Một giả thuyết về Si Vưu

2855210-PH

Hà Văn Thùy

Si Vưu là hình tượng nổi tiếng trong truyền thuyết phương Đông. Tùy theo cách nhìn, có khi là nhân vật tích cực, khi lại là nhân vật tiêu cực. Là hình tượng truyền thuyết hay nhân vật lịch sử cũng chưa được minh định. Do vậy đến nay chưa có cách nhìn chuẩn xác về nhân vật này. Bài viết sau đây là cách giải mã bí ẩn của truyền thuyết để góp phần khám phá lịch sử phương Đông.

  1. Tóm lược truyền thuyết.

Thư tịch từ thời Xuân Thu đã ghi chép khá phong phú về truyền thuyết Si Vưu. Theo đó, Si Vưu là lãnh tụ bộ lạc Cửu Lê. Trong một tình tiết thần thoại, sau khi Si Vưu tuyên bố rằng mình không thể bị chế ngự, Nữ Oa đã ném một phiến đá từ Thái Sơn vào ông. Tuy không thể nghiền nát phiến đá, song Si Vưu vẫn thoát ra đươc. Từ đó về sau, các khối đá có hình năm ngón tay, được khắc chữ “Thái Sơn thạch cảm đương” (phiến đá Thái Sơn) trở thành một vũ khí tinh thần của người Hán trong việc xua đuổi cái ác và tai họa.

Trong rất nhiều cổ thư có nói việc Si Vưu đánh nhau với Hoàng Đế, thủ lĩnh một liên minh bộ lạc. Có ba thuyết quanh việc này. Thứ nhất thấy trong Sử ký-Ngũ Đế bản kỉ viết rằng “sau khi Hoàng Đế chiến thắng Viêm Đế ở trận Phản Tuyền, Si Vưu làm loạn, bị Hoàng Đế đánh bại trong trận Trác Lộc.”

Thuyết thứ hai ghi trong Dật Chu thư – Thường mạch thiên. Theo đó, bị Si Vưu đánh đuổi, Viêm Đế xin Hoàng Đế trợ giúp. Hoàng Đế liên kết với Viêm Đế giết chết Si Vưu ở Trung Kí.                   

        Thuyết thứ ba được ghi trong Sơn Hải Kinh-Đại Hoang Bắc Kinh, cho rằng Si Vưu tiến đánh Hoàng Đế, Hoàng Đế lệnh cho Ứng Long nghênh chiến, hai bên đại chiến trên cánh đồng ở Kí châu, Si Vưu bại trận và bị giết. Quá trình chiến tranh cũng phức tạp, và mang nhiều màu sắc thần thoại. Si Vưu thiện chiến, “chế tạo năm loại binh khí, làm ra sương mù dày đặc, trọn ba ngày.” Hoàng Đế “chín lần chiến thì chín lần không thắng, ba năm không hạ được thành”. chép rằng Hoàng Đế không địch nổi Si Vưu, “bèn ngước lên trời mà than thở. Ông trời sai Huyền Nữ xuống ban cho Hoàng Đế binh lính được thần thánh phù trợ”. Nhờ có lực lượng của Huyền Nữ mà Hoàng Đế cuối cùng đã chiến thắng. Một thuyết lại cho rằng Si Vưu dùng yêu thuật tạo ra sương mù dày đặc làm quân của Hoàng Đế mất phương hướng. Hoàng Đế liền dùng xe chỉ nam dẫn đường đuổi giết Si Vưu.

Theo ghi chú của họa gia La Sính thời Thanh: “Hoàng Đế đã hạ lệnh cho quân lính chặt đầu Si Vưu… thấy rằng đầu của Si Vưu đã bị tách khỏi phần thân, sau đó Hoàng Đế đã cho khắc hình tượng của Si Vưu lên các chén thiêng nhằm cảnh báo những người có lòng thèm muốn quyền lực và giàu sang.”

Hoàng Đế chiến đấu với Si Vưu là một sự kiện cực kỳ quan trọng trong truyền thuyết Trung Quốc. Sau khi Hoàng Đế giành được thắng lợi đã thống nhất khu vực Trung Nguyên, trở thành thủy tổ của tộc Hoa Hạ. Cũng do đó, các sử tịch Hán văn, đặc biệt là điển tịch Nho giáo – vốn chiếm thế chủ lưu trong một thời gian dài, xem Si Vưu là một nhân vật xấu xa. Về sau, Si Vưu dần bị thần hóa, trở thành nhân vật có hình tượng “đầu đồng trán sắt”, “tám tay tám chân”, “thân người móng trâu, bốn mắt sáu đầu” và “ăn cát sỏi”.

Sau khi Si Vưu bại trận, người trong bộ tộc Cửu Lê lưu tán, một bộ phận quy phục Hoàng Đế, một bộ phận di cư đến nơi khác. Si Vưu và Viêm Đế có quan hệ phức tạp, các thuyết có sự khác biệt. Có một loại quan điểm nhận định Si Vưu có khả năng từng thần thuộc Viêm Đế hoặc từng gia nhập vào liên minh bộ lạc mà Viêm Đế làm thủ lĩnh nhưng sau đó giữa Si Vưu và Viêm Đế đã phát sinh xung đột gay gắt, và kết quả là Viêm Đế đại bại.

Một số nhà sử học mà đại diện là Hạ Tằng Hựu, Đinh Sơn, Lã Tư Miễn thì cho rằng Si Vưu là Viêm Đế. Họ chủ yếu căn cứ theo ghi chép về Trác Thủy trong Thủy Kinh Chú đưa ra nhận định rằng nơi giao chiến giữa Si Vưu và Hoàng Đế (ở Trác Lộc) và nơi giao chiến giữa Viêm Đế và Hoàng Đế (ở Phản Tuyền) thực ra là một nơi, hai trận chiến thực ra chỉ là một, biểu hiện của Si Vưu và Viêm Đế cũng tương đồng. Thêm vào đó, Si Vưu và Viêm Đế đều lấy ngưu làm vật tổ.

Cũng có quan điểm rằng Si Vưu xuất hiện sau Viêm Đế. Hai người này cùng thuộc một bộ tộc, đều là tước hiệu thủ lĩnh hoặc là thủ lĩnh của bộ tộc đó. Sau khi Hoàng Đế đánh bại bộ tộc Viêm Đế, bộ tộc Si Vưu hoạt động với tư cách là hậu thế, vì muốn báo thù nên đã giao chiến với Hoàng Đế trong đại chiến Trác Lộc, sau khi chiến bại, thủ lĩnh bị bắt giết, một bộ phận tộc nhân quy thuận Hoàng Đế.

a. Si Vưu với Hoàng Đế.

Trong thời gian dài, tư tưởng Nho giáo là chủ lưu ở xã hội Trung Quốc nên việc Hoàng Đế chiến thắng Si Vưu dần được mô tả là chiến tranh giữa chính nghĩa và tà ác, chẳng hạn như trong Sử ký-Ngũ Đế bản kỉ. Trong các tư liệu văn hiến phi Nho giáo như Dật Chu thư, Sơn Hải kinh, sự kiện Si Vưu giao chiến với Hoàng Đế được miêu tả tương đối khách quan. Trong kinh điển Trang tử của Đạo giáo, mượn lời của Đạo Chích mà bày tỏ đồng tình với Si Vưu và khiển trách Hoàng Đế. Thêm vào đó, Si Vưu và Hoàng Đế ngoài quan hệ đối địch ra, còn có thể đã có quan hệ thần thuộc. Hoàng Đế từng sai khiến Si Vưu làm chủ quản việc luyện kim, phụ tá Thiếu Hạo. Thời Xuân Thu, danh tướng nước Tề là Quản Trọng thì cho rằng Si Vưu là người đứng đầu trong “lục tướng” của Hoàng Đế, địa vị rất cao. Thời Chiến Quốc, Hàn Phi cũng có các ghi chép tương tự, song mang nhiều sắc thái thần thoại.

b .Si Vưu với Cửu Lê và Tam Miêu.

Si Vưu là thủ lĩnh của Cửu Lê, việc này có rất nhiều ghi chép và thậm chí còn có tranh luận. Si Vưu là đại diện cho Cửu Lê và có quan hệ với một tập đoàn bộ lạc khác là Tam Miêu. Căn cứ theo Thượng thư và Quốc ngữ cùng nhiều thư tịch cổ, Tam Miêu bắt nguồn từ Cửu Lê, và là hậu thế của Cửu Lê. Cửu Lê chiến bại, tộc nhân lưu tán, phát triển thành Tam Miêu.

Tuy nhiên, có nhiều học giả bất đồng về điều này và nhận định rằng Cửu Lê và Tam Miêu không có nguồn gốc với nhau. Một cách giải thích khác là Si Vưu là tên hiệu cộng đồng của thủ lĩnh quân sự liên minh bộ lạc, do vậy là hậu duệ của Viêm Đế, cũng là thủ lĩnh tập đoàn Lưỡng Hạo (Thái Hạo, Thiếu Hạo), cũng là quân chủ Cửu Lê, sau đó tập đoàn Tam Miêu noi theo sử dụng tước hiệu này.

c. Si Vưu và Đông Di.

Người ngày nay thường nói Si Vưu là thủ lĩnh Đông Di. Kỳ thực, Đông Di là cách xưng hô sau khi hình thành mô hình “Hoa Di ngũ phương” thời Thương, Chu, cách xa thời đại của Si Vưu, hoặc nói Đông Di là hậu duệ của Si Vưu, điều này có vẻ thích hợp hơn.

d. Quan hệ tộc người.

Căn cứ theo một số sử thi, ca dao, truyền thuyết của người Miêu, Si Vưu là đại thần tổ của tộc người này, có địa vị hết sức cao quý. Một số học giả, đặc biệt là học giả người Miêu đề xuất rằng, tổ tiên của người Miêu vào thời thượng cổ ban đầu cư trú tại lưu vực Hoàng Hà, do bị tộc Hoa Hạ đánh bại, bị buộc phải thiên di đến khu vực Quý Châu, tây bộ tỉnh Hồ Nam và tây nam bộ tỉnh Hồ Bắc ngày nay.

Sau khi Si Vưu bại trận, một bộ phận tộc nhân dung hợp vào tập đoàn Viêm Hoàng, do đó trở thành một bộ phận của tộc Hoa Hạ, cũng là tổ tiên của người Hán ngày nay. Một số họ của người Hán có khả năng có liên hệ với Si Vưu, như Trâu, Đồ, Lê, Xi.

Căn cứ theo Hậu Hán thư-Tây Khương truyện, một bộ phận tộc nhân Tam Miêu đã di chuyển về hướng tây. Do vậy nếu thừa nhận Si Vưu và Tam Miêu có quan hệ thì Si Vưu có khả năng là tổ tiên của người Khương.

Phân chi Đông Bắc Di của Đông Di có thể có khả năng có quan hệ với Phù Dư và có thể là cả Cao Câu Ly. Năm 1979, tại Hàn Quốc xuất hiện một quyển sách lịch sử gây tranh cãi là Hoàn Đàn cổ kí, trong đó Si Vưu được xem là Từ Ô Chi Hoàn Hùng, đại quân chủ thứ 14 của Bột Đạt Quốc trên bán đảo Triều Tiên.

 

e Việc sùng bái Si Vưu.

  • Khu vực người Hán.

Mặc dù Si Vưu là nhân vật phản diện trong các điển tịch Nho giáo, song trong dân gian vẫn duy trì truyền thống thờ phụng Si Vưu, khu vực các tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây ở Hoa Bắc có hoạt động thờ phụng tương quan. Như Nhâm Phưởng thời Nam triều có ghi trong Thuật dị chí rằng Kí châu (nay là Hà Bắc) có nhạc danh (Si Vưu hí), người dân đầu đội sừng trâu và giữ thăng bằng. Tại một thôn ở Thái Nguyên có tế thần Si Vưu. Tần Thủy Hoàng tự mình tế Si Vưu, xem là một trong tám chiến thần. Các bậc đế vương và võ tướng sau này trước khi xuất chinh thường tế bái Si Vưu để cầu xin sự phù hộ.

Theo truyền thuyết, sau khi chiến bại, Si Vưu bị chặt đầu, ngoài ra còn có nhiều mộ được cho là của Si Vưu, tức “Si Vưu trủng”, có người dân cúng tế. Ở huyện Cự Dã thuộc tỉnh Sơn Đông có “mộ Si Vưu” và “quảng trường Si Vưu”.

  • Với người Miêu.

Trong khi người Hán tự nhận là con cháu của Viêm Hoàng, người Miêu tiếp tục xem Si Vưu là tổ tiên của mình. Ở các vùng người Miêu tại đất Kiềm, Đông Nam tỉnh Quý Châu và huyện Dung Thủy thuộc Quảng Tây, cứ mỗi sáu năm hoặc mười năm lại cử hành một lần nghi thức tế tổ Chiguzang (吃鼓藏, Cật Cổ Tang) với quy mô lớn, đầu tiên là tế thủy tổ “Khương Vưu” (姜尤). Ở Kiềm Nam thuộc tỉnh Quý Châu có sử thi “Bảng Si Vưu” (榜蚩尤), kể về truyện cũ của vị tổ tiên đệ nhất Hương Vưu (香尤).

Người Miêu ở Mã Quan, Vũ Định có phong tục “khiêu nguyệt” hoặc “thải hoa sơn”, truyền thuyết của phong tục này và Si Vưu có quan hệ mật thiết. Đương thời, Si Vưu lãnh đạo dân Miêu chống lại việc Hoàng Đế đông tiến, sau khi thất bại thì rút vào núi sâu. Nhằm triệu tập người Miêu ở tứ phương, Si Vưu dựng cây gậy gỗ trên núi, cho treo dải lên, lệnh cho nam nữ ca múa xung quanh cây gậy hoa, thổi lô sanh (芦笙, một loài khèn của người Miêu). Khung cảnh náo nhiệt đã thu hút nhiều người Miêu tụ hội, tập hợp lại và nhập quân chiến đấu. Về sau, nó đã trở thành một hội hát múa lớn, thành lễ tiết truyền thống của người Miêu.  (Dẫn từ https://zh.wikipedia.org/wiki/%E8%9A%A9%E5%B0%A4 )

2 . Giải mã hình tượng Si Vưu. 

Trình bày ở trên cho thấy Si Vưu là nhân vật đa diện, phức tạp và mâu thuẫn. Không chỉ về nguồn gốc xuất thân mà còn ở hành trạng. Vì vậy mà hơn 2000 năm qua, ông vẫn là nhân vật huyền thoại luôn bí ẩn. Ngày nay, từ tri thức lịch sử mới, ta có điều kiện để bạch hóa nhân vật kỳ lạ này.

  • Nguồn gốc của Si Vưu.

Điều chung nhất từ các tư liệu trên là sự khẳng định: Si Vưu thuộc về tất cả các tộc người có mặt trên đất Trung Hoa. Không chỉ Cửu Lê, Miêu, Dao mà ngay người Hán cũng thờ ông. Một sự khẳng định như vậy từ truyền thuyết và cổ thư gián tiếp xác nhận: các tộc người trên đất Trung Hoa có chung một gốc. Điều này đúng với khám phá của nhân học hiện đại: dân cư trên đất Trung Hoa là người Lạc Việt. Các tộc người Lê, Miêu, Dao… là những chi khác nhau của chủng Lạc Việt, chủ nhân đầu tiên của Trung Hoa. Si Vưu là một trong những tộc trưởng, lãnh tụ tài năng nhất, can trường, có uy tín và ảnh hưởng nhất trong dân cư phương Đông. Không chỉ người Việt mà cả dân Hàn Quốc cũng nhận ông là tổ. Từ đó, có thể khẳng định Si Vưu là một trong những lãnh tụ người Lạc Việt thời cổ. Một câu hỏi: là lãnh tụ Lạc Việt nhưng Si Vưu là ai?

Muốn trả lời câu hỏi này, trước hết phải xác định được thời điểm xuất hiện của ông. Là nhân vật chính trong cuộc chiến tranh với Hoàng Đế tại Trác Lộc năm 2698 TCN, nên có thể khẳng định, Si Vưu sống vào khoảng thời gian đó. Mốc thời gian này rất có ý nghĩa vì nó cho thấy, Thần Nông (3220 – 3080 TCN), Si Vưu sống sau đó 500 năm nên không thể là Thần Nông mà là miêu duệ của Thần Nông. Điều này cũng khẳng định, không có chuyện Si Vưu bị Nữ Oa ném đá. Càng không hề có chuyện Si Vưu chống lại Thần Nông. Do là hai kẻ thù sống mái nên cũng cũng không có chuyện Si Vưu hợp tác với Hoàng Đế. Việc Tần Thủy Hoàng đích thân tế Si Vưu có khả năng xảy ra. Không chỉ là tế vị thần chiến tranh để xin phù hộ mà còn là việc tế vị tổ của tộc Việt. Đây cũng là bằng chứng cho thấy bộ tộc Tần là người Lạc Việt.

Tới đây ta phải trả lời câu hỏi khác: ở thời điểm này, tình hình của người Lạc Việt ra sao? Theo truyền thuyết Hồng Bàng thị, năm 2879 TCN, Đế Nghi phong cho Kinh Dương Vương trị vì Nam Dương Tử. Kinh Dương Vương thành lập nước Xích Quỷ rồi trao quyền cho Lạc Long Quân. Đế Nghi phong cho Đế Lai trị vì lưu vực Hoàng Hà.

Thời gian này, người Mông Cổ du mục liên tục quấy nhiễu, cướp phá đất của Đế Lai và bị chống trả quyết liệt. Trong cuộc kháng chiến này, chắc chắn có sự trợ lực của Kinh Dương Vương rồi Lạc Long Quân từ phương Nam.

Khoảng năm 2698 TCN khi trận Trác Lộc xảy ra, đã cách thời Đế Lai lập nước 182 năm. Lĩnh Nam chích quái nói Đế Du Võng và Si Vưu đánh nhau với Hoàng Đế. Điều này có nghĩa Đế Du Võng và Si Vưu là hậu duệ của Đế lai.

Một trận chiến lớn xảy ra ở Phản Tuyền. Sử sách không cho biết Phản Tuyền ở đâu. Nhưng nếu như Phản Tuyền và Trác Lộc là một thì đó không thể là trận chiến trong nội địa, xẩy ra trong cùng một bộ lạc mà chỉ có thể là cuộc chiến chống lại sự xâm nhập của đội quân vượt sông từ phía bắc xuống. Trận này Đế Du Võng thắng. Ta nhớ lại truyền thuyết: “Hoàng Đế đánh chín trận thì chín lần không thắng.” Đế Du Võng cai trị vùng đất rộng lớn phì nhiêu, giàu nhân tài vật lực. Bên ông có Si Vưu là chỉ huy tài ba, là chiến binh dũng mãnh. Một sức mạnh khác của thủ lĩnh là thần quyền trong tay khiến ông thành vị lãnh tụ bán thần. Sau chiến thắng Phản Tuyền, uy tín của ông càng cao.

Thất bại ở Phản Tuyền không chấm dứt mưu đồ xâm lăng của Hiên Viên cùng phe đảng mà chỉ tăng thêm quyết tâm xâm lược. Trước khó khăn kinh tế như khô hạn, giá lạnh… Trước sức ép của những bộ lạc thù địch phía Bắc, việc chiếm vùng đất phía Nam giầu có là yêu cầu sinh tử. Hiên Viên cùng tập đoàn của mình chuẩn bị cuộc chiến tranh mới.

Về phần Đế Du Võng và Sư Vưu, tất nhiên cũng ráo riết chuẩn bị cho trận đánh không tránh khỏi. Trong cuộc chiến này chắc là có hậu thuẫn của vương quốc Văn Lang hùng mạnh phía nam. Vì là anh em ruột thịt nên tấm gương của Si Vưu được khuếch trương trong cư dân Văn Lang. Vị thần chiến tranh mang hình tượng Si Vưu được thợ ngọc sáng tạo trong hình tượng « thao thiết » như một huy chương biểu dương lòng can đảm.

Điều không tránh được đã đến. Có lẽ vào mùa Đông năm 2698, Hiên Viên tập trung toàn bộ sức mạnh tấn công vào Trác Lộc. Trận chiến sống mái diễn ra. Không chống cự nổi những đoàn ngựa chiến, liên quân của Hùng Vương và Đế Du Võng thất bại. Đế Du Võng và Si Vưu tử trận. Hiên Viên dẫn quân Mông Cổ chiếm một phần đồng bằng Trong Nguồn. Dù thất bại nhưng người Việt vẫn tiếp tục chiến đấu. Những huy hiệu hình Si Vưu được đưa ra như biểu trưng của thần lực và lòng can đảm. Cuộc chiến du kích của người Việt tiêu hao không ít lực lượng Mông Cổ. Thêm nữa, do lũ lụt của sông Hoàng Hà đe dọa nên Hiên Viên hành quân về phía Tây, tới cao nguyên Hoàng Thổ, lập vương triều, xưng là Hoàng Đế với nghĩa ông vua của vùng Hoàng Thổ.

Tại Phản Sơn huyện Trác Lộc tỉnh Hà Bắc có ngôi mộ đất với tấm bia đá đơn giản khắc dòng chữ “Nam Si Vưu Mộ.” Nhiều năm trước, một nhóm nhà khảo cổ học có ý định khai quật ngôi mộ. Nhưng dân trong làng ra cản lại. Họ nói: “Quý vị biết đây là mộ ai không?” Từ bao đời nay làng chúng tôi được lập ra là để chăm sóc ngôi mộ này. Nếu quý vị đào thì chúng tôi không còn lý do để sống ở đây nữa.” Điều này phản ánh sự thật: Si Vưu bị giết và được chôn cất tại đây.

1

   Mộ Si Vưu tại Phản Sơn. Bia đá ghi « Nam Si Vưu vưu mộ »

Dù Si Vưu đã chết nhưng triều đình Hoàng Đế luôn đối mặt với cuộc chiến mà biểu tượng là ông, như một lãnh tụ dũng mãnh lại như một thần chiến tranh tàn bạo. Điều này trở nên nỗi ám ảnh gây cho Hoàng Đế tâm lý tức giận. Do vậy, đặt cho ông một cái tên rất xấu Si Vưu với nghĩa kẻ ngu ngốc, tối tăm, ương gàn. Từ đó, Si Vưu trở nên phổ biến trên toàn đất Trung Hoa.

2

  Thao thiết – huy hiệu Si Vưu trong văn hóa Lương Chử

Đế Du Võng và Si Vưu hy sinh, một phần đất ở phương Bắc bị mất vào năm 2698 TCN. Nhưng trên đại cuộc, lực lượng của người Việt vẫn mạnh. Trên lãnh thổ của tộc Việt gồm hơn nửa Hoa lục, hình tượng của Si Vưu luôn được nhà nước và người dân đề cao. Chính vì vậy, hình tượng Si Vưu mới ảnh hưởng sâu rộng đến thế trong dân gian. Không chỉ tại địa bàn của người Việt mà ngay trên đất người Mông Cổ chiếm dóng, một kẻ thù của Hoàng Đế vẫn được thờ kính như là thần thánh. Tục thờ Si Vưu được phổ biến tới tất cả cộng đồng Việt tộc tên đất Trung Hoa. Người Hàn Quốc là người U Việt từ bờ biển Trung Quốc di tản tới Hàn Quốc và Nhật Bản vào thời Chiến Quốc nên việc thờ tổ Si Vưu nơi họ là có cơ sở. Có một điều gây cho ta thắc mắc, là vì sao, trong khi hầu hết dân Lạc Việt tôn thờ Si Vưu thì người Việt Nam không thờ vị thần này? Phải chăng do người Việt Nam xác định rõ tổ của mình là Kinh Dương Vương nên chỉ thờ duy nhất vị tổ Kinh Dương Vương?

3. Kết luận

Từ xa xưa con người vẫn mang quan niệm rằng truyền thuyết là những điều hoang đường, kiểu “ma trâu thần rắn” theo cách nói của vua Tự Đức. Nhưng thực tế cho thấy, trong mỗi truyền thuyết đều có một hạt nhân sự thực. Từ truyền thuyết, cổ thư và những phát hiện lịch sử mới, cho thấy Si Vưu là người anh hung giữ nước đầu tiên của tộc Việt trong kháng chiến chống trả cuộc xâm lăng của Hoàng Đế. Là bên thắng cuộc, Hoàng Đế làm nhiều cách phủ định và bêu xấu đối thủ. Sau này, các nhà nho Trung Quốc, theo quan điểm chính thống đã mô tả Si Vưu là nhân vật phản diện, bất chính. Tuy nhiên, là lãnh tụ của nhân dân nên nhân dân luôn tưởng nhớ, suy tôn và thờ phụng. Từ hai luồng quan niệm đối chọi về nhân vật Si Vưu, nay ta gạt bỏ nhửng lầm lẫn, xuyên tạc để minh định vai trò Si Vưu trong lịch sử. Đó chính là người anh hung giữ nước đầu tiên của tộc Việt. Có điều khiến chúng ta băn khoăn, đó là danh xưng Si Vưu. Trong tiếng Hán, Si Vưu (蚩尤)có nghĩa là gàn dở, ngu ngốc. Theo lẽ thường, không cha mẹ nào đăt tên con như vậy. Hơn nữa, đây không phải người bình thường mà là người đứng đầu của dòng tộc sẽ không thể mang tên xấu xa đó. Rất có thể là, vì thù hận Si Vưu, Hoàng Đế đã đặt cho kẻ thù không đội trời chung của mình cái tên xấu xí đó. Cái tên đó được ghi lại trong sách. Rồi cùng với thời gian, tên thực của nhân vật bị lãng quên, chỉ còn lại cái tên xấu lưu trong sử sách. Do vậy hôm nay chúng ta đành chấp nhận.


                                                                                            Sài Gòn, tháng 6.2021

99 thoughts on “Một giả thuyết về Si Vưu

  1. Xin tác giả xem lại ĐVSKTT, vào tháng giêng năm 1160 vua Lý Anh tông (Lý Thiên Tộ) đã cho làm đền Hai Bà và đền Xuy Vưu ở phường Bố Cái. Như vậy, ít ra là dòng họ nhà Lý có tưởng nhớ đến Si/Xuy Vưu đấy ạ, và, việc này nói lên điều gì?

