tán tất cả các đồn-điền , dùng quân lính Việt-Nam trong hàng ngũ quân-đội Pháp  giảm thuế cho năm 1861, thiết quân luật trong các vùng Pháp chiếm cứ. Lối đánh du-kích của quân kháng-chiến Việt làm cho quân Pháp rất khốn đốn.

Năm 1862, quân Pháp chiếm Biên-Hòa, Bà-Rịa và Vĩnh-Long, Nguyễn Trung Trực  đốt cháy tàu Espérance của Pháp. Các đồn Pháp ở Mỹ-Tho, Biên-Hòa hay Chợ-Lớn luôn luôn bị tấn công. Trong vòng ba năm rưỡi, thiệt hại của quân Pháp đã lên tới 2.000 người và tình thế của quân-đội viễn-chinh rất là bất ổn, yếu thế thì vua Tự Đức chấp thuận thương thuyết với  Pháp .Kinh-thành Huế  thiếu lương thực vì thóc gạo Nam-kỳ bị phong tỏa bởi quân Pháp.Lê Duy Phụng nổi loạn ,đã chiếm lấy các tỉnh miền Đông Bắc-kỳvà mong muốn được các giáo-sĩ Tây-Ban-Nha và cả quân Pháp giúp đỡ. Đô-đốc Bonard thay thế Charner do dự can thiệp vào Bắc-kỳ, vì ngại rằng Tây-ban-nha sẽ nhân cơ hội này mà xâm chiếm Bắc-kỳ, ông cũng ngại sự chống đối của dư-luận Pháp, đã không tán thành sự việc xảy ra ở Nam-kỳ.

Vua Tự-Đức, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, và đô-đốc Bonard cùng đại-tá Palanca, tư-lệnh quân Tây-ban-nha ký hòa ước Nhâm-tuất ngày 5/6/1862 gồm có 12 khoản chấp nhận yêu cầu của các đô đốc trước đây và về nhượng điạ thì “Ba tỉnh Biên-Hòa, Gia-Ðịnh và Định-Tường cùng đảo Côn-Lôn được chuyển nhượng cho Pháp với tất cả chủ quyền trên lãnh-thổ ấy”. Pháp chấp thuận trả tỉnh Vĩnh-Long lại cho nước Nam.

Vào năm 1863, vua Tự-Đức lại nghĩ đến chuyện chuộc lại ba tỉnh đã mất. Vua phái một sứ-bộ gồm Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản cùng 53 tùy-viên qua Pháp và Tây-Ban-Nha để điều đình.

Lúc bấy giờ, các vấn-đề quan trọng của người Pháp là việc thống nhất nước Ý và  cuộc viễn chinh của quân Pháp ở Mễ-tây-cơ tốn 210 triệu quan  trong số thiếu hụt của ngân sách lên đến 972  triệu quan, Vì thế dư luận Pháp chống đối mọi cuộc viễn chinh xa xôi . Năm 1862-1863 ,chính-phủ Pháp đã phải chi tiêu 42 triệu quan cho cuộc viễn chinh Nam-kỳ,cho nên vấn-đề Nam-kỳ không được chính giới chú ý cho lắm.

Xứ Nam-kỳ cũng không phải là mục tiêu chính của các nhà doanh-thương có uy thế ở Pháp. Tư bản của giới doanh-thương Pháp  chỉ chú trọng đến những biến cố có thể đe dọa hòa-bình Âu-châu mà thôi. Tuy nhiên, từ năm 1859/1860 đã có các doanh nhân như Roque và Larrieu lập ra các công ty hàng hải như Messageries de Cochinchine, Compagnie de navigation fluviale à vapeur , về sau  giới thương gia của các hải-cảng lớn của Pháp như Bordeaux và Marseille đã bắt đầu kinh doanh ở Nam-kỳ, các nhà buôn Delfin và Henry ở Bordeaux đã có thương điếm tại Saigon và vào đầu năm 1862 họ đệ trình Bộ-trưởng Hải quân một dự án khai thác xứ Nam-kỳ.[3]

Phần đông báo chí Pháp không triệt để ủng hộ sự chiếm cứ vĩnh viễn 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ.

Khi sứ đoàn Đại Nam tới Pháp, Ngoại-trưởng Pháp Drouyn de Lhuys cùng với Bộ-trưởng Hải-quân và Thuộc-Địa Chasseloup-Laubat đều không tán thành việc sửa đổi hiệp-ước 1862. Aubaret là một sĩ-quan hiểu rõ tình hình Việt-Nam đệ lên Napoléon III một bản điều-trần nêu rõ những sự khó khăn sẽ xảy ra nếu người Pháp cai trị trực tiếp 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ, và ông khuyên chính-phủ Pháp nên trả 3 tỉnh này, trừ một vài căn cứ như Saigon, Chợ-Lớn, Mỹ-Tho, Cap saint Jacques (Vũng Tàu), để đổi lấy sự bảo hộ của Pháp trên tất cả xứ Nam-kỳ.Napoléon III vì vấn đề tài chính  nên muốn thay đổi chính sách tại Việt-Nam.

