PHẦN 3
ĐI TÌM NGUỒN GỐC CÂU “PHAN LÂM MÃI QUỐC, TRIỀU ĐÌNH KHÍ DÂN”
Winston Phan Đào Nguyên
Để nhắc lại, câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó đã được phổ biến bởi hai sử gia hàng đầu của miền Bắc Việt Nam trong thập niên 1950. Một người là Viện Trưởng Viện Sử Học kiêm chủ nhiệm hay tổng biên tập của tờ Văn Sử Địa rồi tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, những tờ báo chính thức về khoa học lịch sử của miền Bắc, ông Trần Huy Liệu. Người kia là giáo sư trường Đại Học Sư Phạm rồi Đại Học Tổng Hợp, và đã góp phần đào tạo ”tứ trụ – Lâm Lê Tấn Vượng” của giới sử học Việt Nam trong thời gian gần đây, ông Trần Văn Giàu.
Trong Phần 2, người viết đã nghiên cứu các tài liệu lịch sử liên quan của thế kỷ 19 để xác định xem câu chuyện được dựng lên chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” bởi hai vị sử gia họ Trần nói trên là có thật hay không. Để làm điều này, người viết đã khảo sát về những mối quan hệ giữa các phe phái thời đó, những mối quan hệ mà có thể được rút ra từ các tài liệu nói trên. Và những tài liệu lịch sử nói trên cho thấy rằng sự thật trái ngược hoàn toàn với những gì hai sử gia họ Trần đã kể.
Nhưng mặc dù vậy, câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó vẫn đã được các sử gia miền Bắc đem ra để làm một thứ siêu tài liệu và siêu bằng chứng trong phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản vào năm 1963 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử. Như đã thấy, câu đó giữ một vai trò độc đáo có một không hai trong phiên tòa. Có thể nói rằng nó đã được sử dụng như một câu “thần chú vạn năng” bởi các sử gia miền Bắc, trong việc kết tội “mãi quốc” cho Phan Thanh Giản.
Nhưng câu này lại có một lý lịch bất minh và một sự xuất hiện đột ngột tại miền Bắc sau năm 1954, như người viết đã trình bày trong Phần 1. Những sự kiện trên, cùng với sự trái ngược với lịch sử đương thời của câu này đã làm cho người viết đi đến kết luận của Phần 2, là câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” chỉ là một sản phẩm được chế tạo ra sau thế kỷ 19.
Rồi từ đó, người viết phải đặt ra những câu hỏi liên hệ như sau: Phải chăng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó đã được dàn dựng ra để phục vụ cho một mục đích hay ý đồ nào đó? Ai là tác giả của câu này? Người đó đã chế tạo ra câu này như thế nào?
Và trong Phần 3 sau đây, người viết sẽ trình bày với bạn đọc những câu trả lời của người viết cho những câu hỏi liên hệ nói trên, và gọi chung là việc đi tìm nguồn gốc câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, như tựa đề của Phần 3 cho thấy.
Nhưng trước khi đi sâu vào Phần 3, xin nhắc lại với các bạn đọc một lần nữa, rằng theo người viết được biết thì câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã xuất hiện lần đầu trên sách vở trong số 9 của tờ Văn Sử Địa tại miền Bắc vào năm 1955; và chính xác là trong bài viết “Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng” của ông Trần Huy Liệu, mà người viết đã trích dẫn ở chương III như sau:
“Nhưng nghĩa quân Gò-công, có cả đại biểu của nghĩa quân Tân-an, nhất định giữ Trương lại và cử Trương làm Bình Tây nguyên soái, chiến đấu với giặc. Lá cờ khởi nghĩa với Tám chữ đề: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” ((Chú thích 3) Nghĩa là: họ Phan họ Lâm bán nước, triều đình bỏ dân) đã nói lên lòng công phẫn của nhân dân đối với lũ thực dân cướp nước và bọn phong kiến cắt đất đầu hàng…”[121]
Như vậy, có thể nói rằng ông Trần Huy Liệu chính là người đã giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lần đầu tiên với tất cả các độc giả miền Bắc.
Chứ không phải là hai ông Đặng Huy Vận – Chương Thâu về sau này, khi hai ông được giao cho nhiệm vụ viết bài mở màn phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản năm 1963 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, và đã giới thiệu câu này với phiên tòa trong bài viết đó.
Và người giới thiệu câu này cũng không phải là ông Trần Văn Giàu. Vì mặc dù ông Trần Văn Giàu đã đóng góp rất nhiều trong việc phổ biến câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” – qua những bài viết của ông trong thập niên 1950 bên cạnh ông Trần Huy Liệu, như người viết đã trình bày trong chương III – nhưng điều rõ ràng là ông Trần Văn Giàu khó có thể làm tác giả của câu đó. Bởi vì ý nghĩa của nó như thế nào thì ông Trần Văn Giàu còn không nắm vững, cho nên chỉ một chữ “khí” trong câu mà ông ta đã diễn giải tới lui là “khinh”, là “dối”, rồi sau cùng mới là “bỏ”, như ta đã thấy trong bộ sử “Chống Xâm Lăng” của ông. Và những lỗi lầm này thậm chí còn không được ông Trần Văn Giàu cho sửa chữa lại, trong lần tái bản bộ sách nói trên vào năm 2001.
Ngược lại, ông Trần Huy Liệu chẳng những là người đầu tiên giới thiệu câu này, mà lúc nào cũng là người trích dẫn và diễn giải nó rất chính xác. Hơn nữa, câu chuyện chung quanh nó của ông ta cũng có nhiều chi tiết hơn. Cho dù là dưới tên thật Trần Huy Liệu hay dưới bút hiệu Hải Thu, các bài viết của ông Trần Huy Liệu về câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đều giải thích rất cặn kẽ lập trường giai cấp cũng như lập trường dân tộc của ông ta, xuyên qua câu chuyện mà ông ta kể lại về câu này.
Nhưng trong khi thi hành những điều trên thì ông Trần Huy Liệu lại cho thấy là đã phạm vào những lỗi lầm rất sơ đẳng về phương pháp sử học, mà trong cương vị Viện Trưởng Viện Sử Học và người anh cả của giới sử học miền Bắc thì ông không nên mắc phải. Những lỗi lầm sơ đẳng này của ông Trần Huy Liệu cho ta thấy rất rõ một sự cố ý đi ngược lại với những phương pháp sử học, nhằm đạt được một mục đích nào đó.
Và trong chương XII dưới đây, người viết sẽ cho thấy sự cố ý làm sai những phương pháp sử học sơ đẳng nói trên của ông Trần Huy Liệu, qua việc làm ngược lại các bài viết giảng dạy về những phương pháp sử học nhập môn. Mà những bài viết này lại do chính ông ta, người anh cả của giới sử học miền Bắc, chấp bút.
SỰ CỐ Ý LÀM SAI – DÙ BIẾT RẤT RÕ VỀ NHỮNG PHƯƠNG PHÁP SỬ HỌC CƠ BẢN – CỦA ÔNG TRẦN HUY LIỆU
A. Áp Dụng Chủ Nghĩa Dân Tộc Và Lập Trường Giai Cấp Vào Thế Kỷ 19
Trong vai trò là người lãnh đạo của các sử gia miền Bắc, ông Trần Huy Liệu đã từng có nhiều bài viết để giảng giải rành mạch về sự cấm kỵ không được dùng quan niệm thời nay để xét đoán nhân vật lịch sử thời xưa. Một trong những bài viết đó, với lối ví dụ “hóm hỉnh” rất đặc thù của Trần Huy Liệu, đã nói về vấn đề này như sau:
“Tuy vậy, muốn đánh giá nhân vật lịch sử được đúng, chúng ta phải có một quan điểm duy vật lịch sử thật đúng. Tối kỵ là đem yêu cầu của thời đại ngày nay lắp vào thời đại ngày xưa. Tối kỵ hơn nữa là bắt người đời xưa phải sống, phải quan niệm như người đời nay…
Nhìn vào những anh hùng dân tộc cũng vậy. Lý-thường-Kiệt là một tướng tài có nhiều thành tích chống ngoại xâm. Nhưng chống ngoại xâm cho ai? Theo quan niệm của Lý thì trước hết là “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Mà quan niệm ấy ở vào thời ấy là đúng … Nhưng nếu lấy quan điểm nhân dân ngày nay bắt buộc Lý-thường-Kiệt phải ngâm “Nam quốc sơn hà, Nam dân cư” thì thật lố bịch!”[122]
Thế nhưng khi áp dụng bài học nói trên vào trường hợp của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, thì có thể thấy rằng ông Trần Huy Liệu đã làm ngược lại hoàn toàn những điều mà ông giảng dạy trên đây.
Như người viết đã trình bày trong Phần 2, tất cả các tài liệu lịch sử dẫn ra trong phần này đều cho thấy rằng vào thế kỷ 19 thì trung quân là chủ nghĩa tối thượng ở Việt Nam. Theo đó, trung quân cũng có nghĩa là ái quốc. Và trung quân là một thứ kim chỉ nam duy nhất cho những nho sĩ như Phan Thanh Giản, hay thậm chí cả những võ tướng như Trương Định. Nhưng hai vị sử gia họ Trần, đặc biệt là ông Trần Huy Liệu, lại đem áp dụng chủ nghĩa dân tộc của thế kỷ 20 vào việc đánh giá Phan Thanh Giản, một người sống hoàn toàn trong thế kỷ 19.
Đó là khi ông Trần Huy Liệu đã lặp đi lặp lại trong cả hai bài viết – một bài ký tên thật và bài kia ký tên Hải Thu – rằng “yêu cầu của thời đại” lúc đó, tức giữa thế kỷ 19, là đánh Pháp. Rằng nó cũng chính là “nguyện vọng của nhân dân” hay “quyền lợi của tổ quốc”. Rồi theo ông Trần Huy Liệu thì mặc dù “nhân dân ta” quyết chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền và độc lập của đất nước như vậy, thì Phan Thanh Giản lại “sợ giặc” mà “đầu hàng”, do lúc nào cũng theo “thất bại chủ nghĩa”. Tức là Phan Thanh Giản lúc nào cũng đi ngược lại với “nguyện vọng của nhân dân”, ngược lại với “yêu cầu của thời đại”, và cuối cùng là ngược lại với “quyền lợi của tổ quốc”.
Nhưng những thứ bóng bẩy mà ông Trần Huy Liệu đưa ra như trên lại là những khái niệm không hề có mặt tại Việt Nam vào giữa thế kỷ 19. Mà chúng chỉ được du nhập vào Việt Nam trong thời gian đầu thế kỷ 20, khi các nhà nho Việt Nam bắt đầu đọc được những sách “Tân Thư” bằng chữ Hán về những khái niệm nói trên. Cho nên có thể thấy rằng ông Trần Huy Liệu đã rất tự nhiên mà làm ngược lại những lời dạy của ông về phương pháp sử học, khi ông đem những khái niệm của thế kỷ 20 như “nhân dân”, “tổ quốc” để xét đoán Phan Thanh Giản, một nhân vật của thế kỷ 19.
Điều buồn cười hơn nữa, là trong khi ông Trần Huy Liệu cho rằng nếu lấy “quan điểm nhân dân ngày nay” để “bắt buộc Lý-thường-Kiệt phải ngâm ‘Nam quốc sơn hà, Nam dân cư’ là thật lố bịch!”, thì cũng chính ông ta đã từng cho rằng “nhân dân” Nam Kỳ đã thét lên “lời nguyền rủa”: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Trong khi ở cả hai thời điểm nói trên thì chủ nghĩa trung quân vẫn còn là tối thượng. Thành ra trong khi ông Trần Huy Liệu cho phép Lý Thường Kiệt được ngâm “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, thì đồng thời ông lại bắt Phan Thanh Giản phải làm theo “nguyện vọng của nhân dân”! Do đó, không hiểu là ông Trần Huy Liệu có tự cảm thấy lố bịch hay không, khi ông đã sử dụng chính cái “quan điểm nhân dân ngày nay” để xét đoán nhân vật Phan Thanh Giản của thế kỷ 19 như trên?
Và chắc là không. Vì khi ông Trần Huy Liệu vẽ ra một bức tranh trắng đen với hai phe chính tà rõ rệt, rồi cho rằng phe chính nghĩa gồm có “nhân dân ta” hay “đồng bào miền Nam” đã cùng với nghĩa quân Trương Định nguyền rủa lên án bọn phong kiến câu kết với bọn thực dân bằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” như trên, thì ông ta cũng đã dựa vào lập trường giai cấp của “chủ nghĩa Mác”, một khái niệm không hề có mặt ở Việt Nam vào thế kỷ 19.
Tức là không phải ông Trần Huy Liệu không hiểu biết về một nguyên tắc sơ đẳng của sử học như trên, là sự “tối kỵ” không được bắt người xưa phải sống như người đời nay. Trái lại, ông Trần Huy Liệu còn biết rất rõ về điều này. Bởi như đã thấy, chính ông ta đã pha trò để cho lời giảng dạy của mình về phương pháp sử học sơ đẳng này dễ nhớ hơn, với một phong cách khá đặc thù – bằng cách chế biến câu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” ra thành “Nam quốc sơn hà, Nam dân cư” như trên.
Thế nhưng đó lại chính là điều mà ông Trần Huy Liệu đã bắt nhân vật lịch sử của thế kỷ 19 Phan Thanh Giản phải làm: theo “nguyện vọng của nhân dân” thời đó, là đánh Pháp. Thay vì phải làm theo chỉ thị của đấng “quân phụ” của ông, vua Tự Đức, là thi hành những công tác ngoại giao.
Cũng như ông Trần Huy Liệu đã bắt người nông dân Nam Kỳ lúc đó phải có ý thức về nghĩa vụ “công dân” và giữ gìn độc lập đất nước, khi ông ta cho rằng những thứ đó mới chính là “công đức” và mới là đáng kể hơn “tư đức”, trong lý luận bác bỏ những lời xin khoan hồng cho Phan Thanh Giản của hai ông Đặng Huy Vận – Chương Thâu.
Tóm lại, ông Trần Huy Liệu đã làm ngược lại hoàn toàn với những gì mà chính ông đã từng rao giảng về một phương pháp sử học sơ đẳng nhập môn; và đó là không được dùng quan điểm của thời nay để áp dụng cho người thời xưa. Điều này chứng tỏ rằng ông Trần Huy Liệu đã cố ý vi phạm nguyên tắc sử học sơ đẳng nói trên, và vì một lý do nào đó mà ta sẽ thấy rõ hơn trong các chương sau.
B. Không Cho Biết Xuất Xứ Và Không Kiểm Tra Tài Liệu
Bên cạnh vấn đề bắt Phan Thanh Giản phải biết về nghĩa vụ công dân và phục vụ tổ quốc như trong thế kỷ 20 của ông ta, ông Trần Huy Liệu lại làm thêm một điều mà còn cấm kỵ hơn nữa trong sử học. Đó là việc đưa ra một bằng chứng hay một tài liệu lịch sử mà không có xuất xứ, không có nguồn gốc, cũng như không có gì để chứng minh rằng nó hiện hữu: câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Trong tất cả những sách vở và bài viết của mình qua nhiều năm trời, ông Trần Huy Liệu đã có lắm cơ hội để cho người đọc biết rằng ông lấy câu này từ đâu ra. Nhưng mặc dù vậy, vị sử gia này lại chưa/không bao giờ làm điều đó. Cũng như chưa bao giờ cho ta thấy rằng ông ta đã từng thẩm tra về mức độ trung thực của câu trên.
Và như đã thấy thì trong phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử vào năm 1963, hầu hết các tác giả tham dự đều phải dựa vào câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” do ông đưa ra từ năm 1955 để lên án Phan Thanh Giản. Thế nhưng từ bài mở màn của hai ông Đặng Huy Vận – Chương Thâu cho đến bài cuối cùng của ông Trần Huy Liệu, với không biết bao nhiêu là giấy mực trong nửa năm trời, lại không hề có một dòng chữ nào được viết ra để cho người đọc biết rằng câu này đã được lấy từ đâu.
Mà điều đáng để ý là không phải các sử gia nói trên không biết về phương pháp sử học sơ đẳng đó. Bởi chính thủ trưởng của họ, ông Viện Trưởng Viện Sử Học kiêm Chủ Nhiệm tờ Nghiên Cứu Lịch Sử Trần Huy Liệu đã từng giảng dạy cho các cán bộ của ông ta về cách nghiên cứu và sử dụng tài liệu lịch sử ra sao, trong các bài viết rải rác trong nhiều năm trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử.
1. Số 9 Nghiên Cứu Lịch Sử Năm 1959
Điển hình là đoạn văn dưới đây của ông Trần Huy Liệu vào tháng 11 năm 1959 trong một bài viết trên số 9 của tờ Nghiên Cứu Lịch Sử:
“… Tuy vậy, trong việc sưu tầm tài liệu, một điều không thể sao nhãng được là phải thẩm tra tài liệu cho được chính xác. Như trên đã nói, tài liệu cận đại sử của chúng ta phát xuất từ nhiều nguồn, nên hiện nay đem đối chiếu lại thấy có nhiều mâu thuẫn về sự việc cũng như về ngày tháng. Một khuyết điểm lớn của những cán bộ sưu tầm hay nghiên cứu lịch sử của ta là mỗi khi trình bày một sự việc gì, ít chịu chua rõ xuất xứ của tài liệu. Nhiều bạn Liên – xô nghiên cứu về lịch sử Việt nam đã ngạc nhiên khi thấy nhiều tác giả của ta đã phạm vào những “kỷ luật” thông thường là trình bày tài liệu không nói rõ lấy ở đâu, trích của ai, để người đọc tiện theo rõi và tra cứu. Thế rồi, quyển sách này lấy tài liệu quyển sách khác, cứ như thể truyền đi, tài liệu không biết nguồn gốc ở đâu và cũng không biết ai chịu trách nhiệm. Đây mới nói những tài liệu có văn kiện hẳn hoi, còn nếu là tài liệu truyền miệng thì còn cần phải chỉ rõ người đã phát xuất câu chuyện này …
Việc thu nhặt tài liệu ở dân gian và các địa phương là một điều rất cần thiết, rất quí. Hỏi các cố lão ở Yên – thế về chuyện Hoàng Hoa Thám hay sưu tầm về Xô – viết Nghệ – an bằng cách đến tận những nơi đã diễn ra phong trào để trực tiếp hỏi nhân dân là một việc nên làm. Nhưng cùng những tài liệu không thành văn ấy càng phải thẩm tra cẩn thận. Tôi dẫn ra đây một kinh nghiệm nhỏ… Đưa ra một kinh nghiệm nhỏ này cốt để nói lên việc sưu tầm tài liệu về một sự kiện nào ở địa phương, ngay đến cả gặp được những người trong cuộc, thì tài liệu cũng phải thẩm tra kỹ lắm mới gần được sự thật và thấy được toàn diện. ..
Nói tóm lại, trong công tác sử học của chúng ta hiện nay, việc sưu tầm sử liệu phải kèm theo việc thẩm tra sử liệu. Trong việc sưu tầm sử liệu cũng như thẩm tra sử liệu, chúng ta sẽ rút được một số kinh nghiệm. Lịch sử một số xí nghiệp, ngành, địa phương đang được chuẩn bị xây dựng. Những bộ thông sử, cận đại sử, lịch sử kháng chiến đang chờ đợi công trình xây dựng của chúng ta. Để có những tác phẩm tốt, chúng ta cần sưu tầm tài liệu và thẩm tra tài liệu cho tốt.”[123]
2. Số 28 Nghiên Cứu Lịch Sử Năm 1961
Và đây không phải là lần duy nhất mà ông Trần Huy Liệu nói về phương pháp sử học nhập môn liên quan đến việc dẫn giải nguồn gốc của tài liệu. Một thời gian sau đó, ông Trần Huy Liệu đã trở lại với đúng đề tài này, và trang trọng cho nó làm bài đầu tiên trong số 28 của tờ Nghiên Cứu Lịch Sử vào năm 1961:
“Trong một bài trước chúng tôi đã nhắc đến vấn đề này, hôm nay thấy cần phải trở lại để bàn thêm một cách cụ thể hơn … Thực ra, cho đến nay, việc sưu tầm tài liệu cũng như thẩm tra tài liệu, chúng ta làm còn nhiều sai sót …
Một việc rất thông thường nhưng vẫn phải nhắc lại là mỗi khi nói lên một sự kiện hay một số liệu nào trừ những tài liệu quen thuộc quá không kể, phải chứng thực bằng cách ghi “xuất xứ” của nó: lấy ở đâu, có văn bản hay theo tục truyền…
Chúng tôi xin phép được nhấn mạnh đến một “tệ tục” – có thể nói là một tệ tục – khá phổ biến trong nhiều văn kiện lịch sử của chúng ta gần đây là tác giả nói tài liệu mà không ghi lấy ở đâu … Để gây một “thuần phong mĩ tục” trong giới sử học chúng ta, việc tẩy trừ “tệ tục” nói trên là cần thiết …
DÙNG TÀI LIỆU PHẢI KIỂM TRA CẨN THẬN
Bất kỳ tài liệu nào, dù đáng tin cậy đến đâu, mỗi khi dùng cũng nên kiểm tra cẩn thận. Nếu tài liệu nào có đề xuất xứ, chúng ta theo xuất xứ để kiểm tra lại. Nếu tài liệu nào không có xuất xứ, chúng ta phải kiểm tra kỹ lưỡng hơn …”[124]
Như vậy, có thể thấy rằng việc kiểm tra tài liệu là một đề tài cực kỳ quan trọng đối với ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu, bởi ông ta đã tốn rất nhiều giấy mực để nêu lên tầm quan trọng của việc này, nhằm tạo thêm uy tín cho ngành sử học miền Bắc mà ông ta là người cầm đầu. Trong hai năm trời ông Trần Huy Liệu đã phải lặp đi lặp lại hai điểm; đó là: 1) phải ghi xuất xứ tài liệu, và 2) nếu là tài liệu truyền miệng có xuất xứ không rõ ràng, thì càng phải thẩm tra kỹ càng hơn.
Ngay từ bài viết đầu năm 1959, ông Trần Huy Liệu đã tỏ ra rất thận trọng trong việc “thẩm tra sử liệu”. Theo ông, sau khi sưu tầm được sử liệu thì phải thẩm tra sử liệu đó trước khi dùng. Và khi dùng thì phải ghi rõ “xuất xứ của tài liệu”. Rồi chẳng những vậy thôi, mà “nếu là tài liệu truyền miệng thì còn cần phải chỉ rõ người đã phát xuất câu chuyện này”. Và với những “tài liệu không thành văn ấy”, lại “càng phải thẩm tra cẩn thận”, hay phải “thẩm tra kỹ lắm mới gần được sự thật và thấy được toàn diện”.
Ấy thế nhưng với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” – một thứ “siêu sử liệu”, với tầm quan trọng có một không hai của nó như đã thấy trong chiến dịch lên án Phan Thanh Giản của ông ta và toàn bộ lực lượng sử học miền Bắc năm 1963 – thì ông Trần Huy Liệu lại chẳng hề có một chữ nào để cho người đọc biết về xuất xứ của nó, hay về giai đoạn và quá trình mà ông ta thẩm tra sử liệu này. Đừng nói chi đến việc “phải thẩm tra kỹ lắm” để “may ra mới gần được sự thật” như chính ông Trần Huy Liệu đã trình bày.
Rồi như đã thấy, trong suốt mấy mươi năm trời và sau vô số bài viết, thì câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã được đem ra không biết bao nhiêu lần để chứng minh cho lý luận của các sử gia miền Bắc trong việc kết án Phan Thanh Giản. Thế nhưng không có một người nào cho biết về xuất xứ của nó, hay dẫn ra một tài liệu nào để cho thấy là nó đã từng được nhắc đến đâu đó trong lịch sử. Hoàn toàn không có một chút gì, kể từ người đưa nó ra đầu tiên là ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu, cho đến ông giáo sư Đại Học Sư Phạm Trần Văn Giàu; và kể từ các học trò nổi tiếng của ông Trần Văn Giàu như các giáo sư Đinh Xuân Lâm và Phan Huy Lê, cho đến các nhà nghiên cứu danh tiếng khác như Chương Thâu và Văn Tân.
Và hiển nhiên là các vị sử gia kể trên cũng chẳng bao giờ bận tâm về việc kiểm tra lại độ trung thực hay độ tin cậy của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” cũng như câu chuyện chung quanh nó. Rồi chẳng những vậy thôi, mà câu chuyện của các sử gia nói trên khi thuật về câu này cũng rất ư là bất nhất! Khi thì họ nói chính Trương Định là tác giả của câu, khi thì họ nói đó là “nghĩa quân”, rồi khi lại là “nhân dân ba tỉnh”, rồi “đồng bào miền Nam”, rồi “nhân dân cả nước”. Nghĩa là ai muốn nói sao thì nói, miễn cứ đem câu thần chú vạn năng “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” ra mà niệm là đủ!
Còn trên phương diện pháp lý, trong phiên tòa để lên án “bán nước” cho Phan Thanh Giản trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử vào năm 1963, thì còn tệ hại hơn nữa. Vì câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã được sử dụng triệt để như một bằng chứng duy nhất để buộc tội Phan Thanh Giản trong phiên tòa này. Và nếu như trên phương diện sử học nó là một “siêu tài liệu”, thì trên phương diện pháp lý nó phải là một thứ “siêu bằng chứng”. Thế mà những tác giả đóng vai công tố viên buộc tội, và nhất là ông quan tòa Trần Huy Liệu, lại chẳng bao giờ bận tâm đến việc cho cử tọa biết rằng họ đã tìm được câu này ở đâu.
Như vậy, sử gia “người anh cả” Trần Huy Liệu đã biết rõ, đã nói ra, đã nêu cao tầm quan trọng của việc phải dẫn giải xuất xứ và kiểm tra tài liệu, và nhất là đã phê phán “tệ tục” nói trên của ngành sử học miền Bắc, khi các sử gia đàn em không tuân thủ theo phương pháp sơ đẳng này. Nhưng rồi cũng chính “người anh cả của giới sử học miền Bắc” đó lại quay đi 180 độ, để không hề viết một chữ nào về xuất xứ của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” trong các bài viết của ông ta, đặc biệt là trong phiên tòa xử án “bán nước” cho Phan Thanh Giản.
Điều này đưa ta đến một kết luận hợp lý duy nhất: đó là ông Viện Trưởng Trần Huy Liệu đã “cố tình”, chứ không phải “vô ý” khi phạm một lỗi lầm sơ đẳng về phương pháp sử học như vậy. Khi mà ông ta đã từng quyết liệt lên án cái “tệ tục” không chịu dẫn nguồn gốc xuất xứ tài liệu này của các sử gia miền Bắc. Rồi khi mà trong bao nhiêu năm trời ông ta đã lên án Phan Thanh Giản với một câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, nhưng lại không hề ghi chú về xuất xứ của nó, cũng như không hề thẩm tra về mức độ tin cậy của nó, như ông ta vẫn hằng kêu gọi.
Tóm lại, ông Trần Huy Liệu chính là người đã từng viết bài dạy dỗ các cán bộ sử học miền Bắc trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, rằng không được dùng sự suy nghĩ của thời nay để áp dụng vào lịch sử, rằng phải ghi chú xuất xứ của tài liệu và phải thẩm tra phẩm chất của tài liệu trước khi sử dụng. Những bài viết nói trên cho thấy rằng ông Trần Huy Liệu nắm rất vững những nguyên tắc sử học sơ đẳng nhập môn này.
Thế nhưng trong phiên tòa xét xử Phan Thanh Giản năm 1963 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử thì ông Trần Huy Liệu cũng như tất cả các cây viết tham gia trong phiên tòa đã làm ngược lại tất cả những phương pháp sử học sơ đẳng mà ông Trần Huy Liệu đã từng rao giảng ở trên. Thêm nữa, sự vi phạm này của họ thô bạo và trắng trợn đến mức mà bất cứ một người không có chút căn bản gì về sử học cũng có thể dễ dàng nhìn thấy. Nghĩa là khi làm điều này, vị sử gia gạo cội Trần Huy Liệu đã phớt lờ với những phương pháp sử học đơn giản nhất mà một sinh viên năm đầu đại học, hay thậm chí một học sinh trung học, cũng phải biết đến.
Điều này chứng tỏ rằng có một sự cố tình của ông Trần Huy Liệu, khi đi ngược lại những phương pháp sơ đẳng nhất về sử học mà chính ông ta đã đề ra. Điều này cho ta thấy một sự cố ý dấu diếm không tiết lộ nguồn gốc xuất xứ của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, và bởi chính vị sử gia miền Bắc đã đưa nó ra ánh sáng lần đầu tiên, ông Trần Huy Liệu. Sau cùng, điều này cho thấy rằng ông Trần Huy Liệu ắt phải có một ý đồ gì đó, đằng sau việc cố tình cố ý phạm vào những lỗi lầm sơ đẳng về sử học như trên.
SỰ CỐ Ý IM LẶNG CỦA ÔNG TRẦN HUY LIỆU TRƯỚC NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN HÌNH THỨC CỦA CÂU “PHAN LÂM MÃI QUỐC, TRIỀU ĐÌNH KHÍ DÂN”
Tuy vậy, sự vi phạm các nguyên tắc sử học sơ đẳng như đã nói trong chương trên không phải là những bằng chứng duy nhất cho thấy sự cố ý làm sai của ông Trần Huy Liệu – khi ông ta sử dụng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó để lên án “bán nước” cho Phan Thanh Giản.
Bởi chính tự bản thân của cái “câu” này đã có rất nhiều vấn đề, mà người đem nó ra giới thiệu là ông Trần Huy Liệu lại không bao giờ nhắc tới hay giải thích cho người đọc. Và đó là những vấn đề nổi bật về hình thức của nó.
Trong chương XIII dưới đây, người viết sẽ xem xét đến những vấn đề về hình thức nói trên của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, để từ đó thấy rõ hơn sự cố tình im lặng của ông Trần Huy Liệu trước những vấn đề về hình thức của câu này.
A. Câu Đối, Khẩu Hiệu Hay “Tám Chữ Đề Cờ”? Vấn Đề Của Mỗi Định Nghĩa
Phải nhìn nhận rằng “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là một câu mà khi đọc lên nghe rất lọt tai. Nhưng nó lại là một câu với nhiều điểm kỳ lạ ngay trong hình thức của nó.
Trước nhất, không ai biết chắc chắn rằng thực sự thì tám chữ này là cái gì. Như có nói trong phần dẫn nhập, người viết đã gọi tám chữ này là “câu” cho dễ dàng, chứ thật tình thì người viết cũng không biết rằng tám chữ này thuộc về loại hay hình thức văn thơ nào.
Bởi thoạt nhìn thì nó có vẻ giống như hai vế đối. Vì có cặp chữ “mãi quốc” và “khí dân” đối với nhau. Ngoài ra, trong đó có hai động từ “mãi” và “khí” đối nhau, lại thêm hai chữ “quốc” và “dân” là hai danh từ để làm túc từ trong mỗi câu, và cũng đối nhau. Nhưng phần chủ từ thì lại hoàn toàn không đối nhau, vì “Phan, Lâm” là hai họ của hai người, và lại là hai danh từ riêng để chỉ hai vị đại thần trong vế đầu. Còn trong vế kia thì “triều đình” lại là một danh từ để chỉ một tòa dinh thự, một hệ thống, hay một cơ quan đứng đầu bởi nhà vua. Do đó, nếu cho rằng tám chữ này là hai vế đối của một câu, thì nó rõ ràng là một câu khá ư khập khiễng.
Mà với một cách đối ngẫu so le như vậy, thì câu này khó có thể đã được dùng để đề trên lá cờ khởi nghĩa của Trương Định. Nhất là một khi ta đã biết rằng Trương Định có nhiều đồng chí hoặc cố vấn là những nhà khoa bảng hay những sĩ phu thuộc loại giỏi chữ nho và nghệ thuật văn thơ, như Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Huân Nghiệp, Thủ Khoa Huân…vv.
Có lẽ vì lý do này nên chính ông Trần Huy Liệu cũng như các sử gia miền Bắc đã tỏ ra khá lúng túng trong việc gọi tên cho tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Các tác giả như Hải Thu và hai ông Đặng Huy Vận – Chương Thâu thì gọi nó là “khẩu hiệu” của nghĩa quân Trương Định. Nhưng rồi ông Trần Huy Liệu trong bài viết tuyên án cho Phan Thanh Giản lại gọi nó là “tám chữ đề cờ”, là “bản án lịch sử muôn đời”, và là “lời nguyền rủa của nhân dân”. Còn ông Trần Văn Giàu thì gọi nó là “tiếng thét”. Nghĩa là cách các sử gia miền Bắc gọi câu này rất ư tùy tiện.
Nhưng bên cạnh những cách gọi cường điệu như lời nguyền rủa, tiếng thét, bản án lịch sử … nói trên, thì hai cách gọi “khẩu hiệu” và ‘tám chữ đề cờ” là thường thấy nhất, và cũng là cụ thể nhất. Những cách gọi như trên đã góp phần cho việc kể lại câu chuyện lịch sử chung quanh câu này của hai sử gia họ Trần. Nhưng đồng thời chúng cũng tạo ra nhiều câu hỏi với những danh hiệu đó.
Trước nhất, nếu như “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là “khẩu hiệu” của nghĩa quân Trương Định, thì tức là nó chỉ được dùng trong lực lượng nghĩa quân Trương Định mà thôi. Chứ nó không phải là “khẩu hiệu” của “nhân dân Nam Kỳ” hay “nhân dân cả nước”.
Rồi thêm một vấn đề nữa là “khẩu hiệu” thì thường phải ngắn gọn. Trong khi “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” có tới tám chữ; cho nên dài quá, khó mà nhớ được. Hơn nữa, câu này lại dùng toàn chữ Hán (Việt). Trong khi nghĩa quân của Trương Định, mà theo chính ông Trần Huy Liệu diễn tả, thì phần lớn là “nông dân”, nên chắc rằng những người này không có bao nhiêu chữ nghĩa. Vậy mà bắt họ phải học thuộc lòng cái câu tám chữ Hán (Việt) nói trên, rồi sau đó phải “thét lên” như ông Trần Văn Giàu đã viết, thì thật là khó khăn cho họ quá! Hơn nữa, như đã nói trên, cái “khẩu hiệu” này quả tình rất ư rắc rối về mặt ý nghĩa. Bởi chính ông Giáo Sư trường Đại Học Sư Phạm Trần Văn Giàu mà còn sai tới sai lui về chữ “khí” trong câu. Như đã thấy, trong bộ sách “Chống Xâm Lăng” của mình, ông Trần Văn Giàu đã dịch nó ra là “dối”, rồi là “khinh”, để sau cùng tới “bỏ” mới đúng nghĩa cho!
Thế thì làm sao mà một câu vừa dài lại vừa thuộc loại chữ nghĩa khá “cao siêu” như vậy lại được đem ra để làm “khẩu hiệu” cho những người nông dân nghĩa quân của Trương Định?
Ấy là chưa kể trong cả câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” không hề có một chữ nào để nói đến kẻ thù thực sự và trực diện chính thức của nghĩa quân Trương Định, là người Pháp! Tại sao người thủ lãnh đã từng tự xưng danh hiệu “Bình Tây Đại Nguyên Soái” mà lại không có một chữ nào để nói tới mục đích chính yếu nói trên trong “khẩu hiệu” của quân đội mình? Như khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả” chẳng hạn?
Do đó, trên đây là những vấn đề về hình thức có thể dễ dàng nhận thấy, nếu tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” quả tình đã được dùng làm “khẩu hiệu” cho nghĩa quân Trương Định, như ông Trần Huy Liệu dưới bút hiệu Hải Thu cho biết.
Còn nếu như cũng theo ông Trần Huy Liệu rằng đây là “tám chữ” đã được đề trên lá cờ khởi nghĩa của Trương Định, thì lại sinh ra thêm một vấn đề rắc rối khá lớn nữa. Bởi theo lẽ thường thì lá cờ hiệu thời xưa thường được dùng để cho biết vị chủ tướng là ai, có chức vụ gì, tên họ là chi. Cho nên nếu thật sự Trương Định có lá cờ hiệu, thì chắc chắn là lá cờ phải đề đúng quan chức của ông ta. Và đó là “Bình Tây Đại Nguyên Soái” như Trương Định tự phong, hay “Bình Tây Đại Tướng” như ông ta tuyên bố trong bài “Hịch Quản Định”: “Chốn biên thùy lãnh ấn Tổng Binh – Cờ đề chữ Bình Tây Đại Tướng”. Hay ít nhất cũng phải là “Bình Tây Tướng Quân”, như hai bản báo cáo của Võ Duy Dương cho biết. Vì những chữ như trên chẳng những đã nói lên chức vụ, mà còn nói đến mục đích khởi nghĩa chống Pháp của Trương Định.
Nhưng đàng này ông Trần Huy Liệu lại khẳng định rằng lá cờ của Trương Định đã được đề tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lên trên. Mà nếu quả như vậy, thì lá cờ của Trương Định còn chỗ đâu cho chức tước hay danh hiệu “Bình Tây Đại Nguyên Soái” của ông ta?