    Thích

    • Sử ký – Thiên quan thư [Hán – Tư Mã Thiên soạn]: Cờ (đám mây) của Xi Vưu giống như dải sao Chổi nhưng đuôi cong, giống lá cờ. (Cờ của Xi Vưu) xuất hiện thì bậc đế vương đánh dẹp bốn phương. (蚩尤之旗,類彗而後曲,象旗。見則王者征伐四方。)

      Tấn thư – Thiên văn chí [Đường – Phòng Huyền Linh chủ biên]: Cờ Xi Vưu giống sao Chổi mà đuôi cong, giống lá cờ. Có sách nói là chỉ thấy đám mây màu đỏ. Có sách nói là đám mây trên màu vàng dưới màu trắng. Có sách nói hình giống cây nấm mà dài, gọi là cờ của Xi Vưu. Có sách nói hình giống cái nia, dài khoảng hai trượng, đuôi có sao sáng. Chủ về đánh dẹp kẻ phản nghịch, chủ về nhiễu loạn. Chỗ mà nó xuất hiện thì có chiến tranh, binh loạn nổi lên, nếu không thì có tang. (蚩尤旗,類彗而後曲,象旗。或曰,赤雲獨見。或曰,其色黃上白下。或曰,若植雚而長,名曰蚩尤之旗。或曰,如箕,可長二丈,末有星。主伐枉逆,主惑亂,所見之方下有兵,兵大起;不然,有喪。)

      Đại Việt sử ký toàn thư – Lý Anh Tông bản kỷ [Hậu Lê – Ngô Sỹ Liên chủ biên]: Tuế thứ Canh Thìn, năm [Đại Định] thứ hai mươi mốt (năm Thiệu Hưng thứ ba mươi của nhà Tống), mùa xuân, tháng giêng, dựng miếu thờ Nhị Nữ-Xi Vưu ở phường Bố Cái. (庚辰二十一年〈宋紹興三十年〉春正月,起二女、蚩尤祠於布盖坊。)

      Tây Hồ chí (西湖志) [Nguyễn – Khuyết danh soạn]: Miếu Huyền Nữ [Huyền Nữ từ (玄女祠)] ở bãi Ốc trong đầm Phương Đàm phố Bố Cái, thuộc làng Trích Sài ngày nay. Đền được dựng vào tuế thứ Canh Thìn năm Đại Định thứ hai mươi mốt, mùa xuân, thời vua Lý Thái Tông. Lúc đó, yêu khí Xi Vưu phát tác, cho nên dựng đền ở đây để trấn áp. Nay vẫn còn, tục gọi là Công chúa Loa. (玄女祠在布蓋階方潭中螺州今摘柴邑中是李英宗大定廿一年庚辰春所建間者在蚩尤妖気作故建祠于此以鎮之今存俗称螺公主是也)

      ______

      Vậy thì thời vua Lý Anh Tông dựng đền Xi Vưu phối thờ dựng đền cùng với Nhị Nữ (二女). Nhị Nữ có lẽ là sao chép nhầm của Huyền Nữ (玄女), là vị nữ thần từng giúp Hoàng Đế (黃帝) đánh bại Xi Vưu. Nhà Lý dựng đền Xi Vưu và Huyền Nữ là để trấn áp yêu khí (hoặc cờ) Xi Vưu để mong cầu trấn áp binh loạn, chứ không phải tưởng nhớ Xi Vưu như là tổ tiên đâu nhé. Nhà Lý ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc xem Xi Vưu là thần chiến tranh, là điềm gở, cho nên dựng đền để trấn áp mà thôi.

      Thích

      • Xin sửa lại thành:

        Tây Hồ chí (西湖志) [Nguyễn – Khuyết danh soạn]: Miếu Huyền Nữ [Huyền Nữ từ (玄女祠)] ở bãi Ốc trong đầm Phương Đàm phố Bố Cái, thuộc làng Trích Sài ngày nay. Đền được dựng vào tuế thứ Canh Thìn năm Đại Định thứ hai mươi mốt [năm 1160], mùa xuân, thời vua Lý Anh Tông. Lúc đó, yêu khí Xi Vưu phát tác, cho nên dựng đền ở đây để trấn áp nó. Nay vẫn còn, tục gọi là Công chúa bãi Ốc. (玄女祠在布蓋階方潭中螺州今摘柴邑中是李英宗大定廿一年庚辰春所建間者在蚩尤妖気作故建祠于此以鎮之今存俗称螺公主是也)

        Thích

      • Thưa ông Tích Dã, thứ nhất, bản nhân không ưa sử Tầu vì nó bị chính trị hóa quá nhiều, viết theo bên chiến thắng và xuyên tạc lịch sử của các tộc khác (trường hợp rõ ràng chính là Si Vưu đấy), thứ hai, rất nhiều người cho rằng Tây Hồ ký rất không đáng tin. Mong ông ít trích dẫn sử Tầu và xem kỹ lại cuộc tranh luận về cuốn sách trên. Trân trọng.

        Thích

      • Chuyện về Xi Vưu cách thời đại có tín sử rất xa. Kể từ khi nước Lỗ có kinh Xuân thu của Khổng Tử mới gọi là tín sử thì các chuyện từ kinh Xuân thu về trước cho đến thời Xi Vưu đều là truyền miệng hoặc truyền thuyết. Việt Nam có chính sử cũng từ thời Trần có bộ Sử ký của Lê Văn Hưu, các chuyện xảy ra thời Trần về trước cũng là truyền miệng. Do đó các sự kiện thời xưa đều qua cách nhìn của thời sau.

        Chuyện Xi Vưu xảy ra ở đất Tàu, người Tàu các thời ghi chép lại thì phải đọc thôi. Chẳng lẽ đọc những chuyện xa lắc ở Việt Nam mà nói chuyện về Xi Vưu được? Có khác gì chuyện ở Trái Đất mà tìm hỏi ở Mặt Trăng?

        Lại nói về thời Xi Vưu là truyền thuyết, cho nên các thời Xuân thu-Chiến quốc, Tần-Hán-Đường lại có các ghi chép khác nhau, mâu thuẫn lẫn nhau. Tuy nhiên, bỏ qua các chuyện hoang đường thì còn lại chuyện có thể tin được là gì? Xi Vưu là kẻ thua trận trong việc tranh giành ngôi vua hoặc lãnh thổ với Hoàng Đế. Cùng với các phát hiện khảo cổ về các nền văn hóa đồ đá mới như văn hóa Ngưỡng Thiều, văn hóa Long Sơn ở đất Trung Nguyên, cho thấy xã hội ở Trung Nguyên đã bắt đầu bước sang văn minh nông nghiệp, đồng bằng khai thác nhiều hơn, dẫn đến chiến tranh giữa các bộ tộc. Do đó có chuyện Hoàng Đế đánh Xi Vưu ở Trác Lộc. Nó cũng như các trận chiến đời sau như Thành Thang đánh Hạ Kiệt ở Minh Điều, Vũ Vương đánh Ân Trụ ở Mục Dã vậy.

        Thích

      • Ko phải vậy, mà nhà Lý biết rất rõ rằng , Xi VƯU Vốn là tổ tiên của mình , và cửu thiên huyền nữ chính là vị hôn phu của xi vưu không khác!!!

        Thích

  2. Như vậy là ngay từ khi người Ai Cập chưa xây Đại Kim tự tháp Giza thì người Lạc Việt đã làm chủ vùng đất rộng lớn từ sông Hoàng Hà trở về Nam. Về sau, dưới sức tấn công của người du mục Mông Cổ, người Lạc Việt lùi dần về phía Nam đến vùng Lưỡng Quảng và đồng bằng sông Hồng ngày nay. Còn người Mông Cổ xâm lược, hòa huyết với bộ phận Lạc Việt còn ở lại trên đất Trung hoa, sinh ra người Hán ngày nay. Người Hán là con cháu người Lạc Việt và người Mông Cổ vậy !

    Thích

    • 1. Chính xác là vậy, bà mẹ Bách Việt (không phải là Lạc Việt nhé) cùng các bà mẹ khác đã mang nặng đẻ đau sinh thành ra cái gọi là Hoa Hạ. Đau buồn nhất cho các bà mẹ là khi Hoa Hạ trở thành dân tộc thì nó lại coi các bà mẹ cùng các anh em khác là loài Tứ Di mà bản thân chúng có nghĩa vụ phải GIÁO HÓA.
      2.Từ khi Si Vưu bị diệt, các tộc Bách Việt vốn dĩ là CON RỒNG CHÁU TIÊN NHẢY MÚA DƯỚI ÁNH SÁNG MẶT TRỜI, đã bị phân hóa thành hai phần: chấp nhận đầu hàng và kháng chiến đến cùng cho đến khi sức cùng lực kiệt thì rời bỏ mảnh đất tổ tiên để đi lập quốc ở nơi khác.
      * Bọn Nho sĩ văn nô Tầu rất thâm hiểm, chúng đặt chữ gọi những kẻ đầu hàng là BỘC theo nghĩa NÔ BỘC, còn, những người ra đi là VIỆT theo nghĩa là bọn ĐÁNH KHÔNG NỔI THÌ BỎ CHẠY, nhưng, bộ phận chạy về phương Nam là khó trị nhất, nên, trong suốt gần 5000 năm, bộ phận này là đối tượng đuổi cùng giết tận của chúng về mặt văn hóa.
      * Khối Việt, theo cách đặt chữ của bọn Nho sĩ gồm bộ Tẩu (bỏ chạy) ghép với Giáo mác, họ đi đến đâu thì lập quốc ở đó, hòa huyết giao thoa cùng các tộc dân bản địa để tạo nên một nước Việt mới nhưng vẫn noi theo tổ tiên là đêm đêm vẫn ngóng về đất tổ khi xưa và khóc:
      TỪ THỦA MANG GƯƠM ĐI MỞ NƯỚC – NGÀN NĂM THƯƠNG NHỚ ĐẤT THĂNG LONG.
      Bạn đọc nhớ nhé: Đất Thăng Long nơi con dân Bách Việt cùng Cha Rồng Mẹ Tiên ca múa dưới ánh Mặt Trời chính là vùng Trác Lộc khi xưa đấy!

      Thích

    • Mông Cổ là từ chỉ bộ tộc du mục của Thành Cát Tư Hãn thế kỷ 12-13 ở thảo nguyên Mông Cổ và Nội Mông ngày nay, là dân tộc du mục cưỡi ngựa, cùng văn hóa với các bộ tộc Đột Quyết, Hung Nô, Ô Hoàn thời xưa ở vùng thảo nguyên phương bắc. Các bộ tộc du mục ấy xâm lược Trung Nguyên chỉ ở thời Ngũ Hồ (thời Nam bắc triều) về sau mà thôi. Trước đó các bộ tộc du mục chỉ có thể đánh cướp ở biên giới rồi về, chứ chưa đủ thực lực để đánh chiếm Trung Nguyên như nhà Liêu-Kim-Nguyên-Thanh sau này.

      Lại nói vào thời Hoàng Đế đánh Xi Vưu ở cánh đồng Trác Lộc, chỉ là chiến tranh nội bộ giữa các bộ tộc nông nghiệp với nhau ở đất Trung Nguyên. Hoàng Đế là thủ lĩnh của bộ tộc Hoa Hạ. Xi Vưu là thủ lĩnh của bộ tộc Cửu Lê. Làm gì có du mục ở đây? Truyền thuyết nói về Hoàng Đế rất nhiều, ông rất có nhiều năng và được thần và người trợ giúp, chứ không phải là một thủ lĩnh của bộ tộc du mục.

      Đến thời Xuân thu-Chiến quốc thì nước Sở mới xâm lược Bách Việt, sau nhà Tần Hán hoàn thành nốt đặt thành chín quận. Sử Việt mới gọi là thời 1000 năm Bắc thuộc.

      Thích

  3. Bổ sung: Hệ… hệ… xin lỗi, bản nhân viết nhầm, các con dân Văn Lang hoặc Đại Việt khi nhìn về đất tổ, họ khóc:
    TỪ THỦA MANG GƯƠM ĐI DỰNG NƯỚC
    TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ ĐẤT THĂNG LONG.
    TRỜI NAM chứ không phải là NGÀN NĂM nhé, xin đa tạ!

    Thích

    • Bài thơ Nhớ Bắc của ông Huỳnh Văn Nghệ làm tại Chiến khu Đ năm 1946 với 4 câu tuyệt bút mở đầu đã được nhiều thế hệ người Việt Nam truyền tụng:

      Ai về xứ Bắc ta đi với
      Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
      Từ độ mang gươm đi mở cõi
      Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

      ________

      Ông Huỳnh Văn Nghệ người Nam Bộ, người Nam Bộ là có tổ tiên di dân ở Bắc Bộ (vùng Thăng Long châu thổ sông Hồng) từ thủa chúa Nguyễn mở cõi ở Đàng Trong phía nam đèo Ngang và sông Gianh (xứ Thuận Hóa tức đất Chiêm Thành thời xưa).

      Thích

      • Thưa ông Tich Dã, đương nhiên bản nhân biết câu thơ trên do Huỳnh Văn Nghệ viết và còn bị Xuân Diệu sửa TRỜI NAM thành NGÀN NĂM nữa, nhưng, tiền nhân của Huỳnh Văn Nghệ nói riêng và tất cả các con dân nói chung (mà bản nhân đã viết là Văng Lang và Đại Việt) cũng đã khóc như thế đó!

        Thích

      • Thôi đừng sến bolero nữa ông Lại Việt ạ! Về với thực tại đi.

        4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam có khóc thương nhớ nhung gì đất cũ Trác Lộc hay Phản Tuyển ở đất Trung Nguyên đâu? Có bài thơ của danh nhân nào chỉ giáo cho mọi người biết với?

        Của ông Lý Thường Kiệt có không? Của ông Trần Hưng Đạo? Của ông Nguyễn Trãi?

        Thích

  4. Tuy phát triển thành hai nhánh nhưng rồi bác Thùy cũng có nhiều điểm chung với nhóm “Đền miếu Việt” hay “Hùng Việt sử quán” rồi đấy. Bác có thể tìm đến blog của họ mà tham khảo, tiêu biểu là blog https://bahviet18.com/ của Bách Việt trùng cửu. Chỉ khác là nhóm kia cho rằng sử Tàu đã đảo lộn hai phương Nam, Bắc nhằm hợp lý hóa sự cai trị của họ ở Trung Nguyên, xem họ là tổ của Trung Nguyên mà biến Hiên Viên hay Hùng Hiền Vương vốn là dân phương Nam, lộn thành phương Bắc, bằng cách đặt lại tên địa phương nhằm hợp lý hóa điều đó. Bác thử sưu khảo các tên nơi ở của Hoàng Đế xem tuổi đời nó bao nhiêu, so với các tên địa phương trên đất Bách Việt trùng tên hay na ná với nơi ở của Hoàng Đế trên đất Tàu xem?

    Thích

    • Thánh nhân ngày xưa nói về trung dung, trung đạo, chọn con đường giữa, con đường chính mà đi. Thế nên xưa có chính sử để soi chuyện xưa để tìm đường đi đúng đắn cho mai sau.

      Chính sử Trung Quốc kể ra cũng có lịch sử 2000 năm tạm tính từ khi người thời Hán là Tư Mã Thiên làm Sử ký, từ đó các thế hệ truyền nối theo nhau mà chép sử có Nhị thập tứ sử, trải từ Tam Hoàng Ngũ Đế, qua Hạ Thương Châu, rồi Tần Hán, đến Đường Tống Minh Thanh thời nay. Trong đó có không ít những chuyện ở Việt Nam thời 1000 năm Bắc thuộc. Thế mà có kẻ không đọc mà lại gạt bỏ đi, bẻ cong và sáng tác theo ý mình để thỏa lòng tự hào tự tôn quá đáng về tổ tiên của mình. Rút cuộc có ích gì? Tôi thà làm con cháu của bọn Man Di nhưng tự hào về cái mà mình có dù không to đẹp bằng người khác, còn hơn nhận vơ những thứ không thuộc về mình. Tôi là người Việt Nam là con cháu của dân tộc Lạc Việt ở đồng bằng sông Hồng 4000 năm trước, chứ không phải ở nơi xa lắc Trung Nguyên nào đó.

      Thích

      • Thưa ông Tích Dã, năm 1965 các nhà khảo cổ tìm được một thanh kiếm, ban đầu, các nhà ngữ học chỉ dịch được 6 chữ trong số 8 chữ được khắc trên kiếm, về sau, có sự “thống nhất” của Quách Mạt Nhược mà dòng chữ cổ này được dịch thành “Việt vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm”, có điều, chữ Việt trên thanh kiếm này khác hẳn chữ Việt có bộ Tẩu. Ông có bình luận gì về chữ Việt đó không. Cảm ơn!

        Thích

      • Chữ Hán cấu tạo theo nguyên tắc lục thư.

        Tám chữ Hán khắc lên cây kiếm ấy, nguyên văn bằng điểu trùng thư như hình khắc trên kiếm, chuyển sang khải thư là:

        [阝戉] Việt [gồm bộ ấp (阝) chỉ nghĩa là nước và bộ Việt (戉 ) chỉ âm tên riêng]
        王 Vương
        鳩 Cưu [đồng âm Câu (勾)]
        淺 Thiển [đồng âm Tiễn (踐)]
        自 Tự
        乍 Tác [đồng âm Tác (作)]
        用 Dụng
        鐱 Kiếm [đồng âm đồng nghĩa Kiếm (劍)]

        ________

        Do là tên riêng (tên nước, tên người) nên có thể người nghe hoặc các đời ghi âm hơi khác nhau. Cho nên Câu Tiễn (勾踐) đọc ra Cưu Thiển (鳩淺). Ví như nước Ngô (吳) hoặc gọi là Câu Ngô (句吳), cũng ghi âm là Công Ngư (工䱷), Công Ngô (攻吾).

        Việt [阝戉] đồng âm Việt (戉) chỉ nước Việt thời Xuân thu, người Việt tự khắc chữ như vậy. Nhưng người Trung Nguyên dùng chữ Việt (越) [bộ Tẩu (走)] hoặc Việt (粵). Đều là ghi âm của một từ cổ nào đó trong tiếng nói bản địa.

        Thích

      • Cảm ơn ông Tích Dã, nhưng xin nói thật, bản nhân lại nghĩ rằng chữ Việt thời đó được ghép bởi Mặt Trời, Rồng và Người Chim cơ. Không rõ ông có phê phán gì đối với cách nghĩ này không. Xin cám ơn!

        Thích

      • Lịch sử vốn là một bộ môn khoa học biện chứng, nên ngoài bổ chứng nó còn phải chống chịu với phản chứng. Nếu phản chứng tốt thì sử phải điều chỉnh. Thánh nhân xưa tuy soạn tiền sử nhưng tựu chung vẫn là sưu tầm từ văn sách hay truyện kể dân gian, tuy có thông tin giá trị, nhưng thiếu biện chứng. Bởi do thiếu các phương pháp truy tầm sử liệu theo cách hiện đại thông qua bằng chứng khảo cổ, văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, công nghệ giám định gen, nhân chủng v.v… Nhất là gượng ép về mặt ngôn ngữ, có thể họ chỉ phiên âm tên người, tên địa phương, sông, núi từ ngôn ngữ khác mà dẫn đến sai lệch.
        Cho nên với chính sử ta vào giai trước khi Lê Văn Hưu soạn sử, thì những sử liệu từ triều Lý trải về trước được bao phần khả dụng còn đặt lên bàn cân mà đong đếm, thì nói gì về giai đoạn huyền sử nước ta – mơ hồ biết bao, khi mà các chứng tích khảo cổ đồ đồng Hùng Vương nói chung, trống đồng nói riêng lại nằm quá nhiều ở Trung Quốc. Mà các chứng liệu khảo cổ đó chính sử ta lại không bổ chứng được nhiều cho nó, mà lại bổ chứng cho tốt cho một lối nghĩ khác, làm rõ ràng rành mạch hơn thì hỏi tôi nên tin ai?

        Thích

  5. 1. Chúng ta phải theo hoàn cảnh thời đại và văn hóa địa phương của nước Việt thời Xuân thu lúc ra đời cây kiếm có khắc chữ ấy mà xét.

    Theo đó:

    – Nếu chữ Việt khắc trên cây kiếm ấy mà gồm Mặt Trời, Rồng và Người Chim thì không phù hợp với văn hóa của người Việt ở đất Cối Kê lúc ấy. Bấy giờ nước Việt của Câu Tiễn (勾踐) hùng bá ở miền Giang Hoài (江淮), coi trọng võ bị, dũng cảm ở chiến đấu. Cho nên chữ Việt gồm bộ Ấp (阝) chỉ nước, bộ Việt (戉) là tên riêng chỉ vũ khí là cái Rìu để chiến đấu là hợp lý. Sau này dùng chữ Việt (越) thêm bộ Tẩu (走) nhưng vẫn giữ bộ Việt (戉) là mang tính kế thừa từ chữ Việt [(阝戉] thời xưa.

    – Người nước Việt lại giao thiệp với các nước Trung Nguyên, dùng chữ Điểu trùng thư (鳥蟲書) là một lối chữ viết của người Trung Nguyên, cho nên chữ viết phải tuân theo quy tắc tạo chữ là Lục thư (六書). Thời Xuân thu không có chữ nào để tượng hình là Người Chim mà chỉ có hai chữ tượng hình riêng biệt là Người [Nhân (人)] và Chim [Điểu (鳥)] mà thôi. Cũng không có chữ Hội ý hay Chỉ sự nào là ghép của hai chữ Người và Chim để thành chữ có ý nghĩa là Người Chim. Mà chỉ có trong tiếng Hán có từ Vũ Nhân (羽人) hoặc Vũ Dân (羽民) để chỉ Người Mang Cánh Chim mà thôi.

    2. Chữ Việt [(阝戉] là bao gồm hai bộ Ấp (阝) ở bên trái và bộ Việt (戉) ghép lại là chữ Hình thanh (型聲) là hợp với Lục thư. Người Việt xưa cũng dùng chữ Việt (戉) để chỉ tên nước, có khắc lên cây kiếm của vua nước Việt là Châu Câu (州句).

    Thích

    • Cám ơn ông Tích Dã.
      * Bản nhân nghĩ rằng dòng chữ khắc trên thanh kiếm chính là chữ viết của người Việt cổ, cho nên, mọi mưu toan coi đó là chữ Hán rồi lấy Lục thư để giải nghĩa dòng chữ này đều là cách suy nghĩ của bọn HÁN NÔ.
      * Ông Tích Dã có thấy chữ viết này được sử dụng rất lâu trước khi THƯƠNG HIỆT ra đời hay không?
      * Sau khi một bộ phận người Việt đầu hàng (họ bị gọi là lũ Bách Bộc, Bộc Việt) thì HOA HẠ nhận vơ chữ viết này là của mình, nhưng, rất uất ức vì nó không phải là của mình sáng tạo ra, nên, bọn Nho sĩ (trong nội bộ) gọi chữ viết này là ĐIỂU TRÙNG văn (chữ viết của lũ chim muông, muông thú, côn trùng, vì, nó loằng ngoằng và nét chữ sắc lẹm) nhưng lá mặt lá trái khi vỗ ngực rằng đó là chữ của CHÚNG TAO đấy!!

      Thích

      • Người Việt cổ khắc lên cây kiếm của Câu Tiễn là người Việt cổ thời Xuân thu ở nước Việt vùng Cối Kê, chứ không phải người Việt cổ ở khu vực Giao Chỉ (đồng bằng sông Hồng). Tuy cùng gọi là là người Việt cổ nhưng mỗi nơi lại có quốc gia khác nhau. Thời Xuân thu thì nước Việt ở Cối Kê vung kiếm tranh bá ở miền Giang Hoài, nước Văn Lang của vua Hùng ở Giao Chỉ đang gõ trống đồng hiệu lệnh các bộ lạc ở miền Lĩnh Nam. Ở miền tây nam của nước Sở (楚) là các bộ lạc người Bộc (濮) hoặc gọi là Bách Bộc (百濮) cũng bị kiêm tính vào nước Sở, sau này nước Sở còn xâm lược cả vùng Nam Trung, một viên tướng của Sở là Trang Cược (莊蹻) còn xâm nhập vào nước Điền (滇) mà làm vua ở đấy. Sở cũng diệt nước Việt của con cháu Cẫu Tiễn. May mà Văn Lang của vua Hùng còn khá xa Sở mới tránh được. Mãi đến thời Hán mới bị xâm lược đặt thành quận huyện suốt 1000 năm.

        Thích

    • Đến nay hệ thống chữ viết hoàn chỉnh lâu đời nhất ở Trunh Quốc mà chúng ta được biết là Giáp cốt văn (甲骨文) thời Thương. Trước đó ở các di chỉ thời Đồ đá mới như Lương Chử, Hà Mẫu Độ, Giả Hồ cũng có dấu vết của chữ viết nhưng chỉ là các phù thô sơ không có hệ thống.

      Chữ Điều trùng thư (鳥蟲書) khắc trên cây kiếm Việt Vương là Câu Tiễn ở thời Xuân thu, nét chữ rất tinh hoa nghệ thuật, chứng tỏ ra đời muộn tương ứng với thời Xuân thu, ở sau thời ông Thương Hiệt (倉頡) rất xa. Ở thời ông Thương Hiệt là sử quan của Hoàng Đế (黃帝) là thời đồ đá mới, không có chữ khắc lên thanh kiếm đồng như thời ông Câu Tiễn được, cho nên nét chữ phải rất thô sơ. Đến như Giáp cốt văn ở thời Thương cũng còn khá thô sơ, nói gì đến thời ông Thương Hiệt?

      Chữ viết ra đời, phải trải qua các thời kỳ sử dụng và phát triển lâu dài mới hoàn chỉnh như ngày nay. Từ khi ông Thương Hiệt làm ra chữ viết trải qua thời Ngũ Đế, Hạ Thương Châu, Đường Tống đến nay đã 5000 năm dài dằng dặc, bãi biển nương dâu, nhưng các nước Trung Hoa, Đài Loan còn đang sử dụng. Khổng Tử làm Ngũ kinh (五經), Lão Tử soạn Đạo đức kinh (道德經), Bách gia chư tử đều làm sách từ thứ chữ ấy. Bọn man di như Ngũ Hồ (五胡), Mông Cổ (蒙古), Mãn Thanh (滿清) dù có xâm lược Trung Quốc cũng không thể thay đổi tiêu hủy được thứ chữ ấy. Việt Nam chịu 1000 năm Bắc thuộc, cũng dùng chữ ấy đến thế kỷ 20, nhưng nay đã bỏ, chỉ còn sử dụng hạn chế trong các ngành chuyên môn Hán Nôm.

      Chữ viết là thánh nhân Thương Hiệt và các vị tiên hiền làm nên. Cho nên kẻ nào học được nó, sử dụng được nó thì là chủ nhân của nó. Chỉ có kẻ sử dụng nó được nhiều hay ít mà thôi! Trung Hoa 5000 năm văn hiến, sách vở chất cao như núi, không đáng gọi là chủ nhân của thứ chữ Hán ấy thì là gì?

      Tên gọi Điểu trùng thư (nét chữ giống hình con chim và con giun, cùng với Khoan đẩu thư (nét chữ giống hình con nòng nọc) chỉ là một trong các thể chữ của chữ Hán dựa vào hình nét chữ mà gọi tên vậy thôi. Nó cũng như Lệ thư, Khải thư, Thảo thư mỗi thể có nét riêng, ra đời ở mỗi hoàn cảnh và thời kỳ lịch sử khác nhau.Ví như Lệ thư thời Tần, Khải thư thời Hán, Điểu trùng thư thời Xuân thu. Nhưng đều tuân theo quy luật Lục thư (六書) vậy.

