Việt Chiêm trường trận tân biên (phần 4)

Vua-Champa-2.jpg

Chế An

1 . Việt sử lược chép: “Năm Quý Sửu [1073] Nước Chiêm Thành tới cống (…) Năm Ất Mão [1075] Chiêm Thành tới cống (…) Năm Đinh Tị [1077] Chiêm Thành tới cống (…) Năm Tân Dậu [1081] Chiêm Thành tới cống”.

Toàn thư chép: “Tân Hợi [1071] Chiêm Thành sang cống (…) Quý Sửu [1073] Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An. Đạo Thành lập viện Địa Tạng ở trong miếu Vương Thánh châu ấy, ở giữa viện đặt tượng Phật và vị hiệu của Thánh Tông, sớm hôm thờ phụng. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo Thành là đại thần cùng họ, đương khi để tang Thánh Tông vì có việc ra trấn ở ngoài, lòng cảm nhớ tiên đế là chân tình, nhân mượn cớ thờ Phật để thờ vua, đó chỉ là việc nhất thời mà thôi (…) Giáp Dần [1074] Chiêm Thành lại quấy rối biên giới. Cho Lý Đạo Thành làm Thái phó bình chương quân quốc trọng sự (…) Ất Mão [1075] Sai Lý Thường Kiệt tổng lĩnh các quân đi đánh Chiêm Thành, không thắng được. Thường Kiệt bèn họa địa đồ hình thế núi sông của ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh rồi về. Đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh là châu Minh Linh, chiêu mộ dân chúng đến đấy ở. Cho Thường Kiệt làm Thái úy”.

Ghi chú 12 trong sách Lý Thường Kiệt. Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý của học giả Hoàng Xuân Hãn viết: “TT [Toàn thư] chép việc đánh Chiêm-thành vào tháng 8 năm trước (A. Ma 1075). VSL không chép việc ấy. SK [Đại-Việt sử-ký (Nguyễn Tây Sơn)] cho ta biết rằng sách Việt-sử bi-lãm của Nguyễn Nghiễm chép chuyện ấy vào năm B. Th 1076. Chép như thế mới đúng lý. Nhưng ta không biết Nguyễn Nghiễm dựa vào đâu mà chép khác TT. Trong khoảng sử về Lý, TT còn chép lầm một vài chỗ khác. Còn như VSL, thì không nói đến việc nầy. Ấy tỏ rằng việc tuần-du nầy không quan hệ lắm. Vậy chắc không phải để đánh Chiêm”.

Tống sử chép: “Năm [Hi Ninh] thứ 5 [1072] sang cống (…) Năm thứ 7 [1074] Lý Càn Đức ở Giao Châu tâu, vua Chiêm Thành đem ba ngàn quân cùng vợ con đến hàng, tháng giêng thì tới bản đạo. Năm thứ 9 [1076] Chiêm Thành lại sai sứ sang tâu: Từ nước ấy đi đường biển đến Chân Lạp là một tháng hành trình, theo hướng tây bắc đến Giao Châu là 40 ngày đều là đường núi. Cai quản 105 nơi dân cự tụ lạc, đại lược như châu huyện. Quốc vương 36 tuổi, mặc áo choàng gấm Đại Thực hoặc gấm Xuyên Pháp, đeo 7 chuỗi vàng ngọc, đội mũi kim quan trang trí thất bảo, đi giày da đỏ. Mỗi khi ra ngoài có 500 người tùy tòng, mười người con gái bưng mân vàng để hộp đựng cau, cùng đội nhạc dẫn đường. Quân triều đình sang đánh Giao Chỉ, vì cớ vốn có thù, bèn chiếu cho Chiêm Thành mệnh thừa cơ hiệp lực cùng diệp trừ. Hành doanh chiến trạo đô giám Dương Tòng sai tiểu hiệu Phàn Thực sang dụ bảo trước. Thực trở về nói nước ấy đã tuyển chọn 7 ngàn quân chặn giữ những đường yếu đạo của giặc, quốc vương nước ấy có lấy lá cây viết điệp trả lời và chiếu cho sứ dâng lên. Nhưng rồi việc cũng khổng thể thành công” [Bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường]

