Quan Độ đại chiến

Tam-quoc-dien-nghia-Tran-chien-kinh-dien-minh-chung-cho-tai-nang-hon-nguoi-cua-Tao-Thao-362-1554996741-width1280height720

Nguyễn Đỗ Thuyên

Thời Tam quốc có nhiều chiến dịch nổi tiếng: Xích Bích, Quan Độ, Hán Trung, Di Lăng… Trong đó, theo quan điểm của người viết, Quan Độ là chiến dịch có nhiều màu sắc quân sự hơn cả.

PHẦN 1: TÀO THÁO CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN, BÍ ẨN QUÂN SỐ VIÊN-TÀO

quan do 1

Tào Tháo chinh chiến mấy chục năm, đánh qua trăm trận lớn nhỏ. Trong những trận đại chiến quyết định vận mệnh thiên hạ, ông ta đều có thắng có thua. Bại trận tại Xích Bích, ông ta vỡ mộng nhất thống. Thua trận ở Hán Trung, ông ta đành chấp nhận sự tồn tại của Thục quốc. Chỉ có chiến thắng Quan Độ mới là chiến tích huy hoàng nhất trong đời binh nghiệp của Mạnh Đức, giúp ông ta xác lập địa vị bá chủ phương Bắc.

1 – Hoàn cảnh khó khăn

Chiến dịch Quan Độ có một điểm chung với trận Xích Bích: Kẻ ban đầu được đánh giá là yếu hơn gấp bội lại là người chiến thắng sau cùng. Quả vậy, trước trận Quan Độ, bất cứ là địa bàn, quân số hay lương thực, Tào Tháo đều không thể so sánh được với Viên Thiệu.

Viên Thiệu hùng cứ bốn châu U, Tinh, Thanh, Ký, binh lực đến “có mấy chục vạn” [1]. Trong khi Tào Tháo chỉ nắm giữ ba châu Từ, Duyện, Dự, thực lực thua xa, quân đội chỉ “chưa đầy một vạn” [2]. Dĩ nhiên những con số này còn phải xét lại, nhưng sự chênh lệch trong suốt chiến dịch là điều hiển hiện rõ qua các sự kiện, các bình luận của nhân vật trong cuộc.

Hoàn cảnh khó khăn của Tào Tháo còn ở chỗ: địa bàn nằm chính giữa Trung Nguyên, bốn phía là địch. Căn cứ Từ châu, Duyện châu, Dự châu của Tào Tháo có vị trí ở giữa các đối thủ khác: phía tây có Hàn Toại và Mã Đằng ở Lương châu, phía tây bắc có Trương Dương ở Hà Nội, phía nam có Trương Tú ở Nam Dương, phía đông nam có Viên Thuật ở Hoài Nam, phía đông có Lữ Bố và Lưu Bị ở Từ châu. Trước trận Quan Độ, kể từ năm 195 đến cuối năm 199, Tào Tháo phải liên tục ngoại giao hoặc chinh chiến với các đối thủ này, trong tình cảnh vẫn phải dè chừng Viên Thiệu.

Trong khi đó bốn châu U, Tinh, Thanh, Ký của Viên Thiệu nằm ở góc đông bắc Trung Quốc, sau lưng lúc này là người Ô Hoàn vẫn đang thần phục, đối thủ lớn nhất ở Hà Bắc chỉ có một Công Tôn Toản mà thôi. Đánh bại Toản, thống nhất xong khu vực phía bắc Hoàng Hà, Viên Thiệu đã có thể rục rịch khởi binh vào cuối năm 199, toàn lực hướng mũi giáo xuống miền nam. Trong khi đó, tháng 8/199 Tào Tháo dẫn binh đến Lê Dương để bố trí phòng ngự thì đến tháng 11/199 lại phải về Hứa huyện thu hàng Trương Tú, rồi vội vã quay lại Quan Độ để chuẩn bị cho một trường ác chiến. Có thể thấy được, Viên Thiệu là nhàn nhã mà đến, còn Tào Tháo thì là gấp gáp ứng chiến.

Tuy nhiên, “nhàn nhã mà đến” không có nghĩa là sẽ duy trì được ưu thế; còn “gấp gáp ứng chiến” cũng chưa chắc là chuẩn bị sơ sài. Tào Tháo, trong tình thế bốn mặt thụ địch, vẫn tìm ra cách để giải quyết từng đối thủ, đồng thời tích lũy dần dần ưu thế để chuẩn bị cho đại chiến với Viên Thiệu.

2 – Chạy đua với thời gian

Quãng thời gian đầu chiến dịch là lúc Tào Tháo cực kỳ bận rộn. Ở trên có nói, ngay cả khi đã đến Lê Dương bố trí quân đội, Tào Tháo vẫn phải đích thân quay lại huyện Hứa để tiếp nhận hàng quân của Trương Tú. Chuyện Trương Tú đầu hàng rồi trở mặt ở Uyển thành đầu năm 197 đã từng khiến Tào Tháo mất đi ái tướng (Điển Vi), trưởng tử (Tào Ngang) lẫn người cháu yêu (Tào An Dân). Vì vậy lần thứ hai nhận hàng, đương nhiên Tào Tháo phải có mặt để đảm bảo chắc chắn không có gì sơ thất.

Thật ra trong mấy năm trước đó, quân Ngụy ở rất nhiều chiến tuyến đều cần sự hiện diện của Tào Tháo. Suốt năm Kiến An thứ nhất (năm 196), Tào Tháo bận rộn với kế hoạch đón thiên tử, đánh bại Dương Phụng, gây dựng đồn điền. Năm 197 lại mấy lần dẫn binh nam chinh đánh Trương Tú ở Uyển thành, đông chinh đánh Viên Thuật ở Trần quận. Năm 198 đánh bại Lữ Bố, giao chiến với Lưu Biểu. Phải đến tháng 2/199, Tào Tháo sau khi tiêu diệt Lữ Bố mới tạm buông bỏ mối lo phía đông, rời Từ Châu quay lại Xương Ấp.

Nhưng cũng chỉ 2 tháng sau (4/199), quận Hà Nội có biến, Thái thú Hà Nội là Trương Dương (đồng minh của Lữ Bố) bị thuộc tướng là Dương Sửu ám sát, một thuộc tướng khác là Tuy Cố lại giết Sửu, đem quân ấy theo Viên Thiệu. Nhận thấy thời cơ chiếm lĩnh địa bàn phía tây bắc này, Tào Tháo lại đích thân đến Hoàng Hà, sai Sử Hoán – Tào Nhân vượt sông đánh Tuy Cố. Với việc quận Hà Nội quy thuận Viên Thiệu, Tào Tháo hiểu rằng rất có thể đây sẽ là bước chuyển, mở đầu cho một trận đại chiến vốn đã được hai bên lặng lẽ chuẩn bị từ lâu.