      Thích

      • Cảm ơn ông Tích Dã,vậy, mong ông dùng LỤC THƯ giải nghĩa cho bản nhân chữ NGÔ trong NƯỚC NGÔ, NGƯỜI NGÔ là gì. Vô cùng cảm tạ!

        Thích

      • Hiện nay trong số chữ Giáp cốt văn đã phát hiện có hơn 4.000 chữ, trong đó chúng ta mới chỉ tạm gọi là giải nghĩa được hơn 1.500 chữ.

        Trong số hơn 3.000 những chữ Kim văn (金文) đã biết, chúng ta chỉ biết hơn 2.000 chữ.

        Bộ sách Thuyết Văn giải tự (說文解字) do học giả Hứa Thận đời Đông Hán biên soạn là bộ sách thống kê chữ Hán đầu tiên của Trung Quốc, có hơn 9.000 chữ được giải nghĩa.

        Đời Đường, Tôn Miễn soạn sách Đường vận (唐韻), giải nghĩa hơn 15.000 chữ.

        Đời Tống, nhóm Trần Bành Niên soạn Quảng vận (廣韻), giải nghĩa có hơn 20.000 chữ.

        Đời Minh, nhóm Mai Ưng Tộ soạn sách Tự vị (字彙) giải nghĩa có hơn 30.000 chữ.

        Đời Thanh, nhóm Trương Ngọc Thư biên soạn sách Khang Hi từ điển (康熙字典) tổng cộng hơn 40.000 chữ.

        Năm 1915 đời Dân quốc, Từ Nguyên Cáo và một số người cùng biên soạn đã xuất bản sách Trung Hoa đại tự điển (中華大字典) trong đó có hơn 48.000 chữ.

        Thời Cộng sản, năm 1986, nhóm Từ Trung Thư bắt đầu biên soạn và xuất bản sách Hán ngữ đại tự điển (漢語大字典) tất cả có hơn 56.000 chữ.

        ______

        Không kể thời ông Thương Hiệt (倉頡) bắt đầu làm ra chữ viết cách nay 5.000 năm trước, vì niên đại xa xưa, không có gì làm chứng. Chữ Hán tạm gọi là có hệ thống ở thời Thương có Giáp cốt văn theo quy tắc Lục thư (六書), đến nay ít nhất có 3.000 năm lịch sử phát triển không ngừng, từ thô sơ đến hoàn chỉnh, từ nghìn chữ đến vạn chữ.

        Trong đó có tên gọi nước Ngô thời Xuân thu cũng được dùng chữ Hán để ghi âm. Lúc đầu, người Ngô khắc lên các vũ khí (mâu, kiếm…) chữ Công Ngư (工䱷), 攻敔 (Công Ngô), Công Ngô (攻吳), người Trung Nguyên gọi là Câu Ngô (勾吳) và gọi tắt là Ngô (吳), từ đó dùng đến nay. Chữ Ngư (䱷), Ngô (敔), Ngô (吳) đều là dùng chữ Hán đồng âm dị nghĩa để ghi âm tiếng địa phương nào đó.

        Thích

      • Ngày nay ở Viện bảo tàng Vô Tích [Vô Tích bác vật viện (無錫博物院)] tỉnh Giang Tô của Trung Quốc đang lưu giữ một cây kiếm cổ được cho là của vua nước Ngô (吳) thời Xuân thu. Trên thân kiếm có khắc 12 chữ Hán theo lối Triện thư thời ấy là:

        攻敔王者彶虘虢自乍元用鐱 (Công Ngô vương Giả Cấp Ngược Quắc tự tác nguyên dụng kiếm)

        Dịch nghĩa: Cây kiếm mà vua Công Ngô là Giả Cấp Ngược Quắc tự làm và từng dùng.

        – Công Ngô (攻敔) là tên gọi của nước Ngô thời Xuân thu, người Trung Quốc còn phiên âm là Câu Ngô (勾吳), gọi tắt là Ngô (吳).

        – Giả Cấp Ngược Quắc (者彶虘虢) là tên riêng của vua nước Ngô. Có người nghiên cứu cho rằng là tên khác của vua Ngô là Châu Vu (州于), tức còn gọi là Liêu (僚), là vua Ngô vị Công tử Quang sai thích khách là Chuyên Chư (專諸) đâm chết rồi cướp ngôi. Câu chuyện này nổi tiếng thời Xuân thu ở nước Ngô.

        http://www.hongbowang.net/home/gundong/2020-03-06/15946.html

        Thích

      • Ngày nay ở Viện bảo tàng Vô Tích [Vô Tích bác vật viện (無錫博物院)] tỉnh Giang Tô của Trung Quốc đang lưu giữ một cây kiếm cổ được cho là của vua nước Ngô (吳) thời Xuân thu. Trên thân kiếm có khắc 12 chữ Hán theo lối Triện thư thời ấy là:

        攻敔王者彶虘虢自乍元用鐱 (Công Ngô vương Giả Cấp Ta Quắc tự tác nguyên dụng kiếm)

        Dịch nghĩa: Cây kiếm mà vua Công Ngô là Giả Cấp Ngược Quắc tự làm và từng dùng.

        – Công Ngô (攻敔) là tên gọi của nước Ngô thời Xuân thu, người Trung Quốc còn phiên âm là Câu Ngô (勾吳), gọi tắt là Ngô (吳).

        – Giả Cấp Ta Quắc (者彶虘虢) là tên riêng của vua nước Ngô. Có người nghiên cứu cho rằng là tên khác của vua Ngô là Châu Vu (州于), tức còn gọi là Liêu (僚), là vua Ngô vị Công tử Quang sai thích khách là Chuyên Chư (專諸) đâm chết rồi cướp ngôi. Câu chuyện này nổi tiếng thời Xuân thu ở nước Ngô.

        http://www.hongbowang.net/home/gundong/2020-03-06/15946.html

        Thích

  6. Hệ…. hệ…, thưa ông Tích Dã.
    * Các bà mẹ Việt chắc là không giỏi Lục thư như ông, nhưng, khi nhìn vào chữ NGÔ này thì các mẹ hình dung ra một thằng xoạc cẳng, tay vung quá đầu, và đặc biệt, ngoác mồm quá to chiếm hết cả mắt mũi, nên, các mẹ truyền đời cho con cái rằng cái chữ này mô tả một thằng TO MỒM, HUÊNH HOANG KHOÁC LÁC, và, dặn con cái nên phải tránh xa các thứ này.
    * Tuy nhiên, các mẹ không sợ giặc NGÔ bằng các BÀ CÔ, nên, các mẹ VIỆT luôn dạy các bé gái rằng khi lớn lên thì phải trở thành mẹ để quán xuyến công việc gia đình.
    * NGÔ và VIỆT MỄ có thể là hậu duệ của BỘC VIỆT, nhưng VIỆT TẨU căm ghét NGÔ hơn, có lẽ vì đám này trong mọi thời đại đã đóng vai trò TUYÊN TRUYỀN Hán hóa hay sao ấy, và trong ngàn đời nay, người Việt vẫn coi NGÔ là bọn HÀNH NGHỀ BẰNG LỖ MỒM!

    Thích

    • Được thôi, tôi chơi trò đuổi hình bẻ chữ với ông.

      Ngày xưa vào thời Tam quốc, người Đông Ngô là Gia Cát Khác nói về tên nước Ngô (吳) là “Không có miệng là Trời, có miệng là Ngô”. Tức là chữ Ngô (吳) gồm chữ khẩu (口) là cái miệng ở trên và chữ thiên (天) là trời ở dưới.

      Tâm ý mỗi người khác nhau nên có ý kiến khác nhau, bẻ chữ cho vui thôi.

      Ví như chữ Việt theo thể Điểu trùng thư thời Xuân thu khắc trên cây kiếm của Việt Vương Câu Tiễn ấy, bên trái là chữ Ấp (邑), bên phải là chữ Việt (戉). Nhưng người có tâm ý sến sẩm BOLERO thì lại nhìn ra CON RỒNG CHÁU TIÊN NHẢY MÚA DƯỚI ÁNH SÁNG MẶT TRỜI!

      Thích

      • Cảm ơn ông Tích Dã, đến điểm dừng rồi, chỉ mong ông và các bạn đọc khác nhớ hộ rằng chữ Việt sơ khai mang tính TƯỢNG HÌNH, vậy thôi!

        Thích

      • Mỗi chữ TƯỢNG HÌNH chỉ vẽ một đối tượng thôi. Ví dụ:

        – Người là chữ Nhân (人) là hình vẽ hai nét người có hai chân.

        – Mặt Trời là chữ Nhật (日) là hình vẽ hình tròn có một chấm giữa là hình Mặt Trời.

        – Chữ Việt (戉) là hình vẽ cái Rìu, là chữ Tượng hình.

        – Chữ Việt khắc trên cây kiếm Câu Tiễn là gồm hai chữ ghép Ấp (邑) và Việt (戉) là chữ Hình thanh rồi, không còn là Tượng hình nữa. Dù có nhìn chữ này gồm ba đối tượng Mặt Trời-Rồng-Người Chim thì cũng không còn là Tượng hình nữa, mà là Chỉ sự hoặc Hội ý. Hơn nữa ba đối tượng Mặt Trời-Rồng-Người Chim trong một chữ là không rõ ý của chữ, nó mơ hồ và bolero quá. Hê hê.

        Thích

  7. Hệ…. hệ…., thưa ông Tích Dã, bản nhân đã muốn dừng lại nhưng đành phải viết thêm một lần nữa rồi thôi hẳn:
    * Chữ Việt cổ xưa có trước chữ Hán, đương nhiên, nó tuân theo luật tạo hình của người Việt. Dùng nguyên tắc tạo hình của chữ Hán và Lục thư để xét chữ Việt là thái độ hết sức xấc xược.
    * Câu Tiễn và các tộc dân Việt thời Xuân Thu vẫn cố tình nói và viết chữ của tổ tiên, thì, phải coi đó là thành tựu bảo tồn tính dân tộc đó!

    Thích

    • Xin hỏi ông là quy tắc tạo chữ của người Việt thời Xuân thu là gì thế? Xin chỉ giáo với? Bộ ông có bí kíp truyền lại của ông Câu Tiễn từ thời Xuân thu sao?

      Thích

    • Điểu trùng thư( 鳥蟲書), hoặc gọi là Điểu trùng văn (鳥蟲文), Điểu trùng triện (鳥蟲篆), hoặc gọi là Trùng thư (蟲書), Ngư thư (魚書), là một loại chữ viết được dùng nhiều ở các nước phía nam Trung Quốc thời Xuân thu-Chiến quốc. Nó có đặc điểm là nét chữ giống hình con rắn hoặc con chim hoặc con cá, cho nên mới gọi tên như vậy. Nó là một loại chữ thuộc Triện thư (篆書).

      Điểu trùng thư xuất hiện sớm nhất ở giữa thời Xuân thu, đạt đến đỉnh cao ở thời Chiến quốc, thường thấy ở các nước phía nam Trung Quốc thời ấy như các nước Ngô (吳), Việt (越), Sở (楚), Thái (蔡), Từ (徐), Tống (宋).

      Ở thời Chiến quốc, Điểu trùng thư dùng ở mỗi nước đều có biến thể hơi khác nhau, thường được khắc lên các đồ dùng bằng đồng như kiếm (劍), qua (戈), đỉnh (鼎)… Truyền sang thời Tần-Hán, Điểu trùng thư thường được dùng để thêu dệt lên cờ phướn và ấn tín.

      ___________________

      Điểu trùng thư là một loại chữ thuộc chữ Hán khác, giống như các loại chữ Khoa đẩu thư (科斗書), đều là dựa vào nét chữ mà gọi tên, đều tuân theo quy tắc tạo chữ là Lục thư (六書).

      Trên thế giới xưa nay, chữ viết có thể chia làm hai cách tạo chữ:

      – Chữ Tượng hình là chữ Hán (đã và đang dùng ở Trung Quốc, Đài Loan) và chữ tượng hình Ai Cập cổ (đã thất truyền).

      – Chữ ghi âm ghép vần gồm thể chữ Latin (đang dùng ở các nước EU, Việt Nam), thể chữ Brahmi (đang dùng ở Ấn Độ, các nước Lào Thái Miên…), thể chữ Kirin (dùng ở Nga, Đông Âu), thể chữ Hangul (dùng ở Triều Tiên, Hàn Quốc)…

      Trong hàng nghìn năm phát triển mỗi nền văn minh hoặc các quốc gia lại có chữ viết riêng, và có những chữ viết đã thất truyền. Chỉ có những nền văn minh lâu đời và bền vững và có may mắn mới giữ gìn được chữ viết truyền đến ngày nay.

      Thích

  8. Cảm ơn chư vị đã đọc và bình luận về bài viết của tôi. Xin thưa lại đôi lời.
    1. Cảm ơn ông Tích Dã đã nhận ra: Nhà Lý dùng Si Vưu như ác thần trấn yểm ma quỷ. Đó là cách nhận thức theo Nho giáo chính thống truyền từ TQ xuống. Người Việt cổ là thủy tổ dân Châu Á nên không coi Si Vưu là tổ. Trong khi người Tứ Xuyên, lưu vực Hoàng Hà thờ tổ Si Vưu.
    2. Cho rằng theo Lục thư là “Hán nô” là không thỏa đáng. Giáp cốt văn do người Việt cổ sáng tạo theo phương pháp lục thư. Khi chiếm được chữ của người Việt ở An Dương, vua Bàn Canh theo phương pháp lục thư để cải tiến, hoàn thiện Giáp cốt văn thành chữ nhà Thương rồi thành chữ Hán. Lục thư là sáng tạo của người Việt.
    3. Chữ nước Ngô, Sở, Việt thời Xuân Thu là chữ Việt, được cải tiến từ chữ Giáp cốt. Do vậy, chữ mỗi nước có sự khác nhau. 2800 năm trước, bài Việt nhân ca phải dịch sang chữ nước Sở người Sở mới hiểu. Sau đó dịch sang chữ Hán nên “tam sao thất bản”, khiến cho đến nay người Hán vẫn hiểu sai bài này. Chỉ khi ông Đỗ Ngọc Thành chỉnh lý lại theo tiếng Việt cổ mới chính xác. Tương tự, Đạo đức kinh được viết bằng chữ nước Việt. Sau này dịch sang chữ Hán nên có nhiều chỗ không chính xác, dẫn tới hiểu sai, làm cho nhiều đoạn khó hiểu.

    Thích

    • Nhà Lý dựng đền thờ Xi Vưu (蚩尤) cùng với đền thờ Nhị Nữ (二女) là theo truyền thuyết Huyền Nữ (玄女) giúp Hoàng Đế (黃帝) đánh bại Xi Vưu. Thời Tần-Hán đã có đền thờ Xi Vưu như là một vị thần ở một số vùng Hoa Bắc rồi. Cho nên Xi Vưu cũng được xem là chiến thần (戰神), được các triều đại thờ cúng để cầu xin sức mạnh vậy. Xi Vưu cũng được xem là thủ lĩnh của người Cửu Lê (九黎), một số bộ tộc người Miêu (苗) cũng xem Xi Vưu là tổ tiên. Cho nên cũng có thể xem Xi Vưu là tổ tiên của một số dòng họ người Á Đông.

      Lục thư (六書) là sáu cách tạo nên chữ Hán, theo truyền thuyết do ông Thương Hiệt (倉頡) thời Hoàng Đế sáng tạo ra. Theo khảo cổ, sớm nhất là chữ Giáp cốt văn (甲骨文) thời Thương (商) là hệ thống chữ viết theo quy tắc Lục thư hoàn chỉnh sớm nhất mà chúng ta biết. Tiếp nối chữ Giáp cốt văn, nhiều thể chữ Triện thư, Lệ thư, Khải thư đã thay nhau ra đời cũng theo quy tắc Lục thư, được sử dụng rộng rãi ở các nước thời Xuân thu, trong đó có các nước Sở (楚), Ngô (吳), Việt (越). Nó là thành quả và gìn giữ phát triển của rất nhiều thế hệ học giả suốt 3.000 năm nay, hay nói đúng hơn là sản phẩm của một nền văn minh lớn. Nếu nhà Thương đã sáng tạo nên Giáp cốt văn, mà các triều đại Châu (周), Tần (秦), Hán (漢), Đường (唐) không tiếp nối sử dụng kế thừa thì không còn chữ Hán như ngày nay. Nếu như Sĩ Vương (士王) không dạy chữ Hán ở Giao Chỉ thì các triều đại Đinh (丁), Lý (李), Trần (陳), Lê (黎) cũng không có chữ Hán Nôm như ngày nay. Nếu mà các nhà Châu, Tần, Hán, Đường mà bỏ chữ Hán như chính phủ Việt Nam chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ Latin thì chữ Hán chắc cũng chỉ còn là khảo cổ rồi?

      Cho nên: Người Việt Nam ngày nay, dù mang trong mình dòng máu của người Việt cổ từng dùng chữ Hán, hãy tự xét công lao phát triển và gìn giữ chữ Hán được mấy phần, so với công lao của các nhà Châu, Tần, Hán, Đường? Theo tôi chỉ có công lao 1% của người Việt cổ thôi là quá cao so với công lao xây dựng 5.000 năm văn hiến của các dân tộc Á Đông rồi. Tự nhận là người Việt cổ sáng tạo nên chữ viết Lục thư thì há chẳng xằng bậy sao!

      Thích

  9. “Thương Hiệt làm chữ viết” chỉ là huyền thoại. Thời Hoàng Đế chưa có chữ. Thế kỷ trước, phát hiện 24 ký hiệu trên gốm nhà Hạ, học giả TQ bỏ 40 năm để chứng minh đó là ký tự nhưng thất bại. Nhà Hạ không có chữ! Đến giữa nhà Thương cũng chưa hề có chữ. Nhưng chỉ 200 năm sau khi Bàn Canh chiếm đất An Dương của người Dương Việt (1500 -1300 TCN), Giáp cốt văn nhà Ân đã trưởng thành, đưa TQ vào thời có sử! Vì sao vậy, phép màu chăng? Suốt thế kỷ XX không tìm ra câu trả lời! Nhưng sang thế kỷ mới, nhờ di truyền học khám phá cội nguồn dân Đông Á và nhiều di chỉ được khai quật, phát hiện: những dấu vết đầu tiên của chữ tượng hình xuất hiện trên đá khắc Sa pa 10.000 năm trước. Chữ目,日,火,八 tại văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước. Giáp cốt văn trên xẻng đá Cảm Tang, Lương Chử, Bán Pha… Từ đó đưa ra nhận định: khi chiếm An Dương, nhà Ân phát hiện Giáp cốt văn của người Viêt rồi sử dụng nghệ nhân khắc chữ người Việt dùng lục thư và Dịch lý cải tiến chữ tượng hình… Từ đó, chữ được hoàn thiện dần.
    Dù là Hoa Hạ, Thương, Chu, Tần, Hán thì đó đều là người Việt, hậu duệ của người Việt cổ. Vì vậy, chữ Hán (Chữ Nho) là sáng tạo của tổ tiên Việt rồi con cháu về sau hoàn thiện. Theo quy luật muôn đời thì công đầu thuộc về người sáng tạo. Tuy nhiên, một khi là công trình của cả tộc Việt thì việc so kè công lao lớn nhỏ thuộc về ai là chuyện vô nghĩa!

    Thích

    • Rút cuộc thì ông là người “háo danh” mới nói vậy. Bất chấp đạo lý.

      Chữ Hán ra đời cách đây 3.000 năm trước, thời nhà Thương sáng tạo Giáp cốt văn, tức chữ khắc lên mai rùa xương thú, di chỉ hãy còn ở huyện An Dương tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, tức là bấy giờ thuộc lãnh thổ của nhà Thương. Câu hỏi đặt ra là nhà Thương dựa vào đâu hoặc tự họ sáng tạo ra hay học hỏi từ ai đó? Các di chỉ Cảm Tang, Giả Hồ, Lương Chử có dấu vết của chữ viết, nhưng chưa hẳn là có hệ thống hoàn chỉnh và nếu có thì đã bị mai một và thất truyền rồi. Không dám chắc được.

      “Người nhà Thương” ở An Dương, hay “người Việt cổ” ở Cảm Tang-Giả Hô-Lương Chử đều là người thiên cổ, đã tịch mịch từ hàng nghìn năm trước cả rồi. Ông Hà Văn Thùy ở Việt Nam thế kỷ 21 này là ai? Ông có thể là dòng dõi của người Việt cổ? 90 triệu người Việt Nam khác cũng có thể. 1 tỷ người Trung Quốc, mấy trăm triệu người Hàn-Nhật cũng có thể. Vậy là hòa cả. Người trong bốn biển là anh em. Người Trung Quốc cũng có thể nói là do người Hoa cổ sáng tạo ra. Người Choang (Nùng) ở Cảm Tang tỉnh Quảng Tây đó cũng có thể nói tổ tiên họ làm ra chữ viết đầu tiên.

      Rút cuộc xưa gọi chung là chữ Hán là vì người từ thời Hán đã dùng phổ biến chữ ấy ít nhất 2.000 năm rồi. Người Việt Nam dùng phổ biến mới 1.000 năm từ thời Đinh Lý Trần Lê thôi, cũng gọi là chữ Nho vì thời ấy thường chỉ có nhà Nho mới biết nhiều chữ, phần lớn dân thường không biết hoặc biết ít.

      Thích

  10. Tên các vua Thục gắn bó với chim: Ngư Phù là con chim Cốc, Đỗ Vũ là chim Cuốc. Cùng với nhiều tượng chim cũng như tượng người rắn, có thể suy ra, dân Ba Thục thuộc dòng Rồng Tiên, giống như Hồng Bàng thị của dân Xích Quỷ-Lương Chử.
    Khảo cứu văn hóa Gò Ba Sao từ nhiều năm trước, tôi đã xác định, dân Ba Thục là
    người Lạc Việt từ VN lên. Khi tới vùng Tứ Xuyên trở thành nhánh Tày-Thái, trong đó có bộ lạc Tần. Điều này đã ghi trong sách Viết lại lịch sử Trung Hoa (in ở Cali năm 2014).
    Từ năm 2019, do tìm được thêm nhiều hiện vật khảo cổ, câu chuyện Sanxingdui lại nóng lên cùng với thuyết âm mưu: chủ nhân di chỉ là người hành tinh. Học giả TQ và thế giới cũng bối rối vì chưa xác định được chủ nhân Sanxingdui. Do vậy, tôi đành phải nhắc lại ý của mình nhiều năm trước, ngõ hầu mong công luận tránh được ngộ nhận.
    Ô, ở tuổi gần đất xa trời, dư biết danh là gì thì còn hơi đâu để mà “háo!” Tội nghiệp!

    Thích

    • Các đời vua Thục còn có Tàm Tùng (蠶叢) gắn với con tằm, chữ Thục (蜀) trong Giáp cốt văn cũng là hình vẽ con tằm. Còn có vua Khai Minh tên là Miết Linh (鱉靈) gắn với con miết (con ba ba, thuộc giống rùa). Con cháu Hoàng Đế là Xương Ý-Chuyên Húc phong chi thứ ở Thục. Không nói gì Rồng và Tiên.

      Các đời vua thời xưa như Phục Hy mình rắn, Thần Nông đầu có sừng, hoặc cảm rồng mà sinh, hoặc cảm sấm điện mà ra đời. Cho ta thấy phảng phất gắn với thờ vật tổ là Rồng, Bò hoặc Rắn…

      Nhiều truyền thuyết người Thương cùng giống với người Tần sinh ra từ chim, tổ tiên là Khiết.

      Các bộ tộc thời xưa thờ vật tổ như vậy.

      Truyền thuyết Việt Nam nói họ Hồng Bàng là giống Rồng và Tiên thì cũng thờ vật tổ như vậy.

      ________

      Nước Thục theo ghi chép trên thì chỉ thờ tằm (vua Tàm Tùng), thờ chim (vua Ngư Phù, Đỗ Vũ), thờ ba ba (vua Khai Minh). Thờ Rồng và Tiên chỗ nào vậy ông Hà Văn Thùy? Có liên hệ nào với họ Hồng Bàng (鴻龐).

      Hồng Bàng (鴻龐) cũng tức là Bàng Hồng (龐鴻) nghĩa là thủa mở đầu to lớn.

      Thích

  11. Đúng là lịch sử có trong cổ thư TQ. Nhưng cổ thư chỉ ra đời 500 năm TCN, một khoảng thời gian quá ngắn trong lịch sử phương Đông. Nếu một người chỉ có cổ văn thì tri thức hôm nay của ông ra cũng ngang bằng với Lê Văn Hưu, Ngô sĩ Liên, ngót nghìn năm trước… May mà lịch sử còn có trong DNA nên khoa học đã “hỏi chuyện” những mẩu xương từ trăm nghìn năm trước để biết những điều không có trong cổ thư. Đó là chuyện 70.000 năm trước, con người từ châu phi lần đầu tiên đặt chân lên đất liền châu Á là tại VN. Để biết, người đàn ông xuất hiện sớm nhất trên đất TQ tại Điền Nguyên Động 40.000 năm trước là từ Hòa Bình VN tới. 30.000 năm trước, người Hòa Bình cũng tới đảo Nhật Bản để sinh ra con người cùng văn hóa Jomon. 50.000 năm trước, người từ VN tới châu Úc. Không chỉ vậy, 40.000 năm trước, người Việt đi tới đất Hy Lạp ngày nay để làm nên tổ tiên người châu Âu với nước da nâu! Lịch sử còn được giấu kín trong lòng đất. Trong khi cổ thư khẳng định, đồng bằng miền Trung Hoàng Hà là cội nguồn của con người và văn hóa TQ thì sau 80 năm khảo cứu văn hóa Lương Chử, học giả TQ cay dắng xác nhận sự thật động trời: Văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Hoa! Hiện vật Lương Chử cũng phát lộ rằng người Lương Chử là Vũ nhân hay Vũ dân, thờ chim và thú. Điều này chứng thực cho tổ Tiên Rồng của người Lạc Việt!
    Tên vua Thục là chim. Trong các tượng Gò Ba Sao có nhiều tượng người rắn bằng đồng. Điều này gợi ra giả thuyết là người Ba Thục cũng thờ Chim-Rắn tức thờ vật tổ Tiên Rồng. Ý tưởng này càng hợp lý khi biết, cũng như người Lương Chử, người Ba Thục mang mã di truyền O3 M122 của tộc Lạc Việt.
    Nếu chỉ có cổ tịch thì có người sẽ ngây thơ tin rằng có chuyện “Ngũ đế vỗ về Giao Chỉ” để sang thập niên thứ hai của kỷ nguyên này vẫn cao giọng rao dạy: người Giao Chỉ khi ngủ hai chân giao vào nhau! Trong khi không ngờ rằng, vào thời Ngũ Đế, cái địa điểm được gọi là “Giao Chỉ” ấy đang chìm trong biển nước mênh mông của Vịnh Hà Nội!
    Lịch sử người Việt dài tới 70.000 năm, lại không chỉ diễn ra trên đất Việt mà cả trên địa bàn châu Á mênh mông. Bởi vậy, nếu chỉ biết cái sử 4000 năm trên đất Việt mà nói về lịch sử tộc Việt thì khác nào xẩm sờ voi!