Tống hội yếu tập cảo: “Hi Ninh năm thứ 4 [1071] sang cống (…) năm thứ 5 [1072] dâng san hô (…) năm thứ 9 [1076] chiếu: 2 nước Chiêm Thành, Chân Lạp bị Giao Chỉ quấy nhiễu, nay vương sư phạt tội, cùng hiệp lực để diệt trừ (…) Riêng vương cũ của Chiêm Thành khó mà trở về để lại làm vương của bản quốc”.

Sách Le Royaume De Champa của Maspero viết: “Rudravarman bị bắt, đất nước rơi vào nội chiến, trên tất cả các lãnh địa, hơn mười lãnh chúa tuyên bố độc lập và tự xưng vua, sau đó tham gia xâm chiếm và áp đặt quyền lực lên các đối thủ”.

Sách Vương quốc Champa của Lafont viết: “Nhờ một bi ký Mỹ Sơn bằng Phạn ngữ và Chăm ngữ mà người ta được biết có hai vị hoàng tử không biết thuộc về dòng tộc nào, tên là Thang và Pang tìm cách chấm dứt tình trạng hỗn loạn (…) Năm 1074 hoàng tử Thang lên nắm chính quyền (…) ông ta tự phong vương cho mình với danh hiệu là Harivarman IV (…) Harivarman IV quyết định về hưu trí bằng cách đưa con trai của mình tên Vak vừa mới 9 tuổi, lên ngối ngôi vào năm 1080 dưới danh hiệu là Jaya Indravarman II. Năm sau Harivarman IV băng hà”.

— Sau khi Chế Củ bị Lý Thánh Tông bắt giải về Thăng Long, ngài đã xin dâng 3 châu Địa Lý, Mi Linh, Bố Chính cho Đại Việt để đổi lấy tính mạng. Trở về Chiêm Thành với sự đồng thuận của Thăng Long nên thời gian đầu tình hình chưa đến mức tồi tệ.

— Nhưng bước ngoặt xảy đến vào năm 1072 khi Lý Thánh Tông băng hà. Không còn sự chống lưng của Thăng Long, các thế lực bất phục thành Phật Thệ nổi dậy, cuộc nội chiến trở nên nghiêm trọng.

— Nhận thấy tình hình Phật Thệ khó mà kiểm soát, trong lần đi sứ năm 1073, Chiêm Thành trước là mừng Càn Đức lên ngôi, sau là báo tin cho Thăng Long biết. Để trợ uy cho Chế Củ và cũng là phòng biến loạn từ phía nam, Lý triều cử thái sư Lý Đạo Thành vào coi châu Nghệ An. Để nhắc nhở người Chiêm về cuộc chiến năm 1069, Tả gián nghị đại phu đã cho dựng vị hiệu của Thánh Tông.  

— Thế nhưng chính thể do Chế Củ thành lập đã không kiểm soát được tình trạng nội chiến tại Chiêm Thành và ngài buộc phải đưa gia đình và 3 ngàn quân sang nương trú Đại Việt vào tháng giêng năm 1074.

— Có 3 bằng chứng cho phép phỏng đoán như vậy, gồm: thứ nhất là lời tâu của Lý Càn Đức và thứ hai là ghi chép của Tống sử mục năm thứ 9, giống như là một bản thống kê của một vị quốc vương mới trình lên thiên triều và thứ ba là ghi chép của Tống hội yếu tập cảo về vị quốc vương cũ khó có thể trở lại làm quốc vương của Chiêm Thành.