3 – Viên Thiệu động binh

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, với bút pháp lấy nhà Thục làm trung tâm, cuộc đối đầu Tào – Viên được La Quán Trung mô tả là có nguồn cơn từ Lưu Bị. Cụ thể, sau khi giết Thứ sử do Tào Tháo phong là Xa Trụ và chiếm lấy Từ châu, biết khó chống lại sự báo thù của Tào Tháo nên Lưu Bị đã theo kế của Trần Đăng, nhờ Trịnh Huyền viết thư thuyết phục Viên Thiệu đánh Tào Tháo để giúp Lưu Bị, và Viên Thiệu vì nể mặt Trịnh Huyền nên mới nhận lời.

Thực ra thì việc Viên Thiệu rục rịch Nam chinh đã có từ sau khi Thiệu tiêu diệt Công Tôn Toản. Tam Quốc Chí – Viên Thiệu truyện chép: “Thiệu cho con trưởng là Đàm ra Thanh châu, lại dùng con giữa là Hy ở U châu, con rể là Cao Cán ở Tinh châu. Bộ chúng của Thiệu có mấy chục vạn, dùng Thẩm Phối, Phùng Kỉ thống quản việc quân, Điền Phong, Tuân Kham, Hứa Du làm mưu sĩ, Nhan Lương, Văn Sú làm tướng soái, kén chọn lấy chục vạn quân tinh nhuệ, một vạn quân kỵ, chuẩn bị đánh huyện Hứa”.

Có thể thấy, ở bốn châu Thanh-Tinh-U-Ký, Viên Thiệu đều bố trí con trai hoặc cháu trai thân tín chỉ huy. Trong quân có lực lượng mưu sĩ hùng hậu, bộ binh kỵ binh đều đông đảo và cũng không thiếu võ tướng tài năng. Toàn bộ lực lượng của Viên Thiệu đã được xuất ra, báo hiệu một chiến dịch cực kỳ khó khăn cho phía Tào Tháo.

Đối thủ mạnh gấp mười lần sắp đến, thế nhưng người chiến thắng sau cùng lại là Tào Tháo. Là do ông ta quá xuất sắc, hay còn có bí ẩn nào khác?

Một cuộc chiến lấy yếu thắng mạnh luôn thu hút sự quan tâm và vô số câu hỏi: Bên yếu đã dùng cái gì để chiến thắng? Bên mạnh đã đánh mất lợi thế của mình như thế nào? Tuy nhiên, từ lăng kính lịch sử, bí ẩn đầu tiên cần giải đáp khi nói về chiến dịch Quan Độ phải là “Viên Thiệu có thật sự mạnh gấp mười lần Tào Tháo”?

4 – Viên quân đông bao nhiêu?

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN), La Quán Trung cho biết quân số của hai bên Viên-Tào lần lượt là 70 vạn và 7 vạn. Một sự chênh lệch quá lớn: nhiều hơn gấp 10 lần, hoặc nói cách khác là nhiều hơn 630 ngàn quân! Sự chênh lệch này đủ tạo ra một suy nghĩ rằng “Viên Thiệu chẳng cần bất cứ mưu kế gì, chỉ cần xua quân lên, dùng chiến thuật biển người, lấy 5 người đổi lấy 1 mạng binh sĩ của Tào Tháo, là cũng đủ thắng”. Nhưng cả trong TQDN lẫn trên thực tế, chuyện đó đã không xảy ra, thậm chí Viên quân còn thua tan tác. Đương nhiên, Viên Thiệu đã mắc một số sai lầm. Nhưng sai lầm phải lớn cỡ nào thì mới đủ để phá hủy lợi thế khủng khiếp như vậy? Rốt cuộc là có điều gì không đúng?

Chuyện không đúng chính là quân số hai bên. Con số 7 vạn – 70 vạn hoàn toàn là hư cấu. Trần Thọ và Bùi Tùng Chi, trong bộ sử Tam Quốc Chí (TQC), đã lần lượt giải đáp vấn đề quân số thực tế của hai nhà Tào-Viên. Nhưng đáp án cuối cùng cũng không đơn giản.

Nói về quân số của Viên Thiệu trước. Trần Thọ trong TQC – Viên Thiệu truyện chép rằng bộ chúng của Thiệu có đến mấy chục vạn, sau đó mới “kén chọn lấy chục vạn quân tinh nhuệ, một vạn quân kỵ, chuẩn bị đánh huyện Hứa”.

Đối với con số mười vạn này, Bùi Tùng Chi khi chú thích TQC đã dẫn lời nhiều tác giả khác để so sánh, minh định. Họ Bùi dẫn sách Thế ngữ: “Quân bộ của Thiệu năm vạn, quân kỵ tám nghìn” [3].

Tuy nhiên con số năm vạn bộ binh – tám ngàn kỵ binh này lại bị một tác giả khác là Tôn Thịnh nghi ngờ. Họ Tôn dẫn lại TQC – Thôi Diễm truyện, rằng khi Tào Tháo phá xong Viên Thiệu, lúc xét hộ tịch của Ký châu, đã nói với Thôi Diễm rằng “có thể thu đến ba mươi vạn dân” [4]. Do đó Tôn Thịnh cho rằng, “riêng quân của Kí châu đã như thế” (có lẽ Tôn Thịnh lấy tỷ lệ 1:10, trong ba mươi vạn dân sẽ tuyển được ba vạn quân), thì tính cả U châu, Tinh châu và Thanh châu nữa, đại binh của họ Viên đúng là “phải đến mười vạn quân”.

Con số “mười vạn” này còn được một nhân vật rất đáng tin cậy – một người họ Viên khác xác nhận. Đó là Viên Thuật. TQC – Trương Phạm truyện kể rằng Viên Thuật từng nói với Trương Phạm: “Nay Tào công dùng mấy nghìn binh khốn mỏi chống mười vạn quân binh, có thể nói là chẳng biết lượng sức” [5]. Tuy ở cách xa chiến trường, nhưng là nhân vật số hai của Viên gia, Viên Thuật chắc chắn biết rõ lực lượng của Viên Thiệu. Chỉ là, Viên Thuật có nắm rõ quân số của Tào Tháo hay không?

5 – Tào quân nhiều hay ít?

Viên Thuật gọi quân tào là “mấy nghìn binh khốn mỏi”, tất nhiên là không giấu diếm sự khinh ghét, ác cảm (ông ta với Tào Tháo vốn không ưa gì nhau). Cho nên con số vài ngàn này không thể lấy làm căn cứ chuẩn xác. Thế nhưng Trần Thọ lại có phần đồng tình với Viên Công Lộ. trong TQC – Vũ Đế kỷ, họ Trần viết rằng Tào quân “chẳng đầy một vạn”, lại còn “bị thương đến hai ba phần mười”. Nếu quả như lời của sứ quân họ Viên và sử gia họ Trần, thì tương quan Viên – Tào chẳng phải một lần nữa lại là 1 so với 10 ư? Sử liệu tuy rõ ràng, nhưng lại có chỗ không ổn.