    Thích

    • Truyền thuyết kể rằng: Khi đoàn người trải qua vạn dặm từ đất tổ Châu Phi qua lục địa Ấn Độ mà vào lập nghiệp ở Việt Nam, họ chỉ có mấy chục thị tộc, tôi không biết tên họ là gì, cho nên tạm gọi là nhà ông A, nhà ông B, nhà ông C… cho đến nhà ông X, nhà ông Y, nhà ông Z. Thủa ấy họ chỉ biết dùng công cụ sản xuất bằng đá, săn bắt hái lượm ở trong hang núi. Ngày tháng thoi đưa, bãi bể nương dâu, con cháu của họ ngày càng đông đúc.

      – Một thủa nọ, con cháu của nhà ông X, con cháu nhà ông Y, con cháu nhà ông Z gọi là X1, Y1, Z1 do thấy đất đai ngày càng chật hẹp thì rủ nhau dắt díu lên phía bắc mà ngày nay gọi là lục địa Trung Quốc có hai dòng sông lớn là Hoàng Hà và Trường Giang, có các dãy núi Hoa Sơn, Thái Sơn, núi Nga My, núi Vũ Đang để lập nghiệp. Tại đây con cháu của nhà các ông X1, Y1, Z1 lại sinh sôi đông đúc gọi là X2, Y2, Z2, vào khoảng 5.000 năm trước con cháu của họ đã xây dựng nên các nền văn hóa Ngưỡng Thiều, Long Sơn, Lương Chử, Tam Tinh Đôi, bắt đầu sản xuất nông nghiệp. Đây là nguồn gốc của văn minh và tổ tiên của các dân tộc Trung Hoa mà ta biết hiện nay.

      – Lại nói ở đất Việt Nam, con cháu nhà ông A ông A, nhà ông B, nhà ông C bấy giờ cũng sinh sôi sang thế hệ đời sau gọi là A2, B2, C2, khoảng 5.000 năm trước họ cũng xây dựng nên các nền văn hóa Phùng Nguyên-Đông Sơn, cũng bắt đầu sản xuất nông nghiệp. Đây là nguồn gốc văn minh và tổ tiên của các dân tộc Việt Nam mà ta biết hiện nay.

      ______________

      Do đó, người Việt Nam và người Trung Quốc ngày nay là con cháu của các vị tổ tiên thời xưa. Tuy núi sông liền một dải, nghe tiếng gà chó của nhau, nhưng người ở bờ sông Hồng, kẻ ở mé sông Hoàng Hà, mạch nguồn thế núi khác nhau, văn hóa phong tục ngôn ngữ khác nhau, cho nên mới phân biệt ta là Việt mà bạn là Hoa. Mặc dù tổ tiên của chúng ta là các ông A B C X Y Z từng cùng là hàng xóm ở Việt Nam thủa mới từ đất tổ châu Phi sang đây.

      Cho nên ông Hà Văn Thùy nói người Việt là tổ tiên của người Hoa là sai nhé! Chúng ta chỉ có chung tổ tiên, và chúng ta là anh em, họ hàng với nhau về mặt di truyền DNA. Chúng ta có lịch sử riêng, cho nên nay gọi là Việt và họ gọi là Hoa. Chúng ta dựng nước từ thủa vua Hùng trải Đinh Lý Trần Lê. Họ dựng nước từ Tam Hoàng Ngũ Đế trải Hạ Thương Châu Tần Hán Đường Tống Nguyên Minh Thanh. Nói chung là họ hoành tráng vĩ đại hơn ta nhiều, họ có chữ viết từ sớm. Bởi vì tổ tiên của họ là các ông X Y Z có công đức sâu dày, chịu khó vượt lên phía bắc khai thác vùng đất có phong thủy tốt là Hoàng Hà Trường Giang. Còn chúng ta là con cháu của các ông A B C công đức không bằng, chỉ quanh quẩn ở vùng đất có phong thủy trung bình là sông Hồng và sông Mã.

      Thích

      • Tôi lại nghe truyền thuyết kể rằng:

        Thời xưa khi núi rừng còn rậm rạp không bị chặt phá như bây giờ. Thủa ấy, con người hồn nhiên sống trong các cánh rừng đầy hoa thơm cỏ lạ, thật là thoái mái biết bao! Bấy giờ ở bên dòng sông Cơ Thủy (姬水) ở lưu vực sông Hoàng Hà, con cháu của các ông X Y Z từ Việt Nam lên từ hàng ngàn năm trước thì nay đã sinh con cháu gọi là X2 Y2 Z2, họ đã tự gọi mình là các bộ tộc Hoa Hạ rồi, thủ lĩnh của họ là Hoàng Đế (黃帝), sử quan của họ là Thương Hiệt (倉頡) bắt đầu nhìn vết chân chim thú mà làm ra chữ viết. Họ đánh bại thủ lĩnh Xi Vưu (蚩尤) bộ lạc Cửu Lê (九黎) ở cánh đồng Trác Lộc cách sông Cơ Thủy không xa lắm, thống nhất các bộ lạc ở lưu vực sông Hoàng Hà, mở ra thời kỳ gọi là Ngũ Đế (五帝). Thế rồi ngày tháng thoi đưa, bãi bể nương dâu, nước sông Hoàng Hà cũng mấy lần dâng lên gây ngập lụt thời vua Nghiêu (堯) vua Thuấn (舜) rồi. May có ông Vũ (禹) vét chín sông thông chín núi mà thiên hạ được yên. Nhờ đó lưu vực sông Hoàng Hà trải thời Hạ Thương Châu, rồi Tần Hán, xây dựng và mở mang bờ cõi mãi đến hôm nay.

        Cũng vào thời ấy, ở lưu vực sông Hồng, con cháu của các ông A B C cũng sinh sôi sang thế hệ A2 B2 C2, họ tự gọi mình là các bộ lạc Giao Chỉ (交趾), sau gọi là Lạc Việt (駱越). Thủ lĩnh của họ là Hùng Vương (雄王) thống nhất 15 bộ lạc đóng đô ở đất Phong Châu (峰州) ở ngã ba sông Lô-Thao-Đà. Thế rồi cũng theo quy luật trời đất, bãi bể nương dâu, hết thịnh lại suy, có sinh có diệt, khoảng ở thời Tần của Trung Quốc bị con cháu của vua Thục (蜀) đánh diệt, dời đô sang ở Phong Khê (封溪) mà di chỉ hãy còn ở xã Cổ Loa huyện Đông Anh ngày nay, xưng là An Dương Vương (安陽王). Không may lại bị nước Nam Việt (南越) thôn tính, mở ra 1.000 năm Bắc thuộc, sau mới tự chủ Ngô Đinh Lý Trần Lê, mở cõi đến mũi Cà Mau đến nay.

        _____________

        Cho nên nay người Hoa Hạ xưng là con cháu Viêm Hoàng. Người Việt Nam là con cháu của vua Vua Hùng là như thế đó.

        Thích

    • Hề… hề…., thưa tác giả Hà Văn Thùy: Bản nhân đã chờ cả 6h rồi mà không thấy tác giả lên tiếng vì một người nào đấy đưa ra minh họa hai nhóm người mà ông ta vắn tắt là A, B,C và nhóm X, Y, Z, nhưng, do vì nóng tính bản nhân không thể chờ lâu hơn nữa, nên, bản nhân xin phép tác giả nói trước vậy!?
      1. Cái ông gì đó rất không lương thiện, vì, ông ấy cố tình tảng lờ cái chuyện X, Y, Z và A,B,C có trùng gen hay khác gen (cùng bộ tộc hay khác bộ tộc), nếu cùng bộ tộc thì ông ta phải giải thích thế nào về việc người Việt (Bách Việt) khác hẳn nhân chủng học với cái đám Hoa Hạ?
      2. Bây giờ hãy giả định rằng X, Y, Z cùng gen với A, B, C nhưng lại là một phần cấp tiến, muốn đi tìm một vùng trời khác để lập nghiệp, nên, họ đã rời khỏi quê hương bản quán của mình để BẮC TIẾN, khi định cư ở khoảng Hoàng Hà, Trường Giang thì con cháu của X, Y, X đụng độ với bọn dã man từ miền TÂY BẮC tràn xuống. Có một số con cháu của X, Y, Z thích tự sướng nên bảo toàn được gen của tổ tiên, còn, một số khác lại khoái “Của lạ” nên đồng ý hợp chủng. Đây chính là tiền đề để có loại con lai mà sau này lịch sử gọi là Hoa Hạ đó!!

      Thích

      • 1. Khi đoàn người từ Châu Phi đi qua Ấn Độ đến Việt Nam thì các thị tộc có thể không cùng DNA, có thể có nhiều chủng tộc hoặc hơi khác nhau về ADN mà theo Y-DNA phụ hệ có các nhóm O1, O2, O3, D.

        2. Khi các bộ tộc định cư ở lưu vực Hoàng Hà Trường Giang thì có thể hôn nhân với các bộ tộc từ Tây Bắc và Trung Á tràn sang, theo Y-DNA là Q, N, C, cho nên về ngoại hình các bộ tộc Hoa Hạ (cùng Hàn Nhật Mãn Châu) nói chung với khác với bộ tộc ở Việt Nam.

        Thích

  12. Xin thưa, truyền thuyết là những câu chuyện truyền miệng lưu truyền trong dân gian, không phải là lịch sử. Phải hao biết bao công sức và trí tuệ, con người mới tìm được lịch sử. Trong khi chắt lọc từ nghiên cứu nghiêm túc của mình hơn chục năm qua để trình bày một lịch sử thực sự với đồng bào mình thì ông Tích Dã đưa “truyền thuyết” bịa tạc ra để đùa cợt. Không thể nói chuyện với người không biết nghe vì vậy tôi xin chấm dứt việc tranh cãi vô bổ tại đây.

    Thích

    • Vâng ông Hà Văn Thùy, truyền thuyết có bao nhiêu thì nói thế thôi. Không suy diễn nhiều, nếu vậy gọi là bịa sử.

      Lịch sử Việt Nam là ở Việt Nam, không liên quan đến truyền thuyết lịch sử Trung Quốc. Ông đừng suy diễn Hoàng Đế Thần Nông, văn hóa Lương Chử, Tam Tinh Đôi ở Trung Quốc.

      Thích

    • Việt Nam ngày nay có 54 dân tộc. Trung Quốc ngày nay có 56 dân tộc. Cộng lại là hơn 100 dân tộc. Các dân tộc đều có tổ tiên chung ở châu Phi, qua nhiều đời phân tán và có lịch sử khác nhau. Hình thế địa lý và hoàn cảnh chính trị dẫn đến như thế. Mỗi thời có các dân tộc có tên gọi khác nhau, có các dân tộc bị đồng hóa hoặc bị phân chia.

      Dân tộc Kinh ở Việt Nam ngày nay, có tính dân tộc ở đồng bằng sông Hồng có lịch sử phát triển văn minh không ngừng nghỉ từ thủa vua Hùng dựng nước, tên gọi Giao Chỉ hoặc Lạc Việt với các triều đại Đinh Lý Trần Lê.

      Bình Ngô đại cáo nói:

      Như nước Đại Việt ta từ trước,
      Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
      Núi sông bờ cõi đã chia,
      Phong tục Bắc Nam cũng khác.
      Trải Triệu Đinh Lý Trần bao đời dựng nước
      Cùng Hán Đường Tống Nguyên hùng cứ một phương.

      Lịch sử mỗi dân tộc tính từ dựng nước và văn minh. Trước đó các dân tộc đều như nhau.

      Thích

  13. Linh hiến (靈憲)

    [Hán (漢) – Trương Hành (張衡) soạn]

    道根既建,自無生有。太素始萌,萌而未兆,並氣同色,渾沌不分。故道志之言云,‘有物渾成,先天地生’,其氣體固未可得而形,其遲速固未可得而紀也。如是者又永久焉,斯謂龐鴻。

    Gốc rễ của đạo đã dựng, từ chỗ hư không mà sinh ra vật có hình dạng, bắt đầu sinh ra cái cốt lõi, mới nảy mầm mà chưa mọc chồi, cùng một khí mà cùng một màu, hỗn độn chưa phân biệt. Cho nên các sách đạo nói ‘Từ nơi hỗn độn sinh ra các vật có hình dạng, sinh ra trước trời đất’. Khí thể của nó vốn chưa kết thành mà có hình dáng, sự chuyện động nhanh chậm của nó vốn chưa có mà đo đếm được vậy. Như thế lại bền vững lâu dài, gọi là Bàng Hồng (龐鴻).

    ____________

    Thời đại dựng nước của vua Hùng là thời mới mở mang còn hỗn độn nhưng ý nghĩa to lớn. Cho nên sử Việt mới gọi là họ Hồng Bàng (鴻龐). Hồng Bàng (鴻龐) là Bàng Hồng (龐鴻).

    Thích

  14. 1. Thưa ông Tích Dã
    * Bản nhân thực sự coi ông là SIÊU THỦ THƯ rồi, vì, ở mọi vấn đề bàn đến ông đều trưng ra được các sách Tầu viết về sự kiện đó
    * Nhưng ông có biết một SIÊU THỦ THƯ trong THIÊN LONG BÁT BỘ không, cái ông già quét chùa này lại có một võ công cực cao, ông ta là SIÊU THỦ THƯ, nhưng lại hơn ông vì ông ấy không dừng lại ở mức coi mình chỉ là lũ HỌC TRÒ MẶT TRẮNG mà cố luyện mọi nội công ở mọi cuốn sách mà ông ta có thể đọc được.
    * Siêu thủ thư cao hơn học trò mặt trắng một bực khi nhận ra rằng Nguyễn Trãi trong “Đại cáo bình Ngô” đã tự suy thoái, tự diễn biến thành một thứ Nguyễn Trãi công nhận Hùng vương trong “Dư địa ký” là thế nào nhé.
    2. Thưa trang web nghiencuulichsu.com.
    Quả tình bản nhân thực sự xấu hổ vì đến tận bây giờ bản nhân chưa biết vị chủ trang này là ai, cao nhân ở phương nào, nên, bản nhân chỉ mong quý cao niên để cho ý kiến của bản nhân được đến tới ông Tích Dã: Giải thích làm sao chuyện Nguyễn Trãi đây!?

    Thích

    • Thưa ông Lại Việt:

      Chuyện về Hùng Vương (hoặc gọi Lạc Vương) được các sách Tàu xưa ghi lại, ít nhất là thời Tấn (晉) hoặc thời Nam bắc triều. Là sách xưa thì ghi chép càng gần sự thật hơn. Người Việt Nam từ thời Đinh Lý Trần Lê cũng bắt đầu ghi lại chuyện ấy và có ghi thêm các câu chuyện nữa. Truyền thuyết mà! Thời Lê thì ông Nguyễn Trãi ghi chuyện Hùng Vương trong sách Dư địa chí, thêm chuyện Kinh Dương Vương (涇陽王) và Lạc Long Quân (貉龍君) dòng dõi ông Thần Nông (神農) được phong (封) sang dựng nước ở Việt Nam.

      Ta thấy điều gì ở chuyện này?

      – Chuyện về thời đại ông Thần Nông (神農) cách xa thời ông Nguyễn Trãi (thời Lê, thế kỷ 15) rất xa. Không có sách nào gần nhất (ví dụ thời Xuân thu hoặc ít nhất cũng thời Hán, Nam bắc triều) ghi chuyện Kinh Dương Vương được phong ở Việt Nam. Chúng ta có quyền nghi ngờ chuyện này. Hóa ra là ghi ở sách Lĩnh Nam chích quái (嶺南摭怪).

      – Tạm cho rằng ghi chép của Nguyễn Trãi có ít nhiều sự thật. Vậy thì Kinh Dương Vương được phong ở Việt Nam thì cũng chỉ là vua ở Tàu được phong sang, như chuyện ông dòng dõi Thiếu Khang nhà Hạ được phong ở Cối Kê lập nên nước Ư Việt (於越), ông Thái Bá được phong ở Kinh Man lập nên nước Câu Ngô (句吳). Đều là chuyện con cháu của các vị vua ở Tàu sang thống trị thổ dân Man Di còn hoang dã mà dựng nước ở đấy. Phải chăng các ông Nguyễn Trãi nghĩ rằng thổ dân còn xăm mình cắt tóc, chưa có lễ nghĩa, đến đây được các ông vua từ đất Tàu sang dạy cho văn minh lễ nhạc?

      – Tuy nhiên, dù Kinh Dương Vương có gốc ở bển Tàu sang thì dòng dõi là Hùng Vương (雄王) lại đóng đô ở Phong Châu (vùng ngã ba sông Lô, Thao, Đà) dựng nước ở đây, vẫn có phong tục riêng với Tàu.

      Thích

      • Thưa ông Tích Dã
        * Khi Nguyễn Trãi viết BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO thì ông ấy cùng các thủ lĩnh Lam Sơn chỉ coi nước Việt có giới hạn từ Lĩnh Nam trở xuống.
        * Khi lập quốc, Thái tổ Lê Lợi đã nhận thức được rằng các triều đình Lý, Trần, Hồ chỉ là thứ Tầu nhái (xây dựng nhà nước và cai trị dân chúng theo mô hình Trung Nguyên, Việt đấy mà không phải là Việt, theo thuyết trung tâm coi Trung Nguyên làm chuẩn về mọi mặt văn hóa, tự biến mình thành chư hầu), và, trong một bối cảnh có nhiều gia tộc vỗ ngực rằng tổ tiên của mình là ” người phương Bắc”, nên, ngài quyết tâm xây dựng một nhà nước thuần Việt vì cái gọi là ” người phương Bắc” cũng chỉ là các bộ tộc Việt đã chấp nhận Ngô hóa mà thôi. DƯ ĐỊA CHÍ ra đời trong hoàn cảnh Thái tông Lê Nguyên Long chấp nhận thuyết Hùng vương có biên giới vượt qua Lĩnh Nam và vươn tới hồ ĐỘNG ĐÌNH (đây mới chỉ tính Văn Lang thôi đấy nhé) nhằm để cảnh cáo các loại khoe khoang rằng tổ tiên là ” người phương Bắc”, vì, các anh cũng chỉ là người Việt thôi nhưng là loại đã đầu hàng. Ngoài Nguyễn Trãi, còn có Ngô Sĩ Liên được Thái tông cho đỗ vớt với điều kiện phải đưa học thuyết của Hồ Tông Thốc vào chính sử (Hồ Tông Thốc viết VIỆT NAM THẾ CHÍ, thừa nhận nhà nước Văn Lang, tiếc thay đã bị giặc Ngô hủy hết khi chúng xâm lăng nước Việt).
        Nguyễn Trãi là con dân triều Trần, có học vấn ở triều Hồ nhưng đã nghe theo truyền thuyết Văn Lang trong dân chúng được Hồ Tông Thốc tổng kết và triều Lê sơ đưa vào chính sử, thưa ông.

        Thích

      • Thưa ông Lại Việt:

        Nền quốc sử nước ta có từ thời nhà Lý có Sử ký của Đỗ Thiện, không biết chép những gì vì đã thất truyền.

        Sang thời Trần có Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu chép từ thời Triệu Vũ Đế về sau. Do đó ta thấy, nhà Trần lấy mốc dựng nước từ Triệu Vũ Đế của nước Nam Việt, bỏ quên hoặc xem thời Hùng Vương là truyền thuyết. Có sách An Nam chí lược của Lê Trắc cũng xem thời Hùng Vương là truyền thuyết cũng không xem là bản kỷ. Tuy nhiên cũng có sách Đại Việt sử lược cũng bắt đầu chép thời Hùng Vương. Tất cả các sách này đều không chép về Kinh Dương Vương họ Thần Nông.

        Nước ta bắt đầu xưng là Việt từ thời nhà Đinh gọi là Đại Cồ Việt, sang nhà Lý Trần xưng là Đại Việt, nhà Hồ xưng là Đại Ngu. Thời nhà Lê xưng là Đại Việt. Các nhà Đinh Lý Trần Lê xưng là Việt là vì nước ta là đất Giao Chỉ từng là một thuộc địa của nước Nam Việt thời vua Triệu Vũ Đế. Cũng vì lẽ đó, thời Ngũ đại thập quốc, có Lưu Cung cát cứ ở Quảng Châu cũng từng đặt tên nước là Đại Việt trước khi gọi là Nam Hán, vì đất Quảng Châu cũng từng là thuộc địa và là kinh đô của nước Nam Việt. Xa xưa hơn nữa thì đất Giao Chỉ và đất Quảng Châu đều gọi là Bách Việt, tên gọi này có từ thời Chiến quốc trong sách Tàu.

        Kể từ vua Hùng dựng nước đóng đô ở Phong Châu, trải qua thời nhà Thục định đô Phong Khê, nhà Triệu đóng đô Phiên Ngung, nhà Bà Trưng đóng đô Mê Linh, nhà Tiền Lý đóng đô Long Biên, vua Cao Vương đô ở Đại La, nhà Đinh đóng đô Hoa Lư, nhà Lý Trần Lê đô Thăng Long, nhà Nguyễn đô ở Phú Xuân. Cả thảy ngót 4.000 năm. Rất nhiều dòng họ và bộ tộc đã sinh sôi ở đất này, ở bên dòng sông Hồng rồi sông Mã, sau là sông Cửu Long. Tuy có nguồn gốc khác nhau nhưng chung một quốc gia. Đây mới là lịch sử của chúng ta.

        Thích

  15. Giặc Tàu đã hủy diệt sách sử nước Việt sau khí đánh bại nhà Đại Ngu nên Hà Văn Thùy tiên sinh cố gắng dựng lại cổ sử nước Việt bằng cách tham khảo thêm các kết quả khảo cổ học và di truyền học chủng tộc hiện đại.
    Còn Tích Dã tiên sinh thì cứ khăng khăng dựa vào sử Tàu cũ và các lọai sử Ta viết dựa sử Tàu để phủ nhận các lập luận của Hà tiên sinh.
    Dùng bằng chứng MỚI được biên soạn bởi chính những kẻ đã tiêu hủy bằng chứng CŨ thì liệu có khách quan ???

    Thích

  16. Tại sao lịch sử của một dân tộc cứ phải “đóng khung” trong biên giới hiện nay của dân tộc đó ? Đó không phải là một nhãn quan sử học. Lịch sử của Hy Lạp thời cổ đại bao gồm cả miền Tiểu Á và miền Nam bán đảo Ý. Lịch sử của Ý thời cổ đại bao trùm gần hết châu Âu, một phần Tây Á và Bắc Phi. Và lịch sử Mông Cổ còn lại gì nếu chỉ “đóng khung” trong biên giới quốc gia hiện nay ? Còn nếu cho rằng tổ tiên người Việt chưa từng cư trú bên ngoài lãnh thổ hiện nay thì thật sai lầm. Các bằng chứng mới nhất về di truyền học đang khẳng định điều ngược lại. Khoa học sẽ đưa chúng ta từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, ngày càng đến gần sự thật. Và có thể sự thật về thuở hồng hoang sẽ khác hẳn những gì đã ghi trong lịch sử.

    Thích

    • Việc gì cũng có nguồn gốc bạn ạ.

      – Người Hy Lạp xây dựng văn minh ở Hy Lạp ngày nay, họ có chữ viết dựa trên bảng chữ cái Hy Lạp, có triết học, cho nên quản lý đất nước rất tốt, rồi mới bành trướng lãnh hổ ra cả Ai Cập và Tây Á.

      – Người Ấn Độ cổ đại cũng có chữ viết, văn minh tốt, từ vùng sông Hằng, rồi thống nhất cả lục địa Ấn Độ.

      – Người Hoa Hạ có chữ Hán từ thời ông Thương Hiệt, hoặc từ thời Thương có Giáp cốt văn, họ dần dần dần thống nhất Chiến quốc rồi xâm lược Bách Việt, Tây Nam Di, Tây Vực, có Trung Quốc như ngày nay.

      – Người Giao Chỉ tức Lạc Việt chúng ta, xa lánh ở vùng sông Hồng mà cũng bị Trung Quốc đô hộ 1.000 năm, vì không có chữ viết. Sau này Ngô Đinh Lý Trần Lê Nguyễn có chữ Hán học văn minh Tàu rồi, xâm lược Chiêm Thành, Chân Lạp, Bồn Man mới có lịch sử dải đất hình chữ S như ngày nay.

      Bộ ông nghĩ thời vua Hùng hoặc cởi trần đóng khố, hoặc gõ trống đồng mà mở mang lãnh thổ lên được hồ Động Đình được sao? Mơ nữa đi, giấc mơ còn dài lắm nhé!

      Thích

      • Sao ông lại có cái nhìn định kiến và quá tự ti về tổ tiên người Việt như vậy ?
        Thứ nhất, chuyện Thương Hiệt sáng tạo chữ viết là hoang đường. Còn chữ giáp cốt đời Thương là do người Hoa Hạ sáng tạo hay do họ học hỏi, tiếp thu của ai, vấn đề này còn chưa rõ ràng (nên nhớ chữ viết của nền văn minh Hy Lạp rực rỡ một thời là tiếp thu từ người Phoenician, và người Phoenician có chữ viết của mình là nhờ học hỏi và cải tiến chữ viết của người Ai Cập). Hiện nay dựa vào các bằng chứng di truyền học mới phát hiện, người ta đặt ra giả thuyết một bộ phận người Đông Nam Á đã từng di cư theo 2 hướng : xuống châu Đại Dương và lên phía Bắc, tức là nơi mà ngày nay gọi là lục địa Trung Hoa (khi đó vẫn chưa có người Hoa Hạ). Bộ phận đi lên phía Bắc chính là người Việt cổ, và họ là chủ nhân lục địa Trung Hoa một thời gian dài. Xin nhắc lại, giả thuyết này không phải là suy đoán mà nó có cơ sở vững chắc từ các thành tựu mới nhất của di truyền học. Còn người Hoa Hạ có nguồn gốc từ đâu, có quan hệ máu mủ với người Việt không, cái này tôi không tranh luận, chỉ nói rằng họ đến sau, và nhiều khả năng là có tiếp thu văn hóa của người đến trước (như lịch sử thường diễn ra như vậy)
        Thứ hai, ông cho rằng người Việt cổ chưa có chữ viết ? Hiện nay vẫn chưa có nhà nghiên cứu sử học chân chính nào dám mạnh miệng khẳng định như thế. Biết đâu nhỡ đã có chữ viết nhưng thất truyền thì sao ? Biết đâu chữ viết của họ bị dân tộc khác đánh cắp, rồi cải biên lại, tự nhận là của mình thì sao ?
        Thứ ba, ông bảo tổ tiên người Việt “đóng khố cởi trần” ? Đó chỉ là cách nhìn khinh miệt của đám sử quan Hoa Hạ đối với các dân tộc khác, mà họ cho là man di. Cho dù có “đóng khố cởi trần” thì không thể tiến lên hướng bắc được sao, khi mà nơi đó còn vô chủ ? Người Mông Cổ, Khiết Đan mọi rợ vẫn có thể tiến vào Trung nguyên cơ mà.
        Đọc nhiều cổ sử thì tốt, nhưng chỉ nên tin nó phần nào thôi. Sử luôn thiên lệch về phe mạnh, phe chiến thắng và bôi xấu, hạ thấp phe bại trận. Cứ nhìn sử nhà Nguyễn viết về Tây Sơn thì đủ biết. Muốn biết sự thật thời hồng hoang, cần tham khảo những thành tựu mới nhất từ giới khoa học.
        Tôi nghĩ sao nói vậy. Lời thật có thể mất lòng. Có gì không phải, mong ông bỏ qua cho.