Điều khoản trao trả 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ cho Triều đình Huế được chấp thuận, Pháp cử một phái đoàn do Aubaret cầm đầu đến Huế thương thuyết và  ký một hiệp ước chính-trị và một hiệp ước thương-mãi ngày 15/7/1864.

Khi Aubaret rời Huế thì nhận được lệnh của Paris là phải đình chỉ các cuộc thương thuyết. Tại Pháp, dư luận đã bắt đầu chống đối dự định tu chỉnh hòa ước 1862 kể từ tháng 2 năm 1862. Rieunier là một sĩ-quan Hải-quân đã tích cực cổ động chống lại dự định này .

Thông thạo tiếng Việt, quen biết Pétrus Ký và là tùy viên của tướng Rigault de Genouilly trong chiến dịch Trung quốc, Rieunier đã tham gia vào chiến cuộc ở  Đà-nẵng và đánh thành Gia Định năm 1859.Rieunier  làm sĩ quan phụ tá và giám đốc  sự vụ bản xứ trong bộ tham mưu của đô đốc Charner.Ông đã được phong làm phó quận trưởng quận Cái bè năm 1861. Năm 1887 vua Đồng Khánh thưởng kim khánh bằng vàng cho ông.

Sau  đó, ông tham dự vào việc ký hoà ước  Nhâm-tuất ngày 5/6/1862 và dự án tu chỉnh hoà ước này ở Huế  ngày 16/4/1863.Đây lả lần đàu tiên vua Tự Đức tiếp đón phái đoàn ngoại quốc.

Ngày 4/7/1863 Henri Rieunier hướng dẫn sứ đoàn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản sang Pháp để thương thuyết với Pháp hoàng Napoléon III về  dự án tu chỉnh hoà ước 1862.Ngày 7/11/1863 các sứ thần Việt được Pháp hoàng tiếp đón ở điện Tuilerie.[5]

Tháng 4 năm 1864, Rieunier dưới bút hiệu H. Abel công bố sách La Question de Cochinchine au point de vue desintérêts français (Quyền lợi người Pháp trong vấn đề Nam kỳ), trong đó ông trình bày rõ rệt các khía cạnh quân-sự và kinh-tế của vấn đề Nam-kỳ, sau đó ông viết thêm sách Solution pratique de la question de Cochinchine (Giải đáp thực tiễn cho vấn đề Nam kỳ) [6]. Các sách này được gừi đến các bộ trưởng, thống chế, đô đốc,thượng nghị sĩ, nghị sĩ, viên chức cao cấp, cảc cơ quan, công sở…có nhiều thế lực về vấn đề.Các báo chí như  l’Union, de la Gazette de France, du Monde, du Constitutionnel, du Temps, de la Gazette du Midi dành nhiều ưu ái cho các sách này.

Lúc đó  một phái thuộc-địa thành lập gồm có các sĩ-quan Hải-quân xung quanh các đô-đốc Rigault de Genouilly, Charner và Bonard, các dân biểu đại diện cho giới kinh-doanh của các hải-cảng. Áp lực của phái thuộc-địa này cùng với quyển sách của Rieunier đã góp phần vào sự thay đổi thái độ của các lãnh tụ chính-trị Pháp đối với xứ Nam-kỳ. Ngày 18/5/1864, trong một phiên nhóm của Quốc-hội Pháp, dân-biểu tỉnh Bordeaux là Arman đã nhắc đến tác phẩm của Rieunier để đòi hỏi chính-phủ Pháp phải triệu hồi ngay phái-bộ Aubaret.

Ngày 4/11/1864,  Chasseloup-Laubat đệ trình lên Napoléon III một bản kiến nghị phải giữ ba tỉnh miền đông Nam kỳ theo hiệp ước của Bonard. Ngày 10 tháng 11 thì chính phủ thông báo bác bỏ hiệp-ước Aubaret.

Nguyên nhân chính của sự trở mặt của chính-phủ Pháp là  nguyên nhân kinh-tế. Một sĩ-quan hải-quân khác, Francis Garnier,  cho xuất bản một quyển sách nhan đề La Cochinchine française en 1864, để nói lên những lợi ích kinh-tế mà xứ Nam-kỳ có thể cung cấp cho nước Pháp. Báo chí Paris đã dùng lý lẽ của H. Rieunier và F. Garnier để biện minh cho vai trò quan trọng về mặt kinh-tế và chính-trị của một thuộc-địa Pháp ở Viễn-Đông : Saigon nằm giữa Tân-gia-ba và Hương-Cảng, hàng hóa có thể được chuyên chở tới thương-cảng này  dễ dàng nhờ đường thủy thuận tiện; tuy nhiên, muốn phát triển  thương-mãi, Pháp phải kiểm soát tất cả xứ Nam-kỳ chứ không phải vài căn cứ mà thôi, thì các thương-gia sẽ không dám đầu tư ở đây..