May thay, chúng ta còn có một sử gia họ Bùi. Bùi Tùng Chi đã phản bác con số “dưới một vạn Tào quân” qua mấy điểm chính:

– Một, Tào Tháo từng phá giặc Khăn Vàng ở Thanh châu, “thu hàng hơn ba mươi vạn quân” [6], ngoài ra còn thôn tính nhiều đất đai (Từ châu, Nam Dương…). Cho nên dẫu quân số có bị hao hụt trong quá trình chinh chiến cũng như phải chia ra đóng giữ các nơi, cũng không thể xuống dưới bốn vạn, càng không thể ít ỏi đến mức chưa đầy một vạn.

– Hai, Viên Thiệu có mười vạn quân, “đóng quân kéo dài mấy chục dặm”, vậy nhưng Tào Tháo không những có thể chia doanh trại đối địch, mà còn có đủ quân để cấp cho Từ Hoảng công kích xe lương Viên quân. Nếu quân số chưa đầy một vạn thì chắc chắn không thể làm được những điều đó, nhiều khả năng binh lực quân Tào phải xấp xỉ một nửa quân Viên.

– Ba, các sách đều chép rằng Tào Tháo chôn sống tám vạn Viên quân (có chỗ nói là bảy vạn). Bảy – tám vạn người đứng trước cái chết, dẫu không có vũ khí, chỉ là chạy tản mát thôi, cũng chẳng phải là chuyện mà vài nghìn Tào quân có thể dễ dàng khống chế, chưa nói đến chuyện bảy – tám vạn người cùng hô to phản kháng. Tào quân vì thế chắc chắn là không dưới bốn vạn.

Hỗ trợ cho quan điểm Bùi Tùng Chi còn có hai người trong doanh Tào.

Người thứ nhất là Trình Dục. Khi Tào Tháo vừa thua Lữ Bố ở Bộc Dương, Trình Trọng Đức đã động viên Tào Mạnh Đức: “Nay Duyện châu tuy tàn khuyết, chỉ còn có ba thành, nhưng quân sĩ có thể chiến đấu, chẳng dưới vạn người” [7]. Ngay cả khi thất bại gần kề nhất, chỉ còn 3 thành, thì Tào quân cũng không dưới một vạn. Vậy thì khi lấy lại địa bàn Duyện châu và chiến thắng Trương Tú, Lữ Bố, Lưu Bị, lại mở rộng địa bàn gấp nhiều lần (có thêm Nam Dương, Từ châu, Dự châu), Tào quân tham gia chống Viên Thiệu chắc chắn phải nhiều hơn rất nhiều, có thể là gấp bốn, năm lần.

Người thứ hai là Tuân Úc. Khi thuyết phục Tào Tháo bỏ qua Từ châu để đi Bộc Dương đánh Lữ Bố, Tuân Văn Nhược đã phân tích: “Tướng quân đánh thành chẳng hạ nổi, đi cướp không thu được gì, bất quá mươi ngày, thì chục vạn quân chưa đánh mà tự khốn rồi” [8]. Dẫu con số mười vạn này cũng có thể là ngoa dụ nhằm mục đích thuyết phục, thì Tuân Úc chắc chắn không thể quá khoa trương trước mặt Tào Tháo – người vốn đã biết rõ tình hình Tào quân, sẽ không có chuyện từ một vạn nói vống lên tới mười vạn.

Kết hợp các phân tích, có thể xem năm vạn là quân số hợp lý của Tào quân.

Như vậy, bí ẩn về chênh lệch quân số đã rõ. Chiến dịch Quan Độ thực chất là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng không quá cách biệt: mười vạn đấu năm vạn. Nếu tính đến cả chất lượng quân đội – thể hiện qua tố chất, kinh nghiệm chiến đấu, tính kỷ luật của binh sĩ, số lượng tướng lĩnh có năng lực… – vốn là thứ mà Tào quân áp đảo Viên quân, thì cách biệt này lại càng được rút ngắn hơn.

Với lực lượng không quá thua kém, Tào Tháo có cơ hội bố trí phòng ngự, triển khai các ý đồ chiến thuật nhằm đánh bại Viên Thiệu. Ông ta đã làm những gì?

Chú thích và tham khảo:

Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính):

[1]: Tam Quốc Chí – Viên Thiệu truyện.

[2]: Tam Quốc Chí – Vũ Đế kỷ.

[3]: Tam Quốc Chí – Viên Thiệu truyện.

[4]: Tam Quốc Chí – Thôi Diễm truyện.

[5]: Tam Quốc Chí – Trương Phạm truyện.

[6]: Tam Quốc Chí – Vũ Đế kỷ.

[7]: Tam Quốc Chí – Trình Dục truyện.

[8]: Tam Quốc Chí – Tuân Úc truyện.

PHẦN 2: KHI ĐỊA LÝ QUYẾT ĐỊNH CHIẾN LƯỢC

quan do 2

Lấy ít đánh nhiều chưa bao giờ là một cuộc chiến dễ dàng, dù cho người cầm quân là một bá chủ có tài năng toàn diện như Tào Mạnh Đức.

Hai thế lực Viên – Tào được ngăn cách bởi thiên hiểm là con sông Hoàng Hà, trong đó Ký châu và Thanh châu của Viên Thiệu nằm ở bờ bắc Hoàng Hà, áp sát phần lãnh thổ phía nam Hoàng Hà của Tào Tháo, bao gồm Duyện châu, Từ châu. Ngoài ra, còn có Cao Cán – cháu trai Viên Thiệu đóng ở Tinh châu, cũng chỉ cách Hoàng Hà có một quận Hà Nội.

Trong điều kiện chiến tuyến kéo dài từ tây sang đông, bên có quân số ít hơn chắc chắn sẽ gặp bất lợi nếu phải căng mình ra đối đầu trực diện với tất cả các lộ quân của đối phương. Hiểu rằng không thể có đủ quân để đồng thời tác chiến trên cả ba chiến trường, Tào Tháo nhanh chóng xác định chiến lược: dùng tốc độ sấm sét để giành thế chủ động ở tây lộ và đông lộ, sau đó mới dồn chủ lực cho quyết chiến ở trung lộ.

6 – Tây lộ: Ra đòn sấm sét

Tháng 4/199, Thái thú Hà Nội là Trương Dương (đồng minh của Lữ Bố) bị thuộc tướng là Dương Sửu ám sát. Một thuộc tướng khác là Tuy Cố lại giết chết Dương Sửu, định đem quân đầu hàng Viên Thiệu. Tuy Cố cử Tiết Hồng và Mâu Thượng đóng quân ở Xạ Khuyển để chống giữ Tào quân, bản thân thì dẫn binh về Bắc cầu cứu Viên Thiệu. Nếu kế hoạch này thành công, thì thế lực của Viên Thiệu sẽ được nối dài từ Tinh châu, Hà Nội đến sát bờ bắc Hoàng Hà. Đây sẽ là mối uy hiếp lớn ở tây lộ đối với Tào Tháo.

Tào Tháo hành động rất nhanh. Ông ta đích thân “tiến quân đến ven Hoàng Hà, phái Sử Hoán – Tào Nhân vượt sông đánh Tuy Cố” [9]. Sử Hoán và Tào Nhân chặn được Tuy Cố ở Khuyển Thành. Lúc này Tào Tháo cũng qua sông vây Xạ Khuyển. Cả hai đạo quân đều giành thắng lợi, Tào Tháo thành công cướp lấy tiền đồn phía tây này ngay trước mắt Viên Thiệu.

