Bàn thêm về câu hỏi: Ai giết Lê Lai?

le loi

Trúc Diệp Thanh 

Lời đầu :Lê Lai bị giặc Minh giết do hành vi đổi áo liều minh cứu Lê Lợi trong năm đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn(1418) là sự tích anh hùng lưu truyền sử sách ngót 600 năm qua trong lòng dân tộc Việt nam.Song gần đây có một số nhà nghiên cứu đã phát hiện qua đọc Đại Việt Sử Ký Toàn thư,chính sử đời Lê đã phát hiện cuốn sử này chép:chính Lê Lợi đã giết Lê Lai vào năm 1427 vì “cậy công nói năng khinh mạn”!Vậy đâu là sự thật ?

Chuyện “Lê Lai liều mình cứu chúa” là một hành động anh hùng hy sinh vì đại nghĩa rất đáng được sử sách lưu truyền đời đời cho con cháu, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của dân tộc Việt nam. Sự thật thần tượng Lê Lai đã đứng vững trong lòng dân tộc Việt nam đã ngót 600 năm bất chấp mọi biến đổi của thời cuộc. Dưới chế độ cách mạng hiện nay nhân vật Lê Lai vẫn được dựng tượng đài, đặt tên đường, đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho các thế hệ học sinh bên cạnh các anh hùng dân tộc xưa và nay. Một sự thật lịch sử tồn tại qua 6 thế kỷ trong lòng dân tộc Việt nam tưởng rằng không còn là vấn đề phải bàn cãi!
Song mấy năm gần đây có người lại đặt ngược vấn đề:
“Nếu không nghiên cứu thêm các sách sử khác mà cứ một mực tin theo như thế và lòng tin ấy vẫn kéo dài hằng mấy mươi năm, có thể cho đến khi chết vẫn yên trí như vậy, không biết điều đó có thật đúng như vậy hay không?

Với những người yêu môn sử học, có nghiên cứu thì thấy chuyện này lại khác. Nhiều nghi vấn được đặt ra:

– Lê Lai cứu chúa ở trận nào,thời gian nào?
– Ông có bị quân Minh bắt không?
– Hay ông còn sống và sau đó chết vì tay Lê Lợi?”(Hồ Đắc Duy, Nguyễn Dư)

Sự tích “Lê Lai liều mình cứu chúa” chép trong Lam Sơn Thực lục.
Theo tôi, đáp án cho các câu hỏi như trên đã có sẵn và rất rõ ràng trong sử sách có từ giữa thế kỷ 15 trở về sau này. Xin dẫn chứng sự kiện “Lê Lai liều mình cứu chúa” chép trong Lam Sơn Thực Lục (Nguyễn Trãi biên soạn, Lê Lợi đề tựa với ký danh Lam Sơn động chủ. (Bản chép tay năm 1431, quyển thứ nhất, dịch giả Bảo Thân năm 1944, nxb Tân Việt 1946. Chuyển sang in điện tử bởi Công Đệ, Tuyết Mai, DoãnVương, Lê Bắc năm 2001).

….“Năm Mậu Tuất (1418) khi ấy Nhà vua ba mưoi ba tuổi, khởi quân khởi nghĩa ở Lam Sơn. Ngày mồng chín tháng giêng bị giặc vây bức, bèn lui vè đóng ở Lạc Thủy để chờ đợi. Ngày mười ba, giặc kéo quân đến đông. Nhà vua tung cả quân phục ra, xông đánh quân giặc. Cháu Nhà vua là Lê Thạch, cùng bọn Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý, đánh hãm vào trận giặc trước, chém được hơn ba nghìn đầu. Quân lương, khí giới, cũng bắt được kể nghìn! Ngày mười sáu, có tên bầy tôi làm phản, tên là Ái (người trại Nguyệt-ấn), cùng với Đỗ Phú dẫn quân Minh đào lấy tiểu đựng hài-cốt ở xứ Phật Hoàng, treo ở sau thuyền, hẹn Nhà vua phải ra hàng.

Nhà vua sai Trịnh Khả, Lê Bí (người thôn Hắc Lương), hai người đội cỏ, bơi xuồng đến bến thôn Thượng Rao Xá, rình giặc ngủ say, lên thuyền ăn trộm được tiểu xương đem về trình Nhà vua. Nhà vua mừng rỡ, trọng thưởng hai người, rồi rước về xứ Phật Hoàng, lại táng y theo chỗ cũ. Hôm sau bị tên Ái dẫn lối, đem giặc Ngô đánh úp quân Nhà vua, bắt được vợ, con, cùng người nhà của Nhà vua rất nhiều! Quân của Nhà vua không còn lòng hăng hái muốn đánh, thật là cùng khốn ngặt nghèo! May nhờ có các bậc trung thần là bọn Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Bí, Lê Xí, Lê Đạp, theo Nhà vua lẩn lút vào trong núi Chí Linh. Tuyệt lương hai tháng trời! Đợi khi giặc đem quân lui, mới lại về đắp lũy ở quê cũ là Lam Sơn.

Nhà vua thu lại tàn quân, chỉ chừng hơn trăm người! Lại đem quân Mường ở Lam Sơn, trai, gái, khiêng gánh lương thực. Ra vào nơi hiểm hóc; phủ dụ các quân lính; ước thúc lại cơ đội, sửa sang lại khí giới. Quân lính cảm khích, thề không cùng sống với quân giặc! Nhà vua biết quân lính ấy có thể dùng được, bèn sai bọn binh lanh lẹ ra khiêu chiến trước. Giặc cậy mạnh, vào cả đất hiểm để bức Nhà vua. Nhà vua đặt quân phục ở xứ Vấn Mang, dùng tên thuốc bắn hai bên, giặc mới tan chạy. Nhà vua lại tiến quân đến xứ Ninh Mang, ngày đêm xông đánh, quân giặc lại bị thiệt hại. Giặc lui giữ xã Bả Lạc Thượng. Nhà vua lại tiến quân tới trại Hà Đả, hằng ngày khiêu chiến. Giặc ở vững trong trại không ra. Hôm sau, giặc lại giao chiến với Nhà vua ở xứ Mỹ Mỹ. Bắt được tướng chỉ huy của giặc là Nguyễn Sao, và chém được hơn nghìn đầu. Khi ấy quân ta chỉ mới được nhỏ, mà thế giặc đương mạnh.

Nhà-vua bèn vời các tướng mà bảo rằng: “Ai có thể thay mặc áo vàng của Trẫm, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây-đô. Thấy giặc ra đối-địch, thì tự xưng tên: “Ta là chúa Lam-sơn đây!”. Để cho giặc bắt. Cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau?” Các tướng đều không dám nhận lời.