— Toàn thư cũng cho biết mùa xuân năm 1074 Chiêm Thành lại quấy rối [nguyên văn là Chiêm Thành phục nhiễu biên] Theo như mô tả của Toàn thư thì trước đây Chiêm Thành đã từng quấy nhiễu vùng biên giới, do Toàn thư không chép rõ tháng nên có thể vào tháng giêng, khi Chế Củ chạy sang Thăng Long đã bị các thế lực chống đối truy kích, khiến vùng biên giới trở nên căng thẳng.

— Về phía Lý triều, liền cho Lý Đạo Thành làm Thái phó bình chương quân quốc trọng sự. Có thể Thăng Long cũng đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh quy mô. Chúng ta không thể chắc Thăng Long có điều quân vào nam không, nhưng có thể chắc chắn rằng sự kiện Lý Thường Kiệt đem binh đánh Chiêm Thành vào tháng 8 năm 1076 (mà Toàn thư chép nhầm là năm 1075) chỉ là một cuộc thị uy sức mạnh quân sự mà thôi.

— Vì từ tháng 5/1076 Đại Tống đã có những động thái quân sự với mục đích phản công Đại Việt đã tấn công 3 châu Ung Khâm Liêm trước đó. Nếu để xảy ra cuộc chiến với 7 ngàn quân của Chiêm Thành thì hao tổn quân sự không phải nhỏ, lại tốn thêm nhiều thời gian, tất sự chuẩn bị cho cuộc chống Tống sẽ kém đi.

— Sự kiện Lý Thường Kiệt họa bản đồ 3 châu và đổi 2 châu Địa Lý thành Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh, cũng như chiêu mộ dân chúng đến ở, cho thấy 3 châu phía bắc vùng Bình Trị Thiên thuộc Đại Việt cả trên danh nghĩa và thực tế.

— Việt sử lược cho biết các năm 1082, 1083, 1084, 1085, 1086, 1087, 1089, 1091 sứ Chiêm Thành sang cống, Tống sử cho biết năm 1092 Chiêm Thành sai sứ sang thiên triều dâng biểu nói: nếu thiên triều đánh Giao Châu thì xin xuất binh đánh úp.

— Chiêm Thành tỏ rõ thái độ kháng Giao Châu nên năm 1092 và 1093 bỏ cống nên mùa xuân năm 1094 Thăng Long sai hàn lâm học sĩ Mạc Hiển Tích sang sứ Chiêm Thành đòi lễ tuế cống, thấy rằng không thể cương với Giao Châu nên vào mùa thu năm 1094 sứ Chiêm Thành sang cống.

— Theo Việt sử lược các năm 1095, 1097, 1098, 1099, 1102 Chiêm Thành sai sứ sang cống.

2 . Toàn thư chép: “Quí Mùi [1103] Mùa đông tháng 10, người Diễn Châu là Lý Giác mưu làm phản. Giác trước học được thuật lạ, có thể biến cây cỏ làm người, bèn chiêu tập những kẻ vô lại chiếm cứ châu ấy, đắp thành làm loạn. Việc tâu lên, vua sai bọn Lý Thường Kiệt đi đánh. Giác thua trốn sang Chiêm Thành, dư đảng đều bị dẹp yên. Chiêm Thành cướp biên giới (…) Giáp Thân [1104] Mùa xuân tháng 2, sai Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành. Trước, Lý Giác chạy sang Chiêm Thành nói tình hình hư thực của nước ta. Vua Chiêm Thành là Chế Ma Na nhân thế đem quân vào cướp, lấy lại 3 châu Địa Lý [Địa Lí đẳng tam châu] mà Chế Củ đã dâng. Đến đây, sai Lý Thường Kiệt đi đánh, phá được, Chế Ma Na lại dâng nộp đất ấy”.