Theo cách kể của Trần Thọ trong Tam Quốc Chí (TQC) – Vũ Đế kỷ, có cảm giác rằng Viên Thiệu đã không tận dụng được cơ hội trời cho này (Tuy Cố định dâng đất đầu hàng), trái lại, quân Tào thì hành động quá mau lẹ (sự việc diễn ra ở bờ bắc Hoàng Hà, gần lãnh địa của Viên Thiệu hơn, nhưng quân Tào từ bờ nam vượt sông đánh thành chiếm đất như sấm sét, không ai cản được).

Kỳ thực, sự chuẩn bị của Tào Tháo kỹ hơn Viên Thiệu. Có câu, “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Ở đây, Trương Dương là bạn tốt của Lữ Bố (từng có ý định đi cứu viện Lữ Bố khi họ Lữ bị quân Tào bao vây ở Hạ Bì), có thể xem như là kẻ địch của Tào Tháo, vậy cũng là “bạn” của Viên Thiệu. Thế nhưng Viên Thiệu lại không quan tâm lắm đến thế lực này, không chủ động liên kết, lôi kéo. Đến khi Hà Nội có biến, Tuy Cố rút quân về bắc, Viên Thiệu cũng hành động chậm chạp, không kịp cứu viện Tuy Cố, đánh mất tiên cơ. Ngược lại, Trương Dương chắc chắn đã “lọt vào tầm ngắm” của Tào Tháo từ trước, cho nên khi Tuy Cố rút quân thì quân Tào mới có thể xuất hiện nhanh, tiêu diệt gọn như vậy.

Sau khi chiếm được ưu thế ở chiến tuyến phía tây, Tào Tháo bắt đầu nhìn sang chiến trường phía đông.

7 – Đông lộ: Chủ động quấy phá

Ở đông lộ, con trưởng của Viên Thiệu là Viên Đàm nắm giữ Thanh châu, sẵn sàng xuôi nam uy hiếp Từ châu bất cứ lúc nào. Trên thực tế, Viên Đàm không phải là quá vô dụng như La Quán Trung mô tả trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Được Viên Thiệu giao cho quản lý Thanh châu, Viên Đàm cũng làm được không ít việc. Lúc đầu phần lãnh thổ Viên Đàm quản lý chỉ có “từ Hoàng Hà về phía tây, chỉ đến chỗ huyện Bình Nguyên là hết” [10]. Thế là Đàm “lên bắc diệt Điền Khải, sang đông đánh Khổng Dung”, mở mang không ít lãnh thổ cho Viên Thiệu. Trong tương lai, nếu chiến tuyến trung lộ giữa Viên Thiệu và Tào Tháo kéo dài, thì Viên Đàm sẽ là một mũi đột kích đáng sợ ở phía đông.

Hiểu rõ điều này, Tào Tháo đã bố trí một nhân vật có năng lực ưu tú để đối phó với Viên Đàm. Nhân vật này có tên là Tang Bá, một trong những người mà tài năng đã bị Tam Quốc Diễn Nghĩa lược bỏ rất nhiều. Trong thực tế, Tang Bá từng làm đến Thứ sử Từ châu, Trấn đông tướng quân.Ở mặt trận chống Đông Ngô, Bá đã từng đánh bại Hàn Đương, phá tan Lã Phạm. Tào Tháo giao phó chiến trường đông lộ cho Tang Bá, không nghi ngờ gì, là một quyết định sáng suốt.

Tháng 8/199, Tháo “sai bọn Tang Bá tiến vào Thanh Châu, đánh phá đất Tề, Bắc Hải, Đông An” [11]. Sử liệu không chép rõ, nhưng chắc chắn Viên Đàm không phải là đối thủ của Tang Bá, bởi theo TQC – Tang Bá truyện thì “Bá nhiều lần đem tinh binh xâm nhập Thanh châu”, giúp cho Tào Tháo“chuyên tâm vào việc chống Thiệu, không phải lo nghĩ về phương đông”.

Phải vất vả phòng thủ sự cơ động quấy phá của quân đội Tang Bá, cánh quân ở đông lộ của Viên Đàm không thể xuôi nam uy hiếp Từ châu, càng không thể tạo thành một chiến tuyến kéo dài để tiêu hao binh lực của Tào Tháo. Sau này khi thất bại ở Quan Độ, “quân của Thiệu vỡ lở, Thiệu cùng Đàm cưỡi ngựa rút qua sông”, chứng tỏ Viên Đàm luôn ở bên cạnh Viên Thiệu, ít nhất là ở nửa cuối chiến dịch.Có thể suy đoán, Viên Đàm đã để một bộ phận binh lực ở lại phòng thủ khu vực Thanh châu, đồng thời đem quân bản bộ hợp nhất với Viên Thiệu ở trung lộ Ký châu.

8 – Hậu phương: bộ thự vững chắc

Tiền tuyến đã nắm được thế chủ động, nhưng Tào Tháo cũng không quên bố trí phòng thủ ở hậu phương. Bởi ông ta thừa hiểu, với ưu thế binh lực, Viên Thiệu hoàn toàn có thể từ trung lộ phân binh tập kích mặt sau. Thực tế sau này đã diễn ra đúng như vậy, nhưng do có bố trí lực lượng hợp lý, quân Tào đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó.

Lúc này, tất cả các trọng địa quân sự mặt sau đều được Tào Tháo bố trí chặt chẽ để bảo vệ căn cứ địa trung tâm – Hứa huyện:

+ Tuân Úc điều phối tổng thể tại Hứa huyện;

+ Quảng Dương Thái thú Tào Nhân bảo vệ phía tây Hứa huyện (các huyện phía tây của quận Dĩnh Xuyên và Nhữ Nam);

+ Dương An Đô úy Lý Thông và Nhữ Nam Thái thú Mãn Sủng phụ trách chính tại Nhữ Nam,có tướng Thái Dương hỗ trợ, ổn định hậu phương và phòng bị Tôn Sách.

Những bố trí nhân sự này, về sau đã thể hiện rõ tác dụng, đặc biệt là khi chiến dịch Quan Độ bước vào giai đoạn cầm cự.

Các trận đánh tiền chiến dịch đã hoàn thành, các bố trí phòng thủ cũng đã được chuẩn bị, đại chiến dịch Quan Độ chỉ còn chờ một mồi lửa nữa để khai màn. Mồi lửa đó chính là trận Bạch Mã.

9 – Trận Bạch Mã: Tuân Du “thanh đông kích tây” [*]

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN), La Quán Trung với bút pháp lấy nhà Thục làm trung tâm, đã cho Quan Vũ đóng vai trò chính trong chiến thắng ở Bạch Mã của quân Tào bằng việc chém chết Nhan Lương. Thực tế thì một người giỏi võ nghệ khi đứng giữa hàng vạn quân cũng chỉ có vai trò cực kỳ nhỏ bé, cũng chẳng thể dùng sức để diệt hết quân địch được. Điều làm nên chiến thắng không chỉ ở vũ lực, mà còn là trí tuệ, binh pháp, cách xử lý tình huống, tận dụng ưu thế của mình và hạn chế sức mạnh của đối phương. Sử liệu trong Tam Quốc Chí hoàn toàn củng cố cho quan điểm này.