Chỉ có Lê Lai thưa rằng: “Tôi bằng lòng xin thay mặc áo Nhà vua. Ngày sau Bệ Hạ gây nên Đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!”. Nhà vua lạy Trời mà khấn rằng: “Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!” Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến. Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng: “Ta đây là chúa Lam-sơn!” Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực ác, ra hẳn ngoài những tội thường làm! Năm Kỷ-Hợi, (1419), Nhà vua ở Lam-sơn, cùng các tướng tá, tu tạo thành lũy, chữa sửa khí giới, phủ dụ và chu cấp các quân sĩ, nuôi oai chứa mạnh, chưa rỗi đến việc chiến đấu…”

Giặc Minh tin đã trừ diệt được “Chúa Lam Sơn”, loan báo thắng lợi …Lê Lợi đã có thời gian củng cố, phát triễn lực lượng để vài năm sau tái xuất đánh đâu thắng đó, giặc Minh mất dần đất buộc phải co cụm trong một số thành lũy để rồi đến cuối năm 1427 chấp nhận đầu hàng rút tàn quân về nước (Bình Ngô đại cáo).

Như vậy, Lam Sơn Thực Lục (viết tắt là Thực lục) được xem là cuốn sử chép về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ra đời sớm nhất (Ngay trong những năm đầu cuộc khởi nghĩa toàn thắng) lại do chính 2 bộ óc điều khiễn trực tiếp cuộc kháng chiến là Nguyễn Trãi biên soạn, Lê Lợi với tư cách là Lam Sơn động chủ đề tựa, chép về trường hợp Lê Lai liều mình cứu chúa với đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, kết quả, hiển nhiên rất đáng tin cậy.

Song theo hai ông Duy, Dư: “Một điều ngạc nhiên là các sử gia đời sau đều chép truyện Lê Lai liều mình cứu chúa trong khi nhóm sử thần đời Lê lại không ghi chuyện này! Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư phần bản kỷ, quyển số 10, trang 27b chỉ thấy chép:” Ngày 13 tháng giêng năm Đinh Mùi (1427) giết Tư Mã Lê Lai, tịch thu gia sản vì Lai cậy có chiến công nói năng khinh mạn” Điều này cho ta hiểu rằng Lê Lai đổi áo giả làm Lê Lợi là có thật nhưng ông đã may mắn thoát khỏi tay quân giặc để trở lại hàng ngủ kháng chiến. Nghĩa là ông vẫn còn sống cho đến năm 1427 tức 8 năm sau mới bị Lê Lợi ra lệnh giết chết.

“Điểu tận cung tàng” chim hết thì cung tên xếp xó, thỏ hết thì chó săn bị bắt làm thịt, việc giết các công thần khi đã làm nên sự nghiệp lớn thường xảy ra dưới thời đại phong kiến: Hán Cao Tổ giết Hàn Tín, Việt Vương Câu Tiễn giết Văn Chủng, Phạm Lãi nhờ trốn sang nước Tề rồi vào đất Đào, cải tên Đào Chu Công mới may sống sót. Theo nhận xét của các tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn thư, quyển X trang 75b viết: “Thái Tổ từ khi lên ngôi đến nay, chính sự rất khả quan…song đa nghi hiếu sát là chỗ kém”. Khi thành công Lê Lợi đã giết chết nhiều công thần đã sát cánh cùng mình trong gian khổ chiến đấu. Ngày 10 tháng giêng năm Mậu Thân (1428) giết Trần Cảo, năm 1429 giết Trần Nguyên Hãn, năm 1431 giết Phạm Văn Xảo…Lê Lợi đã ra lệnh giết chết Lê Lai cũng nằm trong ý đồ này…”

Trong bài viết của mình 2 ông Duy, Dư cũng thừa nhận ngoài Đại Việt Sử Ký Toàn thư (viết tắt là Toàn Thư), xuất bản dưới triều Lê là cuốn sử duy nhất chép “Lê Lai bị Lê Lợi giết năm 1427” còn tất cả các cuốn sử xuất bản dưới các triều đại tiếp theo như: Đại Việt Thông Sử (Lê Quý Đôn), Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn), Lịch triều Hiến chương Loại chí (Phan Huy Chú), Đại Việt Sử ký tiền biên (Ngô Thì Sĩ), Việt sử toàn thư (Phạm Văn Sơn), Việt sử khảo luận (Hoàng Cơ Thụy) Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) v..v.. đều chép Lê Lai bị giặc Minh giết bằng cách diễn tả khác nhau.

Song 2 ông Duy, Dư chỉ thừa nhận Toàn thư chép “Lê Lai bị Lê Lợi giết” là sự thật (?) còn “những ai viết rằng Lê Lai bị quân Minh bắt được giết đi” hay “Lê Lai chết thay vua Lê Lợi”, “Lê Lai vì nước bỏ mình”, Lê Lai “xả thân vì nước” là viết không đúng sự thật hoặc vô tình để người đọc hiểu lầm” (?) Các ông Duy, Dư tin “Lê Lai bị Lê Lợi giết” không phải là sự suy đoán viễn vông mà có chỗ dựa lịch sử vì điều đó đã được chép trong Toàn thư, chính sử đời Lê. Sử thần nhà Lê chép về sự kiện lịch sử xảy ra dưới triều nhà Lê thì có gì phải bàn cãi? Song cũng không thể đặt câu hỏi: vì sao Toàn thư đã chép: “Tư Mã Lê Lai bị giết năm 1427” nhưng tất cả các cuốn sử đời sau lại chép Lê Lai bị giặc Minh giết do tình nguyện đổi áo cho Lê Lợi cũng có nghĩa là các cuốn sử này không chép theo Toàn thư mà chép theo Thực lục?.