Sau cùng, nếu thật sự Trương Định muốn lên án Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp là “mãi quốc” và triều đình của vua Tự Đức là “khí dân” như trong câu, thì lá cờ của ông ta không phải là nơi hợp lý để viết lên những chữ bộc lộ thái độ và chính kiến như vậy. Mà chúng phải được viết ra trong những văn kiện như bài Hịch Quản Định, hay thậm chí trong lá thư “tuyên ngôn” bằng tiếng Pháp gởi cho các quan tỉnh Vĩnh Long. Nhưng như đã thấy trong Phần 2, mặc dù Trương Định có làm ra nhiều tuyên ngôn, hịch văn, thơ từ, thì chưa bao giờ tám chữ này hay những ý tưởng gần giống như vậy lại được đưa ra trong những văn bản đó.
Tóm lại, các sử gia miền Bắc và nhất là ông Trần Huy Liệu đã tỏ ra rất lúng túng không thống nhất trong việc xác định tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là cái gì. Hơn nữa, cách giải thích rằng đó là “khẩu hiệu” hay “tám chữ đề cờ” nói trên của ông Trần Huy Liệu càng tỏ ra bất hợp lý, nếu như tám chữ đó đã được dùng cho những mục đích này.
Và như đã thấy, ông Trần Huy Liệu lúc nào cũng im lặng mà không hề giải thích về những điều vô lý rõ rệt đó.
Tuy vậy, phải nói rằng độc đáo, lạ lùng và vô lý hơn cả về mặt hình thức chính là chữ “mãi” trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Đây là một chữ mà bất cứ người nào có chút hiểu biết về chữ Hán hay Hán Việt cũng đều phải có thắc mắc về sự hiện diện của nó trong câu. Để rồi từ đó dẫn đến sự thắc mắc về ý nghĩa và sự trung thực của cả câu này!
Bởi vì chữ “mãi” 買 trong tiếng Hán có nghĩa là “mua”. Còn chữ “mại” 賣 mới có nghĩa là “bán”. Do đó, “Phan Lâm mãi quốc” đúng ra phải được dịch thành Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp “mua” nước, chứ không phải là “bán” nước!
Theo người viết được biết, thì ở Nam Kỳ hai chữ “mãi” và “mại” thường bị lẫn lộn khi được dùng trong lúc nói chuyện. Thí dụ như “mãi dâm” thay vì “mại dâm”, hay “mãi quốc” thay vì “mại quốc”. Thậm chí có thể nói rằng phần nhiều những người bình thường ở Nam Kỳ chỉ biết và nghe về “mãi quốc”, chứ chưa bao giờ biết và nghe tới chữ “mại quốc”. Có lẽ vì âm điệu “mãi quốc” nghe thuận tai hơn là “mại quốc”. Rồi do người Nam Kỳ luôn luôn viết như cách họ nói chuyện, và chữ quốc ngữ là loại chữ viết dựa trên tiếng nói, cho nên trong những sách báo bằng chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ – đặc biệt trong những cuốn truyện Tàu được dịch ra chữ quốc ngữ – thì nhóm chữ “mãi quốc cầu vinh” xuất hiện rất thường xuyên. Tuy rằng nếu đúng theo nguyên văn chữ Hán thì chúng phải là “mại quốc cầu vinh”.[125]
Như vậy, có thể thấy rằng ở Nam Kỳ thì trong khi nói chuyện hoặc trong sách vở bằng chữ quốc ngữ ta thường nghe và thường thấy chữ “mãi quốc”. Không biết là từ khi nào, nhưng cách phát âm “mãi quốc” nói trên chắc chắn đã được dùng thay cho “mại quốc” ở Nam Kỳ, và cách viết như vậy đã xuất hiện thường xuyên trong sách vở bằng chữ quốc ngữ, ít nhất là từ thế kỷ 19.
Mộ thí dụ điển hình là bài “Hịch Quản Định” mà học giả Petrus Ký đã chép lại bằng chữ quốc ngữ vào thế kỷ 19, trong đó có nhóm chữ “mãi quốc cầu vinh” như sau:
Thậm tiếc những người làm quan mà ăn lộc
Nỡ đem lòng mãi quốc mà cầu vinh[126]
Như vậy, vào khoảng từ giữa đến cuối thế kỷ 19, trong thời gian mà ông Petrus Ký chép lại tài liệu này, thì người Nam Kỳ chắc chắn đã “nói”, hay đã dùng chữ “mãi quốc” thay cho “mại quốc”. Và do đó, khi chép lại bài Hịch Quản Định (mà có lẽ đã được làm bằng chữ Nôm) ra chữ Quốc Ngữ, thì ông Petrus Ký đã viết đúng theo tiếng nói và cách dùng thông dụng trong thời gian ấy tại Nam Kỳ – là “mãi quốc” thay vì “mại quốc”, như đã thấy trong câu hịch trên.
Cũng cần nhớ rằng vào thời điểm 1861-1863 của Trương Định thì tuyệt đại đa số người Việt chưa biết dùng chữ quốc ngữ, mà vẫn còn dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Và trong hệ thống chữ Hán là loại chữ tượng hình chứ không dựa trên tiếng nói như chữ quốc ngữ, thì hai chữ “mãi” và “mại” được viết khác nhau rất rõ ràng. Do đó, một khi đã viết bằng chữ Hán thì không thể có vấn đề dùng lộn hai chữ “mãi” và “mại”, như khi nói chuyện hoặc trong sách vở bằng chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ được.
Và nếu như đây quả là tám chữ đã được long trọng đề trên lá cờ khởi nghĩa của Trương Định vào năm 1862-1863, khi Trương Định chống lại lệnh vua và lên án giai cấp phong kiến, thì chắc chắn 100% là chúng phải được viết bằng chữ Hán, chứ không thể nào bằng chữ quốc ngữ. Mà như vậy thì không thể nào chữ “mại” trong câu lại có thể bị viết sai thành “mãi” như trong trường hợp này được! Bởi lẽ đây là hai chữ Hán rất sơ đẳng và khác nhau rõ rệt, thậm chí còn đối nghịch ý nghĩa với nhau nữa. Như đã nói trên, “mãi” chính là “mua”, còn “mại” mới là “bán”.
Cho nên nếu nghĩa quân Trương Định đã viết câu này bằng chữ Hán, mà lại viết thành “mãi quốc” thì đó là một điều rất khôi hài. Vì nếu thật sự câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” bằng chữ Hán được long trọng đề lên lá cờ khởi nghĩa như vậy, mà lại bị viết sai thành Phan Lâm “mua” nước, thì chẳng lẽ cả lực lượng kháng chiến của Trương Định, gồm rất nhiều các nho sĩ danh tiếng, lại có thể phạm một lỗi lầm ấu trĩ và ngu xuẩn đến vậy hay sao?
Nhưng đó lại chính là nguyên văn cái câu “tám chữ” mà ông Trần Huy Liệu đã giới thiệu lần đầu với độc giả miền Bắc trên số 9 tờ Văn Sử Địa năm 1955: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Và có lẽ do sợ rằng người đọc sẽ hiểu sai ý nghĩa của câu này bởi chữ “mãi” nói trên, cho nên ông Trần Huy Liệu đã phải chú thích rất cẩn thận ngay dưới đó là “họ Phan họ Lâm bán nước”, cho ai nấy đều hiểu.
Rồi chẳng những vậy thôi, mà sau đó trong một bài viết “nhân dịp kỷ niệm 101 (năm) ngày Trương Định hi sinh” với tựa đề “Tài Liệu Về Cuộc Kháng Chiến Của Trương Định”, chính tờ Nghiên Cứu Lịch Sử của ông Trần Huy Liệu khẳng định rằng tám chữ nói trên đã thực sự được viết bằng chữ Hán, như sau:
“Rõ ràng là Trương Định và nghĩa quân của ông kiên quyết không thừa nhận hòa ước 1862. Ông tiếp tục kháng chiến. Ông mang đại quân về đóng ở Gò-công. Trên cờ nghĩa, ông cho đề tám chữ Hán lớn vạch rõ tội của Triều đình trước nhân dân ”Phan Lâm mãi quốc, Triều đình khí dân” (Phan-thanh-Giản và Lâm-duy-Hiệp bán nước – Triều đình bỏ dân)”[127]
Nhưng thế thì một điều rất oái oăm và buồn cười ắt đã phải xảy ra, khi Trương Định cho đề tám chữ này lên lá cờ của ông ta. Bởi vì nếu quả tình chữ “mãi” đã được viết bằng “chữ Hán lớn” một cách đàng hoàng trên lá cờ như vậy, thì câu này vốn có dụng ý để lên án Phan Thanh Giản là “bán” nước lại hóa ra thành một câu nói rằng (hay khen ngợi) Phan Thanh Giản đã “mua” nước! Tức là sự sai lầm một cách rất ác nghiệt đó đã làm đảo ngược ý nghĩa của phân nửa câu này.
Chẳng lẽ nghĩa quân Trương Định đã dùng câu này để nói đến việc Phan Thanh Giản “mua” đất cho vua Tự Đức, bằng cách lấy lại được tỉnh thành Vĩnh Long theo điều số 11 của hòa ước 1862, qua việc giải giáp các lực lượng nghĩa quân ở Gia Định và Định Tường. Hoặc về việc Phan Thanh Giản đã dẫn phái đoàn Đại Nam đi Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền Đông vào năm 1863? Và trong khi vẫn đang lên án triều đình Huế là “khí dân”?
Rồi thú vị hơn nữa, nếu thật tình rằng đó là chữ “mãi” mà không phải “mại”, thì chẳng lẽ người hay chữ Hán nhất nước Đại Nam thời đó là vua Tự Đức cũng … sai luôn, khi nhà vua làm ra bài thơ có câu “mãi quốc thế gian bình” như ông Trần Văn Giàu đã đưa ra?
Để nhắc lại, vào năm 1969, sau khi ông Trần Huy Liệu qua đời thì ông Trần Văn Giàu đã lên tiếng để biện minh cho việc ông và ông Trần Huy Liệu sử dụng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” để viết về lịch sử Việt Nam vào thế kỷ 19 như sau:
“Câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” nói lên tư tưởng của những người yêu nước xung quanh Trương Định, những câu ấy của Trương Định nêu lên khi chống lại mệnh vua, được người đương thời đồng ý cho đến cuối cùng, ngay Tự Đức cũng phải nhận là không sai và lấy đó để tự trách một cách bất lực và trễ tràng trong 8 bài vịnh về Nam-kỳ bị mất:
(Bỏ dân, triều đình làm một điều đáng trách,
Bán nước, việc ấy thế gian ai nấy đều tức giận;
Như vậy là một đời ta bị nhục nhã,
Còn mặt mũi nào mà vào được miếu đình khi chết?)’
(1) Đoạn thơ này trích ra từ “ngự chế thi tập” trả lời những bạn nói rằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là bịa và trả lời cho những ai nói rằng Trương Định khởi nghĩa là ngầm theo lệnh của Tự Đức.”[128]
Như vậy, ông Trần Văn Giàu đã chống chế cho cái lai lịch bất minh của câu ”Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” bằng cách dẫn ra một bài thơ mà ông nói là của vua Tự Đức, và trong bài thơ đó có cặp chữ “mãi quốc” và “khí dân”. Mặc dù bài thơ này hoàn toàn chẳng dính líu gì đến Phan Thanh Giản hay Trương Định cả, mà chỉ là do ông Trần Văn Giàu nói vậy!
Hơn nữa, cách ông Trần Văn Giàu trình bày rằng ngay Tự Đức cũng phải nhận là không sai chẳng hề cho ta biết rằng cái gì là không sai, và làm sao mà ông Trần Văn Giàu biết thế. Do đó, khi đưa bài thơ mà ông ta nói là của vua Tự Đức làm ra như trên, để giải thích cho nguồn gốc xuất xứ của câu ”Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, thì ông Trần Văn Giàu thật sự đã chẳng đưa ra được điều gì mới để giải thích về lai lịch của câu này.
Nhưng do bài thơ này có cặp chữ đối “mãi quốc” và “khí dân” như trên, nên khi mới nghe là của vua Tự Đức thì ai nấy đều tưởng rằng nó quả tình có liên hệ với câu ”Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” thật, và nếu là do nhà vua làm ra thì càng có vẻ chính thống hơn. Vì vậy, bài thơ này đã được các thế hệ sử gia miền Bắc sau ông Trần Văn Giàu đem ra sử dụng để tiếp tục chứng minh rằng câu ”Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là có thật trong lịch sử.
Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc thì ông đã từng đưa vấn đề này ra để chất vấn ông Trần Văn Giàu tại buổi hội thảo về Phan Thanh Giản năm 2003, khi câu “mãi quốc thế gian bình” trong bài thơ “Ngự Chế” của vua Tự Đức lại được đưa ra để giải thích cho câu ”Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Và câu hỏi của ông Trần Viết Ngạc đã không bao giờ nhận được câu trả lời:
“Cũng trong cuộc tọa đàm: thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản”, tháng 8/2003, GS Trần Văn Giàu và PGS Vũ Ngọc Khánh đều dẫn bài thơ ‘Ngự Chế’ … Phải chăng bài thơ này lấy ý từ câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”? Và rõ ràng đã lặp lại lỗi từ ngữ mãi và mại. Chúng tôi, ngay tại buổi tọa đàm, đã yêu cầu dẫn xuất xứ của bài ‘Ngự Chế’ nhưng chỉ được đáp lại bằng sự im lặng…”[129]
Ông Trần Văn Giàu đã “lặp lại lỗi từ ngữ mãi và mại” đó như thế nào vào năm 2003? Đây là những lời phát biểu của ông tại cuộc hội thảo này:
“Dân Nam bộ cũng biết chữ Nho chứ! Nhưng mà họ hiểu cái chữ (sic) “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là như thế nào? Không phải Trương Định và những người theo Trương Định nêu cái câu này mà Tự Đức cũng nêu:
Câu Phan Lâm mãi quốc, tôi có nhờ ông Trần Huy Liệu giải thích. Ông nói câu đó là của Trương Định và những người theo Trương Định. Đó là nhân dân ở đây (Nam bộ) và nhân dân cả nước người ta lên án. Chữ mãi ở đây có nghĩa là bán. Chữ mãi quốc ở đây là cắt đất cầu hòa, nộp cho người ta đất của nước nhà để có hòa bình, không còn chiến tranh nữa! Thì rõ ràng cái việc mà dân mình nổi lên dưới lá cờ Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân là đúng thôi! Không sai đâu! …”[130]
Như vậy, cho đến năm 2003 thì ông Trần Văn Giàu vẫn khẳng định rằng chữ “mãi” trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” có nghĩa là “bán”. Và ông khẳng định thêm nữa là vua Tự Đức “cũng nêu”, nhưng lại không nói rõ là nêu cái gì, bởi bài thơ mà ông tiếp tục dẫn ra và nói là của vua Tự Đức thì lại chẳng nói gì tới Phan Thanh Giản cả!
Nhưng vua Tự Đức là một ông vua hay chữ nổi tiếng trong lịch sử, với nhiều tác phẩm bằng chữ Hán còn để lại đến nay. Cho nên có lẽ nào mà nhà vua hay chữ này lại từng “nhận là không sai”, rồi “cũng nêu”, chữ “mãi quốc”, một cách sai lầm thảm hại như trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” thế được!
Và một điều mà ta có thể tin chắc là vua Tự Đức không (hoặc không muốn) biết chữ quốc ngữ. Cho nên nếu quả tình nhà vua đã có làm một bài thơ để tự trách như ông Trần Văn Giàu dẫn ra ở trên, và còn cho rằng “bán nước, việc ấy thế gian ai nấy đều tức giận”, thì bài thơ này ắt phải được làm bằng chữ Hán. Mà nếu bài thơ này có nguyên văn đúng như ông Trần Văn Giàu đã dẫn ra nhiều lần, thì chẳng hóa ra ông vua hay chữ Tự Đức lại không biết cả chữ “mại” ư? Cho nên nhà vua mới dùng chữ “mãi” thay vì chữ “mại” trong bài thơ của mình; giống như cách những người bình dân Nam Kỳ nói chuyện?
Tóm lại, chữ “mãi” trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là một vấn đề nổi cộm với hình thức của nó, mà không bao giờ được người giới thiệu nó là ông Trần Huy Liệu giải thích, trong suốt mấy mươi năm trời. Và sự vô lý nói trên vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay.
Tuy vậy, có lẽ do thấy được sự sai lầm quá rõ rệt và quá vô lý này của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, nên những sử gia hay những nhà phê bình lên án Phan Thanh Giản bán nước thuộc các thế hệ sau, gần đây đã tự động sửa nó ra thành “Phan Lâm mại quốc, triều đình khí dân” cho bớt chướng![131] Hoặc là họ phớt lờ luôn hai chữ “mãi quốc”, và viết hay dịch thẳng ra là “Phan Lâm bán nước”, như ông Phạm Văn Sơn đã từng làm, để né luôn vấn đề nổi cộm này.
Nhưng những sự né tránh và sử dụng tiểu xảo để sửa đổi tài liệu theo kiểu đó của các sử gia hay nhà phê bình nói trên đã quá muộn! Và thật sự thì họ chỉ làm cho vấn đề này càng nổi bật hơn lên mà thôi. Bởi vì như đã thấy, hai vị sử gia đầu đàn của miền Bắc là ông Trần Huy Liệu và ông Trần Văn Giàu đã tốn rất nhiều giấy mực cho câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” nói trên. Và nó đã được chính ông Trần Huy Liệu viết rất rõ ràng ngay từ năm 1955 là “mãi” chứ không phải là “mại”. Rồi cho đến năm 2003 tại cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản thì ông Trần Văn Giàu vẫn còn xác nhận là vậy.
Như người viết đã trình bày trong chương III, ông Trần Văn Giàu từng tự nhận là người không giỏi chữ Hán. Điều này giải thích cho sự lầm lẫn về chữ “khí” khi ông ta sử dụng và giải thích câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Hơn nữa, như ông Trần Văn Giàu cho biết vào năm 2003, trong đoạn văn vừa dẫn trên đây, thì ông ta đã phải “nhờ ông Trần Huy Liệu giải thích câu Phan Lâm mãi quốc”.
Có lẽ đó là lý do tại sao ông Trần Văn Giàu dám cho rằng chính vua Tự Đức đã dùng chữ “mãi quốc” thay vì “mại quốc” trong bài thơ tự trách!
Nhưng ông Trần Huy Liệu thì khác. Không như ông Trần Văn Giàu, ông Trần Huy Liệu chắc chắn là một người rất giỏi chữ Hán. Bởi ông là con của một ông đồ nho, và đã bắt đầu học chữ Hán từ thuở nhỏ để “báo thư cừu”, tức là cố sức thi đậu để rửa hận cho cha anh đã từng thi rớt. Và trong khi đó, hai chữ “mãi” và “mại” lại là hai chữ quá sức dễ dàng và quá sức sơ đẳng. Cho nên có lẽ nào mà một người giỏi chữ Hán như ông Trần Huy Liệu lại không thấy ra điều vô lý thái thậm, là trên lá cờ của nghĩa quân Trương Định thì chữ “mại” đã bị viết sai thành “mãi”, làm đổi ngược đi ý nghĩa của câu?
Thêm nữa, những bài viết của ông Trần Huy Liệu trên tờ Văn Sử Địa và tờ Nghiên Cứu Lịch Sử cho thấy rằng ông ta là một người viết lách rất cẩn thận và luôn luôn chú thích đầy đủ. Và riêng với những bài viết có trích dẫn thơ văn bằng chữ Hán, ông Trần Huy Liệu luôn luôn cho đăng cả vừa chữ Hán lẫn chữ Hán Việt kèm theo trong bài.
Trong số những thơ văn bằng chữ Hán mà ông Trần Huy Liệu trích dẫn, dưới đây là một bằng chứng chính xác cho thấy ông Trần Huy Liệu đã biết rất rõ về chữ “mãi”. Đó là khi viết về Tống Duy Tân, một lãnh tụ Cần Vương, ông Trần Huy Liệu đã trích đăng hai câu thơ của các sĩ phu ngợi khen Tống Duy Tân, cũng như lên án Cao Ngọc Lễ là kẻ đã phản bội Tống Duy Tân, như sau:
Hữu tiền nan mãi Tống Duy Tân”
Ông Trần Huy Liệu đã dịch hai câu thơ đó ra tiếng Việt rằng:
“Không đất để chôn Cao Ngọc Lễ
Có tiền khôn chuộc Tống Duy Tân”[132]
Và như người viết đã trình bày, ông Trần Huy Liệu với sự cẩn thận cố hữu đã cho đăng cả chữ Hán bên dưới những chữ Hán Việt của hai câu thơ nói trên trong bài viết, để người đọc có thể kiểm tra.
Dưới đây là ảnh chụp của đoạn văn nói trên trong tờ Nghiên Cứu Lịch Sử số 33:
Như vậy, đây là một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy rằng ông Trần Huy Liệu thừa biết chữ “mãi” có nghĩa là “mua” chứ không hề là “bán”. Vì thế, ông đã dịch câu thơ trên là dù có tiền cũng không (mua) chuộc được Tống Duy Tân. Đồng thời, cách trích dẫn thơ văn bằng chữ Hán như trên cũng cho ta thấy được sự thận trọng cố hữu của ông Trần Huy Liệu khi trích dẫn tài liệu, như ông ta đã từng giảng dạy.
Thế nhưng, xin nhắc lại một lần nữa, rằng khi chính ông Trần Huy Liệu giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” với độc giả lần đầu tiên vào năm 1955 trên số 9 tờ Văn Sử Địa, trong bài “Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng”, thì ông ta lại chỉ chú thích rất đơn giản như sau về nó:
“Lá cờ khởi nghĩa với Tám chữ đề: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” ((Chú thích 3) Nghĩa là: họ Phan họ Lâm bán nước, triều đình bỏ dân) đã nói lên lòng công phẫn của nhân dân đối với lũ thực dân cướp nước và bọn phong kiến cắt đất đầu hàng…”[133]
Nghĩa là khi giới thiệu cái “siêu tài liệu” này với độc giả, chẳng những ông Trần Huy Liệu đã không viết lại những chữ trong câu ra chữ Hán như ông vẫn thường làm, mà ông cũng không hề giải thích tại sao lại là “mãi quốc” chứ không phải là “mại quốc”. Trong khi ông lại cảm thấy cần phải giải thích với độc giả rằng đó là “họ Phan họ Lâm bán nước”.
Và như vậy, sự im lặng mà không giải thích lý do tại sao “tám chữ đề cờ” của nghĩa quân Trương Định có một chữ bị dùng sai – và lại là chữ quan trọng nhất để nói lên “lời nguyền rủa của nhân dân” dành cho kẻ bán nước là Phan Thanh Giản – cho thấy rằng đó là một sự im lặng có tính toán của ông Trần Huy Liệu.
Hay nói cách khác, đó là một sự cố ý của ông Trần Huy Liệu. Giống như việc ông ta đã cố ý áp dụng những chủ nghĩa và khái niệm của thế kỷ 20 vào thế kỷ 19. Giống như việc ông ta đã cố ý im lặng không bao giờ cho biết nguồn gốc xuất xứ của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Và giống như việc ông ta cố ý không bao giờ thẩm tra lại xem câu đó có khả tín hay không.
Tóm lại, những sự việc nói trên cho ta thấy rõ rằng có một sự cố ý của ông Trần Huy Liệu trong việc che giấu những điều cần phải được biết, hay phải được giải thích, về câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó.
Và sự che giấu cố ý nói trên của ông Trần Huy Liệu, cùng với việc chính ông ta là người đã giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lần đầu tiên, khiến cho bất cứ một người đọc bình thường nào cũng phải đặt một câu hỏi, rằng phải chăng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” chính là một sản phẩm được tạo ra bởi ông Trần Huy Liệu?
Phải chăng vì cần viết lại lịch sử cho thích hợp với nhu cầu chính trị đương thời, cho nên ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu đã phải tạo ra một câu chuyện mới về lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 19, rồi phải tạo ra một bằng chứng tiếp theo để chứng minh cho câu chuyện đó? Cho nên ông Viện Trưởng đã chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, để thực hiện được những mục tiêu này?
MỤC ĐÍCH CHO SỰ RA ĐỜI CỦA CÂU “PHAN LÂM MÃI QUỐC TRIỀU ĐÌNH KHÍ DÂN” VÀ AI LÀ TÁC GIẢ
Trong hai chương XII và XIII, người viết đã cho thấy sự cố ý vi phạm các nguyên tắc sử học sơ đẳng cũng như sự cố tình im lặng che giấu những điều bất hợp lý trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của ông Trần Huy Liệu. Mặc dù chính ông ta là người đã giới thiệu và sử dụng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” trong nhiều năm trời để lên án “bán nước” cho Phan Thanh Giản.
Những sự cố ý rất rõ rệt này trong suốt mấy mươi năm trời khiến cho người đọc phải thắc mắc rằng tại sao ông Trần Huy Liệu lại làm như vậy. Hay nói cách khác, mục đích của ông Trần Huy Liệu là gì, khi ông cố tình phạm vào những lỗi lầm mà chính ông đã từng cảnh cáo người khác là không nên mắc phải, và khi ông cố tình che giấu những điều mà ông biết rõ là sai?
Để tìm hiểu mục đích nói trên của ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu, người viết cần phải đi ngược thời gian và trở lại thời điểm khi hiệp định Genève sắp sửa được ký kết để chia cắt nước Việt Nam thành hai miền Nam Bắc năm 1954. Đó chính là lúc mà các sử gia miền Bắc, lãnh đạo bởi con chim đầu đàn Trần Huy Liệu, bắt đầu công việc viết lại lịch sử Việt Nam thời cận đại.
Và qua hai bài viết quan trọng dưới đây của ông Trần Huy Liệu trong thời gian trên, ta có thể xác định được lý do và mục đích của ông ta trong việc viết lại lịch sử – qua cách thức ông Trần Huy Liệu thuật lại câu chuyện lịch sử của thời kỳ Pháp xâm chiếm Việt Nam.
Đó là để giành lấy chính nghĩa cho phe ông ta, cũng như đồng thời hạ nhục phe kia, với mục đích tối hậu là đánh bại phe kia để dành độc quyền cai trị đất nước, dưới chiêu bài chống ngoại xâm và giữ gìn độc lập cho dân tộc.
Quan trọng hơn nữa, cùng lúc với việc xác định mục đích giành lấy chính nghĩa nói trên, qua hai bài viết này ta lại có thể xác định tác giả của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là ai.
Và tác giả của nó không ai khác hơn là ông Trần Huy Liệu, người đã giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” với độc giả lần đầu tiên vào năm 1955 , trong bài “Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng” trên số 9 tờ Văn Sử Địa.
Hai bài viết được dẫn dưới đây của ông Trần Huy Liệu sẽ cho ta thấy quá trình cấu tạo nên câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, bởi chính tác giả Trần Huy Liệu.
A. Chiến – “Đi Sâu Vào Cách Mạng Việt Nam”, Tập San Nghiên Cứu Sử Địa Văn Số 1, Tháng 6, 1954
Sau trận Điện Biên Phủ và trước khi hiệp định Genève được ký kết vào tháng 7 năm 1954, một cơ quan mới được thành lập và có tên là Ban Nghiên Cứu Văn Học, Lịch Sử, Địa Lý (hay còn được gọi là Ban Nghiên Cứu Sử Địa Văn)[134] của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cho ra mắt tờ Tập San Nghiên Cứu Sử Địa Văn số 1, vào tháng 6 năm 1954, và với chủ đề là “Khoa Học Lịch Sử Và Công Tác Cách Mạng”. Ban Nghiên Cứu Sử Địa Văn nói trên đã được thành lập vào tháng 12 năm 1953 và được lãnh đạo bởi ông trưởng ban Trần Huy Liệu ngay từ thời gian đó.
Và trong số báo đầu tiên của tờ tập san chuyên về lịch sử của miền Bắc nói trên, bài văn nghị luận trước nhất của nó là một bài viết có tựa đề “Đi Sâu Vào Cách Mạng Việt Nam”. Điều đáng chú ý là tác giả của bài viết quan trọng này lại có một bút hiệu rất ngắn gọn độc đáo, là “Chiến” (tức không “hòa”?).
Tuy vậy, điều dễ dàng nhận thấy là tác giả “Chiến” nói trên có một văn phong, cách dùng chữ và cách lý luận giống y hệt như ông Trần Huy Liệu. Và quan trọng nhất, tác giả “Chiến” đã viết một đoạn văn trong bài viết này với đầy đủ những yếu tố và ý tưởng cho câu “Phan Lâm mãi quốc triều đình khí dân” mà ta sẽ thấy rất nhiều lần sau đó, trong các bài viết của chính ông Trần Huy Liệu. Đoạn văn đó trình bày như sau:
“1. Cần gắn liền cuộc cách mạng hiện nay với lịch sử cách mạng cận đại từ một trăm năm gần đây
Trước hết, chúng ta phải nhận rằng: khi nói đến cách mạng Việt-nam, người ta không thể tách riêng cuộc cách mạng tháng Tám với những cuộc tranh đấu từ hơn tám mươi năm về trước và cuộc kháng chiến hiện nay. Vì trong một giai đoạn lịch sử nhất định, cách mạng tháng Tám là kết quả của một quá trình khởi nghĩa từ hồi Pháp thuộc và cuộc kháng chiến hiện nay là kế tục và hoàn thành cuộc cách mạng tháng Tám. Trước khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, mối quan hệ sản xuất giữa phong kiến và nông dân đã gây nhiều mâu thuẫn. Những cuộc nổi dậy của nông dân bị thất bại vì xã hội chưa có một sức sinh sản mới, một giai cấp tiền tiến để lãnh đạo cách mạng cho tới thành công. Tới khi tiếng súng xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp nổ ra ở Đà-nẵng thì mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến phải nhường chỗ cho một mâu thuẫn chủ yếu khác là mâu thuẫn giữa dân tộc với giặc ngoại xâm (Cố nhiên là mâu thuẫn dưới; về căn bản cũng vẫn là mâu thuẫn giai cấp). Rồi lúc đầu, chúng ta thấy những người nào đã đứng ra chống ngoại xâm? Sau khi bọn phong kiến tại triều đã đầu hàng. Những văn thân thổ hào ở các nơi nổi dậy chống Pháp vì những đặc quyền đặc lợi hàng nghìn năm của họ đã bị rung động và chuyển sang tay ngoại địch. Những khẩu hiệu “Bình-tây”, “Cần-vương”, “Sát-tả” nêu ra rất thích hợp với nguyện vọng của một giai cấp thống trị vừa bị sô (sic) ngã, muốn trừ giặc ngoài để khôi phục chế độ cũ. Chúng ta không thể đòi hỏi một giai cấp lãnh đạo nào khác hơn giai cấp phong kiến bấy giờ. Nhưng lực lượng nghĩa quân chống Pháp hồi ấy vẫn là lực lượng nông dân. Nông dân bị cướp ruộng đất, bị lưu ly thất tán đã ủng hộ các lãnh tụ khởi nghĩa chống giặc giữ nước. Nông dân Gia-định, Chợ-lớn, Gò-công do Trương-công Định làm đầu, đã viết trên lá cờ khởi nghĩa kể tội bọn vua quan triều đình bán nước bỏ dân…
Nhưng mâu thuẫn giữa đế quốc và phong kiến ở thuộc địa là mâu thuẫn tạm thời, có thể hòa giải. Chỉ có mâu thuẫn giữa đế quốc và nhân dân thuộc địa mới là mâu thuẫn sâu sắc, không đội trời chung. Vì vậy, sau một hồi chống đánh yếu ớt, một bộ phận phong kiến đã quay ra đầu hàng, trở lại làm tay sai cho giặc. Về phần tư bản Pháp, mặc dầu đã làm cách mạng đánh đổ phong kiến chính quốc, nhưng một khi sang thuộc địa, chúng lại cần dựa vào phong kiến, hòa lẫn hình thức bóc lột của tư bản để kiếm được lợi nhuận và dùng bộ máy phong kiến để đàn áp nhân dân. Thế là đế quốc và phong kiến trở nên câu kết, một dây một buộc ai giằng cho ra.”…
Nghiên cứu cách mạng Việt-nam, nếu chúng ta không đi sâu vào lịch sử cách mạng Việt-nam thì sẽ không nắm được qui luật tiến triển của nó. Trong quá trình cách mạng một trăm năm gần đây, tính chất cách mạng cũng như đối tượng cách mạng đã thay đổi theo từng giai đoạn, vai trò lãnh đạo đã qua tay từ giai cấp này đến giai cấp khác, cho đến cả chiến lược, sách lược cũng tùy theo việc bố trí lực lượng, hoàn cảnh xã hội mà thay đổi. Tất cả những thay đổi ấy đều toát ra từ thay đổi của lực lượng sản xuất , quan hệ sản xuất của phân hóa xã hội. Tất cả những thay đổi ấy đều liên quan với nhau theo một đường lối nhất định. Chúng ta không thể đòi hỏi Đảng Cộng sản xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ 20. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi những tập đoàn Văn thân phải làm cái nhiệm vụ của cuộc tư sản dân chủ cách mạng. Tuy vậy, nó vẫn nối tiếp nhau, bắc cầu cho nhau, theo một quá trình tất nhiên của lịch sử…
Chiến” [135]
Như vậy, trong bài nghị luận đầu tiên trên số báo khởi đầu của tờ tập san chuyên về lịch sử này (mà tác giả “Chiến” đã cẩn thận đề ngày viết là 25 tháng 5 năm 1954), tác giả “Chiến” đã khẳng định rằng cuộc chiến chống Pháp mà “chúng ta” đang theo đuổi hiện thời là sự kế tục và kết quả của những cuộc kháng chiến chống Pháp từ hơn tám mươi năm trước, khi Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam.
Kế đến, tác giả “Chiến” vẽ ra một hình ảnh về thời cuộc tại Nam Kỳ trong thời gian này. Theo đó, có hai phe đối nghịch trong xã hội Việt Nam khi quân Pháp vừa mới đến: phe “nông dân” và phe “phong kiến”. Hai phe này vốn đã có sẵn một sự “mâu thuẫn giai cấp” từ bao nhiêu năm trước. Nhưng khi quân Pháp xâm lăng Việt Nam thì thì sự mâu thuẫn này đã được phe “nông dân” gác qua một bên, do họ đã vì sự độc lập của dân tộc mà sát cánh đánh Pháp cùng với phe phong kiến. Và những “nông dân” này mới chính là lực lượng chủ yếu của “nghĩa quân”. Trong khi ấy, phe “phong kiến” thì thời gian đầu còn chống Pháp một cách “yếu ớt’, nhưng rồi sau đó lại phản bội phe nông dân để quay ra đầu hàng và chấp nhận làm “tay sai” cho Pháp. Rồi do sự cần dùng những tay sai bản xứ để “bóc lột” và để “đàn áp nhân dân”, thực dân Pháp đã câu kết và vào chung phe với lực lượng “phong kiến” nói trên. Cho nên cả hai nhóm này tạo nên một liên minh bền vững “một dây một buộc ai giằng cho ra”, theo sự nhận xét của tác giả “Chiến”.
Và như vậy, tác giả Chiến đã mô tả cuộc chiến Việt-Pháp vào thế kỷ 19 với một cái nhìn cực kỳ đơn giản và rất ư là tiện lợi cho chủ nghĩa và chính phủ của ông ta. Đó là việc ông ta chia ra hai phe rõ rệt: chính và tà, ta và địch. Theo đó, phe “chính nghĩa” được lãnh đạo bởi giai cấp “nông dân” và đã rộng lượng bỏ qua hiềm khích với giai cấp phong kiến từ bao đời nay để cùng nhau chống thực dân và bảo vệ độc lập cho đất nước. Thế nhưng giai cấp “phong kiến” dù được giai cấp “nông dân” ủng hộ như vậy, lại quay ra đầu hàng và chấp nhận làm tay sai cho Pháp.
Rồi như tác giả “Chiến” đã khẳng định ngay từ đầu bài viết, thì cuộc Cách Mạng Tháng Tám mới đây dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Việt Nam và tiền thân của nó là Đảng Cộng Sản Đông Dương chính là “kết quả” của những cuộc kháng chiến “nông dân” có chính nghĩa này. Do đó, tác giả “Chiến” đã tự nhận rằng đảng của ông ta đang tiếp tục cuộc chiến chính nghĩa ấy để chống lại bọn thực dân “đế quốc” Pháp và bọn “phong kiến” tay sai đang “câu kết” với nhau hiện thời.
Và khi đưa ra thí dụ điển hình cho những “lực lượng nông dân” có chính nghĩa nói trên, tác giả “Chiến” đã nhắc đến lực lượng của Trương Định đầu tiên. Theo đó, tác giả “Chiến” đã cố tình miêu tả và muốn cho người đọc phải chấp nhận rằng lực lượng Trương Định là một lực lượng của “nông dân”. Cho nên không những ở Gò Công, Gia Định, mà đến cả … Chợ Lớn, những “nông dân” nói trên vì bị “cướp ruộng đất” nên đã ủng hộ kháng chiến để “chống giặc giữ nước”.
Đáng chú ý nhất là theo tác giả “Chiến” thì chính những người “nông dân Gia-định, Chợ-lớn, Gò-công” đó, “do Trương-công Định làm đầu, đã viết trên lá cờ khởi nghĩa kể tội bọn vua quan triều đình bán nước bỏ dân”.