Tháng 2/200, đại quân của Viên Thiệu đã đến huyện Lê Dương ở bờ bắc Hoàng Hà. Quân tiên phong do Nhan Lương dẫn đầu vượt sông, vây đánh Thái thú Đông quận là Lưu Diên ở huyện Bạch Mã.

Cần nói qua một chút về vị trí của Bạch Mã. Huyện Bạch Mã nay là phía bắc huyện Hoạt, Hà Nam. Thời Tam Quốc, ven Hoàng Hà có một bến đò cũng tên Bạch Mã (Bạch Mã Tân), địa thế không quá hiểm trở, là nơi đại quân có thể thuận lợi vượt sông. Nếu đoạt được huyện Bạch Mã, Viên quân có thể nhòm ngó một dải Yến huyện, Diên Tân, Toan Tảo, lại có thể từ bên cánh uy hiếp Trung Mâu và Trần Lưu. Có thể nói, giữa mấy trăm dặm ven bờ Hoàng Hà, lựa chọn Bạch Mã làm nơi đổ bộ là quyết định chính xác của Viên Thiệu. Cái sai của họ Viên là không chịu tận dụng ưu thế quân số để đổ bộ đồng thời nhiều địa điểm nhằm hô ứng cho nhau, trái lại chỉ để tiền quân đơn độc nam hạ để rồi bị diệt một cách đáng tiếc.

Sai lầm của người này lại là cơ hội cho người khác. Tháng 4/200, Tào Tháo đưa quân lên bắc cứu viện Lưu Diên. Lúc này Quân sư Tuân Du phân tích: Tào quân ít hơn nên không thể đối đầu trực diện, cần phải chia bớt binh lực của Viên quân. Cách làm mà Tuân Du đề xuất là giương đông kích tây: “đến Diên Tân, làm ra vẻ dẫn binh vượt sông đánh hậu phương của chúng, Thiệu tất quay sang phía tây ứng chiến, rồi sau ta đưa khinh binh tập kích Bạch Mã, đánh úp lúc họ không phòng bị, có thể bắt được Nhan Lương vậy” [12].

Tào Tháo nghe theo kế ấy, diễn biến trận chiến sau đó nằm trong dự đoán của Tuân Du: Viên Thiệu không tăng viện cho phía đông (Bạch Mã) mà “lập tức chia binh kéo sang phía tây (Diên Tân) đối phó”. Tào Tháo chớp thời cơ, bèn dẫn toàn quân khẩn trương đến Bạch Mã, tận dụng ưu thế binh lực vây Nhan Lương. Viên quân hoàn toàn bị bất ngờ, chủ tướng Nhan Lương gấp gáp ứng chiến trong điều kiện thua sút về cả binh lực lẫn sĩ khí, bị Quan Vũ lấy đầu. Đạo tiên phong của Viên quân tan rã.

10 – Trận Diên Tân: Tào Tháo “phao chuyên dẫn ngọc” [**]

Tào quân giải vây Bạch Mã, Tào Tháo bèn di dời hết dân ở đó về Diên Tân, lại đem theo rất nhiều lương thảo vật tư tiền bạc, ý đồ là không để lại bất cứ tài nguyên nào cho Viên Thiệu. Viên Thiệu khi ấy đã nhận ra sai lầm, liền gấp rút vượt sông đuổi theo Tào quân về hướng Diên Tân.

Nếu ở trận Bạch Mã, Viên quân hoàn toàn yếu thế và bất ngờ, thì ở trận Diên Tân, binh lực của Viên quân đông hơn, họ chủ động truy kích, quyết tâm báo thù. Tướng lĩnh Viên quân là Văn Xú dẫn kỵ binh đuổi theo đoàn xe vật tư từ Bạch Mã về Diên Tân của Tào quân rất gấp. Lúc này đa số các tướng lĩnh phía Tào đều nhận thấy Viên quân áp đảo về số lượng và đề nghị quay về doanh trại ở Diên Tân để cố thủ thay vì ứng chiến. Tuy nhiên, Tào Tháo lại nhận ra cơ hội chiến thắng ngay trong tình thế tưởng như khó khăn ấy.

Cơ hội chính là ở đoàn xe vật tư đang cuồn cuộn từ Bạch Mã quay về Diên Tân. Đó có thể là điểm yếu khiến quân địch tấn công cướp đoạt, nhưng cũng có thể là món lợi để dụ địch, là “viên gạch ném ra” – “phao chuyên”, để mà “dẫn ngọc” – lấy lại “viên ngọc quý” mang về. Tào Tháo quyết định mạo hiểm, ra lệnh toàn quân “cởi yên thả ngựa” [12]. Hành động này khiến Viên quân lơi lỏng và kích động lòng tham của một bộ phận lớn binh sĩ. Thế là thay vì công kích quân Tào, kỵ binh Viên quân lại “tranh nhau chạy tới chỗ các xe truy trọng” để cướp lấy tài sản. Điều này hiển nhiên sẽ dẫn đến trận hình bị rối loạn, các đoàn, đội khó liên lạc phối hợp tác chiến. Vậy là kỵ binh quân Tào chỉ việc xông thẳng vào mà đánh. Viên quân bị phá tan, Văn Xú chết trận.

Viên Thiệu mất đi hai danh tướng, nhưng chủ lực phía sau vẫn còn nguyên, Tào quân vẫn chịu sự thua thiệt về quân số. Tháng 4/200, Tào Tháo quyết định rút quân về đóng ở Quan Độ. Viện Thiệu tiến lên giữ Dương Vũ. Cuộc chiến bước vào giai đoạn giằng co.

Có thể thấy, yếu tố địa lý đã chi phối rất đáng kể trong các quyết định chiến lược lẫn chiến thuật của hai bên. Vì chiến tuyến kéo dài khiến bên ít quân bất lợi, Tào Tháo buộc phải chọn chiến lược tốc chiến ở hai chiến trường Hà Nội và Thanh châu trước khi đối đầu trực diện ở trung lộ. Vì thiên hiểm Hoàng Hà, Viên Thiệu buộc phải qua sông chỉ ở một số địa điểm nhất định, tuy nhiên họ Viên đã mắc sai lầm chiến thuật khi không đổ bộ đồng thời, không tận dụng được ưu thế binh lực. Và cũng vì “nút cổ chai” Quan Độ ngăn cách giữa Viên quân và Hứa huyện mà chiến cuộc giữa hai bên lâm vào trạng thái giằng co.

Tuy vậy, địa lý không phải là tất cả. Bên ngoài chiến trường Quan Độ cũng có những hoạt động quân sự, chính trị khác sôi động không kém. Cuối cùng thì đâu mới là mấu chốt dẫn đến kết cục cuối cùng của chiến dịch?