Theo 2 ông Duy, Dư: chuyện Lê Lai đổi áo cho Lê Lợi là có thật nhưng theo Thực lục thì khi ra trận ông chỉ bị quân Minh bắt,” bị xử bằng hình-phạt cực ác, ra hẳn ngoài những tội thường làm”, không nói là Lê Lai bị giết! Về chi tiết này người viết bài này rất đồng tình với cách giải thích của tác giả Trần Việt Bắc đã trả lời ông Nguyễn Dư rằng phải hiểu “xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dung”là giết chết bằng những hình phạt không ghi trong Hình thư, ác độc có lẽ còn hơn lăng trì”. Để chứng minh Lê Lai không bị giặc Minh giết, hai ông Duy, Dư còn lập luận rằng: “Nhà Minh đã nhiều lần đưa ra chính sách chiêu dụ để dụ dỗ vua quan nước ta ra hợp tác với chúng. Có nhiều dấu hiệu tỏ rằng quân Minh chấp hành chính sách này (đối với Lê Lai)”. Lập luận như trên là thiên về thủ đoạn mà xem nhẹ bản chất của giặc Minh là dã man, tàn bạo:

…Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ,
Độc ác thay, Trúc Nam Sơn không ghi hết tội.
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Lòng người đều căm giận,
Trời đất chẳng dung tha…
(trích “Bình Ngô đại cáo” bản dịch của Ngô Tất Tố)

Nói về thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc của giặc Minh thì Lê Lợi và các tướng gần gủi biết rõ hơn ai hết. Thực lục từng chép: “khi Lê Lợi còn ẩn náu chờ thời ở Lam Sơn, chưa xuất đầu lộ diện thì một trong số tên cầm đầu giặc Minh lúc bấy giờ là Lương Nhữ Hốt đã cảnh báo: “Chúa Lam Sơn chiêu vong, nạp bạn, đãi quân lính rất hậu, chí nó chẳng phải nhỏ! Nếu thuồng luồng gặp được mây mưa thì tất không phải là vật trong ao đâu! Nên sớm trừ đi đừng để sau sinh tai vạ!”. Đó là chuyện khoảng trước năm 1418 khi Lê Lợi chưa dấy quân khởi nghĩa. Lúc này (tháng 4 /1418) Lê Lợi đã là Bình Định Vương cầm quân khởi nghĩa đánh cho giặc Minh một số trận thất điên bát đảo nay bắt sống được “chúa Lam Sơn” tại trận tiền dễ gì giặc Minh để sổng cho hổ về rừng! Lại nữa, chức Tư Mã thời Lê là một chức quan lớn thuộc hàng đại thần đầu triều. Lê Lợi giết Lê Lai năm 1427 (trong phạm vi thời gian cuốn Thực lục phản ảnh) là một sự kiện lớn vì sao Thực lục không chép mà để đến Toàn thư lúc Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã qua đời sử thần nhà Lê mới chép?

Sau khi bị giết,Lê Lai được Lê Lợi minh oan,sửa sai?

Cả 2 cuốn sử đời Lê: Thực lục và Toàn thư đều không chép về việc Lê Lợi phong thưởng cho bản thân và gia đình Lê Lai theo lời thề trước khi Lê Lai xuất trận. Thực lục chỉ chép diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cho đến thời điểm nghĩa quân toàn thắng công bố “Bình Ngô đại cáo” do đó chỉ có phần chép về sự tích Lê Lai liều mình cứu chúa không có phần vua Lê Thái Tổ phong thưởng công thần sau khi lên ngôi. Toàn thư, chính sử triều Lê lại không chép sự tích Lê Lai liều mình cứu chúa nhưng lại có thêm sự kiện “Tư Mã Lê Lai bị giết năm 1427 vì cậy công nói năng khinh mạn”.

Tuy nhiên sử sách sau đời Lê đều có chép về việc Lê Thái Tổ phong thưởng các “Lũng Nhai công thần” cả người còn sống lẫn người đã hy sinh, ngay từ năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) trong đó Lê Lai được đặt lên hàng đầu. Sử thần nổi tiếng Lê Quý Đôn trong Đại Việt Thông sử (viết tắt Thông sử) chép: “Nhờ có hành vi Lê Lai liều mình cứu chúa, Nhà vua (Lê Lợi) được thong thả nghỉ ngơi, súc dưỡng nhuệ khí. Đánh trăm trận thắng cả trăm. Nhờ đó được thiên hạ. Vua cảm lòng trung của Lê Lai trước đó đã lén sai tìm thi hài về táng ở Lam Sơn.

Năm đầu đời Thuận Thiên phong (Lai) làm công thần đệ nhất, tặng Thiếu úy, cho thụy Toàn Nghĩa. Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) tháng chạp, vua sai Nguyễn Trãi chép 2 đạo văn ước và lời thề chung về Lai cất vào hòm bằng vàng. Lại gia phong Thái úy. Năm đầu đời Thái Hòa (1443) tặng Bình Chương quân quốc trọng sự, cho Kim Ngưu đại kim phù tước Huyện Thượng hầu. Khoảng đầu đời Hồng Đức (1470) tặng tước Diên Phục hầu. Năm thứ 15 tặng Phúc Quốc công. Sau gia phong Trung Túc vương.

“ Lai sinh ba con trai: cả tên Lư, thứ tên Lộ, cuối tên Lâm đều có tài nghệ. Năm Ất Tị (1425) vây thành Nghệ An, Lư cùng các tướng chia nhau đánh các xứ, mất tại trận. Được tặng Thái úy (1428). Đời Hồng Đức tặng Kiến Tiết hầu (1484). Sau gia tặng Kiến Quốc công. Lộ lập nhiều công trạng lần lượt được phong Tả trung quân tổng đốc chư quân sư. Năm Giáp Thìn (1424) thăng Thái Bảo. Cùng năm trúng tên lạc chết được tặng Thái úy. Đời Hồng Đức tặng Chiêu Công hầu sau tặng Chiêu Quận công. Lâm có công ở Lũng Nhai được phong Trung Lăng đại phu. Năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) đánh Ai Lao bị trúng tên độc tử nạn, được Thiếu úy.

Các đời vua sau tặng Trung Lễ hầu (1484) rồi Thái úy Trung Quốc công. Lâm sinh Niệm (Nậm-thế hệ thứ ba) một đại thần đời Lê Thánh Tông có công truất Nghi Dân lập Lê Thánh Tông. Niệm (Nậm) được cực kỳ trọng dụng cả văn, võ. Thăng Đinh Thượng hầu (1460) rồi Tỉnh Quốc công. Mất năm 1485). Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí chép: “Lê Niệm người thôn Dục Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hóa) con Lê Lâm, cháu Lê Lai, khi Lạng Sơn vương Nghi Dân giết Lê Nhân Tông (1459) chiếm ngôi vua, Lê Niệm đang làm Xa kỵ vệ coi việc quân, ông cùng các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt bàn mưu đem cấm binh giết đảng nghịch, phế Nghi Dân đón Lê Thánh Tông lên ngôi.