Mặc dù tác giả “Chiến” không nói rằng họ đã viết bao nhiêu chữ và những chữ đó là gì, nhưng hànhđộng “viết trên lá cờ khởi nghĩa” của họ thì rất cụ thể, và nội dung của những điều họ viết thì rất rõ ràng. Đó là kể tội bọn “vua quan triều đình bán nước bỏ dân”.
Ở đây, các bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra ngay lập tức rằng những dòng chữ trên chính là tiền thân của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” sau này.
Và cũng dễ dàng nhận ra rằng câu chuyện chung quanh nó giống hệt như câu chuyện đã được ông Trần Huy Liệu thuật lại khi giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lần đầu vào năm 1955 trên số 9 tờ Văn Sử Địa và tiếp theo trong phiên tòa xử án Phan Thanh Giản vào năm 1963 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử.
Bởi với đoạn văn trên đây thì rõ ràng là ngay từ năm 1954 tác giả “Chiến” đã thuật lại câu chuyện lịch sử tại Nam Kỳ vào thế kỷ 19 giống y như ông Trần Huy Liệu đã làm sau này. Đó là chia ra hai phe chính tà khi Pháp đánh Việt Nam. Đó là phe nhân dân/nông dân/ nghĩa quân Trương Định đã “kể tội” bọn “vua quan triều đình bán nước bỏ dân” với hành động “đầu hàng” giặc và “câu kết” với giặc của bọn này.
Để rồi chỉ một năm sau thì không mấy ngạc nhiên là chính ông Trần Huy Liệu đã kể ra một câu chuyện giống hệt như vậy, với những chữ y khuôn như vậy. Chỉ khác ở chỗ là câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lúc này đã được ông Trần Huy Liệu đem ra sử dụng, để thay thế cho bọn “vua quan triều đình bán nước bỏ dân” của tác giả “Chiến” một năm trước đó.
Xin nhắc lại, ông Trần Huy Liệu chính là người đã đem câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” ra giới thiệu lần đầu tiên với độc giả miền Bắc trong một bài viết có tựa đề “Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng” trên số 9 của tờ Văn Sử Địa vào năm 1955 như sau:
“Nhưng nghĩa quân Gò-công, có cả đại biểu của nghĩa quân Tân-an, nhất định giữ Trương lại và cử Trương làm Bình Tây nguyên soái, chiến đấu với giặc. Lá cờ khởi nghĩa với Tám chữ đề: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” ((Chú thích 3) Nghĩa là: họ Phan họ Lâm bán nước, triều đình bỏ dân) đã nói lên lòng công phẫn của nhân dân đối với lũ thực dân cướp nước và bọn phong kiến cắt đất đầu hàng…”
Rồi tới năm 1963, trong bài viết cuối cùng trong phiên tòa đấu tố trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử để tuyên án “bán nước” cho Phan Thanh Giản thì ông Trần Huy Liệu viết rằng:
“Chưa nói đến bản án lịch sử muôn đời; dư luận nhân dân đương thời biểu hiện trong tám chữ đề cờ của dân quân Tân-an Gò-công mà thủ lĩnh là Trương-Định cũng đã rõ ràng lắm. Nó kết án giai cấp phong kiến mà đại diện là triều đình Huế đã “bỏ dân” và kẻ trực tiếp phụ trách là Phan-thanh-Giản, Lâm-duy-Hiệp đã ký nhượng đất nước cho giặc. Dư luận nhân dân rất sáng suốt cũng như bản án rất công minh. Nếu vị ‘trạng sư’ nào còn muốn bào chữa cho một bị cáo đã bị bắt quả tang từ non một trăm năm trước thì chỉ là tốn công vô ích!”
Tóm lại, câu chuyện, hay bức tranh lịch sử của thế kỷ 19 tại Nam Kỳ, đã được tác giả “Chiến” vẽ ra lần đầu vào năm 1954. Rồi sau đó câu chuyện này đã được ông Trần Huy Liệu cũng như các sử gia miền Bắc lặp lại y khuôn – câu chuyện về hai phe đối nghịch với một lằn ranh phân cách rõ rệt dựa trên sự mâu thuẫn giai cấp và lập trường dân tộc.
Và ở cả ba thời điểm nói trên, 1954, 1955, và 1963, thì câu chuyện nói trên lúc nào cũng vẫn giống hệt như nhau: Đó là lúc Pháp đánh Nam Kỳ thì cục diện đã tạo thành hai phe chính tà rõ rệt, và phe chính nghĩa nông dân của Trương Định đã viết lên lá cờ khởi nghĩa của mình những lời kể tội phe phong kiến đã đầu hàng giặc.
Chỉ có một điểm khác nhau là những chữ được sử dụng trong câu chuyện đã được thay đổi cho phù hợp với tình hình. Như năm 1954 thì tác giả “Chiến” cho rằng các “nông dân” do “Trương-công Định làm đầu“ đã “kể tội” các “vua quan triều đình bán nước bỏ dân”. Rồi năm 1955 và năm 1963 thì “nông dân” đã thành “nghĩa quân”, sự “kể tội” biến thành “bản án lịch sử muôn đời”, còn “vua quan triều đình bán nước bỏ dân” thì được thay thế bởi câu tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Rất dễ dàng để nhận thấy rằng trong đoạn văn trên của tác giả Chiến vào năm 1954 đã có sẵn những chữ “bán nước” (mãi quốc), “bỏ dân” (khí dân), và “triều đình”. Để cho trong một thời gian ngắn sau đó thì ông Trần Huy Liệu chỉ cần đưa “Phan Lâm” vào thế cho “vua quan” và chuyển dịch “bán nước” với “bỏ dân” ra chữ Hán Việt, là hoàn tất câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” như đã thấy.
Để lặp lại, từ bài viết nghị luận đầu tiên trên số 1 của tờ Sử Địa Văn vào năm 1954, tác giả “Chiến” đã vẽ ra một bức tranh và vạch ra rõ ràng ranh giới cũng như sự mâu thuẫn giữa hai phe “nông dân” và “phong kiến” trong lịch sử cận đại Việt Nam thế kỷ 19. Theo đó, lực lượng chính nghĩa của giai cấp nông dân được lãnh đạo bởi một vị anh hùng là Trương (Công) Định. Còn lực lượng phong kiến được lãnh đạo bởi “bọn vua quan”. Nhưng rồi “bọn vua quan” này sẽ sớm nhường chỗ cho “Phan Lâm”, và Phan Thanh Giản sẽ được đưa ra để làm khuôn mặt đại diện cho lực lượng phong kiến phản động, như là một hình ảnh phản diện đối nghịch với anh hùng Trương Định.
Khi vẽ ra bức tranh lịch sử nói trên vào năm 1954, tác giả “Chiến” muốn cho người đọc thấy rằng lực lượng Việt Minh và Đảng Lao Động của ông ta chính là những người tiếp nối cuộc kháng chiến chống Pháp của phe chính nghĩa, và cũng là những người đại diện cho giai cấp nông dân chống lại sự câu kết “một dây một buộc ai giằng cho ra” của bọn thực dân và phong kiến tay sai – một sự câu kết mà đã được hình thành và tiếp tục từ đó đến nay.
Và như vậy, tác giả “Chiến” đã tạo ra một câu chuyện lịch sử chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” với mục đích là để giành lấy chính nghĩa về phía mình, trong khi gán ghép cho phía bên kia là bọn “phong kiến” đã toa rập với bọn “thực dân” và “đế quốc”.
Điều cần nói là tác giả “Chiến” nói trên chắc chắn chỉ là một bút hiệu tạm thời để bày tỏ thái độ chính trị của một nhân vật có vai vế rất lớn trong tờ Sử Địa Văn. Vì bài viết này là bài văn nghị luận chính trị đầu tiên trong số báo đầu tiên của tờ Tập San đó. Và nó chiếm một chỗ trang trọng ở đầu tờ báo, chỗ mà thường chỉ dành cho vị Tổng Biên Tập hay Chủ Nhiệm là ông Trần Huy Liệu.
Bên cạnh đó, tưởng cũng cần ghi nhận thêm rằng ông Trần Huy Liệu có một người con trai tên là Trần Trường Chiến sinh năm 1951, mà sau này là nhà văn có bút hiệu Trần Chiến. Nhà văn Trần Chiến cũng là tác giả của cuốn “Cõi Người”, một cuốn sách về cuộc đời của ông Trần Huy Liệu, mà người viết sẽ giới thiệu với bạn đọc trong một chương sau.[136]
Như vậy, người viết đã đưa ra những yếu tố trên đây nhằm mục đích để xác định rằng có phải tác giả với bút hiệu “Chiến” cũng chính là ông Trần Huy Liệu hay không. Nhưng thật tình mà nói thì không mấy khó khăn để nhận ra rằng tác giả mang tên “Chiến” nói trên không phải là ai khác hơn, bởi cách hành văn và những lý luận của ông ta giống y hệt như, ông Trần Huy Liệu. Và ông Trần Huy Liệu thì đã quá nổi danh với việc sử dụng rất nhiều bút hiệu. Đến mức sau khi ông chết thì tòa soạn tờ Nghiên Cứu Lịch Sử đã phải kêu gọi độc giả giúp cho, nếu họ biết thêm về những bút hiệu khác của “người anh cả” này.
B. Trần Huy Liệu – “Vấn Đề Phân Định Giai Đoạn Lịch Sử Cận Đại Việt Nam”, Tập San Văn Sử Địa, Số 8, Tháng 7, 1955
Như đã nói trên, tiền thân của tờ Nghiên Cứu Lịch Sử là một tờ tập san có tên gọi Sử Địa Văn lúc mới thành lập. Nhưng sau khi ra được hai số thì tờ Sử Địa Văn này được đổi tên thành Tập San Văn Sử Địa, từ số thứ 3, cho dù lúc nào nó cũng vẫn ở dưới sự điều hành của ông Trần Huy Liệu trong vai trò trưởng ban.
Và đến số 8 của tờ Văn Sử Địa thì ông Trần Huy Liệu đã viết một bài với tựa đề “Vấn Đề Phân Định Giai Đoạn Lịch Sử Cận Đại Việt Nam” để cắt nghĩa rõ ràng hơn về những “mâu thuẫn” trong xã hội Việt Nam trước và sau khi Pháp tới. Đây chính là đề tài mà tác giả “Chiến” đã bàn đến vào năm trước trong số 1 Sử Địa Văn.
Trong bài viết này, lý luận của ông Trần Huy Liệu giống y hệt như tác giả “Chiến” một năm trước đó. Hơn nữa, trong bài này ông Trần Huy Liệu còn giải thích thêm những điểm mà tác giả “Chiến” trước kia đã bỏ lửng, về lý do tại sao sự mâu thuẫn giữa dân tộc và đế quốc về căn bản vẫn là mâu thuẫn giai cấp.
Để nhắc lại, năm 1954 tác giả “Chiến” viết rằng:
“Tới khi tiếng súng xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp nổ ra ở Đà-nẵng thì mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến phải nhường chỗ cho một mâu thuẫn chủ yếu khác là mâu thuẫn giữa dân tộc với giặc ngoại xâm (Cố nhiên là mâu thuẫn dưới; về căn bản cũng vẫn là mâu thuẫn giai cấp)…”
Và đến năm 1955 thì ông Trần Huy Liệu cảm thấy cần phải giải thích rõ ràng thêm về những “mâu thuẫn” do tác giả “Chiến” đã nêu lên trước đó, như sau:
“… Như chúng ta đã biết, trước khi thực dân Pháp đánh chiếm Việt-nam, xã hội Việt-nam là một xã hội phong kiến… trong giai đoạn này, mâu thuẫn chủ yếu vẫn chỉ là giữa phong kiến và nông dân. Nó biểu hiện ra bằng những cuộc nông dân khởi nghĩa thường xuyên, làm rung động cả hệ thống phong kiến. Nhưng rồi chủ nghĩa tư bản từ châu Âu tràn sang, thực dân Pháp đánh chiếm Việt-nam, nước Việt-nam trở nên một thuộc địa. Do đó, mâu thuẫn giữa đế quốc và dân tộc trở nên chủ yếu. Còn mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến mặc dầu gay gắt vẫn phải phụ thuộc vào mâu thuẫn chủ yếu…
Nhưng trong khi phân tích về đấu tranh giai cấp và mâu thuẫn chủ yếu, chúng ta không quên mâu thuẫn giữa dân tộc và đế quốc, về thực chất của nó, vẫn là mâu thuẫn giai cấp, hay nói rõ hơn, mâu thuẫn giữa đại đa số trong dân tộc mà chủ yếu là nông dân với bọn tư bản xâm lược câu kết với bọn phong kiến cầm quyền trong nước…
Kiểm điểm lịch sử cận đại Việt-nam, trong giai đoạn thứ nhất, ngay từ đầu, triều đình Huế đã cắt dâng lục tỉnh Nam-kỳ cho giặc, đã ngăn trở cuộc khởi nghĩa của dân quân Gò-công, do Trương Định làm đầu, cùng nhiều cuộc khởi nghĩa khác … Việt-nam ta thì nước bị mất hẳn, triều-đình Huế chỉ cò làn (sic) một công cụ bù nhìn của thực dân Pháp. Vì vậy, trong mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn chủ yếu càng rõ rệt là giữa dân tộc Việt-nam với bọn tay sai của chúng là bọn phong kiến đầu hàng”[137]
Như vậy, với đoạn văn trên đây, không khó khăn lắm để nhận ra ông Trần Huy Liệu với tác giả “Chiến” chỉ là một người.
Bởi có lẽ vì bài viết dưới bút hiệu “Chiến” năm 1954 để giảng giải về những “mâu thuẫn” trong xã hội Việt Nam trên hai phương diện giai cấp và dân tộc chưa được rõ lắm, cho nên đến năm 1955 thì ông Trần Huy Liệu đã phải cắt nghĩa thêm cho rõ hơn. Nhưng cả hai bài viết nói trên đều chú trọng vào việc miêu tả xã hội Việt Nam trong thời gian 1860 như là một cuộc chiến đấu giữa hai phe chính tà, giữa một bên là “nông dân” hay “dân tộc” và bên kia là thực dân “câu kết” với phong kiến. Nghĩa là sự diễn giải theo kiểu này tiện lợi cả đôi bề, vì vừa có cả lập trường dân tộc lẫn lập trường giai cấp.
Như vậy, chẳng những là hai bài viết nói trên đều có lý luận giống nhau, rằng có đến hai sự “mâu thuẫn” giữa hai phe chính tà tại Việt Nam vào thế kỷ 19, mà bài viết sau của ông Trần Huy Liệu còn bổ túc và giải thích cho bài viết trước của tác giả “Chiến”. Hơn nữa, cả hai bài viết nói trên đều chiếm ngự vị trí trang trọng nhất trong hai số báo của tập san Văn Sử Địa. Đó là ở đầu tờ báo, nơi thường chỉ dành riêng cho bài viết của vị chủ nhiệm/tổng biên tập. Và như đã nói, điều này chứng tỏ rằng tác giả “Chiến” là một nhân vật quan trọng ngang hàng với ông Trần Huy Liệu. Hay chính xác hơn, “Chiến” chính là một bút hiệu của ông Trần Huy Liệu.
Nhưng ngoài ra còn có một yếu tố khác nữa để nhận ra rằng cả hai tác giả “Chiến” và Trần Huy Liệu chỉ là một. Đó là cách dùng chữ khá đặt biệt của cả hai tác giả này, khi họ nói về lực lượng nghĩa quân mà do Trương Định “làm đầu”, thay vì lãnh đạo. Tác giả “Chiến” viết là “Nông dân Gia-định, Chợ-lớn, Gò-công do Trương-công Định làm đầu”, còn ông Trần Huy Liệu thì viết là “cuộc khởi nghĩa của dân quân Gò-công, do Trương Định làm đầu”.
Và đây là một cách dùng chữ hay một dấu vết rất đặc biệt của ông Trần Huy Liệu. Bởi không chỉ có hai lần nói trên, mà sau đó trong một bài viết về Hoàng Diệu vào năm 1956, ông Trần Huy Liệu lại một lần nữa đem chữ “làm đầu” vào trong câu văn khi nói về lực lượng Trương Định:
“Nghĩa quân Tân-an, Gò-công do Trương Định làm đầu, đã chống bọn thực dân cướp nước và bọn phong kiến bán nước bỏ dân (Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân), kéo dài cuộc kháng chiến tới ba năm (1862-1864).”[138]
Tóm lại, theo nhận xét của người viết, chính ông Trần Huy Liệu dưới bút hiệu “Chiến” đã vẽ ra một câu chuyện chung quanh tình hình Nam Kỳ vào thời gian Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam ngay từ tháng 6 năm 1954. Theo đó, ông ta cho rằng sự mâu thuẫn giai cấp giữa “nông dân” và “phong kiến” tại Việt Nam đã được nông dân tạm gác qua một bên và đứng chung với lực lượng phong kiến để bảo vệ đất nước, nhưng sau đó thì lực lượng phong kiến lại quay ra đầu hàng và làm tay sai cho Pháp. Do đó, những người “nông dân”, lực lượng nòng cốt bảo vệ đất nước, đã lên án giai cấp phong kiến là “bán nước”, “bỏ dân”, và đã viết bản án đó lên lá cờ khởi nghĩa của Trương Định.
Để rồi một năm sau, trong bài viết vào tháng 7 năm 1955 với tên thật, ông Trần Huy Liệu đã giải thích thêm về lý luận này, đặc biệt là lý do tại sao theo ông thì mâu thuẫn giữa nhân dân với đế quốc vẫn là mâu thuẫn giai cấp. Và đó là vì giai cấp phong kiến Việt Nam đã chọn sự gia nhập phe thực dân tư bản, nên đã bỏ rơi hay phản bội giai cấp nông dân. Tức là đến đây thì ông Trần Huy Liệu đã hình thành việc chia ra hai phe chính tà rõ rệt, với đầy đủ các nhân vật thuộc hai phe, như đã thấy trong phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản. Chỉ còn thiếu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” với các nhân vật “Phan Lâm”.
Nghĩa là hai bài viết này, mặc dù được ký hai bút hiệu khác nhau, nhưng đại ý của chúng bổ túc lẫn nhau, và cho thấy rằng đã được viết ra bởi một người duy nhất, là ông Trần Huy Liệu. Và cả hai bài viết nói trên đã dọn đường cho sự xuất hiện lần đầu của chính câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” trên giấy tờ, và dưới ngòi bút của ông Trần Huy Liệu, trong bài “Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng” trên số 9 Văn Sử Địa vào tháng 8 năm 1955. Tức là chỉ một tháng sau bài viết “Vấn Đề Phân Định Giai Đoạn Lịch Sử Cận Đại Việt Nam” nói trên.
Và trong bài viết này, ông Trần Huy Liệu đã chính thức cho trình làng lần đầu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Nếu như trước đó ông Trần Huy Liệu chỉ mới bắt đầu tạo nên hai phe đối nghịch nhau dựa trên lập trường giai cấp và dân tộc, thì bây giờ ông ta đã kiếm ra được nhân vật đại diện cho phe đối nghịch, là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp.
Hơn nữa, câu chuyện chung quanh “8 chữ đề cờ” nói trên còn được ông Trần Huy Liệu thêu dệt với nhiều tình tiết hơn. Nếu vào năm 1954, dưới bút danh “Chiến”, ông Trần Huy Liệu chỉ cho ta biết rằng “nông dân” dưới sự lãnh đạo của Trương Định đã “viết trên lá cờ khởi nghĩa kể tội bọn vua quan triều đình bán nước bỏ dân” – nhưng lại không cho biết rằng họ đã viết chính xác những chữ gì – thì bây giờ ông Trần Huy Liệu đã viết ra luôn nguyên văn tám chữ này bằng chữ Hán Việt trong ngoặc kép, rồi lại còn cẩn thận chú thích ý nghĩa tiếng Việt của chúng là gì (mặc dù không cho biết là lấy nó từ đâu ra).
Do đó, với cả ba bài viết trên tờ Văn Sử Địa vào hai năm 1954 và 1955, ở trước hai thời điểm quan trọng là Hiệp Định Genève và cuộc bầu cử thống nhất đất nước, ông Trần Huy Liệu đã cho thấy lý do tại sao câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó cần phải được chính ông, trong vai trò lãnh đạo ngành sử học miền Bắc, cho ra đời.
Đó là vì nhu cầu cần phải giành lấy chính nghĩa chống Pháp cho phe ông, cũng như hạ nhục phe địch, bằng cách cho rằng họ là bọn “phong kiến” đã bắt tay với thực dân từ tám mươi năm nay.
Tóm lại, từ một thời gian rất sớm là năm 1954 thì ông Trần Huy Liệu đã chọn Trương Định và lực lượng của ông ta như là những đại diện cho “đồng bào miền Nam” đã anh dũng chống lại bọn thực dân xâm lược câu kết với bọn “phong kiến đầu hàng”. Nhưng lúc đó thì ông Trần Huy Liệu vẫn chưa tìm được một đại diện nào cho phe phong kiến để đóng vai trò “câu kết” với thực dân. Ông chỉ nói là nhân dân kể tội “bọn vua quan triều đình bán nước bỏ dân” mà thôi.
Rồi đến năm 1955, khi cuộc tổng tuyển cử có vẻ sẽ không thành hình, thì “Phan Lâm”, và nhất là Phan Thanh Giản, đã được ông Trần Huy Liệu lựa chọn để lắp vào thế chỗ cho “vua quan”, trong lời kết tội “bọn vua quan triều đình bán nước bỏ dân”, mà ông với bút hiệu “Chiến” đã viết ra vào năm 1954.
Nhưng tại sao ông Trần Huy Liệu lại chọn “Phan Lâm” làm mục tiêu, nhất là Phan Thanh Giản? Câu hỏi này sẽ được trả lời, khi ta đọc lại bài viết ký tên Hải Thu của ông Trần Huy Liệu trong phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản năm 1963 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử. Và người viết sẽ xem xét bài viết nói trên trong chương XV dưới đây.
TẠI SAO PHAN THANH GIẢN LẠI TRỞ THÀNH MỤC TIÊU
Như đã trình bày trong chương XIV, câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã được ông Trần Huy Liệu chính thức cho trình làng lần đầu trong bài viết “Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng” trên số 9 của tờ Văn Sử Địa vào năm 1955. Nhưng trước khi giới thiệu câu này trong bài viết nói trên, ông Trần Huy Liệu đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của nó từ năm 1954, với bài viết ký tên “Chiến” về việc xứ Nam Kỳ bị cắt cho Pháp vào thế kỷ 19.
Rồi sau đó, vào năm 1955 thì ông Trần Huy Liệu mới chính thức giới thiệu nguyên văn câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, nhằm minh họa cho câu chuyện lịch sử Nam Kỳ vào thế kỷ 19 mà ông ta đã kể. Và mục đích tối hậu của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, cũng như câu chuyện chung quanh nó, là để giành lấy chính nghĩa cho phe mình, dựa trên lập trường dân tộc và giai cấp. Trong khi đồng thời để hạ nhục kẻ địch là bọn phong kiến đã đầu hàng và câu kết với bọn thực dân đế quốc xâm lược.
Nhưng trong bài viết ký tên “Chiến” thì ông Trần Huy Liệu hoàn toàn không hề chứng minh cho người đọc thấy được sự “câu kết” giữa vua quan nhà Nguyễn với thực dân Pháp trong thập niên 1860 như ông kể. Mà ông Trần Huy Liệu chỉ mới vẽ ra được một bức tranh trắng đen với hai bên chính tà, rồi tự nhận phe mình là chính còn phe kia là tà.
Để làm được điều trên, ông Trần Huy Liệu đã không cần đếm xỉa đến sự thật lịch sử, khi ông nhập nhằng lẫn lộn thời gian triều đình Huế không còn quyền lực lúc sau này với thập niên 1860, thời gian mà vua Tự Đức vẫn còn có toàn quyền trên cả nước. Nhưng chỉ khi nhập nhằng giữa hai khoảng thời gian khác nhau như vậy thì ông Trần Huy Liệu mới có thể gán ép cho hai lực lượng “phong kiến” với “thực dân” là “câu kết” với nhau trong thập niên 1860 được. Và như vậy thì bức tranh lịch sử của ông mới phân chia ra trắng đen chính tà rõ rệt, dựa trên lập trường giai cấp và chủ nghĩa dân tộc được.
Tuy vậy, sự nhập nhằng của ông Trần Huy Liệu như trên lại là một vấn đề rất lớn. Vì trong thập niên 1860 khi Pháp vừa đánh Việt Nam thì triều đình Huế không hề “câu kết” với thực dân Pháp như ông Trần Huy Liệu muốn người đọc phải thấy như vậy – qua câu chuyện lịch sử của ông ta. Bởi vì như đã thấy, triều đình Huế do thua trận về quân sự nên phải chịu mất ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây cho Pháp. Nhưng lúc nào họ cũng muốn lấy lại Nam Kỳ, bằng cả hai con đường quân sự và ngoại giao, và bằng tất cả mọi giá.
Rồi như người viết đã giải thích trong chương IV, hòa ước 1862 thật sự là một chiến thắng về ngoại giao của nhà Nguyễn, khi họ có thể lấy lại được tỉnh thành lớn nhất miền Tây là Vĩnh Long, mà không phải đánh một trận nào; và cho dù họ đang ở trong một vị thế rất yếu. Nói cách khác, đây là một chiến thắng rực rỡ về ngoại giao không thể chối cãi được của Phan Thanh Giản. Mà như vậy thì rõ ràng là không hề có một sự “câu kết” nào hết giữa hai bên Pháp Việt trong thập niên 1860, nhất là khi mà hai bên phải thương thuyết rồi mới ký kết hòa ước 1862.
Do đó, có thể thấy rằng ông Trần Huy Liệu đã cố gắng vẽ ra một bức tranh lịch sử về hai phe chính tà đối nghịch tại Nam Kỳ vào thế kỷ 19 như trên trong năm 1954, nhưng lúc đó ông ta lại không có một bằng chứng nào hết cho sự “câu kết” giữa Pháp và triều đình Huế của phe “tà” vào thập niên 1860. Mà đó là vì lịch sử đã không xảy ra như vậy!
Nhưng rồi đến năm 1955, khi nhận thấy rằng miền Nam không chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử, khi cảm thấy rằng cần phải dùng chiến tranh để chiếm miền Nam, khi cho rằng “đế quốc Mỹ” đang bắt đầu thế chỗ cho “thực dân Pháp” ở miền Nam, và khi nhìn thấy một chính phủ miền Nam đã được thành lập, thì sự cần thiết phải liên kết hai thế lực “phản động” này với nhau trong bức tranh lịch sử thế kỷ 19 càng trở nên khẩn cấp hơn cho vị sử gia “anh cả” Trần Huy Liệu.
Cho nên trong năm 1955 thì ông Trần Huy Liệu đã phải đưa ra một sử liệu hay một bằng chứng có vẻ khả tín để chứng minh cho sự “câu kết” giữa hai thế lực nội địa và ngoại bang vào thập niên 1860, như ông đã từng kể. Để cho tiếp theo đó thì ông Trần Huy Liệu mới có thể so sánh được sự “câu kết” này giữa triều đình Huế và thực dân Pháp với sự “câu kết” hiện thời giữa chính quyền miền Nam và đế quốc Mỹ.
Tức là trong năm 1955 thì ông Trần Huy Liệu cần phải, và đã, hoàn thành bức tranh lịch sử Nam Kỳ vào thế kỷ 19 của ông ta – bằng cách đánh đồng nhà Nguyễn với chính quyền miền Nam trong việc “bán nước bỏ dân” và “đầu hàng” ngoại bang.
A. Vì Phan Thanh Giản Là Người Thực Hiện Sự “Câu Kết” Giữa Phong Kiến Và Thực Dân.
Và để thực hiện việc đánh đồng nói trên, ông Trần Huy Liệu cần dùng một sự kiện và một nhân vật cụ thể mà đã thi hành sự “câu kết” hay “đầu hàng” Pháp của triều đình nhà Nguyễn. Do đó, hòa ước 1862 giữa hai bên Pháp Việt, cũng như người thương thuyết và ký kết nó là hai đại thần Phan, Lâm, đã được ông Trần Huy Liệu tuyển chọn.
Đó là vì hai ông Phan, Lâm và đặc biệt Phan Thanh Giản, là một cái đích rõ ràng nhất và dễ nhắm bắn nhất – bởi Phan Thanh Giản là viên quan người Việt có liên hệ nhiều nhất và trực tiếp nhất với người Pháp. Trước hết, chẳng những là người đại diện chính của triều đình Huế để thương thuyết và ký kết hòa ước 1862, mà Phan Thanh Giản còn nhận lãnh thêm trách nhiệm giải giáp các lực lượng kháng chiến ở Gia Định và Định Tường như lực lượng Trương Định. Đồng thời, ông còn phải chứng minh cho người Pháp thấy rằng sở dĩ vẫn chưa giải giáp được các lực lượng kháng chiến này là bởi sự bất tuân vương mệnh của Trương Định.
Do đó, có thể thấy rằng những việc làm nói trên của Phan Thanh Giản đã được thi hành với mục đích lấy lại Vĩnh Long cho nhà Nguyễn, theo điều số 11 của hòa ước 1862.
Nhưng ông Trần Huy Liệu cũng như các sử gia của cả hai miền, nhất là miền Bắc, lại không hề nói tới hay thấy được lý do này, mà họ chỉ quy trách nhiệm “làm mất” ba tỉnh miền Đông cho Phan Thanh Giản với việc ký kết hòa ước 1862. Trong khi theo hiện tình thì Pháp đã chiếm hết ba tỉnh đó rồi; và còn chiếm thêm một tỉnh thủ phủ của miền Tây Nam Kỳ nữa là Vĩnh Long, vào năm 1862. Có lẽ do không hề đọc qua bản hòa ước này, hay thậm chí là tôn trọng lịch sử một cách tối thiểu, cho nên ông Trần Huy Liệu đã gọi hòa ước 1862 là một “hàng ước’, và người thương thuyết cũng như ký kết nó, Phan Thanh Giản, là đại diện cho sự “đầu hàng”, “bán nước” qua việc “cắt đất” của “nhân dân”.
Rồi như đã thấy, cũng vì lý do là phải chứng minh với người Pháp rằng bên Việt đã thực hiện điều số 11 để đòi lại Vĩnh Long, nên Phan Thanh Giản đã chuyển giao những thư từ về việc thuyết phục Trương Định cho người Pháp đọc. Trong số đó, có lá thư “tuyên ngôn” của Trương Định bằng tiếng Pháp đã nói đến trong Phần 2. Nhưng ông Trần Huy Liệu đã nắm ngay lấy sự kiện và lá thư này để cho rằng Phan Thanh Giản đã “ba lần”, “bốn lượt” dụ dỗ Trương Định đầu hàng, và do đó, đã đi ngược lại “nguyện vọng của nhân dân” hay “yêu cầu của thời đại”, là đánh Pháp tới cùng.
Như vậy, có thể thấy rằng hòa ước 1862 đã được ông Trần Huy Liệu lựa chọn để làm sự kiện cụ thể chứng minh cho việc “câu kết” giữa phe phong kiến và thực dân. Còn những người đã ký kết nó là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thì được ông Trần Huy Liệu lựa chọn để làm những nhân vật cụ thể chứng minh cho sự “đầu hàng” và “bán nước” cho Pháp của giai cấp phong kiến.
Và như đã thấy, ngay từ năm 1954 thì ông Trần Huy Liệu dưới bút hiệu “Chiến” đã soạn sẵn câu chuyện nghĩa quân nông dân Trương Định kể tội “bọn vua quan triều đình bán nước bỏ dân” trên lá cờ khởi nghĩa. Rồi đến năm 1955, khi cần phải có một bằng chứng cụ thể để chứng minh cho sự móc ngoặc giữa phong kiến và thực dân như trong bức tranh lịch sử mà ông đã vẽ ra trước đó như trên; thì ông Trần Huy Liệu chỉ cần đem nhân vật “Phan Lâm” vào câu chuyện đã soạn sẵn nói trên thay cho “vua quan”, thế là có ngay câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Tóm lại, Phan Thanh Giản đã được ông Trần Huy Liệu lựa chọn để làm đại diện cho phe “địch”, vì Phan Thanh Giản là người của triều đình Huế có sự liên hệ trực tiếp nhất với Pháp trong việc thương thuyết và ký kết hòa ước 1862. Ngoài ra, Phan Thanh Giản còn lãnh thêm vai trò giải giáp các lực lượng kháng chiến ở Nam Kỳ sau hòa ước đó. Và những việc làm đó của Phan Thanh Giản, mặc dù đem đến một thắng lợi về ngoại giao cho nhà Nguyễn, lại bị ông Trần Huy Liệu mặc tình thao túng để diễn tả như là những hành động “câu kết’, “đầu hàng”, hay “bán nước’. Để từ thí dụ cụ thể đó, ông ta có thể nới rộng ra và chứng minh về sự “câu kết” giữa phe phong kiến của triều đình Huế với thực dân Pháp.
Và chính ông Trần Huy Liệu, dưới bút hiệu “Hải Thu”, đã giải thích một cách khá tường tận về sự cần thiết phải có một bằng chứng cụ thể cho sự liên kết giữa hai lực lượng này, qua nhân vật đại diện là “Phan Lâm”.
Để nhắc lại, ở Chương II, trong một bài viết với tựa đề rất ôn hòa là “Góp Ý Về Phan-thanh-Giản” trong loạt bài đấu tố Phan Thanh Giản vào năm 1963 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, tác giả Hải Thu tức Trần Huy Liệu đã đưa ra những lý luận lót đường để chuẩn bị cho bản án xử tội Phan Thanh Giản sau cùng của chính ông ta. Và lập luận của Hải Thu – Trần Huy Liệu trong bài viết này là không thể khoan hồng cho tội bán nước của Phan Thanh Giản, do việc đi ngược lại nguyện vọng nhân dân của Phan Thanh Giản.
Nhưng cũng trong bài viết này, tác giả Hải Thu tức Trần Huy Liệu đã hé lộ ra lý do tại sao Phan Thanh Giản đã được ông ta lựa chọn làm kẻ thù số 1, và tại sao câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lại là một bằng chứng rất cần thiết để chứng minh cho sự câu kết giữa hai lực lượng phong kiến và thực dân, như sau:
“Cũng cần nói thêm về khẩu hiệu: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Lúc Phan Lâm ký hòa ước 1862, nghĩa quân Trương- Định đang hoạt động mạnh. Phan ba lần dụ Trương-Định theo chủ trương của triều đình mà bãi binh, Phan lại còn làm môi giới 4 lần đưa thư dụ hàng của Pháp cho Trương-Định. Lúc đầu Trương-Định đã muốn nghe theo lời Phan mà bãi binh, nhưng nghĩa quân khuyên Trương ở lại, và tôn Trương làm “Bình Tây đại nguyên soái”, tiếp tục kháng chiến với khẩu hiệu: “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Khẩu hiệu này chứng tỏ nghĩa quân rất sáng suốt sớm thấy rõ bản chất của Phan Lâm và triều đình nhà Nguyễn, biết gắn liền tội lỗi của Phan Lâm với triều đình một cách chính xác, gọn, cụ thể và đúng mức. Đó là một lời nguyền rủa, một tiếng thét căm hờn của nhân dân khắp nước ném vào mặt triều đình và bè lũ Phan Lâm.”
Như vậy, ông Trần Huy Liệu dưới bút hiệu Hải Thu đã cho thấy lý do tại sao Phan Thanh Giản lại được ông ta chọn để làm nhân vật đại diện cho phe “địch”, và tại sao câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lại rất cần thiết cho câu chuyện lịch sử của ông ta. Đó là vì “tội lỗi” của Phan Thanh Giản cần phải được “gắn liền” với “tội lỗi” của triều đình Huế. Và “tội lỗi” đó chính là tội “mãi quốc”, “khí dân”, đã được bộc lộ qua những hành động “ký hòa ước”, dụ bãi binh”, “đưa thư dụ hàng của Pháp” cho Trương Định của Phan Thanh Giản.
Nói cách khác, ông Trần Huy Liệu đã cố gắng chứng minh rằng những hành động chung quanh hòa ước 1862 nói trên của Phan Thanh Giản là làm lợi cho Pháp, và là tiêu biểu cho chính sách “đầu hàng” cũng như “bán nước” của triều đình nhà Nguyễn.
Và đó chính là lý do thứ nhất cho việc ông Trần Huy Liệu đã chọn Phan Thanh Giản: sử dụng nhân vật Phan Thanh Giản để chứng minh cho sự câu kết giữa giai cấp phong kiến nhà Nguyễn và thực dân Pháp.
B. Vì Phan Thanh Giản Và Đường Lối Ngoại Giao Của Ông Đã Thành Công Với Hòa Ước 1862
Nhưng ông Trần Huy Liệu đã chọn Phan Thanh Giản làm nạn nhân không phải chỉ vì Phan Thanh Giản đã đóng vai trò đại diện cho phe phong kiến để ký hòa ước 1862 “bán nước” cho thực dân Pháp mà thôi.
Lý do thứ hai cho sự lựa chọn này là vì Phan Thanh Giản đã thành công với phương pháp ngoại giao của ông trong việc thương lượng và thi hành điều số 11 của hòa ước 1862. Để chỉ không đầy một năm sau đó thì Phan Thanh Giản đã lấy lại được tỉnh thành Vĩnh Long cho nhà Nguyễn mà không làm đổ một giọt máu nào của bên mình.