Chú thích và tham khảo:

Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính):

[9]: Tam Quốc Chí – Vũ Đế kỷ.

[10]: Tam Quốc Chí – Viên Thiệu truyện.

[11]: Tam Quốc Chí – Tang Bá truyện.

[12]: Tam Quốc Chí – Vũ Đế kỷ.

[*]: “Thanh đông kích tây”: một trong 36 kế của quân sự cổ điển Trung Quốc, ý nói vờ đánh một hướng nhưng thực chất là đánh hướng ngược lại, tương tự chuyện Tuân Du vờ đánh Diên Tân nhưng lại xuất kích ở Bạch Mã.

[**]: “Phao chuyên dẫn ngọc”: một trong 36 kế của quân sự cổ điển Trung Quốc, nghĩa là “ném hòn gạch đi để thu về viên ngọc”, ý nói dùng một mối lợi nhỏ để dụ dỗ, thu về mối lợi lớn, tương tự chuyện Tào Tháo dùng các xe lương thảo vật tư để dụ dỗ Viên quân hòng tiêu diệt toàn bộ.

PHẦN 3: VIÊN THIỆU THẬP BẠI LUẬN

quan do 3

Quan Độ là trận đại chiến mang tính chất quyết định vận mệnh thiên hạ, cho nên chiến trường không chỉ nằm ở mỗi Quan Độ, không chỉ diễn ra giữa hai tập đoàn Viên-Tào, mà còn nằm ở các địa phương khác, với sự tham gia của những thế lực khác.

11 – Lưu Biểu, Lý Thông, Trương Tú và mối uy hiếp phía nam

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN) lẫn Tam Quốc Chí (TQC) – Vũ Đế kỷ và Viên Thiệu truyện, cả La Quán Trung và Trần Thọ đều không nhắc đến sự tham gia của Lưu Biểu. Tuy nhiên, ở một số tiểu truyện khác của TQC, Lưu Biểu được gián tiếp nhắc đến như một đồng minh của Viên Thiệu. TQC – Vệ Ký truyện cho hay: “Lưu Biểu làm ngoại viện cho Thiệu”, nên Vệ Ký được lệnh đi sứ Ích châu, “lệnh cho Lưu Chương phát binh để ngăn chế quân Lưu Biểu” [13]. Kỳ thật, chiến lược “viễn giao cận công” (xa thân gần đánh) đã được nước Tần áp dụng từ thời Chiến Quốc và đem lại những thành công rất lớn. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi Viên Thiệu áp dụng sách lược lôi kéo dụ dỗ với một thế lực “ở xa” là Lưu Biểu để hợp tác đánh Tào. Và đương nhiên, Tào Tháo cũng “viễn giao” với một thế lực khác là Lưu Chương để đối phó.

Vì đường sá xa xôi nên việc liên hệ với Lưu Chương không thành. Nhưng Lưu Biểu thì đã có động thái. TQC – Lý Thông truyện cho biết, trong quãng thời gian chiến dịch Quan Độ diễn ra, Lưu Biểu đã từng “ngầm chiêu dụ” Lý Thông – lúc này đang là Đô uý huyện Dương An, là một nhân vật rất quan trọng tại khu vực Nhữ Nam (sau này là Thái thú Nhữ Nam). Không chỉ có Lưu Biểu, chính Viên Thiệu cũng “phái sứ giả đến bái Thông làm Chinh nam tướng quân” [14]. Và không chỉ có Lý Thông, Viên Thiệu còn chiêu dụ cả Trương Tú (TQC – Giả Hủ truyện). Rất may cho Tào Tháo là Lý Thông và Trương Tú đều cự tuyệt Viên Thiệu.

Nhưng mối lo của Tào Tháo ở mặt nam Hứa Xương không chỉ có Lưu Biểu hay Trương Tú. Bởi vì Viên Thiệu cuối cùng cũng đích thân ra tay.

12 – Viên Thiệu ba lần tập kích Hứa Xương

Có một điều kỳ lạ là cả TQDN lẫn TQC – Vũ Đế kỷ đều khẳng định, Viên Thiệu không nghe theo kế của Hứa Du: chia binh cầm chân Tào quân, rồi theo lối khác đánh úp Hứa Xương. Thực tế thì Viên Thiệu không những đã chia quân tập kích Hứa Xương, mà còn làm đến ba lần.

Lần thứ nhất, người được phái đi là Lưu Bị. Lưu Bị vào giữa tháng 1/200 đã bị Tào Tháo đánh bại, phải bỏ Từ châu chạy về với Viên Thiệu. Xét lộ trình chạy đến Thanh châu gặp Viên Đàm, xong rồi về Nghiệp thành gặp Viên Thiệu, thì có thể phải đến đầu tháng 2/200 Lưu Bị mới có mặt trong trận tuyến Viên quân. TQC – Tiên chủ truyện cho biết, Lưu Bị “lưu lại đó hơn một tháng” thì “sĩ tốt thất lạc kéo tới” [15], lúc này cựu bộ Khăn Vàng ở Nhữ Nam là Lưu Tích phản Tào Tháo hướng ứng Viên Thiệu. Viên Thiệu bèn phái Lưu Bị “dẫn binh cùng với bọn Tích cướp bóc ở đất Hứa”.

Đây chính là tập kích Hứa Xương lần một, vào khoảng giữa tháng 3/200. Lần tập kích này quả là một cơ hội lớn của Viên Thiệu, vì không chỉ có Lưu Tích phản kháng ở Nhữ Nam, mà còn có “cường tặc” là Chúc Tí nổi dậy ở Ẩn Cường.

Tình cảnh này khiến cho Tào Tháo “rất lo lắng” [16]. Lúc này có một người đứng ra chia sẻ nỗi lo, ấy là Tào Nhân.

Tào Nhân bình tĩnh phân tích: người ở phía nam thấy cảnh Tào quân đang nguy cấp ở Quan Độ, “về tình thế chẳng thể cứu trợ lẫn nhau”, lại thêm “Lưu Bị đem binh mạnh áp sát”, thì “họ phản bội là lý đương nhiên”. Tuy nhiên Tào Nhân cũng chỉ ra điểm yếu bên Viên Thiệu: “Bị mới thống lĩnh binh của Thiệu, chưa thể dùng bọn họ ngay”, cho nên Nhân tự tin rằng “ta đánh thì sẽ phá được”. Kết quả đúng là Tào Nhân thắng, Lưu Bị chạy về với Viên Thiệu, quân Lưu Tích bị đánh tan. Tào Hồng và Từ Hoảng cũng phá được Chúc Tí [17].

Tào Nhân tiếp tục góp công trong việc ngăn cản cuộc tập kích lần hai của Viên quân. Lần này người lãnh binh là biệt tướng Hàn Tuân, được Viên Thiệu cử đi “cắt đứt con đường thông sang phía Tây”. Kết quả, “Nhân tập kích Tuân ở núi Kê Lạc, đại phá Tuân. Bởi thế Thiệu không dám chia quân đánh nữa”.