Vì công đó ông được phong Suy Trung Bảo chính công thần, làm nhập nội Tư Mã tham dự triều chính. Bài Chế văn trong dịp ấy có câu: “Huống chi một nhà trung nghĩa,thương ông ngươi, cha ngươi vì nước bỏ mình”. Chế văn là lời của Nhà vua, đây là Lê Thánh Tông đã khẳng định Lê Lâm (cha), Lê Lai (ông) của Lê Niệm đều chết vì nước. Đồng thời chế văn này cũng khẳng định rằng các vua Lê nối tiếp nhau đời dời ghi nhận công đức Lê Lai hy sinh chết thay Lê Lợi.” (Nguồn:La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập 2)

Những điều Lê Quý Đôn chép trong Thông Sử như trên cho thấy:

– Một là: đã có thêm bằng chứng khẳng định Lê Lai đã bị giặc Minh giết, đó là việc Lê Lợi “lén cho người tìm thi hài Lê Lai về táng ở Lam Sơn”.
– Hai là: Lê Lợi đã thực hiện đúng lời thề khi Lê Lai tình nguyện đổi áo ra trận chết thay cho mình, không chỉ Lê Thái Tổ mà các đời vua sau đều ghi nhận công ơn của Lê Lai và cả con, cháu của Lê Lai cũng được đãi ngộ xứng đáng.

Các ông Duy, Dư từng có lời lên án Lê Lợi “đã phản bội lời thề thốt nặng lời bằng việc giết Lê Lai”, trước sự thật như trên, các ông vẫn kiên trì lập trường: chính Lê Lợi đã giết Lê Lai nhưng biện bạch: “rất có thể giết Tư Mã Lê Lai rồi Lê Lợi cũng cảm động vì lòng trung nghĩa của Lê Lai nên đã cho tổ chức lễ thờ nhớ ơn Lê Lai. Từ đây trở đi, Lê Lai được tẩy oan, được phong thưởng, truy tặng, được thờ. Con cháu Lê Lai được các vua đời sau khen tặng v..v… “Lập luận như trên là sự xuyên tạc lịch sử! Theo Toàn thư “năm 1427 Tư Mã Lê Lai bị giết, tịch thu gia sản…”.

Theo Thông sử năm đầu Thuận Thiên (1428) Lê Thái Tổ phong Lê Lai: công thần đệ nhất, tặng Thiếu úy, cho hiệu Toàn Nghĩa…Trong lịch sử việc công thần bị tội oan được minh oan không phải hiếm, nhưng thử hỏi từ cổ chí kim, từ đông sang tây có trường hợp nào một tội thần bị giết, tịch thu gia sản năm trước năm sau lại được phong “đệ nhất công thần”? Trường hợp Lê Lai lúc bị kết tội đã là Tư Mã, năm sau được minh oan được tặng Thiếu úy (thấp hơn chức Tư Mã nhiều bậc!) cũng là điều vô lý! Hơn nữa gia đình Lê Lai có quá trình cống hiến, được phong tặng chức tước liên tục từ đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cho đến các đời vua Lê không hề có dấu hiệu nào cho thấy con cháu Lê Lai bị ngược đãi vì “cha, ông có tội”! (Triều Lê cũng có trường hợp đại công thần Nguyễn Trãi bị ghép tội, bị hình phạt “tru di tam tộc”, sau được minh oan, phục hồi mọi chức tước nhưng cũng phải sau 20 năm với ba đời vua).

Cho đến trước lúc qua đời, Lê Lợi còn nhớ đến việc đền đáp công ơn của Lê Lai. Việt sử toàn thư (Phạm Văn Sơn – cơ sở xuất bản Đại nam -trang 360) chép: “Lê Lợi hứa rằng sau này mình chết con cháu phải cúng giỗ Lê Lai trước. Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu, vua Lê Thái Tổ mất nên ngày 21 là ngày kỷ niệm Lê Lai. Sau này mới có câu: hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi là vì việc này” (một sô cuốn sử khác cũng chép điều tương tự). Riêng ông Nguyễn Dư lại có cách nhận định khác: “Dân gian đặt câu: “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” cũng không ngoài mục đích phục hồi danh dự cho Lê Lai bị giết oan, góp phần làm đẹp thêm trang sử (? ). Nhân danh “người yêu sử” mà có lập luận như thế quả là “hết biết”!

Về đoạn tờ 27 trang 10 Toàn thư chép Tư Mã Lê Lai bị giết, tịch thu gia sản…thì Thông sử lại chép; “Viên Tư Mã là Lê…(*1) cậycó chiến công (tờ 31a) thường thốt ra những lời khinh nhờn.Vua sai giết chết, tịch thu gia sản”. Viên Thiên hộ là Lý Vân và tòng nhân là Bùi Vĩnh lấy trộm muối chở vào thành Chí Linh, ngài cũng sai giết cả và đều tịch thu gia sản.” Cuối trang, tác giả ghi chú như sau: “(*1) Đây là tên người, nhưng chính bản chỉ chép một chữ “Lê” (họ Lê) mà bên dưới bỏ trắng khoản một chữ. Vậy không biết viên này tên là gì?” (nguồn LSYH HXH tập 2).

Sách Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn-1881) cũng chép phần Lê Lợi sau khi lên ngôi Hoàng đế ngay năm Thuận Thiên thứ nhất, tháng giêng đã xét khen thưởng hậu hĩnh cho các công thần Lũng Nhai trong đó có Lê Lai như Thông Sử, có bổ sung thêm nội dung lời thề cất trong “hòm vàng”: “Lê Lai đổi áo bào, chịu chết thay ta. Để tỏ lòng báo đáp, mai sau nếu ta không nhớ nghỉ đến công ấy thì nguyện nơi hành điện sẽ thành rừng núi, quả ấn báu sẽ hóa cục đồng, thanh thần kiếm sẽ thành dao binh”.

Hai ông Duy, Dư cũng thừa nhận thực tế có sự ghi chép khác nhau về sự kiện Lê Lai giữa Toàn Thư và các cuốn sử đời sau và giải thích: “Điều đáng ngạc nhiên là sử gia các đời về sau đều chép truyện Lê Lai liều mình cứu chúa. Trong khi nhóm sử thần nhà Lê lại không ghi chuyện này. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư phần bản kỷ, quyển số 10, trang 27b chỉ thấy chép: “Ngày 13 tháng giêng năm Đinh Mùi (1427) giết Tư Mã Lê Lai, tịch thu gia sản vì Lai cậy có chiến công nói năng khinh mạn” Còn tại sao các sử gia như Lê Quý Đôn, Trần Trọng Kim và ngay cả vua Tự Đức (cùng Quốc sử quán triều Nguyễn và nhiều sử gia khác…TDT) không ghi việc Lê Lợi giết Lê Lai năm 1427 là vì họ đã cho quân Minh bắt và giết Lê Lai ngay lần cứu chúa vào năm 1419 rồi còn đâu nữa? “Phân tích như trên là quá đơn giản, mới dừng ở hiện tượng chưa đi vào bản chất vấn đề, người viết bài này xin trở lại câu hỏi hóc búa này ở đoạn cuối bài viết.