Nhưng chính đường lối ngoại giao thành công này của Phan Thanh Giản đã bị ông Trần Huy Liệu coi là cực kỳ nguy hiểm cho mục tiêu đánh chiếm miền Nam của miền Bắc, khi ông ta dưới bút hiệu Hải Thu trong bài “Góp Ý Về Phan-thanh-Giản” nói trên đã viết tiếp như sau:
“Hòa ước 1862 thật vô cùng tai hại. Ngoài 12 điều khoản cụ thể phải thi hành một cách nhục nhã, ngoài ý nghĩa phản bội đối với nghĩa quân đương liên tiếp chiến thắng ở ba tỉnh miền Đông Nam-kỳ, hòa ước còn có mặt vô cùng tai hại về chính trị và tư tưởng đối với từng lớp trung gian và những người do dự hoang mang. Dưới một triều đại mục nát như triều đại Tự-đức, sau nhiều năm đói khổ và loạn lạc, số người do dự hoang mang trước nạn xâm lăng không phải là ít. Họ cũng yêu nước, không muốn tổ quốc bị xâm lăng, nhưng họ không biết cản trở xâm lăng bằng cách nào; có người sợ gian khổ, có người chán chường, có người nghĩ: thắng giặc chăng nữa cũng chả có gì mới hơn v.v… Trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, vấn đề sống còn là phải tranh thủ, phải củng cố tinh thần cho lớp người hoang mang do dự này, làm họ thấy không có con đường nào khác để bảo vệ tổ quốc ngoài chiến đấu. Nhưng chủ trương chủ hòa của Phan-thanh-Giản và bè lũ mà hòa ước 1862 là một biểu hiện cụ thể lại mở cho họ một ảo tưởng khác: có thể bảo vệ được độc lập bằng cách van xin địch, bằng cách thương lượng, nhượng bộ, bằng những hòa ước theo lối hòa ước 1862. Đấy là một liều thuốc ngủ vô cùng lợi hại, là một chén thuốc độc có khả năng làm tê liệt ý chí chiến đấu của một số người khá đông lúc bấy giờ (số người hoang mang do dự). Chúng ta không lấy làm lạ là lúc ấy giặc Pháp tuyên truyền rất rầm rộ và rộng rãi 12 điều khoản của hòa ước 1862, chúng ta cũng không lấy làm lạ là ngót trăm năm về sau bọn thực dân cáo già còn khen ngợi Phan không tiếc lời.
Cần phải vạch mặt bọn đầu hàng, hiệu triệu đồng bào, cảnh tỉnh quốc dân, dắt họ ra khỏi những ảo tưởng sai lạc, bồi dưỡng quyết tâm chiến đấu, củng cố lực lượng kháng chiến. Khẩu hiệu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” trên thực tế đã góp phần thực hiện mục đích đó.”
Như vậy, ông Trần Huy Liệu tức Hải Thu đã cho ta thấy thêm một lý do nữa vì sao Phan Thanh Giản cần phải bị ông ta lên án. Với những dòng chữ trên, ông Trần Huy Liệu đã lột bỏ tất cả những vỏ bọc của một “sử gia” để hiện nguyên hình là một cán bộ tuyên truyền[139] – khi ông ta vạch rõ sự cần thiết phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân miền Nam trong cuộc chiến tranh đang xảy ra. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ của một cán bộ tuyên truyền như ông Trần Huy Liệu là phải đấu tranh tư tưởng bằng cách hạ nhục kẻ địch. Vì vậy, ông ta đã gọi đường lối ngoại giao của Phan Thanh Giản là “ảo tưởng”, là “liều thuốc độc”.
Nhưng rõ ràng là ông Trần Huy Liệu lại rất sợ rằng những người mà ông gọi là “do dự hoang mang” nói trên sẽ đi theo hay đồng ý với con đường ngoại giao của Phan Thanh Giản, mà không chịu theo con đường chủ chiến của phe ông ta. Như đã thấy, ông Trần Huy Liệu gọi đường lối ngoại giao này là “một liều thuốc ngủ vô cùng lợi hại”. Do đó, mặc dù lúc nào cũng tuyên bố rằng Phan Thanh Giản đã “đầu hàng”, đã “câu kết” với giặc, thật sự thì ông Trần Huy Liệu cũng nhận biết rằng Phan Thanh Giản đã đạt được những kết quả rất khả quan cho nhà Nguyễn qua đường lối ngoại giao. Và ông Trần Huy Liệu cũng thừa biết rằng người dân miền Nam và các cán bộ tập kết từ miền Nam cũng đều biết như vậy.
Tuy nhiên, vì muốn cho những người “do dự hoang mang” này phải đi theo con đường chiến đấu cùng với phe chủ chiến của ông ta, nên ông Trần Huy Liệu đã phải “đánh” Phan Thanh Giản và đường lối ngoại giao này. Và câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là một vũ khí đã giúp cho ông Trần Huy Liệu thực hiện mục đích đó. Bởi khi hạ nhục tàn tệ một vị đại thần xuất xứ từ Nam Kỳ và đã được người miền Nam kính trọng trong bao nhiêu năm trời, bằng một câu vừa sai nghĩa vừa không có xuất xứ như vậy, ông Trần Huy Liệu đã gửi một thông điệp rất rõ ràng đến cho những người “do dự hoang mang” nói trên. Là nếu họ không chịu theo đường lối đấu tranh vũ trang của miền Bắc mà lại mong chờ một giải pháp khác, thì sẽ có kết quả giống như Phan Thanh Giản: mang cái án “bán nước”, mang tội “đầu hàng” và “câu kết” với giặc.
Trong khi đó, về mặt khác, có thể thấy rằng bên cạnh và đi liền với chủ trương hạ nhục Phan Thanh Giản và đường lối ngoại giao với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là sự ngợi khen Trương Định, một nhân vật chủ chiến ngược lại với Phan Thanh Giản.
Có thể thấy rằng Trương Định là một thí dụ hoàn hảo cho chủ trương đấu tranh vũ trang của miền Bắc, bằng xương máu của người miền Nam. Do đó, “tòa soạn” của tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, hay chính ông Trần Huy Liệu, đã viết như sau về Trương Định, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông ta:
“Ngày 20 tháng 8 năm 1864, cách đây tròn một thế kỷ, Trương Định, thủ lĩnh nghĩa quân Gò-công Tân-an và vị anh hùng của dân tộc ta đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu quyết liệt chống quân thù. …
Cuộc khởi nghĩa của Trương Định, cũng như bao nhiêu cuộc khởi nghĩa khác, đã xác định một dân tộc bị áp bức, bị làm nô lệ, chỉ có thể tự giải phóng cho mình bằng con đường vũ trang khởi nghĩa và nhất định không thể ôm ảo tưởng “hòa bình” đối với bọn đế quốc xâm lược.
Cuộc kỷ niệm 100 năm ngày mất của Trương Định lại nhằm vào lúc đồng bào miền Nam nước ta dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt-nam, đương tiến hành cuộc chiến tranh yêu nước chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai để giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước. … Đồng bào miền Nam đương phát huy truyền thống kiên cường bất khuất của nghĩa quân Gò-công Tân-an do Trương Định cầm đầu và đương làm nên những sự nghiệp vĩ đại cứu nước cứu dân mà trước kia nghĩa quân Trương Định chưa làm trọn được. Do đó, cuộc kỷ niệm Trương Định năm nay có một ý nghĩa lịch sử rất trọng đại và đồng bào cả nước, từ Nam chí Bắc, ghi nhớ ngày kỷ niệm này, càng đẩy mạnh thêm cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ trong cả nước.”[140]
Như vậy, Phan Thanh Giản và đường lối ngoại giao của ông đã bị ông Trần Huy Liệu dứt khoát coi là “ảo tưởng”. Hay ít ra đó là những gì mà ông Trần Huy Liệu muốn những “đồng bào miền Nam” phải thấy. Đồng thời, một nhân vật đánh Pháp ở Nam Kỳ là Trương Định đã được ông Trần Huy Liệu gọi là “anh hùng dân tộc”; và “sự nghiệp vĩ đại cứu nước cứu dân” của ông ta ngày nay cần phải được “đồng bào miền Nam” trong lực lượng “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” tiếp tục kế thừa.
Và đó là lý do thứ hai tại sao Phan Thanh Giản lại được chọn làm mục tiêu bởi ông Trần Huy Liệu: vì phương pháp ngoại giao thành công của ông đã đi ngược lại với quyết tâm chủ chiến của miền Bắc.
C. Vì Phan Thanh Giản Là Một Người Được Nhân Dân Kính Trọng
Sau cùng, cũng vẫn trong bài viết ký tên “Hải Thu”, ông Trần Huy Liệu cho thấy thêm một lý do nữa về việc tại sao ông ta đã chọn Phan Thanh Giản để làm mục tiêu cần phải “đánh”. Ông Trần Huy Liệu phải nhìn nhận rằng Phan Thanh Giản là một ông quan có uy tín với “nhân dân”, vì những đức độ cao đẹp của ông. Và ông Trần Huy Liệu biết rằng những gì Phan Thanh Giản đã làm đều được người dân Nam Kỳ ngưỡng mộ. Nhưng ông Trần Huy Liệu lại rất sợ rằng chính cái uy tín này của Phan Thanh Giản sẽ làm cho những người dân miền Nam tin tưởng vào đường lối ngoại giao của ông hơn là đường lối chiến tranh của miền Bắc.
Do đó, ông Trần Huy Liệu, ẩn náu dưới bút hiệu Hải Thu, đã nói thẳng ra rằng chính vì cái uy tín hay đức độ này mà Phan Thanh Giản cần phải bị hạ bệ:
“Còn đời tư của Phan có nhiều điểm tốt ư? Thanh liêm, cương trực, ít hách dịch, không trực tiếp làm việc với Pháp ư? Thơ văn của các nhân sĩ đương thời và tài liệu lịch sử có thể cho ta tin được điều đó. Nhưng oái oăm thay, trên thực tế, điểm này lại có lợi cho địch hơn là lợi cho nhân dân. Do những đức tính đó, Phan được cảm tình của một số sĩ phu đương thời; và từ chỗ cảm tình với Phan, không thể tránh khỏi có người bị tiêm nhiễm nọc độc “chủ hòa” của Phan…”[141]
Như vậy, ông Trần Huy Liệu dưới bút hiệu Hải Thu đã cho ta thấy rằng lý do thứ ba mà Phan Thanh Giản cần phải bị hạ nhục là bởi vì những đức tính của Phan Thanh Giản.
Và đó là vì ông Trần Huy Liệu không thể nào chối cãi được với một sự thật lịch sử là Phan Thanh Giản đã có uy tín rất lớn với “nhân dân” Nam Kỳ. Nhưng ông Trần Huy Liệu lại rất sợ rằng chính vì cái uy tín đó mà đường lối ngoại giao hay “chủ hòa” của Phan Thanh Giản sẽ có ảnh hưởng sâu đậm đối với “nhân dân” miền Nam ngày nay – khiến cho họ chọn con đường của Phan Thanh Giản thay vì con đường chủ chiến của ông ta và đảng của ông ta. Điều này làm cho Phan Thanh Giản trở nên nguy hiểm bội phần dưới mắt ông Trần Huy Liệu. Và đó là lý do thứ ba cho việc tại sao Phan Thanh Giản lại được ông Trần Huy Liệu chọn làm nạn nhân.
Tóm lại, trong một bài viết tại phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử vào năm 1963, dưới bút hiệu Hải Thu, bạn đọc có thể thấy được tất cả ba lý do vì sao ông Trần Huy Liệu đã chọn Phan Thanh Giản để làm mục tiêu tấn công, và đem làm nhân vật chính trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” vào năm 1955.
Trước nhất, đó là vì Phan Thanh Giản đã đích thân thương thuyết và ký kết hòa ước 1862 cũng như thi hành điều số 11 của hòa ước này. Do đó, ông chính là khuôn mặt cần thiết để tạo ra sự liên kết trực tiếp, hay sự “câu kết” giữa triều đình Huế và thực dân Pháp vào thập niên 1860, như ông Trần Huy Liệu đã khẳng định.
Kế đến, đó là vì đường lối ngoại giao của Phan Thanh Giản đã thành công với việc đem lại Vĩnh Long cho nhà Nguyễn mà không làm mất một mạng người Việt nào. Nhưng ông Trần Huy Liệu với quyết tâm “Chiến” thì lại không thể chấp nhận được một sự thành công như vậy. Chính vì lý do đó, những thành quả về ngoại giao của Phan Thanh Giản đã được ông Trần Huy Liệu phù phép cho trở thành những việc làm “đầu hàng” và “bán nước”.
Sau cùng, đó là vì Phan Thanh Giản là một vị quan đức độ và có uy tín sâu rộng trong nhân dân Nam Kỳ. Mà uy tín này có thể làm cho người dân miền Nam hiện thời tin tưởng rằng đường lối ngoại giao của ông là đúng. Do đó, những đức tính này của Phan Thanh Giản sẽ “làm lợi cho địch”, hay nói cách khác là làm hại cho “nhân dân”, tức hại cho đường lối chiến tranh của phe ông Trần Huy Liệu.
Chính vì những lý do kể trên, Phan Thanh Giản đã được ông Trần Huy Liệu tuyển chọn để làm kẻ địch số một cần phải tiêu diệt. Và tiếp theo đó, ông ta đưa Phan Thanh Giản vào làm nhân vật chủ chốt hay kẻ tội phạm đứng đầu sổ trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” mà đã do chính ông ta chế tạo ra. Đây là một việc làm cần thiết cho mục tiêu tối hậu của ông Trần Huy Liệu: giành lấy chính nghĩa và sự ủng hộ của người dân miền Nam cho đường lối chủ chiến của phe ông ta ở miền Bắc, trong cuộc chiến tranh đang diễn ra tại miền Nam.
ẢNH HƯỞNG CỦA PHAN BỘI CHÂU: TUYÊN TRUYỀN TỘI TRẠNG “ĐẦU HÀNG”
Như đã thấy, khi chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, thì ông Trần Huy Liệu đã làm công việc của một cán bộ tuyên truyền thay vì một sử gia chân chính. Và khi xuyên tạc lịch sử để hạ nhục Phan Thanh Giản, trong mục đích tuyên truyền cho chủ trương dùng chiến tranh để “giải phóng miền Nam”, thì ông Trần Huy Liệu cũng chẳng phải là người duy nhất đã làm một điều như vậy.
Vì trước ông Trần Huy Liệu mấy mươi năm, đã có một nhà cách mạng Việt Nam cũng chủ trương dùng bạo lực chủ chiến như ông ta, và cũng đã dùng một tác phẩm có tựa đề là một cuốn sử như ông ta, để làm điều đó. Hơn nữa, nhà cách mạng nổi tiếng này cũng đã xuyên tạc lịch sử và hạ nhục Phan Thanh Giản, bằng cách cho rằng Phan Thanh Giản vì hèn nhát nên đã mau chóng “đầu hàng” thực dân Pháp qua việc ký kết hòa ước 1862. Và mục đích của nhà cách mạng này có lẽ cũng không mấy gì khác ông Trần Huy Liệu: đó là không chấp nhận đường lối đấu tranh nào khác ngoài việc dùng vũ trang bạo lực.
Nhà cách mạng nổi tiếng đó lại là một người quen biết và cũng là thần tượng của ông Trần Huy Liệu, như chính ông Trần Huy Liệu đã tự nhận. Nhà cách mạng đó là Phan Bội Châu. Và tác phẩm mang danh “lịch sử” mà ông Phan Bội Châu đã dùng để kể tội “đầu hàng” Pháp của Phan Thanh Giản như trên là cuốn “Việt Nam Vong Quốc Sử”.
“Việt Nam Vong Quốc Sử” là một cuốn sách có mức độ ảnh hưởng rất lớn tại Việt Nam, vì lý do nó đã từng bị nhà cầm quyền Pháp cấm lưu hành. Theo ông Phan Khôi viết vào năm 1929 thì:
“Một cuốn sách, bất kỳ nội dung nó ra làm sao, cứ để yên không cấm thì người ta coi như thường. Dầu có lắm người khích thích vì nó chăng nữa, song cũng còn có lắm người coi như thường. Đến cấm đi một cái, thì hết thảy ai nấy đều chú ý vào nó. Cấm đi, là muốn cho người ta đừng đọc, mà không ngờ lại làm cho người ta càng đọc!
Người ta nói rằng một pho tượng gỗ đã sơn thếp rồi mà chưa khai quang điểm nhãn thì nó chưa linh, đến chừng khai quang điểm nhãn rồi thì nó mới linh. Ấy vậy, cấm cuốn sách nào, tức là khai quang điểm nhãn cho cuốn sách ấy.
Cho nên ở ta đây đã có nhiều sách linh lắm, có nhiều cuốn đã hiển thánh rồi. Việt Nam vong quốc sử và Hải ngoại huyết thơ đã hiển thánh hai mươi năm nay; còn mới đây Một bầu tâm sự cũng đòi đạp đồng ngang lên nữa.”[142]
Do đó, có lẽ ta sẽ không mấy ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ sau đây do chính ông Trần Huy Liệu viết về ảnh hưởng của Phan Bội Châu đối với ông ta từ ngày còn nhỏ:
“Ngay từ lúc mới lớn lên và lòng yêu nước mới nảy nở, thì ba tiếng “Phan-bội-Châu” đã đến với tôi rất quen thuộc và rất âu yếm. Qua những câu chuyện của anh tôi và cha tôi, tôi rất thích thú những chuyện thuộc về cụ Phan mà có liên quan tới địa phương tôi… Dần dần lớn lên, tôi vẫn rõi theo đường đi nước bước của cụ, được đọc tập Việt-nam vong quốc sử đăng trên Tân dân tùng báo xuất bản ở Đông-kinh (Nhật-bản), tôi cảm động quá.”[143]
Rồi chẳng những vậy thôi, mà sau này ông Trần Huy Liệu còn nghiên cứu rất kỹ về cuốn sách cấm đó. Ông cho ta biết rất cặn kẽ về lai lịch của nó như sau:
“Năm 1905 , Phan Bội Châu sang tới Nhật-bản. Nghe lời khuyên của Lương Khải Siêu, lãnh tụ phái duy tân ở Trung- quốc dưới trào Mãn Thanh, Phan viết quyển Việt nam vong quốc sử, tả cái thảm trạng mất nước và kể tội ác của thực dân Pháp để gây dư luận với thế giới. Sách viết bằng chữ nho, có đăng trong Tân-dân tùng báo, cơ quan của phái duy tân Trung-quốc do Lương Khải Siêu làm chủ bút, xuất bản ở Đông-kinh nước Nhật. Ngoài ra, có đem về phổ biến ở trong nước độ mấy chục quyển. Sách viết theo những sự kiện riêng lẻ và những chuyện cá nhân, thiếu tổng hợp. Nhưng đây là một văn kiện tuyên truyền có ảnh hưởng nhiều cho cách mạng Việt-nam hồi đó và cũng là một quyển sử đầu tiên góp phần vào lịch sử cách mạng cận đại Việt-nam. Nhiều nhân sĩ Nhật-bản, Trung-quốc, Triều-tiên và các nước phương đông hiểu cách mạng Việt-nam qua quyển sách này.”[144]
Như vậy, ông Trần Huy Liệu đã biết rằng cuốn “sử” này của Phan Bội Châu chính là một văn kiện dùng cho mục đích tuyên truyền về việc đánh Pháp, nhưng được tác giả cho đội lốt “lịch sử”! Tuy vậy, ông Trần Huy Liệu cũng vẫn đồng thời cho rằng đó là “quyển sử đầu tiên” của cách mạng Việt Nam. Có lẽ chính điều này đã giải thích cho người đọc cái nhìn và sự hiểu biết về sử học của ông Trần Huy Liệu là như thế nào!
Ngoài ông Trần Huy Liệu, một tác giả khác là ông Chương Thâu, chuyên gia nghiên cứu về Phan Bội Châu, đã cho ta biết thêm về tầm quan trọng của tác phẩm “Việt Nam Vong Quốc Sử” như sau:
“Về cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan-bội-Châu thì như chúng ta đã biết … Năm 1905 Phan xuất dương sang Nhật. Đến Nhật, người đầu tiên Phan tìm gặp là Lương Khải-siêu, một chính khách quan trọng của Trung-quốc mà Phan hằng hâm mộ hiện sống lưu vong ở đấy … rồi do lời khuyên của Lương Khải-siêu mà Phan-bội-Châu đã viết một loạt các tác phẩm tuyên truyền cách mạng… Tác phẩm đáng kể đầu tiên của Phan-bội-Châu là quyển Việt-nam vong quốc sử. … Có thể nói, đó là một quyển lịch sử cách mạng đầu tiên của Việt-nam tố cáo sự tàn ác của thực dân Pháp. Tác phẩm này được Lương Khải-siêu giúp cho in hàng nghìn bản để gửi về nước làm tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng, kêu gọi nhân dân đánh đổ thực dân xâm lược và phong kiến phản động. Tác dụng tốt của tác phẩm này thật là đáng kể, nó đã góp phần tích cực trong việc giác ngộ tinh thần dân tộc cho đông đảo thanh thiếu niên yêu nước thời bấy giờ bước vào con đường hoạt động cách mạng cứu dân cứu nước…
Tác phẩm Việt-nam vong quốc sử chẳng những khiến cho lòng căm thù giặc của người trong nước thêm sôi sục, mà đối với công cuộc vận động cách mạng của nước bạn Trung-quốc cũng có tác dụng tốt. Nội cái việc tác phẩm này được in đi in lại bằng tiếng Trung-quốc xuất bản ở Trung-quốc những 4 lần … đủ chứng tỏ rằng nó có một ảnh hưởng như thế nào đối với độc giả Trung-quốc.”[145]
Như vậy, ông Chương Thâu, lúc đó là một cán bộ có nhiều bài viết trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử của ông Trần Huy Liệu (như bài ông viết cùng với ông Đặng Huy Vận để mở màn cho phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản năm 1963, và đã được nói đến trong Chương II), đã nhận xét về cuốn sách này giống y như thủ trưởng của ông. Là mặc dù biết rằng nó chính là một tác phẩm tuyên truyền, nhưng ông Chương Thâu vẫn coi nó như một cuốn sử, mà lại là cuốn sử đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Sau cùng, chính tác giả của cuốn “Việt Nam Vong Quốc Sử” nói trên, nhà cách mạng Phan Bội Châu, đã thuật lại về hoàn cảnh ra đời của cuốn “sử” này như sau:
“ … Đoạn, về Hoành Tân, cách vài ngày ông Lương (Khải Siêu) lại mời tôi đến, tính bàn những kế-hoạch đồ-tồn bút đàm vấn đáp với nhau rất kỹ, đại lược như sau nầy:
‘Nước Trung-quốc với quý quốc, cứ theo quan hệ ở trong địa dư lịch-sử nhân-chủng, hai ngàn năm mật thiết có lẽ hơn anh em; anh đứng dòm em chết mà không cứu, há có lẽ đâu? Tức cho bọn đương Triều, chỉ biết ăn thịt mà thôi, tôi lấy làm đau đớn. Tôi đã trù nghĩ hiện thời chỉ có hai kế-hoạch, có thể cống hiến cho ông:
- Hết sức dùng văn tự đau đớn thống thiết và hăng hái, mô tả cho hết tình-trạng bệnh-thống của quý quốc, với mưu hiểm độc diệt chủng diệt quốc của người Pháp, tuyên bố cho người thế giới biết, họa may kêu dậy được dư luận của thế giới làm môi-giới ngoại-giao cho các ngài đó là một kế hoạch.
- Ông có thể trở về nước, hay là đưa văn thư gửi về trong nước, cổ động những hạng người thanh-niên xuất dương cầu học, mượn đó làm cái nền tảng hưng dân khí, khai dân trí, lại là một kế hoạch….’
Tôi được nghe bấy nhiêu lời, óc và mắt tôi bây giờ mới tỉnh táo được nhiều, mà phàn nàn những tư tưởng mình trước kia và những việc kinh dinh, thảy là hoang đường mạnh lãng, không tý gì thiết thực. Từ biệt về nhà trú, tôi mới bắt đầu thảo quyển VIỆT NAM VONG QUỐC SỬ. Thảo xong, đem tới ông Lương xem và nhờ ông xuất bản, ông ừ ngay. Chỉ một tuần lễ sách in xong, tôi mới tới nhà ông Lương xin từ biệt về nước.
Lúc đó là hạ tuần tháng 6 năm Ất-Tỵ (1905), khi đó ông Tăng (Bạt Hổ) ở lại Hoành-Tân, còn tôi cặp ông Đặng-tử-Kính mang 50 bản VIỆT NAM VONG QUỐC SỬ lén về nước.”[146]
Như vậy, cuốn “Việt Nam Vong Quốc Sử” đã được Phan Bội Châu viết ra theo lời đề nghị của Lương Khải Siêu và với mục đích là tuyên truyền, để kêu gọi lòng thương hại của ngoại quốc, để mong được họ giúp đỡ hòng đánh đuổi người Pháp, cũng như để vận động thanh niên trong nước. Vì vậy, cho dù chính tác giả Phan Bội Châu đã đặt cho nó cái tên là “sử”, nhưng mục đích của ông khi viết nó ra đã rất rõ ràng. Đó là sau khi được Lương Khải Siêu mở mắt cho về công tác tuyên truyền, thì Phan Bội Châu đã lập tức tỉnh ngộ và bắt đầu viết cuốn sách này, cho mục đích ấy.
Nghĩa là cuốn “Việt Nam Vong Quốc Sử” của Phan Bội Châu thật sự không phải là một cuốn “sử” như tên gọi của nó, mà chính là một tài liệu tuyên truyền, như tác giả của nó thú nhận. Thế nhưng cuốn sách này đã có một ảnh hưởng rất lớn với các nho sĩ cách mạng ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Vì đó là những người đọc được chữ Hán như ông Trần Huy Liệu, và vì cuốn sách này đã được Phan Bội Châu viết bằng chữ Hán. Trong đó, tác giả Phan Bội Châu mô tả “bệnh thống” của Việt Nam giống như lời đề nghị làm “mở mắt” ông của Lương Khải Siêu.
Và Phan Bội Châu đã viết về Phan Thanh Giản với hòa ước 1862 trong cuốn “Việt Nam Vong Quốc Sử” như sau:
“Năm Tự Đức thứ 15, người Pháp đem nhiều quân tập trung ở Sài Gòn, đòi Việt Nam ký thỏa ước giảng hòa. Vua nước Việt cho khâm sai đại thần đi họp. Việt đại thần vâng đem quốc chương đi Sài Gòn, quân Pháp lấy quân lực ức hiếp bắt ký vào tờ ước, nói rằng: ‘Vua tôi nước Việt Nam cùng thuận tình xin được nước Đại Pháp bảo hộ, xin đem sáu tỉnh làm nhượng địa …’
Bấy giờ toàn hạt 30 tỉnh chưa động đậy gì, binh tài sung túc, ví bằng người phụng mệnh giảng hòa có can đảm, có cơ mưu, chỉ y theo điều ước trước cho thông thương và giảng đạo, cương quyết tranh biện, thì cũng chưa đến nỗi mất hết quyền lợi. Rất đáng giận lúc ấy Phan Thanh Giản, Lâm Duy Nghĩa là Khâm sai đại thần, hai người này gan dê lợn mà mưu chuột cáo, một khi trông thấy người Pháp liền run sợ, mồ hôi vã ra như mưa. Ví người Pháp đòi đem cha mẹ ra cho chúng ăn thịt, bọn ấy cũng cung kính hai tay bưng đến dâng ngay, huống chi sáu tỉnh! …
Khi ấy có hương Tiến sĩ Nguyễn Huân, võ cử nhân Nguyễn Trung Trực, hương vi hộ (tức là Đề đốc hộ thành) Trương Định, Trương Bạch, khởi nghĩa chống Pháp. liền mấy trăm trận đánh. Nhưng vì quân giới không bằng Pháp, rồi bị thua, toàn gia bị giết, phần mộ bị đào bới thành không cả …”[147]
[4] 嗣德十五年。法人以重兵厚集於西貢。要越南講盟。越國君以欽差大臣往會。越大臣奉國章如西貢。法人以兵劫盟。使紀盟詞曰。越南國君臣順情,願大法國保護。乞以六省爲讓地。…
其時三十省全轄未動。兵財充裕。苟奉命講和之人。有膽氣,有機略。但依通商,講道前約。諤諤與爭。亦未至權利盡失。最可恨者。
當時,潘清簡,林維義爲欽差大臣。二人羊豚其肝。狐鼠其技。一見法人。便戰戰慄慄。汗出如雨。倘法人要將 [5] 其父母,獻其供宰。敬敬雙手獻之。何况六省。…
其時有鄕進士阮勳,武舉人阮忠直,鄕團户張定,張白,舉義兵與法人抗累數百戰。然以軍械不及法。尋敗全家被戮。墳墓一空。
[4] Tự Đức thập ngũ niên. Pháp nhân dĩ trọng binh hậu tập ư Tây Cống. Yêu Việt Nam giảng minh. Việt quốc quân dĩ khâm sai đại thần vãng hội. Việt đại thần phụng quốc chương như Tây Cống. Pháp nhân dĩ binh kiếp minh. Sử kỷ minh từ viết. Việt Nam quốc quân thần thuận tình, nguyện Đại Pháp quốc bảo hộ. Khất dĩ lục tỉnh vi nhượng địa. …
Kỳ thời tam thập tỉnh toàn hạt vị động. Binh tài sung dụ. Cẩu phụng mệnh giảng hoà chi nhân. Hữu đảm khí, hữu cơ lược. Đãn y thông thương, giảng đạo tiền ước. Ngạc ngạc dữ tranh. Diệc vị chí quyền lợi tận thất. Tối khả hận giả.
Đương thời, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Nghĩa vi khâm sai đại thần. Nhị nhân dương đồn kỳ can. Hồ thử kỳ kỹ. Nhất kiến Pháp nhân. Tiện chiến chiến lật lật. Hãn xuất như vũ. Thảng Pháp nhân yêu tương [5] kỳ phụ mẫu, hiến kỳ cung tể. Kính kính song thủ hiến chi. Hà huống lục tỉnh. …
Kỳ thời hữu hương tiến sĩ Nguyễn Huân, võ cử nhân Nguyễn Trung Trực, hương đoàn hộ Trương Định, Trương Bạch, cử nghĩa binh dữ Pháp nhân kháng luỹ sổ bách chiến. Nhiên dĩ quân giới bất cập pháp. Tầm bại toàn gia bị lục. Phần mộ nhất không.[148]
Như bạn đọc có thể thấy ngay lập tức, là chỉ trong một đoạn “sử” ngắn như trên của nhà cách mạng Phan Bội Châu về tình hình nước Đại Nam khi Pháp đánh Nam Kỳ, hầu như bất cứ câu nào trong đó cũng sai sự thật.
Rõ ràng nhất là việc tác giả Phan Bội Châu buộc tội đầu hàng cho vua tôi nhà Nguyễn khi họ ký kết hòa ước 1862 như sau: “Vua tôi nước Việt Nam cùng thuận tình xin được nước Đại Pháp bảo hộ, xin đem sáu tỉnh làm nhượng địa”. Trong khi như ta đã biết thì mặc dù Pháp đã chiếm được 4 tỉnh ở Nam Kỳ, nhưng theo hòa ước 1862 thì Việt Nam chỉ bị mất 3 tỉnh miền Đông; rồi có thể, và đã lấy lại được Vĩnh Long theo điều 11 của hòa ước, nhờ tài ngoại giao của Phan Thanh Giản. Cho nên chẳng làm gì mà có chuyện họ “xin đem sáu tỉnh làm nhượng địa”, và lại càng không hề có chuyện vua tôi nước Việt Nam cùng thuận tình “xin được bảo hộ”, như tác giả Phan Bội Châu đã viết.
Kế đến, và quan trọng hơn nữa, tác giả Phan Bội Châu cho rằng lúc đó “30 tỉnh chưa động đậy gì, binh tài sung túc”. Nhưng chỉ vì hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp có “gan dê lợn mà mưu chuột cáo” , nên khi gặp người Pháp “bắt ký vào tờ ước” thì hai ông “liền run sợ, mồ hôi vã ra như mưa”, rồi “cung kính” dâng ngay sáu tỉnh Nam Kỳ cho Pháp.
Và chưa ngừng lại ở đó, tác giả Phan Bội Châu còn viết rằng nếu người Pháp đòi ăn thịt cha mẹ của hai ông Phan, Lâm – thì hai ông chắc cũng hai tay cung kính dâng ngay, chứ đừng nói chi sáu tỉnh Nam Kỳ!
Tóm lại, theo tác giả Phan Bội Châu thì việc nước ông bị mất đất Nam Kỳ là vì hai ông đại thần Phan Lâm đã quá nhát gan sợ Pháp mà dâng đất đầu hàng, chứ chẳng phải vì quân Pháp đã phá tan đại đồn Chí Hòa và chiếm hết bốn tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long. Cuốn “vong quốc sử” này, do đó, chẳng hề nói tới những sự kiện trên. Mà chỉ nói rằng Pháp đem nhiều quân tới Sài Gòn. Và thế là hai ông đại thần “gan dê lợn mà mưu chuột cáo“ tức “dương đồn kỳ can, hồ thử kỳ kỹ” Phan, Lâm đã vì hèn nhát mà lập tức dâng ngay sáu tỉnh Nam Kỳ cho họ!
Khi đọc đoạn “sử” trên đây về Phan Thanh Giản, nhất là những chỗ tác giả Phan Bội Châu nhận xét về cá nhân – như câu mô tả “gan dê lợn mà mưu chuột cáo“ – có lẽ người đọc nào cũng tưởng rằng đó là một trò đùa! Nhưng đấy lại chính là những gì mà nhà cách mạng Phan Bội Châu đã viết cho người Tàu, người Nhật, cũng như người Việt trong nước biết, về lý do tại sao Việt Nam bị mất Nam Kỳ vào tay Pháp. Không phải vì không đủ quân lính, tướng tài. Không phải vì đánh thua quân Pháp. Mà hoàn toàn chỉ vì hai ông đại thần “gan dê lợn mà mưu chuột cáo” đã cung kính đem dâng 6 tỉnh cho giặc. Chỉ vì hai ông đó hèn nhát và sợ người Pháp, đến mức vừa gặp mặt họ là đã đổ mồ hôi ra như mưa.[149]
Nhưng vẫn chưa hết, nếu người đọc đã phải khâm phục với trí tưởng tượng của sử gia Phan Bội Châu trong đoạn văn trên, khi diễn tả cảnh Phan Thanh Giản gặp người Pháp – thì ở đoạn dưới người đọc lại phải một lần nữa phải ngả mũ với câu mà tác giả cho rằng “toàn gia” của các lãnh tụ kháng chiến ở Nam Kỳ như Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Trương Định đều bị Pháp giết hết, và “phần mộ bị đào bới thành không cả”.
Ấy là chưa nói đến những chi tiết lịch sử khá dễ dàng để kiểm chứng, mà lại sai sót thảm hại trong đoạn văn trên. Không biết do đâu mà cử nhân (Thủ Khoa) Nguyễn Hữu Huân lại được phong làm tiến sĩ, quản cơ Nguyễn Trung Trực trở thành võ cử nhân, còn lãnh binh Trương Định thì trở thành hương vi hộ. Cộng thêm vào đó một ông “Trương Bạch” mà ta không biết là ai, nhưng lại được gán vô cùng với Trương Định. Rồi tất cả được cho là có đến “mấy trăm trận” đánh Pháp.
Do đó, khi đọc đoạn “sử” trên đây trong cuốn “Việt Nam Vong Quốc Sử” của Phan Bội Châu về Phan Thanh Giản, người đọc chắc chắn không khỏi chau mày với những sai lầm quá lớn, quá rõ ràng và quá thô thiển nói trên. Dù cho biết rằng mục đích của cuốn sách này là để tuyên truyền chống Pháp, nhưng những sai lầm đến mức độ như vậy khiến cho ta phải thắc mắc không hiểu rằng tác giả Phan Bội Châu đã viết như trên vì thiếu thông tin – hay do cố tình bịa đặt ra những chi tiết đó, nhằm kêu gọi sự thương hại của quốc tế và để khích động lòng yêu nước của người Việt.
Cố nhiên, lời giải thích dễ dàng nhất là không phải chỉ vì mục đích tuyên truyền mà Phan Bội Châu đã viết sai sự thật; nhưng do ông Giải Nguyên xứ Nghệ thật tình không biết về những sự kiện lịch sử trong thời điểm 1862-1863 tại Nam Kỳ. Vì vậy, việc quy định trách nhiệm mất đất Nam Kỳ lên cho cá nhân Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp của tác giả Phan Bội Châu, dù sai sự thật, nhưng không phải là vì có ác ý với cá nhân hai ông Phan Lâm, mà là do sự hăng hái nhiệt tình của tác giả gây nên.
Thế nhưng chính tác giả Phan Bội Châu đã thú nhận rằng việc ông viết ra cuốn “sử” đó là do ảnh hưởng và lời khuyên của Lương Khải Siêu: cần mô tả thảm trạng của nước mình để kêu gọi ngoại quốc giúp đỡ, cũng như để cổ động tinh thần cách mạng của người trong nước. Do đó, tác giả Phan Bội Châu đã không ngần ngại mà viết rằng Việt Nam bị mất sáu tỉnh hoàn toàn là do hai ông Phan, Lâm quá nhát gan, nên khi vừa gặp người Pháp thì đã run sợ và giao ngay đất đai cho họ.