Ngày 20/1/1865, đô-đốc La Grandière thông báo quyết định của chính-phủ Pháp không phê chuẩn hiệp-ước Aubaret cho triều-đình Huế biết. Ngày 1/4/1865, đô-đốc Roze tuyên bố rằng: Nam-kỳ sẽ là thuộc địa của Pháp vĩnh viễn, chính-phủ của hoàng-đế đã tuyên bố như vậy.

Hiệp-ước Aubaret thất bại đã đem một tình trạng khó khăn lại cho Việt-Nam. Từ khi ấy trở đi, chính-phủ Pháp quen thói coi mọi nhượng-bộ của triều-đình Huế như là dấu hiệu của sự nhu nhược, và nếu triều-đình Huế cự tuyệt các yêu sách của người Pháp, chính-phủ Pháp cho là triều-đình Huế không có thực tâm. Trong khoảng thời-gian 1862-1864, chính-phủ Pháp do dự không biết nên giữ lại hay giao trả 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ cho chính-phủ Việt-Nam; từ đó, người Pháp chỉ nghĩ đến việc sự chiếm cứ toàn bộ Nam-kỳ.

Một trong những nguyên nhân thất bại chính của nhà Nguyễn là  quân đội suy sút do vấn đề tài chính và quá lạc hậu.Triều đình quá trọng văn khinh võ không chấp nhận cải cách canh tân như Nhật Bản.      Các vua Gia Long và Minh Mạng thường lấy Tây phương  làm kiểu mẫu cho việc tổ chức quân đội.Thời Tự Đức,việc giảng dạy binh pháp không theo sách vở phương Tây, vũ khí  được đổi mới gần như không có việc bảo trì cũng kém, binh lính không được huấn luyện tinh nhuệ̣ và tinh thần chiến đấu không cao .Về thuỷ quân, không tàu hơi nước nào được đóng, thậm chí không đủ khả năng bảo vệ bờ biển chống hải tặc. Việc không canh tân theo khoa học phương Tây quân sự thời Tự Đức bị lạc hậu nhiều.

Về triều đình Huế và những đại thần cầm vận mạng của quốc gia, Phan bội Châu phê phán trong Việt nam vong quốc sử :….người Việt Nam ta lúc bấy giờ lại có thái độ tự mãn “ôm vàng vác mặt”, ngồi đáy giếng chẳng biết có trời rộng mênh mang. Văn hóa cũng như quân sự đã hèn kém mà ngày càng thêm sa sút; lại thêm quan niệm hủ chấp chính giáo, mỗi việc đều chỉ biết mô phỏng theo các triều đại Minh, Thanh…

            Điều đáng chê trách hơn nữa là những người có trách nhiệm về vận mạng quốc gia lúc bấy giờ lại còn ra mặt coi rẻ nhân dân, xem thường dư luận. Mọi việc có quan hệ đến đường lối quốc gia, người dân chẳng được hay biết mảy may, chỉ đứng ngoài mà ta thán.

            …..Dần dà đến năm Tự Đức nguyên niên , Pháp thấy rõ Việt Nam chỉ là một quốc gia hèn kém về chính giáo, dân quyền ngày càng bị tước đoạt, nhân dân ấm ức bất mãn; đúng là triệu chứng báo hiệu thời kỳ bại vong.

            Vua Tự Đức không quyết đoán và không biết rõ về tình hình bên ngoài,mọi việc quan trọng giao cho bọn Trương Đăng  Quế, Nguyễn Đăng Giai nghị luận nên bỏ qua các cơ hội hòa giải mà Pháp đã đề nghị để làm mất đất Nam kỳ và Pháp đô hộ Việt Nam một trăm năm.

Việc Pháp xâm lược Việt Nam thì khó tránh được vì nước ta không có ngoại giao mềm dẻo ̣như nước Xiêm la giữa Pháp và Anh. Vả lại hải quân Pháp cạnh tranh với hài quân Anh,tìm cách chiếm một vị trí ở mỗi địa lục để kiểm soát các vùng biển trên thế giới nhằm phát triển thương mại của họ.Cho nên việc truyền đạo chỉ là cái cớ đề can thiệp bằng vũ lực của quân đội mà thôi.


Tham khảo

[1]- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Bộ giáo dục-Trung tâm họcliệu

[2]- Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử,1961

[3]-Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ,Nxb Văn học

[4]-MGT, L’Indochine ,fleuron asiatique de l’empire colonial français

[5]-Hervé Bernard, Henri Rieunier et la conquête de la Cochinchine

[6]-H.Abel, La Question de Cochinchine au point de vue desintérêts français, Nxb Challamel Ainé,1863 – Solution pratique de la question de Cochinchine,1864

One thought on “Henri Rieunier thúc đẩy xâm chiếm Nam Kỳ

  1. Chuyện này cũng được ông Hồ Chí Minh đánh giá trong bài thơ Lịch sử nước ta từ trước CMT8:
    “Vậy mà vua chúa triều đình,
    Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoan.
    Nay ta nước mất nhà tan
    Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn.”

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s