        Thích

    • Chuyện ông Thương Hiệt tạo chữ có từ thời Chiến quốc, tuy là truyền thuyết nhưng có lý của nó. Chữ viết lúc đầu là do một cá nhân kiệt xuất sáng tạo nên. Ví như thời hiện đại có ông Y Sắc Niu Tơn sáng tạo ra điện năng vậy. Và phát triển và giữ gìn thành quả sáng tạo đó thì phải có cái nền móng khoa hoặc văn minh đã phát triển tầm cỡ.

      Chữ viết Ai Cập, Phoenicia và Hy Lạp, là do học hỏi giao lưu giữa các quốc gia ở quanh Địa Trung Hải, dựa theo quy tắc chữ ghép vần. Là có khảo cổ và ghi chép làm chứng. Các quốc gia Ấn Độ, Trung Hoa, Lưỡng Hà cũng có khảo cổ và ghi chép làm chứng. Trong khi Việt Nam không có khảo cổ và ghi chép làm chứng. Ghi chép sử sách thì Đại Việt sử lược chép “Thời vua Hùng phong tục chất phác, ghi việc dùng lối thắt nút”. Hay như chuyện Sĩ Vương làm Nam Giao học tổ. Khảo cổ thì không có dấu vết gì có hệ thống chữ viết thời vua Hùng. Mới đây có trống đồng Cổ Loa có khắc chữ Hán chỉ là giao lưu với nhà Tần-Hán (qua nước Nam Việt). Dù sao đều là học hỏi của Hoa Hạ về sau này.

      Cái thời xa xưa hồng hoang ấy, khi con người ở Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam, các ông Việt tham quá, chỉ nhận vơ là người Việt cổ thôi, nếu đúng thì bọn Lào, Miến, Thái, Cam cũng sẽ nhảy vào nói). Nhưng thật ra, các bộ tộc mà các người gọi là “người Việt cổ” thủa ấy có rất nhiều bộ tộc như bộ tộc Ngồi Xổm, bộ tộc Cởi Trần, bộ tộc Chân Đất, bộ tộc Cà Răng, bộ tộc Căng Tai, bộ tộc Xăm Mình, bộ tộc Răng Đen, bộ tộc Xõa Tóc, bộ tộc Búi Tóc, bộ tộc Cắt Tóc… Về di truyền thì đều là anh em họ hàng, cùng có tổ tiên là là bộ tộc Da Đen và bộ tộc Tóc Xoăn từ Châu Phi tới.

      Một thủa nọ, một vài trong các bộ tộc kể trên họ đã bắc tiến lên khai thác lục địa Trung Hoa, một vài bộ tộc lại nam tiến khai thác lục địa Úc Đại Lợi. Trải qua các ngàn năm khai thác, gặp thiên thời là nước biển rút để lộ đồng bằng, gặp địa lợi là lục địa Trung Hoa thần thánh núi cao sông sâu, đồng lầy vạn dặm, nhân hòa là các bộ tộc là con cháu của các bộ tộc dám phiêu lưu khai phá. Đúng là long chầu hổ phục, đất lành chim đậu, khoảng 5.000 năm trước họ đã dựng nên các nền văn minh rực rỡ Ngưỡng Thiều, Lương Chử, Long Sơn, trở thành nền móng cho văn minh Trung Hoa.

      Trong khi đó, các bộ tộc ở Việt Nam thì không cần nói nữa cũng biết rồi. Vùng Đông Nam Á xưa nay vẫn là vùng trũng của thế giới, xưa nay vẫn là giao thoa của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa.

      Sáng tạo ra chữ viết là một chuyện, có gìn giữ và phát huy được hay không? Đó là NẾU. Thì suy luận vô cùng.

      Người Mông Cổ Khiết Đan vừa rồi thời Tống vào Trung Nguyên là thời trung đại, đã dùng xe ngựa đi lại, đã có hệ thống chữ viết, dùng vũ khí bằng sắt và bắt đầu có hỏa khí (thuốc nổ) mới thống trị xâm lược Trung Hoa. Còn 5.000 năm trước đây, đi bộ thì phải qua hàng trăm năm, phải qua nhiều thế hệ, mới dùng rìu đá khai thác được Trung Hoa nhé!

      Người Trung Hoa chỉ tiến vào đô hộ Giao Chỉ cách đây 2.000 năm. Khi đó thời vua Hùng và vua An Dương Vương thì có gì mà phải hạ thấp? Triệu Đà thắng An Dương Vương là dùng văn minh đỉnh cao của nhà Tần Hán mà chinh phục. Mã Phục Ba đánh thắng Hai Bà Trưng cũng như vậy. Sử nói “Âu Lạc là nước cởi trần cũng xưng vương” là nói thực tế bấy giờ văn minh ở Việt Nam thua kém Trung hoa rất nhiều. Nước cởi trần [lỏa quốc (裸國)] là chỉ nước còn kém văn minh, không có áo mũ lụa là mới phải thế. Ngày xưa vua Hạ Vũ từng đi tới nơi như vậy mà hời Tần Hán rồi mà vẫn còn những nước như vậy sao? Thế đấy.

      Thích

      • Hệ…hệ…, ông Tích Dã này, bản nhân đã rất phục ông vì ông là SIÊU THỦ THƯ, nhưng, bản nhân lại không phục ông khi ông vận dụng kiến thức trong kho sách của mình để giải thích một sự kiện nào đó. Chỉ đơn cử chuyện về ông nói về Isac Newton về môn điện, ông đã thấy sai chưa (người đặt nền móng cho môn Điện là nhà thực vật học William Gilbert, ông này rất căm ghét cái bọn Kittigara vừa ngu vừa ngông ngạo vì chúng không hiểu “điện” là gì mà lại đi vinh danh thằng cha khác chẳng dính dáng gì tới môn “điện” do mình mang nặng đẻ đau!!

        Thích

      • Xin lỗi. Tôi sai về I Sắc Niu Tơn rồi. Tuy vậy, về nghiên cứu điện năng là của người châu Âu phát minh và phát huy từ mấy trăm năm trước.

        Cũng như chữ Hán ngày nay là phát minh và phát huy của người Trung Hoa suốt 3.000 năm nay. Cũng có thể thời xưa có nhiều nơi bắt đầu có mầm mống của chữ viết. Tuy nhiên do hoàn cảnh chủ quan và khách quan mà phát huy và gìn giữ theo xu hướng khác nhau, hoặc đã bị mai một.

        Thích

  17. Coi các ông cãi nhau thật buồn cười, tôi xin có mấy điều sau: thứ nhất đem so sánh Việt Nam với trung quốc. Thứ hai đem cái nhỏ mà không có Dẫn chứng để chứng minh nó sinh ra cái lớn

    Thích

    • Hề…hề… thưa ông Tích Dã và ông Nghiêm Ngọc Chánh: tự nhiên lại xuất hiện một tên CHA CĂNG CHÚ KIẾT nào đó ra vẻ muốn làm trọng tài, coi cuộc tranh luận của chúng ta chỉ là trò cười (để nó đứng giữa hưởng lợi), nên, bản nhân tha thiết yêu cầu hai ông tạm dừng tranh luận lại và tìm ra cái tên này. Được không ạ?

      Thích

  18. Từ những năm 50 của thế kỷ XX đến nay, các nhà Sử học và Khảo cổ học Trung Quốc và nhiều nước phương Tây đã thực hiện nhiều thăm dò, khảo sát khám phá ra nền văn minh Lạc Việt thời cổ đại để lại các di chỉ, di tích tại nhiều vùng từ nam sông Dương Tử, các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam,… đến tận vùng bắc sông Dương Tử và lưu vực sông Hoàng Hà trong đó có tỉnh Sơn Đông. Chính các tài liệu khoa học lịch sử, khảo cổ học Trung Quốc về “Chữ Khoa Đẩu” đăng bởi Lí Nhĩ Chân ngày 03/01/2012 nhận định “ Phát hiện chữ viết của người Lạc Việt lần này sẽ viết lại lịch sử chữ viết ở Trung Quốc, chứng minh văn hóa Lạc Việt là một trong những nguồn gốc trọng yếu của văn hóa Trung Hoa. 大 石 铲 Đại thạch sản – Xẻng đá lớn là một đồ vật bằng đá đơn giản, tạo hình sáng đẹp, góc cạnh đối xứng, là đồ vật rất quan trọng của vùng Đông Nam Á và vùng Lĩnh Nam thời xưa, thuộc thời cuối của thời đại đồ đá mới. Các Nhà Khảo cổ học Trung Quốc gọi là “văn hóa xẻng đá lớn”.Bộ môn khảo cổ uy tín của nhà nước giám định, niên đại của xẻng đá lớn là vào 4000 – 6000 năm trước vào thời đại đồ đá mới, trên các phiến đá có khắc chữ được phiên âm ra chữ Trung Quốc ngày nay: ”根 据 散 布 在 文 字 石 片 旁 的 完 整 大 石 铲 推 断 这 些 古 骆 越 石 片 字 和 大 石 铲 的 时 代 相 同。国 家 权 威 考 古 部 门 曾 测 定,大 石 铲 时代 在4000 年 前 至 6000 年 前”. Dựa theo sự phân bố xẻng đá lớn hoàn chỉnh ở bên phiến đá có khắc chữ viết mà suy đoán, niên đại của chữ viết trên đá của người Lạc Việt và xẻng đá lớn là giống nhau,… Chữ viết của người Lạc Việt cổ phát hiện ở trong di chỉ cúng tế xẻng đá lớn Cảm Tang sớm hơn chữ giáp cốt của nhà Thương ở Trung Nguyên đến hơn 1000 năm”. Căn cứ vào chính phát hiện về Khảo cổ học do Trung Quốc công bố thì Vua Nhà Thương là người Việt, chính vì vậy đã thừa kế chữ Việt cổ.
    Như vậy đã đủ bằng chứng về chữ viết của người Việt cổ chưa ? Xin nhấn mạnh tất cả những phát hiện trên là do giới sử học và khảo cổ học Trung quốc công bố.
    Khoảng 70000 năm trước, người Homo sapiens đã có mặt trên đất Việt Nam. Họ định cư tại đó khoảng 30000 năm, đủ lâu để tạo ra bản sắc văn hóa riêng, trở thành người Việt cổ. Khoảng 40000 năm trước, một bộ phận người Việt cổ bắc tiến, chiếm lĩnh lục địa Trung Hoa. Tại sao chỉ có người Việt mà không có Thái, Lào, Cam, Miến, Mã ? Xin thưa, người Campuchia, Mã Lai nếu có, liệu có thể đến lục địa Trung quốc được không ? Người Thái, Lào, Miến lúc này chưa có nhé. Mãi sau này người Việt tan rã thành nhiều nước, trong đó có Điền Việt. Dân cư ở đây về sau bị đồng hóa và lai tạp, hình thành nhóm Tày-Thái, rồi bị dồn đuổi về phía Nam mới sinh ra Thái, Lào bây giờ.
    Một nhánh Homo sapiens khác đi qua Trung Á, đến Trung quốc từ phía bắc. Đó là người Mongoloid phương Bắc. Khoảng 30000 năm trước họ xâm nhập Trung nguyên. Người Việt cổ chống đỡ không nổi, lùi xuống phía nam. Một bộ phận ở lại, lai tạp với Mongoloid phương Bắc, thành Mongoloid phương nam, tức người Hoa Hạ. Sau hàng vạn năm, cuối cùng người Hoa Hạ dồn đuổi, đồng hóa dần người Việt, chỉ còn nhánh Lạc Việt như ngày nay.
    Lịch sử nó thiên biến vạn hóa như thế, chứ có phải dân tộc nào cũng là chủ nhân của đất nước mình ngay từ thời tiền sử đâu.
    Còn sử Tàu chỉ kể từ khi có người Hoa Hạ, có biết người Việt từ đâu tới không ? Có biết chuyện gì xảy ra trước đó ? Hơn nữa trong suốt lịch sử, người Hán luôn bành trướng lãnh thổ, cần phải biện minh cho hành động xâm lược của mình. Tốt nhất cứ nói là dân tộc đó còn man rợ, cần có người Hoa Hạ đến mở mang, giáo hóa. Sử Tàu có thiên lệch không ? Chỉ cần xét chuyện gần đây là đủ biết : quân Thanh bị Quang Trung đánh cho đại bại mà Càn Long còn nói là thắng trận khải hoàn, đưa vào “thập toàn võ công” (!)
    Nước Việt ta, có thể thua kém Trung Hoa về thực lực quân sự nhưng về văn minh thì chưa chắc (ý tôi nói là không phải lúc nào cũng thua kém). Cũng như người Ai Cập, từng có nền văn minh rực rỡ, sớm nhất thế giới với chữ tượng hình rất lâu đời, nhưng hiện nay thì đang ở đâu, và còn người Ai Cập nào đọc được chữ của tổ tiên.
    Những gì tôi nói đều có cơ sở khoa học cả, không dám suy đoán bừa, chỉ sợ ông ngại đọc thôi.

    Văn minh Việt – Một sự thật lịch sử

    Thích

    • Chữ viết khắc trên phiến đá ở di chỉ Cảm Tang (感桑) thuộc huyện Bình Quả (平果) tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Di chỉ Cảm Tang nằm ở bên sông Tả Giang. Các nhà nghiên cứu lịch sử khảo cổ Trung Quốc cho đó là di tịch của người Lạc Việt thời xưa, mà hậu duệ trực tiếp đến nay là người Choang (một dân tộc chiếm số đông ở Quảng Tây, chỉ sau người Hán).

      Thế đấy, các ông là người Việt Nam ở đồng bằng sông Hồng, dân tộc Kinh, chứ không phải dân tộc Choang. Lịch sử hai dân tộc Choang và dân tộc Kinh có chiều hướng phát triển và lịch sử hình thành riêng. Dẫu rằng đều có tổ tiên là người Lạc Việt xưa.

      Ông tổ là người Lạc Việt sinh ra các người con mà sau này hình thành nên các dân tộc Choang, Kinh.

      So sánh chữ Cảm Tang và Giáp cốt văn. Ở hai vùng đất cách xa vạn dặm, niên đại khác nhau. Chữ Cảm Tang còn thô sơ và người ta chưa giải nghĩa được nhiều. Chưa nói được nhiều điều. Nó chỉ nói lên được: khắp Trung Quốc thời xưa, từ Hoàng Hà đến Trường Giang và Tây Giang, từ đất Ba Thục đến Ngô Việt đều có mầm mống của văn minh. Nhưng chỉ có Hoàng Hà là vượt trội và đủ điều kiện phát và may mắn và phát triển thành văn minh Trung Hoa. Còn vùng sông Hồng thì chưa có mầm mống nào của chữ viết. Và có chăng thì cũng đã mất tích, chưa tìm thấy được.

      Thích

  19. Ông Nghiêm Quốc Chánh theo khá sát khảo cứu của học giả quốc tế về cuộc di cư sang phương Đông của người châu Phi. Nhưng trên thực tế câu chuyện phức tạp và thú vị hơn.
    Hai vấn đề then chốt là thời điểm và lộ trình di cư đến nay còn tranh cãi. Một phái cho rằng, cuộc ra đi bắt đầu 85.000 năm trước. Phái khác đông hơn và gần như đồng thuận, cho rằng, cuộc ra khỏi châu Phi xảy ra 72.000 năm trước. Một phái cho rằng có hai con đường di cư, phía Nam và phía Bắc. Phái khác khẳng định chỉ có con đương duy nhất phương Nam. Những tài liệu mới nhất cho thấy cuộc tranh cãi chưa có hồi kết, đang dẫn khoa học thế giới đi theo hai ngả đối lập nhau.
    Từ năm 2004 khi bắt tay khảo cứu vấn đề này, tôi buộc phải lựa chọn. Dựa trên nhiều nguồn tư liệu, cả khảo cổ và cổ nhân học, tôi ủng hộ đề xuất của S. Oppenheimer năm 2003: con người ra khỏi châu Phi 85.000 năm trước. Sau này, vào năm 2012, Oppenheimer thay đổi ý kiến (và được số đông chấp nhận), cho rằng, cuộc rời châu Phi xảy ra 72.000 năm trước, tôi vẫn kiên định nhận định ban đầu: cuộc ra đi từ 85.000 năm trước. Đồng thời tôi cũng khẳng định chỉ có con đường di cư duy nhất phương Nam.
    Từ tài liệu khảo cứu di côt người Việt Nam và Đông Nam Á, tôi cũng khẳng định rằng người tới VN 70.000 năm trước gồm hai chủng Mongoloid và Australoid, trong đó người Australoid chiếm đa số. Trong khi đại bộ phận họ găp nhau ở miền Trung VN để sinh ra người Việt cổ mã di truyền Australoid thì có số ít người Mongoloid đi lên Tây Bắc VN và dừng lại trước bức tường băng phía Bắc. Khoảng 40.000 năm trước, nhờ khí hậu tốt lên, trong khi người Australoid đi lên Quảng Đông thì người Mongoloid theo hành lang Ba Thục đi lên đất Mông Cổ. 7000 năm trước, người Mông Cổ du mục ở Bắc Hoàng Hà, bắt đầu học người Việt trồng kê, xây dựng văn hóa Hồng Sơn. Trong quá trình tiếp xúc, tại địa điểm Bán Pha Thiểm Tây, lớp con lai Mông-Việt ra đời, sau này được gọi là người Việt hiện đại, là tổ tiên trực tiếp toàn bộ dân cư châu Á hôm nay. Đấy chính là những điều mà học giả thế giới đang mò mẫm trong mê lộ.
    Có một thời cha ông chúng ta dốt vì thiếu kiến thức khoa học cơ bản cũng như tư liệu nên luôn cúc cung học thế giới như đám học trò ngoan. “Thành tựu khoa học” chỉ là việc dịch tài liệu nước ngoài để dạy (và dọa) đồng bào mình. Nay tình hình đã khác, với internet, người VN không thua kém những đầu óc thông tuệ của thế giới. Tôi nhận ra, những tài liệu dù đăng trên những tạp chí uy tín nhất cũng không phải hoàn toàn đúng. Nếu kết nối và giải mã thành công những sai biệt trong các tài liệu công bố của thế giới, chúng ta có đủ khả năng, thoát khỏi vị trí cậu học trò ngu ngơ, để góp tiếng nói với cộng đồng khoa học thế giới.
    Những điều trên, tôi đã công bố trong những cuốn sách của mình bằng tiếng Việt và tiếng Anh, ở đây chỉ xin nói ngắn gọn.

    Thích

    • Thời nhà Đinh Lý Trần Lê nước ta ở sông Hồng xưng là Đại Việt. Thời Hán gọi là Giao Chỉ, thời Đường gọi là An Nam. Tổ tiên ta gọi là Đại Việt hoặc là Việt mới có lịch sử 1.000 năm, gọi là Việt để phân biệt với Tống, Chiêm, Chân Lạp, Miến Điện. Có văn hóa ngôn ngữ riêng.

      Người thời thời đồ đá 7.000 năm trước thì đều là tổ tiên chung, sao không gọi là Hoa cổ, Chiêm cổ, Chân Lạp cổ mà lại gọi là Việt cổ? Người Kinh còn lưu giữ và phát huy được văn hóa ngôn ngữ gì của người Việt cổ không?

      Thích

  20. Thưa ông Tích Dã, những điều trình bày ở đây là kiến thức mới, chỉ có được ở thế kỷ XXI. Bằng việc khảo sát 35 cốt sọ người VN thời đồ đá và 35 cốt sọ thời đồ đồng, nhân chủng học VN kết luận: người Việt thời đồ đá thuộc mã di truyền Australoid, được gọi là người Việt cổ. Từ 50-40.000 năm trước, người Việt cổ di cư ra làm nên dân cư châu Á. 7000 năm trước, tại Nam Hoàng Hà, người Việt cổ hòa huyết với người Mông Cổ, sinh ra chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại. Những người ở lại Nam Hoàng Hà sau này được gọi là người Hán. Những người di cư về VN chuyển hóa mã di truyền người VN và Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam, thành người VN hiện đại. Tổ tiên xa của Chân Lạp, Chiêm, Ai Lao, Thái…cũng là người Việt cổ, mã di truyền Australoid. Khoảng 2000 năm TCN chuyển thành người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam. Họ sống trên những vùng đất khác nhau nên được gọi là người Chiêm, Chăm, Lào, Thái… Khoảng 300 năm TCN, nước biển rút, bộ phận chủ thể của đồng bằng sông Hồng xuất hiện. Người Việt từ các vùng xung quanh kéo về khai phá đất mới, tạo nên đồng bằng phì nhiêu. Trên đồng bằng, khoảng thế kỷ XII (thời Lý-Trần) một sắc tộc hình thành, sống tại vùng kinh kỳ, được gọi là người Kinh. Người Kinh kế thừa tiếng nói và văn hóa của tổ tiên Việt.
    Thưa ông, đó là kiến thức mới do khoa học hiện đại khám phá. Muốn có tri thức mới cần phải học. Nếu chỉ dựa trên tri thức cũ rồi suy luận chủ quan sẽ chỉ làm rối thêm lịch sử.

    Thích

    • Thưa ông Hà Văn Thùy.

      – Như thế nào gọi là người Việt cổ? Văn hóa, phong tục, ngôn ngữ, di truyền của người Việt cổ có khác với người Kinh (có lịch sử 4.000 năm văn hiến ở sông Hồng) không?

      – Tại sao lại gọi những người bắc tiến lên khai thác Trung Hoa là người Việt cổ? Mà không gọi là ‘người Châu Phi cổ’, người Ấn Độ cổ’ hay đơn giản là ‘người Hán cổ’?

      – Trung Quốc ngày nay có 56 dân tộc, Việt Nam có 54 dân tộc, cả Đông Á nữa là hơn 100 dân tộc, nói ngôn ngữ phong tục giống và khác nhau. Tại sao không gọi là ‘người Đông Á cổ’ mà lại gọi là ‘người Việt cổ’?

      – Tên gọi ‘người Việt cổ’, từ ‘cổ’ thì rõ là thời xưa, còn tên gọi là ‘người Việt’ xuất hiện từ thời nào? Hàm nghĩa của tên gọi ấy qua các thời kỳ?

      Thích

  21. Khoa học càng tiến bộ thì tri thức của loài người càng phát triển, càng hiểu rõ bản chất của sự vật, sự việc. Tổ tiên loài người xưa kia tin chắc như đinh đóng cột rằng “trời thì tròn, đất thì vuông”. Đến khi biết được Trái Đất tròn thì tin rằng Trái Đất là trung tâm vũ trụ, Mặt Trời, Mặt Trăng và mọi vì sao đều quay quanh Trái Đất. Ngày nay nhờ khoa học mà chúng ta biết được sự thật. Nếu cứ tin tưởng mù quáng vào những kiến thức cổ xưa mà không nghiên cứu, kiểm chứng thì biết bao giờ dân tộc Việt sánh vai với các cường quốc năm châu được !

    Thích

    • Khoa học hiện đại là kỹ thuật tân tiến, cho phép phân tích và nhìn rõ những điều mắt thường không nhìn thấy, ví dụ đo độ tuổi của các di vật hoặc phân tích DNA. Nhưng không đo đếm hay phân tích được những ghi chép của sách vở. Sách vở ghi chép truyền thừa của thế hệ này qua thế hệ khác, là mắt nhìn con chữ trên các trang sách, bia đá, thẻ tre, dải lụa và tai nghe các câu chuyện kể bên đống lửa. Khoa học thực chứng không bao giờ đo đếm hay phân tích được.

      Con đường xưa ngập trong cát bụi, thành quách xưa hóa cảnh hoang tàn. Khoa học thực chứng không thể biết được ông Thương Hiệt ra sao, ông Hoàng Đế, ông Xi Vưu, hay ông Thần Nông ra sao.

      Thích

  22. Chuyện ông Hoàng Đế, Viêm Đế, Si Vưu, Thương Hiệt… có thực không thì không có liên quan đến dân tộc chúng ta. Cái chúng ta cần nghiên cứu, kiểm chứng là có phải người Lạc Việt không có chữ viết như sử Tàu (và sử ta chép theo Tàu) luôn luôn khẳng định ? Và có phải dân tộc Việt có tổ tiên là người Tàu, như các nhà sử học phương Đông và phương Tây xưa nay vẫn tin như thế ? Những việc này ngày nay đã trong tầm tay của giới khoa học nhờ những phát hiện mới của ngành khảo cổ và những tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu mã di truyền. Khi so sánh mtDNA và nhiễm sắc thể Y của những người từ các dân tộc khác nhau, các nhà di truyền học có thể biết được chắc chắn rằng những nhóm người đó rẽ theo những hướng khác nhau khi nào và ở đâu trên khắp hành tinh này. Từ đó họ có thể dựng lại lịch sử hình thành các dân tộc một cách khoa học và trả lời luôn những thắc mắc của chúng ta. Công nghệ DNA giúp giám định quan hệ huyết thống vô cùng chính xác nên những kết quả công trình của họ rất đáng tin cậy.
    Còn ông nói sử sách còn ghi chép, con chữ còn sờ sờ. Vậy chắc gì sử sách người xưa truyền lại viết đúng, viết đủ ? Đấy, sử Tàu nói người Lạc Việt không có chữ đấy, sao bây giờ lại phát hiện chữ của người Lạc Việt. Đó là chưa nói đến chuyện sử sách còn nhiều chỗ “chép nhầm”, chép những chuyện hoang đường, mâu thuẫn…
    Đã đến lúc chúng ta phải tự đi tìm lại sự thật lịch sử về quá khứ, nguồn gốc dân tộc mình bằng con đường khoa học, không thể cứ mù quáng tin theo sử Tàu mà không kiểm chứng.

    Thích

    • Ông chắc không đọc sử Tàu nên nói bừa sao? Sử Tàu qua các thời chỉ nói về lịch sử của họ, nói về Man Di rất ít hoặc sơ qua.