Nếu như do thiếu thông tin mà không biết sự thực lịch sử lúc đó diễn ra như thế nào, thì chỉ cần nói rằng việc ký kết hòa ước là do hai ông Phan, Lâm sợ giặc mà ra, là đủ. Nhưng đàng này tác giả Phan Bội Châu lại sáng tác ra nào là “gan dê lợn, mưu chuột cáo” rồi “mồ hôi vã ra như mưa”, rồi “dâng cha mẹ cho Pháp ăn thịt”… Những điều thêm thắt nói trên cho thấy rõ ràng rằng đây là một sự bịa đặt trắng trợn để đổ lỗi hoàn toàn cho hai ông Phan, Lâm – với những thủ thuật tấn công để hạ nhục cá nhân, mà không có một bằng chứng nào hết.
Và có thể thấy rằng những gì ông Phan Bội Châu viết về Phan Thanh Giản như trên là giống y hệt như những gì ông Trần Huy Liệu viết về Phan Thanh Giản năm mươi năm sau: Đó là vì nhát gan (Phan Bội Châu), hay vì theo “thất bại chủ nghĩa” (Trần Huy Liệu), cho nên Phan Thanh Giản đã ký hiệp ước 1862 để “dâng hết sáu tỉnh Nam Kỳ cho Pháp”, mặc dù lực lượng quân đội còn rất mạnh và nếu tiếp tục chiến đấu thì chưa chắc đã thua.
Để nhắc lại, trong bài viết ký tên Hải Thu, ông Trần Huy Liệu đã nói rõ rằng việc Phan Thanh Giản ký hòa ước 1862 là “do tư tưởng khiếp nhược, sợ địch”.
Và tiếp theo, trong bài viết cuối cùng để phán quyết bản án bán nước cho Phan Thanh Giản trong phiên tòa đấu tố năm 1963, ông Trần Huy Liệu đã viết như sau:
“… Nhưng trong khi những nhân sĩ yêu nước trong giai cấp phong kiến và đông đảo nhân dân kiên quyết đánh Tây để giữ lấy nước, thà chết không làm nô lệ thì Phan trước sau vẫn theo chiều hướng đầu hàng, từ ký nhượng ba tỉnh miền Đông đến ký nhượng ba tỉnh miền Tây (sic). Phan trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân”
Như vậy, có thể thấy rằng cả hai ông Phan Bội Châu và Trần Huy Liệu đều không cần đếm xỉa tới sự thực lịch sử lúc đó – là nhà Nguyễn đã bị đánh thua một trận tan tác tại đại đồn Chí Hòa, cho dù với danh tướng số 1 triều đình là Nguyễn Tri Phương. Cả hai ông đều không cần biết rằng ngay sau đó thì Pháp đã dễ dàng chiếm luôn ba tỉnh lân cận là Mỹ Tho, Biên Hòa và Vĩnh Long, chỉ trong một thời gian ngắn. Hai ông không cần biết rằng nhà Nguyễn phải đối đầu với mối lo Lê Duy Phụng ở Bắc Kỳ. Và hai ông cũng không cần biết rằng chính hòa ước 1862 đã đem lại tỉnh thành Vĩnh Long, thủ phủ của ba tỉnh miền Tây, cho nhà Nguyễn.
Cho nên có thể thấy rằng những gì mà cả hai ông Phan Bội Châu và Trần Huy Liệu viết về Phan Thanh Giản chính là những dụng cụ phục vụ cho mục đích tuyên truyền của hai ông. Chứ không có một chút gì có thể gọi là “sử” cả, vì chúng hoàn toàn sai với sự thật. Nhất là những điều mà Phan Bội Châu viết về Phan Thanh Giản cho ta thấy một sự bịa đặt để tấn công cá nhân cực kỳ non nớt.
Thế nhưng vấn đề ở đây là những sự bịa đặt tuyên truyền hời hợt không có căn bản như vậy lại theo uy tín của người viết là một nhà cách mạng lão thành, là thần tượng của nhiều thế hệ làm cách mạng sau này, mà ảnh hưởng rất lớn đến sự suy nghĩ của họ về vị đại thần xuất thân từ Nam Kỳ. Trong số đó có ông Trần Huy Liệu, như chính ông ta thú nhận là đã “cảm động quá” sau khi đọc được cuốn “sử” của Phan Bội Châu.
Và do đó, cuốn “Việt Nam Vong Quốc Sử” đã trở thành một thứ “nguồn” hay “tài liệu” cho những người làm công tác tuyên truyền sau này – dù mang danh hiệu sử gia – như ông Trần Huy Liệu. Để rồi ông ta đã áp dụng những điều vu cáo nói trên và cho ra đời câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” cùng câu chuyện chung quanh nó, với lý luận rằng Phan Thanh Giản vì theo “thất bại chủ nghĩa” mà đầu hàng giặc, nên không thể được khoan hồng.
Tóm lại, có thể thấy rằng do ảnh hưởng của Phan Bội Châu và cuốn sách tuyên truyền mang tên “Việt Nam Vong Quốc Sử” mà ông Trần Huy Liệu đã quy hết trách nhiệm làm mất Nam Kỳ cho Phan Thanh Giản vì đã ký hòa ước 1862 để “dâng” hết 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Và do bị ảnh hưởng bởi nhận xét “gan dê lợn mà mưu chuột cáo” về Phan Thanh Giản của tiền bối Phan Bội Châu, nên ông Trần Huy Liệu đã gán luôn cả cái “thất bại chủ nghĩa” cho Phan Thanh Giản.
Như đã thấy, mục đích chung của cả hai ông là để cổ động tinh thần đấu tranh của phe mình – khi cho rằng kẻ địch là người Pháp thật sự không đáng sợ. Do đó, cả hai ông đều cho rằng người Việt nếu có bị mất đất khi xưa thì hoàn toàn là do những ông quan triều đình nhát gan sợ địch nên đầu hàng giặc, như Phan Thanh Giản mà thôi.
Nhưng ông Trần Huy Liệu còn đi xa hơn Phan Bội Châu rất nhiều về khoản hạ nhục Phan Thanh Giản. Trong khi tác giả Phan Bội Châu chỉ gọi Phan Thanh Giản là “gan dê lợn mà mưu chuột cáo”, như một sự so sánh và chê trách đởm lược yếu ớt của Phan Thanh Giản mà thôi, thì ông Trần Huy Liệu dưới bút hiệu Hải Thu đã ví Phan Thanh Giản với những loài súc vật cần được nhốt trong “chuồng”, như trong đoạn văn sau đây:
“Làm thiệt hại cho dân cho nước, Phan-thanh-Giản và bè lũ phải chịu lấy lời nguyền rủa của tổ quốc, của nhân dân. Lời nguyền rủa đó rất thỏa đáng đối với Phan sau hòa ước 1862, lại càng thỏa đáng sau việc dâng Vĩnh Long và ba tỉnh miền Tây Nam-kỳ cho giặc. …
Riêng tôi, có một sự kiện mà tôi nhớ mãi. Một hôm, năm 1934, lúc tôi đang nghê nga về tài đức của Phan-thanh-Giản trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp ba thì bác tôi tới chơi. Bác tôi là một chiến sĩ Xô-viết Nghệ-Tĩnh mới ra tù. Bác giật sách, xé vụn trang giấy và viết cho thầy học tôi, bạn bác, mấy chữ như sau: “Anh T. có lẽ không nên cho con em ta noi gương xấu của loại Phan-thanh-Giản, Đỗ-hữu-Vị, Trương-vĩnh-Ký”.
Theo tôi, đấy là thái độ đúng đối với Phan-thanh-Giản, tuy nhốt Phan cùng chung một chuồng với Vị và Ký thì cũng có phần chật hẹp.
Có người sẽ nói: đánh giá Phan như vậy là phiến diện chỉ thấy hiện tượng, không thấy bản chất, không thấy hạn chế của lịch sử, khó khăn của thời đại, chỉ thấy cá nhân, không thấy giai cấp, không nhìn đến động cơ xuất phát của các hành động của Phan, không thấy “công trạng và “đức tốt” của Phan , không thấy “tấm lòng trong trắng không mảy may gợn đục, “vì dân, vì nước” của Phan v.v…
Xin trả lời gọn: Quyền lợi của tổ quốc, lợi ích của nhân dân, yêu cầu của lịch sử: Phan đều đi ngược chiều. Tội lỗi của Phan quá to, không thể có công trạng, đức tốt nào có thể chuộc lại được. Quyền lợi của tổ quốc, lợi ích của nhân dân, yêu cầu của thời kỳ lịch sử là điểm xuất phát duy nhất đúng để đánh giá nhân vật lịch sử.”
Như vậy, ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu có lẽ cảm thấy rằng việc ông ta gán tội vì theo thất bại chủ nghĩa nên đã “đầu hàng” giặc cho Phan Thanh Giản là chưa đủ, nên ông ta cần phải hạ Phan Thanh Giản xuống thấp hơn nữa, phải nhục mạ Phan Thanh Giản nặng nề hơn nữa! Bằng cách cho rằng những người như Phan Thanh Giản cần phải được đối xử như súc vật và “nhốt” trong “chuồng”. Không hiểu có phải vì biết rằng trong vị trí Viện Trưởng Viện Sử Học mà lại viết ra những câu nhục mạ người khác một cách thái thậm như vậy thì hơi mất tư cách, nên ông Trần Huy Liệu đã phải dùng bút danh Hải Thu để làm điều này?
Tóm lại, ông Trần Huy Liệu cho thấy rằng đã bị ảnh hưởng, hay đã “mượn” tội danh “sợ giặc đầu hàng” từ thần tượng của ông là nhà cách mạng Phan Bội Châu và tác phẩm tuyên truyền “Việt Nam Vong Quốc Sử”. Để rồi từ đó ông ta sẽ lên án Phan Thanh Giản là vì theo “thất bại chủ nghĩa”, nên đã mau mắn ký kết hòa ước 1862 và dâng hết Nam Kỳ cho giặc Pháp.
Nhưng bên cạnh sự nhục mạ cá nhân Phan Thanh Giản kèm theo tội danh “sợ giặc đầu hàng” dành cho Phan Thanh Giản giống nhau của cả hai ông Phan Bội Châu và Trần Huy Liệu, thì ông Trần Huy Liệu còn đi xa hơn Phan Bội Châu một bước nữa trong việc “đánh” Phan Thanh Giản.
Đó là vì ngoài tội theo “thất bại chủ nghĩa” nên đã “sợ giặc đầu hàng”, ông Trần Huy Liệu còn gán thêm cái tội “mãi quốc” cho Phan Thanh Giản. Nghĩa là bên cạnh tội “thất bại chủ nghĩa”, hay sự nhát gan do bản tính con người mà ra, thì ông Trần Huy Liệu còn gán cho Phan Thanh Giản thêm một cái tội nặng nề hơn nhiều. Vì khác với tội “sợ giặc đầu hàng”, tội danh “mãi quốc” này đòi hỏi phải có một sự cố ý phản bội để mưu lợi cho cá nhân.
Và theo người viết tìm hiểu thì có rất nhiều khả năng là ông Trần Huy Liệu đã mượn cái tội danh “mãi quốc” cũng như bốn chữ “Phan Lâm mãi quốc” từ những nhà nho Nghệ Tĩnh ủng hộ phong trào Cần Vương; trong một tác phẩm có tên là “Việt Nam Chính Khí Ca”. Người viết xin giới thiệu với bạn đọc sự ảnh hưởng hay đúng ra là sự “vay mượn” này qua tài liệu “Việt Nam Chính Khí Ca” trong chương kế tiếp.
ẢNH HƯỞNG CỦA PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG QUA BÀI “VIỆT NAM CHÍNH KHÍ CA”: TỘI “MẠI QUỐC”
Có lẽ nhờ duyên may mà người viết đã tìm ra được manh mối về hình thức của nhóm chữ “Phan Lâm mãi quốc” cũng như cả câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” nói trên, trong một tài liệu xưa. Tài liệu này không chứa đựng trọn vẹn cả câu 8 chữ như ông Trần Huy Liệu đã trình bày vào năm 1955 trên số 9 tờ Văn Sử Địa. Nhưng nó lại có đầy đủ tất cả những phần tử quan trọng để cho thấy rằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã được rút ra từ đó, hay ít nhất đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ đó.
Tài liệu nói trên có tên là “Việt Nam Chính Khí Ca”, do một học giả nổi danh lâu năm là ông Lê Thước sưu tầm và cho đăng trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử[150]. Đó là một bài thơ trường thiên bằng thể lục bát, nhưng đặc biệt ở chỗ là được làm bằng chữ Hán chứ không phải bằng chữ Nôm (hay tiếng Việt). Do đó, khi đọc lên bằng tiếng hay âm Hán Việt, thì bài thơ này có đầy đủ âm điệu bằng trắc giống như bất cứ một bài thơ lục bát nào khác. Thêm nữa, nhiều chữ Hán (Việt) được dùng trong bài tương đối khá quen thuộc với người Việt. Do đó, có nhiều câu không cần phải dịch ra tiếng Việt mà người đọc vẫn có thể tương đối hiểu được ý nghĩa.
Bài thơ, hay tài liệu này, theo tờ Nghiên Cứu Lịch Sử chú thích (với giọng văn của ông Trần Huy Liệu), là do ông lương y Phó Đức Thành lấy từ trong thư viện gia đình giao lại cho ông Lê Thước. Ông Lê Thước, một học giả cộng tác với tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, đã theo lời yêu cầu của tờ này mà chép lại trọn bài bằng chữ Hán và chữ Quốc Ngữ (Hán Việt), cũng như dịch toàn bài ra thơ lục bát bằng tiếng Việt. Và tờ Nghiên Cứu Lịch Sử đã cho đăng trọn bài “Việt Nam Chính Khí Ca” nói trên bằng cả chữ Hán, chữ Quốc Ngữ (Hán Việt) và bài dịch bằng tiếng Việt của ông Lê Thước để tiện việc đối chiếu. Chính nhờ vậy, người đọc có thể xác định được ý nghĩa của các câu thơ trong bài, mà không phải dựa vào bản dịch của ông Lê Thước.
Cũng theo lời chú thích của tòa soạn tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, hay đúng hơn là của ông Trần Huy Liệu vì giọng văn rất tương tự, thì khi đọc bài này “chúng ta càng thấy rõ dư luận chính nghĩa của các sĩ phu và nhân dân đương thời”. Có lẽ vì lý do trên nên bản dịch của ông Lê Thước, vì phải theo nhu cầu chính trị thời đó, đã cố tình dịch sai hay thiếu nhiều chữ trong nguyên bản bằng tiếng Hán (Việt). Nhưng may mắn là bản dịch của ông ta lại có kèm theo nguyên văn bài thơ bằng chữ Hán. Do đó, để bạn đọc có thể kiểm tra những sai lạc cố ý trong bài dịch của ông Lê Thước, người viết đã chụp lại những trang liên hệ dưới đây.
Bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” kể về cuộc chiến chống Pháp dưới cái nhìn của một nhà nho, và với ý niệm trung quân làm chủ đạo. Ngoài ra, tác giả bài thơ còn cho thấy một quan niệm đặc trưng của vua quan nhà Nguyễn thời đó: tự nhận mình là người “Hán” (Hoa), trong khi cho người Pháp là bọn “di địch” (Di).
Và với những sự kiện được thuật lại trong bài thơ, như có câu nhắc đến năm Thành Thái “ất vị chi niên” và được chú thích là năm 1895, tòa soạn báo Nghiên Cứu Lịch Sử trong phần giới thiệu đã cho rằng bài thơ này được làm ra vào khoảng thời gian sau phong trào Văn Thân, nhưng trước thời Đông Kinh Nghĩa Thục.
Một đặc điểm nổi bật của bài thơ là tác giả thuật lại rất kỹ càng chi tiết về những cuộc khởi nghĩa Cần Vương ở miền Bắc và miền Trung, đặc biệt là vùng Nghệ Tĩnh. Điển hình là việc tác giả đã dành mấy chục câu thơ trong bài chỉ để thuật lại một cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Trong khi những cuộc kháng chiến trước đó ở Nam Kỳ chỉ được nói đến rất sơ sài, và thậm chí còn sai rất nhiều với sự thật.
Tưởng cũng nên biết rằng ông Trần Huy Liệu chính là một chuyên gia về thơ văn của phong trào Cần Vương. Nhưng ông Trần Huy Liệu lại chọn cách gọi của ông là “phong trào văn thân khởi nghĩa” thay vì là phong trào Cần Vương.[151] Ông Trần Huy Liệu đã từng dành ra ba bài trong loạt bài “Phong Trào Cách Mạng Việt Nam Qua Thơ Văn” đăng trên tờ Văn Sử Địa để nói về phong trào này. Và ông Trần Huy Liệu cũng chính là tác giả một cuốn sách có tựa đề “Phong Trào Văn Thân Khởi Nghĩa – Tài liệu tham khảo lịch sử cận đại Việt-nam”. Như vậy, ông Trần Huy Liệu là một người có sự hiểu biết rất sâu rộng về các thơ văn bằng chữ Hán của phong trào Cần Vương. Ngoài ra, ông Trần Huy Liệu cũng làm việc rất gần gũi với ông Lê Thước là người sưu tầm ra bài thơ này, như có thể thấy được qua việc ông ta yêu cầu ông Lê Thước dịch cả bài thơ ra tiếng Việt, bằng chính thể lục bát nguyên thủy của nó.
A. Tư Tưởng Trung Quân Của Một Nhà Nho Vùng Nghệ Tĩnh
Xuyên suốt trong cả bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” nói trên là tư tưởng trung quân, đặc biệt trong đoạn đầu của bài. Điều này cho thấy rằng tác giả bài thơ chắc chắn phải là một nhà nho, và hơn nữa, là một vị quan cũ của triều Nguyễn. Đây là đoạn thơ đầu bài khi tác giả giới thiệu về nhà Nguyễn:
Văn thần võ tướng thiên sinh nhân tài
Tái truyền Minh-mạng thánh quân thiệu thừng
Tam truyền Thiệu-trị thừa diêu
Thất niên tiễn tộ thuận điều vũ phong
Lưỡng ban văn võ triều đình túc thương …”
Như vậy, theo tác giả bài thơ thì các vị vua nhà Nguyễn được coi như những bậc thánh quân, còn triều đình nhà Nguyễn thì rất hùng mạnh, với đầy đủ bá quan văn võ, suốt từ đời vua Gia Long cho đến đời vua Tự Đức (Dực anh).[152]
Thế rồi trong thời thái bình như vậy thì lại có chuyện xảy ra:
Đà giang hốt báo Tây dương lai thuyền”
Tức là bỗng đâu mà nơi sóng Hán (Hán lãng) lại có bọn phiên dương hay Tây dương (Pháp) đem tàu thuyền đến. Hai câu thơ này cho thấy rằng tác giả tự coi mình là người Hán và triều đình nhà Nguyễn là một triều đình Hán, hay ít nhất cũng là người kế thừa thực sự của nhà Hán và nền văn minh Hoa Hạ. Còn trong khi đó thì người Pháp được coi là mọi rợ. Và điều này đã phản ánh đúng sự thật lịch sử lúc đó. Là vua tôi nhà Nguyễn đều tự coi mình là người Hán hay người thừa kế của nền văn minh Hán. Còn người “Tàu” thật sự thì lại được họ gọi là “Thanh Nhân” tức người nhà Thanh.[153]
Như tựa đề bài thơ cho thấy, ý chính của nó là để thuật lại sự trung nghĩa hy sinh của các vị cựu quan nhà Nguyễn, đặc biệt là trong phong trào Cần Vương chống Pháp – giống như Văn Thiên Tường, tác giả của bài “Chính Khí Ca” bên Tàu. Vì vậy, trong bài thơ dài 231 câu này thì phần lớn của bài – từ câu 61 “Hội phùng Dực thánh tiên qui” tức là sau khi vua Tự Đức mà tác giả gọi là Dực thánh (Dực Tôn Anh Hoàng Đế) qua đời, cho đến khi vị lãnh tụ cuối cùng của phong trào Cần Vương là Phan Đình Phùng chết và Pháp khống chế toàn bộ Việt Nam, với câu 164 “Tòng kim thùy giải Tây nhân đảo huyền” – thì tác giả đã dùng để thuật lại những biến cố của triều Nguyễn cho đến phong trào Cần Vương. Trong hơn 100 câu thơ nói trên, tác giả đã đưa ra đầy đủ danh tánh cũng như thành tích của các vị lãnh đạo trong phong trào Cần Vương. Do đó, mặc dù có tựa đề là “Việt Nam Chính Khí Ca”, nhưng phần lớn của bài thơ này thật ra chỉ tập trung vào phong trào Cần Vương ở miền Bắc và miền Trung mà thôi.
Ngoài ra, điều đáng chú ý là đối với các lãnh tụ nổi tiếng như Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Nguyễn Thiện Thuật … thì tác giả chỉ dành cho vỏn vẹn 1 hoặc 2 câu thơ. Trong khi đó, người được tác giả đặc biệt chú ý nhất là Phan Đình Phùng. Vì bài thơ đã dùng đến 16 câu để khen ngợi tài đức cũng như thuật lại chiến công chống Pháp của ông ta. Điều này cho thấy rằng tác giả bài thơ phải có mối liên hệ hay chính thị là người của vùng Hà Tĩnh, Nghệ An. Hơn nữa, như đã nói trên, bài thơ này là một bản sao đã được tìm thấy ở nhà ông lương y Phó Đức Thành, 79 tuổi (năm 1965), cán bộ viện Đông Y. Và ông Phó Đức Thành này là một người ngụ cư tại vùng Nghệ An Hà Tĩnh. Như vậy, có thể phỏng đoán rằng tác giả bài thơ này phải là người ở vùng Nghệ An Hà Tĩnh, qua việc bài thơ đã thuật lại về phong trào Cần Vương chủ yếu ở vùng này, và rồi chính bài thơ cũng đã được tìm thấy ngay tại vùng này.
Người viết phải dài dòng như vậy để cho thấy rằng bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” đã được viết ra với cái nhìn của một nhà nho, hay là một vị cựu quan triều Nguyễn, nhằm thuật lại tấm gương trung nghĩa của các lãnh tụ Cần Vương tại vùng Hà Tĩnh, Nghệ An. Chứ nó không phải là một tác phẩm của “nhân dân” Nghệ Tĩnh, và chắc chắn là nó không dính líu gì hết đến người dân xứ Nam Kỳ. Bởi lúc đó, trong thời gian bài thơ này được làm ra vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thì xứ Nam Kỳ đã là thuộc địa Pháp hơn mấy mươi năm rồi.
B. Buộc Tội “Phan Lâm” “Mại Quốc” “Cầu Hòa Khi Quân” Để Gỡ Tội Cho Vua Tự Đức – Nhưng Lại Cho Thấy Sự Thiếu Hiểu Biết Về Tình Hình Nam Kỳ
Và đoạn thơ nói về Phan Thanh Giản trong bài “Việt Nam Chính Khí Ca” này, từ câu số 25 đến câu 35, là đoạn thơ mà theo người viết, chính là nguồn gốc hay ít ra đã tạo cảm hứng cho ông Trần Huy Liệu trong việc chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Bởi trong đoạn thơ ngắn gồm cả thảy 11 câu mà tác giả bài thơ đã dùng để diễn tả tất cả những gì xảy ra ở Nam Kỳ nói trên, có ba câu nói về Phan Thanh Giản. Hay chính xác hơn, là nói về “Phan Lâm”, như sau:
Nam-kỳ Lục tỉnh kỷ phiên chiến trường
Gian thần chú thác quai phương nhược hà
Cam tâm mại quốc cầu hòa khi quân
Trương An, Trương Định chích thân xanh phù
Nguyễn Huân mạ tặc diệc đồ sát thân
Như vậy, theo đoạn thơ trên, kể từ năm Tự Đức thứ 2 (nhị niên), Nam Kỳ Lục Tỉnh đã mấy phen (kỷ phiên) là bãi chiến trường. Và tác giả cho rằng triều đình nhà Nguyễn có đầy đủ quan binh hùng mạnh (sĩ lệ binh cường) để đương đầu với Pháp. Nhưng cũng theo tác giả thì vấn đề là ở chỗ vua Tự Đức lại đem việc trọng đại của nước nhà ra mà phó thác cho … “gian thần”, và gian thần ở đây không ai khác hơn là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp!
Tức là theo tác giả bài thơ thì với binh hùng tướng mạnh như vậy, với vua thánh như vậy, nhà Nguyễn mà có thua Pháp thì cũng chỉ vì nhà vua đã dùng nhầm “gian thần” mà thôi!
Và tiếp theo ngay sau đó là câu thơ cho rằng chẳng biết PHAN LÂM là người xứ nào (Phan Lâm hà xứ nhân da) mà lại “cam tâm MẠI QUỐC”, tức chính thị là nỡ lòng “bán nước”. Do đó, tác giả bài thơ đã chỉ đích danh và buộc tội hai ông “gian thần” Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Rằng mặc dù cả hai đều là con dân của đức thánh quân Dực Tôn (tức vua Tự Đức), chứ chẳng phải xứ nào khác, nhưng lại đem lòng làm chuyện “mại quốc” tức “bán nước”.
Quan trọng hơn cả, tác giả bài thơ đã giải thích, hay đã chứng minh cho ta thấy lý do tại sao phải kết tội “mại quốc” cho Phan Thanh Giản. Và đó là vì hai ông Phan, Lâm đã “cầu hòa khi quân”. Tức là theo tác giả bài thơ thì hai ông “gian thần” này đã tự tiện cầu hòa với Pháp, trong khi với binh hùng tướng mạnh và vua thánh như vậy thì nhà Nguyễn không thể nào thua Pháp được. Và việc làm “cầu hòa” một cách tự ý này của hai ông chính thị là một hành động “khi quân”, bởi nó đã không theo lệnh của nhà vua.
Nhưng vẫn chưa hết, nhờ vào cách cấu trúc và phép đối ngẫu của lối văn chương thời xưa, mà ta có thể thấy rõ thêm những tư tưởng về “quốc” và “quân” của tác giả bài thơ. Trong câu thơ tám chữ “Cam tâm mại quốc cầu hòa khi quân”, có thể thấy rằng tác giả bài thơ đã sử dụng hình thức “tiểu đối” trong cùng một câu thơ để làm rõ ý mình:
Cam tâm mại quốc – Cầu hòa khi quân
Theo đó, “cam tâm” đối với “cầu hòa”, và “mại quốc” đối với “khi quân”. Với cách đối ngẫu này, có thể thấy rằng trong đầu óc hay ý nghĩ của tác giả, “quốc” và “quân” là hai khái niệm ngang hàng nhau, hoặc tương xứng với nhau. Tức là nước (quốc) và vua (quân) là hai thứ ngang vai nhau, hoặc thậm chí là đồng nghĩa với nhau. Chứ hoàn toàn chẳng hề có “dân” nào được chen chân vào đó.[154]
Và vì thế, theo tác giả bài thơ, thì tội bán nước hay tội “mại quốc” là ngang hàng với tội “khi quân”. Hoặc cả hai cũng chỉ là một.
Có nghĩa là, theo quan niệm của tác giả bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca”, thì vua Tự Đức, hay đức “Dực thánh”, chẳng thể làm điều gì sai trái, mà cũng chẳng hề đồng ý cho việc cầu hòa. Những việc như vậy mà có xảy ra là do nhà vua đã quá tin tưởng mà phó thác đại sự cho hai “gian thần” Phan, Lâm; dẫn đến việc hai người này làm chuyện khi quân qua sự tự ý cầu hòa và “mại quốc”!
Chỉ có điều là giống như sự kết án của ông Trần Huy Liệu và tờ Nghiên Cứu Lịch Sử mấy mươi năm sau đó, tác giả bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” không hề cho ta biết rằng hai ông Phan, Lâm đã “mại quốc” để làm gì, hay để được lợi lộc gì. Chẳng hạn như “cầu vinh”, là lý do và cũng là những chữ thường đi cùng với “mại quốc”. Vì ở đây, tác giả bài thơ chỉ nói rất sơ sài rằng Phan Lâm đã cam tâm làm chuyện “mại quốc”, nhưng lại không có bằng chứng nào cho tội danh này, ngoài việc cho rằng đó là sự “cầu hòa khi quân”.
Mà nếu cho rằng sự “cầu hòa khi quân” là bằng chứng cho hành động “mại quốc”, thì thật không ổn chút nào! Nhưng ít ra thì tác giả bài thơ này đã không chỉ tuyên bố tội danh “mại quốc” suông – với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” mà không hề có một chữ nào để chứng minh cho tội cố ý thông đồng đó – như ông Trần Huy Liệu và các sử gia miền Bắc sau này đã làm.
Rồi sau khi kết tội “mại quốc” cho Phan Lâm với bằng chứng “cầu hòa khi quân” như trên, thì tác giả bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” mới nói đến các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Kỳ. Như đã giới thiệu, trong khi dành hầu hết bài thơ để nói về phong trào Cần Vương tại Bắc và Trung Kỳ, tác giả bài thơ lại đồng thời cho thấy một sự hiểu biết rất hạn hẹp về các cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ. Và do tác giả là một người sống sau thời gian đó mấy chục năm, cũng như không phải là người sở tại có sự hiểu biết tường tận về xứ Nam Kỳ, cho nên bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” này chỉ nói đến Trương Định và Nguyễn (Hữu) Huân, khi thuật lại các cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ.
Và cũng giống như ông Giải Nguyên xứ Nghệ Phan Bội Châu đã từng cho một ông “Trương Bạch” nào đó làm một “hương vi hộ” lãnh tụ kháng chiến ngang hàng với Trương Định ở Nam Kỳ, tác giả bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” đã thêm vô trong bài một nhân vật còn đứng trước cả Trương Định, khi nói về những cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ. Người đó tên là “Trương An”, mà ta chẳng thể biết rằng đó là ai trong lịch sử!
Sau cùng, tác giả bài thơ còn có thêm câu “Hu ta ngã quốc Kỳ Mân” để tiếc thương (hu ta – than ôi) cho việc mất đất lập nghiệp (Kỳ Mân là đất cơ nghiệp của nhà Châu bên Tàu) Nam Kỳ của nước ta (ngã quốc). Câu thơ than thở này một lần nữa cho thấy tấm lòng yêu nước Đại Nam và nhà Nguyễn của tác giả, qua sự so sánh và ngợi khen rằng triều Nguyễn cũng là một triều đại huy hoàng như nhà Châu bên Tàu. Còn ta không hề thấy bóng dáng của cái gọi là “nguyện vọng của nhân dân” hay “yêu cầu của thời đại” trong việc tác giả lên án “mại quốc” cho Phan Thanh Giản trong bài thơ này.
Tóm lại, có thể thấy rằng qua việc buộc tội “mại quốc” cho hai ông “gian thần” Phan, Lâm, tác giả bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” đã cố tình biện hộ để gỡ tội mất đất cho vua Tự Đức. Bởi vì theo tác giả, một bậc “thánh quân” cùng với bá quan văn võ, binh hùng tướng mạnh như vậy, thì không thể nào thua bọn man di Pháp được. Mà đó chỉ là do “gian thần” Phan, Lâm đã “cam tâm mại quốc cầu hòa khi quân” thôi.
Sự biện hộ khá thô thiển vì quan điểm trung quân này, cộng thêm với sự hiểu biết rất hạn chế về tình hình thời sự lúc đó của tác giả, đã làm cho lời buộc tội Phan Thanh Giản, là “cam tâm mại quốc cầu hòa khi quân” trong bài thơ, trở nên vụng về ngô nghê và không có bao nhiêu giá trị. Tương tự như những lời buộc tội “đầu hàng” cho Phan Thanh Giản vì có “gan dê lợn mà mưu chuột cáo” của nhà cách mạng Phan Bội Châu.
Nhưng như bạn đọc đã thấy, những đoạn thơ bằng chữ Hán về phong trào Cần Vương ở miền Bắc và miền Trung nói trên lại có những chữ và những chi tiết cực kỳ giống như câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của ông Trần Huy Liệu mấy mươi năm sau.
Dưới đây là ảnh chụp mấy trang đầu của bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” đăng trong số 73 tờ Nghiên Cứu Lịch Sử:
C. “Phan Lâm” “Mại Quốc” “Cầu Hòa Khi Quân” Đã Trở Thành “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân”?
Như vậy, khi đọc qua đoạn thơ trên, có lẽ không khó khăn lắm để nhận ra rằng tất cả những phần tử cấu tạo nên câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” cũng như câu chuyện chung quanh nó, đều đã có mặt đầy đủ trong đoạn thơ này.
Trước nhất, và rõ ràng nhất, là có hai nhân vật “Phan Lâm”, đi chung với tội danh “bán nước” hay “mại quốc”.
Kế đến, đoạn thơ nói về “quân” tức nhà vua, tức triều đình.
Sau cùng, đoạn thơ cũng có “dân”, và thậm chí còn có cả Trương Định, trong câu “nghĩa sĩ nghĩa dân”.
Như vậy, khi so sánh với câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, thì rõ ràng là đoạn thơ trên đã cung cấp đầy đủ tất cả những yếu tố quan trọng để hình thành câu trên.
Chỉ khác nhau ở chỗ là chữ “mại” đã biến thành “mãi”, chữ “khi” đã biến thành “khí”, và chữ “quân” được thay thế bằng chữ “dân”.
Và những phần tử “Phan Lâm”, “mại quốc”, “cầu hòa khi quân” đã được phối hợp để cấu tạo thành câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Có thể thấy rằng sự thay đổi từ đoạn thơ này đến câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” chỉ là một bước rất ngắn và rất nhỏ! Chỉ cần một chút sáng tạo – thì “Phan Lâm”, “mại quốc”, “cầu hòa khi quân” – sẽ trở thành “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Nhất là khi trước đó một năm thì tác giả Trần Huy Liệu dưới bút hiệu “Chiến” đã từng lên án “bọn vua quan triều đình bán nước bỏ dân”. Tức là đã có gần đầy đủ câu này.
Như vậy, về hình thức, có thể thấy rằng đây là một sự trùng hợp gần như hoàn toàn giữa bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” và câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của ông Trần Huy Liệu. Sự trùng hợp rất đáng để ý này có lẽ không phải là ngẫu nhiên, và do đó cần phải được nêu ra, để thấy rằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của ông Trần Huy Liệu có thể đã được ảnh hưởng bởi tài liệu này.
Nhưng đó là sự giống nhau về mặt hình thức. Còn về mặt ý nghĩa thì sự khác biệt giữa đoạn thơ trên và câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” không thể nào lớn hơn.
Bởi một đàng là góc nhìn của một nhà nho hay một viên cựu quan triều Nguyễn với lòng trung quân nhiệt thành, nên không thấy được điều gì sai lầm do đức vua của mình làm. Vì vậy, tác giả bài thơ mới đổ lỗi hoàn toàn cho hai “gian thần” Phan Lâm và kết luận rằng do hai gian thần này bán nước (mại quốc) và khi quân, cho nên Đại Nam mới mất đất cho Pháp.
Còn đàng kia, câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” của ông Trần Huy Liệu lại là một sự minh họa cho thấy rằng câu này là “tiếng thét”, là “bản án” của “nhân dân” Nam Kỳ lục tỉnh đã dùng để ủng hộ anh hùng nhân dân Trương Định, và để lên án Phan Thanh Giản cũng như cả chế độ phong kiến nhà Nguyễn là đã dâng đất cho giặc và câu kết với giặc.
Do đó, nếu đem một cái nhìn hạn hẹp thiếu thông tin, thiếu suy luận, và nặng nề tư tưởng trung quân lạc hậu nói trên của một nhà nho vùng Nghệ Tĩnh sống vào thế kỷ hai mươi về Phan Thanh Giản, để tuyên bố rằng đó chính là “bản án” của “nhân dân” dành cho Phan Thanh Giản từ một trăm năm trước, thì sẽ là một việc làm liều lĩnh.
Mà một chính trị gia lão luyện như ông Trần Huy Liệu chắc chắn không làm.
Nhưng nếu chỉ sửa đổi vài chữ của hai câu thơ “Phan Lâm hà xứ nhân da/Cam tâm mại quốc cầu hòa khi quân” trong bài thơ lục bát “Việt Nam Chính Khí Ca” của các nhà nho Nghệ Tĩnh vào cuối thế kỷ 19 nói trên – để biến hóa cho chúng trở thành câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” vào năm 1955, để hoàn thành một “khẩu hiệu” cần thiết và thích hợp với chủ đề vua quan triều đình bán nước bỏ dân đã từng nêu ra vào năm 1954 dưới bút hiệu “Chiến” – lại là một điều khá dễ dàng.
Và đó là chính là điều mà ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu rất có khả năng đã làm.
Rồi sau đó thì trùm một bức màn bí mật lên câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” này, bằng cách kể một câu chuyện chung quanh nó, như là giai thoại “tám chữ đề cờ” của nghĩa quân Trương Định. Rồi ra tín hiệu cho tất cả các “sử gia” đàn em khác là không được thắc mắc, mà phải chấp nhận câu chuyện nói trên như một sự thật lịch sử.