Đã tìm thấy bản sao các lời thề được cất giữ trong “hòm vàng”?

Với danh tiếng của nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đủ đảm bảo những điều chép trong Thông Sử: “Lê Lợi lén cho người tìm thi hài Lê Lai đem về táng ở Lam Sơn, sai Nguyễn Trãi chép các lời thề cất giữ trong hòm bằng vàng…” là đáng tin cậy. Song số người tin vào Toàn thư chép Lê Lợi giết Lê Lai năm 1427 vẫn hoài nghi. Năm 1965, GS Hoàng Xuân Hãn công bồ bài “Những lời thề của Lê Lợi” – Văn Nôm đầu thế kỷ 15 (La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn –tập 2) đã góp phần xác định những thông tin trên Thông Sử là đúng sự thật. Trong công trình nghiên cứu nghiên cứu của mình GS Hoàng Xuân Hãn cho biết: Năm 1943, theo học sinh trường Bưởi tản cư vào Thanh Hóa, trong một số dịp đến viếng đền Vua Lê ở thôn Kiều Đại, GS được cụ thủ từ trao cho một cuốn tập chữ Nôm và chữ Hán và bảo đó là một bản sao sách cũ chép sự tích các Vua Lê. Nội dung sách không có gì mới gần như trong sử nhưng đặc biệt có một số trang chép hai bài văn thề bằng chữ Nôm và một bài thệ văn bằng chữ Hán.

Theo GS Hoàng Xuân Hãn đây là những lời thề do Lê Thái Tổ đọc năm Mậu Tuất (1428) sau đó sai Nguyễn Trãi cất vào hòm vàng. (Thông sử đã chép) Đời Lê Thánh Tông sai cho sao lại giao cho các đại thần. Trong bài viết này xin được giới thiệu bài văn thề (Nôm) thứ nhất (nguyên không có đề mục được GS đặt đề: Lời kêu gọi công thần cùng thề nhớ ơn Lê Lai).

“Lê tằng tôn (a) đại thiên hành hóa (b) Thái tổ Cao Hoàng đế chỉ huy (c) dạy rằng: kẻ làm công thần cùng Trẫm bấy nhiêu! Chúng bay chịu khó nhọc mà được nước ta. Chúng bay đã chịu khó công, cùng Trẫm đói khát mà lập nên thiên hạ, đến có ngày rày mà được phú quý. Chúng bay cũng phải nhớ công Lê Lai (d) hay hết lòng vì Trẫm mà đổi áo cho Trẫm chẳng có tiếc mình cùng Trẫm, chịu chết thay Trẫm. Công ấy chẳng cả thay! Trẫm đã táng Lê Lai ở trong đền Lam, để mai ngày cho con cháu Lê Lai ở hết lòng cùng con cháu Trẫm. Thế vậy cho kéo (e) lòng thương nó.

Chúng bay truyền bảo con cháu chúng bay (g), chúng đại thần cùng con cháu chúng bay (g): vì vậy công Lê Lai ấy chẳng cả thay!

Cho đến con cháu Trẫm mà quên ơn nhà Lê Lai thì cho (h) trong thảo điện (l) nầy nên nước, trong đền này nên rừng. Nhược (i) chúng bay nhớ bằng (k) lời Trẫm, thì nguyện cho con cháu Trẫm cùng con cháu chúng bay phú quý. Nhược dù (i) ai hay nhớ bằng lời Trẫm, ấy thì thấy kiếm này xuống nước cho nên rồng. Ai lỗi lời nguyền thì đòng (m) ấy nên dao.

Cho thế chúng bay cùng nhớ bằng lời chư tướng thề.

Ty lễ giám sự đồng tri lễ, thần, Nguyễn Đôn phụng sao tống công thần tằng tôn các chấp nhất đạo (n).”

Do văn Nôm thế kỷ 15 có sự khác biệt với chữ phổ thông ngày nay nên tác giả có lập bản “giải một vài chữ khó hiểu hoặc khả nghi” như sau (theo thứ tự a,b..)

a) Lê tằng tôn: trỏ Lê Lợi, thuộc đời thứ tư trong gia phổ họ Lê. Thủy tổ là Hối, là tằng tổ Lê Lợi. Đời thứ hai là Dinh, đời thứ ba là Khoáng, thân phụ Lê Lợi.

b) Đại Thiên hành hóa: thay Trời dạy dân.

c) Chỉ huy: trỏ sự quy định của Vua. Đời Lê Thánh Tông đổi ra sắc, chỉ.

d) Lê Lai: xem Thực Lục.

g) Chúng bay: tiếng chúng bay trước trỏ các công thần, tiếng sau trỏ các đại thần.

h) Thì cho: thì đành chịu.

i) Nhược, nhược dù: nhược là chữ Hán nghĩa là nếu.

k) Nhớ bằng: nhớ như, nhớ đúng như.

l) Thảo điện: nguyên viết đơn điện là nhầm vì tự dạng. Ngày nay là cung điện.

m) Đòng: nôm viết là Đồng. Đọc đồng là vô nghĩa. Đòng là gươm dài và nhọn (kiếm).

n) Câu này nghĩa là: Tôi, Nguyễn Đôn, giữ chức đồng tri lễ (đồng nghĩa như cấp phó) ở ty coi việc lễ, vâng lời vua (Lê Thánh Tông) sao lại cho các tằng tôn của các công thần, mỗi người giữ một bản (hàng con của Lê Thánh Tông là hàng tằng tôn của Lê Lợi).

GS Hoàng Xuân Hãn kết luận: “bài thề nêu trên khẳng định thêm một vài sự kiện lịch sử. Câu Lê Lai hay hết lòng vì Trẫm mà đổi áo cho Trẫm, xác nhận chuyện đổi áo. Câu Trẫm đã táng Lê Lai ở trong đền Lam Sơn chứng thực sự Lê Lợi lén sai người tìm di hài Lê Lai về táng ở Lam Sơn ta thấy chép trong Thông Sứ”.

Về sự kiện “Tư Mã Lê Lai…” tác giả bài “những lời thề của Lê Lợi” nêu:

“Trong Toàn thư lại không hề chép chuyện Lê Lai. Trái lại ở tờ 27 quyển 10 có chép: vào khoảng tháng giêng năm Đinh Mùi (1427), trong khi đóng doanh ở bến Bồ Đề, vậy Vương Thông trong thành Đông Quan,”Lê Lợi giết Tư mã Lê Lai tịch thu gia sản, vì Lai cậy có chiến công nói lời ngạo mạn”. Vậy Lê Lai này là ai? Chắc cũng là một đại công thần, trùng tên chăng? Hay kẻ khắc chữ lầm tên?