Lần tập kích Hứa Xương thứ ba vẫn là do Lưu Bị chỉ huy. Lần này Lưu Bị hợp tác với một cựu bộ Khăn Vàng khác là Cung Đô, mặt trận chính vẫn là Nhữ Nam. Theo TQC – Tiên chủ truyện, người ngăn chặn Lưu Bị lần này là Thái Dương, ngay lập tức bị Lưu Huyền Đức trảm thủ (trong TQDN, Thái Dương bị Quan Vũ giết, đây là chi tiết hư cấu). Tuy nhiên cùng lúc đó thì Viên Thiệu đã đại bại ở Quan Độ, cho nên chiến thắng của Lưu Bị đã mất đi ý nghĩa. Lưu Bị rút về nam theo Lưu Biểu.

13 – Tào Tháo phản kích

Viên Thiệu phái quân cướp bóc và cắt đứt đường vận lương của Tào Tháo, dĩ nhiên Tào Tháo cũng không chịu thua kém. Theo TQC – Vũ Đế kỷ, “Viên Thiệu vận mấy ngàn xe lương tới”, Tào Tháo bèn “dùng kế của Tuân Du, phái Từ Hoảng-Sử Hoán đón đánh, đại phá chúng, đốt sạch các xe lương” [18]. Theo TQC – Vu Cấm truyện, Vu Cấm đã cùng Nhạc Tiến “dẫn năm ngàn quân bộ kỵ, đánh biệt doanh của Thiệu, từ phía tây nam Diên Tân men sông đến hai huyện Cấp và Hoạch Gia, đốt rụi hơn ba chục đồn trại, chém và bắt sống được mấy nghìn người ở mỗi huyện, thu hàng tướng của Thiệu là bọn Hà Mậu, Vương Ma hơn hai chục người” [19]. Tào Tháo lại cử Vu Cấm “cầm riêng quân đóng trại ở huyện Nguyên Vũ, đánh biệt doanh của Thiệu ở bến Đỗ Thị, phá được”.

Những nỗ lực bên ngoài Quan Độ đã được hai bên cùng triển khai. Viên Thiệu vẫn thua nhiều hơn thắng, nhưng những thắng lợi của Tào Tháo cũng chưa đủ lớn để làm xoay chuyển cục diện chiến trường.

Theo thời gian, điểm yếu về tiềm lực của Tào quân dần dần lộ ra: “tuy mỗi lần giao chiến đều chém tướng địch, nhưng binh ít lương hết, sĩ tốt mỏi mệt”. Ngay cả Tào Tháo cũng có lúc nản lòng. Lúc này có hai mưu sĩ quan trọng đã khuyên nhủ Tào Tháo. Đó là Tuân Úc và Giả Hủ.

Ý kiến của hai người không hẹn mà gặp. Tuân Úc phân tích, tình thế hiện tại vẫn chưa gian nan bằng lúc Sở, Hán giao tranh ở Huỳnh Dương. Lúc đó “Lưu Bang, Hạng Vũ chẳng ai chịu lui trước”, vì“ai lui trước là ở vào thế khuất”.

Do đó Tuân Úc khuyên Tào Tháo cố cầm cự, bởi “tình thế đến lúc kiệt cùng, tất sẽ có biến”, khi đó là cơ hội để “dùng mưu lạ” [20]. Giả Hủ nói vắn tắt hơn, rằng sở dĩ chưa thắng được Viên Thiệu là bởi Tào Tháo còn mong vào “kế sách vạn toàn”, nếu muốn thắng thì “trong lúc then chốt phải quyết đoán” [21]. Cả hai đều cho rằng cần “quyết đoán”, bỏ đi cái “vạn toàn” để “dùng mưu lạ”, nói trắng ra là dùng kỳ binh, dùng chước hiểm để cầu thắng.

Tào Tháo đồng ý với cả hai. Ông ta đang cần một lần “tình thế có biến”, để dốc vốn mạo hiểm. May mắn làm sao, đã có người mang đến điều đó một cách rất đúng lúc.

14 – Hứa Du đầu Tào

Nghe theo Tuân Úc và Giả Hủ, Tào Tháo quyết định dùng chước hiểm để truy cầu một thắng lợi mang tính quyết định. Cơ hội đã đến khi Hứa Du phản Viên đầu Tào, tiết lộ rằng đoàn xe vận lương của Viên quân đang trú tại Ô Sào, cách phía bắc doanh trại Viên Thiệu bốn mươi dặm (khoảng 20km). Thiêu hủy được đoàn xe này đồng nghĩa với việc triệt bỏ lương thực của mười vạn Viên quân, một trăm ngàn người không có gì ăn chắc chắn sẽ tự rối loạn, tan vỡ mà chẳng cần tốn sức. Quả là một cơ hội rất có sức hấp dẫn!

Nhưng, cơ hội lớn thì hiểm nguy cũng lớn. Nếu nhỡ Hứa Du là một con bài phản gián của Viên Thiệu, thông tin là bịa đặt, vậy thì hành động xuất quân cướp lương của Tào Tháo sẽ là tự đưa đầu vào ổ mai phục. Vì vậy mà “tả hữu đều ngờ vực” [22]. Chỉ có Tuân Du và Giả Hủ là khuyên Tào Tháo xuất quân.

Thắng thì thắng cả bàn mà thua thì cũng thua hết vốn. Dẫu sao thì Tào Tháo cũng đã quyết định, và quyết định đúng. Trước trận Quan Độ, Tào Tháo đã từng rất tự tin mà nói về Viên Thiệu: “hay đố kỵ người mà thiếu uy, quân đông mà tổ chức chỉ huy chẳng rõ ràng, tướng kiêu căng mà chính lệnh bất nhất”. Khả năng mất đoàn kết trong nội bộ Viên Thiệu là rất lớn, vậy thì có thể tin tưởng Hứa Du. Cho nên, xuất binh Ô Sào tuy có phần mạo hiểm, nhưng cũng là kết quả của việc Tào Tháo và bộ tham mưu đã tìm hiểu kỹ tính cách, nhân sự, quy luật của đối phương.

15 – Lửa thiêu Ô Sào

Người đọc TQDN khi đọc đến đoạn lửa thiêu Ô Sào thường có mấy thắc mắc: Tại sao Ô Sào thất thủ dễ dàng thế?

Theo TQDN, mấu chốt nằm ở chỗ Thuần Vu Quỳnh say rượu lơi lỏng, bị quân Tào giả dạng quân Tưởng Kỳ trà trộn vào doanh tập kích bất ngờ.

Tuy nhiên theo Tam Quốc Chí (TQC), Thuần Vu Quỳnh đã phát hiện ra quân Tào từ xa và bày trận ứng chiến. Quân số thật sự của Quỳnh là “hơn vạn binh” [22], đấu với “năm ngàn bộ kỵ” của Tào Tháo. Lại thêm quân kỵ của Viên Thiệu đến cứu viện nữa, vậy mà vẫn bị Tào Tháo đánh bại.