Đó chính là lý do tại sao mà câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã lừng lững đi vào lịch sử Việt Nam và tồn tại trong đó hơn sáu mươi năm nay. Mặc cho cái quá khứ mịt mờ của nó.
Tuy nhiên, vẫn còn một điểm khúc mắc cần phải giải quyết, là tại sao chữ “mại” trong bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” nói trên lại trở thành chữ “mãi” trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”? Nhất là tại sao một người rất giỏi chữ Hán như ông Trần Huy Liệu lại không thấy được điều nghịch lý này, nếu như ông ta chính là người đã chế tạo ra câu đó?
Người viết nghĩ rằng có thể tìm ra câu trả lời, một khi ta xét đến tôn chỉ viết sử và bản lãnh chế tạo bằng chứng của ông Trần Huy Liệu, trong chương kế tiếp.
TÔN CHỈ VỀ CÔNG TÁC LỊCH SỬ VÀ BẢN LÃNH CHẾ TẠO BẰNG CHỨNG CỦA ÔNG TRẦN HUY LIỆU
Như người viết đã trình bày trong các chương trên của Phần 3, ông Trần Huy Liệu, vị Viện Trưởng Viện Sử Học của miền Bắc, chính là người đã chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, cũng như câu chuyện chung quanh nó.
Chính ông Trần Huy Liệu là người đầu tiên giới thiệu câu này và câu chuyện về nghĩa quân Trương Định, trong một bài viết vào giữa năm 1955 trên số 9 tờ Văn Sử Địa.
Còn trước đó, vào năm 1954, trong số 1 của tờ Văn Sử Địa (Sử Địa Văn), ông Trần Huy Liệu đã viết một bài nghị luận dưới bút hiệu “Chiến” để giành lấy chính nghĩa cho phe mình, khi cho rằng đảng và chính phủ của ông ta đã tiếp nối sự nghiệp chống Pháp của những lực lượng như Trương Định, trong việc chống lại bọn phong kiến bán nước quay ra câu kết với thực dân đế quốc.
Trong bài viết vào năm 1954 nói trên, ông Trần Huy Liệu đã lên án bọn phong kiến là “bán nước bỏ dân”, và do đó lực lượng nghĩa quân của Trương Định đã đem điều này để đề lên trên lá cờ khởi nghĩa của mình. Tức là ông đã có đầy đủ những yếu tố cho câu; chỉ còn thiếu nhân vật “Phan Lâm”.
Để rồi chỉ một năm sau đó, trong một bài viết đăng trên số 9 Văn Sử Địa vào năm 1955, thì nhân vật “Phan Lâm” đã được ông Trần Huy Liệu thêm vào, và tội “bán nước” đã thành ra “mãi quốc”. Và câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã được hoàn tất.
Trong cả hai bài viết nói trên, cũng như trong các bài viết sau này dùng để lên án Phan Thanh Giản vào năm 1963, ông Trần Huy Liệu đã cho thấy mục đích tối hậu là giành lấy chiến thắng ở miền Nam. Và do đó, ông đã viết lại lịch sử để chứng minh rằng chế độ của ông có chính nghĩa – vì đứng trên lập trường dân tộc nhân dân cũng như lập trường giai cấp nông dân để chống lại bọn phong kiến đầu hàng và câu kết với giặc Pháp/Mỹ ở miền Nam. Cho nên bên cạnh việc tranh thủ cảm tình của “nhân dân miền Nam” với sự ca ngợi họ qua hình ảnh “anh hùng dân tộc” Trương Định, thì ông Trần Huy Liệu còn cần phải lên án phe “địch”, mà người đại diện (đã được chính ông chọn) là Phan Thanh Giản.
Nhưng việc lên án hay bôi nhọ kẻ địch số 1 này chứng tỏ là rất khó khăn, vì Phan Thanh Giản từ lâu nay đã đi vào lịch sử như một vị quan thanh liêm tài đức, vừa thương dân lại vừa trọn nghĩa với vua. Cũng vì lý do đó nên ông Trần Huy Liệu đã từng phải sáng chế ra những bằng chứng khá nhảm nhí để cho rằng “nhân dân” đã lên án Phan Thanh Giản. Như việc ông mập mờ sửa chữ “danh nho” mà dân chúng Nam Kỳ dùng để gọi Phan Thanh Giản, Phan Hiển Đạo và Tôn Thọ Tường ra thành “danh nhơ”, mà người viết đã dẫn ra trong các chương trên.
Rồi có lẽ vì việc giả vờ chơi chữ kiểu này không thuyết phục được ai, nên sau đó thì không bao giờ ông Trần Huy Liệu nhắc tới “giai thoại” ấy nữa. Nhưng qua việc sửa chữ kiểu này của ông ta, có thể thấy được rõ ràng hai điểm. Trước nhất, ông Trần Huy Liệu rất thiếu thốn, hay nói thẳng ra là không có một bằng chứng nào hết để cho thấy là “nhân dân” Nam Kỳ đã lên án Phan Thanh Giản. Thứ hai, nếu không có bằng chứng thì ông Trần Huy Liệu sẵn sàng chế tạo ra bằng chứng. Như việc ông đã giả vờ cho rằng có lẽ “nhân dân” Nam Kỳ gọi Phan Thanh Giản là “danh nhơ” thay vì “danh nho” nói trên.
Mà thật sự thì những bằng chứng theo loại chơi chữ kiểu này của ông Trần Huy Liệu không thể nào đáp ứng được cho yêu cầu cụ thể của ông ta trong việc viết lại lịch sử Nam Kỳ vào thế kỷ 19, là chia ra hai phe chính tà theo lằn ranh giai cấp và dân tộc chống ngoại xâm. Nó không thể tạo nên cái chính nghĩa như đã được ông Trần Huy Liệu gán cho Trương Định và nghĩa quân “nông dân” của ông ta, trong tư cách là đại diện của “nhân dân” Nam Kỳ. Và nó cũng không nói lên được việc “nhân dân” Nam Kỳ – khác với các sĩ phu Nam Kỳ đương thời luôn luôn khen ngợi Phan Thanh Giản – đã “nguyền rủa” và đã “lên án” Phan Thanh Giản như thế nào.
Giống như câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó.
Chính vì vậy, cho nên câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó phải, và đã, được ông Trần Huy Liệu cho ra đời. Để đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của ông ta trong công việc viết lại lịch sử nhằm mục tiêu đem lại thắng lợi cho chế độ mà ông ta phục vụ.
Và ông Trần Huy Liệu chứng tỏ là một người hoàn toàn có đầy đủ khả năng cũng như bản lãnh để chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, nhằm đáp ứng nhu cầu viết lại lịch sử để trợ giúp cho mục đích đánh chiếm miền Nam của ông ta.
Nhưng trước khi xét đến khả năng và bản lãnh nói trên, hãy nhìn lại tôn chỉ hay vấn đề đạo đức trong công việc viết sử của ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu.
A. Tôn Chỉ Về Công Tác Lịch Sử: Nghiên Cứu Để Phục Vụ Chế Độ, Không Phải Chỉ Để Nghiên Cứu
Trước nhất, cứu cánh luôn luôn biện minh cho phương tiện, qua cái nhìn của một sử gia Cộng Sản như ông Trần Huy Liệu. Do đó, với mục đích tối hậu là “giải phóng miền Nam”, thì một sử gia đầu đàn như ông ta phải dẫn đầu trong việc hạ nhục địch thủ cũng như khen tặng phe mình. Chứ không thể chỉ làm nhiệm vụ của một sử gia chân chính, là đưa ra những suy nghĩ vô tư dựa trên những tài liệu uy tín khi viết sử.
Và chủ trương hay tôn chỉ nói trên đã do chính ông Trần Huy Liệu khẳng định trong một bài viết để giảng dạy cho các cán bộ của mình. Theo ông Trần Huy Liệu trong bài viết này thì nhiệm vụ của một sử gia hay một cán bộ sử học trong chế độ xã hội chủ nghĩa của miền Bắc Việt Nam là để phục vụ chế độ, chứ không phải là để viết sử. Và đây là điều mà ông Trần Huy Liệu đã không chút ngại ngùng khi viết ra cho các cán bộ của ông noi theo, về công tác nghiên cứu lịch sử:
“Ba là đứng trên cương vị công tác sử học để phục vụ cho cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đây là một điểm rất quan trọng, vì những người công tác sử học, cũng như các người công tác khoa học khác, không phải nghiên cứu để nghiên cứu, nhất là không được phép đứng bên lề cuộc đấu tranh của dân tộc và cuộc xây dựng của nhân dân. Nắm vững vũ khí của mình, những người công tác sử học hãy đề cao lòng tự tin dân tộc, tin vào lực lượng vĩ đại của nhân dân qua những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và sản xuất xây dựng đất nước; hãy phát huy tinh thần yêu nước, gắn chặt việc yêu nước với việc yêu chế độ xã hội chủ nghĩa; chứng minh Tổ quốc ta là một khối thống nhất về lãnh thổ , kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa; chứng minh chế độ ta là một chế độ tốt đẹp hơn hẳn chế độ thối nát của Mỹ – Diệm ở miền Nam. Thực ra, khoa học lịch sử tự bản chất của nó đã chứa đựng những tính chất chiến đấu rất sôi nổi, rất mãnh liệt. Để phục vụ cho hai nhiệm vụ lớn kể trên, những người công tác sử học nhất định phải giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng…
… Vì, như chúng tôi đã nhắc đến nhiều lần, các nhà công tác lịch sử của chúng ta không phải nghiên cứu để nghiên cứu, mà là nghiên cứu để phục vụ cho những nhiệm vụ công tác trước mắt.”[155]
Như vậy, ông Trần Huy Liệu đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng một cán bộ sử học của miền Bắc khi nghiên cứu lịch sử thì không phải “chỉ để nghiên cứu” một cách đơn thuần. Mà là để phục vụ cho công tác trước mắt, và đó là phải “đề cao lòng tự tin dân tộc” và phải “gắn chặt việc yêu nước với việc yêu chủ nghĩa xã hội”, để đánh thắng “chế độ thối nát của Mỹ- Diệm ở miền Nam” nhằm “thống nhất” “lãnh thổ”.
Và để thực hiện những mục tiêu cụ thể nói trên, ông Trần Huy Liệu nói rõ ra rằng các cán bộ sử học cần phải chứng tỏ là chế độ của mình ưu việt hơn và có chính nghĩa hơn, vì đứng về phía “nhân dân” trong việc đấu tranh cho “độc lập” dựa trên lập trường dân tộc. Trong khi cần phải gán cho phe bên kia là phong kiến đầu hàng và câu kết để bán nước cho bọn thực dân đế quốc.
Nghĩa là ông Trần Huy Liệu đã nói huỵch toẹt ra hết trong đoạn văn trên, lý do tại sao ông ta và các sử gia miền Bắc cần phải viết lại lịch sử cận đại của Việt Nam.
Rồi ông Trần Huy Liệu đã làm đúng với những điều ông viết trên đây, như ta đã thấy. Đó là việc ông ta đã dùng lịch sử Nam Kỳ của thế kỷ 19 để so sánh với tình trạng đương thời. Và mục đích là để phong cho lực lượng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lòng yêu nước giống như lực lượng nghĩa quân Trương Định trước kia, trong khi so sánh chính quyền miền Nam đương thời với Phan Thanh Giản và triều đình Huế, trong việc “bán nước” cho ngoại bang.
Thế nhưng việc khen tặng Trương Định là điều tương đối dễ dàng, vì dù sao đi nữa ông ta cũng là một người đã hết lòng vì chủ mà đánh giặc, để đến cuối cùng phải hy sinh tính mạng do lý tưởng này. Và người dân miền Nam cũng đã tỏ rõ lòng kính trọng của họ đối với Trương Định, khi họ gọi ông ta là Trương “Công” Định. Do đó, việc ông Trần Huy Liệu mập mờ gán cho Trương Định cái mác “nông dân” để làm đại diện cho nhân dân Nam Kỳ, hay thậm chí là một “anh hùng dân tộc”, đã không hề gặp một sự chống cự hay phản đối nào.
Trong khi đó, như đã thấy, việc ông Trần Huy Liệu muốn bôi nhọ và hạ bệ Phan Thanh Giản chứng tỏ là một điều cực kỳ khó khăn. Vì ông ta không thể kiếm đâu ra được tài liệu hay bằng chứng nào để làm điều này. Như đã trình bày trong Phần 2, toàn thể Nam Kỳ, từ sĩ phu cho tới thường dân, đều kính mến tài đức của Phan Thanh Giản. Do đó, việc tìm ra bằng chứng “nhân dân” Nam Kỳ đã hạ nhục Phan Thanh Giản trong khi ngợi khen Trương Định – giống như câu chuyện mà ông Trần Huy Liệu muốn kể về hai phe chính tà tại Nam Kỳ vào thế kỷ 19 – là một điều bất khả thi.
Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi ông Trần Huy Liệu đã phải vay mượn tội “đầu hàng” từ một tài liệu tuyên truyền của vị tiền bối cách mạng Phan Bội Châu, và tội “mãi quốc” từ một bài thơ với ý niệm trung quân của các nhà nho Nghệ Tĩnh trong phong trào Cần Vương. Để từ đó chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó, như đã trình bày trong các chương trên.
Tóm lại, vì đã từng dạy dỗ đàn em và tự nhận là có trách nhiệm phải trợ giúp chế độ trong công cuộc “giải phóng miền Nam”, nên khi muốn đáp ứng yêu cầu này để “phục vụ” cho công tác trước mắt, là giành thắng lợi trên mặt trận tư tưởng qua việc “chứng minh chế độ ta là một chế độ tốt đẹp hơn hẳn chế độ thối nát của Mỹ- Diệm ở miền Nam”, ông Trần Huy Liệu phải, và đã, sáng tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” cùng với câu chuyện chung quanh nó, để thực hiện điều trên.
Chứ ông Trần Huy Liệu hoàn toàn không bận tâm với nhiệm vụ đích thực của một sử gia, là viết lịch sử một cách chân thực, dựa trên những tài liệu khả tín.
Và ông Trần Huy Liệu chứng tỏ là một người hoàn toàn có đầy đủ bản lãnh cũng như thành tích để thực hiện tôn chỉ phục vụ chế độ này. Tuy vậy, sự chế tạo bằng chứng để phục vụ tôn chỉ này của ông ta, cho dù có khéo léo cỡ nào đi nữa, thì cũng vẫn còn những nhược điểm mà ta sẽ thấy sau đây.
B. Bản Lãnh Chế Tạo Bằng Chứng Và Lỗi Lầm Của Ông Trần Huy Liệu Qua Câu Chuyện “Người Bác Cách Mạng”
Trong thời gian sau này, tên tuổi ông Trần Huy Liệu được vực dậy và biết đến nhiều nhờ câu chuyện về một “anh hùng cách mạng” của miền Nam, mà ông Trần Huy Liệu được cho là tác giả đã sáng tạo ra nhân vật đó. Theo lời kể của giáo sư Phan Huy Lê, một đàn em và là một cộng sự viên thân tín của ông Trần Huy Liệu, thì nhân vật “cây đuốc sống” Lê Văn Tám là một nhân vật không có thật – mà do ông Trần Huy Liệu đã chế tạo ra. Rồi cũng theo lời kể nói trên thì ông Trần Huy Liệu có nhắn nhủ với giáo sư Phan Huy Lê là sau này hãy nói lên sự thật rằng nhân vật Lê Văn Tám cũng như câu chuyện đốt kho xăng là do chính ông Trần Huy Liệu sáng chế ra.[156]
Cần biết rằng trong thời gian của câu chuyện Lê Văn Tám, với tư cách là bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền của miền Bắc, ông Trần Huy Liệu rất có khả năng cũng như có động lực để làm việc này. Và ông Trần Huy Liệu đã được phong làm bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền cũng có lý do rất ư chính đáng. Đó là vì ông Trần Huy Liệu đã từng là một nhà báo lão luyện, với nhiều năm lăn lộn trong trường văn trận bút, từ thập niên 1920 ở Sài Gòn. Do đó, ông Trần Huy Liệu có thừa bản lãnh để sáng tạo ra những câu chuyện kiểu như Lê Văn Tám nói trên, nhằm mục đích khích động lòng dân.
Tuy vậy, giáo sư Phan Huy Lê chỉ thuật lại câu chuyện và lời nhắn nhủ của ông Trần Huy Liệu với ông ta. Mà giáo sư Phan Huy Lê lại không hề cho biết rằng ông Trần Huy Liệu đã sáng tạo ra nhân vật Lê Văn Tám lúc nào, ở đâu, trong bài viết nào, và trên tờ báo nào. Nghĩa là giáo sư không đưa ra một bằng chứng nào cả cho sự chế tạo câu chuyện này của ông Trần Huy Liệu.
Trong khi đó, chỉ cần xem những bài viết về Phan Thanh Giản của ông Trần Huy Liệu mà người viết đã dẫn ra trong bài viết này không thôi, thì ta cũng đã có thể thấy rằng ông Trần Huy Liệu là người có bản lãnh, và chuyên môn sáng tác ra những câu chuyện trong bài viết, để làm cho ý tưởng và lập luận của mình thêm phần vững chắc.
Hãy xét đến tài nghệ sáng tác nói trên của ông Trần Huy Liệu, qua một thí dụ điển hình dưới đây:
Trong bài viết “Góp Ý Về Phan-thanh-Giản” dưới bút danh Hải Thu mà đã đưcợ nói đến nhiều lần trong các chương trên, ông Trần Huy Liệu có thuật lại một câu chuyện để minh họa cho bài viết của ông ta về thái độ của “nhân dân” đối với Phan Thanh Giản – qua hành động của nhân vật “bác tôi” là một chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đó là khi người bác này của ông Trần Huy Liệu biểu hiện đạo đức cách mạng cũng như sự căm thù của mình, trong việc xé vụn trang Quốc Văn Giáo Khoa Thư có bài khen ngợi Phan Thanh Giản, trang sách mà tác giả Hải Thu – Trần Huy Liệu đang học.
Xin chép lại câu chuyện nói trên, do ông Hải Thu tức Trần Huy Liệu kể, như sau:
‘Riêng tôi, có một sự kiện mà tôi nhớ mãi. Một hôm, năm 1934, lúc tôi đang nghê nga về tài đức của Phan-thanh-Giản trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp ba thì bác tôi tới chơi. Bác tôi là một chiến sĩ Xô-viết Nghệ-Tĩnh mới ra tù. Bác giật sách, xé vụn trang giấy và viết cho thầy học tôi, bạn bác, mấy chữ như sau: “Anh T. có lẽ không nên cho con em ta noi gương xấu của loại Phan-thanh-Giản, Đỗ-hữu-Vị, Trương-vĩnh-Ký”.
Như vậy, ông Hải Thu – Trần Huy Liệu đã thuật lại cho ta một câu chuyện để cho thấy rằng bọn “thực dân” và “phong kiến” đã câu kết với nhau, qua việc đề cao Phan Thanh Giản trong cuốn sách giáo khoa mà họ viết cho bọn trẻ con như ông học, như thế nào, vào năm 1934.
Trong khi đó, “nhân dân” ta, nhất là những chiến sĩ cách mạng như ông bác cựu chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh từng đi tù của ông Hải Thu – Trần Huy Liệu, đã thấy rõ ràng âm mưu đó, và đã sớm vạch ra cho ông Trần Huy Liệu cũng như gia đình ông ta được biết.
Thật không còn gì rõ ràng hơn để chứng tỏ việc “nhân dân” ta đã lên án Phan Thanh Giản, như sự kiện một chiến sĩ cách mạng, người bác anh hùng của ông Trần Huy Liệu, đã xé vụn trang giấy trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp ba nói trên! Vì trong cuốn sách đó các tác giả thuộc bọn phong kiến như Trần Trọng Kim đã ca ngợi Phan Thanh Giản. Rồi chẳng những vậy thôi, mà ông bác cách mạng này còn khuyên thầy học của ông Hải Thu – Trần Huy Liệu là không nên cho “con em ta” học hỏi từ những tấm gương xấu như Phan Thanh Giản.
Tóm lại, có lẽ vì cảm thấy rằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó như đã kể vẫn chưa đủ sức để chứng minh việc “nhân dân ta” đã lên án Phan Thanh Giản như thế nào, cho nên trong bài viết “Góp Ý Về Phan-thanh-Giản” dưới bút danh Hải Thu nói trên, ông Trần Huy Liệu đã kể ra thêm một câu chuyện có vẻ rất riêng tư và có vẻ rất “thật”, vì chính ông là người trong cuộc, để minh họa cho sự lên án đầy kịch tính này. Bởi câu chuyện nói trên tuy rất ngắn gọn nhưng lại diễn tả đầy đủ tất cả những đại ý về sự lên án Phan Thanh Giản bởi “nhân dân” đương thời, qua đại diện là một nhà cách mạng đã từng đi tù, người bác anh hùng của ông Hải Thu – Trần Huy Liệu.
Tuy nhiên, nếu xét kỹ về một vài chi tiết của câu chuyện này, thì ta sẽ thấy rằng nó được ông Trần Huy Liệu bịa ra để minh hoạ cho bài viết lên án Phan Thanh Giản của ông ta. Đó là vì ông Trần Huy Liệu sinh năm 1901. Và lúc ông mới ngoài 20 tuổi, tức trong thập niên 1920, thì ông đã vào Nam và làm chủ bút một tờ báo lớn ở Sài Gòn. Rồi sau đó ông theo Việt Nam Quốc Dân Đảng làm chính trị và bị đi tù Côn Đảo hết mấy năm trời; cho đến năm 1934 mới được thả ra. Vậy thì làm sao mà ngay trong năm 1934, tức là khi đã 33 tuổi rồi, ông Trần Huy Liệu lại có thể hóa phép để biến thành một đứa con nít đang học lớp 3 và đang ê a đọc bài Quốc Văn Giáo Khoa Thư về Phan Thanh Giản, như ông đã kể trong chuyện nói trên cho được?
Nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì ta sẽ thấy là ông Trần Huy Liệu có ý tứ lắm chứ không phải không, khi ông chế tạo ra câu chuyện này với những chi tiết như trên. Đó là vì phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ vừa mới xảy ra vào đầu thập niên 1930. Và cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư cũng vừa được nhà xuất bản Đông Pháp phát hành vào cuối thập niên 1920 (rồi tái bản nhiều lần trong thập niên 1930). Do đó, nếu muốn cho một nhân vật có thẩm quyền “cách mạng” và đại diện “nhân dân” với thành tích đã từng tham gia Xô Viết Nghệ Tỉnh và bị Pháp bỏ tù lên án Phan Thanh Giản và chế độ thực dân phong kiến – như ông “bác” của ông đã làm trong câu chuyện – thì ông Trần Huy Liệu phải cho câu chuyện nói trên lùi lại đến thập niên 1930 mới hợp tình hợp lý.
Rồi cẩn thận hơn, ông Trần Huy Liệu còn dùng một bút hiệu ít ai biết đến là “Hải Thu”, thay vì tên thật Trần Huy Liệu, để viết bài này. Chỉ có điều là sau khi ông ta chết thì tòa soạn tờ Nghiên Cứu Lịch Sử lại tiết lộ rằng Hải Thu chính là một bút hiệu của ông Trần Huy Liệu, trong phần thư mục của ông ta. Qua đó, có thể thấy rằng ông Trần Huy Liệu là một người sử dụng rất nhiều bút hiệu, đến mức tờ Nghiên Cứu Lịch Sử đã phải lên tiếng yêu cầu các độc giả của tờ báo là nếu có biết thêm bút hiệu nào khác nữa của ông Trần Huy Liệu thì xin cho họ biết để bổ sung![157]
Như vậy, qua câu chuyện ông bác cách mạng nói trên, có thể thấy rằng với kinh nghiệm làm báo cũng như làm chính trị, cộng thêm tài nghệ sáng tác, khi ông Trần Huy Liệu cần sáng tạo một câu chuyện để minh họa cho lập trường và lý luận của mình thì ông ta đã dựa vào những sự kiện hay nhân vật có thật để tạo nên câu chuyện, rồi sau đó mới thêm thắt hay sửa đổi chút xíu cho hợp tình hợp lý hơn.
Vì vậy, câu chuyện về ông bác cách mạng của ông Trần Huy Liệu khi mới nghe qua thì rất ư là xúc động lòng người. Bởi đó là một chiến sĩ cách mạng đã từng đi tù vì chống thực dân, lại là một chiến sĩ thuộc phe “nhân dân” trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Và vị chiến sĩ cách mạng đại diện cho “nhân dân”này đã hùng hồn lên án cả nền giáo dục của bọn phong kiến câu kết với thực dân, với một hành động đầy kịch tính là xé vụn trang giấy ngợi khen Phan Thanh Giản trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư!
Câu chuyện “xé sách” này cũng tương tự như câu chuyện chung quanh câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, khi “nhân dân” miền Nam, mà đại diện là nghĩa quân và anh hùng Trương Định đã từng “nguyền rủa” và “lên án” Phan Thanh Giản, bằng cách dùng câu này làm “khẩu hiệu”, rồi thậm chí đề lên cả lá cờ khởi nghĩa của mình, như một bản tuyên ngôn để chống lại cả triều đình phong kiến lẫn bọn thực dân cướp nước! Cả hai câu chuyện đều có mục đích làm xúc động lòng người, trong khi cùng lúc minh họa cho lý luận của tác giả. Và lý luận đó trong cả hai câu chuyện nói trên cũng chỉ là một, rằng “nhân dân ta” đã lên án Phan Thanh Giản.
Chỉ có điều là bất cứ việc gì nếu không có thật thì sớm muộn gì cũng sẽ bị phát giác và lôi ra ánh sáng. Cho nên mặc dù ông Trần Huy Liệu đã dùng một bút hiệu khác cho bài viết, đã khéo léo sắp đặt cho những sự kiện trong câu chuyện xảy ra đúng theo thứ tự thời gian, đã dàn dựng nên nhân vật “bác tôi” với đầy đủ thành tích cách mạng và thẩm quyền để phê phán Phan Thanh Giản, nhưng ông Trần Huy Liệu chắc không thể ngờ rằng bút hiệu Hải Thu của mình sẽ được tiết lộ bởi các đàn em sau này.
Tóm lại, “giai thoại” về người bác cách mạng nói trên đủ để chứng minh về tài nghệ và bản lãnh của ông Trần Huy Liệu trong việc sáng tạo ra những câu chuyện nhằm minh họa cho lý luận của mình. Và đó là do ông ta biết sắp xếp, biết thay đổi một vài chi tiết nhỏ nhặt, để cho câu chuyện trở thành hợp tình hợp cảnh. Và thật sự nếu người đọc không biết rằng Hải Thu cũng chính là Trần Huy Liệu, cũng như không biết rằng năm 1934 ông đã 33 tuổi, thì câu chuyện nói trên quả là khó để mà bắt bẻ.
Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Lớp Dự Bị. In lần thứ tám (Hà Nội), Nha Học Chính Đông Pháp, 1933, trang 86
C. Bản Lãnh Chế Tạo Bằng Chứng Và Lỗi Lầm Của Ông Trần Huy Liệu Qua Câu Chuyện “Người Vợ Miền Nam”
Nhưng ngoài thí dụ về người bác cách mạng nói trên, còn có một thí dụ khác nữa cho thấy tài nghệ và bản lãnh sáng tạo của ông Trần Huy Liệu, và cũng vẫn nằm trong một bài viết lên án Phan Thanh Giản của ông Trần Huy Liệu. Đó là bài “Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng” đăng trên tờ Văn Sử Địa số 9 vào tháng 8, 1955. Sau khi giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lần đầu tiên với độc giả, thì ông Trần Huy Liệu đã chấm dứt bài viết này bằng một câu chuyện minh họa như sau:
“Để kết luận bài này, tôi giới thiệu mấy câu thơ trong một bức thư của một phụ nữ miền Nam gửi cho chồng đi tập kết ngoài Bắc. Bức thư nói lên lòng mong mỏi thống nhất xây dựng miền Bắc, đẩy mạnh cuộc đấu tranh ở miền Nam, cột chặt hạnh phúc gia đình với hạnh phúc dân tộc:
Để Cô-tô (1) với Cửu-long đợi chờ
Ai ở lại phất cao cờ đấu tranh
Mong chóng thống nhất để mình trở vô
Mình còn phải dẫn bác Hồ vào Nam’
(1)Cô-tô là một mỏm núi cao nhất trong giải núi Thất-sơn ở Châu-đốc”
Một lần nữa, trong bài viết để chuẩn bị cho công cuộc “giải phóng miền Nam” này, ông Trần Huy Liệu đã cho thấy tài nghệ khích động lòng người mà cũng đồng thời chứng minh cho những ý tưởng lập luận của mình, qua câu chuyện về người phụ nữ miền Nam có chồng đi tập kết như trên.
Bài thơ này, tiếc thay, lại cho thấy rằng nó là một sản phẩm của ông Trần Huy Liệu! Bởi vì người miền Nam, trừ những người ở tại địa phương Châu Đốc gần biên giới Cao Miên thì chắc không mấy ai biết rằng có một ngọn núi tên “Cô Tô” ở Nam Kỳ! Cùng lắm là họ biết có Thất Sơn. Bởi vì miền Nam là một vùng đất toàn sông nước, cho nên không mấy ai để ý rằng có những ngọn “núi” ở đây. Thêm nữa, họ chỉ biết đến những cái “núi” đó qua tên gọi bình dân của chúng như núi Cấm, núi Dài, núi Tô. Chứ không mấy ai để ý tới cái tên gọi văn hoa là “núi Cô-tô” như trong bài thơ nói trên!
Nhưng đối với một nhà báo, nhà nho, và nhà thơ như ông Trần Huy Liệu thì vấn đề lại khác. Bởi một khi đã nói về sông Cửu Long thì phải có một ngọn núi nào đó để đem ra để mà đối trọng. Cũng như khi bài thơ nói về miền Bắc với sông Hồng, thì cũng phải nói đến núi Tản (Viên) cho đối xứng. Do đó, nếu bài thơ này chỉ nói về sông Cửu Long cho miền Nam không thôi thì chắc là không hợp nhãn với nhà thơ Trần Huy Liệu. Thành ra ông ta phải đưa thêm ngọn núi “Cô-tô” nói trên vào câu thơ, cho đối xứng với sông Cửu Long, và cho ngang hàng với núi Tản sông Hồng của miền Bắc. Chỉ khổ nỗi là ông Trần Huy Liệu lại phải cất công chú thích về núi Cô Tô ngay dưới bài thơ, vì thật sự chẳng ai biết ngọn núi này ở chỗ nào và tại sao mà nó lại có mặt trong bài thơ như trên!
Nhưng vẫn chưa hết. Ông Trần Huy Liệu cho ta thấy tác giả của bài thơ là một người đàn bà miền Nam, qua cách cô/bà ta dùng chữ “vô” đến ba lần trong bài thơ, giống như kiểu “Vân Tiên cõng mẹ chạy vô”, như sau:
“Mong chóng thống nhất để mình trở vô
Tuy nhiên, sau khi đã dùng chữ “vô” nhiều lần như vậy, người phụ nữ miền Nam này lại bỗng nhiên chuyển sang dùng chữ “vào” ngay sau đó:
“Mình còn phải dẫn bác Hồ vào Nam”
Nếu đã dùng chữ “vô” một cách rặt Nam Kỳ ba bốn lần như trên, thì thật khó mà giải thích tại sao mà người phụ nữ miền Nam này lại bỗng nhiên quay sang dùng chữ “vào” cho một hành động cần dùng chữ “vô” như trong câu thơ nói trên. Trừ khi tác giả bài thơ không phải là người Nam, nhưng lại muốn giả giọng Nam, và cần đem một hình ảnh chính trị quen thuộc là “bác Hồ vào Nam” vào trong bài thơ, nên đã vô tình dùng chữ “vào” trong câu mà không để ý!
Và do đó, với thành tích và bản lãnh sáng tạo như đã thấy, tác giả bài thơ được cho là của một người “phụ nữ miền Nam” nói trên chắc chắn không phải là ai khác hơn ngoài ông Trần Huy Liệu! Chỉ có điều là giống như câu chuyện về ông bác cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, cũng bởi vì ông Trần Huy Liệu đã cố gắng thêm thắt một vài chi tiết cho câu chuyện hợp tình hợp lý hơn, nên đã lòi ra những điều bất hợp lý như trên.
Tức là vì quá cẩn thận cho nên ông Trần Huy Liệu đã bị tổ trác! Giống như trường hợp ông Trần Huy Liệu đã sáng tạo và sử dụng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” cùng câu chuyện chung quanh nó để lên án Phan Thanh Giản mà ta đã thấy.
Trong phần dưới đây, người viết xin nhắc lại về hai lỗi lầm rất lớn đó của ông Trần Huy Liệu, trong việc chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó để chứng minh cho lập luận của mình.
D. Bản Lãnh Chế Tạo Bằng Chứng Và Lỗi Lầm Của Ông Trần Huy Liệu Qua Câu “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân”
Như có thể thấy, ông Trần Huy Liệu đã chứng tỏ tài nghệ và bản lãnh sáng tạo của ông ta, khi sáng chế ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó để minh họa cho bức tranh lịch sử Nam Kỳ vào thế kỷ 19 nhằm mục đích phục vụ chế độ. Tuy nhiên, cũng như hai thí dụ về “người bác cách mạng” và “người vợ miền Nam” kể trên, ông Trần Huy Liệu đã mắc phải những lỗi lầm khá hệ trọng trong việc chế tạo bằng chứng này.
Lỗi lầm thứ nhất là có lẽ vì quá cẩn thận muốn lên án Phan Thanh Giản bằng mọi giá, nên ông Trần Huy Liệu đã gán cho Phan Thanh Giản đến hai tội cùng một lúc, là tội “đầu hàng” (thất bại chủ nghĩa) và tội “bán nước” (mãi quốc). Như người viết đã giải thích, hai tội này không thể nào đi chung với nhau được. Vì nếu đã “đầu hàng” rồi thì không thể “bán nước” được nữa, do chẳng còn gì để mà “bán”.
Cho nên nhà cách mạng Phan Bội Châu trong cuốn sách tuyên truyền “Việt Nam Vong Quốc Sử” đã gán cho Phan Thanh Giản tội vì nhát gan sợ giặc mà đầu hàng và dâng đất cho Pháp. Nhưng ông ta không hề gán tội “bán nước” hay “mại quốc” cho Phan Thanh Giản.
Cho nên tác giả bài thơ “Việt Nam Chính Khí Ca” đã gán tội “mại quốc” cho Phan Thanh Giản, nhưng lại không hề cho rằng Phan Thanh Giản đã vì sợ giặc mà đầu hàng. Ngược lại, tác giả bài thơ này cho rằng Phan Thanh Giản là một “gian thần” đã phản chủ qua việc “cầu hòa” với Pháp, và là người mặc dù đã ăn lộc chúa ở xứ sở này nhưng lại không biết báo đền, mà còn “cam tâm” làm điều khi quân qua hành động “mại quốc”.
Nhưng ông cựu bộ trưởng bộ Tuyên Truyền Trần Huy Liệu thì đã gán cả hai tội nói trên cùng một lúc cho Phan Thanh Giản, do ông ta quá cẩn thận không muốn cho Phan Thanh Giản thoát tội. Hơn nữa, như đã giải thích trong chương II, ông ta cần phải gán thêm tội “đầu hàng” để bác bỏ tất cả những lời xin khoan hồng cho tội “mãi quốc” vì đạo đức của Phan Thanh Giản. Đó là những lời xin khoan hồng mà ông Trần Huy Liệu không thể không nói đến, bởi tài đức và danh tiếng tốt đẹp của Phan Thanh Giản đã được lưu truyền ở Nam Kỳ trong bao nhiêu năm nay.
Lỗi lầm thứ hai là ông Trần Huy Liệu đã dùng chữ “mãi” mà không dùng đúng chữ “mại” theo tiếng Hán, như trong bài “Việt Nam Chính Khí Ca”. Và một lần nữa, đó là vì ông Trần Huy Liệu đã quá cẩn thận và muốn cho chữ này phải được phát âm đúng như giọng nói miền Nam của Trương Định và các nghĩa quân người Gò Công của ông ta!
Và đó là vì chính Trương Định đã từng “nói” như vậy. Người viết xin nhắc lại với bạn đọc về một tài liệu đã được trích dẫn trong Phần 2, đó là bài “Hịch Quản Định” do học giả Petrus Trương Vĩnh Ký chép lại bằng chữ Quốc Ngữ. Như đã biết, Petrus Ký là một trong những người Việt tiên phong trong việc dùng chữ Quốc Ngữ tại Việt Nam vào thế kỷ 19. Vì là người Nam Kỳ, lại đang trong thời kỳ phôi thai của chữ Quốc Ngữ, nên Petrus Ký viết giống y như cách ông phát âm. Tức là ông viết như ông nói, theo “giọng Annam ròng”! Mà trong trường hợp này là giọng miền Nam. Và đó cũng chính là giọng nói hay cách phát âm của người Gò Công, của những nghĩa quân Trương Định. Thậm chí còn có thể của cả Trương Định, một người gốc gác ở miền Trung nhưng sinh sống ở miền Nam lâu năm, rồi lấy vợ và lập nghiệp luôn ở miền Nam.