Việt điện u linh tập: “Vua bèn sai ông thống lĩnh đại binh, phá được giặc ở các thành Ung Khâm Liêm, khắc phục được ba châu bốn trại, bắt được tù binh, thu được của cải không biết bao nhiêu mà kể. Năm Long Phù thứ nhất (1101) vua trao cho ông chức Nội thị phán sảnh đô áp vệ, Hành điện nội ngoại đô tri sự. Mùa đông, ông đẹp yên giặc Lý Giác ở Diễn Châu. Nhà Tống sang đánh báo thù vây hãm các châu Lục, Lược. Ông ra sức đắp thành ở sông Như Nguyệt, lấy lại được Vũ Bình Nguyên. Quân ta thắng lợi trở về, nhà vua lại khen thương lớn”.

— Việt sử lược cũng như bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn không thấy đề cập tới loạn Lý Giác, trong khi Việt điện u linh lại chép sự kiện Lý thái úy dẹp loạn Lý Giác trước trận Như Nguyệt trong cuộc chống Tống, có khi nào loạn Lý Giác ở Diễn Châu diễn ra vào tháng 8 năm 1076 không ? Xin không bàn thêm.

— Từ năm 1103 quan hệ cống nạp Việt Chiêm có lệ, đến những năm 1124 người nước Chiêm Thành là bọn Ba Tư Bồ Đà La 30 người sang quy phụ, có thể là hậu quả của cuộc binh biến nào đó chăng ?

3.  Toàn thư chép: “Mậu Thân [1128] Mùa xuân tháng giêng, ngày Giáp Dần, hơn 2 vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Xuống chiếu cho Nhập nội thái phó Lý Công Bình đem các quan chức đô cùng người châu Nghệ An đi đánh (…) Tháng 2, ngày Quý Hợi, Lý Công Bình đánh bại người Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được chủ tướng và quân lính (…) Thư báo thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư (…) Tháng 3 Lý Công Bình đem quân về kinh sư, dâng tù 169 người (…) Tháng 8, người Chân Lạp vào cướp hương Đỗ Gia ở châu Nghệ An, có đến hơn 700 chiếc thuyền. Xuống chiếu sai bọn Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hoá và Dương Ổ ở châu ấy đem quân đánh, phá được (…) Châu Nghệ An đệ tâu một phong quốc thư của nước Chân Lạp, xin sai người sang sứ nước ấy. Vua không trả lời”.

Việt sử lược chép: “Năm Mậu Thân [1128] Tháng 2 Chân Lạp đến cướp ở Nghệ An, vua sai thái phó Nguyễn Bình Công đi đánh dẹp, bắt được tướng của nó rối về”.

Sách Vương quốc Champa của Lafont viết: “Các quần thần trong triều đình nhận thấy rằng Jaya Indravarman II vì tuổi chưa trưởng thành, không đủ khả năng để điều hành quốc gia, thành ra phải đưa người chú của ông ta, tức hoàng tử Pang lên thay thế để lãnh đạo quốc gia vào năm 1081, lấy vương hiệu là Pamarabodhisattva, một tên gọi mang ảnh hướng phật giáo (…) Sau đó ông ta nhường lại ngôi cho người cháu là Jaya Indravarman II vào năm 1086 (…) Indravarman II mất vào năm 1113 và được phong chức thánh hiệu là Paramabuddhaloka. Cháu của ông ta là người nối ngôi vua với danh hiệu là Harivarman”.

Tống sử chép: “Niên hiệu Chính Hòa [1111-1118] cho quốc vương là Dương Bốc Ma Điệp làm kim tử quang lộc đại phu (…) Năm Tuyên Hòa nguyên niên (1119) thăng làm kiểm hiệu tư không, kiêm ngự sử đại phu, hoài viễn quân tiết độ sứ (…) Năm Kiến Viêm thứ 3 (1129) Dương Bốc Ma Điệp sai sứ sang cống”.