Không có yếu tố bất ngờ, thì lấy năm ngàn quân tấn công một cứ điểm phòng thủ (doanh trại) đông hơn gấp đôi, quả là chuyện hiếm có. Huống hồ lại hoàn thành được trong thời gian ngắn, trong bối cảnh đại doanh Viên Thiệu chỉ cách Ô Sào có 20km (kỵ binh hoàn toàn có thể đến trong vòng một giờ). Nghe rất vô lý.

Chỉ có một cách giải thích, đó là quân số của Tào Tháo đông hơn rất nhiều con số năm ngàn. Như đã nói ở kỳ trước, chủ lực Tào quân không thể dưới bốn vạn, nếu như Tào Tháo mạo hiểm, có thể dốc hết ba vạn ra đánh, chỉ để lại gần một vạn giữ trại. Mấu chốt ở chỗ là kịp đốt hết lương thảo ở Ô Sào trước khi Viên quân đánh sập trại Tào. Và Tào Tháo đã làm được điều này.

Vậy tại sao Ô Sào cháy lương thì Viên quân cũng tan vỡ? Không lẽ họ không còn lương thực dự trữ? Có lẽ đúng là như vậy. Vì Ô Sào chỉ là đòn tấn công sau cùng. Trước đó, TQC – Tuân Du truyện cho hay, lương thực của Viên Thiệu cũng đã từng bị cướp phá nhiều lần. Toàn bộ đoàn xe lương của tướng Hàn Tuân Thái đã bị Từ Hoảng cùng Sử Hoán thiêu hủy ở Cố Thị. TQC – Tào Nhân truyện cũng kể rằng Tào Nhân nhiều lần đánh phá thiêu hủy lương thảo Viên quân. Ô Sào có lẽ là nơi chứa lương thảo cuối cùng, mà nếu mất đi đồng nghĩa với việc Viên quân diệt vong.

16 – “Thập bại luận” của Viên Thiệu

Mất lương Ô Sào, Viên quân tan vỡ, Viên Thiệu bỏ chạy về phương bắc, bại vong. Chiến dịch Quan Độ với vô số những khúc mắc cũng dần được giải mã. Câu hỏi lớn cuối cùng là: Vì sao Viên Thiệu – với rất nhiều lợi thế vượt trội – lại thất bại?

Có nhiều người đã dự đoán được thất bại này thông qua đánh giá tính cách và con người Viên Thiệu:

– Quách Gia có “thập thắng luận” để nói cái lẽ tất thắng của Tào Tháo: ấy là thắng về đạo, nghĩa, trị, độ, mưu, đức, nhân, minh, văn, võ [23].

– Giả Hủ có “tứ thắng luận”: thắng về minh, dũng, dụng nhân và quyết cơ [24].

– Tuân Úc cũng có “tứ thắng luận” của mình: thắng về độ, mưu, võ, đức [25].

Mấy lời ấy đều hết sức chính xác, tuy nhiên đều lấy Tào Tháo để làm chuẩn so sánh với Viên Thiệu. Ở đây, người viết mạo muội đưa ra “thập bại luận”, mười nguyên nhân dẫn đến thất bại của Viên Thiệu theo trình tự thời gian:

1 – Ban đầu: từ chối đề nghị đón thiên tử của Quách Đồ, để mất ưu thế về chính trị, ấy là bại về phương lược định thiên hạ.

2 – Khi chiếm cứ bốn châu: cho con và cháu cai quản lãnh thổ thay vì những thuộc hạ tài năng. Cao Cán không thể phối hợp tác chiến ở chiến tuyến phía tây; Viên Đàm bị Tang Bá uy hiếp ở chiến trường phía đông là hai ví dụ điển hình. Đó là bại về sách lược dùng người.

3 –Trước chiến dịch: bỏ qua nhiều cơ hội khi Tào Tháo đang bận bịu đánh nhau với Trương Tú, Lưu Bị… Đó là bại về tận dụng cơ hội.

4 – Hoạt động tiền chiến dịch: Không phát huy ưu thế về quân số để tạo chiến tuyến kéo dài từ đông sang tây nhằm tiêu hao Tào quân, mà lại tụ ở một điểm giằng co. Đó là bại về đường lối tác chiến.

5 – Đầu chiến dịch: để cho Nhan Lương, Văn Xú đơn độc bị diệt, sau này lại không kịp cứu viện Thuần Vu Quỳnh. Đó là bại về phối hợp tác chiến.

6 – Đầu chiến dịch: Văn Xú thua ở Diên Tân là do quân kỷ không nghiêm, binh sĩ thấy lợi mờ mắt, kỷ luật thấp kém. Đó là bại về huấn luyện quân đội.

7 – Đầu chiến dịch: Điền Phong bị nghi kỵ, Thư Thụ bị hạn chế quyền lực, phải chia quyền cho Quách Đồ, Thuần Vu Quỳnh, dẫn đến chính lệnh không thống nhất. Đến nỗi mưu sĩ hàng đầu là Hứa Du cũng phản bội. Đó là bại về quản lý nhân sự.

8 – Giữa chiến dịch: không nghe lời của Thư Thụ để tận dụng ưu thế (“Quân bắc dẫu đông nhưng không khỏe mạnh bằng quân nam; nhưng quân nam lương thiếu ít mà đồ dùng lại không bằng quân bắc; quân nam lợi ở đánh nhanh, quân bắc lợi ở đánh lâu. Nên thong thả chờ đợi để ngày tháng dây dưa”). Trái lại còn dốc vốn đánh mạnh. Đó là bại về phân tích tình thế.

9 –Giữa chiến dịch: lôi kéo Trương Tú, Lý Thông thất bại, đều là do danh tiếng Viên Thiệu quá tệ, dù mạnh nhưng ai cũng đánh giá thấp. Đó là bại về thu mua lòng người.

10 – Cuối chiến dịch: Ô Sào rất gần đại doanh nhưng cũng không kịp cứu viện. Không nghe lời của Thư Thụ là sai thêm Tưởng Kỳ đi theo để bảo vệ xe lương. Đó là bại về khả năng quân sự cơ bản.

Có mười điều bại như thế, Viên Thiệu có thể nào không thua trước Tào Tháo đây?

………………………………………….

Chú thích và tham khảo:

Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính):

[13]: Tam Quốc Chí –Vệ Ký truyện.

[14]: Tam Quốc Chí – Lý Thông truyện.

[15]: Tam Quốc Chí – Tiên chủ truyện.

[16]: Tam Quốc Chí – Tào Nhân truyện.

[17]: Tam Quốc Chí – Từ Hoảng truyện.

[18]: Tam Quốc Chí – Vũ Đế kỷ.

[19]: Tam Quốc Chí – Vu Cấm truyện.

[20]: Tam Quốc Chí – Tuân Úc truyện.

[21]: Tam Quốc Chí – Giả Hủ truyện.

[22]: Tam Quốc Chí –Vũ Đế kỷ.

[23]: Tam Quốc Chí – Quách Gia truyện.

[24]: Tam Quốc Chí – Giả Hủ truyện.

[25]: Tam Quốc Chí – Tuân Úc truyện.

1 thoughts on “Quan Độ đại chiến

Bình luận về bài viết này