      Chữ Cảm Tang được phát hiện, đoán niên đại 4.000 năm trước. Sử Tàu chép mới bình định Quảng Tây thời Tần đặt quận Quế Lâm về sau mới 2.000 năm đến nay, cách thời chữ Cảm Tang rất xa, họ đâu có biết. Họ chỉ biết rằng từ thời Tần thì xứ Quế Lâm (tức Quảng Tây có di chỉ Cảm Tang sau này) khi đến xâm lược thì chưa có chữ viết. Các ông có hiểu thời gian lịch sử không vậy, tôi hỏi thật học khối C môn Văn Sử Địa ba môn có được 9 điểm không nữa? Các ông suy nghĩ rất trẻ con, chê bai sử Tàu này nọ, thực ra các ông có biết đọc và hiểu gì đâu!

      Thích

  23. Theo thuyết di cư mà ông Hà Văn Thuỳ đưa ra thì những người từ vùng đất VN ngày nay di cư lên trung nguyên phải gọi bằng cái tên là người châu Phi cổ. Vì … họ bắt đầu cuộc hành trình từ châu Phi. Còn nếu bảo rằng họ sinh sống trên vùng đất Việt ngày nay rồi mới lên TQ nên gọi họ là Việt cổ. Thế thì sau khi bị chủng Mông Cổ lấn át, họ phải quay về VN thì họ phải được gọi là người Hán cổ bởi họ đã sinh sống trên đất Hán mấy nghìn năm mới quay lại VN.

    Thích

    • Ông Đồ Già hỏi rất hay, vậy xin hỏi ông như sau :
      – Thế kỷ 13, người Mông Cổ xâm lược Trung quốc, lập nên nhà Nguyên và đặt ách cai trị. Đến thế kỷ 14, Chu Nguyên Chương lật đổ nhà Nguyên, đánh đuổi quân xâm lược chạy về Mông Cổ, lập ra nhà Minh. Vậy đạo quân rút chạy về Mông Cổ là người Hán hay người Mông Cổ ?
      – Thế kỷ 17, người Mãn Thanh xâm nhập Trung quốc, lập nên nhà Thanh. Đến khi nhà Thanh sụp đổ, con cháu người Mãn vẫn sống ở Trung quốc đến ngày nay. Vậy ngày nay, họ được gọi là người Hán hay người Mãn ?
      – Sau mấy thế kỷ bị thực dân Anh đô hộ, năm 1947, Ấn Độ giành được độc lập. Khi đó đạo quân xâm lược da trắng buộc phải rời khỏi Ấn Độ là người Ấn hay người Anh ?
      – Trung quốc, ngoài người Hán còn có 55 dân tộc khác. Nhiều dân tộc trong số đó sống trên đất Trung quốc hàng ngàn năm nay. Nếu lập luận của ông là đúng thì ngày nay phải gọi họ là người Hán chứ ?
      Còn vô số ví dụ như vậy. Một dân tộc phân biệt với các dân tộc khác chủ yếu là do sự khác biệt về văn hóa, sinh hoạt, đời sống tinh thần, tổ chức xã hội… chứ không nhất thiết phải gắn liền với địa bàn cư trú.

      Thích

    • Thời của người Mông Cổ, Mãn Châu, Anh là gần đây, phương tiện xe ngựa đi lại dễ dàng hơn nhiều. Ở đồng bằng, xe ngựa ngày có thể đi ngàn dặm.

      Ở thời Hoàng Đế đánh Xi Vưu cách nay 5.000 năm thì khác. Xưa hơn thời Nhân Hoàng, Phục Hy, Thần Nông thì không cần nói nữa.

      Di cư cách nay 5.000 năm thì không thể nói trong một năm, mà phải là hàng trăm năm, qua nhiều thế hệ. Con người đã xây dựng nền móng văn minh ở đất Trung Nguyên, có rất nhiều bộ tộc, bộ tộc Cơ Thủy của Hoàng Đế, bộ tộc Khương Thủy của Thần Nông, bộ tộc Cửu Lê của Xi Vưu. Họ đã đạt những thành tựu khác nhau, ít nhiều đã có tên gọi riêng, đã thành nền móng cho văn minh và dân tộc Hoa Hạ sau này.

      Trong khi đó ở miền Trường Giang thì có các bộ tộc như Tam Miêu, Bách Bộc, Ngô Việt, Ba Thục. Lĩnh Nam thì có Bách Việt. Việt Nam thì có Giao Chỉ (hoặc Lạc Việt). Tất cả các bộ tộc kể trên là nền móng của 56 dân tộc Trung Hoa, 54 dân tộc Việt Nam.

      ________

      Tên gọi ‘người Việt’ chỉ Việt Nam thì chỉ xuất hiện ở thời Hán về sau, khi dựng nước Nam Việt, sau này là Đại Việt. Hoàn toàn không có hàm ý là ở Trung Nguyên.Trong 5.000 năm xảy ra rất nhiều chuyện, từ chia tách đến tập hợp mà hình thành nên rất nhiều dân tộc khác nhau, nhưng đều chung một nguồn gốc. Do đó Hán và Việt tuy có cùng một gốc, nhưng 5.000 năm qua chia tách và tập hợp thì đã có lịch sử khác nhau, ngôn ngữ phong tục khác nhau.

      Hơn 5.000 năm trước, khi người Tinh Khôn từ lục địa Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) đi lên khai thác lục Trung Hoa thì họ không ý thức mình là ‘người Việt’ hay ‘người Hán’. Khi từng bước văn minh lên thì họ bắt đầu có ý thức quốc gia và dân tộc, thống nhất các bộ tộc từ thời Hoàng Đế cho đến nay, là người Hán hay Hoa Hạ.

      Khi đó ở vùng sông Hồng, các bộ tộc cũng bắt đầu thống nhất, trải từ thời Hùng Vương đến nay, là người Giao Chỉ hoặc Lạc Việt, gọi tắt là người Việt.

      Thích

      • Trước hết xin giải thích từ “người Việt cổ”. Theo thuyết của ông Hà văn Thùy, khi người Homo sapiens (gồm 2 chủng Mongoloid và Australoid) từ châu Phi đến Đông Nam Á cách nay 70000 năm thì họ dừng chân tại miền Trung VN ngày nay. Tại đây, 2 chủng tộc đó cùng chung sống trong 30000 năm, đủ lâu để hình thành một tộc người mới, có bản sắc văn hóa riêng. Tộc người mới đó, sinh ra trên đất VN ngày nay nên ta đặt tên là người Việt cổ cũng là hợp lẽ tự nhiên (dĩ nhiên họ đâu có ý thức họ là người gì, nhưng chúng ta phải đặt cho họ một cái tên để gọi, và tên người Việt cổ là hợp lý).
        Cách đây 40000 năm, do điều kiện thuận lợi, họ tiến lên lục địa Trung quốc. Dù vậy thì họ vẫn là người Việt cổ, bởi vì bản sắc văn hóa của họ vẫn không thay đổi (vẫn mang theo di sản văn hóa trước kia, vẫn lưu truyền những lời ru con đời này sang đời khác…). Đến 7000 năm trước, họ tiếp xúc với một nhóm Mongoloid khác (Mongoloid phương bắc). Đây chính là các bộ lạc du mục từ hướng bắc (đất Mông Cổ ngày nay). Hai bên chung sống hòa bình trong vài ngàn năm, sinh ra tộc người mới, sau này gọi là người Việt hiện đại, chủng Mongoloid phương nam. Sao là “Việt” mà không là Mông Cổ ? Vì người du mục lúc đó trình độ còn lạc hậu, còn phải học hỏi người Việt cổ sản xuất nông nghiệp, ngay cả tiếng nói của họ cũng nghèo nàn. Tộc người mới kế thừa di sản văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, lại sinh sau người Việt cổ nên mới gọi là người Việt hiện đại (chữ “hiện đại” này phải hiểu theo nghĩa nhân chủng học, cũng như người Homo sapiens đôi khi gọi là Người hiện đại)
        Đến khoảng 2700 TCN, người du mục phương bắc vốn mạnh khỏe, hung bạo, thiện chiến, đã tấn công, đánh bại người Việt hiện đại. Dựa vào các thành tựu nghiên cứu mới, có thể giải mã truyền thuyết : người du mục do Hiên Viên lãnh đạo, còn người Việt, phần thì tử trận (Si Vưu), phần thì đầu hàng (Viêm Đế), phần thì lui về phía Nam (Lạc Long Quân). Hiên Viên xưng Hoàng Đế, dựng nước (dân nước ấy chủ yếu là người Việt hiện đại trong bộ lạc của Viêm Đế, là tổ tiên người Hán sau này). Còn Lạc Long Quân, lui về địa bàn nước Văn Lang (từ Ngũ Lĩnh về Nam), cho các con trấn giữ các nơi, là nguồn gốc của Bách Việt. Tuy về sau các nước này đều bị Tần thôn tính (trừ Lạc Việt), nhưng cũng không thay đổi được sự thật là văn minh Hoa Hạ bắt nguồn từ văn minh Việt.
        https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/thuy-to-nguoi-viet-thuc-su-o-dau.html

        Thích

      • Xuân thu Tả truyện chính nghĩa [Chiến quốc – Tả Khâu Minh soạn, Đường – Khổng Dĩnh Đạt chính nghĩa]

        裔不謀夏,夷不亂華。夏,大也。中國有禮儀之大,故稱夏;有服章之美,謂之華。華、夏一也。
        Duệ bất mưu Hạ, Di bất loạn Hoa. (Hạ, đại dã. Trung Quốc hữu lễ nghi chi đại, cố xưng Hạ, hữu phục chương chi mĩ, vị chi Hoa.)

        Bọn ở nơi xa lánh kia chớ có xâm lược người Hạ, bọn mọi rợ chưa khai hóa nọ đừng có gây loạn người Hoa. (Hạ là to lớn. Trung Quốc có cái to lớn của lễ nghi, cho nên gọi là Hạ, có cái đẹp đẽ của mũ áo, gọi là Hoa.)

        __________

        Trung Quốc có 5.000 năm văn hiến, là nước của lễ nghi, thi ca nhạc họa. Tổ tiên chúng tôi ở vùng Trung Nguyên từ hàng ngàn năm trước, có sông Hoàng Hà từ trên trời chảy xuống, có núi Thái Sơn sừng sững vút tầng mây, vất vả gian lao, Nữ Oa đội đá vá trời, Thần Nông cay đắng nếm thuốc, Hạ Vũ dãi dầu vạt núi khơi sông, để mà có nền móng cho con cháu.

        Tổ tiên chúng tôi tự hào xưng là Hoa Hạ, 5.000 năm rồi, dù có thịnh suy, cũng có khi bọn Man Di gây nạn, nhưng mạch nguồn vẫn không thay đổi, như sông Hoàng Hà vẫn chảy mãi không cạn, như núi Thái Sơn vẫn sừng sững không mòn.

        Dù rằng theo di truyền học thì tổ tiên chúng tôi vào khoảng hàng vạn năm trước từng sinh sống ở Châu Phi hay Vùng Trũng Đông Nam Á, có từng ở đất Việt Nam hay không. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận gọi tổ tiên là “người Việt cổ”. Chữ Việt (越) vốn là do tổ tiên chúng tôi đặt cho bọn Man Di ở vùng cửa sông Trường Giang mà họ tự khắc chữ là Việt (戉) trên vũ khí của họ, biểu thị là dân tộc dùng ưa vũ khí bằng Rìu, là bọn Man Di có phong tục xăm mình cắt tóc. Khi đó tổ tiên chúng tôi đã có lễ nghi của nhà Châu rồi, đã búi tóc hình củ hành, có mũ áo lễ nghi to đẹp, có ông Khổng Tử soạn ra Ngũ kinh, có ông Lão Tử truyền sách Đạo đức kinh và Bách gia tử đua tiếng, rao giảng lễ nghĩa đạo đức rồi.

        Cùng thời Xuân thu thì ở Việt Nam có vua Hùng, đang dùng trống đồng, tổ tiên chúng tôi gọi là Giao Chỉ, tức là bọn Man Di có phong tục ngồi nằm bắt chéo chân. Lại cùng phong tục với bọn Man Di xăm mình cắt tóc của nước Việt ở vùng cửa sông Trường Giang nên cũng gọi là Lạc Việt (tức là bọn người Việt họ vua Lạc Vương). Lạc Vương tức Hùng Vương (do sao chép nhầm mặt chữ mà thành).

        Như vậy tổ tiên chúng tôi đã xưng là Hoa Hạ vì những lý do rất đáng tự hào. Và không có lý do chính đáng nào là xưng là người Việt cổ.

        Thích

  24. Chúng ta đang tranh luận về một vấn đề liên quan đến văn hóa, học thuật, vì vậy nên có thái độ đúng mực, tôn trọng đối phương. Xin ông lưu ý cho điều đó.
    Về chuyện sử Tàu có đúng không, có đủ không, có khách quan không, tôi sẽ không nói nữa (nói nhiều e nhàm). Giờ xin nói chuyện bên… Tây nghe chơi :
    Aristotle (384-322 TCN) là nhà triết học và bác học Hy Lạp cổ đại. Ông có cả một công trình đồ sộ về mọi lĩnh vực : triết học, vật lý học, siêu hình học, luận lý học, ngôn ngữ học, chính trị học, đạo đức học, kinh tế học, động vật học, văn học, thi ca, âm nhạc… Có thể nói ông là một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại. Ông nổi tiếng đến mức trong suốt thời Trung đại, giới học giả châu Âu khi khẳng định điều gì thường nói “Vì Aristotle đáng kính đã nói như thế”.
    Aristotle từng khẳng định rằng :
    – vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ, càng nặng rơi càng nhanh.
    – tốc độ chuyển động của vật tỷ lệ thuận với lực tác dụng, nếu không có lực thì vật đứng yên.
    Suốt 2000 năm, mọi người đều cho đó là chân lý, không hề nghi ngờ gì cả, vì Aristotle đáng kính đã nói như thế.
    Mãi đến thời đại Phục hưng, Galileo Galilei (1564-1642) là người đầu tiên, bằng các thí nghiệm chính xác, đã đánh đổ thuyết “vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ”.
    Sau đó, Isaac Newton (1642-1727), qua nhiều thí nghiệm cùng với óc suy luận của mình, đã đề ra 3 định luật, trong đó, định luật II cho rằng “gia tốc (chứ không phải vận tốc) mới tỷ lệ thuận với lực tác dụng”
    Thế đấy, nếu ai cũng đọc Aristotle rồi tin theo như thế, thì sao khoa học phát triển được.
    Ông và Hà tiên sinh, chưa chắc ai đọc nhiều hơn ai, nhưng một đàng thì đọc sao thì biết vậy, tin như vậy, còn một đàng thì đọc xong còn suy ngẫm, lấn cấn, muốn tìm cách kiểm chứng, tìm ra sự thật bằng khoa học. Vậy mà cả tôi và Hà tiên sinh, chưa ai dám nói rằng ông trẻ con cơ đấy !

    Thích

  25. Thưa cụ Nghiêm Quốc Chánh.
    Tất cả chỉ là duy danh định nghĩa thôi ạ.
    * Tại Việt Nam, chủ nhân của các nền văn hóa như Sơn Vi, Hòa Bình (sớm, muộn), Phùng Nguyên, Đông Sơn…. chắc là mang tên khác, chứ các địa danh này phải rất lâu sau mới có và rất tình cờ được gán tên vì chúng là những địa điểm đầu tiên được khảo cổ học phát hiện. Tương tự, cái gọi là chủng Molgonloid (Bắc, Nam) cũng là tên nhân chủng học đặt sau khi đế quốc Mông Cổ trỗi dậy.
    * Tại Tầu thì lại khác, cái đám văn gia, sử gia (thường là 2 trong 1) có khi ngồi một xó nào đó tưởng tượng ra ở điểm cao nhất của mặt trời (ngày nay ta gọi là Chí tuyến Bắc – 23,5 độ vĩ Bắc) có một vùng đất nào đó mà tự đặt ra một quận Nhật Nam thuộc quyền cai quản của Thiên tử. Lại còn chia đối thủ thành hai phần: Đầu hàng bị gọi là Bộc là Di, kiên quyết kháng cự đến cùng rồi phải bỏ xứ ra đi để lập vương quốc khác là Việt (đánh không được thì bỏ chạy – Việt bộ Tẩu).
    * Chắc chắn, những người cổ đại này có chữ viết, thậm chí, có sớm hơn cả thời kỳ Thương Hiệt nữa, nhưng tên gọi riêng mình, bộ lạc mình và đất nước mình bằng chữ viết gì thì đến nay chúng ta không thể biết. Bản nhân chỉ mong cụ lưu ý tới chữ “Việt” trên thanh kiếm của Việt vương Câu Tiễn, vì có thể đó là một trong những loại chữ viết cổ của người cổ đại đã dùng, trước khi tiếp xúc và tranh chấp với các bộ lạc vùng Tây Bắc.

    Thích

    • Lễ ký chính nghĩa [Tiên Tần – Nho gia oạn, Hán – Trịnh Huyền chú, Đường – Khổng Dĩnh Đạt sớ]

      有虞氏禘黃帝而郊嚳,祖顓頊而宗堯。夏後氏亦禘黃帝而郊鯀,祖顓頊而宗禹。殷人禘嚳而郊冥,祖契而宗湯。周人禘嚳而郊稷,祖文王而宗武王。祖,始也,言為道德之初始,故云「祖」也。宗,尊也,以有德可尊,故云「宗」。
      Hữu Ngu thị đế Hoàng Đế nhi giao Khốc, tổ Chuyên Húc nhi tông Nghiêu. Hạ Hậu thị diệc đế Hoàng Đế nhi giao Cổn, tổ Chuyên Húc nhi tông Vũ. Ân nhân đế Khốc nhi giao Mịch, tổ Khiết nhi tông Thang. Châu nhân đế Khốc nhi giao Tắc, tổ Văn Vương nhi tông Vũ Vương. (Tổ, thủy dã, ngôn vi đạo đức chi sơ thủy, cố vân tổ dã. Tông, tôn dã, dĩ hữu đức khả tôn, cố vân tông.)

      Vua nhà Hữu Ngu (tức vua Thuấn) mùa hè tế trời và tế vua Hoàng Đế, mùa đông tế trời và tế vua Khốc, lúc tế tông miếu thì xem vua Chuyên Húc là tổ, xem vua Nghiêu là tông. Vua nhà Hạ Hậu cũng mùa hè tế trời và tế vua Hoàng Đế, mùa đông tế trời và tế ông Cổn, lúc tế tông miếu thì xem vua Chuyên Húc là tổ, xem vua Vũ là tông. Người nhà Ân mùa hè tế trời và tế vua Khốc, mùa đông tế trời và tế ông Mịch, lúc tế tông miếu thì thì xem ông Khiết là tổ, xem vua Thang là tông. Người nhà Châu mùa hè tế trời và tế vua Khốc, mùa đông tế trời và tế ông Tắc, lúc tế tông miếu thì xem vua Văn Vương là tổ, xem vua Vũ Vương là tông. (Tổ là người mở đầu, nói là người mở đầu đặt ra đạo đức, cho nên gọi là ‘tổ’. Tông là noi theo, là người có đức mà dòng dõi nên noi theo, cho nên gọi là ‘tông’.)

      ________________

      Tổ tông (祖宗) hoặc tổ tiên (祖先) là những người sinh và mở mang đi trước, nhỏ thì mở mang một dòng họ, lớn thì mở mang một triều đại, lớn hơn nữa là mở mang một dân tộc.

      Dân tộc Hoa Hạ dĩ nhiên lịch sử 5.000 năm xem Hoàng Đế và Viêm Đế là tổ tông dựng nước và văn minh. Là những tổ tiên lâu đời nhất được sách vở ghi chép lại, lưu truyền các truyền thuyết. Xa xưa hơn nữa thì có người Ngưỡng Thiều, người Long Sơn, và xa hơn nữa có thể là người Hòa Bình ở Việt Nam. Nhưng niên đại quá xa, người Hòa Bình có thể tổ tiên chung của tất cả các dân tộc Đông Á hiện nay trong đó có người Việt Nam mà ngày xưa gọi người Lạc Việt.

      Người Việt Nam thì sao, xem vua Hùng là lâu đời nhất, hiện còn đền thờ ở núi Nghĩa Lĩnh đất Phong Châu xưa, thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay.

      Bộc (濮), Di (夷) là các dân tộc thời xưa từng ở vùng biên giới hoặc xa xôi của Trung Quốc. Từ thời Hoàng Đế đã có nhiều bộ tộc, sau này trải thời Hạ Thương Châu thì Bộc (濮) ở phía tây nam của nước Sở (楚), tản mát ở đất Nam Trung (các tỉnh Quý Châu, Vân Nam ngày nay). Di (夷) thì ở các nước Tề (齊)-Lỗ (魯), tản mát ở đất Liêu Đông (các tỉnh Hắc Long Giang, các nước Triều Tiên ngày nay).

      Chữ viết khắc trên cây kiếm của vua nước Việt là Câu Tiễn thời Xuân thu ấy. Bộ ông nghĩ chữ viết có thể truyền đời mà không thay đổi? Chữ Hán từ thời Thương Hiệt đến nay có nhiều thay đổi về nét chữ (tất nhiên quy tắc Lục thư không thay đổi). Chữ viết cũng chỉ là công cụ để truyền tin và giao tiếp. Người ta dùng thì nó được lưu truyền, bỏ thì mất, chỉ còn lưu giữ trên bia đá, thẻ tre, kiếm đồng.

      Thử đặt hoàn cảnh nước Việt của Câu Tiễn tranh bá với Trung Nguyên thì chữ viết theo phong cách của Hoa Hạ là đương nhiên. Chẳng lẽ lại chơi với bọn Man Di ở xa xôi như Giao Chỉ, Mân Việt, Bách Bộc có chữ viết nào đó? Chữ viết tồn tại lâu dài là các nước dùng chung để giao thương, liên kết, hội họp chư hầu, thi hành chính lệnh. Thời Xuân thu có hàng trăm quốc gia nghe theo hiệu lệnh của nhà Châu thì dùng chữ Hán. Nước Việt ở cửa sông Trường Giang cũng không ngoại lệ, vua Câu Tiễn sau khi diệt nước Ngô, vượt sông Hoài lên phía bắc nạp cống cho vua nhà Châu, được tôn hiệu bá vương. Thử hỏi vua Câu Tiễn dùng chữ viết gì để làm biểu chương dâng lên cho vua nhà Châu xem?

      Thích

  26. Thưa ông Tích Dã.
    1. Ông ra nước ngoài, với tư cách cá nhân hoặc công vụ, ông giao tiếp hoặc trình văn thư bằng tiếng Việt hay là bằng tiếng Tầu hay là bằng cái thông lệ quốc tế hiện nay là tiếng Anh?
    2. Giả sử có chuyện thế này: Ở một xứ Việt Thường ngu muội nào đó, vị thủ lĩnh xứ đó cho một sứ bộ đi bằng 3 con voi đến dâng chim trĩ trắng cho Chu Thành vương. Hai bên không biết tiếng của nhau nên phải dùng cách phiên dịch gián tiếp qua ngôn ngữ khác để nói chuyện.
    Sau sự việc này, chắc là Chu Thành vương tức lắm nên mới yêu cầu các chư hầu khi vào Kinh đô phải nói và tâu sớ bằng tiếng của Thiên tử chăng.
    3. Trải qua 500 năm sau, Câu Tiễn cho sứ bộ vào Kinh lại dám trái với thông lệ này à?

    Thích

    • Lữ thị xuân thu [Chiến quốc – Lữ Bất Vi soạn]

      夫吳之與越也,接土鄰境,壤交通屬,習俗同,言語通。
      Ngô chi dữ Việt dã, tiếp thổ lân cảnh, nhưỡng giao thông thuộc, tập tục đồng, ngôn ngữ thông. (Ngô đối với Việt, đất đai liền kề, đường đi thông suốt, tập tục gần nhau, tiếng nói giống nhau.)

      ___________

      Ngô Việt xuân thu [Hán – Triệu Diệp soạn]

      勾踐已滅吳,乃以兵北渡江淮,與齊、晉諸侯會于徐州,致貢於周。周元王使人賜勾踐,已受命號去,還江南,以淮上地與楚,歸吳所侵宋地,與魯泗東方百里。當是之時,越兵橫行於江淮之上,諸侯畢賀,號稱霸王。
      Câu Tiễn đã diệt nước Ngô, bèn đem binh vượt sông Giang-Hoài, hẹn gặp vua các nước chư hầu Tê-Tấn ở đất Từ Châu, đem cống phương vật cho nhà Châu. Vua Châu Nguyên Vương sai người đến phong tặng cho Câu Tiễn, chịu nhận phong hiệu xong rồi về, vượt sông Giang xuống phía nam. Câu Tiễn đem đất phía trên sông Hoài cho nước Sở, trả lại đất mà nước Ngô từng chiếm cho nước Tống, đem một trăm dặm đất phía đông sông Tứ cho nước Lỗ. Vào thời bấy giờ, quân nước Việt hoành hành ở trên miền Giang-Hoài, đến đâu thì chư hầu đều đón chúc mừng đến đó, hiệu xưng là bá vương.

      ____________

      Bấy giờ thời Ngô-Việt tuy vua dựng nước khác nhau dân chúng thì đồng văn đồng chủng, ngôn ngữ giống nhau, chiếm giữ ở miền Giang-Hoài (vùng cửa sông Trường Giang, phía bắc kề các nước Tống-Tề-Lỗ, phía tây giáp nước Sở, phía nam là Mân Việt.

      Lịch sử dựng nước Việt thì có từ thời dòng dõi vua Thiếu Khang nhà Hạ, nước Ngô thì từ thời nhà Châu. Lịch sử hai nước Ngô-Việt đã giao thiệp với Trung Quốc từ lâu đời. Cho nên học chữ viết của nhà Châu là dễ hiểu.

      Từ thời nhà Châu đã có cơ quan phiên dịch với Man Di xung quanh. Ngô-Việt tuy là Man Di nhưng đất đai liền kề với Trung Nguyên nên qua lại dễ dàng, cho nên phiên dịch cũng không khó. Các nước qua lại nhiều thì sử dụng một loại chữ viết của nhà Châu cũng không lạ. Khi người Ngô-Việt đem cống phương vật cho nhà Châu thì chữ viết ghi trên biểu chương phải dùng chữ viết và ngôn ngữ của nhà Châu. Ví như ngôn ngữ quốc tế hiện nay là tiếng Anh, dùng chữ viết Anh (thuộc chữ Latin).

      Vào thời phong kiến Đinh Lý Trần Lê sứ giả nước ta cũng dùng ngôn ngữ và chữ Hán để sang chầu gặp thiên triều Tống Nguyên Minh Thanh đấy thôi. Cùng lúc người các nước Triều Tiên, Nhật Bản cũng dùng chữ Hán để giao thiệp với Trung Quốc.