Toàn thư chép: “Canh Tuất, [Thiên Thuận] năm thứ 3 [1130] Tháng 3, người nước Chiêm Thành là Ung Ma, Ung Câu sang quy phụ (…) Tháng 11, Chiêm Thành sang cống (…) Nhâm Tý [1132] Mùa thu tháng 7, người nước Chiêm Thành là bọn Cụ Bàn trốn về nước, đến trại Nhật Lệ bị người trại ấy bắt được, giải về kinh sư (…) Tháng 8, Chân Lạp và Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An (…) Xuống chiếu cho Thái uý Dương Anh Nhĩ đem người ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An đi đánh quân Chân Lạp và Chiêm Thành, phá tan (…) Lệnh thư gia châu Nghệ An là Trần Lưu dâng ba người Chiêm Thành. Trước đây bọn người này thường ẩn nấp ở chổ hiểm yếu, bắt người châu Nghệ An đem bán cho người nước Chân Lạp, Lưu đặt phục binh ở chổ ấy, bắt được đem dâng”.

Việt sử lược chép: “Năm Canh Thân [1130] Chiêm Thành tới cống (…) Năm Giáp Dần [1134] Chân Lạp, Chiêm Thành sang cống”.

— Vua Lý Nhân Tông mất năm 1127 thì đến năm 1128 người Chân Lạp 2 lần tới cướp vào tháng 2 và tháng 8. Trong 2 lần cướp này không có sự tham gia của Chiêm Thành. Năm 1130 Chiêm Thành xảy ra binh biến, chính quyền quy thuận Thăng Long bị lật, vài người như Ung Ma, Ung Câu chạy sang phương bắc. Chính quyền mới lập sang cống với mục đích thăm dò, đến năm 1132 thì liên kết với người Chân Lạp vào cướp châu Nghệ An.

Toàn thư chép: “Ất Mão [1135] Tháng 2, hai nước Chân Lạp và Chiêm Thành sang cống (…) Đinh Tị [1137] Mùa xuân tháng giêng, châu Nghệ An chạy trạm tâu việc tướng nước Chân Lạp là Phá Tô Lăng cướp châu ấy. Xuống chiếu cho thái uý Lý Công Bình đem quân đi đánh. Tháng 2, châu Nghệ An động đất, nước sông đỏ như máu. Công Bình sai Nội nhân hỏa đầu Đặng Khánh Hương về Kinh sư đem việc ấy tâu lên. Công Bình đánh bại người Chân Lạp”.

Việt sử lược: “Năm Bính Thìn [1136] Mùa xuân tháng 2 có động đất ở châu Nghệ An, sông đỏ như máu (…) tháng 9 (…) Tướng Chân Lạp là Tô Phá Lăng đến cướp châu Nghệ An, vua sai thái phó Nguyễn Công Bình đi đánh bại được”.

Văn bia về thái úy Lý công nước Đại Việt khắc: “Tháng giêng năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 3 [1135] đang lúc thiên hạ thanh bình, bốn bề yên tĩnh thì nước Văn Đan xâm phạm bờ cõi phía nam. Vua sai thái úy và thái phó Lý Công Bình thống lĩnh 30 vạn quân, theo đường biển tới xứ Âm Dã, quận Nhật Nam (…) khí thế như gió rung núi lở, quân giặc sợ hãi kéo nhau chạy trốn, quân của thái úy đuổi theo chém tướng bắt tù binh, đuổi đến Vụ Ôn thì trở về. Cũng trong năm ấy, thái úy vâng mệnh vua đi đánh bọn Sơn Liêu vì chúng cậy núi non hiểm trở không chịu vào chầu” [Sách Văn bia Hán Nôm Việt Nam của tác giả Đinh Khắc Thuân]

Ghi chú 10 viết: “Văn Đan tức Vạn Tượng, tên nước ở phía tây biên giới nước ta”.