Cho nên trong bản chép bài “Hịch Quản Định” bằng chữ Quốc Ngữ của Petrus Ký, đã có những câu như sau:
“Thậm tiếc nhg. (những) ng. (người) làm quan mà ăn lộc
Nỡ đem lg (lòng) mãi quốc mà cầu vinh
Tiếc nhg (những) tay tham lợi an mình
Mà lại khiến vong ân bội tổ”.[158]
Như vậy, trong bài hịch mà cũng là lời tuyên bố này của Trương Định, ông Petrus Ký đã chép ra rất rõ ràng chữ “mãi quốc”. Và đó là cách chép ra chữ Quốc Ngữ theo giọng nói của người Nam Kỳ, như ông Petrus Ký đã làm.
Rồi trong thời gian của Petrus Ký và cả mấy chục năm sau đó, sách vở miền Nam vẫn tiếp tục thường dùng chữ “mãi” thay vì chữ “mại”. Như đã trình bày, nhóm chữ “mãi quốc cầu vinh” là những chữ rất thường được gặp trong sách truyện miền Nam, nhất là loại sách dịch truyện Tàu. Còn “gái mãi dâm” cũng là những chữ thường gặp trong sách báo miền Nam.
Mặc dù đúng ra nó phải là chữ “mại”!
Và như đã biết, ông Trần Huy Liệu là một người từng làm chủ bút một tờ báo lớn ở Sài Gòn, lại từng sống trong Nam nhiều năm. Cho nên ông ta chắc chắn rất có ý thức về giọng nói, về cách phát âm của người miền Nam, và về cách dùng chữ của người miền Nam. Nhất là một khi nói đến chuyện “bán nước” thì người miền Nam hẳn là đã quá rành và quá quen thuộc với cái tội “mãi quốc cầu vinh” mà họ thường thấy trong các sách báo bằng chữ Quốc Ngữ.
Do đó, với kiến thức cũng như ý thức về những điều này, đặc biệt là với tài liệu “Hịch Quản Định” nói trên, ông Trần Huy Liệu chắc chắn đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định gọi tội danh của Phan Thanh Giản là tội “mãi quốc”, thay vì “mại quốc”, cho câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”.
Và đó là do ông Trần Huy Liệu có quá nhiều kinh nghiệm. Lại thêm sự cẩn thận thường có của ông khi sáng tác một câu chuyện, bằng cách thêm thắt hay sửa đổi một vài chi tiết cho hợp tình hợp cảnh. Cho nên nguyên văn tội danh “bán nước” mà ông đã từng sử dụng trong năm 1954 đã được ông Trần Huy Liệu dịch ra và sửa lại thành “mãi quốc”, cho đúng theo kiểu người miền Nam thường nói, thay vì là “mại quốc” như trong bài “Việt Nam Chính Khí Ca”.
Nhưng nếu như ông Trần Huy Liệu dùng đúng chữ Hán (Việt) là “mại quốc” thì câu này sẽ trở thành “Phan Lâm mại quốc”, và do đó sẽ khác hẳn với cách nói của người Nam Kỳ. Cho nên, khi ông Trần Huy Liệu sửa ra thành”mãi quốc” như vậy, thì đó là một sự dụng tâm rất công phu của ông, chứ không phải là một sự hớ hênh, đặc biệt với một người rất giỏi chữ Hán như ông.
Và như người viết đã trình bày, đây là một câu nghe rất lọt tai. Và nếu ông Trần Huy Liệu chỉ nói rằng đó là một “khẩu hiệu” của nghĩa quân Trương Định mà thôi, thì cách dùng chữ “mãi quốc” như trên của ông có lẽ rất ư hợp lý, cho dù sai ý nghĩa. Bởi vì đó chính là cách nói hay cách phát âm thường thấy của “nhân dân” Nam Kỳ.
Nhưng khổ nỗi là đằng này ông Trần Huy Liệu lại muốn làm cho câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” long trọng hơn và chính thức hơn – bằng cách cho tám chữ đó được “đề lên lá cờ” khởi nghĩa của Trương Định. Mà như người viết đã giải thích, một khi đã viết lên lá cờ thì phải viết bằng chữ Hán, nhưng vậy thì “mãi quốc” lại là “mua nước” chứ không còn là “bán nước” nữa.
Tức là nếu ông Trần Huy Liệu chỉ giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” như một “khẩu hiệu” không thôi thì đã không có vấn đề. Nhưng vì ông phải kể thêm một câu chuyện chung quanh câu này để vẽ lại bức tranh lịch sử Nam Kỳ thời đó, để cho thấy rằng phe ta đã dùng câu này như một bằng chứng, như một lời tuyên ngôn, hay như một bản án, để kết tội phe địch. Và như vậy thì còn có chỗ nào long trọng hơn và oai hùng hơn, là ngay trên lá cờ khởi nghĩa của vị anh hùng dân tộc Trương Định!
Nhưng khi sáng tác ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó thì chắc ông Trần Huy Liệu đã không nghĩ đến một chi tiết; là Trương Định và nghĩa quân của ông ta tuy là người miền Nam và tuy có thể nói hay phát âm “mãi quốc”, nhưng họ lại không viết như vậy. Vì họ không biết chữ Quốc Ngữ, và chắc chắn cũng đã không dùng chữ Quốc Ngữ để đề câu này lên trên lá cờ khởi nghĩa của họ.
Và có lẽ đã thấy ra điều này sau khi sáng tác và phổ biến câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, nên ông Trần Huy Liệu đã giữ một sự im lặng tuyệt đối về chữ “mãi” nói trên, cũng như về nguồn gốc xuất xứ của câu , trong bao nhiêu năm trời.
Nhưng khi ông Trần Huy Liệu qua đời năm 1969 thì gánh nặng giải thích câu này được chuyển hết qua cho ông Trần Văn Giàu, người đã phổ biến nó cùng một lúc với ông Trần Huy Liệu. Và ông Trần Văn Giàu đã phải rất chật vật để giải thích câu này, bằng cách cho rằng chính vua Tự Đức cũng đã nói như vậy, và đưa ra một bài thơ mà ông nói là của vua Tự Đức, trong đó có chữ “mãi quốc”.
Thế nhưng đến năm 2003 thì có lẽ đã quá chán ngán vì việc phải giải thích dùm cho ông Trần Huy Liệu, nên ông Trần Văn Giàu đã khéo léo trình bày như sau:
“Câu Phan Lâm mãi quốc, tôi có nhờ ông Trần Huy Liệu giải thích. Ông nói câu đó là của Trương Định và những người theo Trương Định. Đó là nhân dân ở đây (Nam bộ) và nhân dân cả nước người ta lên án. Chữ mãi ở đây có nghĩa là bán.”[159]
Như vậy, chỉ với một câu trên đây thì ông Trần Văn Giàu đã phủ nhận hoàn toàn mọi trách nhiệm về việc sáng chế ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Hơn nữa, ông còn gián tiếp cho biết rằng tác giả của nó chính là ông Trần Huy Liệu.
Vì nếu ông Trần Văn Giàu là tác giả, thì không lý gì mà ông lại phải đi hỏi ý nghĩa của câu này với ông Trần Huy Liệu. Và có biết bao nhiêu là bậc túc nho ở miền Bắc trong thời gian đó, nhưng tại sao ông Trần Văn Giàu không nhờ họ giải thích dùm, mà lại đi nhờ ông Trần Huy Liệu! Rồi sau hết, ông Trần Văn Giàu cũng không quên nhắc lại với mọi người rằng chính ông Trần Huy Liệu đã cho ông ta biết là “nhân dân ở đây (Nam bộ)” nói vậy, và “chữ mãi ở đây có nghĩa là bán”. Trong khi ông Trần Văn Giàu lại là một người chính gốc Nam bộ! Nhưng lại phải đi hỏi ông Trần Huy Liệu, một người gốc miền Bắc, về ý nghĩa câu này, nhất là chữ “mãi”!
Hơn nữa, những sự việc kể trên quả đã diễn ra đúng như ông Trần Văn Giàu thú nhận trong đoạn văn này. Năm 1955, trên số 9 của tờ Văn Sử Địa, khi giới thiệu câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lần đầu với độc giả, mặc dù không cho biết nguồn gốc xuất xứ của nó, nhưng ông Trần Huy Liệu đã rất cẩn thận mà chú thích rằng “Phan Lâm mãi quốc” có nghĩa là “họ Phan họ Lâm bán nước”.
Sau cùng, điều ông Trần Văn Giàu tiết lộ là ông ta phải hỏi nhờ ông Trần Huy Liệu giải thích dùm ý nghĩa câu này cũng rất hợp lý. Vì như đã thấy, mặc dù từng phổ biến câu này, mặc dù đã từng đem nó vào trong bộ sách giáo khoa lịch sử của mình là bộ “Chống Xâm Lăng”, nhưng ý nghĩa của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” thì rõ ràng là ông Trần Văn Giàu đã không nắm được. Cho nên mới có tình trạng ông dịch chữ “khí” trong câu ra thành hết “khinh” rồi “dối” trước khi dịch đúng là “bỏ”.
Tóm lại, ông Trần Văn Giàu đã hùng hồn phủ nhận qua đoạn văn trên; rằng ông không phải là tác giả của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, cũng như không đủ trình độ để làm việc này! Rồi ông Trần Văn Giàu gián tiếp cho biết tác giả chính là ông Trần Huy Liệu, qua sự “tiết lộ” rằng ông ta phải hỏi ông Trần Huy Liệu về ý nghĩa của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, và chữ “mãi” trong câu đã được giải thích rõ ràng là “bán” bởi ông Trần Huy Liệu.
Như vậy, có thể cho rằng đây là lỗi lầm thứ ba trong của ông Trần Huy Liệu trong sự chế tạo ra câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Đó là việc ông không ngờ hay không chuẩn bị trước cho việc bí mật sẽ bị tiết lộ bởi một người cộng tác. Giống như việc bút hiệu “Hải Thu” đã bị chính tờ Nghiên Cứu Lịch Sử tiết lộ là của ông ta. Giống như câu chuyện “cây đuốc sống Lê Văn Tám” đã bị giáo sư Phan Huy Lê khai ra là bịa đặt.
Nhưng như người viết đã trình bày trong bài viết này, sự sáng tác câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện chung quanh nó của ông Trần Huy Liệu là một thành công rực rỡ trong sáu mươi năm qua. Bởi câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” và câu chuyện “đề cờ” chung quanh nó đã được đưa vào lịch sử một cách chính thức tại Việt Nam, và đã trở thành một thứ “sự thật lịch sử”, “siêu tài liệu” hay “siêu bằng chứng” được chấp nhận bởi hầu hết dân chúng ở Việt Nam.
Cho nên người viết đã gọi nó là một câu “thần chú vạn năng”.
Mặc dù nó chính là một sản phẩm đã được chế tạo ra bởi ông Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu!
Sau khi đạt được mục đích tìm ra tác giả của câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” trong Phần 3 là ông Trần Huy Liệu; để thay lời kết cho bài viết này, người viết xin giới thiệu thêm một vài chi tiết có liên hệ đến phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử vào năm 1963 mà tác giả Trần Huy Liệu cũng là quan tòa. Và những chi tiết này cho thấy rằng vị quan tòa Trần Huy Liệu đã áp dụng các phương pháp đấu tố mà ông ta học được trong phong trào Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc trước đó trong thập niên 1950, vào phiên tòa xử án “mãi quốc” cho Phan Thanh Giản vào năm 1963.
Như người viết đã giới thiệu, con trai của ông Trần Huy Liệu là nhà văn Trần Chiến có viết một cuốn sách về ông ta, với tựa đề “Cõi Người – Chân Dung Trần Huy Liệu”. Trong cuốn sách này, tác giả Trần Chiến đã dùng lời của nhân vật chính Trần Huy Liệu để viết về Phan Thanh Giản như sau:
“Sau một năm cật lực, năm 1960, “Lịch sử Cách mạng tháng Tám” và hai cuốn về Cách mạng tháng Tám ở các địa phương từ Thanh Hóa trở ra được đưa in. Vài tháng sau, quyển II, 462 trang, về các tỉnh từ Nghệ An trở vào ra đời.
Trên khen. Nó ra kịp thời, tức là Viện đã làm xong cái việc lãnh đạo cần. Nhưng còn chất lượng, chắc Liệu nghĩ có những đánh giá, kể cả tư liệu, còn chưa “chín”.
Chẳng hạn, đánh giá các nhân vật lịch sử gắn liền với các sự kiện, trào lưu quan trọng trước năm 1930 thế nào cho thỏa đáng. Có phải những người không cộng sản, như những Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu không đóng góp gì được cho dân tộc? Và Phan Thanh Giản, tiêu cực hơn, Liệu thấy cũng phải nhìn ông ta trong bối cảnh yếu đuối ươn hèn chung của nhà Nguyễn trước thực dân mạnh mẽ. Trong khung cảnh nền hòa bình ở miền Bắc vừa lập lại, chiến tranh giải phóng đang nhóm lên ở miền Nam, quan điểm trên có thể coi là không được “chính thống” lắm . Dù sao “ép hành ép mỡ ai nỡ ép người vào thời thế không phải của họ”, Liệu thấy thế.”[160]
Như vậy, theo ông Trần Chiến thì vào năm 1960 ông Trần Huy Liệu đã có một sự cảm thông với Phan Thanh Giản, bởi hoàn cảnh bất lực của Phan Thanh Giản trong thời gian ấy. Và ông Trần Huy Liệu cũng biết rằng khi chiến tranh đang bắt đầu ở miền Nam mà đánh giá Phan Thanh Giản như vậy thì chưa “chín”, và “trên” sẽ không hài lòng. Đó chính là những gì mà ông Trần Huy Liệu “thấy thế” về Phan Thanh Giản, theo ông Trần Chiến.
Thế nhưng một điều chắc chắn là ông Trần Huy Liệu đã không “làm thế”, tức là không nỡ “ép người vào thời thế không phải của họ”, như ông ta đã từng “thấy thế”. Và đó là nếu cho rằng thật sự ông ta đã “thấy” như vậy vào năm 1960, như ông Trần Chiến cho biết.
Bởi vì qua tất cả những bài viết của ông Trần Huy Liệu về Phan Thanh Giản thì ông Trần Huy Liệu chưa bao giờ có một chữ nào để thực hiện cho sự “thấy thế” rất biết điều như trên. Mà ta chỉ thấy trong đó toàn những lời bịa đặt để lên án Phan Thanh Giản một cách độc địa, những lời mạt sát hạ thấp Phan Thanh Giản xuống hàng súc vật cần phải nhốt trong “chuồng”, hoặc những lời bình phẩm cho rằng Phan Thanh Giản khi sống đã không có gì hay ho, nên khi chết cũng chẳng có gì đáng nói!
Nhưng cũng nhờ ông Trần Chiến đã chép lại nguyên văn những trang nhật ký của cha mình là ông Trần Huy Liệu trong cuốn sách này, nên ta có thể thấy rõ ràng hơn cách nhìn của ông Trần Huy Liệu về những cuộc đấu tố địa chủ ở miền Bắc, mà ông ta đã từng tham dự. Theo đó, ông Trần Huy Liệu đã chê ban tổ chức của những cuộc đấu tố nói trên là không biết cách làm.
Như khi ông Trần Huy Liệu thuật lại cuộc đấu tố địa chủ Nguyễn Văn Bính tức Tổng Bính vào ngày 18-5-1953:
“Nếu mình hôm ấy chỉ là một người xa lạ đến dự thì sẽ không biết B. có phải là địa chủ cường hào gian ác không và vì sao phải đem ra đấu tố? Khuyết điểm là chủ tịch đoàn, trước khi đem tố, không giới thiệu tóm tắt những tội trạng của y rồi mọi người đem bằng cớ ra để chứng thực. Những phần tử cốt cán đem ra tố, đã bị bồi dưỡng theo một kiểu cách sai lệch đến lố bịch. Đại để anh nào chạy ra cũng đầu tiên vỗ ngực bằng một câu hỏi: “Mày có biết tao là ai không?” và “Mày đã dựa vào thế lực nào?”, “Đéo mẹ tiên sư mày, không nhận tao đánh bỏ mẹ bây giờ”… bằng những cử chỉ hùng hổ và quát tháo om sòm, lại không có lý lẽ gì cũng như không đem được ra chứng cứ. Ngu ngốc đến nỗi khi nhắc đến những việc làm thời Pháp thuộc của B, rồi hỏi: “Mày đã dựa vào thế lực nào?”, là có ý chỉ vào thế lực đế quốc cái đó đã đành. Tới khi hỏi những việc làm của B. bằng danh nghĩa chính quyền của ta, cũng cứ gạn hỏi: “Mày đã dựa vào thế lực nào?”[161]
Qua trang nhật ký trên, có thể thấy rằng ông Trần Huy Liệu chê “chủ tịch đoàn” tức chủ tọa phiên tòa, đã có hai khuyết điểm trong việc tổ chức cuộc đấu tố địa chủ Bính. Theo ông Trần Huy Liệu thì trước nhất phải “giới thiệu tóm tắt tội trạng của y rồi mọi người đem bằng cớ ra để chứng thực”. Kế đến, phải “bồi dưỡng” cho những người “cốt cán” đã được dàn xếp từ trước, để họ làm công việc “tố” này cho đúng cách, cho có “lý lẽ” và “chứng cứ”. Nhưng những chủ tọa của phiên tòa đấu tố địa chủ Nguyễn Văn Bính đã không làm hai điều này.
Và bây giờ nếu ta trở lại với phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử đúng mười năm sau đó, tức là năm 1963, thì phải rùng mình mà nhận thấy rằng phiên tòa này đã được diễn ra giống y như những gì mà ông Trần Huy Liệu đã phê bình cho rằng cần phải làm trong một phiên tòa đấu tố, như ông ta đã viết ra trong những dòng nhật ký nói trên.
Trước nhất, ông Trần Huy Liệu đã dàn xếp để cho hai ông Đặng Huy Vận – Chương Thâu đi tiên phong và “tóm tắt” những “tội trạng” của Phan Thanh Giản ngay từ đầu phiên tòa. Rồi sau đó, những “phần tử cốt cán”, tức những cán bộ của ông Trần Huy Liệu, và ngay cả chính ông ta, những người đã được “bồi dưỡng” đúng cách từ trước, mới cùng nhau “tố” Phan Thanh Giản và “chứng thực” những tội trạng này. Có nghĩa là phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản phải và đã được dàn xếp chu đáo từ đầu đến cuối, để cho những sai lầm “ngu ngốc” như trong cuộc đấu tố Tổng Bính nói trên không thể xảy ra.
Và những “phần tử cốt cán”, tức những người nhận lãnh vai trò “tố” nạn nhân, phải “tố” như thế nào thì mới hữu hiệu? Cũng vẫn theo nhật ký của ông Trần Huy Liệu, nhưng lần này ông ta nói về cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm tức địa chủ Cát Hanh Long, thì phải như sau:
“Rút kinh nghiệm lần trước, chủ tịch đoàn tuyên bố đề nghị quần chúng phải giữ vững trật tự và không cần đánh đập tội nhân hay bắt quỳ, bò. Bọn mẹ con và tay sai địa chủ được ngồi trên một cái bục dưới gốc cây. Quần chúng lần lượt vào tố, từ loại vấn đề kinh tế đến chính trị và sau hết là chống chính sách chính phủ và nói xấu cán bộ. Những người đấu tố hôm nay cũng có một phong độ và một nghệ thuật khác hôm đấu Tổng Bính. Những tiếng hò hét “Mày có biết tao là ai không?”, “Mày dựa vào thế lực nào?” kèm theo cái tát để xuống đài không còn nữa. Những người tố được quần chúng cảm động và tán thưởng nhiều nhất là bà Sâm, chị Đăng và anh Cò. Bà Sâm, với một giọng gợi cảm, kể lể vì Thị Năm mà mình phải suốt đời cô độc, có người rơi nước mắt. Nhưng sự thực, nội dung câu chuyện không có gì. Chị Đăng, một người ở với Thị Năm lâu ngày, tố lên rất nhiều sự việc bí mật và chi tiết. Nhưng, với một giọng lưu loát quen thuộc, chị trở nên một tay “tố nghề” và ít làm cho ai cảm động. Còn anh Cò, một người thiểu số đã bị Hoàng Công, con Thị Năm, bắt vì có tài liệu Việt Minh, trước cuộc Cách mạng tháng Tám, bị tra tấn rất dã man, rồi trốn thoát trước giờ Công định lấy đầu nộp cho Cung Đình Vận. Bằng một giọng chân thành đến ngây ngô, anh đã làm cho Công không chối cãi được nửa lời.”[162]
Như vậy, những dòng nhật ký trên đây cho thấy rằng ông Trần Huy Liệu đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng cách thức đấu tố sao cho có “phong độ và nghệ thuật”. Như là phải “tố” sao cho “gợi cảm”, và phải dùng lời lẽ có vẻ “ngây ngô” để thích hợp với vai trò của mình. Nhưng lại không nên “lưu loát” quá mà lộ tẩy rằng mình chính là một tay “tố nghề”!
Nghĩa là ông Trần Huy Liệu quả tình đã áp dụng triệt để bài học và kinh nghiệm về những cuộc đấu tố địa chủ tại miền Bắc nói trên vào việc “đánh giá” viên đại thần người Nam Kỳ là Phan Thanh Giản vào năm 1963 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử.
Như khi ông Trần Huy Liệu học được bài học từ anh Cò trong cuộc đấu tố địa chủ Nguyễn Thị Năm vào năm 1953, là sự tố cáo địa chủ hay bị cáo của “nhân dân” cần phải có vẻ “chân thành” và “ngây ngô”. Cho nên sau này ông ta đã bắt các ông “nông dân” Nam Kỳ tức nghĩa quân Trương Định phải dùng chữ “mãi quốc” theo kiểu “ngây ngô” Nam Kỳ mà họ thường dùng, thay vì dùng đúng chữ “mại quốc”, trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” để “tố” Phan Thanh Giản là bán nước.
Nhưng vẫn chưa hết. Những “phần tử cốt cán” từng được ông Trần Huy Liệu “bồi dưỡng” đúng cách cho phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử năm 1963 đã chứng tỏ rằng họ rất xứng đáng với công việc được giao phó. Ngoài hai ông Đặng Huy Vận – Chương Thâu với trách nhiệm buộc tội Phan Thanh Giản ngay từ đầu, tác giả Nguyễn Anh bên cạnh việc “tố” Phan Thanh Giản, còn nói rõ thêm sự quan trọng và mục đích của cuộc đấu tố này:
“Hoàn cảnh lịch sử ngày nay và ngày xưa – thời Phan-thanh-Giản – tuy có nhiều điểm khác nhau, nhưng có một điểm giống nhau là ngày trước nhân dân Nam-kỳ đứng lên kháng chiến chống xâm lược bước đầu của giặc Pháp, và ngày nay, cũng trên mảnh đất Nam bộ mến yêu, nhân dân miền Nam ruột thịt của chúng ta đang anh dũng chống bè lũ Mỹ-Diệm để hòa bình thống nhất đất nước. Việc nghiên cứu đánh giá Phan-thanh-Giản không phải chỉ là tìm hiểu sự thật về công tội của Phan mà còn có một ý nghĩa, một tác dụng tích cực trong giai đoạn hiện nay. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ và ca tụng những người con của Tổ quốc đã đấu tranh quên mình vì dân vì nước và cũng mãi mãi phê phán bất cứ ai đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, ngăn cản bước tiến của lịch sử.”[163]
Chính vì lý do trên mà Phan Thanh Giản đã bị toàn thể các sử gia miền Bắc noi gương “người anh cả” Trần Huy Liệu để hạ nhục. Nhưng chẳng những vậy thôi, mà trong thời gian này, bất cứ một người nào có lời khen Phan Thanh Giản cũng sẽ bị trừng phạt đích đáng. Cho dù người đó đã thực hiện đúng chỉ thị là niệm câu thần chú “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” mỗi khi nói về Phan Thanh Giản. Thí dụ như trường hợp của ông Đào Duy Anh, một học giả quá nổi tiếng mà người viết tưởng không cần phải giới thiệu là ai.
Số là trong năm 1955 ông Đào Duy Anh cho xuất bản một cuốn sử có tựa đề “Lịch Sử Việt Nam”. Trong đó, ông Đào Duy Anh đã theo đúng chính sách là phải lên án Phan Thanh Giản, và bằng cách lặp lại y hệt những gì mà ông Trần Huy Liệu đã từng giới thiệu về câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Thế nhưng hình như đây là việc thêm vào sau này, khi ông Đào Duy Anh đã gần hoàn thành cuốn sách nói trên, để cho đúng chủ trương. Vì vậy, trong cuốn sách vẫn còn sót lại một đoạn văn mà trong đó ông Đào Duy Anh gọi Phan Thanh Giản là một “nho sĩ khai thông”.
Và thế là cánh tay mặt của ông Trần Huy Liệu, ông Văn Tân, đã viết ngay một bài trên tờ Văn Sử Địa để phê bình cuốn sách này, cũng như nghiêm khắc dạy dỗ ông Đào Duy Anh như sau:
“… Khi đã hiểu sự lầm lẫn về lập trường của tác giả Lịch-sử Việt-nam, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông coi Phan Thanh Giản một tên quan lại đầu hàng giặc là một nho sĩ khai thông (Lịch sử Việt-nam quyển hạ trang 403)… Tám chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” (1) viết ở cờ của nghĩa quân Trương Định lại càng chứng minh thêm rằng Giản chỉ là một kẻ bán nước giấu tên, nhưng không giấu nổi…
… Vì chưa dứt khoát về lập trường giai cấp, cho nên tác giả Lịch sử Việt-nam có thái độ thiếu rõ ràng đối với các nhân vật lịch sử. Như ở bên trên chúng tôi đã nói, tác giả coi Phan Thanh Giản là một nho sĩ khai thông, nhưng ở trang 132, tác giả lại viết: “Hòa ước 1862 đã ký, Trương Định nêu lên cờ nghĩa những chữ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” để tiếp tục kháng chiến.” Thế thì thật sự Phan Thanh Giản là một nho sĩ khai thông hay chỉ là một tên bán nước hèn nhát như nghĩa quân của Trương Định đã nhận định?
Ở Lịch sử Việt-nam câu hỏi đó vẫn không được ông Đào Duy Anh giải đáp. Do đó đối với Phan Thanh Giản, thái độ của nhiều người cho đến nay vẫn lờ mờ không rõ Giản là phản dân hay yêu nước.”[164]
Như vậy, có thể nói rằng toàn thể giới sử học miền Bắc dưới sự lãnh đạo của “người anh cả” Trần Huy Liệu đã phát động một chiến dịch hạ nhục Phan Thanh Giản, vì mục đích đánh chiếm miền Nam của chế độ. Và chiến dịch này, cộng với sự thành công về quân sự của miền Bắc vào năm 1975, đã khiến cho ngày nay cả nước Việt Nam đều nghĩ rằng câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là có thật, như người viết đã cho thấy trong phần Dẫn Nhập.
Những việc làm như trên của các “sử gia” miền Bắc có lẽ đã được tiên đoán phần nào, bởi một người cùng thời với Phan Thanh Giản và đã chứng kiến tất cả mọi sự việc xảy ra cho Phan Thanh Giản trong thời gian này. Đó là quan Án Sát tỉnh An Giang tên Phạm Viết Chánh. Theo nhà nghiên cứu Nam Xuân Thọ:
“Quan Án-sát tỉnh An-giang là Phạm Viết Chánh sợ người sau chẳng rõ nỗi-niềm người khuất, nên ấm ức bày lòng:
“Phan-công tiết-nghĩa sánh cao dày
Thương bấy vì đâu khiến chẳng may
Tuyệt lương một tháng rau xanh mặt
Chỉn sợ sử-thần biên chẳng ráo
Tấm lòng ấm-ức phải thày-lay”[165]
Như vậy, Phạm Viết Chánh đã biết trước, và đã viết rằng “chỉn sợ sử-thần biên chẳng ráo” về Phan Thanh Giản. Cho nên ông ta mới “phải thày-lay” để nói lên những lời cảnh cáo với hậu thế, về những gì mà các “sử thần” sẽ ghi, hay sẽ không chịu ghi, về Phan Thanh Giản.
Thế nhưng sự hạ nhục Phan Thanh Giản với mức độ khốc liệt và tàn bạo như các sử gia miền Bắc đã làm, nhất là trong cuộc đấu tố vào năm 1963 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, thì chắc chắn là Phạm Viết Chánh không thể nào nghĩ tới. Và hẳn là quan Án cũng khó thể ngờ rằng sẽ có ngày một “sử thần” ở miền Bắc lại chế tạo ra được một câu thần chú vạn năng như câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”, để buộc tội “bán nước” cho “Phan công” của ông.
Nhưng như người viết đã trình bày về những điều tìm thấy được chung quanh vụ án “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” nói trên trong bài viết này, thì những sự bịa đặt hay những điều ngụy tạo, cho dù có khéo léo che đậy cỡ nào, thì cuối cùng cũng sẽ lòi ra dưới ánh sáng. Mà cây cao thì nào sợ gió lớn. Cho nên một người có tầm cỡ như Phan Thanh Giản, thì dù cho tay “sử thần” hậu sinh đó có xuyên tạc lịch sử cách nào đi nữa để hạ bệ, rốt cuộc cũng chỉ làm cho vị “quan Phan” trở nên cao cả hơn mà thôi.
Do đó, để chấm dứt bài viết “Phan Thanh Giản Và Vụ Án Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân”, cũng như để bổ túc thêm cho lời tiên đoán của quan Án Sát Phạm Viết Chánh, người viết xin mạo muội họa lại bài thơ nói trên về “Phan công” của quan Án:
Anh hùng hành sự chẳng cầu may
Nhận thua cho chúa nào ai biết
Đòi Pháp trả thành khua tấc lưỡi
Qua Tây chuộc đất nhíu đôi mày
Bia miệng, lòng người, há dễ lay!
Winston Phan Đào Nguyên kính họa
Vài Nét Về Tác Giả
Winston Phan Đào Nguyên là Luật Sư Tiểu Bang California và Liên Bang Mỹ. Hành nghề tại California từ năm 1990.
Cử Nhân Khoa Lịch Sử Bằng Danh Dự (B.A., cum laude, History Departmental Honors) tại UCLA, 1987, và Tiến Sĩ Luật Khoa (J.D.), Boalt Hall School of Law, UC Berkeley, 1990.
Là tác giả của hai bài nghiên cứu về Petrus Trương Vĩnh Ký:
– Minh Oan Cho Petrus Trương Vĩnh Ký Về Câu “Ở Với Họ Mà Không Theo Họ”, 2017
– Petrus Key Và Petrus Ký – Chuyện Một Lá Thư Mạo Danh Trương Vĩnh Ký Vào Thế Kỷ 19, 2018
PHAN THANH GIẢN VÀ VỤ ÁN “PHAN LÂM MÃI QUỐC, TRIỀU ĐÌNH KHÍ DÂN”
© 2021 by Winston Phan. All Rights Reserved
© 2021 by Winston Phan. All Rights Reserved
Chú thích
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Thanh_Gi%E1%BA%A3n. Từ đây về sau trong bài viết này, những chữ in đậm trong các trích dẫn là do người viết muốn nhấn mạnh. Sẽ chú thích rõ nếu những chỗ nhấn mạnh hay in đậm không phải do người viết.
[2] Một trong “tứ trụ Lâm-Lê-Tấn Vượng” của ngành sử học miền Bắc, gồm các giáo sư Đinh Xuân Lâm (1925-2017); Phan Huy Lê (1934-2018); Hà Văn Tấn (1937-2019); Trần Quốc Vượng (1934-2005).
[3] https://vnexpress.net/giai-tri/se-xuat-ban-cuon-sach-ve-thoi-hu-tat-xau-cua-nguoi-vn-1873193.html
[4] https://hoidap247.com/cau-hoi/308333
[5] Người viết dùng “miền Nam” và “miền Bắc” trong bài viết này để chỉ hai chính thể khác nhau tại Việt Nam từ 1954 đến 1975.
[6] Phan Huy Lê, “Phan Thanh Giản – Con Người, Sự Nghiệp Và Bi Kịch Cuối Đời”. Xưa & Nay, số 70-B (12-1999), p. III. http://namkyluctinh.com/a-lichsu/phanhuyle-phanthanhgian.htm
[7] Đinh Xuân Lâm, “Phan Thanh Giản – Khối Mâu Thuẫn Lớn”, Nghiên Cứu Lịch Sử, số 6 (331), 2003, pp. 25-31, p. 27 https://drive.google.com/file/d/1QDMatXuSP7XetoyslTAEu1t2Vq3jNaSp/view
https://drive.google.com/file/d/1Bks9E1m-Y-K_P4tlT_2hjmA_XRQngcF7/view?usp=sharing
[8] Phan Văn Hùm, “Nỗi Lòng Đồ Chiểu”, Tân Việt, Saigon 1957, p. 50. Tác giả Phan Văn Hùm chép bài thơ này lại từ ông Nguyễn Đình Chiêm, con trai của Nguyễn Đình Chiểu. http://www.tusachtiengviet.com/images/file/zm_jCI2k0wgQAGpS/noi-long-do-chieu.pdf
[9] Theo tờ Nghiên Cứu Lịch Sử thì trong thời gian này có một vị quan nhà Nguyễn tên là Phan Huân dâng sớ tâu vua Tự Đức xin chém Phan Thanh Giản “tại trận tiền” và hành tội Trương Đăng Quế – qua “sưu tầm” của ông Đặng Huy Vận. Tuy vậy, ông Đặng Huy Vận cũng như tờ Nghiên Cứu Lịch Sử không bao giờ công bố nguyên văn tờ sớ nói trên, mà chỉ trích đăng vài câu, trong đó lại có những câu rất đáng nghi ngờ vì xúc phạm đến nhà vua. Nếu như tờ sớ này có thật và quả đã được dâng lên cho nhà vua thì ông Phan Huân khó lòng thoát tội khi quân. Đây là đoạn văn được cho là của Phan Huân do ông Đặng Huy Vận sưu tầm: “Phan Huân, người sĩ phu Hà-tĩnh làm quan ngự sử thời Tự-đức đã anh dũng dâng sớ xin giết Phan-thanh-Giản và Trương-đăng-Quế, những người cầm đầu phái đầu hàng. Trong bài sớ, Phan Huân có đoạn viết: “Thiên hạ giả, thiên hạ chi thiên hạ, phi bệ hạ chi thiên hạ, yên độc đắc sở chuyên. Tiên thỉnh trảm Phan-thanh-Giản ư trận tiền dĩ nghiêm quân lệnh. Thứ thối Trương-đăng-Quế hoàn ư tư đệ dĩ đậu mưu gian” (2) (Thiên hạ là của thiên hạ không phải là của bệ hạ mà chuyên giữ lấy một mình. Trước hết, xin giết Phan-thanh-Giản tại trận để nghiêm quân lệnh rồi sau xin đuổi Trương-đăng Quế về nhà riêng để ngăn chặn mưu gian. (2) Tài liệu sưu tầm của Ty Văn hóa Hà-tĩnh.” Đặng Huy Vận, “Thêm Một Số Tài Liệu Về Cuộc Khởi Nghĩa Năm Giáp Tuất (1874) Ở Nghệ An Và Hà Tĩnh”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 75, 1965, pp. 10-22, p.11. https://drive.google.com/file/d/1wMYtA2Am8l_JD7VWyFsrBZVdi5khDFnJ/view?usp=sharing
[10] Nam Xuân Thọ, “Phan Thanh Giản (1796-1867)”, Tân Việt, Saigon 1957, p. 79. http://www.tusachtiengviet.com/images/file/xoFX1oMg0wgQAIsl/phan-thanh-gian.pdf
[11] Pierre Daudin & Le Van Phuc, Phan-Thanh-Gian et sa famille, 1796-1867, Société des Etudes Indochinoises, Saigon Imprimerie de l’Union, 1941
[12] Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, “Quyển Thi Văn Bình Chú” X, Tri Tân số 99, 10 Juin 1943, pp. 8-9.
https://drive.google.com/file/d/1wMYtA2Am8l_JD7VWyFsrBZVdi5khDFnJ/view?usp=sharing
[13] Phạm Văn Sơn, “Chung Quanh Cái Chết Và Trách Nhiệm Của Phan thanh Giản Trước Các Biến Cố Của Nam Kỳ Cuối thế Kỷ XIX”, Tập san Sử Địa, số 7-8, 1967, pp. 78-95, p. 85. https://drive.google.com/file/d/1wMYtA2Am8l_JD7VWyFsrBZVdi5khDFnJ/view?usp=sharing
[14] Ibid, p. 95
[15] Hai cuốn “Lịch sử 80 năm chống Pháp” của Trần Huy Liệu và “Nam Kỳ Kháng Pháp” của Trần Văn Giàu sẽ được người viết nói đến với nhiều chi tiết hơn ở chương III.