Sau khi đọc Thông sử, ta thấy hiển nhiên rằng chuyện Lê Lai hy sinh để Lê Lợi có thể trốn tránh trong cơn quẫn bách là chuyện thật, mặc dầu Toàn Thư, theo bản ngày nay còn đã bỏ sót. Vả về đời Lê Lợi, bản Toàn Thư hiện còn chép chuyện năm thì nhiều, năm thì ít, khiến ta có thể nghĩ rằng hoặc vì tài liệu đã mất nhiều trước đời Lê Thánh Tông, hoặc sử thần cẩu thả, hoặc bản đời sau khắc lại bớt xén nhiều” Nhận định của GS Hoàng Xuân Hãn, môt học giả uyên bác, gợi cho ta cách giải thích điều lạ lùng nêu trong Toàn Thư.

 

Nho thần đời chúa Trịnh đã nhúng bút làm sai sự thật trong Thực Lục và Toàn Thư?

Như đã biết “Thực Lục” và “Toàn thư” tuy ra đời trước sau cách vài thế kỷ nhưng đều là chính sử thuộc nhà Lê sơ. Thế mà sự kiện Lê Lai liều mình cứu chúa được “Thực Lục” chép trang trọng với đầy đủ chi tiết nhưng lại không hề có trong Toàn thư. Trái lại chuyện Tư mã Lê Lai bị giết năm 1427 (xảy ra một năm trước cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược toàn thắng) không hề có trong Thực Lục lại được nêu trong Toàn thư? Hiểu thế nào về điều khó hiểu như trên?

Thực lục có nhiều bản, bản chính là bản năm 1431 (Thuận Thiên thứ tư) là năm Lê Lợi sai Nguyễn Trãi biên soạn do chính nhà vua đề tựa với ký hiệu Lam Sơn động chủ. Đến 1676, Thực Lục được in lại chỉ khác là bài tựa của Lê Lợi được thay bằng bài tựa của Duệ Quận công Hồ Sĩ Dương là người Tây vương Trịnh Tạc sai in lại Thực Lục. Bản in này theo Lê Quý Đôn “đã bị nho thần phụng mệnh (Chúa Trịnh) đính chính chỉ căn cứ vào sở kiến lấy ý mà san cải, thêm bớt làm sai sự thật, không đúng là sách trọn vẹn nữa”(LSYH HXH-tập 2 trang 609).

Cũng với luồng nhận xét như trên với Thực Lục có thể ứng dụng vào bộ Toàn Thư. Bộ Đại Việt Sử KýToànThư còn lại đến ngày nay là một bộ Quốc sử lớn, có giá trị, lần đầu tiên được khắc in toàn bộ và công bố vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà thứ 18, triều Lê Hy Tông, tức năm 1697. Trong lời tựa của lần xuất bản này – gọi là Tựa Đại Việt Sử Ký tục biên – nhóm biên soạn đứng đầu là Tham tụng, Hình bộ thượng thư Trung thư giám Lê Hy, cho biết bộ Quốc sử này là kết quả của một quá trình biên soạn, tu bổ qua nhiều đời:

“Nước Việt ta, sử ký các đời do các tiên hiền Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên làm ra trước, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh soạn tiếp sau, đến đời Lê Huyền Tông (1663 – 1671) sai Phạm Công Trứ tham khảo sử cũ như Sử ký ngoại kỷ, Bản kỷ toàn thư, Bản kỷ thực lục đều y theo danh lệ của các sử trước, lại tham xét biên soạn từ quốc triều Trang Tông Dụ Hoàng đế (1533 – 1548) “sai bọn khảo thần khảo đính sử cũ, chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy.Lại sưu tầm sự tích cũ, tham khảo các dã sử, loại biên, [biên sọan] từ Huyền Tông Mục Hoàng Đế năm Đức Nguyên thứ 2 (1675), tất cả sự thực trong 13 năm, cũng gọi là Bản kỷ tục biên. Sách làm xong, dâng lên ngự lãm, bèn sai thợ khắc in, ban bố trong thiên hạ” (Quyển thủ, Đại Việt Sử ký tục biên tự, 1b – 3b)

Như vậy, bộ Đại Việt sử kýToànThư là một công trình tập đại thành nhiều bộ sử do nhiều nhà sử học của các đời biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đời Lê sơ, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê Trung hưng, cùng những người cộng sự với họ. Theo bản in từ ván khắc năm Chính Hoà 18 (1697) mang danh hiệu bản in Nội các quan bản – từ đây gọi tắt là bản Chính Hoà – bộ sử này gồm quyển thủ 24 quyển, biên chép một cách hệ thống lịch sử dân tộc từ họ Hồng Bàng đến năm 1675.Bộ Đại Việt sử ký toàn thư với bố cục như trên đã được hoàn thành, khắc in và công bố vào năm 1697.(dưới thời chúa Trịnh Căn-triều vua Lê Hy Tông).

Sử thần có công đầu trong biên soạn bộ Toàn Thư là Ngô Sĩ Liên.

*Ngô Sĩ Liên người làng Chúc Lý [1], huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Theo các tài liệu mới được công bố gần đây, Ngô Sĩ Liên tham gia khởi nghĩa Lam Sơn khá sớm, cùng với Nguyễn Nhữ Soạn (em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Trãi) giữ chức vụ thư ký trong nghĩa quân, nhiều lần được Lê Lợi cử đi giao thiệp với quân Minh trong những thời kỳ đôi bên tạm hòa hoãn để củng cố lực lượng.

Rất đáng tiếc, về năm sinh và năm mất của ông, hiện nay vẫn chưa được biết thật đích xác, nhưng theo Đại Việt lịch triều đăng khoa lục thì ông thọ tới 98 tuổi, đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 đời Lê Thái Tông (1442). Đây là khoa thi đầu tiên được triều đình tổ chức lễ xướng danh, yết bảng; các vị tiến sĩ tân khoa được vua ban mũ áo, vào cung dự yến, được ban ngựa quý để đi dạo chơi thăm phố xá kinh kỳ, được “ân tứ vinh quy” với lễ đón rước rất trọng thể. Và sau này, theo lệnh vua Lê Thánh Tông, họ tên người đỗ sẽ được khắc vào bia đá, đặt ở Văn Miếu, để “làm gương sáng cho muôn đời”.