Ghi chú 14 viết: “Vụ Ôn tên đất thuộc miền nam trung bộ ngày nay”

Ghi chú 15 viết: “Sơn Liêu chỉ các dân tộc ít người ở rẻo cao mạn tây nam nước ta”

— Năm 1132 Chiêm Lạp vào cướp châu Nghệ An bị thái úy Dương Anh Nhĩ đuổi đi, đến năm 1134 cả Chiêm Lạp đều tới cống. Tháng giêng năm 1135 nước Văn Đan xâm phạm bờ cõi, vua Lý Thần Tông cử thái phó Lý Công Bình và Đỗ Anh Vũ đem 30 vạn quân vào Nhật Nam, với số lượng quân vượt trội, quân nước Văn Đan thoái rút. Sau khi buộc quân nước Văn Đan rút lui, thái phó Lý Công Bình đem quân tuần du các động, buộc tộc Sơn Liêu tuân thủ phép tắc, đến tháng 2 năm 1136 Lý Công Bình tấu nước sông tại châu Nghệ An đỏ như máu.

— Có lẽ chỉ là cuộc đụng độ nhỏ với quân nước Văn Đan nên hao tổn của 2 bên không đáng kể, do đó thái phó Lý Công Bình nhận định rằng người Văn Đan sẽ quay trở lại cướp, nên trú quân tại Nhật Nam, mà không rút vội về Thăng Long. Sau khi nhận thấy số quân của Đại Việt vượt trội, người Văn Đan lui quân, đồng thời liên kết với Chân Lạp tấn công châu Nghệ An vào tháng 9 năm 1036.

Sách Vương quốc Champa của tác giả Lafont viết: “Người thừa kế vua Harivarman V là một vị thái tử (Yuvaraja) lên ngôi vào năm 1139 với danh hiệu là Jaya Indravarman III [Sau năm 1143] Indravarman III phải đối phó với cuộc tấn công của Campuchia [và] thủ đô Vijaya của Champa lại lọt vào tay của quân đội Khmer và vua Jaya Indravarman III tử trận trong cuộc chiến [1145 – Maspero] Trong khi thủ đô Vijaya bị chiếm đóng (…) Jaya Rudravarman IV được tấn phong làm vua Champa, nhưng sau đó ông ta và đoàn tùy tùng phải chạy sang Panduranga lánh nạn [và] băng hà vào năm 1147 mang thánh hiệu là Paramabrahmaloka (…) Sau đó các quan chức Champa đang lánh nạn tại tiểu vương quốc Panduranga tôn người con trai của ông lên nối ngôi lấy danh hiệu là Jaya Harivarman I (…) Vua Campuchia ra lệnh cho đoàn quân viễn chinh ở Vijaya với sự hỗ trợ của quân đội Champa ở miền bắc kéo quân sang miền nam tấn công vua Jaya Harivarman I, nhưng không đạt được kết quả (…) Vua Campuchia là Suryavarman II tự phong cho hoàng tử Harideva, tức là người em vợ của mình, lên làm vua Champa ở miền bắc, đóng đô tại Vijaya (…) Vua Harivarman I nghe tin, liền xuất quân tấn công miền bắc, giết chết hoàng tử Campuchia là Harideva và làm chủ tình hình Vijaya, sau đó Harivarman I tự xưng là vua Champa vào năm 1149”.

Sách Le Royaume De Champa của tác giả Maspero viết: “Jaya Harivarman I khởi bình và giao chiến với [?] Cankara và những người Campuchia, cùng quân đội của họ, kết quả họ bại năm 1148”.

Việt sử lược chép: “Năm Mậu Thìn [1148] Mùa thu tháng 9 Chân Lạp tới cướp châu Nghệ An”.

— Như thế cả Chiêm Thành và Đại Việt đều chịu chung số phận là những kẻ bị tấn công bởi Chân Lạp và Chiêm Thành có hoàn cảnh thảm khốc hơn.

1 thoughts on “Việt Chiêm trường trận tân biên (phần 4)

  1. Pingback: Việt Chiêm trường trận tân biên (phần 5) | Nghiên Cứu Lịch Sử

Bình luận về bài viết này