      Thời vua Đào Đường (vua Nghiêu) có sứ giả nước Việt Thường tặng rùa thần nghìn tuổi, trên mai rùa khắc chữ Khoa đẩu, là thứ chữ gì không rõ. Nhưng chữ Khoa đẩu còn là một thể của chữ Hán.

      Vào thời vua Châu Thành Vương, sứ giả Việt Thường lại đến tặng chim trĩ, phiên dịch nhiều lần mới hiểu, không rõ có chữ viết gì không?

      Thích

      • Hệ…hệ…, thưa ông Tích Dã
        * Bản nhân đã thưa với ông từ trước rằng thì là ở nước Việt, Câu Tiễn và tộc Việt thời đó đã bảo tồn được tiếng và chữ viết của tổ tiên.
        * Mong ông sử dụng cách đặt tên của bọn Nho sĩ Tầu giải thích cho bản nhân và bạn đọc của trang web: Bộc, Di, Sở, Ngô, Việt có nguyên nghĩa là gì, và, tên đó có phải là do người dân tự đặt cho mình không?

        Thích

  27. “Duệ bất mưu Hạ, Di bất loạn Hoa. (Hạ, đại dã. Trung Quốc hữu lễ nghi chi đại, cố xưng Hạ, hữu phục chương chi mĩ, vị chi Hoa.)

    Bọn ở nơi xa lánh kia chớ có xâm lược người Hạ, bọn mọi rợ chưa khai hóa nọ đừng có gây loạn người Hoa. (Hạ là to lớn. Trung Quốc có cái to lớn của lễ nghi, cho nên gọi là Hạ, có cái đẹp đẽ của mũ áo, gọi là Hoa.)”
    Tích Dã tiên sinh trích dẫn đoạn này chẳng lẽ không hiểu hàm ý nói gì sao ? Người Trung quốc thường dùng kiểu nói “ý tại ngôn ngoại” thâm sâu lắm. Đoạn đó thể hiện thái độ cao ngạo, trịch thượng, tự coi mình là bề trên, khinh miệt các dân tộc khác một cách rất rõ ràng của người Hoa Hạ. Còn ẩn ý của nó là tất cả bọn Man Di Nhung Địch đều là dã man, mọi rợ, cần được người Hoa Hạ có lễ nghi đến “khai hóa”. Nói thế là để che đậy, biện minh cho dã tâm và chính sách xâm lược, bành trướng của họ mà thôi. Đây chính là chủ nghĩa dĩ Hoa vi trung, xem Trung quốc là “cái rốn” của vũ trụ, ngày nay gọi là chủ nghĩa sô vanh Đại Hán, xem người Hán là thượng đẳng, là chính nghĩa, còn các dân tộc khác là hạ đẳng, xấu xa, đáng khinh, cần phải “giáo hóa” hoặc xóa sổ. Nó gợi cho ta nhớ đến thuyết chủng tộc Aryan thượng đẳng của Đức Quốc Xã, cho rằng chỉ có dân tộc Đức, mang dòng máu Aryan thuần chủng là dân tộc siêu việt, có đủ tư cách thống trị thế giới, còn các sắc dân khác đều là hạ đẳng, cần phải bị tiêu diệt. Mấy cái thuyết phân biệt chủng tộc kiểu này giờ đã lỗi thời. Ngày nay khoa học đã chứng minh là các dân tộc đều bình đẳng, không có chủng tộc nào là ưu việt hay hạ đẳng cả. Chỉ một hành vi, lời nói có dấu hiệu phân biệt chủng tộc trên sân bóng cũng bị tẩy chay, lên án, ông không biết sao ?
    Dân tộc nào cũng có tổ tiên, nguồn gốc. Phần lớn người Mỹ hiện nay có nguồn gốc từ châu Âu. Phần lớn người Úc, New Zealand có nguồn gốc là người Anglo Saxon, đa số người Mexico có nguồn gốc Tây Ban Nha, người Brasil có nguồn gốc Bồ Đào Nha… Còn người Hoa Hạ, nếu như các nhà nhân chủng học và di truyền học chứng minh được rằng có nguồn gốc từ người Việt cổ, thì cũng bình thường thôi, có gì mà giãy nãy lên như thế. Hay là vì người Việt thì nghe nó “kém sang” ? Tổ tiên là ai, đến giờ vẫn chưa biết, tựa như đứa trẻ không biết cha mẹ là ai, nay nhờ giám định DNA, biết sự thật rồi, lại không nhận, hay là không tin xét nghiệm DNA ? Hiện nay, một số nhà khoa học chân chính Trung quốc đã thừa nhận kết quả này, nhưng vẫn còn nhiều người cảm thấy “sốc”. Thậm chí có những kẻ nhận bừa Thành Cát Tư Hãn là tổ tiên (dù sao Mông Cổ cũng có một giai đoạn lịch sử lẫy lừng). Thực ra, ẩn ý ở đây là những lãnh thổ nào Mông Cổ khi xưa chiếm được, giờ phải trả lại cho Trung quốc, vì Thành Cát Tư Hãn cũng là… người Hán (!)
    Ông đọc nhiều thư tịch cổ Trung Hoa cũng tốt, nhưng đừng nên quá tin vào đấy. Chủ nghĩa Đại Hán đầy dẫy trong đấy. Người Việt Nam là nạn nhân của nó hàng ngàn năm rồi. Xem ra khó thuyết phục được ông, tôi đành chấm dứt cuộc tranh luận vô bổ ở đây vậy.

    Thích

    • Lão Tử nói “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện”. Ông Nghiêm Quốc Chánh biện bạch người Việt cổ là tổ tiên của người Hoa Hạ là có tâm ý không tốt, ông ghen tỵ và tự ty với lịch sử 5.000 năm vĩ đại thần thánh của Trung Quốc, mong lấy cái hư danh ấy, thì có gì là tốt đẹp? Vậy thì ông hãy chấm dứt biện bạch ở đây, dựa cột mà nghe tôi rao giảng thế nào là lịch sử cho ông nghe nhé. Tôi đủ kiến thức để nói sự thật cho ông nghe, không có nhiều người như tôi đâu.

      Quan niệm Hoa và Di trong lịch sử Trung Quốc thời xưa (tôi không nói đến thời nay) rất khác với chủ nghĩa phát xít diệt chủng của Đức quốc xã mới rồi. Người Hoa Hạ tự hào với văn hóa lễ nhạc của mình, là văn hóa chuẩn mực của các vị thánh nhân Văn Vương-Châu Công-Khổng Tử thời xưa. Khác chuẩn mực ấy thì họ gọi là Man Di Nhung Địch. Trong 5.000 năm lịch sử, người Hoa Hạ không ngừng mở rộng lãnh thổ, xâm lược và đặt nền đô hộ của họ ở các nước Man Di Nhung Địch, và không ngừng đồng hóa họ mà không cần thiết là phải chỉ dùng đến gươm giáo diệt chủng như Đức quốc xã hoặc bọn thực dân châu Âu đã làm với thổ dân Da Đỏ châu Mỹ. Người Hoa Hạ từng xâm lược Bách Việt, Tây Nam Di, đô hộ Giao Chỉ (Việt Nam sau này) suốt 1.000 năm. Lãnh thổ của họ từ thời Hán-Đường, phía tây đến Tân Cương, phía bắc đến thảo nguyên, phía nam gồm đất Giao Chỉ, phía đông đến biển, bao trọn hàng trăm dân tộc gồm cả Hoa Hạ và Man Di Nhung Địch. Giáo hóa của họ thấm đẫm cả Man Di Nhung Địch, đến nỗi Giao Chỉ (Việt Nam ngày nay) còn ảnh hưởng, gồm cả Triều Tiên, Nhật Bản. Nội bộ của họ thì có 56 dân tộc còn tồn tại phát triển với nền văn hóa đặc sắc, dù trong quá khứ có không ít cuộc chiến tranh nổi dậy và không tránh được ít nhiều có tàn phá. Nhưng sau tất cả 56 dân tộc anh em vẫn còn, bởi vì văn hóa của Hoa Hạ là coi trọng ở giáo hóa lễ nhạc, coi trọng tính trung dung, phân biệt văn hóa chứ không phân biệt chủng tộc. Tình hình này rất khác với hành động diệt chủng của Đức quốc xã, hay hành động của thực châu Âu ở châu Mỹ là dựa trên phân biệt chủng tộc.

      Nguồn gốc của mỗi dân tộc phải gắn với văn hóa chính trị địa lý của mỗi quốc gia ở đó, khi con người bước vào văn minh, chứ không phải ở thời xa xưa ăn lông ở lỗ chưa có ý thức dân tộc mà ông hay gọi là “người Việt cổ” là sai lầm. Người thời ấy không thể gọi là người Việt cổ. Vì người Việt hiện đại có thể là tập hợp của nhiều bộ tộc khác nhau suốt 4.000 năm từ thủa vua Hùng dựng nước. Người Việt hiện đại có thể đã rất người Việt cổ về di truyền lẫn văn hóa rồi.

      Lịch sử bọn Úc, New Zealand, Mexico, Brasil mới đây thì rất rõ, là bọn châu Âu sang xâm chiếm châu Úc-Mỹ.

      Lịch sử hơn 5.000 năm trước ở Trung Hoa thì không rõ lắm. Di truyền học mới đây nói là người từ Đông Nam Á đi lên và từ Trung Á sang. Tuy nhiên đây là thời tiền sử, chưa có văn minh, chưa có ý thức dân tộc Hoa Hạ. Cùng thời cũng chưa có người Việt. Rất nhiều dân tộc khác ở Đông Á như Hàn, Nhật, Mông Cổ, Tạng, Hồi, Choang, Miến cũng chưa ra đời. Tất cả người tiền sử hơn 5.000 năm trước không nên gọi là Việt cổ hay Hoa cổ hay người gì cổ. Mà chỉ là Người Cổ nói chung thôi. Phát hiện di chỉ ở đâu thì gọi tên theo địa danh ở đó, ví dụ người Hòa Bình ở tỉnh Hòa Bình ở Việt Nam, người Điền Nguyên ở động Điền Nguyên ở Trung Quốc.

      Thích

  28. Thượng thư chính nghĩa [Tiên Tần – Nho gia soạn, Hán – Khổng An Quốc truyện, Đường – Khổng Dĩnh Đạt sớ]

    時甲子昧爽,王朝至于商郊牧野,乃誓。王左杖黃鉞,右秉白旄以麾,曰:「逖矣西土之人。」王曰:「嗟!我友邦冢君,御事、司徒、司馬、司空、亞旅、師氏、千夫長、百夫長及庸、蜀、羌、髳、微、盧、彭、濮人。稱爾戈,比爾干,立爾矛,予其誓。」八國皆蠻夷戎狄屬文王者國名。羌在西蜀叟,髳、微在巴蜀,盧、彭在西北,庸、濮在江漢之南。
    Thì Giáp Tý muội sảng, Vương triêu chí Thương giao Mục Dã, nãi thệ. Vương tả trượng hoàng việt, hữu bỉnh bạch mao dĩ huy, viết: “Thích hĩ tây thổ chi nhân.” Vương viết: “Ta! Ngã hữu Bang trủng quân, Ngự sự, Tư đồ, Tư mã, Tư không, Á lữ, Sư thị, Thiên phu trưởng, Bách phu trưởng, cập Dung, Thục, Khương, Mâu, Huy, Lô, Bành, Bộc. Xưng nhĩ qua, tỷ nhĩ can, lập nhĩ mâu, dư kỳ thệ.” (Bát quốc giai Man Di Nhung Địch thuộc Văn Vương giả quốc danh. Khương tại tây. Thục. Sưu, Mâu, Huy tại Ba Thục. Lô, Bành tại tây bắc. Dung, Bộc tại Giang Hán chi nam.

    Tờ mờ sáng ngày Giáp Tý, Vũ Vương đến mé ngoài thành nhà Thương ở cánh đồng Mục Dã, đọc lời thề. Vũ Vương tay trái cầm cây rìu vàng, tay phải cầm cờ mao trắng, nói “Đã xa quê ta lắm rồi, hỡi những người con của miền Tây.” Vũ Vương lại nói “Hỡi những người bạn của tôi, các vị Bang trủng quân, Ngự sự, Tư đồ, Tư mã, Tư không, Á lữ, Sư thị, Thiên phu trưởng, Bách phu trưởng, và người các nước Dung, Thục, Khương, Mâu, Huy, Lô, Bành, Bộc! Hãy giương cây qua của các vị lên, hãy che tấm khiên của các vị lại, hãy dựng cây mâu của các vị lên, hãy nghe tôi đọc lời thề. (Người tám nước đều là Man Di Nhung Địch. Khương ở miền Tây. Thục, Sưu, Mâu Huy ở đất Ba Thục. Lô, Bành ở miền tây bắc. Dung, Bộc ở miền phía nam sông Giang-Hán.)

    ___________

    Dật Châu thư [Tiên Tần – Nho gia soạn]

    正南甌鄧、桂國、損子、產里、百濮、九菌,請令以珠璣、玳瑁、象齒、文犀、翠羽、菌鶴、短狗為獻。
    Chính nam Âu Đặng, Quế Quốc, Tổn Tử, Sản Lý, Bách Bộc, Cửu Khuẩn, thỉnh lệnh dĩ châu cơ, đồi mồi, tượng xỉ, văn tê, thúy vũ, khuẩn hạc, đoản cẩu vi hiến.

    Phía chính nam là người các nước Âu Đặng, Quế Quốc, Tổn Tử, Sản Lý, Bách Bộc, Cửu Khuẩn, xin lệnh đem châu cơ, đồi mồi, ngà voi, sừng tê, lông chim trĩ, chim hạc, chó con đến cống.

    _________

    Xuân thu Tả truyện chính nghĩa [Xuân thu – Tả Khâu Minh soạn, Tấn – Đỗ Dự chú, Đường – Khổng Dĩnh Đạt sớ]

    庸人帥群蠻以叛楚,麇人率百濮聚於選,將伐楚,於是申息之北門不啟,楚人謀徙於阪高。百濮,夷也。建寧郡南有濮夷,濮夷無君長總統,各以邑落自聚,故稱百濮也。
    Dung nhân suất quần Man dĩ phản Sở, Quân nhân suất Bách Bộc tụ ư Tuyển, tương phạt Sở. Ư thị Thân Tức chi bắc môn bất khải, Sở nhân mưu tỉ ư Phản Cao. (Bách Bộc, Di dã. Kiến Ninh quận nam hữu Bộc Di. Bộc Di vô quân trưởng tổng thống, các dĩ ấp lạc tự tụ, cố xưng Bách Bộc dã.)

    Người nước Dung dẫn bọn người Man đánh nước Sở, người nước Quân dẫn bọn người Bách Bộc tụ họp ở đất Tuyển, cũng sắp đánh nước Sở. Do đó người ở phía bắc là các ấp Thân-Tức không dám ra đánh, người Sở mưu dời đô về ở ấp Phản Cao. (Bách Bộc là người Di. Phía nam quận Kiến Ninh có người Bộc Di. Người Bộc Di không có quân trưởng thống lĩnh, đều tự xôm tụ ở thôn ấp, cho nên gọi là Bách Bộc.)
    ___________

    Sử ký Sở thế gia [Hán – Tư Mã Thiên soạn, Lưu Tống – Bùi Nhân tập giải, Đường – Tư Mã Trinh sách ẩn, Trương Thủ Tiết chính nghĩa]

    熊霜六年,卒,三弟争立。仲雪死;叔堪亡,避難於濮。【集解】杜預曰:「建寧郡南有濮夷。」【正義】按:建寧,晉郡,在蜀南,與蠻相近。劉伯莊云:「濮在楚西南。」
    Hùng Sương lục niên, tốt. Tam đệ tranh lập, Trọng Tuyết tử, Thúc Kham vong tỵ nạn ư Bộc. (Tập giải: Đỗ Dự viết “Kiến Ninh quận nam hữu Bộc Di.” Chính nghĩa: Án Kiến Ninh Tấn quận, tại Thục nam, dữ Man tương cận. Lưu Bá Trang vân “Bộc tại Sở tây nam.”)

    Hùng Sương lập được sáu năm thì chết. Ba người em tranh ngôi, Trọng Tuyết chết, Thúc Kham bỏ chạy tránh nạn ở đất Bộc. (Tập giải: Đỗ Dự nói “Phía nam quận Kiến Ninh có người Bộc Di.” Chính nghĩa: Xét quận Kiến Ninh đặt ra thời Tấn, ở phía nam đất Thục, gần nhau với người Man. Lưu Bá Trang nói “Đất Bộc ở phía tây nam của nước Sở.”)

    三十五年,楚伐隨。隨曰:「我無罪。」楚曰:「我蠻夷也。今諸侯皆為叛相侵,或相殺。我有敝甲,欲以觀中國之政,請王室尊吾號。」隨人為之周,請尊楚,王室不聽,還報楚。三十七年,楚熊通怒曰:「吾先鬻熊,文王之師也,早終。成王舉我先公,乃以子男田令居楚,蠻夷皆率服,而王不加位,我自尊耳。」乃自立為武王,與隨人盟而去。於是始開濮地而有之。
    Tam thập ngũ niên, Sở phạt Tùy. Tùy viết “Ngã vô tội.” Sở viết “Ngã Man Di dã. Kim chư hầu giai phản tương xâm, hoặc tương sát. Ngã hữu tệ giáp, dục dĩ quan Trung Quốc chi chính, thỉnh vương thất tôn ngô hiệu.” Tùy nhân vi chi Châu, thỉnh tôn Sở, vương thất bất thính, hoàn báo Sở. Tam thập thất niên, Sở Hùng Thông nộ viết “Ngô tiên Dục Hùng, Văn Vương chi sư dã, tảo chung. Thành Vương cử ngã tiên công, nãi dĩ tử nam điền lệnh cư Sở, Man Di giai suất phục, nhi vương bất gia vị, ngã tự tôn nhĩ.” Nãi tự lập vi Vũ Vương, dữ Tùy nhân minh nhi khứ. Ư thị thủy khai Bộc nhi hữu chi.

    Năm thứ ba mươi lăm, người Sở đánh nước Tùy. Vua nước Tùy nói “Tao không có tội.” Vua nước Sở nói “Tao là người Man Di. Nay chư hầu đều phản, hoặc lấn nhau, hoặc giết nhau. Tao dù có mảnh giáp mỏng thôi, cũng muốn đi xem chính lệnh của Trung Quốc ra làm sao, xin nhà vua tôn hiệu cho tao.” Người nước Tùy nhân đó đi xin nhà Châu tôn hiệu cho vua nước Sở, nhà vua không nghe, về báo cho vua Sở. Vua nước Sở là Hùng Thông giận nói “Tổ tiên tao là Dục Hùng làm thầy của Văn Vương nhưng chết sớm. Thành Vương phong tước tử nam cho tiên công tao làm vua ở nước Sở, bọn Man Di đều thần phục, thế mà nhà vua không thêm tước vị. Vậy thì tao tự tôn hiệu vậy.” Bèn tự lập làm Vũ Vương, hội thề với vua nước Tùy rồi về. Do đó người Sở bắt đầu mở mang mà chiếm lấy đất Bộc.

    _______

    Hoa Dương quốc chí [Tấn – Thường Cừ soạn]

    南中在昔蓋夷越之地,滇、濮、句町、夜郎、葉楡、桐師、巂唐侯王國以十數。編髮左衽,隨畜遷徙,莫能相雄長。
    Nam Trung tại tích cái Di Việt chi địa, Điền, Bộc, Câu Đinh, Dạ Lang, Diệp Du, Đồng Sư, Tủy Đường hầu vương quốc dĩ thập số. Biên phát tả nhẫm, tùy súc thiên tỷ, mạc năng hùng trưởng.

    Đất Nam Trung đại khái là đất của người Di Việt, là hàng chục nước của vương hầu người Điền, Bộc Câu Đinh, Dạ Lang, Diệp Du, Đồng Sư, Tủy Đường, là dân buộc tóc cài vạt áo bên trái, di chuyển chăn thả theo bầy gia súc.

    ___________________

    Lễ ký chính nghĩa [Tiên Tần – Nho gia soạn, Hán – Trịnh Huyền chú, Đường – Khổng Dĩnh Đạt sớ]

    桑間濮上之音,亡國之音也,其政散,其民流,誣上行私而不可止也。濮水之上,地有桑間者,亡國之音,於此之水出也。昔殷紂使師延作靡靡之樂,巳而自沈於濮水。後師涓過焉,夜聞而寫之,為晉平公鼓之,是之謂也。
    Tang gian Bộc thượng chi âm, vong quốc chi âm dã, kỳ chính tán, kỳ dân lưu, vu thượng hành tư nhi bất khả chỉ dã. (Bộc thủy chi thượng, địa hữu tang gian giả, vong quốc chi âm ư thử chi thủy xuất dã. Tích Ân Trụ sử Sư Diên tác mi mi chi nhạc, dĩ nhi tự trầm ư Bộc thủy. Hậu Sư Quyên quá yên, dạ văn nhi tả chi, vi Tấn Bình Công cổ chi, thử chi vị dã.)

    Tiếng nhạc ở giữa ruộng dâu trên bờ sông Bộc, là tiếng nhạc mất nước vậy. Nước nào vang lên tiếng nhạc ấy thì chính lệnh rối ren, người dân lưu tán, bầy tôi dối lừa nhà vua làm lợi riêng mà không thể ngăn được. (Ở trên bờ sông Bộc có bãi trồng cây dâu, tiếng nhạc mất nước vang lên ở bờ sông ấy. Ngày xưa vua Trụ nhà Ân sai Sư Diên làm khúc nhạc sướt mướt, rồi lại tự nhảy xuống chìm ở sông Bộc. Sau có Sư Diên đi qua chỗ ấy, buổi đêm nghe được khúc nhạc ấy mà diễn tấu cho vua Tấn Bình Công nghe. Là nói về việc ấy.)

    ___________

    Hán thư [Hán – Ban Cố soạn, Đường – Nhan Sư Cổ chú]

    衞地有桑閒濮上之阻,男女亦亟聚會,聲色生焉,故俗稱鄭衞之音。師古曰:「阻者,言其隱阸得肆淫僻之情也。」
    Vệ địa hữu tang gian Bộc thượng chi trở, nam nữ diệc khí tụ hội, thanh sắc sinh yên, cố tục xưng Trịnh Vệ chi âm. (Sư Cổ viết “Trở giả, ngôn kỳ ẩn ách đắc tứ dâm tích chi tình dã.”)

    Đất Vệ có cái che lấp của ruộng dâu trên bờ sông Bộc, trai gái cũng thường tụ họp ở đó, tiếng hú hí vang vọng trong đó, cho nên người đời xưng là âm nhạc của nước Trịnh-Vệ. (Sư Cổ nói “Che lấp là nói kín mít được tự thỏa thích cái tình dâm đãng vậy.”)

    _______________

    Nam Hoa kinh [Chiến quốc – Trang Châu soạn]

    莊子釣於濮水,楚王使大夫二人往先焉,曰:「願以境內累矣!」莊子持竿不顧,曰:「吾聞楚有神龜,死已三千歲矣,王巾笥而藏之廟堂之上。此龜者,寧其死為留骨而貴乎,寧其生而曳尾於塗中乎?」二大夫曰:「寧生而曳尾塗中。」莊子曰:「往矣!吾將曳尾於塗中。」
    Trang Tử điếu ư Bộc thủy, Sở vương sử Đại phu nhị nhân vãng tiên yên, viết “Nguyện dĩ cảnh nội lụy hĩ!” Trang Tử trì cán bất cố, viết “Ngô văn Sở hữu thần quy, tử dĩ tam thiên tuế hĩ. Vương cân tư nhi tàng chi miếu đường chi thượng. Thử quy giả, ninh kỳ tử vi lưu cốt nhi quý hồ, ninh kỳ sinh nhi duệ vĩ ư đồ trung hồ?” Nhị Đại phu viết “Ninh sinh nhi duệ vĩ đồ trung.” Trang Tử viết “Vãng hĩ! Ngô tương duệ vĩ ư đồ trung.”

    Trang Tử câu cá ở sông Bộc, vua nước Sở sai hai viên Đại phu đến hỏi thăm, nói “Xin đem việc nước làm phiền đến ông.” Trang Tử cầm cần câu không ngoảnh lại, đáp rằng “Tôi nghe nói vua Sở có con rùa thần chết đã ba nghìn năm rồi, vua bọc nó trong cái hộp mà giấu ở trên miếu đường. Ông nói xem, con rùa ấy thà chịu chết để phơi xương mà được tôn quý hơn, hay là thà được sống để lê đuôi ở trong bùn hơn?” Hai vị Đại phu nói “Thà được sống mà được lê đuôi ở trong bùn còn hơn.” Trang Tử nói “Về đi! Tôi thà làm con rùa lê đuôi ở trong bùn.”

    __________________

    Bộc (濮) thủa đầu là một nước chư hầu của nhà Châu (周) ở miền nam sông Giang-Hán, sau bị nước Sở thôn tính. Người Bộc tản mát ở miền tây nam Sở, tức đất Nam Trung (miền Vân Nam, Quý Châu ngày nay). Vậy thì khác sông Bộc ở nước Trịnh-Vệ, xưa bên sông có ruộng dâu, trai gái thỏa thích hú hí, hoặc thường có khúc nhạc sướt mướt vang kên ở đấy.