Sau khi thi đỗ, Ngô Sĩ Liên đã từng giữ các chức Đô ngự sử dưới triều Lê Nhân Tông, Lễ bộ Hữu thị lang, Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, kiêm Sử quan tu soạn dưới triều Lê Thánh Tông. Đóng góp to lớn mà Ngô Sĩ Liên còn để lại cho đời sau chính là bộ Đại Việt sử kýToàn Thư mà ông đã biên soạn theo lệnh nhà vua và đã hoàn thành vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 10 đời Lê Thánh Tông (1479), gồm 15 quyển.

Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hiện đang lưu hành, tuy do Ngô Sĩ Liên khởi thảo (hoàn thành vào năm 1479), nhưng đã được các sử thần các đời khác như: Vũ Quỳnh, Lê Tung, Phạm Công Trứ, Lê Hy… hiệu chỉnh bổ sung thêm. Phần đóng góp chủ yếu của tiến sĩ họ Ngô vào bộ quốc sử lớn này là: đặt tên cho bộ sách là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, được triều đình và các đời sau chính thức công nhận.

Như vậy Bộ Toàn Thư-chính sử đời Lê, được khởi đầu từ đời Lê Thánh Tông nhưng đến năm 1679 dưới thời Lê Trung Hưng mới hoàn thành,khắc in và công bố.Như chúng ta đã biết dưới thời Lê Trung Hưng,nhà Lê không còn “nguyên chất” như dưới thời Lê Sơ. Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê dựng nên triều Mạc.Đến năm 1533 được sự trợ giúp của Nguyễn Kim và một số tướng họ Trịnh,vua Lê khôi phục nhà Lê mở đầu thời Lê Trung Hưng với thể chế “vua Lê chúa Trịnh” kéo dài đến năm 1786 khi Nguyễn Huệ dẫn quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà dưới ngọn cờ “phù Lê diệt Trịnh”.

Chúa Trịnh chỉ thực sự phụng sự vua Lê qua vài đời đầu,càng về sau phủ Chúa càng lấn át,vua Lê chỉ còn trên danh nghĩa không có thực quyền.Vì sao họ Trịnh tuy đã đủ vây cánh nhưng vẫn duy trì vua Lê? Có số người giải thích thiên về lý do nhà Trịnh không muốn tạo cơ hội để các triều phong kiến phương Bắc lợi dụng động binh can thiệp,theo tôi đó chỉ là thứ yếu,chủ yếu là do dù nhà Trịnh nắm quyền hành nhưng lòng dân vẫn hướng về nhà Lê.Nếu ra tay cướp ngôi thì họ Trịnh sẽ mất cả chì lẫn chài!

Tấm gương Nguyễn Huệ đánh ra Bắc Thành năm 1786 dưới ngọn cờ “phù Lê diệt Trịnh”đã nhanh chóng dễ dàng thành công và khi chúa Trịnh cùng đường chạy trốn đã bị nhân dân bắt nộp cho Tây Sơn(đã tự sát trước khi bị giao nộp).”Họ Lê giữ nước hơn 300 năm,dùng ân huệ buộc chặt lòng người,dùng lễ nghĩa vun trồng sĩ khí.Cho nên dù bọn phản nghịch tiếm quyền mà lòng người mến chúa cũ vẫn như xưa”(Hoàng Lê nhất thống chí,nxb Văn học trang 308).

Lòng người mến chúa cũ chính là nói đến Lê Lợi,vị minh quân khai phá nhà Hậu Lê.Lê Lợi không những là một vị tướng có thiên tài cầm quân đánh trận mà còn là vị hoàng đế có tình nghĩa thủy chung nổi bật là tấm gương đối xử với Lê Lai,người đã liều mình cứu chúa.Trường hợp đối xử với Trần Cảo, Trần Nguyên Hãn,Phạm Văn Xảo thường được một số người đời sau vin vào để phê phán Lê Lợi “đa nghi hiếu sát” là không công bằng: Trần Cảo không phải là “công thần” của nhà Lê lại tự mình gây ra tội đáng chết(chạy trốn) còn Trần Nguyên Hãn,Phạm Văn Xảo tuy có nhiều công trạng nhưng về sau lại âm mưu kích động một bộ phận người chống lại triều đình (Xảo) có mưu đồ làm phản (Hãn) cũng đều thuộc tội đáng chết.

Để làm sáng tỏ thêm về nguyên nhân Toàn Thư nêu sự kiện “Lê Lợi giết Lê Lai” Xin được trích dẫn tóm tắt “Trang nhà Lê Anh Chí” (wwwLeAnhChi com):

“Trước hết xin nói rằng Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên (đời Lê Thánh Tông) là một cuốn sử chép tay, chỉ có hai bản, muốn sửa đổi rất dễ, chỉ cần chép lại sai đi và hủy bản chính.

-Soạn giả Toàn Thư là sử quan nhà Trần, Lê; nhà Mạc nhà Trịnh sửa, thêm bớt.

– Nước ta sau khi Ngô Sĩ Liên viết Toàn Thư có hai đại biến:

– Nhà Mạc cướp ngôi,

– Chúa Trịnh lộng quyền từng giết vua, đã có vua Lê lại có chúa Trịnh.

– Cả hai nhà Mạc và Trịnh đều có ý muốn bôi nhọ vua Lê Thái Tổ, để bào chữa cho hành động giết vua, phản nghịch của họ.

– Bởi thế, nhà Mạc đã phong Trần nguyên Hãn làm Trung Liệt Đại Vương! Chữ Trung Liệt này thiệt buồn cười, đối chiếu với hành động của họ Mạc. Dĩ nhiên nhà Mạc đã sửa Toàn Thư.

– Trước khi sai các sử thần Phạm Công Trứ, Lê Hi viết tiếp và “tu chỉnh” Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh; chúa Trịnh đã có cả 100 năm để sửa bộ sử này!

– Xin nhắc: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hiện được lưu hành là bản Chính Hòa (triều Lê Hi Tông), được tu chỉnh và biên soạn trong phủ chúa Trịnh. Sử thần là quan của nhà Trịnh, mặc dù họ chính thức là tôi nhà Lê. Họ viết theo ý chúa Trịnh những điều họ muốn sửa đổi cũng phải được Chúa đồng ý. Tạm nêu 3 dẫn chứng:

– Đoạn sử về cái chết của Lê Kính Tông (1619).

– Đoạn sử Lê Thần Tông.