[16] Ông Văn Tân, người thay thế ông Trần Huy Liệu, đã viết về vai trò “người anh cả” của ông Trần Huy Liệu như sau: “Trần Huy Liệu là cán bộ lãnh đạo công tác sử học xuất sắc. Anh là nhà sử học được giới sử học tin yêu nhất. Nhân ngày sinh 65 của anh, giới sử học đã tặng anh một tập ảnh đề những chữ sau đây: ‘Trân trọng kính tặng đồng chí Trần Huy Liệu, người anh cả của giới sử học nước Việt-nam dân chủ cộng hòa’”. Văn Tân, “Trần Huy Liệu Với Giới Báo Chí, Giới Văn Học Và Giới Sử Học”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 125, pp. 8-20, 20. https://drive.google.com/file/d/1wMYtA2Am8l_JD7VWyFsrBZVdi5khDFnJ/view?usp=sharing
[17] Cao Tự Thanh, “Rượu Đắng Chén Xuân Thu”, https://trucnhatphi.wordpress.com/2008/01/26/r%C6%B0%E1%BB%A3u-d%E1%BA%AFng-chen-xuan-thu/
[18] Nhưng số 1 lại được gọi là Sử Địa Văn, rồi từ số 3 trở đi mới đổi tên thành Văn Sử Địa
[19] Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử “Bình Luận Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản” Nghiên Cứu Lịch Sử số 48, p. 12. https://drive.google.com/file/d/1-8vXNR-IegVIAn5XKdnUbUZiEUrg_qzb/view?usp=sharing
[20] Đặng Huy Vận – Chương Thâu, “Phan-Thanh-Giản Trong Lịch Sử Cận Đại Việt Nam”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 48, pp. 12-23. https://drive.google.com/file/d/1-8vXNR-IegVIAn5XKdnUbUZiEUrg_qzb/view?usp=sharing
[21] Ông Đăng Huy Vận sinh năm 1930, ông Chương Thâu sinh năm 1935, là hai cán bộ “trẻ” lúc đó (1963) làm việc dưới quyền ông Trần Huy Liệu, người sinh năm 1901.
[22] Ibid, p. 16
[23] Đây là chức danh đã được ông Trần Huy Liệu dùng để gọi hai tác giả Đặng Huy Vận – Chương Thâu trong bài viết cuối cùng của phiên tòa để tuyên án Phan Thanh Giản, mà người viết sẽ nói đến với nhiều chi tiết hơn dưới đây.
[24] Ibid, pp. 20-21
[25] Ibid, p.18
[26] Ibid, p. 18
[27] Ibid, p. 21
[28] Ibid, p. 17
[29] Nguyễn Anh, “Về Nhân Vật Lịch Sử Phan-Thanh-Giản”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 50, pp. 29-35, p.31.
https://drive.google.com/file/d/1-8vXNR-IegVIAn5XKdnUbUZiEUrg_qzb/view?usp=sharing
[30] Ibid, Đặng Huy Vận – Chương Thâu, “Phan-Thanh-Giản Trong Lịch Sử Cận Đại Việt Nam”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 48, pp. 20-21
[31] Nhuận Chi, “Cần Vạch Rõ Hơn Nữa Trách Nhiệm Của Phan-Thanh-Giản Trước Lịch Sử”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 52, pp.38-46. https://drive.google.com/file/d/1-8vXNR-IegVIAn5XKdnUbUZiEUrg_qzb/view?usp=sharing
[32] Tuy rằng “bản án” đó có bao nhiêu chữ, cả hai ông Nhuận Chi cũng như ông giáo sư Đinh Xuân Lâm sau này trong cuộc hội thảo năm 2003 đều không biết, nên họ mới đếm sai thành “sáu” thay vì “tám” chữ giống nhau! Trừ khi Nhuận Chi chính là một bút hiệu của ông Đinh Xuân Lâm. Hoặc ông Đinh Xuân Lâm đã mượn đoạn văn này của Nhuận Chi nhưng lại không ghi chú.
[33] Thư Mục Của Trần Huy Liệu, Nghiên Cứu Lịch Sử số 125, 1969, p. 21: ”Dưới đây là bảng thư mục bao gồm những tác phẩm và các báo, tạp chí mà đồng chí Trần Huy Liệu đã viết từ năm 1917 đến 1969, dưới các bút danh khác nhau như Đẩu Nam, Côi Vị, Hải Khách, Hải Thu, Nam Kiều, Kiếm Bút, Ẩm Hận … Chúng tôi mong bạn nào biết các tác phẩm khác của đồng chí Trần Huy Liệu xin cho chúng tôi biết để bổ sung – Tạp chí NCLS”. https://drive.google.com/file/d/12my1-vf3NJVa_qEjJgT_YPVwyU03V9Wf/view?usp=sharing
[34] Hải Thu “Góp Ý Về Phan-thanh-Giản”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 53, pp. 48-52, p. 48. https://nhatbook.com/2020/02/26/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-53-thang-08-1963/
[35] Ibid
[36] Ibid, pp. 49-50
[37] Trần Huy Liệu “Chúng Ta Đã Nhất Trí Về Việc Nhận Định Phan-Thanh-Giản”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 55, pp. 18-20, p. 18. https://nhatbook.com/2020/02/27/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-55-thang-10-1963/
[38] Ibid, p.19
[39] Chữ này đúng ra phải là “mại” có nghĩa là “bán”, chứ không phải “mãi” có nghĩa là “mua”. Vấn đề rất quan trọng này sẽ được người viết nói đến với đầy đủ chi tiết hơn trong Phần 3.
[40] Tưởng cũng nên bàn thêm về vấn đề tội danh “bán nước” hay “mãi quốc” khác với tội danh thường thấy hơn là “phản quốc” hay “treason” như thế nào. Theo hiến pháp Mỹ thì tội “phản quốc” này là một tội rất nặng, và là một tội dễ dàng bị lạm dụng để kết án cho một đối thủ chính trị, như vua Henry VIII đã dùng tội danh này để xử tử các bà vợ của ông ta. Vì lý do đó, luật pháp Mỹ đã quy định rất nghiêm ngặt cho tội danh này, và công tố viên phải chứng minh được hành động rõ rệt cụ thể của một bị cáo đã làm để giúp đỡ cho kẻ thù của quốc gia. Trong khi đó, với tội danh “bán nước”, có thể thấy rằng “bán” là một hành động còn cụ thể hơn “phản” rất nhiều. Do đó, tội danh “bán nước” là một thứ tội vô cùng nặng nề, và vô cùng chính xác. Thậm chí một người không có căn bản về luật pháp cũng có thể hiểu như vậy.
[41] Ibid, Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử “Bình Luận Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản” Nghiên Cứu Lịch Sử số 48, p. 12.
[42] Ibid, Trần Huy Liệu “Chúng Ta Đã Nhất Trí Về Việc Nhận Định Phan-Thanh-Giản”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 55, pp. 18-20, p. 18.
[43] Hải Thu, Ibid
[44] Người viết sẽ trình bày sự kiện này rõ ràng hơn trong Phần 2 của bài viết.
[45] Đặng Huy Vận – Chương Thâu, Ibid.
[46] Ibid, p. 19
[47] Trần Huy Liệu,“Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng”, Văn Sử Địa số 9, tháng 8, 1955, pp. 53-64, p. 53 https://app.box.com/s/g3ckfkb066jbrejdw4o5xuakzzma8xpk
[48] Ibid, pp. 56-57
[49] Ibid, pp. 63-64
[50] Bạn đọc chắc có lẽ cũng đã nhận ra rằng sự sai lầm hoặc cố tình xuyên tạc lịch sử như trên lại được tái diễn khi ông Trần Huy Liệu viết bản án kết thúc phiên tòa xử Phan Thanh Giản năm 1963 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử. Tuy Phan Thanh Giản chỉ ký hiệp ước 1862 mà theo đó triều đình nhà Nguyễn giao ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp, ông Trần Huy Liệu lại luôn luôn viết là Phan Thanh Giản đã ký nhượng cả sáu tỉnh Nam Kỳ trong tất cả các bài viết của ông về Phan Thanh Giản.
[51] Theo wikipedia: “Ông để lại 290 công trình nghiên cứu và các bản hồi ký là một di sản đồ sộ, ông đã có những cống hiến xuất sắc cho nền sử học đất nước, trong đó cuốn sách “Lịch sử 80 năm chống Pháp” đã đem lại vinh quang cho ông, tác phẩm được đưa vào làm sách giáo khoa trong các trường Đại học. Ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.” https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Huy_Li%E1%BB%87u
[52] Trần Huy Liệu, “Lịch Sử Tám Mươi Năm Chống Pháp”, Nhà Xuất Bản Văn Sử Địa, 1957, in lại bởi NXB KHXH Hà Nội 2003, p. 51
[53] Trần Huy Liệu, “Phong Trào Cách Mạng Việt Nam Qua Thơ Văn”, Văn Sử Địa số 27, tháng 4, 1957, pp. 41-61, 41. https://app.box.com/s/mk0slyg30a1yvqyu00vkyr0238ys2ctc
[54] Ibid, p. 52
[55] Như đã nói trên, ông Trần Huy Liệu tiếp tục xuyên tạc lịch sử ở điểm này. Ông Phan Thanh Giản hoàn toàn không dính líu gì đến việc ký nhượng ba tỉnh miền Tây cả, vì ông đã tự tử từ năm 1867.
[56] Đúng ra là “Vĩnh Kim Đông”
[57] Ibid, p. 53
[58] Trần Văn Giàu, “Thái Độ Của Các Tầng Lớp Phong Kiến Đối Với Thực Dân Pháp”,Tập San Đại Học Sư Phạm Số 4 tháng 11, 12, 1955, pp. 12-24, p. 19. https://app.box.com/s/jdqf0n8tdlrjd32g9dcz2qbih6x7muvc
[59] Trần Văn Giàu, Chống Xâm Lăng (Lịch Sử Việt Nam Từ 1858 Đến 1898), NXB Xây Dựng, Hà Nội, 1956-7
[60] Ibid, Quyển 1, Nam Kỳ Kháng Pháp, NXB TPHCM 2001, p. 123
[61] Ibid, p. 136
[62] Ibid, p. 148
[63] Trong phần “Lời Nói Đầu” viết ngày 23 tháng 9 năm 1956 của bộ “Chống Xâm Lăng” đã dẫn, ông Trần Văn Giàu viết rằng: “Nhân xuất bản bộ sách này, tôi xin … cám ơn đồng chí Chu Thiên – đã giúp tôi là người rất ít ỏi về chữ Hán”.
[64] Và cũng rất có thể đó chính là ông Đinh Xuân Lâm, bởi cả hai tác giả Nhuận Chi và Đinh Xuân Lâm cùng mắc một lỗi lầm rất sơ đẳng giống nhau khi họ đều gọi câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” gồm có … 6 chữ!
[65] Trần Văn Giàu “Các Nguyên Lý Của Đạo Đức Nho Giáo Ở Việt Nam Thế Kỷ XIX”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 128, tháng 11, 1969, pp. 4-17, pp. 6-9. https://nhatbook.com/2020/04/07/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-128-thang-11-1969/
[66] Nhưng có lẽ đúng ra phải là chủ nghĩa Mao, vì Marx không nói đến vai trò của giai cấp nông dân và nhất là nông dân ở Á Châu như Mao Trạch Đông.
[67] Đúng hơn là một thứ chủ nghĩa dân tộc sơ khai hoặc cực đoan dùng để chống lại thực dân vào thế kỷ 20. Vì chủ nghĩa dân tộc tức nationalism này là một lãnh vực cực kỳ rộng lớn không thể nào đi vào chi tiết trong bài viết này được, nên người viết chỉ xin ghi nhận ý kiến của mình như trên.
[68] Hải Thu, Ibid
[69] Vì nguyên bản tiếng Pháp và Tây Ban Nha viết là “Vinh-luong”, nên người viết đã chép lại đúng như vậy.
[70] Carlos Palanca Gutierrez, “Reseña histórica de la Expedicion de Cochinchina”, 1869, Impr. y Litografía de Liberato Montells, Cartagena, p. 306
[71] Cả hai bản tiếng Pháp và tiếng Hán của hòa ước 1862 này được sao lại từ bản chụp trong phần phụ lục cuốn “Phan Thanh Gian Patriote Et Précurseur Du Vietnam Moderne: Ses dernières années 1862-1867”, L’Harmattan, Paris 2002 của Phan Thi Minh Lê và Pierre Chanfreau.
[72] Người sao chép bản tiếng Hán, phiên âm ra Hán Việt và dịch ra tiếng Việt là học giả Nguyễn Duy Chính. Người viết xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Duy Chính.
[73] Paulin Vial, “Les premières années de la Cochinchine, colonie française”, Tome Premier, p. 164, Challamel Aîné, Libraire-éditeur, Paris 1874. https://archive.org/details/lespremiresanne01vialgoog, hay
[74] Ibid, p. 191, người viết dịch đoạn này ra tiếng Việt.
[75] Ibid, p. 193, người viết dịch đoạn này ra tiếng Việt.
[76] Ibid, p. 220, người viết dịch ra tiếng Việt.
[77] Phan Thi Minh Lê, Pierre Ph. Chanfreau, “Phan Thanh Gian, Patriote et Précurseur du Vietnam Moderne”, L’Harmattan, Paris, 2002, Document Annexe 2b.
[78] Ca Văn Thỉnh – Bảo Định Giang, “Nguyễn Thông – Con Người Và Tác Phẩm”, Nhà Xuất Bản Trẻ TPHCM, 2002, pp. 22-29
[79] Ibid, p. 276
[80] Độn Am Văn Tập – Lãnh Binh Trương Định Truyện. Nguyên tác Nguyễn Thông, Dịch giả Tô Nam và Bùi Quang Tung, Tập san Sử Địa, số 3, Tháng 7,8,9, 1966, Đặc Khảo Về Trương Công Định, pp. 102-109. https://drive.google.com/file/d/12my1-vf3NJVa_qEjJgT_YPVwyU03V9Wf/view?usp=sharing
[81] Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-%C4%90%C3%ACnh-Chi%E1%BB%83u/V%C4%83n-t%E1%BA%BF-ngh%C4%A9a-s%C4%A9-C%E1%BA%A7n-Giu%E1%BB%99c/poem-KdLiE7HzgpevhhRTxSmKEw
[82] Vì Trương Định được phong chức Quản Cơ chỉ huy đội quân đồn điền của ông nên ông thường được biết đến với tên “Quản Định”, nhất là trong các sách vở bằng tiếng Pháp.
[83] Trần Văn Giáp, “Tài Liệu Mới Về Trương Công Định (1821-1864) Vị Anh Hùng Dân Tộc Miền Nam”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 51, tháng 6, 1963, pp. 54-57. https://nhatbook.com/2020/02/25/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-51-thang-06-1963/
[84] Gustave Janneau, “Deux rapports militaires du général Võ-di-Dương.” Revue Indochinoise, Tome XXI (Janvier-Juin 1914), No. 2 – Février 1914, pp. 187-188. https://babel.hathitrust.org/cgi/pt?id=uc1.b2895678&view=1up&seq=246
[85] Nguyễn Công Việt, “Vài nét về ấn dấu của ba danh tướng nhà Nguyễn” https://trithucvn.org/van-hoa/vai-net-ve-an-dau-cua-ba-danh-tuong-nha-nguyen.html
[86] Phù Lang Trương Bá Phát, “Nén Hương Hoài Cổ Trương Định”, Tập San Sử Địa số 3, 1966, Saigon, pp. 3-59, pp. 25-27. Ông Trương Bá Phát đã chú thích về người “Annam” đó như sau:
“ … Định không chịu đi, và có viết một bức thơ cho một trong nhiều công chứng (chức) an-nam (4) quan-trọng tùng sự dưới Chánh-Phủ Pháp…
(4) Tôn-Thọ-Tường. Theo Khuông-Việt trong quyển Tôn-Thọ-Tường, trang 40 thì: ‘Thủy-sư Đề-Đốc Bonard, thống-lãnh quân-đội Pháp ở Saigon, hết lòng tin cẩn Tôn, ngài không ngần ngại việc cử Tôn đi Gò-Công điều-đình giải-hòa… Länh-binh Trương-Định’. Do đó mà tác-giả định là vị ‘công-chức An-Nam quan-trọng’ đó là Tôn-Thọ-Tường. Và cứ theo quyển Tôn-Thọ-Tường của Nguyễn-Bá-Thế, nhà xuất-bån Tân-Việt, 1957, trang 25, thì bài thơ Tự thuật sau đây của Tôn-Thọ-Tường là gởi cho Trương-Định mà dùng theo lối trá-hình để nói ra ý sâu của mình:
Vườn xuân vắng chúa lậu tin mai
Hoa cũ ong xưa dễ ép nài?
Lời hẹn đã đành toan kiếp khác
Tình thương nên mới trổ bề ngoài.
Gió trăng quen khách e nhiều nỗi
Đinh sắt, gìn lòng dễ mấy ai!
Ganh gỗ gớm cho con tạo-hóa
Phanh-phui nên nỗi sắc xa tài.
Trong bài báo đăng ở tờ tuần-báo Tân-Văn số 80, ngày 14-3-1930, Phan-Tứ-Lang nói là Tôn-Thọ-Tường khi trước có hứa giúp Định, về sau Tường thấy việc khởi dấy của Định không có thể thủ thắng được, nên Tường viết bài thơ này để đáp kêu gọi của Định và thối-thác khéo. Có chỗ, chép bài này đề tựa là Kỳ tình nhân.” https://drive.google.com/file/d/1UFbzqYtImQhpQxC6Th8Sgz7CVY1sUHin/view?usp=sharing
[87] Ibid, Paulin Vial, “Les premières années de la Cochinchine, colonie française”, Challamel ainé, 1874, pp. 184-185.
[88] Vial, Ibid. Người viết dịch ra tiếng Việt
[89] Vial, Ibid. Người viết dịch ra tiếng Việt
[90] Ibid, p. 217
[91] Bùi Quang Tung, “Quelques Documents Inédits Sur La Révolte de Trương Công Định À Gò Công (1861-1863)”, Tập San Sử Địa Số 22, pp. 239-24. https://drive.google.com/file/d/1LVcIwrV-N2x2fotENM6EFfmEIBaoKBmk/view?usp=sharing
[92] Ibid, pp. 47-48
[93] Bạn đọc có thể so sánh bản dịch này của người viết với bản dịch của ông Nguyễn Ngọc Cư trong bài: Nguyễn Ngọc Cư (dịch giả), “Vài tài liệu Pháp về cuộc khởi nghĩa Trương Công Định tại Gò Công.” Tập San Sử Địa, Số 22, pp. 47-52; (tiếng Pháp): pp. 237-241. https://drive.google.com/file/d/1LVcIwrV-N2x2fotENM6EFfmEIBaoKBmk/view?usp=sharing
[94] Hải Thu, Ibid, p. 48
[95] Ibid, Văn Tân, “Trần Huy Liệu Với Giới Báo Chí, Giới Văn Học Và Giới Sử Học”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 125, pp. 8-20, p. 8: “Trần Huy Liệu lấy quyển Nouveau Petit Larousse ra học… Anh kiên nhẫn học xong toàn bộ quyển từ điển, và thuộc lòng từ đầu cho đến cuối.”
[96] Phan Thi Minh Lê, Pierre Ph. Chanfreau, “Phan Thanh Gian, Patriote et Précurseur du Vietnam Moderne”, L’Harmattan, Paris, 2002, Document Annexe 10b.
[97] “Tình Hình Ba Tỉnh Nam-Kỳ Tự Đức Năm Thứ 16 (1863) – Tờ Bẩm Của Phạm Tiến”,Tập San Sử Địa Số 3, 1966, Đặc Khảo Về Trương Công Định, pp. 145-152. https://drive.google.com/file/d/1LVcIwrV-N2x2fotENM6EFfmEIBaoKBmk/view?usp=sharing
[98] Theo Cao Tự Thanh trong “Nho Giáo Ở Gia Định”, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1996, p. 151, Phạm Tiến chính là Phạm Tuấn Phát, thủ lãnh nghĩa quân ở Gò Đen (Hắc Khâu), Long An. Vì không có tài liệu nào khác để chứng minh rằng Phạm Tiến chính là Phạm Tuấn Phát, người viết xin nêu vấn đề ra đây để bạn đọc tỏ tường. Nhưng cho dù không phải là Phạm Tuấn Phát trong “Lãnh Binh Trương Định Truyện” đi nữa, ta sẽ thấy tầm quan trọng của nhân vật Phạm Tiến này qua chính bản báo cáo hay “tờ bẩm” của ông ta sau đây.
[99] “Lãnh Binh Trương Định Truyện”, Ibid
[100] Ibid
[101] Ibid
[102] Ibid
[103] Ibid
[104] Ibid
[105] Ngoại trừ trường hợp là Phan Thanh Giản đã đồng ý nhận lãnh hết trách nhiệm về mình để cứu vãn cho vua Tự Đức trong vai trò “Lê Lai cứu chúa”.
[106] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Tứ Kỷ, Quyển XXVII, Nhâm Tuất, Tự Đức 15 (1862), pp. 790-791
[107] Nguyễn Thông “Truyện Phan Văn Đạt” (Kỳ Xuyên Văn Sao – Nguyễn Thông Con Người Và Tác Phẩm, Ca Văn Thỉnh – Bảo Định Giang, NXB Trẻ, TPHCM, 2002, p. 270)
[108] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Tứ Kỷ, Quyển XXVII, Nhâm Tuất, Tự Đức 15 (1862), pp. 790-791.
[109] Đặng Việt Thanh, “Cần Nhận Định Và Đánh Giá Phan Thanh Giản Như Thế Nào?”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 49, pp. 27-31, 29. https://nhatbook.com/2020/02/24/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-49-thang-04-1963/
[110] Có nghĩa là: người con gái đã bị thất thân, sao cho là còn trinh được. Xem thêm về Phan Hiển Đạo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Hi%E1%BB%83n_%C4%90%E1%BA%A1o
[111] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Tứ Kỷ, Quyển XXVIII, Tự Đức 16 (1863), p. 823.
[112] Ibid
[113] Ibid
[114] Nguyễn Duy Oanh, “Tỉnh Bến Tre Trong Lịch Sử Việt Nam”, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sài Gòn 1971, p. 182. http://www.tusachtiengviet.com/images/file/WtHR2PpQ0wgQAJ5S/tinh-ben-tre-trong-lich-su-viet-nam.pdf
[115] Michel Đức Chaigneau, “Thơ Nam Kỳ ou Lettre Cochinchinoise Sur Les Événements De La Guerre Franco- Annamite”, Traduite Par M.D. Chaigneau, Imprimerie Nationale, Paris, 1886. http://www.namkyluctinh.com/eBooks/LinhTinh/Tho%20Nam%20Ky.pdf, hay https://www.google.com/books/edition/Th%C6%A1_Nam_k%E1%BB%B3_ou_Lettre_cochinchinoise_s/jhZCAQAAMAAJ?q=th%C6%A1+nam+k%E1%BB%B3&gbpv=1#f=false
[116] Giống như đã chú thích từ đầu bài viết, người viết xin được nhắc lại rằng trong bài thơ này, những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh. Và những chữ trong ngoặc đơn là của người viết chú thích hay viết lại cho đúng theo chính tả hiện thời.
[117] Tức là Nguyễn Tri Phương.
[118] Tán Lý Nguyễn Duy
[119] Nguyễn Tri Phương
[120] Khi đưa lên mạng, ông Hervé Bernard nghĩ rằng đó là chữ viết của Phan Thanh Giản. Nhưng theo sự nghiên cứu của người viết thì những chữ viết bằng quốc ngữ này là nét chữ của Petrus Ký, còn những chữ tiếng Pháp quả đúng là nét chữ của Henri Rieunier: – De grands mandarins annamites iront offrir des cadeaux en ambassade à l’Empereur des Français, avec l’intention de lui demander de tempérer un ou deux mots du traité. – Le roi d’Annam aussi veut donner des deux côtés la concorde, mais parce qu’il a perdu trois provinces, alors il souffre beaucoup. – Si l’empereur des Français ne veut pas adoucir un ou deux mots du traité de paix, alors le roi d’Annam ne sera pas content. (L’écriture en langue Annamite est de la main de Phan-Thanh-Gian – la traduction française est de la main d’Henri Rieunier). © Collection Hervé Bernard. En mer, à bord de l’Européen, Juillet 1863.
[121] Ibid
[122] Trần Huy Liệu, “Một Vài Ý Kiến Về Việc Bình Luận Nhân Vật Lịch Sử”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 36, 1962, pp. 1-2. https://nhatbook.com/2020/02/18/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-36-thang-03-1962/
[123] Trần Huy Liệu, “Sưu Tầm Tài Liệu Lịch Sử”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 9, tháng 11, 1959, pp. 1-6. https://nhatbook.com/2020/02/04/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-9-thang-11-1959/
[124] Trần Huy Liệu, “Trở Lại Vấn Đề Sử Dụng Tài Liệu Trong Công Tác Nghiên Cứu Lịch Sử”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 28, 1961, pp. 1-4. https://nhatbook.com/2020/02/14/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-28-thang-07-1961/
[125] Thí dụ như trong cuốn tiểu thuyết “Đại Nghĩa Diệt Thân”, tác giả Hồ Biểu Chánh, một nhà văn gạo cội Nam Kỳ, đã cho nhân vật Nhiêu Giám nói như sau: “… Phận tôi già yếu, không còn sức mà chống với giặc nổi, thì con tôi nó phải thay thế cho tôi mà hiệp với những người ái quốc khác đem thân ra ngăn giặc để gìn giữ nước nhà, bảo hộ dân chúng. Con tôi nó không chịu làm như vậy. Nó đành ra đầu giặc để mãi quốc cầu vinh. http://www.hobieuchanh.com/pages/truyendai/DaiNghiaDietThan/DaiNghiaDietThan16.html
[126] Hịch Quản Định, Ibid.
[127] T.X. “Tài Liệu Về Cuộc Kháng Chiến Của Trương Định”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 77 tháng 8, 1965, pp. 44-55, 53. https://nhatbook.com/2020/03/09/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-77-thang-07-1965/
[128] Ibid, Trần Văn Giàu “Các Nguyên Lý Của Đạo Đức Nho Giáo Ở Việt Nam Thế Kỷ XIX”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 128, tháng 11, 1969.
[129] Trần Viết Ngạc, “Suy nghĩ thêm về các cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược ở Nam Kỳ nửa sau thế kỷ XIX”, Thành Phố Hồ Chí Minh, http://chimviet.free.fr/lichsu/tranvietngac/tvns058.htm
[130] Trần Văn Giàu, “Cần Có Một Người Để Mà Soi Gương, Phải ‘Cần Kiệm Liêm Chính, Chí Công Vô Tư”, In trong “Phan Thanh Giản, Trăm Năm Nhìn Lại”, Nhiều Tác Giả, Hà Nội, Nhà Xuất Bản Thế Giới, Tạp Chí Xưa & Nay, 2017, pp. 579-580
[131] Nguyễn Văn Thịnh, “Phan Thanh Giản Là Người Thế Nào”, Tuần Báo Văn Nghệ TPHCM, 18/3/2016. Có thể thấy rằng trong bài viết này ông Nguyễn Văn Thịnh chẳng những đã sửa “Phan Lâm mãi quốc” thành “Phan Lâm mại quốc”, mà ông ta còn sửa cả câu “Mãi quốc thế gian bình” nói trên thành “Mại quốc thế gian bình” luôn cho mất dấu. http://tuanbaovannghetphcm.vn/phan-thanh-gian-la-nguoi-the-nao/
[132] Trần Huy Liệu, “Phong Trào Cách Mạng Việt Nam Qua Thơ Văn”, Bài Số VI, Văn Sử Địa số 33, pp. 57-67, 65. https://app.box.com/s/amtpalcpbrvwebj0iikvxgr1k7jo9kk1
[133] Trần Huy Liệu,“Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu Tranh Cách Mạng”, Văn Sử Địa số 9, tháng 8, 1955, pp. 53-64, p. 53 https://app.box.com/s/g3ckfkb066jbrejdw4o5xuakzzma8xpk
[134] Ban Nghiên Cứu Văn Học, Lịch Sử, Địa Lý https://vi.wikipedia.org/wiki/Ban_nghi%C3%AAn_c%E1%BB%A9u_V%C4%83n_h%E1%BB%8Dc_-_L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_-_%C4%90%E1%BB%8Ba_l%C3%BD
[135] Chiến, “Đi Sâu Vào Cách Mạng Việt Nam”, Sử Địa Văn Số 1, 1954, pp. 8-13, 8-9. https://app.box.com/s/au92tng8nd9i857aznbvr1pvfypbioqc
[136] Trần Chiến, “Cõi Người – Chân Dung Trần Huy Liệu”, Nhà Xuất Bản Trẻ, TPHCM 2007. http://thuvienquangbinh.gov.vn:81/bitstream/11744.23/1387/3/TRAN%20HUY%20LIEU%20-%20COI%20DOI%20.pdf?fbclid=IwAR0BBsuTw604-PxuQ8wuLBcC8lSRcxptu0vzb-6iqtaLPkU3KCV9haDIFdk
[137] Trần Huy Liệu, “Vấn Đề Phân Định Giai Đoạn Lịch Sử Cận Đại Việt Nam”, Tập San Văn Sử Địa Số 8, tháng 7, 1955, pp. 6-17, pp. 10-12. https://app.box.com/s/dxwkvw3jeh7fw3kyy1rdci6svq8w0w9z
[138] Trần Huy Liệu, “Xung Quanh Cái Chết Của Hoàng Diệu”, Tập San Văn Sử Địa Số 16, Tháng 7, 1956, pp. 25-37, 36. https://app.box.com/s/gnztuyr6d4f70zhuot0xngqv6356ed44
[139] Hay đúng hơn, trong trường hợp này, là ông ta đã đột lốt một độc giả để viết bài “góp ý” dưới bút hiệu Hải Thu.
[140] Tòa Soạn Nghiên Cứu Lịch Sử, “Kỷ Niệm Một Trăm Năm Ngày Mất Của Trương Định”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 65, 1964, p. 6 https://nhatbook.com/2020/03/03/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-65-thang-08-1964/
[141] Ibid, Hải Thu, “Góp Ý Về Phan-thanh-Giản”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 53, 1963, pp. 48-52, 52.
[142] C.D. (tức Chương Dân, tức Phan Khôi, “Cấm Sách, Sách Cấm”, Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 763 (1.9.1928). http://www.viet-studies.net/Phankhoi/PKhoi_CamSach.htm.
[143] Trần Huy Liệu, “Nhớ Lại Ông Già Bến Ngự”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 47, pp. 40-44, 40. https://nhatbook.com/2020/02/23/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-47-thang-02-1963/
[144] Trần Huy Liệu, “Phong Trào Cách Mạng Việt Nam Qua Thơ Văn (X)”, Văn Sử Địa số 37, pp. 73-81, 73 https://app.box.com/s/vt6qgwqnoyybu5dltre1lh5jie7enzr9
[145] Chương Thâu, “Một Số Tài Liệu Về Ảnh Hưởng Của Phan Bội Châu Đối Với Một Số Tổ Chức Cách Mạng Trung Quốc Đầu Thế Kỷ XX (1905-1925)”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 55, pp. 33-43, pp. 34-35. https://nhatbook.com/2020/02/27/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-55-thang-10-1963/
[146] Phan Bội Châu, “Phan Bội Châu Niên Biểu”, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa 1973, Sài Gòn 1971, pp. 57-58. https://tusachtiengviet.com/images/file/QAOREAix1QgQALhW/phan-boi-chau-nien-bieu.pdf
[147] Phan Bội Châu, Việt Nam Vong Quốc Sử, “Phan Bội Châu – Tác Phẩm Chọn Lọc”, NXB Thuận Hóa, 2009, Việt Nam Vong Quốc Sử, Chu Thiên và Chương Thâu dịch, pp. 115, Chương Thứ Nhất – Nguyên Nhân Và Sự Thực Về Việt Nam Mất Nước, p. 118-9. https://nhatbook.com/wp-content/uploads/2019/03/Nhatbook-Tac-pham-chon-loc-Phan-Boi-Chau-2009.pdf
[148] Học giả Nguyễn Duy Chính dịch đoạn văn này như sau: “Tự Đức năm thứ 15. Người Pháp đem trọng binh hùng hậu đánh Saigon. Yêu cầu Việt Nam giảng hoà kết minh. Vua nước Việt mới sai khâm sai đại thần đến họp. Đại thần Việt Nam mang quốc ấn đến Saigon. Người Pháp đem quân uy hiếp để ký hoà ước. Lời trong hòa ước ghi rằng: Vua tôi nước Việt Nam thuận tình, mong được nước Đại Pháp bảo hộ. Vậy xin nhường đất sáu tỉnh. Khi đó ba mươi tỉnh trên toàn hạt chưa hành động gì. Quân lính, tiền bạc đều sung túc. Ví như những kẻ phụng mệnh giảng hoà. Có đảm khí, có cơ lược. Cứ như điều ước trước đòi thông thương, giảng đạo thẳng thắn mà tranh biện. Thì chắc chưa đến nỗi mất hết quyền lợi. Thật là hận lắm thay. Đương thời, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Nghĩa [Thiếp] là khâm sai đại thần. Hai người gan dạ thì như dê như lợn, kỹ xảo thì như chuột như chồn. Vừa thấy người Pháp đã lẩy bẩy run sợ, mồ hôi vã ra như mưa. Ví như người Pháp có đòi đưa cha mẹ ra cho họ chém giết, chắc cũng hai tay kính cẩn dâng lên, huống chi là sáu tỉnh … Khi đó có hương tiến sĩ Nguyễn Huân, võ cử nhân Nguyễn Trung Trực, hương đoàn hộ Trương Định, Trương Bạch, dấy nghĩa binh chống lại người Pháp đánh hàng trăm trận. Thế nhưng vì quân giới không bằng người Pháp nên bị thua, toàn gia bị giết, mồ mả thành không …”
[149] Một nhà nghiên cứu về Phan Thanh Giản ở Việt Nam hiện nay đã trân trọng đem câu trên ra như một dẫn chứng về “bản chất” của Phan Thanh Giản như sau: “Bản chất của con người Phan Thanh Giản đã bị nhà đại ái quốc Phan Bội Châu phanh phui: ‘Gan dê lợn mà mưu chuột cáo.’”Nguyễn Văn Thịnh, “Phan Thanh Giản Là Người Thế Nào”, Tuần Báo Văn Nghệ TPHCM, 18/3/2016, http://tuanbaovannghetphcm.vn/phan-thanh-gian-la-nguoi-the-nao/
[150] Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử, “Một Tài Liệu Văn Sử – Chính Khí Ca Việt Nam”, Nghiên Cứu Lịch Sử số 73, 1965, pp. 21-29. https://nhatbook.com/2020/03/07/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-73-thang-04-1965/
[151] Trần Huy Liệu, “Phong Trào Cách Mạng Việt Nam Qua Thơ Văn”, Bài Số VI “Văn Thân Khởi Nghĩa”, Tập San Văn Sử Địa số 33 (10-1957), pp. 57-67. Tuy rằng theo lịch sử thì phong trào Văn Thân với khẩu hiệu Bình Tây Sát Tả do hai ông Trần Tấn và Đặng Như Mai lãnh đạo là một phong trào khác hẳn với phong trào Cần Vương. https://app.box.com/s/amtpalcpbrvwebj0iikvxgr1k7jo9kk1
[152] Rất tiếc, như đã nói trên, có lẽ vì lý do chính trị nên ông Lê Thước đã dịch sai đi rất nhiều ý nghĩa của bài thơ. Thí dụ như câu “Gia-long kỷ hiệu thánh minh” đã được ông dịch ra là “Gia-long niên hiệu kỷ nguyên”, bỏ mất đi phần tác giả khen tặng vua Gia Long là “thánh minh”
[153] Bộ sử đồ sộ Đại Nam Thực Lục cho thấy điều đó.
[154] Nếu có, thì chỉ là trong một câu sau đó, và lại đi sau cả “sĩ”: “nghĩa sĩ nghĩa dân”
[155] Trần Huy Liệu, “Mấy Ý Kiến Về Công Tác Sử Học Của Chúng Ta”, Nghiên Cứu Lịch Sử Số 3, 1959, pp. 9-16, 13-14. https://nhatbook.com/2020/02/02/tap-san-nghien-cuu-lich-su-so-3-thang-5-1959/
[156] https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_V%C4%83n_T%C3%A1m
[157] Ibid, Thư Mục Của Trần Huy Liệu, Nghiên Cứu Lịch Sử số 125, 1969, p. 21
[158] Hịch Quản Định, Ibid
[159] Ibid, Trần Văn Giàu, “Cần Có Một Người Để Mà Soi Gương, Phải ‘Cần Kiệm Liêm Chính, Chí Công Vô Tư”
[160] Trần Chiến, Ibid
[161] Ibid
[162] Ibid
[163] Nguyễn Anh, Ibid, p. 35
[164] Văn Tân, “Ý Kiến Trao Đổi Để Góp Phần Xây Dựng Quyển Thông Sử Việt Nam” Văn Sử Địa số 47, 1958, pp. 70-82, pp. 78-80. https://app.box.com/s/ryhmrv3ux7v9yhs91htgn3rjn2n1zukv
[165] Nam Xuân Thọ, Ibid, pp. 95-96
Đây là bài nghiên cứu khoa học với hàng trăm tài liệu tham khảo.
Bác nào biết địa chỉ (mail) của Viện Sử Học, xin gửi bài này để họ trả lời chính thức về mặt khoa học.
ThíchThích
Có một số người tôi không biết là ai, không cần đọc hết bài đã công kích, chửi rủ cụ Phan Thanh Giản rất dữ theo kiểu “Phan Lâm mãi quốc”, mà nay không thấy người đó còm men nữa, chắc ê mặt rồi.
ThíchThích