    Thích

  29. Người TQ tự hào có 24 bộ quốc sử. Nhưng cho đến nay họ chưa biết tổ tiên họ là ai, chỉ đinh ninh rằng nơi phát tích của dân tộc cùng văn hóa của họ là miền Trung Hoàng Hà. Khi phát hiện di chỉ Gò Ba Sao, họ nói “Văn hóa Hoa Hạ được tạo ra từ nhiều nguồn,” mà văn hóa Thục là một. Nhưng năm 2016, sau 80 năm khảo cứu văn hóa Lương Chử, học giả TQ thừa nhận “Văn hóa Lương Chử là mẹ của văn minh Trung Quốc.” Sao lạ vậy? Một nền văn hóa đình đám lâu đời thế mà năm cha ba mẹ chăng? Một trung tâm văn hóa lớn tại Nam Hoàng Hà vì sao lại có cội nguồn là nền văn hóa thuộc cõi Nam Man cách xa hàng nghìn cây số? Việc họ nhận là “Viêm Hoàng tử tôn” có đúng không khi Viêm Đế sống trước Hoàng Đế 600 năm thì làm sao gặp gỡ để cho ra con cháu là Hoa Hạ? Người TQ hiện nay nhận là con cháu Hoàng Đế cũng là lầm lẫn lớn. Bởi lẽ tính theo di truyền thì lượng gen Hoàng Đế trong huyết quản họ còn ít hơn của Thành Cát Tư Hãn! Để người TQ bớt lầm lạc khi xác định tổ tiên, tôi buộc phải viết cuốn Viết lại lịch sử Trung Hoa bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh Rewriting Chinese History, in ở Mỹ và phát hành trên amazon.
    Trong sách của mình, bằng cách phân định nguồn gen của người Hoa Hạ, tôi phát hiện, vào Nam Hoàng Hà, Hoàng Đế giữa được ba đời gen Mông Cổ là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Thiếu Hạo. Nhưng đến đời thứ tư Đế Khốc đã thành người Việt. Vương vị của tộc Hiên Viên chỉ truyền đến đời thứ năm là Vua Nghiêu. Sau đó truyền hiền cho người Việt. Như vậy, trên thực tế, Hoa Hạ là lớp người lai Hoa Việt tồn tại khoảng 70 năm, sau đó hòa tan vào cộng đồng Việt đông đảo. Nhưng do uy danh của Hoa Hạ nên sau này ai cũng nhận vơ là Hoa Hạ. Ngày nay hậu duệ Thành Cát Tư Hãn và Ái Tân Giác La – chả dính dáng gì tới Hoàng Đế – đều nhận vơ là Hoa Hạ! Nhận Hoàng Đế làm tổ là sự vô minh của lịch sử người Trung Quốc. Ngày nay, học giả TQ thừa nhận, vị tổ đầu tiên của người TQ là người Đàn ông hang Điền Nguyên từ Hòa Bình lên 40.000 năm trước. Bỏ mồ cha khóc đống mối luôn là bi kịch của con người!
    – Về danh xưng tộc Việt. Khảo cổ học thừa nhận, người Hòa Bình làm ra cái búa, cái việt đá mới từ 22.000 năm trước. Đó là công cụ ưu việt. Búa được tra cán, vác trên vai, vừa là công cụ sản xuất, vừa là vũ khí. Tới lúc nào đó tộc người sở hữu cái việt được gọi là “người mang việt” rồi tự nhiên thành tộc danh “người Việt.” Khảo cổ học cho thấy trên Giáp cốt, chữ Việt đầu tiên là chữ Qua. Khoảng 10.000 năm trước, bên bờ Dương Tử, cây lúa nước được thuần hóa, người chủ của cây lúa được gọi là người Việt bộ Mễ. Tới thời kim loại, chủ nhân chiếc búa đồng được gọi là người Việt bộ Tẩu. Hai danh xưng đầu ra đời hàng vạn năm trước khi sinh ra người Hán! Chữ Việt Tẩu được khắc trên cây kiếm của Câu Tiễn nhiều trăm năm trước khi “dân tộc Hán” ra đời.
    – “Cổ” là tính từ chỉ thời gian rất linh động. Món đồ sau 100 năm được gọi là đổ cổ. Để tránh việc lầm lẫn đáng tiếc, từ khảo sát sọ người thời đá mới và thời đồ đồng ở VN, khoa nhân học quy định: “Người thuộc thời đá mới, mang mã di truyền Australoid là người Việt cổ. Người thời đồ đồng mang gen Mongoloid phương Nam là người Việt hiện đại.” Đây là quy định của khoa nhân học, chỉ có thể tuân thủ khi luận bàn khoa học, không thể nói theo cảm tính.

    Thích

    • Chủy điệu khúc [Nam bắc triều – Dữu Tín soạn]

      落其實者思其樹,飲其流者懷其源。
      Lạc kỳ thực giả tư kỳ thụ, ẩm kỳ lưu giả hoài kỳ nguyên.

      Ăn quả nào thì nhớ cây đó, uống nước nào thì nhớ nguồn sông đó.

      ______________

      Nước công Hoàng Hà từ trên trời chảy xuống, cuồn cuộn về phía đông, đổ vào biển lớn Hoàng Hải không quay lại nữa! Cũng như dòng đời cứ trôi mãi không dứt, 3000 năm, lại 4000 năm, lại 5.000 năm, cùng với trời cao đất rộng, biết khi nào dừng?

      Chúng tôi ở đất Trung Nguyên, uống dòng nước mát lành của Hoàng Hà từ bao đời nay rồi. Chúng tôi luôn nhớ nguồn của Hoàng Hà, ở dãy núi Côn Luân thì có nước của Hắc Thủy, ở đất Tam Tần thì có nước của Vị Thụy, ở đất Tam Tấn thì có nước của Phần Thủy, nhiều sông nhánh cùng đổ lại mới có nước sông Hoàng Hà cuồn cuộn về đông. Nào chỉ mỗi nước Hắc Thủy ở dãy núi Côn Luân đâu?

      Cũng như văn minh Trung Hoa không chỉ mỗi Viêm Hoàng, mà còn có cả Bách Việt, Ngũ Hồ cùng chung sức sau này suốt 5.000 năm qua. Tuy nhiên cái nguồn văn minh chính, gốc rễ của Trung Hoa chúng tôi là Viêm Hoàng từ 5.000 năm trước. Trước thời Viêm Hoàng thì có thời đại ông Hữu Sào (ông tổ phát minh ra nhà sàn), ông Phục Hy (ông tổ phát minh ra Bát quái), ông Toại Nhân (ông tổ phát minh ra bật lửa). Xa xưa hơn nữa thì sách sử không thể nhớ rõ, tìm về nguồn gốc văn minh xa xưa thì có các ông Ở Trong Hang, Ăn Thịt Sống ở động Hòa Bình và ở Châu Phi. Ví như sông Hoàng Hà lúc này chỉ đang rỉ rách trong băng tuyết ở dãy núi Côn Luân vậy.

      Từ khi ông Viêm Đế Thần Nông phát minh ra nông nghiệp và làm thuốc, ông Hoàng Đế làm ra lịch pháp thì văn minh Trung Hoa bắt đầu nở rộ, làm nên Ngũ Đế Tam Vương, Tần Hán, Đường Tống. Ví như sông Hoàng Hà bắt đầu đã có hình hài cuồn cuộn ở đất Trung Nguyên rồi vậy.

      Lại nói Bách Việt là một trong nhiều dòng chảy đổ vào dòng sông lớn của văn minh Trung Hoa, đó là văn minh Lương Chử là nền móng của các nước Ngô-Việt ở đất Giang Hoài, thực sự đã hòa nhập từ thời Tần Hán đến nay rồi.

      Văn minh sông Hồng của các bạn thì mới 4.000 năm từ thủa vua Hùng dựng nước Văn Lang thôi. Suốt 4000 qua, văn minh sông Hồng các bạn cũng tiếp thu rất nhiều văn minh từ các nước Bách Việt thời Xuân thu Chiến quốc, thậm chí của Ba Thục, sau đó là 1.000 năm Bắc thuộc học văn minh Trung Hoa cho đến nay. Tổ tiên các bạn là người Lạc Việt từng tôn Sĩ Nhiếp làm Nam Giao học tổ, là sứ giả truyền bá văn minh Trung Hoa vào vùng sông Hồng từ 2.000 năm trước (rõ hơn là thời Tam quốc). Sau nữa có văn minh Ấn Độ nước Chiêm Thành. Hơn 4.000 năm trước thì có các ông Ở Trong Hang hoặc Ông Dùng Rìu Đá ở hang Hòa Bình vậy.

      Ví như sông Hồng lúc đầu là các suối nhỏ ở Vân Nam, vào đất các bạn thì thêm nước của sông Đà, sông Chảy, sông Đuống mới có sông Hồng vậy.

      Ý tại ngôn ngoại, mong các bạn ngẫm kỹ.

      Thích

      • Thầy tôi là Lão Tử và nhiều vị tiên hiền đều là tổ tiên của người Hán dùng chữ Hán cả, cho nên tôi chẳng có gì ngoài chữ Hán và kinh thư chữ Hán cả. Nếu vậy mà túc hạ Lại Việt bảo tôi là Hán nô (漢奴) thì cũng không sai.

        Thầy tôi bảo phải vô vi nhưng tôi còn chút vướng bụi trần chưa dứt được, cho nên còn ngao du khắp cõi mạng internet này đã hơn chục năm rồi. Thấy cảnh trái mắt mình thì tiếu ngạo chút thôi, nào muốn như thế!

        Sử Việt chỉ có từ thời Lý Trần với bộ Sử ký của Đỗ Thiện và Đại Việt sử ký toàn thư, chỉ chép từ thời Lý Trần về sau là quốc sử. Chuyện từ thời Ngô Vương Quyền về trước phần nhiều đều phải dựa theo sử Tàu cả, vì chỉ có sử Tàu chép về giai đoạn lịch sử này.

        Thích

  30. Quốc ngữ [Tiên Tần – Nho gia soạn]

    同姓為兄弟。黃帝之子二十五人,其同姓者二人而已,唯青陽與夷鼓皆為己姓。青陽,方雷氏之甥也。夷鼓,彤魚氏之甥也。其同生而異姓者,四母之子別為十二姓。凡黃帝之子,二十五宗,其得姓者十四人為十二姓。姬、酉、祁、己、滕、箴、任、荀、僖、姞、儇、依是也。唯青陽與蒼林氏同於黃帝,故皆為姬姓。同德之難也如是。昔少典娶於有蟜氏,生黃帝、炎帝。黃帝以姬水成,炎帝以姜水成。成而異德,故黃帝為姬,炎帝為姜,二帝用師以相濟也,異德之故也。異姓則異德,異德則異類。異類雖近,男女相及,以生民也,同姓則同德,同德則同心,同心則同志。同志雖遠,男女不相及,畏黷敬也。黷則生怨,怨亂毓災,災毓滅姓。是故娶妻避其同姓,畏亂災也。故異德合姓,同德合義。義以導利,利以阜姓。姓利相更,成而不遷,乃能攝固,保其土房。

    Người cùng một họ là anh em. Hoàng Đế (黃帝) có hai mươi lăm người con trai, trong đó chỉ có hai người là cùng một họ mà thôi, đấy là Thanh Dương (青陽) và Di Cổ (夷鼓) đều mang họ Kỷ (己). Thanh Dương là cháu ngoại của ông Phương Lôi (方雷). Di Cổ là cháu ngoại của ông Đồng Ngư (彤魚). Những người con trai cùng cha mà khác mẹ của Hoàng Đế là do bốn người mẹ sinh ra thì chia ra làm mười hai họ. Hoàng Đế có cả thảy hai mươi lăm người con trai thì chỉ có mười bốn người con trai là có dòng dõi, chia ra làm mười hai họ, đấy là các họ Cơ (姬), họ Dậu (酉), họ Kỳ (祁), họ Kỷ (己), họ Đằng (滕), họ Hàm (箴), họ Nhâm (任), họ Tuân (荀), họ Hy (僖), họ Cật (姞), họ Hoàn (儇), họ Y (依). Chỉ có Thanh Dương (青陽) và Thương Lâm (蒼林) là cùng họ với Hoàng Đế, cho nên đều là họ Cơ (姬), người cùng đức thì cũng như thế. Ngày xưa ông Thiếu Điển (少典) lấy con gái của ông Hữu Kiều (有蟜) sinh ra Hoàng Đế (黃帝) và Viêm Đế (炎帝). Hoàng Đế lớn lên ở bên sông Cơ Thủy (姬水), Viêm Đế lớn lên ở bên sông Khương Thủy (姜水). Lúc lớn lên thì có đức khác nhau, cho nên Hoàng Đế họ Cơ (姬) mà Viêm Đế họ Khương (姜), hai người dùng binh để đánh nhau, là do khác đức vậy. Khác họ thì khác đức, khác đức thì khác nòi. Khác nòi dù có thân thiết thì trai gái cũng được lấy nhau để sinh ra dòng dõi vậy. Cùng họ thì cùng đức, cùng đức thì cùng lòng, cùng lòng thì cùng chí. Cùng chí dù có xa cách thì trai gái cũng không được lấy nhau, vì sợ coi khinh nhau vậy. Coi khinh thì oán giận, oán giận thì gây hại, gây hại thì diệt họ. Cho nên tránh lấy vợ gả chồng cùng họ, là vì sợ gây hại vậy. Cho nên khác đức thì kết hôn hai họ, cùng đức thì kết hợp vì nghĩa. Nghĩa để tìm lợi, lợi để đỡ họ. Họ lợi thì giúp nhau, thành đôi không rời, rồi mới đứng vững, giữ được cơ nghiệp.

    _______________________

    Đại Đái Lễ ký [Hán – Đái Đức soạn]

    宰我問於孔子曰:“昔者予聞諸榮伊,言黃帝三百年。請問黃帝者人邪?亦非人邪?何以至於三百年乎?”孔子曰:“予!禹、湯、文、武、成王、周公,可勝觀也!夫黃帝尚矣,女何以為?先生難言之”宰我曰:“上世之傳,隱微之說,卒業之辨,闇昏忽之,意非君子之道也,則予之問也固矣。”

    孔子曰:“黃帝,少典之子也,曰軒轅。生而神靈,弱而能言,幼而慧齊,長而敦敏,成而聰明。治五氣,設五量,撫萬民,度四方;教熊羆貔豹虎,以與赤帝戰於版泉之野,三戰然後得行其志。黃帝黼黻衣,大帶黼裳,乘龍扆雲,以順天地之紀,幽明之故,死生之說,存亡之難。時播百穀草木,故教化淳鳥獸昆蟲,歷離日月星辰;極畋土石金玉,勞心力耳目,節用水火材物。生而民得其利百年,死而民畏其神百年,亡而民用其教百年,故曰三百年。”

    少典產軒轅是爲黃帝。

    黃帝產元囂,元囂產蟜極,蟜極產高辛,是為帝嚳。

    帝嚳產放勳,是為帝堯。

    黃帝產昌意,昌意產高陽,是為帝顓頊。

    顓頊產窮蟬,窮蟬產敬康,敬康產句芒,句芒產蟜牛,蟜牛產瞽叟,瞽叟產重華,是為帝舜,及產象敖。

    顓頊產鯀,鯀產文命,是為禹。

    黃帝居軒轅之邱,娶於西陵氏,西陵氏之子謂之嫘祖氏,產青陽及昌意。青陽降居泜水,昌意降居若水。昌意娶於蜀山氏,蜀山氏之子謂之昌濮氏,產顓頊。

    顓頊娶於滕奔氏,滕奔氏之子謂之女祿氏,產老童。

    老童娶於竭水氏,竭水氏之子謂之高緺氏,產重黎及吳回。吳回氏產陸終。陸終氏娶於鬼方氏,鬼方氏之妹謂之女隤氏,產六子,孕而不粥,三年,啟其左脅,六人出焉。其一曰樊,是為昆吾;其二曰惠連,是為參胡;其三曰籛,是為彭祖;其四曰萊言,是為雲鄶人;其五曰安,是為曹姓;其六曰季連,是為羋姓。季連產附祖氏,附祖氏產穴熊。季連之裔孫鬻熊,九世至於渠。渠有子三人,其孟之名為無康,為句亶王;其中之名為紅,為鄂王;其季之名為疵,為越章王。

    昆吾者,衛氏也;參胡者,韓氏也;彭祖者,彭氏也;雲鄶人者,鄭氏也;曹姓者,邾氏也;季連者,楚氏也。

    帝嚳卜其四妃之子,而皆有天下。上妃有邰氏之女也,曰姜嫄氏,產后稷;次妃有娀氏之女也,曰簡狄氏,產契;次妃曰陳鋒氏之女也,曰慶都氏,產帝堯;次妃陬訾氏之女也,曰長儀氏,產帝摯。

    帝堯娶於散宜氏,散宜氏之子謂之女皇氏。

    帝舜娶於帝堯,帝堯之子謂之女匽氏。

    鯀娶於有莘氏,有莘氏之子謂之女志氏,產文命。

    禹娶於塗山氏,塗山氏之子謂之女憍氏,產啟。

    Tể Ngã (宰我) hỏi với Khổng Tử (孔子) rằng:

    – “Ngày xưa Dư (予) nghe Vinh Y (榮伊) nói rằng Hoàng Đế (黃帝) thống trị thiên hạ được ba trăm năm. Xin hỏi Hoàng Đế là người hay không phải là người? Sao lại thống trị thiên hạ được đến ba trăm năm vậy?”

    Khổng Tử nói:

    – “Này anh Dư! Chuyện về thời các ông Vũ (禹), Thang (湯), Văn (文), Vũ (武), Thành (成), Châu Công (周公) thì tôi có thể xem biết được! Chứ chuyện về thời ông Hoàng Đế thì đã xưa quá, anh hỏi mà làm gì? Đến người xưa còn khó mà nói rõ được.”

    Tể Ngã nói:

    – “Lời truyền thời xưa là lời sâu kín, còn tranh cãi chưa dứt, ý nghĩa vẫn mù mờ nhập nhèm thì không phải là cái đạo của bậc quân tử, cho nên Dư gặng hỏi cho rõ vậy.”

    Khổng Tử nói:

    – “Hoàng Đế là con trai của ông Thiếu Điển (少典), tên là Hiên Viên (軒轅). Lúc sinh ra ứng với thần linh, còn non nớt mà đã biết nói, còn trẻ con mà hiểu biết, lớn lên thì nhanh nhẹn, làm người thì sáng suốt. Nghiền ngẫm ngũ hành, suy tính thước cân, vỗ về muôn dân, đo đếm bốn phương. Dạy gấu, tỳ hưu, beo, hổ, để đánh với Xích Đế ở cánh đồng Phản Tuyền, ba trận thì mới được thỏa ý mình. Hoàng Đế mặc áo thêu, buộc dây váy lớn, cưỡi rồng lướt mây để xét quy luật của trời đất, để ngẫm nguồn gốc của ngày đêm, để tính nguyên nhân của sống chết, để suy lý lẽ của còn mất. Trồng lúa màu cây cỏ, lại nuôi dưỡng chim thú sâu bọ, xét sự di chuyển của Mặt Trời-Mặt Trăng-chòm sao để làm lịch, khai thác cái lợi của đất-đá-vàng-ngọc. Nhọc lòng, mỏi mắt, mòn tai để tìm hiểu cái dùng được của các vật nước-lửa. Lúc sống thì dân được lợi suốt một trăm năm, lúc chết thì dân nhớ suốt một trăm năm, lúc mất thì dân theo giáo hóa ấy suốt một trăm năm, cho nên nói thống trị được ba trăm năm.”

    – Thiếu Điển (少典) sinh ra Hiên Viên (軒轅) tức là Hoàng Đế (黃帝).

    – Hoàng Đế (黃帝) sinh ra Nguyên Hiêu (元囂). Nguyên Hiêu sinh ra Kiều Cực (蟜極). Kiều Cực sinh ra Cao Tân (高辛) tức là Đế Khốc (帝嚳).

    – Đế Khốc (帝嚳) sinh ra Phóng Huân (放勳) tức là Đế Nghiêu (帝堯).

    – Hoàng Đế (黃帝) sinh ra Xương Ý (昌意). Xương Ý sinh ra Cao Dương (高陽) tức là Đế Chuyên Húc (帝顓頊)。

    – Chuyên Húc (顓頊) sinh ra Cùng Thiền (窮蟬). Cùng Thiền sinh ra Kính Khang (敬康). Kính Khang sinh ra Câu Mang (句芒). Câu Mang sinh ra Kiều Ngưu (蟜牛). Kiều Ngưu sinh ra Cổ Tẩu (瞽叟). Cổ Tẩu sinh ra Trùng Hoa (重華) tức là Đế Thuấn (帝舜) và sinh ra Tượng Ngao (象敖).

    – Chuyên Húc (顓頊) sinh ra Cổn (鯀). Cổn sinh ra Văn Mệnh (文命) tức là Vũ (禹).

    – Hoàng Đế (黃帝) sống ở gò Hiên Viên, lấy con gái của ông Tây Lăng (西陵). Con gái của ông Tây Lăng gọi là Luy Tổ (嫘祖) sinh ra Thanh Dương (青陽) và Xương Ý (昌意). Thanh Dương xuống sống ở bên sông Trì Thủy (泜水), Xương Ý xuống sống ở bên sông Nhược Thủy (若水). Xương Ý lấy con gái của ông Thục Sơn (蜀山). Con gái của ông Thục Sơn gọi là Xương Bộc (昌濮) sinh ra Chuyên Húc.

    – Chuyên Húc (顓頊) lấy con gái của ông Đằng Bôn (滕奔). Con gái của ông Đằng Bôn gọi là Nữ Lộc (女祿) sinh ra Lão Đồng (老童). Lão Đồng lấy con gái của ông Kiệt Thủy (竭水). Con gái của ông Kiệt Thủy gọi là Cao Oa (高緺) sinh ra Trùng Lê (重黎) và Ngô Hồi (吳回). Ngô Hồi sinh ra Lục Chung (陸終). Lục Chung lấy em gái của ông Quỷ Phương (鬼方). Em gái của ông Quỷ Phương gọi là Nữ Đồi (女隤) sinh ra sáu người con trai, mang thai nhưng không đẻ, ba năm thì rạch nách trái mà sinh ra sáu người con trai cùng lúc, thứ nhất là Phàn (樊) tức là Côn Ngô (昆吾), thứ hai là Huệ Liên (惠連) tức là Tham Hồ (參胡), thứ ba là Tiền (籛) tức là Bành Tổ (彭祖), thứ tư là Lai Ngôn (萊言) tức là Vân Cối (雲鄶), thứ năm là An (安) tức là tổ của họ Tào (曹), thứ sáu là Quý Liên (季連) tức là tổ của họ Mị (羋). Quý Liên sinh ra Phụ Tổ (附祖). Phụ Tổ sinh ra Huyệt Hùng (穴熊). Cháu nhiều đời của Quý Liên là Dục Hùng (鬻熊) truyền được chín đời thì đến đời Cừ (渠). Cừ có ba người con trai, con trai cả tên là Vô Khang (無康) được phong làm vua ấp Câu Đản Vương (句亶), con trai giữa tên là Hồng (紅) được phong làm vua ấp Ngạc (鄂), con trai út tên là Tỳ (疵) được phong làm vua ấp Việt Chương Vương (越章).

    – Dòng dõi của Côn Ngô (昆吾) được phong ở nước Vệ (衛). Dòng dõi của Tham Hồ (參胡) được phong ở nước Hàn (韓). Dòng dõi của Bành Tổ (彭祖) được phong ở nước Bành (彭). Dòng dõi của Vân Cối (雲鄶) được phong ở nước Trịnh (鄭). Dòng dõi của họ Tào (曹) được phong ở nước Trâu (邾). Dòng dõi của Quý Liên (季連) được phong ở nước Sở (楚).

    – Đế Khốc (帝嚳) xem bói cho những con trai của bốn người vợ thì được cho biết là dòng dõi sau này đều có thiên hạ. Vợ cả là con gái của ông Hữu Thai (有邰) tên là Khương Nguyên (姜嫄) sinh ra Hậu Tắc (后稷). Vợ thứ là con gái của ông Hữu Nhưng (有娀) tên là Giản Địch (簡狄) sinh ra Khiết (契). Vợ thứ là con gái của ông Trần Phong (陳鋒) tên là Khánh Đô (慶都) sinh ra Đế Nghiêu (帝堯). Vợ thứ là con gái của ông Tưu Ty (陬訾) tên là Trưởng Nghi (長儀) sinh ra Đế Chí (帝摯).

    – Đế Nghiêu (帝堯) lấy con gái của ông Tán Nghi (散宜). Con gái của ông Tán Nghi gọi là Nữ Hoàng (女皇).

    – Đế Thuấn (帝舜) lấy con gái của Đế Nghiêu. Con gái của Đế Nghiêu gọi là Nữ Yển (女匽).

    – Cổn (鯀) lấy con gái của ông Hữu Sân (有莘). Con gái của ông Hữu Sân gọi là Nữ Chí (女志) sinh ra Văn Mệnh (文命).

    – Vũ (禹) lấy con gái của ông Đồ Sơn (塗山). Con gái của ông Đồ Sơn là Nữ Kiêu (女憍) sinh ra Khải (啟).

    ____________________________

    Vậy thì Ngũ Đế (Hoàng Đế, Cao Tân, Nghiêu, Thuấn, Vũ) và Tam vương (Hạ, Thương, Châu) đều là anh em cùng họ Cơ của Hoàng Đế. Không phải có công đức với Trung Hoa lớn lắm thì sao được như thế? Người du mục chăn thả cưỡi trên ngựa như Hung Nô, Ngũ Hồ, Đột Quyết, Mông Cổ, Nữ Chân há có thể làm được!

    Thích


    • Hoàng Đế và Viêm Đế đều có thể là dân du mục. Hoặc ít nhất có khả năng là người nói tiếng Altai không phải Hán-Tạng. Với uy vũ của người Altai mới có khả năng chinh phục cả Á-Âu về sau. Hán là dân canh nông. Việt chẳng qua là dân thiểu số ở Phương Nam bị Hán hóa và Thái hóa dần dần mà biết làm nông, còn không sẽ là dân da đen săn bắn (người Hòa Bình).

      Thích

  31. Xi Vưu theo nghĩa đen là “Ông Cha”. Ý là ở Tổ Tiên cội nguồn ban đầu mà ra. Nghĩa tiềm ẩn của Văn U Mặc là sự sáng của người hùng (vị anh hùng chẳng hạn). Đó là xét theo Nhân Thư. Nếu chiếu theo Thiên Thư thì: Đó có nghĩa là Thái Điển. Là ánh sáng chân linh từ tòa sao Bắc Đẩu mà ra. Cảm ơn bạn về bài viết, nhận định về Xi Vưu là thủ lĩnh đầu tiên của tộc Việt là không thể sai cho được! Bởi sự thật vẫn luôn nằm ở đó (bị vùi lấp bụi mờ mấy nghìn năm nay, đúng “thời” “cơ” thì “Tự Nhiên” sẽ có cơn “gió Trời” quét sạch lớp bụi ấy, rồi mọi thứ sẽ tỏ lộ, sẽ lại đâu vào đấy cả thôi!)! Hễ “thắng làm vua, thua làm giặc!”, kẻ thắng trận là kẻ viết lại lịch sử, mà lịch sử thì đâu hẳn đã là chân lý hay sự thật gì?! Bởi vì có cả những điều tất cả chúng ta ở đây chứng kiến tận mắt, nhưng đôi khi nội tình lại không phải như thế (tình ngay lý gian), huống hồ là đọc nhân thư (lịch sử) của nhân loại do người khác viết lại!!! Thế mà thiên hạ xưa nay vẫn lấy đó làm chuẩn mực, làm nền tảng cho tri thức của họ một cách “chắc nịch”, không một chút nghi ngờ hay dò xét lại. Thế rồi trong thời kỳ Kim Cuộc, quần hùng tụ hội – tranh nhau mà thi… “cãi lộn” (đã cãi lộn thì bên đúng hay bên sai vẫn “lộn” mà thôi!). Mà cãi làm gì vì sự học cả đời còn chẳng hết được, và chẳng phải chân lý nằm ở câu “thời gian sẽ trả lời tất cả” rồi hay sao!?

    Thích

    • Tam quốc chí chú

      讀書百徧而義自見。
      Đọc trăm quyển sách thì tự rõ đạo lý [mà mình muốn tìm hiểu].

      ___________

      Dám hỏi tiên sinh đã từng đọc những sách gì nói về Xi Vưu ?

      Thích

Bình luận về bài viết này