– Không phải chỉ có quyển 10 bị sửa đổi, mà tất cả Toàn Thư. Nhưng quyển 10 viết về Lê Thái Tổ, nên bị “chiếu cố” nhiều nhất.Quyển số 10, trang 27b chép: “Ngày 13 tháng giêng năm Đinh Mùi (1427) giết Tư Mã Lê Lai , tịch thu gia sản vì Lai cậy có chiến công nói năng khinh mạn “.- Tư mã Lê Lai (năm 1427) là ai ??? _-Chẳng có Tư mã Lê Lai nào hết !!! Chỉ là chuyện bịa đặt của nhà Mạc, từ việc ‘Tư mã Lê Chích bị giáng chức’ !

Thời Lê Trung Hưng là thời của chúa Trịnh. Vua Lê vô quyền, chỉ là hư vị ; họ Trịnh muốn lập,muốn phế, muốn giết tùy ý.
Do đó, Toàm Thư không còn là quốc sử nhà Lê mà đã thành quốc sử của nhà Trịnh. Đây là một sự kiện hiển nhiên.”(nguồn:Trang Nhà Lê Anh Chí).

Thay lời kết

Lê Lợi là một ông vua có lòng chung thủy hiếm có trong lịch sử, đối với Lê Lai, người đã xả thân giúp Lê Lợi thoát cảnh hiểm nghèo,nguy ngập đã được Lê Lợi cho người cướp thây từ sào huyệt giặc Minh,khi lên ngôi đã truy phong rất hậu cho Lê Lai,trọng dụng con cháu,đặc biệt là dùng lời thề rất độc là đem cả cơ nghiệp đế vương,cả sự an nguy của con cháu buộc cả quần thần phải giữ lời hứa đời đời không phụ công lao của Lê Lai.Ngay cả trước khi qua đời Lê Lợi còn căn dặn con cháu:

”sau này ta chết thì con cháu phải cúng giỗ Lê Lai trước”

Ngày 22-8 nhuần năm Quý Sửu(1435)vua Lê Thái Tổ mất nên ngày 21 là ngày kỷ niệm Lê Lai.Sau này mới có câu:hăm mốt Lê Lai,hăm hai Lê Lợi.

Lợi dụng danh nghĩa Toàn Thư lượt bỏ sự kiện “Lê Lai liều mình cứu chúa”, mạo dựng câu chuyện “Lê Lai bị Lê Lợi giết” là thủ đoạn thâm độc của chúa Trịnh,dùng sử nhà Lê bôi nhọ Lê Thái Tổ “đa nghi hiếu sát”, phản bội các lời thề của chính mình ở Lũng Nhai và trước khi Lê Lai xông trận liều mình cứu chúa nhằm làm hoang mang lòng dân lúc bấy giờ vẫn hướng về nhà Lê. Song kịch bản của nhà Trịnh có quá nhiều sơ hở khiến sử thần các đời sau thẳng thừng loại bỏ! Phải chăng đây mới là nguyên nhân về bản chất giải thích lý do vì sao chỉ có Toàn Thư gạt bỏ sự kiện Lê Lai liều mình cứu chúa và nêu chính Lê Lợi đã giết Lê Lai còn tất cả các cuốn sử các đời sau đều trung thành với Thực Lục công nhận Lê Lai bị giặc Minh giết vì liều mình cứu chúa và không đề cập đến sụ kiện Toàn Thư nêu:“năm 1427 giết Tư Mã Lê Lai…”!

Với nhận định như trên không chỉ “không cần sửa lại bài học lịch sử ”như đề nghị của 2 ông Duy, Dư, trái lại càng khẳng định vững chắc sự kiện “Lê Lai liều mình cứu chúa” để các thế hệ hôm nay và mai sau tin tưởng vào lịch sử truyền thống anh hùng của dân tộc.

Tuy nhiên trên đây chỉ là sự góp ý của một người yêu sử làng nhàng xin được các bậc cao minh tiếp tục xem xét.

Tài liệu tham khảo:
– Lam Sơn Thực Lục,
– Đại Viết Sử Ký Toàn Thư,
– Đại Việt Thông sử,
– Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục,
– La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (tập 2).

Hà Nội tháng 11-2011

9 thoughts on “Bàn thêm về câu hỏi: Ai giết Lê Lai?

  1. Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn còn bao vây thành Đông Quan mà Lê Lợi đi giết Lê Lai? Đây là lúc cần người, lại đi giết người, chắc quân Lam Sơn rối loạn nhân tâm mà thua giặc Minh rồi

    Thích

  2. Nếu như Lê Lai như trong DVSKTT thì Lê Lợi giết là đúng nếu xét trong thời đại của ông ấy. Hành động giết Lê Lai rất cần thiết để chỉnh đốn kỷ luật tòan quân.

    Thích

    • Không thể nào. Chỉ vì cái tội “cậy công nói năng khinh mạn” mà bị giết là cho thấy Lê Lợi hơi hiếu sát đó bởi vì tội này chỉ đáng để phạt thôi, hơn nữa trong lúc Lê Lợi binh yếu thế cô cần người giúp thì không thể nào coi thường sinh mạng của người giúp mình. Thử hỏi trong lúc binh yếu mà chủ tướng thì hiếu sát thì có ai chịu phục tùng không? Huốn hồ gì đuổi giặc Minh và đem giang sơn về một mối…

      Thích

  3. Bài viết hay, có dẫn chứng lịch sử và lập luận chặt chẽ. Rất cần những bài viết như thế này trên diễn đàn chứ không phải những lập luận mơ hồ và chủ quan gây chú ý bằng những suy diễn trái ngược với lịch sử.

    Thích

  4. Lê Lai bị bọn giặc Minh treo lên rồi dùng xiên nung đỏ xiên lên khắp người để đốt cháy da thịt rồi sao đó dùng dao xẻo ra từng miếng thịt và vứt vào đống lửa xương cốt thì cắt ra từng đoạn rồi ném xuống sông còn thủ cấp đem về treo ở bên ngoài thành Lê Lợi biết và tổ chức người đi mò xương cốt và một nhóm đi ăn trộm thủ cấp( gần 10 ngày sau mới lấy trộm được thủ cấp ). mang về và làm lễ an táng v v
    Vậy thì làm sao có chuyện sống lại chứ? ? ?
    Năm 1427 Lê Lợi có xử trảm vị đại Tư mã đó Lê Quang còn có tên gọi khác là Lai , chứ không phải là Lê Lai cứu chúa, đây là sự ghi chép không rõ ràng của các nhà chép sử mà ra ! ! !

    Thích

  5. 2 vị suy luận thật hồ đồ. Nếu mang tội ngạo mạn khi quân thì bị trảm cả như con Nguyễn Trãi rồi…
    Cảm ơn tác giả đã chia sẻ những kiến thức uyên sâu của mình!

    Thích

Bình luận về bài viết này